Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Liên thành quyết

Chương 3 – Ai Ngờ Lão Hóa Lại Là Cao Nhân

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Bốc Viên thấy Tam sư huynh sắp thất bại đến nơi, liền lượm một cục gạch hết sức liệng vào sau lưng Địch Vân.

Địch Vân đang để hết tinh thần đấu kiếm với Vạn Khuê, đột nhiên sau lưng đau nhói lên vì bị cục gạch đập trúng. Chàng quay lại thóa mạ:

– Quân mặt dầy! Hai người đánh một chăng?

Bốc Viên hỏi lại:

– Chuyện gì vậy? Ngươi bảo sao?

Địch Vân tự nhủ:

– Bữa nay dù bọn chúng cả tám người xông vào ta cũng không thể để tổn thương đến uy danh của sư phụ.

Chàng chẳng kể gì đến vế đùi và sau lưng bị đau, tiếp tục phóng kiếm liên miên nhằm Vạn Khuê đâm tới.

Lúc này kiếm chiêu của chàng đã không còn phương pháp nào nữa, sơ hở rất nhiều. Tuy nhiên, khí thế chàng đang hăng hái, Vạn Khuê không dám tấn công ráo riết.

Bốc Viên đưa mắt ra hiệu cho Lục sư đệ là Ngô Khảm rồi nói:

– Kiếm pháp của Tam sư huynh rất cao minh. Thằng lỏi này không chống đỡ được nữa. Nhưng nếu đánh chết gã là làm mất mặt thể diện của Thích sư thúc.

Chúng ta phải tiến vào lược trận.

Ngô Khảm hiểu ý gật đầu đáp:

– Đúng thế! Anh em mình phải chú ý, đừng để Tam sư huynh lỡ tay giết người.

Mỗi tên một tả một hữu phóng kiếm veo véo đâm vào cạnh sườn Địch Vân.

Kiếm pháp của Địch Vân sự thực không cao minh hơn Vạn Khuê mấy tý.

Nhờ ở chỗ chàng đánh hăng không kể gì đến tính mạng, mới chiếm được thượng phong.

Bấy giờ Bốc Viên và Ngô Khảm sấn vào giáp công. Một mình Địch Vân phải địch với ba người khiến chàng chân tay luống cuống.

“Xẹt” một tiếng! Đùi bên phải chàng lại trúng kiếm mà vết kiếm thương này rất nặng. Chàng không đứng vững được nữa, ngã ngồi xuống đất. Nhưng tay kiếm vẫn còn nắm vững và không ngớt ra chiêu đỡ gạt, đâm chém ba người.

Lỗ Khôn hắng đặng một tiếng, vung chân đá vào cổ tay Địch Vân. Thanh trường kiếm tuột tay bay đi, rớt xuống bụi cỏ.

Vạn Khuê hươi trường kiếm phóng tới, mũi kiếm chỉ vào cổ họng Địch Vân.

Bốc Viên và Ngô Khảm nổi lên tràng cười hô hố rồi nhảy lùi ra.

Vạn Khuê nhơn nhơn đắc ý, cười rộ hỏi:

– Gã quê mùa kia! Đã chịu phục chưa?

Địch Vân quát mắng:

– Phục cái con khỉ! Bọn ngươi bốn tên đánh một đâu phải đấng anh hùng?

Vạn Khuê đưa thêm mũi kiếm về phía trước cắm sâu vào thịt Địch Vân mấy phân rồi lớn tiếng:

– Ngươi còn nói bướng, ta khẽ đâm thêm một chút là ngươi phải đứt họng đó.

Địch Vân lại thóa mạ:

– Ngươi cứ đâm đi! Có giỏi thì cắt đứt cổ họng ta. Ngươi không dám làm thì chỉ là quân khốn kiếp.

Vạn Khuê mắt lộ hung quang, vung chân trái đá mạnh vào bụng dưới Địch Vân, quát hỏi:

– Ngươi còn mạnh miệng nữa hay thôi?

Phát đá này tưởng chừng làm đảo lộn lục phủ ngũ tạng trong bụng Địch Vân.

Chàng phải ráng nhịn cho khỏi bật tiếng rên la. Miệng vẫn thóa mạ:

– Quân chó đẻ! Phường khốn kiếp!

Vạn Khuê lại đá một phát nữa vào đầu Địch Vân.

Địch Vân mắt nổ đom đóm, cơ hồ ngất xỉu. Chàng muốn thóa mạ nữa nhưng không thốt nên lời.

Vạn Khuê nói:

– Bữa nay hãy nhiêu dung cho ngươi. Ngươi đi mà khóc lóc cáo tố với sư phụ cùng sư muội là bọn ta ỷ vào số đông để đánh ngươi đó! Ta coi bộ ngươi chẳng khác tuồng bị thịt, chỉ còn cách khóc lóc nỉ non.

Địch Vân bình tĩnh lại lớn tiếng:

– Đời nào ta thèm khóc lóc và tố cáo với ai? Bậc đại trượng phu muốn rửa hận phải tự mình ra tay mới đáng kể.

Vạn Khuê chỉ mong chàng nói câu này, liền khích thêm:

– Ta làm dấu trên mặt ngươi để sư phụ ngươi vặn hỏi.

Gã nói rồi lại đá vào mắt bên trái và má bên phải Địch Vân mỗi bên một cước.

Địch Vân nửa mặt sưng vù, mắt bên trái chảy nước đầm đìa.

Bốc Viên vỗ tay cười nói:

– Ha ha! Bậc đại trượng phu khóc ròng. Đấng anh hùng biết hành cẩu hùng.

Địch Vân tức giận muốn nổ ruột, miệng lẩm bẩm:

– Mi đến chơi nhà được sư phụ ta coi tử tế, ta cũng hết lòng đón tiếp, mua rượu giết gà thết đãi mi, chẳng có chỗ nào kiếm khuyết. Thế mà bây giờ mi đối xử tàn nhẫn với ta.

Vạn Khuê lại thách thức:

– Ngươi đánh không nổi ta thì đến tố cáo với gia gia ta cũng được, Gia gia ta có trách phạt thì ngươi mới được hả giận.

Địch Vân đáp:

– Là hạng con nít chẳng có đầu óc gì như ngươi thì động một tý mới đến tố cáo với người lớn.

Vạn Khuê, và Lỗ Khôn, Bốc Viên nhìn nhau mỉm cười. Chúng nghĩ rằng mối căm tức bữa nay thế là hả rồi, liền trao kiếm vào vỏ và nói:

– Hảo tiểu tử! Ngươi có giỏi thì mai lại đánh nữa. Bây giờ Thiếu gia xin kiếu thôi.

Đoạn cả tám tên nổi lên tràng cười ha hả, ra chiều đắc ý rồi bỏ đi.

Địch Vân nhìn bóng sau lưng tám gã, trong lòng vừa phẫn nộ vừa nghi ngờ không hiểu. Chàng tự hỏi:

– Ta đã không đắc tội với chúng mà cũng chẳng có điều gì lầm lỗi với sư bá, tại sao tự nhiên chúng đến đánh ta một trận? Hay là bọn người ở kẻ chợ đều dã man như thế cả?

Chàng gắng gượng đứng dậy, nhưng đầu óc choáng váng, lại phải ngồi phệt xuống đất.

Bỗng nghe phía sau có tiếng thở dài rồi tiếng người nói:

– Hỡi ơi! Đánh không lại người ta thì dập đầu năn nỉ. Bướng bỉnh làm chi để bị trận đòn nhừ tử, há chẳng oan uổng lắm ru?

Địch Vân tức giận đáp:

– Chẳng thà để chúng đánh chết, khi nào ta chịu dập đầu van xin?

Chàng quay đầu nhìn lại thì thấy một lão lưng còng, chân kéo lê đôi giày da, chệnh choạng đi tới. Sau chàng nhìn rõ đầu bù tóc rối, mặt mũi lem luốc thì ra lão cái mà chàng đã gặp lúc ban ngày.

Lão cái nói:

– Hỡi ơi! Ta già mất rồi. Xương sống bị chứng phong thấp đau đớn vô cùng.

Tiểu hài tử! Ngươi đấm lưng dùm ta mấy cái.

Địch Vân trong bụng đang tràn ngập lửa giận, chàng hắng dặng một tiếng, không lý gì đến lão.

Lão cái lại nói:

– Ta chẳng khác gì người tuyệt tử tuyệt tôn. Lúc về già, không một thân nhân chiếu cố. Úi chao! Úi chao!….

Lão chống gậy trúc lảo đảo đi mỗi bước một xa.

Địch Vân nhìn bóng sau lưng thấy lão cái run rẩy quá chừng. Chàng bản tính thuần hậu, vả ở hương thôn vẫn nhớ câu bịnh hoạn tương phù, hoạn nạn tương cứu.

Chính chàng cũng vừa bị người đánh một trận nhừ tử, bất giác nổi lòng đồng bệnh tương lân, cất tiếng gọi:

– Này này! Lão hóa tử! Tại hạ còn mấy chục đồng, lão cầm lấy đi mua bánh mà ăn.

Lão cái lảo đảo xoay mình trở lại đón lấy tiền rồi nói:

– Lão cái bị bệnh tê thấp lưng đau chịu không nổi. Tướng công đấm dùm mấy cái.

Địch Vân đáp:

– Được rồi! Để tại hạ buộc mấy vết thương xong sẽ tính.

Lão cái hỏi:

– Tướng công chỉ nghĩ đến mình mà không chiếu cố cho người ta sao phải là anh hùng hảo hán?

Địch Vân bị lão nói khích liền đáp:

– Được rồi! Tại hạ đấm lưng cho.

Chàng ngồi phệt xuống đất, vung quyền lên đấm lưng.

Chàng vừa đấm được hai quyền, lão cái ra chiều khoan khoái nói:

– Dễ chịu quá! Dễ chịu quá! Tướng công đấm mạnh chút nữa!

Địch Vân gia tăng lực đạo đấm mạnh hơn.

Lão cái phàn nàn:

– Đáng tiếc là luồng lực đạo nhẹ quá!

Địch Vân liền đấm mạnh hơn.

Lão cái lại than:

– Hỡi ơi! Chẳng ăn thua gì hết. Tướng công bị đánh một trận thừa sống chí chết, không còn đủ lực đạo để đấm lưng cho lão cái rồi. Tướng công có sống sót ở thế gian cũng vô ích mà thôi.

Địch Vân tức mình đáp:

– Tại hạ mà đấm mạnh, e rằng lão bị gãy xương.

Lão cái cười nói:

– Tướng công có đấm được gãy xương lão cái thì đã chẳng nằm thẳng cẳng dưới đất để người ta muốn đấm muốn đá thế nào cũng được.

Địch Vân tức giận không nói nữa, vận nội lực vào tay đấm xuống.

Lão cái lại nói:

– Thế này tuy tạm được nhưng vẫn còn nhẹ quá.

Địch Vân vung quyền giáng xuống đánh “binh” một tiếng.

Lão già bật cười nói:

– Còn nhẹ lắm! Còn nhẹ lắm! Chưa ăn thua gì hết.

Địch Vân nói:

– Lão đừng nói đùa. Tại hạ không muốn đả thương lão mà thôi.

Lão cái cười lạt hỏi:

– Tướng công không muốn đả thương lão cái ư? Hãy vận toàn lực đấm một quyền thử coi.

Địch Vân vận kình vào tay mặt toan giáng xuống lưng lão cái. Nhưng dưới ánh trăng tỏ chàng chợt nhìn thấy lão già quá rồi, lòng chàng lại nhủn ra, giái tán kình lực, nói:

– Ai lại đi chấp với ông già!

Chàng khẽ đấm mấy cái.

Đột nhiên, chàng cảm thấy có người đẩy lưng mình lên rồi hất đi. Người chàng bay bổng lên cao như đằng vân giá vụ rồi té huỵch xuống đống cỏ rậm.

Chàng cảm thấy đầu nhức mắt hoa, lồm cồm mãi mới bò dậy được. Nhưng chàng không nổi giận, ngơ ngác nhìn lão cái ra chiều kinh dị hỏi:

– Phải chăng lão… lão đã hất tại hạ đi?

Lão cái đáp:

– Nơi đây còn người thứ ba nào đâu? Chẳng phải lão cái thì còn ai vào đấy?

Địch Vân hỏi:

– Lão dùng cách gì mà hất tung được tại hạ đi?

Lão cái liền đọc câu:

– Cử đầu vọng minh nguyệt! Đệ đầu tư cố hương!

Địch Vân lấy làm kỳ hỏi:

– Đó là những chiêu kiếm pháp mà gia sư đã dạy tại hạ. Sao… sao lão cũng biết?

Lão cái đáp:

– Quyền chiêu hay kiếm pháp cũng vậy mà thôi. Hơn nữa lệnh sư dạy không đúng đâu.

Địch Vân tức giận hỏi:

– Sao gia sư lại dạy không đúng? Lão là một tên khiếu hóa dám chỉ trích gia sư ư?

Lão cái hỏi lại:

– Nếu lệnh sư dạy đúng thì sao đánh người không nổi?

Địch Vân đáp:

– Bọn chúng ba bốn tên xúm vào mà tại hạ chỉ có một mình dĩ nhiên không đánh lại. Nếu lấy một chọi một thì lão thử coi xem tại hạ có đánh bại chúng không?

Lão cái cười hỏi:

– Ha ha! Đã đánh nhau thì còn kể gì lấy một chọi một, hay nhiều người đánh ít? Tướng công muốn đơn đả độc đấu nhưng người ta không nghe thì làm thế nào?

Chỉ còn cách quỳ xuống dập đầu hay giơ lưng chịu đòn. Một người thắng được hàng chục địch nhân mới đáng mặt hảo hán.

Địch Vân nghĩ lại thấy lão nói đúng, liền hỏi:

– Bọn chúng là đệ tử của tệ sư bá, kiếm pháp cũng suýt soát với tại hạ thì làm sao một người đánh nổi tám bên chúng được?

Lão cái hỏi lại:

– Lão dạy mấy môn công phu để tướng công một mình thắng được tám tên bọn chúng. Tướng công có học không?

Địch Vân cả mừng đáp:

– Tại hạ muốn học, muốn học lắm!

Nhưng rồi chàng lại nghĩ:

– Trên đời vị tất được mấy người bản lãnh như vậy. Lão cái này đã già nua lại không ra tuồng một nhân vật có võ công thượng thừa…

Chàng còn đang ngần ngừ thì đột nhiên bị lão cái chụp lấy sau lưng. Người chàng lại hất tung lên không lộn đi mấy vòng trên cao rồi giáng xuống thật mạnh.

Chàng chống tay đỡ lấy mình suýt nữa gãy xương.

Khi chàng lồm cồm bò dậy được thì đau quá nói không nên lời, nhưng trong lòng mừng rỡ vô cùng. Miệng ráng lắp bắp:

– Lão…lão bá bá!…. Tiểu tử xin bá bá truyền dạy cho.

Lão cái hỏi:

– Bữa nay ta dạy ngươi mấy chiêu, tối mai ngươi lại đến đánh nhau với bọn chúng, có dám làm không?

Địch Vân bụng bảo dạ:

– Võ công của lão tuy cao thâm, nhưng ta học một ngày thì cũng chưa được bao nhiêu.

Nhưng chàng nghĩ tới chuyện lại tỷ đấu với bọn Vạn Khuê, Lỗ Khôn, bất giác nổi lòng hào khí đáp:

– Tiểu tử dám làm. Nhiều lắm là chịu chúng đánh một chập nữa cũng không sao.

Lão cái đột nhiên vung tay trái chụp lấy sau gáy chàng liệng mạnh xuống đất, cất tiếng thóa mạ:

– Thằng lỏi thối tha này! Ta đã dạy võ công cho ngươi sao còn nói chuyện đưa xác ra chịu đòn? Ngươi không tin ta ư?

Địch Vân tuy bị liệng rất đau, nhưng trong lòng càng hoan hỷ, vội đáp:

– Dạ dạ! Đúng là tiểu tử lỗi lầm. Xin lão nhân gia truyền dạy ngay đi.

Lão cái nói:

– Ngươi đã học kiếm pháp, vậy biểu diễn cho ta coi. Đồng thời xướng những danh tự về kiếm chiêu.

Địch Vân “dạ” một tiếng rồi chạy vào bụi cỏ tìm trường kiếm. Chàng biểu diễn đúng như thể thức của sư phụ truyền dạy. Miệng chàng hô từng chiêu. Càng về sau chiêu kiếm càng thuận lợi, miệng chàng hô cũng mau lẹ.

Địch Vân đang sử kiếm đến chỗ hăng say, đột nhiên lão cái nổi lên tràng cười hô hố. Chàng không khỏi ngạc nhiên thu kiếm về hỏi:

– Tiểu tử rèn luyện không đúng hay sao?

Lão cái không đáp, chỉ ôm bụng mà cười, lão cười lăn cười lộn không sao ngồi ngay lên được.

Địch Vân đã hơi tức mình hỏi:

– Dù tiểu tử luyện không đúng thì có chi đáng cười?

Đột nhiên lão cái dừng tiếng cười thở dài nói:

– Thích Trường Pháp ơi là Thích Trường Pháp! Ngươi vận kình lực một cách hung hãn như vậy mà được ư? Cái đó là tại ngươi đọc sách quá thành ra hiểu sai lầm chiêu thức.

Địch Vân hỏi:

– Gia sư vốn là một nông gia không học được nhiều. Cái đó có gì đáng cười?

Lão cái nói:

– Ngươi hãy đưa kiếm cho ta!

Địch Vân xoay chuôi kiếm lại đưa cho lão.

Lão cái đón lấy trường kiếm rồi miệng khẽ hô:

– Cô hồng hải thượng lai! Trì hoàng bất cảm cố.

Lão cầm trường kiếm múa lên. Trong chớp mắt tựa hồ lão đã biến đổi thành người khác, tay kiếm vừa vững vàng vừa trầm trọng. Thái độ lão ung dung như nước chảy mây trôi, những cái lụ khụ vừa rồi đâu còn nữa?

Địch Vân coi mấy chiêu, chợt tỉnh ngộ nói:

– Lão bá! Ban ngày tiểu tử đấu với Lữ Thông có phải lão bá đã cố ý liệng bát ra để trợ lực cho tiểu tử?

Lão cái tức giận hỏi lại:

– Cái đó lọ là còn phải hỏi? Bản lãnh của Lục Hợp thủ Lữ Thông so với tên tiểu tử ngốc dại còn cao thâm gấp mười. Chẳng lẽ một chút đạo hạnh như ngươi mà thâu thập được hắn?

Lão vừa nói vừa tiếp tục sử kiếm.

Địch Vân nghe lão đọc khẩu quyết cũng tương tự như những điều sư phụ đã truyền thụ cho chàng. Có điều thỉnh thoảng tự âm hô trạnh đi một chút mà kiếm chiêu thành ra khác nhiều. Chàng càng coi chàng rất lấy làm kỳ.

Lão trái tay trái nắm kiếm quyết, tay mặt phóng trường kiếm ra. Đột nhiên lão đưa kiếm qua tay trái, tay mặt xoay lại tát vào mặt chàng một cái bạt tai thật nặng.

Địch Vân giật nẩy mình lên, đưa tay sờ lên má, tức giận hỏi:

– Sao lão… lão… lại đánh người ta?

Lão cái vừa cười vừa hỏi lại:

– Ta đang dạy kiếm chiêu mà đầu óc ngươi còn nghĩ vơ nghĩ vẩn, hỏi có đáng đánh hay không?

Địch Vân nghĩ lại biết mình có lồi, liền bình tâm tĩnh trí đáp:

– Đúng rồi! Quả là tiểu tử lỗi lầm. Tiểu tử nhận thấy lão gia đọc chiêu số rất giống sư phụ mà kiếm pháp lại có chỗ bất đồng, trong lòng rất lấy làm kỳ.

Lão cái hỏi:

– Sư phụ ngươi dạy ngươi phải, hay là ta sử kiếm chiêu đúng?

Địch Vân lắc đầu đáp:

– Tiểu tử không biết.

Lão cái giơ tay lên quăng trường kiếm cho Địch Vân nói:

– Vậy chúng ta tỷ kiếm đi!

Địch Vân đáp:

– Công lực của tiểu tử không bằng lão nhân gia, dĩ nhiên không địch nổi.

Lão cái cười lạt nói:

– Ha ha! Ngươi thật ngốc hết chỗ nói. Đây chỉ là so chiêu thức chứ không phải tỷ thí công lực.

Lão vung cây gậy trúc, dùng gậy làm kiếm, đâm tới Địch Vân.

Địch Vân quét ngang thanh kiếm đỡ gạt. Chàng thấy cây gậy trúc của lão cái dừng lại không phóng về phía trước, liền vung kiếm đâm tới.

Ngờ đâu mũi kiếm chàng mới vung lên, cây gậy trúc của lão có khác nào con độc xà chồm về phía trước, điểm trúng vào vai chàng.

Địch Vân trong lòng rất khâm phục, lớn tiếng reo:

– Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!

Đồng thời chàng hươi kiếm quét về phía trước.

Lão cái xoay cây gậy trúc áp vào thân kiếm của đối phương.

Địch Vân vận kình đẩy ra. Lão cái liền xoay cây gậy trúc đi mấy vòng khiến cho kình lực của chàng xô về phương hướng trái ngược.

Địch Vân cầm kiếm không vững. Trường kiếm tuột tay bay đi. Chàng ngơ ngác nói:

– Lão bá! Kiếm chiêu của lão bá thật cao minh!

Lão cái đưa gậy trúc ra đón thanh trường kiếm ở trên không rớt xuống.

Trường kiếm dính vào đầu gậy như có keo sơn gắn lấy.

Lão nói:

– Sư phụ ngươi học võ rất chuyên cần, nhưng kém ở chỗ ít đọc sách. Kiếm thuật của môn phái ngươi khác hẳn kiếm thuật các phái trong thiên hạ. Nghiên cứu về tình trạng hiểu biết thì cùng một môn kiếm pháp, có người khổ công rèn luyện hai, ba chục năm mà thành tựu rất bình thường. Có người hiểu rõ kiếm quyết thì chỉ một vài năm đã luyện thành kiếm thuật danh gia.

Địch Vân nửa hiểu nửa không, đứng thộn mặt ra mà nghe.

Lão cái lại nói:

– Kiếm pháp của ngươi tên gọi “Đường Thi kiếm pháp”. Vì thế mỗi chiêu đều biến hóa ở một câu thơ Đường…

Địch Vân hỏi:

– Sao lại “Đường Thi kiếm pháp”? Gia sư kêu bằng “Thảng Thi kiếm pháp” tức là phóng kiếm ra khiến địch nhân biến thành xác chết ngay đứ đừ.

Lão cái không nhịn được bật cười hô hố đáp:

– Đường thi chứ không phải Thảng thi đâu. Đó là sư phụ ngươi đọc trật đi.

Tỷ như hai chiêu “Cô hồn hải thượng thi”, “Trì hoàng bất cảm cố” là nói về con chim hồng một mình lẻ loi từ mặt biển bay về, nó thấy những vũng ao nhỏ trên đất liền không thèm đậu xuống để nghỉ ngơi. Hai câu thơ này của quan tể tướng Trương Cửu Linh đời nhà Đường làm ra. Trương tể tướng tự coi mình thân phận thanh cao, không muốn tranh quyền đoạt lợi với ai. Câu này áp dụng vào kiếm pháp ngụ ý trong nháy mắt cũng lộ ra thái độ khoan thai. Ba chữ “Bất cảm cố” ở đây có nghĩa là không thèm để mắt đến. Vậy mà sư phụ ngươi đọc câu “Cô hồng hải thượng lai”, “Trì hoàng bất cảm cố” thành “Ca ông hám thượng lai”, “Thị hành bất cảm quá” rồi đi đến kết quả câu trước biến thành tiếng hô hoán, và câu sau lại có ý úy thủ úy vỹ. Thế thì bản ý của kiếm pháp loãng hết rồi còn gì nữa.

Địch Vân thộn mặt ra mà nghe lão nhai văn nhấm chữ, tuy không hiểu được mấy nhưng cũng biết lão nói hợp lý. Có điều chàng nhất tâm kính ái sư phụ mà nay lão cái chỉ trích sư phụ chẳng còn đáng gì nữa, nên trong lòng rất khó chịu.

Bỗng chàng đứng phắt dậy nói:

– Tiểu tử đi ngủ thôi, không học kiếm nữa!

Lão cái lấy làm kỳ hỏi:

– Ngươi bảo sao? Ta nói không đúng ư?

Chọn tập
Bình luận
× sticky