Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoa Hồng Xứ Khác

Chương 20

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Con sông chảy ngang thành phố quê tôi có một cái cồn nhô lên ở giữa dòng, mọc toàn dương liễu. Giữa khung cảnh hữu tình đó, người ta mở một quán nước. Đó là quán Ngàn Khơi.

Người ta không bắc cầu qua cồn. Muốn ra quán Ngàn Khơi, chúng tôi phải xắn quần tới gối, bì bõm lội qua khúc sông cạn lấp lánh đá cuội. Lộ trình vất vả nhưng thơ mộng, vì vậy nhiều người thích đến đây. Quán Ngàn Khơi là địa điểm píc-níc thường xuyên của tụi Anh văn. Thỉnh thoảng vào những chiều đẹp trời, tôi cũng hay đến đây ngồi, khi thì với Bá, khi thì với Ngữ.

Tôi chưa bao giờ dám ước mơ sẽ có một ngày tôi cùng với Gia Khanh ngồi ở quán Ngàn Khơi. Vậy mà bây giờ điều kỳ diệu đó sắp sửa xảy ra. Ngày cuối năm, Gia Khanh đã dành cho tôi một “quà tặng” bất ngờ và đầy ý nghĩa. Tôi cầm chặt tờ “phiếu hẹn” trên tay như cầm một làn sương hư ảo, cứ sợ nó thình lình tan biến. Như vậy là Gia Khanh đã không nỡ từ chối tình tôi như tôi nghĩ cách đây mấy phút. Nó bí mật hẹn hò với tôi ở chỗ sông nước nên thơ, còn tình tứ hơn cảnh Juliette hẹn Roméo ở lan can sân thượng. Roméo đu dây leo lầu như khỉ đột, rủi sẩy tay là đi đứt cuộc đời, tôi lội qua eo nước cạn, an toàn gấp mấy lần nhân vật dại dột của Shakespeare.

Trưa đó, tôi về nhà trên đôi chân sáo. Tôi không cảm thấy mặt đất dưới chân tôi. Tôi đang bay. Tôi lơ lửng trôi qua những cửa hiệu và những cột đèn. Tôi suýt đâm sầm vào bánh xe ô tô mười sáu lần cả thảy. Tôi hát vang trên đường, bất chấp ánh mắt kinh dị của những người chung quanh. Hôm đó, quả thật tôi gặp hên, nếu không cảnh sát đã tóm cổ tôi tống vào nhà thương điên.

Cảnh sát không để ý đến tôi nhưng Bá để ý ngay. Tôi vừa ló mặt vô phòng, Bá đã trố mắt:

– Làm gì mà mày hát hò lếu láo như thằng điên vậy? Em nhận tấm hình rồi hả?

Tôi cười bí ẩn:

– Em không nhận! Nhưng chuyện này còn tuyệt vời hơn chuyện nhận tấm hình!

– Chuyện gì vậy? – Bá tò mò.

Tôi nháy mắt:

– Tao biết rồi!

Thái độ úp úp mở mở của tôi làm Bá nổi cáu. Nó sẵng giọng:

– Dẹp kiểu ăn nói quanh co đó đi! Mày biết gì nói đại ra coi!

Tôi nhún vai:

– Biết đến bao giờ chứ biết gì!

“Biết đến bao giờ” là tên bài thơ dạo trước Bá gạ cho tôi, một tác phẩm từng bị thằng Ngữ “kết án tử hình”. Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi ai oán “biết đến bao giờ em biết yêu?”. Bá là đứa thông minh, vừa nghe thoáng qua, nó đã đoán ngay tôi muốn nói gì. Nó liền sáng mắt lên:

– Bộ em phát tín hiệu trả lời rồi hả?

– Ừ! Mày có biết “biết đến bao giờ” là bao giờ không?

– Bao giờ?

– Chiều mai.

Vừa nói, tôi vừa hớn hở chìa ra hàng chữ đằng sau tấm hình cho Bá coi. Bá gật gù:

– Có thế chứ! Tao đã bảo với mày bao nhiêu lần là em yêu mày kia mà!

Giọng Bá đắc thắng hệt như Gia Khanh đem lại hạnh phúc cho nó chứ không phải cho tôi.

– Giờ sao? – Tôi hỏi.

– Sao là sao?

Tôi ngập ngừng:

– Giấu tụi thằng Ngữ chứ?

– Việc gì phải giấu! – Bá hừ mũi – Phải cho tụi nó biết thế nào là… lễ độ! Tao sẽ tuyên bố mày là kẻ chiến thắng trong cuộc đua gian khổ này!

Vẻ hăm hở của Bá khiến tôi phát hoảng. Tôi níu tay nó:

– Thôi, đừng…

Tôi chưa nói dứt câu, Bá đã hất tay tôi ra:

– Không “thôi, thôi” gì hết! Tao sẽ nói! – Rồi như để trấn an tôi, Bá nói thêm – Nhưng tao sẽ nói vào lúc thích hợp nhất.

Cái “lúc thích hợp” đó được Bá ấn định vào trưa hôm sau. Trưa đó, mẹ Nghị chuẩn bị một bữa tiệc chia tay thịnh soạn để đãi những vị khách trọ sắp về quê nghỉ hè. Thực ra, trong bọn chỉ có tôi, Bá và Ngữ là sửa soạn lên đường. Tôi về Bình Tú. Bá về Quán Gò. Ngữ đi Lý Tín. Gọi là quê chứ chỗ chúng tôi ở không xa thành phố là bao, nơi xa nhất không tới ba mươi cây số. Hội An của Gia Khanh mới thật là xa lăng lắc. Khác với ba đứa chúng tôi, Hòa lé ở ngay thành phố. Nhà nó cách nhà Nghị chừng năm cây số. Nhưng vì ham vui, nó cũng khăn gói đến nhà Nghị “ở trọ” với tụi tôi. Tội nghiệp nó, hè này tụi tôi đi hết, chắc nó cũng chuồn về nhà nằm khoèo đọc truyện Tàu.

Suốt buổi sáng, chúng tôi kéo nhau ra phố uống cà phê, ngồi đấu láo. Sau đó, Nghị chạy đi mượn máy ảnh và cả bọn quay về nhà, ra sau vườn thay nhau chụp hình làm kỷ niệm. Hè năm nay, Ngữ bỏ trò viết lưu bút. Nó đang thất tình, chẳng bụng dạ nào gửi gắm tâm tư.

Khác với Ngữ, buổi sáng đó đối với tôi là một buổi sáng rực rỡ vô cùng. Chân đi theo bạn bè, nhưng đầu óc tôi lúc nào cũng nghĩ đến cái hẹn bốn giờ chiều ở hòn đảo ngoài khơi gió lộng. Kể từ khi cha sanh mẹ đẻ đến nay, lần đầu tiên tôi biết thế nào là nôn nao mong ngóng. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự lề mề của thời gian. Tôi ghét cay ghét đắng sự chuyển dịch uể oải và lười nhác của kim đồng hồ.

Tới mười một giờ rưỡi, chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Vẫn chỉ năm đứa tôi. Những người thân của Nghị chỉ xuất hiện ở phần đầu rồi rút lui cho tụi tôi tự nhiên… tán phét.

Tôi ngồi vào bàn với nỗi lo ngay ngáy. Tôi sợ Bá sẽ khai ra sự hẹn hò của tôi. Nhưng suốt bữa ăn, Bá chẳng nói gì. Nó đang bận bịu với món gà rô-ti, và món thịt sườn sau đó. Chỉ đến cuối bữa ăn, khi hàm răng nó đã chán đối phó với những khúc xương đã được gặm kỹ kia rồi, Bá mới bắt đầu mở máy. Bây giờ thay vì gặm xương, nó chuyển sang “gặm” tôi.

Dĩ nhiên, Bá không “gặm” tôi ngay. Nó mở đầu vòng vo kiểu “lung khởi”, theo đúng phong cách “giáo sư” của nó:

– Chà, bây giờ bàn tới chuyện chính đây!

Từ nãy đến giờ, tụi thằng Nghị vẫn chuyện trò rôm rả đủ thứ trên đời, bỗng nghe Bá giở giọng nghiêm trọng, tụi nó lập tức nhìn chòng chọc vào Bá.

– Chuyện chính là chuyện gì? – Nghị dè dặt hỏi.

Ngữ cà khịa:

– Máy bay đụng phải xe đò hả?

Bá cố giữ vẻ điềm tĩnh. Nó tằng hắng:

– Không, chuyện này quan trọng hơn nhiều! Chuyện… Gia Khanh!

– Gia Khanh sao? – Hòa hỏi, giọng ngây thơ.

Bá nhún vai:

– Mày đừng có giả bộ ngờ nghệch! Năm học đã kết thúc, tụi mình sắp sửa mỗi đứa về một ngả, tao nghĩ đã đến lúc cần phải tuyên bố đứa nào đã chinh phục được trái tim của em.

Ngữ hất hàm:

– Tuyên bố chi vậy?

Bá hùng hồn:

– Tuyên bố để chúc mừng cho người chiến thắng. Và nhất là để “xác nhận chủ quyền” hầu tránh cảnh huynh đệ tương tàn trong năm học tới chứ chi!

Lý do Bá đưa ra chính đáng đến mức không đứa nào dám phản kháng. Chỉ có Ngữ phản ứng bằng cách gầm gừ:

– Theo tao, chẳng có ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh này hết!

Bá quắc mắt:

– Có đấy!

– Ai?

– Thằng Nghị! Chính nó bảo em Gia Khanh đồng ý cho nó chở về quê. Tụi mình cần phải chúc mừng nó.

Bá chơi đòn độc. Nó đẩy Nghị lên lưng cọp để “nắn gân” đối thủ. Nghị trúng kế ngay. Thấy Bá xúi giục bạn bè chúc mừng mình, Nghị sợ xanh mặt, liền đính chính:

– Bậy, bậy! Không có đâu! Đó là tao nói đùa vậy thôi! Gia Khanh chỉ coi tao như bạn!

Bá gật gù:

– Không phải thì thôi, làm gì mà mày hoảng lên vậy!

Rồi Bá quay sang Ngữ, làm bộ dịu dàng:

– Không phải thằng Nghị thì chắc là thằng Ngữ!

Ngữ cố tỏ ra thản nhiên:

– Ai bảo mày vậy?

Bá nheo nheo mắt:

– Chính mày bảo chứ ai! Mày chẳng đưa cho thằng Khoa xem bài thơ Gia Khanh gửi tặng mày là gì!

Đòn thằng Bá tung ra bữa nay toàn là đòn hiểm. Ngữ bắt đầu chột dạ. Nó giả vờ ngơ ngác:

– Bài thơ nào?

Bá cười hì hì:

– Sao mày mau quên quá vậy? Nếu vậy để tao đọc lại cho mày nhớ! – Bá liền hắng giọng ngâm nga – Những bài thơ anh viết, em đọc đã thuộc lòng, dẫu là chim xứ lạ…
Ngữ không để Bá đọc hết. Nó chặn ngang:

– Bài thơ đó của tao chứ đâu phải của Gia Khanh!

Hòa lé ngồi bên cạnh cười hích hích:

– Thơ của nó mà nó xưng “em”, ngộ ghê!

Ngữ lừ mắt nhìn Hòa:

– Mày cóc biết gì hết mà xía vô! Nhà văn nhà thơ muốn xưng gì chẳng được! Phải đặt mình vào toàn thể nhân loại thì mới viết được tác phẩm hay chứ!

Bá hạch Ngữ:

– Thơ của mày sao tuồng chữ lạ hoắc vậy?

Ngữ đỏ mặt:

– À, à, đó là do tao viết… tay trái.

Bá gục gặc đầu và khẽ liếc tôi. Ánh mắt tinh quái của nó ngầm bảo tôi rằng nó xứng đáng là sư phụ tôi, rằng trước đây nó đã đoán trúng chóc thằng Ngữ là tác giả của bài thơ đó chứ không ai. Bữa nay, Bá còn một niềm sung sướng khác là “phục thù” được Ngữ. Dạo trước, Bá sáng tác chuyện vui cười gửi đăng báo, bị Ngữ chê tàn mạt. Bá tức điên nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Lần này tới Ngữ thất thế. Bá truy tới đâu, nó khai tới đó, mặt mày méo xẹo.

Sau khi loại Ngữ ra khỏi vòng chiến, Bá dòm sang Hòa:

– Vậy là mày?

– Tao sao?

– Còn sao nữa! Chính mày cuỗm được trái tim em Gia Khanh phải không?

Hòa khác Nghị và Ngữ. Trước đây nó không dại dột khoe khoang điều gì cụ thể. Nó chỉ nói lấp lửng “kết quả mỹ mãn”. Vì vậy, bây giờ nó không thèm chối bai bải như hai đứa kia. Bá hỏi, nó chỉ cười bí hiểm:

– Ừ đó! Rồi sao?

Bá khịt mũi:

– Chúc mừng mày chứ sao!

Hòa tỉnh khô:

– Thì tụi mày chúc mừng đi!

Giọng Hòa lé sặc mùi khiêu khích. Nó tính tung hỏa mù cho tụi tôi phấp phỏng chơi. Ngữ và Nghị sụp bẫy nó ngay. Cả hai đứa tròn xoe mắt, hồi hộp:

– Thật hay chơi đó mày?

Hòa nhơn nhơn:

– Tao nói chơi với tụi mày làm gì!

Trong khi Ngữ và Nghị chưa hết bàng hoàng, Bá bỗng cười hề hề:

– Thằng Hòa mắt lé, nó tưởng Gia Khanh cũng lé như nó!

Giọng xỏ xiên của Bá khiến Hòa tím mặt. Nó nghiến răng:

– Gây sự gì đó mày?

Bá tặc lưỡi:

– Tao gây sự với mày làm gì! Tao chỉ muốn nói là còn khuya mày mới rớ được ngón chân út của Gia Khanh.

Hòa chống chế:

– Mày chỉ giỏi đoán mò!

– Tao không đoán mò! – Bá lên giọng – Bởi vì tao biết Gia Khanh hiện nay đang yêu ai!

Tiết lộ của Bá gây chấn động ngay lập tức.

– Ai? – Cả ba cái miệng cùng hỏi.

Bá không trả lời. Mà nó rút tấm hình chụp tôi với Gia Khanh đưa ra trước mặt:

– Muốn biết, tụi mày hãy xem đây!

Mặc dù biết trước sau gì Bá cũng lôi tấm hình đó ra hù dọa tụi thằng Nghị, nhưng động tác quảng cáo theo kiểu bán thuốc sơn đông của Bá khiến tôi xấu hổ chín người. Tôi ngậm miệng ngó lơ chỗ khác, mặt đỏ nhừ.

Hòa lé liếc tấm hình, bĩu môi:

– Tưởng gì! Hôm kia Gia Khanh chùi lọ nghẹ cho khối đứa chứ đâu phải cho một mình thằng Khoa! Có vậy mà cũng bày đặt “xem đây”!

Ngữ cười hô hố:

– Tấm hình trông “tình” ghê! Nhưng ở đây là tình… mẫu tử! Y hệt cảnh mẹ lau mặt cho con!

Lối ăn nói độc địa của thằng Ngữ làm cho tôi ngứa ngáy quá chừng. Tôi phải cắn chặt môi để khỏi “độp” lại nó. Trong khi đó, Bá tỉnh như không. Đợi cho tụi kia châm chọc đã đời, Bá mới từ tốn nói tiếp:

– Thực ra, ý nghĩa của tấm hình này không phải nằm ở mặt trước mà nằm ở mặt sau kìa!

Nói xong, Bá từ từ lật tấm hình lại, chìa những lời hò hẹn tình tứ ra ngoài.

Lần này thì các đối thủ của tôi im bặt. Với vẻ bàng hoàng giống nhau, sáu cặp mắt đều đồng loạt mở lớn và nhìn chòng chọc vào những tín hiệu mà tôi bắt được từ sao chổi Halley.

Một phút sau, sáu tia la-de đó không hẹn mà cùng nhất tề chĩa vào tôi và chúng nóng bỏng đến mức tôi tưởng mình sắp sửa cháy thành tro.

Đến lúc tôi đinh ninh tôi chuẩn bị phát hỏa, Nghị bỗng lên tiếng phá tan sự yên lặng nặng nề. Nó chìa tay ra phía trước:

– Chúc mừng mày, Khoa!

Tôi nắm tay Nghị chưa kịp buông ra, Ngữ đã chìa tay tiếp. Vừa chúc mừng tôi, Ngữ vừa triết lý theo kiểu A.Q:

– Dù sao, Gia Khanh cũng chọn một đứa trong tụi mình thay vì đi yêu những đứa khác! Đó là thắng lợi chung cả năm anh em mình!

Lần đầu tiên, tôi nghe thằng Ngữ vua cà khịa dùng chữ “năm anh em mình”. Tôi vừa tức cười lại vừa cảm động.

Hòa lé không bắt tay tôi. Nó chúc mừng tôi theo kiểu của nó. Nó uốn éo hát:

– Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có “bồ” rồi anh tiếc lắm thay…

Hòa có tiếc thì nó ráng chịu, chứ tôi biết làm sao. Nó hát hay thế, chẳng hiểu sao Gia Khanh lại không chọn nó mà chọn tôi, lạ thật! Trong cái ngày lịch sử đó, cho đến khi tôi chuẩn bị lên đường với người yêu thì chuyện “nội bộ” coi như đã giải quyết xong. Những tình địch của tôi thật vô cùng dễ thương và tốt bụng. Khi biết thần tình ái đã chọn tôi làm “đại biểu”, cả bọn đã nhanh chóng quên đi những tình cảm riêng tư để xúm vào trang bị cho người… ra trận.

Tôi mặc chiếc quần vía của Bá, dây nịt của Hòa, xỏ đôi giày mới mua của Ngữ. Thằng Nghị thì đưa tôi mượn chiếc đồng hồ Seiko và chiếc Honda của nó. Nói tóm lại, ngày tôi đến với mối tình đầu, chỉ có chiếc áo sơ mi là của chính tôi, nếu không kể trái tim đang đánh lô tô trong ngực. Vậy đó, tôi đi.

Bình luận