Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô gái có hình xăm rồng

Chương 13

Tác giả: Stieg Larsson

Thứ Năm, 20 tháng Hai

Thứ Sáu, 7 tháng Ba

Trong tuần cuối cùng của tháng Hai, với Bjurman.N, sinh năm 1950, Salander cũng làm giống thân chủ cô, như một dự án đặc biệt, ưu tiên đặc biệt. Cô làm gần như mười sáu giờ mỗi ngày, tiến hành một cuộc điều tra cá nhân thấu triệt hơn những cái cô đã từng làm trước kia. Cô sử dụng hết mọi văn bản và tư liệu công cộng mà cô có thể chạm tới. Cô điều tra cả giới họ hàng và bè bạn của viên luật sư. Cô nhòm vào tài chính của ông ta và cho vào biểu đồ mọi chi tiết về học hành và nghề nghiệp của ông ta.

Kết quả làm nản lòng.

Ông ta là một luật sư, thành viên của Hội Luật gia, tác giả của một luận văn cà kê đến đáng nể nhưng lại đặc biệt chán ngấy về luật tài chính. Tiếng tăm ông ta không tì vết. Luật sư Bjurman chưa bao giờ bị phê phán.Trừ một lần ông ta phải mang ra Hội Luật gia – ông bị buộc tội đã làm trung gian trong một vụ buôn bán nhà đất chui gần mười năm trước, nhưng ông đã chứng minh được rằng mình vô tội. Tài chính của ông đúng quy tắc; Bjurman là người đã được thử thách với ít nhất 10 triệu curon trong tài sản. Ông ta nộp thuế nhiều hơn nợ, là thành viên của Hoà bình Xanh và Hội Ân xá Quốc tế,ông ta cúng tiền cho Hội Tim Phổi. Ông ta ít xuất hiện trên báo đài. Tuy ông đã kí tên mấy lần vào các bản kêu gọi cộng đồng ủng hộ những tù nhân ở thế giới thứ ba. Ông ta sống trong căn hộ năm buồng trên Upplandsgatan gần Odenplan, ông ta là thư kí hội đồng các hộ chung cư ở đây, Bjurman đã li hôn và không có con.

Salander tập trung soi vào người vợ li hôn tên là Elena. Bà sinh ra ở Ba Lan nhưng sống hết đời ở Thụy Điển. Bà làm việc ở một trung tâm phục hồi, có vẻ đã lấy một người là đồng nghiệp của Bjurman và hạnh phúc. Mục này không giúp được gì. Hôn nhân của Bjurman dài mười bốn năm, và li hôn thì suôn sẻ, không tranh chấp.

Công việc chính thức của luật sư Bjurman là làm người kiểm soát trông nom đám trẻ từng bị lôi thôi với pháp luật. Ông đã đỡ đầu cho bốn thanh niên trước khi làm giám hộ Salander. Tất cả các trường hợp này đều đính dáng đến vị thành niên và khi đám trẻ đến tuổi trưởng thành thì các nhiệm vụ này đã kết thúc với một quyết nghị của tòa án. Một trong các thân chủ của ông vẫn tham vấn Bjurman trong vai trò luật sư của ông cho nên ở mục này cũng không có thù oán nốt, Nếu Bjurman vẫn đang khai thác có hệ thống trẻ được giám hộ thì cũng không có dấu hiệu nào về chuyện này và bất kể Salander thăm thú sâu đến đâu cô cũng không tìm ra được một dấu vết sai trái nào. Cả bốn thanh niên đều đã dựng lập cuộc sống cùng với một bạn trai hay bạn gái, họ đều có việc làm, có chỗ để sống, được cấp thẻ nợ khi mua sắm.

Cô gọi từng người trong bốn thân chủ, tự giới thiệu là thư ký phúc lợi xã hội đang làm một nghiên cứu về cuộc sống của những đứa trẻ khi sống với sự trông nom của người đỡ đầu sẽ ra sao so với những trẻ khác. Vâng, sẽ được giấu tên, đó là chuyện tự nhiên mà. Cô cũng hỏi qua điện thoại mười câu hỏi. Mấy câu hỏi nhằm làm cho người trả lời đưa ra cách nhìn nhận của họ về chế độ đỡ đầu đã tiến hành ra sao – nếu họ có ý kiến về người đỡ đầu của họ, luật sư Bjurman thì sao? Không ai nói ra điều gì xấu xa về ông ta.

Khi làm xong cuộc truy xét, Salander thu tư liệu vào trong túi xách nhãn ICA rồi mang ra ngoài gian sảnh cùng với hai mươi túi xách đựng báo cũ. Xem ra Bjurman không có gì đáng chê trách. Quá khứ của ông ta không có gì để cô có thể sử dụng. Cô biết mười mươi ông ta là một kẻ gian xảo, một con lợn nhưng không tìm ra được cái gì để chứng minh.

Đã đến lúc tính sang cách làm khác. Sau khi phân tích, một khả năng cho thấy ngày càng hấp dẫn hơn – hay ít nhất có vẻ là một ngả thực tiễn thật sự. Ðiều dễ nhất sẽ là Bjurman đơn giản biến khỏi đời cô, thế thôi. Một cơn đau tim đột ngột. Hết chuyện. Kẹt là ngay cả những gã năm mươi ba tuổi đáng ghét, cũng không chịu nghe theo ý cô, mà ngoan ngoãn lên cơn đau tim cho.

Nhưng kiểu chuyện như thế này có thể thu xếp được.

Blomkvist giữ kín chuyện quan hệ với bà Hiệu trưởng Cecilia Vanger. Chị có ba quy tắc: không muốn bất cứ ai biết hai người gặp nhau; anh chỉ sang khi nào chị gọi và anh không ở lại hết đêm.

Niềm đam mê của chị làm cho anh ngạc nhiên và lạ. Khi anh tình cờ gặp chị ở quán Susanne, chị thân mật nhưng lạnh và xa cách. Khi hai người gặp nhau trong phòng ngủ của chị, chị cuồng say như rồ đại.

Blomkvist không muốn dò vào đời tư của chị nhưng anh lại được mướn để dò vào đời tư của mỗi người trong gia đình Vanger. Anh cảm thấy bị giằng xé và đồng thời cũng tò mò. Một hôm anh hỏi Henrik chị đã lấy ai và đã xảy ra chuyện gì. Anh hỏi câu này khi họ đang bàn đến Alexander và Birger

– Cecilia ấy à? Tôi nghĩ cháu nó không dính gì đến Harriet cả.

– Ông nói quá khứ của chị ấy cho tôi đi.

– Sau khi tốt nghiệp Cecilia chuyển về đây, làm cô giáo. Nó gặp một người tên là Jerry Karlsson, người này không may lại làm việc cho Tập đoàn Vanger. Họ lấy nhau. Tôi nghĩ cuộc hôn nhân này hạnh phúc – muốn gì thì cũng ở thời kì đầu. Nhưng sau hai năm, tôi bắt đầu thấy cơ sự không diễn ra như tôi chờ đợi. Anh chồng đối xử không tốt với vợ. Đấy là chuyện thường xuyên – hắn đánh Cecilia nhưng nó vẫn trung thành bảo vệ hắn. Cuối cùng một lần hắn đánh nhiều quá. Cecilia bị thương nặng đến nước phải vào bệnh viện. Tôi giúp đỡ, nó dọn đi khỏi đây đến đảo Hederby và từ đó từ chối gặp tay chồng. Còn tôi thì chắc chắn là đã đuổi việc hắn.

– Nhưng họ vẫn là vợ chồng ?

– Chuyện này là tuỳ theo định nghĩa của anh thôi. Tôi không hiểu tại sao Cecilia không làm đơn li hôn. Nhưng nó không bao giờ muốn tái hôn. Cho nên tôi cho là như vậy cũng chả làm cho khác đi.

– Tay Karlsson này, có liên quan gì với…

– … với Harriet? Không, năm 1966 hắn không ở Hedestad, hắn không làm việc cho chúng tôi lúc ấy.

– OK.

– Mikael, tôi yêu Cecilia. Nó có thể mưu mô trong công chuyện nhưng là một người tốt trong gia đình.

Salander dành cả tuần cho việc đánh gục Nils Bjurman. Cô xem xét và loại bỏ nhiều cách làm khác nhau cho đển khi rút lại chỉ còn một vài kịch bản để chọn. Không làm cái gì xốc nổi.

Có điều là phải tạo được một điều kiện. Bjurman phải chết bằng cái cách nào đó mà cô là vô can. Bất cứ cuộc điều tra nào của cảnh sát cũng sẽ dính cô vào, việc đó cô cho là lẽ đương nhiên; sớm muộn khi người ta xét đến các trách nhiệm của Bjurman, tên cô cũng sẽ được trưng lên. Nhưng cô chỉ là một trong cả cả một rừng thân chủ cũ mới, cô mới chỉ gặp ông ta bốn lần, và sẽ không có manh mối nào cho thấy cái chết của ông ra có liên quan đến một ai trong các thân chủ của ông. Đã có bạn gái cũ, họ hàng, người quen biết chốc nhát, đồng nghiệp và những người khác. Cũng có cả cái đã quen được định nghĩa là “bạo hành ngẫu nhiên” khi mà người thủ ác và nạn nhân không biết nhau.

Nếu tên cô xuất hiện, cô sẽ là một cô gái không nơi nương tựa, bất tài bất lực với các tư liệu cho thấy cô có vấn đề về tâm thần. Cho nên sẽ rất lợi nếu Bjurman chết một cách đủ phức tạp để cho rất khó có thể nghĩ một cô gái tâm thần có vấn đề lại là kẻ thủ ác được.

Cô thôi dùng súng. Có súng không phải là chuyện lớn nhưng trong việc dò tìm súng đạn thì cảnh sát giỏi đáng sợ.

Cô nghĩ đến dùng dao, dao thì có thể mua ở bất cứ hiệu ngũ kim nào, nhưng lại quyết định thôi. Cho dù cô có thể bất thần hiện ra gí dao vào lưng ông ta thì ông ta cũng chưa chắc chết ngay. Tệ hơn, có thể lại còn vật lộn, khiến cho bị chú ý rồi máu có thể vấy vào quần áo cô, làm bằng chứng chống lại cô.

Cô nghĩ dùng một kiểu bom gì đó nhưng phương án này quá phức tạp. Làm một quả bom, bản thân chuyện ấy không thành vấn đề – Internet đầy các sách dạy cách chế tạo các của giết được nhiều người nhất này. Sẽ rất khó tìm một chỗ đặt bom sao cho người qua đường vô tội không bị thương. Ngoài ra lại cũng không đảm bảo chắc chắn ông ta sẽ chết.

Điện thoại réo.

– Chào, Lisbeth. Dragan. Tôi có một việc cho cô.

– Tôi không có thì giờ.

– Việc này quan trọng.

– Tôi bận.

Cô dập máy.

Cuối cùng cô đậu lại ở phương án dùng thuốc độc .Cô ngạc nhiên đã chọn môn này nhưng xét kỹ thì đó là một cách hoàn hảo.

Salander bỏ mấy ngày rà trên Internet. Vô thiên lủng tha hồ chọn. Một thứ là nằm trong những thuốc độc chết người nhất mà khoa học biết đến – axit hydrocyanic, nôm na là axit prussic hay axit màu xanh Phổ. Chỉ một vài miligam axit xanh Phổ đủ giết chết một người; một lít trong một thùng tưới ô doa có thể dọn sạch một thành phố cỡ trung.

Rõ ràng một chất chết người như thế là bị kiểm soát ngặt nghèo. Nhưng lại có thể chế được trong một cái bếp bình thường. Mọi thứ cần đến chỉ là một số không nhiều thiết bị hoá nghiệm và có thể tìm thấy ở trong một bộ dụng cụ hoá học của trẻ con giá vài trăm curon cùng mấy thành phần chiếu xuất từ các sản phẩm thông thường dùng trong gia đình và được Sách giáo khoa dạy làm ở trên Internet.

Một lựa chọn khác là nicôtin. Từ một tút thuốc lá có thể chiết xuất ra những miligam nicôtin, đốt chúng lên thành một thứ xirô nhầy dính. Một chất còn tốt hơn, tuy sản xuất hơi phức tạp hơn là nicôtin sunphát , cái này có đặc tính là có thể thấm qua da. Mọi việc cô phải làm là đi găng tay cao su, đổ đầy nước ấy vào một súng lục hơi rồi bơm vào mặt Bjurman. Ông ta liền hôn mê trong vòng hai chục giây và chết thẳng cẳng trong vài phút.

Salander không ngờ quá nhiều vật dụng trong nhà có thể thành vũ khí giết người. Sau vài hôm nghiên cứu vấn đề, cô đã tin rằng không có môn kỹ thuật nào lấy được cái mạng của kẻ canh giữ cô.

Có hai vấn đề: Cái chết của Bjurman tự nó không có cho cô quay lại tự cai quản lấy cuộc đời cô, và không có đảm bảo rằng người kế chân Bjurman sẽ tử tế hơn. Hãy phân tích về các hậu quả.

Vậy thì điều mà cô cần làm là kiểm soát người giám hộ cô và do đó kiểm soát được cả tình cảnh cô. Cô ngồi hết cả buổi tối trên chiếu ghế sofa cũ nát ở trong phòng khách thầm duyệt lại toàn bộ tình hình ở trong đầu. Sắp sáng, cô vứt bỏ cái ý ám sát bằng thuốc độc mà sắp xếp một kế hoạch mới.

Đây là một lựa chọn chả thú vị gì, nó vẫn cho phép Bjurman tiếp tục tấn công cô. Nhưng nếu thực hiện nó, cô sẽ thắng.

Đến cuối tháng Hai, Blomkvist sa vào một nếp làm việc hàng ngày khiến nó thay đổi việc anh ở lại Hedestad. Sáng sáng anh dậy lúc 9 giờ, ăn điểm tâm, rồi làm việc tới trưa. Trong thời gian này anh nhồi nhét các tài liệu mới vào đầu. Sau đó đi bộ một giờ đồng hồ bất kể thời tiết ra sao. Chiều anh làm việc tiếp, hoặc ở nhà hoặc ở quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne, chế biến sắp xếp những cái anh đọc trong buổi sáng hay viết vài đoạn có thể sẽ là tự truyện của Henrik Vanger. Từ 3 đến 6 giờ anh luôn luôn rảnh. Anh có thể mua sắm, tắm giặt hoặc vào Hedestad. Khoảng 7 giờ anh đến nhà Vanger hỏi ông những câu hỏi nổi lên hôm đó. 10 giờ anh ở nhà, có thể đọc tới 1 hay 2 giờ sáng. Anh làm việc chu đáo với các tư liệu của Vanger.

Việc định hình cho quyển tự truyện diễn ra êm ả. Anh đã viết 120 trang bản thảo sơ bộ về biên niên gia đình. Anh đã tới những năm 1920. Quá đoạn này anh sẽ làm chậm hơn và bắt đầu cân nhắc chữ nghĩa.

Qua thư viện ở Hedestad, anh đã mượn những sách viết về chủ nghĩa Quốc xã trong thời gian ấy, gồm cả luận văn tiến sĩ của Helene Loow, Chữ thập ngoặc và bố Wasa, viết về các biểu tượng mà đám Quốc xã Ðức và Thụy Ðiển đã dùng. Anh đã có bốn chục trang bản thảo khác về Henrik và mấy người anh của ông, tập trung vào Henrik là người giữ cho câu truyện gắn kết lại với nhau. Anh có danh sách những đề tài anh cần nghiên cứu về cách công ty hoạt động lúc bấy giờ. Và anh đã phát hiện ra thấy gia đình Vanger từng dính líu nặng vào đế chế lvar Kreuger-một khía cạnh khác của câu chuyện anh cần khai thác. Anh ước lượng còn phải viết khoảng 300 trang nữa. Theo kế hoạch anh đặt ra, anh muốn vào ngay đầu tháng Chín có một bản thảo cuối cùng cho Henrik Vanger xem để anh có được cả mùa thu soát lại bài viết.

Vì tất cả sự đọc và viết này, Blomkvist không tiến bộ một li nào trong vụ Harriet dù anh nghiền ngẫm các chi tiết trong đống hồ sơ, anh cũng không tìm ra nổi một mẩu thông tin duy nhất nào mâu thuẫn với báo cáo điều tra.

Một tối thứ Bảy cuối tháng Hai, anh có một cuộc nói chuyện với Henrik Vanger, trong đó anh báo cáo về những tiến bộ mới đây của mình. Ông già kiên nhẫn nghe trong khi Blomkvist kể ra hết các ngõ cụt anh đã rúc phải.

– Không có án mạng nào lại hoàn hảo cả. – Henrik nói. – Tôi chắc chắn chúng ta đã để lọt mất một cái gì.

– Vụ án mạng này được gây ra như thế nào, chúng ta vẫn chưa nói được chỗ ấy.

– Nắm lấy chỗ ấy, – Henrik nói. – Và hoàn thành công việc.

– Vô ích.

– Có thể là thế. Nhưng không bỏ cuộc.

Blomkvist thở dài.

– Các số điện thoại. – Cuối cùng anh nói.

– Ừ.

– Chắc là chúng phải nói lên cái gì.

– Tôi đồng ý.

– Chúng được ghi lại vì một mục đích gì đó.

– Ừ

– Nhưng chúng ta không diễn giải được.

– Ừ

– Hoặc nói khác đi là chúng ta đã diễn giải sai.

– Chính xác.

– Không phải số điện thoại. Là một cái gì đó.

– Có thể là thế.

Blomkvist lại thở dài, rồi về nhà đọc tiếp.

Luật sư Bjurman nhẹ người khi Salander lại gọi, nói rõ là cô cần thêm tiền nữa. Cô hoãn lần gặp đã lên lịch gần đây nhất với lý do là cô có việc phải làm và ông bị một cảm giác không thoái mái cắn rứt. Cô sẽ lại quay về là một đứa trẻ có vấn đề không thể xử lý được chăng? Nhưng do lỡ cuộc gặp nên cô đã không được trợ cấp vậy thì sớm muộn cô buộc sẽ phải đến gặp ông. Ông không thể giúp nhưng ông băn khoăn cô có bàn với một người ngoài cuộc nào đó về câu chuyện đã xảy ra không.

Sẽ phải kiềm chế cô ta. Sẽ phải cho cô ta hiểu ai là người có quyền quyết định. Cho nên ông bảo cô lần này gặp không ở sở mà tại nhà ông ta gần Odenplan. Nghe tin này, Salander im lặng hồi lâu trong máy rồi cuối cùng bằng lòng.

Cô đã dự định gặp ông ta ở sở, đúng như lần trước. Nay cô buộc phải gặp ông ở miếng đất không quen thuộc. Cuộc hẹn vào tối thứ Sáu. Cô đã được cho số toà cao ốc và cô bấm chuông nhà ông

8 giờ Blomkvist tắt máy tính, mặc quần áo đi ra phố. Anh để đèn sáng trong phòng làm việc. Bên ngoài trời sáng sao và đêm lạnh buốt. Anh đi gấp lên đồi, qua nhà Vanger, bắt vào đường tới Ostergarden. Khỏi nhà Vanger anh rẽ trái, đi theo một con đường xấu hơn dọc bờ biển. Các phao thắp sáng lập loè trong vùng nước và ánh sáng từ Hedestad lấp loá vui vẻ trong bóng tối. Anh cần khí trời trong lành nhưng trên hết anh muốn tránh con mắt rình mò của Isabella Vanger. Quá nhà Vanger không xa. Anh lại ra đường cái và đến cửa nhà Cecilia Vanger ngay sau 8 rưỡi. Họ đến ngay phòng ngủ của chị.

Họ gặp nhau mỗi tuần hai lần. Cecilia không chỉ thành người tình của anh ở đây, tại chốn anh «lưu vong» này mà còn là người mà anh bắt đầu tâm sự. Thảo luận với Cecilia về Harriet Vanger thì được thưởng có ý nghĩa hơn so với Henrik, chú của chị.

Gần như kế hoạch đã tỏ ra sai ngay từ đầu.

Bjurman mặc áo choàng tắm khi ông ta mở cửa. Bực cô gái đến muộn, ông đẩy mạnh cô vào trong. Cô mặc quần jean đen, áo phông đen và chiếc jacket da bắt buộc. Cô đi bốt đen và đeo một ba lô nhỏ có dây đeo chéo qua ngực.

– Cô không biết xem cả giờ nữa hay sao? – Bjurman nói.

Salander không đáp. Cô nhìn quanh. Ngôi nhà nom rất giống như cô đã hình dung sau khi nghiên cứu bản đồ xây dựng trong lưu trữ văn thư của sở Phân vùng Thành phố. Đồ nội thất sáng màu bằng gỗ bu lô và sồi.

– Nào, vào đi, – Bjurman nói, giọng thân mật hơn, tay quàng qua vai cô và đưa cô đến cuối gian sảnh vào một chỗ bên trong căn nhà. Không cố rón rén. Ông ta mở cửa vào phòng ngủ. Không còn nghi ngờ gì nữa về cái việc ông ta chờ đợi Salander sẽ hoàn thành. Cô nhìn vội xung quanh. Ðồ đạc cho kẻ độc thân. Một cái giường đôi với một khung giường bằng thép không gỉ. Một cái tủ ngăn kéo có chức năng như một cái bàn đầu giường. Cạnh các đèn tắt bật không tiếng động. Một tủ quần áo với gương hết một bên cánh. Một ghế mây và một bàn làm việc nhỏ ở góc gần cửa. Ông cầm tay cô đưa đến bên giường.

– Bảo tôi lần này cô cần tiền làm gì. Thêm linh kiện máy tính à?

– Cái ăn. – Cô nói.

– Dĩ nhiên. Tôi ngớ ngẩn thế cơ chứ. Cô đã bỏ mất lần gặp truớc. – Ðặt tay vào dưới cằm cô, ông ta nâng mặt cô lên cho mắt hai người gặp nhau. – Cô sao?

Cô nhún vai.

– Cô có nghĩ đến những điều tôi nói lần trước không?

– Về gì?

– Lisbeth, đừng có mà vờ ngu đi. Tôi muốn chúng ta là bạn tốt và giúp đỡ lẫn nhau.

Cô chẳng nói chẳng rằng. Luật sư Bjurman nén cơn hung muốn tát cô một cái – để cho cô hoạt lên một ít.

– Cô có thích trò chơi người lớn của chúng ta tối nọ không?

– Không.

Ông nhíu mày.

– Lisbeth, đừng điên rồ.

– Tôi cần tiền để mua cái ăn.

– Nhưng hôm nọ tôi đã nói với cô rồi đấy. Nếu cô tử tế với tôi, tôi sẽ tử tế với cô. Nhưng nếu cô định phá quấy…, – ông bóp mạnh cằm cô và cô vẹo người đi.

– Tôi muốn lấy tiền của tôi. Ông muốn tôi làm gì ?

– Cô biết tôi muốn gì, – ông nắm lấy vai cô kéo đến giường.

– Khoan, – Salander vội nói. Cô nhẫn nhục nhìn ông ta rồi gật cụt lủn một cái. Cô cởi ba lô và chiếc jacket da có những đinh tán ra, nhìn quanh. Cô để chiếc jacket lên ghế nhựa rồi ngập ngừng đi mấy bước lên giường. Rồi cô dừng lại, như bị lạnh chân. Bjurman lại gần hơn.

– Khoan, – cô nói một lần nữa, với cái giọng tựa như giảng đạo lý. – Tôi không muốn mỗi lần cần tiền lại phải mút của quý của ông.

Vẻ mặt Bjurman thình lình biến đổi. Ông ta tát mạnh cô một cái. Salander mở to mắt nhưng cô chưa kịp phản ứng, thì Bjurman đã túm lấy vai cô rồi ném cô lên giường. Cô sửng sốt vì hành vi hung bạo. Khi cô cố xoay người dậy thì ông ta đè cô xuống gìường và cưỡi lên người cô.

Giống như lần trước, cô không thể đọ được với ông ta về sức khỏe, cơ may đánh trả duy nhất của cô là có thể cào vào mắt hay dùng một vũ khí nào đó làm cho ông ta bị thuơng. Kịch bản cô bày ra đã đi đời nhà ma. Cứt, cô nghĩ khi ông ta lột chiếc áo phông của cô ra. Cô kinh hoàng nhận thấy cô đã hoàn toàn hết phương đối phó.

Cô nghe thấy ông ta mở ngăn kẻo cạnh giường rồi tiếng kim loại lanh canh. Ban đầu cô không hiểu chuyện gì; rồi cô thấy còng số tám thít chặt lấy cổ tay cô. Ông ta giơ tay cô lên, đặt còng số tám vào quanh một cọc giường rồi khóa tay kia của cô lại. Ông chả mất mấy thì giờ để tụt bốt và quần jean cô ra. Rồi cởi quần lót dài ngang đùi của cô ra cầm ở trong tay.

– Cô phải học cách tin cậy tôi, Lisbeth, – ông ta nói. – Tôi sắp dạy cô chơi như thế nào cái trò của người lớn đây. Nếu cô đối xử không tử tế với tôi, cô sẽ bị trừng trị. Nếu cô tử tế với tôi thì chúng ta sẽ là bạn.

Ông ta lại cưỡi lên người cô.

– Vậy là cô không thích làm đằng hậu môn à?

Salander há mồm ra hét. Ông ta túm tóc cô, nhét quần lót dài tới ngang đùi của cô vào mồm cô. Cô cảm thấy ông ta đặt một cái gì vào quanh cổ chân cô, giạng hai chân cô ra rồi trói chúng lại để cho nằm hoàn toàn bất lực. Cô nghe thấy ông ta đi quanh gian phòng nhưng không nhìn thấy gì qua chiếc áo phông quấn quanh mặt. Ông ta phải mất vài phút. Cô thở khó nhọc. Rồi cô thấy đau kinh khủng khi ông ta thúc một cái gì đó vào hậu môn cô.

Cecilia vẫn có một quy định là Blomkvist không ở lại cả đêm. Đôi khi sau hai giờ sáng, anh bắt đầu mặc quần áo, chị vẫn nằm trần truồng trên giường, mỉm cười với anh.

– Tôi thích anh đấy, Mikael. Tôi thích anh ở bên.

– Tôi cũng thích chị.

Chị kéo anh lại giường, cởi áo sơ mi anh vừa mặc vào. Anh ở lại thêm một giờ nữa.

Sau đó về qua nhà Vanger, anh chắc chắn là đã trông thấy một bức rèm ở trên gác lay động.

Salander được bảo mặc quần áo vào. Lúc ấy là 4 giờ sáng thứ Bảy.

Cô nhặt jacket da, ba lô lên và tập tễnh đi ra cửa, ông luật sư tắm táp và ăn mặc sạch sẽ đã chờ cô ở đó. Ông ta đưa cho cô tấm séc 2.500 Curon.

– Tôi lái xe đưa cô về. – Ông ta mở cửa nói.

Cô bước qua ngưỡng cứa, ra ngoài ngôi nhà rồi quay lại nhìn ông ta. Người cô nom mảnh dẻ, mặt sưng húp híp vì khóc; ông ta gần như co rúm lại khi va phải mắt cô. Trong đời mình, ông ta chưa từng bao giờ trông thấy vẻ căm thù nào trần trụi, nung nấu âm ỉ như thế này. Salander nom đúng là điên như lý lịch cô đã ghi.

– Không. – Cô nói quá khẽ đến độ ông nghe không rõ. – Tôi về một mình được.

Ông ta đặt một tay lên vai cô.

– Có chắc không ?

Cô gật. Tay ông ta bóp chặt hơn lấy vai cô.

– Hãy nhớ cái mà chúng ta đã thoả thuận. Thứ Bảy sau lại đến đây.

Cô lại gật. Sợ. Ông ta để cô đi.

Bình luận