Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Giếng Thở Than

Chương 17: Nơi cư ngụ ở Whitminster

Tác giả: Montague Rhodes James

Tiến sĩ thần học Ashton ngồi trong phòng làm việc, khóac chiếc áo mặt trong nhà, đầu đội chiếc mũ lục che cái đầu cạo nhẵn – bộ tóc giả của ông lúc này đặt trên cái khuôn đựng mũ ở chiếc bàn bên cạnh. Ông là một người độ năm mươi lắm tuổi, cường tráng, mặt đỏ, ánh mắt cáu kỉnh, môi trên dài. Mặt và mắt ông lúc này được chiếu sáng bởi tia nắng mặt trời buổi chiều chiếu qua cánh cửa sổ cao có khung kính trượt trông ra phía Tây. Gian phòng cũng cao với nhiều giá sách, vách ngăn bằng gỗ. Trên bàn, gần khuỷu tay tiến sĩ là một tấm vải xanh trên để trên khay đựng lọ mực, ít bút giấy, một hai quyển sách bọc da dê, cái tẩu, hộp thuốc lá bằng đồng, bi đông bọc rơm, cốc uống rượu. Đó là vào năm 1730, tháng mười hai, hơn ba giờ chiều.

Những điều tôi mô tả không khác gì được ai đó hé cửa nhìn vào. Từ trong chiếc ghế bành da, nếu tiến sĩ Ashton nhìn ra sẽ thấy gì? Ngọn một số bụi cây và cây ăn quả trong vườn, toàn bộ bức tường gạch đỏ nằm suốt chiều dài phía Tây khu vườn. Có một cánh cổng sắt chạm trổ công phu cho phép tầm nhìn mở ra xa hơn. Mặt đất đổ thoai thoải xuống tận đáy một con suối chảy qua, sau đó lại dốc ngược lên ở phía bờ bên kia lên một cánh đồng trông giống công viên, dày đặc các cây sồi lúc này trơ lá, qua khe các thân cây thấy được bầu trời màu vàng và chân trời màu tím với những cánh rừng ở xa xa.

Nhưng tất cả những gì tiến sĩ Ashton nói ra lúc này trong khi đang ngắm quang cảnh trong nhiều phút, chỉ là “Tồi tệ quá!”.

Sau câu nói đó ta nghe có tiếng bước chân bước đi về phía phòng làm việc. Tiếng vang của nó chứng tỏ người đến đang băng qua một gian phòng rộng hơn. Tiến sĩ Ashton quay ghế nhìn ra, vẻ chờ đợi. Người bước vào là một phu nhân mập mạp mặc quần áo thời bấy giờ. Lúc nãy tôi mô tả quần áo ông tiến sĩ này thì không lo đến quần áo vợ ông làm gì, bởi đó chính là bà Ashton. Khuôn mặt lo lắng, cái nhìn lơ đãng buồn thương, bà Ashton cúi sát xuống chồng, thì thào “Anh yêu, nó nặng lắm rồi, em nghĩ thế!” “Nặng lắm rồi sao?” Ông dựa người ra sau nhìn thẳng vào mặt bà. Bà gật đầu. Hai tiếng chuông nghiêm nghị ngân lên cao vút ở không xa lắm, báo hiệu nửa giờ đồng hồ. Bà Ashton giật mình “Ồ, anh có thể ra lệnh cho đồng hồ nhà thờ tu viện ngừng gõ chuông đêm nay được không? Đồng hồ ở ngay trên phòng nó làm nó mất cả ngủ mà chỉ có giấc ngủ là hy vọng duy nhất lúc này.” “Vậy ư? Nếu thật như vậy thì có thể được nhưng chỉ là trường hợp hạn hữu. Em cho là Frank có cơ may sống được nhờ yên tĩnh sao?”

Giọng tiến sĩ Ashton to và cứng ngắc. “Em tin như vậy,” vợ ông đáp. “Vậy thì được, bảo Molly chạy sang Simpkins nói tôi ra lệnh cho chuông đồng hồ ngừng gõ kể từ lúc mặt trời lặn. Sau đó, phải, sau đó gọi Lord Saul đến ngay phòng này gặp tôi.” Bà Ashton vội chạy đi.

Trước khi có người khách nào khác đến đây, xin được giải thích hoàn cảnh.

Tiến sĩ Ashton là người được hưởng lộc thánh của nhà thờ thuộc học viện tu viện Whitminster, một trong những cơ ngơi sống sót qua cả thời Giải thể lẫn thời Cải cách, kể các thể chế lẫn các khoản trợ cấp cũng vẫn còn tồn tại. Mặc dù đây không phải là một nhà thờ lớn, nhưng nơi ở của tu viện trưởng và hai giáo sĩ được hưởng lộc thánh, khu đồng ca và các vật dụng phụ vẫn nguyên vẹn không hề suy suyển. một tu viện trưởng năm 1500 là một nhà xây dựng tích cực, đã cho xây một khu vuông vắn bằng gạch đỏ nối liền với nhà thờ dùng làm nhà ở cho các nhân viên. Một số người sau này không còn cần thiết cho nhà thờ và tu viện nữa do đó nơi ở của họ đã tan hoang chỉ còn lại gạch ngói, nay thuộc quyền các giáo sĩ, luật sư trên tỉnh. Vậy là những căn nhà đủ cho tám đến mười người ở nay thuộc về ba người – tu viện trưởng và hai giáo sĩ được hưởng lộc thánh. Nhà của tiến sĩ Ashton gồm hành lang chung trước kia, cùng phòng ăn lớn của toàn bộ khu ngụ cư, bao gồm cả một nửa sân, cuối sân có cửa vào nhà thờ tuổi viện, cửa kia, như ta đã biết, trông ra cánh đồng.

Ngôi nhà cũng vậy. Về những người ở cùng, vì tiến sĩ Ashton khá giả lại không có con cái, do đó ông đã nhận làm con nuôi, hay chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, một đứa trẻ mồ côi con cô em vợ, tên là Frank Sydall. Thằng bé đến ở trong căn nhà này từ nhiều tháng nay. Rồi một ngày kia có một lá thư từ một vị quý tộc Ireland, tức là bá tước Kildonan (học cùng với tiến sĩ Ashton ở trường đại học) hỏi xem tiến sĩ có thể cho đứa con trai thừa tự duy nhất là Tử tước Saul đến ở trong gia đình để tiến sĩ làm giám hộ cho nó được không. Ngài Kildonan sắp đi Lisbon nhậm chức trong sứ quán, thằng bé không phù hợp với chuyến đi này. “Không phải vì cháu không đủ sức khoẻ, mặc dù ông sẽ thấy tính khí cháu rất bất thường” (gần đây tôi nghi ngờ và bây giờ thì khẳng định điều đó). Bà vú già của nó bảo tôi là nó bị ma ám nhưng thôi, để tiến sĩ xác định đó là cái gì. Cánh tay tiến sĩ xưa đã mạnh, nay tôi dành thẩm quyền cho ông cần làm gì cứ làm. Thực tế nó chẳng có bạn cùng tuổi để chơi, thành ra cứ ủ rũ lang thang trong các tầng hầm, các nghĩa địa. Từ đấy tha về các chuyện kinh khủng làm bọn đầy tớ của chúng tôi hết hồn. vậy là xin nói trước với vợ chồng ông như vậy” có lẽ họ thấy khả năng một vị trí giám mục ở Ireland (ám chỉ bởi một câu trong thư của Bá tước) mà tiến sĩ Ashton nhận trách nhiệm giám hộ Tử tước Saul với hai trăm ghi nê một năm trong năm tới.

Thế là vào một đêm tháng Chín, cậu tử tước đến. Ra khỏi xe ngựa, trước tiên cậu đến nói chuyện và cho tiền đứa nhỏ đưa thư, sau đó vỗ vào cổ con ngựa. chẳng biết có phải con ngựa sợ hay không, nhưng suýt xảy ra tai nạn hiểm nghèo vì con vật chồm lên, người dẫn ngựa trạm bị quật xuống đất, rơi mất tiền thù lao, mãi sau này anh ta mới phát hiện ra, cột cổng bị tróc sơn, bánh xe chẹt và chân người trong nhà ra xách hành lý. Khi Lord Saul bước lên bậc tam cấp có ánh sáng đèn cổng soi vào, cậu được tiến sĩ Ashton ra đón. Cậu ta mười sáu tuổi, gày xanh, tóc đen bóng. Trước tai nạn vừa qua, cậu khá bình tĩnh và tỏ ra lo lắng cho người bị đau. Giọng cậu nhẹ nhàng, vì, không có âm sắc Ireland mới lạ chứ!

Frank Sydall là đứa trẻ nhỏ tuổi hơn, mới mười một, mười hai nhưng Lord Saul sẵn sàng chơi với em. Em dạy cho Saul những trò ở Ireland không có, cậu học những trò này dễ dàng, cậu học chữ cũng dễ dàng tuy ở nhà chẳng thấy cậu cầm sách vở mấy khi. Chẳng mấy chốc cậu đã tìm phương cách giải hết các chữ trên các tấm bia mộ trong sân nhà thờ, đôi khi đặt những câu hỏi khá hóc búa cho ông tiến sĩ Ashton về sách vở trong thư viện. Đầy tớ thích cậu, chỉ mười ngày sau khi cậu tới, chúng răm rắp làm vừa lòng cậu. Bà Ashton thời gian này phải thay nhiều đầy tớ gái, gần tỉnh không có, phải đi khá xa mới mướn được.

Những việc tổng thể này tôi biết được qua nhật ký và thư từ của tiến sĩ. Ngoài ra còn những việc gay cấn và chi tiết hơn biết được qua những đoạn ghi chép hồi cuối năm, sau tai nạn cuối cùng, thực ra nó xảy ra trong một số ít ngày thôi nhưng người viết không nhớ cụ thể ngày tháng.

Vào một sáng thứ sáu, không rõ chồn hay mèo đã cắp mất con gà trống non màu đen rất yêu quý của bà Ashton, nó đen tuyền, không có một chiếc lông trắng nào. Chồng bà nói nó là vật hy sinh rất thích hợp cho Aesculapius – vị thần La Mã trông coi về y học. Bà rất khó chịu, nay thì không gì an ủi được bà. Hai đứa nhỏ đi tìm khắp nơi. Lord Saul đem về một nắm lông có vẻ như bị đốt một phần trong đống rác sau vườn. Ngay hôm ấy nhìn qua cửa sổ, tiến sĩ Ashton bắt gặp hai đứa trẻ đang chơi ở góc vườn một trò mà ông không hiểu. Frank hăm hở nhìn vào một vật gì đó cầm trong lòng bàn tay. Saul đứng đàng sau nó, nghe ngóng.

Sau vài phút cậu nhẹ nhàng đặt bàn tay lên đầu Frank và ngay lập tức, Frank bỏ rơi luôn thứ đang cầm trong tay, hai bàn tay vỗ lên hai mắt rồi lăn đùng xuống cỏ. Saul, mặt mày lộ vẻ giận dữ, vội vã nhặt ngay cái vật đó lên (ông chỉ nhìn thấy nó lấp lánh) đút vào túi, bỏ đi, để mặc Frank phủ phục dưới đất. Tiến sĩ Ashton gõ vào cửa kính để chúng biết sự có mặt của ông, Saul nhìn lên hoảng hốt chạy lại chỗ Frank nhấc cánh tay nó lôi đi. Tới bữa ăn tôi, Saul giải thích chúng đóng vai với nhau một đoạn trong vở bi kịch của Radamistus, trong đó vai nữ chính đọc được tương lai của vương quốc cha cô nhờ một quả cầu thủy tinh cầm trong tay nên quá hoảng hốt vì tin này. Trong khi đó Frank chỉ hoang mang nhìn lên Saul, không nói gì. Ông Ashton nghĩ, có lẽ nó bị lạnh do ngã xuống cỏ ướt, bởi vì sẩm tối nó bắt đầu sốt, vừa khó ở, vừa rối loạn tinh thần, hình như có việc cần nói với bà Ashton, mà hôm ấy bà lại có những việc nhà khẩn cấp không lưu tâm đến nó được. Thế rồi đến lúc tối, khi bà vào phòng nó xem đèn đã được mang đi chưa và chúc nó ngủ ngon thì thấy nó ngủ nhưng mặt đỏ bừng khác thường, trong khi Saul thì tái xanh nằm thiu thiu, mỉm cười lặng lẽ.

Sáng hôm sau tiến sĩ Ashton bận công việc bên nhà thờ không dạy học cho hai cậu con trai được, giao cho chúng viết bài đưa nộp. hơn ba lần Frank gõ cửa phòng làm việc của ông, nhưng ông đều bận khách, gạt nó ra khá cộc cằn, sau này ông ân hận mãi. Tối thì có hai giáo sĩ tới ăn cơm, cả hai vị – đều đã làm cha – thấy thằng bé đang sốt cần cho vào giường ngay. Lúc cuối giờ buổi chiều nó ra ngoài hốt hoảng chạy vào trong nhà, kêu liên tục vẻ khủng khiếp và cứ ôm chặt lấy bà Ashton nhờ bà bảo vệ nó. “Đừng cho chúng lại gần! Đuổi chúng ra xa đi!” Bây giờ thì rõ ràng là nó ốm nặng rồi. Nó được đưa vào một căn buồng không phải buồng nó mọi khi vẫn nằm, bác sĩ được mới tới. Tuyên bố nó bị rối loạn não do trận ốm, tiên lượng rất xấu cần giữ yên tĩnh tuyệt đối và cho uống thuốc an thần.

Bây giờ ta trở lại lúc đầu. chuông đồng hồ thôi không đánh giờ nữa. Lord Saul đứng trước ngưỡng cửa phòng làm việc của tiến sĩ Ashton.

Tiến sĩ Ashton hỏi :”Tình trạng thằng bé như vậy, cậu giải thích ra sao đây?”

“Thưa ông mà tôi có biết hơn ông một chút, ngoài những gì ông đã thấy hôm qua. Tuy nhiên tôi tự trách mình đã làm nó sợ. Khi chúng tôi đóng vở kịch ấy. Hơn nữa tôi đã làm nó nhập tâm quá mức một số điều.”

“Thế là thế nào?”

“Tôi có kể cho nó nghe những chuyện ở Ireland mà chúng tôi gọi là khả năng nhìn thứ hai”

“Khả năng nhìn thứ hai? Là cái gì vậy?”

“Thưa ông, dân chúng ngu muội của chúng tôi cho rằng có một số người có thể nhìn thấy trước những chuyện sẽ xảy ra – qua một cái cốt thủy tinh, hay qua không khí chẳng hạn. Ở Kildoan có một bà già tự cho mình có quyền lực ấy. Có lẽ tôi cường điệu vấn đề lên quá. Tôi có ngờ đâu nó bị tác động mạnh đến vậy”

“Cậu sai lầm. cậu sai lầm quá đấy khi đắm vào những chuyện mê tín dị đoan ấy, cậu nên nhớ cậu ở đây là trong nhà ai, tính cách và con người tôi không ưa những chuyện như vậy. Nhưng thôi, cậu hãy cho tôi biết việc cậu làm, như cậu nói, là cái vở kịch ấy, vì sao lại khiến cho Frank sợ hãi đến thế?”

“Thưa ông, quả tôi không thể biết được. Chỉ trong một lúc nó huênh hoang đủ mọi chuyện từ chiến trận đến những người tình, đến Cleodora và Antigenes, rồi đến những gì gì nữa tôi không theo dõi kịp, cuối cùng nó giống như ông trông thấy đấy”

“Phải, cái lúc cậu đặt tay lên đầu nó chứ gì?”

Lúc này Lord Saul nhìn vội lên người lục vấn mình một cái – nhìn hằn học và rất nhanh không ai nhận biết – lần đầu tiên cậu ta chưa sẵn sàng có câu trả lời.

“Có thể là đúng lúc ấy đấy ạ, tôi cố nhớ lại nhưng đã quên cả, thực ra những hành động tôi làm lúc dó chẳng có ý nghĩa gì”

“Ái chà, phải, thưa cậu, cậu biết cho là vì sự sợ hãi đó mà Frank phải chịu những hậu quả tai hại. Bác sĩ nói tình trạng nó rất đáng nản lòng”

Lord Saul xoắn vặn hai tay vào nhau nhìn Tiến sĩ Ashton khẩn thiết.

“Tôi tin là cậu không có ý định xấu, chắc chắn cậu chẳng có lý do gì mà chơi ác nó, nhưng tôi không thể hoàn toàn không trách cứ cậu trong câu chuyện này”

Trong khi ông nói, lại có tiếng bước chân dồn dập đi tới, bà Ashton bước vào tay cầm cây nến, lúc này đã nửa đêm, bà hoảng sợ và bối rối ghê lắm, bà kêu lên “Lại đây ông ơi, nó đang đi rồi!”

“Đi! Frank ấy ư? Có thể như thế được chăng?”

Thốt ra vài lời không đầu đuôi, ông tiến sĩ cầm quyển Kinh thánh chạy theo vợ. Lord Saul đứng lại tại chỗ một lúc. Cô đầy tớ Molly nhìn thấy cậu ta cúi gập người lấy hai tay bưng mặt. Về sau cô kể lại, chính là cậu ta đã hết sức kìm nén một trận cười phá lên. Sau đó Saul mới nhẹ nhàng đi ra, theo sau mọi người.

Quả thật đáng buồn, bà Ashton tiên lượng đúng. Tôi không muốn kể những chi tiết của cảnh trí cuối cùng này ở đây. Những gì tiến sĩ Ashton ghi lại vô cùng quan trọng cho câu chuyện này. Họ hỏi Frank có muốn gặp bạn một lần nữa không. Có vẻ như thằng bé hết sức tập trung tư tưởng, trả lời “Không, cháu không muốn gặp nó, nhưng hai bác bảo hộ cháu rằng cháu sợ nó sẽ bị lạnh đấy.” “Cháu nói thế là nghĩa thế nào hả cháu?” bà Ashton hỏi. “Chỉ có thế thôi” Frank nói “nhưng hai bác cũng bảo nó là từ nay cháu thóat khỏi chúng rồi, nhưng nó thì phải cẩn thận. Cháu rất tiếc về con gà trống đen của bác, bác Ashton ạ, nhưng nó bảo là phải dùng con gà ấy nếu như chúng cháu muốn nhìn được những gì muốn nhìn”

Nhiều phút sau Frank qua đời. Ông bà Ashton đau buồn vô kể, nhất là bà Ashton, nhưng tiến sĩ, vốn không phải người dễ động lòng, cảm thấy được bệnh học của cái chết đột ngột này. Ông cũng nghi ngờ Saul đã không nói hết với ông. Có một cái gì đó không thuộc sở trường của ông. Rời căn phòng người chết, ông qua khu nhà vuông vắn sang chỗ người trông nom nhà thờ và nghĩa địa. Một hồi chuông gióng giả báo tin có người chết, cái chuông lớn của nhà thờ rung lên, một cái huyệt được đào trong sân nhà thờ tu viện. Từ bây giờ, đông hồ có thể đánh chuông báo giờ được rồi.

Chầm chậm trở về nhà trong bóng tối, ông nghĩ thế nào cũng phải gặp Lord Saul một lần nữa. Vấn đề con gà trống màu đen cần được làm sáng tỏ. Cũng có thể chỉ do trí tưởng tượng của thằng bé đau ốm, nhưng nếu không, rất có thể đó là cuộc thử nghiệm phép phù thủy như ông đã từng đọc qua trong sách, muốn vậy phải có một con vật làm vật hy sinh trong nghi lễ cúng thần. Phải, ông phải.

Tôi đoán ra những ý nghĩ này của ông thì đúng hơn là biết qua những lời ông ghi chép lại. Cuộc chạm trán lần thứ hai ắt là phải có, và cũng ắt là Saul không làm sáng tỏ gì hơn những lời của Frank. Tuy nhiên, lời dặn lại của Frank làm cho Saul sởn người, cậu bị tác động ghê gớm. Dù vậy không có đoạn nào ghi chép chi tiết cuộc nói chuyện giữa hai người. Chỉ thấy nói cả buổi tối Saul ngồi trong thư viện và khi chào tiến sĩ Ashton để đi ngủ thì cậu ta tỏ ra hết sức miễn cưỡng, lại còn hỏi mượn quyển kinh của ông.

Tháng Giêng sắp hết thì Lord Kildonam ở đại sứ quán tại Lisbon nhận được một bức thư lần đầu tiên gửi cho người đàn ông vô tích sự và người cha sao lãng bổn phận này bồn chôn rối loạn. Saul đã chết. Còn về đám tang của Frank, cảnh tượng rất não lòng. Trời tối sầm và nổi gió. Những người đưa tang loạng choạng đi trong bóng tối mờ mịt dưới lớp vải phủ quan tài bay phần phật, họ vô cùng vất vả mới tới được cánh cổng nhà thờ dẫn ra nghĩa địa. Bà Ashton ở lại trong phòng phụ, không đi đưa tang người thân của mình, nhưng Saul có mặt, trùm áo khoác tang thời ấy, mặt nó trắng nhợt và bất động như mặt người chết, ba bốn lần chợt quay mình đột ngột sang trái nhìn qua vai. Mặt nó biểu lộ vẻ kinh khiếp như vừa nghe thấy một điều gì đáng sợ. không ai nhìn thấy nó bỏ đi, tối đó tìm nó ở đâu cũng không thấy. Cả đêm gió mạnh, đập ầm ầm vào cửa sổ nhà thờ, gào thét qua các cánh rừng. Tìm ngoài trời không tìm nổi. Giả sử kêu lên cấp cứu cũng chả ai nghe thấy. Tiến sĩ Ashton thông báo cho mọi người trong học viện của tu viện biết, cả các cảnh sát của thị trấn nữa, ông thức suốt đêm chờ tin tức. Sáng sớm hôm sau thì có tin do người coi nhà thờ và nghĩa trang nhà thờ thông báo nhiệm vụ của ông này là mở cửa nhà thờ lúc bảy giờ cho những người đến cầu kinh sớm, ông ta sai cô tớ gái mặt dại đi vì sợ, tóc tai dựng ngược, chạy lên gác mời ông chủ. Hai người băng qua sân vọt sang cánh cửa phía nam tu viện thấy Lord Saul trong tư thế tuyệt vọng nắm chặt lấy cái vòng lớn của cánh cửa, đầu rụt vào hai vai, tất rách tả tơi, giày không còn, chân rướm máu và bị xé nát nhiều chỗ.

Tất cả được kể lại cho Lord Kildonan nghe và đến đây chấm dứt phần đầu câu chuyện. Mộ của Frank Sydall và tử tước Saul, con trai duy nhất, người thừa kế của bá tước William Kildonan, được chung vào làm một, có chung một tấm bia mộ bằng đá, nằm trong sân nhà thờ Whitminster.

Tiến sĩ Ashton sống thêm ba mươi năm nữa, không rõ cuộc đời êm ả như thế nào nhưng không thấy có gì là bị khuấy động. Người kế nhiệm ông đã có nhà riêng trên thị trấn cho nên căn nhà của ông bỏ trống. Cả hai người đã cùng được nhìn thế kỷ mười tám qua đi cũng như thế kỷ mười chín bước tới, bởi ông Hindes, người kế nhiệm ông Ashton, trở thành giáo sĩ được hưởng ân huệ Chúa năm hai mươi chín tuổi và chế năm tám mươi chín tuổi. Vì vậy cho nên đến năm 1823 hoặc 1824 người kế nhiệm lúc đó mới có ý định đến ở căn nhà. Đó là tiến sĩ Henry Oldys, tên ông ta có lẽ nhiều bạn đọc đã biết vì ông là tác giả một bộ sách nhiều tập có tên là Oldys’s Works rất được trân trọng, do rất ít người động đến nó cho nên nó nằm yên trên giá sách của nhiều thư viện trọng yếu.

Tiến sĩ Oldys, cô cháu gái và các đầy tớ bỏ ra nhiều tháng để chuyển đồ đạc và sách vở từ nhà cha xứ Dorsetshire tới sân trong nơi cư ngụ ở Whitminster và xếp đặt mọi thứ đâu ra đấy. cuối cùng mọi việc xong xuôi, căn nhà (tuy không có ai ở vẫn được giữ sạch sẽ và không bị thời tiết làm hư hại) sống lại, và giống như toà nhà của Monte-Cristo ở Auteuil, nó sống, hát ca, nở hoa một lần nữa. Vào một buổi sáng tháng Sáu, trông nó đặc biệt tuyệt đẹp, lúc ấy tiến sĩ Oldys đang đi dạo trong vườn trước bữa điểm tâm, nhìn lên mái ngói màu đỏ phía trên gác chuông nhà thờ tu viện với bốn chong chóng gió in trên nền trời xanh thẳm bồng bềnh những đám mây trắng.

“Mary” ông nói khi ngồi xuống bàn ăn sáng, đặt một vật cứng và sáng lóng lánh trên khăn trải bàn “Thằng ở mới tìm thấy vật này. Cháu thông minh sắc sảo hơn vậy hẳn cháu biết nó là cái gì.”

“Đó là một miếng thủy tinh tròn, nhẵn, dày độ khoảng một centimet rưỡi trong suốt. Mary nói: “Vật này trông hấp dẫn đấy chứ!”

Mary là một phụ nữ xinh đẹp, tóc nhạt màu, mắt to, xem ra là một người đọc sách nhiều.

“Phải” chú cô bảo “Chú cũng nghĩ là cháu sẽ thích nó. Nó là từ trong nhà này ra, nằm trong đống rác ở góc sân kia”

“Cháu không dám chắc có thích nó không,” vài phút sau Mary nói.

“Tại sao hả cháu?”

“Cháu cũng không biết nữa. Có lẽ tưởng tượng ra thôi.”

“Phải, dĩ nhiên, tưởng tượng và lãng mạn. Tên quyển sách ấy là gì nhỉ? Mà cháu đọc hôm qua ấy?”

“Bùa ngải ạ. Ồ, nếu nó là một thứ bùa ngải thì hay thật đấy.”

“Phải, bùa. À thế ra cháu thích nó rồi, dù nó là cái gì chăng nữa. Thôi, chú có công việc phải đi đây. Nhà cửa thế nào? Cháu có hài lòng không? Đầy tớ có kêu ca gì không?”

“Không ạ. Thật không căn nhà nào duyên dáng hơn. Chỉ có mỗi một điều đáng nghi thôi. Họ phàn nàn là tủ khăn giường và đồ vải không mở được khoá – cháu đã nói với chú rồi. Ngoài ra bà Marple bảo là không sao xua được những con ong cắn lá [1] ra khỏi căn phòng chú vẫn đi qua ở cuối gian sảnh ấy. À, chú có thích phòng ngủ của chú không ạ? Cách xa tất cả mọi căn phòng khác.”

“Có thích hay không ấy ư? Nhất định là có. Chú xin lỗi nhé, càng xa phòng cháu càng tốt. Còn lũ ong? Chúng có nhấm áo khoác của chú không? nếu không, cứ để chúng trong phòng ấy. Ta có dùng đến đâu?”

“Ồ, không ạ. Những con ong bà Marple bảo là những con màu đỏ giống loài chân dài, nhưng nhỏ hơn, nhiều vô kể, chúng cứ đậu, nhòm vào gian phòng, cháu chẳng ưa gì chúng nhưng có lẽ chúng chẳng làm hại ai.”

“Buổi sáng đẹp trời hôm nay cháu không thích nhiều thứ đấy nhỉ?” Ông chú nói, khép cửa đi ra. Cô Oldys ngồi yên trên ghế nhìn vào miếng thủy tinh cầm trong tay. Nụ cười trên môi cô tắt dần nét mắt chuyển sang tò mò và căng thẳng. Đang mơ màng thì bà Marple bước vào, vẫn mở đầu bằng câu mọi khi “xin phép nói với cô một phút được không ạ?”.

Lá thư sau đây mà cô Oldys viết cho cô bạn Lichfield một hai ngày trước đó, là một nguồn khác của câu chuyện. Nó tỏ ra người viết có chịu ảnh hưởng của cô này, một người lãnh đạo tư tưởng phụ nừ thời ấy, từ khi cô Anna Seward còn được mệnh danh là “con thiên nga của Lichfield .”

“Hẳn Emily dễ thương của tôi sẽ vui lắm khi được biết cuối cùng chú tôi và tôi đã dọn tới căn nhà mà ở đây người ta gọi chúng tôi là ông chủ và cô chủ – cứ như thời xa xưa vậy. Tại đây chúng tôi được thưởng thức bầu không khí thanh lịch hiện đại cùng lúc với cổ kính hoang dà làm cuộc sống của chúng tôi thật êm dịu. Thị trấn nhỏ nhưng thể hiện chân thức – tuy mờ nhạt thôi – mối giao lưu ngọt ngào giữa một vài làng quê san sát, xen lẫn với vài toà nhà nằm rải rác được tân trang hàng năm do tiếp thu cái huy hoàng của tỉnh thành, và một số ngôi nhà lớn sang trọng khác vừa bề thế vừa ấm áp hiền hoà, tạo nên một sự đôi lập có thể chấp nhận được và không kém phần vui mắt. Chúng tôi đã chán những hành lang, phòng khách của bạn bè, sẵn sàng lui về ẩn dật tránh những chuyện tranh khôn, ngồi lê đôi mách, để trú ngụ giữa vẻ đẹp trang nghiêm của nhà thờ tu viện với tiếng chuông trong như tiếng bạc, hàng ngày nhắc nhở chúng tôi lời cầu nguyện, để đi dạo đấy bóng cây trong nghĩa địa của nhà thờ làm tâm hồn chúng tôi dịu đi, thỉnh thoảng chúng khiến mắt chúng tôi mờ lệ trước những tấm bia mộ của những người trẻ, người đẹp, người già, người khôn ngoan và người tốt bụng.”

Đến đây tự nhiên đứt hẳn cả dòng chữ lẫn phong thái viết “nhưng bạn Emily thân mến nhất ơi, tôi không thể viết tiếp cho bạn theo kiểu chăm chú thận trọng xứng đáng để bạn đọc, phong cách mà cả hai ta đều ưa thích. Điều tôi muốn kể bạn nghe hoàn toàn khác với mấy ngày trước đây. Sáng nay lúc tới ăn điểm tâm, chú tôi có đem vào một vật từ ngoài vườn, một miếng thủy tinh hay pha lê gì đó dáng như thế này nà (có hình vẽ sơ) đưa cho tôi xem. Chú tôi đi khỏi, vật đó vẫn nằm trong tay tôi lúc lâu. Tôi nhìn đăm đăm vào đó, suốt mấy phút, chẳng biết vì lý do gì, cho đến lúc bị gọi đi giải quyết một số công việc nội trợ. Hẳn bạn sẽ không tin khi tôi nói là hình như trong miếng thủy tinh đó bắt đầu xuất hiện những cảnh không có trong gian phòng tôi đang ngồi. Chắc hẳn bạn không ngạc nhiên khi thấy tôi cứ có điều kiện một cái là đi ngay vào buồng riêng với cái vật tôi nghĩ là một bùa ngải có nhiều sức mạnh. Tôi không thất vọng. Bảo đảm với bạn, Emily ạ, vì tình thân yêu nhất giữa chúng ta, những gì tôi trải qua chiều nay đã vượt quá giới hạn cái điều mà trước đây tôi cho là đáng tin. Tóm lại, những gì tôi nhìn thấy, khi ngồi trong phòng ngủ giữa ban ngày ban mặt của mùa hè, nhìn sâu vào miếng thủy tinh nhỏ bé tròn trặn ấy, là như sau. Trước tiên, một quang cảnh rất lạ, một khoảnh đất có rào bao quanh ở nơi đồi núi có cỏ mọc, chính giữa là một đống đổ nát bằng đá xám và một bức tường đá thô thiển vây bọc xung quanh. Đứng trong khung cảnh đó là một mụ già vô cùng xấu xí mặc áo khoác đỏ, váy rách tả tơi, đang nói chuyện với một đứa bé ăn mặc theo kiểu một trăm năm về trước. Mụ đặt một cái gì đó lóng lánh vào bàn tay cậu bé, cậu ta thì đưa vào tay mụ ta một thứ mà tôi nhìn ra là tiền vì có một đồng rơi xuống cỏ từ bàn tay run run của mụ. Cảnh đó hết. Tôi còn có thêm một nhận xét nữa là trên tường của khoảnh đất gồ ghề ấy có những mẩu xương nằm lung tung, trong đó cỏ cả một cái sọ người. Cảnh sau là hai cậu bé. Một là cậu bé lúc trước, hai là một cậu nhỏ hơn, đang đứng trong một khu vườn có tường vây quanh, và tuy khu vườn bố trí có khác đi, cây cối chưa cao to lắm tôi vẫn nhận ra đó chính là khu vườn tôi nhìn thấy từ trên cửa sổ phòng tôi. Có vẻ như hai đứa đang chơi một trò chơi. Dưới đất lửa cháy ầm ĩ. Thằng lớn đưa hai bàn tay chắp lại trên đó rồi nâng lên như thể cầu nguyện, tôi giật mình thấy hai bàn tay nó vấy những vệt máu. Trời đầy mây. Vẫn thằng bé này quay mặt về bức tường bao quanh vườn, dùng hai tay giơ lên vẫy, tự nhiên thấy có cái gì động đậy trên bờ tường – không rõ là đầu hay mình, chân, tay của một con vật hay một người. Một lát sau thằng lớn quay ngoắt người lại nắm lấy cánh tay thằng nhỏ (lúc này đang nhìn chăm chăm vào một vật đang nằm dưới đất), cả hai vội vã chạy đi. Tôi nhìn thấy vết máu trên cỏ, một đống gạch con con, lông vũ bay rải rác. Cảnh này hết. Cảnh sau thì đen ngòm tôi không thấy có ý nghĩa gì, nhưng hình như tôi nhìn thấy một hình dáng nằm phủ phục giữa các bụi cây và các cây cao, gió mạnh đập vào nó phần phật, nó chạy đi và cứ thường xuyên quay lại nhìn sau vai tựa như sợ có ai đuổi theo và quả thật có những kẻ đuổi nó sát đằng sau, hình thù chúng mờ mịt thôi – độ ba, bốn kẻ như vậy – tôi đoán như thế, nhìn chung giống những con chó, nhưng lại không phải là chó, giả sử nhắm được mắt lại tôi cũng nhắm, nhưng không làm sao thực hiện được. Nạn nhân lao vào một cái cổng vòm nắm chặt vào một cái gì đó, đến đây bọn đuổi theo tóm được nó, nó kêu lên một tiếng tuyệt vọng. Đến đây tôi như mất tri giác. Cứ như thể vừa tỉnh giấc sau đêm đem ra ánh sáng ban ngày. Emily ạ, những gì tôi nhìn thấy – không thể dùng từ nào khác được – trong buổi chiều nay là như thế đó. Hãy bảo tôi, chẳng lẽ tôi đang chứng kiến một bi kịch liên quan đến chính ngôi nhà này?”

Hôm sau lá thư được viết tiếp như sau “Câu chuyện hôm qua hóa ra chưa hoàn tất. Tôi không kể gì cho chú tôi nghe cả – bạn biết đấy, một người khoẻ mạnh có lý trí làm sao tin được những chuyện như vậy, xua đuổi ám ảnh kiểu đó theo ông, chỉ cần làm một hơi rượu mạnh. Sau một buổi tối lặng lẽ, tôi rút về phòng nghỉ. Chưa kịp vào giường thì hãi hùng thay bạn ơi, một tiếng rống lên từ xa xa, rõ ràng là tiếng chú tôi, dù xưa nay chưa bao giờ chú tôi phải dùng sức đến như thế. Phòng chú ở tít đầu kia của căn nhà, muốn tới đó phải băng qua một căn phòng cổ chừng hơn hai chục mét, được ngăn bởi ván ép, sau đó qua hai gian phòng ngủ bỏ trống nữa. Phòng thứ hai trong số hai gian phòng này không có đồ đạc. Chú tôi ở bên trong, nến rơi xuống sàn làm phòng tối mịt. Tôi mang đèn chạy vào, chú tôi ôm chặt lấy tôi, run lên bần bật. Lạy Chúa, tôi chưa thấy thế bao giờ. Chú vội vã cùng tôi ra khỏi phòng, chỉ nói “Đến mai, đến mai” Một phòng ngủ tạm thời được dọn ngay cho chú bên cạnh phòng tôi. Hẳn đêm đó chú cũng như tôi, không yên ổn. Gần sáng tôi mới ngủ được, lúc mặt trời lên cao cũng là giấc mơ của tôi đen tối nhất – đặc biệt là giấc mơ đã in dấu vào tâm trí tôi, có cơ hội là tôi sẽ xua tan ấn tượng về nó ngay. Đó là lúc tôi vào trong phòng, linh tính thấy một thế lực xấu nào đó đang áp chế mình, vừa ngại ngần vừa miễn cưỡng không hiểu sao tôi đi đến chỗ cái tủ, mở ngăn kéo đầu tiên ra, trong chỉ có khăn tay và ru băng, ngăn thứ hai không có gì đáng ngại, nhưng trời ơi, ngăn thứ ba và thứ tư trong xếp đồ vải. Có cái gì động đậy, rồi một bàn tay màu hồng thò ra nắm nắm trong không khí. Tôi chịu không nổi, chạy vọt ra ngoài khoá cửa lại, nhưng không sao khóa được. Trong phòng có tưởng sột soạt lại gần cánh cửa, tôi không hiểu tại sao mình không vù xuống cầu thang mà cứ đứng lại nắm chặt quả đấm cửa, lúc nó bung ra khỏi tay tôi, tôi tỉnh dậy, tôi chợt thấy hoảng sợ vô cùng.”

“Bữa ăn sáng hôm ấy chú tôi rất ít lời, tôi cho là ông ngượng đêm qua đã làm chúng tôi hãi hùng. Rồi ông hỏi tôi ông Spearman có trên tỉnh không, còn nói thêm là theo ông anh thanh niên này là người thông minh. Hẳn bạn biết, tôi đồng tình với ông về điểm này thành ra không trả lời. Ông đi đến chỗ Spearman, từ lúc ấy chưa về nhà. Tôi ghi ngay chùm tin tức này tới bạn, nếu không, phải đợi chuyến sau.”

Độc giả chắc không ngạc nhiên khi đoán cô Mary và ông Spearman thành hôn với nhau không lâu sau tháng Sáu. Spearman là một chàng trai vui tính chưa vợ, có địa sản gần Whitminster, thường do công việc mà tới đó ở ít ngày, ở quán Kíng’s Head. Anh ta hẳn có thì giờ rảnh vì nhật ký của anh ghi chép rất đầy đủ, đặc biệt trong những ngày tôi thuật lại câu chuyện này. Theo ý tôi, có lẽ anh đã viết về giai đoạn này vô cùng tỉ mỉ theo như cô Mary yêu cầu.

“Chú Oldys (hy vọng biết bao tôi sắp được gọi ông là chú không lâu nữa) đến chơi sáng nay. Sau khi nói chuyện tào lao một lúc, ông bảo “Spearman, tôi nói với anh một chuyện kỳ quặc này, anh hãy giữ kín một thời gian đợi khi nào sáng tỏ hơn hãy hay nhé?” “Vâng, chắc chắn, ông cứ tin ở tôi.” “Không hiểu ra làm sao cả! Phòng ngủ của tôi thì anh biết rồi đấy, xa phòng tất cả mọi người, tới phòng tôi phải qua một phòng lớn và hai, ba phòng nhỏ gì đó” “Có phải nó ở đầu kia của căn nhà không ạ?” “Vâng, đúng sáng qua Mary bảo tôi là cạnh phòng tôi bị một giống côn trùng có cánh nào đấy làm ô nhiễm, bà trông nom nhà cũng không làm sao đuổi được. Theo anh, giải thích như thế nào?” “Xin ông cho biết giải thích về điều gì?” “Thực ra tôi cũng không biết. Nhưng bọn ong cắn lá nay là những con vật gì vậy? Kích thước nó thường như thế nào?” Tôi bắt đầu nghĩ ông Oldys có vấn đề trong đầu rồi. Tôi kiên quyết nói “Giống này theo tôi hiểu là loại côn trùng có chân màu đỏ, không lớn lắm, dài độ hai phân, thân nó rất cứng, theo tôi…” tôi định nói chúng ghê tởm lắm, không phải sinh vật lành, thì ông bảo “Độ hai phân à? Không phải bọn ong này!” “Tôi chỉ có thể nói tôi hiểu về chúng như thế nào thôi. Nhưng trước hết, xin ông cho tôi biết từ đầu đến đuôi chúng đã làm gì khiến ông hoang mang rối trí đã, sau đó tôi mới góp ý cho ông được.” Ông nhìn tôi suy nghĩ “Có lẽ thế thật. Hôm qua tôi vừa bảo Mary chỉ có anh là người có chút tỉnh táo.” (tôi cúi đầu chấp nhận) “vấn đề ở chỗ tôi ngượng nói ra. Trước đây tôi chưa gặp chuyện như thế bao giờ. Khoảng mười một giờ đêm, hoặc hơn, tối qua, tôi cầm cây nến đi về phòng, tay kia cầm quyển sách – thường tôi đọc ít trang sách trước khi ngủ. Kể ra đó là thói quen nguy hiểm. Tôi không khuyến khích ai bắt chước, nhưng tôi rất cẩn thận với lửa và mùng màn. Tôi bước ra khỏi phòng làm việc, sang hành lang ngay kế bên, khi đóng cửa, nến tắt. Tôi tưởng là do đóng cửa mạnh quá tạo luồng gió, chán nản vì diêm ở tận phòng ngủ. Vì biết đường tôi cứ thế đi. Tiếp đến quyển sách rơi xuống đất, cứ như có ai giật khỏi tay tôi. Tôi nhặt lên, càng nản và hơi giật mình. Nhưng như anh biết, hành lang nhiều cửa sổ, không rèm, mùa hè không chỉ nhìn tỏ rõ đồ đạc mà còn thấy rõ có ai đi lại hay không – mà thực ra không có ai cả. Qua hành lang lớn và một phòng nhỏ nữa cũng có cửa sổ lớn, rồi đến những phòng dẫn vào phòng ngủ của tôi, rèm kéo kín, tôi đi chậm lại vì có tiếng bước chân. Lúc đến phòng thứ hai trong dãy những phòng đó, tôi suýt mất quietus – yên bình. Mở cửa ra tôi biết ngay có vấn đề bất thường…”

“Thú thật là có đến hai lần tôi đã nghĩ nên quay lại không đi vào phòng ngủ qua đường đó thì tốt hơn. Nhưng rồi tôi tự thấy xấu hổ với bản thân, thế nào là tốt hơn mới được chứ? Xin mô tả đúng những gì tôi thấy. Có tiếng động khô và nhẹ, cứ sột soạt ở trong căn phòng mà tôi bước vào, và rồi (anh nhớ cho là nó tối om) một vật rượt đến chỗ tôi – nói sao bây giờ nhỉ – tay nó dài loằng ngoằng, hay là chân, hoặc bộ phận tua vòi gì đó, quấn lấy tay tôi, cổ tôi, thân mình tôi. Quấn không mạnh, Spearman ạ, nhưng nó gây cảm giác ghê tởm chưa từng thấy trong đời. Nó tìm cách tống tôi ra. Tôi rú ầm lên, vứt bừa cây nến xuống, và vì đứng gần cửa sổ, tôi xé rèm ra, cho ánh sáng lọt vào. Một cái gì như chân loài sâu bọ vẫy vẫy, kích thước nó thì khổng lồ, cao to như tôi vậy. Thế mà anh bảo loại ong ấy dài có một, hai phân? Anh thấy sao, Spearman?”

“Lạy Chúa, ông cứ nói hết đi đã, tôi chưa nghe chuyện nào như vậy bao giờ.”

“Ồ, nhưng còn gì đâu mà nói.Mary cầm đèn chạy đến thì không thấy gì nữa hết. Tôi không kể với nó gì cả, họ đổi phòng ngủ cho tôi.”

“Trong phòng ấy có để gì không?”

“Phòng ấy chúng tôi không sử dụng, có một cái tủ cổ lắm rồi với vài đồ đạc lặt vặt.”

“Tủ đựng gì?”

“Tôi không biết. Chưa ai mở ra cả. Nhưng tôi biết là nó được khoá chặt.”

“Phải xem trong đó có gì, nếu ông có thì giờ ta cùng tới đó luôn.”

“Tôi không dám đề nghị với anh, anh đưa ý kiến ra hay quá. Giờ nào anh đi được?”

“Còn lúc nào tiện lợi hơn lúc này?”

“Tôi biết ngay, biết ông không muốn để lâu” Ông đứng dậy rất nhanh, nhìn tôi, vẻ nhất trí.

“Ta đi thôi.”

“Trên đường về nhà, ông không nói gì thêm. Mary của tôi (ông vẫn gọi cô như vậy trước mặt mọi người, tôi thì tôi gọi riêng tư thôi) được gọi tới, chúng tôi đi vào căn phòng. Lúc trước, tuy ông tiến sĩ đã đi xa đến độ nói ra đêm qua bị hoảng sợ – vì chuyện gì thì chưa nói với cô – nay ông kể tóm tắt câu chuyện. Gần tới địa điểm quan trọng ông nhường tôi đi trước.”

“Đây phòng này đây, Spearman. Anh vào đi, rồi ra cho chúng tôi biết có chuyện gì?” Tôi nghĩ giữa trưa cảm giác sao giống lúc nửa đêm được, tôi đẩy toang cửa, tự do bước vào. Một căn phòng sáng sủa, bên phải có cửa sổ to mặc dù thông khí không được tốt lắm. Đồ đạc chính là một cái tủ gỗ đen, đã cổ. Một cái giường có bốn cọc màn, chỉ còn bộ khung, không che giấu nổi cái gì. Thêm một tủ com mốt nhiều ngăn kéo. Trên bậu cửa sổ và sàn nhà vô vàn ong cắn lá đã chết thẳng cẳng, còn một con đang lờ đờ, tôi giết chết một cách thích thú. Thử mở cánh cửa tủ. Nó bị đóng chặt, các ngăn kéo cũng bị khoá trái. Tôi ý thức được là quanh đó có tưởng sột soạt nhè nhẹ, nhưng không định vị được chỗ nào. Khi ra ngoài tôi cũng không nói ra việc này, chỉ bảo, phải mở các ngăn kéo xem sao.

Chú Oldys quay ra bảo Mary:”Tìm bà Marple”

“Mary chạy đi, tôi dám chắc không ai bước đi được như nàng, sau đó mau mắn trở lại với một bà lớn tuổi nom kín đáo.”

“Bà Marple, bà có chìa khoá những ngăn kéo này không?” Chú Oldys chỉ nói có mấy chữ đó mà bà tuôn ra một tràng dài (không dữ dội, chỉ nhiều lời). Giả sử ở cương vị cao hơn trong xã hội chắc bà làm mẫu cho cô Bates được.

“Ồ, thưa tiến sĩ, thưa cô và thưa ông” bà nói, cúi đầu chào, nhận biết sự có mặt của tôi. “Chìa khoá của chúng ư? Ai đến đây ấy nhỉ, khi chúng ta lần đầu tiên nhận các thứ trong nhà này? À, một doanh nhân quý tộc, tôi có mời ông ấy ăn trưa trong phòng khách nhỏ vì ta chưa có mọi thứ trong phòng khách lớn như bây giờ – ăn thịt gà, bánh táo, một ly rượu Maidura – trời ơi, chắc cô Mary sẽ bảo tôi đi lan man, nhưng chỉ cốt để nhớ lại thôi, à, Gardner, cũng như cách tôi nhớ lại đã để atisô và quyển kinh ở đâu. Ông Gardner ấy, chìa nào tôi nhận của ông ấy cũng dán nhãn mở chỗ nào trong nhà này, cửa nào chẳng hạn, có khi hai chìa, tôi nói cửa có nghĩa cửa ra vào chứ không phải cửa tủ như thế này. Vâng, thưa cô Mary, tôi hiểu rồi, chỉ là để chú cô và ông đây biết rõ. Nhưng lại còn có một cái hộp, cũng ông ta đưa cho tôi giữ. Ông ấy đi rồi, biết chắc nó thuộc về chú cô nên đã liều lắc nó xem sao, chắc chắn trong có mấy cái chìa khoá, thưa ông tiến sĩ, để mở đâu đó nữa, nhưng tôi không dám mở cái hộp ra.”

“Tôi rất lấy làm lạ thấy chú Oldys không ngắt lời, Mary thì có vẻ thích thú, có lẽ chú đã có kinh nghiệm thà chịu đựng để cho bà ấy nó, cuối cùng mới bảo:

“Thế cái hộp đó bà có tiện tay đem ra đây không?”

“Thế là bà Marple lấy ngón tay chỉ vào chú như cảnh sát hoặc lấy đó làm một thắng lợi u ám”

“Này thưa ông, tôi mà được phép chọn những từ do chính ông nói ra thì chính là những từ ấy đấy. Ông dùng đến năm chục lần, kể cả năm sáu lần quở trách tôi. Thế này, nằm chong mắt trên giường, hoặc ngồi trên chiếc ghế, ông và cô cho tôi ngày tôi vào làm việc với nhà ta đã hai mươi năm – một chỗ làm không đâu tốt hơn – đó là sự thật, cô Mary ạ, không ai có thể mong muốn khác đi. Tất cả đều tốt đẹp, tôi tự khẳng định, nhưng này, nếu như tiến sĩ hỏi bà cái hộp đó đâu thì bà trả lời thế nào?”

“Không tiến sĩ ạ, giá như ông là ông chủ khác và tôi là đầy tớ khác kia, thì nó lại dễ, đàng này sự thể nó lại là, về mặt tình cảm con người mà nói, nếu như ông không để cô Mary đến phòng tôi giúp tôi, nhờ sự khôn ngoan của tôi biết đâu tôi nhớ lại được những gì đã tuột khỏi đầu óc. Thì cho dù cái hộp bé như thế, khó lòng ông nhìn thấy được nó trong nhiều ngày sắp tới đây.”

“Bà Marple, thế sao bà không bảo tôi ngay từ đầu để tôi giúp bà nhớ lại mà tìm ra nó?” Mary của tôi nói.

“Thôi cô đừng bảo tôi vậy làm gì, ta tới ngay phòng tôi thôi để tìm nó.” Hai người vội vàng đi. Tôi vẫn nghe tiếng bà Marple phân trần, giải thích việc này còn kéo dài mãi tới tận góc xa nhất của khu vực mà người trông nom nhà cửa ở. Còn lại tôi và chú Oldys. Chú nói “Một đầy tớ đáng giá.” Chú vừa nói vừa gật đầu về phia cửa, “làm việc gì cũng tốt, chỉ phải tội nói cái gì cũng lâu trên ba phút.”

Tôi hỏi:”Làm thế nào mà cô Oldys lại giúp bà ấy nhớ ra cái hộp được ạ?”

“Mary ấy à? Cô ấy sẽ bảo bà ngồi xuống, hỏi thăm về trận ốm cuối cùng của dì bà ấy, hoặc ai cho bà con chó bằng sứ để trên mặt lò sưởi – tức là những việc hoàn toàn chẳng liên quan. Rồi như bà Marple vẫn nói, chuyện này nảy sinh chuyện kia, bà nhớ dần và nhớ ra đúng cái vật đi tìm, nhanh hơn ta tưởng. Đó! Tôi đã nghe họ quay lại kia kìa!”

“Quả vậy, bà Marple vội vã đi trước Mary, mặt mày rạng rỡ, tay cầm cái hộp, tới gần, bà kêu lên: “Trước khi từ Dorsetshire đến chốn này, tôi đã nói câu gì ấy nhỉ? Chẳng phải vì thân tôi là một người đàn bà Dorset hoặc cần phải là đàn bà Dorset mới nói như vậy. Cất kỹ, thế nào cũng tìm thấy.” Đúng là ở cái chỗ tôi cất nó ba tháng trước đây, dám chắc vậy.”

Bà đưa nó cho chú Oldys, tôi và chú xem xét nó với một chút lưu tâm, tôi không còn chú ý gì đến bà Ann Marple nữa, dù tôi biết bà sắp sửa trình bày chi tiết cái hộp nằm ở đâu và bằng cách nào Mary đã giúp bà nhớ ra nó.”

“Nó là một cái hộp cổ lỗ buộc dây hồng và gắn xi, trên nắp dán một cái nhãn ghi bằng thứ mực đời xưa. “Nhà của giáo sĩ cao cập hưởng lộc Chúa, Whitminster.” Mở ra có hai chìa khoá cỡ vừa, với một tờ giấy trên có chữ của cùng một người viết cái nhãn “Chìa khoá tủ và bộ ngăn kéo ở trong căn buồng bỏ không” Thêm vào đó “Các vật trong hai tủ này do tôi lưu giữ – sau này sẽ tiếp tục được lưu giữ bởi những kẻ kế tục tôi ở tại căn nhà này – cho gia đình quý tộc Kildonan, nếu như người nhà họ có ai còn tồn tại và hỏi đến nó. Tôi đã dò hỏi, tìm hiểu kỹ và biết là cả gia đình quý tộc này nay đã tuyệt tự. Vị bá tước Kildonan cuối cùng ai cũng biết là đã tử nạn ngoài biển, con cái thừa kế duy nhất của ông đã chết ở gần nhà tôi (giấy tờ về tai hoạ đáng buồn này để cả trong tủ, vào năm 1753 sau Công nguyên, ngày 21 tháng 3) Ý kiến của tôi là ngoại trừ trường hợp đặc biệt băn khoăn lo lắng lắm thì người giữ chìa khoá này – không phải thuộc gia đình Kildonan – mới được mở tủ ra, còn nên nghe theo lời khuyên của tôi đừng động đến các thứ đó. Ý kiến này tôi nói ra sau khi đã cân nhắc kỹ mọi lý do, ý kiến của tôi cũng được các thành viên của học viện và nhà thờ này, những người thông tỏ sự việc ghi trong các giấy tờ nói trên, tán thành. Tho.Ashton, S.T.P., giáo sĩ cao cấp hưởng lộc Chúa. Will.Blake.S.T.P., tu viện trưởng, Hen.Goodman, S.T.B., giáo sĩ cấp cao hưởng lộc Chúa.”

“Ái chà!” Chú Oldys kêu lên. “Băn khoăn lo lắng lắm! Hẳn ông ta đã thấy là có vấn đề. Tôi nghi cậu chàng trẻ tuổi này” chú lấy chìa khoá chỉ vào chữ ‘con trai thừa kế duy nhât’ “Này Mary, tử tước Kildonan chính là Saul chứ ai!”

“Làm sao mà chú biết?” Mary hỏi.

“Còn sao nữa, trong quyển Debrett có viết cả đấy, cái quyển nhỏ, dày dày ấy mà. Nhưng chú muốn nói là nói ngôi mộ cạnh con đường trồng chanh kia! Cậu ta ở đấy. Chuyện như thế nào nhỉ? Bà Marple, bà có biết không? Kìa, bà nhìn lũ côn trùng của bà ở cửa sổ kìa!”

“Bà Marple, đụng đầu với hai chủ đề cùng một lúc, bà lúng túng không biết nên đánh giá thế nào cho đúng cả hai. Kể ra chú Oldys cũng hơi hấp tấp khi cho bà cơ hội này. Tôi chỉ có thể đoán chú hơi ngần ngại sử dụng chiếc chìa khóa đang cầm ở tay.”

“Ồ, lũ ong, thưa tiến sĩ, thưa cô, chúng đến là tệ hại, cả ba bốn ngày nay rồi, cả ông nữa, các vị không đoán nổi nó tệ hại đến thế nào đâu. Mà chúng ập đến mới ác liệt chứ! Hồi chúng tôi đến căn phòng đó, các cửa chớp mở hết có ai thấy con ong nào đâu, từ bao năm rồi ấy chứ! Chúng tôi phải khó khăn lắm mới hạ được các cửa chớp xuống, và để thế cả ngày. Hôm sau tôi cử Susan đến quét dọn, mới chỉ chưa có hai phút cô ta chạy bổ ra như một người mù, chúng tôi thay nhau đập bọn chúng ra khỏi mũ, tóc, banh mắt cô ta, các vị không biết màu tóc cô ta lúc ấy thế nào đâu. May thay cô ta không phải người yếu bóng vía. Nếu là tôi thì tôi đã hoá rồ rồi. Ấy thế mà bây giờ chúng nằm chết la liệt. Thứ hai chúng còn sống dữ dội như thế, hôm nay mới thứ năm, à thứ sáu! Chỉ cần đến gần cánh cửa là chúng đã đập ầm ầm ở phía trong, mở ra một cái chúng ùa đến như muốn ăn sống nuốt tươi ta. Tôi cứ nghĩ “Nếu mình là con dơi, không hiểu đêm nay mình sẽ ở đâu? Mà khó lòng giết chúng như giết côn trùng bình thường. May cho ta quá! Lại còn cái ngôi mộ chung của hai cậu thanh niên nữa chứ, thật tội nghiệp” bà chuyển ngay sang vấn đề kia, sợ bị ai ngăn trở. “Tôi nói tội nghiệp vì nhớ lại hôm uống trà với bà Simpkins, bà vợ ông coi nhà thờ và nghĩa trang ấy, trước khi tiến sĩ và cô Mary đến đây, gia đình họ ở đây đã lâu đời rồi phải không ạ? Tôi dám nói là hàng trăm năm trong khu nhà này rồi cũng nên, các vị chỉ tay lên ngôi mộ nào trong nghĩa trang là họ đọc vanh vách tên và tuổi người nằm dưới mộ ngay. Còn nhận định của ông ta về cậu thanh niên ấy ấy à, tôi muốn nói ý kiến của ông Simpkins ấy – thì …chà!” Bà mắm môi, gật gật cái đầu rất nhiều lần.

“Kìa bà Marple, kể cho chúng tôi nghe đi chứ” cô Mary bảo. Còn chú Oldys thì nói “Nói tiếp đi, bà Marple!”

“Còn tôi thì sốt ruột “Cậu ta làm sao?”

Bà Marple liền kể “Chưa bao giờ nơi đây chúng ta lại có một sự việc như thế kể từ thời Nữ hoàng Mary và Đức Giáo Hoàng. Các vị đều biết cậu ta sống gnay chính trong ngôi nhà này – và bọn họ cùng sống ở đây mà – tôi có thể nói chính xác cậu ta sống trong căn phòng này” (bà khó chịu đổi chỗ hai chân trên sàn)”

“Bà bảo ai sống với cậu ta kia? Bà muốn nói những người sống trong căn nhà này ấy à?” Chú Oldys nghi ngờ hỏi.

“Trời ơi, không, thưa tiến sĩ, gọi họ là người sống cùng kể cũng không đúng,” bà trả lời, “Đó là những kẻ cậu ta mang từ Ireland đến. Không, những người trong căn nhà này chỉ là những người cuối cùng nghe được chuyện từ những hành vi, xử sự lạ lùng của cậu ta mà thôi. Cả vùng này chẳng gia đình nào là không biết đêm đêm cậu ta đi đâu. Những kẻ cùng đi với cậu ta là những kẻ có thể lóc thịt một đứa trẻ con trong huyệt của nó. Còn theo lời ông Simpkins thì một trái tim khô héo chỉ có thể trở thành một con ma xấu xí mỏng manh. Cuối cùng lũ ma trị cậu ta, chúng tóm được cậu, ông Simpkins bảo, vết tích vẫn còn trên cánh cửa nhà thờ tu viện nơi chúng hạ gục cậu. Còn gì bằng chính mắt mình nhìn thấy. Tôi đã bảo ông ta đưa tôi ra tận nơi xem mà. Cậu ta là một Lord đấy, chứ có ít đâu, tên thì lại là tên một ông vua xấu xa, chẳng hiểu các cha đỡ đầu của cậu ta nghĩ ngợi ra sao.”

“Tên cậu ta là Saul mà,” chú Oldys nói.

“Dạ vâng, chính thế, cảm ơn tiến sĩ, và chẳng phải chúng ta đã nghe vua Saul dựng những con ma đang thiu thiu ngủ trong những nấm mồ của chúng lên, ông ta khuấy đảo bọn chúng đến phải dậy thì thôi là gì? Mà lạ lùng, Lord trẻ tuổi này cũng có cái tên như thế mới lạ chứ. Ông nội của ông Simpkins một đêm nhìn ra ngoài thì thấy cậu ta đi hết từ nấm mồ này sang nấm mồ khác, tay cầm cây nến, theo sau sát gót là một lũ ma lướt trên cỏ. Một đêm cậu đến thẳng cửa sổ cụ Simpkins áp mặt vào ô kính cửa sổ để xem có ai trong phòng nhìn ra thấy được cậu ta không. Vừa vặn cụ Simpkins núp mình ngay dưới chân cửa sổ và im lặng đến không dám thở nữa, khi cậu ta bước đi như thế thì đàng sau vang lên những tiếng bước chân khác sột soạt trên cỏ. Sáng hôm sau cụ nhìn ra ngoài cửa sổ thì thấy những vết chân của một bộ xương người.Ôi, thật là một thằng bé độc ác, chắn hẳn là như vậy rồi, nhưng cuối cùng nó đã phải trả giá, cả sau đó nữa.”

“Cả sau đó nữa?” chú Oldys hỏi, cau mày.

“Phải ạ, thưa tiến sĩ, đêm này qua đêm khác, thời ông nội ông Simpkins! Cả thời cụ sinh ra ông Simpkins bây giờ nữa, và ngay cả ông Simpkins! Cũng tại cánh cửa sổ đó, nhất là vào những đêm giá lạnh, họ có đốt lò sưởi trong phòng, nó áp mặt vào ô kính cửa sổ, hai bàn tay vẫy vẫy, miệng nó cứ há ra rồi ngậm lại, mấy phút liền như thế, sau đó đi ra nghĩa trang tối đen. Những lúc ấy mà mở cửa sổ ra thì họ không dám, mặc dù trái tim họ đầy thương cảm đối với thằng bé tội nghiệp, tái mét, tê buốt đi vì giá rét, và xem ra năm này qua năm khác, tiêu đi không còn là một cái gì hết. Phải, quả vậy, tôi hoàn toàn tin là theo như lời ông Simpkins nói, nhắc lại lời ông nội mình “Một trái tim khô héo tạo nên một con ma xấu xí còm cõi.”

“Tôi cũng nghĩ vậy đấy” chú Oldys đột nhiên nói, đột nhiên đến mức bà Marple đang nói bỗng ngừng ngay lại. “Cám ơn bà. Thôi, tất cả chúng ta đi ra khỏi phòng này thôi.”

“Kìa chú,” Mary bảo “thế chú không mở tủ ra ư?” Chú Oldys đỏ mặt lên, đỏ thực sự ấy. “Cháu yêu” ông nói “cháu có thể cho chú là thằng hèn hoặc hoan hô chú là một người khôn ngoan, tuỳ cháu. Nhưng bản thân chú thì không bao giờ mở cái tủ đứng đó cũng như những ngăn kéo của cái com mốt này, mà cũng không giao những chìa khoá này cho cháu hoặc cho ai khác. Bà Marple, bà tìm cho một hai người khiêng mấy thứ đồ đạc này lên tầng áp mái cho.” “Và khi họ làm việc đó,” Mary bảo “tôi cảm thấy – không hiểu tại sao – nàng có vẻ nhẹ mình chứ không thất vọng vì quyết định của ông chú, “Tôi cũng có một thứ nữa muốn cất lên trên đó cùng với chúng, chỉ là một gói nhỏ thôi.”

“Chúng tôi miễn cưỡng rời căn phòng, theo tôi nghĩ. Lệnh của chú Oldys được thực hiện xong trong ngày hôm ấy. “Và thế là” ông Spearman kết luận “Whitminster có một căn phòng của Con Yêu Râu Xanh, riêng tôi vẫn cho rằng, đến lượt vị giáo sĩ cao cấp hưởng lộc Chúa kế tiếp đến ở nơi này trong tương lai, thế nào cũng lại có một Jack-in-the-box [2] chờ đợi ông ta cho mà xem.”

Chú thích :

[1] Chú thích của tác giả: nhân vật định nói là có vẻ là con tò vò, không phải con ong cắn lá

[2] Hộp đồ chơi có lò xo, khi mở nắp thì một hình người bật lên. Ý nói một điều bất ngờ

Bình luận