Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chị Em Khác Mẹ

Chương 4

Tác giả: Thụy Ý
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Tôi vào phòng chị Liễu tìm cái lược, vì cái lược của tôi để trong cặp đã rơi đâu mất. Chị tôi đi chợ từ nãy. Tôi sục sạo trong hộc tủ của chị Liễu. Một xấp giấy nhỏ rơi ra, những tờ giấy pelure mỏng màu xanh dịu nhẹ. Tôi tò mò liếc mắt đọc hàng chữ đầu:

Liễu mến,

Anh vừa vào trường CTCT được hơn tuần nay vì mới nhập khóa nên bận rộn nhiều, hôm nay hơi rảnh anh vội viết thư cho Liễu.

Hôm anh đi, nhìn Liễu khóc anh cũng ứa nước mắt. Anh biết anh đi là em sẽ cô đơn lắm. Với em, chỉ có anh và bé Thụy là nguồn an ủi duy nhất. Giờ xa anh, bé Thụy nó lại cũng đang ở Cần Thơ, em sẽ buồn lắm.

Liễu mến,

Anh hiểu rõ những bất công gia đình dành cho em. Xã hội này chưa xóa được thành kiến mẹ ghẻ con chồng, nên em phải hứng chịu những hậu quả đó.

Lần nào gặp em cũng nghe em nhắc đến bé Thụy với tất cả yêu thương làm anh cũng thấy quen thuộc với Thụy dù anh chưa gặp nó lần nào. Chắc Thụy còn bé lắm em nhỉ? Tâm hồn những đứa trẻ thơ thường bao dung em ạ. Anh không biết khuyên em gì hơn là cố gắng nhẫn nhục, ngoan ngoãn sống trong gia đình với ba, với dì cho êm thấm. Anh tin rằng ba cũng rất khổ tâm khi thấy những bất công mà dì Hai đối với em.

Anh mong Liễu sẽ cố gắng sống tròn bổn phận để chờ ngày anh ra trường, ngày mà hạnh phúc đến với chúng ta.

Anh, PHONG

Nét chữ con trai cứng cỏi, lời lẽ dễ yêu chắc làm mềm lòng chị Liễu? Tôi nghĩ vậy và chợt mỉm cười lẩm bẩm:

– A, chị Liễu có bồ ta. Vậy mà mình không biết.

Nhớ đến đoạn anh Phong viết về “bé Thụy” tức là tôi, tôi không khỏi cười thầm. Chắc anh Phong tưởng tôi còn “bé tí ti” ấy… xí, người ta đã 17 tuổi và học đệ tam rồi chứ bộ.

Tôi xếp nguyên lá thư vào chỗ cũ rồi ra nhà ngoài vừa lúc chị Liễu đi chợ về. Chị gọi tôi:

– Thụy xuống chị cho nè.

Tôi chạy xuống bên chị như một đứa trẻ con ngộ nghĩnh. Chị Liễu lấy trong giỏ ra một gói ni-lông trao cho tôi. Tôi reo lên:

– Eo ơi, chè khoai mì. Bộ chị đi chợ Trương Minh Giảng hả?

Chị Liễu gật đầu cười:

– Đi mua chè cho cô đó.

Tôi ôm chị Liễu hôn thật kêu vào má chị:

– Chị cưng Thụy quá hà.

Chị Liễu nhìn quanh hỏi tôi:

– Má đâu em?

– Dạ má nói qua nhà cô Anh chơi rồi. Chắc trưa má mới về lận.

Nhớ đến bức thư của anh Phong, tôi ranh mãnh hỏi chị Liễu:

– Thí dụ chị có “bồ”, chị có cho Thụy biết không?

Đôi mắt chị thoáng nghi ngờ:

– Em hỏi gì kỳ vậy?

– Thì… em thí dụ mà. Tỷ như em có quen ai, em cũng sẽ nói cho chị biết vậy đó.

Tôi biết chị Liễu không muốn dấu tôi, chị dấu, hoặc vì chưa muốn tôi sớm có những tư tưởng đậm nét về luyến ái, sợ sẽ làm mất đi trong tôi tuổi thơ ngây học trò mà thôi.

Tôi tiếp:

– Tự nhiên nhìn chị, thấy chị đẹp ghê nên Thụy hỏi vậy thôi. Với lại…

Tôi bỏ lửng câu nói. Chị Liễu hỏi:

– Với lại… sao? Thụy nói chị nghe đi.

Tôi phụng phịu:

– Thụy sợ chị có quen ai rồi chị thương luôn người ta, chị bỏ quên Thụy, không thương Thụy nữa.

Chị Liễu bật cười. Bàn tay chị nhẹ vuốt tóc tôi:

– Em của chị khéo lo. Chưa chi mà đã nghĩ như thế rồi.

Tôi nũng nịu:

– Tại em thương chị mà.

– Chị biết Thụy thương chị lắm. Và Thụy chính là nguồn an ủi của chị hiện giờ…

Tôi nghĩ trong câu nói của chị Liễu: chị ấy nói ý như anh Phong viết trong thư. Chắc “chỉ” nói về mình nhiều lắm.

Tôi nghĩ tiếp: đâu phải chỉ có em là nguồn an ủi duy nhất của chị. Phần nào thôi. Còn anh Phong nữa chi. Và chính anh ấy mới là sự an ủi lâu dài của chị đó.

Chị Liễu thấy tôi có vẻ đăm chiêu nên hỏi:

– Thụy nghĩ gì vậy?

– Dạ… nghĩ đến chuyện chị em mình đang nói đây nè. Em biết chị Liễu cưng em lắm, nhưng… còn thua một người.

– Ai vậy?

Chị ngạc nhiên hỏi.

– Thì… người nào chị thương đó. Một người con trai cơ, chứ không phải con gái như Thụy đâu.

Tay chị Liễu kéo tôi ngồi xuống cạnh chị. Giọng chị mơ màng, nhưng thoáng buồn:

– Em nghĩ đúng, ở tuổi chị thì phải có người yêu rồi.

– Ai vậy? Tôi bắt chước chị Liễu làm bộ ngạc nhiên hỏi lại.

Hai gò má chị hơi ửng hồng:

– Một người bạn trai. Anh ấy hơn chị 5 tuổi.

Tôi đập nhẹ vào tay chị Liễu:

– Vậy mà chị dấu em hoài há? Chắc ảnh thương chị lắm.

– Thương hay không thì chị không chắc được, vì lòng người hay đổi thay bất chợt lắm em ạ. Hôm nay còn nhìn nhau, biết đâu mai kia lại không ngoảnh mặt xa lạ.

Ý tưởng bi quan của chị Liễu khiến tôi thương chị hơn bao giờ hết. Tôi nói:

– Sao chị nghĩ gì mà buồn quá vậy. Em tưởng người ta thương mình là sẽ thương hoài chứ. Với lại chị đã trưởng thành rồi, chắc khi chọn người để yêu, chị cũng phải kỹ lắm chứ đâu có nông nổi như ở tuổi tụi em mà lo.

Chị Liễu nhìn tôi nói nhỏ:

– Ở đời khó lắm em ạ. Đành rằng khi đã chọn là chọn người mình thấy là đàng hoàng thành thật yêu mình. Nhưng biết đâu, một giây, một phút nào đó họ đổi thay. Họ gặp người vừa ý hơn mình thì… có thể lắm. Nhất là ở hoàn cảnh chị!

– Hoàn cảnh chị… là sao?

Chị Liễu hơi cúi xuống:

– Em cũng biết, chị chỉ còn có ba, sống nhờ vào tình thương của dì. Chị ít học, lại không được sự dạy dỗ của một người mẹ, làm sao chị bằng những người con gái khác? Nếu người ta “so sánh” lẽ dĩ nhiên họ sẽ thấy sự thua kém của mình.

Tôi nghe xót xa trước tâm sự của người chị khác mẹ. Phải, chị Liễu có lý khi nghi ngờ cuộc đời. Chị đã chịu quá nhiều bất công, sự bất công làm tắt lụn niềm tin tưởng, yêu đời tiềm tàng trong tuổi nhỏ. Không có hình bóng người mẹ hiền bên cạnh, người ta mất nơi nương tựa, mất cả sự tin tưởng cho dù mình có đủ điều kiện để tin tưởng. Hình bóng người mẹ như một chở che tuyệt đối, như một bóng mát để núp giữa sa mạc. Hình bóng người mẹ là lời ru ngọt ngào nhất, êm dịu nhất mà đứa con đã nhận biết, đã thèm thuồng từ lúc còn nằm nôi. Những con người bất hạnh, bị mất mẹ từ lúc mới lọt lòng, không được hiểu thế nào là tình mẹ nên thèm thuồng mà không so sánh được. Còn chị Liễu, chị đã sống qua những năm thơ ấu trong dòng sữa mẹ, trong vòng tay ấm áp trìu mến của người mẹ hiền, hẳn chị tủi buồn trong hoàn cảnh cút côi bất hạnh hơn ai hết. Làm sao chị có thể quên được những ngày tháng ấu thơ, ấp ủ trong tình thương bao la của mẹ. Làm sao chị quên được những âu yếm chăm sóc của mẹ hiền? Càng náu nương trong tình mẹ thắm thiết, người con càng thấy bơ vơ vô cùng khi thiếu vắng mẹ yêu.

Tôi nhìn người chị khác mẹ bằng ánh mắt xót xa, chị Liễu cũng hiểu rằng tôi đang chia sẻ nỗi buồn với chị. Chị vuốt tóc tôi:

– Thôi em đừng nói chuyện đó nữa, buồn thêm. Chị còn được sống trong gia đình với ba, với dì và các em là sung sướng lắm rồi. Chuyện mai sau để rồi sẽ tính.

– Nhưng chị lớn rồi cơ, nếu chị thương ai chị phải nói cho ba má biết để lo cho chị chứ. Chị không nói, thì Thụy… nói à.

Chị Liễu gượng cười:

– Nói chứ, khi nào thấy cần chị sẽ thưa lại với ba và dì. Bây giờ chị còn trong vòng “dò xét” người ta mà, em quên sao?

Tôi thôi không hỏi nữa, nhưng tôi biết chị Liễu nói dối tôi, chị không bao giờ dám “mạnh dạn” thưa thật với ba má tôi cả. Chị mang mặc cảm vì sự bất công của má tôi. Nếu má chị còn sống, hẳn giờ nầy chị đang thoải mái trong vấn đề tình cảm.

Tự dưng tôi bâng khuâng, tôi thấy diễm phúc may mắn của mình bị mờ đi phần nào trước nỗi khổ tâm của chị Liễu. Giá tôi là một cô gái khô khan, tôi đã có thể sung sướng trên nỗi đau khổ của chị. Đàng này tôi không như thế. Tôi cảm thấy thật sự đau xót. Tôi lâng lâng trong cảm giác rằng mình là một đứa con gái có lòng, nghĩa là không đến nỗi tệ. Tôi nhớ tới bức thư anh Phong viết cho chị Liễu “anh ấy hẳn yêu chị mình lắm”. Tôi nói đến tiếng “yêu” trong nghĩa thật đơn thuần của nó, yêu có nghĩa là thương, là mến, là nghĩ về v.v… Tôi đã mong manh thấy có nhiều phức tạp trong tình yêu, những phức tạp mà tôi chưa cần tìm hiểu. Tôi thường đọc thấy trong tiểu thuyết, trong phim ảnh, những ngang trái và mâu thuẫn làm khổ đau, tan vỡ nhiều con tim đang ngập tràn tin tưởng. Tôi chợt nghĩ nếu tôi có người yêu như chị Liễu, không biết rồi tôi sẽ ra sao? Đọc thư tình chắc là phải vui lắm? Không, có lẽ xúc động mới đúng. Thật khó mà định nghĩa được.

Bình luận