Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Bột Mì Vĩnh Cửu

Chương 4

Tác giả: Alexander Romanovich Belyaev

Những ông “vua” xoay xở

Phòng đọc của Câu lạc bộ thương gia thật là yên tĩnh. Không một tiếng động nào ngoài đường phố có thể lọt vào căn phòng rộng lớn trải đầy thảm lông dày này. Ánh sáng đùng đục tỏa xuống những chiếc bàn tròn ngổn ngang sách báo và tạp chí, làm ánh lên những gáy sách mạ vàng xếp ngay ngắn trong các tủ sách đồ sộ, lấp lánh trên mắt kính các vị khách bệ vệ đang ngả mình thoải mái trong những chiếc ghế bành đệm. Chỉ có tiếng giở báo sột soạt, tiếng chuông đồng hồ ngân nga và những câu nói ngắn gọn mà thỉnh thoảng khách khứa trao đổi với nhau là khuấy động bầu không khí êm ả nơi đây mà thôi. Phòng đọc sách của thư viện – “địa điểm yên tĩnh nhất ở Berlin” – là nơi giới thượng lưu lắm tiền nhiều của thích lui tới. Họ kéo nhau đến đây nghỉ ngơi giải trí với “cánh hẩu” của mình sau cảnh ngược xuôi tất tả của một ngày cạnh tranh ráo riết. Phải có số vốn ít nhất một triệu mới có thể vào câu lạc bộ này.

Rodenstock, một lão đứng tuổi béo phị với hai con mắt húp híp ngái ngủ và những cử chỉ uể oải chủ một nhà máy lớn sản xuất máy móc nông nghiệp – quẳng tờ báo sang một bên, phì một hơi xì gà và hỏi người ngồi cạnh. Đó là Krisman, chủ nhà băng, một gã bé nhỏ, mặt gầy choắt.

– Ngài đọc bài này chưa?… “Một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người. Một phát minh vĩ đại nhất. Hết cảnh đói khát”.

Krisman lặng lẽ chộp lấy tờ báo nhanh như một con mèo bắt chuột và lướt nhanh cả bài. Đặt chiếc kính cặp mũi bằng vàng sang một bên, tay chủ nhà băng nhìn Rodenstock vẻ nghi ngờ:

– Tôi không hiểu lắm. Đó là chuyện đùa tếu hay lại một tin vịt, thưa ngài?

– Tôi sợ rằng đây là một trái bom. Một trái bom có sức tàn phá kinh khủng đủ khả năng xé xác tất cả chúng ta.

– Nhưng chẳng lẽ có thể thế được ư? “Bột mì vĩnh cửu” chỉ là mơ ước hão mà thôi.

– Hừ, sau máy bay, tia roentgen, radio và nhiều chuyện khác, đã đến lúc chúng ta phải quen với những mơ tưởng hão rồi đấy. Bọn bác học chúng nó có thể làm đủ mọi chuyện. Tôi đã hỏi rồi. Tiếc thay, lại thêm một mơ tưởng hão nữa trở thành sự thật: “bột mì vĩnh cửu” quả là đang tồn tại…

Cũng bằng động tác của một con mèo bắt chuột, Krisman chộp lấy kính đưa lên mũi và hậm hực nói to, phá tan cảnh im lặng ở một nơi thiêng liêng.

– Thế thì đó sẽ là một cuộc đảo lộn thật sự! Nền kinh tế của chúng ta rồi sẽ ra sao? Bọn thợ có món “bột mì vĩnh cửu” sẽ bỏ việc…

– Chúng sẽ chẳng bỏ việc đâu. – Rodenstock ngắt lời ông bạn một cách thô lỗ. Là chủ một hãng buôn lâu đời, “từ trước thế chiến”, Rodenstock trong thâm tâm vẫn khinh bỉ kẻ đang tiếp chuyện mình vì tên này chỉ vừa mới nổi lên nhờ việc đầu cơ ngoại tệ.

– Bọn thợ sẽ chẳng bỏ việc đâu – Rodenstock nói tiếp – Ngoài bánh mì ra, chúng còn phải cần quần áo để mặc, giày dép để đi nữa chứ. Giá bột mì sẽ tụt xuống, giá hàng công nghiệp sẽ vọt lên. Sự thiếu thốn sẽ buộc chúng phải làm việc. Nhưng những biến động khủng khiếp sẽ có thể xảy ra. Mọi thứ giá cả sẽ thay đổi hết. Nông nghiệp sẽ bị thủ tiêu. Nông dân sẽ chẳng còn gì để bán cho thành phố, sức mua của họ sẽ cạn sạch. Chúng ta sẽ mất thị trường nông thôn rộng lớn. Điều đó sẽ dẫn tới những cơn khủng hoảng sản xuất hết sức nghiêm trọng, tới cảnh thất nghiệp và làm cho thợ thuyền nổi dậy. Hàng loạt ngành sản xuất phục vụ nông nghiệp sẽ buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Còn ai cần đến máy cày, máy gieo hạt, máy tuốt lúa nữa? Những chấn động kinh tế sẽ gây ra những xáo động xã hội và cách mạng. Và có lẽ toàn bộ nền văn minh của chúng ta sẽ đi đời trong cái thảm họa ấy… Đấy, “bột mì vĩnh cửu” là như thế đấy!

Rodenstock vẽ ra tất cả những cảnh khủng khiếp đó bằng giọng nói uể oải, thản nhiên thường có của lão, khiến Krisman chẳng còn hiểu đầu đuôi ra sao nữa: có lẽ Rodenstock chỉ đùa cợt thôi chăng?..

Ngồi nghe lời tiên đoán của lão thương gia lõi đời, Krisman lúc thì rụt vai ngả đầu ra đằng sau, lúc lại vươn chiếc cổ ngẳng cúi đầu về phía trước.

– Ngài bảo phải làm thế nào bây giờ? – Gã hỏi.

– Thủ tiêu toàn bộ “bột”, không sót một lạng. – Rodenstock đáp. Rồi lão hạ giọng nói thêm – Và nếu cần thì thủ tiêu luôn cả kẻ đã chế ra món “bột” đó.

Bây giờ thì Krisman hiểu rằng Rodenstock không đùa bỡn. Lão thương gia dày dạn chắc đã suy tính mọi chuyện và đi đến một quyết định nào đó rồi. Vì thế lão mới nói đến những chuyện đáng sợ một cách thản nhiên như thế chứ. Krisman thấy yên tâm cả người.

– Thế có thể… thủ tiêu được à?..

– Đó là điều cần phải làm. Và việc ấy sẽ giải quyết xong xuôi vấn đề. Phá hoại bao giờ cũng dễ hơn xây dựng.

– Nhưng làm thế nào kia chứ? Trong báo chả nói rằng cả một làng chài đang sống bằng thứ “bột mì vĩnh cửu” đấy sao. Chúng ta không thể tiêu diệt cả một làng được đâu.

– Làm quái gì mà phải hoảng lên thế. Chúng ta chỉ mua vét hết số “bột” đó của bọn đánh cá. Chúng nó chẳng thấy hết giá trị của thứ “bột” ấy đâu. Đã bao giờ trong đời chúng được thấy tờ ngân phiếu một trăm mác [1] đâu. Nếu ta trả chúng một ngàn mác, chúng sẽ nghĩ ngay rằng số tiền ấy đủ bảo đảm cuộc sống suốt đời cho chúng.

– Thế còn nhà sáng chế, cái lão giáo sư Broie ấy?

Rodenstock im lặng một lát rồi nói qua kẽ răng:

– Thằng cha ấy, ta sẽ có cách giải quyết khác.

Lão nhìn đồng hồ và nói tiếp:

– Các thám tử của ta đang hành động. Tôi đã cử người đến làng chài ấy mua vét “bột”. Và chín giờ tối nay, Maiev phải đến báo tin về công việc tiến hành ra sao. Nhưng không hiểu vì lý do gì hắn đến muộn thế này.

Cả hai im lặng. Rodenstock gục đầu xuống ngực và hình như đã thiu thiu ngủ. Krisman loay hoay trên ghế, miệng lẩm bẩm. Mắt gã chăm chú nhìn vào một vật gì đó, lông mày nhíu lại: gã đang suy nghĩ rất lung.

Chiếc đồng hồ lớn trên tường phát ra tiếng nhạc và điểm mười tiếng chuông.

Rodenstock choàng dậy. Lão châm điếu xì gà bị tắt từ lúc nãy. Đúng phút ấy, một người trẻ tuổi mặc thường phục nhưng có dáng điệu quân nhân bước vào phòng. Đó là Maiev, thư ký của Rodenstock.

Rodenstock lặng lẽ chỉ cho hắn chiếc ghế trống bên cạnh rồi lim dim mắt bảo:

– Nói đi.

Maiev rõ ràng mệt mỏi vì đi đường. Hắn gieo mình thoải mái xuống chiếc ghế mềm, ngả lưng ra sau, nhưng lại vội vàng ngồi thẳng người lên để báo cáo:

– Chúng tôi không dám khoe khoang thắng lợi đâu, thưa ngài Rodenstock. Mặc dù chúng tôi đã ra sức thuyết phục, bọn đánh cá vẫn cương quyết chối từ không chịu bán cái thứ “bột” mà chúng gọi là “bột mì vĩnh cửu” cho chúng tôi. Thậm chí chúng chẳng buồn bắt chuyện với chúng tôi nữa. Mãi đến lúc chúng tôi đề nghị trả cho mỗi đứa ba ngàn mác, chúng mới bắt đầu dao động.

– Lũ súc vật! – Rodenstock cằn nhằn.

– Nhưng chúng vẫn chưa bằng lòng. Đành phải nâng giá lên năm ngàn mác…

– Bọn kẻ cướp?…

– Lúc ấy có hai đứa gây khó dễ là thằng Fris và thằng Ludwig, theo cách gọi của dân làng. Tôi chưa biết hai đứa này họ gì.

– Hừ, thế rồi chúng cũng đồng ý phải không?

– Vâng, với bọn còn lại, việc mua bán trôi chảy hơn. Chúng tôi đã mua được “bột” của hơn một nửa số nhà trong làng và hy vọng rằng đến tối sẽ hoàn thành công việc, thì chúng tôi phát hiện ra một việc buộc tôi phải ngừng việc mua “bột” lại cho đến khi có lệnh mới của ngài.

Rodenstock rướn mí mắt lên và hỏi bằng giọng ngái ngủ:

– Toàn bộ chiến dịch này chỉ có ý nghĩa khi chúng ta mua vét hết số “bột mì vĩnh cửu” ấy đến gam bột cuối cùng. Nhưng té ra là Fris và Ludwig đã giấu lại một ít “bột” để nó “tự nở ra” theo lối nói của chúng.

– Quân lừa đảo!

– Thưa ngài, hai thằng mới đem chuyện đó to nhỏ với mọi người trong làng, khuếch khoác rằng chúng đã xỏ mũi được người mua. Tất nhiên những người đánh cá nào đã bán sạch “bột” sẽ lấy làm bực bội vì đã không xử sự như hai thằng cha Fris và Ludwig. Thế là họ tức giận tố cáo hai thằng kia. Điều bất hạnh là ở chỗ: chúng ta không biết đích xác số lượng “bột” họ có là bao nhiêu, do đó không có gì bảo đảm là chúng ta sẽ có thể vét hết toàn bộ “bột”, nhất là sau khi hai thằng cha Fris và Ludwig cho ta một bài học. Vì vậy, tôi cho ngừng việc mua “bột mì vĩnh cửu”. Cũng chính bởi thế nên tôi chưa tiến hành nhiệm vụ thứ hai liên quan tới giáo sư Broie.

Nét mặt Rodenstock vẫn còn ngái ngủ, nhưng đôi lông mày của lão đã nhíu lại làm hằn lên những nếp nhăn trên trán. Maiev đã biết sự thay đổi ấy có ý nghĩa gì nên càng ngồi ngay người lại hơn.

– Thật đốn mạt. – Rodenstock nói nhỏ, nhưng qua giọng lão, người ta đã nghe thấy tiếng sấm sét của một cơn dông ở phía xa.

– Thật đốn mạt! – Bỗng nhiên lão gầm lên như sấm, khiến mặt mũi đỏ gay.

“Hừ, thì ra mày cũng biết lo sợ à” – Krisman không khỏi vui mừng độc địa trong bụng. Và bất ngờ gã nhỏm dậy, giơ một ngón tay trỏ ra và cúi đầu về phía Rodenstock:

– Ngài hãy nghe đây, tôi có một điều muốn nói.

Hai con mắt Rodenstock hết vẻ lơ đơ từ lâu, giờ đang bừng bừng lửa giận, nhưng lão vẫn chăm chú nghe Krisman nói.

– Khủng hoảng, cách mạng, chiến tranh – tất cả những chuyện y có vẻ khủng khiếp thật đấy – Krisman bắt đầu trình bày ý đồ của gã – Nhưng cái khủng khiếp với số đông có thể chẳng đáng sợ chút nào đối với những con người riêng lẻ. Người khôn ngoan phải biết rút ra cái lợi cho mình trong tất cả mọi chuyện, kể cả chiến tranh.

“Ừ, mi thì còn phải phàn nàn gì về chiến tranh nữa” – Rodenstock nhìn Krisman nghĩ bụng.

Krisman dường như đoán được ý nghĩ ấy:

– Như ngài chẳng hạn, thưa ngài Rodenstock, trong thời kỳ chiến tranh các nhà máy của ngài chẳng đã đúc cày thành lưỡi kiếm phục vụ việc phòng thủ đấy thôi.

Rodenstock nhăn nhó. Quả có như vậy thật. Lão cũng không thề phàn nàn gì về chiến tranh.

– Ngài bảo rằng “bột mì vĩnh cửu” là một trái bom. – Và Krisman lắc đầu nói.

– Nhưng bom đạn cũng giúp người ta hốt được khối tiền ra đấy. Khi khủng hoảng và cách mạng đang diễn ra, với cái món “bột mì vĩnh cửu” này ta vẫn có thể làm ăn ra trò như thường. Để khỏi dông dài, tôi xin nói thẳng luôn.

Làm quái gì phải thủ tiêu “bột mì vĩnh cữu” kia chứ? Đem nó ra mà kinh doanh có hơn không? Ta chỉ việc bỏ tiền ra mua bằng phát minh của giáo sư Broie, ta sẽ trả cho hắn những món tiền cực lớn – vì một sự nghiệp như thế, tôi sẵn sàng không tiếc toàn bộ tiền bạc ở ngân hàng của tôi. Ta sẽ tổ chức một công ty cổ phần buôn bán và xuất cảng “bột mì vĩnh cửu”. Ta sẽ thu về bạc tỉ trước khi xảy ra chấn động nọ kia. Lúc ấy thì trái đất này có bị nạn đại hồng thủy cũng cóc cần. Trước mắt ta là cả thị trường thế giới. Thực không phải chuyện đùa! Chúng ta hoàn toàn nắm giữ độc quyền. Mơ ước mong mỏi đấy chứ đâu nữa! Không “bột mì vĩnh cửu” không phải là một trái bom. Bột mì là bột mì chứ. Nó sẽ nuôi sống ta ra trò đấy.

– Nhưng các nhà máy của tôi lại sản xuất máy móc nông nghiệp…

– Đằng nào chúng cũng phải đóng cửa thôi. Đã có “bột mì vĩnh cửu” rồi, thì ngài sẽ không thủ tiêu được nó đâu. Tôi cho rằng không chỉ riêng thằng Fris hay một hai đứa khác giấu trộm cho mình một ít “bột mì”, dù chỉ bằng hạt đậu thôi đâu. Hạt đậu một năm sau sẽ lớn thành một quả núi. Nếu chúng ta chiếm độc quyền, chúng ta sẽ có hàng trăm núi vàng kia.

– Có lẽ ông tính đúng – Rodenstock trầm ngâm nói – Này Maiev, anh hãy tới gặp ngay giáo sư Broie. Hãy trả lão một triệu, hai triệu, bao nhiêu triệu cũng được. Lão đòi mấy cũng đồng ý, hiểu chưa?

Maiev đứng dậy, cúi đầu chào rồi quay người, rập gót giày bước ra.

Mấy ngày sau Maiev báo cáo lại với Rodenstock và Krisman như sau:

– Giáo sư cương quyết cự tuyệt không bán quyền phát minh của mình cho mục đích buôn bán. Ông ta nói rằng mơ ước suốt đời của mình là cứu giúp nhân loại khỏi cảnh đói khát, và đã quyết định phát không “bột mì vĩnh cửu” cho hết thảy mọi người nghèo.

– Đồ mơ ước hão! – Krisman mỉa mai nói.

– Đồ ngốc thì có. – Rodenstock ngắt lời.

– Anh có nói rõ số tiền mà chúng ta đề nghị mua bằng sáng chế của hắn không?

– Tôi có nói ạ.

– Thế hắn bảo sao?

– Lúc tôi nói: “Xin trả một triệu mác”, ông ta nổi khùng lên. Khi tôi bảo: “Năm triệu vậy”, ông ta… ông ta tống cổ tôi ra khỏi cửa. Tôi cảm thấy hình như ông ta không tỉnh táo lắm. Thậm chí ông ta không nhận bằng phát minh nữa.

– Không nhận bằng phát minh ư? – Krisman hét lên – Thế thì ta chẳng cần lo gì đến hắn nữa. Ta sẽ tự tuyên bố là đã có bằng, rồi tha hồ buôn bán. Ta sẽ mời một nhà hóa học nào đó lỗi lạc nhưng lại nghèo kiết xác, giúi cho hắn vài ba ngàn, hắn sẽ cảm ơn ta và làm phân tích “bột mì” cho ta. Chúng ta có thể thay đổi thành phần “bột” đi đôi chút, có thể cho thêm tí chất thơm vào là ăn tiền rồi.

Chuyện thật đơn giản!

– Nhưng bọn khác cũng biết chuyện “bột mì vĩnh cửu” chứ. Không phải mình ngài nghĩ ra những kế hoạch kinh doanh thiên tài ấy đâu! Rodenstock mỉa mai nói.

Krisman im lặng suy tính.

– Đúng, phải bảo vệ chắc chắn “kho vàng” của ta trên hòn đảo Fer – Gã nói – Tôi cho rằng khả năng tài chính và những quen biết của chúng ta có thể bảo đảm làm được việc đó.

– Bọn khác cũng có tiền của và cũng quen biết chứ. – Rodenstock vẫn chưa chịu thôi.

– Nhưng biết làm sao được? Đó là điều tất yếu và có tính chất quyết định.

Có đúng là ngài cũng thấy như vậy không nào?

Chẳng còn lối thoát nào khác. Rodenstock đành phải chấp nhận. Rồi hai người chấm dứt cuộc tranh cãi, bắt đầu suy tính một kế hoạch hành động.

________________________

Chú thích:

[1] Đơn vị tiền tệ của Đức. – ND.

Bình luận