Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đông Chu Liệt Quốc

Chương 61: Tấn điệu công cử binh đánh sở tôn lâm phủ nổi loạn đuổi vua

Tác giả: Phùng Mộng Long
Chọn tập

Quân Tấn và quân chư hầu vây thành Bức Dương trong hai mươi bốn ngày mà chưa phá vỡ, bỗng trời mưa to lắm, mặt đất bị nước ngập sâu ba thước, Tuân Yển và Sĩ Mang lo sợ, vào nói với Tuân Dinh rằng:

– Chúng tôi vẫn tưởng là thành nhỏ dễ đánh, ai ngờ vây mãi không phá được, mà trời lại mưa to; nay đang mùa hạ, lại là mùa nước lên, sông Bào ở phía tây, sông Tiết ở phía đong, sông Khoách ở phía đông bắc, ba sông ấy đều nhau với sông Tứ, vạn nhất trời mưa mãi, nước mấy sông ấy tràn đến thì khó lòng mà thu quân được, chi bằng ta tạm rút về, rồi sau sẽ liệu .

Tuân Dinh nổi giận, cầm cái ghế đang ngồi, ném xuống trước mặt Tuân Yển và Sĩ Mang mà mắng rằng:

– Ta vẫn bảo thành ấy dẫu nhỏ mà vững bền lắm, chưa dễ phá nổi, các ngươi dám tự quyết là đánh được; khi ở trước mặt chúa công, các ngươi cố ý xin đi đánh, khiến cho ta phải đem quân tới đây . Nay đánh mãi không được, vừa gặp trời mưa, đã muốn rút quân về; các ngươi muốn đến đây thì dễ, chứ muốn rút về thì khó, ta hạn cho bảy ngày nữa, nếu không phá vỡ thành Bức Dương thì sẽ chiếu theo quân pháp mà chém đầu . Muốn tốt thì đi đi cho mau chớ đến đây nữa!

Tuân Yển và Sĩ Mang sợ hãi, xám xanh cả mặt, vâng vâng dạ dạ, luôn mồm mà lui ra, bảo các tướng bộ thuộc của mình rằng:

– Quan nguyên sóai nghiêm hạn trong bảy ngày nữa, nếu không phá vỡ thành Bức Dương thì chém đầu chúng ta, nay ta cũng nghiêm hạn cho các ngươi, nếu trong sáu ngày nữa mà không phá vỡ được thành cũng chém đầu các ngươi trước rồi ta sẽ tự tử để giữ lấy quân pháp .

Các tướng đều sợ hãi nhìn nhau . Tuân Yển và Sĩ Mang nói:

– Quân pháp không phải là nói đùa, chúng ta phải xông pha tên đạn, ngày đêm đánh riết, có tiến mà không thoái!

Nói xong, sai người ước với quân nước Lỗ, nuớc Tào và nước Châu cùng nhau ra sức . Bấy giờ thế nước đã hơi lui, Tuân Yển và Sĩ Mang thúc quân tiến đánh: tên đạn ở trên mặt thành bắn xuống như mưa, mà Tuân Yển và Sĩ Mang nhất định không đánh . Đến ngày thứ năm, trong thành hết cả tên đạn . Tuân Yển mới bắc thang trèo lên, Sĩ mang cũng lên theo, quân tướng các nước đều lục tục kéo nhau lên cả . Văn Ban tiếp chiến trong các ngõ hẻm, kiệt sức mà chết . Tuân Dinh vào thành, vua Bức Dương đem thần thuộc ra xin hàng .

Lúc bấy giờ Tấn Điệu công lo không đánh được thành Bức Dương, lại đem hai nghìn tinh binh đến để trợ chiến . Khi đi đến đất Sở Khâu (đất nước Vệ), nghe tin Tuân Dinh đã hạ được thành Bức Dương rồi, liền sai sứ đến nước Tống, đem thành Bức Dương phong cho quan đại phu nước Tống là Hướng Thú . Hướng Thú cùng với Tống Bình công thân hành đến đất Sở Khâu, yết kiến Tấn Điệu công . Hướng Thú chối từ không dám nhận phong . Tấn Điệu công liền giả đất cho Tống Bình công . Tuân Dinh thuật lại sự dũng cảm của ba tướng nước Lỗ, Tấn Điệu công ban xe và áo cho mỗi người . Các tướng nước Lỗ lạy tạ, rồi thu quân về . Tấn Điệu công trách vua Bức Dương về tội khi trước giúp Sở, giáng làm thứ nhân, lại chọn một người trong họ của vua Bức Dương cho ở đất Hoắc Thành để giữ lấy việc cúng tế .

Mùa thu năm ấy, Tuân Hội tạ thế, Tấn Điệu công thấy Ngụy Giáng là người biết giữ phép, bèn nhấc lên chức tân quân phó tướng; cho Trương Lão thay Ngụy Giáng làm chức tư mã .

Mùa đông năm ấy, đạo quân thứ hai của Tấn lại sang đánh Trịnh, đóng đồn ở đất Ngưu Thủ (đất nước Trịnh) và đất Hổ Lao, vừa lúc ấy, người nước Trịnh là Uý Chỉ nổi loạn, giết công tử Phi, công tử Phát và công tử Triệt ở tây cung . Con công tử Phi là công tôn Hạ (tên tự là Tử Tây) và con công tử Phát là công tôn Kiều (tên tự là Tử Sản) đều đem bọn vũ sĩ trong nhà đi đánh Uý Chỉ . Uý Chỉ chạy về Bắc cung . Công tôn Mại cũng đem quân đuổi đánh, giết chết được Uý Chỉ, rồi lập công tử Gia làm thượng khanh . Loan Áp nói với Tuân Dinh rằng:

– Ta nên nhân lúc nước Trịnh có loạn mà tiến đánh ngay thì tất có thể phá được .

Tuân Dinh nói:

– Nhân lúc người ta có loạn mà đánh là bất nghĩa .

Tuân Dinh truyền hoãn binh không đánh vội . Quan thượng khanh nước Trịnh là công tử Gia xin giảng hoà . Tuân Dinh thuận cho . Đến lúc công tử Trịnh nước Sở đem quân cứu Trịnh thì quân Tấn đã rút về rồi . Nước Trịnh lại cùng với nước Sở giảng hoà . Năm sau, Tấn Điệu công lại cho đạo quân thứ ba sang đánh Trịnh . Toán quân của Hướng Thú nước Tống kéo đến cửa đông . Quan thượng khanh nước Vệ là Tôn Lâm Phủ cũng đem quân đóng ở phía bắc . Quan hạ quan nguyên soái nước Tấn là Triệu Vũ đem quân đóng ở phía tây . Tuân Dinh đem đại binh tự đất Bắc Lâm kéo qua phía tây, tiến đến cửa nam, rồi sai người ước với các toán quân cùng vây nước Trịnh . Trịnh Giản công sợ lắm, lại xin giảng hoà . Tuân Dinh thuận cho, rồi lui quân về địa giới nước Tống . Trịnh Giản công thân hành đến khoao thưởng quân sĩ, cùng với Tuân Dinh hội thề . Sở Cung vương giận lắm, sai công tử Trịnh sang mượn quân Tần để về đánh Trịnh .

Bấy giờ vì Sở Cung vương phu nhân là em gái Tần Cảnh công (con Tần Hoàn công) nên hai nước có tình thân gia với nhau, Tần Cảnh công bèn sai đại tướng là Doanh Thiêm đem quân sang giúp nước Sở . Sở Cung vương đem đại binh thẳng đường tiến sang Huỳnh Dương và nói quả quyết rằng:

– Lần này không diệt được nước Trịnh thì không chịu rút quân về .

Trịnh Giản công từ khi giảng hoà với Tấn, biết chắc rằng thế nào Sở cũng lại đem binh sang đánh, mới họp triều thần lại để thương nghi .

Các quan đại phu đều nói:

– Hiện nay thế lực nước Tấn cường thịnh, nước Sở không bằng, nhưng quân Tấn đi thì mua mà đến thì chậm, cho nên hai nước chưa gặp được nhau để quyết một trận trống mái, thành ra cứ tranh nhau mãi; nếu quân Tấn chịu giúp ta thực sự mà đánh Sở thì quân Sở tự biết sức kém mà phải tránh xa, bấy giờ ta có thể một lòng theo Tấn được .

Công tôn Xá Chi hiến kế rằng:

– Ta muốn cho Tấn thực sự giúp ta thì phải làm cho Tấn tức giận, mà muốn làm cho Tấn tức giận thì không gì bằng đánh Tống . Nay Tống đang giao hiếu với Tấn, vậy ta buổi sớm đánh Tống thì buổi chiều quân Tấn tất sang đánh ta . Quân Tấn đến mau được, quân Sở không đến mau được, bấy giờ ta sẽ có cớ mà nói với quân Sở .

Các quan đại phu đều khen phải . Trong khi đang họi nghị thì có người báo tin nước Sở sang mượn quân nước Tần . Công tôn Xá Chi mừng mà nói rằng:

– Đó là lòng trời khiến cho ta theo Tấn!

Các quan đại phu đều không hiểu ý . Công tôn Xá Chi nói:

– Sở và Tấn cùng sang đánh thì nước Trịnh ta chịu thế nào nổi, chi bằng ta sai người ra nghênh tiếp vua Sở, rồi xui sang đánh Tống . Một là tránh khỏi cái hại quân Sở, hai là làm cho quân Tấn tức giận mà đến mau, có phải là được cả đôi đường không .

Trịnh Giản công theo kế ấy, liền sai công tôn Xá Chi đi nghênh tiếp quân Sở . công tôn Xá Chi qua sông Dĩnh, đi chưa được một xá thì gặp quân Sở . Xá Chi sụp lạy trước xe Cung vương . Cung vương cau mày quắc mắt mà hỏi rằng:

– Nước Trịnh ngươi phản phúc không thường, ta định đem quân đến hỏi tội, nay nhà ngươi tới đây là có ý gì ?

Công tôn Xá Chi nói:

– Chúa công tôi vẫn mến cái đức của đại vương, vẫn sợ cái uy của đại vương muốn suốt đời nương tựa ở dưới bóng đại vương, không bao giờ dám hai lòng; ngặt vì nước Tấn bạo ngược, cùng với nước Tống xâm nhiễu nước tôi . Chúa công tôi sợ nước nhà tàn phá bất đắc dĩ phải giảng hoà để quân Tấn lui về, khi quân Tấn đã lui rồi thì nước tôi lại là một nước phụ thuộc của đại vương . Chúa công tôi sợ đại vương không thấu cái nông nổi ấy, vậy phải sai tôi đến đây để giải bày tâm sự nếu đại vương sang hỏi tội nước Tống thì chúa công tôi xin đi làm tiên phong .

Sở Cung vương đổi giận làm lành mà bảo rằng:

– Nếu vua Trịnh muốn theo ta đánh Tống thì còn nói gì nữa!

Công tôn Xá Chi nói:

– Khi tôi tới đây thì chúa công đã sửa soạn quân sĩ để chực đón đại vương ở phía đông bờ cõi rồi!

Sở Cung vương nói:

– Đã đành rằng thế, nhưng quân Tần hẹn ta hội ở đất Huỳnh Dương, ta phải đợi quân Tần mới được .

Công tôn Xá Chi nói:

– Nước Tần xa cách, tất phải qua Tấn và Chu mới sang đến nước tôi, đại vương sai sứ đi ngăn lại, cũng có thể kịp; cứ như uy linh đại vương và thế lực quân Sở thì cần gì phải mượn đến quân Tần!

Sở Cung vương bằng lòng, liền sai sứ đi từ tạ quân Tần, rồi cùng với công tôn Xá Chi đi về phía đông . Đi đến đất Hữu Sầm thì thấy Trịnh Giản công đã đem quân ra nghênh tiếp, liền cùng nhau sang đánh Tống, cướp phá một phen, rồi rút quân về . Tống Bình công sai Hướng Thú sang cáo cấp với nước Tấn, và kể chuyện nước Trịnh hợp quân với nước Sở . Quả nhiên Tấn Điệu công nổi giận, lại truyền cho đạo quân thứ nhất tiến sang đánh Trịnh . Tuân Dinh bàn rằng:

– Nước Sở phỉ sang mượn quân nước Tần là vì nước Sở trong mấy năm nay chỉ những đi lại mà không thể chịu được sự lao khổ; lần này sang đánh, ta nên tỏ cho nước Trịnh biết sự cường thịnh của ta thì tự khắc nước Trịnh không dám theo Sở nữa!

Điệu công khen phải, liền hội họp các nước: Tống, Lỗ, Vệ, Tề, Tào, Cử, Châu, Đằng, Tiết, Kỷ và Tiểu Châu cùng đem quân sang đánh Trịnh, diễu quân ở phía đông nước Trịnh, bắt được quân dân nước Trịnh rất nhiều . Trịnh Giản công bảo công tôn Xá Chi rằng:

– Nhà ngươi muốn làm cho nước Tấn tức giận, đem quân đến ngay, nay quả nhiên quân Tống đến thật, nhà ngươi tính thế nào ?

Công tôn Xá Chi nói:

– Tôi xin một mặt sai người giảng hoà với Tấn, một mặt sai người cầu cứu với Sở . Quân Sở đến thì tất phải giao chiến với Tấn, bấy giờ ta chọn nước nào thắng thì theo; nếu quân Sở không đến thì ta giảng hoà với Tấn rồi đem vàng ngọc làm lễ đút cho Tấn, để Tấn giúp ta thực sự thì còn lo gì nước Sở nữa!

Trịnh Giản công khen phải, liền sai quan đại phu là Bá Biền sang giảng hoà với quân Tấn, và sai công tôn Lương Tiêu cùng quan thái tể là Thạch Sước sang nói với Sở Cung vương rằng:

– Hiện nay nước Tấn lại đem quân mười một nước chư hầu đến đánh nước tôi, chúng tôi khó lòng mà giữ nổi . Nếu đại vương lấy binh lực mà thị uy với nước Tấn thì đó là sở nguyện của chúng tôi . Nếu không thì xã tắc chúng tôi lâm nguy, chúng tôi không còn có cách gì hơn là xin hoà với Tấn, xin đại vương mở lòng thương mà tha thứ cho chúng tôi .

Sở Cung vương nổi giận, gọi công tử Trinh đến để hỏi kế .

Công tử Trinh nói:

– Quân ta mới rút về, chưa được nghỉ ngoi, đã đi thế nào được ? Chi bằng ta hãy nhương nước Trịnh cho Tấn, lo gì không có ngày lấy lại .

Sở Cung vương vẫn chưa nguôi cơn giận, truyền giam công tôn Lương Tiêu và Thạch Sước lại, không cho về nước . Tấn Điệu công đóng quân ở đất Tiêu Ngư, sứ nước Trịnh là Bá Biền xin vào yết kiến . Tấn Điệu công cho vào, rồi lên tiếng nạt nộ mà hỏi rằng:

– Nước ngươi chỉ mượn việc giảng hoà mà nói dối ta đã nhiều lần rồi! lần này lại còn muốn dùng kế hoãn binh hay sao!

Bá Biền sụp lạy mà nói rằng:

– Chúa công tôi hiện đã sai sứ sang tuyệt giao với quân Sở có đâu dám hai lòng!

Tấn Điệu công nói:

– Ta đem lòng thành tín mà đãi ngươi, nếu nước còn phản phúc nữa thì chẳng những một mình ta tức giận mà các nước chư hầu cùng tức giận cả . Thôi thì nhà ngươi hãy về mà bàn lại với vua Trịnh xem đã .

Bá Biền lại nói:

– Chúa công tôi thành kính mà sai tôi tới đây, thật là muốn một lòng thần phục nhà vua, xin nhà vua chớ nghi ngại .

Tấn Điệu công nói:

– Nếu vậy thì vua Trịnh phải cùng ta hội thề!

Liền sai quan tân quân nguyên soái là Triệu Vũ cùng với Bá Biền vào thành để hội thề với Trịnh Giản công . Trịnh Giản công xin thân hành đến dinh Tấn để cùng với các nước chư hầu hội thề . Tấn Điệu công nói:

– Nếu vua Trịnh có lòng thành tín thì tự khắc quỉ thần chứng giám, hà tất phải thề một lần nữa!

Tấn Điệu công truyền tha hết quân dân nước Trịnh bị bắt, và nghiêm cấm quân sĩ không được xâm phạm một chút gì của Trịnh, lại truyền cho toán quân ở Hổ Lao rút về hết, để cho quân Trịnh giữ lấy cửa ải . Chư hầu đều can rằng:

– Chưa có thể tin được nước Trịnh, nếu họ lại đem lòng phản phúc thì ta lại cho quân sang đóng ở Hổ Lao, chẳng cũng thêm khó một lần nữa sao ?

Tấn Điệu công nói:

– Lâu nay binh hoả liên miên, tướng sĩ các nước khó nhọc ở nơi chiến trường . Bây giờ ta muốn đem lòng thành tín mà đãi nước Trịnh, ta đã không phụ nước Trịnh thì lẽ nào nước Trịnh lại nỡ phụ ta!

Nói xong, liền bảo Trịnh Giản công rằng:

– Ta biết nước Trịnh cũng khổ sở về cuộc binh đao, nay ta muốn cùng nước Trịnh yên nghỉ; từ nay trở đi, theo Tấn hay theo Sở là tuỳ ý nước Trịnh, ta cũng không cưỡng .

Trịnh Giản công cảm động, ứa nước mắt mà nói rằng:

– Nhà vua thành tín như vậy, đến giống cầm thú cũng phải cảm kích, huống chi tôi cũng còn là loài người, lẽ nào dám phụ bạc quên ơn . Tôi còn ăn ở hai lòng thì xin quỉ thần tru diệt!

Trịnh Giản công cáo từ lui ra . Ngày hôm sau, Trịnh Giản công sai công tôn Xá Chi đem ba người nhạc sư, mười sáu người nữ nhạc, ba mươi sáu cái chuông và cái khánh, ba mươi người nữ công, cùng các thứ binh xa, đến dâng Tấn Điệu công . Tấn Điệu công nhận, rồi đem tám người nữ nhạc, mười hai cái chuông thửơng cho Ngụy Giáng mà bảo rằng:

– Nhà ngươi khuyên ta giảng hoà với các nước Sơn Nhung, để chỉnh đốn trung nguyên, nay chư hầu hoà mục với ta, như âm nhạc hoà hài, vậy ta xin cùng nhà ngươi hưởg nhạc .

Tấn Điệu công lại đem một phần binh xa thưởng cho Tuân Dinh và bảo rằng:

– Nhà ngươi khuyên ta chia quân để làm cho Sở phải khốn quẫn; nay nước Trịnh chịu thần phục ta, cũng là công của nhà ngươi .

Ngụy Giáng và Tuân Dinh đều từ chối mà nói rằng:

– Đó là nhờ uy linh của chú công, và công lao của chư hầu, chúng tôi có tài lực gì!

Tấn Điệu công nói:

– Nếu không có hai ngươi thì sao ta được như thế này, hai ngươi chớ từ chối .

Ngụy Giáng và Tuân Dih cùng lạy tạ, chư hầu đều rút quân về nước . Tấn Điệu công lại sai người sang sứ các nước để tạ lại công khó nhọc đem quân đi giúp . Các nước đều bằng lòng . Từ bấy giờ nước Trịnh một lòng theo Tấn . Lúc bấy giờ Tần Cảnh công đánh Tấn để cứu Trịnh, thắng một trận ở đất Lịch, sau nghe tin nước Trịnh đã đầu hàng nước Tấn, liền rút quân về .

Năm sau, vua nước Ngô là Thọ Mộng ốm nặng, gọi bốn con trai là: Chư Phàn, Dư Sai, Di Muội và Quí Trát đến bên cạnh giường nằm mà bảo rằng:

– Trong bốn anh em mày, chỉ có Quí Trát được lên làm vua mà giữ lấy cơ nghiệp, ai trái mệnh ta, là bất hiếu đó .

Vua nước Ngô nói xong thì chết . Chư Phàn nhường ngôi cho Trát và nói:

– Đó là ta theo ý muốn của thân phụ chúng ta đó!

Quí Trát nói:

– Khi phụ thân hãy còn, em đã cố từ ngôi thế tử, huống chi nay phụ thân đã mất rồi, em lại nhận lấy ngôi vua hay sao! nếu anh cố nhường thì em xin trốn sang nước khác .

Chư Phàn bất đắc dĩ phải lên nối ngôi . Tấn Điệu công sai sứ sang nước Ngô để viếng tang vua cũ và chúc mừng vua mới . Qua năm sau tướng nước Tấn là Tuân Dinh, Lỗ Phường, và Ngụy Tướng đều ốm chết cả . Tấn Điệu công lại luyện quân ở Miêu Sơn, muốn cho Sĩ Mang làm trung quân nguyên soái . Sĩ Mang từ chối mà nói rằng:

– Bá Du (tên tự của Tuân Yển) còn nhiều tuổi hơn tôi, tôi xin nhường Bá Du .

Tấn Điệu công liền cho Tuân Yển được thay Tuân Dinh làm trung quân nguyên soái, Sĩ Mang làm trung quân phó tướng; lại muốn cất nhắc Hàn Khởi lên chức thượng quán nguyên soái . Hàn Khởi nói:

– Triệu Vũ giỏi hơn tôi, tôi xin nhường Triệu Vũ .

Tấn Điệu công liền cho Triệu Vũ thay Tuân Yển làm thượng quân nguyên sóai; Hàn Khởi làm thượng quân phó tướng . Loan Áp vẫn làm hạ quân nguyên soái như cũ, Ngụy Giáng làm hạ quân phó tướng . Còn đạo tân quân chưa có ai làm nguyên soái . Tấn Điệu công nói:

– Chẳng thà để ngôi không mà đợi người giỏi, còn hơn dùng những người không xứng chức!

Bèn truyền cho quân lại đem quan, lính, xe cộ của đạo tàn quân mà nhập vào đạo hạ quân . Các quan đại phu đều nói:

– Chúa công ta dùng người, thật là thận trọng!

Từ bấy giờ ai cũng cố giữ chức phận, không dám trễ biếng . Nước Tấn lại cường thịnh, nối được bá nghiệp của Tấn Văn công và Tấn Tương công thuở xưa . Sau Tấn Điệu công lại bỏ bớt đạo tàn quân, chỉ còn ba đạo (thượng quân, trung quân và hạ quân) để giữ đúng lễ chư hầu .

Năm ấy Sở Cung vương (Thẩm) chết, thế tử Chiêu lên nối ngôi, tức là sở Khanh vương . Vua nước Ngô là Chư Phàn sai quan đại tướng là công tử Đảng đem quân đi đánh Sở . Tướng nước Sở là Dưỡng Do Cơ đem quân ra nghênh chiến, bắn chết công tử Đảng . Quân nước Ngô bị thua rút về . Chư Phàn sai sứ sag cáo cấp với Tấn Điệu công . Tấn Điệu công hội chư hầu ở Hướng Địa để thương nghị . Quan đại phu nước Tấn là Dương Thiệt Bật (con thứ Dương Thiệt Chức) nói với Tấn Điệu công rằng:

– Nước Ngô nhân khi nước Sở có tang đem quân sang đánh thì thua là phải, can gì mà giúp; còn Tần là một nước láng giềng với ta, và cùng ta có tình thân gia, khi trước lại theo Sở cứu Trịnh, đánh bại quân ta ở Lịch Địa, việc ấy nên báo thù . Nếu ta đánh được quân Tần thì thế lực nước Sở phải suy kém đi .

Tấn Điệu công khen phải, liền sai Tuân Yển đem quân cùng với chư hầu đi đánh Tần, còn mình thì đóng quân ở ngoài cõi để đợi tin tức . Tần Cảnh công nghe nói quân Tấn sắp đến thì sai người đem mấy bì thuốc độc bỏ chìm ở thượng lưu sông Kinh Thủy . Quan đại phu nước Lỗ là Thúc Tôn Báo cùng với quân nước Cử sang đò trước, nhiều người uống phải nước sông, đều trúng độc mà chết . Các toán quân khác không ai dám sang đò nữa . Quan đại phu nước Trịnh là công tôn Kiền đem quân tiến sang, Bắc Cung Quát theo sau, từ bấy giờ các toán quân đều kéo nhau sang cả, đóng đồn ở Vực Lâm . Quan trung quân nguyên soái nước Tấn là Tuân Yển truyền lệnh cho các quân rằng: “Gà gáy thì xuất quân, cứ theo đầu ngựa ta quay về phía nào thì đi phía ấy”. Quan hạ quân nguyên sóai là Loan Áp vốn không phục Tuân Yển, nghe thấy truyền lệnh như vậy, nổi giận mà rằng:

– Việc quân phải có nhiều người tham gia ý kiến mà dầu nếu Tuân Yển có độc đóan thì cũng phải nói rõ cho người ta biết cách tiến thoái như thế nào, có lẽ nào tất cả mọi người ta biết cách tiến thoái như thế nào, có lẽ nào tất cả mọi người trong ba đạo quân mà chỉ nom về đầu ngựa của một người! đây ta cũng là hạ quân nguyên soái, đầu ngựa ta chỉ muốn quay về phái đông .

Loan Áp liền đem quân bộ thuộc rút về phía đong . Quan hạ quân phó tướng là Ngụy Giáng nói:

– Chức phận ta là phải theo quan nguyên soái của ta, không theo lệnh Tuân Yền được!

Nguỵ Gíang cũng theo Loan Áp mà rút quân về, Tuân Yển nói:

– Ta truyền lệnh không rõ, đó là lỗi của ta, nay các tướng đã không theo lệnh thì còn thành công làm sao được!

Nói đọan truyền cho các nước đều rút quân về cả . Nước Tấn cũng rút quân về . Bấy giờ Loan Hàm làm chức nhung hữu ở đạo hạ quân, nhất định không chịu, bảo người con Phạm Mang (tức là Sĩ Mang) là Phạm Uởng rằng:

– Ngày nay ta chỉ cốt sang báo thù nước Tần, nếu không thành công thì thật là xấu hổ . Hai anh em ta (Loan Hàm là em Loan Áp) lẽ nào lại cùng rút quân về, nhà ngươi có dám cùng ta sang đánh quân Tần hay không ?

Phạm Uởng nói:

– Nhà ngươi còn biết nghĩ đến điều quốc sĩ, sao ta lại không theo .

Phạm Uởng cùng với Loan Hàm đem quân sang đánh quân Tần . Tần Cảnh công đang sai người đi do thám xem tình hình quân Tấn thế nào, bỗng thấy có một toán quân tiến đến, Tần Cảnh công sai công tử Vô Địa đem quân ra nghênh chiến . Loan Hàm và Phạm Uởng hai người cùng cố sức tiến đánh, giết được quân Tần nhiều lắm . Quân Tần sợ hãi, đã toan bỏ chạy, nhưng trông thấy toán quân của Loan Áp và Phạm Uởng không có quân tiếp ứng, liền nổi hiệu trống rồi đem quân vây kín xung quanh . Phạm Uởng bảo Loan Hàm rằng:

– Quân Tân thế mạnh lắm, ta không thể đương nổi!

Loan Hàm không nghe, lại gặp có đại binh của tướng nước Tần là Doanh Thiềm kéo đến, Loan Hàm lại cố sức xung đột, một tay giết chết được mấy người nữa, rồi bị luôn bảy mũi tên mà chết . Phạm Uởng cố sức phá vòng vây chạy thóat . Loan Áp trông thấy Phạm Uởng về một mình, liền hỏi:

– Em ta đâu ?

Phạm Uởng nói:

– Đã mắc nạn ở trong đám quân Tần rồi .

Loan Áp nổi giận, cầm giáo đâm Phạm Uởng, Phạm Uởng không dám chống lại, ù té bỏ chạy, Loan Áp đuổi theo . Thân phụ Phạm Uởng là Phạm Mang ngăn Loan Áp lại mà bảo rằng:

– Sao hiền tế lại quá giận như vậy!

Loan Áp vẫn còn hầm hầm nổi giận, quát to lên mà đáp rằng:

– Con ông rủ em tôi cùng sang đánh quân Tần, nay em tôi chết trận mà con ông sống về, thế có phải là con ông giết em tôi hay không ? ông chịu đuổi nó đi, tôi còn có thể tha thứ được, nếu không thì tôi tất phải giết nó để đền mạng cho em tôi!

Phạm Mang nói:

– Việc đó ta không được biết, âu là để ta đuổi nó đi!

Phạm Uởng nghe nói, liền bỏ trốn sang nước Tần, đem sự tình đầu đuôi thuật lại cho Tần Cảnh công nghe . Tần Cảnh công mừng lắm, đãi Phạm Uởng theo lễ thượng khanh . Một hôm, Tần Cảnh công hỏi Phạm Uởng rằng:

– Vua Tấn là người thế nào ?

Phạm Uởng nói:

– Là một ông vua hiền biết nguời và có tài dùng người .

Tần Cảnh công lại hỏi:

– Các quan đại phu nước Tân, ai giỏi hơn cả ?

Phạm Uởng nói:

– Triệu Vũ, Ngụy Giáng, Dương Thiệt Bật, Trương Lão, Kỳ Ngọ và cha tôi là Phạm Mang đều là những bậc tài gỉoi cả; còn các quan công khanh khác, cũng đều biết giữ phép, làm trọn chức phận của mình, tôi không dám khinh xuất mà ban hết được .

Tần Cảnh công lại hỏi:

– Thế thì trong các quan đại phu nước Tấn, người nào có cơ suy vong trước ?

Phạm Uởng nói:

– Họ Loan có cơ suy vong truớc .

Tần Cảnh công nói:

– Ý chừng vì cớ xa xỉ có phải không ?

Phạm Uởng nói:

– Loan Áp dẫu xa xỉ cũng chưa việc gì, đến đời con là Loan Doanh thì tất không tránh khỏi nạn được!

Tần Cảnh công nói:

– Tại sao ?

Phạm Uởng nói:

– Loan Thư ngày xưa thương dân trọng sĩ, lòng người ai cũng yêu mến, bởi vậy dẫu có việc giết vua mà trong nước không ai nói đến, vì nhờ có ân đức cũ; nay Loan Áp chế đi, đến đời Loan Doanh thì ân đức của Loan Thư đã hết rồi, Loan Doanh lại là người không có nhân chính, tài nào giữ cho khỏi suy vong được!

Tần Cảnh công khen rằng:

– Nhà ngươi thật là một người hiểu lễ lắm!

Tần Cảnh công nhân có Phạm Uởng, liền giao kết với Phạm Mang, rồi sai người sang giảng hoà với nước Tấn và xin cho Phạm Uởng được phục chức . Tấn Điệu công thuận cho . Phạm Uởng về nước Tấn, Điệu công cho cùng Loan Doanh đều làm quan công tộc đại phu, và bảo Loan Áp không được báo thù oán Phạm Uởng nữa . Từ bấy giờ Tần và Tấn lại giảng hoà với nhau . Năm ấy Loan Áp chết, con là Loan Doanh thay làm hạ quân phó tướng .

Lại nói chuyện Vệ Hiến công tên là Hãn, thay cha là Vệ Đinh công, lên nối ngôi vua, trong khi có tang mà không tỏ vẻ thương xót chút nào . Bà đích mẫu Vệ Hiến công thấy vậy, biết là Hiến công không thể làm vua được, vẫn thường đem lời khuyên bảo, mà Vệ Hiến công không nghe . Đến lúc hết tang, Vệ Hiến công lại càng phóng túng lắm, chỉ tin dùng đứa du nịnh, và ham mê chơi bời, chẳng thiết gì đến chính sự cả . Vệ Đinh công ngày xưa có người em cùng mẹ là công tử Hắc Bối, vẫn cậy thế chuyên quyền; con công tử Hắc Bối là công tôn Phiếu lại nối tước của cha là quan đại phu, cũng là một người có quyền lược . Quan thượng khanh là Tôn Lâm Phủ, quan á khanh là Ninh Thực thấy Vệ Hiến công vô đạo, bèn cùng với công tôn Phiếu kết giao . Tôn Lâm Phủ lại mật kết với nước Tấn để làm ngoại viện, và đem những đồ bảo ngọc thiên vào Thích Địa, (ấp ăn lộc của Tôn Lâm Phủ), cho vợ con về ở đấy . Vệ Hiến công nghi Tôn Lâm Phủ có ý làm phản, mà chưa dám nói ra . Một hôm, Vệ Hiến công hẹn Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực cùng đến ăn cơm trưa, Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực mặc triều phục đứng đợi ở ngoài cửa cung từ sáng đến trưa mà không thấy lệnh truyền cho vào; ở trong cung cũng không thấy có một người nào đi ra cả .

Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực sinh nghi . Trời đã xế chiều, hai người vừa đói vừa nhọc, mới cùng nhau gõ cửa xin vào yết kiến . Nội thị nói:

– Chúa công đang tập bắn ở sau vườn . Hai ngài muốn yết kiến thì mời hai ngài vào đấy .

Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực nổi giận, nhưng cũng cố nhịn đói mà vào thẳng sao vườn, trông thấy Vệ Hiến công đang đội cái mũ da (thứ mũ dùng để đi săn) cùng với xạ sư là công tôn Đinh thi bắn . Vệ Hiến công trông thấy Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực đến trước mặt, không bỏ mũ da xuống, lại đeo cung vào nách mà hỏi rằng:

– Hai ngưoi hôm nay đến đây có việc gì ?

Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực đồng thanh đáp:

– Chúng tôi thấy chúa công hẹn cho ăn cơm trưa, chầu chực đến giờ, bụng đã đói lắm, không dám trái lệnh, vậy phải vào đây .

Vệ Hiến công nói:

– Ta ham bắn quá, thành ra quên mất, thôi thì hai ngươi hãy lui về, để đến hôm khác!

Vệ Hiến công nói xong thì vừa có đàn chim bay qua, vừa bay vừa kêu, Vệ Hiến công bảo công tôn Đinh rằng:

– Ta cùng nhà ngươi bắn thi đàn chim này!

Tôn Lâm Phủ và Ninh Thực hổ thẹn lui ra . Tôn Lâm Phủ nói riêng với Ninh Thực rằng:

– Chúa công không biết kính trọng các quan đại thần, chúng ta sau này khó lòng mà khỏi bị hại, biết làm thế nào ?

Ninh Thực nói:

– Chúa công vô đạo thì chỉ hại thân mà thôi, chứ hại chúng ta thế nào nổi ?

Tôn Lâm Phủ nói:

– Ta muốn lập công tôn Phiếu lên làm vua, nhà ngươi nghĩ thế nào ?

Ninh Thực nói:

– Việc ấy rất phải! Ta cùng nhà ngươi sẽ liệu thế mà làm .

Hai người từ biệt nhau rồi về . Tôn Lâm Phủ về nhà ăn cơm xong, ngay đêm hôm ấy sai người sang Thích Địa gọi bọn gia thần là Dữu Công Sai và Doãn Công Đà sửa soạn quân mã để định nổi loạn; lại sai con trưởng là Tôn Khoái vào yết kiến Vệ Hiến công, để dò xét ý tứ . Tôn Khoái vào tâu với Vệ Hiến công rằng:

– Cha tôi là Tôn Lâm Phủ bị cảm phong, phải về dưỡng bệnh ở bến sông Hà, xin chúa công tha thứ cho .

Vệ Hiến công cười mà bảo rằng:

– Cha ngươi chỉ vì đói quá mà thành bệnh đó thôi, nay ta không dám để cho nhà ngươi lại đóai nữa!

Nói xong truyền nội thị đem rượu ra cho Tôn Khoái uống, lại gọi nhạc công ra để hát . Quan thái sư tâu với Vệ Hiến công rằng:

– Chẳng hay chúa công dạy hát bài gì ?

Vệ Hiến công nói:

– Có chương cuối cùng trong thơ “Xảo ngôn”, thật hợp với thời sự ngày nay, nhà ngươi hát bài ấy .

Quan thái sư tâu rằng:

– Bài thơ ấy ý không được hay, tôi thiết tưởng trong khi tiệc vui, không nên hát đến .

Có một nhạc công là Sư Tào nói át đi rằng:

– Chúa công dạy hát bài gì thì cứ hát bài ấy, can gì lại nói lôi thôi!

Nguyên Sư Tào gẩy đàn cầm hay lắm, Vệ Hiến công sai dạy một người thiếp yêu . Người thiếp yêu không nghe lời dạy bị Sư Tào đánh cho mười roi . Người ấy bèn vào mách với Vệ Hiến công . Vệ Hiến công đánh Sư Tào ba trăm roi ở trước mặt người thiếp yêu, bởi vậy Sư Tào căm tức, bấy giờ biết bài thơ ấy không hay, mà cố ý muốn hát, để làm cho Tôn Khoái phải tức giận . Sư Tào liền cất giọng hát rằng:

“Kẻ kia là ai,

Ở bến sông Hà;

Không tài lực gì,

Mà muốn nỏoi loạn”.

Chủ ý Vệ Hiến công là nhân thấy Tôn Lâm Phủ ở bến sông Hà có ý muốn nổi loạn, vậy nên định mượn câu hát, khiến cho Tôn Lâm Phủ phải sợ . Tôn Khoái nghe câu hát, trong lòng áy náy, xin cáo từ lui ra . Vệ Hiến công nói:

– Bài hát của Sư Tào, vừa rồi ngươi về nên thuật lại cho cha ngươi biết; cha ngươi dẫu ở xa, nhưng có điều gì, đây ta cũng biết cả, nên phải cẩn thận mà giữ gìn bệnh thể .

Tôn Khoái sụp lạy lui ra, về nói chuyện lại với Tôn Lâm Phủ . Tôn Lâm Phủ nói:

– Chúa công ghét ta đã quá lắm, chẳng lẽ ta cứ ngồi mà chịu chết hay sao! nay có Cừ Viên (tên tự là Bá Ngọc, làm quân đại phu nước Vệ) là người gỉoi, nếu người ấy chịu đồng mưu với ta thì làm gì mà chẳng xong việc!

Tôn Lâm Phủ lẻn đến yét kiến Cừ Viên mà bảo rằng:

– Chúa công vô đạo, nhà ngươi cũng đã biết, ta chỉ e rằng có ngày mất nước thì làm thế nào ?

Cừ Viên nói:

– Bề tôi thờ vua, điều gì can được thì can, điều gì không can đuợc thì đành bỏ mà đi, còn điều khác tôi không dám biết!

Tôn Lâm Phủ liệu chừng không thể lay động Cừ Viên được, mới cáo từ trở về . Ngay ngày hôm ấy, Cừ Viên bỏ trốn sang nước Lỗ . Tôn Lâm Phủ họp quân ở Khâu Cung, sắp sửa đánh Vệ Hiến công . Vệ Hiến công sợ, sai người đến Khâu Cung giảng hoà với Tôn Lâm Phủ . Tôn Lâm Phủ bắt người ấy giết đi, Vệ Hiến công sai người rình xem Ninh Thực làm gì thì thấy Ninh Thực đang sắp quân để tiếp ứng cho Tôn Lâm Phủ . Vệ Hiến công lại sai người gọi Bắc Cung Quát . Bắc Cung Quát cáo ốm không đến . Công tôn Đinh nói với Vệ Hiến công rằng:

– Bây giờ việc đã nguy cấ, nên mau mau trốn sang nước khác, còn có ngày lại trở về được .

Vệ Hiến công liền đem một toán quân mở cửa đông, định thẳng đương trốn sang nước Tề . Công tôn Đinh mang cung tên đi theo . Tôn Khoái và Tôn Gia (con thứ của Tôn Lâm Phủ) đuổi theo đến Hà Trạch, đánh giết một trận, toán quan của Vệ Hiến công bỏ chạy tán loạn cả, chỉ còn độ hơn mười người mà thôi; may nhờ có công tôn Đinh bắn gỉoi lắm, không sai một phát nào, người nào đến gần, đều bị tên mà chết, bởi vậy mới bảo toàn cho Vệ Hiến công chạy thóat được .

Tôn Khoái và Tôn Gia không dám đuổi theo nữa, quay trở về, vừa đi được ba dặm thì thấy Dữu Công Sai và Doãn Công Đà đem quân đến, nói là vâng lệnh Tôn Lâm Phủ đi đuổi bắt Vệ Hiến công . Tôn Khoái và Tôn Gia nói:

– Có một người bắn gỉoi lắm, các tướng phải phòng bị mới được!

Dữu Công Sai nói:

– Người ấy chắc là thầy ta, tên gọi công tôn Đinh đó!

(Nguyên Doãn Công Đà học nghề bắn với Dữu Công Sai, Dữu Công Sai lại họ nghề bắn với công tôn Đinh, ba người cùng một môn phái, cho nên đều biết tài nhau cả ).

Doãn Công Đà nói:

– Hôn quân đi cũng chưa xa, ta hãy cố đuổi theo .

Bèn đuổi theo mười lăm dặm nữa thì vừa kịp Vệ Hiến công . Người dong xe của Vệ Hiến công bị thương, công tôn Đinh phải cầm cương xe cho Vệ Hiến công, Công tôn Đinh ngảnh lại, trông thấy Dữu Công Sai ở đằng xa, mới bảo Vệ Hiến công rằng:

– Người đuổi theo ấy là học trò của tôi đó . Có lẽ nào học trò lại hại thầy, chúa công chớ ngại!

Công tôn Đinh dừng xe lại để đợi . Dữu Công Sai đi đến nơi, ngảnh lại bảo Doãn Công Đà rằng:

– Thật là thầy ta rồi!

Nói xong, liền xuống xe sụp lạy . Công tôn Đinh chào lại, rồi vẫy tay bảo đi . Dữu Công Sai trèo lên xe mà nói rằng:

– Công việc ngày nay, người nào cũng vì chủ mà làm . Nếu ta bắn thì là bội thầy, mà không bắn thì bội chủ; nay ta có một cách khiến cho trọn vẹn được cả đôi đàng!

Dữu Công Sai liền cầm cái tên gõ xuống bánh xe, bẻ đầu mũi nhọn đi, rồi nói to lên rằng:

– Xin thấy chớ sợ!

Dữu Công Sai nói xong, bắn luôn bốn phát tên: phát trước trúng vào cái thức (cái chắn ngang ở trước mặt), phát sau trúng vào cái chẩn (cái chắn ngang ở sau lưng), còn hai phát nữa trúng vào hai bên tả hữu, chỉ trừ có Vệ Hiến công và công tôn Đinh ngồi ở giữa xe là không can gì! Dữu Công Sai bắn xong, tức khắc quay xe trở về . Công tôn Đinh cũng giục ngựa tiến đi mau . Doãn Công Đà lúc trước trông thấy Vệ Hiến công đã toan giương cung ra bắn, nhưng vì có Dữu Công Sai là thầy mình ở đấy vậy phải nhường thầy . Khi về đến nửa đường, có ý hối lại, mới bảo Dữu Công Sai rằng:

– Thầy cùng với công tôn Đinh là nghĩa thầy trò, vậy phải dụng tình như thế, còn tôi đã cách đi một từng rồi, thế thì ơn thầy chưa trọng bằng mệnh chủ, nếu không cố cho thành công thì chẳng hóa bội chủ lắm sao!

Dữu Công Sai nói:

– Thầy ta (trỏ công tôn Đinh) bắn giỏi lắm, không kém gì Dưỡng Do Cơ, nhà ngươi không địch nổi đâu, khéo chẳng có mất mạng!

Doãn Công Đà không tin lời Dữu Công Sai, lại quay đi đuổi theo Vệ Hiến công.

Chọn tập
Bình luận