Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Luật An Ninh Mạng – 2018

Chương 4 – Hoạt Động Bảo Vệ An Ninh Mạng

Tác giả: Quốc Hội Việt Nam

Điều 23. Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương

1. Nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm:

a) Xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet; phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;

b) Ứng dụng, triển khai phương án, biện pháp, công nghệ bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin và thông tin, tài liệu được lưu trữ, soạn thảo, truyền đưa trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;

c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng;

d) Bảo vệ an ninh mạng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên không gian mạng, cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chia sẻ thông tin trong nội bộ và với cơ quan khác hoặc trong hoạt động khác theo quy định của Chính phủ;

đ) Đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin;

e) Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng thuộc quyền quản lý.

Điều 24. Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia

1. Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong trường hợp sau đây:

a) Khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội;

b) Khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.

2. Đối tượng kiểm tra an ninh mạng bao gồm:

a) Hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị số được sử dụng trong hệ thống thông tin;

b) Thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền đưa trong hệ thống thông tin;

c) Biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước và phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật.

3. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

4. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Trước thời điểm tiến hành kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo bằng văn bản cho chủ quản hệ thống thông tin ít nhất là 12 giờ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo kết quả kiểm tra và đưa ra yêu cầu đối với chủ quản hệ thống thông tin trong trường hợp phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.

6. Kết quả kiểm tra an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.

7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng quy định tại Điều này.

Điều 25. Bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế

1. Bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế phải bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu bảo vệ an ninh mạng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; khuyến khích cổng kết nối quốc tế đặt trên lãnh thổ Việt Nam; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ an ninh mạng thuộc quyền quản lý; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ an ninh mạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tạo điều kiện, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng khi có đề nghị.

Điều 26. Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng

1. Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

2. Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;

b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 27. Nghiên cứu, phát triển an ninh mạng

1. Nội dung nghiên cứu, phát triển an ninh mạng bao gồm:

a) Xây dựng hệ thống phần mềm, trang thiết bị bảo vệ an ninh mạng;

b) Phương pháp thẩm định phần mềm, trang thiết bị bảo vệ an ninh mạng đạt chuẩn và hạn chế tồn tại điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, phần mềm độc hại;

c) Phương pháp kiểm tra phần cứng, phần mềm được cung cấp thực hiện đúng chức năng;

d) Phương pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; khả năng bảo mật khi truyền đưa thông tin trên không gian mạng;

đ) Xác định nguồn gốc của thông tin được truyền đưa trên không gian mạng;

e) Giải quyết nguy cơ đe dọa an ninh mạng;

g) Xây dựng thao trường mạng, môi trường thử nghiệm an ninh mạng;

h) Sáng kiến kỹ thuật nâng cao nhận thức, kỹ năng về an ninh mạng;

i) Dự báo an ninh mạng;

k) Nghiên cứu thực tiễn, phát triển lý luận an ninh mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền nghiên cứu, phát triển an ninh mạng.

Điều 28. Nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và nâng cao khả năng sản xuất, kiểm tra, đánh giá, kiểm định thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng.

2. Chính phủ thực hiện các biện pháp sau đây để nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân:

a) Thúc đẩy chuyển giao, nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng để bảo vệ an ninh mạng;

b) Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến liên quan đến an ninh mạng;

c) Tổ chức đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực an ninh mạng;

d) Tăng cường môi trường kinh doanh, cải thiện điều kiện cạnh tranh hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng để bảo vệ an ninh mạng.

Điều 29. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Bình luận
× sticky