Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kiếp Sau

Chương 9

Tác giả: Marc Levy

Mãi gần sáng cô mới về nhà. Jonathan đã ngủ thiếp đi trên ghế salon trong phòng khách tầng trệt. cô đi thẳng vào trong bếp mà không nói với anh nửa lời. Cô rót nước vào máy pha cà phê, đổ cà phê vào phin và nhấn nút. Đặt hai tách cà phê lên bàn, cô mở tủ lạnh lấy ra một gói bánh mì đã cắt lát và hai chiếc đĩa từ trong tủ để bát phía trên bồn rửa, vẫn không thốt lên lời nào. Con dao được cô đặt lên trên chiếc hộp đựng bơ bằng thủy tinh, chỉ có tiếng chân cô khua nhẹ trên nền nhà lát gạch. Sau khi lại mở tủ lạnh, cô nói câu đầu tiên với Jonathan:

– Anh vẫn dùng mứt dâu trong bữa sáng chứ?

Jonathan muốn đến gần cô, nhưng cô chìa con dao cắt bơ ra để dọa anh. Ánh mắt của Jonathan đổ dồn vào lưỡi dao đầu tròn rộng hai phân, cho tới lúc cô vung con dao trước mặt anh.

– Dừng lại Anna, chúng ta cần nói chuyện với nhau.

– Không! Cô thét lên, chả có gì để nói cả!

– Anna, chẳng lẽ em muốn chúng ta sẽ nhận ra sai lầm của mình trong sáu tháng hay một năm nữa sao?

– Im đi, Jonathan, anh im đi.

– Anna, chúng ta đã diễn trò lễ cưới này từ nhiều tháng nay, anh đã hết sức để níu kéo, chỉ vì anh muốn chúng ta yêu nhau, anh thực sự muốn điều đó. Song chúng ta không thể lừa dối tình cảm được.

– Nhưng anh lại có quyền lừa dối người đàn bà mà anh sẽ cưới phải không? Có phải vậy không?

– Anh về đây để nói sự thật với em.

– Từ khi nào anh đã có đủ dũng cảm để thú nhận với tôi sự thật, Jonathan?

– Hôm qua, khi anh nhận thấy cần phải như thế. Anh đã gọi điện từ London về cho em mỗi buổi tối, Anna ạ.

Anna nóng nảy quơ lấy túi, mở phắt ra và lôi một chiếc phong bì có những tấm ảnh khác, ném từng chiếc một vào mặt Jonathan.

– Đây là anh đang ngồi tại một quán cà phê ngoài trời tại Florence, đây là trong một chiếc taxi ở quảng trường Concord, còn đây, tại một tòa lâu đài đáng nguyền rủa ở Anh,và đây nữa, trong một nhà hàng ở London…Anh đã làm tất cả những trò này chỉ trong có một ngày thôi sao? Không phải tất cả những sự dối trá này đều đã xảy ra trước ngày hôm qua sao?

Jonathan nhìn bức ảnh có hình Clara rơi dưới chân anh. Trái tim anh thắt lại thêm một chút.

Em cho người theo dõi anh từ khi nào?

– Từ khi anh gửi cho tôi một bức điện trong đó anh gọi tôi là Clara! Tôi đoán là tên người đàn bà ấy, có đúng không?

Jonathan không trả lời, và Anna lại hét to hơn.

– Có đúng tên cô ta là Clara không? Nói đi, tôi muốn nghe anh nói tên người đàn bà đã làm hỏng cuộc sống của tôi! Anh có đủ can đảm để làm điều đó không, Jonathan?

– Anna, Clara không phải là người đã phá vỡ tình cảm của chúng ta, chính hai ta đã gây ra điều đó, chẳng cần sự tiếp tay của ai cả. mỗi người đã dần xa nhau để theo đuổi cuộc sống riêng, song lại muốn kết hợp hai con đường ấy với nhau. Đã từ lâu chúng ta chẳng còn chạm tới nhau nữa.

– Chúng ta chỉ quá mệt mỏi vì chuẩn bị cho đám cưới, Jonathan, chúng ta có phải là những con vật đâu!

– Anna, em đã không còn yêu anh nữa.

Còn anh, chắc anh yêu tôi điên cuồng chứ?

– Anh sẽ để lại căn nhà cho em, anh là người phải ra đi…

Cô ném cho anh cái nhìn nảy lửa.

– Anh sẽ chẳng để gì cho tôi cả, vì anh sẽ không rời khỏi bốn bức tường này, anh không thể bước ra khỏi cuộc đời tôi như vậy được, Jonathan. Đám cưới sẽ được tiến hành. Ngày thứ bảy, 19 tháng 6, dù anh có muốn hay không, thì tôi cũng vẫn trở thành vợ chính thức của anh cho tới khi nào cái chết chia lìa hai chúng ta.

– Em không thể buộc anh kết hôn với em được, Anna. Dù em có muốn hay không cũng vậy!

– Có thể đấy, Jonathan ạ, tin tôi đi, tôi có thể làm được điều đó.

Ánh mắt cô đột nhiên thay đổi, Anna trở nên bình tĩnh hơn. hai bàn tay cho đến giờ vẫn bấu chặt trên ngực dần dần buông xuống và mọi nét nhăn nhó bực tức trên mặt cô từ từ giãn ra. Cô mở tờ báo ra. ảnh của Jonathan được in trên trang bìa bên cạnh ảnh Peter.

– Mọi chuyện cứ như trong bộ phim truyền hình Bạn tốt của nhau vậy! phải không, Jonathan? Tôi có một câu hỏi cho anh đây. Nếu giới báo chí biết được rằng, nhà chuyên gia đã xác thực cho bức tranh mà có thể sẽ phá vỡ mọi kỷ lục đấu giá trong 10 năm trở lại đây chẳng phải ai khác mà chính là nhân tình của người đàn bà đã rao bán bức tranh, thì ai trong số hai người, Clara hay anh, sẽ vào tù trước vì tội lừa đảo? theo anh thì sao, Jonathan?

Anh sững người nhìn Anna, mặt đất dưới chân anh như nứt làm đôi.

Cô nhặt tờ báo lên và bắt đầu đọc bài báo bằng giọng châm biếm.

– Được giới thiệu bởi một phòng tranh danh tiếng, bức tranh với quá khứ đầy bí ẩn đã được xác thực bởi chuyên gia Jonathan Gardner. Bức tranh sẽ được nhà Christie’s đưa ra đấu giá dưới sự điều hành của Peter Gwel…tên của bạn anh sẽc bị giới chuyên môn tẩy chay, anh ta sẽ bị kết án treo hai năm vì tội đồng lõa. Chính anh sẽ đánh mất danh tiếng của mình, song nhờ có tôi, anh sẽ chỉ bị kết án năm năm. Các luật sư của tôi sẽ có nhiệm vụ thuyết phục quan tòa rằng người tình của anh mới là chủ mưu trong vụ lừa đảo.

Jonathan không muốn nghe thêm nữa. anh quay bước và đi về phía cửa.

– Khoan đã, đừng đi vội, Anna cười khẩy, hãy nghe tôi đọc thêm một vài dòng nữa, tất cả các bài báo này đều tôn vinh anh, anh có thể tự đánh giá…Nhờ sự xác nhận của Jonathan Gardner, bức tranh được ước giá khoảng hai triệu USD có thể sẽ được mua với giá gấp hai hoặc ba lần…

Anna đuổi kịp anh tại sảnh và níu tay áo vest anh lại,buộc anh phải nhìn thẳng vào cô.

– Với một vụ lừa đảo công khai trị giá 6 triệu USD, cô ta sẽ dễ dàng được tặng 10 năm sau chấn song sắt vàt tin buồn cho hai người là trong nhà tù, nam nữ không được giam chung!

Jonathan cảm thấy cơn buồn nôn trào lên. Anh bước vội ra phố và cúi gập người xuống rãnh nước. bàn tay của Anna vẫn đặt trên lưng anh.

Cứ nôn đi, anh yêu, hãy nôn hết ruột gan ra. Khi anh đã lấy lại sức lực để có thể gọi điện và nói với cô ta rằng, anh sẽ không bao giờ gặp lại cô ta nữa, rằng tất cả chỉ là một chuyện qua đường nực cười và anh không hề yêu cô ta. Tôi muốn có mặt ở đó để nghe!

Anna quay gót vào trong nhà. một ông cụ dắt chó đi dạo ngang qua chỗ Jonathan. Ông giúp anh ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào bánh một chiếc xe đậu ngay bên lề đường.

Con chó của ông cụ có vẻ không thích thú mấy với vẻ mặt người đàn ông đang ngồi bệt xuống đường ngang tầm với nó, đưa mõm hất bàn tay anh và cáu kỉnh tìm cách tớp nhẹ. Ông cụ khuyên Jonathan úp mặt vào hai bàn tay và hít thở thật sâu.

– Chỉ là một cơn co thắt dạ dày nhẹ thôi mà! Cụ nói bằng giọng trấn an.

Và như cụ bà nói khi cụ ông trở về sau buổi đi dạo, một bác sĩ, cho dù đã nghỉ hưu, thì vẫn là một bác sĩ.

* * *

Peter chờ anh đã được nửa tiếng ở quán cà phê ngoài trời nơi họ vẫn thường hẹn nhau. Trông thấy Jonathan bước tới, vẻ cáu bẳn của anh biến mất ngay lập tức và anh đứng lên giúp bạn ngồi xuống ghế.

– Chuyện gì xảy ra thế? Anh hỏi giọng đầy lo lắng.

– Chuyện gì đang xảy ra với tất cả chúng ta? Jonathan nhắc lại, vẻ tuyệt vọng

Và trong suốt một tiếng đồng hồ, anh kể cho Peter nghe những gì đã khiến cuộc đời anh rẽ sang bước ngoặt chỉ trong vài ngày.

– Tớ biết cậu cần phải nói gì với Anna. Cậu hãy bảo cô ta biến đi cho khuất mắt.

Peter cáu đến nỗi những người ngồi bàn bên cạnh phải ngừng câu chuyện ngóng sang chỗ hai người.

– Bia của các người không ngon hả? Peter nóng nảy hỏi.

Bọn họ vội đưa mắt đi chỗ khác.

– Cậu không cần phải thô lỗ và gây gổ với họ, điều đó sẽ chẳng giải quyết được gì Peter ạ.

– Cậu không được hủy hoại cuộc đời mình như thế, cho dù bức tranh đó có đáng giá 10 triệu đô thì cũng vậy thôi.

– Nhưng đây không phải là chuyện cuộc đời tớ, mà là của cậu và Clara.

– Thế nên cậu mới co vòi, cậu nói rằng cậu nghi ngờ về sự xác thực của bức tranh và chúng ta sẽ dừng tất cả lại.

Jonathan ném lên bàn một tờ Wall Streer Journal, rồi một tờ NewYork Times, một tờ Boston Globe, và một tờ Washington Post. Tất cả các báo đều đã đăng tin.

– Đó là chưa kể các tuần báo sẽ ra chiều nay cũng như các tờ nguyệt san. Đã quá muộn để có thể lùi bước, tớ đã ký và gửi bản chứng thực tới các đồng sự của cậu ở London. Khi Anna công bố các tấm ảnh mà cô ấy có trong tay với báo giới, chắc chắn sẽ nổ ra một vụ tai tiếng. nhà Christie’s sẽ đâm đơn kiện, các luật sư của Anna sẽ hỗ trợ cho họ, và nếu như chúng ta có tránh khỏi bị kết án tù, mặc dù tớ cũng chẳng hy vọng lắm vào điều đó, thì cả tớ lẫn cậu đều sẽ bị xóa sổ khỏi lĩnh vực này. Còn Clara, cô ấy sẽ bị phá sản. sẽ chẳng còn ai bước chân vào các phòng tranh của cô ấy nữa.

– Nhưng chúng ta vô tội, trời ạ!

– Đúng vậy, song chỉ có ba chúng ta biết điều đó thôi.

– Tớ cứ nghĩ cậu là người lạc quan hơn thế cơ, Peter vừa nói vừa xoắn hai bàn tay vào nhau.

– Tối nay tớ sẽ gọi lại cho Clara, Jonathan thở dài.

– Cậu sẽ nói cậu không còn yêu cô ấy nữa hả?

– Phải. chính vì yêu cô ấy mà tớ sẽ phải nói tớ không còn yêu nữa. Tớ thà mang lại nỗi buồn cho Clara còn hơn lôi cô ấy theo tớ trong nỗi bất hạnh. Đó cũng là yêu, phải không?

Peter sửng sốt nhìn Jonathan.

– Thật sao! Anh đứng chống nạnh nói. Cậu vừa mới đẻ ra một giai đoạn tình yêu dễ khiến cho bà tớ cũng phải bật khóc, và thậm chí kể cả tớ cũng sẽ rơi lệ nếu cậu cứ tiếp tục như vậy. Cậu đã ăn quá nhiều bánh pudding trong lúc ở London phải không?

– Sao cậu ngốc thế, Peter ? Jonathan nói.

– Có thể là tớ ngốc thật nhưng ít ra thì cậu đã cười được, thôi đừng mất công giả vờ nữa, tớ nhìn thấy cậu cười rồi. cậu thấy không, ngay cả khi cùng quẫn nhất, tớ và cậu vẫn có thể đùa tếu được và nếu như cái cô gái sắp trở thành vợ cũ của cậu tưởng có thể khiến cho chúng ta không còn đùa được, thì càng phải chứng tỏ cho cô ta thấy khả năng dồi dào của hai đứa mình.

– Cậu có ý tưởng gì đó chăng?

– Bây giờ thì hoàn toàn không, nhưng hãy tin tớ, tớ sẽ nghĩ ra cách gì đó.

Peter và Jonathan đứng lên, khoác vai nhau cuốc bộ trên lối đi lát đá dọc khu chợ cũ. Peter chia tay bạn vào giữa buổi chiều. trên đường lái xe về nhà, Peter nhấc điện thoại khỏi bảng điều khiển xe và bắt đầu bấm số.

– Jenkins phải không? Peter Gwel, người ông yêu quý nhất trong khu nhà đây, tôi rất cần sự giúp đỡ của ông, Jenkins đáng mến ạ. Ông có thể lên căn hộ của tôi và gom hộ tôi một vài thứ đồ đạc giống như ông chuẩn bị hành lý cho chính mình được không? Ông có chìa khóa và tôi đoán chắc ông cũng biết tôi cất áo sơ mi ở chỗ nào, đúng không? Hãy tha lỗi nếu như tôi có vẻ lạm dụng tình thân giữa hai chúng ta, vì trong thời gian tôi đi vắng, tôi muốn nhờ ông tìm giúp một vài thông tin trong thành phố, tôi cũng không biết tại sao, nhưng lý trí mách bảo tôi rằng trong con người ông có ẩn chứa chút tài năng thám tử. khoảng một tiếng nữa tôi sẽ về tới nơi!

Peter vừa kịp gác máy khi xe của anh bắt đầu chui vào đường hầm.

Anh rời khỏi khu nhà Stapledon lúc chập tối và gửi một lời nhắn khá dài vào điện thoại di động của Jonathan.

– Peter đây, cậu biết không, lẽ ra tớ phải căm ghét cậu, chỉ vì một nụ hôn mà cùng một lúc vừa làm ảnh hưởng tới buổi đấu giá của tớ, vừa phá hoại sự nghiệp của cả hai chúng ta, chưa kể tới đám cưới của cậu mà lẽ ra tớ sẽ là người làm chứng, song điều nghịch lý là tớ lại không hề muốn như vậy. tớ và cậu đều đang trong ngõ cụt nhưng lâu lắm rồi tớ không cảm thấy phấn khích như bây giờ. Tớ không ngừng tự hỏi vì sao, nhưng có lẽ bây giờ thì tớ hiểu ra rồi.

Vừa tiếp tục nhắn vào hộp thư thoại của Jonathan, Peter vừa lục túi áo vest. Mẩu giấy mà anh đã lấy trộm của bạn vẫn nằm sâu dưới đáy túi.

– Lúc ở London, nhìn thấy cậu và cô ấy ngồi trong quán cà phê, tớ đã hiểu chẳng phải bức tranh khiến cậu hạnh phúc đến vậy. những cái nhìn kiểu cậu và cô ấy dành cho nhau thật lạ thường nên chẳng cần khó khăn lắm cũng có thể đoán ra ngụ ý của chúng, vì thế mà anh bạn thân mến ạ, tối nay khi gọi điện cho Clara cậu muốn nói gì cũng được, miễn sao cô ấy hiểu được rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất cũng vẫn có thể tìm thấy niềm hy vọng. Và nếu như cậu không biết nói với cô ấy như thế nào, thì chỉ cần lấy tớ ra làm dẫn chứng. cậu sẽ không thể liên lạc được với tớ từ giờ cho đến sáng mai, nhưng rồi tớ sẽ gọi điện và giải thích hết cho cậu. tớ vẫn chưa biết phải làm thế nào, song chắc chắn tớ sẽ tìm được cách giải cứu cho chúng ta.

Anh gác máy, bị cắn rứt bởi cảm giác ngờ vực, song rất hài lòng.

* * *

Jonathan bước vào xưởng vẽ của Anna. Cô đang đứng vẽ trước giá.

– Anh đầu hàng trước sự đe dọa của em, em thắng rồi, Anna ạ!

Anh quay gót bước đi vẻ cả quyết. ra tới cửa, anh nói thêm mà không quay người lại.

– Anh sẽ gọi điện cho Clara một mình. Em có thể lấy cuộc đời anh, song em đừng hy vọng có cơ hội xâm phạm phẩm cách cô ấy!

Rồi anh bước xuống cầu thang.

* * *

Clara chậm rãi buông máy. Đứng một mình bên cửa sổ trang viên, cô không nhìn thấy cây dương già đuà với trước gió. Những giọt nước mắt lăn tròn từ đôi mắt nhắm nghiền của cô. Màn đêm buông xuống cùng những tiếng khóc bật ra nức nở. trong căn phòng làm việc nhỏ, thiếu nữ áo đỏ dường như cúi người, dường như nỗi buồn đang lan tỏa khắp tòa nhà đã thấm vào tận trong lớp toan và đè nặng lên cả đôi vai cô. Đêm đó Dorothy ở lại trong tòa nhà. Việc cô chủ đã không thể kiềm chế trước mặt bà chứng tỏ nỗi đau này quá lớn để cô có thể một mình chịu đựng. có những lúc sự có mặt của người khác đủ để khiến mọi thứ trở nên êm dịu hơn, cho dù người đó không hé một lời.

Khi trời vừa sáng, Dorothy bước vào phòng làm việc. Bà thổi bùng lửa trong lò sưởi và mang trà tới cho Clara. Bà lại gần cô, đặt chiếc tách lên bàn, quỳ xuống và ôm cô trong vòng tay.

– Rồi em sẽ thấy, để mọi thứ trong cuộc sống có thể đến được với em, không bao giờ được mất lòng tin. Bà luôn miệng thì thầm với cô, và Clara gục đầu vào vai bà khóc cho tới khi trời sáng hẳn.

Khi ánh mặt trời buổi trưa chiếu lên người, Clara choàng mở mắt rồi nhắm lại ngay. Có phải ánh sáng hay tiếng còi xe giục giã ngoài sân đã kéo ra khỏi giấc ngủ? cô tung chăn ra và vùng dậy khỏi chiếc ghế dài. Dorothy bước vào phòng, và theo cung cách y hệt như thời xa xưa, bà dõng dạc thông báo:

– Cô chủ có một người khách từ Châu Mỹ tới!

Peter đứng dậm chân trong bếp, nơi bà Blaxton lúc trước đã yêu cầu anh vui lòng chờ để bà đi hỏi xem cô chủ có sẵn lòng tiếp đón anh hay không. Theo yêu càu nghiêm khắc của Dorothy, Clara chạy lên phòng rửa mặt ở xứ sở của Nữ Hoàng nước Anh, một người phụ nữ không được xuất hiện với vẻ đau khổ trước khách lạ, cho dù đã từng chạm mặt nhau ngoài phố, Dorothy vừa theo chân cô lên gác vừa nhắc lại.

* * *

– Tức là anh ấy yêu tôi? Clara hỏi trong lúc ngồi đối diện với Peter bên chiếc bàn trong bếp.

– Trời ơi! Hai người thật khéo xứng đôi vừa lứa. tôi đã phải qua một đêm dài trong máy bay, phải chạy suốt hai tiếng đồng hồ liền trong một chiếc xe tay lái nghịch, tôi vừa giãi bày mọi chuyện với cô, vậy mà cô lại hỏi tôi cậu ấy có yêu cô không ư? Xin thưa là có, cậu ấy yêu cô, cô cũng như tôi, chúng ta đều yêu cậu ấy, cậu ấy cũng yêu tôi, tất cả chúng tôi đều yêu nhau song tất cả chúng ta đều đang kẹt cứng trong ngõ cụt!

– Ông sẽ dùng bữa trưa ở đây chứ? Dorothy hỏi khi bước vào bếp.

– Bà chưa có gia đình phải không, Dorothy?

– Ông không cần phải bận tâm tới gia cảnh của tôi, chúng ta không ở Mỹ. Dorothy đáp.

– Như thế có nghĩa là bà chưa có gia đình! Tôi muốn giới thiệu với bà một người rất tuyệt vời. một người Mỹ gốc Chicago hiện đang sống ở Boston và vô cùng yêu mến đất nước Anh.

* * *

Jonathan ở lại một mình trong căn nhà. Anna đã ra khỏi nhà từ sáng sớm, phải đến chiều tối cô mới về. anh lên xưởng vẽ để xem thư điện tử, và bật máy tính lên. Các thư mục của Anna đều có mật khẩu bảo vệ, nhưng anh có thể vào mạng Internet. Peter vẫn chưa viết gì cho anh và anh hoàn toàn không muốn trả lời những thư đề nghị phỏng vấn được ồ ạt gửi tới hộp thư điện tử của anh. Jonathan quyết định quay xuống phòng khách. Trong lúc tắt màn hình, con mắt nhà nghề của anh đã bị cuốn hút bởi một chi tiết nhỏ trong một bức tranh của Anna treo trên tường. Jonathan khom người quan sát kỹ bức tranh. Qua ngạc nhiên, anh quan sát một bức khác. Rồi anh bồn chồn mở chiếc tủ to và lần lượt lấy ra từng bức tranh của Anna được xếp vào đó từ bấy lâu. Trên nhiều bức tranh, Jonathan đều tìm thấy một điểm giống nhau khiến máu trong người anh như đông cứng lại. anh vội vã đi về phía bàn làm việc, mở ngăn kéo và lấy ra chiếc kính lúp. Từng bức tranh được anh soi kỹ lại một lần nữa. nằm ở xa xa trong nền cảnh nông thôn, những khu trang viên mà Anna vẽ trông không khác chút nào so với tòa dinh thự của Clara. Bức tranh mới nhất được vẽ từ 10 năm về trước, và lúc đó Jonathan còn chưa hề quen biết Anna. Anh vội vã xuống cầu thang, chạy trên vỉa hè rồi nhảy vào trong xe lái về hướng ngoại ô. Nếu như đường không quá đông xe thì chỉ khoảng hai tiếng anh sẽ tới cổng trường đại học Yale.

Danh tiếng của Jonathan đã cho phép anh gặp thầy hiệu trưởng. ông đứng đón anh trước một dãy hành lang rộng mênh mông có tường bọc gỗ, trên đó treo những bức chân dung của các nhà văn hoặc nhà khoa học có nét mặt buồn buồn. giáo sư William Becker mời anh vào phòng làm việc của ông. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên trước lời đề nghị của anh, ông đã nghĩ anh tới để trao đổi về hội họa, vậy mà giờ đây anh lại hỏi ông những vấn đề khoa học, mà lại chẳng phải thuộc về một môn khoa học chính thống. Becker rất lấy làm tiếc song không một giáo sư nào trong trường giống với sự mô tả của Jonathan, kể cả các giáo sư nữ hoặc nam, cả những người làm việc chính thức lẫn nhân viên hợp đồng, và cũng chẳng có ai dạy môn học mà Jonathan đang đề cập. bộ phận nghiên cứu mà Jonathan nhắc tới đúng là trước kia đã từng nằm trong trường, song đã từ lâu nó không còn tồn tại nữa. nếu Jonathan muốn, anh vẫn có thể đi thăm các nơi trong trường. tòa nhà 625 trước kia từng là nơi giảng dạy những môn khoa học tiên báo nhưng đã để trống kể từ khi bộ phận nghiên cứu đóng cửa.

– Ông làm việc ở đây lâu chưa? Jonathan hỏi người đàn ông thuộc bộ phận duy tu được giao dẫn anh đi tham quan.

– Từ lúc tôi 16 tuổi, mà lẽ ra tôi đã nghỉ hưu cách đây năm năm, vì thế tôi nghĩ là cũng khá lâu rồi đấy. ông O’Malley trả lời.

Ông đưa tay chỉ một tòa nhà lớn bằng gạch đỏ và dừng xe đện trước bậc thềm.

– Đến rồi đây. Ông nói và ra hiệu cho Jonathan đi theo.

Cánh cửa lớn mở ra gian sảnh của tòa nhà 625 rít lên trên bản lề.

– Chẳng có ai đến đây từ 40 năm nay, nhìn cái mớ lộn xộn trong này mà xem. O Mally nói

Trong mắt Jonathan, ngoài lớp bụi phủ dày trên sàn và đồ đạc,nơi này được gìn giữ khá tốt. gian phòng rộng có tới 10 chiếc bệ được lát gạch men trắng, trên đó vẫn còn để đầy ống nghiệm và những dụng cụ chưng cất.

– Có vẻ như họ nghiên cứu về những vấn đề toán học thực nghiệm, song tôi đã nói với các thanh tra, đúng hơn là họ tìm cách phát minh ra các công thức hóa học tại đây.

– Các thanh tra nào? Jonathan hỏi.

– Ông không biết sao? Tôi cứ nghĩ ông đến đây vì chuyện đó. Cả vùng ai cũng biết chuyện đã xảy ra.

Vừa đi theo dãy hành lang dẫn tới khu dành cho các giáo sư,, O Mally vừa kể cho Jonathan nghe chuyện gì đã khiến người ta phải vội vã đóng cửa bộ phận nghiên cứu các môn khoa học tiên báo, theo như tên gọi trước kia của nơi này. Có rất ít sinh viên được nhận vào học tại khoa. Đa số những người đăng kí học đều không qua được kì thi sát hạch đầu vào.

– Không những sinh viên phải có học lực giỏi trong tất cả những môn khoa học, mà còn phải là một thần đồng về triết học. Hơn nữa, trước khi được nhận, sinh viên còn phải trải qua một buổi phỏng vấn với bà giám đốc bộ phận nghiên cứu trong trạng thái thôi miên. Chính bà ta là người lọai bỏ hầu hết các sinh viên. Chẳng ai làm bà ta hài lòng. Bà ấy quả là một con người kì lạ. bà ấy đã làm việc 10 năm trong bốn bức tường ở đây, song trong suốt cuộc điều tra, không ai nhớ đã từng gặp bà ấy ở trong trường này. Tất nhiên là trừ tôi ra.

– Ông vẫn chưa nói cho tôi biết người ta đến điều tra về việc gì?

– Cách đây 40 năm, có một sinh viên đã mất tích.

– Mất tích ở đâu?

– À, đó mới chính là vấn đề, thưa ông. Nếu như ông biết chìa khóa của ông bị mất ở đâu thì đã chẳng thể bảo là bị mất, đúng không?

– Thế cảnh sát kết luận thế nào?

– Rằng cậu ta đã bỏ trốn, nhưng tôi chẳng hề tin.

– Vì sao?

– Vì tôi biết cậu ta đã biến mất trong phòng thí nghiệm.

– Có thể anh ta đã lọt khỏi tầm nhìn của ông, dù sáo mắt của ông cũng không thể bao quát hết được.

– Hồi đó, O Mally nói tiếp, tôi làm việc trong đội bảo vệ. thời ấy “an toàn” vẫn là một từ vĩ đại. công việc của chúng tôi chủ yếu là ngăn không cho các cậu sinh viên ban đêm trốn ra lảng vảng bên khu nội trú dành cho các nữ sinh và … ngược lại.

– Thế còn ban ngày?

– Giống như những người trực đêm khác, chúng tôi ngủ ban ngày; đúng hơn là hai đồng nghiệp của tôi ngủ, còn tôi thì không. Tôi không bao giờ ngủ quá 8 tiếng, hình như đó là di truyền, chính vì lý do đó mà tôi bị vợ bỏ. Vì thế nên buổi chiều hôm ây tôi ra tỉa cỏ. Còn cậu sinh viên Jonas, tôi đã nhìn thấy cậu ấy đi vào trong tòa nhà và cậu ấy không bao giờ trở ra.

– Thế cảnh sát không tin lời ông à?

– Họ đã dò khắp các bức tường, đã cào khắp các vườn hoa, đã hỏi cung mụ già, ông còn muốn họ làm gì hơn được nữa? Vả lại hồi đó tôi cũng có uống chút rượu, mà ông biết đấy, một nhân chứng mặt đỏ gay thì không được tin cậy lắm.

– Thế mụ già mà ông nói đến là ai vậy?

– Chính là bà giám đốc, mời ông theo tôi.

O Mally tìm một chiếc trong chùm chìa khóa, mở cửa một phòng làm việc và bước vào trước Jonathan. Các mặt kính của các cửa số bé bẩn đến nỗi ánh sáng chỉ lờ mờ lọt được vào trong phòng. một chiếc bàn học bằng gỗ nhỏ phủ dày một lớp mãu xám bị đẩy vào sát tường. chiếc ghế đổ bị bỏ quên trong góc phòng bên cạnh cây mắc áo xiêu vẹo. Ở góc đối diện, một chiếc rương lớn có ngăn kéo trông cũng không có vẻ gì khá hơn.

– Tôi cũng chẳng hiểu vì sao người ta gọi chỗ này là phòng giáo viên, bà ta là người duy nhất từng giảng ở đây. O Mally nói

Ông tiến lại gần dãy giá sách đứng che kín một bức tường và lục tìm trong chồng báo cũ đã ngả vàng.

– Đây này, chính mụ già ấy đây! Ông bảo vệ nói thêm và chỉ chi Jonathan xem bức ảnh trên trang nhất một tờ báo.

Người đàn bà đứng giữa bốn sinh viên trẻ, trông chưa quá 30 tuổi.

– Vì sao ông lại gọi bà ta là mụ già? Jonathan vừa hỏi vừa nhìn bức ảnh.

– Vì hồi ấy tôi mới tròn 20 tuổi. O Mally vừa làu bàu vừa lấy chân di di lớp bụi.

Jonathan bước lại gần cửa sổ để nhìn cho rõ tấm ảnh ố vàng. Khuôn mặt của người phụ nữ không gợi lên điều gì với Jonathan nhưng bàn tay bà ta lại thu hút sự chú ý của anh, trên ngón tay áp út của bà ta đeo một chiếc nhẫn kim cương rất lớn.

– Đây có phải là Jonas không? Jonathan chỉ tay vào chàng trai đứng sát mép ảnh bên phải.

– Sao ông biết được? O Mally ngạc nhiên hỏi lại.

– Tôi cũng không biết nữa.

Anh gấp tờ báo lại và nhét vào túi áo. Trên tấm ảnh, chàng trai với hai tay chắp sau lưng đang nheo nheo có thể chỉ đơn giản là vì ánh đèn.

– Thế những lúc không gọi bà ta là mụ già, thì ông gọi bà ấy như thế nào?

– Chưa bao giờ chúng tôi gọi bà ta bằng tên khác cả.

– Khi bà ấy nói chuyện với ông, chắc ông không thể trả lời bằng cách gọi bà ấy bằng mụ già được chứ? Jonathan cố nài.

– Chẳng bao giờ bà ta nói chuyện với chúng tôi, mà chúng tôi chẳng có chuyện gì để nói với bà ta cả.

– Vì sao ông căm ghét bà ấy đến vậy, ông O Mally?

Người bảo vệ già quay lại nhìn Jonathan.

– Tại sao ông lại đến đây, ông Gardner? Tất cả những chuyện này đều là chuyện xưa cũ và chẳng có gì hay ho khi khuấy động quá khứ lên cả. tôi còn nhiều việc cần làm, chúng ta nên ra khỏi đây thôi.

Jonathan tóm lấy cánh tay O Mally

– Chính vì ông đã nói đến quá khứ. Tôi bị giam lỏng trong một thời đại mà chính bản thân tôi không hề được biết, và tôi còn rất ít thời gian để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một người bạn của tôi từng nói, chỉ cần một manh mối nhỏ xíu cũng có thể lần ra được cả tiến trình sự việc. tôi đang tìm một mẩu ghép nhỏ xíu có thể cho phép tôi tái hiện cả bức tranh. Tôi cần ông giúp tôi, ông O Mally ạ.

Người bảo vệ nhìn Jonathan chằm chằm, rồi hít một hơi thật sâu.

– Họ đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm tại đây. Chính vì lý do đó mà tòa nhà này phải đóng cửa, để tránh mọi chuyện trở nên ầm ĩ sau sự mất tích của Jonas.

– Thí nghiệm như thế nào?

– Các sinh viên đã được chọn vì họ từng có những cơn ác mộng. tôi biết điều đó có vẻ vô lý, song điều đó là thật.

– Ác mộng kiểu gì, ông O Mally?

Người đàn ông nhíu mày. Dường như việc trả lời câu hỏi đó là một gánh nặng khủng khiếp đối với ông ta.

– Cảm giác đang sống lại những sự kiện xảy ra trong một thời đại khác đúng không? Có đúng như vậy không?

O Mally gật đầu tỏ vẻ xác nhận.

– Bà ta thôi miên họ, bà ta nói rằng làm như thế mới có thể đạt tới nơi sâu thẳm nhất của ý thức, một trạng thái tuyệt vời cho phép chúng ta bước chân vào vùng ký ức tiền kiếp.

– Hồi đó, ông không hề làm việc trong đội bảo vệ, ông là một trong những sinh viên của bà ta, phải không?

– Hồi đó, ông không hề làm việc trong đội bảo vệ, ông là một trong những sinh viên của bà ta, phải không?

– Phải, chính là tôi từng là một trong những sinh viên của bà ta, và kể từ khi phòng thí nghiệm đóng cửa, cả đời tôi chẳng học thêm được gì nữa.

– Chuyện gì đã xảy ra, ông O Mally?

– Sang năm thứ 2, bà ta cho tiêm vào người chúng tôi các loại dung dịch, để có thể kích thích các sự kiện. sau khi bị tiêm mũi thứ 3. cả Coralie và tôi đều nhớ ra mọi chuyện. Ông có sẵn sàng nghe một câu chuyện rất khủng khiếp không, ông Gardner? Năm 1807, vợ chồng tôi từng sống ở Chicago, tôi là một nhà buôn thùng thành đạt, cho tới khi Coralie giết chết con gái của chúng tôi. Con bé chỉ mới một tuổi khi cô ấy quấn nó chết bằng tã lót. Tôi rất yêu vợ nhưng cô ấy mắc một căn bệnh khiến cho các tế bào não bị phá hủy dần. Các triệu chứng đầu tiên chỉ là những cơn cáu giận thoáng qua, nhưng rồi sau năm năm, những ai bị mắc bệnh đó đều phát điên mà không cách nào chữa được.Coralie bị kết án treo cổ. Ông không hiểu người ta phải chịu đau đớn tới mức nào khi đao phủ không chịu ban ân cho tội nhân bằng cách siết chặt nút dây làm gãy các đốt sống cổ. Tôi đã phải nhìn Coralie bị treo lủng lẳng ở đầu dây, những giọt nước mắt của cô ấy như van xin tôi tìm cách giúp cô ấy rút ngắn nỗi đau đớn. Tôi những muốn tự tay giết chết tất cả những kẻ hiếu kỳ đứng xem cô ấy bị hành hình, vậy mà tôi lại đứng bất lực giữa đám đông. Rồi cô ấy đã lặp lại chuyện đó năm 1843, tôi đã không nhận ra cô ấy và cả cô ấy cũng vậy, nếu không thì chắc chúng tôi đã chẳng yêu nhau mãnh liệt đến thế. một tình yêu mãnh liệt như vậy không còn tồn tại trong thời đại chúng ta, ông Gardner ạ. Rồi mọi chuyện lại tái diễn năm 1902, và chính mụ già đã nói với tôi rằng câu chuyện sẽ còn tiếp diễn như vậy trong những lần sau. Cho dù vợ tôi có mang cái tên khác hay khuôn mặt khác, cô ấy vẫn mãi là linh hồn ấy, cùng với căn bệnh sẽ mãi mãi quay lại ám ảnh chúng tôi. Cách duy nhất để nỗi đau của chúng tôi chấm dứt hoàn toàn là một trong hai người phải chối bỏ tình yêu khi còn đang sống. chỉ cần một trong hai chúng tôi bộc lộ tình cảm với người kia, là chúng tôi sẽ sống lại kiếp trước và mọi chuyện sẽ lại tái diễn, cùng với tất cả những nỗi đau.

– Và ông đã tin bà ta ư?

– Nếu như ông trải qua những cơn ác mộng như chúng tôi gặp phải trong lúc hoàn toàn tỉnh táo, ông Gardner ạ, thì chính bản thân ông cũng tin thôi.

Khi phòng thí nghiệm bị đóng cửa, vị hôn thê của ông O Mally lên cơn điên lần thứ ba mà không thể nào kiểm soát nổi. cô đã tự tử vào năm 23 tuổi. chàng trai O Mally đã bỏ sang Canada sinh sống.20 năm sau, ông trở về và nộp đơn vào Yale xin làm công việc duy tu. Ông đã thay đổi tới mức chẳng còn ai nhận ra được nữa.

– Và cũng không ai biết chuyện gì đã xảy ra với Jonas ư? Jonathan hỏi.

– Mụ già đã giết cậu ta.

– Sao ông tin chắc như vậy?

– Cậu ta cũng từng mơ thấy điều gì đó. Buổi sáng hôm mất tích, cậu ấy đã tuyên bố sẽ rời khỏi trường. Jonas vội vã chuẩn bị đi London.

– Vậy mà ông lại không nói gì với cảnh sát?

– Nếu như tôi kể cho họ nghe tất cả những gì tôi vừa kể với ông, thì ông nghĩ họ sẽ tin tôi hay tống tôi vào nhà thương điên?

O Mally tiễn Jonathan ra tới tận chỗ anh để xe trong bãi để xe của trường. khi Jonathan hỏi vì sao ông lại quay trở lại đây, O Mally nhún vai.

– Đây là nơi tôi cảm thấy được ở gần cô ấy nhất. nơi chốn cũng có ký ức cả đấy ông Gardner ạ.

Khi Jonathan bắt đầu khởi động máy, O Mally cúi người xuống cửa xe và nói. – Tên mụ già là Alice Walton!

Bình luận