Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chiến tranh tiền tệ

Phần X

Tác giả: Song Hongbing
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý

MƯU CHUYỆN LÂU DÀI

Cũng giống như tự do, vàng chưa bao giờ chịu khuất phục đến mức phải hạ thấp giá trị của nó.

Maurier – 1878.

Năm 1850, London được coi là vầng thái dương của hệ thống tài chính thế giới. Năm 1950, New York đã trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Vậy năm 2050, thành phố nào sẽ chiếm ngôi bá chủ tài chính quốc tế?

Kinh nghiệm của loài người trong lịch sử đã chứng tỏ rằng, những quốc gia hoặc khu vực đang nổi luôn tạo ra những giá trị to lớn về của cải vật chất với một sức sản xuất dồi dào hơn nhằm bảo đảm nguồn của cải của mình không bị lực lượng tiền tệ rẻ mạt của kẻ khác tước đoạt mất trong quá trình giao dịch. Những khu vực này luôn có động lực nội tại duy trì nguồn tiền tệ, giống như đồng bảng Anh bằng vàng vững chắc trong thế kỷ 19 hay đồng đô-la Mỹ bằng bạc và vàng thống soái toàn cầu trong thế kỷ 20. Xưa nay, của cải thế giới luôn tự động chảy về nơi có thể đảm bảo giá trị của chúng. Hệ thống tiền tệ vững chắc ổn định lại thúc đẩy mạnh mẽ sự phân công xã hội và sự phân bố hợp lý nguồn vốn cũng như tài nguyên thị trường, từ đó mà hình thành nên kết cấu kinh tế càng có hiệu suất hơn, của cải được sáng tạo ra càng nhiều hơn.

Ngược lại, khi một quốc gia cường thịnh bắt đầu đối mặt với sự phá sản, sức sản xuất của xã hội không ngừng giảm sút, những khoản chi chính phủ hoặc chi phí chiến tranh khổng lồ dần dần vét sạch mọi sự tích luỹ từ trước, chính phủ sẽ bắt đầu chiến lược giảm giá tiền tệ hòng thoát khỏi những khoản nợ chồng chất đồng thời đục khoét của cải của nhân dân. Lúc này, của cải sẽ không thể chảy ngược ra ngoài tìm đến những nơi có thể che chở cho nó.

Việc tiền tệ có vững mạnh hay không đã trở thành một dấu hiệu xuất hiện đầu tiên phản ánh sự thịnh suy của một quốc gia. Năm 1914, khi ngân hàng Anh tuyên bố đình chỉ việc hoán đổi vàng của đồng bảng Anh thì sự hùng mạnh của đế quốc Anh đã một đi không trở lại. Năm 1971, khi Nixon đơn phương đóng cửa thị trường vàng thì thời hoàng kim của Hoa Kỳ chỉ còn là hoài niệm. Nội lực của nước Anh đã tiêu tan một cách nhanh chóng trong khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, còn nước Mỹ thì may mắn có thể duy trì sự phồn vinh trong một khoảng thời gian ngấn khi thế giới không có những cuộc chiến tranh lớn. Nhưng thực tế thì đó chỉ là hiện tượng “mạnh bạo xó bếp” như cha ông ta vẫn thường nói.

Nhìn từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy rằng, quốc gia nào thao túng thị trường, hạ giá tiền tệ hòng lừa gạt chiếm đoạt của cải thì cuối cùng cũng sẽ bị của cải đè bẹp.

1. Tiền tệ: Thước đo của kinh tế thế giới

Tiền tệ là thước đo cơ bản nhất, hạt nhân nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, vai trò của tiền tệ cũng giống như các đại lượng đo lường quan trọng nhất như kilogam, mét, giây trong thế giới vật lý vậy. Mỗi một hệ thống tiền tệ đều dao động mãnh liệt mỗi ngày, và giống như định nghĩa kilogam, mét, giây, hệ thống tiền tệ cũng chứa đựng những sai lầm và vô lý.

Nếu có thước đo trong tay mà độ dài ngắn ngày này chẳng giống ngày kia thì các công trình sư phải làm thế nào để thi công một toà cao ốc cao đến mấy chục tầng? Và cho dù là xây dựng được đi nữa thì ai dám vào ở?

Nếu như tiêu chuẩn thời gian tính bằng giây trong thi đấu thể thao cứ thay đổi xoành xoạch một cách tuỳ tiện thì vận động viên làm sao có thể thực hiện việc so sánh thành tích thi đấu ở những cuộc đấu khác nhau?

Nếu như quả cân tiêu chuẩn của một thương gia vốn được mọi người tin dùng nhưng mỗi ngày lại được chủ nhân của nó thay đổi một chút (khiến cân không còn ổn định và chính xác nữa), thì còn ai dám làm ăn với ông ta?

Một trong những vấn đề căn bản của kinh tế thế giới ngày nay chính là không có một tiêu chuẩn đo lường tiền tệ ổn định và hợp lý, do đó chính phủ không thể tính toán chính xác quy mô của đời sống kinh tế, doanh nghiệp khó phán đoán chính xác tính hợp lý trong đầu tư dài hạn, bất cứ sự quy hoạch dài hạn nào của người dân đối với tài sản đều mất đi hệ tham chiếu an toàn. Vai trò của tiền tệ đối với nền kinh tế dưới sự thao túng tuỳ tiện và võ đoán của các ngân hàng đã làm sai lệch sự phân phối hợp lý của nguồn vốn thị trường một cách nghiêm trọng.

Khi tính toán lợi nhuận của việc đầu tư cổ phiếu, công trái, bất động sản, sản xuất, mậu dịch hàng hoá, hầu như mọi người chẳng thể nào hạch toán chính xác lợi nhuận đầu tư, bởi vì rất khó tính được mức độ co lại trong sức mua của tiền tệ.

Từ năm 1971, sau khi thoát ly hoàn toàn khỏi vàng, sức mua của đồng đô-la Mỹ đã giảm xuống 94,4%, một đô-la Mỹ ngày nay chỉ đáng giá bằng 5,6 cent của thời kỳ đầu những năm 70.

“Hộ một vạn đồng“ là tiêu chí giàu có trong thập niên 80 ở Trung Quốc, còn trong thập niên 90, thuật ngữ này chỉ mức bình quân thu nhập thành thị, theo đó, giờ đây, người nào có mức thu nhập gia đình hàng năm vào khoảng một vạn đồng thì đã có thể được xếp vào loại “hộ nghèo”.

Các nhà kinh tế học chỉ “quan tâm” tới mức độ lạm phát của vật giá tiêu dùng, nhưng hiện tượng lạm phát tiền tệ tư sản cao đến mức khiến người ta khiếp sợ thì lại chẳng có ai chú ý. Chế độ tiền tệ như vậy là sự nghiêm trị tàn khốc đối với người tích luỹ, và điều này giải thích lý do tại sao cho dù thị trường cổ phiếu và bất động sản hết sức nguy hiểm nhưng nếu không đầu tư, người ta sẽ càng lâm vào cảnh nguy hiểm hơn.

Khi mua nhà, người mua được ngân hàng cấp cho một tờ giấy được gọi là biên nhận nợ. Các ngân hàng chẳng có nhiều tiền nhưng lại có thể tạo ra tiền, và tờ biên lai nợ lập tức bị hệ thống ngân hàng “tiền tệ hoá” khiến cho lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường tăng lên chóng mặt, đẩy mức vật giá bình quân của toàn xã hội lên cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất. Cho nên, khi không có các khoản vay bất động sản thì giá nhà không thể có mức cao như vậy, và mặc dù ngân hàng tuyên bố rằng họ giúp người dân gánh vác chi phí nhà ở, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.

Các khoản cho vay bất động sản của ngân hàng cũng chẳng khác gì khoản thu nhập trong 30 năm tới của người dân bỗng dưng “bốc hơi” trong chốc lát. Và như vậy, giá nhà cửa, trị trường cổ phiếu, thị trường tín dụng có lý nào không tăng đột biến? Ngay sau khi mọi của cải tích luỹ trong 30 năm tới của người dân bốc hơi hết, giá bất động sản cũng trở nên cao chót vót tới mức người có thu nhập bình thường không thể nào với tới được. Nhằm giúp người dân có thể gánh vác được những khoản nợ và đối chọi với tình hình căng thẳng về giá bất động sản, các nhà ngân hàng đã thí điểm “sự cách tân vĩ đại” của “khoản nợ bất động sản suốt đời” tại Anh và Mỹ.

Nước Anh đã đưa ra khoản vay bất động sản đến 50 năm, còn ở bang California của Mỹ, người ta đang chuẩn bị thử nghiệm việc thế chấp tài sản kéo dài 45 năm. Và nếu như việc thí điểm này thu được thành công thì các khoản tiền tệ vay mượn sẽ xuất hiện với quy mô lớn hơn, thị trường bất động sản sẽ chào đón một “mùa xuân xán lạn” hơn, trong khi những người vay nợ ngân hàng sẽ bị trói chặt suốt đời vào các khoản nợ này, còn những người không mua nhà thì càng nghèo xơ xác. Vậy nếu như bữa tiệc nợ 50 năm của dân vẫn không thể làm no bụng các nhà ngân hàng thì sao? Chỉ e rằng, sẽ có ngày các hình thức “vay khế chấp vượt thời đại” theo kiểu “nợ cha con trả”, “nợ ông cháu trả“ cũng sẽ được tạo ra.

Trong khi khoản dự trữ ngoại hối 1 nghìn tỉ đô-la khiến người ta hân hoan thì các nhà tài phiệt ngân hàng lại cần phải phát hành thêm 8 nghìn tỉ nhân dân tệ để mua những “biên lai nợ của nước Mỹ”. Nếu đi vào lưu thông trong hệ thống ngân hàng thì toàn bộ số tiền phát hành thêm này sẽ được phóng đại lên gấp 6 lần. Nói chung là cần phải hoàn trả lãi suất công trái quốc gia, nhưng vấn đề là ai sẽ hoàn trả? Câu trả lởi là: người dân đóng thuế.

Khi giáo dục và y tế cũng được tiến hành “công nghiệp hoá” và chốc lát biến thành “tài sản độc chiếm” trong chế độ tài nguyên công cộng của toàn xã hội thì lợi nhuận của nó có lý nào không tăng vọt?

Trong khi chứng cứ giao dịch giữa các công ty trở thành loại “giấy nợ”, ngân hàng sẽ thu mua những thứ “giấy nợ” này với một mức chiết khấu nhất định để làm “tài sản” của ngân hàng, đồng thời “sáng tạo ra” tiền tệ mới.

Trong khi người dân dùng thẻ tín dụng để chi tiêu thì mỗi một tờ giấy có chữ ký phía sau đều trở thành một tờ giấy nợ, mỗi tờ giấy nợ đều trở thành “tài sản” của ngân hàng, mỗi khoản “tài sản” của ngân hàng đều trở thành tiền tệ phát hành thêm, hay nói cách khác, mỗi lần quét thẻ là một lần người ta tạo ra tiền tệ mới.

Nợ, nợ, và nợ. Đồng nhân dân tệ đang trượt nhanh xuống vực sâu của đồng tiền nợ.

Nhưng điều khác với Mỹ là Trung Quốc chưa có thị trường công cụ tài chính phái sinh “phát đạt” như của Mỹ để có thể hấp thu những khoản tiền phát hành thêm này. Sự tràn lan có tính lưu động này sẽ tập trung vào thị trường bất động sản và thị trường tín dụng hay cổ phiếu, hầu như chẳng có thủ đoạn nào có thể khống chế hiệu quả nạn “lạm phát tiền tệ tư sản siêu cấp” trong những lĩnh vực này. Câu chuyện thần thoại về thị trường cổ phiếu, sự nóng bỏng của bất động sản năm đó của Nhật sẽ tài hiện ở Trung Quốc.

Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang chờ đợi một vở kịch hay từ quả bóng siêu hạng của nền kinh tế Đông A khác. Khi nói rằng nền kinh tế Trung Quốc khó làm nên trò trống gì, chẳng phải là bà Thatcher đang muốn hù doạ hay sao? Mà kiến thức của những người như bà về nền kinh tế bong bóng này có thể nói là rất sâu rộng. Trong khi quả bong bóng tiền tệ nợ phình lên đến mức độ nhất định, các nhà kinh tế học nổi tiếng quốc tế sẽ từ các xó xỉnh chui ra, những tin tức phản diện và lời cảnh báo đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành các tiêu đề lớn xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông chính của thế giới. Và lúc này, các sát thủ kinh tế đã không còn nhẫn nại sẽ cùng nhau xông lên như bầy ác thú khiến cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hồn lạc phách xiêu.

Một khi chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền vay nợ được giải phóng, sự phân hoá giàu nghèo trên thế giới được xác định, trong xã hội sẽ xuất hiện những người chuyên đi vay tiền ngân hàng mua sắm của cải để hưởng thụ “lợi ích” của lạm phát lưu thông tiền tệ, Ngay sau khi chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền vay nợ lũng đoạn được “thông lệ“ của ngân hàng quốc tế, trong khi những người dân tích luỹ mất đi các công cụ để bảo vệ tài sản của mình thì các ngân hàng lại là những người gặt hái được nhiều lợi nhuận nhất.

Tiền nợ và chế độ dự trữ vàng cục bộ sẽ tạo ra “n” sự mất giá của loại tiền tệ “giấy nợ + sự hứa hẹn” này, với “thước đo liên tục mất giá như vậy, thì nền kinh tế làm sao có thể đủ sức phát triển ổn định và hài hoà được?

Trong thời đại mà cụm từ “tiêu chuẩn hoá“ luôn thường trực trên môi người đời nhưng lại không có bất cứ chuẩn mực nào trong việc đo lường tiền tệ thì điều này chẳng phải là ngớ ngẩn hay sao?
Trong khi bản chất của chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền tệ nợ được chúng ta thấu hiểu thì sự hoang đường của nó cũng sẽ lộ rõ.

Không có một thước đo tiền tệ ổn định thì không thể có được nền kinh tế phát triển cân bằng, không thể có được nguồn vốn thị trường được phân phối hợp lý, và đương nhiên sẽ tạo nên sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, khiến cho của cải của xã hội dần rơi vào tay ngành tài chính, việt xã hội trở nên hài hoà chỉ có thể là điều huyễn hoặc mà thôi.

2. Vàng và bạc: Bùa ổn định giá cả

Ngày 13 tháng 7 năm 1974, tạp chí The Economist đã đăng tải một bản báo cáo thống kê vật giá trong suốt thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh khiến người ta phải kinh ngạc.

Trong khoảng thời gian 250 năm từ năm 1664 đến năm 1914, dưới sự vận hành của bản vị vàng, vật giá tại Anh đã duy trì được xu thế bình ổn và giảm nhẹ. Trong thế giới ngày nay, không thể nào tìm ra một quốc gia thứ hai có thể duy trì chỉ số vật giá bình ổn lâu dài và liên tục không ngừng như vậy.

Sức mua của đồng bảng Anh được đảm bảo tính ổn định đáng kinh ngạc. Nếu chỉ số vật giá của năm 1664 được xác lập là 100, thì trừ thời kỳ chiến tranh Napoleon (năm 1813) có mức vật giá tăng tạm thời đến 180, trong khoảng thời gian còn lại chỉ số vật giá đều thấp hơn tiêu chuẩn của năm 1664.

Khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, chỉ số vật giá của Anh là 91. Hay nói cách khác, dưới thể chế của bản vị vàng, sức mua của một đồng bảng Anh tại thời điểm năm 1914 còn mạnh hơn một đồng bảng Anh của 250 năm trước (năm 1664).

Dưới chế độ bản vị vàng và bạc, tình hình giá cả cũng tương tự như vậy. Năm 1787, Điều 8 Chương 1 hiến pháp Mỹ trao quyền cho Quốc hội phát hành và định giá tiền tệ.

Điều 10 quy định rõ ràng, tất cả các bang không được dùng bất cứ một loại tiền tệ nào không được quy định ngoài vàng và bạc để chi trả nợ nần, từ đó đã xác định rõ tiền tệ của Mỹ cần phải lấy vàng và bạc làm cơ sở. “Pháp lệnh tiền đúc 1792” đã xác lập đồng 1 đô-la Mỹ là đơn vị cơ bản của tiền tệ Mỹ, định giá chính xác của 1 đồng đô-la Mỹ là gồm 24,1g bạc thuần, định giá của 10 đô-la Mỹ là gồm 16g vàng thuần. Bạc trắng được dùng làm cơ sở của hệ thống tiền đô-la Mỹ. Tỉ giá giữa vàng và bạc là 15:1. Bất kể người nào pha loãng độ thuần chất của đồng đô-la Mỹ, khiến cho đồng đô-la Mỹ mất giá trị đều sẽ đối mặt với án tử hình.

Năm 1800, chỉ số vật giá của Mỹ ở vào khoảng 102,2, đến năm 1913, chỉ số này hạ xuống còn 80,7. Trong suốt thời kỳ xảy ra những biến đổi lớn trong công nghiệp hoá của Mỹ, biên độ dao động vật giá không vượt quá 26%, còn trong thời đại bản vị vàng từ năm 1879 đến năm 1913, biên độ dao động vật giá ở mức 17%. Trong suốt 113 năm với những biến đổi lớn trong lịch sử công nghiệp hoá đất nước và phát triển sản xuất của Mỹ, tỉ lệ lạm phát tiền tệ bình quân hầu như là bằng 0, dao động giá cả hàng năm không quá 1,3%(1).

Tương tự dưới bản vị vàng, tiền tệ của các quốc gia chủ yếu ở châu Âu trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp cũng duy trì được tính ổn định cao độ như vậy.

Đồng francs Pháp, từ năm 1814 đến 1914 ổn định 100 năm.

Đồng florin Hà Lan, từ năm 1816 đến năm 1914, ổn được 98 năm.

Đồng francs Thụy Sĩ, từ năm 1850 đến năm 1936, ổn định được 86 năm.

Đồng francs Bỉ, từ năm 1832 đến năm 1914, ổn định được 82 năm.

Đồng khoa Thuỵ Điển, từ năm 1873 đến năm 1931, ổn định được 58 năm.

Đồng mác Đức, từ năm 1875 đến năm 1914, ổn định được 39 năm.

Đồng lia ý, từ năm 1883 đến năm 1914, ổn định được 31 năm(2).

Mises đã đánh giá bản vị vàng là thành tựu cao nhất trong toàn bộ nền văn minh phương Tây ở thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Nếu không có một thước đo tiền tệ ổn định và hợp lý, sức sáng tạo của cải vô cùng lớn mà nền văn minh phương Tây đã thể hiện ra trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản sẽ là một chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng.

Hệ thống giá cả ổn định cao được hình thành trong quá trình tiến hoá tự nhiên của vàng và bạc trên thị trường, có thể khiến cho các nhà hoạch định kinh tế “thiên tài” của thế kỷ 20 xấu hổ toát mồ hôi hột. Vai trò tiền tệ của vàng và bạc được xem là sản phẩm của quá trình tiến hoá tự nhiên, là sản phẩm của nền kinh tế thị trường chân chinh, là tiền tệ thực đáng tin cậy của loài người.

Cái được gọi là thước đo tiền tệ chính là cái không bị thay đổi vì bản tính tham lam của những trùm tài chính, vì sự hiếu chiến của chính phủ hay vì sự dầu cơ lợi ích của các nhà kinh tế học “thiên tài”. Trong lịch sử chỉ có tiền vàng và bạc – sản phẩm được sinh ra từ sự tiến hoá tự nhiên của thị trường – mới có thể làm được điều này, và trong tương lai cũng chỉ có vàng và bạc mới có thể gánh vác được trọng trách lịch sử này. Chỉ có vàng và bạc mới có thể bảo vệ thực sự cho tài sản của nhân dân cũng như sự phân bố hợp lý các nguồn tài nguyên trong xã hội.

Các nhà kinh tế học đương đại có một thứ quan điểm khá thịnh hành khi cho rằng tốc độ gia tăng của vàng và bạc không thể đuổi kịp tốc độ gia tăng của của cải, dưới hệ thống tiền tệ là vàng và bạc, tình trạng thiếu hụt tiền tệ sẽ xảy ra, mà điều này lại là kẻ thù cố hữu của mọi nền kinh tế. Trên thực tế thì đây chỉ là một quan điểm chủ quan cá nhân sai lầm. Luận điểm xuyên tạc “lạm phát tiền tệ hợp lý“ hoàn toàn là cơ sở lý luận được tạo nên bởi sự hợp sức của nhà ngân hàng quốc tế và nhóm Keynes với mục đích chính là phế bỏ bản vị vàng, từ đó thông qua thủ đoạn lạm phát tiền tệ để “thu thuế một cách kín đáo” đối với người dân, tiến hành cướp đoạt và ăn cắp một cách “sạch sẽ” của cải của nhân dân. Từ thực tiễn xã hội của các quốc gia chủ yếu ở Âu Mỹ như Anh và Mỹ thế kỷ 17 đến nay, sự thực không thể bác bỏ đã chứng minh rằng sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội hoàn toàn không gây nên lạm phát tiền tệ. Trên thực tế, hai nước Anh, Mỹ đều đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp trong tình hình thiếu hụt tiền tệ lưu thông ở mức độ nhẹ.

Vấn đề thực sự chưa hẳn là tốc độ tăng trưởng của vàng và bạc không theo kịp tốc độ tăng trưởng của của cải mà là không theo kịp tốc độ tăng trưởng của công nợ. Và lạm phát công nợ mới có hại cho sự phát triển xã hội.

3. Khối mỡ công nợ và GDP giảm béo

Mô hình phát triển kinh tế với sự tăng trưởng GDP cũng chẳng khác nào việc tăng thể trọng là nhiệm vụ trọng tâm của sức khoẻ vậy. Việc chính phủ dùng chính sách lấy bội chi tài chính để kéo kinh tế tăng trưởng cũng chẳng khác nào dùng chất kích thích để tăng cường thể trọng vậy. Và tiền tệ công nợ chính là phần chất béo được phát triển thêm.

Một người mà trông cứ ngày thêm phì nộn thì liệu anh ta có thật sự khỏe mạnh không?

Mô hình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia không nằm ngoài hai dạng thức sau: một là do của cải chân chính có được từ sự tích luỹ, sau đó những nguồn vốn vàng bạc thật này được dùng vào đầu tư, từ đó lại tạo nên của cải thực tại nhiều hơn trước, kinh tế xã hội cũng nhờ đó mà tiến bộ, điều mà sự tăng trưởng kinh tế theo mô hình này mang lại chính là sự phát triển của phần cơ thịt của nền kinh tế, sự cứng cáp khỏe mạnh của gân cốt nền kinh tế, sự cân bằng trong phân bố dinh dưỡng của nền kinh tế. Tuy hiệu quả trước mắt là chậm chạp, nhưng chất lượng tăng trưởng cao, ít gây ra tác dụng phụ.

Một mô hình khác chính là dùng các khoản vay nợ để kích hoạt sự tăng trưởng của nền kinh tế khiến quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ. Sau khi được tiền tệ hoá qua hệ thống ngân hàng, những khoản nợ này lại tăng lên với những con số khổng lồ và gây cho người ta cảm giác rằng của cải đang được tăng lên như thể quả bong bóng được bơm căng vậy. Vì vậy, tiền tệ đương nhiên sẽ trở nên mất giá dẫn đến sự cách biệt nghiêm trọng trong phân hoá giàu nghèo mà hậu quả của nó là lượng mỡ dư thừa của nền kinh tế đang càng ngày càng tăng lên. Việc phát triển kinh tế theo mô hình dùng nợ để kích thích chẳng khác nào người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng tiêm vào cơ thể nhằm trở nên béo tốt một cách cấp tốc, tuy hiệu quả là rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn, song tác dụng phụ tiềm ẩn của những thứ hoóc-mon tăng trưởng cấp kỳ ấy cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn đến đủ loại biến chứng bột phát. Và đến khi đó, các loại thuốc mà cơ thể của nền kinh tế nhất định phải cần dùng đến ngày càng nhiều để rồi cứ thế đầu độc hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế, gây ra sự nổi loạn triệt để của môi trường sinh thái bên trong cơ thể, cuối cùng là vô phương cứu chữa.

Căn bệnh đầu tiên mà công nợ sinh ra chính là chứng cao huyết áp trong nền kinh tế – nạn lạm phát tiền tệ, đặc biệt là lạm phát tài sản. Ở một phương diện khác, chứng bệnh này lại dẫn đến tình trạng dư thừa trong sản xuất, tạo ra sự xáo trộn về cấu trúc của nền kinh tế, gây lãng phí lớn cho nguồn vốn thị trường, tạo ra cuộc chiến giá cả khốc liệt trong sản xuất cũng như nạn lạm phát hàng hoá tiêu dùng. Gia đình được xem là tế bào chính của cơ thể nền kinh tế, vậy nhưng, tế bào này đang bị đe doạ không chỉ bởi nạn lạm phát tiền tệ mà còn bởi tình trạng giãn thợ đang tăng lên hàng ngày. Những điều này đã làm suy giảm sức tiêu thụ trong dân chúng và khiến cho cơ thể nền kinh tế thiếu đi sức sống.

Một chứng bệnh khác do khối mỡ công nợ tạo nên chính là lượng mỡ cao trong máu của nền kinh tế.

Ngay sau khi các khoản công nợ được tiền tệ hoá, tiền tệ sẽ không còn khan hiếm, mà xuất hiện tràn lan khắp mọi ngóc ngách của xã hội. Tiền càng ngày càng nhiều nhưng cơ hội đầu tư thì lại ngày càng ít đi. Dưới chế độ bản vị vàng, đặc trưng chủ yếu của thị trường cổ phiếu là cơ cấu tài chính của công ty lên sàn khá vững chắc, tình trạng công nợ không có nguy cơ, nguồn vốn dồi dào, mức lợi nhuận tăng trưởng ổn định, cổ tức của cổ phiếu tăng đều theo hàng năm, thị trường cổ phiếu tuy có mạo hiểm, nhưng lại là một thị trường thực sự đáng để đầu tư. Mà các thị trường cổ phiếu chủ yếu của thế giới ngày nay lại ngập trong các khoản tiền nợ và bị danh giá quá với giá trị thực của nó, các nhà đầu tư khó mà trông chờ vào lợi nhuận cổ tức cho dù vẫn luôn nuôi hi vọng vào khả năng tăng giá của cổ phiếu. Thị trường chứng khoán ngày càng mất đi tính đầu tư mà dần biến thành một sòng bạc với đầy rẫy những điểm khác thường. Tình trạng bất động sản cũng giống hệt như vậy.

Bản thân các khoản nợ đã khiến cho mạch máu kinh tế trở nên dễ vỡ hơn, việc tăng lượng phát hành tiền nợ sẽ khiến cho huyết dịch kinh tế sánh đặc lại, lượng lớn vốn lắng đọng trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ khiến huyết quản kinh tế càng thêm tắc nghẽn, triệu chứng cao huyết áp của nền kinh tế sẽ không thể tránh khỏi.

Trạng thái cao huyết áp trong nền kinh tế sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho trái tim kinh tế – thứ được coi là môi trường và tài nguyên mà nhân dân dùng để sáng tạo ra của cải.

Gánh nặng công nợ sẽ gây nên tình trạng bội chi nghiêm trọng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, hệ sinh thái mất cân đối, khí hậu biến đổi, thiên tai liên miên…Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng chồng chất trong công nợ của dân chúng. Sự phân hoá giàu nghèo, dao động kinh tế, mâu thuẫn xã hội, tham ô hủ bại là những mối hiểm hoạ đối với một xã hội lành mạnh. Trong khi tất cả những căn bệnh như lượng mỡ cao trong máu, cao huyết áp – những chứng bệnh do chất mỡ tiền tệ công nợ gây ra – cùng phát tác và tồn tại thì hệ thống nội tiết tự nhiên của cả cơ thể kinh tế sẽ rơi vào trạng thái rối loạn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, các cơ quan nội tạng tổn thương nghiêm trọng, quá trình đổi mới trong cơ thể không thể vận hành bình thường, hệ thống miễn dịch mất đi sức đề kháng. Nếu chọn biện pháp đau gì trị nấy thì việc này sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc, từ đó mà càng làm suy thoái trầm trọng hơn hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế.

Ngay sau khi đã nhận thức rõ bản chất và sự nguy hại của tiền tệ công nợ thì chúng ta cần phải thực hiện việc điều chỉnh tương ứng đối với chiến lược phát triển kinh tế. Nghĩa là từ mô hình cũ lấy tăng trưởng GDP làm kim chỉ nam, lấy tiền tệ công nợ làm cơ sở, lấy bội chi tài chính làm tăng trưởng, chúng ta cần phải chuyển biến sang mô hình phát triển mới lấy xã hội và sự phát triển hài hoà làm trung tâm, dùng tiền tệ thật làm thước đo, dùng tích luỹ để thúc đẩy phát triển.

Chúng ta cũng phải từng bước xây dựng một hệ thống thước đo tiền tệ ổn định dùng vàng và bạc làm điểm tựa, từng bước loại trừ công nợ ra khỏi dòng lưu thông tiền tệ, nâng cao tỉ lệ dự trữ vàng trong ngân hàng và xem đó là phương pháp quan trọng trong việc kiểm soát và điều hành tài chính khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành tài chính ngang bằng với tỉ suất lợi nhuận bình quân của các ngành công nghiệp khác trong xã hội. Chỉ khi nào trị tận gốc hai căn bệnh dai dẳng là tiền tệ công nợ và chế độ dự trữ vàng cục bộ này, chính phủ mới có thể đảm bảo được sự công bằng và hài hoà trong xã hội.

Việc loại bỏ tiền nợ ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ phải là một quá trình lâu dài, gian khổ, giống như quá trình giảm béo vậy. Cắt giảm lượng thức ăn, điều chỉnh cơ cấu bữa ăn, tăng cường lượng vận động thể dục… tất cả những việc này thực sự khó khăn hơn nhiều so với chuyện trốn mình trong chiếc chăn ấm áp của tiền nợ tăng sinh. Việc siết chặt lưu thông tiền tệ cũng giống sự rèn luyện ý chí và sức chịu đựng của con người, giống như khi chúng ta đi bơi vào sáng sớm mùa đông vậy. Sau những gian khổ ban đầu, tính linh hoạt của nền kinh tế sẽ tăng cường rõ rệt, hệ thống đề kháng lại với các loại xung đột khủng hoảng kinh tế sẽ càng thêm hoàn thiện, áp lực môi trường sinh thái sẽ giảm nhẹ, sự phân phối tài nguyên trên thị trường cũng sẽ hợp lý hơn. Dĩ nhiên, các chứng bệnh trong cơ thể nền kinh tế sẽ thuyên giảm, hệ thống nội tiết tự nhiên trong cơ thể nền kinh tế sẽ từng bước khôi phục chức năng khiến cho cả xã hội sẽ trở nên hài hoà và khỏe mạnh.

Khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính, cần phải nhận thức rõ ưu thế và điểm yếu của chế độ tài chính phương Tây đồng thời phải tỏ ra cởi mở, phải có dũng khí và mưu trí nhằm sáng tạo ra cái mới một cách hiệu quả.

Thông thường, những quốc gia quật khởi trong lịch sử đều có những cống hiến mang tính khai sáng đối với sự phát triển của xã hội loài người. Trung Quốc đang ở trên “bước ngoặt chiến lược” đặc biệt này.

4. Ngành tài chính: “Không quân chiến lược” của Trung Quốc trong phát triển kinh tế

Vị thế của tiền tệ dự trữ trên thế giới đại diện cho quyền lực tối thượng trong việc phát hành tiền tệ với đầy đủ sự tin cậy.

Không ít người cảm thấy khó hiểu vì sao Trung Quốc không có quyền định giá trên thị trường quốc tế. Wal-Mart có thể ép các doanh nghiệp Trung Quốc đến mức ai cũng phải xót xa. Các nhà kinh tế học giải thích rằng, bởi vì họ là người tiêu dùng lớn nhất, đại diện cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – nước Mỹ. Và bởi vậy, họ là người có quyền định giá. Cũng có người giải thích rằng, vì đang nắm giữ các kênh tiêu thụ của thị trường Mỹ, nên Wal-Mart có quyền định giá.

Vậy còn các mỏ khoáng sản, mỏ dầu, dược phẩm, máy bay chở khách, phần mềm thì sao? Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, và như vậy, trong vai trò là người tiêu dùng lớn nhất thế giới, làm sao mà quốc gia này có thể để cho kẻ khác chèn ép và thao túng giá cả?

Vì thiếu một chiến lược tài chính đúng đắn nên Trung Quốc không có quyền định giá. Trong một giai đoạn lịch sử rất dài, nền kinh tế Trung Quốc phát triển dựa trên nguồn vốn nước ngoài, nhưng nếu không có chính sách mở cửa hội nhập với nguồn vốn nước ngoài thì quốc gia này cũng sẽ không có sự phát tiền kinh tế như hiện nay. Trung Quốc có thể trở thành đối tượng nhận nguồn vốn nước ngoài, nhưng cũng có thể đối tượng đó là Ấn Độ. Nguồn vốn này có thể được róc một quốc gia nhưng cũng có thể được rút ra khỏi quốc gia đó. Ai khống chế được quyền lưu động vốn, kẻ đó sẽ có đầy đủ quyền định giá thật sự.

Các doanh nghiệp trên thế giới bất kể thuộc top 500 hay 100, bất kể là gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi hay công nghiệp máy tính, đều cần đến tài chính. Đối với doanh nghiệp thì tiền cũng giống như không khí và nước với cơ thể sống vậy. Đối với các ngành nghề khác trong xã hội, tài chính là người chủ tuyệt đối. Ai khống chế được lưu thông tiền tệ, kẻ đó có thể quyết định sự hưng thịnh suy vong của bất cứ doanh nghiệp nào.

Nếu như cần công ty mỏ sắt của Úc giảm giá, chỉ cần một cú điện thoại là các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang lũng đoạn quyền phát hành đô-la Mỹ có thể ung dung. Công ty có còn cần đến nguồn tài chính nữa hay không? Nếu như không đáp ứng yêu cầu, công ty này sẽ có nguy cơ bị dồn vào thế cùng đường trên thị trường tài chính quốc tế. Giá cổ phiếu của họ có thể bị khống chế trên thị trường chứng khoán, cho đến khi công ty này “quỵ” hẳn mới thôi. Vũ khí sát thủ của các ông trùm tài chính quốc tế là cắt đứt nguồn năng lượng của doanh nghiệp, buộc đối thủ phải tuân theo mọi sự chi phối và điều khiển của mình.

Các ông trùm tài chính quốc tế cũng được ví như không quân chiến lược của một quốc gia vậy. Không có sự chi viện tấn công của không quân, các ngành nghề trên mặt đất chắc chắn sẽ rơi vào cuộc chiến giáp lá cà vô cùng thảm khốc với các quốc gia khác, thậm chí còn tự giết nhau, phá giá nhau, làm tổn hao vốn liếng của nhau hoặc phá hoại môi trường làm việc của nhau.

Trên thị trường quốc tế, nếu không khống chế được nguồn tài chính thì bất cứ một thể chế nào cũng không có quyền định giá sản phẩm và cũng không có quyền chủ động chiến lược trong phát triển kinh tế.

Vì vậy chừng nào đồng tiền của Trung Quốc trở thành tiền tệ dự trữ của thế giới, chừng đó quốc gia này mới có hi vọng được trở thành thành viên tham gia vào việc định giá tài chính trên thế giới.

Vậy đồng tiền nào có thể trở thành tiền tệ dự trữ của các nước trên thế giới?

Sở dĩ đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ đều đã từng là những đồng tiền mạnh trong quần hùng tiền tệ thế giới là do nền kinh tế của các quốc gia này có được hệ thống tiền tệ ổn định làm chuẩn, hệ thống sản xuất phát triển mạnh mẽ, từng bước đóng vai trò then chốt trong hệ thống thanh toán thương mại thế giới. Cơ sở tạo nên sự tín nhiệm này đối với đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ chính là vàng và bạc. Trong quá trình phát triển của hai nước này, mạng lưới ngân hàng của các quốc gia này đã từng bước phủ khắp thế giới, đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ có thể được chuyển thành vàng một cách tự do và thuận tiện, được thị trường chấp thuận, vì thế mà những đồng tiền này còn được được gọi là “ngoại tệ mạnh”. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945, Mỹ đã từng nắm giữ đến 70% lượng dự trữ vàng của thế giới, cho nên đồng đô-la Mỹ được mọi người gọi là “Mỹ kim”.

Thước đo của cải ổn định được bảo đảm bởi bản vị vàng và bạc không chỉ là sự đảm bảo cho nền kinh tế Anh – Mỹ luôn giữ vị thế nổi trội mà còn là tiền đề lịch sử khiến cho đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ trở thành một loại tiền tệ dự trữ của thế giới.

Năm 1971, sau khi hệ thống tiền tệ thế giới tách ra khỏi sự ràng buộc với vàng, uy lực của đồng tiền các nước đã bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 1971, một ounce vàng trị giá 35 đô-la Mỹ, đến năm 2006, một ounce vàng đã nhảy lên 630 đô-la Mỹ (ngày 23 tháng 11 năm 2006). Trong suốt 35 năm nay kể từ năm 1971 cho đến 2006, so với giá vàng thì:

Đồng lia (Ý) đã giảm xuống 98,2% (kể từ năm 1999 về sau quy ra đồng euro). Đồng francs Thuỵ Điển đã giảm 96%
Đồng bảng Anh đã giảm 95,7% Đồng francs Pháp đã giảm 95,2% (kể từ nam 1999 về sau quy ra đồng euro)

Đồng đô-la Canada đã giảm 95,1%

Đồng đô-la Mỹ đã giảm 94,4% Đồng mác Đức đã giảm 89,7% (tử năm 1999 về sau quy ra đồng euro)

Đồng yên Nhật đã giảm 83,3%

Đồng francs Thuỵ Sĩ đã giảm 81,5%

Việc hệ thống đồng đô-la Mỹ cuối cùng sẽ sụp đổ vẫn là một logic phải xảy ra. Nếu nói đồng đô-la Mỹ không đáng tin cậy thì thế giới sẽ dựa vào đồng tiền công nợ nào đây?

Hiện nay, trong số các đồng tiền công nợ “hiện đại” hiện có ở phương Tây, không có đồng tiền nào mạnh hơn đồng francs Thuỵ Sĩ. Nguyên nhân khiến cả thế giới tin tưởng cao độ vào đồng francs Thuỵ Sĩ hết sức đơn giản bởi giá trị của đồng francs Thuỵ Sĩ được đảm bảo bằng 100% vàng và có giá trị ngang với vàng. Một đất nước hình viên đạn với vẻn vẹn 7,2 triệu dân, nhưng lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương nước này lên đến 2.590 tấn (năm 1990), chiếm 8% tổng lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Đức và quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Khi gia nhập tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) năm 1992, Thuỵ Sĩ buộc phải tách đồng francs của mình ra khỏi mối quan hệ với vàng. Và như vậy, mức độ đảm bảo bằng vàng của đồng francs Thuỵ Sĩ suy giảm dần, đến năm 1995, chỉ còn lại 43,2%. Đến năm 2005, Thuỵ Sĩ chỉ còn lại 13.321 tấn vàng, nhưng so với số vàng dự trữ của Trung Quốc (600 tấn) thì con số này vẫn nhiều gấp hai lần. Cùng với sự sụt giảm lượng vàng bảo đảm cho đồng francs Thuỵ Sĩ, sức mua của đồng tiền này cũng ngày càng trở nên suy yếu.

Lượng dự trữ vàng của Nhật Bản năm 2005 chỉ có 765,2 tấn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, không phải Nhật không muốn tăng lượng dự trữ vàng, mà nước này đang bị Mỹ ngăn cản. Ferdinand Lips – một chuyên gia về vàng đồng thời là một nhà ngân hàng có tiếng ở Thuỵ Sĩ – đã cùng với gia tộc Rothschild lập nên Ngân hàng Rothschild Bank AG tại Zurich và điều hành ngân hàng này trong nhiều năm. Đến năm 1987, ông đã thành lập Bank Lips AG tại Zurich – một thành viên “ruột thịt” của đế chế tài chính quốc tế. Trong cuốn “Chiến tranh vàng bạc” của mình, ông đã tiết lộ rằng, trong hội nghị hiệp hội vàng thế giới được tổ chức ở Paris, một quan chức dấu tên làm việc trong ngành ngân hàng của Nhật đã phàn nàn với Ferdinand Lips rằng, chỉ cần hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ còn hiện diện ở Nhật Bản để “bảo vệ sự an toàn” cho nước này thì chính phủ Nhật Bản vẫn bị cấm dự trữ thêm vàng(3).

Trước mắt, Trung Quốc đã có nguồn dự trữ ngoại hối lên đến 1 nghìn tỉ đô-la Mỹ, và việc sử dụng khoản tài sản khổng lồ này có liên quan đến vận mệnh trăm năm của Trung Quốc trong tương lai. Đây không đơn giản là vấn đề mạo hiểm phân tán tài chính mà điều quan trọng là Trung Quốc phải xem xét làm thế nào để giành được quyền chủ động chiến lược trong cuộc chiến tranh tài chính quốc tế sắp phái ra để chiếm lấy vị thế bá chủ tiền tệ trong thời đại “hậu đô-la Mỹ“ trên thế giới.

Cuối năm 2006, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng quốc tế đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tiền tệ không mùi khói đang cận kề. Lần này, người ta sẽ không thấy cảnh pháo Tây súng Tây, cũng không nghe thấy tiếng thét nơi chiến trường, nhưng kết cuộc sau cùng của cuộc chiến này sẽ quyết định đến số phận tương lai của Trung Quốc. Bất kể có ý thức được hay không, có chuẩn bị tốt hay không, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh tiền tệ – một cuộc chiến không tuyên mà chiến. Chỉ khi phán đoán rõ ràng và chính xác về mục đích chiến lược chủ yếu và phương hướng tấn công chính của các ngân hàng quốc tế, quốc gia này mới có thể đặt ra một sách lược phản ứng hiệu quả.

Có hai mục đích chiến lược căn bản trong cuộc đổ bộ ồ ạt của các ngân hàng quốc tế vào Trung Quốc: khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc, tạo ra “cuộc giải thể có kiểm soát” đối với nền kinh tế Trung Quốc, và cuối cùng lập nên một “chính phủ thế giới” và “tiền tệ thế giới” dưới sự chi phối chủ đạo của trục London – phố Wall.

Có lẽ mọi người đều biết rằng, người nào có thể lũng đoạn được nguồn cung ứng của một loại sản phẩm thì kẻ đó sẽ có được lợi nhuận siêu cấp. Mà tiền tệ là một thứ sản phẩm ai ai cũng cần, nếu người nào lũng đoạn được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia, kẻ đó sẽ nắm giữ được công cụ tạo ra nguồn lợi nhuận vô hạn. Đây chính là lý do giải thích tại sao trong hàng mấy trăm năm qua, các ngân hàng quốc tế đã vò đầu vắt óc, dồn tâm suy nghĩ, không từ bất kỳ âm mưu thủ đoạn nào để lũng đoạn được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia và mục tiêu cao nhất của họ là lũng đoạn quyền phát hành tiền tệ của toàn thế giới.

Xét về tổng thể, rõ ràng ngân hàng quốc tế đang ở vào thế chủ động tấn công chiến lược, trong khi các ngân hàng của Trung Quốc lại lâm vào thế thúc thủ, và so với ngân hàng quốc tế – kẻ đã chơi trò ảo thuật với tiền tệ trên thế giới hàng trăm năm qua – thì các ngân hàng Trung Quốc rõ ràng là yếu kém về nhiều mặt, từ vốn liếng, nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh, hạ tầng cơ sở kỹ thuật cho đến hệ thống pháp lý. Nếu muốn tránh khỏi nguy cơ thất bại toàn diện trong cuộc chiến này, Trung Quốc chỉ có một lựa chọn duy nhất: “anh đánh theo cách của anh, tôi đánh theo cách của tôi”, và quyết không đánh theo cách mà đối phương hoạch định.

Đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ chỉ có hai con đường hoặc thất bại hoặc chiến thắng. Nếu không bị “đế quốc La Mã mới” chinh phục trong cuộc chiến này thì trong quá trình đập tan đối thủ, Trung Quốc sẽ xây dựng nên một trật tự mới về tiền tệ trên thế giới.

5. Chiến lược của tương lai: “Xây tường cao, tích lương thảo, hoãn xưng vương” “Xây tướng cao”
Trung Quốc cần phải xây dựng một hệ thống phòng ngự kép đối với cơn đại hồng thuỷ tài chính từ ngoài tràn vào và cơn hoả hoạn tài chính từ trong phát ra.

Các Ngân hàng quốc tế sắp sửa ồ ạt tiến vào các trung tâm tài chính của Trung Quốc, như vậy nước này không thể không đề phòng. Khi bàn về đề tài này, phần lớn mọi người tập trung vào cuộc tranh giành khoản tiền ký gửi của dân chúng – một miếng bánh lớn vô cùng hấp dẫn – giữa ngân hàng nước ngoài với ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, điều nguy hiểm hơn là các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài này sẽ thông qua việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc để trực tiếp nhúng tay vào việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc. Thông qua chế độ dự trữ vàng cục bộ, Ngân hàng có vốn nước ngoài sẽ đồng loạt đẩy mạnh tiến trình tiền tệ hoá các khoản nợ vay của nhà nước, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc. “Đồng Nhân dân tệ vay mượn” do các ngân hàng có vốn nước ngoài này phát hành sẽ tiến sâu vào bên trong cơ thể của nền kinh tế Trung Quốc thông qua rất nhiều phương thức như chi phiếu ngân hàng, ngân phiếu định mức ngân hàng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp bất động sản, cho vay vốn lưu động doanh nghiệp, sản phẩm tài chính phái sinh.

Suốt mấy chục năm nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại trung Quốc mỏi mất trông chờ khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh đồng thời phải chịu đựng sự thờ ở ghẻ lạnh của họ. Nếu ví nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với vốn giống như củi khô thì khả năng đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chẳng khác nào lửa mạnh. Như vậy, đôi bên chẳng hẹn mà gặp, và bởi thế mà cơn hoả hoạn tín dụng tràn lan ở Trung Quốc là hoàn toàn có thể dự báo được. Lượng vốn lớn sẽ được đổ vào các công trình xây dựng với quy mô lớn, vật giá tiêu dùng sẽ bị siết chặt, vấn đề lạm phát tài sản sẽ càng trớ nên gay go hơn. Với việc siết chặt vật giá tiêu dùng và nạn lạm phát tài sản diễn ra tràn lan, Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.

Và trong lúc này, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế sẽ bắt đầu chiến dịch “xén lông cừu” để tước đoạt tài sản của người dân Trung Quốc. Cơ hội để các nhà ngân hàng quốc tế “gặt hái” chính là khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy sụp.

Thomas Jefferson – người có công lập ra nước Mỹ – đã có một câu danh ngôn cảnh báo người đời rằng: “Nếu người dân Mỹ để cho ngân hàng tư nhân khống chế quyền phát hành tiền tệ của đất nước, thì trước hết những ngân hàng này sẽ thông qua lạm phát tiền tệ, sau đó siết chặt lạm phát để tước đoạt tài sản của người dân. Mãi cho đến một ngày, khi tỉnh dậy, con cái của họ sẽ nhận thấy một điều rằng, tất cả ruộng vườn nhà cửa và cả đã; lục mà ông cha họ cất công khai phá đã không cánh mà bay”.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, nhưng lời cảnh báo của Thomas Jefferson đường như vẫn còn nguyên giá trị và có sức chấn động mạnh đối với tất cả chúng ta.

Trước đây, khi các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chưa đổ bộ vào Trung Quốc, tuy có lợi dụng nạn lạm phát tiền tệ để kiếm lợi nhuận, nhưng các ngân hàng quốc doanh của nước này tuyệt đối không có ý đồ cũng như khả năng để tạo ra tình trạng khan hiếm tiền tệ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Sở dĩ từ thuở khai sinh lập địa đến nay, Trung Quốc chưa phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng là do không ai có dã tâm và khả năng để tạo ra khủng hoảng kinh tế. Sau khi các nhà Ngân hàng Quốc tế xâm nhập toàn diện vào Trung Quốc, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn.

Bức tường phòng ngự tài chính đối nội của Trung Quốc nhằm phòng ngừa các ngân hàng vốn nước ngoài tạo ra lạm phát tài chính để thổi to quả bong bóng ở Trung Quốc, tiếp đó siết chặt nguồn vốn để tạo ra thâm hụt tiền tệ, buộc hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân phải đóng cửa hoặc phá sản, từ đó thu mua lại khối tài sản quan trọng của Trung Quốc với giá bọt bèo. Do vậy, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cần phải nghiêm túc giám sát qui mô và phương hướng phát hành tín dụng của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành điều tiết vĩ mô tỉ lệ vàng dự trữ cũng như thành phần vàng dự trữ, đề phòng khả năng các ngân hàng có vốn nước ngoài tiến hành tiền tệ hoá các khoản công nợ trong nước.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng cần đề phòng khả năng liên minh, câu kết giữa ngân hàng có vốn nước ngoài với quỹ đối xung quốc tế. Hợp đồng tài chính phái sinh được ký kết giữa các công ty Trung Quốc và các ngân hàng nước ngoài phải được báo cáo cho các cơ quan quản lý tài chính.

Đặc biệt là cần phải cẩn trọng đối với hợp đồng tài chính phái sinh do ngân hàng có vốn nước ngoài kiểm định, đề phòng thủ đoạn tấn công từ xa của giới tài phiệt quốc tế đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Bài học từ cuộc tấn công của các ngân hàng quốc tế năm 1990 vào thị trường cổ phiếu và thị trường tài chính Nhật Bản vẫn còn nguyên giá trị đối với tất cả chúng ta.

Bức tường phòng lũ tài chính đối ngoại của Trung Quốc chủ yếu là nhằm bảo vệ đất nước khi hệ thống đô-la Mỹ rơi vào khủng hoảng. Với khoản nợ khổng lồ lên đến 44 nghìn tỉ đô-la, nền kinh tế Mỹ đang ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro lớn. Việc chi trả mức lãi suất khổng lồ từ các khoản vay nợ chẳng khác nào những cơn sóng dữ ngày đêm xô vào con đê yếu tạo nên sự đe doạ rất lớn đối với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Trung Quốc cần phải hành động khẩn cấp, chuẩn bị chống lũ lụt tài chính và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân.

Sự mất giá nhanh chóng của đồng đô-la Mỹ đã không còn là dự báo nữa mà là sự thực đang diễn ra hàng ngày. Trận lũ đang âm thầm, chỉ còn chờ nước lũ tràn lên là xảy ra sự cố vỡ đê, và hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã ở vào trạng thái rủi ro cao độ.

Nếu cơn bão tài chính quốc tế xuất hiện một cách thình lình trong khi quả bóng sản phẩm tài chính phái sinh và hệ thống đồng đô-la Mỹ đã phình căng cực độ thì vàng và bạc sẽ là chiếc thuyền cứu sinh an toàn nhất cho cả thế giới.

Tăng cường dự trữ vàng và bạc của Trung Quốc đã trở thành vấn đề khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

“Tích lương thảo”

Mở rộng kho tích trữ lương thực, nâng cao lượng dự trữ vàng và bạc chính là chuyện cả quan lẫn dân Trung Quốc cùng phải lo. Các mỏ vàng bạc trong lãnh thổ Trung Quốc cần phải được tăng cường bảo vệ cơ mật như tài sản chiến lược quan trọng nhất đồng thời phải được tiến hành quốc hữu hoá toàn diện. Trên bình diện quốc tế, cần phải dốc sức mua vào các công ty sản xuất vàng bạc, xem đó là sự bổ xung tài nguyên vàng bạc trong tương lai của Trung Quốc.

Phương hướng cuối cùng của cải cách tiền tệ Trung Quốc chính là xây dựng một “hệ thống tiền tệ kép” với sự bảo đảm của vàng bạc phù hợp với tình hình Trung Quốc, xác định thước đo cân bằng tiền tệ ổn định, hoàn thành việc chuẩn bị mang ý nghĩa chiến lược nhằm biến đồng nhân dân tệ thành tiền tệ tích luỹ chủ yếu của thế giới.

“Hoãn xưng vương”

Chính phủ Trung Quốc cần phải cân nhắc các khó khăn cũng như hạn chế của đất nước mình. Sự phát triển nổi trội của các cường quốc trên thế giới luôn gắn liền với khả năng sáng tạo vượt trội để đi lên, sản xuất ra một lượng lớn hàng hoá và dịch vụ mới mà các nước khác không thể làm được, tạo ra các phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa ra những tư tưởng và lý luận xuất sắc để dẫn dắt văn minh của thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc được đánh giá cao về phương diện mô phỏng kỹ thuật sản xuất của phương Tây trên quy mô lớn, tuy nhiên, xét về phương diện sáng tạo cái mới trong lý luận tư tưởng và khoa học kỹ thuật, Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng, người Trung Quốc thiều lòng tự tin vào văn minh của nước mình. Biểu hiện chủ yếu của việc này là người Trung Quốc không phân biệt được tính hợp lý và bất hợp lý của chế dộ phương Tây, thiếu sự dũng cảm trong việc phê phán những sai lầm về mặt đạo đức của phương Tây, không dám thực hiện những thứ mà phương Tây không có, thiếu sự dũng cảm trong việc tạo ra một quy tắc mới cho thế giới. Tất cả những điều này không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, vì vậy Trung Quốc nên “hoãn xưng vương” để có thể mưu chuyện lâu dài.

6. Con đường trở thành nguồn tiền tệ dự trữ của thế giới

Một cường quốc thế giới là một đất nước mà nền tảng vững chắc của nó không chỉ có khoa học kỹ thuật tiên tiến và tiềm lực quân sự hùng mạnh. Chỉ khi nào xây dựng được một hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính đáng tin cậy mang tầm thế giới thì quốc gia đó mới có thể giữ được vị thế bất bại trong mọi cuộc xung đột, xây dựng được uy tín vững chắc trong tình hình thế giới đầy biến động khó lường.

Nếu đồng đô-la Mỹ mất đi vai trò trụ cột trong hệ thống tiền tệ thế giới, cho dù địa vị của Microsoft vẫn không ai có thể thách thức, liệu nước Mỹ có còn giữ được vị trí thống soái của mình hay không? Liệu họ có còn nhất ngôn cửu đỉnh nữa hay không? Có còn là “ngọn hải đăng mà mọi người trên toàn thế giới hướng về“ như trước đây hay không?

Được xem là ngôi sao trong tương lai, Trung Quốc tất yếu sẽ phải xây dựng một hệ thống tài chính tiền tệ đáng tin cậy cho cả thế giới.

Tiền là huyết dịch của nền kinh tế xã hội loài người. Người nào nắm giữ và cung ứng nguồn huyết dịch này, kẻ đó sẽ có được sức mạnh. Vậy nguồn huyết dịch nào sẽ khiến cho thiên hạ phải tuân theo? Câu trả lời là: nguồn huyết dịch phải được tạo ra từ một cơ thể khỏe mạnh. Nếu nhiễm phải mầm bệnh “HIV” không thuốc cứu chữa, lại còn truyền máu cho người khác thì mô hình phát triển kinh tế và chế độ tài chính nội tại sẽ nhanh chóng bị huỷ diệt. Đồng thời, nguồn huyết dịch này phải là nhóm O – tức là nhóm máu có khả năng cho máu rộng nhất và khả năng chấp nhận cao nhất.

Vậy hệ thống tài chính tiền tệ như thế nào được gọi là “nhóm máu O” khỏe mạnh của Trung Quốc trong tương lai?

Hiện nay, Trung Quốc là nước thu được một lượng lớn ngoại tệ thông qua xuất khẩu đồng thời sử dụng nguồn ngoại tệ này để mua một lượng lớn công trái Mỹ. Việc này đang là một nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Tác dụng phụ của mô hình kinh tế dùng xuất khẩu làm đầu tàu là rất lớn mà bản chất của mô hình này là dùng công nợ của Mỹ để kéo nền kinh tế của mình phát triển, trong khi người dân Mỹ không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng nợ nần. Nếu tiếp tục quy trình này, Trung Quốc sẽ tạo nên sự mất cân đối rất lớn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu của mình, dẫn đến khả năng dư thừa sản xuất trầm trọng và quá trình điều chỉnh trong tương lai đương nhiên cũng khó khăn gian khổ hơn rất nhiều. Và như vậy, trên thực tế, thất bại này của Trung Quốc sẽ được nhân lên nhiều lần.

Phương án “giải phẫu” căn bệnh này thông qua một hệ thống tài chính tiền tệ tuần hoàn tích cực đa nguyên hoá là một vấn đề rất lớn và phức tạp. Trong cuốn sách này, chúng ta chỉ tập trung suy nghĩ tìm tòi về một giả thuyết – truyền sinh khí vào vàng và bạc trong bối cảnh đa nguyên hoá. Vì đã trải qua hàng nghìn năm kết tinh lắng đọng, đã có đầy đủ độ tin cậy tự nhiên nên vàng bạc được coi là vật đảm bảo giá trị cho tiền tệ, và như vậy, chế độ tiền tệ được đảm bảo bằng vàng bạc chính là con đường tắt đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.

Chúng ta hãy theo giả thuyết này để từng bước khám phá ra những điều mới mẻ hơn nữa.

Nếu như mỗi năm mua vào một lượng vàng khoảng 200 tỉ đô-la Mỹ với giá 650 đô-la/ounce, chính phủ và người dân Trung Quốc có thể mua được 9.500 tấn vàng, tương đương với việc mua đứt lượng dự trữ vàng hàng năm của Mỹ (8.136 tấn). Trong giai đoạn mở màn của chiến dịch, các nhà ngân hàng quốc tế ắt phải thông qua công cụ tài chính phái sinh để khống chế giá vàng một cách quyết liệt, các ngân hàng Trung ương của các nước phương Tây có thể ra mặt liên kết với nhau bán phá giá vàng khiến giá vàng có thể tạm thời suy giảm. Nếu nhìn thấu con át chủ bài của đối thủ, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng, hành động hạ thấp giá vàng là một sự viện trợ tài chính hào phóng nhất trong lịch sử của phương Tây đối với Trung Quốc.

Nên nhớ rằng, tổng lượng vàng mà thế giới đã khai thác được trong suốt 6.000 năm qua chỉ có 140 nghìn tấn, và tổng lượng dự trữ vàng trên sổ sách của các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ là 21 nghìn tấn. Nếu nhìn vào hành vi điên cuồng trong việc cho thuê vàng của các Ngân hàng Trung ương châu Âu thập niên 90, chúng ta có thể nhận ra rằng, toàn bộ tài sản tích luỹ của họ chưa tới 20 nghìn tấn vàng. Nếu tính theo giá vàng hiện tại (650 đô-la/ounce) thì số vàng này chỉ có giá trị 400 tỉ đô-la, và lượng thặng dư mậu dịch của Trung Quốc lớn đến như vậy thì việc tiêu hoá lượng dự trữ vàng 400 tỉ đô-la chẳng qua chỉ là việc của vài ba năm trước đây. “Đạn dược” của các Ngân hàng Trung ương Âu-Mỹ sẽ được bắn hết sạch trong thời gian không dài lắm.

Nếu như Trung Quốc thu mua vàng với tốc độ liên tục như vậy trong năm năm thì giá vàng quốc tế sẽ leo thang và vượt quá giới hạn lãi suất đồng đô-la Mỹ dài hạn vốn do các ngân hàng quốc tế tạo nên. Và như vậy, mọi người sẽ có hân hạnh tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống đồng đô-la Mỹ vốn được xem là lớn mạnh nhất thế giới.

Vấn đề không phải là Trung Quốc có thể dùng giá vàng để đánh sập hệ thống đô-la Mỹ hay không mà là Trung Quốc có muốn hay không. Đối với đồng đô-la Mỹ, giá vàng vẫn là vấn đề sinh tử. Chỉ cần nguồn tin Trung Quốc định mua vào lượng vàng trị giá 200 tỉ đô-la Mỹ được truyền đi, chắc chắc Bộ trưởng tài chính Mỹ và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này sẽ lập tức lên cơn tăng xông.

Thậm chí, Mỹ sẽ phải cân nhắc vấn đề Đài Loan – một cái gai nhọn đối với Trung Quốc suốt mấy chục năm nay. Vấn đề “cứu Đài Loan hay cứu đồng đô-la“ sẽ được đưa lên bàn cân để suy xét. Dù không thể đi chung với Mỹ trên mặt trận tài chính, song nếu Mỹ đưa ra điều kiện hợp lý, Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với Mỹ để cứu đồng đô-la.

Cùng với việc từng bước tăng cường lượng dự trữ vàng trong dân chúng cũng như ở cấp nhà nước, Trung Quốc có thể tiến hành cải cách tiền tệ, từng bước đưa vàng và bạc tham gia vào hệ thống tiền tệ. Từng bước thực hiện quá trình chuyển biến hoá đồng tiền Trung Quốc theo chế độ bản vị vàng và bạc, thể chế tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra một cống hiến lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Việc chuyển biến hoá của đồng tiền Trung Quốc có thể được tiến hành theo từng giai đoạn. Việc có thể làm trước hết chính là “công trái kim biên” (công trái được bảo đảm bằng vàng) và “công trái ngân biên” (công trái được bảo đảm bằng bạc) do Bộ tài chính phát hành, dùng vàng và bạc để kết toán vốn và lãi công trái. Chẳng hạn lợi tức của “công trái kim biên“ kỳ hạn 5 năm có thể được xác định ở mức từ 1%-2%. Do. vàng được xem là phương pháp kết toán cuối cùng của vốn và lãi nên người dân sẽ hăng hái mua công trái thứ sản phẩm tài chính có tác dụng “bảo đảm giá trị của cải” thật sự này.

Trên thị trường giao dịch công trái, sự chênh lệch giữa tỉ suất sinh lời của “công trái kim biên” và “công trái ngân biên“ so với tỉ lệ sinh lời của công trái quốc gia phổ thông cùng kỳ hạn và cùng mức giá sẽ phản ánh chân thực mức độ tiếp nhận của thị trường đối với vàng và bạc. Tham số quan trọng này sẽ được xem như là hệ tham chiếu thí điểm cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ hai là việc điều chỉnh lại cơ cấu dự trữ vàng của hệ thống ngân hàng. Việc dự trữ vàng của các ngân hàng – bất kể là ngân hàng nước ngoài hay là ngân hàng quốc doanh – cần phải bao hàm một tỉ lệ vàng hoặc bạc nhất định đồng thời giảm thiểu tỉ lệ công nợ trong số tiền dự trữ.

Tỉ lệ vàng bạc trong hệ thống dự trữ tiền tệ càng cao, hệ số khuếch đại cho vay càng cao, và tương tự, tỉ lệ công nợ càng lớn thì khả năng cho vay sẽ càng giảm thấp xuống. Ngân hàng trung ương cần phải chấm dứt mọi ngân phiếu vay mượn định kỳ không phải là vàng và bạc. Cách làm này sẽ củng cố địa vị của vàng và bạc trong hệ thống tiền tệ Trung Quốc, làm gia tăng nhu cầu của ngân hàng đối với vàng và bạc.

Không có vàng bạc làm dự trữ, khả năng phát hành tín dụng của các ngân hàng sẽ giảm xuống. Đồng thời, hệ thống ngân hàng sẽ từng bước loại bỏ ngân phiếu công nợ ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ. Ngân hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc mở ra dịch vụ uỷ thác tiết kiệm hay kinh doanh vàng bạc. Và như vậy, thị trường lưu thông của vàng và bạc sẽ được hình thành trên phạm vi toàn quốc.

Các ngành nghề có lợi nhuận cao trong toàn quốc như bất động sản, ngân hàng, thuốc lá, bưu điện, dầu mỏ đều phải nộp thuế doanh nghiệp với một tỉ lệ vàng và bạc nhất định, tạo ra sự kích thích nhu cầu của thị trưởng đối với vàng và bạc.

Giai đoạn thứ ba là dùng vàng và bạc của Bộ tài chính làm thế chấp để phát hành tiền giấy vàng và đồng giấy bạc Trung Quốc. Theo đó, đồng giấy vàng sẽ trở thành thước đo chuẩn của tiền tệ Trung Quốc. Căn cứ vào tình hình dự trữ vàng và bạc của Trung Quốc, mỗi một đồng giấy vàng Trung Quốc được xác định sẽ có bao nhiêu gam vàng. Đồng giấy vàng Trung Quốc chủ yếu dùng để kết toán mậu dịch các hàng hoá chính yếu thông qua chuyển khoản giữa các ngân hàng với việc chi trả ở qui mô lớn. Với một số lượng nhất định, người ta có thể đem đồng giấy vàng Trung Quốc đến Bộ tài chính để hoán đổi thành vàng. Còn đồng giấy bạc Trung Quốc có thể được dùng làm tiền tệ phụ trợ, trong mỗi một đồng giấy bạc có chứa một lượng bạc nhất định, chủ yếu dùng cho việc thanh toán các khoản chi nhỏ. Với một số lượng nhất định, người ta có thể đem đồng giấy bạc Trung Quốc đến Bộ tài chính để hoán đổi thành bạc. Tỉ giá giữa đồng giấy vàng và đồng giấy bạc sẽ do Ngân hàng trung ương công bố và điều chỉnh định kỳ.

Nguyên lý “tiền xấu tất nhiên sẽ đẩy lùi tiền tốt khỏi lưu thông” thường được nhiều người nhắc đến. Trên thực tế, việc này cần một điều kiện tiền đề quan trọng: sự can thiệp của chính phủ, dùng uy lực cưỡng chế để quy định tiền xấu có giá trị ngang với tiền tốt. Trên thị trường tự nhiên, tình hình lại hoàn toàn ngược lại, tiền tốt tất nhiên sẽ đẩy lùi tiền xấu khỏi lưu thông, bởi vì trên thị trường, chẳng có ai muốn chấp nhận tiền xấu cả.

Khi Trung Quốc lưu hành đồng giấy bạc và đồng giấy vàng, trên thị trường vẫn lưu thông đồng nhân dân tệ phổ thông. Chính phủ cần quy định rõ các khoản thuế phải được nộp bằng đồng vàng và đồng bạc Trung Quốc, và thị trường có thể tự do lựa chọn đồng bạc, đồng vàng Trung Quốc hoặc đồng nhân dân tệ phổ thông để định giá, còn thị trường tài chính sẽ căn cứ vào mối quan hệ cung cầu để quyết định tỉ giá giữa đồng vàng – đồng bạc Trung Quốc với đồng nhân dân tệ phổ thông. Lúc này, người ta sẽ nhận thấy rằng, sức mua trong tín dụng của đồng nhân dân tệ phổ thông do Ngân hàng thương mại phát hành sẽ giảm sút so với đồng giấy vàng – đồng giấy bạc Trung Quốc. Tỉ giá của hai loại tiền tệ sẽ thể hiện một cách rõ nét thông tin này trên thị trường tài chính.

Bộ tài chính cần phải là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát cuối cùng đối với việc phát hành của đồng giấy vàng – đồng giấy bạc Trung Quốc chứ không phải là hệ thống ngân hàng thương mại. Nguyên nhân rất đơn giản: người dân là những người sáng tạo ra của cải, và của cải đó phải thuộc về họ, tư nhân không được phép lũng đoạn và can thiệp vào việc phát hành tiền tệ.

Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sẽ từng bước giảm sút trong khi đồng giấy vàng bạc của Trung Quốc mạnh lên. Tuy nhiên, trên thực tế, cái vòng giảm béo GDP này không thể không có được.

Khi lượng phát hành ngày càng lớn thì đồng giấy vàng và bạc Trung Quốc nhất định sẽ trở thành tiêu điểm chú ý của giới tài chính thế giới. Do có thể hoán đổi tự do thành vàng hoặc bạc nên đồng giấy vàng và bạc Trung Quốc sẽ là thứ tiền tệ vững mạnh nhất trên thế giới và sẽ trở thành tiền tệ dự trữ được lựa chọn hàng đầu của các nước trên thế giới trong thời đại “hậu đô-la Mỹ”.

Của cải vốn dĩ tự động chảy về nơi có thể bảo vệ nó và khiến nó tăng giá trị. Với sức sáng tạo ra của cải hùng mạnh và đồng tiền ổn định, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm tích tụ nguồn tài sản của thế giới.

CHÚ THÍCH

(1) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 10.

(2) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 15

(3) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 143.

PHỤ LỤC

1. Trung Quốc mở cửa thị truờng tài chính

Rủi ro lớn nhất của việc mở cửa thị trường tài chính Trung quốc là thị trường này thiếu ý thức “phòng bị chiến tranh”.

Vấn đề mà đại đa số học giả và những người hoạch định chiến lược quan tâm khi nghiên cứu vấn đề rủi ro của việc mở cửa tài chính Trung Quốc là rủi ro về mặt “chiến thuật”. Ví dụ, rủi ro của việc ngân hàng nước ngoài đầu tư khống chế thị trường chứng khoán, rủi ro quản lý của các tổ chức tài chính, rủi ro thị trường cho vay bất động sản, rủi ro mở cửa thị trường tài khoản tư bản, rủi ro đồng nhân dân tệ tăng giá, rủi ro mất kiểm soát bên trong của ngân hàng quốc hữu, rủi ro của thị trường sản phẩm phái sinh tài chính, rủi ro xung đột của thoả thuận Basel v.v… Thực ra, rủi ro lớn nhất của việc mở cửa tài chính bất nguồn từ cấp độ chiến lược”, vì về bản chất, một khi Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính thì nước này cũng đã tham gia vào “cuộc chiến tranh tiền tệ”. Thiếu ý thức và sự chuẩn bị cho chiến tranh là rủi ro lớn nhất trước mắt của Trung Quốc!

Hiểu việc mở cửa thị trường tài chính cũng giống như mở cửa các ngành nghề bình thường là một điều cực kỳ nguy hiểm.

Tiền tệ là một loại hàng hoá, nhưng khác với các loại hàng hoá khác. Nó là thứ hàng hoá mà mọi ngành nghề, mọi tổ chức, mọi cá nhân đều cần đến. Khống chế phát hành tiền tệ là hình thức cao nhất trong các hình thức lũng đoạn tài chính!

Việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc vốn dĩ do chính phủ khống chế, chỉ có cách này mới có thể đảm bảo sự công bằng cơ bản trong tổ chức xã hội. Ngay sau khi các ngân hàng nước ngoài tiến vào Trung Quốc, quyền phát hành tiền tệ của nước này sẽ ở vào tình thế nguy hiểm.

Mọi người sẽ cho rằng tiền tệ của Trung Quốc là tiền giấy nhân dân tệ, chỉ có chính phủ mới có thể in ấn và phát hành tiền tệ, và bản thân các ngân hàng nước ngoài làm sao có thể in được đồng nhân dân tệ của mình. Thực ra, các ngân hàng nước ngoài vốn dĩ chẳng cần in ấn đồng nhân dân tệ cũng vẫn có thể “sáng tạo” ra nguồn cung ứng tiền tệ. Họ sẽ đem theo một lượng lớn sản phẩm tài chính “mới toanh” vào Trung Quốc, khiến người ra phải hoa mắt bối rối. Họ dùng các phương thức sáng tạo ra công cụ nợ và tiền tệ hoá các sản phẩm mà họ đem theo. Đây chính là “tính lưu động” của sản phẩm tương tự như tiền tệ. Những loại sản phẩm tài chính này hoàn toàn có đầy đủ sức mua của tiền tệ trong lĩnh vực kinh tế thực thể. Từ góc độ này có thể nói, ngân hàng nước ngoài sẽ tham dự vào sự phát hành tiền tệ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Khi tổng lượng tín dụng bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng nước ngoài “sáng tạo” ra vượt quá mức của ngân hàng thương mại quốc doanh thì trên thực tế họ có thể đủ sức “treo cổ” Ngân hàng trung ương Trung Quốc, khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc! Họ sẽ có đủ năng lực và mưu đồ để khống chế dao động cung ứng tiền tệ một cách đầy ác ý. Họ sử dụng khéo léo công cụ lạm phát tiền tệ và siết chặt tiền tệ để tước đoạt tài sản của người dân Trung Quốc, giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong lịch sử.

Khi các thế lực ngân hàng nước ngoài ngày càng mạnh, họ sẽ thông qua các hình thức giao dịch giữa tiền và quyền, giữa tiền với tiền, giữa tiền bạc và danh dự, giữa tiền bạc và học thuật để hình thành nên một thế trận “liên hợp hùng mạnh” của “tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp” chưa từng có ở Trung Quốc. Họ sẽ cung cấp tín dụng để tưởng thưởng cho các cơ quan địa phương “tâm đầu ý hợp” với họ, sẽ dùng tiền tài và sắc dục để “bồi dưỡng” những ngôi sao chính trị mới “có tiềm lực” nhằm mong nhận được sự báo đáp về mặt chính trị trong tương lai lâu dài. Họ sẽ thông qua các quỹ đầu tư nghiên cứu học thuật để “khuyến khích và ủng hộ” các thành tựu nghiên cứu có lợi cho họ. Họ sẽ tài trợ một lượng lớn kinh phí cho các tổ chức xã hội để tác động đến các chương trình nghị sự chung, từ đó mà hình thành nên “một ý thức hệ“ lớn mạnh từ trên xuống dưới. Họ sẽ hào phóng ủng hộ sự hoạt động theo hướng thị trường hoá của các giới truyền thông để phản ánh “sự phê bình tích cực” của xã hội đối với ngân hàng nước ngoài. Họ sẽ sử dụng vốn đầu tư để báo đáp lại những tổ chức xã hội có ích cho họ, sẽ mạnh tay đầu tư vào ngành y tế, bao gồm cả y học cổ truyền núp bóng một cách có hệ thống, từng bước tiến hành xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, hệ thống pháp luật, thậm chí là hệ thống quân đội. Quan điểm của họ à, trong một xã hội hàng hoá sẽ không có ai có đủ sức “miễn dịch” đối với tiền bạc.

Các thế lực ngân hàng nước ngoài sẽ còn thông qua đầu tư để khống chế các ngành nghề quốc hữu nòng cốt như: viễn thông, dầu mỏ, giao thông, hàng không, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, vì chẳng có quy định pháp luật nào ngăn cản các ngành này rơi vào tay của các ngân hàng nước ngoài. Một khi trở thành người cung cấp các khoản vốn chủ yếu của các ngành nắm quyền khống chế trong nền kinh tế của Trung Quốc, các ngân hàng nước ngoài sẽ nắm giữ mạch máu các “tài sản cốt lõi” này của Trung Quốc. Họ có thể cắt đứt dây chuyền vốn của các doanh nghiệp trọng yếu này bất cứ lúc nào, từ đó dẫn đến sự tê liệt của ngành sản xuất trọng tâm của Trung Quốc.

Các ngân hàng nước ngoài vào Trung Quốc đương nhiên là để kiếm tiền, nhưng không nhất định phải kiếm tiền theo cách bình thường.

Rủi ro chiến lược mà việc mở cửa tài chính phải đối mặt không hề đơn giản như bản thân của ngành tài chính mà nó bao hàm toàn bộ các phương diện của xã hội Trung Quốc. Chỉ cần có một chút bất trắc thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều đáng tiếc là trong danh sách các ngành quốc doanh được Trung Quốc bảo hộ, tuyệt nhiên không có ngành tài chính, một ngành đáng ra phải được bảo hộ trọng điểm nhất. Trước mắt, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hoàn toàn không phải là đối thủ của các nhà tài phiệt ngân hàng Âu – Mỹ đã từng “lăn lộn giang hồ“ hơn hai trăm năm. Điều này chẳng khác nào bắt một môn sinh nhập môn đi đọ sức với nhà vô địch, chẳng cần phải tưởng tượng quá nhiều thì người ta cũng biết được kết quả cuối cùng của cuộc đọ sức ấy.

Do rủi ro chiến lược của việc mở cửa tài chính sẽ liên quan đến toàn cuộc cho nên các cơ quan quản lý như uỷ ban giám sát ngân hàng, uỷ ban giám sát chứng khoán, uỷ ban giám sát bảo hiểm đã không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề để giám sát rủi ro chiến lược từ việc mở cửa này. Cho nên chính phủ Trung Quốc cần phải xây dựng một “uỷ ban an toàn tài chính quốc gia” để thống nhất ba tổ chức này lại với nhau, và trực thuộc quản lý của cấp hoạch định chiến lược; tăng cường sức mạnh nghiên cứu tình báo tài chính, tăng cường công tác nghiên cứu phân tích các phương diện như bối cảnh nhân viên, điều động vốn, chiến lược đối với ngân hàng nước ngoài; xây dựng chế độ phân cấp bảo mật an toàn tài chính quốc gia, những người nắm quyền hoạch định chiến lược tài chính quốc gia cần phải được sát hạch thông qua chế độ này. Cần phải cân nhắc đến việc tiến hành “hạn chế lỏng” đối với các ngành nghề mà ngân hàng nước ngoài có thể với đến; xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đột ngột cho Trung Quốc, và tiến hành cử duyệt định kỳ.

An toàn tài chính đối với Trung Quốc là một vấn đề cần phải giám sát nghiêm ngặt hơn cả vũ khí hạt nhân chiến lược. Trước khi chưa xây dựng được một cơ chế kiểm soát an toàn tài chính, việc chính phủ mở cửa thị trường tài chính chẳng khác nào đang xây con đường để rước hoạ vào nhà.

2. Cần chủ quyền tiền tệ hay là cần ổn định tiền tệ?

Chủ quyền tiền tệ là một trong những quyền cơ bản nhất không thể tước đoạt của một quốc gia có chủ quyền. Nó trao trách nhiệm cho một quốc gia có chủ quyền hoạch định chính sách phát hành tiền tệ căn cứ vào tình hình của nước mình. Chủ quyền tiền tệ đương nhiên cao hơn tất cả các quyền lợi ngoại lai khác, bao gồm tất cả các thông lệ quốc tế và các thoả thuận quốc tế, cũng như các áp lực chính trị bên ngoài.

Chủ quyền tiền tệ chỉ phải phục vụ cho lợi ích căn bản của người dân bản quốc.

Bảo vệ duy trì ổn định tiền tệ tức là bảo vệ và duy trì ổn định giá trị tiền tệ của một nước trong hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm tạo ra một môi trường sinh thái phát triển, nền kinh tế thông thoáng và bình ổn cho các ngành nghề quốc nọl.

Hiện tại, cái khó của Trung Quốc nằm ở chỗ họ chỉ có thể lựa chọn hoặc chủ quyền tiền tệ hoặc ổn định tiền tệ. Nếu chọn bảo vệ chủ quyền của đồng Nhân dân tệ thì nước này sẽ đối mặt với hậu quả đồng Nhân dân tệ tăng giá, còn nếu theo đuổi sự ổn định cơ bản về tỉ suất hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng đô-la Mỹ thì sẽ mất đi chủ quyền tiền tệ. Chính sách hiện tại của Trung Quốc là để phát triển kinh tế không thể không theo đuổi sự ổn định tiền tệ và gạt bỏ chủ quyền tiền tệ. Cái nguy của cách lựa chọn này nằm ở chỗ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang can dự rất nhiều vào lượng cung ứng tiền tệ của Trung Quốc. Do Trung Quốc chọn chế độ kết hối cưỡng chế nên Mỹ có thể tăng cường thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc để ép Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải phát hành thêm tiền tệ môi. Với sự giúp đỡ của ngân hàng thương mại, khoản tiền phát hành thêm này sẽ được nhân bản lên gấp hàng trăm nghìn lần, lạm phát tràn lan, thị trường bất động sản và cổ phiếu rơi vào trạng thái bùng nổ kiểu bong bóng, làm xấu đi trầm trọng môi trường sinh thái tài chính của Trung Quốc. Để bình ổn lạm phát, chính phủ và ngân hàng trung ương lại phải phát hành thêm công trái quốc gia và ngân phiếu định mức của ngân hàng trung ương để rút lại số tiền thừa mứa trong lưu thông. Nhưng hành động này lại làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của chính phủ, mà những khoản nợ này sớm muộn gì cũng phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

Một chiến lược tài chính hoàn toàn bị động như vậy quả thật là cực kỳ bất lợi đối với Trung Quốc. Nếu đồng đô-la Mỹ vẫn còn ở địa vị tiền tệ tích luỹ của thế giới thì Trung Quốc không thể thoát khỏi được cục diện này. Về cơ bản, việc thúc đẩy quá trình tiền tệ hoá vàng là phương pháp duy nhất để tạo ra môi trường sinh thái tài chính tự do, công bằng và hài hoà cho các nước trên thế giới. Trong tình hình thị trường tỉ suất hối đoái quốc tế dao động dữ dội, cái giá kinh tế mà các quốc gia trên thế giới phải trả quả thực là hết sức đắt đỏ và đau đớn, đặc biệt là các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản càng chịu tổn thương nặng nề hơn. Nếu một bước khó có thể thành công ngay, thì các nước cũng phải cố gắng thúc đẩy tiến trình đa nguyên hoá tiền tệ tích luỹ của thế giới với sách lược chia để trị.

3. Tiền tệ tăng giá và chứng “rối loạn nội tiết” của hệ thống tài chính

Nhật Bản được xem là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất những hậu quả kinh tế và xã hội của việc tiền tệ tăng giá dữ dội. Nền kinh tế Nhật Bản tiêu điều trong thời gian dài, đương nhiên có nhân tố khách quan nội tại của nó, nhưng việc thiếu chuẩn bị tư tưởng đối với cuộc chiến tranh tài chính” mà Mỹ phát động một cách đột ngột cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Năm 1941, Nhật Bản đã phát động sự kiện “đánh úp Trân Châu cảng”, khiến cho quân Mỹ chẳng kịp trở tay, còn nước Mỹ đã đáp lại Nhật Bản bằng một cuộc “chiến tranh chớp nhoáng về tài chính” vào năm 1990, tức là sau gần nửa thế kỷ, và như vậy, đôi bên xem như đã hoà.

Kitsusengenchu – tác giả cuốn sách “Thất bại tài chính” xót xa cho rằng, nếu căn cứ theo tỉ lệ tổn thất của cải mà nói, hậu quả của thất bại tài chính năm 1990 của Nhật Bản gần như tương đương với tổn thất mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã gây ra cho nước này.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng giống như nhau, đều là những quốc gia điển hình ra sức sáng tạo của cải vật chất bằng sức lực của mình, luôn giữ một thái độ hoài nghi đối với những khái niệm của cải tài chính mơ hồ. Logic thất bại tài chính của Nhật Bản rất đơn thuần; những sản phẩm giá rẻ chất lượng cao do nước này sản xuất ra giống như kẻ phá bĩnh trên thị trường đầy cạnh tranh, còn ngành ngân hàng của họ khi đó đã từng được xếp vào hàng có số má, ngạo mạn với thiên hạ khi nắm giữ vị trí quốc gia dự trữ ngoại hối hàng đầu và chủ nợ hàng đầu. Từ năm 1985 đến năm 1990, nền kinh tế quốc nội và mậu dịch xuất khẩu của Nhật Bản phát triển đến mức cực thịnh, thị trường cổ phiếu, bất động sản năm nào cũng tăng giá, thu về những khoản lớn vốn đầu tư nước ngoài, còn sự tự tin của người Nhật cũng tăng lên mức chưa từng thấy, cứ như thể họ đã qua mặt được Mỹ cả hàng chục năm trời vậy. Nhật không hề có ý thức đối với chiến tranh tài chính, thậm chí họ còn lạc quan hơn cả Trung Quốc hiện nay. Nhật Bản cũng vượt xa Trung Quốc về khoản giàu có.

Ý nghĩa của câu nói “vong chiến tất nguy” (nếu lơ là cảnh giác thì sẽ rất nguy hiểm) đối với Nhật Bản ngày hôm qua vẫn còn nguyên giá trị đối với Trung Quốc hôm nay.

Tỉ suất hối đoái 1 đô-la Mỹ ăn 250 yên Nhật khi “thoả thuận Plaza” được ký năm 1985, đã thành 1 đô-la Mỹ ăn 200 yên Nhật, tính ra đồng đô-la Mỹ đã mất giá đến 20%. Vậy nhưng, đến năm 1987, tỉ lệ này chỉ còn 1 đô-la Mỹ ăn 120 yên Nhật, hay nói cách khác, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, giá đồng yên Nhật đã tăng gấp đôi – một sự biến đổi lớn của môi trường tài chính của một nước. Đối với nền kinh tế Nhật, hậu quả của sự thay đổi tỉ suất hối đoái nhanh và mạnh như vậy chẳng khác nào sự biến đổi đột ngột của thời kỳ băng hà (khiến khủng long tuyệt chủng).

Các bậc thầy tài chính Mỹ sớm biết rõ rằng, nếu ép cho đồng yên Nhật tăng giá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn thì cũng chẳng khác nào ép nước Nhật uống thuốc kích thích với liều lượng quá mức. Hậu quả tất yếu là khiến cho nền kinh tế Nhật Bản xuất hiện triệu chứng rối loạn “nội tiết hệ thống tài chính” nghiêm trọng. Nếu ép được Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp dưới 2,5% trong hơn hai năm thì hiệu quả của liều thuốc kia càng tuyệt vời hơn. Quả nhiên, nền kinh tế Nhật Bản đã mất cân bằng trong việc điều tiết tài chính và dưới sự kích thích của liều kích thích tố kia. Những miếng mỡ như thị trường cổ phiếu, bất động sản tăng lên nhanh chóng, các tổ chức mô cơ của các bộ phận sản xuất vật chất và ngành xuất khẩu bị teo rút nghiêm trọng, sau đó hàng loạt các triệu chứng như lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện định kỳ, gây nên các chứng bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành nơi quả tim của nền kinh tế (hệ thống tài chính). Để thúc đẩy các căn bệnh kia sớm phát tác, năm 1987, các nhà ngân hàng ở Ngân hàng thanh toán quốc tế đã nghiên cứu ra một loại biệt dược mới cho Nhật Bản – thoả thuận Basel – với yêu cầu tỉ lệ vốn tự có của các ngân hàng có nghiệp vụ quốc tế phải tăng lên từ 8% trở lên, và Mỹ cùng với Anh là hai nước hăng hái ký trước vào bản thoả thuận, sau đó ép Nhật Bản và các nước khác cũng phải ký vào, nếu không các ngân hàng ở các nước này không thể tiến hành giao dịch với các ngân hàng Anh – Mỹ trên thị trưởng tài chính quốc tế.

Vấn đề tồn tại phổ biến của các ngân hàng Nhật Bản là nguồn vốn tự có thấp, nên chỉ còn cách dựa vào sự gia tăng vốn ngoài sổ sách, tức là vốn được hình thành từ sự tăng giá cổ phiếu ngân hàng, thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn.

Vốn dựa dẫm quá nhiều vào sự tăng giá cả cổ phiếu và thị trường bất động sản, nên hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã để hở sườn non dưới lưỡi kiếm sắc bén của cuộc chiến tài chính do Mỹ phát động. Ngày 12 tháng 1 năm 1990, Mỹ đã sử dụng đòn tấn công chiến lược “kiểu tên lửa hành trình” vào thị trường cổ phiếu Tokyo của Nhật Bản.

Bệnh tim và bệnh động mạch vành của hệ thống tài chính Nhật không chịu đựng nổi những đòn tấn công dữ dội này, cuối cùng nền kinh tế Nhật Bản đã trúng gió và sau đó là chứng liệt nửa người kéo dài suốt 17 nằm.

Ngày nay, các bác sĩ tài chính của Mỹ lại “nhiệt tình và cấp thiết” đem phương thuốc này giới thiệu đến Trung Quốc, tuy nhiên, có điều khác là, cơ thể nền kinh tế Trung Quốc còn xa mới bằng được nền kinh tế Nhật Bản năm đó, nếu uống liều thuốc này vào thì chỉ e Trung Quốc không chỉ “bại liệt” một cách đơn giản như Nhật. Thậm chí, Nhật Bản còn nóng lòng hơn cả Mỹ, muốn xem xem Trung Quốc uống liều thuốc này vào thì kết cuộc sẽ có phản ứng ra sao.

Hiện tại, những biểu hiện ban đầu của nền tài chính Trung Quốc rất giống với Nhật Bản những năm 1985-1990.

4. Tạo thế bình đẳng khi tham chiến

“Thông lệ quốc tế” hiện đang là một thuật ngữ khá thịnh hành, đến mức nhiều người tưởng rằng, chỉ cần tuân thủ theo “thông lệ quốc tế” thì thế giới từ đây về sau sẽ thái bình, còn việc mở cửa tài chính là chuyện thư thái bình thản giống như vui thú điền viên vậy, chẳng có gì phải lo. Cách nghĩ lan man trên trời dưới đất kiểu này chỉ e là sẽ hại nước hại dân.

“Thông lệ quốc tế” được hình thành thông qua sự thao túng của các nhà ngân hàng quốc tế có địa vị lũng đoạn. Trong những điều kiện nhất định, họ cũng có thể chế tác ra một bộ “thông lệ quốc tế” bịt kín việc mở rộng phạm vi sinh tồn của ngành ngân hàng Trung Quốc. Thủ đoạn này đang trở thành thứ vũ khí hiệu quả để loại bỏ đối thủ trong cạnh tranh tài chính của các ngân hàng Anh – Mỹ.

Thoả thuận Basel đã đánh bại xu thế khuếch trương của ngành tài chính Nhật Bản năm đó, nay đã thay đầu đổi mặt nâng cấp lên thành thoả thuận Basel năm 2004. Tương tự như những gì đã làm với Nhật Bản, thoả thuận này rất có thể sẽ được các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế dùng làm công cụ để cản trở ngành tài chính Trung Quốc phát triển ra nước ngoài.

Một số quốc gia phát triển cho rằng, các tổ chức chi nhánh ngân hàng nước ngoài nằm trong biên giới nước họ cần phải đáp ứng được các yêu cầu của thoả thuận Basel thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả quốc gia sở tại của các ngân hàng nước ngoài này cũng cần phải phù hợp với yêu cầu của thoả thuận này, nếu không cũng không thể tồn tại. Những quy định như vậy chắc chắn sẽ làm tăng thêm giá thành hoạt động của tổ chức chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài này. Đối với Trung Quốc, một nước vừa mới bước chân vào ngành tài chính thế giới, việc phải đáp ứng hết những yêu cầu hà khắc như thoả thuận Basel đề ra thì chẳng khác nào rút củi dưới đáy nồi. Nói cách khác, nếu các ngân hàng bản địa của Trung Quốc không thực hiện thoả thuận Basel thì khả năng các ngân hàng này ở Mỹ cũng như các chi nhánh của nó ở châu Âu sẽ bị thay đổi thậm chí là bị đóng cửa, mạng lưới tài chính nước ngoài do Trung Quốc vất vả xây dựng nên đang tồn tại nguy cơ bị đánh sập.

Các nhà xây dựng quy tắc trò chơi của ngành ngân hàng Âu – Mỹ chiếm ưu thế cực lớn sẽ dễ dàng phong toả con đường phát triển ra ngoài của ngành tài chính Trung Quốc.

Không chỉ có vậy, các ngân hàng quốc nội của Trung Quốc còn cần phải tuân thủ những thứ được gọi là “thông lệ quốc tế, đang ngáng đường phát triển của mình, mà trong thiên hạ chẳng có quy tắc trò chơi nào bất công hơn thế. Đương đầu với những đối thủ có ưu thế như vậy, chưa kể là còn bị trói chân tay, việc thắng thua của Trung Quốc trong trò chơi này xem như đã định.

Nhận của người mà không đáp lại e là thất lễ.

Đối sách của Trung Quốc chính là, “duy trì lực lượng tác chiến trên mặt trận chính của mình đồng thời liên kết với các lực lượng bên ngoài”. Nếu nước nào đó bất chấp mọi “thông lệ quốc tế” để phong toả chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Trung Quốc, Trung Quốc cũng sẽ bắt chước làm theo, đặt ra các quy định của ngành ngân hàng “mang màu sắc Trung Quốc“ để hạn chế cũng như xoá bỏ sự vận hành của các ngân hàng này tại Trung Quốc. Nhìn lại quá trình Anh – Mỹ trở thành lực lượng chủ đạo của ngành ngân hàng quốc tế, chúng ta dễ thấy rằng việc xây dựng mạng lưới ngân hàng quốc tế là con đường tất yếu. Thay vì ngồi im một chỗ và tuân theo các quy tắc áp đặt từ bên ngoài, ngành ngân hàng Trung Quốc và các ngành khác của nước này phải giữ vững thế công chính diện, trực tiếp mua lại các ngân hàng của Âu – Mỹ hoặc khuếch trương các chi nhánh, xây dựng nên mạng lưới tài chính rộng khắp thế giới của chính Trung Quốc, theo kiểu học chiến tranh từ trong lòng chiến tranh.

Nếu ngành ngân hàng Trung Quốc gặp phải trở lực trong việc mua lại hoặc khuếch trương ở nước ngoài, thì Trung Quốc cũng đừng ngại áp dụng những nguyên tắc này để hành xử với những ngân hàng của các nước tại Trung Quốc.

5. Giữ vàng hơn giữ ngoại tệ

Trước xu thế đồng đô-la Mỹ trượt giá dài hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã kiến nghị cần phải tích trữ ngoại tệ để làm giảm rủi ro tổn thất dự trữ ngoại hối của quốc gia. Nếu bãi bỏ chế độ cưỡng chế dự trữ để cho doanh nghiệp trực tiếp khống chế ngoại hối thì Trung Quốc có thể phân tán được rủi ro mất giá của dự trữ ngoại hối quốc gia đồng thời giảm nhẹ áp lực phát hành thêm tiền tệ và tăng giá của đồng nhân dân tệ. Nhưng cách làm này lại làm suy yếu khả năng kiểm soát của quốc gia đối với sự lưu động ngoại hối, làm tăng thêm rủi ro cho cả hệ thống tài chính, cho nên đây không phải là một sách lược toàn vẹn.

So với việc tích trữ ngoại tệ thì tích trữ vàng vẫn hơn.

Về lâu dài, mọi loại ngoại hối đều có xu hướng mất giá so với vàng, chỉ khác nhau ở tốc độ mất giá nhanh hay chậm mà thôi. Nếu muốn đảm bảo sức mua cho khoản tài sản khổng lồ mà Trung Quốc đã tạo ra được thì cách duy nhất là chuyển đổi dự trữ ngoại hối sang dự trữ vàng và bạc. Dao động của giá vàng và bạc quốc tế thực ra cũng chỉ là giả tạo mà thôi, nếu nhìn sâu vào sự dao động này thì còn sợ gì cơn sóng của thị tường tỉ suất hối đoái, vì một khi có hàng vạn tấn vàng, Trung Quốc nghiễm nhiên đã có được đôi đũa thần để dẹp yên mọi biến động.

Về căn bản, việc tích trữ vàng trong dân bảo vệ được sự an toàn tài sản của nhân dân, cho dù lạm phát tiền tệ ở hình thức hàng hoá hay tiền tệ cũng đều không thể ảnh hưởng được sức mua thực sự của họ. Đây là nền tảng tự do kinh tế không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội hài hoà và bình dẳng. Tóm lại, người dân đã lao động tạo ra của cải, họ có quyền quyết định chọn lựa phương thức tích trữ của cải của riêng mình.

Vàng có tính lưu động thuộc đẳng cấp cao nhất trong các loại tiền tệ. Trong hơn 5.000 lịch sử của loài người, vàng không chỉ là hình thức của cải cuối cùng mà bất cứ thời đại nào, nền văn minh nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào, vàng cũng đều được chấp nhận. Nó còn gánh vác trọng trách lịch sử là thước đo cơ bản nhất trong hoạt động kinh tế của xã hội tương lai. Trong lịch sử, người ta từng bốn lần thử tìm cách tước bỏ vai trò hòn đá tảng của vàng trong hệ thống tiền tệ nhằm “phát minh” ra chế độ tiền tệ thông minh hơn, nhưng tất cả đều thất bại. Loài người với bản tính tham lam cố hữu mình sẽ không thành công trong việc dùng ý thức chủ quan của mình để tiêu chuẩn hoá các hoạt động kinh tế.

Tích trữ vàng trong dân để chờ khi thiên hạ có biến động là việc làm cần thiết. Đồng tiền Trung Quốc có vàng đảm bảo giá trị sẽ hiên ngang sánh vai với các đồng tiền khác của thế giới. Và đến lúc đó, nền văn minh Trung Hoa cũng sẽ có dịp cất đầu dậy.

MƯU CHUYỆN LÂU DÀI

Cũng giống như tự do, vàng chưa bao giờ chịu khuất phục đến mức phải hạ thấp giá trị của nó.

Maurier – 1878.

Năm 1850, London được coi là vầng thái dương của hệ thống tài chính thế giới. Năm 1950, New York đã trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Vậy năm 2050, thành phố nào sẽ chiếm ngôi bá chủ tài chính quốc tế?

Kinh nghiệm của loài người trong lịch sử đã chứng tỏ rằng, những quốc gia hoặc khu vực đang nổi luôn tạo ra những giá trị to lớn về của cải vật chất với một sức sản xuất dồi dào hơn nhằm bảo đảm nguồn của cải của mình không bị lực lượng tiền tệ rẻ mạt của kẻ khác tước đoạt mất trong quá trình giao dịch. Những khu vực này luôn có động lực nội tại duy trì nguồn tiền tệ, giống như đồng bảng Anh bằng vàng vững chắc trong thế kỷ 19 hay đồng đô-la Mỹ bằng bạc và vàng thống soái toàn cầu trong thế kỷ 20. Xưa nay, của cải thế giới luôn tự động chảy về nơi có thể đảm bảo giá trị của chúng. Hệ thống tiền tệ vững chắc ổn định lại thúc đẩy mạnh mẽ sự phân công xã hội và sự phân bố hợp lý nguồn vốn cũng như tài nguyên thị trường, từ đó mà hình thành nên kết cấu kinh tế càng có hiệu suất hơn, của cải được sáng tạo ra càng nhiều hơn.

Ngược lại, khi một quốc gia cường thịnh bắt đầu đối mặt với sự phá sản, sức sản xuất của xã hội không ngừng giảm sút, những khoản chi chính phủ hoặc chi phí chiến tranh khổng lồ dần dần vét sạch mọi sự tích luỹ từ trước, chính phủ sẽ bắt đầu chiến lược giảm giá tiền tệ hòng thoát khỏi những khoản nợ chồng chất đồng thời đục khoét của cải của nhân dân. Lúc này, của cải sẽ không thể chảy ngược ra ngoài tìm đến những nơi có thể che chở cho nó.

Việc tiền tệ có vững mạnh hay không đã trở thành một dấu hiệu xuất hiện đầu tiên phản ánh sự thịnh suy của một quốc gia. Năm 1914, khi ngân hàng Anh tuyên bố đình chỉ việc hoán đổi vàng của đồng bảng Anh thì sự hùng mạnh của đế quốc Anh đã một đi không trở lại. Năm 1971, khi Nixon đơn phương đóng cửa thị trường vàng thì thời hoàng kim của Hoa Kỳ chỉ còn là hoài niệm. Nội lực của nước Anh đã tiêu tan một cách nhanh chóng trong khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, còn nước Mỹ thì may mắn có thể duy trì sự phồn vinh trong một khoảng thời gian ngấn khi thế giới không có những cuộc chiến tranh lớn. Nhưng thực tế thì đó chỉ là hiện tượng “mạnh bạo xó bếp” như cha ông ta vẫn thường nói.

Nhìn từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy rằng, quốc gia nào thao túng thị trường, hạ giá tiền tệ hòng lừa gạt chiếm đoạt của cải thì cuối cùng cũng sẽ bị của cải đè bẹp.

1. Tiền tệ: Thước đo của kinh tế thế giới

Tiền tệ là thước đo cơ bản nhất, hạt nhân nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, vai trò của tiền tệ cũng giống như các đại lượng đo lường quan trọng nhất như kilogam, mét, giây trong thế giới vật lý vậy. Mỗi một hệ thống tiền tệ đều dao động mãnh liệt mỗi ngày, và giống như định nghĩa kilogam, mét, giây, hệ thống tiền tệ cũng chứa đựng những sai lầm và vô lý.

Nếu có thước đo trong tay mà độ dài ngắn ngày này chẳng giống ngày kia thì các công trình sư phải làm thế nào để thi công một toà cao ốc cao đến mấy chục tầng? Và cho dù là xây dựng được đi nữa thì ai dám vào ở?

Nếu như tiêu chuẩn thời gian tính bằng giây trong thi đấu thể thao cứ thay đổi xoành xoạch một cách tuỳ tiện thì vận động viên làm sao có thể thực hiện việc so sánh thành tích thi đấu ở những cuộc đấu khác nhau?

Nếu như quả cân tiêu chuẩn của một thương gia vốn được mọi người tin dùng nhưng mỗi ngày lại được chủ nhân của nó thay đổi một chút (khiến cân không còn ổn định và chính xác nữa), thì còn ai dám làm ăn với ông ta?

Một trong những vấn đề căn bản của kinh tế thế giới ngày nay chính là không có một tiêu chuẩn đo lường tiền tệ ổn định và hợp lý, do đó chính phủ không thể tính toán chính xác quy mô của đời sống kinh tế, doanh nghiệp khó phán đoán chính xác tính hợp lý trong đầu tư dài hạn, bất cứ sự quy hoạch dài hạn nào của người dân đối với tài sản đều mất đi hệ tham chiếu an toàn. Vai trò của tiền tệ đối với nền kinh tế dưới sự thao túng tuỳ tiện và võ đoán của các ngân hàng đã làm sai lệch sự phân phối hợp lý của nguồn vốn thị trường một cách nghiêm trọng.

Khi tính toán lợi nhuận của việc đầu tư cổ phiếu, công trái, bất động sản, sản xuất, mậu dịch hàng hoá, hầu như mọi người chẳng thể nào hạch toán chính xác lợi nhuận đầu tư, bởi vì rất khó tính được mức độ co lại trong sức mua của tiền tệ.

Từ năm 1971, sau khi thoát ly hoàn toàn khỏi vàng, sức mua của đồng đô-la Mỹ đã giảm xuống 94,4%, một đô-la Mỹ ngày nay chỉ đáng giá bằng 5,6 cent của thời kỳ đầu những năm 70.

“Hộ một vạn đồng“ là tiêu chí giàu có trong thập niên 80 ở Trung Quốc, còn trong thập niên 90, thuật ngữ này chỉ mức bình quân thu nhập thành thị, theo đó, giờ đây, người nào có mức thu nhập gia đình hàng năm vào khoảng một vạn đồng thì đã có thể được xếp vào loại “hộ nghèo”.

Các nhà kinh tế học chỉ “quan tâm” tới mức độ lạm phát của vật giá tiêu dùng, nhưng hiện tượng lạm phát tiền tệ tư sản cao đến mức khiến người ta khiếp sợ thì lại chẳng có ai chú ý. Chế độ tiền tệ như vậy là sự nghiêm trị tàn khốc đối với người tích luỹ, và điều này giải thích lý do tại sao cho dù thị trường cổ phiếu và bất động sản hết sức nguy hiểm nhưng nếu không đầu tư, người ta sẽ càng lâm vào cảnh nguy hiểm hơn.

Khi mua nhà, người mua được ngân hàng cấp cho một tờ giấy được gọi là biên nhận nợ. Các ngân hàng chẳng có nhiều tiền nhưng lại có thể tạo ra tiền, và tờ biên lai nợ lập tức bị hệ thống ngân hàng “tiền tệ hoá” khiến cho lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường tăng lên chóng mặt, đẩy mức vật giá bình quân của toàn xã hội lên cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất. Cho nên, khi không có các khoản vay bất động sản thì giá nhà không thể có mức cao như vậy, và mặc dù ngân hàng tuyên bố rằng họ giúp người dân gánh vác chi phí nhà ở, nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.

Các khoản cho vay bất động sản của ngân hàng cũng chẳng khác gì khoản thu nhập trong 30 năm tới của người dân bỗng dưng “bốc hơi” trong chốc lát. Và như vậy, giá nhà cửa, trị trường cổ phiếu, thị trường tín dụng có lý nào không tăng đột biến? Ngay sau khi mọi của cải tích luỹ trong 30 năm tới của người dân bốc hơi hết, giá bất động sản cũng trở nên cao chót vót tới mức người có thu nhập bình thường không thể nào với tới được. Nhằm giúp người dân có thể gánh vác được những khoản nợ và đối chọi với tình hình căng thẳng về giá bất động sản, các nhà ngân hàng đã thí điểm “sự cách tân vĩ đại” của “khoản nợ bất động sản suốt đời” tại Anh và Mỹ.

Nước Anh đã đưa ra khoản vay bất động sản đến 50 năm, còn ở bang California của Mỹ, người ta đang chuẩn bị thử nghiệm việc thế chấp tài sản kéo dài 45 năm. Và nếu như việc thí điểm này thu được thành công thì các khoản tiền tệ vay mượn sẽ xuất hiện với quy mô lớn hơn, thị trường bất động sản sẽ chào đón một “mùa xuân xán lạn” hơn, trong khi những người vay nợ ngân hàng sẽ bị trói chặt suốt đời vào các khoản nợ này, còn những người không mua nhà thì càng nghèo xơ xác. Vậy nếu như bữa tiệc nợ 50 năm của dân vẫn không thể làm no bụng các nhà ngân hàng thì sao? Chỉ e rằng, sẽ có ngày các hình thức “vay khế chấp vượt thời đại” theo kiểu “nợ cha con trả”, “nợ ông cháu trả“ cũng sẽ được tạo ra.

Trong khi khoản dự trữ ngoại hối 1 nghìn tỉ đô-la khiến người ta hân hoan thì các nhà tài phiệt ngân hàng lại cần phải phát hành thêm 8 nghìn tỉ nhân dân tệ để mua những “biên lai nợ của nước Mỹ”. Nếu đi vào lưu thông trong hệ thống ngân hàng thì toàn bộ số tiền phát hành thêm này sẽ được phóng đại lên gấp 6 lần. Nói chung là cần phải hoàn trả lãi suất công trái quốc gia, nhưng vấn đề là ai sẽ hoàn trả? Câu trả lởi là: người dân đóng thuế.

Khi giáo dục và y tế cũng được tiến hành “công nghiệp hoá” và chốc lát biến thành “tài sản độc chiếm” trong chế độ tài nguyên công cộng của toàn xã hội thì lợi nhuận của nó có lý nào không tăng vọt?

Trong khi chứng cứ giao dịch giữa các công ty trở thành loại “giấy nợ”, ngân hàng sẽ thu mua những thứ “giấy nợ” này với một mức chiết khấu nhất định để làm “tài sản” của ngân hàng, đồng thời “sáng tạo ra” tiền tệ mới.

Trong khi người dân dùng thẻ tín dụng để chi tiêu thì mỗi một tờ giấy có chữ ký phía sau đều trở thành một tờ giấy nợ, mỗi tờ giấy nợ đều trở thành “tài sản” của ngân hàng, mỗi khoản “tài sản” của ngân hàng đều trở thành tiền tệ phát hành thêm, hay nói cách khác, mỗi lần quét thẻ là một lần người ta tạo ra tiền tệ mới.

Nợ, nợ, và nợ. Đồng nhân dân tệ đang trượt nhanh xuống vực sâu của đồng tiền nợ.

Nhưng điều khác với Mỹ là Trung Quốc chưa có thị trường công cụ tài chính phái sinh “phát đạt” như của Mỹ để có thể hấp thu những khoản tiền phát hành thêm này. Sự tràn lan có tính lưu động này sẽ tập trung vào thị trường bất động sản và thị trường tín dụng hay cổ phiếu, hầu như chẳng có thủ đoạn nào có thể khống chế hiệu quả nạn “lạm phát tiền tệ tư sản siêu cấp” trong những lĩnh vực này. Câu chuyện thần thoại về thị trường cổ phiếu, sự nóng bỏng của bất động sản năm đó của Nhật sẽ tài hiện ở Trung Quốc.

Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang chờ đợi một vở kịch hay từ quả bóng siêu hạng của nền kinh tế Đông A khác. Khi nói rằng nền kinh tế Trung Quốc khó làm nên trò trống gì, chẳng phải là bà Thatcher đang muốn hù doạ hay sao? Mà kiến thức của những người như bà về nền kinh tế bong bóng này có thể nói là rất sâu rộng. Trong khi quả bong bóng tiền tệ nợ phình lên đến mức độ nhất định, các nhà kinh tế học nổi tiếng quốc tế sẽ từ các xó xỉnh chui ra, những tin tức phản diện và lời cảnh báo đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành các tiêu đề lớn xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông chính của thế giới. Và lúc này, các sát thủ kinh tế đã không còn nhẫn nại sẽ cùng nhau xông lên như bầy ác thú khiến cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hồn lạc phách xiêu.

Một khi chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền vay nợ được giải phóng, sự phân hoá giàu nghèo trên thế giới được xác định, trong xã hội sẽ xuất hiện những người chuyên đi vay tiền ngân hàng mua sắm của cải để hưởng thụ “lợi ích” của lạm phát lưu thông tiền tệ, Ngay sau khi chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền vay nợ lũng đoạn được “thông lệ“ của ngân hàng quốc tế, trong khi những người dân tích luỹ mất đi các công cụ để bảo vệ tài sản của mình thì các ngân hàng lại là những người gặt hái được nhiều lợi nhuận nhất.

Tiền nợ và chế độ dự trữ vàng cục bộ sẽ tạo ra “n” sự mất giá của loại tiền tệ “giấy nợ + sự hứa hẹn” này, với “thước đo liên tục mất giá như vậy, thì nền kinh tế làm sao có thể đủ sức phát triển ổn định và hài hoà được?

Trong thời đại mà cụm từ “tiêu chuẩn hoá“ luôn thường trực trên môi người đời nhưng lại không có bất cứ chuẩn mực nào trong việc đo lường tiền tệ thì điều này chẳng phải là ngớ ngẩn hay sao?
Trong khi bản chất của chế độ dự trữ vàng cục bộ và tiền tệ nợ được chúng ta thấu hiểu thì sự hoang đường của nó cũng sẽ lộ rõ.

Không có một thước đo tiền tệ ổn định thì không thể có được nền kinh tế phát triển cân bằng, không thể có được nguồn vốn thị trường được phân phối hợp lý, và đương nhiên sẽ tạo nên sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, khiến cho của cải của xã hội dần rơi vào tay ngành tài chính, việt xã hội trở nên hài hoà chỉ có thể là điều huyễn hoặc mà thôi.

2. Vàng và bạc: Bùa ổn định giá cả

Ngày 13 tháng 7 năm 1974, tạp chí The Economist đã đăng tải một bản báo cáo thống kê vật giá trong suốt thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh khiến người ta phải kinh ngạc.

Trong khoảng thời gian 250 năm từ năm 1664 đến năm 1914, dưới sự vận hành của bản vị vàng, vật giá tại Anh đã duy trì được xu thế bình ổn và giảm nhẹ. Trong thế giới ngày nay, không thể nào tìm ra một quốc gia thứ hai có thể duy trì chỉ số vật giá bình ổn lâu dài và liên tục không ngừng như vậy.

Sức mua của đồng bảng Anh được đảm bảo tính ổn định đáng kinh ngạc. Nếu chỉ số vật giá của năm 1664 được xác lập là 100, thì trừ thời kỳ chiến tranh Napoleon (năm 1813) có mức vật giá tăng tạm thời đến 180, trong khoảng thời gian còn lại chỉ số vật giá đều thấp hơn tiêu chuẩn của năm 1664.

Khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, chỉ số vật giá của Anh là 91. Hay nói cách khác, dưới thể chế của bản vị vàng, sức mua của một đồng bảng Anh tại thời điểm năm 1914 còn mạnh hơn một đồng bảng Anh của 250 năm trước (năm 1664).

Dưới chế độ bản vị vàng và bạc, tình hình giá cả cũng tương tự như vậy. Năm 1787, Điều 8 Chương 1 hiến pháp Mỹ trao quyền cho Quốc hội phát hành và định giá tiền tệ.

Điều 10 quy định rõ ràng, tất cả các bang không được dùng bất cứ một loại tiền tệ nào không được quy định ngoài vàng và bạc để chi trả nợ nần, từ đó đã xác định rõ tiền tệ của Mỹ cần phải lấy vàng và bạc làm cơ sở. “Pháp lệnh tiền đúc 1792” đã xác lập đồng 1 đô-la Mỹ là đơn vị cơ bản của tiền tệ Mỹ, định giá chính xác của 1 đồng đô-la Mỹ là gồm 24,1g bạc thuần, định giá của 10 đô-la Mỹ là gồm 16g vàng thuần. Bạc trắng được dùng làm cơ sở của hệ thống tiền đô-la Mỹ. Tỉ giá giữa vàng và bạc là 15:1. Bất kể người nào pha loãng độ thuần chất của đồng đô-la Mỹ, khiến cho đồng đô-la Mỹ mất giá trị đều sẽ đối mặt với án tử hình.

Năm 1800, chỉ số vật giá của Mỹ ở vào khoảng 102,2, đến năm 1913, chỉ số này hạ xuống còn 80,7. Trong suốt thời kỳ xảy ra những biến đổi lớn trong công nghiệp hoá của Mỹ, biên độ dao động vật giá không vượt quá 26%, còn trong thời đại bản vị vàng từ năm 1879 đến năm 1913, biên độ dao động vật giá ở mức 17%. Trong suốt 113 năm với những biến đổi lớn trong lịch sử công nghiệp hoá đất nước và phát triển sản xuất của Mỹ, tỉ lệ lạm phát tiền tệ bình quân hầu như là bằng 0, dao động giá cả hàng năm không quá 1,3%(1).

Tương tự dưới bản vị vàng, tiền tệ của các quốc gia chủ yếu ở châu Âu trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp cũng duy trì được tính ổn định cao độ như vậy.

Đồng francs Pháp, từ năm 1814 đến 1914 ổn định 100 năm.

Đồng florin Hà Lan, từ năm 1816 đến năm 1914, ổn được 98 năm.

Đồng francs Thụy Sĩ, từ năm 1850 đến năm 1936, ổn định được 86 năm.

Đồng francs Bỉ, từ năm 1832 đến năm 1914, ổn định được 82 năm.

Đồng khoa Thuỵ Điển, từ năm 1873 đến năm 1931, ổn định được 58 năm.

Đồng mác Đức, từ năm 1875 đến năm 1914, ổn định được 39 năm.

Đồng lia ý, từ năm 1883 đến năm 1914, ổn định được 31 năm(2).

Mises đã đánh giá bản vị vàng là thành tựu cao nhất trong toàn bộ nền văn minh phương Tây ở thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Nếu không có một thước đo tiền tệ ổn định và hợp lý, sức sáng tạo của cải vô cùng lớn mà nền văn minh phương Tây đã thể hiện ra trong giai đoạn phát triển nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản sẽ là một chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng.

Hệ thống giá cả ổn định cao được hình thành trong quá trình tiến hoá tự nhiên của vàng và bạc trên thị trường, có thể khiến cho các nhà hoạch định kinh tế “thiên tài” của thế kỷ 20 xấu hổ toát mồ hôi hột. Vai trò tiền tệ của vàng và bạc được xem là sản phẩm của quá trình tiến hoá tự nhiên, là sản phẩm của nền kinh tế thị trường chân chinh, là tiền tệ thực đáng tin cậy của loài người.

Cái được gọi là thước đo tiền tệ chính là cái không bị thay đổi vì bản tính tham lam của những trùm tài chính, vì sự hiếu chiến của chính phủ hay vì sự dầu cơ lợi ích của các nhà kinh tế học “thiên tài”. Trong lịch sử chỉ có tiền vàng và bạc – sản phẩm được sinh ra từ sự tiến hoá tự nhiên của thị trường – mới có thể làm được điều này, và trong tương lai cũng chỉ có vàng và bạc mới có thể gánh vác được trọng trách lịch sử này. Chỉ có vàng và bạc mới có thể bảo vệ thực sự cho tài sản của nhân dân cũng như sự phân bố hợp lý các nguồn tài nguyên trong xã hội.

Các nhà kinh tế học đương đại có một thứ quan điểm khá thịnh hành khi cho rằng tốc độ gia tăng của vàng và bạc không thể đuổi kịp tốc độ gia tăng của của cải, dưới hệ thống tiền tệ là vàng và bạc, tình trạng thiếu hụt tiền tệ sẽ xảy ra, mà điều này lại là kẻ thù cố hữu của mọi nền kinh tế. Trên thực tế thì đây chỉ là một quan điểm chủ quan cá nhân sai lầm. Luận điểm xuyên tạc “lạm phát tiền tệ hợp lý“ hoàn toàn là cơ sở lý luận được tạo nên bởi sự hợp sức của nhà ngân hàng quốc tế và nhóm Keynes với mục đích chính là phế bỏ bản vị vàng, từ đó thông qua thủ đoạn lạm phát tiền tệ để “thu thuế một cách kín đáo” đối với người dân, tiến hành cướp đoạt và ăn cắp một cách “sạch sẽ” của cải của nhân dân. Từ thực tiễn xã hội của các quốc gia chủ yếu ở Âu Mỹ như Anh và Mỹ thế kỷ 17 đến nay, sự thực không thể bác bỏ đã chứng minh rằng sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội hoàn toàn không gây nên lạm phát tiền tệ. Trên thực tế, hai nước Anh, Mỹ đều đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp trong tình hình thiếu hụt tiền tệ lưu thông ở mức độ nhẹ.

Vấn đề thực sự chưa hẳn là tốc độ tăng trưởng của vàng và bạc không theo kịp tốc độ tăng trưởng của của cải mà là không theo kịp tốc độ tăng trưởng của công nợ. Và lạm phát công nợ mới có hại cho sự phát triển xã hội.

3. Khối mỡ công nợ và GDP giảm béo

Mô hình phát triển kinh tế với sự tăng trưởng GDP cũng chẳng khác nào việc tăng thể trọng là nhiệm vụ trọng tâm của sức khoẻ vậy. Việc chính phủ dùng chính sách lấy bội chi tài chính để kéo kinh tế tăng trưởng cũng chẳng khác nào dùng chất kích thích để tăng cường thể trọng vậy. Và tiền tệ công nợ chính là phần chất béo được phát triển thêm.

Một người mà trông cứ ngày thêm phì nộn thì liệu anh ta có thật sự khỏe mạnh không?

Mô hình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia không nằm ngoài hai dạng thức sau: một là do của cải chân chính có được từ sự tích luỹ, sau đó những nguồn vốn vàng bạc thật này được dùng vào đầu tư, từ đó lại tạo nên của cải thực tại nhiều hơn trước, kinh tế xã hội cũng nhờ đó mà tiến bộ, điều mà sự tăng trưởng kinh tế theo mô hình này mang lại chính là sự phát triển của phần cơ thịt của nền kinh tế, sự cứng cáp khỏe mạnh của gân cốt nền kinh tế, sự cân bằng trong phân bố dinh dưỡng của nền kinh tế. Tuy hiệu quả trước mắt là chậm chạp, nhưng chất lượng tăng trưởng cao, ít gây ra tác dụng phụ.

Một mô hình khác chính là dùng các khoản vay nợ để kích hoạt sự tăng trưởng của nền kinh tế khiến quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ. Sau khi được tiền tệ hoá qua hệ thống ngân hàng, những khoản nợ này lại tăng lên với những con số khổng lồ và gây cho người ta cảm giác rằng của cải đang được tăng lên như thể quả bong bóng được bơm căng vậy. Vì vậy, tiền tệ đương nhiên sẽ trở nên mất giá dẫn đến sự cách biệt nghiêm trọng trong phân hoá giàu nghèo mà hậu quả của nó là lượng mỡ dư thừa của nền kinh tế đang càng ngày càng tăng lên. Việc phát triển kinh tế theo mô hình dùng nợ để kích thích chẳng khác nào người ta dùng thuốc kích thích tăng trưởng tiêm vào cơ thể nhằm trở nên béo tốt một cách cấp tốc, tuy hiệu quả là rõ rệt chỉ sau một thời gian ngắn, song tác dụng phụ tiềm ẩn của những thứ hoóc-mon tăng trưởng cấp kỳ ấy cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn đến đủ loại biến chứng bột phát. Và đến khi đó, các loại thuốc mà cơ thể của nền kinh tế nhất định phải cần dùng đến ngày càng nhiều để rồi cứ thế đầu độc hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế, gây ra sự nổi loạn triệt để của môi trường sinh thái bên trong cơ thể, cuối cùng là vô phương cứu chữa.

Căn bệnh đầu tiên mà công nợ sinh ra chính là chứng cao huyết áp trong nền kinh tế – nạn lạm phát tiền tệ, đặc biệt là lạm phát tài sản. Ở một phương diện khác, chứng bệnh này lại dẫn đến tình trạng dư thừa trong sản xuất, tạo ra sự xáo trộn về cấu trúc của nền kinh tế, gây lãng phí lớn cho nguồn vốn thị trường, tạo ra cuộc chiến giá cả khốc liệt trong sản xuất cũng như nạn lạm phát hàng hoá tiêu dùng. Gia đình được xem là tế bào chính của cơ thể nền kinh tế, vậy nhưng, tế bào này đang bị đe doạ không chỉ bởi nạn lạm phát tiền tệ mà còn bởi tình trạng giãn thợ đang tăng lên hàng ngày. Những điều này đã làm suy giảm sức tiêu thụ trong dân chúng và khiến cho cơ thể nền kinh tế thiếu đi sức sống.

Một chứng bệnh khác do khối mỡ công nợ tạo nên chính là lượng mỡ cao trong máu của nền kinh tế.

Ngay sau khi các khoản công nợ được tiền tệ hoá, tiền tệ sẽ không còn khan hiếm, mà xuất hiện tràn lan khắp mọi ngóc ngách của xã hội. Tiền càng ngày càng nhiều nhưng cơ hội đầu tư thì lại ngày càng ít đi. Dưới chế độ bản vị vàng, đặc trưng chủ yếu của thị trường cổ phiếu là cơ cấu tài chính của công ty lên sàn khá vững chắc, tình trạng công nợ không có nguy cơ, nguồn vốn dồi dào, mức lợi nhuận tăng trưởng ổn định, cổ tức của cổ phiếu tăng đều theo hàng năm, thị trường cổ phiếu tuy có mạo hiểm, nhưng lại là một thị trường thực sự đáng để đầu tư. Mà các thị trường cổ phiếu chủ yếu của thế giới ngày nay lại ngập trong các khoản tiền nợ và bị danh giá quá với giá trị thực của nó, các nhà đầu tư khó mà trông chờ vào lợi nhuận cổ tức cho dù vẫn luôn nuôi hi vọng vào khả năng tăng giá của cổ phiếu. Thị trường chứng khoán ngày càng mất đi tính đầu tư mà dần biến thành một sòng bạc với đầy rẫy những điểm khác thường. Tình trạng bất động sản cũng giống hệt như vậy.

Bản thân các khoản nợ đã khiến cho mạch máu kinh tế trở nên dễ vỡ hơn, việc tăng lượng phát hành tiền nợ sẽ khiến cho huyết dịch kinh tế sánh đặc lại, lượng lớn vốn lắng đọng trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sẽ khiến huyết quản kinh tế càng thêm tắc nghẽn, triệu chứng cao huyết áp của nền kinh tế sẽ không thể tránh khỏi.

Trạng thái cao huyết áp trong nền kinh tế sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho trái tim kinh tế – thứ được coi là môi trường và tài nguyên mà nhân dân dùng để sáng tạo ra của cải.

Gánh nặng công nợ sẽ gây nên tình trạng bội chi nghiêm trọng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, hệ sinh thái mất cân đối, khí hậu biến đổi, thiên tai liên miên…Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng chồng chất trong công nợ của dân chúng. Sự phân hoá giàu nghèo, dao động kinh tế, mâu thuẫn xã hội, tham ô hủ bại là những mối hiểm hoạ đối với một xã hội lành mạnh. Trong khi tất cả những căn bệnh như lượng mỡ cao trong máu, cao huyết áp – những chứng bệnh do chất mỡ tiền tệ công nợ gây ra – cùng phát tác và tồn tại thì hệ thống nội tiết tự nhiên của cả cơ thể kinh tế sẽ rơi vào trạng thái rối loạn, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém, các cơ quan nội tạng tổn thương nghiêm trọng, quá trình đổi mới trong cơ thể không thể vận hành bình thường, hệ thống miễn dịch mất đi sức đề kháng. Nếu chọn biện pháp đau gì trị nấy thì việc này sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc, từ đó mà càng làm suy thoái trầm trọng hơn hệ thống nội tiết của cơ thể nền kinh tế.

Ngay sau khi đã nhận thức rõ bản chất và sự nguy hại của tiền tệ công nợ thì chúng ta cần phải thực hiện việc điều chỉnh tương ứng đối với chiến lược phát triển kinh tế. Nghĩa là từ mô hình cũ lấy tăng trưởng GDP làm kim chỉ nam, lấy tiền tệ công nợ làm cơ sở, lấy bội chi tài chính làm tăng trưởng, chúng ta cần phải chuyển biến sang mô hình phát triển mới lấy xã hội và sự phát triển hài hoà làm trung tâm, dùng tiền tệ thật làm thước đo, dùng tích luỹ để thúc đẩy phát triển.

Chúng ta cũng phải từng bước xây dựng một hệ thống thước đo tiền tệ ổn định dùng vàng và bạc làm điểm tựa, từng bước loại trừ công nợ ra khỏi dòng lưu thông tiền tệ, nâng cao tỉ lệ dự trữ vàng trong ngân hàng và xem đó là phương pháp quan trọng trong việc kiểm soát và điều hành tài chính khiến cho tỉ suất lợi nhuận của ngành tài chính ngang bằng với tỉ suất lợi nhuận bình quân của các ngành công nghiệp khác trong xã hội. Chỉ khi nào trị tận gốc hai căn bệnh dai dẳng là tiền tệ công nợ và chế độ dự trữ vàng cục bộ này, chính phủ mới có thể đảm bảo được sự công bằng và hài hoà trong xã hội.

Việc loại bỏ tiền nợ ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ phải là một quá trình lâu dài, gian khổ, giống như quá trình giảm béo vậy. Cắt giảm lượng thức ăn, điều chỉnh cơ cấu bữa ăn, tăng cường lượng vận động thể dục… tất cả những việc này thực sự khó khăn hơn nhiều so với chuyện trốn mình trong chiếc chăn ấm áp của tiền nợ tăng sinh. Việc siết chặt lưu thông tiền tệ cũng giống sự rèn luyện ý chí và sức chịu đựng của con người, giống như khi chúng ta đi bơi vào sáng sớm mùa đông vậy. Sau những gian khổ ban đầu, tính linh hoạt của nền kinh tế sẽ tăng cường rõ rệt, hệ thống đề kháng lại với các loại xung đột khủng hoảng kinh tế sẽ càng thêm hoàn thiện, áp lực môi trường sinh thái sẽ giảm nhẹ, sự phân phối tài nguyên trên thị trường cũng sẽ hợp lý hơn. Dĩ nhiên, các chứng bệnh trong cơ thể nền kinh tế sẽ thuyên giảm, hệ thống nội tiết tự nhiên trong cơ thể nền kinh tế sẽ từng bước khôi phục chức năng khiến cho cả xã hội sẽ trở nên hài hoà và khỏe mạnh.

Khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính, cần phải nhận thức rõ ưu thế và điểm yếu của chế độ tài chính phương Tây đồng thời phải tỏ ra cởi mở, phải có dũng khí và mưu trí nhằm sáng tạo ra cái mới một cách hiệu quả.

Thông thường, những quốc gia quật khởi trong lịch sử đều có những cống hiến mang tính khai sáng đối với sự phát triển của xã hội loài người. Trung Quốc đang ở trên “bước ngoặt chiến lược” đặc biệt này.

4. Ngành tài chính: “Không quân chiến lược” của Trung Quốc trong phát triển kinh tế

Vị thế của tiền tệ dự trữ trên thế giới đại diện cho quyền lực tối thượng trong việc phát hành tiền tệ với đầy đủ sự tin cậy.

Không ít người cảm thấy khó hiểu vì sao Trung Quốc không có quyền định giá trên thị trường quốc tế. Wal-Mart có thể ép các doanh nghiệp Trung Quốc đến mức ai cũng phải xót xa. Các nhà kinh tế học giải thích rằng, bởi vì họ là người tiêu dùng lớn nhất, đại diện cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – nước Mỹ. Và bởi vậy, họ là người có quyền định giá. Cũng có người giải thích rằng, vì đang nắm giữ các kênh tiêu thụ của thị trường Mỹ, nên Wal-Mart có quyền định giá.

Vậy còn các mỏ khoáng sản, mỏ dầu, dược phẩm, máy bay chở khách, phần mềm thì sao? Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, và như vậy, trong vai trò là người tiêu dùng lớn nhất thế giới, làm sao mà quốc gia này có thể để cho kẻ khác chèn ép và thao túng giá cả?

Vì thiếu một chiến lược tài chính đúng đắn nên Trung Quốc không có quyền định giá. Trong một giai đoạn lịch sử rất dài, nền kinh tế Trung Quốc phát triển dựa trên nguồn vốn nước ngoài, nhưng nếu không có chính sách mở cửa hội nhập với nguồn vốn nước ngoài thì quốc gia này cũng sẽ không có sự phát tiền kinh tế như hiện nay. Trung Quốc có thể trở thành đối tượng nhận nguồn vốn nước ngoài, nhưng cũng có thể đối tượng đó là Ấn Độ. Nguồn vốn này có thể được róc một quốc gia nhưng cũng có thể được rút ra khỏi quốc gia đó. Ai khống chế được quyền lưu động vốn, kẻ đó sẽ có đầy đủ quyền định giá thật sự.

Các doanh nghiệp trên thế giới bất kể thuộc top 500 hay 100, bất kể là gã khổng lồ trong ngành công nghiệp xe hơi hay công nghiệp máy tính, đều cần đến tài chính. Đối với doanh nghiệp thì tiền cũng giống như không khí và nước với cơ thể sống vậy. Đối với các ngành nghề khác trong xã hội, tài chính là người chủ tuyệt đối. Ai khống chế được lưu thông tiền tệ, kẻ đó có thể quyết định sự hưng thịnh suy vong của bất cứ doanh nghiệp nào.

Nếu như cần công ty mỏ sắt của Úc giảm giá, chỉ cần một cú điện thoại là các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang lũng đoạn quyền phát hành đô-la Mỹ có thể ung dung. Công ty có còn cần đến nguồn tài chính nữa hay không? Nếu như không đáp ứng yêu cầu, công ty này sẽ có nguy cơ bị dồn vào thế cùng đường trên thị trường tài chính quốc tế. Giá cổ phiếu của họ có thể bị khống chế trên thị trường chứng khoán, cho đến khi công ty này “quỵ” hẳn mới thôi. Vũ khí sát thủ của các ông trùm tài chính quốc tế là cắt đứt nguồn năng lượng của doanh nghiệp, buộc đối thủ phải tuân theo mọi sự chi phối và điều khiển của mình.

Các ông trùm tài chính quốc tế cũng được ví như không quân chiến lược của một quốc gia vậy. Không có sự chi viện tấn công của không quân, các ngành nghề trên mặt đất chắc chắn sẽ rơi vào cuộc chiến giáp lá cà vô cùng thảm khốc với các quốc gia khác, thậm chí còn tự giết nhau, phá giá nhau, làm tổn hao vốn liếng của nhau hoặc phá hoại môi trường làm việc của nhau.

Trên thị trường quốc tế, nếu không khống chế được nguồn tài chính thì bất cứ một thể chế nào cũng không có quyền định giá sản phẩm và cũng không có quyền chủ động chiến lược trong phát triển kinh tế.

Vì vậy chừng nào đồng tiền của Trung Quốc trở thành tiền tệ dự trữ của thế giới, chừng đó quốc gia này mới có hi vọng được trở thành thành viên tham gia vào việc định giá tài chính trên thế giới.

Vậy đồng tiền nào có thể trở thành tiền tệ dự trữ của các nước trên thế giới?

Sở dĩ đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ đều đã từng là những đồng tiền mạnh trong quần hùng tiền tệ thế giới là do nền kinh tế của các quốc gia này có được hệ thống tiền tệ ổn định làm chuẩn, hệ thống sản xuất phát triển mạnh mẽ, từng bước đóng vai trò then chốt trong hệ thống thanh toán thương mại thế giới. Cơ sở tạo nên sự tín nhiệm này đối với đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ chính là vàng và bạc. Trong quá trình phát triển của hai nước này, mạng lưới ngân hàng của các quốc gia này đã từng bước phủ khắp thế giới, đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ có thể được chuyển thành vàng một cách tự do và thuận tiện, được thị trường chấp thuận, vì thế mà những đồng tiền này còn được được gọi là “ngoại tệ mạnh”. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945, Mỹ đã từng nắm giữ đến 70% lượng dự trữ vàng của thế giới, cho nên đồng đô-la Mỹ được mọi người gọi là “Mỹ kim”.

Thước đo của cải ổn định được bảo đảm bởi bản vị vàng và bạc không chỉ là sự đảm bảo cho nền kinh tế Anh – Mỹ luôn giữ vị thế nổi trội mà còn là tiền đề lịch sử khiến cho đồng bảng Anh và đồng đô-la Mỹ trở thành một loại tiền tệ dự trữ của thế giới.

Năm 1971, sau khi hệ thống tiền tệ thế giới tách ra khỏi sự ràng buộc với vàng, uy lực của đồng tiền các nước đã bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 1971, một ounce vàng trị giá 35 đô-la Mỹ, đến năm 2006, một ounce vàng đã nhảy lên 630 đô-la Mỹ (ngày 23 tháng 11 năm 2006). Trong suốt 35 năm nay kể từ năm 1971 cho đến 2006, so với giá vàng thì:

Đồng lia (Ý) đã giảm xuống 98,2% (kể từ năm 1999 về sau quy ra đồng euro). Đồng francs Thuỵ Điển đã giảm 96%
Đồng bảng Anh đã giảm 95,7% Đồng francs Pháp đã giảm 95,2% (kể từ nam 1999 về sau quy ra đồng euro)

Đồng đô-la Canada đã giảm 95,1%

Đồng đô-la Mỹ đã giảm 94,4% Đồng mác Đức đã giảm 89,7% (tử năm 1999 về sau quy ra đồng euro)

Đồng yên Nhật đã giảm 83,3%

Đồng francs Thuỵ Sĩ đã giảm 81,5%

Việc hệ thống đồng đô-la Mỹ cuối cùng sẽ sụp đổ vẫn là một logic phải xảy ra. Nếu nói đồng đô-la Mỹ không đáng tin cậy thì thế giới sẽ dựa vào đồng tiền công nợ nào đây?

Hiện nay, trong số các đồng tiền công nợ “hiện đại” hiện có ở phương Tây, không có đồng tiền nào mạnh hơn đồng francs Thuỵ Sĩ. Nguyên nhân khiến cả thế giới tin tưởng cao độ vào đồng francs Thuỵ Sĩ hết sức đơn giản bởi giá trị của đồng francs Thuỵ Sĩ được đảm bảo bằng 100% vàng và có giá trị ngang với vàng. Một đất nước hình viên đạn với vẻn vẹn 7,2 triệu dân, nhưng lượng dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương nước này lên đến 2.590 tấn (năm 1990), chiếm 8% tổng lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Đức và quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Khi gia nhập tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) năm 1992, Thuỵ Sĩ buộc phải tách đồng francs của mình ra khỏi mối quan hệ với vàng. Và như vậy, mức độ đảm bảo bằng vàng của đồng francs Thuỵ Sĩ suy giảm dần, đến năm 1995, chỉ còn lại 43,2%. Đến năm 2005, Thuỵ Sĩ chỉ còn lại 13.321 tấn vàng, nhưng so với số vàng dự trữ của Trung Quốc (600 tấn) thì con số này vẫn nhiều gấp hai lần. Cùng với sự sụt giảm lượng vàng bảo đảm cho đồng francs Thuỵ Sĩ, sức mua của đồng tiền này cũng ngày càng trở nên suy yếu.

Lượng dự trữ vàng của Nhật Bản năm 2005 chỉ có 765,2 tấn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, không phải Nhật không muốn tăng lượng dự trữ vàng, mà nước này đang bị Mỹ ngăn cản. Ferdinand Lips – một chuyên gia về vàng đồng thời là một nhà ngân hàng có tiếng ở Thuỵ Sĩ – đã cùng với gia tộc Rothschild lập nên Ngân hàng Rothschild Bank AG tại Zurich và điều hành ngân hàng này trong nhiều năm. Đến năm 1987, ông đã thành lập Bank Lips AG tại Zurich – một thành viên “ruột thịt” của đế chế tài chính quốc tế. Trong cuốn “Chiến tranh vàng bạc” của mình, ông đã tiết lộ rằng, trong hội nghị hiệp hội vàng thế giới được tổ chức ở Paris, một quan chức dấu tên làm việc trong ngành ngân hàng của Nhật đã phàn nàn với Ferdinand Lips rằng, chỉ cần hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ còn hiện diện ở Nhật Bản để “bảo vệ sự an toàn” cho nước này thì chính phủ Nhật Bản vẫn bị cấm dự trữ thêm vàng(3).

Trước mắt, Trung Quốc đã có nguồn dự trữ ngoại hối lên đến 1 nghìn tỉ đô-la Mỹ, và việc sử dụng khoản tài sản khổng lồ này có liên quan đến vận mệnh trăm năm của Trung Quốc trong tương lai. Đây không đơn giản là vấn đề mạo hiểm phân tán tài chính mà điều quan trọng là Trung Quốc phải xem xét làm thế nào để giành được quyền chủ động chiến lược trong cuộc chiến tranh tài chính quốc tế sắp phái ra để chiếm lấy vị thế bá chủ tiền tệ trong thời đại “hậu đô-la Mỹ“ trên thế giới.

Cuối năm 2006, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng quốc tế đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tiền tệ không mùi khói đang cận kề. Lần này, người ta sẽ không thấy cảnh pháo Tây súng Tây, cũng không nghe thấy tiếng thét nơi chiến trường, nhưng kết cuộc sau cùng của cuộc chiến này sẽ quyết định đến số phận tương lai của Trung Quốc. Bất kể có ý thức được hay không, có chuẩn bị tốt hay không, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh tiền tệ – một cuộc chiến không tuyên mà chiến. Chỉ khi phán đoán rõ ràng và chính xác về mục đích chiến lược chủ yếu và phương hướng tấn công chính của các ngân hàng quốc tế, quốc gia này mới có thể đặt ra một sách lược phản ứng hiệu quả.

Có hai mục đích chiến lược căn bản trong cuộc đổ bộ ồ ạt của các ngân hàng quốc tế vào Trung Quốc: khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc, tạo ra “cuộc giải thể có kiểm soát” đối với nền kinh tế Trung Quốc, và cuối cùng lập nên một “chính phủ thế giới” và “tiền tệ thế giới” dưới sự chi phối chủ đạo của trục London – phố Wall.

Có lẽ mọi người đều biết rằng, người nào có thể lũng đoạn được nguồn cung ứng của một loại sản phẩm thì kẻ đó sẽ có được lợi nhuận siêu cấp. Mà tiền tệ là một thứ sản phẩm ai ai cũng cần, nếu người nào lũng đoạn được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia, kẻ đó sẽ nắm giữ được công cụ tạo ra nguồn lợi nhuận vô hạn. Đây chính là lý do giải thích tại sao trong hàng mấy trăm năm qua, các ngân hàng quốc tế đã vò đầu vắt óc, dồn tâm suy nghĩ, không từ bất kỳ âm mưu thủ đoạn nào để lũng đoạn được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia và mục tiêu cao nhất của họ là lũng đoạn quyền phát hành tiền tệ của toàn thế giới.

Xét về tổng thể, rõ ràng ngân hàng quốc tế đang ở vào thế chủ động tấn công chiến lược, trong khi các ngân hàng của Trung Quốc lại lâm vào thế thúc thủ, và so với ngân hàng quốc tế – kẻ đã chơi trò ảo thuật với tiền tệ trên thế giới hàng trăm năm qua – thì các ngân hàng Trung Quốc rõ ràng là yếu kém về nhiều mặt, từ vốn liếng, nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh, hạ tầng cơ sở kỹ thuật cho đến hệ thống pháp lý. Nếu muốn tránh khỏi nguy cơ thất bại toàn diện trong cuộc chiến này, Trung Quốc chỉ có một lựa chọn duy nhất: “anh đánh theo cách của anh, tôi đánh theo cách của tôi”, và quyết không đánh theo cách mà đối phương hoạch định.

Đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ chỉ có hai con đường hoặc thất bại hoặc chiến thắng. Nếu không bị “đế quốc La Mã mới” chinh phục trong cuộc chiến này thì trong quá trình đập tan đối thủ, Trung Quốc sẽ xây dựng nên một trật tự mới về tiền tệ trên thế giới.

5. Chiến lược của tương lai: “Xây tường cao, tích lương thảo, hoãn xưng vương” “Xây tướng cao”
Trung Quốc cần phải xây dựng một hệ thống phòng ngự kép đối với cơn đại hồng thuỷ tài chính từ ngoài tràn vào và cơn hoả hoạn tài chính từ trong phát ra.

Các Ngân hàng quốc tế sắp sửa ồ ạt tiến vào các trung tâm tài chính của Trung Quốc, như vậy nước này không thể không đề phòng. Khi bàn về đề tài này, phần lớn mọi người tập trung vào cuộc tranh giành khoản tiền ký gửi của dân chúng – một miếng bánh lớn vô cùng hấp dẫn – giữa ngân hàng nước ngoài với ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế, điều nguy hiểm hơn là các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài này sẽ thông qua việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và người dân Trung Quốc để trực tiếp nhúng tay vào việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc. Thông qua chế độ dự trữ vàng cục bộ, Ngân hàng có vốn nước ngoài sẽ đồng loạt đẩy mạnh tiến trình tiền tệ hoá các khoản nợ vay của nhà nước, doanh nghiệp và người dân Trung Quốc. “Đồng Nhân dân tệ vay mượn” do các ngân hàng có vốn nước ngoài này phát hành sẽ tiến sâu vào bên trong cơ thể của nền kinh tế Trung Quốc thông qua rất nhiều phương thức như chi phiếu ngân hàng, ngân phiếu định mức ngân hàng, thẻ tín dụng, cho vay thế chấp bất động sản, cho vay vốn lưu động doanh nghiệp, sản phẩm tài chính phái sinh.

Suốt mấy chục năm nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại trung Quốc mỏi mất trông chờ khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh đồng thời phải chịu đựng sự thờ ở ghẻ lạnh của họ. Nếu ví nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với vốn giống như củi khô thì khả năng đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chẳng khác nào lửa mạnh. Như vậy, đôi bên chẳng hẹn mà gặp, và bởi thế mà cơn hoả hoạn tín dụng tràn lan ở Trung Quốc là hoàn toàn có thể dự báo được. Lượng vốn lớn sẽ được đổ vào các công trình xây dựng với quy mô lớn, vật giá tiêu dùng sẽ bị siết chặt, vấn đề lạm phát tài sản sẽ càng trớ nên gay go hơn. Với việc siết chặt vật giá tiêu dùng và nạn lạm phát tài sản diễn ra tràn lan, Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.

Và trong lúc này, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế sẽ bắt đầu chiến dịch “xén lông cừu” để tước đoạt tài sản của người dân Trung Quốc. Cơ hội để các nhà ngân hàng quốc tế “gặt hái” chính là khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy sụp.

Thomas Jefferson – người có công lập ra nước Mỹ – đã có một câu danh ngôn cảnh báo người đời rằng: “Nếu người dân Mỹ để cho ngân hàng tư nhân khống chế quyền phát hành tiền tệ của đất nước, thì trước hết những ngân hàng này sẽ thông qua lạm phát tiền tệ, sau đó siết chặt lạm phát để tước đoạt tài sản của người dân. Mãi cho đến một ngày, khi tỉnh dậy, con cái của họ sẽ nhận thấy một điều rằng, tất cả ruộng vườn nhà cửa và cả đã; lục mà ông cha họ cất công khai phá đã không cánh mà bay”.

Hơn hai trăm năm đã trôi qua, nhưng lời cảnh báo của Thomas Jefferson đường như vẫn còn nguyên giá trị và có sức chấn động mạnh đối với tất cả chúng ta.

Trước đây, khi các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài chưa đổ bộ vào Trung Quốc, tuy có lợi dụng nạn lạm phát tiền tệ để kiếm lợi nhuận, nhưng các ngân hàng quốc doanh của nước này tuyệt đối không có ý đồ cũng như khả năng để tạo ra tình trạng khan hiếm tiền tệ nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Sở dĩ từ thuở khai sinh lập địa đến nay, Trung Quốc chưa phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng là do không ai có dã tâm và khả năng để tạo ra khủng hoảng kinh tế. Sau khi các nhà Ngân hàng Quốc tế xâm nhập toàn diện vào Trung Quốc, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn.

Bức tường phòng ngự tài chính đối nội của Trung Quốc nhằm phòng ngừa các ngân hàng vốn nước ngoài tạo ra lạm phát tài chính để thổi to quả bong bóng ở Trung Quốc, tiếp đó siết chặt nguồn vốn để tạo ra thâm hụt tiền tệ, buộc hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân phải đóng cửa hoặc phá sản, từ đó thu mua lại khối tài sản quan trọng của Trung Quốc với giá bọt bèo. Do vậy, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc cần phải nghiêm túc giám sát qui mô và phương hướng phát hành tín dụng của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài để tiến hành điều tiết vĩ mô tỉ lệ vàng dự trữ cũng như thành phần vàng dự trữ, đề phòng khả năng các ngân hàng có vốn nước ngoài tiến hành tiền tệ hoá các khoản công nợ trong nước.

Các ngân hàng Trung Quốc cũng cần đề phòng khả năng liên minh, câu kết giữa ngân hàng có vốn nước ngoài với quỹ đối xung quốc tế. Hợp đồng tài chính phái sinh được ký kết giữa các công ty Trung Quốc và các ngân hàng nước ngoài phải được báo cáo cho các cơ quan quản lý tài chính.

Đặc biệt là cần phải cẩn trọng đối với hợp đồng tài chính phái sinh do ngân hàng có vốn nước ngoài kiểm định, đề phòng thủ đoạn tấn công từ xa của giới tài phiệt quốc tế đối với hệ thống tài chính Trung Quốc. Bài học từ cuộc tấn công của các ngân hàng quốc tế năm 1990 vào thị trường cổ phiếu và thị trường tài chính Nhật Bản vẫn còn nguyên giá trị đối với tất cả chúng ta.

Bức tường phòng lũ tài chính đối ngoại của Trung Quốc chủ yếu là nhằm bảo vệ đất nước khi hệ thống đô-la Mỹ rơi vào khủng hoảng. Với khoản nợ khổng lồ lên đến 44 nghìn tỉ đô-la, nền kinh tế Mỹ đang ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro lớn. Việc chi trả mức lãi suất khổng lồ từ các khoản vay nợ chẳng khác nào những cơn sóng dữ ngày đêm xô vào con đê yếu tạo nên sự đe doạ rất lớn đối với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Trung Quốc cần phải hành động khẩn cấp, chuẩn bị chống lũ lụt tài chính và bảo vệ an toàn tài sản của nhân dân.

Sự mất giá nhanh chóng của đồng đô-la Mỹ đã không còn là dự báo nữa mà là sự thực đang diễn ra hàng ngày. Trận lũ đang âm thầm, chỉ còn chờ nước lũ tràn lên là xảy ra sự cố vỡ đê, và hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã ở vào trạng thái rủi ro cao độ.

Nếu cơn bão tài chính quốc tế xuất hiện một cách thình lình trong khi quả bóng sản phẩm tài chính phái sinh và hệ thống đồng đô-la Mỹ đã phình căng cực độ thì vàng và bạc sẽ là chiếc thuyền cứu sinh an toàn nhất cho cả thế giới.

Tăng cường dự trữ vàng và bạc của Trung Quốc đã trở thành vấn đề khẩn thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

“Tích lương thảo”

Mở rộng kho tích trữ lương thực, nâng cao lượng dự trữ vàng và bạc chính là chuyện cả quan lẫn dân Trung Quốc cùng phải lo. Các mỏ vàng bạc trong lãnh thổ Trung Quốc cần phải được tăng cường bảo vệ cơ mật như tài sản chiến lược quan trọng nhất đồng thời phải được tiến hành quốc hữu hoá toàn diện. Trên bình diện quốc tế, cần phải dốc sức mua vào các công ty sản xuất vàng bạc, xem đó là sự bổ xung tài nguyên vàng bạc trong tương lai của Trung Quốc.

Phương hướng cuối cùng của cải cách tiền tệ Trung Quốc chính là xây dựng một “hệ thống tiền tệ kép” với sự bảo đảm của vàng bạc phù hợp với tình hình Trung Quốc, xác định thước đo cân bằng tiền tệ ổn định, hoàn thành việc chuẩn bị mang ý nghĩa chiến lược nhằm biến đồng nhân dân tệ thành tiền tệ tích luỹ chủ yếu của thế giới.

“Hoãn xưng vương”

Chính phủ Trung Quốc cần phải cân nhắc các khó khăn cũng như hạn chế của đất nước mình. Sự phát triển nổi trội của các cường quốc trên thế giới luôn gắn liền với khả năng sáng tạo vượt trội để đi lên, sản xuất ra một lượng lớn hàng hoá và dịch vụ mới mà các nước khác không thể làm được, tạo ra các phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa ra những tư tưởng và lý luận xuất sắc để dẫn dắt văn minh của thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc được đánh giá cao về phương diện mô phỏng kỹ thuật sản xuất của phương Tây trên quy mô lớn, tuy nhiên, xét về phương diện sáng tạo cái mới trong lý luận tư tưởng và khoa học kỹ thuật, Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng, người Trung Quốc thiều lòng tự tin vào văn minh của nước mình. Biểu hiện chủ yếu của việc này là người Trung Quốc không phân biệt được tính hợp lý và bất hợp lý của chế dộ phương Tây, thiếu sự dũng cảm trong việc phê phán những sai lầm về mặt đạo đức của phương Tây, không dám thực hiện những thứ mà phương Tây không có, thiếu sự dũng cảm trong việc tạo ra một quy tắc mới cho thế giới. Tất cả những điều này không thể một sớm một chiều mà giải quyết được, vì vậy Trung Quốc nên “hoãn xưng vương” để có thể mưu chuyện lâu dài.

6. Con đường trở thành nguồn tiền tệ dự trữ của thế giới

Một cường quốc thế giới là một đất nước mà nền tảng vững chắc của nó không chỉ có khoa học kỹ thuật tiên tiến và tiềm lực quân sự hùng mạnh. Chỉ khi nào xây dựng được một hệ thống tiền tệ và hệ thống tài chính đáng tin cậy mang tầm thế giới thì quốc gia đó mới có thể giữ được vị thế bất bại trong mọi cuộc xung đột, xây dựng được uy tín vững chắc trong tình hình thế giới đầy biến động khó lường.

Nếu đồng đô-la Mỹ mất đi vai trò trụ cột trong hệ thống tiền tệ thế giới, cho dù địa vị của Microsoft vẫn không ai có thể thách thức, liệu nước Mỹ có còn giữ được vị trí thống soái của mình hay không? Liệu họ có còn nhất ngôn cửu đỉnh nữa hay không? Có còn là “ngọn hải đăng mà mọi người trên toàn thế giới hướng về“ như trước đây hay không?

Được xem là ngôi sao trong tương lai, Trung Quốc tất yếu sẽ phải xây dựng một hệ thống tài chính tiền tệ đáng tin cậy cho cả thế giới.

Tiền là huyết dịch của nền kinh tế xã hội loài người. Người nào nắm giữ và cung ứng nguồn huyết dịch này, kẻ đó sẽ có được sức mạnh. Vậy nguồn huyết dịch nào sẽ khiến cho thiên hạ phải tuân theo? Câu trả lời là: nguồn huyết dịch phải được tạo ra từ một cơ thể khỏe mạnh. Nếu nhiễm phải mầm bệnh “HIV” không thuốc cứu chữa, lại còn truyền máu cho người khác thì mô hình phát triển kinh tế và chế độ tài chính nội tại sẽ nhanh chóng bị huỷ diệt. Đồng thời, nguồn huyết dịch này phải là nhóm O – tức là nhóm máu có khả năng cho máu rộng nhất và khả năng chấp nhận cao nhất.

Vậy hệ thống tài chính tiền tệ như thế nào được gọi là “nhóm máu O” khỏe mạnh của Trung Quốc trong tương lai?

Hiện nay, Trung Quốc là nước thu được một lượng lớn ngoại tệ thông qua xuất khẩu đồng thời sử dụng nguồn ngoại tệ này để mua một lượng lớn công trái Mỹ. Việc này đang là một nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Tác dụng phụ của mô hình kinh tế dùng xuất khẩu làm đầu tàu là rất lớn mà bản chất của mô hình này là dùng công nợ của Mỹ để kéo nền kinh tế của mình phát triển, trong khi người dân Mỹ không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng nợ nần. Nếu tiếp tục quy trình này, Trung Quốc sẽ tạo nên sự mất cân đối rất lớn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu của mình, dẫn đến khả năng dư thừa sản xuất trầm trọng và quá trình điều chỉnh trong tương lai đương nhiên cũng khó khăn gian khổ hơn rất nhiều. Và như vậy, trên thực tế, thất bại này của Trung Quốc sẽ được nhân lên nhiều lần.

Phương án “giải phẫu” căn bệnh này thông qua một hệ thống tài chính tiền tệ tuần hoàn tích cực đa nguyên hoá là một vấn đề rất lớn và phức tạp. Trong cuốn sách này, chúng ta chỉ tập trung suy nghĩ tìm tòi về một giả thuyết – truyền sinh khí vào vàng và bạc trong bối cảnh đa nguyên hoá. Vì đã trải qua hàng nghìn năm kết tinh lắng đọng, đã có đầy đủ độ tin cậy tự nhiên nên vàng bạc được coi là vật đảm bảo giá trị cho tiền tệ, và như vậy, chế độ tiền tệ được đảm bảo bằng vàng bạc chính là con đường tắt đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.

Chúng ta hãy theo giả thuyết này để từng bước khám phá ra những điều mới mẻ hơn nữa.

Nếu như mỗi năm mua vào một lượng vàng khoảng 200 tỉ đô-la Mỹ với giá 650 đô-la/ounce, chính phủ và người dân Trung Quốc có thể mua được 9.500 tấn vàng, tương đương với việc mua đứt lượng dự trữ vàng hàng năm của Mỹ (8.136 tấn). Trong giai đoạn mở màn của chiến dịch, các nhà ngân hàng quốc tế ắt phải thông qua công cụ tài chính phái sinh để khống chế giá vàng một cách quyết liệt, các ngân hàng Trung ương của các nước phương Tây có thể ra mặt liên kết với nhau bán phá giá vàng khiến giá vàng có thể tạm thời suy giảm. Nếu nhìn thấu con át chủ bài của đối thủ, Trung Quốc sẽ nhận ra rằng, hành động hạ thấp giá vàng là một sự viện trợ tài chính hào phóng nhất trong lịch sử của phương Tây đối với Trung Quốc.

Nên nhớ rằng, tổng lượng vàng mà thế giới đã khai thác được trong suốt 6.000 năm qua chỉ có 140 nghìn tấn, và tổng lượng dự trữ vàng trên sổ sách của các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ là 21 nghìn tấn. Nếu nhìn vào hành vi điên cuồng trong việc cho thuê vàng của các Ngân hàng Trung ương châu Âu thập niên 90, chúng ta có thể nhận ra rằng, toàn bộ tài sản tích luỹ của họ chưa tới 20 nghìn tấn vàng. Nếu tính theo giá vàng hiện tại (650 đô-la/ounce) thì số vàng này chỉ có giá trị 400 tỉ đô-la, và lượng thặng dư mậu dịch của Trung Quốc lớn đến như vậy thì việc tiêu hoá lượng dự trữ vàng 400 tỉ đô-la chẳng qua chỉ là việc của vài ba năm trước đây. “Đạn dược” của các Ngân hàng Trung ương Âu-Mỹ sẽ được bắn hết sạch trong thời gian không dài lắm.

Nếu như Trung Quốc thu mua vàng với tốc độ liên tục như vậy trong năm năm thì giá vàng quốc tế sẽ leo thang và vượt quá giới hạn lãi suất đồng đô-la Mỹ dài hạn vốn do các ngân hàng quốc tế tạo nên. Và như vậy, mọi người sẽ có hân hạnh tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống đồng đô-la Mỹ vốn được xem là lớn mạnh nhất thế giới.

Vấn đề không phải là Trung Quốc có thể dùng giá vàng để đánh sập hệ thống đô-la Mỹ hay không mà là Trung Quốc có muốn hay không. Đối với đồng đô-la Mỹ, giá vàng vẫn là vấn đề sinh tử. Chỉ cần nguồn tin Trung Quốc định mua vào lượng vàng trị giá 200 tỉ đô-la Mỹ được truyền đi, chắc chắc Bộ trưởng tài chính Mỹ và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này sẽ lập tức lên cơn tăng xông.

Thậm chí, Mỹ sẽ phải cân nhắc vấn đề Đài Loan – một cái gai nhọn đối với Trung Quốc suốt mấy chục năm nay. Vấn đề “cứu Đài Loan hay cứu đồng đô-la“ sẽ được đưa lên bàn cân để suy xét. Dù không thể đi chung với Mỹ trên mặt trận tài chính, song nếu Mỹ đưa ra điều kiện hợp lý, Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với Mỹ để cứu đồng đô-la.

Cùng với việc từng bước tăng cường lượng dự trữ vàng trong dân chúng cũng như ở cấp nhà nước, Trung Quốc có thể tiến hành cải cách tiền tệ, từng bước đưa vàng và bạc tham gia vào hệ thống tiền tệ. Từng bước thực hiện quá trình chuyển biến hoá đồng tiền Trung Quốc theo chế độ bản vị vàng và bạc, thể chế tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra một cống hiến lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Việc chuyển biến hoá của đồng tiền Trung Quốc có thể được tiến hành theo từng giai đoạn. Việc có thể làm trước hết chính là “công trái kim biên” (công trái được bảo đảm bằng vàng) và “công trái ngân biên” (công trái được bảo đảm bằng bạc) do Bộ tài chính phát hành, dùng vàng và bạc để kết toán vốn và lãi công trái. Chẳng hạn lợi tức của “công trái kim biên“ kỳ hạn 5 năm có thể được xác định ở mức từ 1%-2%. Do. vàng được xem là phương pháp kết toán cuối cùng của vốn và lãi nên người dân sẽ hăng hái mua công trái thứ sản phẩm tài chính có tác dụng “bảo đảm giá trị của cải” thật sự này.

Trên thị trường giao dịch công trái, sự chênh lệch giữa tỉ suất sinh lời của “công trái kim biên” và “công trái ngân biên“ so với tỉ lệ sinh lời của công trái quốc gia phổ thông cùng kỳ hạn và cùng mức giá sẽ phản ánh chân thực mức độ tiếp nhận của thị trường đối với vàng và bạc. Tham số quan trọng này sẽ được xem như là hệ tham chiếu thí điểm cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ hai là việc điều chỉnh lại cơ cấu dự trữ vàng của hệ thống ngân hàng. Việc dự trữ vàng của các ngân hàng – bất kể là ngân hàng nước ngoài hay là ngân hàng quốc doanh – cần phải bao hàm một tỉ lệ vàng hoặc bạc nhất định đồng thời giảm thiểu tỉ lệ công nợ trong số tiền dự trữ.

Tỉ lệ vàng bạc trong hệ thống dự trữ tiền tệ càng cao, hệ số khuếch đại cho vay càng cao, và tương tự, tỉ lệ công nợ càng lớn thì khả năng cho vay sẽ càng giảm thấp xuống. Ngân hàng trung ương cần phải chấm dứt mọi ngân phiếu vay mượn định kỳ không phải là vàng và bạc. Cách làm này sẽ củng cố địa vị của vàng và bạc trong hệ thống tiền tệ Trung Quốc, làm gia tăng nhu cầu của ngân hàng đối với vàng và bạc.

Không có vàng bạc làm dự trữ, khả năng phát hành tín dụng của các ngân hàng sẽ giảm xuống. Đồng thời, hệ thống ngân hàng sẽ từng bước loại bỏ ngân phiếu công nợ ra khỏi hệ thống lưu thông tiền tệ. Ngân hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc mở ra dịch vụ uỷ thác tiết kiệm hay kinh doanh vàng bạc. Và như vậy, thị trường lưu thông của vàng và bạc sẽ được hình thành trên phạm vi toàn quốc.

Các ngành nghề có lợi nhuận cao trong toàn quốc như bất động sản, ngân hàng, thuốc lá, bưu điện, dầu mỏ đều phải nộp thuế doanh nghiệp với một tỉ lệ vàng và bạc nhất định, tạo ra sự kích thích nhu cầu của thị trưởng đối với vàng và bạc.

Giai đoạn thứ ba là dùng vàng và bạc của Bộ tài chính làm thế chấp để phát hành tiền giấy vàng và đồng giấy bạc Trung Quốc. Theo đó, đồng giấy vàng sẽ trở thành thước đo chuẩn của tiền tệ Trung Quốc. Căn cứ vào tình hình dự trữ vàng và bạc của Trung Quốc, mỗi một đồng giấy vàng Trung Quốc được xác định sẽ có bao nhiêu gam vàng. Đồng giấy vàng Trung Quốc chủ yếu dùng để kết toán mậu dịch các hàng hoá chính yếu thông qua chuyển khoản giữa các ngân hàng với việc chi trả ở qui mô lớn. Với một số lượng nhất định, người ta có thể đem đồng giấy vàng Trung Quốc đến Bộ tài chính để hoán đổi thành vàng. Còn đồng giấy bạc Trung Quốc có thể được dùng làm tiền tệ phụ trợ, trong mỗi một đồng giấy bạc có chứa một lượng bạc nhất định, chủ yếu dùng cho việc thanh toán các khoản chi nhỏ. Với một số lượng nhất định, người ta có thể đem đồng giấy bạc Trung Quốc đến Bộ tài chính để hoán đổi thành bạc. Tỉ giá giữa đồng giấy vàng và đồng giấy bạc sẽ do Ngân hàng trung ương công bố và điều chỉnh định kỳ.

Nguyên lý “tiền xấu tất nhiên sẽ đẩy lùi tiền tốt khỏi lưu thông” thường được nhiều người nhắc đến. Trên thực tế, việc này cần một điều kiện tiền đề quan trọng: sự can thiệp của chính phủ, dùng uy lực cưỡng chế để quy định tiền xấu có giá trị ngang với tiền tốt. Trên thị trường tự nhiên, tình hình lại hoàn toàn ngược lại, tiền tốt tất nhiên sẽ đẩy lùi tiền xấu khỏi lưu thông, bởi vì trên thị trường, chẳng có ai muốn chấp nhận tiền xấu cả.

Khi Trung Quốc lưu hành đồng giấy bạc và đồng giấy vàng, trên thị trường vẫn lưu thông đồng nhân dân tệ phổ thông. Chính phủ cần quy định rõ các khoản thuế phải được nộp bằng đồng vàng và đồng bạc Trung Quốc, và thị trường có thể tự do lựa chọn đồng bạc, đồng vàng Trung Quốc hoặc đồng nhân dân tệ phổ thông để định giá, còn thị trường tài chính sẽ căn cứ vào mối quan hệ cung cầu để quyết định tỉ giá giữa đồng vàng – đồng bạc Trung Quốc với đồng nhân dân tệ phổ thông. Lúc này, người ta sẽ nhận thấy rằng, sức mua trong tín dụng của đồng nhân dân tệ phổ thông do Ngân hàng thương mại phát hành sẽ giảm sút so với đồng giấy vàng – đồng giấy bạc Trung Quốc. Tỉ giá của hai loại tiền tệ sẽ thể hiện một cách rõ nét thông tin này trên thị trường tài chính.

Bộ tài chính cần phải là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát cuối cùng đối với việc phát hành của đồng giấy vàng – đồng giấy bạc Trung Quốc chứ không phải là hệ thống ngân hàng thương mại. Nguyên nhân rất đơn giản: người dân là những người sáng tạo ra của cải, và của cải đó phải thuộc về họ, tư nhân không được phép lũng đoạn và can thiệp vào việc phát hành tiền tệ.

Tình hình xuất khẩu của Trung Quốc sẽ từng bước giảm sút trong khi đồng giấy vàng bạc của Trung Quốc mạnh lên. Tuy nhiên, trên thực tế, cái vòng giảm béo GDP này không thể không có được.

Khi lượng phát hành ngày càng lớn thì đồng giấy vàng và bạc Trung Quốc nhất định sẽ trở thành tiêu điểm chú ý của giới tài chính thế giới. Do có thể hoán đổi tự do thành vàng hoặc bạc nên đồng giấy vàng và bạc Trung Quốc sẽ là thứ tiền tệ vững mạnh nhất trên thế giới và sẽ trở thành tiền tệ dự trữ được lựa chọn hàng đầu của các nước trên thế giới trong thời đại “hậu đô-la Mỹ”.

Của cải vốn dĩ tự động chảy về nơi có thể bảo vệ nó và khiến nó tăng giá trị. Với sức sáng tạo ra của cải hùng mạnh và đồng tiền ổn định, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm tích tụ nguồn tài sản của thế giới.

CHÚ THÍCH

(1) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 10.

(2) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 15

(3) Ferdinand Lips, Cuộc chiến tranh vàng: Trận chiến chống lại tiền tệ từ cách nhìn của người Thuỵ Sĩ (Gold War, The Battle Against Sound Money as Seen From a Swiss Perspective) – New York: The Foundation for the Advancement of Monetary Education 2001, tr. 143.

PHỤ LỤC

1. Trung Quốc mở cửa thị truờng tài chính

Rủi ro lớn nhất của việc mở cửa thị trường tài chính Trung quốc là thị trường này thiếu ý thức “phòng bị chiến tranh”.

Vấn đề mà đại đa số học giả và những người hoạch định chiến lược quan tâm khi nghiên cứu vấn đề rủi ro của việc mở cửa tài chính Trung Quốc là rủi ro về mặt “chiến thuật”. Ví dụ, rủi ro của việc ngân hàng nước ngoài đầu tư khống chế thị trường chứng khoán, rủi ro quản lý của các tổ chức tài chính, rủi ro thị trường cho vay bất động sản, rủi ro mở cửa thị trường tài khoản tư bản, rủi ro đồng nhân dân tệ tăng giá, rủi ro mất kiểm soát bên trong của ngân hàng quốc hữu, rủi ro của thị trường sản phẩm phái sinh tài chính, rủi ro xung đột của thoả thuận Basel v.v… Thực ra, rủi ro lớn nhất của việc mở cửa tài chính bất nguồn từ cấp độ chiến lược”, vì về bản chất, một khi Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính thì nước này cũng đã tham gia vào “cuộc chiến tranh tiền tệ”. Thiếu ý thức và sự chuẩn bị cho chiến tranh là rủi ro lớn nhất trước mắt của Trung Quốc!

Hiểu việc mở cửa thị trường tài chính cũng giống như mở cửa các ngành nghề bình thường là một điều cực kỳ nguy hiểm.

Tiền tệ là một loại hàng hoá, nhưng khác với các loại hàng hoá khác. Nó là thứ hàng hoá mà mọi ngành nghề, mọi tổ chức, mọi cá nhân đều cần đến. Khống chế phát hành tiền tệ là hình thức cao nhất trong các hình thức lũng đoạn tài chính!

Việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc vốn dĩ do chính phủ khống chế, chỉ có cách này mới có thể đảm bảo sự công bằng cơ bản trong tổ chức xã hội. Ngay sau khi các ngân hàng nước ngoài tiến vào Trung Quốc, quyền phát hành tiền tệ của nước này sẽ ở vào tình thế nguy hiểm.

Mọi người sẽ cho rằng tiền tệ của Trung Quốc là tiền giấy nhân dân tệ, chỉ có chính phủ mới có thể in ấn và phát hành tiền tệ, và bản thân các ngân hàng nước ngoài làm sao có thể in được đồng nhân dân tệ của mình. Thực ra, các ngân hàng nước ngoài vốn dĩ chẳng cần in ấn đồng nhân dân tệ cũng vẫn có thể “sáng tạo” ra nguồn cung ứng tiền tệ. Họ sẽ đem theo một lượng lớn sản phẩm tài chính “mới toanh” vào Trung Quốc, khiến người ra phải hoa mắt bối rối. Họ dùng các phương thức sáng tạo ra công cụ nợ và tiền tệ hoá các sản phẩm mà họ đem theo. Đây chính là “tính lưu động” của sản phẩm tương tự như tiền tệ. Những loại sản phẩm tài chính này hoàn toàn có đầy đủ sức mua của tiền tệ trong lĩnh vực kinh tế thực thể. Từ góc độ này có thể nói, ngân hàng nước ngoài sẽ tham dự vào sự phát hành tiền tệ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Khi tổng lượng tín dụng bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng nước ngoài “sáng tạo” ra vượt quá mức của ngân hàng thương mại quốc doanh thì trên thực tế họ có thể đủ sức “treo cổ” Ngân hàng trung ương Trung Quốc, khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc! Họ sẽ có đủ năng lực và mưu đồ để khống chế dao động cung ứng tiền tệ một cách đầy ác ý. Họ sử dụng khéo léo công cụ lạm phát tiền tệ và siết chặt tiền tệ để tước đoạt tài sản của người dân Trung Quốc, giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong lịch sử.

Khi các thế lực ngân hàng nước ngoài ngày càng mạnh, họ sẽ thông qua các hình thức giao dịch giữa tiền và quyền, giữa tiền với tiền, giữa tiền bạc và danh dự, giữa tiền bạc và học thuật để hình thành nên một thế trận “liên hợp hùng mạnh” của “tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp” chưa từng có ở Trung Quốc. Họ sẽ cung cấp tín dụng để tưởng thưởng cho các cơ quan địa phương “tâm đầu ý hợp” với họ, sẽ dùng tiền tài và sắc dục để “bồi dưỡng” những ngôi sao chính trị mới “có tiềm lực” nhằm mong nhận được sự báo đáp về mặt chính trị trong tương lai lâu dài. Họ sẽ thông qua các quỹ đầu tư nghiên cứu học thuật để “khuyến khích và ủng hộ” các thành tựu nghiên cứu có lợi cho họ. Họ sẽ tài trợ một lượng lớn kinh phí cho các tổ chức xã hội để tác động đến các chương trình nghị sự chung, từ đó mà hình thành nên “một ý thức hệ“ lớn mạnh từ trên xuống dưới. Họ sẽ hào phóng ủng hộ sự hoạt động theo hướng thị trường hoá của các giới truyền thông để phản ánh “sự phê bình tích cực” của xã hội đối với ngân hàng nước ngoài. Họ sẽ sử dụng vốn đầu tư để báo đáp lại những tổ chức xã hội có ích cho họ, sẽ mạnh tay đầu tư vào ngành y tế, bao gồm cả y học cổ truyền núp bóng một cách có hệ thống, từng bước tiến hành xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, hệ thống pháp luật, thậm chí là hệ thống quân đội. Quan điểm của họ à, trong một xã hội hàng hoá sẽ không có ai có đủ sức “miễn dịch” đối với tiền bạc.

Các thế lực ngân hàng nước ngoài sẽ còn thông qua đầu tư để khống chế các ngành nghề quốc hữu nòng cốt như: viễn thông, dầu mỏ, giao thông, hàng không, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, vì chẳng có quy định pháp luật nào ngăn cản các ngành này rơi vào tay của các ngân hàng nước ngoài. Một khi trở thành người cung cấp các khoản vốn chủ yếu của các ngành nắm quyền khống chế trong nền kinh tế của Trung Quốc, các ngân hàng nước ngoài sẽ nắm giữ mạch máu các “tài sản cốt lõi” này của Trung Quốc. Họ có thể cắt đứt dây chuyền vốn của các doanh nghiệp trọng yếu này bất cứ lúc nào, từ đó dẫn đến sự tê liệt của ngành sản xuất trọng tâm của Trung Quốc.

Các ngân hàng nước ngoài vào Trung Quốc đương nhiên là để kiếm tiền, nhưng không nhất định phải kiếm tiền theo cách bình thường.

Rủi ro chiến lược mà việc mở cửa tài chính phải đối mặt không hề đơn giản như bản thân của ngành tài chính mà nó bao hàm toàn bộ các phương diện của xã hội Trung Quốc. Chỉ cần có một chút bất trắc thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều đáng tiếc là trong danh sách các ngành quốc doanh được Trung Quốc bảo hộ, tuyệt nhiên không có ngành tài chính, một ngành đáng ra phải được bảo hộ trọng điểm nhất. Trước mắt, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hoàn toàn không phải là đối thủ của các nhà tài phiệt ngân hàng Âu – Mỹ đã từng “lăn lộn giang hồ“ hơn hai trăm năm. Điều này chẳng khác nào bắt một môn sinh nhập môn đi đọ sức với nhà vô địch, chẳng cần phải tưởng tượng quá nhiều thì người ta cũng biết được kết quả cuối cùng của cuộc đọ sức ấy.

Do rủi ro chiến lược của việc mở cửa tài chính sẽ liên quan đến toàn cuộc cho nên các cơ quan quản lý như uỷ ban giám sát ngân hàng, uỷ ban giám sát chứng khoán, uỷ ban giám sát bảo hiểm đã không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề để giám sát rủi ro chiến lược từ việc mở cửa này. Cho nên chính phủ Trung Quốc cần phải xây dựng một “uỷ ban an toàn tài chính quốc gia” để thống nhất ba tổ chức này lại với nhau, và trực thuộc quản lý của cấp hoạch định chiến lược; tăng cường sức mạnh nghiên cứu tình báo tài chính, tăng cường công tác nghiên cứu phân tích các phương diện như bối cảnh nhân viên, điều động vốn, chiến lược đối với ngân hàng nước ngoài; xây dựng chế độ phân cấp bảo mật an toàn tài chính quốc gia, những người nắm quyền hoạch định chiến lược tài chính quốc gia cần phải được sát hạch thông qua chế độ này. Cần phải cân nhắc đến việc tiến hành “hạn chế lỏng” đối với các ngành nghề mà ngân hàng nước ngoài có thể với đến; xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đột ngột cho Trung Quốc, và tiến hành cử duyệt định kỳ.

An toàn tài chính đối với Trung Quốc là một vấn đề cần phải giám sát nghiêm ngặt hơn cả vũ khí hạt nhân chiến lược. Trước khi chưa xây dựng được một cơ chế kiểm soát an toàn tài chính, việc chính phủ mở cửa thị trường tài chính chẳng khác nào đang xây con đường để rước hoạ vào nhà.

2. Cần chủ quyền tiền tệ hay là cần ổn định tiền tệ?

Chủ quyền tiền tệ là một trong những quyền cơ bản nhất không thể tước đoạt của một quốc gia có chủ quyền. Nó trao trách nhiệm cho một quốc gia có chủ quyền hoạch định chính sách phát hành tiền tệ căn cứ vào tình hình của nước mình. Chủ quyền tiền tệ đương nhiên cao hơn tất cả các quyền lợi ngoại lai khác, bao gồm tất cả các thông lệ quốc tế và các thoả thuận quốc tế, cũng như các áp lực chính trị bên ngoài.

Chủ quyền tiền tệ chỉ phải phục vụ cho lợi ích căn bản của người dân bản quốc.

Bảo vệ duy trì ổn định tiền tệ tức là bảo vệ và duy trì ổn định giá trị tiền tệ của một nước trong hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm tạo ra một môi trường sinh thái phát triển, nền kinh tế thông thoáng và bình ổn cho các ngành nghề quốc nọl.

Hiện tại, cái khó của Trung Quốc nằm ở chỗ họ chỉ có thể lựa chọn hoặc chủ quyền tiền tệ hoặc ổn định tiền tệ. Nếu chọn bảo vệ chủ quyền của đồng Nhân dân tệ thì nước này sẽ đối mặt với hậu quả đồng Nhân dân tệ tăng giá, còn nếu theo đuổi sự ổn định cơ bản về tỉ suất hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng đô-la Mỹ thì sẽ mất đi chủ quyền tiền tệ. Chính sách hiện tại của Trung Quốc là để phát triển kinh tế không thể không theo đuổi sự ổn định tiền tệ và gạt bỏ chủ quyền tiền tệ. Cái nguy của cách lựa chọn này nằm ở chỗ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang can dự rất nhiều vào lượng cung ứng tiền tệ của Trung Quốc. Do Trung Quốc chọn chế độ kết hối cưỡng chế nên Mỹ có thể tăng cường thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc để ép Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải phát hành thêm tiền tệ môi. Với sự giúp đỡ của ngân hàng thương mại, khoản tiền phát hành thêm này sẽ được nhân bản lên gấp hàng trăm nghìn lần, lạm phát tràn lan, thị trường bất động sản và cổ phiếu rơi vào trạng thái bùng nổ kiểu bong bóng, làm xấu đi trầm trọng môi trường sinh thái tài chính của Trung Quốc. Để bình ổn lạm phát, chính phủ và ngân hàng trung ương lại phải phát hành thêm công trái quốc gia và ngân phiếu định mức của ngân hàng trung ương để rút lại số tiền thừa mứa trong lưu thông. Nhưng hành động này lại làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của chính phủ, mà những khoản nợ này sớm muộn gì cũng phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

Một chiến lược tài chính hoàn toàn bị động như vậy quả thật là cực kỳ bất lợi đối với Trung Quốc. Nếu đồng đô-la Mỹ vẫn còn ở địa vị tiền tệ tích luỹ của thế giới thì Trung Quốc không thể thoát khỏi được cục diện này. Về cơ bản, việc thúc đẩy quá trình tiền tệ hoá vàng là phương pháp duy nhất để tạo ra môi trường sinh thái tài chính tự do, công bằng và hài hoà cho các nước trên thế giới. Trong tình hình thị trường tỉ suất hối đoái quốc tế dao động dữ dội, cái giá kinh tế mà các quốc gia trên thế giới phải trả quả thực là hết sức đắt đỏ và đau đớn, đặc biệt là các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản càng chịu tổn thương nặng nề hơn. Nếu một bước khó có thể thành công ngay, thì các nước cũng phải cố gắng thúc đẩy tiến trình đa nguyên hoá tiền tệ tích luỹ của thế giới với sách lược chia để trị.

3. Tiền tệ tăng giá và chứng “rối loạn nội tiết” của hệ thống tài chính

Nhật Bản được xem là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất những hậu quả kinh tế và xã hội của việc tiền tệ tăng giá dữ dội. Nền kinh tế Nhật Bản tiêu điều trong thời gian dài, đương nhiên có nhân tố khách quan nội tại của nó, nhưng việc thiếu chuẩn bị tư tưởng đối với cuộc chiến tranh tài chính” mà Mỹ phát động một cách đột ngột cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Năm 1941, Nhật Bản đã phát động sự kiện “đánh úp Trân Châu cảng”, khiến cho quân Mỹ chẳng kịp trở tay, còn nước Mỹ đã đáp lại Nhật Bản bằng một cuộc “chiến tranh chớp nhoáng về tài chính” vào năm 1990, tức là sau gần nửa thế kỷ, và như vậy, đôi bên xem như đã hoà.

Kitsusengenchu – tác giả cuốn sách “Thất bại tài chính” xót xa cho rằng, nếu căn cứ theo tỉ lệ tổn thất của cải mà nói, hậu quả của thất bại tài chính năm 1990 của Nhật Bản gần như tương đương với tổn thất mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã gây ra cho nước này.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng giống như nhau, đều là những quốc gia điển hình ra sức sáng tạo của cải vật chất bằng sức lực của mình, luôn giữ một thái độ hoài nghi đối với những khái niệm của cải tài chính mơ hồ. Logic thất bại tài chính của Nhật Bản rất đơn thuần; những sản phẩm giá rẻ chất lượng cao do nước này sản xuất ra giống như kẻ phá bĩnh trên thị trường đầy cạnh tranh, còn ngành ngân hàng của họ khi đó đã từng được xếp vào hàng có số má, ngạo mạn với thiên hạ khi nắm giữ vị trí quốc gia dự trữ ngoại hối hàng đầu và chủ nợ hàng đầu. Từ năm 1985 đến năm 1990, nền kinh tế quốc nội và mậu dịch xuất khẩu của Nhật Bản phát triển đến mức cực thịnh, thị trường cổ phiếu, bất động sản năm nào cũng tăng giá, thu về những khoản lớn vốn đầu tư nước ngoài, còn sự tự tin của người Nhật cũng tăng lên mức chưa từng thấy, cứ như thể họ đã qua mặt được Mỹ cả hàng chục năm trời vậy. Nhật không hề có ý thức đối với chiến tranh tài chính, thậm chí họ còn lạc quan hơn cả Trung Quốc hiện nay. Nhật Bản cũng vượt xa Trung Quốc về khoản giàu có.

Ý nghĩa của câu nói “vong chiến tất nguy” (nếu lơ là cảnh giác thì sẽ rất nguy hiểm) đối với Nhật Bản ngày hôm qua vẫn còn nguyên giá trị đối với Trung Quốc hôm nay.

Tỉ suất hối đoái 1 đô-la Mỹ ăn 250 yên Nhật khi “thoả thuận Plaza” được ký năm 1985, đã thành 1 đô-la Mỹ ăn 200 yên Nhật, tính ra đồng đô-la Mỹ đã mất giá đến 20%. Vậy nhưng, đến năm 1987, tỉ lệ này chỉ còn 1 đô-la Mỹ ăn 120 yên Nhật, hay nói cách khác, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, giá đồng yên Nhật đã tăng gấp đôi – một sự biến đổi lớn của môi trường tài chính của một nước. Đối với nền kinh tế Nhật, hậu quả của sự thay đổi tỉ suất hối đoái nhanh và mạnh như vậy chẳng khác nào sự biến đổi đột ngột của thời kỳ băng hà (khiến khủng long tuyệt chủng).

Các bậc thầy tài chính Mỹ sớm biết rõ rằng, nếu ép cho đồng yên Nhật tăng giá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn thì cũng chẳng khác nào ép nước Nhật uống thuốc kích thích với liều lượng quá mức. Hậu quả tất yếu là khiến cho nền kinh tế Nhật Bản xuất hiện triệu chứng rối loạn “nội tiết hệ thống tài chính” nghiêm trọng. Nếu ép được Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp dưới 2,5% trong hơn hai năm thì hiệu quả của liều thuốc kia càng tuyệt vời hơn. Quả nhiên, nền kinh tế Nhật Bản đã mất cân bằng trong việc điều tiết tài chính và dưới sự kích thích của liều kích thích tố kia. Những miếng mỡ như thị trường cổ phiếu, bất động sản tăng lên nhanh chóng, các tổ chức mô cơ của các bộ phận sản xuất vật chất và ngành xuất khẩu bị teo rút nghiêm trọng, sau đó hàng loạt các triệu chứng như lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện định kỳ, gây nên các chứng bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành nơi quả tim của nền kinh tế (hệ thống tài chính). Để thúc đẩy các căn bệnh kia sớm phát tác, năm 1987, các nhà ngân hàng ở Ngân hàng thanh toán quốc tế đã nghiên cứu ra một loại biệt dược mới cho Nhật Bản – thoả thuận Basel – với yêu cầu tỉ lệ vốn tự có của các ngân hàng có nghiệp vụ quốc tế phải tăng lên từ 8% trở lên, và Mỹ cùng với Anh là hai nước hăng hái ký trước vào bản thoả thuận, sau đó ép Nhật Bản và các nước khác cũng phải ký vào, nếu không các ngân hàng ở các nước này không thể tiến hành giao dịch với các ngân hàng Anh – Mỹ trên thị trưởng tài chính quốc tế.

Vấn đề tồn tại phổ biến của các ngân hàng Nhật Bản là nguồn vốn tự có thấp, nên chỉ còn cách dựa vào sự gia tăng vốn ngoài sổ sách, tức là vốn được hình thành từ sự tăng giá cổ phiếu ngân hàng, thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn.

Vốn dựa dẫm quá nhiều vào sự tăng giá cả cổ phiếu và thị trường bất động sản, nên hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã để hở sườn non dưới lưỡi kiếm sắc bén của cuộc chiến tài chính do Mỹ phát động. Ngày 12 tháng 1 năm 1990, Mỹ đã sử dụng đòn tấn công chiến lược “kiểu tên lửa hành trình” vào thị trường cổ phiếu Tokyo của Nhật Bản.

Bệnh tim và bệnh động mạch vành của hệ thống tài chính Nhật không chịu đựng nổi những đòn tấn công dữ dội này, cuối cùng nền kinh tế Nhật Bản đã trúng gió và sau đó là chứng liệt nửa người kéo dài suốt 17 nằm.

Ngày nay, các bác sĩ tài chính của Mỹ lại “nhiệt tình và cấp thiết” đem phương thuốc này giới thiệu đến Trung Quốc, tuy nhiên, có điều khác là, cơ thể nền kinh tế Trung Quốc còn xa mới bằng được nền kinh tế Nhật Bản năm đó, nếu uống liều thuốc này vào thì chỉ e Trung Quốc không chỉ “bại liệt” một cách đơn giản như Nhật. Thậm chí, Nhật Bản còn nóng lòng hơn cả Mỹ, muốn xem xem Trung Quốc uống liều thuốc này vào thì kết cuộc sẽ có phản ứng ra sao.

Hiện tại, những biểu hiện ban đầu của nền tài chính Trung Quốc rất giống với Nhật Bản những năm 1985-1990.

4. Tạo thế bình đẳng khi tham chiến

“Thông lệ quốc tế” hiện đang là một thuật ngữ khá thịnh hành, đến mức nhiều người tưởng rằng, chỉ cần tuân thủ theo “thông lệ quốc tế” thì thế giới từ đây về sau sẽ thái bình, còn việc mở cửa tài chính là chuyện thư thái bình thản giống như vui thú điền viên vậy, chẳng có gì phải lo. Cách nghĩ lan man trên trời dưới đất kiểu này chỉ e là sẽ hại nước hại dân.

“Thông lệ quốc tế” được hình thành thông qua sự thao túng của các nhà ngân hàng quốc tế có địa vị lũng đoạn. Trong những điều kiện nhất định, họ cũng có thể chế tác ra một bộ “thông lệ quốc tế” bịt kín việc mở rộng phạm vi sinh tồn của ngành ngân hàng Trung Quốc. Thủ đoạn này đang trở thành thứ vũ khí hiệu quả để loại bỏ đối thủ trong cạnh tranh tài chính của các ngân hàng Anh – Mỹ.

Thoả thuận Basel đã đánh bại xu thế khuếch trương của ngành tài chính Nhật Bản năm đó, nay đã thay đầu đổi mặt nâng cấp lên thành thoả thuận Basel năm 2004. Tương tự như những gì đã làm với Nhật Bản, thoả thuận này rất có thể sẽ được các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế dùng làm công cụ để cản trở ngành tài chính Trung Quốc phát triển ra nước ngoài.

Một số quốc gia phát triển cho rằng, các tổ chức chi nhánh ngân hàng nước ngoài nằm trong biên giới nước họ cần phải đáp ứng được các yêu cầu của thoả thuận Basel thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả quốc gia sở tại của các ngân hàng nước ngoài này cũng cần phải phù hợp với yêu cầu của thoả thuận này, nếu không cũng không thể tồn tại. Những quy định như vậy chắc chắn sẽ làm tăng thêm giá thành hoạt động của tổ chức chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài này. Đối với Trung Quốc, một nước vừa mới bước chân vào ngành tài chính thế giới, việc phải đáp ứng hết những yêu cầu hà khắc như thoả thuận Basel đề ra thì chẳng khác nào rút củi dưới đáy nồi. Nói cách khác, nếu các ngân hàng bản địa của Trung Quốc không thực hiện thoả thuận Basel thì khả năng các ngân hàng này ở Mỹ cũng như các chi nhánh của nó ở châu Âu sẽ bị thay đổi thậm chí là bị đóng cửa, mạng lưới tài chính nước ngoài do Trung Quốc vất vả xây dựng nên đang tồn tại nguy cơ bị đánh sập.

Các nhà xây dựng quy tắc trò chơi của ngành ngân hàng Âu – Mỹ chiếm ưu thế cực lớn sẽ dễ dàng phong toả con đường phát triển ra ngoài của ngành tài chính Trung Quốc.

Không chỉ có vậy, các ngân hàng quốc nội của Trung Quốc còn cần phải tuân thủ những thứ được gọi là “thông lệ quốc tế, đang ngáng đường phát triển của mình, mà trong thiên hạ chẳng có quy tắc trò chơi nào bất công hơn thế. Đương đầu với những đối thủ có ưu thế như vậy, chưa kể là còn bị trói chân tay, việc thắng thua của Trung Quốc trong trò chơi này xem như đã định.

Nhận của người mà không đáp lại e là thất lễ.

Đối sách của Trung Quốc chính là, “duy trì lực lượng tác chiến trên mặt trận chính của mình đồng thời liên kết với các lực lượng bên ngoài”. Nếu nước nào đó bất chấp mọi “thông lệ quốc tế” để phong toả chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Trung Quốc, Trung Quốc cũng sẽ bắt chước làm theo, đặt ra các quy định của ngành ngân hàng “mang màu sắc Trung Quốc“ để hạn chế cũng như xoá bỏ sự vận hành của các ngân hàng này tại Trung Quốc. Nhìn lại quá trình Anh – Mỹ trở thành lực lượng chủ đạo của ngành ngân hàng quốc tế, chúng ta dễ thấy rằng việc xây dựng mạng lưới ngân hàng quốc tế là con đường tất yếu. Thay vì ngồi im một chỗ và tuân theo các quy tắc áp đặt từ bên ngoài, ngành ngân hàng Trung Quốc và các ngành khác của nước này phải giữ vững thế công chính diện, trực tiếp mua lại các ngân hàng của Âu – Mỹ hoặc khuếch trương các chi nhánh, xây dựng nên mạng lưới tài chính rộng khắp thế giới của chính Trung Quốc, theo kiểu học chiến tranh từ trong lòng chiến tranh.

Nếu ngành ngân hàng Trung Quốc gặp phải trở lực trong việc mua lại hoặc khuếch trương ở nước ngoài, thì Trung Quốc cũng đừng ngại áp dụng những nguyên tắc này để hành xử với những ngân hàng của các nước tại Trung Quốc.

5. Giữ vàng hơn giữ ngoại tệ

Trước xu thế đồng đô-la Mỹ trượt giá dài hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã kiến nghị cần phải tích trữ ngoại tệ để làm giảm rủi ro tổn thất dự trữ ngoại hối của quốc gia. Nếu bãi bỏ chế độ cưỡng chế dự trữ để cho doanh nghiệp trực tiếp khống chế ngoại hối thì Trung Quốc có thể phân tán được rủi ro mất giá của dự trữ ngoại hối quốc gia đồng thời giảm nhẹ áp lực phát hành thêm tiền tệ và tăng giá của đồng nhân dân tệ. Nhưng cách làm này lại làm suy yếu khả năng kiểm soát của quốc gia đối với sự lưu động ngoại hối, làm tăng thêm rủi ro cho cả hệ thống tài chính, cho nên đây không phải là một sách lược toàn vẹn.

So với việc tích trữ ngoại tệ thì tích trữ vàng vẫn hơn.

Về lâu dài, mọi loại ngoại hối đều có xu hướng mất giá so với vàng, chỉ khác nhau ở tốc độ mất giá nhanh hay chậm mà thôi. Nếu muốn đảm bảo sức mua cho khoản tài sản khổng lồ mà Trung Quốc đã tạo ra được thì cách duy nhất là chuyển đổi dự trữ ngoại hối sang dự trữ vàng và bạc. Dao động của giá vàng và bạc quốc tế thực ra cũng chỉ là giả tạo mà thôi, nếu nhìn sâu vào sự dao động này thì còn sợ gì cơn sóng của thị tường tỉ suất hối đoái, vì một khi có hàng vạn tấn vàng, Trung Quốc nghiễm nhiên đã có được đôi đũa thần để dẹp yên mọi biến động.

Về căn bản, việc tích trữ vàng trong dân bảo vệ được sự an toàn tài sản của nhân dân, cho dù lạm phát tiền tệ ở hình thức hàng hoá hay tiền tệ cũng đều không thể ảnh hưởng được sức mua thực sự của họ. Đây là nền tảng tự do kinh tế không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội hài hoà và bình dẳng. Tóm lại, người dân đã lao động tạo ra của cải, họ có quyền quyết định chọn lựa phương thức tích trữ của cải của riêng mình.

Vàng có tính lưu động thuộc đẳng cấp cao nhất trong các loại tiền tệ. Trong hơn 5.000 lịch sử của loài người, vàng không chỉ là hình thức của cải cuối cùng mà bất cứ thời đại nào, nền văn minh nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào, vàng cũng đều được chấp nhận. Nó còn gánh vác trọng trách lịch sử là thước đo cơ bản nhất trong hoạt động kinh tế của xã hội tương lai. Trong lịch sử, người ta từng bốn lần thử tìm cách tước bỏ vai trò hòn đá tảng của vàng trong hệ thống tiền tệ nhằm “phát minh” ra chế độ tiền tệ thông minh hơn, nhưng tất cả đều thất bại. Loài người với bản tính tham lam cố hữu mình sẽ không thành công trong việc dùng ý thức chủ quan của mình để tiêu chuẩn hoá các hoạt động kinh tế.

Tích trữ vàng trong dân để chờ khi thiên hạ có biến động là việc làm cần thiết. Đồng tiền Trung Quốc có vàng đảm bảo giá trị sẽ hiên ngang sánh vai với các đồng tiền khác của thế giới. Và đến lúc đó, nền văn minh Trung Hoa cũng sẽ có dịp cất đầu dậy.

Bình luận