Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

1Q84 – Tập 1

Chương 23: Aomame

Tác giả: Haruki Murakami

Đây chẳng qua chỉ là khởi đầu

Để có một buổi dạ tiệc tình ái, nhỏ nhưng vẫn đủ độ chơi thì Aomame và Ayumi có lẽ là một cặp lý tưởng. Ayumi nhỏ nhắn, tươi tắn, dễ gần, khéo chuyện, khi đã quyết tâm thì luôn xử trí mọi việc với thái độ tích cực. Cô còn có khiếu hài hước lành mạnh. So với cô, Aomame có cơ bắp phát triển, dáng đẹp nhưng lúc nào mặt cũng lạnh như băng, có gì đó khó hòa nhập với xung quanh. Với người đàn ông mới gặp lần đầu, nàng thậm chí còn chẳng biết nói vài câu làm vui lòng đối phương. Mỗi câu nói còn có hàm ý công kích giễu cợt. Sâu trong mắt thi thoảng lại ánh lên những tia sáng không thể chấp nhận được. Nhưng khi cần, Aomame cũng có thể xua tan sự lạnh lẽo ấy, thu hút đàn ông một cách tự nhiên. Rất giống với các loài động vật và côn trùng tỏa ra mùi hương kích thích tình dục mỗi khi cần thiết. Đây không phải thứ chỉ cần chú ý hay cố gắng là có thể học, mà có lẽ do bẩm sinh. Hoặc không phải, cũng có thể nàng học được ở một giai đoạn nào đó trong đời, vì một lý do nào đó. Nhưng dù thế nào, cái khí chất ấy ở nàng thậm chí còn kích thích cả đối tác của nàng là Ayumi chứ không chỉ riêng đàn ông, khiến lời nói và hành động của cô càng trở nên hoa mỹ và tích cực.

Khi phát hiện người đàn ông thích hợp, Ayumi sẽ đến thăm dò, phát huy bản tính cởi mở của mình, đặt nền móng cho một mối quan hệ dễ chịu. Sau đó, chờ đúng thời cơ, Aomame cũng tham dự, gây dựng một sự hài hòa có chiều sâu. Thế là cả hai tạo ra một bầu không khí đặc biệt như sự kết hợp giữ operetta với film noir. Đến bước thích hợp để (theo cách diễn đạt thẳng thắn của Ayumi) làm một trận. Khó nhất là tìm được đối tượng thích hợp. Tốt nhất là một nhóm hai người, sạch sẽ, mặt mũi phải coi được. Cần có chút lý tính, nhưng lý tính quá thì lại khó xử, vì một cuộc nói chuyện nhạt nhẽo sẽ làm hỏng cả một đêm phải dày công sắp xếp. Có điều kiện kinh tế cũng là một tiêu chí. Bởi dĩ nhiên hóa đơn ở quán rượu, câu lạc bộ và tiền phòng khách sạn đều do đám đàn ông chi trả.

Nhưng khoảng cuối tháng Sáu, khi định làm một bữa tiệc ái tình nho nhỏ như thế (rốt cuộc thì đó là hoạt động chung cuối cùng của họ), họ không sao tìm được đàn ông thích hợp. Hai người tốn bao nhiêu thời gian, đổi nhiều chỗ khác nhau, song kết quả là công cốc. Rõ ràng là đêm thứ Sáu cuối tháng Sáu, vậy mà từ Roppongi đến Akasaka, quán nào cũng trống huơ trống hoác, khách thưa thớt, chẳng biết chọn lựa thế nào. Thêm vào đó, bầu trời mây đen phủ kín, cả Tokyo như thể đang để tang cho ai đó, bầu không khí nặng nề lan tỏa khắp nơi.

“Hôm nay chắc là không được rồi. Tôi thấy hay là bỏ đi vậy.” Aomame nói. Kim đồng hồ đã chỉ sang mười giờ.

Ayumi cũng miễn cưỡng đồng ý. “Thật đúng là, chưa bao giờ gặp tối thứ Sáu nào ủ ê thế này. Người ta còn mặc cả đồ lót tím thật sexy nữa đây này.”

“Thì cô về nhà, tự sướng với cái giường là được rồi.”

“Gan tôi có to bằng trời cũng không dám làm chuyện đó trong nhà tắm tập thể ở ký túc xá cảnh sát.”

“Tóm lại, hôm nay chỉ còn cách bỏ cuộc. Thôi thì ngoan ngoãn uống rượu rồi về nhà đi ngủ cho xong.”

“Có lẽ vậy thì hơn,” Ayumi đáp, rồi như sực nhớ ra chuyện gì đó, nói: “Phải rồi, phải rồi, Aomame này, trước khi về nhà chúng ta kiếm chỗ nào ăn một bữa được không? Tôi còn thừa ra ba chục nghìn Yên đây này.”

Aomame chau mày. “Thừa tiền? Chuyện gì thế hả? Không phải cô luôn phàn nàn lương thấp, không có tiền sao?”

Ayumi lấy ngón trỏ ngoáy mũi. “Thực ra gã đàn ông lần trước đã đưa cho tôi mười nghìn Yên. Anh ta nhét vào tay tôi lúc chia tay, nói là tiền taxi. Chậc, chính là cái lần với hai thằng cha làm ở công ty bất động sản ấy.”

“Vậy là cô nhận luôn à?” Aomame ngạc nhiên hỏi.

“Hẳn là họ nghĩ chúng ta làm nghề này kiếm ăn,” Ayumi cười khúc khích nói, “Chắc không ngờ đối phương lại là cảnh sát ở Sở cảnh sát Tokyo và huấn luyện viên võ thuật. Nhưng mà cũng không tồi. Buôn bán địa ốc kiếm được lắm, chắc chắn là tiền nhiều chẳng biết tiêu vào đâu. Tôi định lần sau rủ cô đi ăn bữa gì ngon, thế là nhận luôn. Dù sao cũng không thể lấy tiền này chi dùng bình thường được.”

Aomame không có ý kiến gì. Làm tình với những người đàn ông xa lạ tình cờ gặp, nhận tiền như thù lao với nàng, khó có thể coi là hiện thực. Không ngờ việc ấy lại xảy đến với chính nàng. Aomame vẫn chưa thể chấp nhận được. Thật chẳng khác nào nhìn thấy hình ảnh mình đang cười ha hả trong gương. Nhưng xét trên quan điểm đạo đức, giết đàn ông rồi nhận tiền so với ngủ với đàn ông rồi nhận tiền, rốt cuộc việc nào chính đáng hơn, thật khó đưa ra được kết luận.

“Tôi bảo này, có phải cô để bụng chuyện lấy tiền của đàn ông không?” Ayumi lo lắng hỏi.

Aomame lắc đầu. “Không phải để bụng, tôi chỉ cảm thấy hơi khó tin thôi. Nhưng còn cô, nữ cảnh sát mà lại có hành vi chẳng khác gì gái mại dâm, cô không cảm thấy mâu thuẫn sao?”

“Không hề,” Ayumi vui vẻ đáp, “Tôi chẳng để ý mấy chuyện này đâu. Aomame này, gái điếm thì ngã giá trước rồi mới làm tình, hơn nữa còn đòi trả trước. Anh à, nhớ trả tiền em trước khi cởi cái quần đùi ấy ra nhé. Đây là nguyên tắc đấy. Nếu làm xong rồi mà khách lại nói ‘thực ra anh không có tiền’, thì làm ăn gì được. Chúng ta rất khác, không có chuyện ngã giá từ trước, chỉ là xong đâu đấy người ta mới nói ‘à, đây là tiền xe của em’, rồi đưa một chút tiền lẻ, chẳng qua chỉ để tỏ lòng biết ơn. Hoàn toàn khác với mại dâm chuyên nghiệp. Khác một trời một vực đấy nhé.”

Ý kiến của Ayumi cũng không phải vô lý.

Lần trước hai đối tượng Aomame và Ayumi chọn tuổi chừng ba mươi lăm đến bốn mươi. Cả hai đều đầu tóc “sum suê” Aomame đã thỏa hiệp trong vụ này. Họ tự giới thiệu là dân buôn bán bất động sản. Nhìn bộ vest Hugo Boss và cà vạt Missoni Uomo trên người họ thì có thể đoán rằng hai người này hẳn không làm ở các công ty địa ốc lớn như Mitshubishi hoặc Mitsui. Mà là kiểu công ty năng động và linh hoạt hơn, hẳn là có cái tên ngoại lai nào đó. Không bị bó buộc bởi các quy tắc rườm rà, niềm tự hào về truyền thống và những buổi họp dầm dề. Ai không có năng lực thì khó mà trụ nổi, ngược lại, khi đã trúng quả thì thu nhập cũng ra trò. Một trong hai người còn cầm theo chìa khóa chiếc xe Alpha Rorneo mới tinh. Nhà văn phòng ở Tokyo cung không đủ cầu, bọn họ nói. Kinh tế đã hồi phục sau khủng hoảng dầu mỏ, có dấu hiệu nóng trở lại, vốn ngày một dễ thanh khoản hơn, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng xây bao nhiêu nhà cao tầng cũng không đủ đáp ứng.

“Nghề địa ốc hình như dễ kiếm tiền lắm thì phải,” Aomame nói.

“Phải đấy Aomame à, nếu cô có tiền dư dật thì nên để vào bất động sản,” Ayumi nói, “Nguồn vốn khổng lồ sẽ đổ ầm ầm vào mảnh đất Tokyo nhỏ hẹp này, cô chẳng cần để ý thì giá đất cũng tự tăng lên vùn vụt. Giờ mua vào đảm bảo sẽ không thiệt. Chuyện này giống như mua phiếu cược cho con ngựa mình biết chắc chắn sẽ thắng. Đáng tiếc là loại công chức quèn như tôi đây tiền bạc chẳng dư dật. À phải rồi, cô có giỏi về quản lý tài chính không nhỉ?”

Aomame lắc đầu. “Tôi chỉ tin tiền mặt thôi.”

Ayumi phá lên cười: “Tôi bảo này, đó là trạng thái tâm lý của tội phạm đấy nhé.”

“Giấu tiền dưới gầm giường, gặp chuyện nguy cấp có thể cầm luôn rồi nhảy qua cửa sổ bỏ chạy.”

“Đúng, đúng, đúng là thế,” Ayumi nói, búng tay tách một cái, “Thế chẳng phải là giống trong phim The Getaway sao. Phim của Steve McQueen. Hàng bó tiền và súng bắn đạn ghém. Tôi thích kiểu như vậy.”

“Thậm chí thích hơn cả khi đứng về phía người chấp pháp?”

“Nói về sở thích cá nhân,” Ayumi cười nói, “Tôi thích hạng liều mạng hơn. So với lái xe cảnh sát mini đi viết giấy phạt đỗ xe trái phép thì như thế quyến rũ hơn nhiều, chẳng thể bì được. Tôi bị cô hấp dẫn có lẽ cũng vì nguyên do ấy.”

“Trông tôi giống hạng liều mạng lắm à?”

Ayumi gật đầu tán đồng. “Nói thế nào nhỉ, cô có cái vẻ như vậy. Cho dù chưa thể so sánh với Faye Dunaway tay cầm súng máy được.”

“Tôi không cần tới súng máy.”

“Về cái giáo đoàn Sakigake lần trước chúng ta nói đến ấy.” Ayumi cất tiếng.

Hai người vừa bước vào một quán ăn Ý nhỏ mở cửa đến tận nửa đêm ở Iigura, uống rượu vang đỏ Chianti, ăn một bữa đơn giản. Aomame ăn xa lát cá ngừ, Ayumi ăn bánh bột kiểu Ý rưới nước xốt Pesto.

“Ừ,” Aomame đáp.

“Tôi rất hứng thú với vụ này, nên sau đó tự đi điều tra. Không ngờ càng điều tra càng thấy cái giáo đoàn này đáng ngờ. Họ tự xưng là tổ chức tôn giáo, thậm chí có cả giấy chứng nhận, nhưng lại không hề có thực thể của một tổ chức tôn giáo. Chẳng biết nên gọi giáo lý của họ là chủ nghĩa giải cấu hay là gì, những toàn bộ chỉ là một mớ thập cẩm các hình tượng tôn giáo. Trong đó có cả chủ nghĩa tinh thần ‘thời đại mới’, chủ nghĩa kinh viện màu mè, chủ nghĩa hồi quy tự nhiên và phản tư bản, và còn pha tạp chút ít phong vị của chủ nghĩa thần bí nữa. Chỉ riêng điểm này, đã không thể tìm ra được thứ gì giống thực thể rồi. Hay nói đúng hơn, thực thể của giáo đoàn này chính là phi thực thể. Nói theo kiểu của Marshall McLuhan[1], bản thân giới truyền thông chính là thông điệp. Riêng điểm ấy mà bảo oách thì đúng là quá oách.”

[1] Nhà văn, nhà xã hội học, đồng thời là nhà phân tích truyền thông đại chúng người Canada. Ông được coi là ông tổ của ngành Truyền thông môi trường học (Media Ecology).

“Marshall McLuhan?”

“Tôi cũng có đọc một ít sách mà,” Ayumi nói vẻ bất mãn, “Marshall McLuhan đi trước thời đại, dù có một thời gian bị coi thường vì trở thành thời thượng, nhưng những điều ông ấy nói về cơ bản đều chính xác.”

“Nghĩa là bao bì chứa đựng chính bản thân nội dung, phải vậy không?”

“Hoàn toàn chính xác. Nội dung được hình thành trên tính chất đặc biệt của đồ chứa, chứ không phải ngược lại,” Aomame thoáng nghĩ ngợi giây lát, sau đó nói:

“Mặc dù mọi người biết rất ít về tình hình nội bộ của giáo đoàn Sakigake này, nhưng vẫn bị nó cuốn hút, cứ ùn ùn kéo đến. Có phải vậy không?”

Ayumi gật đầu. “Dù không thể nói là nhiều phát khiếp đi được, nhưng có không ít người đến với nó. Đã có người gia nhập, thì ắt có tiền đổ vào. Điều này là đương nhiên. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao có nhiều người bị cái giáo đoàn này thu hút đến thế? Theo tôi, đầu tiên là vì nó không giống như một tôn giáo. Thoạt nhìn có vẻ thuần khiết, trí tuệ, và hệ thống. Nói ngắn gọn là không có vẻ bần hàn. Chính điểm này đã thu hút những người trẻ tuổi đang làm các công việc chuyên môn hay nghiên cứu. Vì khát vọng học hỏi của họ được kích thích, ở nơi đó, họ có được cảm giác tựu thành mà ngoài đời thực không có. Hơn nữa, cảm giác tựu thành ấy có thể cầm trên tay để đo đếm. Vậy là những tín đồ trí thức này đã tạo thành bộ óc mạnh mẽ trong giáo đoàn, kiểu như nhóm sĩ quan xuất chúng trong quân đội.”

“Ngoài ra, kẻ đứng đầu gọi là ‘Lãnh Tụ’ của giáo đoàn dường như có sức hút phi thường. Đám người ấy đều cực kỳ mến phục hắn ta. Nghĩa là, chính sự tồn tại của hắn đã có tác dụng giống như hạt nhân của giáo lý vậy. Xét về quá trình hình thành, điều đó không khác lắm với các tôn giáo nguyên thủy. Cơ Đốc giáo thưở ban đầu cũng ít nhiều cho ta cảm giác như vậy. Thế nhưng, thằng cha này lại không bao giờ công khai lộ diện. Mặt mũi hắn thế nào cũng không ai biết, thậm chí tên họ hay tuổi tác cũng không lần ra được. Trên danh nghĩa, giáo đoàn hoạt động theo hình thức hội đồng, chức vị tương đương giáo chủ cũng do người khác đảm nhiệm, các nghi thức chính thức đều do người này đứng ra thay mặt, nhưng trên thực tế, người này chẳng qua chỉ là vật trang trí. Trung tâm của toàn bộ hệ thống này, dường như vẫn là tay ‘Lãnh Tụ’ lai lịch bất minh kia.”

“Thằng cha này muốn giấu bộ mặt thật của mình thì phải.”

“Hoặc có chuyện gì muốn che giấu, hoặc muốn ẩn mặt để tạo ra bầu không khí thần bí quanh mình.”

“Nếu không thì mặt mũi quá xấu xí.”

“Cũng có khả năng này. Một loại dị dạng không có ở đâu trên thế gian,” Ayumi nói, rồi khẽ gầm gừ như quái vật, “Nhưng tạm gác chuyện này đã, kỳ thực, không chỉ giáo chủ, trong giáo đoàn này có quá nhiều thứ bị che giấu. Lần trước tôi đã nói với cô trong điện thoại rồi đấy, hoạt động thu gom đất đai nhà cửa rất tích cực của giáo đoàn cũng là một trong số đó. Những gì công khai ra chỉ là bề ngoài. Cơ sở hạ tầng đẹp đẽ, người phát ngôn điển trai, những luận điệu đầy trí tuệ, các tín đồ xuất thân từ tầng lớp tinh anh, sự tu hành khổ hạnh, yoga và sự bình lặng trong tâm hồn, phủ định chủ nghĩa sùng bái vật chất, nền nông nghiệp áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, bầu không khí trong lành và cuộc sống chay tịnh đẹp đẽ… những thứ ấy đều là hình ảnh đã được tính toán công phu. Có khác gì những tờ quảng cáo căn hộ nghỉ mát cao cấp vẫn kẹp trong số báo Chủ nhật đâu. Vỏ bề ngoài thì rất đẹp đẽ, nhưng đằng sau lại nồng nặc mùi vị của âm mưu, e rằng sẽ có cả những thứ phạm pháp. Đó là ấn tượng của tôi sau khi đọc qua các loại tư liệu về giáo đoàn ấy.”

“Nhưng hiện nay cảnh sát vẫn chưa có động thái gì.”

“Hoặc là họ đang âm thầm tiến hành, cái đó thì tôi không rõ lắm. Nhưng phía cảnh sát tỉnh Yamanashi hình như cũng đang để ý đến động thái của giáo đoàn này ở một mức độ nhất định. Ít nhiều tôi có thể cảm nhận được điều ấy qua cách nói của người phụ trách trong điện thoại. Nói gì thì nói, Sakigake cũng là cội gốc của nhóm cực đoan Akebono gây ra vụ nổ súng đó. Con đường nhập súng AK47 do Trung Quốc sản xuất được suy đoán là có thể từ Triều Tiên, nhưng sự thực đến giờ vẫn chưa làm rõ được. Có lẽ Sakigake cũng đang bị theo dõi ở một chừng mực nào đó. Tuy nhiên vì đối tượng là một tổ chức tôn giáo, nên không thể tùy tiện ra tay. Vả lại, cảnh sát cũng đã tiến hành lục soát rồi, kết quả là họ không liên quan trực tiếp với vụ đấu súng ấy. Ngoài ra bên an ninh hành động thế nào thì tôi không rõ. Vì họ cũng chủ trương bí mật tuyệt đối, hơn nữa suốt từ xưa đến nay, cảnh sát và an ninh có bao giờ hòa thuận với nhau đâu.”

“Còn lũ trẻ đi học kia thì sao, có nắm thêm được tình hình gì so với lần trước không?”

“Chuyện này cũng không được rõ. Hình như sau khi nghỉ học, lũ trẻ ấy không bao giờ bước ra khỏi bức tường cao đó nữa. Với đám trẻ ấy, thực ra tôi cũng không có cách nào điều tra sâu hơn được. Giả dụ có bằng chứng cụ thể về việc ngược đãi thì tình hình đã khác, nhưng trước mắt thì chưa có cái đó.”

“Liệu những người đã ra khỏi Sakigake có cung cấp được thông tin gì về việc này cho chúng ta không nhỉ? Thế nào cũng phải có người cảm thấy thất vọng với giáo đoàn, hoặc không chịu đựng nổi sự tu hành khổ hạnh mà rút lui chứ?”

“Dĩ nhiên, trong giáo đoàn có kẻ vào người ra. Có người tin theo thì cũng có người thất vọng ra đi. Về cơ bản việc thoát ly giáo đoàn là quyền tự do của mỗi người. Nhưng theo bản hợp đồng ký khi gia nhập, số tiền lớn phải cúng tiến dưới tên gọi ‘phí sử dụng vĩnh viễn các công trình’ sẽ không được hoàn trả một đồng nào. Chỉ cần cố chấp nhận điểm này thì có thể rời khỏi đó. Có một nhóm thành viên rời bỏ giáo đoàn đã tập hợp lại và tuyên bố Sakigake là một thứ tà giáo phản xã hội nguy hiểm, đang thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức. Họ gửi đơn kiện, và xuất bản một tờ tạp chí nhỏ của nhóm. Nhưng bọn họ người ít thế cô, gần như không gây được ảnh hưởng gì trong xã hội. Trong giáo đoàn góp mặt nhiều luật sư ưu tú, đã tạo thành cả một hệ thống phòng bị kín kẽ về pháp lý, không để lọt dù chỉ một giọt nước, dù bị kiện cáo, họ cũng chẳng mảy may sứt mẻ.”

“Những người thoát ly khỏi giáo đoàn ấy có đề cập đến tay ‘Lãnh Tụ’ hoặc lũ trẻ của các tín đồ không?”

“Tôi chưa đọc tạp chí của họ nên cũng không rõ,” Ayumi nói, “Có điều dựa trên các tài liệu tôi đọc lướt qua ấy thì những phần tử bất mãn rút lui khỏi giáo đoàn này hầu hết chỉ là tín đồ cấp thấp. Những nhân vật nhỏ. Cái giáo đoàn Sakigake này lớn tiếng phủ định giá trị của thế giới hiện thực, song thật ra ở một số điểm, đó lại là một xã hội phân chia đẳng cấp rõ rệt hơn ngoài đời nhiều. Chức sắc và tín đồ cấp thấp được phân biệt rõ ràng. Nếu không có học vấn cao và kỹ năng chuyên nghiệp, thì đừng hòng làm chức sắc. Những người được gặp Lãnh Tụ, được trực tiếp chỉ đạo và can dự vào trung tâm hệ thống giáo đoàn chỉ giới hạn trong tầng lớp tín đồ tinh anh thuộc giới chức sắc. Trong khi đại đa số các tín đồ còn lại chỉ biết cúng tiến số tiền cần thiết, cần mẫn tu hành trong bầu không khí thanh khiết, đổ mồ hôi làm việc ngoài đồng, chìm vào suy tưởng trong phòng nhập định, và cứ trải qua những ngày tháng đã được thanh tẩy như vậy. Không khác gì một đàn cừu có người chăn cừu và chó trông nom, sáng sớm bị lùa ra bãi chăn thả, chiều tối lại bị lùa về chuồng, cứ thế tiễn từng ngày bình lặng trôi đi. Họ chờ mong đến ngày địa vị của mình trong giáo đoàn được nâng cao, có thể gặp vị Anh Cả vĩ đại ấy, nhưng ngày tháng đó hầu như không biết gì về những sự việc trong nội bộ giáo đoàn, dẫu có rời Sakigake, họ cũng chẳng có thông tin gì quan trọng để cung cấp cho xã hội, đến cả mặt Lãnh Tụ còn chưa từng thấy nữa là.”

“Không có ai trong nhóm tín đồ tinh anh rút lui sao?”

“Theo tôi điều tra được, không có trường hợp nào như vậy.”

“Khi đã biết được bí mật của hệ thống, thì có được phép rút ra nữa không?”

“Nếu đã đến mức đó, có lẽ sẽ xuất hiện sự thay đổi kịch tính đấy,” Ayumi nói, sau đó thở hắt ra một tiếng, “Aomame này, chuyện cưỡng dâm bé gái lần trước cô nhắc đến đáng tin đến mức nào?”

“Tương đối đáng tin, nhưng hiện giờ vẫn chưa chứng thực được.”

“Việc ấy được tiến hành trong giáo đoàn một cách có tổ chức à?”

“Điểm này cũng chưa rõ lắm. Nhưng đúng là có nạn nhân, tôi đã gặp cô bé ấy. Tình trạng rất tồi tệ.”

“Cô nói là cưỡng dâm, vậy tức là, đã đâm vào rồi đúng không?”

“Chính xác.”

Ayumi bặm môi, như thể đang nghĩ ngợi gì đó. “Tôi biết rồi. Tôi sẽ điều tra sâu hơn xem sao.”

“Không cần phải nhọc sức quá.”

“Có nhọc sức gì đâu,” Ayumi nói, “Trông thế này thôi nhưng thực ra tôi thuộc loại tính cách khá tỉ mỉ đấy.”

Hai người ăn xong, nhân viên phục vụ tới dọn đĩa đi. Họ không gọi đồ ngọt, chỉ tiếp tục uống rượu vang.

“À, lần trước cô có nói, hồi nhỏ chưa bao giờ bị đàn ông làm mấy chuyện quái đản, đúng không?”

Aomame liếc qua vẻ mặt Ayumi, sau đó gật đầu. “Gia đình tôi rất ngoan đạo, không bao giờ nhắc đến những chủ đề liên quan tới tình dục. Những người xung quanh cũng đều như vậy. Tình dục là chủ đề không được phép nhắc tới.”

“Nhưng ngoan đạo và ham muốn tình dục là hai vấn đề khác nhau chứ nhỉ? Chuyện các thánh chức có nhiều kẻ nghiện sex là một quan niệm phổ biến trong xã hội. Trên thực tế, trong những kẻ bị cảnh sát bắt vì tội mại dâm và quấy rối phụ nữ, có rất nhiều kẻ liên quan đến tôn giáo và làm trong ngành giáo dục.”

“Có lẽ vậy. Nhưng ít nhất là ở xung quanh tôi, không hề có dấu hiệu nào như thế. Cũng chẳng ai làm chuyện gì quái đản.”

“Vậy thì tốt quá còn gì,” Ayumi nói, “Tôi nghe mà thấy mừng.”

“Cô không thế à?”

Ayumi do dự nhún vai, sau đó nói: “Nói thực, tôi bị người ta bắt làm bao nhiêu chuyện quái đản lắm, hồi nhỏ ấy.”

“Ví dụ là ai?”

“Anh trai và chú tôi.”

Aomame hơi nhíu mày: “Cả anh em và người thân?”

“Đúng vậy. Giờ họ đều là cảnh sát đang công tác. Chú tôi cách đây không lâu còn được khen thưởng là sĩ quan cảnh sát ưu tú. Thấy bảo ông ta trong ba mươi năm liên tiếp làm cảnh sát đã cống hiến rất nhiều cho sự an toàn của xã hội và sự tiến bộ của môi trường địa phương. Ông ta còn được lên báo vì cứu hai mẹ con nhà chó ngu ngốc bị lạc ở chỗ chắn tàu.”

“Họ đã làm gì cô?”

“Sờ mó chỗ đó và bắt tôi bóp chim họ.”

Các nếp nhăn trên gương mặt Aomame mỗi lúc một hằn sâu hơn. “Anh trai và chú?”

“Dĩ nhiên là từng người một. Khi ấy tôi mười tuổi, anh trai chắc khoảng mười lăm gì đấy. Chú tôi thì còn sớm hơn. Những khi đến ngủ lại nhà tôi, chừng hai ba lần.”

“Cô có nói chuyện này với ai không?”

Ayumi chậm rãi lắc đầu. “Không. Họ dọa dẫm tôi, bảo rằng tuyệt đối không được nói với bất cứ ai, nếu dám tố cáo họ thì sẽ cho tôi biết tay. Thực ra cho dù họ không dọa nạt, tôi cũng cảm thấy nếu tố giác thì chưa chắc họ đã bị làm sao, mà ngược lại có khi tôi còn bị ăn chửi, bị chuốc họa vào thân nữa. Vậy nên tôi sợ hãi, không dám nói với ai hết.”

“Không dám nói với cả mẹ cô sao?”

“Nhất là mẹ tôi,” Ayumi nói. “Từ nhỏ bà ấy đã cưng chiều anh trai hơn tôi, luôn thất vọng với tôi. Vì tôi thô lỗ, không xinh đẹp, lại còn béo, thành tích học tập cũng chẳng có gì đáng khen. Mẹ tôi muốn một đứa con gái kiểu khác cơ. Một đứa con gái giống như búp bê, thân hình nhỏ nhắn dễ thương, ngày nào cũng đến phòng tập ba lê. Nhưng yêu cầu cao như thế tôi làm sao đáp ứng nổi!”

“Vì vậy cô không muốn làm mẹ thất vọng hơn nữa.”

“Đúng vậy. Tôi cảm thấy nếu mách với bà, nói anh trai đã làm gì tôi, chỉ sợ mẹ sẽ càng hận, càng chán ghét tôi. Bà ấy sẽ nghĩ chắc chắn nguyên nhân nằm ở chỗ tôi. Chứ chả trách gì anh trai tôi đâu.”

Aomame dùng đầu ngón tay của cả hai tay miết phẳng các nếp nhăn trên mặt. Hồi mười tuổi, từ khi mình tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng, mẹ không nói với mình một câu nào nữa. Khi cần, cũng chỉ viết lên mẩu giấy đưa qua, chứ tuyệt không mở miệng. Mình đã không còn là con gái bà ấy nữa, mà chỉ là “một kẻ từ bỏ tín ngưỡng” mà thôi. Sau đó mình bỏ nhà ra đi.

“Nhưng không đâm vào?” Aomame hỏi Ayumi.

“Không.” Ayumi nói. “Mặc dù rất tệ hại nhưng bọn họ cũng không làm tôi đau đớn đến thế, cũng chưa bao giờ đòi tôi làm.”

“Nhưng, hiện tại cô còn gặp anh trai và chú nữa không?”

“Từ hồi đi làm tôi đã ra khỏi nhà, giờ gần như tôi không gặp mặt. Có điều, chung quy vẫn là người thân, lại là đồng nghiệp, đụng mặt nhau là chuyện không tránh khỏi. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ cười cho phải phép, chẳng kiếm chuyện làm gì. Có khi đám ấy chẳng còn nhớ gì đến những chuyện đó nữa.”

“Chẳng còn nhớ?”

“Cái đám ấy mà, chóng quên lắm,” Ayumi nói, “nhưng tôi thì không quên được.”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Giống những trận thảm sát trong lịch sử ấy.”

“Thảm sát?”

“Bên giết người lúc nào cũng tìm ra được những lý do chính đáng để hợp thức hóa hành vi của mình, và có thể quên đi. Có thể ngoảnh mặt đi khỏi thứ họ không muốn nhìn. Nhưng phía bị hại thì không bao giờ quên. Cũng không thể ngoảnh mặt đi. Ký ức sẽ từ đời cha truyền cho đời con. Aomame à, thế giới này chính là cuộc tranh đấu bất tận giữa một ký ức với một ký ức khác ở phía đối nghịch.”

“Chính xác.” Aomame nói, đoạn khẽ nhíu mày. Cuộc tranh đấu bất tận giữa một ký ức với một ký ức khác ở phía đối nghịch?

“Thực tình tôi cứ ngỡ cô cũng có những trải nghiệm tương tự với tôi đấy.”

“Tại sao cô lại nghĩ thế?”

“Không biết giải thích thế nào, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ như vậy. Có lẽ chính vì từng có những trải nghiệm như vậy, nên mới sống kiểu tình một đêm, chơi tới bến với những gã đàn ông xa lạ như thế. Vả lại, những lúc làm chuyện đó, có thể thấy ở cô sự phẫn nộ như thể đang bị dồn nén vậy. Phẫn nộ hay bực mình gì đó. Tóm lại là không thể sống như một người bình thường, nói thế nào nhỉ, tức là có một người yêu đàng hoàng, hẹn hò, ăn cơm, và như một lẽ hết sức đương nhiên chỉ làm tình với duy nhất người đó thôi. Bản thân tôi cũng thế.”

“Cô muốn nói là vì hồi nhỏ bị giở trò như thế nên bây giờ mới không thể sống như những người bình thường phải không?”

“Tôi cảm thấy như vậy đấy,” Ayumi nói, sau đó khẽ nhún vai một cái, “Nói về bản thân tôi thôi, thực ra tôi rất sợ đàn ông. Chính xác hơn thì ý tôi là việc quan hệ sâu sắc với một con người cụ thể nào đó. Và việc chấp nhận mọi thứ của đối phương ấy. Chỉ nghĩ đến thôi là tôi đã rúm cả người lại rồi. Nhưng lẻ loi một mình thì có lúc lại thấy khó khăn. Muốn được đàn ông ôm ấp, muốn được đút vào. Muốn đến mức không thể chịu đựng nổi. Những lúc như thế, làm tình với người không quen biết thành ra lại dễ chịu hơn nhiều.”

“Nỗi sợ hãi?”

“Ừ. Tôi cho đó là một nguyên nhân quan trọng.”

“Tôi nghĩ mình không có gì phải sợ hãi đàn ông cả,” Aomame nói.

“Thế cô có sợ thứ gì không?”

“Dĩ nhiên là có,” Aomame nói, “Tôi sợ nhất là chính bản thân mình. Tôi sợ không biết mình sẽ làm gì. Không biết lúc này mình đang làm gì.”

“Thế giờ cô đang làm gì?”

Aomame ngắm nhìn ly rượu vang đang cầm trên tay một lúc. “Nếu tôi mà biết thì tốt quá,” nàng ngẩng mặt lên nói, “Nhưng tôi không biết. Giờ đây tôi đang ở trong thế giới nào? Đang là năm bao nhiêu? Thậm chí tôi còn không tự tin với ngay cả những thứ đó.”

“Năm nay là năm 1984, địa điểm là Tokyo, Nhật Bản.”

“Nếu tôi có thể quả quyết một cách đầy tự tin như cô thì tốt biết mấy.”

“Kỳ lạ thật,” Ayumi bật cười, “Đây là sự thực rành rành ra đó, cần gì phải tự tin với chả quả quyết.”

“Giờ tôi vẫn chưa thể giải thích rõ ràng, nhưng đối với tôi, đây không thể nói là sự thực rành rành được.”

“Vậy ư,” Ayumi nói như thể thán phục lắm, “Tôi không hiểu lý do hay cách cảm nhận đó, nhưng mà Aomame này, dù bây giờ là lúc nào, nơi đây là đâu, cô vẫn còn có một người để yêu sâu sắc. Đối với tôi, đó là chuyện cực kỳ đáng ghen tị. Tôi thì thậm chí một người như vậy cũng chẳng có.”

Aomame đặt ly rượu vang lên bàn, lấy khăn ăn khẽ lau khóe miệng, sau đó nói: “Có lẽ đúng như cô nói. Cho dù bây giờ là lúc nào, nơi đây là đâu, những chuyện ấy đều chẳng quan trọng, tôi chỉ muốn gặp được anh ấy, muốn đến chết đi được. Chỉ có điểm này là chắc chắn. Là điều duy nhất tôi có thể quả quyết một cách tự tin.”

“Có cần tôi kiểm tra bằng hồ sơ cảnh sát không? Chỉ cần cho tôi biết thông tin, có thể tôi sẽ biết giờ anh ta đang ở đâu, làm việc gì.”

Aomame lắc đầu. “Đừng tìm anh ấy làm gì, xin cô đấy. Còn nhớ lần trước tôi nói gì với cô không, thế nào rồi cũng sẽ có một ngày tôi tình cờ gặp lại anh ấy ở một nơi nào đó. Chỉ ngẫu nhiên thôi. Tôi chỉ muốn lặng lẽ, trân trọng chờ đợi thời khắc ấy.”

“Sao mà giống trong phim truyền hình lãng mạn nhiều tập thế,” Ayumi thán phục nói, “Tôi thích kiểu ấy lắm. Sẽ kích thích vô cùng.”

“Khi ở vào hoàn cảnh ấy thì không dễ dàng đâu.”

“Tôi biết là không dễ dàng,” Ayumi nói, lấy đầu ngón tay khẽ ấn lên thái dương, “Mặc dù có người để mà yêu đến mức ấy, nhưng vẫn muốn làm tình với những người đàn ông không quen biết, đúng không?”

Aomame dùng móng tay búng khẽ vào miệng ly rượu vang mỏng tang. “Làm như vậy là cần thiết. Để giữ được cân bằng cho một con người còn đang sống.”

“Và điều đó không làm gì tổn hại đến tình yêu trong tim cô.”

Aomame nói: “Giống như Chuyển kinh luân của Tây Tạng ấy. Khi Chuyển kinh luân xoay tròn, giá trị và tình cảm nằm ở mặt ngoài sẽ thoắt lên thoắt xuống, khi sáng lóa lúc lại tối tăm. Nhưng tình yêu chân chính thì được gắn chặt trên trục bánh xe, mãi mãi không bao giờ thay đổi.”

“Tuyệt quá,” Ayumi thở dài, “Chuyển kinh luân của Tây Tạng ư?”

Nói đoạn, cô uống cạn chỗ rượu vang còn lại trong ly.

Sau đó hai hôm, khoảng hơn tám giờ tối, Tamaru gọi điện tới. Như mọi lần, anh ta không chào hỏi, vừa mở miệng đã đi thẳng vào việc.

“Chiều mai cô có dự định gì chưa?”

“Buổi chiều tôi chưa có kế hoạch gì nên có thể đến vào lúc nào đó tiện cho mọi người.”

“Bốn giờ rưỡi được không?”

Không vấn đề, Aomame trả lời.

“Được,” Tamaru nói. Trong ống nghe vang lên tiếng bút ghi thời gian vào bảng kế hoạch. Lực viết rất mạnh.

“Tiện thể cho tôi hỏi, Tsubasa có khỏe không?”

“À, tôi nghĩ con bé ổn lắm. Mỗi ngày bà chủ đều qua thăm nó. Con bé hình như cũng rất quyến luyến bà.”

“Tốt quá.”

“Chuyện đó thì ổn. Nhưng mặt khác, lại xảy ra một sự việc không được hay lắm.”

“Không được hay lắm?” Aomame hỏi. Nàng biết, nếu Tamaru nói không được hay lắm, thì đó thực sự là chuyện hết sức chẳng hay ho gì.

“Con chó chết rồi,” Tamaru nói.

“Chó? Anh bảo con Bun à?”

“Đúng thế. Con chó béc giê Đức kỳ quái chỉ thích ăn rau chân vịt ấy. Chết đêm hôm qua.”

Aomame lấy làm kinh ngạc. Con chó ấy mới chừng năm sáu tuổi. Vẫn chưa đến tuổi già chết. “Lần trước tôi gặp, nó vẫn còn rất khỏe mà.”

“Không phải chết bệnh,” Tamaru nói với giọng đều đều, “Sáng sớm phát hiện ra, nó đã mỗi nơi một mảnh.”

“Mỗi nơi một mảnh?”

“Như là bị xé toang ra vậy, nội tạng bắn tung tóe khắp nơi. Đành phải lấy một cái túi giấy lớn thu nhặt từng mẩu thịt vụn lại. Cái xác như kiểu bị lộn trái ra ngoài. Cứ như có người nhét vào trong bụng con chó một quả bom nhỏ.”

“Đáng thương quá.”

“Chuyện con chó thì hết cách rồi,” Tamaru nói, “Đã chết thì chẳng thể sống lại được. Chó giữ nhà thì mình còn tìm được con khác. Nhưng chuyện tôi lo nhất là, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Đây không phải là chuyện người bình thường có thể làm được. Cứ coi như có người cài bom vào trong bụng nó đi. Nhưng nếu có người lạ đi lại gần, con chó ấy sẽ sủa váng lên. Đâu có dễ ra tay.”

“Đúng thế,” giọng Aomame khô khốc.

“Đám phụ nữ ở khu nhà đều bị sốc và rất sợ hãi. Sáng nay, người phụ nữ chịu trách nhiệm cho chó ăn tận mắt chứng kiến hiện trường, đã nôn thốc, nôn tháo, sau đó gọi điện bảo tôi đến. Tôi hỏi, đêm qua có xảy ra chuyện gì khả nghi không? Nhưng chẳng có gì hết. Không người nào nghe thấy tiếng nổ. Nếu phát ra âm thanh lớn như thế, chắc chắn mọi người sẽ giật mình tỉnh giấc. Bởi họ vốn là những người sống ở đó trong nơm nớp lo âu. Thế nghĩa là, đó là một vụ nổ vô thanh. Cũng không ai nghe thấy tiếng chó sủa. Đó là một đêm yên tĩnh. Nhưng sáng ra thì con chó đã bị lộn trái từ trong ra ngoài, nội tạng vẫn còn tươi bắn tứ tán, lũ quạ ở gần đấy sáng sớm đã được một phen thỏa thích. Còn tôi thì đương nhiên chẳng vui vẻ gì.”

“Có chuyện gì kỳ lạ đang xảy ra.”

“Không sai,” Tamaru nói, “Đang xảy ra điều gì đó kỳ lạ. Hơn nữa, nếu trực giác của tôi đúng, thì đây chẳng qua mới chỉ là khởi đầu.”

“Đã báo cảnh sát chưa?”

“Cô đừng đùa,” trong mũi Tamaru phát ra âm thanh khe khẽ như thể đang giễu cợt, “Lũ cảnh sát ấy chẳng có tác dụng gì đâu. Chúng chỉ biết làm những chuyện chẳng ra sao ở những nơi chẳng ra gì, và càng khiến sự việc trở nên phức tạp.”

“Bà chủ nói gì về chuyện này không?”

“Bà ấy chẳng nói gì cả. Nghe tôi báo lại xong chỉ gật đầu.” Tamaru nói. “Về mặt đảm bảo an toàn, tôi toàn quyền phụ trách. Từ đầu chí cuối. Dẫu sao, đây là việc của tôi mà.”

Im lặng một lúc. Đó là sự im lặng đè trĩu đi kèm với trách nhiệm.

“Bốn rưỡi chiều mai,” Aomame nói.

“Bốn rưỡi chiều mai,” Tamaru lặp lại. Sau đó lặng lẽ ngắt máy.

Bình luận