Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hiểu Về Trái Tim

Lắng Nghe

Tác giả: Minh Niệm

Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ hội thấu hiểu chân thật.

Người xưa hay nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”, là để nhắc nhở chúng ta đừng chỉ nghe theo dư luận mà không chịu tìm hiểu kỹ càng, không đợi chứng kiến tận mắt. Nhưng người xưa cũng lại nhắc thêm rằng: “Thấy vậy chứ không phải vậy”, là vì có những cái chính mắt ta nhìn thấy rành rành mà vẫn sai như thường. Như khi bị người kia ném vào ta những cơn thịnh nộ và cả những lời hết sức cay độc, thông thường ta sẽ nghĩ ngay người này chắc đang rất căm ghét hay đang muốn tấn công mình. Nhưng coi chừng lầm. Có thể người kia đang gặp khó khăn hay có nỗi khổ quá lớn, nên khiến họ mất hết năng lượng và không còn kiểm soát được bản thân. Hoặc có thể do họ đang vướng vào một nhận thức sai lầm nào đó với ta. Hoặc cũng có thể do họ đang cố tình ra chiêu thức để trắc nghiệm phản ứng của ta. Hay chỉ đơn giản là do họ đang uất ức ai đó, nhưng lại chọn ta để giải tỏa cảm xúc theo kiểu “giận cá chém thớt”. Nếu ta nói rằng: “Tôi không cần biết nguyên do. Tôi chỉ biết là anh đã nói những lời như vậy và đã làm tổn thương tôi”, thì ta sẽ đóng bít cơ hội giãi bày và cơ hội thể hiện trở lại con người chân thật của họ. Ta sẽ đánh mất họ.

Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng của họ cũng khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả. Nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, ai ai cũng sống trong hối hả vội vàng, nên làm việc gì đòi hỏi sự kiên nhẫn mà không mang lại hiệu quả kinh tế thì họ rất sợ. Mỗi khi ta mở lời xin họ ngồi xuống để ta chia sẻ vài vấn đề khó khăn, nhất là có liên quan tới họ, thì họ viện đủ thứ lý do để từ chối hay xin hẹn vào dịp khác. Với một người lịch sự, họ cũng chấp nhận nghe, nhưng lại khống chế thời gian chia sẻ. Họ ngồi đó như một khúc gỗ vô hồn, mắt cứ nhìn xa xăm và không ngừng liếc ngang đồng hồ, thì làm sao ta có thể trút cạn nỗi lòng và dám xin họ cùng ta tháo gỡ khó khăn.

Những người được gọi là thân yêu nhất mà cũng sợ phải lắng nghe ta thì ai sẽ lắng nghe ta đây? Có thể cách chia sẻ của ta chưa dễ thương và chưa thuyết phục, nhưng phần lớn là do họ luôn nhìn ta bằng con mắt thành kiến “biết rồi, khổ quá, nói mãi”. Nếu sống chung với những người độc tài luôn cho mình là đúng, hay những người thích sử dụng uy quyền để áp đặt kẻ khác, thì xin có ý kiến với họ cũng đã khó khăn lắm rồi. Đừng mong họ chia sẻ với ta những niềm đau nỗi khổ. Có những đứa bé uất ức vì bị hiểu lầm, nên chúng tự giam mình trong phòng từ ngày này sang ngày khác. Có những cặp vợ chồng mỗi lần ngồi xuống là tranh cãi và gây tổn thương nhau, nên họ luôn chọn những người bạn thân hay những chuyên gia tâm lý để than thở. Có những người lớn tuổi không được sự cảm thông và quan tâm của con cháu, nên phải tìm đến những loài thú nuôi để tâm sự. Có những người vì ôm mãi khối sầu đau quá lớn mà không thể bày tỏ cùng ai, nên họ đã rơi vào trầm cảm, tâm thần hay chọn đến cái chết. Đúng là không có gì cô đơn cho bằng khi có biết bao người thân yêu bên cạnh, mà ta lại phải đơn độc vượt qua gian khổ.

Nếu ta thật sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, họ lắng nghe thật kỹ càng những báo cáo hay những lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đã chấp nhận đóng vai thầy thuốc để chữa trị tâm bệnh cho họ. Dù ta không phải là nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa?

Công ty bảo hiểm Prudential của Anh thật thông minh khi đưa ra tiêu chí: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Họ đã ý thức được con đường nhanh nhất và chính xác nhất đưa tới sự thấu hiểu chính là thái độ lắng nghe. Nhưng nếu chúng ta không có tiền, thì công ty bảo hiểm cũng không thể lắng nghe ta được. Lắng nghe một người nào đó với suy nghĩ rằng mình sẽ được gì sau buổi lắng nghe ấy, thì chắc chắn trái tim ta không thể nào mở ra trọn vẹn. Thực tế, đôi khi có nhiều người rất nhiệt tình lắng nghe chỉ vì họ thấy mình thật giá trị khi được người kia tin tưởng chọn lựa giữa rất đông người. Điều buồn cười là dù biết sự lắng nghe ấy chỉ có ý nghĩa như vậy, nhưng người kia vẫn chấp nhận. Tại vì mục đích của họ là chỉ cần có thêm đồng minh để công nhận mình đúng, hoặc chỉ vì muốn xả bớt những năng lượng bực tức mà thôi. Hãy coi chừng và tránh xa chiếc bẫy ấy. Đừng lắng nghe một cách hình thức mà làm hư tâm mình. Một khi đánh mất khả năng lắng nghe chân thật, ta sẽ đánh mất cơ hội thấu hiểu chân thật.

Chữ lắng nghe có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. “Nghe” mà không “lắng” lòng xuống, không dừng lại suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm, thì cái nghe ấy không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn của vấn đề. Nó còn có thể khiến ta hiểu sai lệch vấn đề. Người Trung Quốc dùng chữ đế thính nghĩa là “nghe hết lòng”, còn người Mỹ dùng chữ listening deeply nghĩa là “nghe thật sâu”, nhưng cũng không bằng chữ lắng nghe của tiếng Việt. Vì nó chỉ biểu lộ thiện chí quyết lòng muốn nghe, nhưng lại không có thái độ thanh lọc tâm ý trong khi nghe. Thực tế, nếu ta còn nôn nóng lo ra, còn giận hờn bực tức, còn mang theo kinh nghiệm cũ kỹ về người ấy thì ta sẽ đánh mất khả năng lắng nghe ngay từ đầu, dù ta đang cố gắng nghe.

Cho nên “lắng” là ngõ vào của “nghe”. Không “lắng” thì không thể “nghe” trọn vẹn. Từ nay nếu có ai mời ta ngồi xuống lắng nghe thì ta hãy nhìn lại cảm xúc của mình trước đã. Nếu thấy tâm mình còn quá dao động, trong nhất thời không thể lắng lòng xuống thì nên xin họ cho ta cơ hội khác. Ngược lại, nếu người kia nhận lời lắng nghe ta thì ta cũng nên cẩn thận hỏi họ đã thật sự “lắng nghe” chưa? Phải có thái độ “lắng” mới được, chưa đủ “lắng” thì ta nhất định không mở lời. “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng phát hiện ra nghệ thuật lắng nghe này, nên anh đã viết “Im lặng thở dài tôi đang lắng nghe”. Không im lặng thì không thể lắng nghe được. Và sự im lặng đầy đủ nhất phải vượt thoát mọi nói năng, suy tư vọng động. Cũng như khi nghe một bản tình ca, nếu ta nhắm mắt lại để thưởng thức thì ta sẽ dễ dàng đón nhận toàn bộ cảm xúc của người thể hiện và cả linh hồn của bản nhạc. Vì “phần nhìn” vốn dễ làm phân tán “phần nghe”. Trong khi lắng nghe người khác giãi bày, ta cũng nên tránh hay hạn chế tối đa những gì có thể khuấy động sự im lặng, để ta lắng nghe một cách trọn vẹn, dù đó là cái nhìn đầy thông cảm. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình. Dù người kia có nói ra những điều sai với sự thật hay những lời chua chát nặng nề, thì ta vẫn thực tập im lặng lắng nghe để cảm nhận hết nỗi khổ niềm đau mà họ đang gánh chịu. Đừng vội vàng ngắt lời hay phán xét để ta sẽ hiểu rõ nguyên nhân sâu xa nào đã khiến họ trở nên như vậy.

Trong bài hát Tôi đang lắng nghe, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chia sẻ: “Im lặng dòng sông tôi đang lắng nghe/ Im lặng ngọn đồi tôi đang lắng nghe/ Im lặng thở dài tôi đang lắng nghe/ Tôi đang lắng nghe im lặng thở dài/ Sau cơn bão qua im lặng mặt người/ Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay”. Khi ta im lặng, dừng hết mọi lao xao, buông xả hết những mong cầu hay chống đối, ta sẽ nghe được rất nhiều tiếng động xung quanh đang diễn ra, dù đó là tiếng thở dài não ruột của một người ở nơi xa, hay ngay cả “tiếng vô thanh” của dòng sông và ngọn đồi. Cuộc sống luôn hối hả vội vàng, nên dễ khiến ta quên dần thói quen lắng nghe sâu sắc bằng trái tim. Nhiều khi người kia đã nói rất rõ ràng mà ta còn chưa chịu hiểu, huống hồ chi họ chỉ nói nửa câu hay im lặng để ta tự suy gẫm. Vì có những niềm đau đã giấu kín trong lòng thì không thể dễ dàng nói ra nếu người nghe không biểu lộ được sự rung cảm chân thành từ nơi trái tim. Biết được điều ấy, nên Trịnh Công Sơn đã không chọn cách lắng nghe bằng lỗ tai, mà chỉ im lặng để con tim tự cảm nhận lấy. Bởi nhạc sĩ đã có kinh nghiệm lắng nghe tiếng thở dài tuyệt vọng của chính mình, đã từng dừng lại để lắng nghe đời mình – “Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình”.

Cho nên, phải lắng nghe và thấu hiểu chính mình thì ta mới lắng nghe và thấu hiểu được những kẻ khác. Vậy từ bây giờ ta hãy tìm cho mình một không gian tĩnh lặng để tập nghe rõ lại từng bước chân và hơi thở của mình. Đó là những âm thanh rất gần gũi và quan trọng mà ta đã quên lãng từ lâu. Ngoài ra, ta hãy cố gắng tập im lặng lắng nghe từng dòng cảm xúc nhớ nhung hay khát khao, từng ý niệm giận hờn hay ganh ghét, những quyết định sai lầm hay những lần tự mãn, và ngay cả khi tâm tư hoàn toàn vắng lặng để ta nhận ra từng thái độ sống của mình. Chỉ cần im lặng lắng nghe mà đừng vội can thiệp hay phán xét, để ta có cơ hội hiểu hết những ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn. Biết lắng nghe chính mình trong mọi lúc mọi nơi, dù ở một mình hay khi tiếp xúc với người khác, thì ta sẽ dần tách ly ra khỏi sự ràng buộc và điều khiển của hoàn cảnh. Nhờ đó, ta sẽ có nhiều cơ hội làm chủ chính mình. Làm chủ được chính mình cũng chính là làm chủ được cuộc đời mình. Khi làm chủ được cuộc đời mình, ta mới đủ bản lĩnh mời người khác cùng tham dự mà không gây khổ lụy cho nhau, đủ sức dìu dắt nhau qua những quãng đời gian khó.

Khi lắng nghe được chính mình và những người thân yêu bên cạnh, khả năng lắng nghe của ta sẽ còn đi xa hơn nữa. Trong phút giây im lặng nào đó, ta sẽ nghe được những tiếng kêu thương từ những góc tối cuộc đời giữa muôn trùng bước chân xôn xao và hờ hững.

Từ im lặng trái tim
Ta nghe lòng khắc khoải
Bao năm qua đi đâu
Không hay đời réo gọi?

Bình luận
720
× sticky