Wladek là người duy nhất trong những ai sống sót được biết kỹ các gian hầm của lâu đài. Hồi còn chơi ú tim với Leon, chú đã từng sống rất nhiều giờ thoải mái tự do trong những gian hầm bằng đá ấy, lúc nào thích thì lên lâu đài, không thì thôi.
Dưới đó có tất cả bốn gian hầm, chia làm hai tầng. Hai ngăn, một lớn một nhỏ, ở ngang tầm với mặt đất. Ngăn nhỏ liền với tường của lâu đài và có chút ánh sáng rọi xuống qua tấm lưới sắt đặt lẩn vào trong đá ở phía trên. Đi xuống năm bậc còn có hai căn phòng bằng đá ở phía trên. Đi xuống năm bậc còn có hai căn phòng bằng đá nữa nhưng quanh năm tối om và không có mấy không khí. Wladek đưa Nam tước vào căn phòng bằng đá ở phía trên. Ông cứ ngồi yên trong góc, không động đậy, chỉ nhìn vào khoảng không mà không nói một lời. Chú cử chị Florentyna làm người hầu riêng của Nam tước.
Vì Wladek là người duy nhất dám ở lại trong cùng ngăn hầm ấy với Nam tước, những người hầu khác không ai hỏi chú là có quyền gì. Thế là mới chín tuổi, chú đứng ra đảm đương trách nhiệm đối với các bạn tù khác ở đây. Mọi người, vốn hàng ngày rất bình thản nhưng quá khiếp sợ với cảnh tự nhiên bị giam giữ ở hầm nhà này, chẳng lấy làm lạ về việc một chú bé chín tuổi nắm vận mệnh của họ. Trong nhà hầm, chú trở thành người chủ của các tù nhân. Chú chia số người hầu ra làm ba nhóm, mỗi nhóm tám người, cộng tất cả hai mươi bốn, cố xếp cho các gia đình được ở cùng với nhau một chỗ. Ba nhóm người này luân phiên nhau đổi chỗ, tám giờ đầu trong ngày được lên tầng trên để có ánh sáng, không khí, ăn uống và vận động thân thể. Tốp thứ hai là phổ biến nhất trong tám giờ đó là làm việc phục vụ bọn chiếm đóng lâu đài, còn tám giờ cuối trong ngày là xuống ngủ ở tầng hầm dưới. Không ai, trừ Nam tước và Florentyna, có thể biết được Wladek ngủ vào lúc nào, vì cuối mỗi ca chú đều có mặt tại chỗ để giám sát việc họ luân chuyển. Cứ mười hai tiếng đồng hồ lại chia thức ăn một lần. Bọn lính gác sẽ giao cho chú một bọc sữa dê, bánh mì đen, kê hoặc thỉnh thoảng là một ít bạc. Wladek chia số đó ra làm hai mươi tám phần, bao giờ cũng nhường cho Nam tước hai suất nhưng không để cho ông ta biết.
Mỗi khi thu xếp xong một ca làm việc rồi, chú trở về chỗ Nam tước ở căn hầm nhỏ. Lúc đầu, chú chờ đợi ở Nam tước đôi điều hướng dẫn nào đó, nhưng lâu dần chú thấy cái nhìn của ông cũng dữ dội và lạnh nhạt chả kém gì cái nhìn của bọn lính gác Đức. Từ khi bị bắt giam ở chính lâu đài của mình đến giờ, Nam tước không hề thốt ra một lời nào. Râu của ông đã mọc dài đến ngực. Cái dáng khỏe mạnh của ông đã bắt đầu hom hem. Cái vẻ tự hào trước kia của ông đã chuyển sang nhịn nhục. Wladek hầu như không còn nhớ lại được cái giọng nói dễ thương của anh trước đây nữa. Chú nghĩ có lẽ không bao giờ còn nghe lại được tiếng nói ấy. Dần dà, chú cũng im lặng, không nói gì, chỉ làm theo những gì Nam tước muốn nhưng không nói thành lời mà thôi.
Trước đây sống trong cảnh an toàn của lâu đài, Wladek không bao giờ nghĩ đến chuyện đã xảy ra ngày hôm trước, vì hàng ngày hàng giờ chú cú những việc bận mới. Nhưng bây giờ thì chú không thể nhớ được chuyện gì vừa xảy ra lúc nãy, vì cuộc sống không hề có tí gì thay đổi. Những phút vô hy vọng biến thành giờ, giờ biến thành ngày, ngày biến thành tháng, và cứ thế trôi đi không để lại dấu vết gì. Chỉ có thức ăn đưa đến, chỉ có ánh sáng và bóng tối, cho biết là mươi hai tiếng đồng hồ đã trôi qua. Chỉ có ánh sáng nhiều hay ít, tùy ở trời quang hay có giông bão, rồi đến băng tuyết đóng trên tường hầm, và khi có ánh sáng rọi vào nó lại chảy ra, là báo cho biết từ mùa này chuyển sang mùa khác, mà Wladek thì không thể nào rút ra được bài học gì của thiên nhiên cả. Qua những đêm dài, Wladek cảm thấy cái mùi ghê tởm của thần chết đã thấp thoáng ngay ở những góc xa xa của tường hầm, chỉ đến lúc có chút nắng của buổi sáng chiếu vàom hoặc một làn gió lạnh, hoặc có trận mưa kéo đến thì mới xua tan được nó đi phần nào mà thôi.
Cuối một ngày giông bão liên miên, Wladek và Florentyna lợi dụng trời mưa ra tắm rửa ở vũng nước hình thành trên nền đá của tầng hầm trên. Cả hai người đều không để ý đến cặp mắt của Nam tước đang trợn trừng lên nhìn Wladek khi chú cởi chiếc sơ mi rách ra cuộn tròn bỏ xuống chỗ nước còn tương đối sạch, và lấy tay kỳ cọ người chú đến trắng bệch. Bỗng nhiên, Nam tước lên tiếng.
– Wladek, – tiếng nói nghe không rõ lắm, – ta không nhìn rõ được cháu lắm. Cháu lại đây coi.
Wladek hoảng hồn khi nghe thấy tiếng nói của ông chủ mình, vì đã lâu lắm chú chỉ thấy ông im lặng. Thậm chí chú không nhìn về phía có tiếng nói nữa. Chú chợt nghĩ ngay đó là cái điềm báo trước một tình trạng điên dại đã từng xảy đến với hai người hầu già trước đây.
– Lại đây, cháu.
Wladek sợ hãi bước đến trước mặt Nam tước. Ông nheo đôi mắt và giơ tay sờ vào người chú. Ông lần ngón tay lên ngực Wladek rồi nhìn chú rất kỹ.
– Wladek, cháu có thể giải thích cho ta biết tại sao lại có chút khuyết điểm trên cơ thể cháu thế này không?
– Không, thưa ông, – Wladek lúng túng nói. – Từ khi cháu sinh ra đã thế rồi. Mẹ nuôi cháu thường nói là dấu Đức chúa đã để lại trên người cháu.
– Những người đàn bà ngốc thế. Đây là cái dấu của chính cha đẻ của cháu.
Nam tước nhẹ nhàng nói, rồi im lặng mấy phút. Wladek vẫn cứ đứng trước mặt ông, không động đậy. Nam tước lại lên tiếng, lần này giọng dứt khoát hơn.
– Ngồi xuống, cháu.
Wladek tuân theo lời ông ngay. Lúc ngồi xuống, một lần nữa chú lại để ý cái vòng bạc đeo lủng lẳng ở cổ tay Nam tước. Chút ánh sáng từ khe tường rọi vào khiến cho huy hiệu Rosnovski của ông lóe lên trong bóng tối của căn hầm.
– Ta không biết bọn Đức có ý muốn giam giữ chúng ta ở đây bao nhiêu lâu nữa. Lúc đầu ta nghĩ cuộc chiến tranh này chỉ mấy tuần lễ. Nhưng ta đã nhầm. Bây giờ chúng ta phải xét đến khả nẳng nó sẽ còn tiếp tục một thời gian rất lâu nữa. Vì nghĩ như vậy, cho nên chúng ta phải biết sử dụng thời gian một cách có tính chất xây dựng hơn, mà ta thì biết mình cũng sắp chết rồi.
– Không, không, – Wladek lên tiếng ngăn lại, nhưng Nam tước vẫn nói tiếp, coi như không nghe thấy chú.
– Còn đời cháu thì bây giờ mới bắt đầu. Do đó, ta sẽ tiếp tục làm cái việc dạy dỗ cho cháu.
Ngày hôm đó, Nam tước không nói thêm gì nữa. Hình như ông đang suy ngẫm về ý nghĩ lời tuyên bố của mình. Thế là Wladek đã có được một ông thầy học mới. Do hai người không có sách vở và phương tiện viết lách gì, nên Nam tước nói câu nào là bắt chú phải nhắc lại câu đó. Ông dạy chú những đoạn thơ dài của Adam Mickiewicz và Jan Kochanowski (hai nhà thơ Ba Lan thế kỷ 19) cùng những phần trích từ Aenied (anh hùng ca tiếng La-tin của Virgil, nhà thơ La Mã, 79-19 trCN). Trong cái lớp học đơn giản ấy, Wladek đã được biết thế nào là địa lý, toán, và chú nắm thêm được bốn ngoại ngữ nữa là Nga, Đức, Pháp và Anh. Nhưng thú vị nhất đối với chú là những lúc chú được học về sử. Đó là sử của đất nước hàng trăm năm bị chia cắt, của những hy vọng bất thành về một nước Ba Lan thống nhất, của nỗi lo âu của những người dân Ba Lan khi Napoleon thất bại thảm hại trước quân Nga năm 1812. Chú được học về những chuyện dũng của cảm của những thời quang vinh đã qua do vua Jan Casimir đánh lui người Thụy Điển ở Czestochowa và hiến dâng đất nước này cho Đức mẹ đồng trinh, về chuyện Hoàng tử Radziwill, một người rất nhiều quyền thế, một đại địa chủ và một nhà săn bắn nổi tiếng, đã lên ngôi và thiết triều của mình ở lâu đài lớn gần Warsaw như thế nào. Bài học cuổi mỗi ngày của Wladek là về lịch sử gia đình của dòng họ Rosnovski. Chú được nghe nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần về tổ tiên vẻ vang của Nam tước đã phục vụ trong quân ngũ năm 1794 dưới quyền của chính Napoleon, và sau đó được Hoàng đế thưởng công, cấp đất và ban tước. Chú cũng được biết là ông nội của Nam tước đã từng có chân trong Hội đồng Warsaw, rồi sau đó bố đẻ của Nam tước cũng có một vai trò trong việc xây dựng đất nước Ba Lan mới. Wladek cảm thấy rất hạnh phúc việc Nam tước đã biến căn hầm nhỏ này thành một lớp học.
Lính gác đứng ngoài cửa hầm cứ bốn giờ lại một lần đổi phiên. Chúng bị cấm không được nói chuyện với tù nhân. Thoáng nghe những mẫu chuyện giữa chúng với nhau, Wladek có thể biết được về diễn biến của cuộc chiến tranh, về những việc chúng đang tiến hành ở Hindenburg và Ludendorff, về cách mạng nổi lên ở nước Nga và nước này đã rút khỏi chiến tranh bằng Hòa ước Brest-Litovsk.
Wladek bắt đầu nghĩ rằng con đường thoát duy nhất của tất cả những người ở dưới căn hầm này chỉ có chết. Trong hai năm sau đó, cánh cửa dẫn xuống địa ngục đã mở ra chín lần, và Wladek cũng tự hỏi nếu như mình không được tự do thì tất cả những kiến thức chú được trang bị này sẽ coi như vô ích.
Nam tước tiếp tục dạy cho chú mặc dầu tai và mắt ông đã dần kém đi. Mỗi ngày Wladek lại phải ngồi xích gần ông thêm một ít.
Florentyna, người vừa là chị vừa là mẹ vừa là bạn gần gũi nhất của chú, đã phải rất vất vả đối phó với tình trạng ô uế trong căn hầm. Thỉnh thoảng bọn lính gác đem đến cho một chậu cát hoặc một ít rơm rạ để trải lên nền nhà. Như vậy cũng đỡ được hôi thôiứ trong vài ngày. Chuột bọ chạy ra chạy vào chỗ tối nhặt nhạnh những mẩu bánh hay mẩu khoai rơi vãi, nhưng chúng cũng đem theo đủ các thức bẩn thỉu với bệnh tật. Mùi nước tiểu với của cả người lẫn súc vật hóa vào nhau xông lên săc sụa đến không thở được. Wladek lúc nào cũng thấy mình như người ốm, chỉ muốn nôn mửa. Chú rất thèm khát làm sao được sạch sẽ trở lại. Chú ngồi hàng giờ nhìn lên trần hầm nhớ lại những bồn nước tắm bốc hơi và có cả xà phòng của cô bảo mẫu mang đến cho Leon với chú sau một ngày họ chơi đùa thỏa thích. Chỗ đó cũng ở trong lâu đài này, cách chỗ chú đang ngồi không xa lắm, nhưng chuyện ấy đã từ bao giở bao giờ rồi.
Đến mùa xuân 1918, chỉ còn mười lăm trong số hai mươi sáu người bị giam cùng với Wladek là còn sống. Nam tước vẫn được mọi người đối xử như với một ống chủ, con Wladek thì được coi như người quản lý của ông. Wladek cảm thấy rất buồn cho Florentyna mà chú rất yêu quý. Florentyna đến giờ đã hai mươi tuổi rồi. Cô đã hoàn toàn thất vọng về cuộc đời mình và cô tin rằng những ngày còn lại của cuộc đời mình sẽ chỉ là sống trong những căn hầm này thôi. Trước mặt cô, Wladek không bao giờ tỏ ra đã mất hết hy vọng, nhưng dù bây giờ mới chỉ mười hai tuổi chú cũng đã bắt đầu tự hỏi không biết mình còn có dám tin ở tương lai nữa không.
Một buổi chiều, vào đầu mùa thu, Florentyna đến bên Wladek lúc đó đang ở căn hầm lớn phía trên.
– Nam tước gọi em đấy.
Wladek đứng ngay dậy, đưa suất ăn của mình cho người hầu lớn tuổi rồi xuống gặp Nam tước. Ông đang đau nặng. Wladek nhìn thấy ông đã hốc hác đi ghê gớm, hầu như chỉ còn xương với da. Nam tước đòi uống nước, Florentyna đem đến cho ông lưng bơ nước vẫn treo bên ngoài tường đá. Uống xong rồi, ông từ từ nói với một giọng hổn hển.
– Wladek, cháu đã trông thấy nhiều cái chết rồi, nên trông thấy một người chết nữa cũng vậy thôi. Ta thú thật là bây giờ có chết ta cũng không sợ nữa.
– Không, không, không thể thế được, – Wladek kêu lên, ôm lấy Nam tước. – Chúng ta sắp gần đến ngày thắng rồi. Nam tước đừng bỏ đi. Bọn lính cho cháu biết là chiến tranh sắp kết thúc và chúng ta sắp được thả ra rồi.
– Chúng hứa như vậy từ nhiều tháng nay rồi, Wladek. Ta không thể tin chúng được nữa. Dù sao ta cũng không muốn sống trong cái thế giới mà chúng tạo ra đâu. – Ông ngừng lại nghe chú khóc. Nam tước nghĩ giá như nước mắt ấy mà uống được cũng đỡ, nhưng ông nhớ ra nước mắt là rất mặn nên cười khẩy với mình. – Cháu đi gọi ông quản gia và người hầu bàn của ta đến đây, Wladek.
Wladek làm theo nhưng trong bụng không hiểu sao lại đi gọi những người đó.
Hai người hầu đang ngủ say được đánh thức dậy đến đứng trước mặt Nam tước. Sau ba năm bị bắt giam, đối với họ chỉ việc ngủ là dễ làm nhất. Họ vẫn còn mặc bộ đồng phục thêu hoa, nhưng những màu xanh và vàng của nhà Rosnovski mà họ tự hào mặc trên người mình bây giờ không còn ra màu gì nữa. Họ đứng yên lặng nghe ông chủ nói.
– Họ đã đến đây chưa, Wladek? – Nam tước hỏi.
– Dạ, đã. Ông không nhìn thấy nữa sao? – Wladek bây giờ mới hiểu ra là Nam tước đã mù hẳn rồi.
– Bảo họ đến gần đây để ta sờ vào người họ.
Wladek đưa hai người đến gần Nam tước sờ vào mặt.
– Hãy ngồi xuống đây, – Nam tước nói. – Các anh có nghe được ta nói không, Ludwik, Alfons?
– Dạ có.
– Tên ta là Nam tước Rosnovski.
– Thưa ngài, chúng tôi biết, – người quản gia đáp.
– Đừng ngắt lời ta, – Nam tước nói. – Ta sắp chết rồi.
Chết đã thành chuyện bình thường nên hai người không có phản ứng gì.
– Ta không thể làm được bản di chúc mới ở đây vì không có giấy bút hay mực gì hết. Vì vậy ta làm bản di chúc đó trước mặt các người ở đây, hai anh hãy làm chứng cho ta, theo luật cổ của nước Ba Lan đã thừa nhận như vậy. Hai anh hiểu ta nói gì không?
– Dạ, hiểu, – hai người cùng đáp.
– Đứa con đầu lòng của ta là Leon đã chết rồi, – Nam tước ngừng lại một lát . – Vì vậy, ta để lại toàn bộ đất đai tài sản của ta cho đứa nhỏ có tên là Wladek Koskiewicz.
Wladek đã nhiều năm không nghe nói đến tên họ của mình nên chú chưa hiểu được ý nghĩa những lời Nam tước vừa nói.
– Và để chứng minh cho quyết định của ta, – Nam tước nói tiếp. – ta giao cho nó cái vòng tay của gia đình.
Ông từ từ giơ cánh tay phải lên, rút chiếc vòng ra khỏi cổ tay và đưa nó ra phía trước cho Wladek. Chú im lặng, không biết nói gì. Nam tước chỉ nắm chặt lấy chú, đưa ngón tay sờ lên ngực chú để biết chắc đó là Wladek.
– Còn ta, – ông thốt lên và lồng chiếc vòng bạc vào cổ tay chú bé.
Wladek khóc và suốt đêm nằm trong cánh tay Nam tước, cho đến lúc chú không còn nghe tiếng tim ông đập nữa và cảm thấy những ngón tay ôm vào người chú đã cứng ra. Đến sáng, xác Nam tước được bọn lính gác đem ra bên ngoài, và chúng cho phép Wladek được đem ông chôn lên bên cạnh mộ con trai ông, Leon, ở trong sân nhà thờ, gần tháp chuông. Wladek lấy tay không bới đất. Một nông choèn. Lúc đặt xác Nam tước xuống, chiếc áo sơ mi rách của ông bất tung ra. Wladek nhìn vào ngực Nam tước. Ông chỉ có một bên vú.
Thế là Wladek Koskiewciz, mười hai tuổi, thừa kế 60000 mẫu đất, một lâu đài, hai trang viên, hai mươi bảy ngôi nhà nông thôn, một bộ sưu tập tranh quý giá, nhiều bàn ghế đồ đạc châu báu khác, trong khi đó chú sống ở căn hầm bằng đá dưới đất. Từ hôm đó trở đi, tất cả những người bị bắt giam còn lại đều coi chú như ông chủ có đầy đủ quyền hành đối với họ. Giang sơn của chú bây giờ là bốn căn hầm. Hầu hạ thì có mười ba kẻ ốm yêu với một người duy nhất còn lại cho chú yêu quý là Florentyna.
Chú trở về với nếp sống tưởng như vô tận ở dưới hầm cho đến cuối mùa đông năm 1918. Vào một ngày ấm áp, khô ráo, bỗng có một loạt tiếng súng nổ vang gần đó và nghe như có vật lộn gì ở phía trên. Wladek tin chắc là quân đội Ba Lan đã về cứu sống và bây giờ chú sẽ có thể đàng hoàng đòi họ nhận quyền thừa kế của mình. Bọn lính người Đức không còn đứng ngoài cửa hầm nữa. Các tù nhân lặng lẽ ngồi xích lại gần nhau ở tầng hầm phía dưới. Wladek đứng một mình ở cửa ra vào, xoay chiếc vòng bạc ở cổ tay với một vẻ đắc thắng, và chờ người đến giải phóng. Những người thắng trận quả đã đến. Nhưng họ nói bằng thứ tiếng Xlavơ khàn khàn, thứ tiếng mà hồi đi học chú đã được biết và nghe còn sợ hơn cả tiếng Đức nữa. Wladek và tất cả bị lôi ra bên ngoài ngồi chờ. Họ bị khám xét lục soát một lần nữa rồi lại bị tống trở lại các căn hầm. Bọn mới chiếm đóng ở đây không hề biết rằng chú bé mười hai tuổi này chính là chủ nhân của tất cả những gì đang diễn ra trước mặt họ. Họ không nói tiếng Ba Lan. Nhưng những gì họ nói chú đều hiểu hết: ai chống lại hòa ước Brest-Litovsk là giết luôn, phần đất Ba Lan này là thuộc về họ, còn những ai không chống lại cũng cho tất cả về Trại 201 để sống nốt những ngày cuối cùng. Bọn Đức chỉ chống lại qua loa rồi bỏ chạy, rút về sau đường ranh giới mới. Wladek và mọi người lại chờ xem sẽ còn những gì xảy ra, không biết số phận của mình như thế nào.