Tại sao chúng ta không trung thực và chúng ta có thể làm gì với điều này?
Năm 2004, tổng thiệt hại từ các vụ cướp bóc ở Mỹ là 525 triệu đôla và mức thiệt hại trung bình từ một vụ cướp là khoảng 1.300$. Con số này là rất nhỏ so với công sức mà lực lượng cảnh sát đã bỏ ra, các chế tài pháp lý và trừng phạt đã được huy động vào việc bắt, giam giữ những tên cướp (đó là chưa tính đến những tốn kém từ giấy mực của báo chí và các phương tiện truyền thông đối với loại trộm cắp này). Tất nhiên, tôi không nói rằng chúng ta xem nhẹ những tên tội phạm chuyên nghiệp. Chúng ta phải bảo vệ mình trước những hành vi của chúng.
Hãy suy nghĩ về điều này : hàng năm, tình trạng trộm cắp và gian lận nơi công sở ước tính vào khoảng 600 tỷ đôla. Con số này cao hơn rất nhiều so với tổng thiệt hại tài chính do nạn ăn cắp, ăn trộm xe ô tô (tổng cộng khoảng 16 tỷ đôla năm 2004); nhiều hơn số tiền mà các tội phạm chuyên nghiệp ở Mỹ có thể ăn trộm được trong suốt cuộc đời của chúng; và gần như gấp đôi số vốn được định giá trên thị trường của tập đoàn General Electric. Chưa hết, hàng năm, theo báo cáo của ngành bảo hiểm, cá nhân khai báo sai khoảng 24 tỷ đôla trong đơn khai báo mất tài sản của họ. Trong khi đó, tổ chức IRS (một cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về thu thuế và thực thi luật thuế) ước tính họ thiệt hại khoảng 350 tỷ đôla hàng năm, thể hiện sự chênh lệch giữa số tiền thuế mà cảnh sát nghĩ người dân phải trả với số tiền thuế mà người dân đã trả. Ngành công nghiệp bán lẻ cũng nhức đầu không kém với mức thiệt hại 16 tỷ đôla/năm do những khách hàng mua quần áo, giấu nhãn mác vào trong túi quần rồi trả những bộ quần áo “second-hand” này để nhận tiền bồi thường.
Vụ scandal Enron xảy ra vào năm 2001, tôi, Giáo sư Nina Mazw và Giáo sư On Amir (Đại học California ở San Diego) đã thảo luận về sự gian lận. Chúng tôi băn khoăn tại sao một so tội phạm, đặc biệt là tội phạm cổ cồn trắng lại bị xét xử ít hơn so với những đối tượng khác – nhất là nhóm tội phạm này lại gây ra nhiều thiệt hại tài chính hơn là một kẻ trộm chuyên nghiệp có thể làm trong suốt quãng đỡi của mình?
Sau một hồi thảo luận, chúng tôi rút ra kết luận rằng có hai kiểu không trung thực. Kiểu thứ nhất gợi lên hình ảnh hai kẻ lưu manh đang đi vòng quanh một trạm xăng. Chúng quan sát xem có bao nhiêu tiền để trong ngăn kéo, xung quanh có ai có thể ngăn chặn chúng và chúng có thể phải đối mặt với hình phạt nào nếu bị bắt. Trên cơ sở phân tích chi phí lợi nhuận, chúng quyết định có nên ăn cướp ở nơi này hay không.
Kiểu thứ hai là những người nghĩ mình là trung thực. Họ “mượn” một cây bút trong cuộc hội thảo, lấy thêm xô-đa từ một máy bán nước giải khát, hay khai quá giá chiếc tivi trong bản khai mất tài sản.
Chúng ta biết sự tồn tại của loại không trung thực thứ hai nhưng mức độ phổ biến của nó như thế nào? Hơn nữa, nếu chúng ta tiến hành một thí nghiệm khoa học đối với những người “trung thực” và tạo điều kiện cho họ gian lận, liệu họ có gian lận không? Liệu họ có làm tổn hại đến sự chính trực của mình không? Họ sẽ gian lận ở mức độ nào? Chúng tôi quyết định phải tìm ra câu trả lời.
Trường kinh doanh Harvard chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống Mỹ. Nó nằm bên bờ sông Charles ở Cambridge, Massachusettes, với kiến trúc kiểu thuộc địa bề thế. Đây là ngôi trường nổi tiếng vì đã sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Thực tế, trong số 500 công ty Fortune, khoảng 20% trong số ba vị trí cao nhất của các công ty đó được nắm giữ bởi những sinh viên tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard. Liệu còn nơi nào tốt hơn để tiến hành thí nghiệm về sự trung thực không?
Chúng tôi yêu cầu một nhóm các sinh viên Harvard sắp ra trường và các sinh viên MBA làm một bài kiểm tra gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm. Câu hỏi sẽ tương tự với những câu hỏi trong bài kiểm tra chuẩn hóa (Sông nào dài nhất trên thế giới? Tác giả của Moby-Dick là ai? Từ nào miêu tả trung bình của một dãy số? Ai là vị thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp? …) Các sinh viên có 15 phút để trả lời tất cả câu hỏi. Khi hết thời gian, họ được yêu cầu chuyển câu trả lời từ tờ bài làm sang tờ ghi điểm và nộp cả hai cho giám thị. Với mỗi câu trả lởi đúng, giám thị sẽ thưởng cho họ 10 xu.
Trong một thí nghiệm khác, chúng tôi yêu cầu một nhóm sinh viên làm dạng bài kiểm tra tương tự như vậy nhưng có một thay đổi quan trong. Tờ ghi điểm sẽ được đánh dấu câu trả lời đúng. Với mỗi câu hỏi, hình tròn chỉ ra câu trả lời đúng sẽ được tô màu xám. Ví dụ nếu sinh viên trả lời trong tờ bài làm sông dài nhất trên thế giới là sông Mississippi, thì khi nhận đươc tờ ghi điểm, họ sẽ thấy rõ câu trả lời đúng là sông Nile. Lúc đó, họ có thể quyết định sẽ gian lận và đánh dấu câu trả lời đúng trên tờ ghi điểm.
Sau khi chuyển câu trả lời, họ sẽ đếm có bao nhiêu câu tr a lời đúng, viết con số đó lên trên đầu tờ ghi điểm và chuyển cả tờ bài làm và tờ ghi điểm cho giám thị. Giám thị sẽ thưởng cho họ 10 xu cho mỗi câu trả lời đúng.
Liệu những sinh viên này có gian lận không – thay đổi câu trả lời sai sang câu trả lời đúng đã được đánh dấu trước? Chúng tôi không chắc chắn, vì vậy đã quyết định dụ nhóm sinh viên tiếp theo ở mức độ cao hơn. Lần này, họ sẽ lại làm một bài kiểm tra, chuyển câu trả lời sang tờ ghi điểm đã được đánh dấu câu trả lời đúng và chỉ chuyển tờ ghi điểm cho giám thị. Nói cách khác, họ có thể hủy tất cả những bằng chứng liên quan đến hành vi gian lận của mình. Liệu các sinh viên có mắc bẫy không?
Trong thí nghiệm tiếp theo, các sinh viên được hướng dẫn hủy cả tờ bài làm và tờ ghi điểm đã được đánh dấu câu trả lời đúng. Họ không phải thông báo số điểm mà họ có được cho giám thị. Khi đã hủy tờ bài làm và tờ ghi điểm, các sinh viên chỉ cần đi lên đầu căn phòng thi – nơi mà chúng tôi đã đặt một cái bình đầy đồng xu – rút ra số tiền mà họ kiếm được và ra khỏi phòng. Đây là cơ hội cho họ thực hiện hành vi gian lận hoàn hảo.
Chúng tôi tạo điều kiện dễ dàng cho các sinh viên thực hiện hành vi gian lận. Liệu họ có “cắn mồi” không? Chúng ta chờ xem.
Khi nhóm đầu tiên đã ổn định chỗ ngoi, chúng tôi giải thích luật thi và phát bài kiểm tra. Họ làm bài trong 15 phút sau đó chép câu trả lời của họ sang tờ ghi điểm và nộp cả tờ bài làm và tờ ghi điểm. Vì họ không được đưa ra đáp án, nên họ sẽ không có cơ hội nào để gian lận cả. Trung bình, họ trả lời đúng 32,6/50 câu hỏi.
Bạn dự đoán nhóm sinh viên trong ba thí nghiệm còn lại làm gì? Họ đã khai họ trả lời đúng được bao nhiêu câu hỏi?
Điều kiện 1 Kiểm soát = 32,6
Điều kiện 2 Tự kiểm tra = …………
Điều kiện 3 Tự kiểm tra + = …………
xé bài làm
Điều kiện 4 Tự kiểm tra + = …………
xé bài làm + bình đựng tiền
Nhóm thứ hai thì sao? Họ cũng phải trả lời những câu hỏi như vậy. Nhưng lần này, khi chuyển câu trả lời sang tờ ghi điểm, họ có thể nhìn thấy đáp án. Liệu họ có gian lận để nhận được 10 xu cho mỗi câu trả lời đúng không? Kết quả, nhóm này khai báo họ đã trả lời đúng trung bình 36,2/50 câu hỏi. Liệu có phải họ thông minh hơn nhóm kiểm soát của chúng tôi? Điều này thật đáng nghi ngờ. Chúng tôi phát hiện ra họ đã bắt đầu có hành vi gian lận (khoảng 3,6 câu hỏi).
Còn nhóm thứ ba? Lần này, chúng tôi tăng mức độ dụ dỗ. Họ không những được xem câu trả lời đúng mà còn được xé bài làm. Họ có bị cắn câu không? Có, họ đã gian lận. Họ khai báo đã trả lời đúng được trung bình 35,9/50 câu hỏi – hơn nhóm sinh viên trong điều kiện kiểm soát và gần bằng với nhóm sinh viên thứ hai (nhóm không được xé bài làm của mình).
Cuối cùng là nhóm sinh viên được xé cả bài làm và tờ ghi điểm, sau đó đi đến bình đựng tiền và lấy đi số tiền mà họ xứng đáng được nhận. Họ khai báo đã trả lời đúng trung bình 36,1/50 câu hỏi – cao hơn so với con số 32,6 của nhóm kiểm soát nhưng về căn bản bằng với hai nhóm có cơ hội gian lận.
Chúng ta học được gì từ thí nghiệm này? Kết luận đầu tiên đó là khi có cơ hội, nhiều người trung thực sẽ gian lận. Thực tế, thay vì phát hiện một số người gian lận, thì chúng tôi lại phát hiện ra là đa số các sinh viên đã gian lận và họ chỉ gian lận một chút thôi. Trước khi bạn đổ lỗi vì môi trường trong sạch của trường Kinh doanh Harvard cho mức độ không trung thực này, tôi xin bổ sung thêm, chúng tôi tiến hành các thí nghiệm tương tự ở MIT, Princeton, UCLA và Yale và cũng nhận được kết quả tương tự.
Kết quả còn ấn tượng hơn : khi được tạo cơ hội để gian lận, những người tham gia thí nghiệm không bị ảnh hưởng bởi các rủi ro nếu bị phát hiện như chúng ta nghĩ. Khi sinh viên được tạo cơ hội để gian lận nhưng không được hủy bài làm của mình, họ tăng số lượng câu trả lời đúng từ 32,6 lên 36,2. Nhưng khi có cơ hội được hủy bài làm – che giấu hoàn toàn tội lỗi – họ không đẩy sự gian lận của mình đi xa hơn. Điều này có nghĩa ngay cả khi chúng ta không hề có khả năng bị phát hiện, chúng ta vẫn không gian lận quá mức.
Trong trường hợp các sinh viên được hủy cả hai tờ kết quả, nhận tiền và ra khỏi phòng thi, thì bất kỳ ai trong số họ cũng có thể khai báo mình đat được mức điểm tuyệt đối hay có thể lấy nhiều tiền hơn (trong bình có khoảng 100$). Nhưng tại sao không ai làm như vậy? Điều gì đó ngăn họ lại. Nhưng đó là cái gì? Và tính trung thực là gì vậy?
Trả lời câu hỏi này, Adam Smith, một nhà tư tưởng kinh tế vĩ đại, đưa ra một câu trả lời thú vị : “Khi tạo ra con người cho xã hội, tự nhiên ban cho ta một niềm khao khat ban đầu để làm hài lòng và một sự căm ghét ban đầu để không làm phật ý bạn bè của anh ta. Tự nhiên dạy cho anh ta cách cảm nhận niềm vui trong điều kiện thuận lợi và nỗi đau trong điều kiện không thuận lợi”.
Ông còn bổ sung : “Thành công của mỗi người… hầu hết phụ thuộc vào ý kiến tốt của hàng xóm và bạn bè, đồng nghiệp,… Vì vậy, câu thành ngữ xưa kia cho rằng trung thực luôn là chính sách tốt nhất, trong những tình huống như vậy hầu như luôn đúng”.
Lý thuyết của Smith gợi ra một suy nghĩ : khi mọi người có thể thực hiện phân tích chi phí-lợi nhuận về tính trung thực, thì họ cũng có thể tiến hành phân tích chi phí-lợi nhuận về tính không trung thực. Theo góc độ này, những cá nhân chỉ trung thực trong chừng mực phù hợp với họ (bao gồm ước mơ làm hài lòng những người khác).
Vậy có phải những quyết định về sự trung thực và không trung thực là dựa trên phân tích chi phí-lợi nhuận? Tôi không nghĩ vậy. Một người bạn của bạn có thể giải thích cho bạn về phân tích chi phí-lợi nhuận giúp cô ấy quyết định mua một chiếc laptop mới không? Tất nhiên là có. Nhưng liệu người bạn đó có chia sẻ với bạn phân tích chi phí-lợi nhuận về quyết định của cô ấy sẽ ăn cắp chiếc laptop không? Tất nhiên là không – trừ khi cô ấy là một kẻ ăn cắp chuyên nghiệp. Thay vào đó, tôi đồng ý với những người nói rằng tính trung thực là một cái gì đó lớn lao hơn mọi đức tính ở hầu hết các xã hội.
Sigmund Freud giải thích theo cách sau. Ông nói rằng vì chúng ta lớn lên trong xã hội, nên chúng ta tiếp thu những phẩm chất xã hội. Sự tiếp thu này dẫn đến sự phát triển của cái siêu ta. Nói chung, cái siêu ta hài lòng khi chúng ta tuân theo đạo đức của xã hội và không hạnh phúc khi chúng ta không tuân theo. Đó là lý do tại sao chúng ta dừng xe trước đèn đó vào lúc 4 giờ sáng mặc dù biết rằng trên đường lúc đó không có ai. Và đó là lý do tại sao chúng ta có được một cảm giác ấm áp khi chúng ta trả lại một chiếc ví bị đánh mất cho người chủ của nó, ngay cả khi chúng ta biết là danh tính của mình sẽ không bao giờ được công bố. Những hành động như vậy kich thích não bộ khiến chúng ta cảm thấy hài lòng.
Nhưng nếu lòng trung thực thật sự quan trọng, khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, thì tại sao chúng ta thường xuyên không trung thực?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta quan tâm đến sự trung thực và chúng ta muốn trung thực. Vấn đề là cái máy kiểm soát sự trung thực bên trong mỗi chúng ta chỉ hoạt động khi xem xét đến những hành vi vi phạm lớn. Đối với những hành vi vi phạm nhỏ (như lấy trộm một hoặc hai chiếc bút), chúng ta thậm chí còn không xem xét xem những hành động này sẽ phản ánh mức độ trung thực của ta như thế nào và vì vậy cái siêu tôi của chúng ta không hoạt động.
Nếu không được cái siêu tôi giúp đỡ, kiểm soát và điều khiển hành vi, thì biện pháp duy nhất để bảo vệ chúng ta khỏi loại vi phạm này là phân tích chi phí-lợi nhuận hợp lý. Nhưng liệu có ai chủ động cân đo giữa lợi ích của việc lấy trộm chiếc khăn tắm từ một phòng khách sạn và chi phí là bị bắt không? Ai sẽ xem xét chi phí-lợi nhuận của việc chỉ khai một phần thu nhập vào tờ khai thuế? Như chúng ta thấy trong thí nghiệm ở trường Harvard, phân tích chi phí-lợi nhuận, dường như không ảnh hưởng nhiều đến sự không trung thực của chúng ta.
Đây là quy luật vận động của thế giởi. Hầu như tờ báo nào cũng có bài viết về hành vi gian lận hay lừa đảo. Chúng ta chứng kiến các công ty tín dụng bòn rút khách hàng với mức lãi suất cao chót vót; các hãng máy bay phá sản rồi kêu gọi chính phủ liên bang đưa họ – và cả quỹ lương hạn hẹp của họ – ra khỏi rắc rối; các trường học bênh vực sự có mặt của các loại máy bán xôđa trong khuôn viên trường (và thu về hàng triệu đôla từ các hãng nước ngọt) mặc dù biết rằng đồ uống có đường làm cho trẻ em hiếu động thái quá và bị béo phì. Các khoản thuế là cơ hội cho các hành vi đạo đức xuống cấp. Phóng viên tài năng David Cay Johnston của tờ New York Times miêu tả trong cuốn sách Perfectly Legal : The Convert Campaign to Rig Our Tax System to benefit the Super Rich (Hoàn toàn bợp pháp : Chiến dịch gian lận hệ thống thuế của chúng ta để làm giàu cho những người siêu giàu).
Ngược lại với tất cả những điều này, xã hội (cụ thể là chính phủ của chúng ta) đã đáp trả lại, ít nhất đến một quy mô nào đó. Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 (quy định những giám đốc điều hành của các công ty phải cam đoan về kiểm toán và kế toán của họ) được thông qua để làm cho sự gian lận như ở Công ty Enron chỉ là chuyện của quá khứ. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua những hạn chế về “con dấu riêng” (cụ thể là việc chi tiêu ngân sách của chính phủ). Ủy ban Chứng khoán cũng thông qua yêu cầu là khai chi tiết khoản lương thưởng của các giám đốc điều hành.
Nhưng liệu những biện pháp này có khỏa lấp được những kẻ hở và ngăn sự không trung thực không? Một số nhà phê bình nói rằng chúng ta không thể. Ví dụ, những cuộc cải cách đạo đức ở quốc hội. Luật pháp cấm các nhà vận động hành lang mở tiệc ăn uống miễn phí cho các đại biểu quốc hội và tướng tá của họ ở những buổi lễ có đông số lượng người tham dự. Vậy các nhà vận động hành lang làm gì? Họ đã mời các đại biểu quốc hội đi dự tiệc với số lượng khách hạn chế. Tương tự, các bộ luật mới về đạo đức cấm các nhà vận động hành lang đưa đón các đại biểu quốc hội bằng máy bay “cánh cố định”. Vậy đưa đón bằng phi cơ có sao không?
Một điều luật mới thú vị nhất mà tôi từng được nghe có tên : “Quy tắc que tăm”. Luật này quy định rằng mặc dù các nhà vận động hành lang không còn được chiêu đãi tiệc ngồi cho các nghị sĩ, nhưng họ vẫn có thể chiêu đãi họ bất cứ món gì có thể ăn khi đang đứng, sử dụng ngón tay hay một que tăm.
Liệu điều này có làm thay đổi kế hoạch của ngành công nghiệp hải sản, vốn định tổ chức một bữa tiệc ngồi với mỳ và sò cho các nhà lập pháp của Washington. Không có sự thay đổi nhiều lắm. Những nhà vận động hành lang của ngành hải sản bỏ đi món mỳ ống (vì nó không thể ăn bằng tăm), nhưng vẫn thiết đãi các nghị sĩ chu đáo với món sò tươi.
Sarbanes-Oxley là một đạo luật không hiệu quả. Một số nhà phê bình nói rằng nó cứng nhắc và không linh hoạt, một số khác nói nó rất mập mờ, không nhất quán, không hiệu quả và quá tốn kém (đặc biệt là đối với các công ty nhỏ). William A.Niskanen, Chủ tịch Viện Cato nói : “Nó chưa triệt tiêu hẳn được nạn tham nhũng mà mới chỉ bắt các công ty nhảy qua các lỗ hổng mà thôi.”
Liệu có biện pháp nào điều trị tốt hơn căn bệnh không trung thực này không?
Trước khi trả lời các câu hỏi trên, tôi sẽ mô tả thí nghiệm chứng minh về vấn đề này. Cách đây vài ngày, tôi, Nina và On đã đưa một nhóm người tham gia thí nghiệm đến phòng thí nghiệm UCLA và yêu cầu họ làm một bài toán gồm 20 câu hỏi đơn giản. Mọi câu hỏi yêu cầu người tham gia thí nghiệm tìm ra hai số mà tổng của chúng bằng 10. Họ có 5 phút để giải càng nhiều càng tốt và sau đó sẽ được tham gia chơi sổ xố. Nếu trúng thưởng, họ sẽ nhận được 10$ cho mỗi câu trả lời đúng.
Cũng giống như thí nghiệm của chúng tôi ở trường Kinh doanh Harvard, một số người nộp bài làm trực tiếp cho giám thị. Họ là nhóm kiểm soát. Những người khác thì viết số câu trả lời đúng của họ vào một tờ bài làm khác và sau đó hủy tờ bài làm trước đi. Hiển nhiên, họ có cơ hội để gian lận. Liệu họ có gian lận không? Như dự đoán, họ có gian lận.
Mấu chốt của thí nghiệm này là những điều diễn ra trưởc đó. Khi họ đến phòng thí nghiệm, chúng tôi yêu cầu một số người viết tên 10 cuốn sách mà họ đã đọc hồi học cấp ba. Những người khác thì được yêu cầu viết 10 Lời răn của Chúa.
Theo cách tổ chức thí nghiệm này, những người tham gia được tạo điều kiện gian lận sau khi nhớ lại 10 cuốn sách mà họ đã đọc khi còn học cấp ba hoặc 10 Lời răn của Chúa. Theo bạn ai sẽ là người gian lận nhiều hơn?
Khi không có điều kiện gian lận, những người tham gia thí nghiệm của chúng tôi đã trả lời đúng khoảng 3,1 câu hỏi.
Khi có điều kiện để gian lận, nhóm người tham gia nhớ lại 10 cuốn sách mà họ đã đọc khi còn học cấp ba đạt được số điểm trung bình là 4,1 câu trả lời đúng (hơn 33% so với những người không có điều kiện để gian lận).
Nhưng điều gì xảy ra với nhóm còn lại – những người viết 10 Lời răn của Chúa, sau đó làm bài kiểm tra và xé bài làm của họ. Liệu họ có gian lận không – hay 10 Lời răn của Chúa đã có tác động nào đó đến sự trung thực của họ? Kết quả khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên : những người được yêu cầu nhớ lại 10 Lời răn của Chúa không gian lận chút nào. Trung bình họ trả lời đúng được 3 câu hỏi – số điểm bằng với nhóm không có điều kiện để gian lận và ít hơn so với nhóm có điều kiện để gian lận được yêu cầu nhớ tên 10 cuốn sách.
Điều kỳ diệu nào mà 10 Lời răn của Chúa đã khiến các sinh viên không gian lận? Chúng tôi chỉ yêu cầu những người tham gia thí nghiệm nhớ lại chúng (và hầu như không có ai nhớ được hết cả 10 Lời răn) với hy vọng sẽ khơi nên tính trung thực trong họ. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Liệu chúng ta có thể học được bài học nào về cách hạn chế sự không trung thực từ thí nghiệm này? Chúng tôi đã phải mất vài tuần để đi đến một số kết luận.
Một là, chúng ta nên đưa Kinh Thánh quay trở lại với đời sống cộng đồng. Điều đặc biệt gây ấn tượng cho tôi về thí nghiệm với 10 Lời răn của Chúa là những sinh viên chỉ nhớ được một hoặc hai lời răn cũng bị ảnh hưởng như những sinh viên có thể nhớ được 10 Lời răn. Điều này chỉ ra rằng, không phải những Lời răn của Chúa đã khuyến khích tính trung thực mà sự suy tưởng về một chuẩn mực đạo đức nào đó đã khuyến khích tính trung thực.
Nếu điều này đúng, chúng ta cũng có thể sử dụng những tiêu chuẩn đạo đức không mang tính tôn giáo để tăng mức độ trung thực. Ví dụ, những lời thề nghề nghiệp mà bác sỹ, luật sư đã tuyên thệ thì sao? Liệu những lời thề đó có gian trá không?
Từ “nghề nghiệp” bắt nguồn từ tiếng La tinh : Professus, có nghĩa là “công khai khẳng định”. Lời thề về nghề nghiệp khởi nguồn từ tôn giáo và sau đó lan rộng sang y tế và luật. Lời thề – được nói và viết ra – là một lời nhắc nhở những người hành nghề phải điều chỉnh hành vi của mình. Các lời thề cũng đưa ra một hệ thống các quy tắc phải được chấp hành.
Vào những năm 1960, một phong trào mạnh mẽ đã diễn ra nhằm bãi bỏ các lời thề nghề nghiệp. Người ta đưa ra lý lẽ rằng những lời thề nghề nghiệp mang tính chất quý tộc và cần phải bị phơi bày ra ánh sáng. Đối với nghề luật thì điều này có nghĩa là phải có nhiều bản tóm tắt hồ sơ kiện tụng viết bằng tiếng Anh thẳng thắn và đơn giản; sử dụng máy quay phim trong phòng xử án. Những biện pháp tương tự nhằm chống lại chủ nghĩa quý tộc cũng áp dụng cho ngành y tế, ngân hàng và các nghề nghiệp khác nữa. Nhiều biện pháp trong số này cũng đã mang lại một số lợi ích. Chủ nghĩa chuyên nghiệp hà khắc được thay thế bằng tính linh hoạt, mềm dẻo.
Ví dụ, một nghiên cứu của tòa án bang California vào năm 1990 đã phát hiện ra rằng phần lớn các luật sư ở California đã chán ngấy tình trạng xuống cấp danh dự trong công việc và “rất bi quan” về thực trạng nghề nghiệp của họ. 2/3 trong số họ nói rằng những luật sư ngày nay đã phải bỏ qua “chủ nghĩa chuyên nghiệp” của mình như một kết quả của áp lực về kinh tế. Gần 80% nói rằng tòa án đã “không trừng phạt thích đáng những luật sư vô nguyên tắc”. Một nửa trong số họ nói rằng họ sẽ không trở thành luật sư nếu được quyết định lại.
Một nghiên cứu so sánh của Marylan Judicial Task Force cũng cho thấy sự chán nản tương tự trong số những luật sư ở bang đó. Theo các luật sư của Maryland, nghề nghiệp của họ đã tha hóa tồi tệ đến mức “họ thường cáu kỉnh, nóng tính, hay tranh cãi và chửi thề” hay “sống thu mình, lơ đãng, mất tập trung”. Khi các luật sư ở bang Virginia được hỏi những vấn đề trong nghề nghiệp của họ là do “một vài con sâu” hay do xu thế chung, phần lớn họ đều trả lời rằng đây là một vấn đề phổ biến.
Các luật sư ở bang Florida bị đánh giá là những luật sư tệ nhất. Năm 2003, Tòa án Florida báo cáo rằng một vài luật sư đang “chạy theo đồng tiền, quá mưu mẹo, lừa lọc, lén lút và không đáng tin; họ xem nhẹ chân lý về sự công bằng, sẵn sàng xuyên tạc, dùng mánh khóe và che giấu sự thật nhằm thắng kiện; kiêu căng, hạ mình và sỉ nhục người khác”. Họ còn “tự đắc và đáng ghét”. Ngành y tế cũng bị chỉ trích. Các bác sỹ thì thực hiện các cuộc phẫu thuật không cần thiết và các thủ tục khác nhằm tăng thu nhập …
Khi nhìn vào bất kỳ nhóm ngành nghề nào, bạn cũng có thể thấy được các dấu hiệu tương tự. Vậy Hiệp hội các nhà Địa chất học Dầu khí thì sao? Nhìn kỹ bạn sẽ thấy có rất nhiều rắc rối trong đó. Một thành viên của hiệp hội nói với đồng nghiệp : “Có những hành vi trái đạo đức đang diễn ra ở mức độ lớn hơn chúng ta có thể nghĩ”. Đó là những hiện tượng như : sử dụng dữ liệu kỹ thuật số hay địa chấn sai; ăn trộm bản đồ và nguyên vật liệu; thổi phòng về sự hứa hẹn của một mỏ dầu.
Nhưng hãy nhớ là các nhà địa chất học dầu khí không đơn độc. Hiện tượng suy thoái đạo đức nghề nghiệp diễn ra ở khắp nơi.
Vậy chúng ta phải làm gì? Giả sử, thay vì nhớ lại 10 Lời răn của Chúa, chúng ta có thói quen ký tên sau mọi lời thề thiêng liêng. Liệu một lời thề có tạo ra sự khác biệt theo cách mà chúng ta thấy 10 Lời răn của Chúa đã tạo ra sự khác biệt không? Chúng ta cần phải tìm ra câu trả lời – vì vậy chúng tôi tiến hành thí nghiệm tiếp theo.
Trong thí nghiệm này, nhóm đầu tiên sẽ làm một bài toán ma trận và nộp câu trả lời của họ cho người tổ chức thí nghiệm (người này sẽ đếm câu trả lời đúng của người nộp bài và thưởng cho họ số tiền tương ứng). Nhóm thứ hai cũng làm bài kiểm tra như vậy nhưng các thành viên trong nhóm được yêu cầu giữ lại bài làm của họ, sau đó nói cho người tổ chức thí nghiệm biết là họ đã trả lời đúng bao nhiêu câu hỏi. Người tiến hành thí nghiệm sẽ thưởng cho họ số tiền tương ứng.
Đối với nhóm thứ ba, trước khi bắt đầu thí nghiệm, mọi người được yêu cầu ký vào tờ bài làm của họ có câu : “Tôi hiểu rằng nghiên cứu này nằm trong hệ thống danh dự của MIT”. Sau đó, họ tiếp tục với nhiệm vụ. Khi hoàn thành, họ cất tờ bài làm của mình vào trong túi, đi lên phía đầu lớp và nói với người tổ chức thí nghiệm số câu họ trả lời đúng và nhận số tiền tương ứng.
Kết quả là gì? Trong điều kiện kiểm soát, những người tham gia thí nghiệm trả lời đúng trung bình khoảng 3/20 câu hỏi. Ở điều kiện thứ hai, trong đó những người tham gia thí nghiệm có thể cất tờ bài làm của mình, họ khai là trả lời đúng trung bình 5,5/20 câu hỏi. Điều gì nổi bật ở trường thứ ba – trong đó những người tham gia được cất tờ bài làm của mình và ký lời tuyên thệ về Quy tắc Danh dự. Họ nói rằng họ đã trả lời đúng trung bình 3 câu – bằng với con số của nhóm kiểm soát. Hiệu quả của việc ký lời tuyên thệ về Quy tắc Danh dự thật đáng ngạc nhiên, khi thực tế là trường MIT không có một quy tắc danh dự nào.
Vì vậy, chúng tôi phát hiện ra rằng con người thực hiện hành vi gian lận khi họ có cơ hội nhưng họ không gian lận nhiều như họ có thể. Hơn nữa, ngay khi họ nghĩ về sự trung thực – bằng cách nhớ lại 10 Lời răn của Chúa hay ký một lời cam kết đơn giản – họ sẽ dừng hành vi gian lận ngay lập tức. Nếu chúng ta được nhắc nhở về đạo đức vào thời điểm chúng ta bị lôi cuốn, thì khi đó chúng ta có nhiều khuynh hướng trung thực hơn.
Hiện tại, nhiều tòa án bang và các tổ chức chuyên nghiệp đang vực lại các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của họ. Một số tổ chức thì tăng cường các khóa học ở trường cao đẳng hay đại học; các tổ chức khác thì mở các lớp học đạo đức và bồi dưỡng đạo đức. Trong ngành luật, thẩm phán Dennis M. Sweeney của quận Howard (Maryland) đã phát hành cuốn sách Guidelines for Lawyer Courtroom Conduct (Hướng dẫn hành xử trong tòa án cho thẩm phán) trong đó ông nhận định. “Hầu hết các quy tắc, giống như thế này, chỉ đơn giản là những điều mà các bà me của chúng ta sẽ nói với một người đàn ông hay một người phụ nữ lịch sự nên làm gì. Do họ còn có nhiều trọng trách khác nữa và các bà mẹ của chúng ta không thể có mặt ở tất cả các tòa án ở Mỹ, nên tôi đưa ra những quy tắc này”.
Liệu những biện pháp chung như vậy có đem lại hiệu quả không? Đọc lời tuyên thệ và cam kết trung thành với quy tắc thôi thì chưa đủ. Từ thí nghiệm của chúng tôi, rõ ràng là lời thề và các quy tắc phải được nhớ lại vào trước thời điểm chúng ta bị cám dỗ. Một khi đạo đức nghề nghiệp (tiêu chuẩn xã hội) đã suy thoái thì lấy lại chúng không hề dễ dàng.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng. Tại sao tính trung thực lại quan trọng đến như vậy? Đừng bao giờ quên rằng Mỹ nắm một vị trí quyền lực kinh tế quan trọng trong thế giới ngày nay, một phần vì nó là quốc gia trung thực nhất xét về các chuẩn mực quản lý doanh nghiệp.
Năm 2002, theo một nghiên cứu, Mỹ đứng thứ 12 trên thế giới về mức độ liêm chính (Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand xếp đầu tiên; Haiti, Iraq, Myanmar và Somalia xếp cuối cùng, thứ 163). Thực chất, Mỹ đang trượt dốc, chứ không phải đi lên và điều này có thể gây tổn thất lâu dài và to lớn.
Adam Smith nhắc nhở chúng ta rằng, tính trung thực là chính sách tốt nhất, đặc biệt trong kinh doanh. Bạn có thể nhìn vào nhiều quốc gia để xem xét khía cạnh này. Ở châu Mỹ Latinh tràn ngập các tập đoàn kinh tế gia đình cho họ hàng vay vốn (và sau đó không thể không cho vay tiếp khi các con nợ không trả được). Iran cũng là một ví dụ về tình trạng thiếu sự tin tưởng. Một sinh viên Iran ở MIT nói với tôi rằng, công việc kinh doanh ở đó thiếu nền tảng niềm tin. Chính vì điều này, không ai thanh toán tiền trước, không ai cho nợ và không ai dám chấp nhận rủi ro. Mọi người phải thuê nhân viên ngay chính trong gia đình họ để đảm bảo độ tin cậy. Bạn có muốn sống trong một thế giới như vậy không? Hãy cẩn thận vì thiếu sự trung thực, bạn sẽ đến thế giới đó nhanh hơn bạn tưởng.
Chúng ta có thể làm gì để giữ cho một đất nước luôn có sự trung thực? Chúng ta có thể đọc Kinh Thánh, đọc Kinh Coran hay bất kỳ cái gì phản ánh giá trị của chúng ta. Chúng ta có thể tái sinh lại những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta có thể ký tên mình dưới những lời cam kết. Chúng ta phải thừa nhận mình đang rơi vào tình huống khi mà các lợi ích tài chính cá nhân của chúng ta đối lập với những tiêu chuẩn đạo đức. Vậy câu trả lời là gì? Nếu chúng ta nhận ra điểm yếu này, chúng ta có thể tránh những tình huống như vậy ngay từ đầu. Chúng ta có thể ngăn chặn các bác sỹ không được tiến hành những xét nghiệm sẽ mang lại cho họ những lợi ích tài chính; chúng ta có thể ngăn chặn các kế toán viên và các kiểm toán viên không được làm tư vấn cho cùng một công ty; và chúng ta có thể cấm các nghị sĩ quốc hội không được đặt ra mức lương cho mình, …
Nhưng đây không phải là kết thúc của vấn đề không trung thục. Trong chương tới, tôi sẽ đưa ra một số gợi ý khác về không trung thực và cách đấu tranh với nó.
10 Lời răn của Chúa
Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, trước mặt ta ngươi chớ có thần khác.
Ngươi không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc phàm tục tầm thường.
Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, coi đó là ngày Thánh.
Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.
Ngươi chớ giết người.
Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
Không được tham lam lấy của người khác.
Ngươi không được làm chứng dối hại người.
Ngươi không được ham muốn vợ người ta.
Ngươi không được thèm muốn của cải của người khác.