Vào một đêm cuối tháng Ba, vầng trăng lưỡi liềm cong cong trong trẻo, nằm vắt ngang trên bầu trời đêm đen thẫm trông như một giọt mực bạc vừa rơi ra từ đầu cây bút lông, yên tĩnh mà trầm hương. Một rừng Hải Đường nở rộ cũng không chống cự nổi màn đêm đen u ám kia, đã chìm vào giấc ngủ say nồng từ lâu.
Gió đêm thổi nhẹ, xa xa thấp thoáng một đốm sáng ấm áp càng lúc càng gần, tựa như một cánh hoa cúc trôi nổi trên mặt biển sâu. Đốm sáng lướt tới gần cây liễu, hóa ra chỉ là một chiếc đèn lồng bằng tơ lụa, bóng người sắc cam tay cầm đèn ở chính giữa vầng sáng, nhìn tổng thể một lượt, thì ra chỉ là một tiểu đồng tóc để trái đào, đôi mắt tựa trăng rằm, môi hồng răng trắng, trong trẻo rực rỡ, cho đến nay, cả vầng trăng độc nhất trên trời dưới đất kia cũng không thể sánh được.
Tiểu đồng nọ xoay người ngồi xổm bên gốc cây Hải Đường, buông đèn lồng, một tay nâng chạc cây không biết bị gãy tự lúc nào, tay kia lấy từ trong người một dải lụa tơ tằm trắng như tuyết quấn cố định quanh nhánh cây, lặp đi lặp lại đến khi như ý mới yên lòng thả tay ra. Xoay người nhìn tầng tầng hoa rơi, đôi mày thanh tú chau lại, vài phần không đành lòng. Vừa định cầm chuôi đèn rời đi, lại thấy một góc vàng nhạt thấp thoáng lộ ra giữa những cánh hoa đỏ tươi, hình như là một vật tròn tròn, trăng mờ đèn tối, từ xa cũng không rõ là cái gì.
Tiểu đồng cảm thấy có chút kì dị, nhưng không hoảng sợ, tay cầm đèn tiến lại định xem cho kỹ. Phủi sạch lớp hoa rơi, thì thấy một bọc tã bừa bộn, sắc vàng thoáng qua hồi nãy là màu của vải bọc, đứa nhỏ bên trong hai mắt nhắm chặt, nếu không có vết máu ngoằn ngoèo nổi bật trên khóe miệng, vẻ an tường tĩnh lặng kia nhất định sẽ khiến người khác tưởng nhầm nó đang phiêu du trong cõi mộng ngọt ngào.
Tiểu đồng kinh hãi, vội đưa tay tới gần mũi đứa trẻ, hơi thở yếu ớt như có như không. Tiểu đồng gấp đến độ bất chấp vóc người nhỏ thó của mình, ôm lấy hài nhi buông chiếc đèn lồng loạng choạng chạy đến căn nhà ngói tường trắng phía ngoài rừng.
Lùm lùm Hải Đường phía sau giật mình tỉnh giấc. Gió đêm như than thở, không ai biết đóa Hải Đường chớm xuân bao giờ nở rộ, giống như không ai biết sợi dây số phận bao giờ mở ra.
“Sư phụ! Sư phụ!”. Tiếng hô hoán vội vã cùng tiếng bước chân hoảng loạn bên ngoài hành lang truyền vào, người trong phòng đang khêu đèn lại tựa không nghe thấy, chuyên chú vào chiếc hộp trong tay, ánh mắt chưa rời khỏi nửa phân. Đợi tiểu đồng đạp cửa xông vào quỳ trước người khoảng nửa nén hương, mới khẽ hé mi, buông điển tịch, lộ ra khuôn mặt đạo cốt tiên phong (1), hạc phát đồng nhan (2), khó mà phân biệt tuổi tác.
(1) cốt cách như tiên.
(2) tóc trắng như lông hạc, mặt hồng tựa trẻ con.
“Có chuyện gì hoảng hốt vậy?”. Thanh âm êm dịu tựa rượu cốt nguyên chất, nhỏ giọt róc rách.
“Đệ tử vừa tìm thấy tiểu oa nhi này trong rừng, khẩn cầu sư phụ cứu tính mệnh của nó”. Tiểu đồng thấy hơi thở đứa bé ngày một yếu ớt, cảm giác như chính mình bị như vậy, môi tái nhợt đi, sắc mặt hiện rõ vẻ lo lắng đau khổ.
Lão thần tiên trong tay cầm một chuỗi hạt châu, bình tâm tĩnh khí niệm từng hạt từng hạt: “Đây cũng không phải là tiểu oa nhi gì cả, mà là một cánh hoa sen trước đây Phật tổ từng tọa (ngồi), nhập lầm vào nhân quả chuyển thế luân bàn, đèn dẫn bị tắt, do vậy, mới từ trong khe hở của ánh sáng rơi nhầm vào tam đảo thập châu của chúng ta. Nguyên thần của nó vốn nên tiêu biến, nếu gắng kéo hồn phách lại… Lạc Lâm à, con từ bi thế gian vạn vật, cần biết vạn vật đều có cách thức tự nhiên của nó, cơ duyên do ý trời, nghịch lại tất tạo nghiệt.”
“Sư phụ, nếu có thể giữ lại nguyên hồn của oa nhi, đệ tử nguyện gánh kết cục phản phệ này”. Từng giọt nước mắt trong vắt lăn dài trên gò má tiểu đồng, như bàn thạch không thể lay chuyển.
Lão thần tiên nhắm mắt thở dài.
Ngày tháng tựa cánh hoa rơi rụng, tản mát cả vạn năm chưa từng ngủ.
Một vạn năm, nữ hài trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, tiểu đồng biến thành một thiếu niên xuất sắc.
Giang Nam sinh tử mộc (cây Thị), hoa thơm nở rực trời. Y gọi nàng là – Tử Phân (Hương hoa Thị)
Thiên Nguyên thứ tám vạn sáu nghìn (86000), tam đảo thập châu Huyền Linh Đẩu Mẫu Nguyên Quân viên tịch, lưu lại hai đệ tử, đại đệ tử điều Thủy, mạt (út) đệ tử quản Hoa. Thuỷ thần Lạc Lâm Quân, tướng mạo kinh hồng nhạn, lòng thương cả thiên hạ, lục giới đều biết. Hoa thần Tử Phân, ngoại giới truyền nhau dung mạo tựa thiên tiên, lại thanh lãnh tránh đời, tính tình lãnh đạm, người vô duyên há có thể nhìn thấy.
Hết thảy cố sự trên đời, chẳng ngoài sinh, ly, tử, biệt. Người đời dây dưa ân oán, chỉ là yêu, hận, tình, cừu.
Vì sao yêu? Cớ gì hận?
Người người nói: Sợ nhất tình thâm duyên cạn, hữu duyên vô phận.
Nào biết được, tình nhạt duyên sâu, dây dưa dằn vặt mới là ma yểm.
Thiên Nguyên thứ mười một vạn tám nghìn bốn trăm (118400), thái tử Thiên Giới một hôm nằm mộng nhập sâu vào hư cảnh, bên hồ sen lúc ẩn lúc hiện, nhìn thấy một nữ tử bước đi trên đường mùi hương man mác, bộ diêu sinh hoa (*), lúc nàng quay đầu lại, thiên địa thất sắc, kinh vi thiên nhân, lập tức sinh lòng ái mộ, thề trên trời dưới đất nhất định phải tìm được nàng.
(*) Bước đi hoa nở, tỏa hương thơm.
Một hôm, thái tử Thiên Giới chợt bước vào thế tục phàm trần, chính vào tiết Lập Xuân trong hai mươi bốn tiết. Trên đường, đi ngang qua một khu vườn nhỏ, chợt nghe thấy tiếng đàn sáo khoan thai truyền đến. Tuy mùa xuân tiết hàn se lạnh, song bách hoa trong vườn đã được phục sinh, tức thì sinh ra chút hứng thú, dừng bước tiến vào vườn.
Dưới gốc đào giữa vườn, vài ba nhạc công đang tấu đàn sáo, hai diễn viên một đào một kép phất ống tay áo bay lên lượn xuống. Lời ca thanh tao thoát tục, xuân tình trầm bổng lan tỏa khắp khu vườn, đúng là “Không đến lâm viên, sao biết xuân sắc thế nào?”
Song, tuy đào diễm khúc miên (cảnh đẹp nhạc hay), cũng không sánh bằng một dáng người thướt tha đứng lặng im trong một góc hí viện. Người này không phải ai khác, chính là Hoa thần Tử Phân hạ phàm, bị lời hát thu hút mà dừng chân nơi này để mà thưởng thức.
Tiểu sinh (vai kép) hát: “Thật trùng hợp trong hoa viên này, có hàng hàng liễu rũ. Tiểu thư à, nàng đã thông thuộc thi thư, sao không làm một bài thơ tả cảnh đẹp của cây liễu?”
Hoa đán (vai đào) lăng hoa che nửa mặt: “Tiểu sinh vốn không quen biết, hà cớ gì đến đây?”
Một đào một kép ánh mắt đong đưa lúng liếng.
Thật đúng là đạp phá thiết hài vô mịch xử (*), thái tử liếc thấy người trong mộng, trong lòng vui buồn lẫn lộn. Vui vì giai nhân không phải là hư ảo, vả lại còn là bộ tộc thần tiên, buồn vì giai nhân chính là Hoa thần lãnh đạm quạnh quẽ mà lục giới truyền nhau, nếu muốn có được phương tâm (tâm hồn thiếu nữ), e là không dễ.
(*) Nguyên văn: đạp phát thiết hài vô mịch xử, đắc lai toàn bất phí công phu: tìm kiếm mỏi mòn không thấy bóng, chẳng tốn sức gì lại tìm ra.
Côn khúc trong hí viện lưu luyến, lời ca sướt mướt vẫn còn vang, nhưng cả đám người phàm nhân xướng khúc lại không hề biết rằng, một đoạn hát trong trẻo véo von của họ cuối cùng đã tác thành cho một đoạn nhân duyên thần tiên quyến luyến.
Ngày hôm sau, Thiên Giới đãi tiệc chư tiên, toàn bộ thần tiên trên trời dưới đất đều được mời đến, Hoa thần đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Giữa tiệc, bỗng dựng lên một hí đài (sân khấu kịch), phỏng theo vở kịch mà phàm nhân kia đã hát. Chúng thần thấy mới lạ, cùng ngừng trò chuyện, nín thở lắng nghe. Khúc ca bắt đầu, Hoa thần dưới đài cảm thấy có chút quen tai, để ý kỹ lại, chính là khúc hát nghe được dưới trần thế hôm qua, không khỏi có chút hiếu kỳ, vừa ngẩng đầu nhìn lên, liền đối diện ngay một đôi mắt chan chứa tình cảm của một người trên đài.
Để lấy lòng giai nhân, thái tử Thiên Giới thấy Hoa thần thích nghe Côn khúc của nhân gian, liền học hát suốt đêm, mong sao nhờ khúc hát đưa tình để có được một ánh nhìn của giai nhân.
Trong làn điệu uyển chuyển, có câu: “Nguyên lai xá tử yên hồng khai biến, tự giá bàn đô phó dữ đoạn tỉnh đồi viên. Lương thần mỹ cảnh nại hà thiên, thưởng tâm nhạc sự thùy gia viện! Triêu phi mộ quyển, vân hà thúy hiên; vũ ti phong phiến, yên ba họa thuyền – cẩm bình nhân thắc khán đích giá thiều quang tiện!”
Sau đó, thái tử Thiên Giới dùng lời hát thay lời mời, dần dần mời được Hoa thần lên Thiên Giới nghe hát, trong kịch hai người thành đôi, tình ý tuôn trào, Côn khúc vốn quyến luyến, chuyên thiên về tình, vốn là “sự tình” kinh qua một câu hát cũng trở thành “chuyện tình”. Hơn nữa, ngày thường thái tử hữu lễ tương đãi, thâm tình chân thành, Hoa thần vốn giao thiệp không nhiều, tâm tư đơn thuần, năm rộng tháng dài, sao không lọt bẫy.
Ai mà chẳng biết những ca từ trong thiên hạ này đều là những câu chuyện thần thoại mỹ lệ mà nam tử viết cho nữ tử. Khởi đầu lãng mạn, kết thúc mỹ mãn, lừa được nữ tử thiên hạ tin vào ái tình, tin vào định mệnh.
Nàng vốn lòng theo Phật, phàm trần bất nhiễu, thế sự với nàng đều vô tri. Y vốn Vương hầu cao ngạo, phong lưu đa tình, năm rộng tháng dài, há có thể tin.
Một khi đã bước chân vào hồng trần, hết thảy duyên số đều sai, sai, sai hết!