Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hội Hè Miên Man

Chương 13: Không bao giờ có kết thúc với Paris

Tác giả: Ernest Hemingway

Khi chúng tôi đã là ba người thay vì chỉ có hai, rốt cuộc thì thời tiết và giá lạnh của mùa đông cũng buộc chúng tôi phải chạy khỏi Paris. Lúc mới chỉ có hai chúng tôi thì chẳng có vấn đề gì, một khi đã quen rồi. Tôi lúc nào cũng có thể ra quán ngồi viết và làm việc suốt buổi sáng với mỗi một tách café crème trong khi những người phục vụ quét dọn và không khí ấm dần lên. Vợ tôi chỉ cần mặc áo đủ ấm là có thể đi tập đàn ở một nơi rất lạnh, sau đó quay về chăm Bumby. Không thể đem Bumby đến quán vào mùa đông; cho dù cu cậu chẳng bao giờ khóc mà chỉ nhìn mọi thứ diễn ra xung quanh không hề biết chán. Khi ấy chúng tôi vẫn chưa có vú em, và Bumby phải vui vẻ định cư trong cái giường cũi lớn cùng chú mèo F. Puss to đùng thân thiết. Nhiều người bảo để mèo ở với trẻ con là nguy hiểm. Những người có thành kiến nhất và dốt nát nhất nói mèo sẽ hút cạn hơi thở của bé cho đến chết. Còn những người khác thì bảo mèo sẽ nằm đè lên và sức nặng của nó sẽ làm bé ngạt thở. Riêng F. Puss thì nằm bên Bumby trong cái giường cũi lớn, giương đôi mắt to vàng trông chừng cửa và không để ai đến gần nếu chúng tôi đi vắng và cô Marie, cô hầu không có mặt ở đó. Không cần người trông trẻ, Bởi F. Puss đã là một tay trông trẻ rồi.

Nhưng khi ta nghèo, mà chúng tôi nghèo thật kể từ khi tôi bỏ nghề báo và không bán được một cái truyện nào khi từ Canada quay lại, mùa đông Paris trở nên quá khắc nghiệt, nhất là đối với gia đình có con nhỏ. Lúc mới ba tháng tuổi, ông con Mr. Bumby đã vượt Bắc Đại Tây Dương trong mười hai ngày trên tàu Cunarder, đi từ New York qua Halifax vào tháng giêng. Trong suốt chuyến đi, ông cu con không bao giờ khóc, và cười khanh khách mỗi khi bị vây nhốt trong giường để không lăn xuống đất lúc tàu gặp thời tiết xấu. Nhưng Paris của chúng tôi thì quá lạnh với thằng bé.

Chúng tôi đi Schruns ở Vorarlberg, Áo. Sau khi xuyên qua Thụy Sĩ là đến biên giới với Áo ở Feldkirch. Tàu băng qua Liechtenstein và dừng ở Bludenz nơi có tuyến đường phụ chạy dọc theo một dòng sông cá hồi đầy sỏi rồi xuyên qua một thung lũng nông trại và rừng để đến Schruns, cái thị trấn thương mại đầy nắng với những xưởng cưa, cửa hàng, quán trọ và một cái khách sạn tử tế tên Taube mở cửa quanh năm, nơi chúng tôi sẽ ở.

Phòng của Taube rộng rãi và tiện nghi với lò sưởi lớn, cửa sổ lớn và giường lớn, chăn nệm ấm áp với khăn phủ giường bằng lông. Bữa ăn đơn giản tuyệt ngon, phòng ăn và quầy rượu dành cho mọi người được lát gỗ và sưởi ấm áp thân thiện. Thung lũng rộng và thoáng nên đầy nắng. Tiền ở khoảng hai đô la mỗi ngày cho cả ba người chúng tôi, và vì đồng schilling của Áo bị mất giá do lạm phát nên suốt mùa ấy chi phí phòng ở và ăn uống của chúng tôi ít hẳn đi. Lạm phát và nghèo đói ở đây không đến mức tuyệt vọng như ở Đức. Đồng schilling khi lên khi xuống, nhưng xu hướng chung là đi xuống.

Ở Schruns không có thang kéo ván trượt lẫn cáp lên núi mà chỉ có những lối mòn tiều phu và mục đồng dẫn từ những thung lũng khác nhau trong núi lên miền núi cao. Ta phải tự đi bộ, vác theo thanh trượt, và ở trên cao nữa, nơi tuyết phủ ngập, phải leo bằng loại ván trượt đáy lót bằng một lớp da hải cẩu. Ở nơi cao nhất của thung lũng trên núi, có những căn nhà gỗ lớn, là câu lạc bộ Alps của những người leo núi mùa hè, nơi ta có thể ngủ và trả tiền cho số củi sử dụng. Có khi ta phải tự mang theo củi, hoặc nếu thực hiện một chuyến đi dài vào những miền núi cao và các sông băng, ta có thể thuê người gom củi mang lên cùng để lập một trại căn cứ. Nổi tiếng nhất trong những trại làm căn cứ ở độ cao này là Lindauer-Hutte, Madlener-Haus và Wiesbadener-Hutte.

Sau lưng khách sạn Taube có một sườn dốc để tập chạy qua những vườn cây ăn quả và những cánh đồng. Ngoài ra còn có một sườn dốc rất tốt nữa nằm sau Tschagguns bên kia thung lũng, ở đấy có một quán trọ đẹp, trên tường phòng uống rượu treo bộ sưu tập những bộ sừng sơn dương tuyệt hảo. Cũng sau ngôi làng gỗ Tschagguns ấy, xa xa nơi mép kia của thung lũng là một đường trượt đẹp kéo thẳng lên tận phía trên, mà nếu đi theo ta có thể vượt núi qua Silvretta để vào vùng Klosters.

Schruns là nơi rất tốt cho sức khỏe của Bumby, giờ được một cô tóc đen xinh đẹp trông nom và cho ngồi xe trượt tuyết ra ngoài đón nắng, trong khi ấy Hadley và tôi có cả một miền đất mới để tha hồ khám phá, và những ngôi làng mới, những cư dân thị trấn đều rất thân thiện. Herr Walther Lent, người tiên phong trong môn trượt tuyết trên núi cao, một thời là đồng đội của Hannes Schneider, tay trượt tuyết vĩ đại người Arlberg từng chế ra loại sáp bôi thanh trượt dùng leo núi và đi tuyết trong mọi điều kiện, vừa khai trương ngôi trường dạy trượt tuyết trên dãy Alps mà cả hai chúng tôi đều ghi danh học. Phương pháp của Walther Lent là cho học trò ra khỏi khu sườn dốc tập càng sớm càng tốt để đi thực tế ngay vào những miền núi cao. Trượt tuyết ngày ấy không như bây giờ, chuyện gãy xương chân hiếm khi xảy ra, và không ai lại để xảy ra chuyện ấy. Vì không có xe đưa rước nên người trượt tuyết phải tự mình leo đến vị trí mà họ muốn trượt. Nhờ thế mà đôi chân được tôi luyện, trở nên chắc khỏe chịu được những cú lao xuống.

Với Walther Lent, cái thú của trượt tuyết là leo vào vùng núi cao nhất nơi không có bóng người và tuyết vẫn còn nguyên chưa bị động đến, rồi từ một căn nhà gỗ của câu lạc bộ Alps ở trên đó, trượt qua những ngọn đèo cao và những sông băng của dãy Alps. Không được khóa giày vì khi ngã chân có thể gãy. Thanh trượt phải kịp bung ra trước khi bẻ gãy đôi chân. Nhưng điều khiến ông thích nhất là tháo dây buộc khi trượt trên sông băng, nhưng để làm thế chúng tôi phải đợi cho đến mùa xuân, khi ấy những chỗ nứt trên sông băng đã được lấp đầy.

Hadley và tôi yêu môn trượt tuyết kể từ khi chúng tôi lần đầu tiên thử trượt cùng nhau ở Thụy Sĩ và sau đó là Cortina d’Ampezzo ở Dolomites lúc nàng sắp sinh Bumby, vị bác sĩ ở Milan cho phép nàng được trượt tuyết nếu tôi hứa không để nàng ngã. Vì thế chúng tôi buộc phải chọn địa hình và đường trượt hết sức cẩn thận, cũng như kiểm soát tuyệt đối tình hình lúc trượt, nhưng nàng có đôi chân đẹp vô cùng khỏe và nàng trượt đầy tự tin, không hề ngã. Cả hai chúng tôi đều nắm rõ những kiểu tình trạng khác nhau của tuyết và đều biết phải trượt trên tuyết xốp dày như thế nào.Chúng tôi yêu Vorarlberg và chúng tôi yêu Schruns. Chúng tôi đến đó vào khoảng thời gian lễ Tạ ơn và ở cho đến gần lễ Phục sinh. Lúc nào cũng có trượt tuyết ở Schruns dù nó không nằm ở độ cao lí tưởng để hình thành những khu trượt tuyết nghỉ dưỡng ngoại trừ mùa đông, khi tuyết rơi dày. Nhưng chỉ leo thôi cũng đã rất vui và chẳng mấy ai cảm thấy ngần ngại trong những ngày ấy. Chỉ cần ta xác định nhịp bước ổn định với tốc độ phù hợp để leo dốc, mọi chuyện sẽ dễ dàng, tim ta sẽ ổn thỏa và ta sẽ tự hào với khối lượng ba lô đang đeo trên lưng. Phần dốc leo lên Madlener-Haus cao và rất nhọc nhằn. Nhưng leo lần thứ hai mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, và cuối cùng ta có thể thoải mái đeo trên lưng một trọng lượng gấp đôi lần đầu.

Chúng tôi luôn đói và mỗi lần giờ ăn đến thì không khác gì diễn ra một sự kiện vĩ đại. Chúng tôi uống bia nhẹ hoặc bia đen hoặc các loại rượu mới và thỉnh thoảng là loại rượu một năm tuổi. Rượu trắng là ngon nhất. Những thức uống khác là rượu anh đào của thung lũng và loại rượu Schnapps của vùng Alps chưng cất từ loại cây long đởm núi. Thỉnh thoảng vào bữa ăn tối có món thỏ hầm nồi đất với xốt rượu đỏ đặc, đôi khi là thịt nai cùng xốt hạt dẻ. Chúng tôi uống kèm rượu đỏ mặc cho chúng có đắt hơn rượu trắng, giá rẻ nhất cũng phải hai mươi xu một lít. Rượu đỏ loại thường thì rẻ hơn nhiều và chúng tôi đóng từng thùng loại bốn mươi lít để đem lên trại Madlener-Haus.

Chúng tôi có cả một kho sách mượn của Sylvia Beach để đọc trong mùa đông và chúng tôi chơi trò ném bi với dân thị trấn tại lối đi dẫn đến khu vườn mùa hè của khách sạn. Mỗi tuần một hay hai lần người ta đóng chặt hết cửa sổ và khóa trái cửa ra vào của phòng ăn khách sạn, rồi thì ở trong phòng diễn ra cuộc chơi bài poker. Vào thời gian ấy, trò đánh bạc bị cấm ở Áo và tôi chơi cùng Herr Nels, chủ khách sạn, Herr Lent của trường dạy trượt tuyết Alps, ông chủ ngân hàng trong thị trấn, cùng một công tố viên và viên đại úy hiến binh. Đó là một cuộc chiến gian nan vì tay nào cũng chơi poker có hạng ngoại trừ Herr Lent chơi rất liều vì trường dạy trượt tuyết của ông chưa làm ra tiền. Viên đại úy hiến binh sẽ đưa ngón tay lên tai mỗi khi ông nghe tiếng hai anh lính đi tuần dừng chân ngoài cửa, và chúng tôi giữ im phăng phắc cho đến khi họ đi qua.

Trong cái rét đầu ngày ngay khi vừa có ánh sáng, cô giúp việc sẽ vào phòng đóng cửa sổ và nhóm lửa trong lò sưởi lớn làm bằng sứ. Rồi căn phòng ấm lên, bữa điểm tâm được dọn ra với bánh mì tươi hoặc bánh mì nướng kèm mứt trái cây ngon tuyệt, cùng những tách café to với trứng gà tươi và thịt lớn muối, nếu cần. Ngủ bên chân giường là Schnautz, con chó vẫn thích những chuyến trượt tuyết, thích cưỡi trên lưng hay vắt trên vai tôi mỗi khi tôi trượt xuống dốc. Nó cũng là chiến hữu của Mr. Bumby, thường tháp tùng bên chiếc xe trượt nhỏ của ông cu con cùng cô bảo mẫu.

Schruns là nơi ngồi làm việc rất tốt. Tôi biết, bởi vì ở đấy trong mùa đông 1925 và 1926, tôi đã làm cái việc viết lại khó khăn nhất trong đời bản thảo đầu tiên quyển The Sun Also Rises mà trước đó tôi đã viết một mạch trong sáu tuần, để chuyển thành tiểu thuyết. Tôi không nhớ mình đã viết những truyện ngắn nào ở đó. Nhưng có nhiều truyện về sau đọc rất được.

Tôi nhớ tuyết trên đường dẫn vào làng kêu ken két trong đêm khi chúng tôi, thanh trượt gậy trượt trên vai, về nhà trong giá lạnh, thấy xa xa là ánh đèn rồi những tòa nhà, và mọi người trên đường chào nhau “Gruss Gott”. Lúc nào cũng có những người bản xứ đi giày đinh mặc áo miền núi ngồi trong quán rượu Weinstube đầy khói, sàn loang lổ vết thẹo vì đinh giày. Có nhiều thanh niên từng phục vụ trong các binh đoàn Alps của Áo, một trong số đó là Hans, làm ở xưởng gỗ, một tay thợ săn có tiếng, và chúng tôi rất thân nhau vì chúng tôi từng đóng quân cùng một nơi trên miền núi ở Ý. Chúng tôi uống rượu và cùng hát những bài ca sơn cước.

Tôi nhớ những lối đi lên qua những vườn cây trái, qua những cánh đồng của các nông trại bên sườn đồi phía trên ngôi làng, những nhà thôn dã ấm áp với lò sưởi bề thế và những đống củi khổng lồ trong tuyết. Phụ nữ làm lụng trong bếp, chải và dệt len thành những sợi màu xám và đen. Bánh xe dệt quay nhờ bàn đạp chân và sợi dệt không hề nhuộm. Sợi đen từ lông cừu đen. Và vì là len tự nhiên còn nguyên cả mỡ, nên mũ hay áo len dài tay và khăn quàng cổ Hadley đan từ những sợi này đi trong tuyết không bao giờ ẩm.

Có lần vào dịp lễ Giáng sinh, hiệu trưởng trường đạo diễn một vở kịch của Hans Sachs. Vở kịch hay và tôi viết một bài bình luận cho báo địa phương với bản dịch của viên quản lí khách sạn. Vào một năm khác, có một viên cựu sĩ quan hải quân Đức đầu cạo láng bóng đầy sẹo đến nói chuyện về cuộc chiến ở Jutland. Bản chiếu đèn hiện lên các di chuyển hạm đội của hai phe tham chiến, và viên sĩ quan hải quân dùng cây cơ bi-a làm con trỏ mỗi khi ông nhấn mạnh sự hèn nhát của Jellicoe và thỉnh thoảng ông nổi giận đến lạc cả giọng. Ông hiệu trưởng trường cứ sợ cây cơ bi-a chọc thủng màn hình. Sau đó, viên cựu sĩ quan không thể giữ bình tĩnh được nữa, và trong Weinstube mọi người đều thấy rất khó ở. Chỉ có mỗi viên công tố và ông chủ ngân hàng ngồi uống với ông ta tại một bàn riêng. Herr Lent, xuất thân từ vùng sông Rhine, không dự buổi thuyết trình. Có một đôi từ Viên đến trượt tuyết nhưng không muốn lên vùng núi cao nên đang chuẩn bị rời đây để đến Zurs, về sau tôi được biết, cả hai đều chết ở đó trong một vụ tuyết lở. Người đàn ông bảo thuyết trình viên là thứ đồ con lớn đã hủy hoại nước Đức và hai mươi năm tới bọn người như thế sẽ tiếp tục hủy hoại lần nữa. Người phụ nữ đi cùng bảo ông im mồm bằng tiếng Pháp và nói cái chốn này chỉ là một nơi bé tí và làm sao mà biết được.

Đó là cái năm có rất nhiều người thiệt mạng vì tuyết lở. Đợt chết nhiều người đầu tiên xảy ra trên vùng núi bên kia thung lũng chúng tôi đang ở, về miệt Lech của Arlberg. Một nhóm người Đức muốn đến trượt tuyết cùng Herr Lent trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Năm ấy tuyết rơi muộn, sườn núi và những ngọn đồi hãy còn ấm dưới ánh mặt trời thì đợt tuyết lớn đầu tiên bắt đầu rơi. Tuyết dày và xốp không kết chặt vào đất. Không gì nguy hiểm hơn trượt tuyết trong điều kiện ấy, thành thử Herr Lent đánh điện bảo những người ở Berlin kia đừng đến. Nhưng đây là kì nghỉ của họ và cả bọn ngu muội nên chẳng biết sợ tuyết lở là gì. Bọn họ đến Lech và Herr Lent từ chối dẫn đường. Một gã gọi Lent là thằng hèn và bảo họ sẽ tự trượt tuyết lấy. Rốt cuộc ông phải đưa họ đến sườn đồi an toàn nhất mà ông có thể tìm được. Ông tự mình trượt trước để thử rồi cả bọn làm theo và cả sườn đồi trong nháy mắt trượt xuống ụp lên đầu họ không khác gì những cơn sóng triều. Mười ba người được lôi lên và chín người trong đó đã chết. Trước khi xảy ra sự kiện ấy, trường dạy trượt tuyết Alps chưa từng phát đạt, còn sau đó thì chúng tôi gần như là những học viên duy nhất. Chúng tôi trở thành những học trò xuất chúng về môn tuyết lở, về các loại tuyết lở khác nhau, làm sao tránh chúng và biết ứng biến thế nào khi lâm vào tình cảnh ấy. Hầu hết những gì tôi viết năm ấy đều là viết trong mùa tuyết lở.

Điều kinh khủng nhất tôi còn nhớ về cái mùa đông tuyết lở ấy là hình ảnh một người đàn ông được đào lên. Ông ngồi xổm, hai tay vòng trước mặt che lấy đầu như chúng tôi đã được dạy, để có không khí mà thở khi bị tuyết đổ lên người. Đó là một cơn lở tuyết khổng lồ và phải mất rất nhiều thời gian để đào bới từng người, và ông được tìm thấy sau cùng. Ông chỉ vừa mới chết, cổ bị lột ra lộ cả bó gân và xương bên trong. Ông đã quay đầu ngọ nguậy hết bên này sang bên kia để chống lại áp lực của tuyết. Trong đợt tuyết lở này, chắc hẳn có sự trộn lẫn giữa tuyết cũ vón cục với loại tuyết mới nhẹ nên dễ bị trượt. Chúng tôi không biết ông cố tình làm thế hay do ông không kiểm soát được đầu óc nữa. Linh mục địa phương từ chối an táng ông tại nghĩa trang, vì không có chứng cứ nào cho thấy ông là một người Công giáo.

Trong thời gian sống ở Schruns, chúng tôi thường làm một chuyến đi xa lên thung lũng đến nhà trọ, và ngủ ở đấy trước khi thực hiện cuộc leo lên Madlener-Haus. Đó là một căn nhà trọ cũ tuyệt đẹp, chúng tôi ngồi uống rượu trong căn phòng tường ốp thứ gỗ mượt như lụa, bóng lên theo năm tháng. Bàn và ghế cũng thế. Chúng tôi nằm sát bên nhau trên cái giường lớn, đắp lớp chăn lông chim, cửa sổ mở toang và bên ngoài những ngôi sao thật sáng thật gần. Sớm dậy sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi chất đồ nặng trĩu cùng thanh trượt trên vai và lên đường, bắt đầu leo trong bóng đêm với những vì sao rất gần rất sáng. Những người khuân vác dùng thanh trượt ngắn và mang đồ nặng. Chúng tôi thi với nhau xem trong chúng tôi ai có thể leo với đồ đạc nặng nhất, nhưng không ai có thể địch được với những người khuân vác ấy, những nông dân ủ rũ, to bè, chỉ dùng thổ ngữ Montafon, leo đều bước như những con ngựa tải đồ và khi đến đỉnh, nơi câu lạc bộ Alps dựng nhà trên một thềm đá bên con sông băng phủ tuyết, họ đặt hành lí tựa vào bức tường đá, đòi tiền cao hơn giá thỏa thuận ban đầu và khi đã đạt được sự thỏa hiệp, họ phóng xuống núi trên những thanh trượt ngắn trông như những chú lùn, rồi mất dạng.

Trong những người bạn chúng tôi trượt tuyết cùng, có một cô gái người Đức. Cô là một tay trượt tuyết núi cừ khôi, nhỏ người, thân hình tuyệt đẹp, mang chiếc ba lô nặng ngang với chiếc ba lô tôi đang mang còn có thể đeo nó đi xa hơn tôi nữa.

“Những người khuân vác ấy lúc nào cũng nhìn ta như thể ước lượng rồi sẽ khiêng xác ta xuống núi vậy,” cô nói. “Họ đưa ra giá leo núi nhưng tôi chưa từng thấy ai sau đó không vòi thêm tiền.”

Trong mùa đông ở Schruns, tôi nuôi râu để chống ánh nắng mặt trời thiêu đốt mặt khi ở trên tuyết cao và cũng không màng đến chuyện cắt tóc. Một buổi chiều nọ, khi trượt tuyết xuống theo những lối mòn, Herr Lent bảo tôi rằng những nông dân mà tôi băng qua trên đường ở Schruns gọi tôi là “Kito da đen”. Ông nói một vài người khi đến uống rượu ở Weinstube còn gọi tôi là “Kito-nghiện-rượu-da-đen”. Nhưng với những nông dân ở tận miệt trên Montafon nơi chúng tôi thuê người khuân vác để leo lên Madlener-Haus, tất cả chúng tôi là những con quỷ ngoại quốc cứ tìm cách leo lên những ngọn núi cao trong khi con người ta rất nên giữ những khoảng cách với chúng. Còn việc chúng tôi khởi hành sớm trước khi ngày rạng để vượt qua những nơi tuyết lở nhằm tránh cái lúc mặt trời khiến chúng trở nên nguy hiểm, thì chẳng hay ho gì. Điều đó chỉ cho thấy chúng tôi quỷ quyệt đúng như tất cả bọn quỷ ngoại quốc mà thôi.

Tôi nhớ mùi thông, nhớ lúc ngủ trên những tấm chiếu đan bằng lá sồi trong lều những người thợ xẻ, và nhớ những lần trượt băng qua rừng theo lối chạy của chồn thỏ. Trong miền núi cao, trên mức các rừng cây, tôi nhớ mình đã đuổi theo một con chồn cho đến khi bắt gặp nó đứng đấy, chân phải đưa lên cao rồi đi từng bước thận trọng, rồi bất thình lình bổ nhào, và từ trong tuyết bùng lên một đám lùm xùm hỗn loạn trắng tinh của một con gà gô trắng, rồi chú gà bay mất qua chỏm núi.

Tôi nhớ tất cả các loại tuyết mà gió tạo ra, và sự lừa lọc khó lường của chúng khi ta đang trên thanh trượt. Rồi khi ta ở trong túp lều Alps trên cao, những trận bão tuyết tạo ra một thế giới khác lạ đến nỗi ta phải xác định lộ trình cẩn thận như thể chưa từng biết đến nơi này. Phải, chưa từng biết vì mọi thứ đều khác hẳn. Cuối cùng khi mùa xuân quay về, những sông băng vĩ đại bắt đầu chảy, êm ả và thẳng tắp, thẳng tắp mãi nếu chân vẫn giữ thẳng được như thế, mắt cá chân khóa chắc và trượt chậm rãi, ta nghiêng người theo tốc độ, trôi miên man trong tiếng lạo xạo yên ả của bông tuyết khô giòn. Lúc ấy còn tuyệt hơn cả khi bay lên hay bất cứ gì khác, và chúng ta tự tạo ra điều đó bằng khả năng của mình với những cuộc leo núi dài dặc, ba lô nặng trĩu trên lưng. Chúng ta không thể bỏ tiền mua chuyến đi hay mua vé để có mặt trên đỉnh. Đó là giây phút mà chúng ta đã làm trong suốt mùa đông để có được, và mọi mùa đông được sinh ra là để cho ta biến phút giây ấy thành hiện thực.

Trong năm cuối cùng ở trên miền núi cao, những người mới đến can thiệp sâu vào đời sống chúng tôi và mọi thứ không bao giờ còn được trở lại như trước nữa. Mùa đông tuyết lở này nếu đem so với mùa đông ác mộng sau đó, cái mùa đông mang bộ mặt vui vẻ tưng bừng nhất xưa nay, hay so với mùa hè thảm họa tiếp theo, thì chỉ như một mùa đông hạnh phúc yên bình của ta khi còn là trẻ nhỏ. Đấy là năm mà những người giàu bắt đầu xuất hiện.

Những người có tiền thuê một loại cá mồi làm tay dẫn đường, có khi hơi điếc, có khi hơi mù, nhưng y luôn tỏa ra mùi lịch sự nhã nhặn và ngập ngừng trước họ. Tay cá mồi sẽ nói chuyện với cái giọng kiểu: “Vâng, tôi không biết. Không, dĩ nhiên là không rồi. Nhưng tôi thích họ. Tôi thích cả hai người bọn họ. Vâng, lạy Chúa, Hem; tôi thích họ thật mà. Tôi biết anh muốn nói gì nhưng tôi thực sự thích họ và bà ấy có gì đó thật tuyệt.” (Y sẽ nói tên bà ta và phát âm cái tên ấy thật điệu đàng.) “Không đâu, Hem, đừng ngớ ngẩn thế, đừng khó chịu thế. Anh sẽ thích (gọi tên thân mật khi còn bé) một khi biết ông ta. Tôi thích cả hai người ấy, thật sự đấy.”

Và thế là bọn nhà giàu đến và mãi mãi không bao giờ còn như trước được nữa. Tay cá mồi rồi cũng đi. Y luôn đi đâu đó, hoặc đến từ đâu đó, nhưng không bao giờ ở loanh quanh lâu. Y chơi trò chơi chính trị hoặc kịch cọt giống hệt như cách y vào ra các vùng đất và cuộc đời những con người ở cái thời y còn trẻ. Không ai chạm đến y được và những người giàu cũng không thể khống chế được y. Không gì có thể chạm đến được y mà chỉ có những người tin y mới bị bắt và thiệt thân. Y sớm có được sự đào tạo đặc thù để thành một tên lưu manh với sự đam mê ngầm về tiền bạc mà y vẫn luôn phủ nhận. Cuối cùng, y trở nên giàu có, và dần dần, cùng với mỗi đô la kiếm được, y lại nhích thêm gần hơn về phía cánh hữu một khoảng bằng chiều ngang của mỗi tờ giấy bạc.

Bọn nhà giàu này yêu quý và tin tưởng y bởi y nhút nhát, khôi hài, nước đôi, sinh ra đã là như thế, và bởi vì y là một tay cá mồi không phạm sai lầm.

Khi hai người đang yêu nhau, đang hạnh phúc và vui vẻ và một trong hai đều làm được việc, họ sẽ thu hút những người khác như bầy chim di cư trong đêm bị hút về ngọn đèn hiệu mạnh mẽ. Nếu hai con người ấy vững chắc như ngọn đèn kia thì họ sẽ chẳng tổn hại gì, có chăng chính là lũ chim. Những người hấp dẫn người khác bằng hạnh phúc và sự sinh động của mình thường là những người thiếu kinh nghiệm. Không phải lúc nào họ cũng biết thế nào là chừng mực và rút lui. Không phải lúc nào họ cũng biết về người tốt, người hấp dẫn, người duyên dáng, người dễ gây thiện cảm, người tốt bụng, người giàu biết cảm thông, những người không có tính xấu và những người biến mỗi ngày thành một ngày hội, với những kẻ đi qua đâu là hút hết chất dinh dưỡng chúng cần, để lại mọi thứ chết héo còn hơn cả rễ của bất kì loại cỏ nào mà ngựa Attila chướng bụng thải ra.
Bọn nhà giàu đến đây nhờ sự hướng dẫn của tay cá mồi. Một năm trước chúng không hề xuất hiện. Lúc ấy chẳng có gì chắc chắn cả. Công việc vẫn tốt, hạnh phúc vẫn đầy dâng nhưng không có quyển tiểu thuyết nào được viết, nên họ không biết chắc điều gì. Không ai đi hoang phí thời gian và sự hấp dẫn của mình vào thứ mình không chắc. Sao phải làm thế chứ? Picasso rất chắc chắn về mình và đương nhiên ông đã như thế từ trước khi họ biết đến tranh ông. Họ còn biết rất rõ về một họa sĩ khác. Nhiều người khác nữa. Nhưng năm nay họ rất tự tin và tay cá mồi xuất hiện trở lại hứa rằng sẽ không để mọi người có cảm giác bọn kia như những người lạ và rằng tôi sẽ không phải khó chịu. Tay cá mồi này dĩ nhiên là bạn của chúng tôi rồi.

Những ngày ấy, tôi tin tay cá mồi như tin Lịch Tàu Chạy Hiệu Chỉnh Của Văn Phòng Đường Thủy Khu Vực Địa Trung Hải, có cái bảng biểu trên tờ Brown’s Nautical Almanac. Sự lịch thiệp của bọn nhà giàu này khiến tôi cả tin và ngốc nghếch như một con chó săn chim lúc nào cũng chỉ chực cong đuôi chạy theo bất kì gã nào mang súng, hay như một con lợn được huấn luyện trong rạp xiếc rốt cuộc tìm thấy được người yêu thương mình và đánh giá đúng con người mình. Việc mỗi ngày lại giống như một ngày hội ấy với tôi là một khám phá kì diệu. Thậm chí tôi còn đọc to một phần quyển tiểu thuyết tôi đang chữa, và đấy là điều tệ hại nhất một tay viết văn có thể phạm phải, nó nguy hiểm chẳng kém gì việc trượt trên sông băng mà không buộc dây khi tuyết mùa đông rơi chưa đủ dày để phủ những đường băng nứt.

Khi bọn họ bảo. “Tuyệt đấy, Ernest. Thật sự rất tuyệt. Anh không biết nó tuyệt đến thế nào đâu,” tôi ve vẩy đuôi hài lòng và lao vào khái niệm hội hè của đời sống để tìm cách ngoạm tha về cái khúc cây ngon lành hấp dẫn ấy, thay vì nghĩ, “Bọn lai căng này mà thích thì truyện của mình hẳn có gì không ổn đây.” Lẽ ra đó là một điều mà tôi nên nghĩ đến nếu là một người viết chuyên nghiệp và mặc dù, nếu là một người viết chuyên nghiệp, tôi đã không bao giờ đọc cho họ nghe.

Trước khi bọn nhà giàu này đến, chúng tôi đã bị bọn nhà giàu khác thâm nhập theo lối cổ xưa nhất. Đó là lúc một phụ nữ trẻ chưa chồng tạm trở thành bạn thân nhất của một phụ nữ đang có chồng, dọn đến sống với hai vợ chồng ấy, và rồi do không biết, do ngây thơ, đã không ngần ngại xếp đặt kế hoạch để lấy người chồng. Khi người chồng là một nhà văn và làm cái công việc quá sức vất vả không còn có thời gian, và trong phần lớn của ngày anh không còn là người bạn đồng hành hay đồng sàng lí tưởng của vợ nữa, thì sự xếp đặt ấy đã phát huy tác dụng cho đến lúc anh ta hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn. Khi xong việc, người chồng được hai người phụ nữ hấp dẫn quấn quýt xung quanh. Trong đó một người vừa mới vừa lạ, và nếu gặp rủi, anh ta yêu cả hai người.

Và rồi thay vì bọn họ chỉ có hai người và một đứa trẻ, thì nay họ có ba người. Thoạt đầu việc này đầy phấn khích và vui vẻ, và cứ tiếp diễn như thế trong một thời gian. Tất cả những gì thật sự xấu xa đều bắt đầu từ sự ngây thơ, và thế là hết ngày này sang ngày khác, anh ta tận hưởng những gì đang có mà không hề lo lắng. Anh nói dối và anh ghét như thế. Và điều đó hủy hoại anh, mỗi ngày một nguy hiểm hơn. Nhưng anh vẫn sống lay lắt từng ngày như trong chiến tranh.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại.. com – gác nhỏ cho người yêu sách. ]

Đến lúc tôi cần phải rời Schruns đi New York để sắp xếp lại việc với nhà xuất bản. Sau khi giải quyết công việc ở New York xong và quay về Paris, lẽ ra tôi phải lấy chuyến tàu đầu tiên từ Gare de I’Est để về Áo. Nhưng khi ấy, cô gái mà tôi say đắm đang ở Paris, và tôi đã không đáp chuyến tàu đầu tiên, cũng không phải chuyến thứ hai hay thứ ba.

Khi tàu đi qua đống gỗ vào ga và nhìn thấy vợ đang đứng đợi bên đường ra, tôi ước gì mình được chết trước khi phải yêu ai khác ngoài nàng. Nàng mỉm cười, mặt trời tỏa sáng trên khuôn mặt yêu kiều ngăm ngăm vì tuyết và nắng, thân hình nàng tuyệt mĩ, mái tóc đỏ rực rỡ trong nắng qua mùa đông đã dài ra một cách vụng về thật xinh, và ông con Mr. Bumby đứng bên nàng, tóc vàng hoe, lùn tịt chắc lẳn, đôi má mùa đông trông giống như một thằng nhóc Vorarlberg thứ thiệt.

“Ôi, Tatie,” nàng kêu lên khi tôi ôm nàng trong vòng tay, “anh đã về và chuyến đi thật thành công. Em yêu anh, hai mẹ con em nhớ anh biết bao.”

Tôi yêu nàng và tôi không yêu ai khác, và chúng tôi có một khoảng thời gian kì diệu tuyệt vời khi ở riêng cùng nhau. Tôi làm việc được và chúng tôi đã có những chuyến đi tuyệt vời, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không thể bị tổn thương nữa, và đã không có gì xảy ra cho đến khi chúng tôi rời vùng núi cuối mùa xuân để quay về Paris, nơi một chuyện khác bắt đầu.

Đó là đoạn kết của phần đầu ở Paris. Paris không bao giờ giống như trước nữa mặc dù nó vẫn luôn là Paris và bạn thay đổi khi nó thay đổi. Chúng tôi không bao giờ quay lại Vorarlberg và những người giàu cũng thế.

Không bao giờ có kết thúc với Paris và kỉ niệm của mỗi người, những ai từng sống trong thành phố này, không ai giống ai. Chúng ta luôn quay lại đó cho dù chúng ta có là ai, hay thành phố có đổi thay thế nào đi nữa, và dù có những khó khăn hay thuận lợi, thành phố vẫn trong tầm tay. Paris luôn xứng đáng với điều đó và ta được nhận đầy đủ cho những gì ta dâng tặng nó. Nhưng Paris đây là của thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc.

Bình luận
× sticky