VUA MỘT NGÀY
Thực tại ở New York
quá hùng mạnh khiến cho quá khứ phải biến mất.
JOHN JAY CHAPMAN
10:30 PM thứ Sáu đến 3:30 PM thứ Bảy
Cô chỉ muốn ngủ.
Máy bay hạ cánh chậm hai tiếng và hành khách xếp hàng dài dằng dặc để đợi lấy hành lý. Xe phục vụ đưa đón họ đã về được một tiếng. Còn bây giờ họ đang đợi taxi.
Cô đứng trong hàng người, thân hình mảnh dẻ nghiêng đi dưới sức nặng của chiếc máy tính xách tay. John đang huyên thuyên về lãi suất và những cách thức điều chỉnh hợp đồng, nhưng tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là 10:30 thứ Sáu, mình muốn ráo mồ hôi và ăn uống gì đấy.
Nhìn vào dòng chảy vô tận của những chiếc Yellow Cab. Có điều gì đó ở màu sắc và sự giống nhau của những chiếc xe gợi cho cô nhớ tới bọn côn trùng. Cô rùng mình vì cảm giác bò trườn ghê sợ mà cô vẫn nhớ từ hồi còn bé ở trên núi, khi cô và anh trai nhìn thấy một con lửng gan dạ bị giết hay đang cố kháng cự lại tổ kiến lửa đỏ, cô đã nhìn chằm chằm vào một khối chân cẳng và thân thể ẩm ướt, quằn quại.
T.J. Colfax lê chân về phía trước khi chiếc taxi tạt vào lề đường và phanh kít lại.
Người lái xe mở cốp nhưng vẫn ngồi trong xe. Họ phải tự xếp đồ, việc đó làm John khó chịu. Anh đã quen được người khác làm cho mọi thứ. Tammie Jean không quan tâm; đôi khi cô vẫn ngạc nhiên vì thấy mình có thư ký đánh máy và lập hồ sơ giúp. Cô ném vali vào cốp xe, đóng lại và trèo vào trong xe.
John vào sau cô, sập cửa, nhăn bộ mặt béo phị vào cái đầu hói của anh ta, cứ như nỗ lực cho cái túi đựng bộ vét của anh ta vào cốp xe đã làm anh ta kiệt sức.
“Đến Bảy mươi hai Đông trước”, John lầm bầm qua lớp kính chắn.
“Sau đó đến Upper West Side[1]”, T.J. nói thêm. Lớp kính chắn Plexi giữa hàng ghế đầu và hàng ghế sau xước xát đến mức cô gần như không thấy người tài xế.
Chiếc taxi lao bắn khỏi vỉa hè và nhanh chóng chạy trên đường cao tốc hướng về phía Manhattan.
“Xem kìa”, John nói, “kia là lý do tại sao lại đông người đến thế”.
Anh chỉ vào một bảng quảng cáo chào mừng các đoàn đại biểu đến dự hội nghị hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Sẽ có khoảng mười nghìn khách đến thành phố. T.J. ngước nhìn tấm bảng – những người da đen, da trắng và châu Á, vẫy tay và tươi cười. Tuy vậy vẫn có điều gì đó không ổn trong bức tranh. Tỷ lệ và màu sắc đã bị phai. Các khuôn mặt trông có vẻ nhợt nhạt.
T.J. nói thầm: “Bọn ba bị.”
Họ chạy trên con đường cao tốc rộng rãi, trông bóng loáng và có màu vàng không dễ chịu dưới ánh sáng đèn đường. Chạy qua khu Cảng Hải quân cũ, qua những chiếc cầu cảng của Brooklyn.
Cuối cùng John cũng ngừng nói, lôi chiếc Texas Instruments ra và bắt đầu gõ. T.J. dựa lưng vào ghế, nhìn sang vỉa hè bốc khói và những khuôn mặt buồn thảm của những người ngồi trên các bậu cửa đá nâu trông ra đường. Họ hình như đã bị hôn mê trong cái nóng.
Trong xe nóng bức nên T.J. thò tay bấm nút mở cửa sổ. Cô không ngạc nhiên khi thấy cửa kính xe không mở được. Cô vươn qua người John. Cửa sổ bên anh cũng hỏng. Và đó là lúc cô nhận thấy xe không có khoá cửa.
Cả tay nắm cửa cũng không có.
Tay cô lần tìm nút tay nắm cửa. Chẳng có gì – cứ như ai đó đã cắt nó đi bằng cưa máy.
“Gì vậy?” John hỏi.
“À, cánh cửa… Ta mở cửa thế nào bây giờ?”
John nhìn từng cánh cửa khi biển hiệu Đường hầm Midtown xuất hiện rồi biến mất.
“Này!” John gõ vào tấm kính chắn. “Ông lỡ mất chỗ rẽ rồi. Chúng ta đang đi đâu thế này?”
“Có lẽ ông ta định qua Queensboro”, T.J. nói. Qua cầu đường sẽ dài hơn nhưng không phải trả phí qua hầm. Cô ngồi dịch lên và gõ nhẫn vào tấm kính Plexi.
“Ông định qua cầu đấy à?”
Người lái xe lờ đi.
“Này!”
Ngay sau đó họ qua chỗ rẽ Queensboro.
“Chết tiệt”, John hét lên. “Ông định đưa chúng tôi đi đâu? Harlem. Tôi cá là hắn ta định đưa chúng ta đến Harlem.”
T.J. nhìn ra ngoài cửa sổ. Một chiếc xe đang chạy song song với họ và chậm rãi vượt lên. Cô đập thật mạnh vào cửa sổ.
“Cứu!” Cô gào to. “Làm ơn đi…”
Người lái xe liếc cô một lần, rồi lần nữa, vẻ không bằng lòng. Anh ta giảm tốc độ và lùi lại sau họ nhưng chiếc taxi đã đột ngột quặt vào đường nhánh xuống Queens, vòng vào một con phố và chạy dọc theo một khu nhà kho trống trải. Có lẽ họ đã phải chạy với tốc độ hơn sáu mươi dặm[2] một giờ.
“Ông đang làm cái trò gì thế?”
T.J. đập vào tấm kính chắn. “Chạy chậm lại. Chúng ta đang ở đâu?”
“Ôi, trời ơi, không”, John thì thầm. “Nhìn kìa.”
Người tài xế đã đeo một chiếc mặt nạ trượt tuyết.
“Ông muốn gì?” T.J. hét lên.
“Tiền à? Chúng tôi sẽ đưa tiền cho ông.”
Nhưng phía trước xe vẫn im lặng.
T.J. mở tung chiếc túi hiệu Targus của cô và lôi chiếc máy tính xách tay màu đen ra. Cô ngả người về phía sau và phang góc máy tính vào cửa sổ. Kính vẫn còn nguyên vẹn mặc dù tiếng đập có vẻ đã làm người tài xế hết hồn. Chiếc taxi đổi hướng và suýt đâm vào bức tường của toà nhà họ vừa chạy qua.
“Tiền? Bao nhiêu? Tôi sẽ đưa cho ông rất nhiều tiền!” John lắp bắp, nước mắt rơi lã chã xuống hai cái má béo phị của anh ta.
T.J phang máy tính vào cửa sổ thêm một lần nữa. Cú phang mạnh đến nỗi màn hình bắn ra nhưng cửa sổ vẫn y nguyên.
Cô thử lại lần nữa, thân máy tính mở tung và rơi khỏi tay cô.
“Mẹ kiếp…”
Cả hai lao mạnh về phía trước khi chiếc xe trượt bánh trên đường và dừng lại trên một ngõ cụt tăm tối, bẩn thỉu.
Người lái xe chui ra khỏi xe, trong tay hắn là một khẩu súng lục nhỏ.
“Đừng, xin ông”, cô van xin.
Hắn ta đi ra phía sau xe và cúi người xuống, nhìn qua lớp kính bị trầy xước. Hắn đứng đó khá lâu trong khi cô và John lùi lại phía sau, dựa vào cánh cửa đối diện, thân thể đầm mồ hôi của họ dán vào nhau. Người tài xế khum tay che ánh đèn đường và nhìn họ thật gần.
Bất ngờ có tiếng nổ vang rền trong không trung. T.J. co rúm người. John thét lên một tiếng.
Phía xa, đằng sau người lái xe, bầu trời tràn ngập những chấm lửa xanh đỏ. Lại có thêm những tiếng nổ và tiếng rít. Hắn ta quay lại và nhìn lên trong khi một con nhện khổng lồ màu da cam đang trải mình phía bên trên thành phố.
Pháo hoa, T.J. nhớ lại tờ Thời báo: Món quà của Thị trưởng và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho các đoàn đại biểu, chào mừng họ tới thành phố vĩ đại nhất thế giới.
Người lái xe quay lại chiếc taxi. Hắn ta kéo tay nắm cửa với một tiếng động lớn và từ từ mở cửa.
Một cuộc gọi nặc danh. Như mọi khi
Như thế thì chẳng có cách gì kiểm tra xem người báo tin có định nói về khu đất hoang nào. Trung tâm gọi đến: “Anh ta nói Ba mươi bảy gần Mười một. Chỉ có thế thôi.”
Những người báo tin thường không biết rõ hướng tới hiện tượng vụ án.
Đã toát mồ hôi mặc dù lúc này mới có chín giờ sáng, Amelia Sachs đẩy một bệ cỏ cao. Cô đang tìm theo vạch – cách gọi của những người làm việc tại hiện trường vụ án – một sơ đồ hình chữ S. Chẳng có gì. Cô nghiêng đầu nói vào cái mic kẹp trên ve bộ đồng phục màu xanh hải quân của cô.
“5885. Không tìm thấy gì, thưa Trung tâm. Các anh có yêu cầu gì thêm không?”
Người trực tổng đài nói qua tiếng lẹt xẹt tĩnh điện: “Không cần gì tại đó nữa, 5885. Nhưng có một điều… người báo tin nói anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Nghe rõ.”
“Trung tâm, xin nhắc lại.”
“Người báo tin này nói anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Vì lợi ích của chính nạn nhân. Nghe rõ.”
“Nghe rõ.”
Hy vọng nạn nhân đã chết?
Sachs leo qua một dây xích rũ xuống và tìm một khoảng trống khác. Không có gì.
Cô muốn bỏ cuộc. Gọi đến 10-90, báo cáo vô căn cứ, và quay trở lại với Deuce, khu tuần tra thường xuyên của cô. Đầu gối cô bị đau và cô đang nóng như bị hầm trong cái thời tiết tháng Tám tệ hại này. Cô muốn lẻn vào Ban quản lí Cảng, nói chuyện với các chàng trai và uống một hộp trà đá Arizona. Sau đó, lúc 11:30 – chỉ cách đó một, hai giờ đồng hồ – cô có thể đã dọn dẹp tủ đồ đạc của mình ở Nam Midtown[3] và chuẩn bị đi tập.
Nhưng cô không, không thể thì đúng hơn, bỏ qua cuộc gọi này. Cô tiếp tục đi: dọc theo vỉa hè nóng bức, qua khoảng trống giữa hai khu đất hoang và một khu vườn nhiều cây cối khác.
Ngón tay trỏ rất dài của cô thọc vào chiếc mũ đồng phục đỉnh phẳng, qua những lớp tóc đỏ dày được búi cao trên đầu. Cô gãi mạnh khi chạm đến phía dưới chiếc mũ, rồi gãi thêm một lúc nữa. Mồ hôi chảy dọc trán cô buồn buồn và cô gãi lông mày.
Suy nghĩ: Hai giờ cuối cùng của mình ngoài phố. Mình chịu được.
Khi Sachs đi sâu hơn vào bụi cây, cô cảm thấy sự bất ổn đầu tiên trong buổi sáng hôm nay.
Ai đó đang nhìn mình.
Gió nóng thổi xào xạc trên những bụi cây khô, xe hơi và xe tải ầm ĩ qua lại Đường hầm Lincoln. Cô nghĩ tới điều mà một sĩ quan tuần tra thường làm: thành phố này quá ầm ĩ đến mức ai đó có thể lẻn tới sau mình, trong tầm dao, mà mình không hề hay biết.
Hoặc phóng ra những tia nhìn thép chiếu vào lưng mình…
Cô quay lại thật nhanh.
Chẳng có gì ngoài những chiếc lá, những cỗ máy rì rầm và rác rưởi. Trèo lên một đống đá, mặt mũi cau có. Amelia Sachs – ba mươi mốt tuổi – gần được ba mươi mốt, mẹ cô chắc sẽ nói thế – đã bị viêm khớp. Cô được thừa kế chứng bệnh đó từ ông ngoại, cũng rõ ràng như cô đã nhận được thân hình mảnh dẻ từ mẹ, vẻ ngoài xinh đẹp cũng như sự nghiệp từ cha (màu tóc đỏ thì tuỳ theo suy đoán của mọi người). Lại thêm một cơn đau nhói khi cô đi qua một bức rèm được tạo thành từ các bụi cây chết khô cao ngất. Cô may mắn dừng lại khi chỉ cách cái vách sâu ba mươi feet[4] đúng một bước chân.
Phía dưới cô là một cái khe tối tăm – cắt sâu xuống nền đá của West Side. Chạy qua đó là đường sắt Amtrak cho những đoàn tàu đi lên phía bắc.
Cô hé mắt, liếc nhìn đáy khe cách không xa nền đường sắt.
Cái gì thế?
Một vòng tròn đất mới lật, một nhánh cây nhỏ cắm bên trên? Trông nó giống như…
Ôi! Lạy chúa!
Một cảnh tượng làm cô rùng mình. Cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên, châm vào da của cô như một làn sóng lửa. Cô kìm nén được cái phần nhỏ nhoi trong cô, cô muốn quay đi chỗ khác và làm ra vẻ như mình chưa hề trông thấy gì.
Anh ta hi vọng nạn nhân đã chết. Vì chính nạn nhân.
Cô chạy theo chiếc cầu thang sắt dẫn tới vỉa hè xuống phía dưới nền đường. Cô vươn tay và định bám vào tay vịn cầu thang nhưng cô đã kịp dừng lại. Khốn kiếp. Thủ phạm có thể tẩu thoát theo đường này. Nếu chạm vào đó, cô có thể xoá mất dấu tay hắn để lại. Được, ta làm cách khó vậy. Thở thật sâu để nén cơn đau khớp, cô bắt đầu trèo xuống theo mặt đá, cố lùa đôi giày mới của cô – đôi giày được đánh bóng như gương cho ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới – vào những khe đá nứt. Cô nhảy từ độ cao bốn feet xuống nền đường và chạy tới nấm mồ.
“Ôi, trời…”
Đó không phải là một nhánh cây nhô lên khỏi mặt đất mà là một cánh tay. Thân thể bị chôn đứng và đất được đắp lên tới cánh tay, cổ tay và bàn tay thò ra ngoài. Cô nhìn chằm chằm vào ngón đeo nhẫn; tất cả thịt đã bị bóc sạch và một chiếc nhẫn kim cương của phụ nữ có hình ly cocktail được lồng vào đoạn xương máu me, trần trụi.
Sachs quỳ xuống và bắt đầu đào.
Cô đào bới làm cho đất bắn tung toé, cô nhận thấy những ngón tay chưa bị cắt trông xiên xẹo và kéo dãn ngoài mức có thể uốn cong. Điều đó nói với cô rằng nạn nhân vẫn còn sống khi bị những xẻng đất cuối cùng hất vào mặt.
Và có thể vẫn còn sống.
Sachs giận dữ đào chỗ đất còn tơi, cắt tay vào mảnh chai, máu đen của cô trộn lẫn với màu đất còn đen hơn. Sau đó, cô đào đến tóc và vầng trán phía dưới, vầng trán đã xanh xám lại vì thiếu oxy. Tiếp tục đào cho tới khi cô có thể nhìn thấy hai con mắt mờ đục và cái miệng đã bị vặn xoắn thành vẻ mặt kinh hoàng khi nạn nhân cố gắng trong một vài giây cuối cùng để ngoi lên khỏi đợt thuỷ triều đất đen.
Không phải là một phụ nữ. Dù tay đeo chiếc nhẫn. Đó là một người đàn ông trên năm mươi tuổi, đậm người. Chết khi đất vùi kín anh ta.
Lùi lại phía sau, cô không thể rời mắt khỏi cái xác chết và suýt vấp phải đường tàu. Cô không thể nghĩ được điều gì khác trong gần một phút. Ngoài việc nếu bị chết như thế thì sẽ ra sao.
Sau đó: Nào, em yêu. Em đã tự dẫn mình đến hiện trường vụ án và em là sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường.
Em biết phải làm gì chứ:
ADAPT
A là Arrest: bắt kẻ tình nghi.
D là Detain: thẩm tra nhân chứng và vật chứng.
A là Assess: đánh giá hiện trường vụ án.
P là….
P là gì nhỉ?
Cô nghiêng đầu nói vào mic. “5885 gọi Trung tâm. Báo cáo tiếp. Tôi gặp 10-29 trên đường tàu hoả ở Đại lộ Ba mươi tám và Mười một. Giết người, nghe rõ. Cần thám tử, CS[5], xe bus, và bác sĩ pháp y. Nghe rõ.”
“Đã rõ, 5885. Nghi phạm đã bị bắt chưa, nghe rõ?”
“Không có nghi phạm.”
“Năm-tám-tám-năm, nghe rõ”
Sachs nhìn chằm chằm vào ngón tay, ngón tay bị lóc thịt đến tận xương. Một chiếc nhẫn không phù hợp. Hai con mắt. Và vẻ mặt nhăn nhúm… Ôi, cái vẻ mặt nhăn nhúm kinh dị này. Cơn rùng mình chạy dọc cơ thể cô. Amelia Sachs đã từng bơi với rắn trong những con sông khi đi nghỉ hè và đã từng huênh hoang một cách chân thực rằng, cô không có vẫn đề gì khi chơi bungee-jumping[6] từ cây cầu cao một trăm feet. Nhưng cứ để cô nghĩ về sự giam cầm… nghĩ tới việc bị rơi vào bẫy, hoàn toàn bất động thì cơn hoảng loạn sẽ tóm lấy cô như bị sốc điện. Đó là lí do vì sao Sachs đi nhanh và lái xe như chớp.
Khi ta di chuyển, chúng không thể bắt được ta…
Cô nghe thấy một tiếng động và ngẩng đầu.
Tiếng ầm ầm, sâu và ngày càng lớn hơn.
Những mẩu giấy vụn bay tung trên đường ray. Những đám bụi bay quanh cô như những con ma giận dữ.
Sau đó là tiếng rền rĩ nhỏ…
Sĩ quan tuần tra Amelia Sachs, chỉ cao một feet chín, thấy mình đang đối diện với một chiếc đầu máy xe lửa nặng ba mươi tấn của Amtrak, một khối sắt đỏ, trắng và xanh đang lao tới với tốc độ mười dặm một giờ.
“Dừng lại ngay!” Cô hét lên.
Người kỹ sư lờ cô đi.
Sachs nhảy vào, đứng ngay giữa đường ray, giạng chân, vẫy tay ra hiệu cho anh ta dừng lại. Chiếc đầu máy kêu rít lên rồi dừng lại. Người kĩ sư thò đầu ra ngoài cửa sổ.
“Anh không đi qua đây được”, cô nói với anh ta.
Anh ta hỏi ý cô là gì. Cô nghĩ anh ta trông quá trẻ để có thể lái đoàn tàu lớn như vậy.
“Đây là hiện trường vụ án. Vui lòng tắt động cơ.”
“Thưa quý cô, tôi không hề nhìn thấy hiện trường vụ án nào cả.”
Nhưng Sachs không nghe. Cô đang nhìn lên khoảng trống trong chuỗi xích bên phía tây của cây cầu tàu phía trên, gần Đại lộ Mười một.
Chỉ có thể có một cách để đưa xác chết đến đây mà không bị phát hiện – đỗ xe ở Đại lộ Mười một và kéo xác qua một con đường hẹp dẫn đến vách đá. Còn trên Đại lộ Ba mươi bảy, chỗ giao lộ, hắn ta có thể bị phát hiện từ hai tá cửa sổ của các căn hộ.
“Đoàn tàu này, thưa ngài. Xin cứ để nó đấy.”
“Tôi không thể để nó ở đây được.”
“Vui lòng tắt động cơ.”
“Chúng tôi không tắt động cơ của những con tàu kiểu này. Lúc nào chúng cũng chạy.”
“Và hãy gọi điện cho điều phối viên. Hay ai đó. Yêu cầu họ dừng cả các đoàn tàu đi về phía nam.”
“Chúng tôi không được làm thế.”
“Ngay bây giờ. Tôi có thể lấy số của chiếc xe đó, được không?”
“Chiếc xe?”
“Tôi khuyên anh nên làm ngay”, Sachs quát.
“Cô định làm gì, thưa quý cô? Gắn phiếu phạt tôi chắc?”
Nhưng Amelia Sachs đã lại trèo lên trên bức tường đá, các khớp xương đáng thương của cô kêu cót két, môi cô cảm thấy vị bụi đá vôi, đất sét và mồ hôi của chính mình. Cô chạy về phía con đường cô vừa nhìn thấy từ dưới kia, sau đó quay lại, nghiên cứu Đại lộ Mười một và Trung tâm Javits ở bên kia đường. Gian đại sảnh đầy người – những người đến xem và báo chí. Một biểu ngữ khổng lồ tuyên bố Chào mừng các đại biểu Liên Hiệp Quốc! Nhưng sáng hôm nay, khi con phố vắng người, tên tội phạm có thể dễ dàng tìm thấy một nơi đỗ xe ở đây là kéo cái xác đến đường ray mà không bị phát hiện. Sachs chạy tới Đại lộ Mười một, nghiên cứu đại lộ sáu làn xe đang tắc nghẽn.
Làm thôi!
Cô khó nhọc vượt qua một biển xe hơi, xe tải và chặn làn đường đi lên phía bắc. Mấy người lái xe cố chạy vớt, cô đã phải xé hai phiếu phạt và sau cùng cô kéo thùng rác ra giữa phố như một chiến lũy để đảm bảo những người dân lương thiện thực hiện nghĩa vụ công dân của họ.
Cuối cùng thì Sachs cũng đã nhớ ra quy tắc tiếp theo trong các quy tắc ADAPT của sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án.
P là Protect: bảo vệ hiện trường vụ án.
m thanh của những chiếc còi xe giận dữ bắt đầu tràn ngập bầu trời buổi sáng mờ sương, sau đó được thay thế bằng những tiếng thét giận dữ hơn của các tài xế. Một lúc sau, cô nghe tiếng còi hụ tham gia ầm ĩ khi những chiếc xe khẩn cấp đầu tiên lao tới.
Bốn mươi phút sau, nơi này tràn ngập cảnh phục và các điều tra viên, có đến vài chục người – đông hơn vụ diễn ra tại Hell’s Kitchen rất nhiều, bất kể là nguyên nhân cái chết có khinh khủng hơn đến mấy. Nhưng Sachs đã học được từ những cảnh sát khác, đây là một vụ nóng, một vụ thu hút báo giới – nạn nhân có thể là một trong những hành khách đến sân bay JFK[7] đêm trước, bắt taxi vào thành phố. Họ có thể không bao giờ về được đến nhà.
“CNN[8] đang theo dõi.” Một người mặc cảnh phục thầm thì.
Vì thế Amelia Sachs không ngạc nhiên khi thấy Vince Peretti tóc vàng, giám đốc IRD[9], bộ phận theo dõi đơn vị hiện trường vụ án, trèo qua hàng rào và dừng lại lúc anh ta phủi bộ vét trị giá cả nghìn đô la của mình.
Cô ngạc nhiên khi thấy anh nhận ra cô và ra hiệu cho cô, một nụ cười giả tạo xuất hiện trên khuôn mặt sắc nét của anh ta. Cô nhận ra rằng cô sẽ nhận được một cái gật đầu cảm ơn về hành động Cliffhanger[10] vừa rồi. Bảo vệ dấu tay trên cái cầu thang đó, các chàng trai. Có thể sẽ có cả khen ngợi. Trong giờ tuần tra cuối cùng của ngày làm việc cuối cùng ở Đội Tuần tra. Ra đi với ánh hào quang của sự vẻ vang.
Anh ta nhìn cô từ trên xuống dưới. “Sĩ quan tuần tra, cô không phải là lính mới, đúng không? Giả định của tôi đúng chứ?”
“Tôi xin lỗi, thưa ngài?”
“Cô chắc không phải lính mới, tôi giả định thế.”
Cô không phải lính mới, không tuân theo quy tắc, mặc dù cô mới có ba năm phục vụ, khác với hầu hết các sĩ quan tuần tra khác ở độ tuổi cô; họ đã có chín hay mười năm phục vụ. Sachs bị lỡ mất mấy năm trước khi vào học viện. “Tôi không biết ngài định hỏi gì.”
Anh ta trông bực tức, nụ cười biến mất khỏi khuôn mặt. “Cô là sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường, đúng vậy không?”
“Vâng, thưa ngài”
“Vì sao cô lại chặn Đại lộ Mười một? Cô nghĩ gì vậy?”
Cô nhìn dọc theo con phố rộng vẫn đang bị cái thùng rác chiến lũy của cô chặn lại. Cô đã quen với tiếng còi nhưng giờ mới nhận ra là nó rất ồn, dòng xe kéo dài tới vài dặm.
“Thưa ngaì, nhiệm vụ đầu tiên của một sĩ quan là bắt nghi phạm, thẩm vấn mọi nhân chứng, bảo vệ…”
“Tôi biết quy tắc ADAPT, sĩ quan ạ. Cô chặn phố để bảo vệ hiện trường vụ án à?”
“Vâng thưa ngài. Tôi không nghĩ rằng nghi phạm sẽ đỗ xe tại giao lộ. Hắn ta có thể dễ dàng bị trông thấy từ các căn hộ trên kia. Ngài nhìn thấy chứ, trên kia? Đại lộ Mười một có thể là lựa chọn tốt hơn.”
“Được. Nhưng đó là một sự lựa chọn sai lầm. Không có dấu chân ở phía bên kia đường ray, và có hai loạt dấu chân đi lên cầu thang tới Đai lộ Ba mươi bảy.”
“Tôi đã chặn cả Đại lộ Ba mươi bảy nữa.”
“Đó là ý tôi. Đó là tất cả những gì cần chặn. Còn đoàn tàu?” Anh ta hỏi. “Vì sao cô lại chặn đoàn tàu?”
“Vâng thưa ngài. Tôi nghĩ rằng một đoàn tàu đi qua hiện trường có thể làm ảnh hưởng đến chứng cứ. Hay cái gì đó.”
“Hay cái gì đó, sĩ quan?”
“Tôi diễn đạt ý mình không được tốt lắm, thưa ngài. Ý tôi là…”
“Còn sân bay Newark thì sao?”
“Vâng thưa ngài.” Cô nhìn quanh tìm sự giúp đỡ. Có mấy sĩ quan ở gần đó, nhưng họ đang bận phớt lờ người bị quở trách. “Chính xác thì Newark là thế nào?”
“Sao cô không đóng cửa nó luôn đi?”
Ồ, tuyệt vời. Một bài học. Đôi môi Julia Roberts của cô căng lên nhưng cô nói vừa phải. “Thưa ngài, theo nhận định của tôi, có thể là…”
“Xuyên lộ New York cũng có thể là lựa chọn tốt. Jersey Pike và Xxa lộ Long Island. I-70 và các con đường đến St.Louis. Đó cũng có thể là phương cách trốn chạy.”
Cô hơi cúi đầu và nhìn lại Peretti. Hai người cao bằng nhau dù đế giày của anh ta cao hơn.
“Tôi có điện thoại từ ngài chánh thanh tra.” Anh ta tiếp tục. “Từ giám đốc của Ban quản lý Cảng, văn phòng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, giám đốc triển lãm..” Anh ta hất đầu về phía Trung tâm Javits. “Chúng ta đã phá hỏng lịch trình hội nghị, bài phát biểu của một thượng nghị sĩ Mỹ và toàn bộ giao thông bên West Side. Đường ray cách nạn nhân mười lăm feet còn con phố mà cô chặn lại cách chỗ đó một trăm feet và trên đó ba mươi feet. Ý tôi là ngay cả Bão Eve cũng không ảnh hưởng như vậy tới Hành lang Đông Tây của Amtrak.”
“Tôi chỉ nghĩ rằng…”
Peretti cười. Vì Sachs là một phụ nữ đẹp – trong những năm tháng “chìm đắm” của cô trước khi gia nhập Học viện Cảnh sát, có thời gian cô đã làm việc thường xuyên cho Công ty Người mẫu Chantelle – nên viên cảnh sát lựa chọn tha thứ cho cô.
“Tuần tra viên Sachs” – anh ta liếc nhìn bảng tên trên ngực cô, được dán một cách đơn giản trên chiếc áo chống đạn hiệu American Body Armor – “một bài học. Nhiệm vụ tại hiện trường vụ án là một việc đòi hỏi sự cân bằng. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể rào cả thành phố sau mỗi vụ giết người và thẩm vấn ba triệu người. Nhưng chúng ta không thể làm điều đó. Tôi nói điều này là có tính xây dựng. Để khai sáng cho cô”.
“Trên thực tế, thưa ngài”, cô nói cộc cằn. “Tôi sắp chuyển khỏi Đội Tuần tra. Điều đó có hiệu lực từ trưa hôm nay.”
Anh ta gật đầu, cười vui vẻ. “Thế thì nói đủ rồi. Nhưng để biết thôi, có phải cô quyết định dừng đoàn tàu và phong tỏa đường phố?”
“Đúng vậy, thưa ngài”, cô nói một cách dứt khoát. “Không có sai lầm nào trong việc đó cả.”
Anh ta viết điều này vào cuốn sổ theo dõi màu đen của mình với nét bút mạnh mẽ bằng chiếc bút máy dính đầy mồ hôi.
Ôi, làm ơn đi…
“Còn bây giờ, chuyển những thùng rác ấy đi. Cô sẽ điều khiển giao thông đến khi đường thông. Cô có nghe rõ tôi nói không?”
Không “vâng, thưa ngài”, hay “không, thưa ngài”, hay bất kỳ sự khẳng định nào khác, cô đi ra Đại lộ Mười một và bắt đầu chậm chạp di chuyển những chiếc thùng rác. Người lái xe nào đi ngang cô cũng cau có hoặc lẩm bẩm điều gì đó. Sachs nhìn đồng hồ.
Còn một tiếng nữa.
Mình chịu được.