Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiếp sau đó, tất cả những ý thức được là những hình ảnh chắp vá không ngừng ùa về trong tâm trí mình.

Có điều nó không rõ nét, mọi thứ đều mờ mờ ảo ảo. Mình nhìn mà không hiểu đó là cái gì. Chúng giống như con tảo biển… à không, giống tóc của Christopher qua lăng kính bơi dưới nước, khi bọn mình học bơi trong giờ thể dục tuần trước.

Khoan, mình đang học thể dục sao? Hay là mình đang bị rơi xuống nước? Nhưng mà người mình có bị ướt tẹo nào đâu nhỉ. Khô cong đây này.

Vậy thì làm sao mình có thể nhìn thấy tóc của Christopher dưới nước khi mà thậm chí không hề bị ướt? À, có lẽ tại mắt mình không hề mở ra. Mình đang nhắm mắt hay mở mắt thế nhỉ? Tại sao mình không thể nhấc tay sờ vào mặt để kiểm tra? Chưa bao giờ thấy tay mình lại nặng đến vậy… Không làm sao cất lên nổi…

Sao mình thấy mệt thế nhỉ?

Mệt dã man ý…

Mình nghe thấy có tiếng nói. Họ đang nói gì đó. Nhưng mình không luận ra được. Mình đang quá mệt, không muốn cố. Sao họ vẫn nói suốt thế nhỉ? Làm ơn yên lặng cho mình ngủ một lát đi!!!

Chờ chút. Là tiếng của mẹ. Nãy giờ người nói duy nhất là mẹ. Mẹ và… ai nữa? À, là bố. Là bố. Mẹ và bố đang nói chuyện với nhau. Không, hình như là với mình thì đúng hơn. Họ muốn mình thức dậy. Tại sao? Tại sao không để yên cho mình ngủ một chút?

Mình biết, mình phải nghe lời bố mẹ – Frida và mình luôn làm theo những gì bố mẹ bảo, không chóng thì chày.

Nhưng thề là mình không sao cử động được. Như thể mình đã hóa đá, và giờ mình chỉ muốn ngủ mãi thôi.

Có điều mình vẫn nghe thấy tiếng mẹ, đầy thúc giục và khẩn trương.

“Em ơi! Em ơi! Nếu nghe thấy tiếng mẹ thì mở mắt ra đi con! Mở mắt đi con, Em ơi! Chỉ một phút thôi cũng được, Em à.”

He, mình không mắc lừa đâu. Mẹ mà biết mình đã thức giấc thì đừng hòng mẹ để cho mình ngủ lại nữa. Chắc chắn mình sẽ phải đi rửa bát hoặc đến trường hoặc làm một việc gì đó tương tự. Lần này mình sẽ không bị lừa nữa đâu“Em ơi! Mẹ xin con đấy! Xin con, hãy mở mắt đi”.

Ơ nhưng sao giọng mẹ nghe đau lòng thế nhỉ. Hay là nhà mình đang cháy? Có khi mình phải làm theo lời mẹ thôi. Mở hé mắt ra xem mẹ muốn gì.

“Em ơi! Làm ơn đi con…”.

Mẹ đang khóc thì phải. Ôi, mình chẳng muốn làm mẹ khóc tẹo nào. Không bao giờ.

Vì thế mình cố mở mắt ra. Mình đã rất muốn mở mắt ra. Thật đấy.

Nhưng bất lực.

Hai mắt mình không chịu mở ra.

Mình nghe thấy tiếng mẹ khóc, tiếng bố đứng bên cạnh an ủi: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi, Karen”.

“Trong những ca như thế này” – mình lại nghe thấy một giọng nam khác – “không có gì là bất thường khi…”

Mình không nghe được hết câu bởi còn mải tập trung cố gắng mở hai mắt ra. Nhưng vẫn bó tay toàn tập. Mí mắt mình cứ như làm bằng chì vậy, còn mình thì quá yếu không thể cất nó lên được

Thôi thì đành mở mồm vậy. Để bảo mẹ đừng khóc nữa, mình vẫn bình thường, chỉ là hơi mệt mỏi thôi. Ngủ thêm chút nữa có lẽ sẽ ổn…

Nhưng mình phát hiện ra đến mồm mình cũng không mở ra được.

Trong một thoáng mình cũng hơi hoảng hồn tí xíu. Nhưng quả thực là lúc này mình quá mệt, không muốn làm gì hết… Chỉ muốn ngủ thôi. Và thế là mình quyết định cứ ngủ đã, lát dậy nói với mẹ sau… Vài tiếng nữa chắc sẽ hồi lại năng lượng.

Cuối cùng thì mình cũng mở được mắt. Không phải vì có ai đó đang gọi tên mình. Cũng chẳng phải vì nhìn thấy tiếp đám tảo biển. Hai mắt mình chỉ đơn giản là… mở ra.

Một cách tự nhiên.

Đảo mắt xung quanh mình ớ người phát hiện hóa ra mình không phải đang ở bể bơi, hay ở nhà, mà là trên giường bệnh của bệnh viện.

Không khó để nhận ra mình đang ở trong bệnh viện, mặc dù trời lúc bấy giờ là khá tối – chắc cũng quá nửa đêm rồi. Thứ nhất, mọi thứ trong phòng này đều trông rất lạ. Thứ hai, bốn bức tường đều được sơn màu be, chứ không phải màu trắng đục quen thuộc mà trong một cơn hứng chí mình đã sơn lại cả cái phòng ngủ (do chán ngấy màu vỏ trứng nhờ nhờ nhiều năm nay).

Chưa hết, toàn bộ số poster của phim Journeyquest – đành rằng bộ phim đúng là không thể tệ hơn nhưng được cái poster lại đẹp mê man – đều không cánh mà bay. Cũng như đống bưu thiếp và ảnh chụp mà bọn mình thu hoạch được sau chuyến tham quan Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Thứ duy nhất mình nhìn thấy bây giờ là đám dây nhợ loằng ngoằng – đang cắm đầy người mình. Đầu còn lại được cắm vào mấy cái máy đang kêu tút tút ở sát cạnh giường.

Ấy vậy mà mình chẳng hề thấy hoảng sợ một tẹo nào cả, bởi vì ngồi kế bên mấy cái máy đó là bố mình. Đang tựa đầu ra sau ghế ngủ.

Mình cố nhớ lại xem tại sao lại phải vào bệnh viện và cắm đầy dây dợ lên người như thế này. Bình thường mình hơi bị khỏe đấy. Lần duy nhất phải nằm viện là do bị ngã gãy tay khi chơi bập bênh ở cái sân trước nhà hồi năm lớp 2. Hay là mình lại bị ngã? Mà mình không nhớ là có trèo lên cái gì cao đâu nhỉ. Vậy thì tại sao lại phải nằm viện như thế này? Mình thậm chí còn chẳng thấy đau ở đâu hết.

Chỉ có điều siêu siêu mệt thôi.

Nhưng có lẽ mình bây giờ còn hơn bố chán. Sự mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt lâu ngày không cạo râu (buồn cười thật, mình vừa gặp bố tối qua lúc ăn tối mà. Khi ấy bố có để râu đâu. Hay là có nhỉ? Ôi, mình cũng chẳng nhớ nữa… Tối qua có ăn tối cùng bố không nhỉ? Sao có cảm giác lâu lắm rồi ý…). Mà sao bố mặc cái áo nhàu nhĩ thế nhỉ, thật khác với bố thường ngày.

Nói tóm lại là trông bố rất tiều tụy. Tại sao thế nhỉ? Mình không nỡ đánh thức bố dậy để hỏi cho ra nhẽ. Như thế thì ích kỷ quá.

Tự dưng thấy khát nước ghê gớm. Có cảm giác như sắp chết vì khát mất!

Nhưng chẳng thấy còn ai khác trong phòng cả. Ngoài bố và đám máy móc, dây nhợ loằng ngoằng.

Giá mà mình có thể nhấp một ngụm nước rồi đi ngủ lại thì sướng biết mấy…

Mình cố mở miệng gọi b

Không một tiếng động nào phát ra.

Làm sao lại có chuyện vô lý thế được?

Thử thêm vài lần nữa. Vẫn không được. Tất cả những gì mình nghe thấy chỉ là một tiếng rên.

“Bố ơi?” – ơ sao tiếng mình nghe lạ thế nhỉ? Hay tại mình khát quá nên mới bị như vậy?

Ngay lập tức bố giật mình choàng tỉnh dậy, giương hai mắt mở to nhìn mình: “Em hả con?” – giọng bố run run.

“Vâng” – mình nói – “Con xin lỗi”

Ê, giọng mình bị làm sao ý nhỉ?

Hình như bố cũng thấy giọng mình không bình thường bởi vì ngay lúc đó bố nhảy dựng lên khỏi ghế và hét ầm lên: “Bác sỹ! Bác sỹ!” – rồi cuống cuồng chạy ra khỏi phòng.

Hừm, xem ra mình bị thương nặng hơn là mình nghĩ.

Nhưng trước khi kịp tìm hiểu xem bệnh tình của mình nặng đến đâu thì một cơn buồn ngủ lại ập tới. Chưa bao giờ mình thấy mệt mỏi như thế này, kể cả khi phải học lớp Kỹ năng nói trước công chúng ngay tiết đầu tiên. Có lẽ nếu mình không thức cả đêm chơi Journeyquest với Christopher – sau đó thức tới sáng để làm bài tập về nhà – thì chắc mình đã không thấy vất vả mỗi khi phải thức dậy mỗi buổi sáng như thế, nhưng…

Mình rất muốn dậy. Thật đấy! Mình muốn biết chuyện gì đang xảy ra với mình và tại sao mình lại phải nằm viện. Mình muốn uống nước nữa…

Nhưng mình không thể mở mắt thêm được một giây nào nữa. Thôi thì chợp mắt một tẹo chờ bố quay lại vậy.

Và thế là mình lại chìm vào giấc ngủ. Mmmm, thèm ngủ quá đi.

Hy vọng mình sẽ không bị chảy nước dãi sau khi ngủ say. À, chắc ở bệnh viện thì không sao đâu.

Khi mình mở mắt ra thì trời đã sáng rõ. Và mẹ đang ngồi trên cái ghế bố đã ngồi tối qua. Liên tục gọi tên

“Mẹ ơi!” – mình thều thào gọi. Bởi vì mình vẫn còn mệt – “Con không muốn đi học hôm nay đâu. Được không ạ?”

Ít ra đó là điều mình muốn nói với mẹ. Nhưng không chắc là mẹ có nghe rõ những gì mình nói không bởi mình thấy chẳng giống tiếng mình chút nào cả.

Tuy nhiên, thay vì tranh cãi với mình như mọi ngày mỗi khi mình không chịu dậy đi học, mẹ chỉ bưng mặt khóc. Ô mà mình không chỉ có mình mẹ trong phòng. Còn có bố, và một vài người mặc áo khoác trắng mình chưa gặp bao giờ.

Hừm, chắc mẹ khóc vì thấy giọng mình nghe lạ quá. Nó cứ the thé thế nào ý.

Giờ thì mình cũng chẳng dám chắc những gì mình vừa nói có thành câu thành chữ không nữa.

“Con yêu” – bố đặt tay lên vai mẹ, nhìn mình đầy lo lắng… giống như lần mình bị trượt chân và đập cả cái cằm vào thành bể bơi trong khách sạn ở Disney World mà không hề hay biết gì hết. Chỉ tới khi cả một miếng da bượt ra và máu tuôn ra xối xả, ướt hết cả cái áo bơi thì mình mới biết đang bị chảy máu – “Con có biết chúng ta là ai không?”.

Oái, xem ra mình gặp phải tai nạn gì đó cực kỳ nghiêm trọng rồi.

“Ơ, có chứ ạ” – mình ngơ ngác trả lời – “Bố là Daniel Watts và mẹ là Karen Rosenthal-Watts”.

Phát âm của mình đúng là có vấn đề, nghe cứ sao sao ý.

Có lẽ vì thế mà mẹ càng òa khóc to hơn. Làm mình giật bắn cả mình. Chưa bao giờ thấy mẹ khóc dữ dội như thế. Kể cả khi xem đoạn kết phim Love Actually – bộ phim yêu thích nhất mọi thời đại của mẹ.

Bố có vẻ cũng bất ngờ khi thấy mẹ khóc dữ như vậy. “Thôi mà, Karen. Mọi chuyện ổn rồi”.

Thật may, đúng lúc đó một trong mấy người khoác áo trắng kia bước lại gần giường mình, sau khi chụm đầu hội ý với những người còn lại vài phút – “Emerson, bác là bác sĩ Holcombe”.

“Vâng” – mình cố hắng giọng. Nhưng xem ra không phải do mình bị khản tiếng hay gì hết – “Tại sao giọng cháu nghe buồn cười thế ạ?”

Bác sĩ Holcombe rút ra một cái bút điện và soi vào mắt mình. “Cháu có bị đau ở đâu không?” Bác ý đang cố tình lờ đi câu hỏi của mình hay là bác sỹ không hiểu mình đang nói gì nhỉ? Cái giọng mình cứ làm sao ý. Đến mình còn không hiểu mình đang nói gì nữa là người khác.

Cùng lúc đó, lại một người mặc áo trắng khác, lần này là phụ nữ, tóc búi cao bước tới, nhẹ nhàng hỏi: “Cô là bác sĩ Higgins. Cháu có thể cử động mấy ngón tay chân được không, Emerson?”

Hơi khó – bởi mình vẫn còn mệt – nhưng mình vẫn ngọ nguậy chân.

“Cháu bị làm sao thế ạ?” – mình tò mò hỏi.

“Cháu nhìn theo ngón tay của bác nhé, Emerson?” – bác sỹ Holcombe nói tiếp – “Đừng cử động đầu. Chỉ nhìn theo bằng mắt thôi”.

Và mình lại ngoan ngoãn làm theo. Mình có thể nhìn rõ mọi thứ. Không còn những cái bóng mờ hay tảo biển gì hết.

“Cháu biết mình đang phải nằm viện” – mình vẫn kiên trì – “Nhưng mấy cái dây này là sao ạ? Và tại sao giọng của cháu nghe buồn cười thế?”

“Tập trung nhìn vào đây nào” – bác sỹ Holcombe tiếp tục rọi đèn vào mắt mình, và mình lại nhìn theo cử động ngón tay của bác ý.

“Emerson, cháu thử nắm tay cô xem nào” – Bác sỹ Higgins nói.

Mình nắm lấy tay cô bác sỹ.

“À, con đã bỏ bao nhiêu buổi học rồi?” – mình chợt nhớ ra mấy lớp nâng cao mà mình đang theo. Mẹ vẫn đang khóc như mưa, còn bố thì không ngừng vỗ vai an ủi mẹ. Mình không còn cách nào khác đành quay ra cầu cứu mấy người lạ mặt mới gặp lần đầu – “Bác sĩ ơi giọng cháu bị làm sao thế ạ?”

“Đừng lo, Emerson. Sớm muộn rồi cháu cũng sẽ biết” – Bác sỹ Holcombe thủng thẳng nói.

“Bác cứ gọi cháu là Em”.

“Tùy cháu” – bác mỉm cười, cất cái bút vào trong túi rồi quay sang nhìn bố mẹ mình đang sụt sùi ở bên giường – “Giờ thì nằm nghỉ một lát đi. Cháu thấy rồi đấy, mọi người trong nhà cháukhỏe… Ừm, họ sẽ sớm bình tĩnh lại thôi. Chẳng qua là họ quá lo lắng cho cháu. Thật may là cháu đang tiến triển rất tốt. Cháu quay lại ngủ tiếp đi, nếu muốn”.

Nói tới mới nhớ, mình cũng thấy buồn ngủ thật. Nhưng vụ bài vở ở trường làm mình khá lo lắng. Nghỉ nhiều quá không biết có đuổi kịp mọi người không.

Ơ mà sao vẫn không ai chịu trả lời cho mình về vụ giọng nói nhỉ?

Nhưng cô bác sỹ tóc búi tó đã bơm cái gì đó vào sợi dây trên tay mình và đột nhiên mình cảm thấy buồn ngủ hơn bao giờ hết. Và mình thiếp đi lúc nào không hay.

Lúc mình mở mắt ra sau đó thì đã nửa đêm và trên chiếu ghế đặt kế bên giường là một chàng trai đẹp như tranh vẽ.

Bình luận