TỪ XA, TIN ĐÃ NHÌN THẤY NHỮNG BÓNG người đi lại trong sân vườn.
Nó nhận ngay ra đó là tốp thợ hồ nó bắt gặp hồi sáng.
Người đang trộn vữa.
Những người khác đi đi lại lại với chiếc xẻng trong tay.
“Hòn đảo thế là đã qua đời rồi!” Tin nghe có một tiếng than vọng lên ong ong trong đầu. Đôi chân nó tự dưng yếu ớt, như không còn chút hơi sức. Nó nghĩ mình sắp khuỵu xuống.
Chợt có một tiếng nói vang lên ở phía trước, rành rọt:
– Hòn đảo kìa!
Rồi một tiếng nói khác nữa. Rồi nhiều tiếng nói, có cả tiếng thằng Bảy và con Thắm.
– Thằng Tin xạo ghê!
– Chạy lên đảo chơi đi!
– Không chạy lên được. Phải bơi qua biển.
– Ơ, hòn đảo Robinson vẫn còn, Tin ơi!
Gì thế nhỉ? Tin lúc lắc đầu, cảm thấy nó đang trôi bồng bềnh giữa những tiếng reo vây bọc chung quanh.
TIN LEN LÊN PHÍA TRƯỚC.
Nó lướt thật nhanh, như đang đứng trên một cái bàn trượt.
Vẫn những bóng người đi lại trước mắt nó. Các chú thợ hồ vẫn cần mẫn với công việc, họ di chuyển không ngừng giữa khu vườn và khoảng sân gạch trước hiên nhà.
Người trộn vữa vẫn đang trộn vữa.
Người đẩy xe vẫn đang đẩy xe.
Người xúc cát vẫn đang xúc cát.
Nhưng họ không lấy cát từ hòn đảo Robinson.
Tin ngỡ như mình đang nằm mơ khi thấy bên cạnh đảo Robinson có một đống cát khác. Đống cát này lúc ôm cặp ra khỏi nhà hồi sáng Tin không hề nhìn thấy.
Như vậy là ba mới chở cát về.
Đúng rồi, xưa nay ba vẫn đồng ý với mình Robinson là một hòn đảo.
Ba tin mình và các bạn đang sống trên hòn đảo đó với một con sư tử.
Tóm lại là ba tin mình.
Và tóm lại là mình tin ba.
Ba bảo vệ hòn đảo, chính là bảo vệ niềm tin giữa hai cha con.
Tin ngắm hòn đảo Robinson bằng ánh mắt âu yếm, cảm thấy nó đích thực là một hòn đảo, không chỉ vì vẻ bề ngoài của nó.
DÌ SÁU DỪA ĐANG Ở TRÊN ĐẢO ROBINSON khi bọn trẻ về tới.
Tin thấy dì loay hoay giữa những chậu cây không biết ai mang lên đảo: cây hồng tỉ muội, cây chuỗi ngọc, cây hoa tai, cây đuôi diều, cây chút chít.
– Dì Sáu đang làm gì vậy? – Tin ngạc nhiên kêu lớn.
Dì Sáu ngoảnh đầu lại. Nhìn thấy Tin, dì đứng thẳng người lên, tay quẹt mồ hôi trán:
– Chà, chúa đảo về rồi.
Dì chỉ tay vào những chậu cây bày la liệt chung quanh:
– Dì đang trồng rừng. Hòn đảo đẹp thế này mà cây cối thưa thớt quá.
Bọn trẻ nhao nhao, quên bẵng người đàn bà trước mặt từng kết tội tụi nó:
– Dì trồng rừng bạch dương hả dì?
– Rừng tràm! – Một đứa cãi.
– Rừng bạch đàn.
– Đây là rừng phi lao! – Tin nói giọng hiểu biết – Ở đảo người ta thường trồng phi lao để chắn gió bão, để phòng hộ ven biển, bảo vệ những cồn cát…
– Vậy để tụi cháu phụ dì một tay!
Một đứa nói.
Nhiều đứa hưởng ứng.
Bọn trẻ nhảy phóc lên đảo (coi biển cả dưới chân chẳng khác nào mương rạch), thật là gan dạ.
Tin, Bảy, Thắm lại gần dì Sáu Dừa.
Tin nhìn các chậu hoa chưa được chôn xuống cát, hớn hở:
– Dì đang trồng phi lao, đúng không dì?
Dì Sáu chỉ tay về phía cây cọ, mỉm cười:
– Các cháu nhìn đó thì biết.
Chúa đảo, chúa đảo phu nhân và phó chúa đảo ngạc nhiên nhìn theo tay chỉ của dì Sáu.
Không biết từ lúc nào trên thân cọ phất phơ một tấm giấy, được một lưỡi dao ghim vào. Y như cách chúa đảo gửi thư cho dì Sáu cách đây mấy ngày.
Trên mẩu giấy hiện mồn một dòng chữ:
“Nơi đây là rừng phi lao”.
BÂY GIỜ THÌ CHÚA ĐẢO, CHÚA ĐẢO PHU nhân và phó chúa đảo đã lại tận hưởng cuộc sống dưới chiếc dù che nắng trên dốc cát thoai thoải.
Ba chúa đảo mới sắm cho chúa đảo chiếc dù to như chiếc dù chúng ta vẫn nhìn thấy ngoài bãi biển. Nằm dưới bóng râm mát của tán dù, nghe gió biển mơn man trên da thịt, chốc chốc nghe tiếng hải âu kêu ríu rít trên đầu, thật là dễ chịu. Tin sung sướng: Bây giờ thì bóng chim bay ngay đúng là hải âu rồi.
Chúa đảo phu nhân Thắm ngồi xếp bằng trên cát, mải mê đọc truyện tranh.
Còn chúa đảo Tin và phó chúa đảo Bảy nằm duỗi người trên tàu lá dừa khô.
Trong khi phó chúa đảo nhai ổi chóp chép thì chúa đảo tay cầm chai xi-rô, miệng ngậm ống hút, hút sồn sột.
Cả hai vừa ăn vừa uống vừa thong thả ngắm trời xanh, bao muộn phiền những ngày qua đã được gột sạch khỏi tâm trí. Hải tặc Phàn gần đây cũng không còn chặn đường tụi nó để sốt sắng đọc điếu văn cho hòn đảo nữa.
Nằm lười nhác trên hòn đảo thanh bình đó, neo mình vào tiếng biển, ngửa mặt ngắm những cụm mây dong buồm trắng thong dong đi lại trên cao, bọn trẻ của chúng ta không mong gì hơn thế.
– Bảy này! – Chúa đảo Tin chợt nghĩ đến một chuyện – Hôm nay tụi mình sẽ đặt cho hòn đảo một cái tên mới.
– Đặt tên mới à? – Phó chúa đảo ngẩn ngơ – Sao không giữ tên Robinson?
– Robinson chỉ thích hợp với tên một hoang đảo. – Chúa đảo giải thích với vẻ hãnh diện – Còn hòn đảo của mình bây giờ đã có người ở, đã được cô giáo, dì Sáu và mấy đứa bạn trên lớp viếng thăm, đã được nhiều người biết tới, nói chung nó đã nổi tiếng rồi. Nó không còn là hòn đảo hoang sơ nữa.
– Thế tụi mình đặt cho nó tên gì?
Tim lim dim mắt:
– Nó là hòn đảo toàn cát. Tao nghĩ nên đặt tên là đảo Cát.
– Đảo Cát à? – Bảy lẩm bẩm – Đảo Cát… đảo Cát… ừ, nghe hay đấy…
Con Thắm nghiêng người về phía hai bạn, vốc một nắm cát lên tay rồi thả cho cát chuồi qua kẽ tay, hoan hỉ phụ họa:
– Mình cũng thích tên đảo Cát.
CON THẮM THÍCH TÊN ĐẢO CÁT THẬT. Vì nó là chúa nghịch cát. Nó có thể lăn lê bò toài trong cát hằng buổi mà không thấy chán, nó khoái tròn xây nhà bằng cát, nặn tượng bằng cát, chỉ trừ trò vốc cát ném nhau.
À, có một trò nữa nó cũng không thích. Đó là làm chúa đảo phu nhân đảo Cát.
Đầu đuôi là do thằng Bảy. Khi cả bọn thống nhất đổi tên đảo Robinson thành đảo Cát rồi, thằng Bảy bỗng cao hứng tuyên bố:
– Bây giờ chúa đảo Cát phải phong con Thắm làm chúa đảo phu nhân!
Tin chớp mắt:
– Hôm trước tao phong rồi mà.
Bảy nhún vai:
– Đó là lúc mày làm chúa đảo Robinson. Chuyện đó khác. Còn bây giờ mày là chúa đảo Cát. Chúa đảo Cát dĩ nhiên chưa có vợ.
Tin liếc con Thắm, ngần ngừ:
– Vậy tao cưới mày lần nữa nghe, Thắm?
Con Thắm còn phân vân hơn:
– Có hôn không?
– Hôn chứ! Bắt buộc phải hôn! – Thằng Bảy la ầm – Chưa hôn thì chưa thành vợ chồng!
– Vậy thì mình không chịu đâu! – Con Thắm giãy nảy – Nước miếng dính vô mặt dơ lắm!
Lý do của con Thắm làm thằng Bảy nghệt mặt ra. Tại nó cũng biết nước miếng rất dơ.
Ở lớp, nó rất ghét mấy đứa hay phun nước miếng bừa bãi xuống sàn nhà.
THẰNG TIN LÊN TIẾNG CỨU VÃN:
– Thôi được rồi. Bây giờ tao không hôn mày mà để cho mày hôn tao, được không Thắm? Hôm trước tao quẹt nước miếng lên má mày, bây giờ mày bôi nước miếng lên má tao, coi như huề!
– Ờ, hay đấy! – Con Thắm vỗ tay – Vậy Tin nhắm mắt lại đi!
Với thằng Bảy thì thằng Tin hôn con Thắm hay con Thắm hôn thằng Tin chẳng có gì khác biệt. Miễn có hôn là được.
Nó nhảy vòng quanh hai đứa bạn, hào hứng giục:
– Hôn đi! Hôn đi!
Nhưng chúa đảo phu nhân chưa hôn chúa đảo được. Tại thằng Tin cứ thao láo mắt nhìn con Thắm.
– Tin nhắm mắt lại đi! – Con Thắm nhăn mặt.
– Mày hôn thì hôn đại đi! – Thằng Tin không chịu – Mắt tao, tao muốn nhắm hay mở kệ tao!
Con Thắm phân bì:
– Nhưng lần trước mình nhắm mắt cho Tin hôn mà.
– Kệ mày! Mày nhát gan thì mày ráng chịu.
Tin đập tay lên ngực:
– Tao là chúa đảo. Tao sẵn sàng nhìn thẳng vào mọi… mọi…
Tin bỗng ngập ngừng, vì nó thấy chữ “nguy hiểm” nó định nói không chính xác lắm. Hôn chỉ mất vệ sinh thôi chứ không thể gọi là nguy hiểm.
Nó đành bỏ lửng câu nói và nhắm tịt mắt lại:
– Tao nhắm mắt theo ý mày rồi đó! Hôn lẹ đi!
Tin nhắm mắt chờ, vẫn không thấy con Thắm ịn môi lên má mình. Nó nghiêng đầu qua một bên, một thứ âm thanh xào xạc xát vào tai gieo vào đầu nó cái ý nghĩ rằng lại thêm một cơn bão nữa sắp tràn qua hòn đảo.
Tin mở mắt ra, thấy thằng Bảy và con Thắm đang trố mắt nhìn ra cổng.
Tin ngoảnh lại, tới phiên mắt nó trố lên khi thấy tụi bạn trên lớp đang ồn ào kéo tới. Có cả cô giáo, cả con beo Mi Mi thấp thoáng trong đám đông.
Hèn gì con Thắm không dám hôn mình! Tin thở phào. Thực sự Tin chẳng muốn con Thắm quẹt nước miếng lên mặt nó. Nhưng Tin biết sớm muộn gì thằng Bảy cũng bắt con Thắm hôn nó cho bằng được. Thôi kệ, nếu không để con Thắm hôn một cái thì mình chẳng có phu nhân, nhất là chẳng được kiêu hãnh nói câu “Thế là tụi mình đã cưới nhau được ba năm rồi”.
Chúa đảo mà chưa có vợ hoặc chỉ cưới vợ chưa được ba năm thì chẳng có gì tự hào hết, Tin nghĩ vậy, nên nó nhìn con Thắm nói nhanh “Đợi ngày mai tao phong cho mày làm phu nhân” rồi nhảy phốc một cái, chúa đảo Cát liều lĩnh băng qua vùng biển lúc nhúc cá mập, chạy ra cổng đón khách…
HẾT.
TPHCM 21-10-2009