Giờ thì ta đã có thể nhận biết các dấu hiệu. Phần tiếp theo là nhìn sâu vào trong bản thân để truy tìm nguyên nhân tạo ra các dấu hiệu này.
Nguyên nhân không phải ngẫu nhiên. Nếu ta tức giận, thì không phải là lỗi của người đối diện. Có thể họ đã làm gì đó, nhưng đó là chuyện của thế giới khách quan bên ngoài, như lá rụng, như gió thổi, như hòn đá rơi mà thôi. Những việc ấy vẫn xảy ra, nhưng cơn giận của ta lại đến từ việc không muốn những thứ khách quan ấy xảy ra.
Chính vì ta không muốn những điều ấy xảy ra, ta mới giận dữ hay buồn bực.
Hãy tưởng tượng bản thân chỉ là một cái camera, quay lại tất cả những thứ diễn ra xung quanh một cách vô tư, không tham vọng, không ước muốn. Lúc này, bất kì hành động nào của bất kì ai cũng không thể làm ta giận được, bởi ta chỉ là một công cụ quan sát thế giới khách quan mà thôi. Ta hoàn toàn không có nhu cầu điều chỉnh thế giới theo ý mình.
Dĩ nhiên, trên thực tế, ta không phải là cái camera. Ta có những kì vọng, những viễn cảnh lí tưởng của riêng mình. Chính những kì vọng, những lí tưởng này tạo nên sự giận dữ và buồn bực.
Những kì vọng và lí tưởng này không trở thành sự thật, bởi nếu nó là thực, thì ta sẽ không nổi giận. Đó chỉ là những ảo vọng về một thực tế ta hằng khát khao mà thôi. Ảo vọng thì phi thực tế, và khiến ta bắt đầu nóng nảy.
Vậy thì, hãy nhìn sâu vào bản thân một chút: Ta đang bám víu vào viễn cảnh nào khiến những dấu hiệu nảy sinh?
Đôi khi sẽ rất khó nhìn được bản thân ta đang níu kéo viễn cảnh nào, nhưng nếu đã luyện tập quen, thì dần dần ta sẽ nhìn nhận dễ dàng hơn.
Dưới đây là một số viễn cảnh lí tưởng điển hình:
1.Những người khác phải tử tế.
2.Những người khác phải công bằng.
3.Những người khác phải tôn trọng, không được sỉ nhục ta.
4.Những người khác phải lạc quan, không được phàn nàn hay tâm trạng.
5.Ta phải thành công với những thứ mình làm.
6.Ta phải luôn thấy dễ chịu và hoàn thành mọi việc dễ dàng.
7.Đời ta phải toàn niềm vui và không có những nỗi đau.
8.Ta giỏi thay đổi thói quen.
9.Người ta phải chạy đàng hoàng, không lạng lách, đánh võng trên đường.
10.Khi ta cần cái gì là có cái đó.
11.Nhà cửa phải gọn gàng, những người ở cùng hay làm việc cùng luôn ngăn nắp.
12.Con của ta phải luôn nghe lời.
13.Người yêu, bạn bè phải luôn ủng hộ mọi ý tưởng của ta.
14.Người ta phải nhận ra sự thông minh của ta ngay lập tức, và muốn thuê ta liền.
15.Những người thân yêu phải không bao giờ rời xa ta.
16.Những người ta yêu phải yêu ta như ta yêu họ.
Trên đây chỉ là ví dụ thôi. Có hàng trăm hàng nhìn những viễn cảnh lí tưởng như thế trong đầu ta. Ta có thể nhận ra ngay, bởi mỗi khi có người động chạm vào lí tưởng này, hoặc khi thực tế phũ phàng đi ngược lại với kì vọng, ta sẽ không vui. Mà thường thì lí tưởng của ta lại hay đi ngược lại với thực tế.
Sau một thời gian luyện tập nhận biết dấu hiệu, hãy thử nhìn sâu vào trong bản thân mình và nhận biết các viễn cảnh lí tưởng – nguyên nhân của các dấu hiệu. Hãy luyện tập cho đến khi bạn có thể nhận ra các viễn cảnh lí tưởng này một cách dễ dàng.