Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hồng Ngọc

Chương 7

Tác giả: Kerstin Gier

Không. Đó không thể là tôi.

Tôi đã hôn con trai bao giờ đâu.

Thực ra thì hầu như chưa bao giờ. Và cũng không hôn kiểu ấy. Hè năm ngoái tôi từng hẹn hò đúng hai tuần nửa ngày với tên Mortimer lớp trên. Không hẳn vì tôi thích hắn, mà bởi hắn là bạn thân nhất của Max, bạn trai của Leslie lúc đó, và xét về mặt nào đó có vẻ hợp cạ. Nhưng Mortimer không mấy hào hứng với những nụ hôn mà chỉ rình để lại vết mút đỏ ửng trên cổ tôi, trong khi đánh lạc hướng bằng cách luồn tay xuống dưới áo tôi. Thế là tôi suốt ngày phải quấn khăn quàng kín cổ trong khi trời nóng tới ba mươi độ trong bóng râm và lúc nào cũng chỉ chăm chăm gạt tay Mortimer ra (đặc biệt trong rạp chiếu phim, hắn dường như còn mọc thêm ít nhất ba bàn tay nữa). Sau hai tuần, tôi và hắn nhất trí chấm dứt “mối quan hệ”. Mortimer chê tôi “nhi đồng thối tai”, còn tôi thì không ưa hắn… nói thế nào nhỉ… bám nhằng nhằng như đỉa đói.

Ngoài hắn ra tôi chỉ hôn mỗi Gordon, trong chuyến đi dã ngoại với lớp tới đảo Wight. Nhưng lần ấy không tính, vì thứ nhất, đó là một phần của trò chơi Sự thật hoặc nụ hôn (tôi nói thật, nhưng Gordon nằng nặc cho là nói dối) và thứ hai, đó không phải là một nụ hôn thực sự. Gordon thậm chí vẫn để kẹo cao su trong miệng.

Ngoài “vụ bê bối mút cổ” (như cách gọi của Leslie) và nụ hôn mùi bạc hà với Gordon, tôi hoàn toàn chưa được hôn. Cũng có thể tôi quá “nhi đồng thối tai” như Mortimer khẳng định. Mười sáu tuổi rưỡi, tôi biết mình tương đối chậm phát triển, nhưng Leslie, sau một năm hẹn hò với Max, thì cho rằng người ta thường đánh giá quá cao chuyện hôn hít. Leslie nói cũng có thể nó kém may mắn, nhưng đám con trai mà nó từng hôn không hề biết cách hôn cho tử tế. Vì lẽ ra ở trường nên dạy môn “hôn”, tốt nhất là thay cho môn Tôn giáo vốn chẳng ma nào cần.

Bọn tôi thường hay nói về nụ hôn lý tưởng và xem đi xem lại nhiều bộ phim chỉ vì trong đó có những cảnh hôn rất đẹp.

“A, cô Gwendolyn! Hôm nay cô sẽ hạ cố tiếp chuyện tôi hay lại phớt lờ tôi đây?” James thấy tôi ra khỏi phòng lớp Sáu liền tiến lại gần.

“Mấy giờ rồi nhỉ?” Tôi nhìn quanh tìm Leslie.

“Tôi là cái đồng hồ chắc?” James tức giận. “Cô quá biết tôi để hiểu rằng thời gian chẳng nghĩa lý gì với tôi chứ!”

“Quá đúng.” Tôi ngó qua góc tường để nhìn chiếc đồng hồ lớn cuối hành lang. James đi theo.

“Vậy là em chỉ đi mỗi hai mươi phút,” tôi nói.

“Đi đâu?”

“À, James! Em nghĩ là em vừa đến nhà anh đấy. Mọi thứ đều rất đẹp. Toàn vàng là vàng. Còn ánh nến thì – rất ấm cúng.”

“Ừ. Không nhàm chán và thiếu thẩm mỹ như ở đây,” James khoát tay chỉ dãy hành lang xám xịt. Tôi chợt thấy thương anh. James không lớn hơn tôi mấy tuổi – thế mà đã chết.

“James này, anh đã hôn cô gái nào chưa?”

“Hả?”

“Anh đã hôn bao giờ chưa?”

“Cô Gwendolyn, hỏi thế thật chẳng lịch sự chút nào.”

“Vậy anh chưa hôn bao giờ?”

“Tôi là đàn ông,” James bảo.

“Trả lời kiểu gì thế?” Tôi không khỏi bật cười trước vẻ mặt phẫn nộ của James. “Thực ra anh có biết mình được sinh ra khi nào không?”

“Cô định xúc phạm tôi đấy à? Dĩ nhiên tôi biêt ngày sinh của tôi. Đó là ngày 31 tháng Ba.”

“Năm nào?”

“1762”. James vênh cằm lên thách thức. “Ba tuần trước, tôi tròn hai mươi mốt tuổi. Tôi đã mở tiệc linh đình cùng bạn bè ở Câu lạc bộ White. Để chúc mừng, cha trả hết nợ nần cờ bạc cho tôi và còn tặng tôi một con ngựa hung tuyệt đẹp. Sau đó, rủi quá, tôi bị sốt và nằm liệt giường, để rồi khi thức dậy, mọi thứ đều trở nên khác hẳn và một con bé xấc xước bảo tôi là ma.”

“Xin lỗi anh,” tôi nói. “Có lẽ anh mất vì trận sốt đó.”

“Vớ vẩn! Tôi chỉ hơi mệt thôi,” James nói, nhưng ánh mắt đã thiếu vẻ chắc chắn. “Bác sĩ Barrow nói, rất ít khả năng tôi bị nhiễm đậu mùa ở chỗ huân tước Stanhope.”

“Hừm,” tôi nói. Tôi sẽ tra Google về căn bệnh đậu mùa.

“Hừm. Hừm nghĩa là thế nào?” James giận dữ.

“Ôi, cậu đây rồi!” Leslie vừa từ nhà vệ sinh ra, chạy tới ôm chầm lấy tôi. “Tớ sợ chết được.”

“Tớ không sao. Lúc trở lại, tớ hiện ra trong lớp của cô Counter, may mà không có ai ở đó.”

“Hôm nay lớp Sáu đi xem đài thiên văn Greenwich,” Leslie bảo. “Ôi chúa ơi, thấy cậu tớ mừng quá! Tớ bảo thầy Whitman là cậu đang nôn mật xanh mật vàng trong nhà vệ sinh. Thầy bèn cử tớ ra để vén tóc cho cậu.”

“Thật gớm ghiếc,” James cầm khăn lên bịt mũi. “Hãy bảo cái cô tàn nhang kia rằng một quý cô không nói về những chuyện ấy.”

Tôi lờ tịt James. “Leslie, một chuyện kỳ dị đã xảy ra… Một chuyện mà tớ không tài nào giải thích nổi.”

“Tớ tin cậu chứ.” Leslie chìa điện thoại ra trước mặt tôi. “Đây. Tớ lấy trong tủ của cậu. Gọi cho mẹ cậu ngay lập tức.”

“Leslie, mẹ tớ đang làm việc. Tớ không thể…”

“Gọi cho mẹ cậu ngay! Giờ cậu đã ba lần vượt thời gian, tớ thậm chí còn tận mắt chứng kiến lần thứ ba. Đột nhiên cậu biến mất! Thật khó mà tin nổi. Cậu phải kể cho mẹ cậu ngay để không gặp chuyện gì tồi tệ nữa, xin cậu.” Có vẻ như Leslie ầng ậng nước mắt?

“Hình như hôm nay cô nàng tàn nhang có một ngày đầy bi kịch,” James chen ngang nhận xét.

Tôi cầm điện thoại và hít thật sâu.

“Xin cậu,” Leslie nói.

Mẹ làm nhân viên hành chính trong bệnh viện St. Bartholenew. Tôi vừa bấm số vừa nhìn Leslie.

Nó gật đầu và cố mỉm cười.

“Gwendolyn?” Hẳn mẹ đã nhận ra số tôi trên màn hình điện thoại. Giọng mẹ đầy lo lắng. Tôi chưa bao giờ gọi cho mẹ từ trường. “Có vấn đề gì sao?”

“Mẹ… con không được khỏe.”

“Con ốm à?”

“Con không biết.”

“Có lẽ con nhiễm dịch cúm đang lây lan. Mẹ bảo này, giờ con về nhà và lên giường nằm, hôm nay mẹ sẽ cố về sớm vắt nước cam và choàng ấm cổ cho con.”

“Mẹ, không phải là dịch cúm. Còn tệ hơn nữa. Con…”

“Có lẽ là bệnh đậu mùa,” James gợi ý.

Leslie nhìn tôi động viên. “Nói!” nó nghiến răng. “Nói đi!”

“Cưng?”

Tôi hít thật sâu. “Mẹ, con nghĩ con giống chị Charlotte. Con vừa mới… con không biết lúc nào. Và đêm qua cũng vậy… thực ra chuyện này đã bắt đầu từ hôm quá. Con đã định nói, nhưng lại sợ mẹ không tin con.”

Mẹ im lặng.

“Mẹ?”

Tôi nhìn Leslie. “Mẹ không tin tớ.”

“Cậu lắp bắp toàn chuyện vô nghĩa, “Leslie thì thào. “Thử lại lần nữa đi.”

Nhưng không cần nữa.

“Con ở nguyên đấy,” giọng mẹ khác hẳn. “Đợi mẹ trước cổng trường. Mẹ sẽ gọi taxi và tới chỗ con thật nhanh.”

“Nhưng…”

Mẹ đã cúp máy.

“Cậu sẽ gặp rắc rối với thầy Whitman,” tôi bảo.

“Mặc kệ,” Leslie nói. “Tớ đợi ở đây cho đến khi mẹ cậu tới. Đừng lo, tớ sẽ thuần hóa con sóc ấy như bỡn.”

“Tớ đã làm gì?”

“Cậu đã hành xử rất đúng,” Leslie khẳng định. Tôi đã thuật lại cho Leslie thật chi tiết về hành trình ngắn ngủi về quá khứ. Leslie cho rằng, cô gái trông giống hệt tôi có lẽ là tổ tiên của tôi.

Tôi không tin. Không thể có hai con người giống nhau đến thế. Trừ phi đó là cặp song sinh cùng trứng. Leslie thấy giả thuyết này cũng có khả năng.

“Ừ! Giống trong phim Bẫy phụ huynh,” nó nói. “Lúc nào có dịp, tớ sẽ mượn DVD để bọn mình xem.”

Tôi chực òa khóc. Đến lúc nào tôi và Leslie mới lại được cùng nhau thoải mái xem DVD?

Taxi tới nhanh hơn tôi tưởng. Xe dừng lại trước cổng trường, và mẹ mở cửa ra.

“Lên xe đi,” mẹ bảo.

Leslie nắm chặt tay tôi. “Chúc cậu may mắn. Hãy gọi cho tớ khi có thể.”

Tôi suýt bật khóc. “Leslie… cảm ơn cậu!”

“Không có gì,” Leslie cũng cố kìm nước mắt. Cả khi xem phim bọn tôi cũng luôn khóc ở những cảnh giống nhau.

Tôi lên taxi ngồi cạnh mẹ. tôi những muốn ôm chầm lấy mẹ, nhưng trông mẹ lạ lẫm khiến tôi ngần ngại.

“Tới Temple,” mẹ bảo người lái xe. Tấm kính ngăn khoang lái và khoang hành khách được đẩy lên và taxi lao vụt đi.

“Mẹ giận con ạ?” tôi hỏi.

“Không đâu cưng, tất nhiên là không. Con đâu có lỗi.”

“Đúng thế! Tội vạ do cái ông Newton ngu ngốc…” Tôi cố pha trò, nhưng mẹ không có lòng dạ nào để đùa cợt.

“Không, ông ấy không có lỗi. Nếu có thì chính là lỗi của mẹ. Mẹ đã hy vọng chúng ta tránh được tai họa ấy.”

Tôi tròn mắt nhìn mẹ. “Con không hiểu?”

“Mẹ… cứ nghĩ… cứ hy vọng… mẹ không muốn con…”

Tôi chưa thấy mẹ lắp bắp kiểu này bao giờ. Chỉ mới một lần tôi thấy mẹ căng thẳng và nghiêm nghị đến thế, đó là hồi bố mất. “Mẹ chỉ không muốn tin vào chuyện này. Suốt thời gian qua, mẹ cứ hy vọng Charlotte mới là người đó.”

“Tất cả mọi người đều tin thế! Không ai lại ngờ rằng ông Newton tính nhầm. Bà ngoại chắc sẽ phát điên lên mất.”

Chiếc taxi hòa vào luồng giao thông đông đúc trên đường Piccadilly.

“Bà ngoại không quan trọng,” mẹ bảo. “Chuyện này xảy ra lần đầu tiên khi nào?”

“Hôm qua! Trên đường con tới Selfridges.”

“Lúc mấy giờ?”

“Hơn ba giờ chiều một chút. Con không biết phải làm gì nên con quay lại nhà mình và bấm chuông. Nhưng trước khi người ta kịp mở cửa thì con đã trở về hiện tại. Lần thứ hai là đêm qua. Con trốn trong tủ, nhưng có người ngủ ở đó, một gia nhân khá nóng nảy. Hắn truy đuổi con khắp nhà và tất cả đều tìm con vì nghĩ con là kẻ trộm. Tạ ơn Chúa, con kịp quay trở lại trước khi bị họ tìm thấy. Còn lần thứ ba vừa mới đây. Ở trường. Lần này nhất định con đã đi xa hơn vào quá khứ, vì thấy ở đó người ta đội tóc giả…- Mẹ! Nếu chuyện này cứ vài tiếng đồng hồ lại diễn ra thì con sẽ không bao giờ còn sống bình thường được nữa! Và tất cả đều chỉ tại cái ông Newton khốn kiếp…” Tự tôi cũng nhận thấy câu nói đùa nay đã bắt đầu nhàm.

“Lẽ ra con phải nói với mẹ ngay lập tức!” Mẹ khẽ vuốt tóc tôi. “Biết bao nhiêu chuyện đã có thể xảy ra với con!”

“Con đã định nói, nhưng mẹ bảo tất cả chúng ta đều giàu trí tưởng tượng quá.”

“Nhưng ý mẹ không phải là… con không hề được chuẩn bị gì. Mẹ xin lỗi.”

“Đó không phải lỗi của mẹ! Ai mà biết được sự thể này.”

“Mẹ biết.” Sau một khoảnh khắc nặng nề, mẹ nói thêm: “Con sinh cùng ngày với Charlotte.”

“Không, không phải! Con sinh ngày 8 tháng Mười, chị ấy sinh ngày 7.”

“Con cũng sinh ngày 7 tháng Mười, Gwendolyn.”

Tôi không thể tin là mẹ vừa nói ra câu ấy. Tôi nhìn mẹ trân trối.

“Mẹ đã nói dối ngày sinh của con,” mẹ nói tiếp. “Chuyện này không khó vì con sinh tại nhà và bà đỡ ghi giấy chứng sinh đã thông cảm với nguyện vọng của bố mẹ.”

“Nhưng vì sao?”

“Chỉ để bảo vệ con thôi, cưng ạ.”

Tôi không hiểu. “Bảo vệ? Tại sao? Giờ thì chuyện ấy vẫn xảy ra.”

“Bố mẹ… mẹ muốn con có một tuổi thơ bình thường, một tuổi thơ vô tư.” Mẹ chăm chú nhìn tôi. “Và hoàn toàn có khả năng là con không thừa hưởng gien ấy.”

“Ngay cả khi con sinh vào đúng ngày Newton đã tính sẵn?”

“Người ta vẫn nói, hy vọng là thứ sống dai nhất,” mẹ bảo. “Và con đừng nhắc đến Newton nữa. Ông ấy chỉ là một trong nhiều người nghiên cứu lĩnh vực này, và nó còn lớn hơn con có thể hình dung ra rất nhiều. Lớn hơn, lâu đời hơn, và hùng mạnh hơn nhiều. Và cũng nguy hiểm hơn nhiều. Mẹ muốn tránh cho con chuyện này.”

“Tránh chuyện gì?”

Mẹ thở dài. “Mẹ thật ngu ngốc. Lẽ ra mẹ phải biết rõ hơn. Hãy thứ lỗi cho mẹ.” Mẹ tôi nghẹn giọng.

“Con hoàn toàn không hiểu mẹ đang nói gì.” Mỗi lời mẹ nói càng làm tôi rối trí và hoang mang hơn. “Con chỉ biết con gặp phải một chuyện lẽ ra không nên xảy ra với con, và chuyện này thật khó chịu! Cứ vài tiếng đồng hồ con lại thấy choáng váng rồi quay về một thời điểm khác. Con không biết phải làm gì để kháng cự!”

“Vì vậy bây giờ mẹ con mình tới chỗ họ,” mẹ bảo. Tôi nhận thấy sự hoang mang của mình khiến mẹ đau lòng, chưa bao giờ trông mẹ lại lo âu đến thế.

“Họ là…?”

“Đội cận vệ,” mẹ đáp, “Đó là một hội kín lâu đời, còn được gọi là Hội của bá tước Saint Germain.” Mẹ nhìn ra cửa. “Sắp tới rồi.”

“Hội kín! Mẹ định đưa con tới một tà giáo mờ ám? Mẹ!”

“Đó không phải là tà giáo phái. Nhưng tất cả đều mờ ám.” Mẹ hít thật sâu rồi nhắm mắt lại. “Ông ngoại vốn là thành viên của hội,” mẹ nói tiếp. “Trước ông là bố và ông của ông. Isaac Newton cũng như Wellington, Klaproth, von Arneth, Hahnamann, Karl von Hessen-Kassel, đương nhiên cả nhà Villiers và còn nhiều, nhiều người nữa… đều là thành viên của hội. Bà ngoại còn bảo cả Churchill và Einstein cũng vậy.”

Phần lớn những cái tên này không gợi cho tôi điều gì. “Nhưng họ làm gì?”

“Điều này thì…” mẹ nói. “Họ nghiên cứu về những thần thoại cổ xưa. Về thời gian. Và về những người như con.”

“Có nhiều người như con đến thế cơ à?”

Mẹ lắc đầu. “Chỉ có mười hai người. Và đa số đã qua đời từ lâu.”

Taxi dừng lại, tấm kính ngăn giữa hạ xuống. Mẹ đưa cho người lái xe vài tờ bảng Anh. “Không cần trả lại,” mẹ bảo.

“Mình tới đây làm gì?” tôi hỏi khi hai mẹ con đứng trên vỉa hè, còn chiếc taxi lại chuyển bánh. Mẹ và tôi đi dọc phố Strand cho tới trước ngã dẫn vào phố Fleet. Xung quanh xe cộ tấp nập, người chen chúc trên đường. Những quán café và nhà hàng đối diện chật ních. Hai chiếc xe buýt du lịch hai tầng màu đỏ đỗ lại bên vỉa hè, khách du lịch trên tầng hai thi nhau chụp ảnh khu Tòa án Hoàng gia hoành tráng.

“Giữa những tòa nhà bên kia có đường dẫn vào khu Temple.” Mẹ gạt tóc cho tôi.

Tôi nhìn con đường nhỏ cho người đi bộ mà mẹ vừa chỉ, không tài nào nhớ nổi đã từng đi dọc qua đó.

Mẹ hẳn nhận thấy vẻ ngơ ngác của tôi. “Lớp con chưa đi Temple bao giờ sao?” mẹ hỏi. “Nhà thờ và các khu vườn rất đẹp. Cả khu Đài Phun Nước nữa. Mẹ thấy đó là đài phun nước đẹp nhất toàn thành phố.”

Tôi bực bội nhìn mẹ. Hôm nay mẹ đột nhiên biến thành hướng dẫn viên du lịch hay sao?

“Đi nào, mình phải sang đường,” mẹ nắm lấy tay tôi. Chúng tôi đi theo toán khách du lịch người Nhật, ai nấy đều cầm tấm bản đồ thành phố to tướng trước mặt.

Sau những dãy nhà, người ta chợt bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không khí gấp gáp náo nhiệt của phố Strand và phố Fleet biến mất. Thay vào đó chỉ có sự yên tĩnh và thanh bình bao trùm những ngôi nhà vương giả nằm san sát bên nhau, với vẻ đẹp vượt mọi kỷ nguyên.

Tôi chỉ vào toán khách du lịch. “Họ tìm gì ở đây? Đài phun nước đẹp nhất thành phố?”

“Chắc họ đi tham quan nhà thờ Temple,” mẹ không phản ứng lại giọng cáu bẳn của tôi. “Rất cổ kính, nhiều giai thoại và truyền thuyết. Người Nhật thích thế. Và khán phòng Middle Temple từng là nơi vở Đêm thứ mười hai của Shakespeare ra mắt lần đầu tiên.”

Chúng tôi đi theo đám người Nhật một lúc rồi rẽ trái vào con đường đá, qua những ngôi nhà và nhiều góc phố. Không gian ở đây như vùng thôn quê, chim hót líu lo, ong vo vo trong những chậu hoa lớn, ngay cả không khí cũng trong lành, thanh khiết.

Trước cửa mỗi nhà đều treo biển đồng khắc hàng dãy tên dài.

“Tất cả họ đều là luật sư hoặc giảng viên trường Luật,” mẹ bảo. “Khỏi phải hỏi giá thuê văn phòng ở đây.”

“Con cũng không cần,” tôi dằn dỗi. Cứ như thể mẹ và tôi không còn chuyện gì quan trọng để nói!

Tới cửa nhà tiếp theo, mẹ dừng lại. “Chúng ta đến nơi rồi,” mẹ nói.

Đó là một ngôi nhà khá đơn giản, trông rất lâu đời, mặc dù mặt tiền phẳng phiu và các khung cửa sổ đều được sơn mới. Tôi đưa mắt lần theo những cái tên khắc trên bảng đồng, nhưng mẹ đã đẩy tôi qua cửa và chỉ đường lên cầu thang tới lầu một. Hai người phụ nữ đi ngược lại niềm nở cất tiếng chào.

6.1

“Chúng ta đang ở đâu thế?”

Mẹ không trả lời. Mẹ nhấn chuông, chỉnh lại áo khoác và gạt tóc khỏi mặt.

“Cưng đừng sợ,” mẹ bảo, tôi không rõ mẹ đang nói với tôi hay với chính mình.

Cánh cửa kêu ro ro rồi bật mở, chúng tôi bước vào một căn phòng sáng sủa, trông hệt như một văn phòng bình thường. Tủ hồ sơ, bàn ghế, điện thoại, máy fax, máy tính…- thậm chí người phụ nữ tóc vàng trung tuổi ngồi sau bàn viết trong cũng không có gì đặc biệt. Chỉ cặp kính của bà là khá đáng sợ, đen thui và viền rộng che cả nửa mặt.

“Tôi có thể giúp gì được ạ?” bà ấy hỏi. “Ồ, bà là… bà Montrose?”

“Shepherd,” mẹ chỉnh. “Tôi không còn mang tên hồi con gái. Tôi đã kết hôn.”

“À, vâng, tất nhiên.” Bà ta mỉm cười. “Nhưng trông bà hầu như không thay đổi. Chỉ cần nhìn mái tóc là tôi đã có thể nhận ra, bất cứ ở đâu và lúc nào.” Ánh mắt bà thoáng liếc sang tôi. “Đây là con gái bà? Chắc con bé giống bố, phải không ạ? Thế sức khỏe của…?

Mẹ ngắt lời bà. “Bà Jenkins, tôi cần nói chuyện gấp với mẹ tôi và ông Villiers.”

“Ồ, tôi e là quý bà và ông Villier đang hội đàm.” Bà Jenkins mỉm cười vẻ áy náy. “Bà có thể…”

Một lần nữa mẹ lại ngắt lời. “Tôi muốn có mặt trong cuộc hội đàm này.”

“Ồ… điều này thì… Bà cũng biết là chuyện này không thể.”

“Vậy bà hãy làm cho nó trở thành có thể. Bà hãy bảo họ, tôi đem đến cho họ viên hồng ngọc.”

“Cái gì ạ? Nhưng…” Bà Jenkins trân trối hết nhìn mẹ lại nhìn tôi.

“Bà hãy cứ làm như lời tôi bảo.” Chưa bao giờ giọng mẹ lại cương quyết đến thế.

Bà Jenkins đứng lên, bước ra từ sau bàn viết. Bà ấy chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân, còn tôi thấy khó chịu trong bộ đồng phục học sinh xấu xí. Tôi còn chưa kịp gội đầu, tóc chỉ buộc túm kiểu đuôi gà bằng dây cao su, và tôi cũng không trang điểm (thực ra cũng chẳng mấy khi.) “Bà có chắc không?”

“Tất nhiên. Bà nghĩ tôi cho phép mình đùa ngu xuẩn vậy sao? Bà làm ơn nhanh chân cho, có thể không còn đủ thời gian đâu.”

“Được. Xin bà đợi ở đây.” Bà Jenkins quay đi và biến mất qua một cánh cửa sau hai giá hồ sơ.

“Hồng ngọc?” tôi lặp lại

“Ừ,” mẹ bảo. “Mỗi người vượt thời gian đều được xếp theo một loại đá quý. Và con là hồng ngọc.”

“Sao mẹ lại biết?”

“Mắt mèo và hổ phách là cặp đầu tiên. Mã não hát cung Si, trong hình hài con sói. Bản song ca – Solutio! – cùng ngọc lục. Tiếp theo là ngọc bích đầy quyền uy cùng ngọc hoàng yến, Cặp song sinh Carnelian thuộc chòm Bọ Cạp. Và ngọc thạch, người số tám, Digesti., Ở cung Mi trưởng: Đá Hộ Mệnh đen huyền, Ngọc xanh hát cung Pha, tỏa sáng biết bao. Và gần như cùng lúc Kim cương xuất hiện. Dưới chòm Sư tử, mười một và bảy đã định. Projectio! Thời gian đã vào guồng, Hồng ngọc tạo khúc dạo đầu và làm nên đoạn kết.”

“Mẹ vẫn còn thuộc lòng.”

Trong lúc mẹ đọc, không hiểu sao tôi lại sởn da gà. Tôi thấy nó không giống thơ mà như một lời nguyền, như bài thần chú các mụ phù thủy nanh ác trong phim vẫn hay lẩm bẩm khi khuấy cái nồi nghi ngút khói xanh.

“Như thế nghĩa là sao ạ?”

“Chẳng có nghĩa gì ngoài một bài vè được viết ra bởi những ông già thích ra vẻ bí hiểm, cốt chỉ để phức tạp hóa những thứ vốn đã phức tạp,” mẹ nói. “Mười hai con số, mười hai người vượt thời gian, mười hai loại đá quý, mười hai cung nhạc, mười hai lá số tử vi, mười hai bước để tạo ra hồn đá của các nhà thông thái…”

“Hòn đá của các nhà thông thái? Là gì…?” Tôi bỏ lửng và thở dài. Tôi đã chán việc không ngừng phải đặt ra những câu hỏi mà mỗi câu trả lời đều chỉ càng làm tôi ngu dốt và rối trí thêm.

Dường như mẹ cũng không hứng thú trả lời tôi. Mẹ nhìn ra cửa sổ. “Ở đây chẳng thay đổi gì. Cứ như thời gian ngừng trôi.”

“Mẹ hay tới đây à?

“Thỉnh thoảng mẹ được ông dẫn theo,” mẹ bảo. “Ông thoáng hơn bà một chút. Cả về những bí mật. Hồi bé mẹ rất thích tới đây. Và sau này, khi Lucy…” Mẹ thở dài.

Tôi đấu tranh tư tưởng một lát xem có nên hỏi tiếp, nhưng rồi sự tò mò chiến thắng. “Bà Maddy bảo chị Lucy cũng là một người vượt thời gian. Có phải vì vậy mà chị ấy bỏ nhà đi?”

“Ừ,” mẹ bảo.

“Thế chị ấy đi đâu?”

“Không ai biết,” Mẹ lại lùa tay lên tóc.

Rõ ràng mẹ đang rất hồi hộp, tôi chưa bao giờ mẹ căng thẳng đến thế. Nếu bản thân tôi không đang lo lắng tột độ, có lẽ tôi sẽ thấy thương mẹ.

Hai mẹ con im lặng hồi lâu. Mẹ lại nhìn ra cửa sổ.

“Vậy ra con là hồng ngọc,” tôi nói. “Đó là loại ngọc màu đỏ, phải không mẹ?”

Mẹ gật đầu.

“Vậy chị Charlotte là ngọc gì?”

“Chẳng là ngọc gì cả,” mẹ nói.

“Mẹ, có phải con có một chị em gái song sinh mà mẹ quên không kể cho con biết?”

Mẹ quay lại mỉm cười. “Không phải đâu cưng ạ.”

“Mẹ có chắc không?”

“Có chứ, tất nhiên là chắc. Mẹ sinh con ra cơ mà, con quên rồi à?”

Có tiếng chân gấp gáp vang lên mơ hồ, mỗi lúc một gần. Mẹ đứng thẳng người, hít một hơi thật sâu. Bác Glenda bước qua cửa vào phòng cùng bà lễ tân đeo kính, theo sau là một ông già béo tròn đầu hói.

Bác Glenda trông rất giận dữ. “Grace! Bà Jenkins bảo cô nói là…”

“Đúng vậy,” mẹ đáp. “Và tôi không có hứng là phí phạm thời gian của Gwendolyn để thuyết phục chị. Tôi muốn gặp ôngVilliers ngay lập tức. Gwendolyn cần được cỗ máy thời gian nhận dạng.”

“Nhưng chuyện này thật đúng là – nực cười!” bác Glenda gần như gào lên. “Charlotte…”

“…vẫn chưa vượt thời gian đúng không?” Mẹ quay sang ông béo đầu hói. “Xin lỗi, tôi biết ông, nhưng lại không thể nào nhớ ra tên ông.”

“George,” người đàn ông đáp. “Thomas Geoger. Còn bà là Grace, con gái út của quý bà Arista. Tôi còn nhớ bà rất rõ.”

“Ông George,” mẹ bảo, “đúng rồi. Tôi vẫn nhớ ông đã tới thăm chúng tôi ở Durham sau khi Gwendolyn chào đời. Đây là Gwendolyn, viên hồng ngọc mà các người còn thiếu.”

“Không thể nào!” bác Glenda rít lên. “Hoàn toàn không thể thế được! Gwendolyn sinh vào ngày khác cơ mà. Mà dù gì thì nó cũng đẻ non mất hai tháng và kém phát triển. Ông nhìn nó mà xem.”

Không đợi bác phải giục, ông George quan sát tôi bằng cặp mắt xanh xám thân thiện. Tôi cố nhìn đáp lại một cách bình thản như có thể và che giấu nỗi bất bình. Một con bé đẻ non kém phát triển! Có lẽ đầu óc bác Glenda có vấn đề! Tôi cao gần một mét bảy và mặc áo ngực cup B, thậm chí có xu hướng xông xênh tiến lên C.

“Hôm qua con bé đã vượt qua thời gian lần đầu tiên,” mẹ bảo. “Tôi chỉ không muốn có chuyện gì xảy đến với nó. Mỗi cuộc vượt thời gian không kiểm soát là một lần gia tăng nguy cơ.”

S’TENT

Bác Glenda phá lên cười hằn học. “Ai mà tin được cơ chứ. Chắc lại là một cố gắng thảm hại để đánh bóng tên tuổi.”

“Chị im đi được không, Glenda! Tôi không mong gì hơn là tránh xa chuyện này và nhường cho Charlotte nhà chị vai trò vật thể nghiên cứu của đám khoa học gia giả hiệu nghiện món tâm linh và một lũ cuồng tín muốn tỏ ra nguy hiểm! Nhưng không phải Charlotte, mà Gwendolyn mới là người thừa hưởng cái gien chết tiệt này!” Ánh mắt mẹ đầy căm giận và khinh bỉ. Đây cũng là một nét hoàn toàn mới của mẹ mà tôi chưa từng biết.

Ông Geogre khẽ cười. “Quan điểm của bà Shepherd về chúng tôi không được tích cực cho lắm.”

Mẹ nhún vai.

“Không, không, không!” Bác Glenda ngồi phịch xuống ghế. “Tôi không muốn nghe câu chuyện vớ vẩn này thêm phút nào nữa. Con bé thậm chí còn sinh không đúng ngày. Lại còn đẻ non nữa chứ!”. Rõ ràng bác đặc biệt chú trọng chi tiết đẻ non.

Bà Jenkins thì thào: “Tôi lấy trà cho bà nhé, bà Montrose?”

“Bà làm ơn để cho tôi yên với món trà của bà,” bác Glenda vặc lại.

“Có ai muốn uống trà không ạ?”

“Không, cảm ơn bà,” tôi đáp.

Trong lúc đó ông George vẫn chăm chú quan sát tôi bằng đôi mắt xanh xám. “Gwendolyn. Vậy là cháu đã từng vượt thời gian?”

Tôi gật đầu.

“Đến đâu, nếu ta được phép hỏi?”

“Tới đúng nơi mà cháu đã đến,” tôi đáp.

Ông George mỉm cười. “Ý ta là cháu đi đến thời đại nào?”

“Cháu không biết,” tôi làu bàu. “Không thấy số năm ghi ở bất cứ đâu. Và cũng không ai muốn nói cho cháu biết. Ông nghe này! Cháu không muốn thế này đâu! Cháu chỉ muốn ngừng chuyện này lại. Ông có thể làm nó ngừng lại không?”

Ông George không trả lời. “Gwendolyn sinh ra sớm hơn hai tháng so với ngày được tính toán,” ông nói bâng quơ. “Vào ngày 8 tháng Mười. chính tôi đã đích thân kiểm tra giấy khai sinh và sổ lưu trữ hộ tịch. Và tôi cũng kiểm tra cả con bé nữa.”

Tôi thử hình dung xem người ta có thể kiểm tra gì ở một đứa trẻ sơ sinh. Để xem nó có thật không?

“Con bé được sinh từ tối ngày 7 tháng Mười,” giọng mẹ run run. “Chúng tôi đã mua chuộc bà đỡ để lùi thêm vài tiếng đồng hồ trên giấy khai sinh.”

“Nhưng tại sao?” Có vẻ ông George cũng không hiểu gì, giống tôi.

“Bởi vì… sau những chuyện xảy ra với Lucy, tôi muốn tránh cho con tôi những chuyện mệt mỏi này. Tôi muốn bảo vệ nó,” mẹ bảo. “Và tôi đã hy vọng có thể con bé không thừa kế gien ấy, mà chỉ đơn giản tình cờ sinh trùng ngày với người mang gien thực sự. Vì rốt cuộc thì chị Glenda cũng sinh Charlotte mà mọi người gửi gắm mọi hy vọng…”

“Cô đừng bịa chuyện!” bác Glenda kêu lên. “Tất cả đều là chủ định hết! Lẽ ra con cô mãi tới tháng Mười hai mới ra đời, nhưng cô đã tác động đến qúa trình mang thai và mạo hiểm sinh non cho cùng ngày với tôi. Nhưng không thành! Con gái cô mãi tới hôm sau mới ra đời. Hồi đó tôi đã phì cười khi nghe được chuyện này.”

“Cũng tương đối dễ chứng minh chuyện này,” ông George nói.

“Tôi không còn nhớ họ bà đỡ,” mẹ nói nhanh. “Tôi chỉ nhớ tên riêng bà ấy là Dawn. Nhưng điều này cũng hoàn toàn không quan trọng.”

“Ha!” bác Glenda nói. “Nếu là cô thì tôi cũng sẽ nói thể.”

“Chắc chắn chúng ta còn lưu lại tên họ và địa chỉ bà đỡ trong hồ sơ,” ông Geogre quay sang bà Jenkins. “Tìm ra bà ấy rất quan trọng.”

“Không cần đâu,” mẹ nói. “Ông làm ơn đừng lôi người đàn bà đáng thương ấy vào cuộc. Bà ấy cũng chỉ nhận chút tiền của chúng tôi thôi.”

“Chúng tôi chỉ muốn hỏi bà ấy vài điều,” ông George bảo. “Bà Jenkins, bà làm ơn tìm ra nơi bà ấy hiện đang sống.”

“Tôi làm ngay đây,” bà Jenkins lại biến mất sau cánh cửa phụ.

“Còn ai biết chuyện này nữa?” ông George hỏi.

“Chỉ có chồng tôi,” giọng mẹ vừa đắc thắng. “Mà chồng tôi thì ông không thể hỏi cung được nữa. Tiếc là ông ấy đã qua đời.”

“Tôi biết,” ông George bảo. “Ung thư máu, đúng không ạ? Thật bi thảm.” Ông bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. “Chuyện này bắt đầu từ lúc nào?”

“Đã ba lần trong vòng hai mươi tiếng đồng hồ,” mẹ bảo. “Tôi lo cho con bé quá.”

“Đã ba lần rồi!” Ông George khựng lại. “Thế lần cuối là lúc nào?”

“Cách đây độ một tiếng,” tôi nói. “Cháu nghĩ vậy.” Từ khi những sự kiện này đan xen chồng chéo lên nhau, tôi mất hết cảm giác về thời gian.

“Thế thì chúng ta còn một chút thời gian để chuẩn bị.”

“Ông không tin vào chuyện này chứ,” bác Glenda bảo. “Ông George! Ông cũng biết Charlotte mà. Và ông thử nhìn con bé này, thử so sánh với Charlotte nhà tôi đi. Ông thật sự cho rằng người đứng trước mặt ông là số Mười hai? Hồng ngọc sở hữu phép thuật của loài quạ, dùng cung Sol trưởng kết lại vòng tròn Hội Thập Nhị. Ông tin điều này sao?”

“Ừm, dù sao đây cũng là một khả năng,” ông George nói. “Ngay cả khi động cơ của bà, thưa bà Shepherd, còn hơn cả đáng ngờ,”

“Đấy là vấn đề của ông,” mẹ nói giọng bất cần.

“Nếu cô thực sự muốn bảo vệ con mình trong suốt những năm qua, lẽ ra cô không được phép im lặng. Vượt thời gian mà không hề được chuẩn bị gì thì rất nguy hiềm.”

Mẹ mím môi. “Vì tôi vẫn hy vọng Charlotte mới chính là người…”

“Và nó mới chính là người được chọn!” bác Glenda rít lên. “Từ hai hôm nay con bé đã có dấu hiệu rất rõ ràng. Chuyện đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và biết đâu lại ngay lúc này, trong khi chúng ta đang uổng phí thời gian để nghe câu chuyện cực kì bỉ ổi từ miệng con em ghen ăn tức ở của tôi.”

“Có lẽ đôi khi chị nên thử sử dụng cái bộ óc bã đậu của chị một lần xem sao, chị Glenda?” mẹ nói. Bỗng nhiên giọng mẹ chùng xuống mệt mỏi. “Chúng tôi bịa ra chuyện này làm gì? Ngoài chị ra, còn ai tự nguyện đẩy con gái mình vào tình cảnh này?”

“Tôi nhất định đòi…” bác Glenda bỏ lửng điều bác nhất định đòi. “Chuyện dối trá độc địa này rồi cũng sẽ bị lật tẩy cho xem. Đã từng có vụ chọc phá tương tự, và ông biết kết cục ra sao rồi đấy, ông George. Còn bây giờ đã gần đến đích, chúng ta không thể để xảy ra bất cứ sai sót nào nữa.”

“Tôi cho rằng chúng ta không có quyền quyết định,” ông George nói. “Bà Shepherd, bà làm ơn đi theo tôi. Cả cháu nữa, Gwendolyn.” Ông mỉm cười nói thêm: “Cháu đừng sợ, đám khoa học gia giả hiệu nghiện món tâm linh và lũ cuồng tín muốn tỏ ra nguy hiểm sẽ không xé xác cháu đâu.”

***********************

Hỡi thời gian, răng hổ già hãy bẻ,

Hãy dập vùi xuống đất chúa sơn lâm,

Hãy thiêu cháy phượng hoàng trong trứng mẹ.

Hãy dùng cưa cưa vuốt báo đang gầm.

William Shakespeare, Sonnet số XIX

Bình luận