Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bóng Hình Của Gió

Chương 26

Tác giả: Carlos Ruiz Zafón

GẦN GIỮA BUỔI SÁNG, chúng tôi đến đường La Bonanova, mỗi người đắm chìm trong ý nghĩ của riêng mình. Tôi dám chắc ý nghĩ của Fermín đang hướng về cái vẻ độc ác của Thanh tra Fumero trong câu chuyện. Tôi liếc nhìn, và nhận thấy anh ta bị nỗi lo sợ xâm chiếm. Một dải mây đỏ sẫm vắt ngang bầu trời, đây đó ló ra những mảng sáng màu lá rơi.

“Nếu không nhanh lên, chúng ta sẽ mắc một trận mưa như trút đấy,” tôi nói.

“Chưa đâu. Những đám mây kia trông như ác mộng thôi, như vết thâm tím vậy. Phải một lúc lâu nữa.”

“Đừng bảo anh cũng là chuyên gia về mây đấy, Fermín.”

“Sống ngoài đường nhiều cũng có tác dụng phụ về mặt hiểu biết. Này, cứ nghĩ đến tay Fumero là bụng tôi lại cồn cào lên. Cậu có phản đối nếu chúng ta ghé vào một quán bar ở Plaza de Sarriá để làm hai cái bánh kẹp thật lớn nhân ốp lết

trộn rau không?”

Chúng tôi bước vào quảng trường, nơi một nhúm các ông già thẩn thơ quanh đàn chim bồ câu, cuộc sống của họ giờ chỉ còn một lễ nghi rải những mảnh vụn thức ăn rồi đợi. Chúng tôi ngồi xuống một bàn gần cửa, và Fermín ngấu nghiến hai chiếc sandwich, suất của anh ta và cả của tôi, một vại bia, hai thanh sô cô la, và ba tách cà phê đặc có pha rum và đường. Còn món tráng miệng, anh ta dùng kẹo Sugus. Một người ngồi ở bàn bên cạnh liếc nhìn Fermín qua tờ báo, có lẽ cũng nghĩ đúng cái điều tôi đang nghĩ.

“Tôi không hiểu làm sao anh tiêu hóa hết, Fermín ạ.”

“Trong gia đình tôi, mọi người đều có hệ tiêu hóa rất tốt. Chị gái Jesusa của tôi, cầu Chúa phù hộ linh hồn chị ấy, có thể ăn sáu suất trứng ốp lết với khúc dồi vào giữa buổi chiều, rồi đến tối vẫn tọng như một tay Cô dắc. Tội nghiệp bà chị. Chị ấy giống y như tôi, cậu biết không? Cả khuôn mặt lẫn ngoại hình kinh điển, hơi gầy hơn. Một tay bác sĩ người Cácares có lần bảo mẹ tôi rằng gia đình Romero de Torres là mối liên hệ đã mất giữa loài người và loài cá nhám búa, vì chín mươi phần trăm cơ thể là sụn, chủ yếu tập trung ở mũi và tai ngoài. Trong làng thỉnh thoảng người ta nhầm Jesusa với tôi, vì ngực chị ấy không bao giờ nở cả và chị bắt đầu cạo râu còn trước cả tôi. Chị ấy chết v bệnh lao phổi năm hai hai tuổi, vẫn còn trinh đến cuối đời và âm thầm yêu một ông thầy tu mộ đạo, khi ông ta gặp chị trên đường, ông ta luôn nói, ‘Xin chào Fermín, cậu đang trở thành một anh chàng khá bảnh đấy.’ Đời thật mỉa mai.”

“Anh có nhớ họ không?”

“Gia đình tôi hả?”

Fermín nhún vai, nở nụ cười tiếc nhớ.

“Tôi biết gì chứ? Ít có thứ gì dễ đánh lừa ta hơn ký ức. Hãy nhìn ông cha đạo… Còn cậu? Cậu có nhớ mẹ cậu không?”

Tôi cúi mặt. “Rất nhiều.”

“Cậu có biết điều gì tôi nhớ nhất ở mẹ tôi không?” Fermín hỏi. “Mùi của bà ấy. Bà luôn có mùi tinh tươm, như một ổ bánh mì mới ra lò. Cho dù bà có làm việc ngoài đồng cả ngày hay có mặc cả tuần chiếc áo cũ sờn rách. Bà luôn toát lên mùi của những thứ tuyệt vời nhất trên đời. Tuy nhiên, bà hơi cục cằn. Bà luôn mồm chửi rủa, nhưng bà có mùi giống như một công chúa trong chuyện cổ tích. Hay ít nhất tôi nghĩ vậy. Còn cậu thì sao? Điều gì ở mẹ cậu khiến cậu nhớ nhất, Daniel?”

Tôi dè dặt một lúc, cố bấu víu những lời nói mà môi tôi không thể tạo ra.

“Không gì hết. Nhiều năm rồi tôi không thể nhớ được mẹ tôi. Tôi không thể nhớ khuôn mặt mẹ trông như thế nào, hay giọng nói bà hay mùi của bà. Tôi đã đánh mất chúng vào cái ngày tôi phát hiện ra Julián Carax, và chúng vẫn chưa quay trở lại.”

Fermín thận trọng nhìn tôi, cân nhắc trả lời. “Cậu không có tấm ảnh nào của bà ấy sao?”

“Tôi không bao giờ muốn nhìn vào chúng,” tôi nói.

“Tại sao?”

Tôi chưa bao giờ nói với ai chuyện này, kể cả với cha tôi hay Tomás. “Vì tôi sợ. Tôi sợ nhìn vào một bức ảnh của mẹ tôi và nhận ra bà là một người xa lạ. Có lẽ anh nghĩ như vậy thật vô lý.”

Fermín lắc đầu. “Và đây l lý do cậu tin rằng nếu cậu làm sáng tỏ bí ẩn về Julián Carax và giải cứu anh ta khỏi sự lãng quên, thì khuôn mặt người mẹ sẽ trở về với cậu?”

Tôi nhìn anh ta. Không có một chút mỉa mai hay phán xét gì trên nét mặt anh ta. Trong chốc lát, Fermín Romero de Torres dường như trở thành người uyên bác minh mẫn nhất trên đời này.

“Có lẽ vậy,” tôi nói không suy nghĩ.

Vào giờ chính Ngọ, chúng tôi lên một chiếc xe buýt đưa chúng tôi quay về nội thành. Chúng tôi ngồi ghế trước, ngay sau tài xế, một tình huống được Fermín tranh thủ để đàm đạo với bác tài về nhiều tiến bộ, cả kỹ thuật lẫn thẩm mỹ, mà anh ta nhận thấy ở hệ thống giao thông công cộng kể từ lần cuối cùng anh ta sử dụng, khoảng năm 1940 – đặc biệt là những tấm biển chỉ đường, minh chứng là biển báo có dòng chữ NGHIÊM CẤM KHẠC NHỔ VÀ NÓI TỤC. Fermín nhìn thoáng qua cái biển và quyết định thừa nhận nó bằng cách sốt sắng khạc ra một bãi đờm. Điều này khiến chúng tôi phải hứng lấy cái nhìn chê bai của ba bà thánh thiện giống như một đội biệt kích ở cuối xe buýt, mỗi người ôm một cuốn kinh.

“Quân man rợ!” một tín đồ ở dãy ghế phía Đông lầm bầm, người rất giống chân dung chính thức của II Duce[1], nhưng có mái tóc xoăn.

[1. Biệt danh của Benito Mussolini (1883-1945), một chính trị gia, lãnh đạo đảng Quốc xã. Thủ tướng thứ 40 của nước Ý.]

“Họ đây rồi,” Fermín nói. “Tây Ban Nha của tôi có ba vị thánh. Thánh-thiêng-hơn-thánh-của-mày, Thánh Chết tiệt, và Thánh Mẹ kiếp. Nói nhỏ với anh thôi nhé, chúng ta đã biến đất nước này thành một trò hề.”

“Quá đúng,” tài xế đồng tình. “Vào thời Cộng hòa chúng ta sống tốt hơn. Nếu mà không nói đến giao thông. Nó thối quá.”

Một người đàn ông ngồi phía cuối xe buýt cười to, thích thú nghe cuộc trao đổi. Tôi nhận ra gã chính là người đã ngồi cạnh chúng tôi trong quầy bar. Nét mặt của gã dường như gợi ý rằng gã đứng về phe Fermín và gã muốn trông thấy Fermín cho đám bảo thù một trận ra trò. Chúng tôi thoáng nhìn nhau. Gã cười thân thiện với tôi rồi quay lại với tờ báo của mình. Khi chúng tôi đến phố Ganduxer, tôi nhận thấy Fermín đã cuộn người như quả bóng dưới chiếc áo khoác và đang đánh một giấc với cái miệng hở hoác, vẻ hạnh phúc ngây thơ hiện lên trên khuôn mặt anh ta.

Xe buýt đang lướt qua khu nhà giàu trên Paseo de San Gervasio thì Fermín choàng tỉnh dậy. “Tôi vừa mơ thấy cha Fernando,” anh ta nói. “Ngoại trừ chuyện trong mơ ông ấy mặc như một trung phong đội Real Madrid và có chiếc cúp vô địch bên cạnh sáng như Chén Thánh.”

“Như vậy là sao?” tôi hỏi.

“Nếu Freud đúng, điều này có thể là ông cha đạo đã cài cho chúng ta một mục tiêu.”

“Tôi nghĩ ông ấy là người trung thực đấy chứ.”

“Khá trung thực. Có lẽ trung thực quá mức cần thiết. Mọi thầy tu với vẻ bề ngoài thánh thiện cuối cùng đều nên bị điều đến những giáo xứ xa, để xem xem loài muỗi và cá hổ có kết liễu họ không.”

“Đừng cường điệu thế.”

“Cậu thật ngây thơ, Daniel. Cậu có khi còn tin vào chuyện tiên răng nữa ấy nhỉ. Thôi được, cho cậu một ví dụ nhé: câu chuyện loằng ngoằng về Miquel Moliner mà Nuria Monfort kể cho cậu nghe. Tôi nghĩ cô ả này nói dối còn trơ trẽn hơn là trang xã luận của tờ L’Osservatore Romano. Té ra cô ả kết hôn với một người bạn thời trẻ của Aldaya và Carax – chuyện đó có phải ngẫu nhiên không? Và trên hết, chúng ta biết câu chuyện về Jacinta, một bảo mẫu tốt, chuyện này có vẻ thật nhưng nghe quá giống cảnh cuối cùng trong một vở kịch của Alexandre Dumas Con. Đấy là chưa nói đến sự xuất hiện của Fumero trong vai trò tên du côn.”

“Vậy anh nghĩ là cha Fernando đã nói dối chúng ta?”

“Không. Tôi đồng ý là ông ấy có vẻ trung thực, nhưng sắc phục cũng góp phần đáng kể, và có lẽ ông ấy cũng giấu kín vài ora pro nobis[2] trong ống áo, nếu cậu hiểu ý tôi. Tôi nghĩ là nếu ông ấy nói dối thì đó là nhằm che giấu hoặc vì lý do tế nhị, chứ không phải do thù oán hay ác ý gì. Ngoài ra, tôi không nghĩ ông ấy đủ khả năng bịa ra một câu chuyện như vậy. Nếu giỏi nói dối hơn thì ông ấy sẽ không đi dạy đại số và tiếng La tinh đâu; hẳn giờ ông ấy đã lên chức Giám mục rồi, thành một vị Hồng y béo phệ cũng nên và đang ngồi chấm bánh xốp mềm vào tách cà phê.”

[2. Nghĩa l: Xin phù hộ chúng con.]

“Anh nghĩ chúng ta nên làm gì bây giờ?”

“Sớm muộn gì chúng ta cũng phải đào cái xác ướp của bà cụ thánh thiện kia mà lắc đến tận cổ chân xem có moi được gì không. Hiện giờ, tôi sẽ giật một vài đầu mối để xem có tìm hiểu được gì về Miquel Moliner không. Và không phải là ý tồi nếu để mắt đến ả Nuria Monfort kia. Tôi nghĩ ả ta đang cố tỏ ra vẻ cái thứ mà mẹ tôi gọi là cáo già gian ác đấy.”

“Anh hiểu nhầm cô ấy rồi,” tôi nói.

“Cậu được cho xem một bộ ngực đẹp và cậu nghĩ là mình vừa thấy Mẹ Teresa – ở tuổi như cậu thì có thể tha thứ nhưng không cách nào cứu chữa được. Để cô ta cho tôi, Daniel. Hương sắc của nữ tính bất diệt không còn làm tôi say đắm như nó đang thôi miên cậu. Ở tuổi tôi dòng máu chảy lên não được ưu tiên hơn dòng máu chảy xuống hạ bộ.”

“Xem ai đang nói kìa.”

Fermín móc túi ra đếm tiền.

“Anh lắm tiền nhỉ,” tôi hỏi. “Có phải tất cả đều nhờ vụ trả thừa tiền sáng nay không?”

“Một phần thôi. Phần còn lại là hợp pháp đấy. Hôm nay tôi định đưa Bernarda đi chơi, và tôi không thể từ chối người phụ nữ ấy bất kỳ điều gì. Nếu cần thiết, tôi sẽ ăn cướp Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha để chiều lòng mọi ý muốn bất chợt của cô ấy. Còn cậu? Cậu định làm gì hôm nay?”

“Không có gì đặc biệt.”

“Còn cô bé kia thì sao?”

“Cô bé nào?”

“Cái cô bé xinh xắn ấy. Cậu nghĩ là ai? Em gái Aguilar ấy.”

“Tôi không biết. Tôi không có dự định gì.”

“Cái cậu không có, nói toạc ra, là hai hòn đỏ lớn để dám nắm lấy sừng con bò.

Lúc ấy, tay soát vé tiến đến chúng tôi vẻ mặt mệt mỏi, miệng anh ta cứ tung tẩy que tăm, anh ta chọc chọc ngoáy ngoáy vào răng khéo léo như làm xiếc.

“Xin lỗi các anh, mấy cô ở kia đang muốn biết các anh có thể dùng ngôn ngữ đứng đắn hơn không.”

“Bảo họ đừng xía vào chuyện người khác,” Fermín lớn tiếng trả lời.

Tay soát vé quay mặt về phía ba bà kia mà nhún vai, để tỏ rõ ràng anh ta đã làm những gì có thể và không định tham gia vào một cuộc ẩu đả vì chuyện sử dụng từ ngữ thế nào cho nho nhã.

“Những kẻ không có cuộc sống thường chõ mũi vào cuộc sống của người khác,” Fermín nói. “Chúng ta đang nói chuyện gì nhỉ?”

“Về việc tôi thiếu can đảm.”

“Đúng vậy. Một ca điển hình. Cậu tin tôi đi, chàng trai. Cứ theo đuổi cô gái của cậu. Cuộc sống trôi đi nhanh lắm, đặc biệt là những cuộc đời đang sống. Cậu nghe vị thầy tu nói rồi đấy. Như một tia chớp.”

“Cô ấy không phải là cô gái của tôi.”

“À, vậy thì hãy làm cô ấy trở thành của cậu trước khi ai đó cướp cô ấy đi, đặc biệt là tay lính chì tí hon kia.”

“Anh nói như thể Bea là món giải thưởng vậy.”

“Không, như thể cô ấy là một diễm phúc,” Fermín sửa lại. “Này Daniel. Định mệnh thường ở ngóc ngách nào đó. Như một tên trộm, một ả điếm, hay một người bán vé số: ba hiện thân phổ biến nhất của nó. Nhưng điều định mệnh không làm là đến thăm tận nhà. Cậu phải tìm đến nó.”

Từ đó cho tới hết chuyến đi, tôi cứ ngẫm nghĩ về ẩn dụ long lanh đó trong khi Fermín lại đánh thêm giấc nữa, một việc mà anh ta có tài năng sánh ngang Napoléon. Chúng tôi xuống xe ở góc phố giao nhau giữa Gran Vía và Paseo de Gracia dưới bầu trời xám xịt đã đánh cắp đi ánh sáng ban ngày. Cài áo mưa lên tận cổ, Fermín tuyên bố anh ta đang vội vã về nhà trọ, để trau chuốt chuẩn bị cho với Bernarda.

“Cậu phải hiểu rằng với vẻ bề ngoài khá khiêm tốn như tôi đây, làm đẹp phải mất tối thiểu tiếng rưỡi. Cậu sẽ không tiến xa được mà không có vẻ đẹp; sự thật phũ phàng của cái thời đại giả dối này là vậy đấy. Sự phù phiếm là tội lỗi của cuộc đời.”

Tôi nhìn anh ta đi xuống Gran Vía, chỉ còn hình dáng mờ ảo người đàn ông nhỏ bé chui trong chiếc áo mưa xám bay lật phật trong gió như một lá cờ rách bươm. Tôi đi về nhà, nơi tôi sẽ tìm một cuốn sách hay và giấu mình khỏi thế giới. Khi tôi rẽ nơi góc phố Puerta del Ángel và Santa Ana, tim tôi sững lại. Như mọi lần, Fermín đã đúng. Định mệnh đang chờ tôi ở trước cửa hàng, đang mặc chiếc áo len xám ôm người, đi đôi giày mới, và tất ni lông, đang ngắm hình chiếu của nàng trong ô kính bày hàng.

“Bố em nghĩ em đã đi lễ mixa buổi mười hai giờ,” Bea nói, vẫn nhìn bóng nàng trong gương.

“Em cũng có thể đã ở đó. Có một buổi lễ liên tục từ lúc chín giờ sáng ở cách đây chưa đầy hai mươi thước, tại nhà thờ Santa Ana.”

Chúng tôi trò chuyện như hai người lạ ngẫu nhiên dừng lại trước cửa hiệu, tìm ánh mắt nhau qua ô kính.

“Thôi đừng đùa nữa. Em đã phải lấy tờ rơi của nhà thờ để xem bài giảng đạo nói gì đấy. Bố em sẽ vẫn hỏi chi tiết.”

“Bố em thì cái gì mà chả nghĩ.”

“Ông ấy thề sẽ bẻ gãy chân anh đấy.”

“Trước khi làm được như vậy, ông ấy phải tìm ra anh là ai đã. Và trong khi chân anh còn lành lặn, anh có thể chạy nhanh hơn ông ấy.”

Bea đang nhìn tôi đăm đăm, liếc nhìn những người đang đi qua sau chúng tôi dưới màn trời xám xịt và lộng gió.

“Em không biết anh đang cười cái gì,” nàng nói. “Bố em nói thật đấy.”

“Anh có cười đâu. Anh sợ vãi ra ấy chứ. Anh mừng vì được gặp em

Một nụ cười lo lắng, thoảng qua. “Em cũng vậy,” Bea thú nhận.

“Em nói cứ như nó là một thứ bệnh ấy.”

“Còn tệ hơn thế. Em đã nghĩ nếu gặp lại anh vào ban ngày, biết đâu em sẽ tỉnh ra.”

Tôi không biết đấy là một lời khen hay trách móc.

“Không ai được thấy chúng ta ở bên nhau cả, Daniel ạ. Không phải thế này, trước bàn dân thiên hạ thế này.”

“Nếu em muốn, chúng ta có thể vào trong cửa hàng. Có một ấm cà phê ở phòng sau và…”

“Không. Em không muốn có ai nhìn thấy em ra vào nơi này. Nếu có ai bắt gặp em chuyện trò cùng anh, em luôn có thể nói là em tình cờ gặp bạn thân nhất của anh trai em. Nếu có người nhìn thấy chúng ta hơn một lần, thì điều đó sẽ gây nghi ngờ.”

Tôi thở dài. “Thế ai để ý chúng ta nào? Ai quan tâm việc chúng ta làm gì chứ?”

“Mọi người luôn để mắt đến những chuyện không phải của họ, và bố của em quen biết một nửa Barcelona này.”

“Vậy sao em đến đây đợi anh?”

“Em không đến đợi anh. Em đi nhà thờ, anh nhớ không? Chính anh đã nói vậy. Cách đây hai mươi thước…”

“Em làm anh sợ đấy, Bea. Em nói dối còn giỏi hơn cả anh.”

“Anh không biết em đâu, Daniel.”

“Anh trai em cũng nói vậy đấy.”

Ánh mắt chúng tôi gặp nhau trong gương.

“Đêm hôm trước anh đã cho em thấy điều mà em chưa bao giờ thấy trước đây,” Bea lẩm bẩm. “Giờ đến lượt em.

Tôi nhíu mày, bối rối. Bea mở túi, lôi ra một tấm thiệp gấp, đưa cho tôi.

“Anh không phải người duy nhất ở Barcelona biết những bí mật, Daniel. Em có một bất ngờ cho anh. Em sẽ đợi anh ở địa chỉ này vào hôm nay, lúc bốn giờ. Không ai được biết chúng ta định gặp nhau ở đó.”

“Làm sao em biết được anh sẽ tìm đúng địa chỉ?”

“Anh sẽ biết.”

Tôi thoáng nhìn nàng, cầu nguyện rằng nàng không đùa tôi.

“Nếu anh không đến, em sẽ hiểu,” Bea nói. “Em sẽ hiểu rằng anh không muốn gặp em nữa.”

Không cho tôi lấy một giây để trả lời, nàng quay mặt và vội vã bước xuống Ramblas. Tôi bị bỏ lại, cùng với tấm thiệp, lời nói của tôi vẫn treo trên đầu môi, tôi nhìn cho đến khi nàng khuất trong bóng đen nặng nề dự báo một cơn dông. Tôi mở tấm thiệp ra. Bên trong, chữ viết tay màu xanh, là địa chỉ tôi biết rất rõ.

Đại lộ Tibidabo, số 32

Bình luận
× sticky