Đêm hôm đó Peter Clemenza khó ngủ quá.Sáng sớm lão đã mò dậy, tự làm điểm tâm: một ly nước cốt nho, một lát xúc xíchsalami, một khúc bánh mì, thứ bánh có người mang đến tận nhà mỗi sáng. Cà phê thì lão pha cả bình lớn, đổ rượuanisette vô…
Mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình, chân đi đôi dép nhung đỏ, lão đi quanh quẩn trong nhà sắp đặt công việc ngày hôm nay. Hồi khuya thằng Sonny đã nói thẳng thừng như vậy thì phải “giải quyết” thằng Paulie ngay ngày hôm nay.
Vụ Paulie làm Clemenza mất tinh thần. Không phải vì nó là người của lão và nó phản. Mà chỉ vì sự phản bội ở ngoài suy đoán của lão. Xưa nay Paulie vẫn là thằng có gốc, nó người Sicily, nó lớn lên in hệt con cái nhà Corleone và từng học cùng lớp với thằng Michael mà!
Paulie đã từ cấp bậc nhỏ nhất đi lên, đi đúng cách, chịu thử thách nhiều phen. Sau khi lậpđầu danh trạng thì ngoài số lương khá cao nó còn được gia đình Corleone cho bao một sòng đề nguyên một khu Nữu-Ước và một nghiệp đoàn để làm đầu nậu kiếm tiền thêm. Vậy mà thỉnh thoảng nó còn dám nhảy dù kiếm ăn lẻ, trái hẳn nội quy của nhà này. Xếp Clemenza biết và cố tình lờ đi. “Thằng nàobiết làm ăn chẳng vậy? Ngựa hay là ngựa bất kham mà!”
Được cái Paulie đã làm ăn lẻ là lo dàn xếp đâu đó đàng hoàng chu đáo, không để tai tiếng, không ai thắc mắc khiếu nại gì hết. Chẳng hạn như một nhà thầu may đồ ở Manhattan nó nhận đảm bảo “an ninh lao động” để lãnh một năm 3 ngàn đô-la. Còn một lò sản xuất đồ sứ ở Brooklyn nữa.
Làm ăn lẻ thì Paulie dám lắm. Nhưng ai mà ngờ nó dám “bán đứng” gia đình Corleone?
Bây giờ thủ tiêu Paulie thì dễ rồi. Bắt buộc phải thủ tiêu và thế nào cũng phải xong. Vấn đề là phải kiếm người thay thế, kiếm thằng nào trám ngay chỗ trống của nó. Một thằng “chủ chốt” để nắm bọn chuyên viên đánh đấm, chém giết đâu phải dễ, lúc nào muốn thay là thay”.
Thằng “chủ chốt” phải dữ đã đành mà còn phải “ngon” nữa. Nó phải đủ lỳ lợm để cớm có vồ được và điều tra thế nào cũng cứ lắc đầu không nghe, không biết, đúng luậtomerta. Một thằng như vậy thì đời sống của nó phải bảo đảm, lương nó phải lớn. Đã nhiều lần Clemenza từng đề nghị Ông Trùm tăng lương cho những tay “chủ chốt” để nếu có đụng chạm, tụi nó sẽ nhảy hăng hái chịu trận. Ông Trùm không chấp nhận. Giả thử Paulie có nhiều quyền lợi hơn thì chưa chắc ngày giờ này nó đã ngả theo đề nghị của Sollozzo.
Thay thế được Paulie Gatto xem ra chỉ có ba thằng. Một là thằng đàn em xưa nay vẫn thi hành kỷ luật trong đám bao đề, bao xổ số người da đen khu Harlem. Nó lực lưỡng và ra đòn nặng hơn đô vật chuyên nghiệp hạng nặng nhưng tính tình hào phóng, đàng hoàng. Chơi rất có cảm tình mà thiên hạ thấy nó vẫn nể. Kể về phương diện làm ăn thì ô-kê lắm nhưng sau 30 phút suy nghĩ Clemenza đành phải gạt bỏ.
Đương sự coi bộ thân thiết, nặng tình cảm với bọn da đen: Vậy là yếu rồi! Vả lại nếu cân nhắc nó lên thì lại phải kiếm cho ra một thằng thay thế nó mất công lắm. Nhân vật thứ hai còn được xếp Clemenza chịu nữa. Chịu khó làm ăn, trung kiên và giữ kỷ luật hơn ai hết. Xưa nay nó chuyên lãnh giải quyết những con nợ chạy làng cho mấy thằng cho vay nợ góp lấy vốn làm ăn của nhà Corleone trong khu Manhattan. Hồi mới đầu nó chỉ là thằng đi biên số đề chớ gì? Nhưng đó cũng là điểm kẹt của nó: Làm sao cất nhấc một thằng đòi nợ mướn lên làm “chủ chốt” ngay cái một được? Còn vấn đề tôn ti trật tự và thời gian…
Sau cùng Clemenza đành chọn Rocco Lampone. Thằng này tương đối là lính mới trong tổ chức nhưng là tay chơi ngon. Từng phục vụ trong quân đội, năm 1943 bị thương ở mặt trận Bắc Phi nên được giải ngũ. Hồi đó thời buổi chiến tranh thiếu người Clemenza phải xài tạm thằng Rocco, dù nó mang thương tích, chân đi hơi khập khiễng. Nó được cử công tác tiếp xúc với mấy nhà thầu may đồ để tiêu thụ vải chợ đen và mấy ông công chức phát “bông” mua thực phẩm. Sau đó nó được ủy nhiệm “lãnh” cả 2 địa hạt này.
Ưu điểm của Rocco được xếp Clemenza chịu nhất là tính nhanh và tính đúng. Có áp-phe là bắt ngay, vốn bỏ ra một mà lời bạc ngàn là thường. Không hùng hổ ẩu, thí mạng không đáng, không đúng chỗ. Một khi xàivăn được thì không bao giờ dùngvõ. Nó cứ nhẹ nhàng làm ăn mà được việc lớn lúc nào chẳng ai hay. Vậy mới là thực sự ngon.
Chọn được một thằng như Rocco Lampone, xếp Clemenza lấy làm thoải mái, yên chí lắm. Phải cho nó cơ hội Paulie Gatto này để lậpđầu danh trạng, có lão đứng bên chứng kiến. Bề nào Paulie cũng là người của lão. Nó phản bội thì Clemenza phải đứng ra thanh toán. Nó được cất nhắc quá hậu, vọt qua mặt bao nhiêu thằng ngon hơn và hồi đó đích thân lão kiếm cho nóđầu danh trạng mà! Chơi cú phản phé này, thằng Paulie không những đã bán đứng Ông Trùm mà còn đá đít ông thầy Clemenza thật đau! Đó là món nợ mà học trò phải trả.
Chương trình thì có ngay. Xếp Clemenza chẳng hẹn nó 3 giờ chiều phải đánh xecủa nó lên đón rồi hai thầy trò đi có việc cần sao? Còn nghi ngờ vào đâu? Hãy cứ phôn xuống cho Rocco đã, khỏi cần xưng danh. Chỉ nhắn: “Xuống nhà tao, có chuyện hay cho mày”. Clemenza chịu nhất là mới sáng bảnh mắt ra giọng Rocco đã tỉnh bơ không có vẻ buồn ngủ hay ngạc nhiên chút nào. Nó chỉ vắn tắt ô-kê… làm xếp phải dặn thêm: “Không có gì gấp, ăn trưa xong đến cũng vừa, miễn đừng quá 2 giờ”. Rocco vẫn chỉ ô-kê.
Clemenza gác phôn. Bây giờ bọn đàn em lão chắc đã khởi sự thay thế nhóm Tessio rồi. Chỉ cần ra lệnh chớ theo dõi thì khỏi. Còn sớm quá lão mò xuống ga-ra lau xe. Clemenza cưng chiếcCadillac màu xanh chì của lão lắm. Lái đã ngon tuyệt mà nệm xe còn dày dặn, êm ái ngồi khoái hơn cả sa-lông trong nhà. Có lần đang ngồi trong nhà lão chạy ra ngoài xe ngồi cả giờ chỉ cốt để có cái khoái cảm đệm êm quá! Lão săn sóc, o bế xe hệt như hồi còn ở quê nhà vẫn thấy ông già chăm mấy con lừa cưng vậy.
Vừa tưng tiu xe, Clemenza vừa mổ xẻ chi tiết cho thằng Paulie vào bẫy. Nó khôn như chuột, khác ý một chút là đánh hơi ra liền. Huống hồ bây giờ nó đang lo đái ra quần vì Ông Trùm không chịu chết. Có hùng đến mấy giờ cũng bấn lên như ngồi trên lửa. Có điều ông thầy đã giương bẫy thì trò còn chạy đi đâu?
Kể ra mạng thằng Paulie nắm chắc trong tay, giết lúc nào chẳng được, có chạy đằng trời! Tuy nhiên quen nếp làm ăn kín, làm ăn kỹ, Clemenza không muốn để sơ sẩy một ly. Đồng ý sức mấy nó dám ngang nhiên chơi lại… nhưng trước hoàn cảnh một sống, hai chết nó giở trò liều mạng thì sao đây?
Tốt hơn là cứ tìm sẵn lý do để giải thích sự hiện diện của Rocco Lampone. Phải bịa ra là một công tác 3 người làm một lúc mới xong. Nghĩa là phải chơi kịch, từ giọng nói đến nét mặt. Phải làm mặt lạnh, ra vẻ hơi bực mình với nó thôi. Không giận dữ cáu kỉnh… để đa nghi như nó cũng chẳng biết đường nào mà mò. Mà thân thiện như mọi lần cũng không được: nó sẽ đoán biết ngaycó cái gì đây. Một thằng khôn như Paulie thì phải để cho nó băn khoăn tự hỏi: “Không biết có gì không?” thì mới chắc ăn.
Tự nhiên thấy thằng Rocco ngồi lù lù, lại ngồi băng sau nữa thì nó phải hoảng chắc!
Tội gì nó ngồi đánh vật với “vô lăng” đợi thằng kia rảnh tay thịt? Dám hỏng hết kế hoạch chỉ vì chi tiết nhỏ nhặt này… nhưng không lẽ giờ chót lại thay đổi hết, tìm một thằng nào khác? Thời buổi này đâu cho phép tìm thêm một thằng phụ tá cộng tác vào những vụ “chết người” này? Càng nhiều đàn em thì càng dễ bị: lỡ có chuyện ra toà, nó khai tùm lum thì sao? Một thằng tố cáo còn mệt… huống hồ hai thằng, ba thằng? Tốt hơn bớttrước thằng nào… đỡ lo thằng ấy… Điểm gay go nhất trong vụ Paulie là giết thật kín nhưng xác nó phải hở. Phải chìa xác nó ra mới có tác dụng cảnh cáo những thằng có mầm mống phản bội trong đầu để chúng hết hồn: “Cứ coi gương thằng Paulie”… Phải vậy đối phương mới ngán: cánh nhà Corleone đâu có hiền như chúng tưởng? Và chính thằng Sollozzo cũng phải chùn, không ngờ bọn này phăng ra nhanh thế và có biện pháp quyết liệt, tức tốc đến thế. Ít ra cũng phải dùng xác thằng Paulie để gỡ lại phần nào uy lực. Không lẽ chúng vừa mần Ông Trùm chết hụt mà đã bấn loạn, đã rét hết cả đám?
Nếu cho Paulie “đi tàu suốt” như thường lệ, không để lại một tí tang tích thì dễ quá! Chỉ cần thảy xuống biển cho cá ăn… hay vùi đại dưới mấy đám đồng lầy bên New Jersey thì trời kiếm. Thiếu gì địa điểm thủ tiêu, thiếu gì phương pháp tân kỳ?
Một lát sau Clemenza hân hoan ngừng tay lau, đứng xa xa nhìn chiếc xe choáng lộn đến soi gương được. Lão gật gù khoái chí vì nước sơn bóng loáng mà cũng vì một ý kiến chợt nảy ra. Rồi! Công tác này thì phải biết là mật và cấp tốc, cả ba cùng phải làm…
Bây giờ mà bịa chuyện 3 thằng phải chia nhau kiếm gấp một căn nhà thật kín đáo làm căn cứ, lập tổng hành dinh để khai chiến đánh lớn là có sẵn ngay thì trăm phần trăm Pauliephảitin! Chuẩn bị sẵn sàng đểtrải nệm mà?
Trải nệmlà một truyền thống Mafia. Cótrải nệm là có đổ máu. Thế nào cũng phải lo kiếm một chỗ kín, một căn nhà trống để các chiến sĩ tập hợp lại…trải nệm ở đỡ. Một phần vì chết chóc là công việc của người lớn với nhau, đàn bà con nít phải để ra ngoài, đâu có thể bắt chết lây? Giết cả đàn bà con nít thì giết đến bao giờ?
Nhưng lý do chính là vì trước và trong khi đại chiến bên nào cũng bắt buộc phải có căn cứ mật để che mắt địch quân… lỡ cớm can thiệp bậy vô thì sao?
Xưa nay công việc kiếm chỗtrải nệm không do một taycaporegime tin cẩn – hoặc vài đàn em thân cận – chịu trách nhiệm thì còn ai? Bữa nay Clemenza xách hai đàn em đi sắp đặttrải nệm thì hợp lý và đúng điệu quá trời. Đàn em Paulie sẽ mau mắn phục vụ hết mình. Còn được xếp cho làm vụ “tối mật” này tất còn đầy đủ tín nhiệm. Vậy là lại có quyền bắt thêm mớ bạc – một mớ bạc rất lớn – của Sollozzo vì cung cấp ngay boong địa điểm đối phương đang chuẩn bịtrải nệm đâu phải chuyện tầm thường?
Rocco đến sớm một chút. Lập tức có mục giải thích và phân phối công tác. Rõ ràng Clemenza thấy khuôn mặt nó sáng lên khi có lời cảm tạ công ơn cất nhắc của xếp. Công việc vậy là phải hoàn thành tốt đẹp… Nhưng Clemenza vẫn thân mật vỗ vai:
– Từ hôm nay trở đi thì lương mày sẽ lên nhiều, rất nhiều. Cái đó mình tính sau vì mày biết hiện có nhiều công việc gấp quá, quan trọng quá!
Rocco vội khoát tay ra điều cái vụ đó thì quá chắc rồi, xếp khỏi nói. Clemenza bèn đưa nó vô phòng riêng, mở két sắt kín lấy ra một khẩu súng đưa cho Rocco và căn dặn:
– Mày phải xài thứ này cho chắc ăn. Súng không số, không kiểm kê… có điều tra cũng cóc ra! Chơi xong là để lại trong xe nó. Xong việc thì mày tự tiện đưa vợ con xuống Florida du hí một thời gian, ăn chơi cho ngon đi. Tạm thời cứ xài tiền túi, rồi tao sẽ hoàn lại đủ. Nhớ ở lữ quán nhà ở Miami Beach để có gì tao còn biết chỗ liên lạc gấp.
Có tiếng gõ cửa. Mụ vợ Clemenza thò đầu vô báo có Paulie Gatto tới. Nó cho xe đậu sẵn ngoài cửa chờ. Rocco theo chân xếp bước ra.
Lúc mở cửa xe lên ngồi bên cạnh nó, Clemenza làm mặt lạnh. Thay vì chào hỏi lão chỉ ậm à ậm ừ đưa tay ngó đồng hồ làm như hơi bực mình vì có việc gấp quá mà nó đến trễ.
Khuôn mặt lưỡi cày của Paulie ngước lên, mắt nó ngó xếp đăm đăm và chột dạ rõ khi thấy Rocco Lampone khơi khơi mở cửa xe, bước lên ngồi băng sau. Nó thắc mắc hỏi: “Bữa nay sao lại có cả mày? Ngồi băng dưới mày phải xích qua bên một chút chớ? Mày chắn cha nó kính chiếu hậu”.
Nó nói đúng quá nên Rocco ngoan ngoãn né qua một bên, ngồi sau lưng xếp vừa lúc Clemenza cằn nhằn giải thích:
– Thằng Sonny điên đầu rồi. Nó hoảng quá chắc. Chưa gì hết đã bắt tao lotrải nệm! Bây giờ tụi mình phải kiếm một căn ngon lành ở mé Tây, Paulie và Rocco, tụi bây lo người sẵn, lo sắp đặt đủ thứ trước… để có lệnh là anh em chỉ việc kéo đến. Có đứa nào biết một căn lầu thật ngon không?
Không cần phải nhìn, Clemenza cũng biết Paulie mừng như mở cờ trong bụng. Cá đã cắn câu chỉ vì mải nghĩ đến món mồi Sollozzo sắp cung ứng nên quên phắt mất hiểm hoạ Rocco ngồi sát bên. Mà quên cũng phải. Nãy giờ thằng Rocco chơi vai trò rất trội, nó bơ bơ ngó qua cửa sổ, nó có để ý đến cái quái gì đâu?
Paulie nhún vai trả lời: Cái đó còn phải nghĩ một chút.
Clemenza nói vắn tắt: “Mày vừa lái xe vừa nghĩ. Bữa nay mình lên Nữu-Ước…” Paulie cho xe băng vùn vụt, và vào giờ ấy đường cũng ít xe nên chập choạng tối đã tới. Dọc đường chẳng buồn nói chuyện. Clemenza biểu lái đến khu cao ốc Hoa-Thịnh-Đốn thử kiếm và ba căn trên bin-đin rồi bảo ngừng xe đợi ở đại lộ Arthur. Thằng Rocco cũng ở lại trong xe đợi luôn.
Một mình Clemenza xuống xe, thả bộ lại nhà hàngVera Mario kêu một đĩa xà lách bí-tết bò con. Một giờ sau mới thủng thỉnh trở lại xe.
Mở cửa bước vô là cằn nhằn:
– Đ.M… lại có thay đổi giờ chót. Tạm đình cái vụ trải nệm. Paulie và tao về Long Beach lãnh công tác khác. Còn Rocco… mày ở Nữu-Ước thì tụi tao thảy mày xuống đây cho tiện.
– Ấy, đâu được? Xe tôi còn để nhà xếp lúc nãy mà? Tưởng xong vụ này về lấy… chớ mụ vợ tôi sáng mai phải cần gấp.
– Vậy chịu khó về Long Beach với tụi tao rồi tạt về nhà tao lấy xe sau. Trên đường về Long Beach cũng chẳng thằng nào buồn trò chuyện. Gần đến đoạn đường rẽ vô thị xã, Clemenza đột nhiên nói: “Paulie, ngừng xe lại cho tao làmcái vụ kia cái đã”.
Thầy trò đi với nhau bao nhiêu lâu, thân cận quá rồi nên Paulie còn lạ gìcái vụ kia? Clemenza hồi này có tuổi, có bụng nên uống vô chút rượu ưa đi đái hoảng. Đang lái xe phom phom cũng phải kiếm chỗ tốp gấp cho xếp “trút bầu tâm sự” là thường! Nó bèn lách xe vô khoảng đất trống dẫn vô đám sình lầy rồi tốp lại. Clemenza lật đật bước xuống, đi thẳng lại bụi cây xả một bãi thật sự. Xong đâu đấy lão lẹ làng đi trở lại, đưa tay mở cửa xe. Cặp mắt đảo rất nhanh nhìn hai đầu đường. Không thấy một ánh đèn pha.
Lão vắn tắt “Làm đi” thì tiếng súng đã nổ chát chúa, nổ nghe nhức đầu. Thân hình thằng Paulie như bốc lên, đổ vật trên vô lăng xe, rồi lăn xuống nệm. Clemenza hấp tấp nhảy lui lại, làm như không muốn để cho máu, óc và xương sọ nó văng phải.
Rocco Lampone từ băng sau nhảy ra, liệng khẩu súng ra thật xa, cho mất hút giữa đám sình lầy. Có chiếc xe chờ sẵn sau bụi cây kế bên. Rocco lẹ làng bước tới mở cửa, luồn tay dưới ghế lấy ra một chiếc chìa khoá công tắc. Nó nhanh nhẹn ngồi sau vô lăng, mở máy cho xe vọt gấp. Thay vì quay trở lại đường cũ, nó cũng về Nữu-Ước nhưng lái vòng qua một ngả khác xa hơn nhiều, xa hơn rất nhiều…