CHIẾN LƯỢC TỔNG HỢP: NỀN TẢNG CHO SỰ THÀNH CÔNG CỦA SINGAPORE
Kinh nghiệm phát triển kinh tế của Singapore là hết sức xuất sắc Điều cốt lõi là: sử dụng ngân sách một cách chặt chẽ và trì hoãn sự hưởng thụ cho mai sau, cùng với những chính sách phân bố nguồn lực hiệu quả bằng việc trợ giá và cơ chế thị trường, sự can thiệp của nhà nước vào xã hội thông qua việc đem lại những cơ hội kinh tế, một chính quyền có đủ năng lực và trung thực, một tầm nhìn lâu dài và thái độ hợp tác hai bên cùng có lợi, mặc dù có khi phải trải qua những cuộc thương thảo căng thẳng. Tất cả những điều ấy gộp chung tạo nên những chính sách kinh tế và tâm thế hỗ trợ cho nhau đã đem lại những thành quả phát triển kinh tế đầy ấn tượng. Singapore đã xây dựng nên những định chế mạnh mẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng trong thời gian qua. Điều này đảm bảo việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế một cách hoàn hảo và là chỗ dựa trực tiếp giúp kinh tế tăng trưởng: việc gia tăng phương tiện sản xuất và năng suất ngày một cao.
Việc chính quyền can thiệp đã tạo ra những điều kiện giúp các nhà đầu tư tư nhân gặt hái lợi nhuận, chủ yếu thông qua các công ty đa quốc gia (MNCs – multinational companies). Họ đã đưa ra những cơ hội thuận lợi giúp các công ty đa quốc gia (MNC) phát triển. Ưu thế về mặt địa lý và di sản của một nền thương mại kho – cảng đã là những điều kiện thuận lợi ban đầu. Nhưng chính những chính sách ưu việt đã cung ứng cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại, một nền tài chính vững vàng với những biện pháp giảm thuế cùng một lực lượng lao động đủ sức cạnh tranh. Những định chế tốt đã đảm bảo cho sự bình ổn xã hội và chính trị, cũng như làm cho chính quyền trong sạch và hiệu quả. Pháp luật đảm bảo việc chia sẻ những lợi ích và cung ứng những cơ hội. Chính quyền đã có cách giải quyết hợp lý và không mang nhãn quan ý thức hệ: xây đắp sự phồn vinh chính là điểm mấu chốt trong tất cả các chính sách của họ để đem lại những thành tựu mà cả đất nước hằng mong muốn. Tiến trình tăng trưởng kinh tế đã tạo nên ý thức về mục đích và cộng đồng.
Sự tổng hợp những thành quả kinh tế, những định chế và cả nền kinh tế chính trị là những chủ đề lặp lại nhiều lần trong cuốn sách này. Những chính sách về thị trường lao động và những định chế khéo léo áp dụng đã minh chứng rằng một phương thức tổng hợp là nguyên lý nền tảng làm động lực cho sự tăng trưởng thành công của thành phố – quốc gia này. Mối quan hệ đối kháng giữa người làm công và giới chủ trước đây thường cản trở nhãn quan của chính quyền đối với sự phát triển nền sản xuất dựa vào đầu tư nước ngoài, dựa trên sức lao động, và hướng về xuất khẩu. Chỉ có sự cam kết thật sự của nhà nước tạo cơ hội cho tất cả mọi người góp phần, cùng với thu nhập được cải thiện rõ rệt, sự chăm lo sức khỏe, và giáo dục cho toàn thể nhân dân đem lại sự tin tưởng và tín nhiệm trong lòng người công nhân. Chính quyền đã vun đắp mối quan hệ với công đoàn, đối đầu với những thiểu số tàn dư chống đối và xây dựng những định chế hỗ trợ lập pháp và thương thảo lương bổng. Chính sách trả lương linh hoạt đã đảm bảo sự phân công lao động hiệu quả. Mức lương trung bình đã tăng dưới 5% hàng năm trong những năm từ 1973 đến năm 1997 và chế độ toàn dụng (full employment) đã phổ biến trong phần lớn thời gian ấy.[153] Dưới bàn tay chỉ đạo của nhà nước, những mảng công việc khác nhau này đã được kiến tạo thành một khối thống nhất nhằm phục vụ cho cả nền kinh tế và người lao động như một tổng thể.
Đấu tranh chống tham nhũng là một ví dụ khác cho thấy có nhiều yếu tố kết hợp với nhau trong một phương thức đa diện. Bắt đầu từ những nhà lãnh đạo cấp cao nhất, những nỗ lực xuyên suốt thực thi pháp luật chặt chẽ chống tham nhũng, bất kể ai dù ở địa vị nào; đãi ngộ xứng đáng cho những chức vụ hành chính nhỏ bé mà chính sách tài chính phải cung cấp những nguồn lực đủ sức ngăn ngừa lạm pháp, đồng thời giảm thiểu những cơ hội kinh tế hay chính trị tạo điều kiện cho tham nhũng, tất cả những điều này hợp lực cùng nhau. Một khi kết hợp tất cả những phương diện khác nhau này, những thành quả sẽ được tạo ra vượt trội hơn nhiều so với việc thực hiện từng phương diện riêng rẽ. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia và các quan chức cao cấp đã đến viếng thăm Singapore thời gian đó bày tỏ nguyện vọng là “học hỏi từ những thành công của họ” không chỉ trong lĩnh vực này mà cả những lĩnh vực khác. Thường thì họ lựa ra một vài lĩnh vực tương đối “ngon lành” như lựa món ngon trong một bữa tiệc buffet và áp dụng cho đất nước mình. Tuy nhiên, nếu bỏ những yếu tố chính ra, họ sẽ bỏ qua sức mạnh tổng lực, thậm chí sự chọn lựa của họ còn tệ hơn nữa. Lấy ví dụ như “món” lương bổng cao nếu chúng ta bỏ ra phần có liên quan với việc miễn trừ hiệu quả và mạnh mẽ với luật chống tham nhũng thì mọi chuyện sẽ trở nên phản tác dụng.
Chính sách về nhà cửa như đã hoạch định và điều chỉnh cho phù hợp trong những năm gần đây đã phục vụ rất nhiều mục tiêu. Nó đã giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp, tạo nên sự tăng trưởng về lợi nhuận, đóng góp vào sự hài hòa của các chủng tộc, đem lại niềm tự trọng, sự đoàn kết quốc gia thông qua quyền sở hữu, thông qua việc làm đẹp đất nước và giúp đỡ xây dựng mối quan hệ giữa những người lao động ngày một tốt đẹp hơn. Giải quyết các hạn chế ràng buộc ban đầu đã đem lại những hiệu quả nhiều mặt thích hợp, người ta đã giết hai con chim bằng một hòn đá, hay nói cách khác là nhất cử lưỡng tiện như ẩn dụ đã ghi lại từ ngàn xưa. Đến lượt những chính sách về nhà cửa này lại được kết hợp rất khéo léo với những đặc điểm khác trong chính sách của Singapore và trong việc xây dựng định chế ví dụ như quỹ dự phòng Trung ương (CPF) và Ủy ban Phát triển nhà (HDB).
MỘT NHÃN HIỆU SINGAPORE KHÓ BẮT CHƯỚC
Cho đến bây giờ thì quyển sách này đã tránh né dùng cụm từ “Mô hình Singapore.” Tự điển định nghĩa mô hình là: “Một tiêu chuẩn hay một tấm gương để bắt chước hay so sánh.” Khuyết điểm của cụm từ này trong đầu óc của tôi là sự liên tưởng đến việc bắt chước những nét đặc trưng thay vì tìm kiếm các nguyên lý được thử thách áp dụng cho những hoàn cảnh đặc thù của từng quốc gia. Làm sao chúng ta có thể mô tả nền kinh tế của Singapore? Nếu chọn một nhãn hiệu đơn lẻ thì chúng ta đã được chứng minh rằng nhãn hiệu này không dễ bắt chước. Nền kinh tế Singapore đã thách thức những sự bắt chước đơn giản bởi vì nó đầy các nghịch lý.
Một số người đã gọi đó là nền kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa. Quỹ Di sản Thế giới (Heritage Foundation) bảo thủ xếp Singapore vào những quốc gia có nền kinh tế tự do thứ hai trên toàn cầu, sau Hồng Kông vì bầu không khí hết sức hỗ trợ cho kinh doanh hữu hiệu nhìn một cách tổng thể.[154] Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) xếp Singapore vào: “nền kinh tế có tính cạnh tranh cao” hơn cả Nhật Bản và nước Anh trên bảng xếp hạng.[155] Freedom House ngược lại thường chú trọng đến luật dân sự, những quyền lợi chính trị và tự do dân sự đã xếp Singapore ở mức rất thấp và gọi đó là một quốc gia “tự do hạn chế”.[156] Một số người khác đã mô tả rằng Đảng PAP cai trị theo kiểu “độc tài tư bản chủ nghĩa” tương phản với chủ nghĩa xã hội chuyên chính ở các nước cộng sản.[157]
Lý Quang Diệu từng nhấn mạnh đến nguồn gốc xã hội chủ nghĩa trong quan điểm của mình: “Chúng tôi tin vào chủ nghĩa xã hội, sự phân chia công bình cho tất cả mọi người.”[158]Trong các tác phẩm thời kỳ này, người ta còn gọi nó là “chủ nghĩa xã hội thực dụng”[159] hoặc “chủ nghĩa xã hội hiệu quả”[160] và “chủ nghĩa xã hội thị trường”[161]. Những yếu tố của một “nền kinh tế hoạch định” cũng đã được nhận ra qua sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Một số người đã định nghĩa Singapore là một nhà nước hành chính phi chính trị và được lãnh đạo bởi những nhà kỹ trị kinh tế và có ý thức cộng đồng.[162]
Singapore đã được gọi là “Một quốc gia công ty chủ yếu điều hành bởi những nhà kỹ trị của Đảng PAP”[163] và là một “Công ty hoạt động tốt”[164] với một bảng cân đối tài chính vững mạnh và hành xử có trách nhiệm với tất cả “Những thành viên góp sức” của mình, bao gồm cả công chúng. Một số người khác thì lại nhấn mạnh đến vai trò các công ty đa quốc gia qua việc mô tả đặc trưng của nó như là “nền kinh tế tập đoàn do các công ty được nhà nước tài trợ thống lĩnh và phát triển với sự hợp tác của các công ty đa quốc gia.”[165] Một số người khác nhấn mạnh việc Singapore đã lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài và cả chất xám.
Schein đã nhấn mạnh đến “Chủ nghĩa thực dụng chiến lược”[166] và Low đã mô tả Singapore như một “Nền kinh tế được sản xuất bởi nhà nước”[167].
Điều nào đúng? Ở một khía cạnh nào đó tất cả đều đúng. Nền kinh tế Singapore được nhìn nhận như một sự thử nghiệm độc đáo, kết hợp những cơ chế quản lý tốt nhất sẵn có theo một đường lối linh hoạt, thực dụng và không theo sách vở – miễn là phù hợp với tình hình đặc thù. Linh hồn của nó là một tập hợp gồm những người lãnh đạo ưu tú nhất đã được bầu lên một cách dân chủ để làm theo mệnh lệnh của toàn dân là xây dựng sự phồn vinh cho đất nước. Ở đó quyền lợi của cộng đồng vượt lên trên quyền lợi của cá nhân. Xã hội chấp nhận một nền dân chủ ít phóng khoáng, nghĩa là chấp nhận hy sinh một số quyền lợi cá nhân để đổi lấy sự thịnh vượng lớn lao hơn và sự ổn định xã hội. Những nhà lãnh đạo ưu tú này cần sự liên tục trong chính sách để thực hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài của họ. Hệ thống chính trị gồm một đảng thống trị với những đảng khác được chủ động làm cho yếu đi, đã giúp nó không phải đối đầu với những thách thức từ các cá nhân mưu tìm quyền lực, của báo chí và các nhóm ủng hộ. Các nhóm này, không được đề cử, không hy vọng có thể thay đổi nghị trình hay can dự vào việc tìm “phương cách lãnh đạo đất nước Singapore” như lời Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong197 từng tuyên bố. Về phương diện này, thì quyền công dân đã được thực hiện trong việc chọn ra những nhà lãnh đạo qua những cuộc bầu cử định kỳ, một cách công bình, tự do để rồi giao quyền cho những nhà lãnh đạo hành xử mọi việc nhân danh họ.[168] Để thực thi điều này thì các nhà quản lý ưu tú phải tập hợp thành nhóm lãnh đạo tài năng, đảm bảo đổi mới thưởng xuyên để phát huy tối đa năng lực của toàn dân và có biện pháp ngăn ngừa tham nhũng. Sự lãnh đạo hiệu quả sẽ đảm bảo cho việc thực hiện các chính sách và định chế một cách hữu hiệu.
TRIỂN VỌNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN TƯƠNG LAI
Thành công của Singapore là là hiển nhiên. Nhưng liệu nền kinh tế này có phát triển đủ nhanh không? Và liệu rằng thỏa ước xã hội có giá trị mãi không? Nó có thể tồn tại về lâu dài không? Vào giữa thập niên 1990, Young và Krugman đã phát biểu theo quan điểm tân cổ điển như một lời phán quyết rằng việc tích lũy các yếu tố sản xuất không duy trì sự phát triển cao một cách mãi mãi được. Huff ghi nhận rằng sự tăng trưởng của Liên Xô ngày xưa đã chậm đi một cách đáng kể một khi cái ngưỡng của sự tích lũy tư sản đã đạt đỉnh điểm vào thập niên năm 1960. Liên Xô đã không thể tiếp tục phát triển mặc dù đã đưa ra những nghị quyết chính thức nhắm vào việc thể chế hóa phát triển kỹ thuật. Dĩ nhiên đó là một đường lối kinh tế chỉ huy và cũng là một xã hội khép kín cao độ, cuối cùng buộc phải thừa nhận sự thất bại trong cuộc chiến tranh tốn kém ở Afghanistan. Tuy vậy mầm mống hoài nghi đã dấy lên trong lòng các nhà kinh tế về sự trường tồn của kỷ lục phát triển kinh tế xuất sắc của Singapore khi nền kinh tế đã phát triển ở mức độ cao. Michael Porter đã từng cảnh báo: “Sự sáng tạo và cách tân là huyết mạch của sự tăng trưởng cho các quốc gia tiên tiến.”[169]
Để sáng tạo, đầu óc con người cần phải phải chuyển hóa các qui luật đã thành khuôn thước từ lâu. Tinh thần doanh nghiệp đòi hỏi chấp nhận rủi ro. Môi trường văn hóa Singapore không sẵn sàng tiếp nhận tính cách ấy. Những năm tháng khép mình trong một khuôn khổ xã hội và những tủi nhục đi kèm sau thất bại xã hội đã làm cho Singapore phải hoạt động miễn cưỡng trong một môi trường cởi mở nơi có rủi ro cao. Hệ thống giáo dục chú trọng đến chương trình được hoạch định một cách khắt khe và học sinh phải viết lại một cách trung thành những gì đã học ở những kỳ thi không dựa trên khả năng sáng tạo, năng lực làm việc độc lập.[170] Sự tuân thủ và gắn bó với luật lệ không hoàn toàn thích hợp khi mà mẫu mã sản phẩm, công tác marketing và chất lượng dịch vụ trở nên vô cùng quan trọng. Người ta cho rằng bản thân nhà nước đã dung dưỡng thái độ này. Sự chỉ đạo mạnh mẽ của nhà nước đã làm nản lòng những người dân Singapore trong việc mạnh dạn dấn thân vào những công việc không theo đường xưa lối cũ. Sự can thiệp nặng nề của nhà nước vào nền kinh tế đã được xem như làm tê liệt sức sáng tạo của các doanh nghiệp. Nhiều người đã xem tương lai chính trị của Singapore ràng buộc chặt chẽ với sự tăng trưởng kinh tế liên tục và nhanh chóng. Liệu rằng nhà nước có dung thứ chủ nghĩa cá nhân rộng rãi hơn và cho phép sự đa dạng vốn cần thiết cho sáng tạo và đổi mới?
Chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ từ rất sớm để giữ tính cạnh tranh toàn cầu cho nền kinh tế. Vào cuối thập niên 1990, một ủy ban cao cấp đã đệ trình kế hoạch với viễn cảnh chuyển hóa Singapore thành một thành phố toàn cầu hướng về yếu tố dịch vụ tiên tiến và tích lũy tri thức. Kinh tế phải liên tục phát triển một cách nhanh chóng dựa trên sự tăng trưởng của khu vực và khai phá những cơ hội khắp nơi trên thế giới. Năng suất trong sản xuất được nâng cao và việc đa dạng hóa là yếu tố then chốt trong việc duy trì ưu thế cạnh tranh với việc mở rộng huấn luyện kỹ năng cao cấp. Một ý tưởng khác là phát triển các mặt ưu việt và tạo điều kiện để cho một “tập hợp” các hoạt động có thể phát triển trong các ngành du lịch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục trung học phổ thông, trong các dịch vụ tài chính, y sinh học và gần đây là công nghệ truyền thông và kỹ thuật số tương tác cũng như quản lý cung cấp nước. Chi phí gộp để nghiên cứu và phát triển (R&D) đã nâng cao đều đặn từ 2% đến 3% GDP trong năm 2004 và sẽ lên 3% năm 2010.[171] Singapore đã chuyển hóa trở nên một thành phố – quốc gia mang tính văn hóa toàn cầu năng động, đem lại một mức phấn khích mà người ta tìm thấy ở London hay New York, có thể thu hút tài năng khắp nơi. Những phương tiện đầu tư tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đổi mới tư duy. Nhà cầm quyền đã khuyến khích các công ty bản địa nỗ lực để trở thành những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Những chương trình học ở mọi cấp được xem xét lại để hướng trọng tâm đến việc giải quyết các vấn đề và suy nghĩ sáng tạo nhằm giúp học sinh cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức. Có ai đó đã nói: “Sự đam mê và liều lĩnh dần dần sẽ được thêm vào danh sách truyền thống của tính kỷ luật và lòng kiên nhẫn”[172]. Mặc dù đường lối cơ chế thị trường độc đoán đã được nới lỏng đôi chút giáo dục Singapore vẫn không có sự sáng tạo, óc hiếu kỳ, ý thức mạo hiểm và tham vọng mà người ta có thể tìm thấy ở bất kỳ nền văn hóa nào, nơi mà tri thức thách thức kinh nghiệm truyền thống và quyền lực.
Mức tăng trưởng kinh tế trung hạn tiềm năng của Singapore trong những năm từ nay đến năm 2020 dự kiến sẽ giảm tốc từ 4,5% đến 5% mỗi năm. Các nhà kinh tế thuộc Ủy ban Giám sát Tiền tệ (MAS) đã dự đoán từ 4,5% đến 5,8% theo sự tăng trưởng của Tổng yếu tố sản xuất (TFP).[173] Một nghiên cứu gần đây do nhân viên IMF tiến hành như đã thảo luận ở chương I, đã đoán tỉ lệ 4,5% dựa theo bối cảnh phát triển trung bình trong 15 năm (xem hình 6.1)[174]. Kết quả dự kiến là giữa mức phát triển thực sự đạt được từ 1999 đến 2003 là 6,2% ở Singapore và một số nước công nghiệp là 2,5%. Sự phát triển của Singapore được người ta cho rằng sẽ giảm tốc vì sự phát triển chậm của lực lượng lao động và sự suy giảm tỉ lệ đầu tư. Dự đoán căn bản này giả định trình độ giáo dục và các kỹ năng tiếp tục nâng cao ở cùng một mức độ đã được ghi nhận trong thập niên gần đây, và rằng việc phát triển TFP sẽ duy trì ở mức độ trung bình trong những thập niên gần nhất và mức độ tăng trưởng của tổng giá trị sản xuất duy trì trung bình trong vòng 43 năm.[175] Tự do thương mại hai chiều và thỏa thuận hợp tác cũng như nhiều sáng kiến của nhà nước tiếp tục diễn ra nhằm chuyển những lĩnh vực kinh tế tăng trưởng cao như xây dựng một cơ sở giáo dục toàn cầu cho 150.000 sinh viên vào năm 2012 hay trở thành một nơi thu hút du khách chủ yếu có thể đóng góp vào tổng yếu tố sản xuất TFP này.
![][22]
Người ta cũng ghi nhận rằng tất cả những điều trên được thực hiện nhằm mục đích tăng trưởng GDP. Đồng thời cũng có thể hy vọng rằng tổng thu nhập quốc dân GNI sẽ tăng nhanh hơn GDP với điều kiện là Singapore tiếp tục ghi nhận thặng dư trong tài khoản nước ngoài hiện có của mình ở mức độ 15% GDP hay cao hơn trong khoảng thời gian trung hạn, vì điều này sẽ nhanh chóng nâng cao tích sản ròng của Singapore ở nước ngoài.
Một số nhà khoa học chính trị và những nhà quan sát đã hoài nghi rằng những bối cảnh trên sẽ đóng một vai trò hết sức thuận lợi như đã dự kiến. Văn hóa Singapore từ lâu nghiêng về kiểm soát và đè nén những điều bất mãn mà lâu nay đã bị phê phán. Dưới quan điểm của họ, Singapore không xứng đáng là một xã hội cởi mở.[176] Khi mà nền kinh tế phát triển từ nền tảng đầu tư sang nền tảng sáng tạo thì người ta cần một thái độ khác với tâm thế từ lâu đã mệt mỏi trong bối cảnh mà nhà nước quản lý mọi thứ. Càng phú quý càng dễ khiến người ta có quyền lên tiếng nói về những bất mãn hay đòi hỏi quyền lực chính trị của mình. Công ước xã hội có thể bị coi thường. Samuel Huntington cũng có quan điểm như vậy sau khi Lý Quang Diệu rút khỏi chính trường: “Hệ thống xã hội đã thoái hóa và suy tàn khi mà nạn tham nhũng đã xâm nhập vào… Sự hiệu quả và trung thực mà Lý Quang Diệu đã đem đến cho Singapore sẽ theo ông ta xuống mồ”.[177] Trong quan điểm của ông thì lịch sử đã chứng tỏ rằng những nhà độc tài giàu lòng hảo tâm đã không tồn tại nổi chẳng qua vì sự thiếu vắng những cơ chế phản hồi thích hợp cũng như những định chế giúp tự cải cách bao gồm việc tranh luận với công chúng, tự do báo chí, những hành vi phản đối, và cả những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cao với các đảng đối lập. Chỉ khi nào xã hội dân sự tự khẳng định và thực thi quyền kiểm soát của mình đối với chính quyền và buộc họ phải tuân thủ luật pháp và giữ gìn kỷ luật.
Luận điểm này của Davannair, tổng thống trước đây của Singapore đã được nhắc lại, người trở thành nhà phê phán nghiêm khắc chính quyền.[178] Năm 1994 ông đã viết rằng: “Đường lối lãnh đạo cứng nhắc của Đảng PAP đã không thể thích ứng với nền kinh tế ngày một tăng trưởng.” Tương tự, những lời lẽ của Huntington đã được nói bộc trực như vậy hay thủ tướng Goh Chok Tong đã hiệu triệu toàn dân nhằm chuyển điều dự đoán nguy hiểm trở thành ra một lời tiên tri bị phủ nhận, trung thành với truyền thống là biến nghịch cảnh thành những cơ hội tiến bộ.[179] Theo quan điểm đối lập của ông, các sự tự đổi mới quan trọng của Singapore có thể thực hiện được mà không cần những nhóm đối nghịch gây áp lực từ bên ngoài.
SỰ CỞI MỞ VỀ CHÍNH TRỊ
“Để phát triển, một quốc gia cần kỷ luật hơn là dân chủ theo quan điểm của phương Tây”
Lý Quang Diệu.[180]
“Chúng ta đánh giá cao giá trị của chúng ta…, nhưng đôi khi chúng ta đánh giá các quốc gia khác dựa theo tiêu chuẩn nền văn minh của chúng ta”.
Henry Kissinger.[181]
Singapore đã từng được mô tả là nền dân chủ thiếu “cởi mở”. Như một nhà khoa học chính trị đã nói: “Chính quyền Singapore tỏ ra nổi bật khi cương quyết duy trì độc quyền quản lý chính trị trong một nền chính trị hướng về phát triển kinh tế.”[182] Những nhà lãnh đạo ưu tú của Singapore đã tự hào tin tưởng rằng họ có quyền đặt ra khuôn mẫu những hình thức tổ chức phù hợp với định chế chính trị trong hoàn cảnh riêng của họ, cũng như hoạch định thời gian và họ đã hài lòng chứng minh sự đúng đắn của mình.[183] Những định chế chính trị đã phát triển như những cuộc trưng cầu dân ý ở các quốc gia phương Tây phát triển trong nhiều thập niên qua. Trong quan niệm ấy, một phong cách dân chủ toàn diện kiểu phương Tây được mọi người ưa thích và sẽ được đưa vào đời sống từng bước cùng với sự phát triển của giai cấp trung lưu trí thức đã hình thành.214 Giờ đây thì niềm tin vào giai cấp lãnh đạo Singapore và một đảng cai trị đã giải thích thái độ của họ đối với phe đối lập và giới truyền thông. Theo quan điểm của chính quyền thì giới truyền thông và những chính khách đối lập đã chỉ phục vụ chương trình hành động của họ mà không tính đến rủi ro gây thêm bất mãn trong lòng công chúng, cũng như tạo nên thái độ vô trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách. Chiến lược kinh tế mà chính quyền đang mưu cầu đã buộc người ta phải suy xét đến kỷ luật sử dụng tài chính công đã được duy trì từ nhiều thập niên qua để xã hội được hưởng lợi ích bội phần. Kết quả là Singapore đã thành công vượt bậc. Kết quả là Singapore đạt được thành công cao độ. Theo quan điểm của chính quyền thì những lời phê bình chủ yếu đưa ra đánh đồng với sự rủi ro, coi thường chiến lược kinh tế chính trị qua việc làm đảo lộn sự đoàn kết nội tại và trật tự xã hội và do đó ảnh hưởng đến toàn thể nền an sinh xã hội. Những bài ca quyến rũ (ví dụ như những điều khoản phúc lợi và điều kiện sống dựa trên nhu cầu) chỉ tập trung vào một khía cạnh hạn chế của thực tại phức tạp không thể mê hoặc nổi Singapore từ bỏ con đường dựng xây số phận của mình và bị phân tâm vì những mục tiêu thứ yếu. Việc chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng trong năm 1990 và 2004 – Thủ tướng đương nhiệm là con trai của ông Lý Quang Diệu giúp duy trì sự kế tục của chính sách cũ, do đó giảm bớt hoang mang nơi các nhà đầu tư.[184]
Nhiều người phản đối quan điểm này. Amartya Sen, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1998 đã kêu gọi phải tuyên bố dân chủ như một “giá trị phổ quát”. Ông ta nói: “Một quốc gia không nhất thiết phải thích hợp cho dân chủ mà nó phải trở nên thích hợp thông qua con đường dân chủ”.[185] Ông ta nhấn mạnh ba lý do. Thứ nhất việc tham dự vào đời sống chính trị và bản thân nội hàm của tự do có tầm quan trọng đối với đời sống con người, như đã từng chứng kiến bởi những người ủng hộ cho nền dân chủ bất cứ khi nào họ lựa chọn; thứ hai, kinh nghiệm ở các quốc gia như Ấn Độ, đã chứng minh nhu cầu phải có phe đối lập dân chủ hữu hiệu, và có những quyền dân sự trọn vẹn, bao gồm quyền phản đối và tự do báo chí, để yêu cầu chính quyền đáp ứng nguyện vọng dân nghèo – trong trường hợp lịch sử của Ấn Độ nhằm chống lại sự đói kém – Và buộc chính quyền phải giải thích về việc sử dụng tài chính; thứ ba là vì vai trò xây dựng của các cuộc tranh luận tương tác không hạn chế nhằm buộc chính quyền phải cạnh tranh với các nhà đối lập trong hoặc một diễn đàn dân chủ hiệu quả nhằm tạo dựng giá trị cho nhân dân và phải cùng cảm thông những nhu cầu về quyền lợi và bổn phận của họ. Singapore cũng lưu ý rằng các chứng cớ thực nghiệm về những lợi ích đạt được giữa kết quả kinh tế và nền dân chủ không phải là không xác định được: Nền dân chủ bao gồm những quốc gia kinh tế siêu sao, ví dụ như ở Boswana, nhưng các nước khác lại có thành tích kinh tế kém cỏi; những chế độ chuyên quyền đã kể tên Singapore vào danh sách thành công, nhưng nhiều chế độ lại thất bại thảm hại.
![][23]
Hình vẽ 6.2 mô tả những các mối tương quan thống kê được giữa mức độ dân chủ, đánh giá các quyền chính trị (Tính cạnh tranh của hệ thống chính trị và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo) và mức độ của thu nhập trên đầu người. Những dữ kiện này dựa theo những bậc thang 7 điểm với 1 điểm tượng trưng cho tình trạng ít dân chủ nhất và dựa theo sự phân loại các quốc gia theo phúc trình của Freedom House năm 2000.[186] Các quốc gia giàu có có khuynh hướng dân chủ nhiều hơn nhưng mối tương quan nhân quả giữa hai vấn đề này thì chưa rõ ràng. Có lẽ những quốc gia giàu có hơn đòi hỏi dân chủ nhiều hơn: Nam Hàn dần dần đi ngược lên hướng đông bắc trong sơ đồ phân bố rải như trên. Nhưng mối quan hệ được thống kê không rõ nét lắm. Như Robert Parro chỉ rõ (năm 1997) nền dân chủ không giúp được cũng như kềm hãm sự tăng trưởng kinh tế dựa theo các chỉ số thực thi luật pháp, thị trường tự do, sự tiêu dùng của nhà nước ở mức độ thấp, hoặc tích lũy cao nguồn lực con người, hoặc các chỉ số khởi điểm GDP trên đầu người để lại ấn tượng nền dân chủ là một biến số thêm vào nhưng về mặt thống kê lại không rõ nét. Tác dụng của dân chủ thì mơ hồ như là Weil đã chỉ ra: Về mặt tích cực, thì nền dân chủ và tự do chính trị đã đặt giới hạn cho những hình thức cai trị tệ hại nhất bao gồm chế độ độc tài và những kẻ lộng quyền. Nhưng nền dân chủ cũng có khuynh hướng khiến cho chính trị mất ổn định và nếu tính toán ngắn hạn, người ta phải hy sinh những tăng trưởng kinh tế dài hạn chỉ vì những mục tiêu bầu cử ngắn hạn. Thuế má tăng cao cho mục đích tái phân bổ có thể làm giảm hưng phấn và gây nên sự thiếu hiệu quả có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Theo quan điểm của Barro thì mức độ tối ưu của dân chủ đứng từ quan điểm tăng trưởng kinh tế là khoảng giữa của thang đánh giá này. Nếu phân tích của ông ta là đúng, thì dân chủ chỉ là một sản phẩm xa xỉ mà các quốc gia giàu có sẽ lựa chọn cho dù nó giảm bớt lợi tức.[187]
Về vấn đề tự do báo chí, Singapore và các nước phương Tây không cùng quan điểm. Freedom House tuyên bố rằng báo chí không có tự do ở Singapore: các nhà báo thực hiện việc tự kiểm duyệt hơn là liều lĩnh để bị buộc tội với bộ luật hình sự nghiêm ngặt của đất nước này. Việc xuất bản các ấn phẩm của nước ngoài cũng bị hạn chế bởi vì có thể in những tin tức can thiệp vào chính sách nội địa. Những nhà báo lỗi lạc trong nhiều năm qua đã lặp đi lặp lại lời kết tội ông Lý Quang Diệu là một nhà độc tài giống như kiểu Saddam Hussein.[188]
Như một quốc gia vương quyền có một nhà nước được bầu lên và cùng với quốc hội, Singapore đã quan niệm rằng mệnh lệnh của đất nước họ là đề ra luật lệ của riêng mình báo chí phải quan niệm khác với các giá trị và khuynh hướng phương Tây. Chính quyền của Đảng PAP đã thách thức các quan điểm khi cho rằng nơi nào báo chí được tự do, thì nơi đó là một cái chợ hỗn độn ý tưởng mà người ta phải lựa ra những gì vô trách nhiệm và lầm lỗi trong số những ý tưởng có trách nhiệm và đúng đắn, đồng thời tưỏng thưởng cho những ý tưởng ấy trong một thời gian cho phép. Đòi hỏi cấp thiết về chế độ báo chí không kiểm duyệt như là phúc lợi chung xã hội nhằm mục đích lãnh đạo vững mạnh đã bị khước từ trong lịch sử Singapore, cho dù chính quyền đã được nhìn nhận là liêm chính. Chính quyền cũng nhấn mạnh đến quyền công bố các câu trả lời bằng văn bản theo đúng ngôn ngữ của họ nếu họ phát hiện báo chí đã tường thuật sự việc một cách sai lệch. Một quan điểm lâu đời ở Singapore là các nhà lãnh đạo cho rằng vì quyền lợi kinh tế đã khiến các ông chủ gây ảnh hưởng đến trái tim khối óc của độc giả, tức là những cử tri ở Singapore, bằng cách trình bày quan điểm của họ và do ảnh hưởng đến nền chính trị trong nước. Một băn khoăn khác là nền tự do báo chí có thể khích động các cuộc đấu tranh dân sự bằng những vấn đề hết sức nhạy cảm hoặc khai thác các vấn đề liên quan đến tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc. Quyền lực của nhà nước đối với con tim và khối óc của cử tri trở thành một vấn đề cần lưu ý. Nói theo ngôn ngữ của Lý Quang Diệu: “Đối với một quốc gia non trẻ như Singapore, tôi cần các cơ quan thông tấn phải củng cố nhưng không được làm xói mòn những giá trị văn hóa và tâm thế xã hội. Tự do báo chí phải được đặt vào hàng thứ yếu đối với nhu cầu chủ yếu của Singapore và mục tiêu tối thượng của chính quyền được nhân dân bầu ra. Mặc dù việc này đã làm thu hẹp các phạm vi quan điểm tờ báo bởi vì báo chí không được phép đối đầu. Nó loại trừ các cuộc tranh luận chất lượng cao dù thực sự đã diễn ra. Hơn nữa nhà cầm quyền cảm thấy rằng phải thách thức những bản báo cáo sai lệch của báo chí, cần thiết thì đưa ra tòa nếu nó làm dân chúng quên mất sự tôn trọng, làm nhà cầm quyền mất uy tín và quyền lực đối với các cử tri.[189]Các nhà lãnh đạo phải tỏ ra cương quyết, nếu không họ sẽ bị đào thải.[190] Tuy nhiên như ông Lý đã từng thừa nhận rằng: “Với sự phát triển internet… chúng ta không thể và không nên ngăn chặn tiếng nói của nước ngoài. Nhưng quan điểm của nhà nước Singapore về những vấn đề chủ yếu phải được người Singapore biết”.
NHỮNG THỬ THÁCH PHÍA TRƯỚC
Nhà cầm quyền Singapore không ngừng dõi mắt nhìn chân trời phía trước để xem chừng những áng mây mới nào có thể che mờ sự tăng trưởng kinh tế, đe dọa sự ổn định xã hội. Những thử thách đối với vị trí cạnh tranh của đất nước này, trong một thế giới toàn cầu hóa nhanh chóng, được giải quyết trên cơ sở những kế hoạch kinh tế nhà nước, các sách lược và những nguồn ngân sách liên tục phát triển. Trung Hoa và Ấn Độ là những mối quan tâm hàng đầu của họ, vì sự thăng tiến của hai nước này buộc Singapore phải liên tục tái cơ cấu để duy trì chế độ toàn dụng. Về mặt tích cực thì sự năng động của hai quốc gia này theo thời gian cũng đem lại những triển vọng về kinh tế, bớt lệ thuộc vào kinh tế Mỹ. Giữ cho các nước ASEAN tiếp tục con đường vươn đến những dự án đầy tham vọng là tạo khối kinh tế thống nhất vào năm 2015, và do đó nâng cao vị trí địa lý của những nước trong khu vực này, làm trung gian giữa Ấn Độ và Trung Hoa như là vai trò của khu vực này trong lịch sử và là một phần trong chiến lược địa chính trị của Singapore. Một thử thách khác gần gũi hơn là giữ Singapore như một quốc gia tổng hòa. Ở đó nhân dân Singapore chính là nguồn lực của họ mà sự an sinh là mục tiêu cuối cùng của các chính sách. Nhưng những cư dân trên hòn đảo này là ai? Những lực ly tâm ảnh hưởng đến qui mô cấu tạo của lực lượng lao động và dân số trong tưong lai. Tỷ lệ sinh đã giảm khi phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn hơn. Việc di cư ra nước ngoài đã bắt đầu xảy ra và những tài năng trẻ của Singapore đã tìm thấy cơ hội ở nước ngoài. Qui mô tối ưu của dân số dự định vào khoảng 6 triệu người. Dường như Singapore đã khéo nằm ở một nơi khá hấp dẫn đối với những người nhập cư trong hạn tuổi lao động, bởi vì nó có thể cạnh tranh về thu hút tài năng với nước ngoài và lại đưa ra những đề nghị tuyển dụng hấp dẫn. Thành phần lao động nước ngoài được dự đoán chiếm khoảng 30%, vẫn được kỳ vọng gia tăng nhiều hơn nữa. Công ty Biopolis – một tổ hợp y khoa khổng lồ đã nhắm đến mục đích thu hút hàng nghìn người xuất sắc. Liệu rằng Singapore có thể phát triển thành một thành phố toàn cầu cho những thành phần ưu tú từ các nước đến hay chỉ dành cho cư dân bản địa? Việc thường trú của họ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đem lại cho Singapore một bản thể và một linh hồn.
Ở đây đặt ra một lĩnh vực tiềm tàng va chạm, đó là khi những công nhân lớn tuổi không có tay nghề nhận ra sự gia tăng nhập cư của người nước ngoài chính là nguyên nhân tạo cho điều kiện tìm việc làm của họ ngày một khó khăn. Khoảng cách về thu nhập có thể gia tăng giữa những phần tử thuộc giai cấp tinh hoa bên trên, có thu nhập cao với đời sống và phong cách hoàn toàn khác với những người đang vật lộn dưới đáy xã hội mà nhà cầm quyền đã khẳng định phải ngăn ngừa việc họ trở thành kẻ cùng đinh vĩnh viễn trong xã hội.
Quan hệ giữa các chủng tộc cũng đã nổi lên như một vấn đề cần giải quyết khi mà các nhóm thiểu số nhận thấy quyền phát triển, các cơ hội kinh tế của họ bị giảm thiểu, bao gồm cả việc bị bất lợi khi họ không thông thạo tiếng Hoa, mà sự thăng tiến của người Hoa là một trong điều nổi bật. Di sản đáng tự hào của những ngôi trường Hồi giáo trong việc thúc đẩy vấn đề giáo dục đạo Hồi tiếp tục thu hút những người trẻ trong số 15% dân số gốc Malai /thuộc cộng đồng Hồi giáo, nhưng việc học kinh Koran và tiếng Ả Rập có lẽ sẽ không giúp họ được tham dự vào một thị trường lao động đầy tính cạnh tranh. Dân số Singapore sẽ già đi nhanh chóng từ năm 2015, dù có ngăn lại việc nhập cư gia tăng hay đảo ngược tỷ lệ sinh đang sút giảm hiện nay như chính quyền khẳng định. Giữ Singapore luôn vươn về phía trước đòi hỏi người ta phải đoàn kết cùng nhau và không được để những công dân dễ bị tổn thương rơi lại phía sau.
Môi trường chính trị là một thử thách khác. Singapore là một đất nước về mặt thống kê nằm ở đảo, xa trung tâm lục địa. Trên các sơ đồ rải rác ở trong sách này, nó chiếm một vị trí không ngờ cho dù thu nhập đầu người ở mức rất cao. Như một nhà quan sát đã diễn đạt: “Nền kinh tế Singapore không chắc là một nền kinh tế do nhà nước chỉ huy hay chính sách của họ có lẽ cũng chưa chắc phi dân chủ, bất chấp mức độ thu nhập và nền giáo dục mà người Singapore đang thụ hưởng thuộc loại cao nhất ở trên thế giới này”.[191] Có một sự song hành giữa thái độ cởi mở đáng ngạc nhiên của nhà cầm quyền đối với những ý kiến từ khắp nơi trên thế giới và với ác cảm về những bất mãn của công chúng. Đảng PAP phản đối quyết liệt những thách thức đối với quyền lực của họ, một đặc điểm mà người ta nhận ra trong những cuộc đấu tranh để sinh tồn trước nay. Tuy nhiên cùng với sự giàu có đang tăng lên, với nền giáo dục hàng đầu, sự tiếp cận với thế giới và sự tự tin đang mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người Singapore mong muốn bày tỏ ý kiến của mình trong những cuộc thảo luận chính trị cởi mở hơn về việc làm thế nào để tổ chức đời sống cộng đồng tốt hơn, cho dù họ có thể không thích dấn thân vào con đường chính trị đảng phái. Nhiều người nhấn mạnh đến không gian và cơ hội bày tỏ sự bất mãn cho dù họ vẫn muốn tuân thủ luật pháp. Các bậc cha ông đã tạo nên một căn nhà tuyệt vời nhưng thế hệ trẻ này vẫn cứ mong muốn tân trang nó lại, nếu không thì tự tay họ sẽ xóa bỏ nó đi hoặc thả cuộc đời trôi dạt trong lối sống hưởng thụ hoặc sống với lòng căm ghét.
Nhà cầm quyền của Đảng PAP đã nhận ra nhu cầu đòi hỏi phải cởi mở hơn miễn là quyền lực của họ không bị đe dọa. Như Lý Hiển Long nói khi còn là phó thủ tướng: “Việc kết hợp giữa một xã hội dân sự đầy năng động và một nhà cầm quyền mạnh mẽ sẽ không dễ dàng thực hiện. Miễn là những cuộc tranh luận về chính sách, giới hạn tranh luận vẫn còn để ngỏ và ở đây không có những chủ đề cấm kỵ… Nhưng nếu đó là một cuộc tấn công vào vai trò thích hợp của nhà nước trong việc cai trị… phải được giải quyết như một vấn đề bao quát hơn”.[192] Đối với Đảng PAP thì thử thách dường như là làm thế nào nới lỏng được một số cương vực chính trị mà không tỏ ra yếu kém hay suy nhược khi phải đối đầu, làm sao để có thể thiết lập quan hệ đáng tin cậy hơn nữa với xã hội dân sự mà không bị rơi vào tình trạng hỗn loạn, làm sao có thể có tiếng nói trong bối cảnh chính trị đa nguyên mà không tỏ dấu hiệu đấy là sự khởi đầu cho sự chấm dứt hệ thống lãnh đạo Singapore hiện hữu.
Việc không nhất trí với những giá trị thì được xem là hợp pháp trong xã hội hiện đại. Sự lựa chọn của nhân dân ở từng thời điểm khác nhau có thể khác nhau: một số người ưa thích tiết kiệm; một số người khác thích xài tiền vào lúc này. Vấn đề then chốt của chính sách bao gồm đường lối tương lai của tiết kiệm và đầu tư, vai trò của kinh tế ngoại vi, tốc độ của việc chuyển hóa các công ty nhà nước và chiến lược cho những người nhập cư là những vấn đề hợp pháp cho các cuộc thảo luận chính trị bàn về những hệ quả liên quan. Phải chăng sự hiện diện thường trực của nhà nước trong mọi lĩnh vực đời sống cũng cần thiết cho sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế? Trong những cuộc tranh luận như thế thì thế hệ trẻ Singapore sẽ có sự quan tâm sâu sắc hơn, và việc làm thế nào các thế hệ lãnh đạo cha anh trước đây có thể chuyển dịch được bài học gay go và thực tế của thập niên vừa qua vào thực tại của thế kỷ 21 hiện nay mà không thổi phồng lên những rủi ro, dường như đã xuất hiện. Điều có lẽ còn quan trọng hơn nữa là nếu các nền kinh tế châu Á khác đạt hiệu quả cao, và khi giải quyết tốt những khuyết điểm của các chính sách chủng tộc và tôn giáo của riêng họ, cho phép sự tham dự ngày càng nhiều hơn nữa của dân chúng vào đời sống chính trị. Khi mà thành phần cử tri trở nên đa dạng phức tạp hơn thì nhà nước cũng phải trở nên như thế. Giá trị cũng như phương thức hành xử sẽ không tồn tại bất biến ở Singapore cho dù những qui tắc được các nước khác ủng hộ thì không được chấp nhận ở đây. Cuộc tranh luận cởi mở vẫn diễn ra với những vấn đề ví dụ như trốn quân dịch, sòng bạc ở Singapore và cách cai trị kiểu công ty đối với các tổ chức từ thiện như NKF, mà không dựa trên năng lực và sự trong sáng trong tư cách chính trị của các cá nhân đang nắm giữ quyền lực.[193] Trong ngôn từ của Bộ trưởng Nội các, Tiến sĩ Vivian Balakrishnan, về chủ đề tự do chính trị, Singapore sẽ: “cấp tiến một cách thận trọng” hơn là “cách mạng về ý thức hệ”.[194]
Các nguồn thông tin đáng tin cậy sẵn có sẽ cải thiện chất lượng các cuộc tranh luận công cộng, chính quyền sẽ tăng cường cung cấp các thông tin quý giá những năm gần đây. Quan điểm của công chúng khi xem xét hoạt động của công ty Temasek Holdings trong báo cáo thường niên lần đầu được công bố vào tháng 10 năm 2004 đã được hoan nghênh vì sự minh bạch.226 Nhưng yêu cầu có lẽ còn gia tăng khi công chúng đòi hỏi được biết trong những cuộc đối thoại về các vấn đề của quốc gia bao gồm tài chính vĩ mô. Sự minh bạch phải nhiều hơn nữa về những thương vụ liên quan đến chi tiêu chính phủ, thu nhập từ các đầu tư nhà nước bao gồm các công ty quốc doanh (GLC) và những số liệu được ghi nhận từ bộ phận tài chính công liệu có phù hợp với nguyên tắc kế toán quốc tế, những điều này sẽ tăng cường sự hiểu biết của dân chúng về kinh tế Singapore.[195] Người ta cần chia sẻ nhiều thông tin hơn nữa với công chúng mà không đe dọa lợi ích chiến lược của các công ty quốc doanh trong một thế giới cạnh tranh hoặc việc tiết lộ những thông tin nhạy cảm của thị trường, hoặc cũng có thể làm cho các công chức cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi phải đáp ứng những nhu cầu về dữ kiện. Sự công bố càng nhiều càng làm cho hoạt động của các công ty nhà nước ở nước ngoài dễ dàng hơn và làm yên tâm các nhà đầu tư về những hoạt động tài chính và sự lành mạnh như trường hợp báo cáo của công ty Temasek.
Cổ phiếu vẫn tiếp tục gia tăng khi sự thặng dư vẫn tiếp tục tích lũy trên bảng cân đối tài chính, và cả trong ngân sách nhà nước khi người ta đánh giá tổng thể. Những nguồn quỹ công cộng vẫn sẽ được huy động bằng việc tiết kiệm đầy cố gắng của người dân. Những nhà lãnh đạo ưu tú phải chịu trách nhiệm quản lý các quỹ này, phải ý thức về trách nhiệm tài chính và không có lý do gì để hoài nghi rằng họ sẽ không hành động như những người thực sự đáng được tin cậy. Tuy vậy niềm tin vào khả năng chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức cao và hệ thống kiểm tra nội bộ thích hợp cũng như những bảng cân đối tài chính sẽ không thay thế trách nhiệm của họ đối với công chúng về hiệu quả công việc. Khi mà quần chúng ngày một tinh tường hơn, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến tài chính thì sự đòi hỏi công bố nhiều hơn nữa sẽ đóng góp vào những cuộc thảo luận có chất lượng thông tin cao về đường lối chính sách kinh tế của nhà nước cũng như vào những lĩnh vực lớn hơn của nền chính trị. Điều này cũng phù hợp với xu thế hiện nay về tài chính của các công ty không chỉ ở Singapore, nơi mà sự đòi hỏi công bố gia tăng, để củng cố lại những chế độ hiện hành và tăng cường trách nhiệm.
Nền tài chính vĩ mô của Singapore và những mô thức phát triển của nó nói một cách tổng quát thì hết sức chặt chẽ và vững mạnh. Chính quyền có thể tin cậy bảo vệ những lĩnh vực quan trọng. Việc tiết kiệm cao đã đem lợi rất lớn cho nhà nước. Công bố tất cả qui mô lớn lao của nó và những chi tiết sẽ không làm giảm đi sự ủng hộ đối với chính sách bảo thủ trong lĩnh vực chi tiêu tài chính.[196] Tỷ lệ tiết kiệm gia tăng nhanh chóng sẽ đối ứng với việc chi tiêu cá nhân giảm một cách đều đặn trong tổng sản phẩm kinh tế quốc dân (GDP) từ 77% năm 1966, và hạ thấp đến 40% năm 1999, phản ảnh tầm quan trọng ngày một cao của việc đầu tư cũng như xuất khẩu trong tổng thể chi phí của quốc gia.[197]
Tỷ lệ tiêu thụ như vậy là thấp so với bất kỳ quốc gia phát triển nào. Công dân Singpo đã chấp nhận phần tiêu thụ của mình có thể thu nhỏ lại so với GDP, miễn là toàn bộ cái bánh lớn này tiếp tục gia tăng nhanh chóng sao cho các phần bánh tuyệt đối mà người công nhân có thể được chia tiếp tục tăng lên. Đây từng là trường hợp đã xảy ra: mức tiêu thụ thực sự của một công dân Singapore (tính bằng đô la Singapore) đã tăng từ 10.000 đô la Singapore năm 1967 lên đến 24.600 năm 1997, một mức tăng kép là 3,3% hàng năm.[198] Phần đông dân chúng có khuynh hướng cho rằng sự cẩn trọng trong việc sử dụng tài chính đã được giải thích khi xét về tính chất dễ tổn thương nhiều mặt và bất ổn của Singapore, như các rủi ro đánh mất các nhà máy đa quốc gia vào tay nước khác có chi phí thấp hơn, sự khủng hoảng trong khu vực cũng như những đe dọa về an ninh, sự suy thoái kinh tế toàn cầu hay những dịch bệnh và về lâu về dài, có lẽ phải tính cả đến mực nước biển tăng cao. Các chính sách khôn ngoan đã trang bị cho Singapore những điều tốt đẹp hơn các xã hội tiên tiến khác để đối đầu với thử thách trong tương lai với một dân số già nua cộng với tình trạng thất nghiệp đang phải cơ cấu lại.
Những người ngoài cuộc sẽ hào hứng theo dõi sự phát triển của Singapore. Khi nhìn sâu đến tương lai, tình hình diễn ra vào năm 2006 được xem như điều kiện khởi đầu cho bất cứ một hành động nào khi nhắm đến tương lai. Singapore sẽ phát triển như thế nào trong vòng 15 năm tới? Chính quyền có thể sẽ hoàn thiện mô hình hiện tại mà ở đó những nhà lãnh đạo ưu tú, những nhà kỹ trị đang dìu dắt xã hội. Thành phần này sẽ làm mọi việc trong quyền hạn của nó để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển năng động và trong tiến trình đó luôn luôn làm cho Singapore mãi là một miền đất hấp dẫn. Trong khi vẫn tiếp tục tìm sự cân bằng để đảm bảo tương lai kinh tế của quốc gia với mối quan tâm lâu dài về bản thể cũng như về tính trung thực. Rõ ràng người Singapore dường như được trang bị đầy đủ để đối đầu với thử thách tương lai, họ đã có một nền tảng vững vàng gồm những giá trị và thành tích thắng lợi về kinh tế cho phép họ tự tin. Như câu nói của Linda Low: “Người Singapore rất thực dụng và luôn là những người tuân theo thực tiễn mà hành động. Họ sẽ không xét lại thành tựu của Đảng PAP”[199]. Thành phần cử tri có giáo dục và khôn ngoan luôn luôn là những kẻ tuân thủ luật pháp một cách rất đáng ngạc nhiên. Ngăn ngừa một sự suy thoái toàn cầu hay những hiểm họa khôn lường, bản dự báo cho thấy dường như luôn lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí tốt hơn nữa, về mức phát triển kinh tế bình ổn trung bình vào khoảng 5%, tiếp tục những phát triển có chất lượng và một mô hình mở rộng cho sự tham gia rộng rãi hơn nữa của toàn dân.
NHỮNG GÌ CÁC QUỐC GIA KHÁC CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC
Một người bạn trong lúc vội vã đã hỏi tôi rằng liệu tôi có thể tóm tắt cuốn sách này cho họ trong một câu được không: Singapore đã kiến tạo sự phồn vinh cho mình thông qua một chiến lược đầy sáng suốt. Tuy nhiên hy vọng của tôi là độc giả có thể tìm thấy ở đây những kiến thức hữu ích cho bất kỳ một quốc gia nào khác, trong khi phải cân nhắc hoàn cảnh của chính mình. Nói theo ngôn ngữ của Woodrow Wilson đối với các công dân Mỹ của mình: “Là một quốc gia, bạn không bao giờ học được từ những yếu kém hay là những điều tốt đẹp của chính mình khi so sánh chúng ta với chính chúng ta”. Và sau khi nghiên cứu những nền văn hóa khác: “Chúng ta quyết định ăn cơm nhưng không nhất thiết chúng ta phải ăn bằng đũa”.[200]
Chủ đề chính đã xuất hiện trong những câu chuyện về Singapore. Nó bao gồm vai trò của việc tiết kiệm để rồi xây nên những cơ sở hạ tầng thuộc loại hàng đầu; tiềm năng tham gia của lực lượng lao động và thành phần nhập cư ngày một gia tăng; tầm quan trọng then chốt của việc phát triển kinh tế trong số những mục tiêu quốc gia; việc chia sẻ những cơ hội tăng trưởng một cách rộng rãi cho phép mọi người dân làm việc hữu hiệu hơn qua việc hấp thụ một nền giáo dục ưu việt và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; việc hồi phục nhanh chóng nền kinh tế vĩ mô và tiềm năng tạo ra công ăn việc làm từ cơ chế chính sách lương linh hoạt; những nhân viên hành chính có năng lực và sự trong sạch của nhà cầm quyền; kỷ luật trong sử dụng ngân sách và để dành những khoản thặng dư trong những năm phát triển; mối quan hệ tương tác hai bên cùng có lợi giữa các công ty đa quốc gia và người lao động; duy trì sự hòa hợp về chủng tộc; học hỏi từ các nước khác những điều thực dụng; luật lệ và những chính sách được hoạch định tốt: Tôi tin tưởng rằng những mô hình được khai triển trong quyển sách này – đi từ kết quả của việc tăng trưởng kinh tế và những nguyên nhân gần của nó đến những điều kiện, những chính sách định chế và việc thực hiện nền kinh tế đã đem lại một khuôn mẫu hữu ích để phân tích những kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước khác với thước đo so sánh là Singapore. Để kết luận chúng ta có thể nêu ra ba bài học sau đây.
Thứ nhất là Singapore đã tuân thủ một chiến lược tổng hòa để phát triển. Những kết quả, chính sách, những định chế, những giá trị xã hội và văn hóa cũng như sự năng động về mặt chính trị trong khi thực hiện, tất cả những điều này hỗ trợ cho nhau. Chính quyền đã theo đuổi một đường lối chiến lược tổng hợp, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực từ tài chính đến tiền tệ, giáo dục, giao thông, nhà cửa, lương bổng, hệ thống pháp luật và cả việc thực thi luật, thị trường lao động và sự bình ổn chính trị cũng như pháp lý. Kết quả là một hệ thống chặt chẽ kết nối những mắt xích hỗ tương đan kết vào nhau tạo nên một kết quả mạnh mẽ.
Một chủ đề thứ hai xuất hiện xuyên suốt là những nguyên lý căn bản hay những chức năng then chốt, ví dụ như sự ổn định về mặt tiền tệ, hay là một chính quyền phản ứng nhanh và có trách nhiệm; những áp dụng đặc thù trong hoàn cảnh từng quốc gia. Mỗi quốc gia phải theo những lộ trình nhất định của riêng mình. Những định chế tốt có thể mang nhiều hình thức khác nhau. Mỗi quốc gia phải tự khoác lên những kiểu thời trang phù hợp với những đặc trưng chính sách và định chế được may sao cho vừa vặn với điều kiện lịch sử và địa lý đất nước mình, trong khi vẫn phải duy trì những nguyên lý chung đã được chứng minh là vững mạnh theo thời gian và các không gian khác nhau. Nhưng không có sự linh hoạt đối với nhu cầu đòi hỏi những bước đi nhất quán nhằm vươn lên phía trước trong suốt những thập niên qua, để đạt được những kết quả, thành công vững chắc như bài học Singapore đã chứng minh. Điều thứ ba, lãnh đạo là một mệnh lệnh bắt buộc cho bất cứ một chính quyền hữu hiệu nào. Lý luận cho rằng định chế là then chốt trong việc phát triển đã bám rễ quá lâu trong lịch sử và khó thay đổi không nhất thiết phải được nhìn nhận với một thái độ bi quan thái quá. Minh chứng sự thật là hình vẽ 1.1 trong chương I với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế âm ở một số quốc gia trong năm qua, và dường như họ bất lực khi không thể đưa ra những chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không xem nhẹ bất cứ trở ngại nào mà các quốc gia này từng gặp phải, chúng ta không cần giải thích, biện minh cho thái đô bi quan này. Các định chế phải thay đổi để hoàn thiện hơn trong một số quốc gia suốt 40 năm qua. Học hỏi và chia sẻ kiến thức có thể là điều làm được và người ta đã làm. Singapore thành công vì những người lãnh đạo của họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, cực kỳ thông minh và thực tế là luôn cương quyết nhằm đạt được sự thịnh vượng để chia sẻ và luôn cam kết hành động với lương tâm trong sáng. Lãnh đạo có một tầm nhìn xa và sự vững vàng sẽ làm được mọi chuyện. Lợi ích của nó là vô giá. Đây là bài học thành công tối hậu của Singapore.
Giới thiệu tác giả
Tiến sĩ Ghesquiere nguyên là Giám đốc Trung tâm Huấn luyện khu vực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Singapore (2004-2005). Ông làm việc trong ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong khoảng thời gian từ 1978 đến 2005.
Trong tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông làm công việc của một nhà kinh tế, một trưởng đoàn, một đại diện cấp cao với các chương trình cho vay ở tầm vĩ mô và các chính sách nhằm ổn định sự phát triển ở 26 quốc gia. Ông nhận nhiệm vụ ở các nước như Brazil, Venezuela, Algeria, Egypt (Ai Cập), Ukraine, Bangladesh, và Pakistan.
Henri Ghesquiere tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Nhân văn và Kinh tế tại Đại học Leuven ở Bỉ (Belgium), sau đó lấy học vị tiến sĩ tại Đại Học Yale ở Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian 1971-1973, ông dạy kinh tế học tại Philippines. Trong những tác phẩm đã xuất bản của ông, có một quyển xuất bản năm 1976 nói về những thách thức đối với sự phát triển mà các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang đối diện.
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
[153] Lý Quang Diệu (2000), t. 114. Mức tăng trưởng thực tế trung bình hạ xuống còn 2,7% mỗi năm trong thời gian 1998-2005. Nguồn: Tổng cục thống kê, Singapore
[154] Quỹ Di sản (2006), Index of Economic Freedom
[155] Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2005)
[156] Freedom House (2005)
[157] Lingle (1996)
[158] Lý Quang Diệu (2000) t. 116
[159] Barr (2000)
[160] Goh Keng Swee (1976)
[161] Gayle (1988)
[162] Seah, C.M. (1999)
[163] Huff (1999)
[164] Kim (1992)
[165] Lian (2000)
[166] Schein (1996)
[167] Low (1998)
[168] Schumpeter (1947) gọi đây là mô hình kiểu danh sách tối thiểu ‘gồm đại biểu và thành phần ưu tú’
[169] Porter, theo tường thuật trong the Strait Times, 3-8-2001. Cũng xem Peebles and Wilson, t. 254 và Porter (1990) t. .566
[170] Huff (1999)
[171] Diễn văn về ngân sách của Thủ tướng Lý, 17-2-2006
[172] Hướng dẫn tri thức (2000)
[173] Ủy ban Giám sát Tiền tệ (MAS) các trang 20-21
[174] Eggertsson (2004).
[175] Như đã thảo luận ở Chương 1, bản nghiên cứu ước lượng tổng tăng trưởng TFP đóng góp 1,4% điểm cho tốc độ phát triển trung bình của Singapore vào khoảng 7,7% trong thời gian 1960-2003
[176] Vào ngày 11-1-2006, nhà tài chính lừng danh George Soros nhận xét rằng Singapore không phải là một xã hội cởi mở vì sử dụng biện pháp tố tụng với chính khách đối lập về tội phỉ báng và điều này đã cản trở tự do phát biểu
[177] Huntington (1996) và tờ Business Times, 29-5-2000. Xem http://www. singapore-windo.org/sw00/000529bt.htm
[178] CV Devan Nair (1994) Vị tổng thống thứ ba của Singapore đã di cư sang Canada và mất ở đây năm 2005. Ông đóng một vai trò quan trọng trong suốt ba thập niên với việc làm cho công đoàn trở thành đối tác trong chiến lược phát triển của đảng PAP.
[179] Diễn văn hiệu triệu toàn quốc của Thủ tướng năm 1999: Bộ Thông tin và Nghệ thuật, 1999 t. 53. Trích dẫn trong Mauzy and Milne (2002), t. 186
[180] Lý Quang Diệu, Manila, tháng 11-1992, trích dẫn trong Mc.Gurn (1993)
[181] Henry Kissinger trong ‘Lời tựa’ Lý Quang Diệu (2000)
[182] Rodan (1997)
[183] Mahbubani (2002), t. 48
[184] Trong khi những triều đại kế tục nhau gợi lên mối hoài nghi về chế độ gia đình trị, thì Lý Hiển Long đã nhận được sự tín nhiệm đối với cá nhân ông đầy ấn tượng trước khi trở thành Thủ tướng, trong đó phải kể đến binh nghiệp rực rỡ (ông lên đến chức thiếu tướng), sự nghiệp khoa bảng với học vị do các học viện hàng đầu thế giới cấp, và kinh nghiệm trải qua hàng thập kỷ trong vai trò phó thủ tướng có quyền hạn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chức chủ tịch MAS và bộ trưởng tài chính
[185] Sen (1999)
[186] Đoạn văn này dựa theo David Weil (2005). Một số người còn tranh luận về việc xếp hạng Singapore. Cũng cần phải nói rõ rằng chỉ số của Freedom House liên quan đến tình trạng dân chủ cho một năm đặc thù nào đó (2000) đối chiếu với mức độ thu nhập trong cùng năm có thể thiếu nhất quán nếu chế độ chính trị ở quốc gia đó đã thay đổi so với năm trước đó
[187] Barro (1997) trích dẫn ntrong Well (2005), t. 358. Cũng xem Barro (1994)
[188] Lý Quang Diệu (2000) t. 225
[189] Tòa án đã bị phê phán nhiều vì tính hình thức cao độ trong khi diễn giải các điều luật do Quốc hội ban hành, và trong khía cạnh này, sự độc lập chỉ là tương đối
[190] Leifer (2000) trang 8-9 nhận xét rằng Singapore đã khẳng định quyền tự quyết tương lai chính mình, và điều đó có nghĩa là một tâm thế ‘không lùi bước’ (trong nước và quốc tế) và sẽ không tỏ lộ nhược điểm của mình, đồng thời tỏ rõ quyết tâm chính trị mọi lúc. Nhận xét về những sắc thái của đường lối này, Rajaratnam nhận xét: ‘Goh Chok Tong rất mềm dẻo nhưng là sự mềm dẻo của thép… trong khi Lý Quang Diệu là titan, rất cứng. Ai va phải nó đều bươu đầu sứt trán.’ Trích trong Mutalib (2000), t. 322
[191] Wilkin (2004)
[192] Tuần báo Strait Times, 17-1-2000, trích trong Mauzy and Milne (2002) t. 167
[193] Một mức lương cao của vị chủ tịch (CEO) điều hành Quĩ chăm sóc thận Quốc gia (National Kidney Foundation – NKF), thuộc Học viện Từ thiện IPC, cùng với những khoản chi tiêu hoang phí và sự giám sát lơ là của Ban Giám đốc về các hành vi đạo đức, đã dẫn đến việc nổ ra xì căng đan vào đầu năm 2006 làm ảnh hưởng uy tín quốc gia trong quản lý
[194] Strait Times, 13-1-2006.
[195] Công ty Đầu tư của Chính quyền Singapore (GIC) là công ty đầu tư lớn nhất của Singapore. Nó điều hành tài sản Singapore bằng việc đầu tư vốn ra nước ngoài, thu nhập cố định và là công cụ tham gia thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản. Tài sản do công ty điều hành theo báo cáo đã lên đến 100 tỷ đô la Mỹ, nhưng chi tiết về những khoản đầu tư thì không được công bố. (IMF (2004), t. 36) GIC-RE điều hành 1/10 tài sản của GIC và là một trong mười công ty đầu tư bất động sản hàng đầu thế giới. GIC được tổ chức như một công ty tư nhân mặc dù nó được Bộ tài chính quản lý hoàn toàn và không phải tuân theo luật công bố của doanh nghiệp
[196] Điều khẳng định này hơi khác với quan điểm của Goh Keng Swee, nhà kiến trúc chính của nền kinh tế Singapore, người đã từng tranh luận vào năm 1965 rằng, ‘vì tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhân dân phải hy sinh, nhiều người vẫn không muốn đi qua giai đoạn này cho dù họ được cam kết sẽ thấy sự thịnh vượng là kết quả của tương lai’. Nguồn: Strait Times, 26-7-1965, trích trong Mutalib (2000), t. 317
[197] Peebles and Wilson (2002), t. 78. Tỷ lệ tiêu dùng cá nhân tăng lên đến 43% trong năm 2004-05. Khái niệm này cần được diễn giải thận trọng vì từ ‘tư nhân’ trong thống kê thu nhập quốc gia bao gồm cả những công ty nhà nước
[198] Huff (1999), t. 44. Tính toán lại từ 1970-2004, tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống 2,8% trung bình hàng năm
[199] Low (1998), t. 271
[200] Wilson (1887)