Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Khuyến Học

Phần Tám: Đừng Đánh Giá Người Khác Bằng Suy Xét Chủ Quan Của Mình

Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Thể loại: Triết Học

“Năm thứ tự do” sẵn có trong con người

Trong tác phẩm “Khoa học về Đạo đức” của Wayland, một học giả người Mỹ, có đoạn viết về tự do thân thể, tự do tinh thần ở con người. Đại ý là “mỗi con người đều có mỗi cơ thể độc lập, riêng biệt so với người khác. Con người tự mình xử lý mọi hành vi của mình. Con người tự mình điều khiển được con tim, khối óc của mình. Con người tự biết phải làm gì và cố gắng ra sao”.

Tôi tạm tóm lược thành năm điểm như sau.

Thứ nhất là mỗi con người có một cơ thể. Các chức năng của thân thể là tiếp xúc, tác động vào thế giới tự nhiên xung quanh. Nhờ đó con người biết hái lượm, săn bắt, trồng trọt, thỏa mãn nhu cầu của cơ thể. Như gieo hạt, trồng lúa, hái bông dệt vải.

Thứ hai là con người có trí tuệ. Vì thế, con người biết phân biệt rạch ròi sự vật, biết tính toán sao cho không lầm lẫn trong phương pháp sản xuất. Trồng lúa phải bón phân ra sao, dệt vải phải công phu, thành thạo kỹ thuật máy dệt thế nào, tất cả đều do sự hoạt động của trí não mà có.

Thứ ba là con người có ham muốn, có tham vọng. Sự ham muốn thúc đẩy cơ thể hoạt động. Và con người có cảm giác hạnh phúc khi đạt được tham vọng. Con người ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Và để ăn ngon, mặc đẹp, con người phải lao động, phải làm việc. Lòng ham muốn, sự tham vọng thúc đẩy con người hoạt động. Và chính lao động mới đem lại hạnh phúc, an nhàn cho con người.

Thứ tư là từ lúc sinh ra, con người ai cũng có thiện tâm. Thiện tâm kiềm chế tham vọng, đưa con người đi đúng hướng, quyết định mức độ ham muốn. Tham vọng giống như cái thùng không đáy. Không kìm hãm được ham muốn, tham vọng ắt sẽ chỉ vì lợi mình mà hại người. Vì thế, lý tính bắt nguồn từ thiện tâm – chính khả năng cân nhắc giữa đạo lý và tham vọng ở con người.

Thứ năm là con người ai nấy đều có ý chí. Ý chí thúc đẩy lòng quyết tâm trong công việc. Sự nghiệp xã hội không phải ngẫu nhiên mà có. Làm điều thiện hay gây tội ác đều do ý chí của con người quyết định.

Tự do sinh sống miễn là không vượt quá bổn phận tự thân

Năm điều trên đây là thuộc tính không thể thiếu ở con người.

Bản thân mỗi người chỉ độc lập khi phát huy đầy đủ cả năm thuộc tính đó.

Tuy vậy, hễ cứ nói tới “độc lập cá nhân” thì y như rằng bị mọi người xung quanh coi là “kẻ khác người”, bị xem như kẻ “không muốn quan hệ với ai”. Thực ra, không phải như vậy. Việc giao tiếp phụ thuộc vào cả hai bên. Tôi muốn có bạn và bạn cũng muốn tìm tới tôi. Mối quan hệ đó, dựa theo luật pháp do Trời đã định, là cách sống quan trọng miễn sao không vượt quá bổn phận tự thân.

Vậy, thế nào là “bổn phận tự thân”? Đó là sự tự mình ý thức được khi mình phát huy khả năng của mình thì người ta cũng phát huy khả năng của người ta. Hai bên không gây cản trở cho nhau. Nếu sống trên đời mà giữ trọn bổn phận của mình, chắc chắn sẽ không bao giờ phạm tội lỗi, bị xã hội phê phán. Và người ta gọi đó là Quyền con người.

Làm được điều này, con người sẽ có toàn quyền tự do hành động, miễn là đừng xâm phạm tới quyền lợi của người khác. Và một khi không có quan hệ trục lợi hay làm tổn hại đến người khác thì không có cớ để bị người khác phê phán. Con người sẽ đi tới nơi muốn đi, dừng lại chốn muốn dừng, thích làm thì làm, không thích thì chơi, muốn thì học, không muốn thì ngủ. Tất cả là quyền tự do cá nhân.

Luận thuyết vô lý: Phật Bà Quan Âm giết người

Ngược hẳn với thuyết đã trình bày trên đây, người ta lại đưa ra luận thuyết thế này “con người phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên, bất chấp đúng sai thiện ác. Không được phép đưa ra chính kiến của mình.”

Luận thuyết này có đúng hay không? Nếu là đúng thì chắc chắn nó sẽ phổ biến khắp mọi nơi trong xã hội. Vì nếu thế ở Nhật Bản, Thiên hoàng quyền cao chức trọng hơn Tướng quân Tokugawa, nên Tướng quân muốn đi thì Thiên hoàng cũng có thể bảo đứng lại. Mà đã vậy thì Tướng quân sẽ không thể làm bất cứ việc gì theo ý mình. Mọi việc từ chuyện thức ngủ, ăn uống nhất nhất phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của Thiên hoàng. Đến lượt mình, Tướng quân lại cai trị các Lãnh chúa các vùng theo ý mình. Rồi nông dân cũng không được trái ý Võ sĩ.

Đừng tưởng rằng cứ theo lập luận trên thì thể chế cai trị có thể áp đặt từ trên xuống là được. Thực ra không hẳn đã vậy. Hãy suy nghĩ kỹ lập luận đó xem sao. “Đã là con người thì phải tuân theo và hành động theo sự điều khiển của người trên”.

Cứ theo đà này thì hết thảy người Nhật chúng ta mất hoàn toàn quyền tự quyết cho bản thân. Như thế cũng giống như “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Cơ thể mình trở thành nơi trú ngụ cho phần hồn của kẻ khác. Phật Bà Quan Âm lại trở thành nơi trú ngụ của kẻ giết người. Không thể như thế được. Cái đó có thể gọi là khai hóa văn minh được sao? Ngay như đứa trẻ lên ba cũng dễ dàng tìm ra được câu giải đáp.

Trên đất nước ta, từ hàng nghìn năm trước, các nhà Hán học[15], Nhật học luôn bàn luận ồn ào về tiêu chuẩn, về việc sắp đặt thứ bậc trên dưới, đẳng cấp sang hèn. Xét cho cùng đó là thủ thuật nhằm hợp pháp hóa việc nhập hồn người ta vào thân xác mình. Được thể, kẻ mạnh ra sức chèn ép người yếu thế. Lẽ nào các bậc thánh hiền thấy thế cũng sẽ mãn nguyện?

Những lời dạy không thể chấp nhận tại trường “nữ học”

Tiếp theo, tôi muốn đưa vấn đề nam nữ ra bàn ở đây.

Loài người sống ở trên đời có nam, có nữ. Nữ cũng như nam, đều là con người. Trong xã hội phải có cả hai giới, đàn ông và đàn bà. Và giới nào có vai trò của giới đó. Ở họ có điểm khác nhau nào? Đàn ông thường mạnh mẽ, phụ nữ thì yếu đuối. Nam và nữ khác nhau là vậy.

Trong xã hội hiện nay, kẻ nào dùng sức mạnh để cướp của cải người khác, làm tổn thương danh dự người khác, đều bị khép tội và chịu hình phạt. Vậy mà trong gia đình, người phụ nữ thường xuyên bị ức hiếp, nhưng từ xưa đến nay, hành động này chưa bao giờ bị lên án cả. Vì sao vậy?

Trong trường “nữ học”, người ta ra sức thuyết giảng về “thuyết Tam tòng” đối với phụ nữ. Còn bé theo cha, xuất giá theo chồng, chồng chết theo con. Còn bé thì ai mà chẳng phải theo cha mẹ. Khi đã lập gia đình thì phải theo chồng. Người ta dạy cách “theo chồng” ra sao? Theo như bài dạy trong trường, khi chồng có rượu chè, chơi gái, mắng vợ, chửi con, phóng đãng dâm loạn, người vợ vẫn phải nhịn nhục, phải phục tùng người chồng “đã trót hư đốn”, chỉ được nhẹ nhàng tìm lời khuyên giải.

Cứ theo như chủ ý của các bài giảng này, người chồng có là kẻ lăng nhăng, chơi bời nhưng một khi đã là vợ thì người phụ nữ chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ. Người vợ chỉ có quyền duy nhất dù không muốn là phải cố mà tươi cười với chồng. Còn chồng có nghe theo lời khuyên giải của vợ không là quyền của chồng. Ngoài ra, người phụ nữ cứ phải coi mọi việc xảy ra như duyên phận đã định và hãy mặc cho cuộc đời trôi đi.

Trong kinh sách Phật giáo, nữ giới bị coi là những cám dỗ nguy hiểm. Nếu đúng như vậy thì từ khi sinh ra, người phụ nữ đã là người mắc tội tày đình rồi. Thêm nữa, trong trường “nữ học” người ta còn răn dạy “thất khứ”[16] tức là nếu người phụ nữ phạm vào một trong bảy điều này thì người chồng ruồng bỏ cũng không được oán trách.

Chẳng phải là những điều răn dạy hoàn toàn thiên vị cho một phía hay sao? Đàn ông mạnh mẽ, đàn bà yếu đuối. Các quy định ấy là theo kiểu mạnh được, yếu thua và hoàn toàn mang tính trọng nam khinh nữ.

Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử[17]

Trên thế gian này, số lượng đàn ông và đàn bà hầu như ngang nhau. Nếu dựa trên kết quả điều tra ở châu Âu, dường như nam giới nhỉnh hơn một chút, với tỷ lệ cứ 22 đàn ông thì có 20 phụ nữ. Thế mà một người đàn ông lại có tới hai, ba vợ. Rõ ràng trái với đạo Trời. Và như thế thì con người có khác gì với muông thú?

Con cái sinh ra cùng bố mẹ, được gọi là anh em. Tất cả cùng chung sống dưới một mái nhà, được gọi là gia đình. Vậy mà cùng cha, khác mẹ, như thế cũng gọi là gia đình được sao. Giả sử có nhà cao cửa rộng đến mấy, tôi cũng không nhìn nhận đó là căn nhà của con người. Nó cũng chỉ như hang ổ của các loài súc vật, không hơn không kém. Chỉ vì để thỏa mãn dục vọng trong chốc lát mà để lại hậu họa cho hậu thế, những kẻ đó là tội phạm.

Cũng có người nói thế này: “Có vợ lẽ thì đã làm sao. Chỉ cần biết khéo léo thu xếp”. Nếu thế, tôi đặt ra trường hợp ngược lại là một người phụ nữ cũng lấy vài ba ông làm “chồng lẽ”. Sự thể sẽ ra sao? Nếu mọi việc đều trôi chảy tốt đẹp thì tôi sẽ ngậm miệng lại ngay.

Lại có người lý sự thế này: “Vì muốn có con đàn cháu đống nên mới có vợ lẽ. Vả lại có phải chúng tôi muốn thế đâu, chẳng qua là làm theo lời dạy của Chu Tử mà thôi”. Tôi phải nói thế này, chẳng cần phải nể nang Khổng Tử hay Chu Tử gì sất. Họ đã rao giảng những lời sai trái.

Lấy vợ lấy chồng, chỉ vì không có con mà bị gọi là “đồ bất hiếu”. Thứ lý lẽ gì vậy? Chẳng qua là cách thoái thác, biện minh cho những quan điểm sai trái đáng lên án mà thôi.

Người có tấm lòng nhân hậu sẽ không bao giờ tin vào cách ăn nói hàm hồ của Chu Tử.

Xưa nay, chữ “bất hiếu” ám chỉ những đứa con làm khổ cha mẹ. Ông bà nội ngoại đều vui khi có cháu chắt bồng bế. Nhưng có ông bà nào lại gọi con cái mình là “lũ bất hiếu” chỉ vì con chưa sinh được cháu, được chắt không? Có người nào lại mắng con dâu, đánh đập con trai, đoạn tuyệt với con cái chỉ vì chưa có cháu đích tôn không. Không, không bao giờ có chuyện đó. Hãy tự vấn lương tâm mình thì sẽ rõ.

Không phải mọi điều trong “luận ngữ” đều đúng

Con người, ai mà chẳng có hiếu với cha mẹ. Với người già cả, dù là người dưng, ai cũng đều phải lễ phép, huống chi là đối với cha mẹ đẻ, không ai lại không có tình nghĩa. Tình cảm đó không vụ lợi, không vì danh dự. Mà nó là tình cảm rất đỗi tự nhiên, xuất phát từ quan hệ cha mẹ con cái.

Từ xa xưa, trong dân gian đã có vô vàn truyền thuyết giảng giải về chữ Hiếu, nhất là “Truyện Nhị thập tứ hiếu”. Tuy nhiên, có thể nói chín phần mười các ví dụ nhằm rao giảng “thế nào là hiếu thảo” trong đó đều kể về các hành vi hết sức phi lý, ngớ ngẩn, những việc làm vượt quá khả năng của con người.

Nào là chỉ vì thấy mẹ muốn được ăn món cá chép, người con không quản giá buốt trong ngày đông giá rét, cởi trần nằm đợi trên lớp băng tuyết chờ cho đến khi tan băng để bắt cá. Thử hỏi loại “người trần” bình thường như chúng ta, ai có thể làm được như vậy?

Nào là trong đêm hè oi bức, thương cha mẹ nghèo, lúc ngủ không có lấy tấm màn giăng muỗi, người con bèn cởi bỏ quần áo, ở trần truồng rồi lấy rượu đổ khắp lên người để muỗi nghe mùi bâu tới đốt mình, tránh cho cha mẹ bị đốt. Thật vô lý, nếu có tiền để mua hàng lít rượu sao không lấy tiền đó mua mùng màn?

Chưa hết, lại còn chuyện này nữa. Nhà nọ có nhiều miệng ăn, lại phải nuôi dưỡng cha mẹ già. Không lo đủ gạo, nên người con chạy vạy khắp nơi để vay thóc, vay lúa. Không vay được, cùng đường nên người con quyết định chôn sống đứa con thơ dại để bớt đi một miệng ăn, chứ nhất quyết không để ông bà chết đói. Phải là qủy dữ hay là rắn độc mới có thể đi rao giảng chữ hiếu theo kiểu như vậy. Thật trái với đạo trời, trái với tình người đến cực độ.

Trong “Thất khứ” ở trên, họ rao giảng rằng sự bất hiếu lớn nhất là vợ chồng không có con cái (?). Thế mà ở đây họ lại thuyết giảng để có hiếu với cha mẹ, thì có phải chôn sống con mình đứt ruột đẻ ra cũng phải làm. Rặt những điều mâu thuẫn.

Thật ra, ý tứ sâu xa của những câu chuyện như thế chỉ là nhằm áp đặt thân phận trên dưới, khuôn phép giữa các thế hệ, cố tìm mọi lý lẽ để nhấn mạnh vị thế yếu kém của thế hệ trẻ. Theo cách thuyết giáo trong “Luận ngữ” với mục đích như trên thì công ơn của cha mẹ rất sâu nặng. Kể từ khi còn trong bụng, người mẹ đã phải mang nặng, đẻ đau. Và còn phải chăm bẵm cho bú suốt 3 năm trời sau khi sinh…

Nhưng nào phải chỉ có loài người mới biết sinh đẻ và nuôi con. Các loài chim chóc, muông thú cũng vậy. Điểm khác biệt cơ bản với các loài vật khác là ở chỗ con người, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc, còn biết giáo dục và dạy dỗ cho con cái biết giao tiếp, biết làm người.

Vậy mà có nhiều kẻ làm cha, làm mẹ, chỉ sòn sòn đẻ mà không biết giáo dục, dạy bảo con cái, tối ngày vùi đầu vào bài bạc, rượu chè, chơi gái… Kết cục là nợ nần chồng chất, gia đình tan nát. Cùng đường họ lại bắt con cái phải cung phụng, phải gánh chịu mọi hậu họa. Những loại cha mẹ ấy vô liêm sỉ làm sao, nhục nhã làm sao. Những lúc đó, người vợ vốn như con ở, chỉ cần trái ý với bố mẹ chồng thì thiên hạ lại đồn ầm lên, bảo con dâu nhà đó không hiếu thảo… Ngay cả những người con dâu đúng cũng vẫn gièm pha.

Trước đây, đã có lần tôi nói với các bạn: mẹ chồng vốn cũng đã từng là người đi làm dâu (?). Trước khi chì chiết hay ngược đãi con dâu thì các bà mẹ chồng hãy chịu khó nhớ lại thời làm dâu của mình trước đã.

Trên đây là các ví dụ xấu, được sinh ra trên cái nền tảng đạo đức cũ trong xã hội phong kiến. Con người bị đóng khung theo quy định về thân phận, về đẳng cấp trên dưới, sang hèn. Có rất nhiều phong tục cũ lạc hậu, nề nếp xấu xoay quanh mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nó ăn sâu trong xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.

Về vấn đề này tôi sẽ tiếp tục đề cập đến trong các phần sau.

Tháng 4 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)

Bình luận