Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chung Vô Diệm

Hồi 53

Tác giả: Tô Chẩn

Nói về Lỗ vương cầu thân chẳng đặng, đã tốn của lại thêm bị đòn, oán thù nặng tợ núi non, hằng ngày cứ lo mưu trông trả. Ngày kia Lỗ vương lâm triều, thừa tướng là Nhan Trinh xuất ban tâu rằng:

– Vô Diệm lập kế chiêu phu trá phản, các nước ai cũng đều hờn, ngu thần xin tấu với thượng hoàng phải kiếm kế lo phương trừ nó.

Lỗ vương nói:

– Trẫm với Chung Vô Diệm thề chẳng đội trời chung vì nước ta chưa cỏ kẻ anh hùng nên cắn răng mà chịu.

– Nay Lỗ Lâm chánh cung tuổi vừa hai tám, phận lửa hương chưa định duyên hài, xin chánh cung hãy kén phò mã một người, chẳng luận là quan nhân quỳ tiện. Hễ ai có văn hay võ mạnh, tới Ngọ môn yết bảng chiêu hiền, sẽ phong cho là chiêu thảo binh quyền, như vậy mới trả thù được Chung Vô Diệm.

Lỗ vương khen phải phán rằng:

– Việc ấy phú giao cho thừa tướng, vì quả nhân mà lo cho thành công, họa may có chiều lòng, chốn sơn dã cũng chẳng thiếu chi kẻ anh hùng hào kiệt.

Nhan Trinh vâng lời lui ra, thiên tử truyền bãi triều, ai lui về dinh nấy. Qua ngày sau, Nhan Trinh tới Ngọ môn cất một cái đài, trao tấm bảng chiêu hiền mà chiêu dụ thiên hạ.

Nói về núi Lạc Vân, động Thủy Hoa có một vị chí tôn lão tổ là Quản Đức tiên tử, đương khi ngồi tụng kinh Huỳnh đình, bỗng có một trận gió thổi qua quá dữ, liền xem một quẻ biết rõ Đông Tề Chung Vô Diệm ỷ có tiên pháp cao cường nên trấp áp vua các nước. Nay lại có Lỗ vương dựng bảng chiêu hiền, kén một chàng làm phò mã. Học trò ta ngày nay cũng khá, tên Ngô Khởi, đích danh võ nghệ thuần thục tinh anh, trí thức lại hơn người dưới thế, nếu cho nó hạ san, ắt hội binh trừ Chung Vô Diệm đặng. Nghĩ rồi bèn sai đồng tử đi đòi Ngô Khởi tới hầu. Đồng tử vâng mạng ra sau hậu đường nói cùng Ngô Khởi rằng: – Sư phụ có lịnh cho đòi, sư huynh chớ nên trễ nải.

Ngô Khởi nghe nói thầy đòi thì lật đật tới tam thanh đặng quì lạy thưa rằng:

– Chẳng hay sư phụ đòi đệ tử có việc chi dạy bảo chăng?

Lão tổ nói:

-Hiền đồ hãy đứng dậy, để thầy nói cho nghe. Con là người ở phủ Duyên Châu, tỉnh Sơn Đông. Từ khi mười hai tuổi thầy thâu làm đồ đệ. Đã sáu năm nay, giờ con đã trưởng thành, vậy con muốn hưởng sự thanh phước hay là con muốn sự hồng phước?

Ngô Khởi hỏi:

– Thưa thầy, làm sao gọi là thanh phước, còn làm sao gọi là hồng phước?

Lão tổ nói:

– Thanh phước là triều chơn bái đẩu, tọa ngỏa tham thiền, đói thời ăn thuốc trường sanh, khát thời uống nước suối, gởi thân cùng tòng bá, bầu bạn với cỏ hoa, hang sâu núi thẳm là nhà, toán hạc tuổi phi chưa sá kể. Còn hồng phước là mão vàng đai ngọc, cưới vợ sanh con ăn những đồ hải vị sơn trân, xe ngựa dập dìu cửa tướng.

Ngô Khởi nghe thầy nói làm thinh nghĩ rằng: như mình muốn bên thanh phước thì lấy làm cực khổ muôn phần, khó bề dưỡng tánh tu thân, mà trông sự thành chánh quả. Còn bên hồng phước thời khá, mà ngặt không dám nói ra. Nghĩ rồi bèn rơi luỵ mà thưa rằng:

– Đệ tử từ tuổi trẻ sớm mất cha mẹ, lão sư thâu dưỡng đã sáu năm nay, non cao bể rộng ấy ơn thầy, đệ tử khó trông bề báo đáp. Xét thấy phận hèn phước bạc, cũng khó bề giữ vào bậc tiên gia, ít lời khờ dại thưa qua, trăm lạy xin thầy tha tội.

Lão tổ nghe nói biết ý, bèn nói với Ngô Khởi rằng:

– Nay Lỗ vương có bảng chiêu hiền phong làm phò mã, đệ tử xuống đó thì sẽ gặp lương duyên, vả lại Lỗ vương với Vô Diệm có cừu oán như thiên, còn bổn sư cũng có một việc chẳng yên tấc dạ. Vì năm trước bổn sư công tu luyện cũng còn chưa khá, không bằng thánh mẫu Lê San, đương khi thể được du nhàn, vừa đi ngang qua Lê San động phủ, thấy có một con nữ đồng canh thủ, nó biểu ta vào ra mắt sư tôn, ai dè đâu thánh mẫu lại nói ta hý hước với nữ đồn, bắt ta ra đánh đòn bốn chục. Sự như vậy thiệt là oan khúc, ngàn năm còn ghi tạc vào lòng. Nay con Vô Diệm là học trò của bà Lê San, chờ ngày ta bắt nó rửa hờn cũng đặng. Bây giờ hiền đồ hạ san làm chức phò mã, lãnh binh quyền phò tá Lỗ vương, tới ngày sau binh năm nước đại hội nơi sông Tương thì phải bắt sống cho đặng Tề vương với Chung Vô Diệm.

Ngô Khởi nghe nói cả mừng, cúi đầu tạ ơn. Lão tổ lại khiến đồng tử vào sau hậu đường, lấy những đồ thương mã đem ra giao cho Ngô Khởi. Kế đó thầy trò phân tay từ biệt.

Khi Ngô Khởi ra khỏi cửa động, thấy những non xanh nước biếc hình như vẽ, cỏ tốt hoa tơm kiểng tự nhiên, oanh kêu cụm liễu huyên thiên, gió thổi chòm lau phơ phất. Cũng có chỗ non cao chất ngất, lại có nơi đá lối ghập ghềnh, mấy ngày mấy đêm gió mát trăng thanh, đã ngó thấy Lỗ thành trước mắt. Bèn xuống ngựa vào nơi quán dịch, để liệu bề cơm nước nghỉ ngơi, tới canh hai ăn uống xong rồi,Ngô Khởi mới nằm nghe thương khách trò chuyện. Thiệt quả y như lời thầy dặn, mới tin tài lão tổ thần thông, may gặp thời cá hóa ra rồng, cho bõ công mấy năm rèn tập. Một đêm đó nằm không yên giấc, chờ sáng ngày tới đó thử xem.

Rạng ngày đầu canh năm nhà quán thức dậy, bộ hành ai nấy tính tiền cơm nước vừa rồi. Ngô Khởi cũng thức dậy, liền ngồi kêu tiểu nhị lại trả số tiền sở phí. Giây lát cầm thương lên ngựa đi ra giữa đám đông người, thấy những hàng công tử vương tôn, áo quần đủ mỗi người năm sắc. Còn những kẻ hành quân thương khác, cũng tới lui người chật trong ngoài. Ngô Khởi lướt tới một hơi, thiên hạ xem đều khiếp vía. Vì Ngô Khởi là sao Thiên hà giáng thế, lại thêm võ nghệ tiên gia, hai cánh tay sức mạnh ngàn cân, có ai dám chen vai cho lại.

Khi Ngô Khởi tới giữa ngã tư, thấy một vị khâm sai ngồi giữa, phía ngoài có treo một tấm bảng văn, lại gần thấy mấy lời như vầy:

Ngôi trời dấy vận, trẫm là Lỗ vương có lời chiếu dụ bốn phương, chẳng luận giàu sang đói khổ, với các công tôn vương tử, cùng những người tam giáo cửu lưu. Nay trẫm có một người con gái đầu, tên là Lỗ Lâm chánh cung, tuổi vừa hai tám còn thơ ấu, tam tòng chưa định duyên hài bây giờ trẫm muốn kiếm một người văn võ toàn tài, phong làm chức đông sàng phò mã. Trẫm giao cho binh quyền thiên hạ, để ra tài phò tá giang san, ví như cột đá chống trời, cầu vàng qua biển. Kính thay mấy lời, chớ phụ ý trẫm.

Ngô Khởi xem xong lấy bảng để xuống. Quân giữ bảng thấy dắt vào ra mắt thừa tướng Nhan Trinh. Ngô Khởi tới thi lễ xong xuôi, thừa tướng bèn hỏi:

– Chẳng hay tráng sỉ tên họ là gì và quê quán ở đâu?

Ngô Khởi cúi đầu thưa hết lai lịch cho Nhan Trinh nghe một hồi, rồi Nhan Trinh nói:

– Việc này ta không dám tự chuyên, phải vào ra mắt thiên tử mới đặng.

Nói rồi truyền quân dọn kiệu và dắt Ngô Khởi đi theo vào trước Ngọ môn, biểu Ngô Khởi ở ngoài mà đợi lịnh. Rồi thẳng vào Kim Loan điện, triều bái Lỗ vương và tâu rằng:

– Nay có một người họ Ngô tên Khởi, tuổi vừa mười tám thanh xuân, vốn người ở tại nước mình, học trò của Chí Tôn lão tổ.

Lỗ vương hỏi:

– Người ấy bây giờ ở đâu?

Nhan Trinh tâu:

– Còn đợi lịnh ở trước Ngọ Môn.

Lỗ vương truyền lịnh cho vào, Ngô Khởi bước tới Kim Loan điện triều bái tung hô. Lỗ vương xem thấy hình dung đúng đắn, diện mạo khôi ngô, thiên đường đầy đặn, lại môi son địa các vuông tròn, thêm mặt trắng, đầu bịt khăn chữ nhứt, mình mặc đạo phục sắc huỳnh. Xem xong rồi khen thầm: “Thiệt đáng mặt tiên gia đệ tử”. Khen rồi mới phán hỏi rằng:

– Tráng sĩ có nghề nghiệp chi, mà tới đây ra mắt quả nhân vậy?

Ngô Khởi tâu:

– Tôi đã sáu năm học đạo, nay thầy tôi mới dạy hạ san, những là võ nghệ thập bát ban, với tam lược lục thao đều làu thuộc.

Lỗ vương hỏi:

– Trong thập bát ban võ nghệ, tráng sĩ sở trường món chi?

Ngô Khởi tâu:

– Thương pháp của tôi là bậc nhứt.

Lỗ vương hỏi:

– Bây giờ có đây hay không?

Ngô Khởi tâu:

– Vật ấy vẫn còn để ở Ngọ môn.

Lỗ vương truyền cho Huỳnh môn quan ra lấy đem vào rồi phán rằng:

– Trẫm muốn coi thương pháp của tráng sĩ thử biết hay giỏi ra thế nào?

Ngô Khởi vâng lịnh cầm thương lên ngựa, múa cách Cơ hổ cầm dương (cọp đói bắt dê), bốn cửa tám phương đều có thứ lớp. Trước khi mở ra tam lộ, kế đó tam tam như cửu, sau lại cửu cửu hoàn quy bát thập nhứt lộ, khi như chim đại bàng xoè cánh, khi như mãnh hổ lìa rừng, có khi như chim ngọc nữ đưa thoi, có lúc giống rồng xanh lấy nước. Ngọn thương nghe qua vùn vụn, trước sau nào thấy rõ mặt người. Lỗ vương đẹp ý bèn cười, văn võ triều thần thảy đều khen ngợi.

Ngô Khởi thi võ rồi xuống ngựa, lại đi thẳng tới điện Kim Loan, Lỗ vương lại phán hỏi rằng:

– Thương pháp thiệt là thần diệu, còn văn tài chưa biết thể nào?

Nói rồi bèn truyền nội thị lấy văn phòng tứ bửu đem ra. Ngô Khởi tiếp lấy ngồi viết một hơi những là việc ở trong binh pháp, chỗ nào thời nên mai phục, chổ nào dùng được chiến tranh, thiên thời địa lợi rành rành, cuộc thắng bại hình như trước mắt. Viết rồi dâng lên cho vua xem, Lỗ vương xem qua cả đẹp và phán rằng:

– Nay trẫm phong cho tráng sĩ làm chức phò mã, giữ binh quyền sử trị nước nhà.

Ngô Khởi cúi đầu lạy tạ, kế nội thần dẫn qua bên thiên cung thay đổi đồ triều phục. Lỗ vương bèn truyền nội thị vào cung đòi công chúa ra. Công chúa cũng lật đật sửa soạn cung trang, theo nội thị thẳng tới Kim Loan điện triều bái. Lỗ vương thấy công chúa tới rất vui mừng, cười và thuật hết trước sau: công chúa tâu rằng:

– Việc hôn nhân tại quyền vương phụ, thần nhi đâu dám cãi lời.

Lỗ vương biết con mình đã đành dạ, bèn truyền cho quan Tư thiên giám coi ngày. Tư thiên giám vâng lệnh lui ra, giây lất trở vào tâu rằng:

– Bữa nay là ngày Thanh long huỳnh đạo, thiết tốt vô song. Sách lịch gia có nói việc vợ chồng, Thanh long là chủ về hỷ sự.

Lỗ vương cả đẹp, bèn mời Ngô Khởi lên báu điện mà phân tỏ một đôi lời. Lúc đó hai người ngó nhau, kẻ liếc qua người liếc lại, nam tài nữ sắc, hai bên đã thích nhau rồi, sự hôn nhân cũng tự nơi trời, mới rõ biết hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Lỗ vương kịp truyền về Lễ bộ, bày hương án cho hai vợ chồng đảo cáo đất trời. Xong rồi vào lạy tạ Lỗ vương. Thiên tử mới truyền lệnh cho nội thần dọn bày yến tiệc.

Đương lúc rượu được vài tuần, thừa tướng Nhan Trinh đứng dậy nói rằng:

– Nước mình có thâm cừu với Chung Vô Diệm. Nay có phò mã xin mau phải lo kế phục thù, chọn ngày lành đi mãi mã chiêu binh, chẳng sớm muộn bắt cho đặng con xủ phụ mà phân thây xẻ thịt.

Nói rồi liền rót ba chung ngự tửu đưa cho Ngô phò mã. Ngô Khởi tiếp lấy cám ơn uống liền, rồi rót một chung lạy tạ ơn thừa tướng. Bá quan ai cũng cũng mừng bá niên giai lão, loan phụng hoà minh. Tiệc vừa mãn thì đêm đã quá canh, văn võ ai về dinh nấy. Còn vợ chồng phò mã cùng về bên Túy hoa cung, tưng bừng tiếng nhạc, vầy tiệc động phòng, người phỉ dạ giường ngà nệm ngọc, kẻ thương yêu võ mạnh văn hay, thoát thôi tay lại cầm tay, hải đường giấc ngủ càng say xuân tình. Tiêu lầu trống đã trở canh, vợ chồng sửa soạn đồng hành tạ ơn.

Nói về Lỗ vương lâm triều, bá quan triều bái xong rồi, kế thấy vợ chồng phò mã tới tạ ơn. Thiên tử truyền nội thần dọn yến, kế công chúa xin lui về cung. Thiên tử nhận lời, giây lát nội thị dọn tiệc dâng lên, vua tôi yến lạc vui vầy. Đương khi ấy, Lỗ vương thở ra một tiếng mà rơi lụy dầm dề. Ngô Khởi liền đứng dậy tâu rằng:

– Chẳng hay vương phụ có sự chi mà buồn rầu long thể?

Lỗ vương mới thuật lại sự Vô Diệm cải giá chiêu phu, cho tới lúc mình bị đánh đòn bốn chục. Ngô Khởi nghe qua hét lên một tiếng và nói rằng:

– Nếu vậy con xủ phụ thật là bất nhân bất nghĩa, dám làm sỉ nhục tới vua các hầu bang, tôi quyết đem binh tới phủ Hằng Xương, bắt nó mà phân thây xẻ thịt. Vả lại lúc hạ san thầy tôi có dặn, con xủ phụ này là đứa cừu nhân, nay tôi đã mong nhờ quốc lộc quốc ân, dầu gian hiểm cũng liều thân báo đáp.

Lỗ vương cả mừng bèn ban cho phò mã một cây thượng phương bảo kiếm và một cây lệnh tiễn, đặng phép đi chiêu binh lo đền nợ nước. Kế đó Lỗ vương truyền bãi triều, bá quan ai lui về dinh nấy. Còn Ngô Khởi về phủ rồi thẳng tới giáo trường, kéo cờ chiêu quân hằng ngày thao luyện quân sĩ, tích thảo đồn lương, chờ chọn được tháng tốt ngày lành sẽ hưng binh báo oán.

Đây nói về Anh vương nước Ngô, từ khi nghe Chung hậu phản Tề lên núi Tuý Bình sơn dựng cờ chiêu phu mà gạt vua nước Lương và nước Lỗ, sau lại giả chết gạt vua tôi nước Sở mà giết Tiêu Khôi và Ngũ Tân, bấy lâu trong lòng cứ căm giận Chung hậu hoài mà chẳng nói ra. Ngày kia lâm triều, bèn đòi một vị nguyên soái lên đền mà phán rằng:

– Tề quốc ỷ mạnh khi chư hầu, làm sỉ nhục tới các vua, trẫm bấy lâu muốn vì hai nước mà rửa thù, ngày nay khanh có kế chi hay thì phân qua nghe thử?

Nguyên soái tâu:

– Không có chi mà dấy động binh đao e có sự chẳng lành. Vậy sẵn hôm nay đây bên Tây vực, nước Ngưu Đề có đem hiến cống ta một trái hồ lô rất lớn,, nặng ước mấy trăm cân, không biết là bao nhiêu hột. Vậy sẵn cớ ấy bệ hạ sai người đem qua bên Đông Tề, đó nó nói cho được bao nhiêu hột ở trong, như mà nó nói trúng thì khỏi sự chiến tranh, nếu nó nói chẳng nhằm gì thì ta sẽ hưng binh chinh phạt.

Ngô vương nghe phải, khen hay, bèn kêu bá quan mà hỏi rằng:

– Có ai vì ta mà chịu nhọc, đem hồ lô qua sứ Đông Tề chăng?

Anh vương vừa dứt lời, có một vị bước ra lãnh mạng. Anh vương xem lại người ấy tên là Nhung Trị Quốc, chức thượng đại phu. Anh vương cả mừng mà rằng:

– Khanh và hai sứ Ngưu Đề quốc đem dâng hồ lô tới cống cho Tuyên vương, tiền phi lộ trẫm cấp cho mười đỉnh vàng, hãy tới phủ Hằng Xương cho chóng.

Nhung Trị Quốc tạ ơn lãnh mạnh lui ra cùng hai người sứ nước Ngưu Đề, một người tên là Tát Ma, một người tên là Bật Côn. Ba người cũng đều đều sửa soạn xong rồi truyền quân khiêng hồ lô theo, chỉ thẳng tới kinh thành Lâm Tri tấn phát.

Khi Nhung Trị Quốc tới nước Tề liền vào thẳng trước Ngọ môn, may nhằm lúc Tuyên vương lâm triều, quan huỳnh môn vào tâu rằng:

– Nay có sứ thần nước Ngô đem báu vật tới cống, người còn ở ngoài đợi lệnh.

Tuyên vương truyền chỉ cho vào, Nhung Trị Quốc và hai người sứ thần nước Ngưu Đề tới trước Kim giai, triều bái xong. Tuyên vương hỏi rằng:

– Vua ngươi sai tới đây tấn cống vật gì?

Nhung Trị Quốc tâu:

– Nước tôi nghèo, nhỏ, chẳng có vật chi là quý. Mới đây nước Ngưu Đề sai sứ đem sang một trái hồ lô nặng ước đặng mấy trăm cân, nay vua nước tôi mến bệ hạ đại đức đại nhân, nên sai tôi đem tới đây tấn cống. Còn hai sứ này và lại người Ngưu Đề quốc, đã biết trong ruột hồ lô có hột bao nhiêu. Xin bệ hạ, nếu có ai nói đặng thì nước tôi sẽ thường năm tấn cống. Nếu như thuợng quốc nói không nhằm thì nhường hạ bang lên làm bực thượng.

Tuyên vương hỏi:

– Vậy trái hồ lô bây giờ ở đâu?

Nhung Trị Quốc biểu hai người sứ đưa trái bầu lớn bằng cái giỏ, ngoài da đủ năm sắc tốt tươi. Tuyên vương xem kỹ một hồi, mới biết vật ấy dưới đời ít có, bèn phán rằng:

– Trẫm nghe trái hồ lô này ước năm trăm hột phải chăng?

Hai người sứ Ngưu Đề tâu rằng:

– Muôn tâu bệ hạ thật không nhằm.

Tuyên vương mới hỏi triều thần, ai muốn nói thì cho phép. Lúc đó Điền Côn nói:

– Chín đấu ba thăng.

Mạnh Đại Hiền nói:

– Một muôn ba ngàn hột.

Lưu nguyên soái nói:

– Một ngàn sáu trăm bốn mươi ba hột.

Điền Uông nói:

– Chín trăm tám mươi ba hột.

Điền Văn nói:

– Chừng hai trăm hột.

Còn Yến Anh nói:

-Mười hai hột.

Sứ Ngưu Đề liền tâu rằng:

– Bá quan đều nói trật hết.

Tuyên vương cả buồn, ngồi ngẫm nghĩ giây lát, bèn sai nội thị vào cung thỉnh Chung hậu ra. Chung hậu nghe nói có chỉ triệu thì cũng lật đật lâm triều. Tuyên vương mới thuật hết các việc, Chung hậu bèn tâu rằng:

– Việc đó chẳng khó chi, thần hậu không xem cũng đã biết. Xin đòi sứ thần lên điện, thần hậu nói cho nghe.

Tuyên vương cả mừng, truyền chỉ cho đòi ba sứ tới trước kim giai, triều bái Chung hậu. Chung hậu nói:

– Sứ thần tuy là đem trái hồ lô tới đây, nhưng cũng chưa rõ gốc tích của nó ra làm sao, để ai gia phân lại tỏ tường cho ba sứ nghe. Vả chăng trái bầu ấy tại xứ Tây Vực nước Ngưu Đề, có một hòn núi tên là Hồ Lô sơn cao hơn ba mươi trượng. Lúc trước bà Lê San thánh mẫu tới núi Lạc Già sơn mà yết Phật chí tôn. Khi đi ngang qua núi Hồ Lô, nhằm lúc tiết tháng ba, khí trời mát mẻ, cây cỏ tốt tươi, người mới hứng chí xem chơi biết rằng: Ngày sau mười nước tranh hùng, ắt có sự đại thương hòa khí. Bởi vậy cho nên người mới thò vào tay áo, lấy ra một hột hồ lô, bỏ lại trên núi ấy rồi đòi thổ địa thần đến dặn: Phải ngày đêm canh giữ, còn thần Công tào trực nhựt thì săn sóc vun trồng, tới năm đã có hơn ba trăm năm dư, nó mới lớn được như vậy. Trên đầu có hào quang năm sắc (đủ kim mộc ngũ hành), bên hông tám phía đành rành (tượng càn khôn bát quái), nơi gần cuống có bốn chữ “thiên tàng chi báu”. Trong ruột đủ nguyên hình mười hai nước hầu bang. Khi vua Ngưu Đề dạo ngang qua núi đó thấy có ánh hào quang sáng chói, mới sai người lên hai coi, rồi lại đem qua mà làm hại nước Ngô người. Ai gia đã biết rõ thiệt trong trái hồ lô này chỉ có âm dương hai hột mà thôi. Một bên có bảy lằn bạch khí, còn một bên có năm lằn hắc khí rõ ràng, đó là tướng tinh của các nước quân vương, bởi vận số nước còn nước mất. Nếu chẳng tin ai gia nói là thật, thì sẽ xem ta chặt nó ra làm hai cho coi.

Chung hậu nói rồi thì hai người sứ nước Ngưu Đề cúi đầu lạy lia lạy lịa, khen ngợi rằng:

– Nương nương huệ nhãn thần thông, thiệt tiên gia pháp lực vô song, chớ chẳng phải người phàm biết đặng.

Còn Nhung Trị Quốc thấy sứ nước Ngưu Đề đã khâm phục Chung hậu rồi thì đầy mình mồ hôi, mà cũng lấy chi làm chắc. còn Tuyên vương và nội triều văn võ thảy đều mừng rỡ. Chung hậu bèn cầm gươm bước xuống, chém trái bầu đứt ra làm hai. Quả y như lời đã nói, chẳng sai một chút nào, hột bên dương bay bổng lên cao, hóa ra bảy đạo bạch khí tường quang bay mất. Trong bảy đạo tường quang bay mất đó là tướng tinh vua Tề, Vệ, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần. Còn hột bên âm năm luồng hắc khí là tướng tinh vua nước Tống, Ngô, Lỗ, Tấn và Lương.

Khi Chung hậu chém xong trái hồ lô rồi, thấy rõ ràng như vậy thì biết rằng chẳng bao lâu đại hội Tương giang một ngày giết luôn năm con rồng và là tướng tinh của năm nước đó. Ấy cũng bởi số trời đã định nên thất hùng giành định hơn thua, phần mình sao cứ mãn địa thì đua, chẳng có lúc nào được thong thong thả. Khi đương ngẫm nghĩ, lại thấy Nhung Trị Quốc bước ra tâu rằng:

– Ngô thần bị ở tại cô lậu xứ nên chẳng hay rõ biết sự đất trời, xin Nương nương dạy bảo một hai lời, bao nhiêu trượng trời cao đất rộng.

Chung hậu nói:

– Ai gia chẳng có học thiên văn địa lý, làm sao biết được việc đất trời. Thôi! Bây giờ hãy nói về việc ngươi, vậy chớ mình gã đó nặng bao nhiêu cân lượng.

Nhung Trị Quốc nói:

– Người ta nhờ phụ tinh với mẫu huyết, được thành hình thập nguyệt hoài thai, xưa nay ai có cân người mà biết bao nhiêu nặng nhẹ.

Chung hậu nói:

– Ấy tại nhà ngươi sanh tệ, chớ trách ai gia ở dạ bất nhân. Cái đầu nhà ngươi có chín cân bốn lượng, chẳng tin cắt ra rồi rõ biết.

Chung hậu nói vừa dứt tiếng, bèn kêu Trị điện tướng quân bảo dẫn ông đại sứ ra pháp tràng xử trảm. Trong giây lát, quan Trị điện đã dâng thủ cấp của Nhung Trị Quốc lên, hai sứ Ngưu Đề mặt xanh như tàu lá. Chung hậu nói:

– Ai gia chẳng có nói quấy, hãy đem ra cân thử mà coi.

Trị điện quan đem cân ra. Quả thật là chín cân bốn lượng. Bá quan cả thảy đều thất sắc, sứ thần thấy vậy cũng kinh hồn. Chung hậu lại truyền đem sứ kia ra đánh đòn, mỗi người bốn chục. Tát Ma và Bật Côn đều rên siết, bị đánh rồi xúm nhau lạy tạ. Chung hậu lại bảo:

– Về nói với Ngô Anh vương mau mau viết biểu hàng đưa qua tấn cống.

Hai người cúi đầu vâng mạng, lui về một nước. Việc rồi bãi triều, Chung hậu về Chiêu Dương cung bá quan thảy đều vui mừng, đồn kéo về phủ an nghỉ.

Nói về Tát Ma và Bật Côn khi ra khỏi kinh thành nước Tề rồi, đêm nghỉ ngày đi, dầm mưa dãi nắng, chẳng mấy chốc nữa đã tới kinh thành Cô Tô nước Ngô vào tâu lại các sự cho Ngô Anh vương hay. Anh vương nổi giận mắng rằng:

– Con xủ phụ thiệt vô lễ, dám cả gan chém sứ ta. Phen này quyết bắt cho được, đặng trả thù cho Nhung Trị Quốc.

Nói rồi bèn cho hai sứ trở về nước và viết thơ ai đi chiêu mộ hùng binh, đêm ngày thường thao luyện tập tành, đặng đợi binh các nước.

Bình luận
720
× sticky