Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hiểu Về Trái Tim

Ý Chí

Tác giả: Minh Niệm

Ý chí sẽ chỉ là tham vọng nếu nó không được đặt vào khuôn khổ rèn luyện của bản thân.

Có một cậu bé được giao nhiệm vụ đến sớm để đốt lò sưởi ấm phòng học trước khi thầy giáo và các bạn đến. Một buổi sáng nọ, mọi người chợt bàng hoàng khi thấy ngôi trường bị cháy, và họ kéo được cậu bé ấy ra khỏi đám cháy trong tình trạng bị bỏng rất nặng. Cậu được đưa đến bệnh viện gần đó. Vài ngày sau, bác sĩ nói với mẹ cậu là có lẽ cậu sẽ chết vì phần dưới cơ thể của cậu đã bị hủy hoại. Thoáng nghe trong lúc nửa tỉnh nửa mê, cậu bé rơi nước mắt nhưng cậu quyết chí sẽ sống cho tới cùng. Cậu đã vượt qua cái chết một cách thần kỳ trước sự kinh ngạc của bác sĩ. Mối nguy hiểm tạm qua, nhưng bác sĩ lại cho hay phần dưới cơ thể cậu bị tổn hại quá nặng nên sẽ tàn phế, suốt đời cậu sẽ là kẻ vô dụng. Một lần nữa cậu bé đau đớn, nhưng vẫn nuôi ý chí được đi lại mạnh mẽ như trước.

Dù đôi chân tong teo kia không có cảm giác, không điều khiển được, không còn sức sống, nhưng cậu vẫn không nản lòng. Cậu giam mình suốt ngày trên xe lăn và không ngừng tìm cách vận động. Một buổi sáng nọ, bất chợt cậu phóng mình ra khỏi xe lăn, lết người ra bãi cỏ với hai chân kéo lê theo sau. Mẹ cậu cũng bất ngờ khi thấy cậu đến được hàng rào bao quanh khu nhà và đu người đứng lên dựa hàng rào. Cứ thế, mỗi ngày cậu lê mình từ cọc rào này sang cọc rào khác, tạo thành lối mòn quanh bờ rào. Cậu vẫn luôn nhủ thầm thế nào mình cũng sẽ đi được. Nhờ bàn tay tình thương của mẹ và ý chí kiên cường của mình mà cậu đã tự đứng dậy, đi cà nhắc từng bước, rồi đi một mình và có thể chạy. Cậu bắt đầu đi bộ đến trường, chạy đến trường, rồi chạy luôn tới khung trời đại học đã ước mơ bấy lâu. Điều đặc biệt là cậu đã tham gia vào đội điền kinh của trường. Chàng thanh niên mà ai cũng ngỡ rằng không thể sống nổi, không bao giờ bước được, không bao giờ chạy được chính là bác sĩ Glenn Cunningham – người chạy nhanh nhất thế giới trong cự ly một dặm.

Khi ta có ý muốn làm một việc gì đó và tin tưởng chắc chắn rằng khả năng của mình trước sau gì cũng làm được, thì niềm tin ấy sẽ biến thành nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy ta vượt qua mọi trở ngại. Đó chính là ý chí. Nghĩa là khi ta không ngừng lặp lại trong tâm trí mình một ý muốn nào đó thì hệ thần kinh sẽ tự động hình thành một mệnh lệnh liên tục, rồi tìm cách khơi dậy và kết nối với những nguồn lực tiềm ẩn để đạt tới kết quả cho bằng được. Cho nên niềm tự tin chính là nền tảng để tạo dựng ý chí; không có niềm tự tin thì không có ý chí. Mà tin tưởng vào bản thân là tin tưởng vào thực lực có sẵn, và tin tưởng luôn những năng lực còn tiềm ẩn sẽ được đánh thức qua quá trình rèn luyện và nuôi dưỡng. Ngay khi ta chưa nhìn thấy bất cứ tín hiệu nào để biến những việc “không thể” thành “có thể”, ngay cả khi mọi người đều cho rằng nó không thực tế hay nó chưa từng được thực hiện trước đó, nhưng với lòng tin vững chãi rằng điều gì cũng có thể xảy ra nếu ta tìm đúng điều kiện cho nó thì ta vẫn có thể vươn tới thành công một cách ngoạn mục.

Tin rằng điều gì cũng có thể xảy ra tức là ta tin vào nhân duyên, tin vào sự kết nối kỳ diệu của những nguồn năng lượng có cùng tần số. Những nguồn lực ấy thường bao gồm nguồn lực phước đức của ông bà tổ tiên và cả phần năng lượng của vũ trụ gửi đến cho ta vay mượn. Tất nhiên, ta phải có nhân duyên gốc thích hợp thì mới kết nối được. Điều này tùy thuộc vốn liếng năng lượng mà ta đã gây tạo từ trong quá khứ và những chuyển hóa vượt bậc của ta trong hiện tại. Tức là khi bắt đầu lập chí, ta đã dồn hết năng lượng quay về chính bản thân để không ngừng khơi gợi những năng lượng tốt chưa phát sinh và nuôi dưỡng những năng lượng tốt đã phát sinh. Đồng thời, ta cũng cố gắng cô lập hóa những năng lượng xấu chưa phát sinh và tìm cách chuyển hóa thật sớm những năng lượng xấu đã phát sinh. Khi chưa lập chí có thể ta không hiểu hết thực lực vốn có của mình, nhưng trong quá trình mài giũa ta sẽ phát hiện ra những bí ẩn kỳ diệu của tổng thể con người mình. Chỉ cần một điểm nào đó được khai thông thì lập tức nó kéo theo vô số thuận lợi khác. Có khi sự thuận lợi lại nằm ngay nơi hoàn cảnh khó khăn. Vì khi gặp khó khăn thì bản năng sinh tồn mới có thể gọi lên những nguồn lực tiềm tàng sâu xa mà bình thường ta không thể nào nhìn thấy được. Bởi vậy, người ta thường hay nói kẻ có chí luôn thấy cơ hội trong mọi khó khăn, còn người thiếu ý chí luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Do đó người thành công không chỉ là người vượt lên hoàn cảnh, mà điều quan trọng là họ đã vượt lên chính bản thân mình, tìm thấy được nguồn lực vĩ đại của riêng mình.

Người có ý chí trước hết phải là người lạc quan, luôn nhìn thấy những khía cạnh tươi sáng của cuộc sống. Tuy đang đứng trước một biến cố lớn lao, nhưng người lạc quan vẫn tin tưởng rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi nếu mình biết khai thác tối đa khía cạnh thuận lợi, dù rất ít ỏi. Để có được tinh thần lạc quan thì ta phải có cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) về bản chất cuộc sống, phải có khả năng vượt qua những kiến thức và kinh nghiệm cũ kỹ đã đóng kết thành định kiến và thành kiến sâu nặng trong ta. Ta còn phải có khả năng quan sát sâu sắc mọi sự vật sự việc quanh ta bằng thái độ khám phá thật sự.

Bí quyết để xây dựng nên tinh thần lạc quan chính là học tập cách thưởng thức cuộc sống. Khi ta tạm thời lùi lại một bước để quan sát những giá trị mầu nhiệm của cuộc sống, ta sẽ thấy thiên nhiên luôn chứa sẵn những bài học vĩ đại mà chỉ có những kẻ can đảm dám tách mình ra khỏi cái tôi nôn nóng muốn chứng tỏ mình mới có thể lãnh hội được. Những bài học ấy như là khí tiết của hoa đào trong giá rét, sự uyển chuyển mềm mại của cây trúc trước gió bão, nguyên tắc làm việc hòa điệu của bầy ong, hay tinh thần đoàn kết của đàn kiến. Thiên nhiên không những chỉ cho ta con đường đi tới thành công mà còn chỉ cho ta nghệ thuật sống, vì vậy trước khi vươn tới thành công ta đã có ngay niềm vui sống. Tinh thần này lại là chất liệu không thể thiếu để khơi dậy mọi thành công.

Thời gian về sống với thiên nhiên và thưởng thức cuộc sống cũng chính là cơ hội quý báu để ta nhìn lại chính mình. Đó là lý do mà những người muốn lập chí lớn thường hay rút lui ở ẩn để mài giũa “ngọc” của mình, thay vì cứ lăng xăng tích góp những điều kiện thuận lợi tạm bợ bên ngoài. Khi ngọc đã sáng thì không sợ những biến động hay nghịch cảnh nữa. Ta đã đủ sức vượt qua nó và hơn hết là ta đã nhìn nó ở một tầng nhận thức khác. Ta sẽ biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì để biến ước mơ thành hiện thực. Sự thật khi ngọc của ta đã sáng thì tất cả những năng lượng có cùng tần số ấy sẽ tự động kết nối mà ta chẳng cần nhọc công đi tìm. Như vậy, quá trình mài giũa ngọc mới là công việc quan trọng nhất mà cũng là khó khăn nhất. Ta phải rời xa sự hưởng thụ cao cấp, thậm chí phải đặt mình vào khuôn khổ khắc nghiệt để dồn năng lượng đầu tư cho sức khỏe, xây dựng mức chịu đựng kiên trì và nhất là chuyển hóa những thói quen nguy hại.

Ta từng thấy nhiều người cũng có ý chí vươn lên nhưng thực chất là họ chỉ đang cố gắng tích góp những điều kiện thuận lợi từ bên ngoài, còn bản thân họ vẫn không thay đổi được gì cả. Trình độ hiểu biết và khả năng chịu đựng của họ vẫn y nguyên như cũ. Ước mơ vươn tới những mục tiêu xa vời của họ rốt cuộc cũng chỉ là những giấc mộng đẹp mà thôi. Thế nên, ý chí sẽ chỉ là tham vọng nếu nó không được đặt vào khuôn khổ rèn luyện của bản thân. Vì thái độ ấy chính là ước muốn có được nhiều hơn những gì ta đang có, nhưng lại không đủ sức khơi dậy năng lực tiềm ẩn để vượt qua giới hạn hiện tại của mình.

Ta đừng quên rằng năng lượng trong ta cũng có lúc mạnh lúc yếu thì ý chí không phải lúc nào cũng kiên định. Nhưng ta cũng đừng nao núng. Chúng chỉ là sự trở lại của thói quen hưởng thụ, hay đột nhiên ý niệm mong chờ tín hiệu của sự khởi sắc lại trỗi dậy mạnh mẽ, hoặc áp lực của hoàn cảnh bất ngờ gia tăng. Tất cả đều là những hiện tượng nhất thời. Chỉ cần ta kiên trì giữ vững sự thực tập hay cố gắng thêm một chút thì mọi thứ sẽ đi qua. Sau sự cố gắng ấy ta lại có thêm một kinh nghiệm mới quý giá. Người nào vốn không có thói quen hành xử theo cảm xúc, luôn biết sống sâu sắc với thực tại và nhìn lại bản thân mình, từng trải qua những hoàn cảnh khó khăn thì họ đã nắm hơn một nửa yếu tố để biến giấc mơ thành hiện thực. Nên việc mài giũa ngọc của bản thân cần phải được thực hiện ngay từ khi còn trẻ, còn có thể uốn nắn dễ dàng. Vì hưởng thụ không chỉ làm cho ta yếu đi mà thói quen ấy còn khiến cho ta nghiện ngập và phủ lên ta những lớp bụi dày của u mê nữa.

Khi ta nói “Tôi luôn đúng” đó là thái độ bảo thủ, nhưng ta nói “Tôi luôn tin ở tôi” tức là ta đang tôn trọng chính mình. Đây là thứ tài sản vô giá mà không phải ai cũng có được. Sự khiếm khuyết về thể chất, tài năng, hay từng chịu thất bại nặng nề rất dễ khiến ta đánh mất niềm tin vào bản thân và có cái nhìn bi quan vào mọi vấn đề của cuộc sống. Nhà thơ Frederick Langbridge đã viết: “Hai người cùng nhìn bầu trời đêm qua những chấn song, một người chỉ thấy một màu đen còn người kia thì thấy những vì sao”. Để cái nhìn của ta luôn được rộng lớn thênh thang, ngoài việc loại trừ những thành kiến cũ rích, ta còn phải vượt qua những cảm xúc nông nổi hay tự áp đặt mình phải trở thành thế này thế nọ mà không thể chấp nhận bản thân và hoàn cảnh trong hiện tại. Chấp nhận để không tạo thêm áp lực và thấu hiểu rồi tìm cách hóa giải chứ không phải đầu hàng. Cho nên ý chí nếu không khéo dùng, nó sẽ biến thành bức màn nhung tuyệt đẹp che đậy sự thật yếu kém của ta, rồi dựng lên những vở tuồng hấp dẫn do tâm tưởng biên đạo chứ không hề có thật.

Một điều ít ai ngờ là bản thân ý chí không chỉ làm nên những điều phi thường, mà nó còn có thể nâng đỡ những điều phi thường khác xuất hiện. Sự thành công của người này sẽ trở thành nguồn khích lệ mạnh mẽ khiến cho niềm tin trong người khác bừng dậy, hướng tới những điều “không thể”. Như vậy, để biến những điều “không thể” thành những điều “có thể”, ta không chỉ cần sự vươn lên của bản thân mà còn cần năng lượng yểm trợ của những người thành công và cả tình thương của vũ trụ nữa. Vì lẽ đó, khi thành công ta phải có trách nhiệm hồi đáp lại những ân tình ấy bằng thái độ khiêm cung và luôn hướng tới việc giúp đỡ người khác. Có như thế ta mới giữ vững được sự thành công. Nên nhớ rằng cả con người ta đều vô ngã thì ý chí cũng vô ngã. Đừng vô tình biến nó thành món trang sức lộng lẫy để tôn vinh cái tôi mà lại xem thường những kẻ còn nhiều yếu kém.

Đỉnh cao nào cũng tới
Khi vượt thoát chính mình
Đường dài không bước mỏi
Nhờ vui thú đăng trình.

Bình luận