Đám ma chị Pha, như cuộc khủng bố của thần chết. Nó vẻn vẹn chỉ có ba người, thì một người đã cứng đờ, mặt mũi thâm sì, nằm trong cái áo quan gỗ mỏng, bu lu dưới đòn càn mà hai đầu có hai người sống giúp, là Pha và Dự. Ngoài ra, không ai dám mó tay làm giúp một người chết dịch. Thấy đám ma người ta vội vàng chạy cho xa.
Chôn vợ xong, Pha về nhà soạn những quần áo của chị. Anh không thể quên được nét mặt vợ đến chết, còn như nhăn nhó vì đau đớn. Anh nhớ mãi lúc chị tắt thở thì chân tay co rúm như con vật bị thui. Thấy giường nằm của vợ mọi khi, bây giờ vắng tanh, anh ôm con vào lòng, nức lên khóc. Nghĩ đến cảnh gà trống nuôi con, anh đau đớn lắm. Anh thương vợ đã chịu đói khát mấy hôm cuối cùng. Nhưng chợt nghĩ đến sự nhẹ nợ của người chết, anh lại buồn cho thân thể anh. Cảnh anh đã túng lại thêm bấn. Giá không có đứa con mà anh có bổn phận phải nuôi, anh có thể ăn cướp, ăn trộm, dù có bị tù tội chăng nữa, anh cũng không còn phải để liên lụy cho ai. Mà vào tù, dù có mất tự do, nhưng anh không phải lo cơm ăn áo mặc. Bây giờ, cơm không có, áo không có, anh cần tự do để làm gì?
Bây giờ nhà đã bán, vợ đã chết, anh còn hy vọng gì ai đỡ đần để làm ăn mong có tiền, một ngày kia trả được nợ cho ông nghị để lấy văn tự đợ ruộng về. Âu là, anh bán phắt cho ông ấy ba sào từ bây giờ là khôn. Nghĩa là trừ gốc, trừ lãi, trừ năm thùng thóc, ông ấy có bắt chẹt, anh còn có thể lấy lại được chút ít để ăn cho qua ngày.
Cả đêm anh không ngủ được. Anh thấy cái đời người dân cày hết sực cực nhọc. Người dân cày sống để làm việc vất vả, mà làm việc vất vả không phải để hưởng sự sung sướng. Từ thuở bé, anh chưa dám ăn bữa nào ngon, mặc bữa nào đẹp, ở thì nhà cửa chật hẹp, lụp xụp, tối tăm, chính những cái ấy nó đã giết vợ anh. Anh muốn theo gót các anh, bỏ làng để tìm một nhà nào, một xưởng nào để làm đầy tớ, hoặc cu ly cũng được.
Sáng sớm hôm sau, thấy trời hửng sáng, Pha đem chiếu và áo của vợ ra ao, cái ao duy nhất của làng mà giặt. Trong khi anh đang ngồi đập chiếu xuống mặt nước thì bác cu Tý gánh nước ăn ở mé trên kia hỏi thăm tin buồn của anh, và an ủi rằng số trời. Nhưng ông trùm Sinh cho trâu xuống tắm, cứ mắng mãi anh rằng đem chiếu người chết dịch giặt ở ao của đình làng như thế thì động. Anh sợ người làng kêu, nên vò quàng cái áo rồi về.
Thần dịch hoành hành làng An Đạo ngày càng dữ. Người ta đổ tội cho Pha, không phải vì đã rắc vi trùng dịch tả vào nước ăn của làng, nhưng tội đã hỗn xấc với thần để ngài giận.
Rồi đến hôm cuối tháng, khi cụ nhất biết đích rằng Pha vừa có ba đồng bạc bán nhà và hiện ở nhờ nhà em vợ, thì cụ chiêm bao ngay thấy thần làng về báo mộng, quở mãi cụ. Cụ bèn cho rao mõ họp dân, bắt Pha ra xử tội. Dự tức lắm, xui Pha giở bướng. Bởi vậy khi Pha thấy các cụ bắt anh phải nộp một con lợn tạ thần, anh gân guốc nói:
– Tôi nhất định không nghe, các cụ đuổi tôi đi đâu thì đi.
Nhưng ở làng lép vế, bao giờ cũng bị thiệt. Ông lý đã quát tuần:
– Gô cổ nó lại cột đình kia. Ông chánh hội đi vào trình quan nghị xem quan xử thế nào?
Chánh hội đi một lát, Nghị Lại ra, khuyên giải Pha:
– Mày xử như thế thì không đời nào khá được con ạ. Trên các cụ đã dạy thế, mà mày cứ bướng. Có thiếu tao cho vay. Tháng trước tao giận nhà mày, là giận chốc lát đấy thôi. Lệ làng là quan trọng.
Rồi ông nói với các cụ:
– Trình các cụ, nếu các cụ sửa lễ tốn kém bao nhiêu đã có tôi cho nó vay, miễn là các cụ cứ cầu khẩn cho làng được yên ổn.
Pha tức đầy ruột:
– Các cụ định ăn thịt tôi, cứ việc mổ tôi ra. Tôi không vay ai cả.
– Nói càn này.
Dứt lời, bốp một cái, ông lý hầm hầm tát anh. Và người ta cứ thi hành lời quyết định của quan nghị, mặc dầu anh giấy dụa, kêu gào cạnh cái cột.
Gần ba chục đánh hơi thấy mùi thịt lợn ở đình, lục tục kéo nhau ra lễ thần. Cụ nhất móm mém, mặc áo thụng rách bướp, trịnh trọng mở cửa hậu cung, đứng tận cạnh ngai để mật khẩn. Đoạn, mọi người lần lượt lễ thì thụp, rồi ngả thịt ra mâm, đánh chén.
Chiếu trên cùng, cụ nhất, ông lý trưởng, hai ông chánh, phó hội, rồi dần dầm ông lý cựu, ông chánh hội cựu, ông thủ quỹ, thư ký, cụ trùm Vận, ông xã Bộ… cả thảy tám mâm.
Các cụ vừa chén vừa nói lào rào. Chai nọ cạn đã có chai kia thế vào, mặt cụ nào cụ ấy đỏ như gấc. Chợt ông lý lè nhè nói rất to, làm mọi người im lặng:
– Cứ bảo nó kiện nổi tôi, thì ừ đấy, lạm bổ đấy, nó đã làm gì tôi tốt.
Lý cựu phật ý, hơi tức nói:
– Này, tôi bảo cho ông biết, tôi tha ông ngày nào thì ông được ngày ấy, chứ đừng làm bộ.
Xã bộ bâng khuâng, thấy người ta nói đến tên mình hỏi:
– Bộ bộ gì? Ai gọi bộ đấy? Bộ không biết, bộ chỉ biết chén thôi, còn đứa nào kiện nhau, thây cha chúng nó.
Lý cựu loạng choạng đứng dậy:
– À, ông xã, ông gọi ai là chúng nó đấy?
– Thế sao chúng nó đọc tên ông, ông tức thì ông nói chơi đấy, đừng cà khịa.
Chánh hội nói:
– Chơi ở đâu, chứ chơi ở đây, người ta gông cổ lại.
Trùm Vận tưởng người ta nói mình, vì ngày xưa ông bị gông ở đình làng:
– Gông ấy à? Đứa nào gông thì chửi bố nó lên.
Lý cựu thấy có người về bè với mình, đắc chí cười xòa nói:
– Thì chửi, thì không chửi, thì chửi, bảo sao?
Xoảng, cái bát từ mâm trên liệng xuống:
– Ối trời ôi nó đánh chết tôi.
Tuy cái bát không trúng một ai, ông lý cựu đập đầu ngay xuống sàn đình ăn vạ, và mọi người nhổm cả dậy can. Họ loạng choạng giẫm cả lên bát đĩa. Tiếng kêu cứu dậy lên.
Cảnh huyên náo diễn mãi tới lúc ông nghị đến can, và Pha phải trói cho đến lúc có người bảo rằng con anh hiện đang mắc bệnh tả nặng.