Có bao nhiêu bạn, sau khi đọc cuốn này, sẽ lập một chương trình tu thân, vạch rõ một con đường đưa tới thành công và nhất định theo cho tới đích, bất kể dông tố gặp trên đường? Không bao nhiêu. Bản tính con người như vậy. Ta biết rõ việc nên làm mà chúng ta không làm, đi làm những việc dễ dàng nhất. Ít ai sẵn sàng chịu trả cái giá của Thành công. Ít ai chịu hi sinh sự tiện nghi, sự xa xỉ và bỏ con đường dễ đi của mình để mong tới một cảnh thịnh vượng còn mờ mờ ở phương xa. Và rất ít người kiên nhẫn đi tới đích. Mới gặp một cơn dông, mới chịu một thất bại là ta đã bắt đầu tự bào chữa rồi. Ta tự thuyết phục ta rằng những dự định của ta sai, rồi không bao giờ ra khỏi cơn dông được và chỉ còn cách hơn hết là trở lui về bến cũ. Vì vậy ít ai đi xa hơn được nữa.
Cũng vì vậy mà lời sau này không phải ngoa: sự thành công không phụ ai hết, bất kỳ ai, hễ kiên nhẫn thắng được thì gặp nó. Cả trong hồi kinh tế khủng hoảng, mật ít ruồi nhiều, người nào thật tâm muốn kiếm việc làm, thì vẫn có việc làm; nhưng phần đông không muốn, họ chỉ mong có việc làm, mong được giàu có, được du lịch, được làm lớn thôi. Nhưng mong suông thì không bao giờ được hết. Bạn phải MUỐN và hăng hái muốn trả sự thành công với bất cứ giá nào.
*
“Bảy bước đến thành công” là những gì?
* Luyện lòng tự tin và rèn nghị lực.
* Luyện nhân cách.
* Đắc nhân tâm.
* Luyện tập và giữ gìn thân thể cho được khoẻ mạnh.
* Khéo léo dùng tiếng mẹ đẻ.
* Luyện trí óc và trí nhớ để có thể suy nghĩ sáng suốt và mau chóng được.
* Khéo bán công của mình và giữ sao cho người ta cần dùng mình hoài.
Bảy bước đó thật không khó khăn gì hết. Nó bình thường quá cho nên ít người chú ý tới. Nếu nó là ngoại vật, có thể trông thấy, có thể vật lộn để chiếm được thì tôi cam đoan rằng sẽ có nhiều người thành công lắm, nhưng nó lại ở ngay trong tâm hồn ta cho nên mới khó thắng, vì ở đời không có gì gay go bằng tự thắng mình hết.
Nếu bạn hỏi tôi đức nào cần thiết hơn cả, thì tôi sẽ đáp: đức kiên nhẫn, cứ níu chặt lấy một việc mà ta đã bắt đầu làm. Biết bao nhiêu người có đủ điều kiện để thành công mà rồi thất bại chỉ vì nửa đường bỏ dở. Họ khởi hành mà không tới bến.
Có được bao nhiêu bạn tự học ở nhà mà rồi không bỏ dở? Tôi biết chỉ có năm phần trăm học sinh theo lối hàm thụ là học hết được chương trình được giấy chứng nhận của trường thôi. Có bao nhiêu người nhất quyết bỏ mỗi ngày ít nhất là nửa giờ để học thêm, suy nghĩ và luyện trí óc? Và năm năm sau còn bao nhiêu bạn tiếp tục công việc đó? Ít lắm. Có bao nhiêu bạn đã thành gia, lập sổ chi thu và giữ sổ chi tiêu trong gia đình?
Đời như vậy đó. Thế giới đầy những kẻ khởi hành mà ít ai tới nơi tới chốn được. Có lẽ tại lối dạy dỗ của thời đại này. Các nhà giáo dục luôn luôn rán sức làm cho sự học được dễ dàng, không khác chi cho trẻ uống thuốc đắng mà có bao đường, cho nên khi ở trường, thanh niên không thấy cần phải khó nhọc tranh đầu, mồ hôi nước mắt mới được một nền giáo dục, mà bước chân vào đời, không còn ai cho họ những viên thuốc bao đường đó nữa, họ bỡ ngỡ không biết phải tranh đấu ra sao để tiến lên được.
Có đức kiên nhẫn, cứ giữ chặt lấy quyết định của mình, mặc nắng mặc mưa, té rồi đứng dậy, thì mới lên tới những bậc thang cao nhất của danh vọng được.
Ở đoạn thứ nhì trong chương I, tôi đã chỉ vài cách để luyện nghị lực. Xin bạn luôn luôn mở ra coi lại và nhớ rằng dù có đủ những đức khác để thành công mà thiếu nghị lực để tiếp tục luyện và thực hành những đức ấy, thì cũng không có ích gì hết.
Bạn lại phải tránh những bọn vô liêm sĩ y như tránh bệnh dịch vậy. Trong mấy năm gần đây, bọn đó tăng lên đông ghê gớm, vì cái thói mạt sát những tin tưởng, tục lệ cổ truyền, những nghi lễ trong sự ăn ở hành động, đã thành cái “mốt” rồi. Bạn nhận ra được bọn chúng chứ? Này, nghe chúng phê bình này:
Tôn giáo ư? Cha chả! Mấy cha thầy chùa làm rùm beng lên chứ có nghĩa khỉ gì?… Siêng năng làm việc và học thêm buổi tối ư? Ồ! Thời này làm ăn có cha chú đỡ đầu và biết đi cửa sau là được… Ngay thẳng và thanh liêm ư? Thôi mà! Hễ vơ được thì cứ vơ đi. Thiên hạ đều… Kiệm ước ư? Xin đừng nhé. Ăn chơi cho sướng đã rồi chết, để chính phủ lo.
Họ tự cho là khôn lắm, nhưng thử xét kỹ xem, họ có đồng xu nào trong túi không? Có công việc làm ăn không? Và có nhà cửa đàng hoàng không? Cái khôn của họ có lợi gì đâu, phải không bạn? Vậy quên họ đi. Tránh họ đi.
Và xin bạn nhớ qui tắc thứ ba trong chương II: Giao du với những người quyết tin ở thành công. Sự vui vẻ giao du với quân vô lại có thể là bằng chứng một tâm hồn cao thượng được, nhưng bảo là một phương tiện để thành công thì quyết là không phải.
Họ sở dĩ thành kẻ vô lại vì không có nghị lực, ý chí. Nếu ở gần họ hoài, ý chí và nghị lực của bạn sẽ tiêu tan lần đi. Rồi đáng lẽ phải tự tạo lấy những hoàn cảnh tốt cho bạn thì bạn lại nghĩ như chúng rằng bạn là nạn nhân của hoàn cảnh ở ngoài ý muốn.
Tôi xin phép bạn mượn bốn câu chót trong bài “Lời nhục mạ” (Invictus) của W. E. Henley để kết luận:
Số ta, ta chẳng định ư?
Tâm ta, ta khiến, ưu tư nỗi gì?
Đường đời gai gốc chi chi,
Cửa đền hẹp mấy rồi thì cũng vô.
Tóm lại, thưa bạn, chính bạn phải tạo lấy vận may cho bạn.
Có bao nhiêu bạn, sau khi đọc cuốn này, sẽ lập một chương trình tu thân, vạch rõ một con đường đưa tới thành công và nhất định theo cho tới đích, bất kể dông tố gặp trên đường? Không bao nhiêu. Bản tính con người như vậy. Ta biết rõ việc nên làm mà chúng ta không làm, đi làm những việc dễ dàng nhất. Ít ai sẵn sàng chịu trả cái giá của Thành công. Ít ai chịu hi sinh sự tiện nghi, sự xa xỉ và bỏ con đường dễ đi của mình để mong tới một cảnh thịnh vượng còn mờ mờ ở phương xa. Và rất ít người kiên nhẫn đi tới đích. Mới gặp một cơn dông, mới chịu một thất bại là ta đã bắt đầu tự bào chữa rồi. Ta tự thuyết phục ta rằng những dự định của ta sai, rồi không bao giờ ra khỏi cơn dông được và chỉ còn cách hơn hết là trở lui về bến cũ. Vì vậy ít ai đi xa hơn được nữa.
Cũng vì vậy mà lời sau này không phải ngoa: sự thành công không phụ ai hết, bất kỳ ai, hễ kiên nhẫn thắng được thì gặp nó. Cả trong hồi kinh tế khủng hoảng, mật ít ruồi nhiều, người nào thật tâm muốn kiếm việc làm, thì vẫn có việc làm; nhưng phần đông không muốn, họ chỉ mong có việc làm, mong được giàu có, được du lịch, được làm lớn thôi. Nhưng mong suông thì không bao giờ được hết. Bạn phải MUỐN và hăng hái muốn trả sự thành công với bất cứ giá nào.
*
“Bảy bước đến thành công” là những gì?
* Luyện lòng tự tin và rèn nghị lực.
* Luyện nhân cách.
* Đắc nhân tâm.
* Luyện tập và giữ gìn thân thể cho được khoẻ mạnh.
* Khéo léo dùng tiếng mẹ đẻ.
* Luyện trí óc và trí nhớ để có thể suy nghĩ sáng suốt và mau chóng được.
* Khéo bán công của mình và giữ sao cho người ta cần dùng mình hoài.
Bảy bước đó thật không khó khăn gì hết. Nó bình thường quá cho nên ít người chú ý tới. Nếu nó là ngoại vật, có thể trông thấy, có thể vật lộn để chiếm được thì tôi cam đoan rằng sẽ có nhiều người thành công lắm, nhưng nó lại ở ngay trong tâm hồn ta cho nên mới khó thắng, vì ở đời không có gì gay go bằng tự thắng mình hết.
Nếu bạn hỏi tôi đức nào cần thiết hơn cả, thì tôi sẽ đáp: đức kiên nhẫn, cứ níu chặt lấy một việc mà ta đã bắt đầu làm. Biết bao nhiêu người có đủ điều kiện để thành công mà rồi thất bại chỉ vì nửa đường bỏ dở. Họ khởi hành mà không tới bến.
Có được bao nhiêu bạn tự học ở nhà mà rồi không bỏ dở? Tôi biết chỉ có năm phần trăm học sinh theo lối hàm thụ là học hết được chương trình được giấy chứng nhận của trường thôi. Có bao nhiêu người nhất quyết bỏ mỗi ngày ít nhất là nửa giờ để học thêm, suy nghĩ và luyện trí óc? Và năm năm sau còn bao nhiêu bạn tiếp tục công việc đó? Ít lắm. Có bao nhiêu bạn đã thành gia, lập sổ chi thu và giữ sổ chi tiêu trong gia đình?
Đời như vậy đó. Thế giới đầy những kẻ khởi hành mà ít ai tới nơi tới chốn được. Có lẽ tại lối dạy dỗ của thời đại này. Các nhà giáo dục luôn luôn rán sức làm cho sự học được dễ dàng, không khác chi cho trẻ uống thuốc đắng mà có bao đường, cho nên khi ở trường, thanh niên không thấy cần phải khó nhọc tranh đầu, mồ hôi nước mắt mới được một nền giáo dục, mà bước chân vào đời, không còn ai cho họ những viên thuốc bao đường đó nữa, họ bỡ ngỡ không biết phải tranh đấu ra sao để tiến lên được.
Có đức kiên nhẫn, cứ giữ chặt lấy quyết định của mình, mặc nắng mặc mưa, té rồi đứng dậy, thì mới lên tới những bậc thang cao nhất của danh vọng được.
Ở đoạn thứ nhì trong chương I, tôi đã chỉ vài cách để luyện nghị lực. Xin bạn luôn luôn mở ra coi lại và nhớ rằng dù có đủ những đức khác để thành công mà thiếu nghị lực để tiếp tục luyện và thực hành những đức ấy, thì cũng không có ích gì hết.
Bạn lại phải tránh những bọn vô liêm sĩ y như tránh bệnh dịch vậy. Trong mấy năm gần đây, bọn đó tăng lên đông ghê gớm, vì cái thói mạt sát những tin tưởng, tục lệ cổ truyền, những nghi lễ trong sự ăn ở hành động, đã thành cái “mốt” rồi. Bạn nhận ra được bọn chúng chứ? Này, nghe chúng phê bình này:
Tôn giáo ư? Cha chả! Mấy cha thầy chùa làm rùm beng lên chứ có nghĩa khỉ gì?… Siêng năng làm việc và học thêm buổi tối ư? Ồ! Thời này làm ăn có cha chú đỡ đầu và biết đi cửa sau là được… Ngay thẳng và thanh liêm ư? Thôi mà! Hễ vơ được thì cứ vơ đi. Thiên hạ đều… Kiệm ước ư? Xin đừng nhé. Ăn chơi cho sướng đã rồi chết, để chính phủ lo.
Họ tự cho là khôn lắm, nhưng thử xét kỹ xem, họ có đồng xu nào trong túi không? Có công việc làm ăn không? Và có nhà cửa đàng hoàng không? Cái khôn của họ có lợi gì đâu, phải không bạn? Vậy quên họ đi. Tránh họ đi.
Và xin bạn nhớ qui tắc thứ ba trong chương II: Giao du với những người quyết tin ở thành công. Sự vui vẻ giao du với quân vô lại có thể là bằng chứng một tâm hồn cao thượng được, nhưng bảo là một phương tiện để thành công thì quyết là không phải.
Họ sở dĩ thành kẻ vô lại vì không có nghị lực, ý chí. Nếu ở gần họ hoài, ý chí và nghị lực của bạn sẽ tiêu tan lần đi. Rồi đáng lẽ phải tự tạo lấy những hoàn cảnh tốt cho bạn thì bạn lại nghĩ như chúng rằng bạn là nạn nhân của hoàn cảnh ở ngoài ý muốn.
Tôi xin phép bạn mượn bốn câu chót trong bài “Lời nhục mạ” (Invictus) của W. E. Henley để kết luận:
Số ta, ta chẳng định ư?
Tâm ta, ta khiến, ưu tư nỗi gì?
Đường đời gai gốc chi chi,
Cửa đền hẹp mấy rồi thì cũng vô.
Tóm lại, thưa bạn, chính bạn phải tạo lấy vận may cho bạn.