Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Con Mèo Dạy Hải Âu Bay

Chương 7 – Học Bay

Tác giả: Luis Sepulveda

“Trước khi bắt đầu, chúng ta phải ôn lại phần lý thuyết một lần nữa đã,” Einstein lên tiếng.
Từ trên nóc những giá sách, Đại Tá, Secretario, Zorba, và Bốn Biển đang tập trung theo dõi những gì đang xảy ra bên dưới. Lucky đang đứng cuối hành lang và định hướng chạy đà, còn ở đầu kia là Einstein, chùi đầu vào cuốn từ điển bách khoa tập mười hai, vần L. Nó đang mở rộng những trang sách viết về Leonardo Da Vinci, nơi có hình minh họa một loại máy kỳ cục được học giả vĩ đại người Ý gọi là “máy bay”.
“Nếu con đã sẵn sàng,” Einstein chỉ dẫn. “Trước hết chúng ta phải xác nhận độ ổn định của trục đỡ A và B.”
“Kiểm tra hai trục đỡ A và B,” Lucky nhắc lại, nhảy nhảy trên cẳng chân bên trái, rồi chân bên phải.
“Hoàn hảo. Giờ chúng ta sẽ thử độ mở của vị trí C và D,” Einstein lên giọng, nó thấy mình quan trọng không thua gì một kỹ sư NASA.
“Kiểm tra độ mở vị trí C và D,” Lucky tuân lời, dang rộng đôi cánh.
“Tuyệt vời!” Einstein nói giọng khuyến khích. “Bây giờ chúng ta làm lại một lần nữa.”
“Con mèo râu quặp cổ cong!” Bốn Biển ngoao lên. “Để cho con bé bay đi thôi!”
“Để tôi nhắc lại với anh rằng tôi là phụ trách kỹ thuật cho toàn bộ việc bay!” Einstein cãi lại. “Mọi yếu tố cần phải được kiểm tra đầy đủ nếu không hậu quả sẽ khủng khiếp khôn lường với Lucky. Khủng khiếp!”
“Naturalmente*. Anh ấy biết việc của mình mà,” Secretario nói theo.
“Đó chính là cái mà ta đang định nói.” Đại Tá sôi sục nói.
Trong suốt tuần qua, có hai chuyện đã xảy ra khiến con bọn mèo nhận ra rằng con hải âu thực sự muốn bay, cho dù nó giấu giếm cảm xúc của mình rất khéo léo.
Chuyện đầu tiên xảy ra vào một buổi chiều khi Lucky theo đám mèo đi sưởi nắng trên mái của cửa hiệu tạp hóa Harry. Sau khi khoan khoái tận hưởng những tia nắng trong chừng một tiếng đồng hồ, chúng nhìn thấy ba con chim hải âu đang bay phía trên cao, trước tầm mắt.
Ba con chim trông thật đẹp đẽ, uy quyền, phác họa một đường trên nền trời xanh biếc. Có lúc chúng tựa như bất động giữa không trung, thư thái thả mình trôi theo không khí với đôi cánh sải dài, nhưng rồi với một cử động nhẹ nhàng, chúng lao về phía trước với sự kiêu hãnh và tao nhã có thể khuấy động nỗi ghen tuông trong lòng kẻ quan sát và khiến họ cũng muốn được bay cao như chúng. Có một điều gì đó đã khiến bọn mèo rời mắt khỏi bầu trời và ngó xuống Lucky. Con chim hải âu nhỏ mải mê ngắm nhìn chuyến bay của đồng loại mà không hề nhận ra rằng mình cũng đang dang rộng đôi cánh.
“Nhìn kìa, con bé muốn bay,” Đại Tá thầm thì.
“Phải, đã tới lúc để nó học cách bay rồi,” Zorba đồng ý. “Con bé đã trở thành một con hải âu trưởng thành và khỏe mạnh.”
“Lucky! Volare*! Thử đi!” Secretario gào ông ổng về phía nó.
Nhưng khi nghe những lời động viên từ bạn bè, Lucky lặng lẽ thu đôi cánh rồi đi lại gần chúng. Nó nằm xuống cạnh Zorba và bắt đầu gõ lách cách cái mỏ, giả vờ như nó đang rên rừ rừ.
Chuyện thứ hai đã xảy ra vào ngày tiếp theo, khi bọn mèo đang lắng nghe một trong những câu chuyện của Bốn Biển:
“… và như tôi đã kể, con sóng cao thật là cao, chúng tôi không tài nào nhìn thấy được bờ biển và tệ nhất là – những con cá heo miệng cười tuyệt vời – vốn vẫn là la bàn sống cho chúng tôi bị đánh dạt hết. năm ngày năm đêm chúng tôi bị nhồi lắc trong bão biển, không hế biết tàu đang lao về phía bờ hay ra biển. Rồi, ngay khi chúng tôi tin rằng không còn gì để hy vọng, thủy thủ hoa tiêu trông thấy một đàn chim hải âu. Chúng tôi là một đoàn thủy thủ hạnh phúc, các bạn ạ. Chúng tôi chuyển bánh lái theo hướng mà đàn chim đang bay tới, và nhờ thế chúng tôi vào được đất liền. Cá nhồng chặt khúc lắm mồm! Những con hải âu đó đã cứu mạng chúng tôi! Nếu không nhìn thấy chúng, làm sao Bốn Biển già này có thể ngồi đây mà kể chuyện cho những kẻ chỉ biết sống trên cạn các anh.”
Lucky, kẻ luôn ngỏng cổ theo dõi những câu chuyện của con mèo viễn dương với sự tập trung cao độ, đã nghe chuyện đó với đôi mắt mở to: “Bác nói là hải âu có thể bay trong bão tố ạ?” nó hỏi.
“Sao lại không, hải âu là loài chim cứng cỏi nhất trong vũ trụ,” Bốn Biển cam đoan với nó. “Không một loài chim nào rành rẽ chuyện bay bằng hải âu.”
Câu chuyện của con mèo viễn dương đã tác động mãnh liệt tới trái tim Lucky. Hai chân nó dộng trên nền nhà còn cái mỏ thì đập vào nhau lách cách đầy căng thẳng.
“Vậy thì, thưa quý cô Lucky, cô có nghĩ rằng mình muốn bay hay không?” Zorba hỏi.
Lucky nhìn bọn mèo, từng con một, rồi nó đáp: “Vâng! Vui lòng dạy con bay!”
Bọn mèo ngoao lên sung sướng và ngay lập tức bắt chân vào nhiệm vụ. Chúng mong đợi giây phút này đã lâu rồi. Với bản tính kiên nhẫn của loài mèo, chúng chờ cho con hải âu tự nói lên mong ước được bay lượn, bởi có một châm ngôn truyền đời đã dạy chúng rằng bay lượn là một quyết định hoàn toàn cá nhân. Sung sướng nhất là Einstein, kẻ lúc này đã thuộc nằm lòng tất cả những vấn đề cơ bản của bay lượn trong tập mười hai, vần L của bộ từ điển bách khoa, và vì thế đã gánh vác trách nhiệm chỉ đạo quá trình tập bay.
“Sẵn sàng cất cánh!” Einstein thông báo.
“Sẵn sàng cất cánh!” Lucky nhắc lại.
“Bắt đầu chạy vào đường băng bằng cách đẩy hai trụ đỡ A và B về phía sau.”
Lucky bắt đầu di chuyển về phía trước, nhưng thật chậm, như nó đang lăn trên những bánh xe hoen rỉ.
“Tăng tốc,” Einstein thúc giục.
Con hải âu lạch bạch sải chân nhanh hơn một chút.
“Rồi, mở hai vị trí C và D.”
Lucky dang rộng cánh vào lao về phía trước.
“Rồi! Nâng điểm E!” Einstein ra lệnh.
Lucky dựng lông đuôi lên.
“Còn bây giờ, nâng lên hạ xuống hai vị trí C và D để đẩy không khí ra phía sau, đồng thời nhấc điểm A và B khỏi mặt đất!”
Lucky đập đập đôi cánh, co chân, nhấc thân hình lên khỏi mặt đất vài phân, rồi ngay lập tức rơi uỵch xuống như một cục chì.
Mấy con mèo nhảy vọt khỏi giá sách và chạy vù tới chỗ nó. Chúng thấy nó nước mắt lưng tròng.
“Con thật là đồ kém cỏi! Con thật là đồ kém cỏi!” nó khóc lóc nức nở, không sao dỗ dành được.
“Không kẻ nào có thể bay được ngay trong lần đầu tiên tập cả, con sẽ học dần. Ta hứa đấy,” Zorba meo khe khẽ, liếm đầu nó.
Einstein tiếp tục nghiên cứu để tìm ra điểm sai sót, nó đọc đi đọc lại phần nói về máy bay của ngài Leonardo Da Vinci.

Bình luận