Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bài Học Thành Công Của Singapore

Chương Một: Nguyên Nhân Tăng Trưởng Kinh Tế Ở Singapore

Tác giả: Henri Ghesquiere
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý

NỀN TẢNG KHỞI ĐẦU

Năm 2005, Singapore chào đón 40 năm kỷ niệm ngày ra đời và trở thành một quốc gia độc lập. Trong suốt bốn thập niên vừa qua, dân số của quốc gia nhỏ bé này, nằm ở đầu phía nam bán đảo Malay, đã đạt ở mức 4,35 triệu dân, tăng hơn gấp hai lần so với năm 1965. Trong khi đó, nền kinh tế quốc gia, dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội thực (GDP) đã tăng lên hơn 20 lần[4]. Những nhân tố nào làm hậu thuẫn cho thành tựu kinh tế quá ngoạn mục của Singapore kể từ năm 1965 đến nay, và quốc gia này đã làm cách nào để kiến tạo nên một nền kinh tế phát triển hết sức rực rỡ chỉ trong vòng 40 năm?

Hãy thử ngược dòng thời gian trở lại thời điểm khởi đầu vào năm 1959 để nghiên cứu nền kinh tế của đất nước này từ đó đến nay. Năm 1959, người Anh đã dần nhượng bỏ quyền kiểm soát phần lớn các hoạt động cai trị thuộc địa, từng được áp đặt ở Singapore từ năm 1819 vì giá trị to lớn của vùng hải cảng với mực nước sâu tự nhiên và vị trí chiến lược thuận lợi của quốc gia này. Đảng Nhân dân Hành động (PAP) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào năm 1959 và lãnh đạo Singapore từ đó đến nay. Ông Lý Quang Diệu trở thành vị thủ tướng đầu tiên của đất nước và tồn tại ở cương vị này trong suốt 31 năm sau đó. Từ năm 1990, ông tiếp tục giữ vai trò là thành viên nội các tối cao. Bộ máy quản lý then chốt nắm giữ vai trò trọng tâm của thành tựu kinh tế Singapore như Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB), Ủy ban Phát triển Chương trình nhà ở (HDB) được thành lập ngay trong năm 1961, qua việc chuyển đổi các cơ cấu ban ngành chưa hoàn thiện chức năng hoạt động đã tồn tại từ giai đoạn thuộc địa trước đây.

Giai đoạn 1963-1965, Singapore là một phần lãnh thổ của Liên bang Malaysia. Chính quyền Singapore lên tuyên bố nhậm chức để điều hành đất nước, chủ yếu là vì lý do kinh tế. Liên minh kinh tế và chính trị với liên bang Malaysia đã làm gia tăng gấp hai lần quy mô thị trường, tính theo Tổng sản phẩm quốc nội. Quy mô thị trường ngày càng mở rộng hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho Singapore trong việc tiết giảm chi phí sản xuất ra các mặt hàng cho đến thời điểm đó vẫn còn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó còn có thêm một nguyên nhân hỗ trợ nữa là nguồn nguyên liệu lại hết sức dồi dào. Nền chính trị cũng có những yếu tố thuận lợi tương đồng, người Malaysia và người Anh trong liên minh đã tìm ra một đường lối ủng hộ ông Lý, và chính hai quốc gia này đã tìm mọi cách ngăn chặn không cho Singapore bị biến thành một nước Cuba kiểu châu Á, khi sự khích động quần chúng của phe cộng sản có nguy cơ manh động. Tuy nhiên, lúc ban đầu, sự căng thẳng sắc tộc giữa hai vùng lãnh thổ cũng đã diễn ra. Chính quyền Malaysia, dưới thời lãnh đạo của ông Tunku Abdul Rahman, ngày càng gia tăng sự bất bình trước việc đòi quyền khẳng định của Đảng Nhân dân Hành động trong nền chính trị liên bang, và cho rằng đây là một nước bài của Trung Quốc nhằm mục đích thách thức nền chính thể của Malaysia. Bất bình ngày càng leo thang đã dẫn đến cuộc bạo động chủng tộc diễn ra quy mô vào năm 1964, đặt một nền móng khởi đầu cho việc tách Singapore ra khỏi liên bang Malaysia một năm sau đó, đánh dấu sự ra đời hết sức gian truân của một quốc gia.

THÀNH TÍCH TĂNG TRƯỞNG

Singapore đã đạt được một thành tích tăng trưởng về kinh tế hết sức ngoạn mục trong vòng 40 năm kể từ ngày giành độc lập. Tổng sản phẩm quốc nội với mức giá ổn định đã tăng với tỷ lệ trung bình hàng năm là 8% trong suốt giai đoạn 1965-2005. Với mức tăng trưởng dân số 2,1%, Tổng sản phẩm quốc nội tính theo bình quân đầu người tăng ở mức 5,8% trung bình hàng năm. Năm 2004, Tổng thu nhập quốc dân (GNI), bổ sung vào khoản thực thu nhập nước ngoài Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ các cá nhân và các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Singapore, là 41.819 đô la Singapore tính trên bình quân đầu người, tương đương 24.741 đô la Mỹ, dựa trên tỷ giá hối đoái hiện hành của đồng đô la Singapore vào năm đó. Để tiện so sánh, thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ là 39.640 đô la Mỹ vào năm 2004[5].

Tuy nhiên, khi so sánh đối chiếu giữa nước này và nước khác, phương pháp thích hợp phổ biến hiện nay là sử dụng một tỷ giá hối đoái thiết lập ảo nhằm điều chỉnh sự khác biệt về sức mua giữa 1 đô la Mỹ ngay tại nước Mỹ và 1 đô la Singapore ở nước Singapore[6].

Theo cách tính ngang giá về sức mua này (purchasing power parity – PPP), thì thu nhập bình quân tính trên đầu người ở Singapore năm 2004 đã tăng nhẹ ở mức 26.590 đô la PPP.[7]

Mức thu nhập quốc gia, biểu thị qua đồng đô la PPP, cũng có thể được dùng để so sánh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia khác nhau. Biểu đồ 1.1 đưa ra so sánh thành tích tăng trưởng kinh tế của 107 quốc gia trong giai đoạn 1960-2000. Singapore là quốc gia duy nhất đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm 7-7,5% (dựa theo tính toán chung, lấy tổng số, không dựa trên mức tính bình quân đầu người); số liệu đưa ra để dễ so sánh, có 16 quốc gia đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, bao gồm Mỹ, Pháp và Ấn Độ.

Nhiều nghiên cứu quan sát đã được thực hiện. Thứ nhất, cùng với Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông, Singapore đã nhanh chóng đạt được một thành tích tăng trưởng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc đứng thứ nhất trong biểu đồ xếp hạng thế giới này tự thân nó là một điều không hề quan trọng, may thay, đây không hề là cuộc đọ sức mà “người thắng cuộc sẽ được tất cả”. Hơn nữa, sẽ không rõ ràng nếu cuộc thi đấu này được ấn định theo một cách thức như thế, nghĩa là xem những mặt hạn chế về số liệu biểu thị của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như là một thước đo tổng thể của sự thịnh vượng. Thêm nữa, việc đem ra so sánh ở giai đoạn gần đây nhất có thể sẽ tiếp tục đẩy Singapore xuống hàng cuối bảng xếp hạng và đưa những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ lên vị trí đầu bảng.

Biểu đồ 1.1 Bảng phân bố các tỷ lệ tăng trưởng, 1960-2000

![][10]

Điều thật sự quan trọng ở đây là sự khác biệt đáng kể giữa các tỷ lệ tăng trưởng được duy trì qua một giai đoạn dài đã dẫn đến việc các mức thu nhập giữa các quốc gia sẽ chênh lệch vô cùng lớn do tăng theo cấp số nhân. Thứ hai, những nền kinh tế đã phát triển như Hoa Kỳ và Anh Quốc, đã đạt mức tăng trưởng chậm hơn trong thời kỳ 1960-2000, vì không đặt ra vấn đề thụ hưởng lợi nhuận từ kết quả của việc phát triển tăng tốc. Thứ ba, thành tích phát triển của Singapore cho thấy một sự tương phản rõ rệt giữa đất nước này và các quốc gia khác thuộc khu vực châu Phi với tỷ lệ tăng trưởng thu nhập luôn đứng ở mức âm. Sự bùng nổ dân số hết sức mau chóng đã làm các quốc gia châu Phi phải gánh chịu một sự tuột dốc hoàn toàn không vực dậy được trong mức thu nhập tính theo bình quân đầu người của đất nước. Thứ tư, khi vấn đề tăng trưởng dân số được đưa vào bức tranh kinh tế toàn cảnh, thì thu nhập tính theo bình quân đầu người ở Singapore đạt mức tương đương như ở Mỹ, tăng từ mức dưới 16% vào năm 1965 lên mức 67% năm 2004 theo mức tính ở Mỹ [8]. Đồng thời, thành tích tăng trưởng của Singapore cũng cho thấy những chuyển biến cực nhanh với điểm xuất phát từ mức thu nhập căn bản của các quốc gia thuộc diện nghèo nhất – điển hình như Zambia, đã từng là một nước có mức thu nhập trung bình, hay như trường hợp Nigeria và Venezuela với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào – điều đó là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc tận dụng yếu tố thời cơ.

GIÁ TRỊ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Tăng trưởng sản lượng của Singapore luôn giữ ở mức ổn định qua nhiều thập niên liên tiếp. Tỷ lệ tăng trưởng dao động không đáng kể theo từng giai đoạn. Một phần thành công của Singapore, cũng như nhiều quốc gia khác, xuất phát từ việc đất nước này đã tránh được những thời kỳ tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng. Phát triển kinh tế là hệ quả của một quá trình phát triển ổn định, chỉ bị gián đoạn tạm thời bởi các cuộc suy thoái ngắn kỳ diễn ra vào các năm 1985, 1998 và năm 2001 (xem biểu đồ 1.2). Sau mỗi kỳ suy thoái như vậy, thì mức tăng trưởng sản lượng lại khôi phục hết sức mạnh mẽ.

Biểu đồ 1.2 Những chỉ báo kinh tế tiêu biểu, 1965-2005

![][11]

Mức tăng trưởng nhanh cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng giàu có. Chất lượng cuộc sống được nâng cao cho đại bộ phận dân chúng. Singapore đã tạo được thành công trong một bối cảnh không chỉ bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn có cả mục tiêu phát triển xã hội.

Quốc gia này theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng với một sự điều tiết không quá chênh lệch về mặt xã hội. Lợi nhuận thu được từ sự phát triển thịnh vượng được phân chia tương đối hợp lý cho tất cả mọi người. Hệ số Gini, một chỉ số thông dụng dùng để tính toán mức chênh lệch thu nhập cá nhân theo tỷ lệ từ 0 (hoàn toàn bằng nhau) đến 1 (hoàn toàn chênh lệch), đạt ở mức 0,42 ở Singapore vào cuối thập niên 1990.9 Chỉ số biểu thị này cho thấy tính bình đẳng ở Singapore là ít hơn nhiều so với các quốc gia thuộc khối Scandinavian, tiêu biểu là nước Bỉ, nơi các chính sách tái phân phối được thực hiện đã góp phần giữ chỉ số Gini đạt ở mức thấp là 0,25, cũng là chỉ số tương đương ở nước Nhật. Nhưng nguồn thu nhập ở Singapore được phân phối đồng đều hơn so với Brazil và nhiều quốc gia Nam Mỹ khác, là những nơi mà chỉ số Gini lên gần đến 0,60. Thêm nữa, Singapore đã mang lại nhiều cơ hội bình đẳng hơn cho mọi người dân nhằm giúp họ có điều kiện vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội nếu so sánh với các vùng nông thôn đất nước Ấn Độ, nơi luôn diễn ra sự phân hóa sâu sắc giữa các tầng lớp xã hội. Ngoài ra, nguồn tài sản cố định cũng được sử dụng rộng khắp: chương trình trợ cấp nhà ở của chính phủ Singapore đã mang lại kết quả với 93% người dân được quyền sở hữu nhà. Ngay cả 20% số hộ dân cư nghèo nhất cũng nhận được trung bình mỗi hộ một số tiền tương đương 80.000 đô la Mỹ trong chính sách công bằng về nhà ở của chính phủ, đây thật sự là một thành tích đáng được ghi nhận.[9]

Mất cân đối về mức thu nhập ở Singapore, tính theo chỉ số Gini, đã hơi tăng cao trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là do mức chênh lệch thu nhập giữa những ngành nghề khác nhau, điều này cũng cho thấy sức mạnh của chủ nghĩa toàn cầu.[10] Từ thập niên 1980, việc nâng cao hoạt động sản xuất và sự phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng đã góp phần làm giảm bớt nhu cầu đối với lao động thiếu tay nghề và làm gia tăng mức lương của người lao động có kỹ năng và được đào tạo. Với những công việc đòi hỏi tính chuyên môn, tiền lương kiếm được luôn ở mức cao do thị trường ngoài nước có nhu cầu rất lớn đối với những lao động giỏi chuyên môn, trong khi ở một mặt khác của thị trường lao động, lương trả cho những lao động phổ thông luôn ở mức thấp do nguồn nhân công thiếu chuyên môn được thuê làm những công việc chân tay từ nước ngoài đều đặn đổ vào. (xem phần “Thị trường lao động linh hoạt” ở chương 3)[11]. Đây quả là một sự thách thức mà chính quyền luôn phải đối mặt vì chủ trương của nhà nước luôn khuyến khích việc tái đào tạo nguồn nhân lực, ngay cả với lao động lớn tuổi có trình độ học vấn hạn chế. Lương bổng, kể cả của nhóm lao động có thu nhập ở mức thấp nhất, đều đặn được tăng lên trong bốn thập niên vừa qua.

Mức lương trung bình thực nhận của người lao động gia tăng hàng năm, đã phần nào cho thấy một sự gia tăng năng suất ở mức cao hơn. Nhu cầu công việc ngày càng lớn đã góp phần giảm thấp đi một cách đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, với mức trung bình 3,0% kể từ năm 1973, và dao động từ 5,7% năm 1986 xuống dưới 2% trong suốt nhiều năm của thập niên 1990 (xem Biểu đồ 1.2).

Mức độ nghèo khổ của người dân cũng giảm đều và sự nghèo khó cùng cực hầu như hoàn toàn bị loại trừ. Có những dấu hiệu cho thấy có sự phát triển đáng kể về yếu tố con người[12]. Tuổi thọ trung bình đã tăng từ 66 tuổi vào năm 1965 lên 78 tuổi vào năm 2003. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm từ 27 trên 1000 trường hợp trẻ sơ sinh xuống ít hơn 3 trên 1000 trường hợp, mức thấp nhất trên thế giới cùng với Nhật Bản và Thụy Điển. Tiêu chuẩn vệ sinh cao trong môi trường sinh hoạt, và nguồn nước sạch luôn có đủ dành cho tất cả mọi người.

Việc phát triển về cảnh quan môi trường luôn được duy trì thực hiện. Mặc dù mật độ dân số dày đặc nhưng Singapore vẫn được ghi nhận là rất xanh và sạch, xứng đáng với danh hiệu được ban tặng “Thành phố cây xanh của châu Á”. Đây cũng là một trong những nơi tốt nhất thế giới không có biểu hiện ô nhiễm nguồn nước qua chất thải công nghiệp[13]. Nhưng tình hình không phải lúc nào cũng được như vậy. Vào thập niên 1960, thức ăn được chuẩn bị và bày bán ngay trên đường phố đông người qua lại, sức nóng lan tỏa và độ ẩm dẫn đến hậu quả đường phố bị hư nát và đầy bụi bẩn, gia súc thỉnh thoảng chạy rông ở ngay trung tâm thành phố, chất thải do chăn nuôi heo, có lúc lên tới tổng số 900.000 con, đã làm cho tất cả mọi con sông đều nhiễm một mùi hôi độc hại. Đến thời điểm năm 1977, khi các công trình kỹ thuật quy mô được khởi công xây dựng, với những kiến thức chuyên môn, và một quá trình làm việc cống hiến liên tục hàng nhiều năm trời của biết bao công sức con người, mới góp phần tạo nên một sự biến đổi tuyệt vời và hết sức ngoạn mục như bây giờ.[14] Singapore đã tránh được vấn nạn ô nhiễm không khí mà các đại thủ phủ thuộc vùng châu Á, như thủ đô Bắc Kinh, thường hay phải đối mặt; ngoại trừ thỉnh thoảng vào những ngày hè khô nóng, những làn khói bụi và sương mù bốc lên từ những đám cháy rừng ở đất nước láng giềng Sumatra và thổi thốc vào Singapore theo hướng tây nam, gợi lại cho người dân nước này nhớ lại tình trạng yếu kém vệ sinh môi trường trước đây, đồng thời cũng là lời nhắc nhở dành cho tất cả mọi người đang sống trong một thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau.

Từ khi độc lập đến nay, Singapore đã có nhiều nỗ lực rất đáng ghi nhận về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo và dung hòa sắc tộc. Tội phạm hình sự ở tỷ lệ thấp đã góp phần tạo nên mức độ an toàn cá nhân cao. An ninh công cộng và tinh thần tương ái cộng đồng luôn hiện hữu mọi nơi – tất cả điều này đã tạo cho mọi người một cảm giác thân thuộc khi đến nơi này. Vào năm 1972, vương quốc Bhutan, một quốc gia Phật giáo chính thống nằm trên dãy núi Hymalaya, đã khởi xướng cách tính một chỉ số biểu trưng khác ngoài chỉ số GDP, chỉ số “Tổng hạnh phúc toàn dân” (Gross National Happiness), với mục đích nhắc nhở mọi người hãy lưu ý đến nền tảng di sản văn hóa, đến việc gìn giữ cảnh quan môi trường và một tinh thần tương thân tương ái xã hội. Singapore rõ ràng không phải là cõi thiên đường – vì trẻ em ở đất nước này bao giờ cũng bận tâm lo lắng về những điểm số không tuyệt đối ở trường học và người lớn lúc nào cũng hướng đến một cuộc sống luôn hối hả, vội vã với quá nhiều nhu cầu – do vậy sự tăng trưởng kinh tế của một đất nước cần phải song hành với một cuộc sống thực sự với chất lượng cao xét trên nhiều phương diện.

Singapore hiện đang giữ một vai trò mang ý nghĩa xây dựng và liên kết quốc tế. Là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đất nước này đang đóng một vai trò then chốt có tầm ảnh hưởng quyết định trong khu vực, đang ra sức vun đắp cho những mối quan hệ hòa bình của khu vực châu Á, một khi đã nhận thức rõ tầm quan trọng của những mối quan hệ này, và cũng nỗ lực rất nhiều cho việc vun đắp một nền kinh tế phồn thịnh của khu vực. Singapore không những tán thành mạnh mẽ quyền tự do thương mại đa phương mà còn ký kết nhiều Hiệp định Tự do Thương mại Song phương (FTAs) từ năm 2000 với các nước bao gồm Mỹ, Nhật và Chile, với nhiều thỏa ước còn đang tiến hành đàm phán. Một khi Hiệp định Tự do Thương mại song phương giành được quyền biệt đãi thì Singapore xem những hiệp định này là một tác nhân bôi trơn giúp đẩy nhanh việc tự do mậu dịch giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

PHÂN TÍCH SỰ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Những yếu tố nào đã quyết định những thành tựu đáng kể của Singapore? Để có thể trả lời rốt ráo câu hỏi này, biện pháp thông thường được sử dụng là phân tích sự tăng trưởng thông qua các yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong sản xuất, thí dụ như lao động và vốn vật chất. Lao động thường được chia ra thành những phần mang tính định lượng: tổng số giờ lao động trong hệ thống kinh tế, và chất lượng của lực lượng lao động, thường được diễn giải như một hình thức vốn nhân lực. Nguồn vốn nhân lực được xây dựng thông qua một hệ thống chăm sóc và cải thiện sức khỏe, nhưng chủ yếu là thông qua giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, sự phát triển ở sản lượng đầu ra không thể diễn giải một cách đầy đủ thông qua ba yếu tố đầu vào nêu trên. Yếu tố còn lại – điều không thể diễn giải thông qua sự kết hợp của các yếu tố như vốn vật chất, nhân lực và thời gian làm việc – phản ánh tổng yếu tố năng suất (total factor productivity – TFP), có nghĩa là tính hiệu quả trong việc chuyển yếu tố đầu vào thành sản lượng đầu ra. Sự phát triển của tổng yếu tố năng suất (TFP) đến từ những phát triển công nghệ – những kiến thức giúp tạo ra những sản phẩm mới hoặc những phương pháp mới trong việc sản xuất lại những sản phẩm cũ – và từ tính hiệu quả nâng cao, trong việc kết hợp những yếu tố thuộc hai mảng sản xuất và công nghệ.[15]

Trong khi sự phát triển công nghệ có liên quan một cách đặc biệt tới lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc tới việc đưa ra phổ biến rộng rãi những kỹ thuật sử dụng công nghệ tiên tiến, thí dụ như những phần mềm mới hoặc các loại điện thoại di động, hay như Cuộc cách mạng Xanh (Green Revolution) trong nông nghiệp vào thập niên 70, thì việc đạt được một hiệu quả cao lại đến từ rất nhiều những tác động hết sức đa dạng về mặt xã hội. Những tác động đó có thể bao gồm: mọi sự cải thiện cho hoạt động của bộ máy quản lý, ví dụ như giảm bớt thời gian lãng phí cho các thủ tục hành chánh; thực hiện những phương án làm việc thông minh hơn để cắt giảm mức chi phí ở cấp độ doanh nghiệp cá thể; cải cách luật pháp nhằm giảm bớt những bất ổn của thị trường vốn; tăng chế độ đãi ngộ, hoặc giảm những trở ngại trong việc tái phân phối lao động sao cho đạt hiệu quả lao động tốt hơn, thí dụ như đưa ra những quyết định về chế độ trả lương linh động hơn hoặc hạ thấp thuế nhập khẩu; cạnh tranh gia tăng kéo theo việc buộc phải nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới; điều tiết cân bằng trong hiệu quả kinh tế; giảm bớt những hoạt động tuy mang lại lợi ích cá nhân nhưng vô tác dụng về mặt lợi ích xã hội – dù với mục đích tái phân phối thu nhập trong cộng đồng nhưng không hữu dụng cho việc tăng sản lượng đầu ra – như các hoạt động tranh chấp dân sự, vận động hành lang, hay những hoạt động “lợi dụng đặc quyền kinh tế” (rent seeking)[16].

Tổng yếu tố năng suất (TFP) có thể âm ở cấp độ một doanh nghiệp cá thể khi thua lỗ xảy ra, cũng như ở cấp độ toàn thể một nền kinh tế sau một thời kỳ khô hạn, đình trệ kéo dài hay khi sự suy thoái kéo theo tình trạng sản xuất dư thừa đáng kể.

Ba nguồn yếu tố sản xuất và hai nguồn nâng cao năng suất là biểu hiện toàn diện của sự phát triển một nền kinh tế. Bằng cách xác định yếu tố thứ năm – tính hiệu quả – như là yếu tố còn lại, chúng ta nhận ra rằng bất kỳ một sự tăng trưởng nào trong mức thu nhập của một quốc gia đều tùy thuộc vào việc tăng một hoặc nhiều hơn trong năm yếu tố mang tính quyết định này. Thêm nữa, còn phải kể đến những yếu tố đóng góp đa dạng khác. Như vậy là thành tích tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể được đưa ra phân tích, cho thấy sự tập hợp của khá nhiều nguyên nhân đơn lẻ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế này. Sử dụng thuật ngữ Pentathlon (cuộc thi năm môn phối hợp) của Olympic Games, chúng ta có thể nói rằng Pentathlon của năm yếu tố riêng biệt này quyết định mức độ phát triển tổng thể của nền kinh tế.

GIẢI THÍCH MỨC TĂNG TRƯỞNG CỦA SINGAPORE

Những kết quả của việc áp dụng mô hình nêu trên được tóm tắt trong sơ đồ 1.3. Mức phát triển Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore trong thời kỳ từ 1960 đến 2003 trung bình là 7,8% hàng năm so với 6,7% của 7 nền kinh tế đang phát triển rất nhanh ở khu vực Đông và Đông Nam châu Á, và 3,5% của 21 quốc gia đã công nghiệp hóa.[17]

![][12]

Những phát hiện chính trong giai đoạn 1960-2003:

Thứ nhất, vốn vật chất (stock of physical capital) gia tăng chiếm hơn nửa mức tăng trưởng kinh tế diễn ra ở Singapore trong giai đoạn suốt 43 năm (4% trong tổng số 7,8%)[18]. Từ 1960 đến 2003, nguồn vốn (capital stock) của Singapore – hiện nay bao gồm nhà máy, thiết bị, bất động sản phòng ốc – có mức tăng là 11,3% một năm, trung bình cứ 6 năm lại tăng gấp đôi. Đây là tốc độ phát triển cực cao nếu so sánh với tốc độ chuẩn từ trước đến nay. Tốc độ phát triển này nhân với 0,35 dựa trên giả thuyết là vốn chiếm tỷ lệ 1/3 và lao động chiếm tỷ lệ 2/3 tổng sản lượng thì sẽ cho ra con số 4% nói trên (xem chương “Mức độ quan trọng tương đối gia tăng của TFP” để biết thêm về phương pháp này).

Thứ hai, yếu tố lao động đầu vào gia tăng – thể hiện qua tổng số giờ lao động và do vậy không thể điều chỉnh để cải thiện chất lượng – chiếm tỷ lệ hơn 1/4 (mức 2%) trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1960-2003. Mức tăng trưởng này cao hơn chút ít so với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và cao hơn rất nhiều so với các quốc gia đã phát triển. Trung bình tổng số giờ làm việc tăng 3% một năm, so với mức tăng trưởng dân số vào khoảng 2%. Một lý do giải thích cho việc tăng trưởng này là sự thu hút số lao động thất nghiệp lúc đầu chiếm một tỷ lệ khá cao. Công việc lắp ráp các thiết bị điện tử theo dây chuyền ngày càng phát triển ồ ạt tại rất nhiều các công ty, điển hình như National Semiconductors, đến Singapore vào cuối thập niên 60. Những loại hình công việc đơn giản, lặp đi lặp lại và thao tác bằng tay này đã tạo công ăn việc làm cho một số lượng lớn các lao động thiếu kỹ năng và chưa qua trường lớp đào tạo tại Singapore. Quan trọng hơn nữa là lực lượng lao động như thế lại tăng nhanh ở đảo quốc này. Điều đó phần nào cũng cho thấy việc tăng dân số theo quy luật tự nhiên vì số người trẻ được tuyển dụng đông hơn hẳn số lượng người vừa về hưu. Việc khan hiếm nhân công trên thị trường cũng đã tạo điều kiện cho số đông phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động này và tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động đã tăng từ 28% năm 1970 lên 54% vào năm 2004.

Vấn đề nhập cư và nhu cầu cho những người làm việc tạm thời đến từ các quốc gia kế cận cũng khiến số lượng người lao động gia tăng. Số lượng người xa xứ và làm việc ở nước ngoài ngày càng nhiều cũng góp phần vào việc tăng nhanh lực lượng lao động trong nước, tuy nhiên điều đó cũng không đáng kể nếu so với tốc độ phát triển cao hơn nhiều về vốn vật chất. Tỷ lệ giữa vốn và lao động tăng khoảng 28 lần trong giai đoạn 1960-2003.

Thứ ba, phần đóng góp của 3 yếu tố còn lại chiếm tỷ lệ chưa đến 1/4 trong tăng trưởng kinh tế. Trong đó vấn đề phát triển nguồn vốn nhân lực, xác định thông qua số năm trung bình để hoàn tất việc học tại trường, chiếm 0,4%. Cải thiện đáng kể về chất lượng của lực lượng lao động, đánh giá thông qua trình độ học vấn, đã đáp ứng được phần nào sự khan hiếm lao động. Đáng lưu ý, đây chính là nguồn lực đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mà các quốc gia phát triển khác ở Đông Nam Á có phần nào mạnh hơn Singapore.

Những tiêu chuẩn nghiêm ngặt dựa trên giá trị đích thực đã chi phối việc tiếp tục học lên cao ở Singapore, và kết quả là tốc độ tăng trưởng về số năm trung bình để hoàn tất việc học đã có phần nào chậm hơn một số quốc gia khác ở châu Á, nơi mọi người thường chú trọng nhiều đến cơ hội để tiếp tục học lên cao. Ngược lại, khi so sánh về số năm học trung bình ở lứa tuổi 15 và lớn hơn, thì các quốc gia khác trên thế giới đã bỏ qua những tiêu chuẩn cao mà Singapore áp dụng – chính nhờ những tiêu chuẩn này mà Singapore đã đạt được những kết quả cao nhất trong các kỳ thi quốc tế về các môn toán và khoa học[19]. Ngoài ra, chương trình đào tạo tại chức (vừa học, vừa làm) cũng được khai triển mở rộng, và nhiều người trưởng thành đang có việc làm đã đăng ký tham dự các chương trình học ban đêm.

Thứ tư, tăng trưởng tổng yếu tố năng suất (TFP) chiếm chưa đến 1/5 trong tăng trưởng kinh tế của Singapore. Những khó khăn trong việc đánh giá thông qua thực nghiệm khiến việc xác định phần đóng góp riêng của các yếu tố như phát triển công nghệ và tính hiệu quả là không thể được. Do vậy, biện pháp thông thường được sử dụng là kết hợp phần đóng góp chung của các yếu tố đó vào một điểm duy nhất gọi là “mức tăng trưởng năng suất”. Tăng trưởng tổng yếu tố năng suất (TFP) ở Singapore, được xem như yếu tố còn lại, phản ánh những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Việc diễn giải nhấn mạnh đến vấn đề áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong khâu sản xuất và cải thiện chất lượng của những thiết bị (một hình thức vốn) nhập khẩu – những máy móc thiết bị này tiêu biểu cho thứ công nghệ tinh vi mà các nước khác sử dụng. Việc cắt giảm chi phí cũng đóng một vai trò trong vấn đề này – cắt giảm chi phí thực hiện được là nhờ vào việc tăng sản lượng theo quy mô khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng hoạt động. Do bắt tay khởi sự từ việc hạn chế những lệch lạc trong chính sách kinh tế vi mô, nên ở Singapore, vấn đề tái sắp xếp các thành phần kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao hơn – một thành quả của quá trình cải cách trong chính sách quản lý tổ chức – đã làm giới hạn mức tăng trưởng tổng yếu tố năng suất (TFP) ở một phạm vi hẹp hơn so với những nền kinh tế lệch lạc như Trung Quốc sau năm 1978.

Tóm lại, mức tăng trưởng của Singapore cao hơn nhiều so với các quốc gia đã công nghiệp hóa, xuất phát từ việc đất nước này đã tích lũy nguồn vốn vật chất nhiều hơn và tăng tổng số giờ lao động. Một sự khác biệt tương tự cũng sẽ tách các quốc gia Đông Á khác ra khỏi nhóm các nước công nghiệp.

TẦM QUAN TRỌNG TƯƠNG ĐỐI GIA TĂNG CỦA TFP

Tăng trưởng kinh tế của Singapore và mức độ quan trọng mang tính tương đối của 5 yếu tố nguyên nhân luôn có tính chất thay đổi theo thời gian. Mức tăng trưởng có chiều hướng chậm lại, giảm từ 8,6% của giai đoạn 1970-80 xuống một tỷ lệ kéo dài lâu hơn là 6,2% trong giai đoạn 1990-2003 (xem biểu đồ 1.3).

Những tác động nằm phía sau sự phát triển của nền kinh tế cũng thay đổi: yếu tố vốn vật chất và số giờ lao động tăng đã giải thích tại sao vào những thập niên đầu tỷ lệ tăng trưởng lại cao hơn nhiều so với những năm gần đây. Sản lượng ở đầu ra tăng vọt vào những năm đầu cũng chủ yếu là do việc tăng đáng kể yếu tố đầu vào tại các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài chuyên về hoạt động xuất khẩu. Đầu tư quy mô trong lĩnh vực xây dựng căn hộ chúng cư cũng góp phần vào sự tăng trưởng này. Tuy nhiên, những khó khăn về lâu dài trong việc tăng yếu tố đầu vào của bất kỳ một nền kinh tế nào, chính vì điều này không thể nào kéo dài vô thời hạn được.

Cuối cùng thì tất cả những lao động thặng dư sẽ được chuyển đến những bộ phận làm việc hiệu quả hơn. Có một giới hạn về tỷ lệ những người làm việc trong độ tuổi từ 15 đến 64. Yếu tố vốn ở đầu vào xem như là một nguồn lực của tăng trưởng kinh tế cũng có một giới hạn: khi dự trữ vốn tăng thì việc giảm tỷ lệ thu hồi trên mỗi đơn vị sản phẩm làm thêm sẽ đẩy năng suất biên tế xuống gần như bằng 0. Ngoài ra, dự trữ vốn tăng đòi hỏi phải tăng mức tiết kiệm của một quốc gia để có thể thay thế phần dự trữ không còn giá trị do sự hao mòn hay do đã lỗi thời.[20]

Từ năm 1990, phát triển giáo dục và sản xuất cũng đã góp phần đẩy mạnh mức tăng trưởng kinh tế lên đến gần 40% (mức tăng 2,4%). Mức đóng góp vào sự gia tăng của cả hai yếu tố là dự trữ vốn và lao động đầu vào đã có dấu hiệu chựng lại, và giữ một tỷ lệ không đổi tương tự như ở các quốc gia có nền kinh tế đã phát triển. Tỷ lệ giữa vốn và sản lượng của Singapore tăng từ 1 trong những năm 60 vượt lên mức 3 vào năm 2000. Khi mức tăng trưởng giảm xuống một tỷ lệ có thể tồn tại lâu hơn, thì sự gia tăng tập trung nơi đầu vào đã được thay thế bằng một yếu tố khác – đó là tăng chất lượng gặt hái từ những thành quả đạt được trong giáo dục và trong tổng yếu tố năng suất (TFP), khi những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng ở thời kỳ đầu đã bắt đầu mang lại kết quả.

Giai đoạn suy thoái 1985-1986, lần đầu tiên kể từ năm 1964, đã làm bùng nổ những thay đổi chủ yếu trong nền kinh tế Singapore, một nền kinh tế hướng đến sự tăng trưởng dựa trên chất lượng. Trong thời kỳ suy thoái này, nền kinh tế của vùng đảo quốc đã bị tổn thương khi mức cầu sút giảm ở thị trường Hoa Kỳ, cùng những tác động dây chuyền của nó trên toàn cầu, cũng như khi các tập đoàn đa quốc gia chuyển địa bàn hoạt động từ Singapore sang các quốc gia có chi phí đầu tư thấp hơn trong khu vực. Những yếu tố có tác động khác bao gồm mức cung dư thừa trong lĩnh vực xây dựng, một phần là do việc xây dựng nhà ở nhiều quá mức và việc thất bại trong chính sách đãi ngộ cao (xem chương 3: Hiệu chỉnh và áp dụng những chính sách thực dụng). Chính phủ đã phản ứng với những thách thức này bằng cách chuyển hướng nền công nghiệp của đất nước mình ra khỏi cung cách làm việc theo kiểu dây chuyền lắp ráp và nâng cấp nó thành một nền công nghiệp giá trị gia tăng.

Ngân hàng và những bộ phận cung cấp dịch vụ khác được ưu tiên phát triển. Giáo dục và công nghệ đỉnh cao trở nên ngày càng quan trọng. Vào thập niên 90, Singapore quyết định biến đổi nền kinh tế đất nước trở thành một nền kinh tế dựa trên tri thức và luôn sẵn sàng đổi mới. Tại Singapore, những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục cũng như lĩnh vực nghiên cứu và phát triển được xem là hai nhân tố quan trọng hàng đầu mang tính quyết định trong khả năng cạnh tranh về công nghệ, và đất nước này đã vượt lên cả Đài Loan, Hong Kong, cũng như Hàn Quốc. Rất nhiều những nỗ lực phối hợp thực hiện nhằm hướng đến việc hình thành nguồn vốn nhân lực và năng suất lao động.

Vào đầu thập niên 90, một cuộc tranh luận mang tính học thuật đã diễn ra, thôi thúc chính phủ cần phải duy trì được mức tăng trưởng kinh tế bằng cách đặt niềm tin nhiều hơn nữa vào vấn đề đổi mới và nâng cao sản lượng. Một tài liệu gây tranh luận của Alwyn Young (1992) và Paul Krugman (1994), trong đó nghiên cứu những kết quả tính toán về sự tăng trưởng, đã chỉ ra rằng tỷ lệ tăng vốn vật chất thậm chí còn lớn hơn tỷ lệ đã nêu trong biểu đồ 1.3. Young nhận thấy là tổng yếu tố năng suất (TFP) – yếu tố còn lại, và rất nhạy với những sai sót – gần như là bằng 0. Phát hiện này cũng ám chỉ rằng sự tăng trưởng của Singapore chắc chắn sẽ sụt giảm trầm trọng bởi vì không một yếu tố nào khác ngoài tổng yếu tố năng suất (TFP) có thể đảm bảo duy trì mức tăng trưởng trong thời gian dài hạn[21]. Hơn 10 năm qua, cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục và trong khi những vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ, thì phương pháp luận được sử dụng làm cơ sở cho biểu đồ 1.3 vẫn còn có thể giúp mang lại những nhận thức đúng đắn và có giá trị.[22]

ĐẦU TƯ VÀ DỰ TRỮ

Việc gia tăng nhanh chóng nguồn vốn vật chất của Singapore cho thấy nguồn vốn bổ sung dồi dào hàng năm thông qua mức thực đầu tư rất cao. Tuy nhiên sự hình thành tổng số vốn cố định, bao gồm cả sự khấu hao, lại là một biểu thị tiếp theo thông dụng hơn khi xem xét đến tình trạng bất ổn đáng kể của tỷ lệ hằng năm về mức độ hao mòn và lạc hậu của nguồn vốn hiện có. Những thay đổi diễn ra nhiều hơn trong việc bổ sung vào nguồn vốn dự trữ sẽ mang lại sự hình thành tổng số vốn quốc nội hay còn gọi vốn đầu tư. Tỷ lệ đầu tư của Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 20% Tổng thu nhập quốc dân vào năm 1963 đến hơn 40% vào đầu thập niên 1980.24 Những hoạt động đầu tư quy mô trong khu vực kinh tế tư nhân thường tập trung vào lĩnh vực máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, xây dựng nhà máy sản xuất, cùng những hạng mục đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn như các tổ hợp liên doanh khai thác hóa dầu và dầu khí. Đầu tư trong khu vực kinh tế nhà nước kết hợp với họat động đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân đã làm gia tăng đáng kể nguồn thu lợi nhuận bằng cách tập trung vào việc xây dựng căn hộ chúng cư trong những năm đầu và tiếp theo đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm một cầu cảng hiện đại hoạt động hiệu quả, phi trường, hệ thống đường bộ, phương tiện giao thông công cộng và hệ thống viễn thông. Tỷ lệ đầu tư tiếp tục vượt quá 30% trong thập niên 1990 (xem Biểu đồ 1.4). Sau đó giảm xuống dưới mức 20% vào năm 2003 và 2004 do nền kinh tế đất nước trải qua thời kỳ suy thoái từ ảnh hưởng nặng nề của cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ và căn bệnh Hội chứng Suy hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003 đã gây nhiều hoang mang lo lắng, và kết quả là một sự đình trệ trong những hoạt động xây dựng cũng như sự sụt giảm đáng kể nguồn vốn dự trữ.[23] Tuy nhiên, giai đoạn 1965-2004, tỷ lệ đầu tư của Singapore vẫn ở mức cao một cách đáng kể so với nhiều quốc gia khác, kể cả các nước thuộc khu vực Đông Á.

![][13]

Mức đầu tư cao ở Singapore là do thuận lợi từ mức dự trữ cao. Phần ngân quỹ dự trữ không sử dụng tới của Tổng thu nhập quốc dân (GNI), đã gia tăng đều đặn, có khi vượt quá 50% vào thập niên 1990. Trong quá trình 40 năm thực hiện với sự cân nhắc điều chỉnh, Singapore đã đạt được thành tích có mức tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới. Kể từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ này luôn đạt mức trung bình 43%, một thứ hạng có tầm cỡ mà Singapore chỉ chịu xếp ngang hàng với Trung Quốc và với một vài quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Ả Rập Saudi.

Cho đến năm 1985, đầu tư quốc nội của Singapore đã vượt quá dự trữ quốc gia. Tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán cũng ghi nhận mức thâm hụt ngân sách tương ứng. Nguồn vốn tài chính từ nước ngoài đổ vào đã bổ sung vào dự trữ quốc nội với mục đích tài trợ cho đầu tư quốc nội. Nguồn vốn chảy vào đó được thực hiện chủ yếu theo hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (foreign direct investment – FDI) khi các tập đoàn đa quốc gia tiến hành xây dựng nhà máy và trang bị phương tiện sản xuất hoặc tiến hành việc hợp nhất và sáp nhập với nhau. Những khoản nợ vào những năm khởi đầu do chính quyền Singapore vay mượn từ các tổ chức đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới chẳng hạn, đã nhanh chóng được thanh toán hết. Như vậy là trong nhiều thập niên gần đây, Singapore đã không còn khoản nợ vay nước ngoài chính thức nào nữa.

MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ RA NƯỚC NGOÀI CỦA SINGAPORE

Năm 1985 là thời điểm then chốt. Sau hậu quả suy thoái tạm thời trong năm này, chính phủ đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược là khuyến khích mọi cư dân – thuộc cả thành phần kinh tế nhà nước lẫn thành phần kinh tế tư nhân – tham gia đầu tư ra nước ngoài. Do nền kinh tế đã phát triển và rơi vào tình trạng buộc phải hạ mức thuế nhằm khuyến khích đầu tư, đã mở ra những cơ hội vàng cho việc đầu tư ra nước ngoài ở những quốc gia đang khan hiếm vốn, điều đó sẽ tạo ra một nguồn thu nhập bổ sung dồi dào cho đất nước Singapore. Cũng tương tự như vậy, nguồn vốn thực đầu tư ra sẽ góp phần làm giảm đi áp lực tăng giá đồng đô la Singapore. Thặng dư tài khoản vãng lai tăng nhanh sẽ bổ sung thêm vào vốn ngân sách, khi xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu. Từ vị thế là một tổ chức thuần sử dụng vốn dự trữ từ nước ngoài, Singapore đã chuyển sang vị thế là một tổ chức thuần cung ứng vốn. Quá trình này được thực hiện bằng rất nhiều phương cách. Thứ nhất, chính phủ Singapore, chủ yếu thông qua các tổng công ty, có thể kể đến Temasek Holdings và Tập đoàn Đầu tư Nhà nước Singapore (GIC), sẽ tiến hành đầu tư một phần thặng dư ngân sách chính phủ vào các dự án nước ngoài. Điển hình như các dự án Công viên công nghệ thông tin ở thành phố Bangalore thuộc Ấn Độ, hệ thống các khách sạn tại Việt Nam, phương tiện vật chất cho hệ thống cầu cảng và kỹ thuật viễn thông ở Bỉ.

Thứ hai, khi thặng dư tài khoản vãng lai dồi dào hơn, đủ sức cung cấp cho dòng vốn thuần đầu tư ra nước ngoài thì Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore (MAS) và ngân hàng trung ương đã tích lũy được một cách đáng kể nguồn quỹ dự trữ ngoại hối chính thức hàng năm. Thứ ba, rất nhiều tập đoàn công nghệ cao đang đóng tại Singapore đã khuếch trương hoạt động ra nước láng giềng Malaysia do chi phí lao động và chi phí đất đai ở đây thấp hơn. Các tập đoàn này tiến hành xây dựng các quy trình hoạt động sản xuất tại Malaysia trong khi vẫn duy trì trụ sở chính và cơ sở vật chất dành cho bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Singapore, tận dụng mọi thuận lợi từ cả hai phía mang tính bổ sung cho nhau.[24] Đồng thời, dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Singapore vẫn tiếp tục tăng mạnh vì đất nước này đã gầy dựng thành công một nền khoa học kỹ thuật phát triển cao với nhiều tiềm năng đổi mới, nguồn vốn này góp phần làm tăng thêm thặng dư tài khoản vãng lai.

Với dự trữ vượt quá đầu tư quốc nội kể từ năm 1985, tất cả cư dân Singapore – từ thành phần thuộc khu vực nhà nước đến thành phần thuộc khu vực tư nhân, từ tập thể cho đến các hộ gia đình, đều có lượng tài sản thuần bằng ngoại tệ đáng kể gởi nước ngoài. Tính trung bình từ hơn 10 năm qua, thặng dư tài khoản vãng lai nước ngoài đã vượt quá 18% tổng thu nhập quốc dân, tăng đến mức 29% trong năm 2005 (xem Biểu đồ 1.4). Dựa theo nguyên tắc tính toán lũy tiến, thì điều này cho thấy một sự tích lũy dự trữ không ngừng. Cứ xem như là nguồn tài sản thuần gởi nước ngoài từ một mức dưới 0 vào năm 1985 của Singapore đã tăng nhanh, nhưng xét về thành tích tăng trưởng kinh tế, thì mức thặng dư trong thập niên vừa qua đã lớn hơn rất nhiều so với mức thâm hụt ngân sách phải gánh chịu trước năm 1985. Nguồn vốn dự trữ nước ngoài chính thức của Singapore đã lên đến 184 tỷ đô la Singapore vào thời điểm cuối năm 2004, tương đương với 105% Tổng thu nhập quốc dân trong năm này. Mức thực đầu tư nước ngoài của quốc gia vào cuối năm 2004 theo báo cáo chính thức là tương đương 85% Tổng sản phẩm quốc nội, thấp một cách đáng ngạc nhiên nếu căn cứ vào mức thăng dư tài khoản vãng lai tích lũy rất cao trong nhiều năm qua, điều đó có thể cho thấy giá trị không đổi của nguồn tài sản.[25]Có thể thấy trước, tình hình thực đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng của Singapore đang có nhiều triển vọng tạo ra một nguồn thu nhập bổ sung đáng kể.

Sự chuyển mình của đất nước bắt đầu vào thời điểm năm 1985 trở đi, từ vị thế là một tổ chức thuần sử dụng vốn dự trữ từ nước ngoài, Singapore đã chuyển sang vị thế là một tổ chức thuần cung ứng vốn, đã làm nảy sinh nhiều ý kiến tranh luận đáng chú ý. Thứ nhất, sách lược tăng trưởng vào thời kỳ đầu từ việc phải gánh chịu thâm hụt ngân sách tài khoản vãng lai, đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn: đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã mang lại nguồn vốn ngân sách ổn định góp phần thúc đẩy cho chiến lược tăng trưởng kinh tế ưu tiên xuất khẩu. Chua bao giờ đất nước này trải qua tình trạng cán cân thanh toán có nguy cơ mất cân đối.[26] Thứ hai, tương tự các quốc gia khu vực Đông Nam Á khác, đường lối chính sách của Singapore trong suốt 20 năm qua có thể cho thấy đất nước này đi theo thứ “chủ nghĩa trọng thương” (mercantilism), phản ánh một quá trình tích lũy dài lâu nguồn tiền gởi nước ngoài qua mức thặng dư tài khoản vãng lai nước ngoài hiện đang có một tỷ lệ rất cao. Việc thực hiện một đường lối chính sách như thế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí hợp tác của các quốc gia khác và vào khả năng duy trì mức thâm hụt ngân sách nước ngoài tương ứng. Từ khả năng có thể bị tác động, bị ảnh hưởng, Singapore đã đạt tới ngưỡng mà ở đó quy mô của mức thặng dư đạt mức cực kỳ lớn và được ước định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu mất cân bằng đang cần ổn định, cân đối lại. Thứ ba, mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai nước ngoài tăng cao nhưng Singapore vẫn duy trì cán cân thu nhập ròng âm. Trong suốt thập niên 1990, Tổng thu nhập quốc dân đã vượt quá Tổng sản phẩm quốc nội, nhưng chiều hướng chênh lệch này đã được chuyển đổi từ năm 2000. Từ đó đến nay, lợi nhuận chuyển về nước cũng như những khoản tiền chuyển về của những người lao động Singapore tại nước ngoài đã vượt quá mức thu nhập có được từ việc đầu tư ra nước ngoài của Singapore. Chiều hướng thay đổi này thể hiện qua một tỷ lệ lãi suất thấp trong môi trường đầu tư quốc tế, song song đó cũng cho thấy sự lệ thuộc vào tầng lớp lao động phổ thông và chuyên nghiệp của Singapore đang sống tha hương ở nước ngoài. Việc mức thặng dư tài khoản vãng lai và tỷ lệ thu hồi lợi nhuận dựa trên nguồn tiền gởi nước ngoài của Singapore đang tiếp tục gia tăng vượt trội hơn nguồn thu nhập có được từ các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Singapore, có lẽ sẽ tiếp tục ban thưởng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của đất nước này trong việc gia tăng mức dự trữ đến mức cực cao với nguồn thu nhập thuần luôn được bổ sung từ nước ngoài trong những năm sắp tới.

MỨC DỰ TRỮ CỰC CAO

Tỷ lệ dự trữ cao ở mức đáng ngạc nhiên của Singapore là một vấn đề đang gây nhiều chú ý của giới quan sát. Các nghiên cứu kinh tế học đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của yếu tố tăng trưởng nhân khẩu trong việc thúc đẩy gia tăng tỷ lệ dự trữ của Singapore trong suốt giai đoạn từ 1970 đến 1983.[27] So với tổng dân số quốc gia thì tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động ở Singapore (từ 15 đến 64 tuổi) luôn gia tăng đều đặn từ 56% trong năm 1968 lên đến 70% năm 1983, trong khi tỷ lệ người chưa thành niên và người có tuổi đang sống lệ thuộc lại có chiều hướng suy giảm. Tỷ lệ sinh sản thấp và phụ nữ được quyền tham gia lao động. Việc mau chóng tạo ra công ăn việc làm đã góp phần mang lại sự gia tăng đáng kể một lực lượng lao động hùng hậu. Các gia đình ngày càng ít con hơn, nên họ đã có thể cắt giảm một phần chi phí dành cho tiêu dùng hàng ngày trong mức thu nhập của mình, và như vậy cũng có nghĩa là tăng thêm khoản tiền tiết kiệm được. Đây là một giả thuyết có tính thuyết phục, dựa trên lý thuyết tiêu thụ theo chu kỳ của Modigliani, và điều này cũng đã được chứng minh ở nhiều nền kinh tế của các quốc gia Đông Á khác. Vấn đề này hàm chứa một ẩn ý sâu xa: đối với Singapore, một tỷ lệ dự trữ thấp hơn đang nằm chờ ở phía trước một khi độ tuổi dân số tăng nhanh trong những thập niên sắp tới. Ngược lại, nền kinh tế các quốc gia khác như Ấn Độ và Pakistan, với mức tăng trưởng dân số trước đây luôn rất cao nay đang chậm lại, giờ đây đang tiến vào những thập niên với mức dự trữ sẽ gia tăng nhanh chóng.

Ở Bangladesh, khoảng 35% dân số đất nước ở độ tuổi 15 hoặc nhỏ hơn đang sẵn sàng tham gia vào lực lượng lao động. Với tỷ lệ sinh sản đang giảm từ 6 xuống còn 3 trẻ em trong vòng một thế hệ, có nghĩa là số lượng trẻ em mà người lao động ở thời kỳ sau này phải chăm lo sẽ ít hơn, do vậy tạo điều kiện cho đất nước được thụ hưởng phần thu nhập chia cho nhân khẩu, với điều kiện phải có các chính sách hỗ trợ đúng đắn đi kèm. Trái lại, Trung Quốc đã được thụ hưởng phần thu nhập chia cho nhân khẩu như vậy. Trường hợp Singapore cũng tương tự, tỷ lệ những người sống phụ thuộc đã luôn ở mức ổn định kể từ năm 1983.

Những sự thay đổi nhanh chóng khác trong mức tỷ lệ dự trữ sau năm 1983 có một mối liên hệ chặt chẽ với mức tăng trưởng thu nhập, đây là một biến số dùng để giải thích thứ hai[28]. Dự trữ đã tạo những điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng, và sau đó đến lượt một mức tăng trưởng cao hơn sẽ có xu hướng làm gia tăng tỷ lệ dự trữ trong những quốc gia có nền kinh tế có mức thu nhập trung bình. Sự gia tăng tỷ lệ dự trữ cũng đã diễn ra đối với cả chính quyền trung ương lẫn các khu vực kinh tế thuộc sở hữu nhà nước trong suốt những thời kỳ có mức tăng trưởng cao ở Singapore khi mức thu nhập ròng của họ luôn vượt xa chi phí tiêu dùng. Việc hạn chế đưa ra công bố các số liệu cụ thể đã gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu kinh tế học khi họ muốn phân chia, tách biệt mức dự trữ ở khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, trong nhiều năm kể từ 1998 trở đi, theo một phân tích thống kê tiêu biểu về mức tỷ lệ dự trữ quốc gia đạt 45%, thì dường như trong đó 18% mức dự trữ Tổng thu nhập quốc dân là thuộc về các cơ sở kinh tế tư nhân, và khoảng chừng 9% là thuộc về mỗi bộ phận trong ba thành phần kinh tế còn lại bao gồm chính quyền trung ương, các hộ gia đình và các khu vực kinh tế thuộc sở hữu nhà nước.[29]

Các chính sách nhà nước, chủ đề của chương 3, và cũng được coi là yếu tố thứ ba hết sức quan trọng có tác dụng khuyến khích sự gia tăng mức dự trữ và được xem như là một phần của chiến lược phát triển kinh tế toàn diện. Chính nhà nước đã tạo ra dự trữ dưới hình thức thặng dư tài khoản vãng lai trong ngân sách quốc gia, và gián tiếp nâng cao mức dự trữ thông qua thặng dư của các công ty liên doanh với nhà nước (GLCs) và các công ty độc quyền nhà nước, đồng thời thông qua một kế hoạch dự trữ bắt buộc phải có nhằm bảo trợ cho cuộc sống của hơn 80% dân số. Thêm nữa, các sách lược kinh tế của chính phủ bằng nhiều cách đã góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng thu nhập và tăng trưởng dự trữ như đã trình bày. Một môi trường hoạt động kinh tế với các chính sách vĩ mô đúng đắn và đặt dưới sự giám sát rất đáng tin cậy đã khích lệ các nhà đầu tư dự trữ về một triển vọng hoạt động dài lâu nơi đây, đồng thời cũng gieo niềm tin đối với các tổ chức hoạt động tài chính tại đất nước này.[30]

TÓM TẮT

• Singapore đã đạt một thành quả tăng trưởng cao hết sức ổn định, chỉ bị gián đoạn tạm thời bởi vài cuộc suy thoái ở mức độ tương đối, nhưng cũng chính từ đây mà nền kinh tế đất nước lại khôi phục nhanh chóng, nhờ vào các chính sách khắc phục khủng hoảng rất tài tình của nhà nước (xem chi tiết chương 3).

• Mức thu nhập luôn gia tăng đều đặn, những thành công mà Singapore đã đạt được cũng xuất phát từ một bối cảnh phát triển về mặt xã hội.

• Tăng trưởng kinh tế được định hướng nhờ sự tập hợp của rất nhiều yếu tố, đặc biệt là sự gầy dựng nhanh chóng nguồn vốn vật chất, được phản ánh qua một mức đầu tư rất cao, chủ yếu là từ các tập đoàn đa quốc gia. Chính điều này cũng góp phần tạo nên việc làm cho một lực lượng lao động ngày càng tăng.

• Những quan ngại xuất phát từ học thuyết kinh tế tân cổ điển (neoclassical economics) về việc giảm tỷ lệ thu hồi lợi nhuận, đã không cho ra một kết quả tệ hại như nhiều người dự báo, dù kết quả tăng trưởng đã chững lại ở mức ổn định hơn (5,2%) trong thập niên vừa qua. Nguồn vốn hình thành cố định luôn được bổ sung lại tiếp tục đóng góp vào mức tăng trưởng. Tuy nhiên, theo thời gian, vai trò đóng góp của nguồn vốn nhân lực, của các tiến bộ công nghệ, cùng với việc gia tăng năng suất ngày càng trở nên quan trọng hơn.

• Dự trữ của Singapore luôn gia tăng đều đặn từ mức thấp đến mức cực cao, đã cho thấy vai trò đóng góp của các yếu tố về nhân khẩu, về mức tăng trưởng thu nhập cao và các chính sách điều hành kinh tế của nhà nước. Mức thâm hụt ngân sách tài khoản vãng lai nước ngoài đến thời điểm năm 1985 đã chứng tỏ một chiến lược tăng trưởng kinh tế đúng đắn và hiệu quả. Nguồn ngân sách dưới hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài dành cho tăng trưởng xuất khẩu luôn giữ ở mức ổn định, và Singapore không hề vay mượn từ bên ngoài cho các mục đích tiêu dùng.

• Sau năm 1985, mức dự trữ cao cho phép Singapore tích lũy đáng kể khoản tiền thực gởi nước ngoài. Điều này góp phần mang lại một nguồn thu nhập bổ sung hết sức phong phú trong những năm sắp tới.

[4] Ngoại trừ những thông tin trích dẫn khác, thì trong chương này, nguồn dữ liệu về dân số Singapore, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các số liệu liên quan, nhân lực lao động, tình trạng thất nghiệp đều được trích dẫn từ trang web Cục thống kê Singapore, http://www.singstat.gov.sg.

[5] Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Thống kê tài chính quốc tế, số liệu tính toán trích từ các trang vùng của nước Mỹ

[6] Các tỷ giá hối đoái trên thị trường có thể bị sai lệch khi được dùng để so sánh mức thu nhập giữa các nước với nhau vì thường không phản ánh được mức sống ở các quốc gia nghèo khó hơn. Nguyên do là giá sinh hoạt ở các nước nghèo thường thấp hơn nhiều so với các nước giàu có, ví dụ hãy so sánh giá hớt tóc ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ và thủ đô New York của Mỹ khi dựa vào tỷ giá hối đoái thị trường. Sự chênh lệch khác biệt này có thể được điều chỉnh khi sử dụng một tỷ giá hối đoái thiết lập ảo nhằm phản ánh đúng hơn sức mua tại chỗ của các đơn vị tiền tệ quốc gia khác nhau

[7] Ngân hàng Thế giới, (2005a), Những chỉ báo phát triển thế giới, bảng biểu 1.1. Tuy nhiên, cần phải thận trọng với cách tính đồng đô la ngang giá về sức mua này. Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 1999 đã xếp hạng Singapore là quốc gia giàu có thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau hai nước là Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Thu nhập bình quân tính trên đầu người ở Singapore trong năm này đã vượt quá 27.000 đô la PPP. Chỉ số 24.180 đô la PPP rớt xuống vào năm 2003 đã đẩy Singapore xuống vị trí thứ 30. Sự rớt hạng đã diễn ra mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội tính trên bình quân đầu người ở Singapore đã thực tăng ở mức 8% trong suốt bốn năm sau đó với những biến động không đáng kể trong lạm phát giá tiêu dùng và tỷ giá hối đoái thị trường dựa trên đồng đô la Mỹ

[8] Ngân hàng Thế giới (2005a)

[9] Thủ tướng Lý Hiển Long, trong Báo cáo ngân sách 2006 của ông, tháng 3 năm 2006

[10] Mukhopadhaya và Rao (2002), trang 101

[11] Peebles và Wilson (2002) trang 263

[12] Ngân hàng Thế giới, Những chỉ báo phát triển thế giới, bảng biểu 2.19

[13] Ngân hàng Thế giới (2005), Những chỉ báo phát triển thế giới, bảng biểu 3.6

[14] Lý Quang Diệu (2000), chương 13

[15] Weil (2005), trang 504. Lưu ý rằng khái niệm tổng yếu tố năng suất (TFP) muốn nói đến một sự phân tích được tập trung rõ ràng vào ít nhất 2 yếu tố sản xuất. Nó khác với khái niệm năng suất thông thường vẫn được sử dụng, khái niệm này được định nghĩa như là sản lượng đầu ra tính trên mỗi giờ làm việc – chỉ là một yếu tố sản xuất mà thôi – và do đó nó thể hiện phần đóng góp của việc hình thành vốn vật chất tăng thêm khi năng suất cao hơn. Tương tự như vậy, tổng yếu tố năng suất (TFP) cũng khác với sự phân tích ICOR (hệ số giá trị sản phẩm gia tăng), ICOR được tính toán bằng cách chia tỷ lệ giữa đầu tư và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho tỷ lệ tăng trưởng GDP. Hệ số giá trị sản phẩm gia tăng (ICOR) thấp có nghĩa là năng suất vốn tăng, do đó nó thể hiện ảnh hưởng của việc gia tăng lượng lao động, đây là điều mà tổng yếu tố năng suất (TFP) không thể hiện

[16] Weil (2005), trang 283, thuật ngữ ‘đặc quyền kinh tế cho thuê’ (Economic rent) nghĩa là tiền trả cho một yếu tố sản xuất nào đó vượt quá mức cầu để có thể nhận được sự cung cấp yếu tố sản xuất nêu trên. Việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể dẫn đến việc ‘thuê’ (nói nôm na là ‘chạy chọt’) này. Thí dụ: dầu sản xuất ở mức dưới $10 một thùng và được bán ra ở mức $60. Tìm kiếm ‘thuê kinh tế’ (hay có thể nói là những hoạt động lợi dụng thế mạnh tìm cách kiếm lợi tức quá mức thị trường) sẽ gia tăng khi chính sách của nhà nước tạo ra một sự khan hiếm giả tạo, thí dụ như việc cấp giấy phép hoặc bảo hộ độc quyền

[17] Biểu đồ này dựa trên tài liệu Eggetsson (2004), trang 7-8. Những giá trị mẫu của các nước châu Á tiêu biểu gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Các quốc gia đã công nghiệp hóa bao gồm: Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Iceland, Ý, Nhật, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Anh và Hoa Kỳ

[18] Các nhà kinh tế phân biệt giữa ‘stock’ xác định vào một thời điểm, và ‘flow’ thí dụ như đầu tư, xảy ra và kéo dài trong một giai đoạn. ‘Stock’ có nguồn gốc từ ‘livestock’ kết hợp với ‘capital’– từ ‘capital’ này có nguồn gốc từ tiếng Latin ‘caput’ giống như ‘đầu’ của gia súc, một hình thức xưa nhất của tài sản và yếu tố sản xuất

[19] Singapore đạt điểm số cao nhất trong 46 quốc gia tham dự kỳ thi toán và khoa học dành cho học sinh lớp 8. Xem http://nces.ed.gov/pubs2005/ timss03

[20] Tỷ suất lợi nhuận biên giảm dần và khấu hao (Diminishing Returns and Depreciation) là hai khái niệm chính của mô hình phát triển ‘tân cổ điển’ do Robert Solow đưa ra vào năm 1952, đoạt giải Nobel Kinh Tế năm 1987

[21] Nhiều số liệu không mấy lạc quan về sự tăng trưởng tổng yếu tố năng suất (TFP) đã được các nhà kinh tế ở Singapore tính toán và đưa ra, trong số đó có ông Tsao Yuan (1986), đã sử dụng các số liệu được công bố chính thức. Xem Peebles và Wilson (1996), trang 200-9

[22] Sự tranh luận đến từ một loạt các vấn đề thuộc về phương pháp luận: (i) đặc tính của chức năng sản xuất, không nhất thiết là phải duy trì mãi một mức sản lượng theo quy mô. (ii) khó khăn trong việc ước tính độ co giãn đầu ra của vốn từ các yếu tố sản xuất do có những hạn chế trong việc cung cấp dữ liệu về các yếu tố này và trong môi trường có sự cạnh tranh không hoàn hảo; và (iii) những sự cố trong việc đo lường mức tăng trưởng vốn dựa trên những dữ liệu đầu tư thuần tích lũy liên quan đến những thời kỳ và chất lượng khác nhau (xem Eggertsson (2004), trang 6; Ngân hàng Thế giới (2005b), trang 47; và Peebles và Wilson (2002), trang 58-66). Nếu độ co giãn đầu ra của vốn cao không bình thường ở Singapore – đạt mức 0,5 như Young và Krugman nêu ra – so sánh với 0,35 trong một nền kinh tế tiêu biểu khác, dưới những giả thuyết đơn giản của phương pháp này thì hầu hết tăng trưởng của Singapore phải được quy cho sự tăng vốn vật chất. Hàm ý rằng, những đóng góp trong việc tăng năng suất, được xem như yếu tố còn lại, là không đáng kể. Những tranh luận vẫn tiếp tục là do sự diễn giải lại những số liệu thống kê đối với Singapore, một đất nước đã chứng minh hay hơn những giả thuyết thông thường về một mức co giãn vào khoảng 0,35 như trong những tính toán làm nền tảng cho những số liệu của biểu đồ 1.3 (xem Wu và Thia (2002) và Hsieh (2002)

[23] Nguồn vốn dự trữ liên quan đến Tổng thu nhập quốc dân (GNI) đã giảm 9% vào năm 2003 và giảm thêm 6% vào năm 2004, nhiều một cách bất thường so với nền kinh tế các quốc gia khác. Điều này có thể liên quan tới sự kiện là mức xuất khẩu hàng hóa ‘nội địa’, không tính việc tái xuất khẩu quá cao, lên đến 105% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2005. Việc tái xuất khẩu hàng hóa, được nhập khẩu vào Singapore nhưng bỏ qua qui trình ‘xử lý, chế biến’ trong nước (cho dù hoàn toàn có khả năng thực hiện các công đoạn như phân chia mặt hàng theo từng lô, xếp loại, hoặc phân hạng), lên đến 92% Tổng sản phẩm quốc nội, mang lại tổng giá trị xuất khẩu đạt mức 197% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2005

[24] Theo Peebles và Wilson (2002), trang 188

[25] Bộ trưởng tài chính, ông Richard Hu (1999) đã thừa nhận thực trạng diễn biến này trước Quốc Hội. Xem thêm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Thống kê Tài chính Quốc tế, tháng 11 năm 2005, trang 864. Theo báo cáo vào cuối năm 2004, tổng giá trị thực vào 2 năm vừa qua đã giữ nguyên không đổi dựa trên giá trị đồng đô la Mỹ, cho dù mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn, cùng với tác động tăng giá của các đơn vị tiền tệ mạnh khác so với đồng đô la Mỹ, và chiều hướng ngày càng gia tăng của thị trường vốn quốc tế

[26] Khoản thâm hụt ngân sách tài khoản vãng lai nước ngoài ở mức 4-6% Tổng sản phẩm quốc nội có thể chấp nhận được trong những điều kiện cho phép một mức tăng trưởng hợp lý và còn tùy thuộc vào hình thức và cách sử dụng nguồn vốn ngân sách thu vào. Hàn Quốc là một ví dụ tiêu biểu với khoản nợ vay nước ngoài vượt quá mức cho phép, với thực vốn thu vào đạt mức trung bình 9% Tổng sản phẩm quốc nội trong suốt giai đoạn 1953-1980

[27] Bercuson (1995), chương 7

[28] Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore (2004), trang 8

[29] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2005), trang 13 và Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore (MAS) (2004), trang 8. Phân tích thống kê này dựa trên một phần tính toán nội bộ của các nhà kinh tế học thuộc Ủy ban Giám sát Tiền tệ Singapore. Bảng phân tích thống kê cũng đã xác định rõ khu vực kinh tế sở hữu nhà nước là bao gồm các công ty độc quyền nhà nước và một bộ phận các công ty không tư hữu hóa liên doanh với nhà nước. Cổ phần thuộc sở hữu tư nhân trong các công ty liên doanh với nhà nước được phân loại là thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Khởi đầu vào cuối thập niên 1980, tình trạng tỷ lệ dự trữ đạt ở mức thấp hơn đã xảy ra ở cấp khu vực nhà nước và đã được bổ sung thêm nhờ vào khu vực tư nhân vì các công ty độc quyền nhà nước và các công ty liên doanh với nhà nước đã tư hữu hóa một phần hoặc toàn phần, và thành phần của cả hai khu vực này đã có những thay đổi

[30] Yếu tố văn hóa của đất nước đôi khi còn được đề cập đến như là yếu tố thứ tư. Theo như các thông tin ghi nhận được thì tại Singapore, các doanh nghiệp theo kiểu gia đình được tổ chức rất chặt chẽ và thường có khuynh hướng dựa vào thu nhập dành dụm được để đầu tư kinh doanh thay vì phải vay mượn ngân hàng. Một cách giải thích khác lại đề cập đến giá trị của các nguyên tắc đạo đức xã hội đã tiềm ẩn lâu đời từ bao lớp thế hệ đi trước. Landes (1999), trang 383, đã viện dẫn một mối liên hệ giữa mức dự trữ cao có tính hệ thống ở Nhật Bản với các giá trị đạo đức tiềm tàng nơi tầng lớp nông dân lao động thời xa xưa, ‘người ta sống để làm việc, và công việc lao động mang đến cho người ta tài sản sở hữu, và đó chính là lý do tồn tại của bản thân.’

Bình luận