Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 23

Tác giả: K. G. Paustovsky

Andersen không biết gọi trạng thái ấy là gì. Người thì gọi nó là cảm hứng, người thì gọi là sự hưng phấn, còn người khác thì lại gọi nó là tài xuất khẩu thành chương.

Im lặng một lát, chàng điềm đạm nói:

– Tôi tỉnh giấc và nghe thấy giọng các cô trong đêm. Các cô gái xinh đẹp ơi, như thế cũng đủ để cho tôi quen biết các cô và còn hơn thế nữa, đủ để cho tôi yêu các cô như những cô em gái qua đường. Tôi nhìn thấy các cô rất rõ. Đây này, thí dụ như cô, cô con gái có mái tóc sáng và nhẹ. Cô là cô gái hay cười khanh khách và cô yêu hết thảy mọi vật đến nỗi những con sáo rừng cũng phải xà xuống đậu trên vai cô khi cô vun xới trong vườn.

Một cô gái lớn tiếng thì thào:

– Ôi, Nicolina, ông ấy nói đằng ấy đấy!

– Cô có một trái tim sôi nổi, cô Nicolina ạ – Andersen vẫn điềm đạm tiếp. – Nếu như chẳng may có chuyện gì không lành xảy tới với người yêu của cô, cô sẽ chẳng hề đắn đo suy nghĩ mà vượt qua ngàn dặm núi tuyết và sa mạc để gặp mặt và cứu chàng. Tôi nói có đúng không nào?

Nicolina bối rối, ấp úng:

– Vâng, em sẽ đi thật… Nếu ông đã nghĩ như thế.

– Các cô tên là gì? – Andersen hỏi.

Một cô trong bọn vui vẻ trả lời thay các bạn:

– Chúng em là Nicolina, Maria và Anna.

– Cô Maria ạ, tôi thực không muốn nói về sắc đẹp của cô. Tôi nói tiếng Ý không thạo. Nhưng từ thuở thiếu thời tôi đã nguyện với Nàng Thơ rằng tôi sẽ ca tụng sắc đẹp, bất cứ tôi gặp nó nơi nào.

– Lạy chúa tôi! – nhà tu hành nói khẽ – Ông này bị nhện độc cắn rồi. Ông ta đã hóa rồ.

– Có những cô gái thực là kiều diễm. Phần nhiều, họ là những người bản tính kín đáo. Họ sống với niềm đam mê cháy bỏng trong lòng, không thổ lộ với ai. Niềm mê say ấy tưởng chừng như từ bên trong tỏa ra làm cho mặt họ nóng bừng. Cô là một người như thế đấy, cô Maria ạ! Những phụ nữ như thế thường có số mệnh kỳ lạ. Họ, hoặc là rất đau khổ, hoặc là rất hạnh phúc.

– Tôn ông đã gặp những người như thế bao giờ chưa? – thiếu phụ hỏi.

– Ngay lúc này đây, tôi đã gặp họ – Andersen trả lời – Tôi không phải chỉ nói về cô Maria mà cả về tiểu thư nữa, thưa tiểu thư.

– Tôi mong rằng tôn ông nói thế không phải cốt cho đêm dài chóng qua – người đàn bà nói, giọng run run – Điều tôn ông vừa nói thật là tàn ác đối với cô gái kiều diễm này.

Và nàng nói thêm, khe khẽ:

– Và cả với tôi nữa.

– Thưa tiểu thư, chưa lúc nào tôi nghiêm chỉnh như lúc này.

– Vậy thì sao? – Maria hỏi. – Liệu em có hạnh phúc hay không?

– Cô muốn ở cuộc đời rất nhiều, mặc dầu cô chỉ là một cô gái quê giản dị. Vì thế mà cô không dễ được hưởng hạnh phúc đâu. Nhưng rồi cô sẽ gặp một người xứng đáng với trái tim hay đòi hỏi của cô. Người cô chọn tất nhiên là một người xuất sắc. Có thể người đó là họa sĩ, là nhà thơ, là chiến sĩ đấu tranh cho tự do của nước Ý… Mà cũng có thể đó chỉ là một chàng mục đồng hay một anh lính thủy, nhưng là người có một tâm hồn lớn. Nói cho cùng, họ cũng chẳng có gì khác nhau.

– Thưa ông, em không nhìn thấy ông, vì thế em cứ hỏi mà không thẹn thùng – Maria rụt rè nói. – Biết làm thế nào, nếu người ấy đã làm chủ trái tim em rồi. Em mới gặp chàng có vài bận, thậm chí cũng chẳng biết chàng bây giờ ở đâu.

– Cô cứ tìm đi! – Andersen nói lớn. – Rồi cô sẽ tìm thấy, chàng khắc yêu cô.

Anna vui vẻ nói:

– Maria! Thì đấy chính là cái anh chàng họa sĩ ở Verona chứ ai…

– Im đi! – Maria mắng át.

Thiếu phụ nói:

– Verona chẳng phải là một thành phố quá lớn đến nỗi không tìm nổi một người. Cô nhớ lấy tên tôi nhé. Tôi là Helena Guiciolli. Tôi hiện ở Verona. Cô cứ hỏi nhà tôi thì ai ở Verona cũng biết, người ta sẽ chỉ cho cô. Còn cô Maria, cô đến Verona đi. Và sẽ ở cùng tôi đến tận cái ngày hạnh phúc mà ông bạn đường thân mến của chúng ta đã tiên đoán cho cô.

Trong bóng tối, Maria tìm bàn tay Helena và áp vào bên má nóng hổi của mình.

Mọi người im lặng.

Andersen nhận thấy ngôi sao xanh đã tắt. Nó đã rẽ xuống phía dưới chân trời. Nghĩa là đã quá nửa đêm.

– Kìa, sao ông không đoán gì cho em? – Anna, cô gái nhanh mồm nhanh miệng nhất bọn hỏi.

– Cô sẽ có rất nhiều con – Andersen nói quả quyết – Chúng nó sẽ xếp thành hàng, nối đuôi nhau nhận phần sữa. Cô sẽ mất rất nhiều thì giờ tắm rửa và chải đầu cho cả lũ. Nhưng chồng cô sẽ giúp cô một tay.

– Có phải là Petro không? – Anna hỏi. – Em báu cái anh chàng béo ục ịch ấy lắm đấy!

– Rồi cô còn mất nhiều thì giờ nữa để hôn vài lần trong một ngày những con mắt long lanh của hết thảy những thằng cu, cái đĩ của cô.

– Trong đất đai của giáo hoàng mà đi nói những lời lẽ điên rồ như thế thì thật là quá quẩn!

Giáo sĩ nói bằng giọng bực bội, nhưng không ai để ý đến câu nói của ông ta.

Mấy cô gái lại thì thầm với nhau chuyện gì không rõ. Tiếng cười luôn luôn cắt đứt tiếng xì xào. Cuối cùng Maria nói:

– Thưa ông, bây giờ đến lượt chúng em muốn biết ông là người thế nào. Chúng em thì lại không nhìn được trong bóng tối.

– Tôi là một nhà thơ đi khắp đó đây – Andersen trả lời – Tôi còn trẻ. Tóc tôi rậm, uốn sóng và mặt tôi rám nắng. Đôi mắt xanh của tôi hầu như lúc nào cũng cười, bởi tôi sống không chút ưu tư và lòng chửa yêu ai. Công việc duy nhất của tôi là đem những món quà nhỏ tặng người khác và làm những việc lăng nhăng cốt để mọi người được vui.

– Thí dụ những việc gì, thưa tôn ông? – Helena hỏi.

– Biết kể chuyện gì cho tiểu thư nghe đây? Mùa hè năm ngoái tôi ở nhà một người quen làm nghề kiểm lâm ở miền Jusland. Một hôm tôi dạo chơi trong rừng tới một quãng thưa có rất nhiều nấm. Ngay ngày hôm ấy tôi trở lại cánh rừng ấy và giấu dưới mỗi gốc nấm hoặc một cái kẹo bọc giấy bạc, một quả chà là, một bó hoa tí xíu bằng sáp, hoặc một cái đê khâu và một mẩu băng lụa. Sáng hôm sau tôi đi cùng với cháu gái con ông kiểm lâm vào cánh rừng ấy. Cháu bé lên bảy. Thế là dưới mỗi gốc nấm cháu tìm thấy những vật bé nhỏ kỳ lạ kia. Chỉ thiếu có quả chà là. Chắc hẳn nó bị một chú quạ nào đó tha đi mất. Ồ, nếu tiểu thư được trông thấy đôi mắt sáng rực lên vì sung sướng của em bé! Tôi quả quyết với cháu rằng những vật ấy là của những chú quỷ lùn đã giấu ở đấy.

– Ông đã đánh lừa một đứa bé ngây thơ! – giáo sĩ phẫn nộ – Đó là một trọng tội.

– Không đâu, đó chẳng phải chuyện đánh lừa. Em bé sẽ nhớ ngày hôm ấy suốt đời. Và tôi xin quả quyết với cha rằng trái tim cháu sẽ lâu cằn cỗi hơn trái tim những người không được hưởng chuyện cổ tích ấy. Ngoài ra, thưa cha, tôi cũng muốn nói để cha biết rằng tôi vốn không ưa nghe những lời răn dạy mà người ta muốn buộc tôi phải nghe.

Xe dừng lại. Các cô gái ngồi im không nhúc nhích như bị bỏ bùa. Helena cúi đầu không nói.

Tay xà ích kêu lên:

– Này, các mỹ nương! Tỉnh dậy thôi! Đến nơi rồi.

Các cô gái lại thì thào chuyện gì và đứng dậy.

Trong bóng tối Andersen bỗng thấy hai cánh tay khỏe mạnh ôm lấy cổ chàng và một đôi môi nóng hổi áp vào môi chàng.

– Cảm ơn ông!

Đôi môi nóng hổi ấy thì thầm và Andersen nhận ra giọng nói của Maria.

Nicolina cảm ơn chàng và hôn chàng rất nhẹ nhàng và âu yếm, tóc cô mơn man trên mặt chàng. Cái hôn của Anna thì kêu và khỏe. Các cô gái nhảy xuống đất. Xe lại chuyển bánh trên con đường lát đá. Andersen nhìn ra ngoài cửa kính. Nhưng chàng chẳng nhìn thấy gì ngoài những ngọn cây đen thẫm in trên nền trời đang chuyển dần sang màu lục nhạt. Bình minh bắt đầu.

Bình luận
720
× sticky