Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cuốn Theo Chiều Gió

Chương 23

Tác giả: Margaret Mitchell

Scarlett O’ Hara không đẹp, nhưng nam giới ít nhận ra điều đó mỗi khi bị cuốn hút bởi sự duyên dáng của nàng, như trường hợp hai anh em song sinh Tarleton . Khuôn mặt nàng là một sự kết hợp hài hoà giữa những đường nét kiều diễm của mẹ, người quý tộc miền duyên hải thuộc dòng dõi Pháp, và những góc cạnh thô kệch của người cha Ái Nhĩ Lan, da dẻ hồng hào. Tuy thế, đó là khuôn mặt ưa nhìn với cằm thon, hàm nở rộng. Đôi mắt xanh biếc của nàng được viền bởi những hàng nở rộng. Đôi mắt xanh biếc của nàng được viền bởi những hàng mi dài rậm uốn cong vút . Bên trên đôi mắt đó là hai vệt mày chênh chếch vạch thành hai đường nghiêng đậm nét trên làn da trắng trong của hoa mộc lan- màu da mà phụ nữ miền Nam vô cùng quý trọng và cẩn thận giữ gìn bằng những chiếc nón rộng vành, mạng che mặt và bao tay để chống lại ánh nắng gay gắt của xứ Georgia.

Ngồi với Stuart và Brent Tarleton dưới bóng mát của mái hiên Tara, đồn điền của cha nàng, giữa một chiều nắng tháng Tư năm 1861, Scarlett là hiện thân của hình ảnh yêu kiều Chiếc áo mới bằng sa- tanh có điểm hoa xoè rộng mười một thước trên những viền đai, xứng hợp hoàn toàn với đôi giày da bê thuộc màu xanh mà cha nàng vừa mua từ Atlanta Chiếc áo làm nổi bật tột cùng cái vòng eo bốn mươi hai phân rưỡi, vòng eo thon mảnh nhứt của địa hạt xứ Georgia, và chiếc yếm bó sát vừa vặn để lộ bộ ngực tròn trịa của một thiếu nữ 16 tuổi ? Tuy nhiên, dẫu tà áo đã được khép kín quanh, dẫu mái tóc láng mịn đã được búi gọn đúng vẻ trang nghiêm, và dẫu hai bàn tay trắng nhỏ đã được xếp tréo trên đùi, Scarlett cũng không che giấu nổi con người thật sự của nàng trên khuôn mặt cố giữ nét đoan trang, đôi mắt màu lam vẫn không ngớt lóng lánh ánh nhiệt cuồng, bướng bỉnh và khát sống, tương phản rõ rệt với cái vẻ bề ngoài cố làm ra thuỳ mị. Phong cách của nàng là kết tinh những lời khuyên dạy của mẹ và kỷ luật nghiêm khắc của mammy, nhưng đôi mắt vẫn là mắt của riêng nàng.

Mỗi người một bên Scarlett, hai anh em sinh đôi nhàn nhã ngồi trên ghế, vừa nói cười, vừa lơ đãng nhìn ánh nắng chiếu xuyên hai ly rượu ngọt bạc hà to tướng, và hững hờ bắt tréo đôi chân dài mang giày ống cao tới gối, cuồn cuộn nhưng bắp thịt rắn chắc của người quen sống trên lưng ngựa. Cùng 19 tuổi, cùng cao 1m85, xương dài thịt chắc, hai anh em cùng giống nhau như hai bành bông vải, cũng những khuôn mặt sạm nắng, cũng tóc đỏ hoe, cũng ánh mắt tươi vui ngạo nghễ, cũng mặc một loại áo màu xanh và quần kỵ mã màu hột cải.

Bên ngoài, nắng chiều chiếu nghiêng xuống khoảnh sân, ném những tia sáng chói chang lên hàng cây dương đào với từng chùm hoa trắng trên bối cảnh xanh um. Ngựa của 2 anh em song sinh được cột ngoài mã lộ, 2 con cao lớn bộ lông hung đỏ không khác gì tóc chủ. Vơ vẩn quanh chân ngựa là một lũ chó mảnh khảnh, hung hăng, đang gầm gừ nhau, và bất cứ lúc nào cũng theo sát Stuart với Brent. Xa hơn 1 chút, dường như để ra điều quý phái, một con chó lông lốm đố đen nằm gác mõm lên hai chân trước, nhẫn nại đợi chủ trở về dùng bữa tối.

Giữa đàn chó, đôi ngựa và hai anh em song sinh nảy sinh 1 mối thân tình còn sâu đậm hơn cả mối tình của những kẻ luôn khắng khít bên nhau. Tất cả đều cuờng tráng, vô tư, lành lặn duyên dáng và dũng cảm, hai gã con trai cũng hung hăng như ngựa họ, hung hăng và nguy hiểm nhưng đồng thời cũng ngoan ngoãn với những ai khéo xử.

Mặc dầu đuợc sinh trưởng giữa cuộc sống dễ dãi ở đồn điền, được săn sóc hầu hạ từ lúc bé nhưng cả 3 khuôn mặt duới mái hiên không có gì uể oải hay mềm yếu. Họ vẫn có đủ nghị lực và sự mẫn tiệp của dân quê đã từng quen sống ngoài trời và không một mảy may bận trí bởi những điều nhạt nhẽo trong sách vở. Cuộc sống ở hạt Clay ton, miền Bắc Georgia hãy còn mới mẻ và có phần sống sượng so với trình độ ở các hạt Augusta, Savannah và Charleston. Người miền Nam kỳ cựu và nghiêm trang nhất thường nhìn dân sống ở cao nguyên Georgia với con mắt khinh thường, nhưng ở đây tại miền Bắc Georgia, vấn đề thiếu sót những điểm cầu kỳ trong nền giáo dục cổ điển chẳng có gì đáng cho là xấu hổ, miễn là người đàn ông có đủ khả năng để thực hiện những việc thích nghi. Và trồng bông vải, cuỡi ngựa hay bắn giỏi, khiêu vũ nhẹ nhàng, biết hầu chuyện nữ giới một cách lịch thiệp và biết uống ruợu như một khách hào hoa là tất cả những gì đáng kể.

Về các phương diện đó, hai anh em Tarleton tỏ ra xuất sắc, lại còn vượt bực hơn với sự bất lực rõ ràng về chuyện không thể thâu thập nổi bất cứ những gì chứa đựng trong sách vở. Gia đình họ quá giàu, nuôi nhiều ngựa và nhiều nô lệ hơn bất cứ ai trong toàn hạt, nhưng cả hai thì lại ít học hơn bất cứ người Cracker(người da trắng nghèo khổ ở miền Nam Hoa Kỳ) nào chung quanh.Đó là lý do chánh yếu đã khiến cho Stuart và Brent nhàn hạ giết thì giờ ở cổng đồn điền Tara vào buổi chiều tháng Tư này. Họ vừa bị trục xuất ra khỏi Đại học Georgia, trường đại học thứ tư trong vòng 2 năm đã đuổi họ ra khỏi cửa, và anh em của họ là Tom và Boyd cũng bỏ học, cùng về, bởi vì họ không thể tiếp tục ở lại nơi đã từng thẳng tay xử tệ với hai anh em song sinh. Đối với Stuart và Brent thì lần bị đuổi học sau cùng này chỉ là một trò đùa, và Scarlett, kể từ khi rời khỏi nữ học xá Phayetteville, không buồn lật qua một trang sách nào nữa cả, cũng cho đó là một điều thú vị.Nàng nói:

− Tôi biết 2 anh bất cần chuyện đuổi học, cả anh Tom cũng vậy. Nhưng chẳng biết anh Boyd sẽ ra sao? Anh ấy hiếu học, nhưng hai anh lại làm cho anh ấy lần lượt phải bỏ học ở Virginia, Alabama, South Carolina, và bây giờ tới Georgia. Cứ cái đà này, chắc chẳng bao giờ anh ấy tốt nghiệp đuợc.

Brent hững hờ:

− Ồ, có gì đâu . Anh ấy có thể học luật tại văn phòng thẩm phán Parmalee ở Phayetteville. Vả lại, chuyện cũng chẳng có gì quan trọng. Đằng nào thì bọn này cũng phải trở về trước khi hết học trình.

− Sao vậy ?

− Chiến tranh chớ còn sao nửa Cô bé khờ, chiến tranh sắp sửa bùng nổ bất cứ khi nào. Cô tưởng có đứa nào trong bọn này sẽ chịu đi học trong khi chiến tranh diễn ra, phải không?

Scarlett khó chịu:

− Các anh dư biết là không có chiến tranh mà chỉ nói cho có chuyện thôi. Nếu có thì tại sao anh Asley Quilkes và ba anh ấy nói với ba tôi là mấy ông đặc uỷ của mình tại Hoa Thịnh Đốn tuần tra đã đi tới một thoả hiệp với ông Lincoln về chánh sách Liên Bang. Vả lại, bọn Yankee quá sợ mình thì làm sao dám đánh. Nhứt định là không có chiến tranh đâu, tôi chán nghe chuyện đó lắm rồi.

Cả 2 anh em song sinh đều bất bình kêu lên dường như họ đã bị đánh lừa:

− Không có chiến tranh!

Và Stuart tiếp ngay:

− Có chớ, cưng ơi, nhứt định sắp có chiến tranh. Có lẽ bọn Yankee vẫn sợ mình, nhưng qua cái lối Đại tướng Beauregard nã đại bác đẩy bật chúng ra khỏi căn cứ Sumter, chúng bắt buộc sẽ phải đánh trả nếu không muốn cả thế giới coi chúng là những tên khiếp nhược. Tại sao, Liên bang…

Scarlett mím môi, bực tức:

− Nếu các anh nói tới “chiến tranh” một lần nữa, tôi sẽ vào nhà và đóng cửa lại ngay. Chưa bao giờ tôi chán nản tiếng nào hơn tiếng “chiến tranh” ngoại trừ tiếng “phân ly”. Hết sáng tới trưa và tối, ba không ngớt nói chuyện chiến tranh, và bao nhiêu khách tới nhà cũng bô bô nói về chuyện căn cứ Sumter, về quyền lợi của các Tiểu bang và ông Abe Lincoln đến nổi tôi chán ngấy muốn hét lên. Rồi bọn con trai cũng nói vậy và nhắc chuyện bộ đội xưa cũ của họ. Cứ vậy mà mùa xuân này chẳng có một hội hè nào cho ra đám, bởi vì bọn con trai chẳng có gì để nói khác hơn. Tôi hết sức bằng lòng Georgia đã chờ đến qua lễ Giáng Sinh mới ly khai, nếu không thì mấy cuộc vui dịp Giáng Sinh đều hỏng cả. Nếu các anh lặp lại lần nữa tiếng “chiến tranh” là tôi vào nhà ngay.

Scarlett sẽ làm đúng như đã nói vì rằng nàng không thể chấp nhận được bất cứ một câu chuyện nào mà trong đó nàng không phải là chủ đề. Tuy vậy, nàng vẫn mỉm cười trong khi nói, cố làm cho đồng tiền ở má lúm sâu thêm, và chớp nhanh hàng mi đen rậm như cánh bướm. Đúng như nàng mong mỏi, cả hai đều thoả thích và vội vàng xin lỗi đã làm người đẹp mất vui. Họ không hề buồn phiền chút nào về việc nàng không thích thú nghe chuyện của mình. Chiến tranh là việc của đàn ông chớ không phải của nữ giới, và họ xem thái độ của nàng như một dấu hiệu hiển nhiên của nữ tính .

Sau khi đưa hai người bạn trai ra khỏi câu chuyện nhàm chán về chiến tranh, Scarlett kéo vấn đề trở lại hiện tình của họ.

− Hai anh bị đuổi học, bác gái có nói gì không?

Hai anh em sanh đôi làm ra lúng túng, nhớ lại thái độ của bà mẹ ba tháng trước khi họ bị trục xuất khỏi Đại học Virginia.

Stuart đáp:

− Ơ, bả chưa kịp nói gì cả. Tom và tụi này rời nhà lúc sáng sớm trước khi bả dậy, Tom thì đi qua chơi bên gia đình Phontaine còn tụi nầy đi thẳng lại đây.

− Đêm qua, lúc mấy anh về tới, bác cũng không nói gì sao?

− Đêm qua, tụi nầy gặp vận may. Ngay trước khi bọn nầy về con ngựa giống mà má đặt mua ở Kentucky tháng trước được đưa tới, và cả nhà náo động lên. Đúng là con ngựa phi thường, Scarlett. Cô phải nói với ba cô qua xem cho biết… dọc đường nó cắn thằng nài và đạp nhầu hai thằng hắc nô mà má sai ra đón ở ga xe lửa Jonesboro. Và ngay trước khi bọn nầy về tới, nó đã phá tan hoang tàu ngựa và suýt giết chết con Straquberry, con ngựa nòi già của má. Lúc tụi nầy về tới, má đang ở ngoài tàu ngựa với cả một bịch đường để nhử nó và đã thành công không mấy khó. Mấy đứa hắc nô thì đeo cứng trên xà tàu ngựa, mắt đứng tròng, bọn nó sợ dữ lắm, còn má thì nhỏ to bên tai con thú làm như là bạn cũ. Trong khi đó, con ngựa đứng yên ăn đường của bà già đút cho. Chưa có ai trị ngựa bằng má. Và vừa thấy mặt tụi nầy, má hét lớn :

“Trời ơi! Bốn đứa mày lại về nhà làm gì nữa đây? Tụi bây còn độc hại hơn bịnh dịch ở bên Ai cập!”. Vậy là con ngựa bắt đầu khịt khịt và chồm lên. Bà già lại hét : “Đi hết ngay! Bộ tụi bây không thấy con ngựa cưng của tao bực mình đó sao? Sáng mai tao sẽ hỏi tội cả lũ”. Không chần chờ gì nữa, cả bọn đi ngủ, và sáng nay, tụi nầy đi sớm trước khi bà già thức dậy, để anh Boyd ở lại xoay xở .

− Theo các anh thì bác gái có đánh anh Boyd không?

Cũng như tất cả những người khác trong hạt, Scarlett không lạ gì chuyện bà Tarleton nhỏ thó thường trừng trị các con bà bằng cách dùng roi ngựa quất tưới vào lưng họ mỗi khi nhận thấy đó là điều hữu hiệu nhứt.

Beatrice Tarleton là một phụ nữ luôn luôn bận rộn nhứt, dưới tay bà chẳng những có trọn một đồn điền bông vải rộng lớn, cả trăm hắc nô và 8 đứa con, lại còn thêm cả một trại nuôi ngựa to nhứt xứ. Là người nóng tánh, bà rất dễ nổi cơn thịnh nộ với những chuyện xằng bậy thường xuyên của 4 cậu con trai, và cho rằng thỉnh thoảng nện cho họ một trận đòn cũng chẳng có gì tai hại, mặc dầu đối với ngựa và bọn hắc nô, bà tuyệt đối cấm bất cứ ai sử dụng roi vọt.

Stuart kiêu hãnh với chiều cao hơn một thước tám của mình:

− Nhứt định là bà già không đánh anh Boyd. Chưa bao giờ anh Boyd bị đòn nhiều cả bởi vì anh là con trưởng mà cũng là đứa đẹt nhứt trong bọn. Bởi vậy tụi này mới để ảnh ở lại để nói rõ cho bà già hiểu. Thiên địa ơi, đáng lẽ má đừng đánh tụi nầy nữa mới phải. Hai đứa nầy đã 19 tuổi rồi và anh Tom cũng 21 tuổi, vậy mà bà làm như cả đám mới lên sáu.

− Ngày mai bác gái có cỡi con ngựa mới đi dự dã yến bên gia đình Quilkes không?

− Bà già tính vậy nhưng ba nói là nguy hiểm lắm. Dầu sao thì bọn con gái cũng phải đi dự tiệc như một mệnh phụ, phải đi bằng xe đàng hoàng.

− Mong sao ngày mai đừng mưa. Suốt cả tuần, gần như ngày nào cũng có mưa. Chẳng có gì chán hơn là một dạ yến lại biến thành một bữa tiệc trong nhà.

Stuart làm ra vẻ thông thạo:

− Không có mưa đâu và trời sẽ ấm như tiết tháng sáu. Nhìn mặt trời lặn kia thì biết. Tôi chưa thấy có mặt trời nào đỏ rạng như vậy bao giờ. Muốn biết thời tiết, chỉ có việc xem mặt trời lặn ra sao.

Họ cùng nhìn ra những mẫu đất mới cày thuộc đồn điền bông vải của ông Gerald dài mút mắt tới tận chân trời đỏ thẫm . Phía sau như!ng ngọn đồi bên kia sông Phlink mặt trời đang lặn từ từ giữa một vùng sắc đỏ tía trộn lẫn vào nhau, sức nóng của một ngày tháng tư cũng trở nên mát dịu .

Tiết xuân đã đến sớm hơn thường lệ với những trận mưa rào ấm áp, với những chùm hoa hồng đào nở rộ và những cành dương đào rải trắng sao hoa trên mặt đầm, u tối ở dãy đồi xa. Mặt đất đã cày gần xong và vầng hào quang đỏ thắm của mặt trời tưới nhuộm những luống cày mới trở của miền đất đỏ xứ Georgia. Đất mới còn ẩm ướt phơi mình như lắng đợi hột bông vải gieo vào, trổ sắc hồng trên đầu luống cát và biến thành màu châu sa, màu đỏ thắm và nâu sậm trong lòng luống. Ngôi nhà sở bằng gạch tô vôi trắng trông như một hòn đảo giữa một biển son đang chuyển động, một vùng biển với những đợt sóng xoáy lốc, xoay tròn bỗng dưng như dừng sửng lại giữa lúc các đầu sóng màu hồng vừa vỗ tới bờ. Ở đây không có loại đường cày thẳng tắp như thường thấy ở những cánh đồng đất sét vàng thuộc vùng bình nguyên trung bộ Georgia hay ở vùng đất đen lầy phù sa miền duyên hải. Vùng đồi núi thoai thoải miền Bắc Georgia là nơi lưỡi cày vạch thành hàng triệu đường cong để giữ cho đất màu mỡ khỏi chuồi tuột xuống lòng sông rạch.Đó là một vùng đất đỏ hoang sơ, đỏ như màu máu, sau các cơn mưa phai như gạch nung vào mùa nắng, và đó cũng là vùng sản xuất loại bông vải tốt nhứt thế giới. Đó là một miền gồm toàn những ngôi nhà trắng xinh xinh, những cánh đồng lặng lẽ và những dòng nước lờ đờ, nhưng đó cũng là một miền có lắm sự tương phản giữa ánh nắng chói chan và bóng mát dày đặc. Những vùng trống trải của đồn điền với hàng dặm dài bông vải ngửa mặt chào đón ánh mặt trời ấm áp, hiền hoà và sung mãn . Nhưng chung quanh đồn điền là những khu rừng già, đầy bóng tối và tươi mát dù dưới sức nắng của những ngày oi ả nhứt, những khu rừng huyền bí với đôi chút âm hiểm, cùng ngàn thông xao động với tất cả nhẫn nại muôn đời dường như lúc nào cũng hắt ra những lời đe doạ theo gió thoảng: “Ta đã từng chiếm giữ các người. Hãy coi chừng! Hãy coi chừng! Ta vẫn có thể tái chiếm những gì đã mất”.

Ngồi dưới mái hiên, cả ba người trẻ tuổi vẳng nghe tiếng chân thú nện trên mặt đất, tiếng khua leng keng của yên cương và tiếng cười the thé vô tư của đám hắc nô trên đường từ đồng áng trở về. Từ trong nhà thoảng vọng ra tiếng nói nhẹ nhàng của mẹ Scarlett, bà Ellen O’Hara, gọi đứa nữ tì da đen phụ trách việc mang giỏ đựng chìa khóa của bà. Giọng chát chúa trẻ con đáp lại: “Thưa bà, vâng”, và có tiếng bước chân đi ra cửa sau, tiến lần về phòng xông khói nơi bà Ellen sắp sửa chia khẩu phần cho những nô lệ vừa về tới. Có tiếng khua tô dĩa và tiếng muỗng nỉa bằng bạc chạm nhau trong khi Pork, người hầu cận trung tín của Tara sắp đặt bữa ăn tối.

Nghe những tiếng động sau cùng đó, bọn Stuart biết là đã tới giờ phải về nhà. Nhưng họ lại ngán phải chạm trán với bà mẹ nên cứ dần dà mãi với hy vọng sẽ được Scarlett mời dùng bữa .Brent nói:

− Nầy, Scarlett. Tôi muốn nói chuyện ngày mai. Không phải vì tụi nầy ở xa, chẳng hay biết gì về buổi dạ yến và cuộc khiêu vũ mà bọn nầy không có quyền nhảy thật nhiều đêm mai. Chắc cô chưa hứa với bọn họ, phải không?

− Chưa sao được! Làm sao tôi biết trước là tất cả các anh cùng trở về? Không lẽ tôi phải giữ vai trò ngồi chơi xơi nước để đợi các anh.

Cả hai cùng cười phá lên:

− Cô mà ngồi chơi xơi nước à?

− Cưng ơi, cưng phải cho tôi được cùng nhảy bản luân vũ đầu tiên và dành cho Stu bản cuối cùng, và phải ngồi ăn tối chung với tụi nầy. Bọn mình sẽ ngồi ở bệ thang và bắt Mammy Jincy đoán số mạng.

− Tôi không thích những lời bói toán của Mammy Jincy đâu. Bà ấy bảo tôi sắp kết hôn với một anh chàng tóc đen huyền, râu mép cũng đen và dài sọc. Tôi không ưa mấy anh chàng tóc đen nổi.

Brent nhăn nhó:

− Như vậy là cưng ưa mấy thằng tóc đỏ, phải không? Nào, hứa với tụi nầy đi, hai bản luân vũ và bữa ăn tối.

Stuart chêm vào:

− Nếu chịu hứa, tụi nầy sẽ cho nghe một chuyện bí mật .

Scarlett kêu lên, tò mò như một đứa bé:

− Sao? Chuyện gì vậy?

− Có phải đó là chuyện mình mới nghe ở Atlanta ngày hôm qua không, Stu? Nếu là chuyện đó, mầy nhớ là tụi mình đã hứa không được nói lại .

− Ừ, cô Pitty có dặn vậy .

− Cô gì?

− Cô biết mà, đó là Pittypat Hamilton, cô ruột của Charles và Melanie Hamilton ở Atlanta, có họ với Ashley Quilkes.

− Biết rồi, và đó cũng là một bà gái già ngốc nghếch nhứt mà tôi chưa từng thấy trong đời.

− Ừ, hôm qua khi bọn nầy tới Atlanta đợi chuyến xe về nhà thì xe cô ấy đi ngang qua nhà ga và dừng lại nói chuyện với bọn nầy. Cô ấy cho biết là giữa cuộc khiêu vũ đêm mai người ta sẽ loan báo một lễ đính hôn.

Scarlett thất vọng:

− Tưởng gì chớ chuyện đó thì biết rồi. Chính thằng cháu đần độn của bà ta là Charlie Hamilton sẽ đính hôn với con Honey Quilkes. Mấy năm nay ai cũng biết là bọn nó rồi có ngày sẽ lấy nhau, mặc dầu Charles không  mấy sốt sắng về chuyện đó .

Brent hỏi:

− Cô cho là nó đần độn hả ? Giáng sinh năm rồi, chính cô đã để cho nó đeo dính một bên.

Scarlett thờ ơ nhún vai:

− Làm sao cản được? Trông y như một đứa lại cái .

Stuart ra chiều đắc thắng:

− Nhưng có phải là lễ hỏi của hắn đâu. Đây là chuyện của Ashley Quilkes và chị của thằng Charlie tức là cô Melanie.

Mặt Scarlett không đổi sắc nhưng môi nàng trắng lợt ra – giống như kẻ vừa lãnh một quả đấm bất ngờ, vừa giữa lúc kinh động vẫn chưa hiểu việc gì xảy ra – đó là khuôn mặt của nàng khi nhìn sững Stuart và anh chàng nầy không bao giờ bận tâm phân tách, cho rằng Scarlett chỉ quá ngạc nhiên thôi và cảm thấy vô cùng thích thú.

− Theo cô Pitty thì người ta muốn để sang năm mới loan báo vì Melly không được mạnh khoẻ, nhưng với tất cả những tin đồn dồn dập về chiến tranh, cả hai gia đình cũng nghĩ là nên cho thành hôn càng sớm càng tốt. Do đó mà có lời loan báo đêm mai giữa buổi tiệc. Rồi đó, Scarlett, tụi nầy đã tiết lộ hết rồi, bây giờ cô phải hứa cùng ngồi ăn chung với tụi nầy đi.

Scarlett trả lời như người máy:

− Vâng, tôi hứa.

− Và tất cả những bản luân vũ?

− Tất cả.

− Điệu quá! Chắc chắn là đám con trai khác nhảy dựng lên mà tức.

Brent nói:

− Có tức cũng chẳng sao. Chỉ hai đứa mình là cũng đủ đối phó rồi. Nầy, Scarlett, ngồi với tụi nầy luôn bữa dã yến sáng nữa nghe.

− Cái gì?

Stuart lặp lại lời đề nghị:

− Cố nhiên.

Hai anh em sanh đôi mặt sáng rỡ nhìn nhau nhưng không khỏi ngạc nhiên đôi chút . Mặc dầu vẫn tự xem mình là những kẻ thích hợp nhứt với Scarlett nhưng chưa bao giờ họ được hưởng những ân huệ dễ dàng thế cả . Thông thường nàng để cho họ van lơn, nài nỉ hết lời trong khi nàng vẫn lửng lơ chẳng chịu chẳng không, cười cợt khi họ dỗi hờn và lạnh lùng khi họ phát cáu. Và bây giờ nàng đã hiển nhiên hứa dành cho họ trọn ngày mai – ngồi bên cạnh nhau trong dã yến, cùng nhảy tất cả các bản luân vũ (và họ sẽ làm mọi cách cho tất cả các bản nhạc đều toàn một điệu luân vũ) và tiếp họ giữa tiệc tối. Vậy là bị đuổi khỏi Đại học cũng chẳng có gì đáng tiếc.

Với sự thành công bất ngờ, cả hai phấn khởi thêm, họ tiếp tục lân la, bàn đến chuyện dã yến và buổi dạ vũ, nói về Ashley Quilkes và Melanie Hamilton, thỉnh thoảng ngắt lời nhau, bông đùa và cười cợt với nhau nhưng cũng không quên nói gần nói xa một cách lộ liễu về ước vọng được mời ở lại ăn tối . Cứ thế mãi một lúc khá lâu, họ mới nhận ra là Scarlett gần như chẳng nói năng gì cả . Không khí đã có phần đổi khác . Hai anh em song sanh chẳng biết rõ vì sao, nhưng biết rõ là cảm giác hăng say của họ đã tan biến cùng với buổi chiều . Scarlett dường như không chú ý mấy đến những gì họ nói, mặc dầu vẫn ứng đáp phải lẽ . Mơ hồ nhận thấy có một điều gì mà họ không thẻ hiểu ra đã làm ngăn trở và gây chán nản, cả hai cố ở nán thêm lúc nữa, rồi miễn cưỡng đứng lên nhìn đồng hồ tay.

Mặt trời đã xuống thấp trên các cánh đồng mới cày và hàng cây cao bên kia dòng sông đã biến thành những bóng đen. Chim én liệng mau như những lằn tên ngang qua sông, từng đàn gà vịt, gà tây vênh váo và núng na núng nính từ ngoài đồng kéo trở về trong hỗn loạn.

Stuart gọi to: “Jeems!” Và chỉ trong khoảnh khắc, một gã da đen cao lớn trạc tuổi họ hộc tốc chạy vòng ngôi nhà tiến thẳng ra nơi cột ngựa. Jeems là người hầu riêng của hai anh em, và cũng như đàn chó, gã theo sát chủ khắp nơi. Gã cũng là bạn nô đùa của họ từ thuở nhỏ, và được giao đứt cho họ khi cả hai ăn mừng sinh nhật từ năm mười tuổi.

Vừa thấy bóng anh chàng da đen, đàn chó nằm trong bụi cỏ vụt đứng lên ngóng chủ. Hai anh em Tartleton nghiêng mình chào, bắt tay và cho Scarlett biết là họ sẽ sang nhà Ashley vào sáng sớm để chờ nàng. Rồi cả hai cũng phóng bước ra nơi cột ngựa, nhảy phóc lên yên, phía sau anh chàng Jeems theo bên gót. Họ cho ngựa sải mau trên con đường đổ dốc giữa hai hàng cây bách hương, vừa phất nón vừa hò hét vói lại Scarlett.

Sau khi cho ngựa rẽ qua một khúc quanh trên con đường đầy bụi vừa khuất khỏi Tara, Brent cho ngựa dừng trước lùm cây dương đào, Stuart cũng dừng theo, và gã da đen cho ngựa đứng lại cách mấy bước phía sau. Được nới lỏng dây cương, mấy con thú vươn cổ gặm cỏ non mùa xuân, và đàn chó lúc nào cũng kiên nhẫn, lại cùng nằm bệt xuống mặt đất đầy bụi đỏ mịn màng, ngước nhìn một cách thèm muốn những con én liệng vòng trong buổi hoàng hôn, Khuôn mặt chất phát của Brent hiện rõ nét băn khoăn với đôi chút bất bình .

− Nầy, mầy có nghĩ rằng đáng lẽ con bé phải mời mình ở lại ăn không?

Stuart đáp:

− Tao cũng nghĩ vậy. Tao chờ cho nó lên tiếng nhưng nó chẳng nói, mầy thấy thế nào ?

− Tao không nghĩ gì cả. Có điều tao thấy đúng ra là nó phải mời mình. Dầu sao đây cũng là hôm đầu tiên bọn mình trở về và nó đã không gặp mình từ lâu rồi. Với lại bọn mình còn có cả khối chuyện để nói với nó.

− Theo tao thì ngay lúc mình vừa tới nó mừng ra mặt.

− Tao cũng thấy vậy .

− Và rồi, khoảng nửa giờ sau, nó bỗng lặng thinh làm như bị nhức đầu.

− Tao cũng nhận thấy như vậy nhưng lúc đó thì không để ý. Theo mầy thì con nhỏ bị chuyện gì?

− Có biết gì đâu. Bộ mầy tưởng bọn mình có nói gì xúc phạm đến nó hả?

Cả hai cùng suy nghĩ giây lát .

− Tao cũng không thể nghĩ ra gì cả. Vả lại, mỗi lần Scarlett nổi sùng là ai cũng thấy rõ ngay. Nó không thèm tự kềm chế giống như một vài đứa khác.

− Đúng, nhờ vậy mà tao thích nó. Lúc nổi giận là nó nói toạc hết ra, không làm ra vẻ lạnh nhạt hay oán hận. Chắc có lẽ mình đã làm hoặc nói gì đó khiến nó không nói chuyện nữa và trông như bị bệnh. Tao dám chắc là con nhỏ rất hài lòng khi thấy bọn mình tới và đã có ý định mời bọn mình ăn tối.

− Chẳng biết là có phải tại tụi mình bị đuổi học không?

− Trời, không phải đâu. Đừng ngu quá vậy. Nó vẫn cười giỡn khi bọn mình cho biết. Chẳng những thế, nó cũng bất cần chuyện học hành không khác bọn mình .

Brent quay người lại, gọi:

− Jeems!

− Dạ .

− Mầy có nghe tụi tao nói chuyện với Scarlett không?

− Dạ không, thưa cậu B’ent. Sao cậu cho rằng tôi dám dọ dẫm người da trắng?

− Trời ơi, dọ dẫm! Bọn da đen tụi mầy thì có chuyện gì là không biết . Nầy, thằng láo, chính mắt tao thấy mầy núp gần bên thềm trong cụm lài bên cạnh bờ tường . Đâu, mầy cho biết coi bọn tao có nói gì làm phật ý cô Scarlett… hay làm cho cô ấy tức giận không?

Thế là gã Jeems bỏ luôn màn kịch tỏ ra không hề nghe lén. Gã nhíu đôi mày đen sậm:

− Dạ không, tôi không nghe hai cậu nói gì làm cho cô giận. Cô ấy hết sức bằng lòng khi gặp lại hai cậu, cô nói huyên thuyên như con chim, nhưng tới khi hai cậu kể chuyện cậu Ashley và cô Melly Hamilton thì cô ngồi sửng làm như con chim nhỏ nhìn thấy diều hâu bay trên trời .

Hai anh em song sinh nhìn nhau, gật đầu, nhưng chẳng hiểu ra sao cả .

Stuart lên tiếng trước:

− Thằng Jeems nói đúng. Nhưng tao cũng không hiểu tại sao. Ông ơi! Ashley có nghĩa gì với nó đâu, chỉ là một người bạn. Nó có mê gì thằng Ashley, chỉ có bọn mình là nó khoái.

Brent gật đầu:

− Mầy có nghĩ là có lẽ Ashley không cho nó biết trước chuyện loan báo đêm mai nên nó nổi giận. Đã là bạn cũ thì nó cần được biết trước khi mọi người đều hay. Con gái thì đứa nào cũng coi việc biết trước những chuyện đó là quan trọng.

− Ừ, có thể là như vậy. Nhưng có ăn thua gì khi người ta không cho hay trước. Đó là chuyện cần giữ kín để tạo một sự bất ngờ vui vẻ, và người đàn ông có quyền giữ riêng chuyện cưới hỏi của họ chớ, phải không? Bọn mình có lẽ cũng không biết nếu cô của Melly không nói ra. Nhưng phần Scarlett thì phải biết chuyện đó phải xảy ra. Từ nhiều năm nay ai cũng biết, dòng họ Quilkes và Hamilton luôn luôn gả cưới những người trong họ. Người nào cũng biết là Ashley sẽ cưới Melly một ngày nào đó, cũng như Honey Quilkes sắp kết hôn với em của Melly là thằng Charles.

− Thôi, tao chịu thua. Nhưng tao vẫn khó chịu vì con nhỏ không mời mình ở lại ăn tối. Tao thề là tao không muốn về nhà giờ này để nghe má tụng về chuyện bị đuổi học.

− Có lẽ giờ này anh Boyd đã làm dịu được bà già. Anh ấy già mồm lắm, lúc nào cũng có thể làm bà già nguôi giận.

− Đồng ý, nhưng Boyd phải mất nhiều thì giờ. Ảnh phải nói quanh co cho tới khi má không rõ là chuyện gì nữa cả và bảo ảnh bớt nói lại để giữ giọng trong khi thực tập làm luật sư. Nhưng tao lo là ảnh chưa tìm ra chỗ đúng lúc. Tao cá với mầy là má vẫn còn xúc động nhiều về con ngựa mới về, đến nỗi không nhận ra là bọn mình đã trở về . Rồi, tới tối nay khi ngồi vào bàn ăn, thấy anh Boyd… Và trước khi bữa ăn kết thúc, má vẫn hét ra lửa. Và có thể là tới 10 giờ đêm, trước khi anh Boyd nói cùng má là tụi mình chẳng đứa nào còn mặt mũi nếu cứ ở lại trường, sau khi ông Viện trưởng mắng tao và mầy xối xả. Và cho tới nửa đêm, anh Boyd mới có thể chọc tức được má khiến má giận ông Viện trưởng, và hỏi anh Boyd sao không bắn ông ta. Không, tụi mình không thể về nhà trước nửa đêm.Hai anh em buồn bã nhìn nhau. Họ bất chấp ngựa hoang, họ dám dây huyên náo và bất bình cho những người láng giềng, nhưng họ lại kinh hoảng trước lời lẽ nhiếc móc của người mẹ tóc đỏ, cũng như ngọn roi ngựa mà bà không ngần ngại quất vào mông họ.

Brent đề nghị:

− Hay là mình sang nhà Quilkes. Ashley và bọn con gái chắc sẵn sàng mời ăn.

Stuart vẫn băn khoăn:

− Không, đừng qua đó . Họ còn bận lo các món ăn trong buổi dã yến ngày mai, vả lại …

Brent nói mau:

− Ồ, tao quên mất. Thôi, không qua đó .

Họ thúc ngựa và đi bên nhau trong yên lặng một lúc lâu, một thoáng ngại ngùng hiện ra trên đôi má nâu sậm của Stuart. Hè năm rồi, Stuart vẫn theo tán tỉnh India Quilkes với sự đồng ý của gia đình hai bên và của cả toàn hạt. Người trong hạt cho rằng tính tình trầm lặng của India có thể sẽ làm cho anh chàng bớt nóng nảy hơn. Tất cả đều mong như thế với bất cứ giá nào. Stuart có lẽ cũng thành hôn rồi nếu Brent không bất mãn. Brent cũng mến India nhưng cho rằng cô ta quá tầm thường và nhạt nhẽo, và anh ta không thể yêu India được chỉ vì còn muốn chơi thân với Stuart. Đó là lần đầu tiên, hai anh em bất đồng ý kiến, và Brent đã giận Stuart sao lại để mắt tới một thiếu nữ mà anh ta cho là chẳng có điểm nào đặc sắc.

Rồi, mùa hạ năm rồi, tại một cuộc hội thảo chính trị giữa khu rừng sồi ở Jonesboro, cả hai bỗng cùng để ý tới Scarlett O’Hara. Họ đã biết nàng từ nhiều năm, và ngay từ lúc bé, Scarlett đã là bạn thân thiết nhứt của họ vì nàng cũng biết cỡi ngựa và trèo cây không kém họ. Nhưng bây giờ, trước sự ngạc nhiên của họ, Scarlett đã biến thành một thiếu nữ thanh lịch đã tới tuổi trưởng thành, và là một thiếu nữ kiều diễm nhứt đời.

Lần đầu tiên họ để ý tới ánh mắt xanh biếc và linh hoạt của nàng cười, đến đôi tay và đôi chân nhỏ nhắn cùng vùng eo thon. Những nhận định của họ khiến Scarlett cười dòn tan, và tự nghĩ rằng nàng đã coi hai anh em mình như những kẻ xuất sắc, họ đâm ra tự đánh giá cao hơn.

Đó là ngày đáng ghi nhớ nhứt trong đời hai anh em song sinh. Về sau, mỗi lần nhắc lại, họ cứ mãi tự hỏi tại sao không nhận ra bóng sắc của Scarlett sớm hơn. Chẳng bao giờ họ tìm ra một câu trả lời chính xác, bởi vì câu trả lời đó, Scarlett chẳng nói ra, bởi vì hôm đó, nàng quyết tâm làm hai anh em chú ý tới mình . Nàng tự nguyện là không bao giờ chấp nhận bất cứ một người đàn ông nào yêu một phụ nữ khác hơn mình, và khi thấy sự thân mật của Stuart và India tại buổi hội thảo, nàng không chịu nổi. Không riêng với Stuart, nàng còn quăng lưới cả Brent với tất cả quyết tâm làm cho họ mê mệt mình.Và bây giờ, cả hai đều đã yêu nàng, India và Litty Munroe ở Lovejoy, cô gái mà Brent đã từng theo ve vãn, đều bị quên lãng . Rồi người thua cuộc sẽ làm gì, nếu Scarlett chọn một trong hai anh em, đó là điều mà họ không bao giờ nghĩ tới. Họ chỉ có việc phải qua cầu khi chiếc cầu hiện ra trước mắt. Ngay hiện thời, họ cũng hài lòng như nhau vì cùng chấm một cô gái, bởi vì giữa họ không hề có vấn đề ganh tị. Tình trạng đó khiến cho người láng giềng vô cùng thích thú, nhưng lại gây phiền muộn cho bà mẹ vì bà không thích Scarlett.

Bà nói:

− Rồi bọn bây sẽ biết nếu con nhỏ quỉ quái đó lấy một trong hai đứa bây. Không chừng nó sẽ lấy cả hai và chừng đó, bọn bây chỉ có nước dọn qua Utah nếu bọn Mormons chịu chấp nhận – nhưng đó là điều còn nghi ngờ – Tất cả những cái gì làm cho tao buồn nhứt là có ngày tụi bây say mèm và nổi ghen với nhau vì cái bị thịt, khuôn mặt và hai con mắt xanh lè đó, rồi bắn giết nhau. Nhưng dầu sao, đó cũng không phải là một ý nghĩ xấu.

Từ sau ngày dự cuộc hội thảo, Stuart đâm ra ngượng ngùng mỗi khi đối diện với India. Tình trạng đó không phải do India phiền trách hay tỏ dấu bằng ánh mắt hay cử chỉ là đã biết rõ sự thay đổi đột ngột của anh ta rồi. Nàng vẫn tỏ ra quá thanh lịch. Nhưng Stuart thì vẫn có mặc cảm phạm tội và bối rối trước mặt nàng. Anh ta biết là chính mình đã làm cho India yêu mình và cô nàng vẫn còn yêu, do đó, anh ta tự thấy là mình không xứng đáng. Anh vẫn thương nàng sâu đậm và trọng nể nàng qua phong cách dịu dàng, qua trình độ học vấn và tất cả những đức tính quí giá của nàng. Nhưng khốn nỗi, nàng vẫn cứ tái mét và xoàng xĩnh mãi mãi bên cạnh bóng sắc tươi sáng và bản chất phong phú của Scarlett. Bất cứ lúc nào người ta cũng đọc được ý nghĩ của India một cách dễ dàng, nhưng với Scarlett thì khó mà đoán được chút gì. Chỉ bao nhiêu đó cũng làm cho đàn ông thú vị lắm rồi.

− Thôi, mình qua Cade Calvert ăn tối đi. Scarlett cho biết là Cathleen vừa từ Charleston về. Có thể cô ta biết thêm được chút ít tin tức về căn cứ Sumter.

− Cathleen thì chẳng biết gì đâu. Tao cá hai ăn là một con nhỏ cũng không biết có căn cứ nằm trong hải cảng ở đó, đừng nói là biết đến chuyện có đầy nhóc quân Yankee cho tới khi mình đẩy bật chúng đi. Tất cả những gì mà cô ta biết là những cuộc khiêu vũ đã được tham dự, và mấy thằng nhân tình vớ được.

− Đúng vậy, nhưng nghe nó bí ba bí bô cũng vui tai. Ngoài ra, mình còn có chỗ để ẩn trú chờ khi má đi ngủ.

− Được rồi. Tao thích Cathleen và muốn nghe nó nói về chuyện Caro Rhett cùng những người quen biết khác ở Charleston. Nhưng dầu có bị đày xuống địa ngục, tao cũng khó ngồi chung bàn ăn lần nữa với bà mẹ kế người Yankee của cô ta.

− Đừng nặng lời, Stuart, bà ta là người tốt.

− Tao có ác ý gì với bà ta đâu. Tao thương hại bà ta, nhưng tao không thích những kẻ làm cho mình thương hại họ. Bà ta, lúc nào cũng rối rít, săn đón, cố làm cho khách được thoải mái, cuối cùng chỉ nói và làm toàn những chuyện không phải chỗ . Bà ta làm tao muốn đứt thần kinh luôn. Và cho rằng người miền Nam toàn là những kẻ man rợ. Có lần bà ta nói với má như vậy. Bà ta sợ người Nam lắm. Hễ lúc nào mình tới là bà ta sợ điếng hồn. Trông bà ta không khác một con gà mái ốm đứng co ro trên ghế, mắt trợn trừng trắng dã, sẵn sàng kêu hoảng và đập cánh dầu chỉ với một tiếng động thật nhẹ.

− Mầy không nên trách bà ta. Chính mầy đã bắn vào chân thằng Cade.

− Hôm đó tao say quá, nếu không tao đâu có làm vậy . Mà thằng Cade có thù hận gì đâu. Cả Cathleen, Raiphord và ông Calvert cũng không nói gì . chỉ có cái bà mẹ ghẻ Yankee đó là la ầm lên, mắng tao là quân mọi rợ và cho rằng người lịch sự không thể nào sống yên được với người Nam kém văn minh.

− Hừ, mầy không thể trách bả . Bả là người Yankee, không quen với những hành vi mã thượng . Vả lại, dù sao thì mầy cũng đã bắn thằng con ghẻ của bả.

− Mẹ kiếp, đó không phải là lý do để mắng chửi tao. Mày là con đẻ của má, nhưng má có la ầm ĩ vậy đâu khi mầy bị thằng Tony Phontaine bắn vào chân? Không, bà già chỉ cho mời lão bác sĩ Phontaine đến băng bó và còn hỏi cái gì đã làm cho thằng Tony bắn không trúng. Má lại đoán chừng vì rượu cho nên nó đã nhắm không trúng mục tiêu. Mầy có nhớ là thằng Tony Phontaine lúc đó giận vô kể không?Cả hai anh em cùng cười vang dội.

Brent nói với tất cả tình thương mẹ:

− Má thật là cừ khôi. Mình có thể luôn luôn tin tưởng ở má để làm đúng và khỏi phải lúng túng trước mặt những kẻ khác.

− Đúng, nhưng đêm nay, lúc mình về, má vẫn thừa khả năng làm mình bối rối trước mặt ba và đám con gái . Brent, tao đoán là tụi mình hết đi Âu châu được rồi. Má nói là nếu mình bị đuổi học lần nữa, thì hết được đi du lịch.

− Hừ, mình cóc cần, phải không? Có gì để xem ở Âu châu đâu? Tao cá là mấy người ngoại quốc đó chả có gì mà ngay ở Georgia nầy mình không có. Tao cá là ngựa họ không nhanh bằng ngựa mình, con gái không đẹp hơn, và tao dám chắc là họ không thể có được loại Whisky bằng lúa mạch nào đương nổi với rượu của ba.

− Ashley Quilkes bảo là họ có cả khối hí viện và phòng hoà nhạc. Ashley thích Âu châu. Anh ta cứ nói tới luôn.

− Hừ … Mầy đã biết dòng họ Quilkes ra sao rồi mà. Họ say mê âm nhạc, sách vở và sân khấu. Má cho biết đó là do nội tổ của họ gốc Virginia. Má bảo là xứ Virginia rất say mê những thứ đó.

− Mặc họ . Cứ cho ta một con ngựa giỏi để cỡi và rượu ngon để uống, gái đẹp để ve vãn, một cô khác lẳng lơ để đùa giỡn là mọi người mặc tình ôm lấy Âu châu của họ … Không được du lịch thì ăn nhằm gì. Thí dụ như lúc nầy mình đang ở Âu châu và chiến tranh xảy ra thì sao? Làm sao mình về sớm kịp? Đánh giặc còn sướng hơn đi Âu châu nhiều.

− Tao cũng nghĩ vậy, ngày nào … Ê, Brent, tao biết chỗ mình có thể tới kiếm ăn rồi . Bây giờ mình băng qua đầm tới chỗ của Able Quynder, cho anh ta biết là cả bốn đứa đều về tới và sẵn sàng tập quân sự.

Brent reo mừng:

− Ý kiến hay. Bọn mình còn biết thêm tất cả các tin tức liên quan tới Bộ đội và coi họ đã chọn màu sắc nào cho quân phục.

− Nếu quân phục giống của bọn Zouave thì dù có bị đày xuống địa ngục, tao cũng không nhập ngũ . Mặc cái thứ quần đỏ rộng thùng thình đó, tao sẽ giống hệt một tên lại cái . Trông nó có vẻ như là quần lót bằng nỉ đỏ của đàn bà.

Gã hắc nô nói xen vào:

− Bộ mấy cậu tính sang nhà ông Quynde’ hả ? Tới đó không có gì ăn đâu. Thằng bết chết ‘ồi mà ổng cũng chưa mua được đứa mới, Bây giờ là một con mẹ làm việc ngoài đồng vô nấu ăn, tụi da đen cho biết con mẹ đó nấu ăn tồi nhứt nước.

− Coi kìa, sao không mua một đứa làm bếp khác ?

− Mấy người da t’ắng nghèo cặn bã đó làm sao mua nổi người da đen? Ở nhà không khi nào có hơn được bốn đứa.

Giọng nói của Jeems biểu lộ rõ sự khinh thường. Địa vị xã hội của nó được kể như được bảo đảm vì họ Tarleton có cả trăm nô lệ, và cũng như tất cả các hắc nô ở những đồn điền lớn, nó khinh miệt các nông gia nghèo chỉ có vài đứa tớ.

Stuart giận dữ:

− Tao đập chết mầy bây giờ. Đừng dở giọng gọi Able Quynder theo kiểu đó. Ông ta nghèo nhưng không phải là cặn bã. Và dầu có bị đày xuống địa ngục, tao cũng nhứt định không để cho một kẻ nào, dầu đen hay trắng, chạm tới ông ta. Trong khắp hạt này, chẳng có người nào hơn ông ta nổi, nếu không thì tại sao được Bộ đội tuyển chọn làm Thiếu Uý?

Jeems vẫn không ngại nét mặt hầm hừ của chủ:

− Cái nầy thì thiệt là không hiểu nổi, đáng lẽ phải lựa sĩ quan t’ong các người giàu thay vì lựa đám cặn bã ở đầm lầy.

− Ông ta không phải là cặn bã, mầy nghe rõ chưa? Bộ mầy muốn so sánh ông ta với tụi da trắng cặn bã như Slattery hả ? Able không giàu, vậy thôi. Ông ta là một nông gia ít đất, không phải là chủ một đồn điền lớn, nhưng đó không phải là cái cớ để bất cứ đứa da đen nào xúc phạm tới ông ta. Bộ đội, người ta biết rõ chuyện phải làm.Đội kỵ binh đã được thành lập 3 tháng trước, ngay trong ngày xứ Georgia tách ra khỏi liên bang, và cũng kể từ đó, các tân binh được huấn luyện gấp rút cho chiến tranh. Mặc dầu không thiếu những đề nghị, đội quân vẫn chưa có danh hiệu . Mỗi người đều có một ý kiến riêng và cứ muốn cho đó là ý kiến hay, cũng như mỗi người đều có một quan điểm riêng về màu sắc và kiểu quân phục . “Đoàn mèo rừng của Clayton”, “Những kẻ nuốt lửa”, “Kỵ binh miền Bắc Georgia”, “Đoàn quân Zouave”, “Các tay súng trường nội địa” (mặc dầu Bộ đội chỉ được võ trang súng lục và gươm dáo chớ không hề có súng dài), “Những người xám của Clayton”, “Đơn vị Máu và Sấm sét”, “Những kẻ gan lì”, … ngần ấy danh hiệu đều có người khăng khăng binh vực . Trong khi chờ đợi quyết định, mọi người đều gọi tổ chức là Bộ đội, và danh hiệu đó thế rồi tồn tại luôn.

Sĩ quan được các đoàn viên đề cử lên, vì rằng không một ai trong hạt có được chút ít kinh nghiệm về quân sự, ngoại trừ một vài cựu chiến binh đã từng dự các trận chiến Mễ Tây Cơ và Seminole, ngoài ra Bộ đội không bao giờ chấp nhận cho một cựu chiến binh cầm đầu họ, nếu người đó không được họ mến chuộng và tin cậy . Mọi người đều thích bốn gã con trai của họ Tarleton và ba anh chàng của nhà Phontaine, nhưng buộc lòng không thể chọn vì đám Tartleton uống rượu mau say, còn đám Phontaine thì dễ nổi máu sát nhân. Ashley Quilkes được cử làm Đại uý nhờ có biệt tài kỵ mã, và tinh thần trầm tĩnh của chàng có thể nêu gương sáng trong quân ngũ để duy trì kỷ luật. Raiphord Calvert được đề bạt chức Trung uý, vì được mọi người mến chuộng, phần Able Quynder, con một người làm nghề sập bẫy ở ao đầm, thì được làm Thiếu uý.

Able là một chàng khổng lồ, dốt đặc nhưng thông sáng, tốt bụng trọng tuổi hơn các thanh niên khác, và cũng sử xự hết sức thanh lịch trước mặt nữ giới. Trong Bộ đội ít người chú ý tới địa vị xã hội. Phần lớn ông bà và cha mẹ họ đều xuất thân từ thành phần nông dân nghèo khó, rồi mới dựng được cơ nghiệp đồ sộ như ngày nay. Hơn nữa, Able là tay súng thiện xạ nhứt trong Bộ đội, có thể bắn trúng phóc con mắt của một chú sóc ở cách xa khoảng bảy mươi thước, ngoài ra y lại còn thấu đáo tất cả nghệ thuật sống ngoài trời như nhóm lửa dưới mưa, theo chân thú và tìm ra mạch nước. Bộ đội thán phục chân tài đó, đã thế họ lại còn ưa thích y nên Able được đưa lên hàng sĩ quan. Y nhận lấy vinh dự ấy một cách đứng đắn, không tự kiêu, dường như cho đó là một chuyện cố nhiên. Tuy thế, các bà chủ sở và các nô lệ đồn điền không chịu quên rằng Able là kẻ thuộc dòng hạ lưu, mặc dù chồng con và chủ họ không lưu tâm tới điều đó.

Mới đầu, Bộ đội chỉ tuyển mộ riêng biệt con cái của các chủ sở, mỗi người tự sắm ngựa lấy, tự mua võ khí, quân trang, quân dụng và người theo hầu. Nhưng ở hạt Clayton chưa thành hình được bao lâu, làm gì có được nhiều chủ điền giàu có, bởi thế muốn có được một đoàn quân hùng mạnh, người ta phải gọi thêm tân binh trong đám con cái nông dân nghèo, thợ săn thú ở rừng sâu, các tay bẫy sập ở ao đầm, những người Cracker, và trong một số ít trường hợp, cả những người da trắng nghèo khổ, với điều kiện nếu họ khá hơn chút ít đối với người trong giới họ.

Những binh sĩ thuộc hạng sau này cũng nao nức được đánh quân Yankee không kém gì những làng giềng giàu có hơn. Rồi vấn đề khó khăn về tài chánh được nêu lên, chỉ một ít nông dân nghèo là có ngựa . Công việc đồng áng toàn là nhờ cả vào loại la, ít khi có hơn được bốn con. Họ không thể hy sinh những con la đó cho quân ngũ, dầu rằng Bộ đội chịu chấp nhận, nhưng đó là chuyện hoàn toàn không ai nghĩ tới . Riêng những người da trắng nghèo khổ, có được một con la cũng đã khá lắm rồi. Phần các thợ săn trong rừng rậm, những người sống bằng bẫy sập, thì chẳng có ngựa mà cũng chẳng có la. Họ chỉ sống toàn là nhờ vào thú săn hay bẫy được rồi mang đi bán, nên quanh năm có khi chẳng được 5 Mỹ kim tiền mặt . Việc sắm ngựa và quân phục vượt quá tầm tay họ . Nhưng họ cũng kiêu hãnh ghê gớm về sự nghèo khó của mình, chẳng khác gì những ông chủ đồn điền tự đắc về sự nghiệp lớn lao, và họ nhứt định không đón nhận bất cứ những gì được coi như lòng từ thiện của những láng giềng giàu có . Do đó, để giữ được sĩ diện của mọi người, đồng thời cũng nhằm tăng cường sức mạnh cho Bộ đội, cha của Scarlett, các ông John Quilkes, Buck Munroe, Jim Tarleton, Hugh Calvert, nói chung là mỗi chủ sở to lớn trong hạt, ngoại trừ người duy nhứt là Angus Mac-in-tosh, đều đóng góp tiền bạc để lấp bằng sự khiếm khuyết của Bộ đội, cả ngựa lẫn người . Chung cuộc là mỗi chủ nhân đồn điền đồng ý xuất tiền sắm quân trang, quân dụng cho con cái của họ và một số thanh niên khác, nhưng vấn đề quan trọng là phải dàn xếp thế nào để cho những người nghèo chịu nhận lãnh mà danh dự không bị tổn thương.

Mỗi tuần, Bộ đội tập hợp hai lần tại Jonesboro để thao luyện và cầu nguyện chiến tranh tới sớm . Mặc dầu chưa mua được đầy đủ ngựa, những kẻ có sẵn ngựa vẫn tới thao dượt trên cánh đồng phía sau pháp đình và diễn tập điều mà họ cho là kỹ thuật chiến đấu của kỵ binh, bụi cát tung bay mù mịt giữa những tiếng reo hò khản cổ và những cánh tay vun vút múa các thanh kiếm từ đời chiến tranh Cách Mạng vừa được tháo gỡ ở phòng khách xuống . Những người chưa có ngựa thì ngồi ở lề đường, trước cửa hiệu Bullard, nhìn theo đồng đội, vừa nhai thuốc lá vừa kể chuyện phiêu lưu mạo hiểm, hoặc thi đua bắn súng. Bất cứ người đàn ông nào ở miền Nam cũng không cần phải tập bắn, vì họ đều được sanh trưởng với khẩu súng trên tay, và các cuộc săn bắn thường xuyên đã biến họ thành những tay thiện xạ.

Từ những ngôi nhà rộng lớn của chủ đồn điền, tới các căn lều lụp xụp ở ao đầm là cả một sự khác nhau về vũ khí . Nào là những khẩu súng săn nạp đạn thượt dạo nào còn mới, nào những cây súng nạp đạn ở đầu nóng đã bắn hạ nhiều tên da đỏ vào thời kỳ tân khai xứ Georgia, những khẩu súng lục đã được sử dụng từ năm 1812 trong các trận chiến Seminol và Mễ tây cơ, súng cán bạc dùng để song đấu, súng bỏ túi, súng hai nòng và một vài cây súng trường mới tinh của Anh quốc, với bá gỗ bóng láng .

Các buổi tập dượt luôn luôn được chấm dứt ở các quán rượu nơi Jonesboro và cho tới lúc chiều tối thì nhiều vụ ấu đả xảy ra đến nổi các sĩ quan phải vất vả lắm mới tránh cho họ khỏi bị thương tích, trước khi quân Yankee có thể gây cho họ. Chính trong một của những cuộc xô xát đó mà Stuart Tarleton đã bắn Cade Calvert và Tony Phontaine bắn Brent. Hai anh em song sinh đang ở nhà, sau khi mới bị trục xuất khỏi Đại học Virginia, ngay lúc Bộ đội được thành lập và họ đã hăng hái gia nhập ngay, nhưng sau vụ bắn nhau, hai tháng trước bà mẹ lại bắt họ vào Đại học quốc gia và phải ở luôn tại đó. Họ buồn bực vì không được dự vào những dịp náo nhiệt qua các buổi tập luyện và nhận thấy rằng chuyện học hành thật là vô bổ, chỉ mong sao được cưỡi ngựa, hò hét và bắn súng với các bạn.

Brent nhắc lại:

− Thôi, mình băng đồng qua nhà Able đi. Mình vượt qua lòng rạch của ông O’Hara và đồng cỏ của nhà Phontaine là tới nơi trong chốc lát.

Jeems vẫn cố chống:

− Qua đó họ chỉ cho mình ăn toàn ‘au cải và thịt chuột ‘ừng thôi.

Stuart nhíu mày:

− Còn mầy thì chẳng được ăn cóc gì . Mầy phải trở về nói cho má tụi tao hay là tụi nầy không ăn tối .

Jeems kêu hoảng:

− Không, tôi không đi đâu. Không, nhứt định không. Tôi không muốn bị bà Beet’iss ném ‘a ngoài . T’ước hết, bà hỏi tại sao tôi để hai cậu bị đuổi nữa . Kế nữa, bà hỏi tại sao tôi không đem hai cậu về tối nay để bà nện . Rồi bà nhảy tới chụp tôi như con vịt chụp con bọ và đổ hết lỗi cho tôi. Nếu hai cậu không dẫn tôi theo qua nhà ông Able Quynder, thì tôi sẽ ở trong rừng suốt đêm và sẽ bị lính tuần chộp đầu. Thà bị bắt còn sướng hơn là bị bà Beet’iss vồ khi bà nổi xung.

Hai anh em song sinh nhìn nét mặt cương quyết của gã da đen, vừa do dự vừa bực tức .

− Điên khùng như nó thì dễ bị lính tuần bắt lắm, mà như vậy là má sẽ có chuyện để chế nhạo thêm mấy tuần. Tao quả quyết là bọn da đen còn rắc rối hơn ai hết . Lắm lúc tao nghĩ bọn chủ trương bãi bỏ chế độ mãi nô có lý.

− Để thằng Jeems gánh chịu những gì chính mình phải chịu là không tốt . Mình phải đem nó theo. Nầy thằng mọi khùng mặt dày mày dạn kia, nếu mầy lỡ lời hay làm bộ làm tịch trước đám hắc chủng của ông

Quynder, và nói bóng nói gió là nhà mình luôn luôn ăn gà quay và đùi heo muối trong khi họ chỉ được ăn thỏ và chuột rừng thôi, thì tao… Tao sẽ nói cho bà biết. Và tụi tao cũng không cho mầy đi theo đánh giặc.

− Làm bộ làm tịch gì? Tôi mà phải cần lên mặt với lũ da đen rẻ tiền đó à? Thưa cậu, không đâu. Tôi là người đàng hoàng, lịch sự mà. Bà Beet’iss dạy tôi cách xử sự cũng như đã dạy hai cậu.

Stuart chép miệng:

− Rất tiếc là bà già đã uổng công với cả ba. Thôi đi.

Anh ta thúc đinh giày vào hông ngựa khiến nó nhảy vọt qua một cách dễ dàng bức rào chắn giữa con lộ và đồn điền đất mềm của ông O’Hara. Brent phóng ngựa theo và kế đó là Jeems, nhưng gã da đen phải ôm ghì lấy bờm ngựa. Jeems không thích nhảy rào, nhưng nó buộc lòng phải phóng qua những bức rào cao hơn để luôn luôn theo sát chủ .Giữa lúc ba thầy trò băng qua những luống cày đỏ sậm đi xuống triền đồi để tới lòng sông trong màn đêm buông xuống, Brent bỗng nói to với em:

− Ê, Stu! Mầy có thấy là đáng lý con Scarlett phải mời mình ở lại không?

Stuart đáp ngay:

− Theo tao thì phải vậy. Tại sao mầy nghĩ là …

Bình luận