“Nếu có bất kỳ điều gì bạn có thể thực hiện hoặc ước mơ thì hãy bắt đầu ngay bây giờ. Sự táo bạo chứa đựng thiên tài, sức mạnh và sự kỳ diệu trong nó.”
– GOETHE
Tờ Hướng dẫn theo dõi
Bạn đã hoàn thành tờ Hướng dẫn công việc. Bạn đã chọn Mục tiêu chương trình, từ một đến ba Nguyên liệu thành công, 10 Công việc hàng ngày và Giấy phép đặc biệt. Bây giờ là lúc thực hiện chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! của riêng bạn.
Công cụ thiết yếu tiếp theo cho 28 ngày của chương trình là tờ Hướng dẫn theo dõi, được sử dụng hàng ngày để đo lường tiến độ của bạn trong suốt chương trình. Tờ Hướng dẫn theo dõi là một công cụ rất kỳ diệu. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mảnh giấy nhỏ này có thể thay đổi công việc marketing của bạn đến thế nào.
Hẳn là bạn còn nhớ những lợi ích của việc đặt mục tiêu nêu ở chương 3? Thường xuyên sử dụng tờ Hướng dẫn theo dõi sẽ mang đến trọng tâm, bằng chứng, hướng đi và động lực cho công việc marketing của bạn. Nếu bạn dự định thực hiện chương trình với một người cùng làm ăn, một nhóm hoặc một vị cố vấn thì bạn cũng sẽ có được trách nhiệm, cách nhìn và sự giúp đỡ cần thiết để thành công.
Hãy xem tờ Hướng dẫn theo dõi mà Lee Greenback đang điền dở ở hình 6-1. Mỗi cột tương đương với một ngày làm việc của chương trình, trong đó bạn sẽ ghi vào các mục sau:
Dự báo thời tiết. Trên thang điểm từ 1 đến 10, với 1 là thấp nhất và 10 là cao nhất, tâm trạng hôm nay của bạn thế nào? Cơ thể của bạn thế nào? Hãy chấm điểm theo trực giác của bạn. Những con số này dao động giữa các ngày dựa theo thay đổi tâm trạng và thể chất của bạn. Điểm số này cho biết bạn nên mong đợi đến mức độ nào ở bản thân vào một ngày nhất định.
Nguyên liệu thành công. Bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm của mỗi dự án Nguyên liệu thành công? Nếu 0% nghĩa là bạn chưa làm gì và 100% tương đương với dự án đã hoàn thành thì bạn ước lượng mình đã tiến xa đến đâu? Điểm số này có được dựa trên trực giác, hoặc có thể tính toán được với một số dự án nhất định. Những điểm số này phải tăng dần theo thời gian của dự án chứ không thể thấp hơn.
Hình 6-1: Tờ Hướng dẫn theo dõi chưa hoàn thành
Công việc hàng ngày/hàng tuần. Với mỗi công việc, bạn có thực hiện nó trong hôm nay (có) hay không (không)? Ở cuối mục này, hãy ghi lại tổng số công việc hoàn thành trong ngày. Con số này tăng giảm theo từng ngày tùy thuộc vào năng suất cũng như số lượng các hoạt động khác đòi hỏi sự tập trung của bạn.
Nếu một công việc được thực hiện hàng tuần (hoặc vài lần mỗi tuần) thay vì hàng ngày thì bạn vẫn có thể chấm điểm theo ngày. Trong trường hợp này, điểm số sẽ dựa trên mức độ bạn thực hiện kế hoạch của mình. Giả sử bạn chọn công việc “Tham dự một sự kiện gặp gỡ mỗi tuần”. Khi phải chấm điểm cho công việc này vào thứ hai, nếu bạn dự định tham dự một sự kiện vào hôm nay và đã đến thì ghi là Có. Nếu bạn dự định tham dự một sự kiện vào hôm nay và lại không đến thì ghi là Không. Nếu bạn không hề có ý định tham dự một sự kiện vào hôm nay thì bạn được một ngày Có miễn phí, nhưng bạn nên xem lịch và sắp xếp ngày tham dự trong tuần này. Sau đó, mỗi ngày hãy chấm điểm tùy theo việc bạn đã theo đuổi dự định của mình như thế nào. Mỗi cuối tuần mà bạn vẫn chưa thực hiện công việc hàng tuần nào thì phải ghi vào cột ngày thứ sáu là Không. Hãy trung thực, và nhớ rằng những điểm số này là của bạn.
Mục tiêu chương trình. Bạn đã đạt được bao nhiêu phần trăm của mục tiêu? Tất cả các mục tiêu trong chương trình đều dưới dạng con số, vì vậy có thể tính toán chính xác. Càng gần đến ngày kết thúc, con số này càng tăng lên chứ không phải giảm xuống.
Giấy phép đặc biệt. Hôm nay bạn có Giấy phép đặc biệt hay không? Hãy trung thực. Bạn sẽ nhận thấy mọi việc khó khăn đến mức nào vào những ngày bạn không có giấy phép này.
Vào ngày thứ nhất của chương trình, bạn sẽ bắt đầu điền vào tờ Hướng dẫn theo dõi dựa vào tờ Hướng dẫn công việc bạn đã hoàn thành ở chương 5.
Chương trình 28 ngày
Trong 28 ngày tới, bạn sẽ làm việc đều đặn để đạt được mục tiêu marketing đã đề ra. Nhưng nếu cứ nhấn chân ga liên tục thì chẳng mấy chốc mà bạn sẽ hết xăng!
Bạn nên lên kế hoạch trước cho những ngày nào để làm việc và những ngày nào để nghỉ ngơi. Các ngày nghỉ được gài vào chương trình để bạn có thời gian thư giãn. Bạn có thể dành một phần ngày nghỉ để thực hiện dự án Nguyên liệu thành công hoặc làm các bài tập trong chương này, và bạn chỉ có trách nhiệm hoàn thành các Công việc hàng ngày vào những ngày mà bạn đã định là ngày làm việc. Trong đề cương chương trình dưới đây, các ngày làm việc của bạn được xác định là từ thứ hai đến sáu, còn ngày nghỉ là thứ bảy và chủ nhật. Nếu tuần làm việc của bạn không giống như vậy thì bạn sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với lịch làm việc của mình.
Vào các ngày làm việc, bạn nên dành thời gian hoàn thành các Công việc hàng ngày, đặc biệt là nếu bạn vốn rất bận rộn với các công việc khách hàng hoặc có một công việc khác. Đôi khi bạn cần phải lên kế hoạch cho các hoạt động marketing vào trước hoặc sau ngày làm việc, hoặc thậm chí là vào giờ ăn trưa. Hãy thử nghiệm nhằm tìm ra khoảng thời gian tốt nhất trong ngày để sắp xếp các công việc này vào thời gian biểu. Đừng để công việc đang làm trở thành cái cớ để trì hoãn việc tìm kiếm các khách hàng bạn thực sự cần. Hãy coi marketing là ưu tiên số một thay vì là việc cuối cùng bạn làm.
Vào cả ngày làm việc lẫn ngày nghỉ, hãy đọc các mục cho từng ngày trong những trang tiếp theo. Hãy cố gắng làm điều này càng sớm càng tốt trong ngày, nhờ đó marketing sẽ hiện hữu trong tâm trí bạn suốt cả ngày. Vào buổi sáng mỗi ngày làm việc, bạn cũng nên dành thời gian suy tính xem mình muốn sắp xếp các dự án Nguyên liệu thành công, Công việc hàng ngày và Giấy phép đặc biệt vào lịch trình của ngày như thế nào. Cuối mỗi ngày làm việc, hãy dành ít phút để tính toán điểm số hàng ngày trên tờ Hướng dẫn theo dõi. Phần tiếp theo sẽ cung cấp cho bạn chi tiết về các hoạt động này.
Vào một số ngày nghỉ, chương trình có các gợi ý bài tập để giúp bạn trở nên năng suất và hiệu quả hơn trong công việc marketing của mình. Để áp dụng chương trình được tốt nhất, hãy nhớ dành ra một chút thời gian để thực hiện các bài tập này dù nó có trong ngày được đề xuất hay không.
Ngày thứ nhất
Thứ bảy là ngày tốt nhất để khởi động chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! của bạn. Hãy đóng cửa, tắt điện thoại và lấy ra tờ Hướng dẫn công việc đã hoàn thành ở chương 5. In một bản mẫu tờ Hướng dẫn theo dõi ở hình 6-2. Điền các ngày vào dòng trên cùng và các thông tin ở cột 1. Tờ hướng dẫn đang điền dở của Lee Greenback (hình 6-1) là một ví dụ.
Ở dòng trên cùng, hãy ghi các ngày làm việc của bạn trong tháng sau. Giả sử thứ hai sắp tới là ngày 2 tháng 10 thì bạn sẽ ghi vào 10 cột đầu tiên trên tờ hướng dẫn là 2/10-6/10 và 9/10-13/10, bỏ qua các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật ở giữa. Tiếp theo, hãy viết vào cột 1 các Nguyên liệu thành công từ tờ Hướng dẫn công việc của bạn cùng với các thời hạn hoàn thành. Tiếp theo là ghi vào 10 Công việc hàng ngày, Mục tiêu chương trình và Giấy phép đặc biệt.
Hãy thưởng cho mình một điểm số ban đầu trên mỗi Nguyên liệu thành công và Mục tiêu chương trình. Bạn đang bắt đầu các dự án Nguyên liệu thành công và mục tiêu của tháng từ con số 0 hay đã hoàn thành được một phần rồi? Trên tờ hướng dẫn của Lee Greenback, anh ta cho mình điểm số ban đầu là 50% ở “định nghĩa phân khúc thị trường” vì tin rằng mình đã đi được nửa chặng đường. Còn ở “bài giới thiệu 10 giây”, anh ta đã làm được một chút nhưng vẫn còn rất nhiều công việc phía trước, vì vậy anh chấm cho mình 25%. Với “địa điểm gặp gỡ”, Lee chưa làm được gì nên phải bắt đầu với 0%.
Để chấm điểm chính xác tại thời điểm này cũng như trong suốt chương trình, bạn cần định lượng các dự án Nguyên liệu thành công. Với các Nguyên liệu thành công như “địa điểm gặp gỡ” hoặc “đối tác môi giới”, hãy cân nhắc câu hỏi “Bao nhiêu là đủ?” Nếu không chắc, bạn có thể xem lại phần III, chương viết về giai đoạn Chu kỳ Marketing Phổ biến mà bạn đã chọn. Viết con số mà bạn chọn vào tờ hướng dẫn, như Lee đã làm với địa điểm gặp gỡ của mình. Nếu bạn chọn một Nguyên liệu thành công khó định lượng hơn, chẳng hạn như “kỹ năng tạo dựng quan hệ” hoặc “kỹ năng bán hàng qua điện thoại” thì hãy chấm điểm cho mình dựa theo trực giác. Nếu 0% tương đương với “không biết dùng điện thoại” và 100% nghĩa là “chuyên gia bán hàng qua điện thoại” thì bạn sẽ chấm cho mình bao nhiêu điểm vào ngày hôm nay? Đến khi chương trình kết thúc, bạn muốn đạt được 100% hay chỉ 75% cũng đủ làm bạn hài lòng? Nếu bạn chọn 75% thì hãy viết “kỹ năng bán hàng qua điện thoại đạt 75%” để biết được đích mà mình nhắm đến là gì.
Bây giờ hãy thưởng cho mình một điểm số ban đầu ở Mục tiêu chương trình. Như đã được mô tả ở chương 3, đây là một mục tiêu dưới dạng con số về số lượng khách hàng, hợp đồng, cuộc hẹn, giờ lập hóa đơn, tổng doanh thu hoặc khách hàng tiềm năng mới. Bạn có thể bắt đầu từ con số 0 hoặc đã đạt được mức độ nào đó. Dù thế nào thì bạn cũng nên trung thực và rõ ràng. Theo bạn, khách hàng mới có nghĩa là bất kỳ ai đặt lịch hẹn, hay người đó phải đến cuộc hẹn rồi thì mới được tính? Tổng doanh thu được tính theo hóa đơn tháng này hay theo thực tế bạn nhận được? Hãy chọn cách chấm điểm sao cho mục tiêu thực sự có ý nghĩa đối với bạn.
Hình 6-2: Tờ Hướng dẫn theo dõi để trống
Giờ thì hãy đặt tờ Hướng dẫn theo dõi ở nơi mà bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy đầu tiên vào sáng thứ hai. Bạn đã sẵn sàng theo đuổi chương trình mà bạn tự thiết kế cho mình chưa?
Suy nghĩ của ngày: Jay Conrad Levinson – tác giả của loạt sách Marketing du kích – thường trả lời khi được hỏi về công việc của mình rằng: “Tôi không muốn phải thừa nhận điều này, nhưng marketing hạng xoàng mà làm việc tận tâm sẽ hiệu quả hơn nhiều so với marketing xuất sắc mà hờ hững.”
Ngày thứ hai
Ngày nghỉ. Hãy làm một điều mà bạn thật sự thích thú, như một hoạt động mà đã lâu rồi bạn không có thời gian dành cho nó. Trong tháng tới bạn sẽ phải làm việc rất vất vả, vì vậy nhân cơ hội này hãy vui chơi hết mình. Đêm nay bạn hãy ngủ sớm để thật khỏe khoắn và sẵn sàng vào sáng hôm sau.
Suy nghĩ của ngày: Ngay cả Chúa cũng nghỉ ngơi mỗi tuần một ngày.
Ngày thứ ba
Bạn đã sẵn sàng để tìm kiếm khách hàng chưa? Đã đến lúc để tờ Hướng dẫn theo dõi phát huy tác dụng. Việc đầu tiên của buổi sáng là đặt tờ Hướng dẫn theo dõi ở trước mặt. Trong mỗi ngày làm việc của chương trình, bạn sẽ sử dụng tờ hướng dẫn này ít nhất hai lần: đầu và cuối ngày. Để thu được hiệu quả tối đa từ tờ hướng dẫn, hãy dán nó ở nơi bạn có thể nhìn thấy cả ngày.
Vào ngày thứ hai này, hãy khởi động bằng bài Phân tích buổi sáng đầu tiên. Hãy xem lại các Nguyên liệu thành công và Công việc hàng ngày của bạn. Hôm nay bạn dự định thực hiện việc nào trong số này? Bạn có cần ghi chúng vào danh sách việc cần làm hàng ngày hoặc sắp xếp thời gian cho chúng không? Kiểm tra lại Giấy phép đặc biệt để nhắc nhở bản thân về những gì bạn cần có để thành công. Giờ thì bạn đã sẵn sàng để bắt tay vào công việc.
Đến cuối ngày, hãy chấm những Điểm số hàng ngày đầu tiên cho mình:
Dự báo thời tiết: Tâm trạng và cơ thể bạn trên thang điểm từ 1 đến 10.
Nguyên liệu thành công: Tình trạng của mỗi dự án từ 0-100% hoàn thành.
Công việc hàng ngày/hàng tuần: Có và Không cho mỗi công việc. Tính tổng số Có ở cuối mục.
Mục tiêu chương trình: Tiến độ hướng tới mục tiêu từ 0-100% hoàn thành.
Giấy phép đặc biệt: Có nếu bạn cho mình Giấy phép đặc biệt vào hôm nay; ngược lại là Không.
Nếu có thắc mắc về cách chấm điểm, hãy đọc lại phần mô tả tờ Hướng dẫn theo dõi ở đầu chương này.
Chúc mừng! Bạn đã vượt qua ngày làm việc đầu tiên của chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng!. Bạn có đạt được những gì mình muốn không? Nếu có thì rất tốt, còn nếu không thì ngày mai hãy xem lại danh sách của bạn xem có cần thay đổi gì không. Trong suốt phần còn lại của chương trình, các hướng dẫn cho từng ngày ở đây sẽ giúp bạn tập trung, đi đúng hướng và duy trì động lực làm việc. Mỗi khi có câu hỏi về cách thực hiện các Công việc hàng ngày hoặc Nguyên liệu thành công đã chọn, hãy đọc lại nội dung về giai đoạn chu kỳ marketing của bạn để có được sự trợ giúp chi tiết và logic.
Suy nghĩ của ngày: Một bài thơ ngắn về marketing:
Gieo vô số hạt mầm
Trong đó có hoa, có cỏ;
Có cây chết, có cây lên,
Nhưng đều phụ thuộc vào số hạt mầm.
Ngày thứ 4
Khởi đầu ngày mới bằng bài Phân tích buổi sáng. Hãy nhìn vào các Nguyên liệu thành công, Công việc hàng ngày cùng Giấy phép đặc biệt và lên kế hoạch sắp xếp chúng vào lịch trình của ngày như thế nào. Bạn sẽ phải làm việc này vào mỗi ngày làm việc trong suốt chương trình. Trong lần phân tích của hôm nay cũng như cả tuần đầu tiên này, hãy đặc biệt chú ý tới các Công việc hàng ngày mà bạn đã chọn. Bổ sung các hoạt động mới này vào ngày làm việc của bạn có hiệu quả gì không?
Nếu bạn đạt điểm 8 trở lên cho các Công việc hàng ngày của hôm qua thì hãy giữ nguyên chúng. Nếu điểm của bạn thấp hơn nhưng hôm qua là một ngày cực kỳ bận rộn và hỗn loạn thì hãy thử thêm một ngày. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy quá sức và cho rằng các lựa chọn của mình hơi quá tham vọng thì bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh xuống thấp hơn một chút. Thay vì loại bỏ bất kỳ công việc nào trong số đã chọn, hãy giảm khối lượng của chúng. Liệu có việc nào bạn đã quyết tâm thực hiện hàng ngày nhưng thực ra có thể giảm xuống thành ba lần một tuần không? Hay liệu bạn có thể giảm số lượng cuộc gọi, thư từ hoặc cuộc họp đã định? Bây giờ là lúc tạo một danh sách công việc mới phù hợp với thực tế của bạn là một ngày bình thường.
Vào cuối ngày, hãy tính tổng Điểm số hàng ngày. Điểm hôm nay có cao hơn hôm qua không? Nếu bạn vẫn chưa hài lòng với điểm số của mình thì cũng đừng lo, bởi chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách cải thiện chúng.
Suy nghĩ của ngày: Chẳng có lúc nào là bạn hoàn toàn sẵn sàng cả. Hãy cứ bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình.
Ngày thứ 5
Phân tích buổi sáng. Thứ tư là ngày để xem xét các công việc được thực hiện mỗi tuần một lần mà vẫn chưa được lên kế hoạch. Hãy chọn ra ngày bạn sẽ thực hiện chúng. Nếu công việc có liên quan đến một bữa trưa hoặc buổi họp thì hãy đảm bảo chắc chắn bằng cách gọi điện thoại hẹn gặp hoặc đặt chỗ.
Điểm số hàng ngày. Bạn có đạt được từ 8 điểm trở lên cho các Công việc hàng ngày không? Nếu câu trả lời là có thì bạn đã làm việc rất tốt. Hãy thử đặt ra một phần thưởng cho bản thân nếu bạn đạt được một điểm số nhất định vào ngày mai. Nếu điểm số của ngày hôm nay là 6 thì hãy đặt mục tiêu là 8; nếu 9 là điểm số của ngày hôm nay thì hãy đặt mục tiêu cho ngày mai là 10.
Suy nghĩ của ngày: Tất cả những người bạn gặp đều là một khách hàng tiềm năng hoặc một nguồn môi giới triển vọng. Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội giới thiệu bản thân.
Ngày thứ 6
Phân tích buổi sáng. Nếu bạn đạt được mục tiêu Công việc hàng ngày của hôm nay thì phần thưởng sẽ là gì? Bạn cần làm gì để có thể biến mục tiêu đó thành hiện thực? Dưới đây là ba gợi ý về chiến lược dành cho bạn:
1. Làm trước tiên. Đừng làm bất kỳ việc gì khác cho đến khi các Công việc hàng ngày của bạn đã hoàn tất. Đừng kiểm tra email, dọn dẹp nhà cửa hay trả lời điện thoại. Hãy loại bỏ tất cả những gì có thể khiến bạn xao lãng cho đến khi bạn đạt được chỉ tiêu điểm của ngày hôm nay.
2. Làm ngay lập tức. Có thể bạn có những Công việc hàng ngày cần phải được thực hiện vào cuối ngày chứ không phải là sáng sớm. Mỗi khi bạn nghĩ tới công việc nào thì hãy làm ngay. Giả sử mỗi ngày bạn cần phải xin được một lần giới thiệu. Khi bạn đang nói chuyện với ai đó, hãy đề nghị được giới thiệu ngay khi bạn nhớ đến nó – phải đề nghị ngay lập tức, cho dù lúc đó bạn đang nói về chuyện gì. Nếu bạn hay quên thì hãy buộc một sợi dây chun quanh cổ tay để nhắc nhở bạn mỗi lần nhìn thấy nó.
3. Dành thời gian cho mình. Nếu thời gian biểu kín mít khiến bạn không thể thực hiện các Công việc hàng ngày trước thì hãy dành riêng thời gian trên lịch của bạn. Đặt một cuộc hẹn riêng với chính bạn và thực hiện đúng hẹn như thể đó là một cuộc hẹn với người khác. Hãy lấy cuộc hẹn này làm cái cớ nếu người khác muốn cầm chân bạn. Nếu sợ quên hoặc quá bận việc khác thì hãy thử đặt chuông nhắc nhở.
Điểm số hàng ngày. Bạn có giành được phần thưởng của hôm nay không? Nếu vẫn gặp vướng mắc thì hãy xem lại danh sách Công việc hàng ngày của bạn. Nếu thấy nó quá tham vọng thì bạn có thể điều chỉnh giảm bớt khối lượng công việc tại bất kỳ thời điểm nào trong chương trình, miễn là bạn vẫn làm theo các hướng dẫn lựa chọn Công việc hàng ngày ở Chương 5. Có thể bạn cho rằng mình đã có danh sách hợp lý nhất, nhưng vấn đề là ở chỗ biến nó thành hiện thực. Ngày mai, hãy thử dùng lại ba chiến lược trên. Có lẽ phải sau vài lần bạn mới thay đổi được thói quen làm việc của mình để marketing trở thành một phần trong ngày của bạn. Hãy kiên trì rồi sẽ có được kết quả xứng đáng.
Suy nghĩ của ngày: Tập một thói quen mới cũng giống như bắt đầu một chương trình tập luyện: Ban đầu sẽ đau, nhưng nếu tập luyện cho cơ bắp đó thường xuyên thì nó sẽ trở nên khỏe mạnh hơn và có ích cho bạn hơn. Qua thời gian, cơn đau sẽ nhường chỗ cho sức chịu đựng, sức chịu đựng nhường chỗ cho sự hài lòng, và sự hài lòng biến thành niềm hứng khởi khi bạn thấy được kết quả của sự kiên trì và tận tâm của mình.
Ngày thứ 7
Phân tích buổi sáng. Đây là cơ hội cuối cùng để hoàn thành tất cả các công việc của tuần, vì vậy hãy xem xét làm thế nào để sắp xếp chúng. Và điểm số Công việc hàng ngày mà bạn muốn đạt được cho ngày hôm nay là bao nhiêu?
Điểm số hàng ngày. Kết quả của tuần này thế nào? Nếu bạn đạt điểm 8 trở lên cho các Công việc hàng ngày thì bây giờ là lúc ăn mừng thành tích của mình. Bạn đang trên đường đến Mục tiêu chương trình và có được thêm khách hàng. Nếu điểm số của bạn nằm trong khoảng từ 5 đến 7 thì không còn bao xa nữa, nhưng bạn vẫn cần một chút thay đổi. Hãy đọc lại phần Phân tích buổi sáng của ngày 4 và 6 xem bạn có thể thay đổi được gì. Nếu bạn liên tục đạt điểm 5 trở xuống cho các Công việc hàng ngày thì không có nghĩa là bạn đã thất bại, mà là đang luyện tập. Điều gì đó đang cản trở bạn, và một khi biết được điều đó là gì, bạn có thể loại bỏ nó. Chúng ta sẽ xem xét một số trở ngại tiềm tàng vào ngày mai.
Hãy hoàn thành tuần đầu tiên với việc lên danh sách những thành công mà bạn đạt được trong bảy ngày vừa qua. Điều gì đã có hiệu quả? Điều gì đã đi đúng hướng? Bạn đã làm, nói, nhận và hoàn thành được những điều tốt đẹp nào? Dưới đây là một danh sách “thành công” mẫu:
• Hoàn thành bài giới thiệu 10 giây và trình bày ở một sự kiện gặp gỡ.
• Gặp ba đối tác môi giới tiềm năng ở cuộc họp của Liên hiệp các Chuyên gia Kế toán.
• Đọc xong hai chương của một cuốn sách viết về tạo dựng quan hệ.
• Ăn trưa cùng sếp cũ và có được một số tin tức nội bộ của các công ty trong vùng.
• Đọc trong số báo Accounting Pro (Kế toán chuyên nghiệp) tháng này về hai công ty có thể sẽ cần đến dịch vụ của tôi.
• Nghe nói Quỹ Chung tay vì cộng đồng có thể đang cần một kế toán tình nguyện.
Hãy đặt danh sách thành công này ở nơi bạn có thể nhìn thấy, và ở ngay bên cạnh tờ Hướng dẫn theo dõi của bạn. Giờ thì xin chúc mừng, bạn đã vượt qua tuần 1 của chương trình.
Suy nghĩ của ngày: Có thể bạn không nhận ra những lợi ích mà người khác thu được khi làm việc với bạn, nhưng các khách hàng tiềm năng sẽ rất hăm hở khi biết được những lợi ích đó. Hãy tìm kiếm những điểm mạnh còn giấu kín trong doanh nghiệp của mình và tiết lộ chúng thông qua marketing.
Ngày thứ 8
Ngày nghỉ. Vào tuần đầu tiên của chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng!, có thể bạn đã gặp phải hai trở ngại lớn nhất trên con đường dẫn tới thành công trong marketing: sợ hãi và kháng cự. Nếu chỉ cần nhìn vào danh sách Công việc hàng ngày cũng khiến bạn bồn chồn hoặc lo lắng thì đó chính là nỗi sợ hãi. Còn nếu bạn có những suy nghĩ như “Mình không muốn…” và không chịu bắt tay vào làm gì thì đó là sự kháng cự. Bạn không phải là người duy nhất trải qua những cảm giác này. Những người khác có thể không nói ra, nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy sợ hãi, muốn kháng cự hoặc cả hai đối với những yếu tố nhất định trong marketing.
Việc xác định nguồn gốc của những cảm giác này và lý do vì sao chúng xuất hiện nằm ngoài phạm vi cuốn sách này. Việc bạn cần làm bây giờ là vượt qua chúng để thành công – và bạn hoàn toàn có thể làm được! Bước đầu tiên để loại bỏ những chướng ngại vật này là nhận thức được sự tồn tại của chúng; sau đó là nắm chắc bản chất của chúng. Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây:
1. Bạn sợ hãi điều gì? Bị từ chối? Mắc lỗi? Thất bại? Thành công? Trông mình có vẻ ngu ngốc? Hãy viết ra tất cả những nỗi sợ hãi mà bạn có thể gặp phải. Nếu không nghĩ ra, hãy tự hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình…” và hoàn thành câu bằng bất kỳ Công việc hàng ngày nào khiến bạn cảm thấy sợ hãi – ví dụ như “…tham dự một sự kiện gặp gỡ? hoặc “…chào hàng qua điện thoại?”
2. Bạn đang kháng cự lại điều gì? Làm việc? Khoe khoang về khả năng của mình? Dành thời gian cho marketing trong khi còn nhiều ưu tiên khác cấp bách hơn? Hãy hoàn thành câu sau: “Mình không muốn…”
Khi đã xác định được các trở ngại, hãy tự hỏi xem liệu bạn có chịu để chúng cản bước bạn. Bạn biết câu trả lời là không. Có thể bạn sợ hãi nhưng vẫn đi tiếp; có thể bạn muốn kháng cự nhưng vẫn làm những việc bạn đang cưỡng lại. Lần sau khi gặp khó khăn, hãy để ý tới cảm xúc của mình và quyết định xem có nên để chúng ngăn bạn hành động hay không. Hãy tự nhắc nhở bản thân “Lại sợ rồi” hoặc “Mình không muốn làm” rồi đi tiếp.
Suy nghĩ của ngày: Can đảm không phải là không sợ hãi, mà là khả năng hành động khi sợ hãi.
Ngày thứ 9
Ngày nghỉ. Hãy thưởng cho bản thân vì một tuần làm việc hiệu quả. Dành hẳn một ngày không suy nghĩ gì về công việc; làm một điều gì đó thật thư giãn và dễ chịu.
Suy nghĩ của ngày: Bạn chính là tài sản lớn nhất trong doanh nghiệp của mình. Chăm sóc cho bản thân cũng chính là chăm sóc cho doanh nghiệp.
Ngày thứ 10
Phân tích buổi sáng. Tiếp tục lên kế hoạch cho cả ngày sao cho bao gồm tất cả các Công việc hàng ngày và hướng tới điểm số hàng ngày từ 8 trở lên. Ở tuần thứ hai, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm sang các dự án Nguyên liệu thành công. Bạn đã làm được đến đâu rồi? Bạn đã đi được một phần tư chặng đường của chương trình, vì vậy bạn cũng đã phải hoàn thành thêm 25% công việc so với xuất phát điểm. Nếu bạn đang thực hiện cùng lúc ba Nguyên liệu thà̀nh công thì mỗi nguyên liệu đều phải được hoàn thành ở mức độ đó. Nếu bạn làm lần lượt từng dự án thì lúc này dự án đầu tiên phải gần được hoàn tất.
Điểm số hàng ngày. Hôm nay bạn có dành đủ thời gian cho các Nguyên liệu thành công hay không? Hãy nhìn vào những ngày còn lại của tuần xem bạn có thể xếp chúng vào đâu. Để giữ đúng tiến độ, bạn nên hoàn thành một nửa công việc vào cuối ngày thứ sáu.
Suy nghĩ của ngày: Công việc nên được dàn trải để đáp ứng theo khoảng thời gian dành cho nó. Nếu bạn muốn làm được nhiều việc hơn thì hãy dành cho mỗi công việc một khoảng thời gian xứng đáng. Còn nếu bạn muốn làm việc ít đi thì hãy dành ít thời gian cho công việc thôi.
Ngày thứ 11
Phân tích buổi sáng. Bạn có đang thiếu thời gian dành cho các Nguyên liệu thành công không? Nếu bạn đang theo đúng lịch trình hoặc hoàn thành trước kế hoạch thì rất tốt, còn nếu không thì bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:
1. Giao việc. Bạn còn những việc nào khác trong danh sách việc phải làm của mình? Liệu bạn có thể giao việc đó cho ai khác không? Nếu không thể bàn giao toàn bộ một dự án thì liệu bạn có thể đề nghị người khác làm một số phần trong đó không? Nếu bạn không quen giao việc cho người khác thì có lẽ bạn cần hiểu rõ hơn về việc này. Bạn không cần phải học quản trị trị kinh doanh để biết ủy quyền thế nào; bạn hoàn toàn có thể giao việc cho một đồng nghiệp, phụ tá, một người bạn, vợ/chồng, con cái, anh chị em, một thành viên nhóm hoặc một chuyên gia hưởng lương. Việc gì bạn đang làm mà có thể giao cho người khác làm thay? Bạn có đề nghị được ai khác không? Bạn có trả công cho người khác không? Bạn có thể trả tiền để người khác chịu trách nhiệm một phần việc của bạn, nhờ đó bạn có thêm một giờ mỗi ngày dành cho marketing?
2. Hoãn lại. Việc nào trong danh sách của bạn có thể để lại sau? Nếu bạn thường lên kế hoạch làm nhiều việc hơn so với khả năng của mình thì nghĩa là bạn có thể hoãn lại một vài công việc trong số đó. Tại sao không chọn trước ra những công việc đó? Hãy suy nghĩ về tất cả các ưu tiên của bạn. Điều gì quan trọng hơn marketing? Chắc chắn sẽ có một số việc, ví dụ như phục vụ các khách hàng hiện tại hoặc dành thời gian cho gia đình, nhưng ngay lúc này có lẽ không phải tất cả các công việc trong danh sách của bạn đều quan trọng hơn marketing. Hãy tìm ra một số công việc mà bạn có thể dành lại cho 17 ngày tiếp theo.
3. Loại bỏ. Nếu bạn có một công việc trong danh sách đã vài tuần mà vẫn chưa làm thì liệu có thực sự cần phải làm không? Nếu lâu như vậy rồi mà bạn vẫn chưa dành thời gian cho nó thì liệu nó có quan trọng không? Hãy gạch bỏ nó khỏi danh sách trong vòng một tuần và chờ xem nó có khiến bạn bận tâm không. Nếu bạn chẳng hề nhớ gì đến nó đi thì đó chính là công việc có thể loại bỏ. Còn nếu bạn không thể quên được nó thì hãy xem lại hai cách phía trên.
Điểm số hàng ngày. Hôm nay các Nguyên liệu thành công của bạn có tiến triển gì không? Mục tiêu điểm số ngày mai của bạn là bao nhiêu?
Suy nghĩ của ngày: Các bài điều tra nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng một người Mỹ trung bình mỗi năm nhận được hơn một triệu thông điệp marketing. Hãy nhớ tới điều đó mỗi lần bạn băn khoăn có nên gọi lại cho một người mà bạn từng liên lạc trước đây.
Ngày thứ 12
Phân tích buổi sáng. Bạn còn ba ngày để đạt đến mốc 50% của các Nguyên liệu thành công. Mục tiêu đó đòi hỏi những gì? Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc khó khăn nào, hãy đọc lại phần III chương thảo luận về giai đoạn chu kỳ marketing mà bạn đang thực hiện.
Điểm số hàng ngày. Bạn có đạt được điểm số đã đề ra không? Hay bạn vẫn đang phải vật lộn với công việc? Có thể bạn cần thêm sự trợ giúp. Hãy gọi đối tác kinh doanh hoặc một người bạn và đề nghị người đó giúp bạn theo cách dưới đây:
1. Giới hạn thời gian nói chuyện. Dù là nói chuyện trực tiếp hay qua điện thoại, hãy đặt ra thời gian bắt đầu và kết thúc buổi trò chuyện. Nhờ đó, cả hai sẽ tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề. Nửa giờ có lẽ là đủ.
2. Bắt đầu bằng giải thích. Hãy đề nghị người kia ngồi im nghe bạn kể lại chuyện gì đang xảy ra. Người bạn kia có thể nói những câu như “Khó nhỉ” hoặc “Tệ thật” nhưng nên tránh đưa ra lời khuyên cho đến khi bạn đã kể xong toàn bộ câu chuyện. Hãy nói hết không chỉ những gì đang xảy ra mà cả cảm xúc của bạn về nó. Nếu bạn kể chuyện mà như đang phàn nàn thì có vẻ như bạn đã làm đúng cách. Bạn có thể kể lể: “Hai tuần nay tớ đã cố hoàn thành website của mình, nhưng bao nhiêu việc đột xuất cứ đổ lên đầu tớ, rồi mẹ tớ lại nhờ tớ sửa máy tính, tớ nản lắm rồi! Tất cả những thứ tớ viết đều chẳng ra đâu vào đâu, chắc tớ sẽ chẳng bao giờ viết xong mất, đáng lẽ hôm qua tớ đã phải hoàn thành nó rồi, mà còn đáng lo hơn là…” Kiểu như vậy.
Hãy đặt ra giới hạn từ năm tới mười phút để giải thích. Sau đó, hãy nhờ người kia tóm tắt lại cho bạn: “Tớ hiểu cậu lo lắng và mệt mỏi thế nào. Có lẽ cậu có hai vấn đề cần giải quyết: sắp xếp thời gian để hoàn thành website và tìm cách viết tốt hơn. Cậu đã sẵn sàng nghiên cứu một số giải pháp chưa?”
3. Động não tìm giải pháp. Khi đã xác định được vấn đề của mình, bạn cần trợ giúp để xử lý chúng. Nhiệm vụ của người bạn kia không phải là đưa ra cho bạn câu trả lời đúng, mà là giúp bạn mở rộng suy nghĩ để tìm ra các ý tưởng mới. Hãy giải quyết từng vấn đề một và cùng với cậu bạn tìm ra một danh sách các giải pháp khả thi. Đừng sửa chữa danh sách đó trong khi động não, đó là công việc của sau này. Hãy ghi vào danh sách bất kỳ điều gì bạn nghĩ ra. Một nguyên tắc cơ bản của động não là bạn không được phép nói “Sẽ không hiệu quả đâu” hoặc “Mình đã thử cách này rồi”. Dưới đây là các kết quả triển vọng của quá trình động não nhằm tìm ra những từ ngữ thích hợp nhất cho website của bạn:
– Thuê một người viết quảng cáo
– Ăn cắp ý tưởng từ website của đối thủ
– Sử dụng từ điển đồng nghĩa
– Xin trợ giúp từ người thân là một nhà văn
– Thiết kế website toàn hình ảnh thay vì con chữ
– Không dùng website
– Tìm cảm hứng từ các website bạn thích
– Theo học một lớp viết quảng cáo
– Giữ nguyên website như hiện tại và ngừng lo lắng
– Nhờ đồng nghiệp nhận xét về nó
4. Tìm bước tiếp theo. Bạn có thể nhờ bạn bè giúp đỡ hoặc tự làm sau này. Nếu không sử dụng được ý tưởng nào, hãy xem xét từng ý tưởng xem có gì hữu ích hay không. Có thể bạn không đủ tiền để thuê một người viết quảng cáo, nhưng bạn lại quen biết một người có thể cho bạn lời khuyên miễn phí. Theo học một lớp học về viết quảng cáo tốn rất nhiều thời gian, nhưng bạn có thể mua một cuốn sách về chủ đề này và đọc nó ngay tối nay. Hãy cố tìm ra dù chỉ một việc bạn có thể làm để đi tiếp.
Suy nghĩ của ngày: Bạn chọn gì không quan trọng; quan trọng là bạn đã chọn.
Ngày thứ 13
Phân tích buổi sáng. Đặt mục tiêu điểm số Nguyên liệu thành công hôm nay, một mục tiêu phải đạt được bằng mọi giá. Hãy nhớ rằng bạn đã nói bạn cần những thứ này để thành công.
Điểm số hàng ngày. Bạn có thành công không? Nếu không thì bạn vẫn còn một ngày nữa để theo đuổi mục tiêu. Hãy nhớ tới Giấy phép đặc biệt của bạn. Hôm nay bạn có giấy phép không? Nếu không thì bạn cần nói, làm hoặc tin tưởng vào điều gì để có thể cho bản thân giấy phép đó? Sau một thời gian tham gia chương trình, bạn có phát hiện ra mình cần thêm giấy phép nào không? Bạn có thể thay đổi hoặc có hai giấy phép cùng lúc nếu nhờ đó bạn có thể tiến lên phía trước.
Suy nghĩ của ngày: Nếu có người không kêu ca rằng cái giá bạn đưa ra là quá cao thì tức là cái giá đó vẫn còn thấp.
Ngày thứ 14
Phân tích buổi sáng. Đây là điểm chính giữa của chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng!. Bạn muốn đạt tới vị trí nào vào cuối này hôm nay?
Điểm số hàng ngày. Bạn hoàn toàn có thể tự hào vì đã làm việc chăm chỉ trong tuần này. Nếu bạn đã đạt được điểm số đề ra cho các Công việc hàng ngày và Nguyên liệu thành công thì bạn đang trên đường tiến tới thành công vào cuối tháng. Nếu bạn vẫn chưa hài lòng với kết quả của mình, hãy nghĩ xem trong hai tuần vừa qua bạn đã hoàn thành được nhiều việc hơn đến mức nào so với trước khi bắt đầu chương trình. Nếu bạn chưa đạt đến mốc 50% của các Nguyên liệu thành công, hãy xem lại phần Phân tích buổi sáng của ngày thứ 11 hoặc hẹn gặp cô bạn lần nữa xem liệu bạn có thể thay đổi gì không.
Kết thúc tuần bằng việc lập danh sách thành công của bạn. Chúc mừng, vậy là bạn đã vượt qua tuần 2!
Suy nghĩ của ngày: Không có thất bại, mà chỉ là phản hồi.
Ngày thứ 15
Ngày nghỉ. Trong tuần 2 này, chắc chắn bạn đã ít nhất một lần trò chuyện với con người nội tâm của mình. Được biết đến với cái tên “hội đồng” hoặc tự vấn tiêu cực, đây là tiếng nói mang nặng tư tưởng thất bại vang lên trong đầu bạn: “Mày không giỏi”, “Mày không biết cách làm”, và “Họ sẽ không thích mày đâu”. Nhà phê bình nội tâm này thường có rất nhiều chuyện để nói về kinh doanh và marketing. Đây là thời điểm trong đời mà bạn sẽ mạo hiểm, đưa ra tất cả những trăn trở về sự không xứng đáng của mình. Tự vấn tiêu cực là một trong những trở ngại lớn nhất bạn cần phải vượt qua để đạt được thành công.
Tất cả mọi người đều có một nhà phê bình nội tâm (đúng vậy, tất cả), nhưng không phải ai cũng chế ngự được nó. Thực ra có những cách rất đơn giản mà bạn không bao giờ để ý thấy. Dưới đây là một số bước để bắt đầu chế ngự nhà phê bình bên trong bạn:
1. Tăng tầm hiểu biết. Mỗi khi cảm thấy sợ hãi, lo lắng hay do dự, hãy dừng lại và suy nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra. Bạn có thể có một kiểu hành vi đặc biệt bột phát mỗi lần nhà phê bình nội tâm đó xuất hiện, chẳng hạn như trì hoãn, lảng tránh nhiều người hoặc công việc, hoặc bị phân tâm bởi những gián đoạn không đáng kể. Hoặc có một cảm giác trên cơ thể mà bạn có thể nhận biết là một dấu hiệu cảnh báo, chẳng hạn như khó thở, toát mồ hôi tay hoặc bụng quặn thắt. Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của tự vấn tiêu cực, hãy dừng lại và lắng nghe cuộc trò chuyện, sau đó ghi lại những gì nghe được từ nhà phê bình nội tâm đó.
2. Nhận trách nhiệm. Khi đã hiểu rõ nhà phê bình nội tâm, bạn hoàn toàn có thể chế ngự nó. Cũng như với nỗi sợ hãi và kháng cự, bạn đừng để những thông điệp tiêu cực này cản trở mình. Hãy bắt đầu bằng cách xây dựng một câu trả lời thẳng thắn và chính xác cho mỗi thông điệp bạn thường nghe thấy và sử dụng câu trả lời này mỗi lần nhận thấy nó. Nếu câu tự vấn bạn nghe được là “Họ sẽ từ chối mày” thì bạn có thể trả lời “Có thể là như thế, nhưng họ cũng có thể đồng ý. Phải hỏi thì mới biết được.” Nếu nhà phê bình nội tâm đó bảo: “Đừng làm như vậy – có thể mày đang phạm sai lầm đấy” thì câu trả lời hợp lý là “Có lẽ vậy, nhưng tao sẽ rút ra kinh nghiệm để bước tiếp”. Học cách chế ngự tự vấn tiêu cực là một kỹ năng có thể tiếp thu được; yêu cầu duy nhất là bạn phải sẵn sàng thử.
3. Tập tự quản. Học bất kỳ kỹ năng mới nào cũng đòi hỏi luyện tập, và chế ngự nhà phê bình bên trong bạn không phải là ngoại lệ. Ban đầu có lẽ sẽ rất khó để nhận ra nhà phê bình này; có khi mãi sau này bạn mới nhận ra được sự miễn cưỡng đến từ đâu. Đây là một giai đoạn bình thường trong quá trình học cách tự quản. Tốt nhất là hãy sử dụng câu trả lời tích cực ngay khi bạn nghĩ đến đó. Nếu thường xuyên tập luyện, bạn sẽ có kinh nghiệm hơn khi nghe những thông điệp tiêu cực “ngoài đời” và có thể phản ứng nhanh và tốt hơn. Nếu bạn sử dụng phương pháp này thường xuyên, các thông điệp sẽ dần dần mất đi ảnh hưởng đối với bạn bởi bạn sẽ ngừng tin vào chúng.
Suy nghĩ của ngày: Điểm khác biệt chính giữa kỹ năng và tài năng là tập luyện.
Ngày thứ 16
Ngày nghỉ. Hãy tận hưởng ngày hôm nay. Thư giãn theo cách nào đó mà bạn chưa từng làm trong một thời gian để khiến ngày hôm nay thật đặc biệt, bởi bạn xứng đáng được như vậy.
Suy nghĩ của ngày: Luật thứ nhất của trò chơi cuộc đời: Bạn phải có mặt thì mới thắng được.
Ngày thứ 17
Phân tích buổi sáng. Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của tuần 3, và bạn đã vượt qua một nửa chương trình. Điểm số mục tiêu cho mỗi ngày của tuần này nên tiếp tục là 8 hoặc cao hơn cho các Công việc hàng ngày, và 50-75% cho các Nguyên liệu thành công. Trọng tâm của tuần này là Mục tiêu chương trình. Ở thời điểm này, bạn hẳn đã hoàn thành ít nhất 50% mục tiêu của mình. Đến cuối tuần, bạn cần đạt được 75%. Hãy tự hỏi bản thân: “Cần làm những gì để đạt được mục tiêu này?”
Điểm số hàng ngày. Hôm nay bạn có thấy mình tiến gần hơn đến Mục tiêu chương trình không? Nếu bạn đã đạt được 75% hoặc hơn thì hãy cân nhắc việc nâng mục tiêu. Đến cuối tuần sau liệu bạn có thể tìm kiếm được thêm bao nhiêu khách hàng? Còn nếu bạn đang ở dưới 50% thì hãy xem lại các Công việc hàng ngày của bạn. Liệu bạn có cần phải nỗ lực hơn để có thêm khách hàng? Hãy cân nhắc việc tăng khối lượng hoặc tần suất của các Công việc hàng ngày để lấp đầy khoảng trống giữa bạn và mục tiêu của bạn. Hãy đổi các công việc hàng tuần thành hai lần một tuần; tăng gấp đôi mục tiêu số lượng cuộc gọi, thư từ và cuộc họp. Bạn chỉ còn hai tuần, vì vậy hãy tận dụng hết mức có thể.
Suy nghĩ của ngày: Nếu bạn muốn bán được hàng mà cứ thì thầm vào giếng nước thì cơ hội kiếm tiền sẽ chẳng thể bì được với những người biết trèo lên cây mà hò hét.
Ngày thứ 18
Phân tích buổi sáng. Bạn có thể làm gì để đảm bảo rằng mình đang được thu hút đến Mục tiêu chương trình chứ không phải xô đẩy để đến được đó? Hãy dành ít phút đọc lại mục đầu tiên của tờ Hướng dẫn công việc ở chương 3. Bạn trả lời thế nào cho câu hỏi “Nó sẽ cho bạn những gì?” khi nghĩ về số lượng khách hàng bạn thực sự muốn đạt được? Giờ thì hãy hình dung ra một số kết quả. Chọn một trong số đó làm tiêu chuẩn cho ngày hôm nay và dán một từ, cụm từ hoặc bức ảnh ở đâu đó để nhắc nhở bạn: trên điện thoại, máy tính hoặc bảng đồng hồ.
Điểm số hàng ngày. Hôm nay bạn có cảm thấy được sức hút từ mục tiêu của mình không? Tối nay, hãy thử đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân bằng một số hoạt động dưới đây:
1. Viết. Viết ra xem đạt được mục tiêu sẽ là như thế nào. Bạn sẽ có những gì? Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Khi đó bạn có thể làm gì?
2. Vẽ. Vẽ ra xem hoàn thành mục tiêu sẽ trông như thế nào. Bạn không cần phải là một họa sĩ; vẽ mấy chiếc que bằng bút dạ cũng là ổn rồi.
3. Hình dung. Nhắm mắt, mở một đĩa nhạc nhẹ và hình dung ra thành công thật chi tiết như bạn vẫn mường tượng về nó.
4. Hát. Hãy bật và hát theo một bài hát gợi nhớ bạn đến thành công hoặc may mắn. Hoặc bạn có thể thay đổi lời bài hát để nó nói về bạn và thành công của bạn.
Suy nghĩ của ngày: Khi kinh doanh, hãy nhớ rằng phải đặt hàng thì mới được giao hàng.
Ngày thứ 19
Phân tích buổi sáng. Hãy sử dụng tiêu chuẩn bạn đặt ra ngày hôm qua làm động lực thúc đẩy bạn hôm nay. Dán bài viết hoặc bức tranh của bạn lên tường, nhắm mắt nhớ lại hình dung ngày hôm qua hoặc nhẩm bài hát thành công của bạn.
Điểm số hàng ngày. Bạn đã vượt qua được dấu mốc 50% của Mục tiêu chương trình rồi chứ? Nếu vẫn gặp khó khăn, hãy đọc lại phần “Lựa chọn trọng tâm” ở chương 2, ở đó bạn đã lựa chọn giai đoạn của Chu kỳ marketing phổ biến để thực hiện trong tháng này. Bạn có nghĩ mình đã chọn đúng không? Có gì thay đổi kể từ khi bạn lựa chọn không? Nếu không chắc, hãy xem lại chương 5 danh sách các Công việc hàng ngày tương ứng với các giai đoạn bạn đang cân nhắc. Có công việc nào trong số đó có vẻ phù hợp hơn với tình thế hiện tại của bạn không?
Nếu bạn đã làm việc cật lực trong hai tuần rưỡi vừa qua thì bạn hoàn toàn có thể vươn tới giai đoạn tiếp theo của chu kỳ marketing. Cũng có thể là khi tích cực hơn với marketing, bạn nhận ra rằng các thử thách không phải đúng như những gì bạn nghĩ. Nếu bạn thuộc một trong hai trường hợp này thì đã đến lúc bạn phải làm lại danh sách Công việc hàng ngày cho phù hợp với vị trí hiện tại của mình.
Suy nghĩ của ngày: Khi bạn đưa ra các dịch vụ chuyên nghiệp, sự lưỡng lự của khách hàng thường đến từ việc thực hiện công việc mà dịch vụ của bạn trình bày chứ không phải từ việc thuê bạn. Nếu bạn có thể khiến khách hàng muốn thực hiện các công việc cần làm thì chắc chắn sau đó khách hàng đó sẽ thuê bạn.
Ngày thứ 20
Phân tích buổi sáng. Bạn còn hai ngày để đạt điểm số 75% cho Mục tiêu chương trình. Liệu bạn có thể nghĩ ra một trò chơi nào đó để khiến hai ngày này trở nên vui vẻ và thú vị? Bạn có thể đoán mình sẽ gọi được bao nhiêu cuộc điện thoại trong vòng một giờ, hay bao nhiêu tấm danh thiếp bạn có thể thu được chỉ trong một buổi họp? Bạn có tìm được một người bạn cùng chơi trò chơi này và người thua cuộc sẽ phải mời bữa trưa?
Điểm số hàng ngày. Bạn thấy thế nào khi thử marketing theo cách vui vẻ như hôm này? Bạn có chơi tiếp trò này vào ngày mai không, hay bạn sẽ nghĩ ra một trò chơi mới? Bạn sẽ tự thưởng gì cho mình nếu đạt được 75% Mục tiêu chương trình vào chiều thứ sáu?
Suy nghĩ của ngày: Chật vật và phiêu lưu là hai mặt của một đồng xu. Nếu thấy mình đang phải chật vật thì hãy lật đồng xu đó lại.
Ngày thứ 21
Phân tích buổi sáng. Hãy sẵn sàng cho một ngày mới đầy hứng khởi vào phiêu lưu. Hãy thử mạo hiểm và cố gắng hết mình.
Điểm số hàng ngày. Bây giờ là cuối tuần 3, vậy là bạn đã cố gắng cho marketing được 21 ngày. Bạn rất xứng đáng được thưởng một tràng pháo tay. Nếu bạn đã đạt 75% hoặc hơn Mục tiêu chương trình thì bạn đang trên đường đến đích rồi. Còn nếu bạn chưa đạt được con số đó thì cũng hãy chúc mừng bản thân vì những điều bạn đã học hỏi được. Ngày mai, chúng ta sẽ cùng xem xét liệu bạn có cần thay đổi gì không.
Suy nghĩ của ngày: Marketing giống như một hộp sô-cô-la bởi (1) bạn không biết mình sẽ được những gì, (2) không có thích tất cả những thứ trong đó, và (3) có rất nhiều thứ ngon lành, nhưng bạn phải đi tìm chúng.
Ngày thứ 22
Ngày nghỉ. Tuần 3 của bạn thế nào? Liệu bạn có thể hoàn thành 100% mục tiêu vào cuối tuần sau hay không? Đã đến lúc xem xét lại mục tiêu một lần nữa để xem liệu nó có đang phục vụ cho bạn đúng như mong đợi hay không. Mỗi người có một mục tiêu riêng. Có người thích những mục tiêu tham vọng mà họ khó có thể đạt được bởi chúng khiến họ phải cố gắng hơn. Người khác lại cho rằng cách tiếp cận này là phản tác dụng bởi nó khiến họ luôn cảm thấy họ chưa thực sự cố gắng; đặt mục tiêu mà họ biết là mình có thể đạt được có vẻ thỏa mãn hơn. Vậy bạn đặt mục tiêu thế nào?
Nếu các mục tiêu đầy tham vọng khiến bạn háo hức vào mỗi buổi sáng và Mục tiêu chương trình của bạn hiện tại đã đạt mức 75% hoặc hơn thì hãy nâng mục tiêu lên một tầm cao mới. Hãy cho bản thân bạn một cơ hội để cố gắng hết sức vào tuần cuối cùng. Còn nếu bạn nhất định muốn đạt được tất cả các mục tiêu đặt ra cho bản thân và hiện chỉ đạt dưới 75% thì hãy hạ thấp mục tiêu xuống. Đó không phải là gian lận. Nếu không thắng được trò chơi thì bạn sẽ không muốn chơi tiếp nữa. Bằng cách đặt ra một mục tiêu khả thi hơn, bạn sẽ lại có động lực thúc đẩy.
Suy nghĩ của ngày: Đặt mục tiêu cũng giống như tập bắn trúng đích. Nếu không có đích đến thì bạn sẽ không biết mình đang nhắm vào đâu, và đến khi bắt đầu bắn bạn mới biết mục tiêu của mình cách xa đến thế nào.
Ngày thứ 23
Ngày nghỉ. Bạn có tự hứa thưởng cho mình nếu đạt được Mục tiêu chương trình vào tuần này hay không? Hôm nay là một ngày hợp lý để thực hiện lời hứa đó. Nếu không đạt được mục tiêu thì bạn sẽ nhận được phần thưởng gì cho sự cố gắng của mình?
Suy nghĩ của ngày: Giải lao để hồi phục, nghỉ ngơi để tái định vị, giải trí để tiếp thêm sinh lực.
Ngày thứ 24
Phân tích buổi sáng. Tình hình khá căng thẳng vì bạn chỉ còn năm ngày. Điểm số mục tiêu cho mỗi ngày trong tuần này nên là từ 8 trở lên cho các Công việc hàng ngày, và 75-100% cho các Nguyên liệu thành công và Mục tiêu chương trình. Hãy hình dung phần thưởng cho việc hoàn thành Mục tiêu chương trình mà bạn đã chọn ở chương 3. Nếu bạn đạt được mục tiêu đó vào thứ sáu thì phần thưởng đó sẽ là của bạn!
Trọng tâm của tuần 4 là học hỏi. Trong suốt thời gian tham gia chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! vừa qua, bạn đã khám phá ra những thông tin quan trọng về cách bạn kinh doanh và marketing. Nếu bạn có thể nắm bắt được những điều đó và sử dụng nó để trở thành một nhà marketing tài giỏi hơn thì tức là bạn đã đạt được một kết quả quan trọng trong tháng này. Hiểu ra rằng bạn không bao giờ dành đủ thời gian để tiếp nối cũng có giá trị đối với thành công cuối cùng của bạn như việc có thêm ba khách hàng mới.
Khi lên kế hoạch cho ngày và hoàn thành các Công việc hàng ngày, hãy nghĩ xem:
• Bạn đã học được những gì về quản lý thời gian?
• Bạn có quản lý các dự án, ưu tiên và thời gian biểu khác với trước khi bắt đầu chương trình hay không?
• Cách bạn quản lý thời gian có hiệu quả với bạn không?
• Còn điều gì vẫn chưa ổn?
Điểm số hàng ngày. Hôm nay bạn có cân bằng được các yếu tố của chương trình là Nguyên liệu thành công, Công việc hàng ngày, Mục tiêu chương trình và Giấy phép đặc biệt hay không? Hãy dành ít phút để ghi lại những gì bạn đã học được về cách quản lý thời gian trong 24 ngày vừa qua.
Suy nghĩ của ngày: Nếu có quá nhiều việc phải làm thì nhiệm vụ đầu tiên của bạn là học cách hỏi “Nên giao việc này cho ai?”
Ngày thứ 25
Phân tích buổi sáng. Trong tuần này, bạn đã thiết kế được trò chơi tìm kiếm khách hàng nào cho mình chưa? Hay có cách nào khác để bạn luôn thấy marketing thật thú vị và vui vẻ không? Sự hài hước và nghịch ngợm là những phương thuốc hữu hiệu để đẩy lùi nỗi sợ hãi và kháng cự. Trong suốt ngày hôm nay, hãy để ý xem bạn học được những gì về hai địch thủ khó nhằn này.
Điểm số hàng ngày. Hãy viết ra suy nghĩ của bạn về những câu hỏi dưới đây:
• Bạn đã học được những gì về nỗi sợ hãi và kháng cự?
• Chúng thường xuất hiện trong bạn vào thời điểm nào?
• Bề ngoài của chúng báo hiệu điều gì?
• Những chiến lược nào đã được sử dụng thành công để xử lý những kẻ phá hoại này?
• Bạn vẫn còn gặp vướng mắc ở đâu?
Suy nghĩ của ngày: Khi gặp trở ngại, hãy tưởng tượng bạn là đứa trẻ tò mò đang đứng trước một cánh cổng bị khóa. Tùy theo kỹ năng và năng lực của mình, bạn có thể trèo qua, chui qua, đi tìm người giúp đỡ, cạy khóa hoặc phá hàng rào. Điều duy nhất bạn không được làm là đứng đó và nghĩ vì sao cánh cổng này lại bị khóa.
Ngày thứ 26
Phân tích buổi sáng. Hãy luôn nhớ đến phần thưởng sẽ đạt được, bởi bạn gần đến nơi rồi. Nếu đang làm việc với một đối tác kinh doanh, nhóm hành động hoặc nhà cố vấn thì bạn có cần nhờ đến sự trợ giúp của họ trong ba ngày cuối cùng này để đạt được mục tiêu không? Hôm nay, hãy suy nghĩ về những gì bạn đã học được về sự giúp đỡ trong tháng vừa qua.
Điểm số hàng ngày. Đến hôm nay, Mục tiêu chương trình của bạn phải đạt được 90% trở lên. Hãy tự hỏi xem bạn cần làm những gì trong hai ngày tới để đạt 100%. Sau đó, hãy dành ít phút tập trung vào những gì bạn đã học được về sự trợ giúp:
• Bạn có cần đến sự trợ giúp của gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp không?
• Trong tháng vừa qua, kiểu trợ giúp nào giúp ích cho bạn nhiều nhất?
• Bạn có luôn xin giúp đỡ không, hay chỉ đề nghị trợ giúp khi quá khó khăn?
• Hình thức trợ giúp nào đáng được duy trì sau khi bạn hoàn thành chương trình?
Suy nghĩ của ngày: Nhờ giúp đỡ không phải là gian lận. Đó chính là cách tất cả những công việc quan trọng được hoàn thành.
Ngày thứ 27
Phân tích buổi sáng. Liệu có điều gì sẽ cản bước thành công của bạn trong ngày hôm nay không? Bạn có sẵn sàng loại bỏ bất kỳ khó khăn nào sẽ đến không? Hãy suy nghĩ về những gì bạn đang học được về tự quản.
Điểm số hàng ngày. Chỉ còn một ngày nữa thôi. Hãy hít thật sâu và cười thật tươi. Suy nghĩ về những gì bạn đã học được về “nhà phê bình nội tâm” trong suốt chương trình:
• Những lời tự vấn tiêu cực nào xuất hiện nhiều nhất?
• Có thông điệp chống trả nào tỏ ra hiệu quả đặc biệt không?
• Nhà phê bình nội tâm cản trở khả năng marketing của bạn như thế nào?
• Bạn có nhận thấy thay đổi nào trong khả năng khống chế sự cản trở này không?
Suy nghĩ của ngày: Nếu không thích bài hát nào đó thì đừng nhảy theo nó.
Ngày thứ 28
Phân tích buổi sáng. Bạn đã sẵn sàng chiến thắng chưa? Bạn có đang lên kế hoạch cho buổi ăn mừng thắng lợi của mình không? Bạn đã cảm nhận được hương vị chiến thắng chưa? Hôm nay, hãy nghĩ về các yếu tố của động lực:
• Điều gì thực sự thúc đẩy bạn?
• Việc có một mục tiêu rõ ràng trong tháng đã thay đổi hành động của bạn như thế nào?
• Một mục tiêu ở rất xa phía trước có thu hút bạn đến gần nó không, hay bạn thích tận hưởng hiện tại hơn?
• Bạn có tự thưởng cho mình vì đã tiến bộ không, hay chỉ khi bạn đạt được những kết quả nhất định?
• Bạn có hài lòng với việc tự thưởng cho bản thân không, hay bạn muốn được người khác công nhận?
• Phương pháp thúc đẩy nào đã phản tác dụng với bạn? Bạn thích những phương pháp nào?
Điểm số hàng ngày. Bạn đã thành công! Nếu bạn đã đạt được 100% trở lên của Mục tiêu chương trình thì bạn đã hoàn toàn thành công trong chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! Nếu điểm số của bạn thấp hơn thì bạn vẫn xứng đáng được khen ngợi vì đã theo đuổi chương trình tới cùng. Và có khi bạn còn học hỏi được nhiều hơn so với những người đạt 100%.
Bạn đã học được những gì về cách đặt mục tiêu, marketing và kinh doanh? Nếu chưa đạt được mục tiêu thì bạn đã học được những gì? Trên thực tế, marketing chỉ là một kỹ năng bạn cần học bằng cách luyện tập lâu dài, mà trong tháng vừa qua bạn đã được tập luyện rất nhiều. Nếu bạn có thói quen tự thưởng cho mình chỉ khi đạt được mục tiêu thì hãy công nhận những tiến bộ của mình mà không quan tâm đến kết quả cuối cùng. Chuyển biến trong tư tưởng này có thể sẽ giúp ích cho bạn trong nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ riêng marketing.
Suy nghĩ của ngày: Thành công trong marketing phụ thuộc vào thành công trong quản lý. Cách bạn quản lý thời gian, tiền bạc, các dự án, con người, cũng như những hoài nghi và sợ hãi của mình có ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm khách hàng chẳng khác gì quảng cáo, quảng bá và chào hàng qua điện thoại. Hãy luôn nhớ rằng thứ mà bạn đang chào bán chính là bạn, vì vậy phát triển bản thân chính là cách đầu tư vào marketing hiệu quả nhất.
Bước tiếp theo là gì?
Vậy là bạn đã hoàn thành một chương trình kéo dài 28 ngày đầy căng thẳng để tìm kiếm khách hàng. Sau khi đã ăn mừng và xả hơi, hẳn là bạn đang tự hỏi bước tiếp theo là gì. Chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! được thiết kế để sử dụng nhiều lần. Vào tháng sau hay bất kỳ khi nào bạn thấy cần đẩy mạnh hoạt động marketing, bạn đều có thể thiết kế một chương trình cho mình và khởi động lại từ đầu.
Dù bạn có ý định bắt đầu lại chương trình này hay không thì cũng hãy xem lại các ghi chép của mình về những gì đã học được trong tháng vừa qua. Hãy nhìn lại từng lĩnh vực mà bạn đã xem xét trong tuần 4 – quản lý thời gian, sợ hãi và kháng cự, trợ giúp, tự quản và động lực. Bạn sẽ làm thế nào để phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực này để có thể làm marketing tốt hơn? Từ nay trở đi bạn sẽ thay đổi những gì, dựa vào những thứ bạn đã học được trong suốt chương trình về cách đặt mục tiêu, marketing và kinh doanh?
Bạn cũng nên nhìn lại các Nguyên liệu thành công của mình. Có dự án nào trong số này vẫn chưa được hoàn tất không? Bạn có cân nhắc chọn thêm dự án nào trong chương 4 không, và bây giờ đã phải là lúc thực hiện chúng chưa?
Hãy giữ lại ghi chép của bạn về các lĩnh vực học hỏi và các Nguyên liệu thành công để có thể thiết kế chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! tốt hơn. Khi đã sẵn sàng bắt đầu lại, hãy khởi động bằng cách chẩn đoán tình trạng marketing hiện tại của mình theo Chu kỳ marketing cơ bản ở chương 2.
Nếu lần này bạn tự thực hiện chương trình một mình thì lần sau hãy thử làm cùng một người bạn, nhóm hoặc cố vấn xem liệu các quan điểm mới và sự trợ giúp đến từ họ sẽ thay đổi thành công của bạn đến thế nào. Hoặc bạn cũng có thể tìm cách khác để biến chương trình này trở nên hiệu quả hơn cho cách tư duy và làm việc của mình. Hãy sáng tạo, tìm ra giải pháp của riêng mình và trên hết là hãy vui vẻ!