Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Du Học Trên Đất Mỹ

Chương 4: Nhật Ký “Những Ngày Liều Lĩnh Đi Tìm Việc”

Tác giả: Vương Quyên

Tháng 1 năm 2011 đến tháng 8 năm 2011

Tôi từng cho rằng bước đầu tiên khi tìm việc là soạn CV và viết đơn xin việc, nhưng sau mới phát hiện ra, hiểu rõ phương hướng chuyên ngành, hứng thú nghề nghiệp, đồng thời phân tích những nghề nghiệp hiện có trên thị trường, mới nên là bước đầu tiên.

Bản thân bạn có được những thứ ấy, đó mới là năng lực cạnh tranh cốt lõi của bạn.

Khi một người cảm thấy sắp lạc mất phương hướng, anh ta phải biết học cách lắng nghe những âm thanh sâu thẳm từ trong nội tâm mình.

Quá trình tìm việc của tôi ở Mỹ được chia thành hai giai đoạn: Trước tốt nghiệp và sau tốt nghiệp. Để bù đắp điểm yếu là du học sinh nước ngoài, giai đoạn nghỉ hè trước khi tốt nghiệp tôi đã bắt đầu chuẩn bị tìm việc, nhằm tìm kiếm cơ hội, chiếm lĩnh ưu thế trong cuộc chiến gian khổ và lâu dài này. Lúc ấy, cũng như hàng ngàn sinh viên khác cùng khóa, chỉ cần nhắc đến hai chữ “tìm việc”, ngay lập tức tôi nghĩ đến “chuẩn bị CV”, “viết đơn xin việc” và “rải hồ sơ”. Tôi cho rằng chỉ cần làm một bản CV đẹp long lanh, với bức thư xin việc được viết đầy thành khẩn, và rải đi càng nhiều nơi càng tốt, như vậy để có được một công việc chắc không phải vấn đề quá to tát.

Với tinh thần và nguyên tắc ấy, tôi bước vào hiệp đầu tiên của trận chiến tìm việc với một thái độ chắc thắng. Tôi cẩn thận hoàn thành từng bước trong quá trình viết CV, đơn xin việc, tìm người giới thiệu… Tuy nói làm cẩn thận, nhưng vì trước đây chưa từng viết bằng tiếng Anh, nên tôi đã tham khảo rất nhiều mẫu trên mạng, và chỉ tiến hành sửa chữa vài điểm dựa trên những mẫu ấy. Sau đó tôi lên các trang web tìm việc nổi tiếng, cứ thấy bất kỳ thông báo tuyển dụng nào có yêu cầu bằng thạc sĩ Công tác xã hội, liền ngay lập tức gửi hồ sơ, không hề nghiên cứu xem bản thân có thích hợp với công việc của tổ chức đó hay không. Sau khi gửi rất nhiều hồ sơ đi, tôi còn chẳng chủ động gọi điện thoại hỏi thăm tình hình vì việc học quá bận rộn, mà chỉ biết chờ đợi một cách bị động.

Có thể thấy, tìm việc vội vàng, mù quáng và vô cùng máy móc như vậy sẽ không mang lại kết quả khả quan. Không ngoài dự đoán, 90% số hồ sơ tôi gửi đi đều bặt vô âm tín, 5% còn lại từ chối do tôi không có kinh nghiệm và giấy phép hành nghề. Chỉ có một tổ chức duy nhất bằng lòng tuyển dụng tôi sau khi tốt nghiệp, nhưng vị trí họ cần chỉ là một nhân viên tạm thời đi thay ca vào buổi tối hoặc cuối tuần.

Mọi công sức cố gắng tìm việc của tôi trước khi tốt nghiệp coi như đổ sông đổ bể. Cũng chính vì lần thất bại đó mà trong một khoảng thời gian dài sau khi tốt nghiệp, tôi lại rơi vào trạng thái bối rối và tự ti. Tốt nghiệp chính là thất nghiệp, câu nói đó hoàn toàn chính xác với tôi. Bởi vì không có thời gian làm việc, ngủ nghỉ cố định, nên tôi sống như dân du mục. Lên mạng, đọc sách, ngủ, chơi game… thời gian qua nhanh như gió thổi, nhìn từng tờ lịch lần lượt bị xé, tôi lại trở nên trống rỗng hệt như căn phòng cô đơn lạnh lẽo này. Để quyết tâm tìm lại cuộc sống, tôi bắt đầu tự mình tìm việc để làm. Cuốn sách đầu tiên của tôi Săn học bổng đã được hoàn thành trong thời gian này.

Sau khi viết xong bản thảo, lũ ve ngoài cửa sổ cũng bắt đầu cất tiếng hát. Ngày nào lên Facebook tôi cũng thấy đám bạn học tốt nghiệp cùng thời đều lần lượt có công ăn việc làm khiến một đứa ngồi nhà gần nửa năm như tôi quá sốt ruột. Kỳ thực, lúc ấy tôi không hiểu sao bản thân lại sợ hãi hai khái niệm “công việc” và “đi làm” đến thế, giờ nhớ lại dường như mới mang máng hiểu ra được một chút.

Thật lòng mà nói, suốt 20 năm từ năm 6 tuổi đến khi 26 tuổi, tôi luôn sống trong tháp ngà. Ngoại trừ vài công việc thực tập ngắn ngủi, từ tiểu học, trung học, cho đến phổ thông, đại học, sau đó là học thạc sĩ ở nước ngoài, trong thời gian đó tôi chưa từng làm bất cứ một công việc chính thức nào. Chính vì chưa từng bước chân ra ngoài xã hội, nên tôi mới cảm thấy sợ hãi đối với công việc trong tương lai. Không có việc gì khiến người ta thiếu cảm giác an toàn hơn điều mà ta chưa hề biết. Tuy tôi rất khao khát có được một công việc, và cũng hiểu rất rõ sở thích của bản thân, nhưng không hiểu sao, sau khi thoát khỏi biển học khổ cực, đứng ở ngã ba đường của cuộc đời, tôi lại cảm thấy thấp thỏm đến mức không thể cất bước đi tiếp.

Tìm việc làm vốn đã khiến tôi vô cùng sợ hãi, càng không cần nói đến chuyện tìm việc ở Mỹ, giống như hôm qua tôi mới thích ứng xong với một vai diễn, hôm nay đã phải đối mặt với một vai diễn mới khó hơn. Kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, đủ loại tin đồn liên quan đến vấn đề sinh viên nước ngoài rất khó tìm việc ở đây cứ ào đến bất tận. Nền kinh tế sa sút, cạnh tranh khốc liệt, khó khăn về ngôn ngữ, thân phận hạn chế… tất cả đã trở thành những con quái vật đang trợn mắt trừng trừng, nhe nanh múa vuốt chặn đường các du học sinh đi tìm việc, khiến ai nấy đều sợ xanh mặt.

Tuy trong hai năm học ở Mỹ, tôi đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn, nhưng dường như vẫn chưa thể vứt bỏ hoàn toàn tâm lý “tôi là một người nước ngoài”. Nó hệt như sợi dây xích vô hình, tôi càng muốn đào thoát, càng bị nó siết chặt, càng muốn phóng chạy, lại càng bị quấn chân. Mỗi khi tôi định nỗ lực tìm việc, giọng nói của kẻ tiểu nhân vô hình ấy lại vang lên chất vấn: “Rốt cuộc mi dựa vào cái gì để cạnh tranh với người Mỹ?” Đúng thế, luận về chuyên môn, tôi là tay ngang; so về khả năng ngôn ngữ, tôi chẳng khác gì đang múa rìu qua mắt thợ; về kinh nghiệm làm việc, tôi đúng chuẩn một anh lính tò te. Nếu muốn đứng vững trong môi trường làm việc ở Mỹ, rốt cuộc năng lực cạnh tranh cốt lõi của tôi là gì?

Trong một lần nói chuyện điện thoại với mẹ, tôi đã bộc bạch với bà về sự mơ hồ với tương lai, lo lắng cho hiện tại của mình. Tôi nói, khi đi xin việc cùng một người gốc Mỹ tài giỏi, con không tìm thấy chỗ đứng của mình, con không biết phải làm sao để có thể trở nên mạnh mẽ như họ. Nghe xong, mẹ liền bật cười nói: “Con à, mọi nghi hoặc của con hiện giờ đều bắt nguồn từ việc con phủ định chính mình. Nếu một người luôn tự phủ định bản thân, họ sẽ chẳng bao giờ thấy được điểm sáng của mình. Con không được như vậy, bởi chỉ khi con kết hợp mọi thứ, dù xấu hay tốt của con lại với nhau, con mới có thể tạo nên một thể hoàn chỉnh và chân thực nhất của mình. Con không cần phải nghĩ cách trở thành người Mỹ, chỉ cần nghĩ cách là chính mình. Những thứ có sẵn trong con mới chính là năng lực cạnh tranh cốt lõi của con.”

Những lời của mẹ khiến tôi lặng người suy ngẫm… Những thứ “có sẵn trong con” rốt cuộc là gì?

Tôi nghĩ, đầu tiên tôi có một tấm lòng vui vẻ giúp đỡ người khác, đó chính là động lực thúc đẩy tôi lựa chọn lĩnh vực Công tác xã hội này. Tôi mong muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đối với tôi, chúng giống như một cuốn sách vô cùng thú vị, khiến tôi háo hức được tìm hiểu. Tôi khao khát muốn dùng những kiến thức chuyên môn đã được học, để hàn gắn lại vết thương trong lòng mỗi người. Tôi thật lòng cảm thấy hạnh phúc với niềm vui của họ, và nhói lòng khi thấy họ đau thương. Vậy nên, một trái tim chân thành chính là thứ quan trọng nhất mà tôi có. Tôi đã chọn công việc liên quan đến lĩnh vực tư vấn tâm lý cho tương lai, cũng chính bởi sự đam mê và cố chấp ấy, chứ không chỉ vì cần một công việc.

Hơn nữa ở đất nước này, tôi là một sinh viên quốc tế. Tôi từng cho rằng với thân phận đó sẽ khiến tôi gặp khó khăn trong quá trình tìm việc, nhưng giờ nghĩ kỹ lại, có lẽ tình hình không hoàn toàn như thế. Bất kỳ việc gì cũng có mặt tốt và mặt xấu, quan trọng bạn phải hiểu nó như thế nào. Tuy sinh viên quốc tế có rất nhiều điểm bất lợi, nhưng đồng thời nó cũng khiến tôi có được những ưu thế mà sinh viên bản địa không có.

Ví dụ, trải nghiệm từ quá trình du học khiến tôi tích lũy được kinh nghiệm quý báu về việc học tập và sinh sống trong hai môi trường văn hóa khác biệt. Giờ đây tôi có thể nhanh chóng thích ứng với văn hóa và ngôn ngữ trong nhiều hoàn cảnh, như vậy tương lai tôi sẽ hòa nhịp với công việc mới nhanh hơn người khác. Ngoài ra, tính đặc thù của ngành Công tác xã hội luôn yêu cầu nhân viên phải có tấm lòng bao dung với những nhóm người khác nhau đến từ các nền văn hóa khác nhau. Chính vì tôi đã từng sống trong một môi trường văn hóa khác, nên tôi có thể nhìn nhận vấn đề bằng tâm lý bao dung, bình đẳng hơn. Hơn nữa, tôi còn có thể vận dụng các quan điểm văn hóa xuất sắc của dân tộc mình vào trong công việc, cung cấp kiến thức và những góc nhìn mới để giải quyết vấn đề cho các đồng nghiệp tương lai của mình.

Nghĩ đến đây, tôi bỗng nhận ra, trong quá trình tìm việc, tôi đâu nhất thiết phải nói mình là một sinh viên quốc tế. Ngược lại, tôi càng phải làm nổi bật nó lên, bởi đó mới là điểm khác biệt, là năng lực cạnh tranh cốt lõi của tôi. Khi bạn không thể bị thay thế vì một đặc điểm nào đó, bạn mới có cơ hội được chú ý và thành công, sự thành công ấy mới có khả năng bền vững. Sau khi nghĩ thông suốt, tôi bỗng thấy vô cùng thoải mái. Tuy tôi vẫn chưa có sự tiến bộ nào đáng kể, nhưng dường như đã không còn lo lắng như trước, cảm thấy tự tin hơn về tương lai. Tháng bảy, cuối cùng tôi cũng chấm dứt thời kỳ nghỉ ngơi dài lê thê, để bước vào hiệp hai của trận chiến tìm việc.

Khi tâm trạng dần ổn định, tôi đã thuận lợi lấy được giấy phép hành nghề Công tác xã hội lâm sàng sơ cấp sau một tháng. Ở một chừng mực nhất định, giấy phép này đã nâng cao năng lực cạnh tranh của tôi trong làn sóng tìm việc ồ ạt. Lần này, tôi quyết định thay đổi hết mớ quan niệm cố chấp của bản thân, xem xét lại mấy chuyện như “CV”, “đơn xin việc” và “rải hồ sơ”. Tôi phải xốc lại tinh thần quyết tâm như lúc làm hồ sơ du học, hoàn thành thật tốt từng khâu trong quá trình xin việc.

Tôi từng cho rằng bước đầu khi tìm việc là viết CV và đơn xin việc, nhưng sau mới phát hiện ra, việc hiểu rõ phương hướng chuyên ngành, hứng thú nghề nghiệp, đồng thời phân tích những nghề nghiệp hiện có trên thị trường mới là việc cần làm trước tiên. Ví dụ một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh: Mặc dù bạn chỉ cầm tấm bằng tiếng Anh trên tay, nhưng sau khi tốt nghiệp bạn có thể làm rất nhiều việc như: giáo viên, phiên dịch, xuất bản, kinh doanh, quảng cáo hay hướng dẫn viên du lịch… Có thể thấy khi đi xin việc, sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh có thể linh hoạt hệt như con bạch tuộc, nhưng thực tế tình hình không hề đơn giản như thế. Nếu không phân tích kỹ sở thích, ưu nhược điểm của cá nhân, cũng như các vị trí công việc khác nhau, rất có thể khiến mọi việc trở nên công cốc. Xin việc cũng giống như đánh cờ, chỉ khi cố gắng hết sức, biết mình biết người, mới có thể nắm chắc phần thắng.

Trước đây, tôi đã từng nếm đủ về chuyện “biết mình”, bây giờ càng cần phải “biết người” – tôi phải hiểu rõ có những ngành nghề nào trên thị trường lao động hiện tại, gồm các công ty như thế nào, cần nhân lực ra sao. Sau khi tìm kiếm trên các trang mạng tuyển dụng lớn, tôi phát hiện, sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Công tác xã hội (ở đây tôi chỉ bàn về tình hình công việc thuộc chuyên ngành lâm sàng ở Misouri) tại Mỹ có thể làm cho hai loại hình công việc: quản lý hồ sơ cá nhân, và tư vấn tâm lý lâm sàng. Thông thường, loại công việc đầu tiên mang tính chất nhập môn, chuyên dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học, loại còn lại yêu cầu người có kinh nghiệm nhất định về lâm sàng.

Dựa theo hứng thú cá nhân, tôi xếp hai loại công việc trên theo thứ tự ưu tiên: Công việc tư vấn tâm lý xếp đầu, quản lý hồ sơ cá nhân xếp thứ hai, những việc lặt vặt khác xếp sau cùng để đề phòng. Trong lần thất bại đầu tiên, tôi đã không tiến hành sắp xếp thứ tự như trên, mà đánh đồng mọi công việc, dẫn đến hiệu quả vô cùng thấp. Lần này, tôi dự định tập trung 70% sức lực và thời gian cho vị trí tư vấn tâm lý, 25% dành cho vị trí quản lý hồ sơ cá nhân, thời gian còn lại có thể đầu tư vào việc rải hồ sơ cho các công việc tạm thời.

Lập xong chiến lược, mục tiêu của tôi trở nên vô cùng rõ ràng. Tôi đã sàng lọc ra được một công việc tư vấn tâm lý lâm sàng khiến mình hứng thú. Sau khi lướt qua các trang mạng tuyển dụng, kết hợp với sở thích và chuyên môn, tôi viết CV và đơn xin việc với thái độ rất thẳng thắn. Tôi cảm thấy, nếu chỉ viết phần tự thuật bản thân và chí hướng nghề nghiệp một cách đơn giản, thì không thể coi là xuất sắc được. Một CV và đơn xin việc xuất sắc nhất định phải nhấn mạnh đến những năng lực có được qua các trải nghiệm của bản thân, và việc chúng đã khiến bạn trở thành một đấu sĩ mạnh mẽ trong trận chiến xin việc như thế nào. Những năng lực mà bạn nhấn mạnh phải phù hợp với nhu cầu vị trí công việc mà bạn ứng tuyển.

Đối với tôi, vì kinh nghiệm tư vấn tâm lý lâm sàng có hạn, hơn nữa tôi chỉ có giấy phép hành nghề sơ cấp, nên trong đơn xin việc, tôi tập trung làm nổi bật kinh nghiệm đã từng thực tập ở bệnh viện Barnes, cũng như năng lực lâm sàng có được từ công việc đó. Bên cạnh đó, tôi còn nhấn mạnh việc mình đã thi được giấy phép hành nghề sơ cấp trong thời gian rất ngắn. Nói thẳng ra, chỉ cần cho tôi cơ hội và thời gian, nội trong vòng hai năm tôi nhất định tích đủ số lượng thời gian làm việc 3.000 giờ, và lấy được giấy phép hành nghề Công tác xã hội lâm sàng cao cấp.

Vì thật sự quá yêu thích công việc này, nên tôi đã lựa chọn từng từ cho CV và đơn xin việc, viết rồi xóa, rồi lại viết, sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Sau mỗi lần hoàn thành bản nháp, tôi đều đọc lại tác phẩm của mình dưới góc độ người tuyển dụng, thử xem nó có khiến họ rung động hay không, có khơi dậy sự phấn khích muốn hẹn người này đến phỏng vấn không. Nếu không đạt thì buộc phải làm lại từ đầu. Tuy mục tiêu của tôi chỉ là một công việc, nhưng vì đó là công việc tôi muốn làm và có thể làm, nên tôi phải bỏ nhiều công sức để biến lá đơn xin việc trở nên hoàn hảo nhất. Tôi nghĩ, thà nỗ lực làm một lá đơn xin việc còn hơn rải 50 cái hồ sơ đi khắp nơi để ăn may.

Sau khi hoàn thành tờ đơn xin việc, tôi liền bắt tay vào mục tiêu thứ hai – quản lý hồ sơ cá nhân. Hai công việc quản lý hồ sơ cá nhân và tư vấn tâm lý có khác biệt rất lớn, yêu cầu năng lực đối với người ứng tuyển cũng khác nhau, vì thế tôi định làm một lá đơn khác. Sau khi lựa chọn được bảy tám công ty đang tuyển người về mảng này, tôi liền bắt tay vào viết. Nói thật, sau lần thất bại đầu tiên, tôi không còn tin cái gọi là mẫu CV chuẩn chung. Bất luận ở vị trí công việc nào, tôi đều căn cứ vào yêu cầu cụ thể để điều chỉnh CV và đơn xin việc, tập trung vào việc thể hiện những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Sau vô số lần sửa chữa, cuối cùng tôi cũng hoàn thành và gửi đi bảy, tám bộ hồ sơ.

Một chuyên viên tuyển dụng nhân sự từng nói với tôi, ở Mỹ có khoảng 70% người sau khi nộp đơn xin việc không bao giờ gọi điện theo dõi tiến trình, hành động đó đã vô tình khiến hồ sơ của bạn như hòn đá chìm nghỉm dưới đáy đại dương. Vì thế, khác với lần trước, lần này mỗi khi gửi một bộ hồ sơ, cách ba đến năm ngày tôi đều chủ động gọi điện thoại để nắm bắt tình hình. Qua đó, tôi không chỉ hỏi thăm được tiến độ xem xét hồ sơ, mà còn khiến họ có cơ hội hiểu trực quan hơn về tôi. Nói thật, đôi khi tôi cũng lo lắng mình là người nước ngoài, biết đâu đối phương đánh giá thấp năng lực giao tiếp tiếng Anh của tôi. Vì thế, việc trao đổi điện thoại trực tiếp với bộ phận tuyển dụng, không chỉ khiến họ hiểu được trình độ tiếng Anh của mình, mà còn kiếm được một cơ hội phỏng vấn nho nhỏ qua điện thoại.

Kỳ thực, bất luận tìm việc ở đâu, cạnh tranh khốc liệt là điều không thể tránh khỏi. Nếu muốn mình nổi bật trong biển người tìm việc, bạn phải dũng cảm tách mình ra bằng chính sự sáng tạo để khiến nhà tuyển dụng nhớ đến bạn. Trong ván cờ này, đa phần các tình huống bạn chẳng thể kiểm soát được, ví dụ rốt cuộc nhà tuyển dụng là người như thế nào, hay thực lực của đối thủ cạnh tranh ra sao… Thứ duy nhất bạn kiểm soát được chỉ là chính bạn. Vì thế trong tình huống hoàn toàn mù tịt về đối thủ, chỉ có cách hoàn thiện bản thân, khiến mình trở nên mạnh mẽ, mới có thể nâng cao khả năng chiến thắng.

Khi các cao thủ so tài, thật ra kỹ năng cứng giữa họ thường tương đương nhau, duy có sự khác biệt nho nhỏ trong kỹ năng mềm mới có thể trở thành nhân tố then chốt quyết định sự thành bại cuối cùng. Vì thế, ngoại trừ định kỳ gọi điện theo dõi tiến độ hồ sơ, bất kỳ CV hay đơn xin việc nào gửi bằng email, tôi đều in ra một bản trên loại giấy đắt tiền, sau đó gửi bằng đường bưu điện cho đối phương. Mỗi lần phỏng vấn xong, tôi lại gửi một bức thiệp cảm ơn. Thực tế, xét ở mức độ nào đó, những hành động nhỏ nhặt này đã khiến đối phương nhớ đến tôi, bởi sau đó có tới vài nhà tuyển dụng đều đề cập đến tấm thiệp cảm ơn của tôi trong buổi nói chuyện. Họ nhận thấy tôi là một người làm việc đầy nỗ lực thông qua những hành động tỉ mỉ này, sự chu đáo của tôi không chỉ chứng tỏ tôi rất yêu thích tổ chức của họ, mà tương lai cũng sẽ thể hiện điều đó khi tiếp xúc với khách hàng.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, tính cách, sở thích của các nhà tuyển dụng không hề giống nhau. Mặc dù có người ấn tượng sâu sắc với cách làm đó của tôi, nhưng cũng không loại trừ có người lại cảm thấy cách hành xử đó hệt như một kẻ bám đuôi điên cuồng, thậm chí có một số nhà tuyển dụng còn cảm thấy phản cảm với hành động gọi điện thoại theo dõi quá trình xét hồ sơ. Vậy nên, trong quá trình xin việc, bạn nhất định phải biết lựa chọn chiến lược phù hợp cho từng tình huống, đồng thời học cách ra vẻ rụt rè.

Về sau, khi số lượng công việc tôi đăng ký dự tuyển nhiều dần lên, để giúp bản thân theo kịp tiến độ xin việc, tôi đã lập một bảng Excel, tiến hành nhập các số liệu như tên công ty, vị trí ứng tuyển, mô tả công việc, thông tin liên hệ, những ngày quan trọng và tiến độ hồ sơ… Đôi lúc đột nhiên nhận được cuộc điện thoại, có thể không kịp nhớ ra ngay nó là công việc của công ty nào, khi ấy chỉ cần lướt qua bảng Excel trên, bạn có thể lập tức nắm bắt được tình hình.

Cứ thế, trải qua hai tuần đầy vững tin, tôi tiến công vào trận chiến tìm việc theo đúng kế hoạch định ra ban đầu. Mỗi khi nhận được điện thoại hoặc thư trả lời, tôi đều vô cùng hồi hộp. Tuy nhiên, có đôi lúc dù rất nỗ lực, nhưng vẫn không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ đối phương, tâm trạng háo hức bị dập tắt, mọi hy vọng như thể đều tiêu tan…

Trong khoảng thời gian đó, tự tin đúng là thứ tài nguyên thiếu thốn. Ban đầu tôi sợ bản thân không tìm được việc, sợ nói chuyện điện thoại với mẹ, sợ mẹ sẽ hỏi “gần đây chuyện tìm việc thế nào rồi”, vì tôi không thể có được câu trả lời khiến mẹ hài lòng. Trong những ngày mà mọi hồ sơ dường như đều bặt vô âm tín, tôi thậm chí từng muốn đổi nghề hoặc đi học lại, nhưng sau khi phát hiện chẳng có bất cứ lựa chọn nào khiến mình cảm thấy thích thú, tôi đành cắn răng tiếp tục chờ đợi.

Tôi ngày càng phát hiện ra, không hề có bất kỳ việc gì dễ dàng như vẻ ngoài của nó. Dù tôi có chọn lựa con đường nào thì cũng sẽ vấp phải những khó khăn mặc định trên con đường ấy. Ví dụ, làm phiên dịch chắc chắn không hề dễ dàng hơn tư vấn tâm lý, về nước tìm việc chưa hẳn đã nhẹ nhàng hơn tìm việc ở nước ngoài. Nếu vì sợ vấn đề A khó khăn mà chọn lựa vấn đề B, vậy sớm hay muộn cũng có ngày, tôi sẽ lại từ bỏ B để chọn C chỉ vì lý do y hệt. Như thế, cuộc đời tôi rồi cũng phải chịu thiệt vì đứt gánh giữa đường. Nếu bạn không chịu đi hết con đường, mãi mãi sẽ chẳng thấy được cảnh đẹp nơi góc khuất cuối đường đâu.

Chính vì nghĩ như vậy nên tôi gắng gượng chịu đựng hết ngày này qua ngày khác. Đúng lúc tôi cho rằng sự cố gắng lần này lại tan theo bọt nước, thì cuối cùng cuộc điện thoại mong chờ bấy lâu nay cũng vang lên.

Phía đầu kia của điện thoại nhiệt tình thông báo, chúng tôi đã xem xét rất kỹ hồ sơ của cô, mời cô đến phỏng vấn…

Nơi mời tôi đến phỏng vấn chính là bệnh viện Barnes trước đây tôi từng thực tập, với vị trí nhân viên quản lý hồ sơ cá nhân trong phòng cấp cứu. Lúc ấy tôi vô cùng phấn khích – lần phỏng vấn chính thức đầu tiên của tôi ở Mỹ lại là nơi không đâu quen thuộc hơn, đúng thật ông trời đang giúp tôi! Tôi mừng thầm vì bản thân rất hiểu bệnh viện Barnes, hơn nữa trong hội đồng phỏng vấn có hai người tôi đã quen trong đợt thực tập, nên có lẽ họ sẽ không làm khó tôi. Vì thế tôi đi phỏng vấn mà không hề có một sự chuẩn bị nào.

Hội đồng phỏng vấn có năm người ngồi đối diện tôi, sau mấy lời hàn huyên, vị lãnh đạo ngồi ngay chính giữa bắt đầu hỏi: “Cô từng có biểu hiện rất xuất sắc trong thời gian thực tập ở khoa tâm thần, nhưng công việc lần này là quản lý hồ sơ cá nhân ở phòng cấp cứu. Cô có hiểu biết gì về vị trí đó không?” Nghe thấy vậy, do không có sự chuẩn bị trước nên tôi rất căng thẳng, đầu óc bỗng trở nên trống rỗng. Lúc ấy, những đoạn phim trong các bộ phim truyền hình về y học của Mỹ đột nhiên hiện lên trong đầu, tôi bắt đầu chắp vá lung tung. Sau khi hội đồng phỏng vấn nghe xong câu trả lời tôi vừa bịa vừa đoán kia, đôi bên liền nhìn nhau ngơ ngác. Mặc dù tôi đã nhấn mạnh đến khả năng thích ứng tuyệt vời của bản thân, nhưng có vẻ đối phương vẫn rất khó bị thuyết phục.

Sau đó y tá trưởng và quản lý khu bệnh đưa ra rất nhiều tình huống, rồi hỏi tôi phải xử lý như thế nào, phán đoán ra sao nếu gặp phải tình huống đó… Nói thật, những tình huống ấy tôi chưa từng gặp bao giờ, thậm chí còn chẳng thèm nghĩ đến. Do bản thân chưa từng làm công tác quản lý hồ sơ cá nhân, nên câu trả lời hoàn toàn không có trọng điểm. Cứ vậy, sau khi tôi vắt hết ý tưởng để trả lời, cuộc phỏng vấn đầu tiên cũng kết thúc một cách chóng vánh.

Không ngoài dự đoán, ngày thứ hai tôi đã nhận được lời từ chối.

Cho dù đây không phải công việc mà tôi mong muốn, nhưng lần thất bại này cũng khiến tôi mất hết lòng tin. Nhưng may thay, khi tôi vừa mới đọc xong thư báo từ chối, chuông điện thoại lại reo. Đó là một thông báo cho cuộc phỏng vấn khác, hơn nữa lần này còn là vị trí chuyên gia tư vấn tâm lý – công việc mà tôi ao ước! Lúc ấy, tôi gần như không còn tin vào tai mình, tuy nhiên sau khi định thần lại, tôi nhanh chóng thỏa thuận lịch hẹn phỏng vấn với đối phương. Sau cú điện thoại, tôi cảm thấy toàn thân bừng bừng sức sống, tâm trạng thất vọng lúc trước dường như tan biến mất, một dòng khí ấm áp lại ào đến. Tặng tôi cái bạt tai, rồi lại thưởng cho chiếc kẹo, cái cảm giác như giày vò con người ta. Thứ cảm xúc đó đến nay vẫn còn y như mới.

Buổi phỏng vấn mong đợi cuối cùng cũng sẽ đến, hơn nữa nó còn là công việc tuyệt vời mà tôi mơ ước! Do tôi chỉ ứng tuyển một công việc tư vấn tâm lý, nên tôi buộc phải nắm chắc cơ hội!

Sau buổi phỏng vấn thất bại đợt trước, lần này tôi nhất định phải chuẩn bị sẵn sàng, quyết không để lịch sự lặp lại. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, chiến lược tôi áp dụng vẫn là “biết mình biết người”. Tuy ngày trước lúc gửi CV, tôi đã có hiểu biết nhất định về tổ chức này, nhưng giờ phải đối mặt trực tiếp với họ, tôi thấy mình nên tìm hiểu sâu và toàn diện hơn. Vậy là, tôi cẩn thận đọc lại website chính thức của tổ chức, không bỏ sót bất kỳ một mục nào từ lịch sử hình thành, tôn chỉ phục vụ, cơ cấu tổ chức, khách hàng, báo cáo tài chính hàng năm, tổ chức nhân sự… đến cả các câu chuyện về khách hàng tôi cũng không bỏ qua. Bất kỳ thông tin gì có trên website, tôi đều đọc thuộc lòng, có khi còn luyện tập sử dụng thứ tiếng Anh đơn giản để trình bày lại, đề phòng lúc cần dùng đến.

Sau khi thực hiện xong phần “biết người”, tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Đầu tiên, tôi sử dụng cách thức ngớ ngẩn nhất, lên Google tìm những “câu hỏi phỏng vấn kinh điển”, đồng thời đọc không sót một chữ nào trong 10 trang đầu được tìm thấy trên thanh tìm kiếm. Sau đó tiến hành sắp xếp phân loại từng câu hỏi một. Sau đó lại vào Youtube tìm hệt như vậy, chăm chú xem mọi clip xuất hiện trong 10 trang đầu kết quả được tìm thấy, đồng thời còn ghi chép cẩn thận. Có rất nhiều clip hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trả lời câu hỏi phỏng vấn, ví dụ phải trả lời thế nào cho câu hỏi “Hãy tự giới thiệu bản thân bạn”, “Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này” hay “Khuyết điểm của bạn là gì”. Cho dù những vấn đề đó xem ra khá đơn giản, tuy nhiên nếu muốn trả lời hay ho, cũng không phải chuyện dễ.

Sau khi nghiên cứu một loạt các clip trên Youtube, tôi đã học được hai điểm quan trọng nhất khi phỏng vấn. Đầu tiên, lúc trả lời câu hỏi, nhất định phải liệt kê một cách cụ thể các luận điểm mà bạn nắm vững. Ví dụ, nếu họ hỏi ưu điểm lớn nhất của bạn là gì, bạn chỉ trả lời “khả năng thích ứng nhanh” hoặc “hiệu suất làm việc cao”, chúng sẽ cực kỳ cụt lủn, không có sức thuyết phục. Nếu có thể bổ sung thêm một hai ví dụ cụ thể, ngắn gọn để chứng minh cho quan điểm trên, sẽ khiến câu trả lời của bạn trở nên nổi bật hơn.

Cách làm trên có hai ưu điểm: Một, có chứng cứ cụ thể, quan điểm của bạn dễ dàng thuyết phục được người khác. Bất cứ ai cũng có thể nói họ có khả năng thích ứng nhanh và hiệu suất làm việc cao, nhưng chỉ những ví dụ cụ thể mới khiến người phỏng vấn có ấn tượng về bạn. Hai, thông thường rất nhiều người thích nghe kể chuyện, nên nếu bạn có thể kể về câu chuyện của mình thì không những thu hút được sự chú ý từ họ, mà còn biến cuộc phỏng vấn hỏi đáp đơn thuần thành một buổi trò chuyện nhẹ nhàng, thoải mái.

Nhưng có một điều cần chú ý, nếu muốn sử dụng ví dụ cụ thể để chứng minh cho quan điểm của bản thân, bạn không chỉ cần chọn ra những ví dụ điển hình nhất, mà còn phải trình bày một cách cực kỳ súc tích. Nếu lấy ví dụ không tốt, hoặc trình bày dài dòng văn tự, rất có thể sẽ phản tác dụng.

Điểm quan trọng thứ hai tôi học được từ các clip trên Youtube có liên quan đến tâm lý của người ứng tuyển. Lâu nay, tôi đều coi việc phỏng vấn như một bài thi vấn đáp, họ hỏi tôi trả lời, nên thấy rất căng thẳng, càng như vậy lại càng ảnh hưởng đến việc phát huy khả năng của bản thân. Nhưng rất nhiều người chia sẻ bí quyết phỏng vấn trên Youtube đều nói, ứng viên có thể bước vào được vòng phỏng vấn, xét về mặt thực lực, thật ra họ đều như nhau. Người may mắn được trúng tuyển sau cùng, luôn là người có thể “xảy ra phản ứng hóa học” với người phỏng vấn. Từ đó có thể thấy, giữa những người ưu tú cùng đẳng cấp như nhau, nếu bạn là người có quyền lựa chọn, nhất định bạn sẽ nghiêng về phía người có tính cách phù hợp với văn hóa công ty hơn.

Cho nên, nếu không khí lúc phỏng vấn quá nghiêm túc, ngại ngùng, căng thẳng, e rằng kết quả không được lạc quan. Ngược lại, nếu coi hội đồng phỏng vấn như những người xa lạ bình thường, hãy tưởng tượng, bạn chỉ muốn tận dụng cơ hội này để khiến đối phương hiểu bạn hơn, mỗi vòng phỏng vấn như một cuộc trò chuyện vui vẻ giữa hai người có cùng sở thích (ý chỉ công việc này), như thế bạn sẽ không còn căng thẳng nữa. Làm vậy không những có thể tạo nên một bầu không khí trò chuyện thoải mái nhẹ nhàng, mà còn phát huy tối đa năng lực của bản thân, thể hiện sức cuốn hút của mình.

Vì thế, kết hợp hai điểm học được từ các clip, tôi tiến hành trả lời chi tiết khoảng 50 câu hỏi đã được liệt kê sẵn. Mỗi vấn đề tôi đều nêu ví dụ cụ thể chân thực làm luận chứng, đồng thời cố gắng trình bày bằng thứ tiếng Anh dễ hiểu nhất. Ngoài ra, trải qua lần phỏng vấn thất bại trước, tôi đã bị hạ gục bởi nhiều câu hỏi tình huống khó, nên lần này để lường trước mọi hậu họa, tôi đã huy động hết trí tưởng tượng của mình, nghĩ ra đủ kiểu tình huống có thể xảy ra. Ví dụ, khi ý tưởng của bạn và sếp có sự xung đột, bạn phải xử lý như thế nào? Khách hàng đột nhiên gọi điện nói cô ta muốn tự sát, phải xử lý ra sao? Một cặp vợ chồng đến bạn xin tư vấn, đột nhiên cãi nhau trước mặt bạn, bạn nên ứng phó thế nào? Sau khi thiết kế xong những tình huống như trên, tôi liền cẩn thận viết câu trả lời ra giấy, đồng thời cố gắng kết hợp chúng với những trải nghiệm trước đây của bản thân.

Tôi viết chi tiết đáp án bằng tiếng Anh để luyện tập thật cẩn thận, như vậy mới đủ tự tin thể hiện trong cuộc phỏng vấn. Nếu muốn cạnh tranh với người Mỹ bản địa về công việc chú trọng đến kỹ năng nói, thì đây là cách duy nhất tôi nghĩ ra, mà có thể giúp tôi chiến thắng. Tuy phương pháp này hơi ngây ngô, nhưng tôi cảm thấy nó rất phù hợp với mình.

Đêm trước khi phỏng vấn, tôi ngồi một mình trong phòng sách tự luyện tập trong khoảng ba tiếng, tất cả mọi câu hỏi và câu trả lời đều được tôi học thuộc và ứng đối lưu loát. Sau khi mọi việc đều đã chuẩn bị xong, tôi còn in thêm một bản CV và đơn xin việc trên giấy đẹp, định hôm sau sẽ mang theo để phòng bất trắc. Khi đảm bảo không còn sai sót gì, tôi mới dè dặt lên giường đi ngủ.

Trong mơ, tôi ước ông trời phù hộ cho tôi có được công việc này, thật sự tôi đã cố hết sức rồi.

Tiếng chuông báo thức từ điện thoại vang lên.

Trời đã sáng.

Hôm nay là ngày phỏng vấn.

Tôi có thể vượt qua được cửa ải này không…

Mở mắt ra đã đúng 8 giờ sáng. Cuộc phỏng vấn diễn ra vào lúc 11 giờ.

Từ giây phút thức dậy, thần kinh của tôi cũng bước vào trạng thái căng thẳng cao độ. Chồng tôi đã chuẩn bị sẵn bữa sáng, nhưng tôi chẳng thể nuốt nổi, nên chỉ ăn tạm quả trứng gà, rồi sau đó ra ngoài luyện tập trả lời phỏng vấn. 10 giờ 30 phút, hai vợ chồng vội vàng mặc quần áo, và đến địa điểm phỏng vấn.

Nhìn bề ngoài, tòa nhà của tổ chức đó không được hoành tráng lắm, nhưng sau khi bước vào mới nhận ra, bên trong hệt như một cái kho khổng lồ, nó được phân chia thành những ô nhỏ chi chít. Tôi căng thẳng ngồi xuống chiếc ghế phía trước quầy lễ tân, cố gắng hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Đúng giờ hẹn, giám đốc nhân sự ra chào đón tôi. Bà mời tôi vào một phòng họp, và yêu cầu chờ đợi trong giây lát. Tuy chỉ khoảng ba phút, nhưng có lẽ đó là ba phút dài nhất trong cuộc đời của tôi…

Một lát sau, có ba người lần lượt bước vào: Đầu tiên là phó giám đốc điều hành, một người phụ nữ da trắng lớn tuổi, tóc bạc trắng trông rất thân thiện. Theo sau bà là quản lý dự án, đó cũng là một phụ nữ lớn tuổi da trắng, nhưng vì để tóc ngắn nên bề ngoài trông trẻ trung hơn hẳn. Người đi sau cùng là giám đốc nhân sự, sau khi thấy mọi người đã ổn định xong, bà tiện tay đóng cửa lại. Lúc ấy tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Tôi mỉm cười nhìn họ, đúng lúc đang muốn mở lời chào, bà quản lý tóc ngắn liền vội nói: “Xin lỗi, gần đây các chuyên gia tư vấn tâm lý của chúng tôi đang tham gia bồi dưỡng TFCBT, buổi hội nghị bồi dưỡng kết thúc hơi muộn, vì thế chúng tôi mới đến trễ ba phút, thật ngại quá, mong cô thứ lỗi.”

Vừa nghe đến từ TFCBT, trong đầu tôi chợt lóe sáng! TFCBT là từ viết tắt của Trauma-focused Cognitive Behavioral Therapy, có nghĩa là “liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức sau chấn thương.” Đây là liệu pháp trị liệu tâm lý cho những đối tượng thanh thiếu niên bị sang chấn tâm lý. Còn nhớ lúc học môn hành vi nhận thức vào năm thứ hai thạc sĩ, giáo viên đã giới thiệu mọi người tham gia chương trình bồi dưỡng TFCBT trên mạng. Chính vì đã từng tham gia hoạt động đó nên tôi biết khá rõ về nó. Về sau, khi tham gia thực tập ở bệnh viện, tôi cũng từng giảng cho lớp trị liệu tập thể về hành vi nhận thức, vậy nên tôi lại càng hứng thú về vấn đề này.

Vừa nghe thấy từ TFCBT, tôi vội vàng tiếp lời bà quản lý, nói với họ tôi cũng từng tham gia đào tạo TFCBT trên mạng, hơn nữa vào thời gian thực tập, tôi đích thân đứng giảng chương trình này cho lớp trị liệu tập thể. Nói đến đây, tôi liền đưa ra giấy chứng nhận đã chuẩn bị từ trước, cũng như giáo trình trị liệu tập thể do chính bản thân biên soạn trong thời gian thực tập. Thật ra, lúc bà quản lý người Đức đề nghị làm giáo trình, tôi cũng không hứng thú lắm, bởi cảm thấy công trình quá đồ sộ, độ khó cao, tôi đã phải hy sinh rất nhiều thời gian nghỉ ngơi mới hoàn thành xong nó một cách miễn cưỡng. Không ngờ, hôm nay nó lại có tác dụng quan trọng đến thế. Điều này một lần nữa chứng minh, không có sự nỗ lực nào là lãng phí, chỉ cần bạn hết lòng dốc sức thì sớm muộn cũng sẽ nhận được đền đáp.

Khi trông thấy xấp tài liệu tôi dày công chuẩn bị, bà quản lý vô cùng ngạc nhiên, vội vàng lật xem rất chăm chú. Lúc ấy, trong mắt bà ta như ánh lên một tia sáng, khen không ngớt lời. Tranh thủ lúc bà ấy xem tài liệu, tôi bắt đầu giới thiệu về trải nghiệm thực tập ở bệnh viện Barnes. Tôi vừa nói, họ vừa chăm chú lắng nghe, thi thoảng chen vào một vài câu hỏi. Cuộc phỏng vấn đã bắt đầu một cách vui vẻ nhẹ nhàng như thế, mọi người như bị cuốn vào câu chuyện, mãi lâu sau bà quản lý mới bắt đầu cười nói: “Nói chuyện với cô thật thú vị, chúng tôi quên mất việc mời cô tự giới thiệu. Cô hãy tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân.” Câu hỏi phỏng vấn kinh điển, trúng tủ! Tôi vừa mỉm cười vừa tìm kiếm đáp án nằm sẵn trong đầu, sau đó trình bày rõ ràng rành mạch đầy tự tin.

Cuộc phỏng vấn càng đi sâu, tôi càng kinh ngạc nhận ra, bất luận là vấn đề vi mô của bà quản lý (như kinh nghiệm và tình huống về công tác lâm sàng) hay câu hỏi vĩ mô của bà phó giám đốc điều hành (như chuyện nộp đơn xin việc, sự hiểu biết về tổ chức hay kế hoạch nghề nghiệp cá nhân), tất cả đều nằm trong phạm vi chuẩn bị của tôi. Mỗi khi họ vừa dứt lời, tôi lại nhận ra đó toàn những thứ mình đã chuẩn bị, mỉm cười và reo thầm “YES”. Tuy bề ngoài tôi ra vẻ ậm ừ, nhưng kỳ thực đáp án đã có sẵn trong đầu từ trước. Những lúc tôi liệt kê ví dụ để bổ sung cho câu trả lời, lại bắt gặp ánh mắt háo hức mong chờ kết cục câu chuyện của họ. Họ xúc động hoặc bật cười sảng khoái theo các tình tiết trong câu chuyện mà tôi đang kể. Lúc ấy, tôi cảm thấy mình đã điều khiển được nhịp độ của buổi phỏng vấn.

Kể cũng lạ, không những không cảm thấy căng thẳng, mà ngược lại tôi càng nói càng phấn khích. Ngoài những nội dung đã chuẩn bị từ trước, tôi còn nghĩ ra cả loạt điều muốn nói. Tôi tâm sự chân thành với họ, tuy bản thân là người nước ngoài, tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, nhưng trải qua hai năm du học đã khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Bất luận từng gặp phải biết bao khó khăn, nhưng lần nào tôi cũng đều kiên cường bám trụ, vì thế, dù công việc này có thể lại là một trải nghiệm gian nan mới đối với tôi, tôi vẫn luôn mang niềm tin kiên định để đối mặt với nó. Tôi tin mình nhất định chiến thắng, và trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý xuất sắc, bởi tôi có sự đam mê và niềm tin làm điểm tựa. Tuy đối thủ của tôi là người Mỹ, nhưng tôi tin chắc tôi yêu công việc này hơn bất kỳ ai trong số họ. Chỉ cần vì ước mơ, không gì có thể ngăn cản được bước chân tôi.

Tôi phấn khích trình bày về nhiệt huyết và sự kiên trì với ước mơ của mình, như thể quên mất đang phỏng vấn xin việc, lúc ấy giống như một cuộc chia sẻ về ước mơ của cá nhân tôi vậy. Sau khi “bài diễn thuyết về ước mơ” kết thúc, ba vị phỏng vấn kinh ngạc nhìn tôi. Sau đó, bà quản lý nói một cách đầy xúc động: “Tôi thật sự rất thích cô!” Tiếp theo đó, giám đốc nhân sự đưa ra các câu hỏi: “Cô có yêu cầu gì về lương bổng và phúc lợi? Lúc nào cô có thể đi làm chính thức?”

Nghe đến đây, trong lòng tôi lập tức thốt lên ba tiếng “YES” liên tục.

Mọi việc dường như đã nắm chắc trong tay, bởi bản thân tôi chưa trải qua một cuộc phỏng vấn nào thoải mái đến thế. Tôi nghĩ nếu tôi có dự cảm tốt về một việc nào đó, đối phương cũng có cảm giác tương tự. Sau khi kết thúc phỏng vấn, tôi bước ra khỏi tòa nhà, theo kế hoạch, cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài bốn năm mươi phút, nhưng thực tế mất đến một tiếng ba mươi phút. Vừa trông thấy tôi bước ra, chồng tôi vội vàng lao tới. Tôi kể lại cho anh nghe toàn bộ quá trình phỏng vấn, và nói mình cảm thấy rất có hy vọng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau như thể đã được nhận vào làm vậy.

Nhưng, liệu cảm giác của tôi có chính xác?

Đến lúc này, tôi đã nỗ lực hết sức, giờ đây sự thành bại hoàn toàn nằm trong tay đối phương. Mỗi khi có sự việc nào đó nằm ngoài tầm khống chế, nó đều khiến tôi cảm thấy vô cùng hoang mang. Thứ cảm giác ấy cực kỳ khó chịu.

Điều tiếp theo cần phải đối diện, chính là điều mà tôi ghét nhất trong đời…

Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi…

Người ta thường nói, kẻ thông minh phải biết cách tìm điểm cân bằng giữa “chuyên tâm” và “cố chấp”. Vì thế, cho dù tôi yêu thích công việc tư vấn tâm lý này, tự cảm thấy thể hiện của mình rất tốt, nhưng vài ngày sau cuộc phỏng vấn, tôi vẫn chưa thể thuyết phục được bản thân bình tĩnh trở lại, tiếp tục hoàn thành những bộ hồ sơ xin việc khác. Không lâu sau, những hồ sơ xin việc đã gửi đi trước đây cũng lần lượt trả lời, tôi phải tham gia một loạt cuộc phỏng vấn trong mấy ngày liên tục.

Lúc ấy lại xuất hiện một tình huống khiến tôi tiến thoái lưỡng nan. Trong gần một tháng tìm việc, giấy thông báo tuyển dụng đầu tiên lại đến từ một tổ chức nhỏ, với vị trí nhân viên quản lý hồ sơ cá nhân, họ hy vọng nhận được câu trả lời trong ba ngày. Thời hạn đó sắp đến mà tổ chức tôi mong chờ nhất vẫn chưa thấy hồi âm. Rốt cuộc tôi phải làm sao bây giờ? Nếu vì chờ đợi công việc mình yêu thích mà từ chối lời đề nghị này, lỡ trắng tay thì sao? Hoặc nếu tôi chấp nhận công việc này, biết đâu công việc yêu thích kia cũng cần tôi, vậy chẳng phải để giấc mơ vụt qua tầm tay ư? Nhất thời, sự bối rối đó khiến tôi bồn chồn như ngồi trên đống lửa.

Khi bạn cảm thấy bị hiện tại giam cầm, không tìm được lối ra, nhất định bạn phải đi thỉnh cầu sự giúp đỡ từ người giàu kinh nghiệm hơn. Nghĩ đến đây, trong đầu tôi chợt lóe lên bóng dáng một người. Một người bạn tôi quen trong thời gian thực tập tên là Randal, khoảng 60 tuổi, là một giáo sĩ. Vì tính chất công việc nên ông ấy thường xuyên trò chuyện cùng người khác, đặc biệt thích bàn về các vấn đề liên quan đến triết lý cuộc đời. Trong mắt tôi, ông ấy là một người cực kỳ trí tuệ. Mỗi khi có vấn đề trong cuộc sống, tôi đều tìm đến tâm sự cùng ông.

Tôi lập tức nhấc điện thoại, kể với ông về sự lựa chọn khó khăn của mình, muốn gặp ông để xin ý kiến, hỏi xem ông ấy có thời gian hay không. Randal nhanh chóng nhận lời. Một giờ sau, hai chúng tôi đã ngồi trong công viên dưới tòa nhà bệnh viện Barnes. Tôi kể chi tiết cho ông nghe những khó khăn trên con đường tìm việc, cũng như sự băn khoăn trong việc lựa chọn của mình.

Ông hết sức tập trung lắng nghe, vừa nghe vừa mỉm cười. Đợi tôi nói xong, ông quay sang bảo: “Joy, trong câu chuyện của con có quá nhiều quan điểm của ‘mọi người’, và những so sánh cứng nhắc giữa hai công việc. Ta không muốn nghe những điều đó, ta chỉ muốn biết cách nghĩ thật sự trong lòng con. Con muốn điều gì nhất? Hãy nói thật với ta.” Tôi sững người, im lặng trong vài giây, sau đó nói một mạch: “Thật ra, có thể vì trong lòng con quá để tâm đến công việc tư vấn tâm lý, nên không còn chỗ cho những công việc khác.” Ông mỉm cười nói với tôi: “Thấy chưa, chính con đã có câu trả lời rồi đấy.”

Tôi lại lặng người.

Randal nói với tôi, khi một người cảm thấy sắp đánh mất phương hướng, anh ta phải hiểu cách lắng nghe tiếng gọi của trái tim. Thật ra con người có sáu giác quan, ngoại trừ năm giác quan thông thường, giác quan thứ sáu chính là tâm hồn. Khi con lo lắng, suy tư, mất phương hướng, hãy bình tâm và lắng nghe bằng giác quan thứ sáu, khi ấy sẽ phát hiện, thật ra trong lòng mình đã có sẵn câu trả lời. Mặc dù não như động cơ khởi động của con thuyền, nhưng chỉ khi dùng tâm hồn để lái nó, con mới có thể đảm bảo mình không bị mất phương hướng trong dòng đời này.

Chúng tôi cùng nói chuyện cả một buổi chiều. Từ chuyện lựa chọn công việc, ước mơ, rồi đến ý nghĩa của sinh mệnh. Lúc đó, chuông điện thoại của ông reo lên, tôi cũng rút điện thoại của mình ra, phát hiện có một tin nhắn thoại và một cuộc gọi nhỡ. Tôi vội vàng bật tin nhắn thoại, hóa ra là cuộc gọi từ bà giám đốc nhân sự của tổ chức mà tôi đang hy vọng! Tôi trợn tròn mắt, dỏng tai lắng nghe một lượt. Nhưng bà ấy nói hết sức vòng vo, tôi lại quá kích động nên chẳng rõ rốt cuộc bà ấy có ý gì.

Randal nghe xong điện thoại, tôi lập tức thông báo: “Trời ơi, họ vừa gọi đến! Ông hãy nghe xem rốt cuộc họ có ý gì?” Tôi vội đưa điện thoại cho ông, ông tập trung lắng nghe với thái độ rất nghiêm túc. Bỗng nhiên, ánh mắt như đang mỉm cười. Vài giây sau, hai mắt gần như híp chặt lại. Thêm vài giây trôi qua, gương mặt ông xuất hiện một nụ cười hiền hậu như đức Di Lặc mà tôi quá đỗi thân thuộc. Đó chính là nụ cười tôi không thể nào quên trong cuộc đời này – nụ cười ấy hệt như của người ông khi cuối cùng cũng biết tin đứa cháu gái đã bình an về nhà, lại giống như nụ cười hân hoan của người cha khi thấy đứa con nhỏ chập chững đi những bước đầu tiên.

Nghe xong, Randal nói với vẻ phấn khích, họ muốn con đến làm cho họ. Tôi vội hỏi ông làm sao biết được điều đó? Ông bảo, giọng nói của người phụ nữ trong tin nhắn này có vẻ run, bởi vì bà ấy lo lắng có thể con sẽ từ chối công việc này. Tôi thảng thốt, trời ạ, làm sao có thể từ chối cơ chứ? Tôi đang mong mỏi để có nó lắm ấy chứ! Ông lắc đầu nói, nhà quản trị đều vô cùng cẩn thận với người mà họ ưng ý nhất, họ sợ con sẽ bị nơi khác cướp mất. Ta chúc mừng con!

Giây phút ấy, tôi thật sự xúc động không thốt nên lời, nước mắt trào ra ướt má. Lúc ấy tôi chẳng còn nghĩ được gì nhiều, thứ duy nhất tôi biết là mơ ước đã thành hiện thực! Bây giờ nhớ lại, tôi quả thật quá nực cười, khi mọi việc còn chưa chắc chắn, sao tôi lại khóc cơ chứ? Nhưng lúc ấy, tôi thật sự quá kích động, sau nhiều ngày chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng thời khắc đó cũng đến!

Một lần nữa, tôi nghe thấy tiếng gọi giấc mơ trở thành hiện thực văng vẳng bên tai…

Sau đó, tôi nhanh chóng có cuộc hẹn gặp với giám đốc nhân sự. Mọi vấn đề về tiền lương, phúc lợi, làm thủ tục, ký kết hợp đồng, đều rất thuận lợi. Khi mọi thủ tục đã hoàn tất, bà giám đốc nhân sự vui vẻ đứng lên bắt tay tôi: “Chào mừng cô đến với tổ chức của chúng tôi!” Nhìn khuôn mặt của bà, tôi bỗng có cảm giác, giây phút này giống hệt với giấc mơ tôi từng mơ nhiều ngày trước đây.

Khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng lại. Những hình ảnh của vài năm trước lướt nhanh trong đầu tôi như một bộ phim ngắn. Ngày đầu tiên đến Mỹ, chiếc bánh mỳ khô khốc, những bài giảng không tài nào hiểu nổi, giọt nước mắt giữa đêm khuya, mỗi một thất bại nhỏ trên con đường đã qua, và hình bóng mạnh mẽ xông lên như một chú báo sau mỗi lần thất bại… tất cả được kết nối liền mạch với nhau, mang tôi đến ngày hôm nay. Tôi hiểu rất rõ từng nỗi khó khăn, gian khổ ấy.

Lúc sắp ra về, tôi đánh bạo thăm dò bà giám đốc nhân sự, có bao nhiêu người ứng tuyển vào vị trí này? Bà ấy vỗ vai tôi nói: “Có tổng cộng 68 người nộp hồ sơ trực tuyến, chúng tôi tiến hành phỏng vấn 14 người, cô chính là người tuyệt nhất!”

Một lần nữa tôi thầm hét lên “YES!”

Lần thứ hai bước ra khỏi tòa nhà ấy, gánh nặng ngàn cân trên vai đã được gỡ bỏ, một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm. Tuy mức lương hơi thấp, nhưng tôi vẫn vô cùng phấn khích vì được làm công việc mình yêu thích. Tôi vội vàng gọi điện thoại cho mẹ, nói như muốn hét lên: “Mẹ ơi, con tìm được việc rồi! Con tìm được việc làm ở Mỹ rồi! Chính là công việc tư vấn tâm lý con thích nhất! Con làm được thật rồi!”

Thời khắc này – thời khắc mà bao lâu nay tôi kiên trì theo đuổi, một mặt muốn chứng minh bản thân, mặt khác muốn cho gia đình tự hào về mình ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực, tôi thật sự tự hào vì điều đó. Bây giờ ngẫm lại, năm 2011 quả là một năm đầy gian khó với tôi. Từng nhiều lần muốn bỏ cuộc, muốn chuyển ngành, muốn quay lại từ đầu, nhưng cũng từng ấy lần tôi gắng gượng bám trụ. Mỗi khi nghĩ lại vẫn còn cảm thấy sợ hãi vì ranh giới mong manh khiến tôi muốn từ bỏ ấy. Cái cảm giác không thể diễn tả thành lời, chỉ có ai từng trải qua mới có thể thấu hiểu.

Cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành công đoạn chuyển giao từ ghế nhà trường để bước ra ngoài xã hội, lao vào một môi trường làm việc kiểu Mỹ đầy bí ẩn. Chính vì đây là công việc chính thức đầu tiên trong đời, nên tâm trạng của tôi cực kỳ phức tạp, hưng phấn, căng thẳng, chờ đợi, thấp thỏm, hiếu kỳ, háo hức thử sức…

Kinh nghiệm tìm việc làm có vô số trên mạng Internet. Tuy nhiên những kinh nghiệm và bài học mà tôi chia sẻ cùng mọi người chỉ là trải nghiệm của cá nhân tôi, hy vọng mọi người đừng đi theo con đường vòng mà tôi từng trải qua.

Môi trường làm việc ở nước ngoài cực kỳ chú trọng đến mối quan hệ xã hội, ban đầu rất nhiều vị trí không được công khai với bên ngoài, mà chỉ tuyển dụng và giới thiệu trong nội bộ công ty. Nếu một khâu nào đó không tuyển được người, vị trí ấy mới công khai ra ngoài. Vì thế, tỷ lệ thành công khi được người quen giới thiệu, hoặc nộp hồ sơ trực tiếp sẽ cao hơn gấp n lần so với khi bạn nộp hồ sơ trên mạng. Tuy nhiên, tiền đề đầu tiên phải là năng lực đảm nhiệm công việc của cá nhân bạn, có nghĩa chỉ khi bạn đủ xuất sắc, người khác mới đồng ý tiến cử bạn. Ngoài ra, bạn nhất định phải chú ý đến mạng lưới mối quan hệ được xây dựng trong lúc học tập và làm việc – bao gồm bạn bè, người thân, bạn học cùng trường, thầy giáo… Điều này vô cùng quan trọng để phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Nói đến việc xây dựng một mạng lưới quan hệ tốt, không thể không nhắc đến trang mạng Linkedln. Linkedln là mạng xã hội công việc lớn nhất thế giới. Khi mới sử dụng trang web này, tôi chỉ đơn giản muốn xây dựng mối liên kết với bạn bè, và các giáo sư… hay thi thoảng xem những thông tin về việc làm. Nhưng sau này, trong quá trình tìm việc tôi phát hiện thấy trang web này có rất nhiều chức năng tuyệt vời để chia sẻ cùng mọi người.

Thứ nhất, ở trên Linkedln bạn hầu như có thể tìm thấy mọi nhân viên chuyên nghiệp ở bất kỳ phòng ban nào, thuộc bất kỳ công ty nào (chỉ cần họ cũng sử dụng trang web này). Dựa trên hồ sơ người dùng, đôi khi bạn còn bất ngờ phát hiện ai đó là bạn học của bạn, hoặc thật trùng hợp họ cũng quen một người nào đó trong mạng lưới bạn bè của bạn. Như vậy, bạn có thể lợi dụng chức năng này để người khác giới thiệu bạn vào công ty họ. Sau khi kết bạn, bạn hãy gửi thông tin cho đối phương và trực tiếp biểu đạt với họ mong muốn tìm việc của mình, đôi khi họ cũng thật sự đồng ý giúp bạn. Ai nói kỳ tích không xảy ra chứ, tôi có một người bạn từng tìm được cơ hội phỏng vấn và có được việc làm nhờ “sự đeo đuổi to gan” này. Chỉ cần bạn cho rằng điều đó xứng đáng, thì không gì gọi là “phương pháp ngu ngốc” cả.

Thứ hai, rất nhiều trang của các thành viên Linkedln để chế độ công khai, bạn có thể trực tiếp xem hồ sơ đầy đủ của họ. Khi tôi viết CV, nhiều chỗ không biết sử dụng tiếng Anh chuyên ngành để diễn đạt như thế nào, tôi đã tìm kiếm CV của những người cùng chuyên ngành và phương hướng trên Linkedln để tham khảo. Thời điểm đó điều này đã trợ giúp tôi rất đắc lực, xin giới thiệu cho mọi người cùng biết.

Hiện giờ Linkedln đang dần trở nên phổ biến hơn, trong quá trình tuyển dụng, nhiều công ty đã tìm kiếm thông tin ứng viên qua trang web này. Vì thế, bạn hãy kiên nhẫn hoàn thiện trang cá nhân của bạn trên Linkedln, đây thật sự là điều rất cần thiết.

Khi tìm việc, bạn nhất định phải tích cực sử dụng các website tìm việc lớn như Simply Hired, Indeed, Monster, Career Builder… Hãy lập tài khoản và cập nhật CV cá nhân, sau đó đăng ký email công việc mà bạn yêu thích, theo dõi và sàng lọc định kỳ các vị trí công việc. Điều này có thể giúp bạn nhận được những thông tin việc làm mới nhất, nhưng khuyết điểm của nó chính là bạn phải nhận khá nhiều thư rác, hoặc bị quấy rầy bởi những kẻ săn nhân lực. Công việc mà tôi có được chính nhờ vào việc gửi hồ sơ trên trang Monster.

Tìm việc ở nước ngoài, bất kể thực tập hay công việc chính thức, cho dù là bảo mẫu cũng cần có người giới thiệu. Nếu là việc part-time, có thể nhờ bạn bè hoặc hàng xóm giúp đỡ, nhưng nếu là công việc chính thức toàn thời gian, thông thường yêu cầu người giới thiệu phải là đồng nghiệp, quản lý hoặc giáo sư mà bạn quen biết.

Ban đầu, tôi không hề biết đến tầm quan trọng của việc đó, cho đến khi yêu cầu cần người giới thiệu, tôi mới cắm mặt đến tìm những giáo sư đã từng dạy tôi rất lâu trước đây. Vì đã lâu lắm rồi, nên một vài người không còn nhớ tôi là ai, nên không đồng ý làm người giới thiệu cho tôi, đó thực sự là một trải nghiệm vô cùng bối rối! Về sau, cuối cùng tôi phải tìm đến hai người quản lý trong giai đoạn thực tập, nhờ họ làm người giới thiệu, vấn đề mới được giải quyết êm xuôi.

Ở Mỹ, người giới thiệu hoặc thư giới thiệu vô cùng quan trọng trong quá trình tìm việc, đơn vị sử dụng lao động khá xem trọng việc này. Hãy thử nghĩ xem, họ không hề biết bạn là ai, chỉ có thể thông qua biểu hiện trong quá khứ, để đoán định hành vi trong tương lai của bạn. Vì thế trong thời gian đi học hoặc thực tập, bạn nhất định phải dũng cảm thể hiện bản thân, nỗ lực phấn đấu đạt thành tích tốt, như thế giáo sư hay quản lý mới bằng lòng làm người giới thiệu cho bạn. Hơn nữa, tốt nhất vào thời điểm kết thúc một học kỳ hoặc thực tập, hãy lập tức tìm họ nhờ viết thư giới thiệu, không nên đợi đến khi tốt nghiệp mới suy nghĩ đến việc này. Bởi lúc ấy, tuy họ đồng ý nhưng ấn tượng về bạn trong họ đã không còn rõ ràng như trước.

Ngoài ra, tôi còn muốn nói đến một điểm, bạn phải thật thận trọng khi tìm người tiến cử, tốt nhất nên tìm người hiểu bạn. Người Mỹ rất thẳng thắn và chân thành, nếu anh ta thật lòng thích bạn, chắc chắn sẽ bộc lộ quan điểm đó trong lúc tiến cử, nhưng nếu anh ta không hiểu rõ về bạn, rất có thể sẽ không nói hết mọi điều. Vì thế, hãy tìm những người yêu quý bạn, và am hiểu trình độ chuyên môn của bạn để làm người giới thiệu.

Như phần nội dung chính đã nói, quá trình theo dõi tiến độ của hồ sơ xin việc vô cùng quan trọng. Việc theo dõi này bao gồm gọi điện thoại cho nhà tuyển dụng, hỏi thăm về tiến độ sau khi đã gửi hồ sơ, cũng như thư cảm ơn khi hoàn thành cuộc phỏng vấn. Đừng bao giờ xem nhẹ những việc nhỏ nhặt này, nhiều khi người ta chú ý đến bạn từ những việc như thế, hơn nữa chính những hành động này mới phản ánh thái độ nhiệt tình, và cẩn thận trong công việc giữa những ứng viên khác nhau. Kỳ thực, sự khác biệt về năng lực giữa người với người đa phần đều đến từ sự khác biệt về thái độ khi đối mặt với sự việc, với một người có năng lực, khi đối mặt với học tập hoặc công việc, họ đều thể hiện thái độ vô cùng nghiêm túc và cẩn thận. Nếu bạn thực sự khao khát có được công việc này, bạn phải chân thành với từng khâu trong quá trình xin việc. Thái độ quyết định tất cả, chi tiết quyết định sự thành bại, đó là sự thật.

Bình luận