Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Phi Lý Trí

Giới Thiệu

Tác giả: Dan Ariely

Một tai nạn đã dẫn tôi tới tư duy phi lý trí cùng những nghiên cứu được miêu tả trong cuốn sách này

Nhiều người nói rằng tôi có thế giới quan thật lạ lùng. Hai mươi năm nghiên cứu đã tạo cho tôi nhiều hứng thú để khám phá những điều trực tiếp gây ảnh hưởng tới các quyết định chúng ta đưa ra trong cuộc sống hàng ngày (trái với những thứ chúng ta vẫn thường tin chắc là ảnh hưởng tới các quyết định).

Tại sao chúng ta luôn tự hứa sẽ ăn kiêng để rồi ý nghĩ ấy vụt biến ngay khi chiếc xe chở đồ tráng miệng đi qua?

Tại sao đôi khi chúng ta hào hứng mua sắm những thứ không cần thiết?

Tại sao chúng ta vẫn thấy đau đầu sau khi dùng loại aspirin giá 1 xu, nhưng cơn đau đầu ấy lại biến mất nếu thuốc đó có giá 50 xu?

Tại sao những tín đồ được yêu cầu nhớ lại 10 Lời răn của Chúa có xu hướng thành thật (ít nhất là ngay sau đó) hơn những người không được yêu cầu làm như vậy? Hoặc tại sao các Quy tắc Danh dự lại làm giảm mức độ gian lận nơi công sở?

Khi đọc tới những trang cuối của cuốn sách này, bạn sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi trên và nhiều câu hỏi khác ‒ những câu hỏi có ý nghĩa đối với cuộc sống, công việc kinh doanh và thế giới quan của bạn. Ví dụ, hiểu rõ câu trả lời về thuốc đau đầu không chỉ giúp bạn trong việc lựa chọn thuốc mà còn có ý nghĩa với vấn đề lớn nhất mà xã hội đang phải đối mặt: chi phí và hiệu quả của bảo hiểm y tế. Hiểu rõ ảnh hưởng về 10 Lời răn của Chúa trong việc hạn chế hành động không trung thực có thể giúp chúng ta ngăn chặn các vụ lừa đảo kiểu Enron . Hiểu các động lực thôi thúc chứng thèm ăn có ý nghĩa với những quyết định ngẫu hứng trong cuộc sống – bao gồm cả việc tại sao tiết kiệm tiền lại khó khăn đến vậy.

Với hàng loạt các thí nghiệm khoa học, khám phá và câu chuyện thú vị, cuốn sách sẽ giúp bạn suy nghĩ về những điều khiến bạn và những người xung quanh đưa ra lựa chọn. Và khi nhận ra tính hệ thống của các lỗi – chúng ta thường lặp đi lặp lại các sai lầm đó như thế nào ‒ bạn sẽ học được cách phòng tránh.

Nhưng trước khi trình bày về các nghiên cụ thể, thực tế và thú vị về thói quen trong ăn uống, mua sắm, tình yêu, tiền bạc, tính trì hoãn, sự trung thực và các lĩnh vực khác của đời sống, tôi sẽ kể cho các bạn về nguồn gốc thế giới quan có phần phi chính thống của mình – và cũng là của cuốn sách này. Mọi chuyện bắt đầu khi một tai nạn xảy ra với tôi nhiều năm trước đây.

Vào một buổi chiều thứ Sáu, mọi thứ đã thay đổi trong cuộc đời chàng trai Israel 18 tuổi. Một quả pháo sáng cỡ lớn, loại dùng để chiếu sáng chiến trường vào ban đêm, đã phát nổ khiến 70% cơ thể tôi bị bỏng độ 3.

Ba năm tiếp đó, tôi luôn phải băng bó và ở suốt trong bệnh viện. Trong bộ quần áo làm từ sợi tổng hợp bó chặt và chiếc mặt nạ, trông tôi giống như một dị bản của Siêu nhân. Không thể tham gia các hoạt động thường nhật như bạn bè và gia đình, tôi cảm thấy mình bị tách khỏi xã hội. Hệ quả tất yếu là tôi bắt đầu quan sát những hoạt động trước đây mình vẫn làm như một người ngoài cuộc. Tôi bắt đầu suy nghĩ về mục tiêu của các hành vi khác nhau, của tôi và của mọi người. Ví dụ, tại sao tôi lại đem lòng yêu cô gái này chứ không phải một cô gái khác; tại sao những hành động hàng ngày của tôi chỉ để thuận tiện cho các bác sỹ chứ không phải cho tôi; tại sao tôi thích leo núi mà không phải là học lịch sử; tại sao tôi lại quan tâm đến việc người khác nghĩ về tôi như thế nào,…

Trong suốt thời gian nằm viện, tôi đã trải qua nhiều cơn đau đớn. Khoảng thời gian giữa những lần điều trị và phẫu thuật đã giúp tôi suy nghĩ về điều này. Ban đầu, sự đau đớn hàng ngày diễn ra chủ yếu vào lúc “tắm”, khi tôi được ngâm vào dung dịch khử trùng, tháo băng và lấy tế bào da chết. Nếu da lành lặn, chất khử trùng chỉ gây cảm giác tê tê và việc tháo băng diễn ra dễ dàng. Nhưng khi chỉ có một ít hoặc không có chút da nào như trường hợp của tôi, chất khử trùng khiến tôi vô cùng đau đớn. Những tấm băng dính chặt vào da thịt và khi chúng được gỡ ra (thường là phải xé), khiến tôi không thể chịu đựng nổi.

Tôi bắt đầu nói chuyện với các y tá phụ trách việc tắm rửa hàng ngày để tìm hiểu phương pháp điều trị của họ. Các y tá thường giữ miếng băng và kéo ra càng nhanh càng tốt khiến bệnh nhân đau đớn đến tột cùng. Họ lặp lại quá trình này trong khoảng một giờ, cho tới khi gỡ bỏ được tất cả các miếng băng. Khi hoàn tất, tôi được bôi thuốc mỡ và quấn băng mới, để rồi mọi chuyện sẽ lặp lại vào ngày tiếp theo.

Tôi nhận ra rằng các y tá hành động dựa trên lý thuyết: một cú giật mạnh tốt hơn việc gỡ ra từ từ, nó có thể không gây ra sự đau đớn khủng khiếp cho bệnh nhân, nhưng nếu kéo dài và xét về tổng thể, thì sẽ gây ra nhiều đau đớn hơn. Các y tá cho rằng không có sự khác biệt giữa hai phương pháp: bắt đầu từ vùng đau đớn nhất của cơ thể và tiến dần tới vùng ít đau nhất; hoặc bắt đầu ở vùng ít đau nhất và tiến dần tới vùng đau đớn nhất.

Là người đã trải qua những cơn đau đớn khi tháo băng, tôi không đồng ý với niềm tin (chưa bao giờ được khoa học kiểm nghiệm) này. Lý thuyết của họ không tính đến tâm lý sợ hãi mà bệnh nhân phải đối mặt, khó có thể phán đoán chính xác khi nào cơn đau sẽ bắt đầu và giảm dần, hoặc không nghĩ tới việc an ủi sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt sự đau đớn.

Một thời gian dài sau khi rời bệnh viện, tôi bắt đầu học tại Đại học Tel Aviv, Israel. Trong học kỳ đầu tiên, tôi theo học một lớp về chức năng sinh lý của não bộ, do Giáo sư Hanan Frenk giảng dạy. Chính điều này đã làm thay đổi sâu sắc quan điểm về nghiên cứu và quyết định phần lớn tuơng lai của tôi. Ngoài các tài liệu thú vị, Giáo sư Frenk còn trình bày về cơ chế hoạt động của não bộ. Điều gây ấn tượng với tôi nhất là thái độ của giáo sư đối với các câu hỏi và các ý kiến khác nhau. Nhiều lần, khi tôi đưa ra gợi ý về cách diễn giải khác cho một số kết quả ông đã trình bày trước đó, ông đều trả lời rằng ý kiến của tôi là một khả năng và sau đó thách thức tôi tiến hành thực nghiệm để so sánh với lý thuyết truyền thống.

Xúc tiến thực nghiệm không phải là việc dễ dàng, nhưng ý nghĩ cho rằng khoa học là một nỗ lực thực nghiệm, trong đó tất cả những người tham gia (kể cả một sinh viên mới như tôi) có thể đem tới những lý thuyết mới mẻ, đã mở ra một thế giới mới cho tôi. Trong lần tới thăm văn phòng Giáo sư Frenk, tôi đã trình bày với ông về lý thuyết giải thích sự phát triển của chứng động kinh trong một giai đoạn và đưa ra ý tưởng thí nghiệm trên loài chuột.

Giáo sư Frenk thích thú với ý tưởng này và trong ba tháng sau đó, tôi đã tiến hành phẫu thuật trên 50 con chuột, đặt ống thông vào tủy sống và tiêm cho chúng các chất khác nhau để giảm các cơn động kinh. Kết quả, lý thuyết tôi đưa ra là sai, nhưng điều này không làm suy giảm lòng nhiệt tình của tôi. Tôi có thể học được điều gì đó từ lý thuyết của mình, ngay cả khi chúng không đúng. Tôi luôn đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức hoạt động của mọi thứ xung quanh và hành vi ứng xử của mọi người. Tôi hiểu được rằng khoa học là công cụ, cơ hội để kiểm tra mọi kiến thức và cả suy nghĩ của chính mình. Đây chính là điều đã dẫn tôi tới việc nghiên cứu con người cư xử như thế nào.

Tôi tập trung vào việc tìm hiểu chúng ta trải qua sự đau đớn ra sao và đặc biệt quan tâm tới những tình huống cụ thể như việc tắm khử trùng. Tôi đặt ra câu hỏi: Liệu có thể làm giảm mức độ đau đớn không? Để kiểm nghiệm câu trả lời, tôi đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm trên chính bản thân, bạn bè và các tình nguyện viên – sử dụng sự đau đớn về thể chất gây ra do bị nóng, lạnh, do nước, áp suất, tiếng ồn lớn, và thậm chí cả nỗi đau tâm lý do mất tiền vì chơi chứng khoán.

Khi sắp hoàn thành, tôi nhận ra rằng các y tá của khoa bỏng là những người tốt bụng và rộng lượng với nhiều kinh nghiệm tắm và gỡ băng, nhưng họ không có lý luận đúng về việc làm thế nào giảm sự đau đớn cho bệnh nhân. Họ là nạn nhân của nhận thức thành kiến cố hữu về sự đau đớn của bệnh nhân – những thành kiến không hề thay đổi mặc cho kinh nghiệm của họ rất phong phú.

Vì những lý do này, tôi đã rất hào hứng khi trở lại khoa bỏng và trình bày các kết quả nghiên cứu của mình với hy vọng có thể làm thay đổi cách họ tháo băng cho bệnh nhân. Tôi nói rằng thực tế mọi người sẽ cảm thấy đỡ đau đớn hơn nếu các bước điều trị (ví dụ: việc tháo băng sau khi tắm dung dịch khử trùng) được tiến hành với cường độ thấp hơn và trong thời gian dài hơn. Nói cách khác, mọi người sẽ cảm thấy đỡ đau đớn hơn nếu những tấm băng được kéo ra từ từ.

Các y tá rất ngạc nhiên trước kết luận của tôi, nhưng tôi cũng ngạc nhiên không kém bởi câu nói của cô y tá Etty. Cô nói rằng họ đã thiếu hiểu biết và nên thay đổi phương pháp. Nhưng cô cũng nhắc tới nỗi đau tâm lý mà các y tá phải trải qua khi bệnh nhân đau đớn kêu la, rằng việc lôi miếng băng ra nhanh là cách họ rút ngắn nỗi giày vò của mình. Cuối cùng, tất cả chúng tôi đều đồng ý nên thay đổi cách làm này. Và một số y tá đã làm theo đề nghị của tôi.

Những kiến nghị của tôi không làm thay đổi quy trình tháo băng ở quy mô rộng hơn, nhưng khoảng thời gian đó đã để lại ấn tượng thật đặc biệt. Tôi quyết định mở rộng phạm vi nghiên cứu ở những trường hợp cá nhân mắc các lỗi lặp đi lặp lại, mặc dù họ dày dạn kinh nghiệm nghề nghiệp.

Cuốn sách này sẽ dẫn bạn vào một cuộc hành trình tìm hiểu những trường hợp trong đó tất cả chúng ta đều trở nên phi lý trí. Và chính chuyên ngành Kinh tế học hành vi đã cho phép tôi tham dự cuộc chơi này.

Kinh tế học hành vi là một lĩnh vực tương đối mới mẻ, dựa trên các khía cạnh của cả tâm lý học và kinh tế học. Môn học này dẫn dắt tôi nghiên cứu mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống, từ việc chúng ta phải tiết kiệm cho giai đoạn nghỉ hưu tới việc không thể tư duy rành mạch khi hưng phấn tình dục. Vậy về cơ bản, kinh tế học hành vi là gì và nó khác kinh tế học tiêu chuẩn như thế nào? Tôi sẽ bắt đầu bằng đoạn trích của kịch gia Shakespeare:

Kỳ diệu thay là con người! Con người cao quý làm sao về mặt lý trí, vô tận làm sao về mặt năng khiếu! Hình dung và dáng điệu mới giàu ý nghĩa và đáng kính làm sao! Hành động như thần tiên, trí tuệ ngang tài Thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài!

Đoạn trích trên đã phản ánh quan điểm phổ biến về bản chất con người. Tất nhiên, về cơ bản quan điểm này đúng. Trí tuệ và cơ thể của chúng ta có thể làm được nhiều việc đáng kinh ngạc. Khi nhìn thấy quả bóng được ném từ xa, chúng ta có thể nhanh chóng tính toán được quỹ đạo và sức va chạm của nó, tiếp đó di chuyển cơ thể và giơ tay bắt lấy bóng. Chúng ta có thể dễ dàng học các ngôn ngữ mới (đặc biệt khi còn nhỏ), chơi cờ giỏi, nhận ra hàng nghìn khuôn mặt mà không bị nhầm lẫn hoặc sáng tác âm nhạc, văn học, công nghệ và hội họa,…

Shakespeare không phải là người duy nhất đánh giá cao trí tuệ của con người. Thực tế, tất cả chúng ta đều nghĩ về bản thân giống như Shakespeare đã khắc họa (dù phải thừa nhận rằng không phải lúc nào những người xung quan chúng ta cũng làm được theo tiêu chuẩn này). Trong kinh tế học, đây là khái niệm cơ bản, được gọi là tính lý trí, cung cấp nền tảng cho các lý thuyết, dự đoán và khuyến cáo kinh tế học.

Nhìn từ góc độ này và ở phạm vi tất cả chúng ta tin vào lý trí con người, thì mọi người đều là nhà kinh tế học. Tôi không có ý nói rằng mỗi chúng ta có thể, một cách bản năng, phát triển các mô hình lý thuyết trò chơi phức tạp hoặc hiểu được tiên đề tổng quát của sở thích được bộc lộ; mà ý tôi là chúng ta nắm giữ những niềm tin cơ bản về bản chất con người, dựa vào đó bộ môn kinh tế học được xây dựng. Trong cuốn sách, khi đề cập tới mô hình kinh tế lý trí, tôi muốn nhắc lại những nhận định cơ bản về bản chất con người mà hầu hết các nhà kinh tế học và nhiều người trong chúng ta đồng ý.

Mặc dù cảm giác vị nể năng lực của con người đã được chứng minh là đúng, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa cảm giác ngưỡng mộ sâu sắc và sự thừa nhận rằng năng lực lý trí của chúng ta là hoàn hảo. Tôi tin rằng việc nhận ra chúng ta cách điều lý tưởng bao xa là một phần quan trọng trong hành trình nỗ lực để hiểu chính mình, hiểu về sự phi lý trí quan trọng đối với các hoạt động và những quyết định hàng ngày của chúng ta, hiểu chúng ta tạo lập môi trường của mình như thế nào và những lựa chọn mà nó mang tới cho chúng ta ra sao.

Một quan sát xa hơn, chúng ta không chỉ phi lý trí mà còn phi lý trí có hệ thống – sự phi lý trí được lặp đi lặp lại. Dù chúng ta đang đóng vai trò của người tiêu dùng, doanh nhân hay nhà hoạch định chính sách, thì việc hiểu chúng ta phi lý trí theo cách có thể dự đoán sẽ cung cấp xuất phát điểm cho quá trình đưa ra quyết định và cải thiện cuộc sống của chúng ta.

Điều này đã dẫn tôi tới “sự cọ xát” (có thể Shakespeare đã từng gọi như thế) giữa kinh tế học truyền thống và kinh tế học hành vi. Kinh tế học truyền thống cho rằng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tính toán giá trị của tất cả các lựa chọn và sau đó đi theo hướng hành động tốt nhất. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mắc lỗi và làm điều gì đó phi lý trí? Kinh tế học truyền thống đưa ra câu trả lời: “Các lực lượng thị trường” sẽ lao nhanh vào chúng ta và ngay lập tức đặt chúng ta trở lại con đường đúng đắn và lý trí. Trên cơ sở đó, đã có rất nhiều thế hệ các nhà kinh tế học từ thời Adam Smith có thể phát triển các kết luận có ảnh hưởng sâu rộng về mọi mặt: từ thuế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đến việc định giá hàng hóa và dịch vụ.

Nhưng như cuốn sách chỉ ra, chúng ta thật sự cách xa hơn nhiều so với vị thế của lý thuyết kinh tế học chuẩn thừa nhận. Ngoài ra, các hành vi phi lý trí của chúng ta không hề ngẫu nhiên hay vô nghĩa. Chúng có tính hệ thống và hoàn toàn có thể dự đoán được. Vì thế, điều chỉnh kinh tế học chuẩn để tách nó ra khỏi tâm lý học ngây thơ (thường thất bại trong các thử thách của lý trí, sự tự xem xét bản thân, và quan trọng nhất là kiểm tra bằng kinh nghiệm) là rất ý nghĩa. Đây chính xác là những gì lĩnh vực kinh tế học hành vi và cuốn sách cố gắng đạt được.

Các bạn sẽ thấy trong các trang tiếp theo, mỗi chương của cuốn sách đều dựa trên các thí nghiệm tôi đã tiến hành cùng một số đồng nghiệp tuyệt vời. Tại sao lại là thí nghiệm? Cuộc sống vốn phức tạp, với nhiều nhân tố thường xuyên tác động đến chúng ta. Vì vậy, chúng ta khó có thể hình dung chính xác mỗi lực lượng này sẽ ảnh hưởng tới hành vi của chúng ta như thế nào. Với các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, thí nghiệm giống như kính hiển vi hoặc ánh sáng hoạt nghiệm. Chúng làm chậm hành vi của con người, tái hiện các sự kiện theo từng khuôn hình, tách biệt các nhân tố riêng lẻ và kiểm tra chi tiết các nhân tố đó. Chúng cho phép chúng ta kiểm tra trực tiếp và không nhầm lẫn về những điều thôi thúc chúng ta lựa chọn.

Đồng thời, tôi muốn bạn nghĩ về các thí nghiệm như một sự minh họa cho nguyên tắc chung, đem lại cái nhìn thấu suốt về cách chúng ta nghĩ và cách chúng ta đưa ra quyết định – không chỉ trong bối cảnh của một thí nghiệm cụ thể, mà bằng cách ngoại suy, mở rộng ra nhiều bối cảnh khác của cuộc sống.

Ở mỗi chương, tôi tiến hành ngoại suy những khám phá có được từ các thí nghiệm cho các bối cảnh khác nhau, cố gắng miêu tả ý nghĩa đối với cuộc sống, công việc kinh doanh và chính sách công cộng. Những ý nghĩa mà tôi rút ra, tất nhiên, chỉ là một phần của bản danh sách.

Để lĩnh hội được giá trị thật sự từ cuốn sách và từ môn khoa học xã hội nói chung, điều quan trọng là bạn, với tư cách một độc giả, phải dành thời gian suy nghĩ về các nguyên tắc hành vi được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Cuối mỗi chương, hãy dừng lại và suy ngẫm về ảnh hưởng của những nguyên tắc được rút ra từ các thí nghiệm, chúng sẽ làm cuộc sống của bạn tốt đẹp hay tồi tệ hơn. Quan trọng là bạn có thể làm gì khác đi, giả sử bạn có được một cách hiểu mới về bản chất của con người. Đây chính là điều ẩn chứa trong những chuyến phiêu lưu thật sự.

Bình luận
720
× sticky