Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ma thổi đèn 1 – Thành cổ Tinh Tuyệt

Chương 22 – Sa mạc đen

Tác giả: Thiên Hạ Bá Xướng

Giáo sư Trần xua tay lia lịa: “Không được mở!Quan tài hợp táng của hai vợ chồng vương tử nước Cô Mặc này là quốc bảo đấy. Hiện giờ chúng ta chưa có đủ điều kiện, hoàn cảnh lại chưa thích hợp, mở ra sẽ gây hư hại quan tài đang bịt kín và những vật phẩm bên trong. Mục đích chuyến đi lần này của chúng ta là để nộp báo cáo đánh giá lên cấp trên, xin phép khai quật, hoặc xin bảo hộ những di sản văn minh cổ đại này. Khi quay về để Ái Quốc bảo ban bọn Sở Kiện làm tốt công việc ghi chép là được, còn báo cáo tôi sẽ đích thân viết lấy.”

Xem ra tôi không có cơ hội xem những thứ trong quan tài này rồi, biết rõ rằng giáo sư nói có lý, nhưng vẫn không tránh khỏi thất vọng, cùng bọn họ leo lên căn phòng tế tự tầng trên.

Cánh cửa đá gian nhà tế vốn được niêm phong bằng rất nhiều da thú, nhưng đã bị chúng tôi dùng xẻng cứa nát, giáo sư Trần bảo rằng lớp da này dùng để giữ cho gian cúng tế khô ráo, cách biệt với hơi nước trong giếng thánh. Người Cô Mặc cổ đại dắt gia súc vào gian cúng chém giết, sau đó lập tức lột da chúng ra và dán lớp da còn nhầy nhụa máu nóng lên khe cửa đá, thịt và nội tạng của bò dê bị cắt sạch, chỉ để lại xương, cửa đá chỉ được mở trong lần tế tự sau.

Nghi lễ chém giết gia súc lột da cạo xương, trói xác khô lên cột gỗ,là để ghìn giữ nguồn nước của giếng thánh, khiến nó không bao giờ khô cạn. Người sống trong sa mạc thời xưa cho rằng linh hồn của cuộc sống đến từ dòng nước thần thánh, điều này đem so với thuyết khởi nguồn sự sống của Dawin ở một góc độ nào đó đã rất gần gũi.

Chúng tôi không thể dùng lại số da thú kia dán lên khe cửa, ngoài lạc đà ra chung quanh không còn loài động vật lớn nào khác, nhưng mười chín con lạc đà đối với chúng tôi, quý báu vô cùng, không thể lột da chúng đem dán cửa được, đành dùng băng dính dán lên mấy lớp.

Đoàn khảo cổ nghỉ ngơi trong thành Tây Dạ tròn ba hôm, rồi bắt đầu lên đường tiến về hướng Nam, cuối cùng cũng tiến vào biển cát mà người dân bản địa gọi là “sa mạc đen”, ở đây không thấy cây dương sa mạc nào nữa, cũng không còn những đồi cát nhấp nhô cao thấp, các ụ cát xung quanh phẳng gần như nhau, giống như những chiếc bánh bao bẹp, mênh mông vô tận, dù nhìn theo bất cứ góc nào hướng nào, cảnh sắc đều giống như nhau, không hề có chút dấu vết của sự sống.

Tôi hỏi lão Anliman xem trước đây lão đã từng vào vùng sa mạc này hay chưa.

Lão già cười gượng đáp: “Đây là địa ngục của cát vàng mà, ngay cả cụ già Hutai cũng không muốn đến đó mà. Tôi mà, cũng chỉ có đến qua một lần thôi, chính là cái lần này đây mà, nếu không phải là mấy ông cán bộ nhà các anh, với con lạc đà trắng được Hutai yêu dấu mà, tôi có chết một trăm lần cũng sẽ không đến đây đâu mà.

Than vãn thì than vãn, dù sao Anliman cũng được người ta gọi là bản đồ sống trong sa mạc, tuyệt đối không chỉ có hư danh, sa mạc đối với lão ta quá quen thuộc, giống như phụ nữ quen sắp nồi niêu bát đũa vậy. Tuy đây cũng là lần đầu tiên lão tới vùng sa mạc đen cấm kỵ này, nhưng đôi mắt tinh như cáo của lão, vẫn có thể phát hiện những lùm cỏ dại, những cây táo gai trong vũng cát, dựa vào những lùm thực vật này, cùng với kinh nghiệm lăm lộn trong sa mạc nhiều năm, lão mới có thể dẫn đoàn khảo cổ tiến vào phía trước.

Trong sa mạc có thủy hệ lớn nhất Trung Quốc, nhưng các hệ thống nước như sông Tarim đều chảy ngầm trong cát. Bề ngoài thì là sa mạc không có cây sinh sống, nhưng sâu trong lòng đất, có lẽ lại là một dòng sông ngầm tuôn chảy cuồn cuộn.

Một số loài thực vật sinh trưởng trong sa mạc, đều dựa vào một chút hơi nước bốc lên từ mạch nước ngầm dưới đất, cố gắng sống sót một cách ngoan cường. Thực ra nơi đây ngoài một số ít thực vật ra, cũng có rất nhiều động vật, nhưng quá nửa đều chờ đến ban đêm lạnh lẽo mới mò ra kiếm ăn.

Vào thời Hán thậm trí còn sớm hơn nữa, Taklimakan được gọi là “khu vườn cổ xưa”, bấy giờ mức độ sa mạc hóa ở nơi đây còn chưa nghiêm trọng, dòng sông còn chưa chìm xuống lòng đất, khắp nơi đều là những ốc đảo với những thị trấn, thành lũy, chùa chiền, dịch trạm. Vô số đoàn lái buôn đem theo tơ lụa, hương liệu, lá chè qua lại nơi đây, cho tới thời Nguyên, ông Marco Polo người Ý còn theo đoàn buôn đi qua con đường này tới Trung Nguyên.

Đến thời Minh, đế quốc Ottoman bắc ngang hai vùng Âu Á trỗi dậy, chiến tranh đã cản trở con đường thông thương giữa Châu Á và Châu Âu. Thời đại ấy là thời đại của biển cả, các nhà hàng hải mở ra tuyến đường mới, con đường giao thương chủ yếu chuyển từ lục địa ra đại dương, thời vĩ đại ấy còn được gọi là thời đại của những phát hiện địa lý lớn.

Cộng thêm với việc sa mạc xâm lấn ngày một nghiêm trọng, môi trường sống khắc nghiệt, các quốc gia lớn nhỏ trong sa mạc suy bại hoàn toàn, sự phồn thịnh và huy hoàng năm xưa đã bị Chúa trời đem đi mất.

Sa mạc đen là nơi bị các thần bỏ rơi trước nhất, nền văn minh nơi đây đến thời Tấn là chấm dứt, cho đến tận ngày nay, sa mạc đen vẫn chìm trong không khi u uất của sự chết choc.

Ngày đầu xuất phát, chúng tôi đón những cơn gió cát miên man, sắc trời vàng nhạt, nhưng gió không lớn, lại vừa vặn che mặt trời, nên có thể rảo bước vào ban ngày.

Shirley Dương cầm cuốn sổ nhà thám hiểm người Anh để lại, vừa đi vừa bàn bạc với lão Anliman về lộ tuyến. Trong cuốn sổ ghi rằng, sau khi rời khỏi thành Tây Dạ, các nhà thám hiểm đã phát hiện ra một nơi gần đó có rất nhiều mộ đá, họ định sau khi quay trở lại sẽ tiến hành khai quật, cho nên trong cuốn sổ có vẽ tỉ mỉ đường đi.

Kinh nghiệm của lão Anliman cộng với cuốn sổ của Shirley Dương, tuy không thể định vị một cách chính xác, nhưng về khoảng cách và phương hướng, thi đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.

Buổi tối khi cắm trại, lão Anliman tìm thấy một vùng gồ hẳn lên, mọi người đắp một bức tường chắn cát trên gò, bố trí xong xuôi cho lũ lạc đà, rồi mới đốt lửa sưởi ấm ở phía khuất gió của đồi cát.

Ngày hôm nay đi đường vất vả, tuy gió không lớn, nhưng khiến ai nấy đều sốt hết cả ruột, lão Anliman lèm bèm bảo giờ là mùa gió, ở sa mạc trung bình hai ngày một lần lại có thời tiết thế này, khi không có gió, thì cái nắng gay gắt của mặt trời sẽ hong khô cả giọt nước cuối cùng trên mình lữ khách.

Tuyền béo bảo: “Nóng một chút lại hay, toát mồ hôi giảm béo được, tắm nắng một chút cũng sướng chứ cứ gió máy thế này, dọc đường chẳng nói được câu nào, buồn bực chết mất.”

Lão Anliman bảo cậu ta chẳng hiểu gì hết, đây mới chỉ là rìa sa mạc thôi, đi thêm năm ngày nữa mới coi như vào sâu, tuy tôi chưa từng vào bao giờ, nhưng cũng quen biết với một số người bạn đã từng đáo qua đây, bọn họ đều là những kẻ may mắn sống sót trở về từ sa mạc đen đó.

Chỗ đáng sợ của sa mạc đen, không phải những bãi cát lún nuốt chửng người ta, cũng không phải bầy kiến gặm kim loại có thể tiêu hóa sạch một cái ô tô, cũng không phải bão cát đen. Tương truyền ở sâu trong sa mạc này có một vùng đất mộng ảo, người ta đi vào đó, sẽ nhìn thấy ao hồ, sông ngòi, mỹ nữ, thú thần, núi tuyết, ốc đảo, những người vừa khát vừa mệt đó hiển nhiên sẽ chạy thục mạng bám theo những cảnh đẹp đó, nhưng cho đến lúc chết vì mệt vì khát,cũng không thể đến đó được. Kỳ thực đó đều là những cạm bẫy của ma quỷ, dụ dỗ con người vào chết ở trong đó. Nhưng Hutai sẽ phù hộ cho chúng ta, Allah hu am!

Shirley Dương nói rằng: “Thứ mà họ nhìn thấy có thể là ảo ảnh. Những người không hiểu biết, quả thực rất dễ bị mê hoặc.”

Đang nói chuyện,Diệp Diệc Tâm chạy tới kéo Shirley Dương qua một bên, hai người thì thầm vài câu, Shirley Dương quay lại bảo tôi: “Chúng tôi ra sau ụ cát có chút việc.”

Tôi biết có thể là Diệp Diệc Tâm muốn đi vệ sinh,cô ta nhát gan không dám đi một mình, nên kéo Shirley Dương đi cùng, liền gật đầu dặn: “Mang theo đèn pin và còi, có việc gì thì phải ra sức thổi, đi mau về mau nhé.”

Shirley Dương “ừm” một tiếng rồi cùng Diệc Diệp Tâm nắm tay nhau đi ra phía sau một ụ cát không xa.

Tuyền béo hỏi tôi còn rượu không.

Tôi bảo hết rồi, có đem theo một thùng rượu trắng chắc cũng chẳng đủ cho cái miệng tham lam của cậu đâu, uống mấy ngụm nước nóng rồi mau đi ngủ đi, qua năm sáu hôm nữa mà không tìm thấy nguồn nước, lượng nước cấp cho mỗi người hàng ngày cũng phải cắt giảm nữa đấy.

Nói vậy cũng là để dọa Tuyền béo thôi, chứ dù không tìm được sông ngầm trong sa mạc, tôi cũng có cách bảo đảm cho tất cả mọi người đều có lượng nước uống tối thiểu.

Nhưng đó là cách vạn bất đắc dĩ, rất phiền phức, nhưng đúng là hữu hiệu, hồi trong quân đội tôi đã học được cách cầu sinh trong hoang mạc này.

Lão Anliman thoạt đầu sống chết cũng không chịu vào sa mạc đen, trong đó nguyên nhân chủ yếu là bởi sa mạc đen không có nước ngọt, dưới lòng đất tuy có sông ngầm, nhưng căn bản không thể đào sâu đến thế được, từ chỗ rễ cây saxaul, một loại cỏ hoang mạc, đào xuống thì dăm ba mét bên dưới cũng chỉ có cát ẩm và nước mặn, càng uống càng thêm khát.

Cách này lão Anliman cũng biết, tôi và lão tao nghiên cứu tính khả thi của nó nhiều lần, rồi ngầm mặc định với nhau, nếu đến nơi mà ngay cả cây saxaul cũng không mọc được, thì sẽ không tiến thêm nửa bước, lão ta mới đồng ý.

Những quân nhân được huấn luyện để sinh tồn trong sa mạc đều biết rằng, phía dưới lớp cát không quá sâu của sac mạc Tân Cương, có nhiều nước muối mặn mang hàm lượng chất khoáng lớn, đào dưới gốc các loài thực vật trong sa mạc,có thế lấy được cát ẩm và nước mặn, sử dụng biện pháp chưng cất đơn giản bằng ánh sáng mặt trời rồi lọc lại sẽ được một ít nước ngọt, tuy ít, nhưng đủ để duy trì sự sống.

Lúc này gió cát thổi mạnh hơn,phía sau ụ cát đối diện bỗng có tiếng còi ré len, mọi người thất kinh, vội tiện tay vơ xẻng công binh, súng hơi chạy thẳng tới nơi xảy ra sự cố. Cũng may chỗ đó cũng gần, cách chưa tới hai trăm bước, ba bước chạy thành hai bước, phút chốc đã tới nơi.

Chỉ thấy một nửa thân người Diệc Diệm Tâm chìm trong cát, cô nàng không ngừng giãy dụa, Shirley Dương đang nắm chắc cánh tay cô ta, cố sống cố chết kéo ra ngoài.

Trong lúc rối ren chẳng biết ai hét lớn: “Cát lún”

Chúng tôi lần theo dấu chân trên cát xông lên trước, bất chấp tất cả gắng kéo Diệp Diệc Tân lại, có mấy người không kịp tìm dây thừng, liền cởi thắt lưng ra, định buộc vào tay cô.

Không ngờ cũng chẳng cần tốn sức lắm, đã kéo được Diệp Tâm lên, xem ra không phải là cát lún rồi. Diệp Diệc Tâm sợ quá đâm bổ vào lòng Shirley Dương khóc nức nở.

Mọi người vội hỏi xem có chuyện gì, có phải cát lún hay không.

Shirley Dương vừa an ủi Diệp Tâm vừa kể: “Chúng tôi vừa ra sau ụ cát, Diệc Tâm hẫng chân, trôi cả nửa người xuống dưới, tôi vội giữ chặt tay cô ấy, rồi thổi còi kêu cứu. Nhưng hình như đây không phải vũng cát lún, tốc độ nuốt của cát lún rất nhanh, lực hút lại lớn, nếu đúng là cát lún, thì sứ tôi căn bản không thể nào giữ cô ấy lại được,vả lại Diệp Tâm trôi nửa người xuống, thì dừng lại, dường như phía dưới có thứ gì đó chắc chắn. Nếu không mọi người nghe báo hiệu chạy đến, cũng phải mất mười mấy giây, muốn cứu người chắc đã muộn rồi.

Diệp Diệc Tâm cũng đã bình tĩnh lại, lau nước mắt nói: “Hình như em giẫm phải một phiến đá lớn dưới lớp cát, dưới phiến đá có một khoảng trống, em vừa đặt chân lên liền sụt xuống luôn.”

Shirley Dương lấy làm lạ: “Lẽ nào đó là mộ đá? Chúng ta thử xem xem!”

Chúng tôi dùng xẻng đào chỗ ban nãy Diệc Tâm mắc kẹt, dưới lớp cát vàng không dày lắm, song song với triền dốc của đồi cát, quả nhiên lộ ra một bức tường đá thoai thoải, trên tường xuất hiện một lỗ lớn do người ta nổ mìn.

Xem chừng thời gian nổ mìn chưa lâu, chắc cũng trong mấy hôm nay thôi, gió cát phủ một lớp cát mỏng lên miệng hố, Diệp Diệc Tâm đã giẫm phải hố này và bị kẹt ở đó.

Mọi ngươi ngắm cái hố đá, rồi nhìn nhau, đây rõ ràng là một ngôi mộ đá, lẽ nào đã bị trộm rồi?

Tôi kiểm tra đá vụn bên miệng hố và hướng của xung lực khi nổ, một kip nổ nhỏ có định hướng chính xác. Tôi làm lính công binh bấy nhiêu năm, tự cảm thấy trình độ sử dụng thuốc nổ của mình không ai bì được, nếu để cho tôi phá nổ mộ đá này, thì cùng lắm cũng chỉ đến mức này mà thôi.

Xem ra kể cho nổ mộ rất am hiểu đặc tính chịu lực của chất đá, thuốc nổ chỉ phá vỡ tường đá, bao nhiêu đá vụn bắn hết ra ngoài, không hề tổn hại một chút nào đến bên trong ngôi mộ.

Lại xem sưc công phá của thuốc nổ, tuyệt không phải loại thuốc nổ dân dụng. Rời khỏi quân đội mấy năm, lẽ nào bây giờ quân nhân tại ngũ cũng lao đi đổ đấu? Chắc chắn không phải,có thể đây là thuốc nổ bị trộm. Ngoài ra ở sa mạc mênh mông này, những kẻ đổ đấu kia làm cách nào để tìm được mộ cổ? Xung quanh đây địa hình và địa mạo hoàn toàn giống nhau, lẽ nào trên đời này ngoài kẻ có trình độ dở ngô dở khoai như tôi ra, còn có cao thủ đổ đấu khác biết xem phong thủy thiên tinh?

Ụ cát dần được dọn sạch, đây là một bức tường đá hình elip, ngoài mặt bị nổ ra, những phần khác đều vùi sâu dưới lớp cát vàng.

Xem ra đây là một ngôi mộ đá điển hình thời Ngụy Tấn, đá núi vừa dày vừa lớn xây thành hình vòng cung, khe hở được dính bởi keo cá mè, loại mộ đá như vậy rất thường thấy ở thành cổ Tây Dạ. Đầu thế kỷ 19, một nhà thám hiểm châu Âu từng hình dung thế này: “Mộ đá có thể thấy ở khắp nơi trong sa mạc, có mộ lớn mộ bé, đếm không kể xiết, các ngôi mộ được chôn quá nửa trong cát vàng, lộ chóp đen ra ngoài, tựa như những chiếc kim tự tháp Ai Cập thu nhỏ, đi qua sa mạc giữa nhưng ngôi mộ đá chi chít đó, cảnh vật thực khiến người ta ngây mình đắm đuối.”

Giờ đây những ngôi mộ đá này đã bị sa mạc chôn lấp hoàn toàn, rất khó truy tìm tung tích, giáo sư Trần đoán rằng có thể là do cơn bão sa mạc cách đây mấy ngày, gió lớn khiến ngôi mộ đá này lộ ra một phần, không ngờ bọn trộm mộ đến nhanh quá, đoàn khảo cổ vẫn chậm hơn một bước.

Trên dọc được đi chúng tôi đã trông thấy một vài ngôi mộ cổ bị bọn trộm làm hư hại,chẳng trách giáo sư Trần sốt sắng như thế, liều cái mạng già cũng phải tiến vào sa mạc, nếu không ngăn hoạt động trộm mộ ở vùng này lại, e rằng một ngày không xa, sẽ chẳng còn lại thứ gì hết.

Hố vào mộ huyệt đen hun hút, tôi và giáo sư Trần, Hách Ái Quốc mấy người bật đèn pin vào xem xét. Gian mộ chỉ tương đương với một căn nhà mái bằng nho nhỏ, bên trong đặt rải rác bốn năm cỗ quan tài,nắp quan tài đều đã bị cậy hỏng cả, quăng sang một bên, chỗ nào cũng bị bới vung bới vãi lên hết.

Quan tài có cỗ to cỗ nhỉ, có vẻ như một ngôi mộ hợp táng, xác cổ trong quan tài chỉ còn lại bộ xác khô của một cô gái trẻ, tóc dài tết dải, chỉ có phần đầu còn giữ tương đối hoàn hảo, thân thể thì đều bị vỡ nát cả, những cái xác còn lại đoán chừng đều đã bị bọn trộm mộ khiêng đi rồi.

Trong cổ mộ ở sa mạc Tân Cương, thứ có giá trị tương đương với châu báu, chính là xác khô trong mộ. Tôi từng nghe giáo sư Trần kể, xác người cổ có phân làm mấy loại như xác ướp vẫn còn nước, ví dụ như xác phụ nữ ở gò Mã Vương,còn có xác sáp, một dạng thi thể được xử lý một cách đặc biệt; xác đông bảo lưa trong vùng băng giá có tuyến phủ vạn năm; xác tẩm giống như cương thi; ngoài ra còn có loại xác nhồi như tiêu bản…

Xác khô cũng phân làm mấy loại, có loại là đem chất hút ẩm như vôi hoặc tro bỏ vào quan tài mà thành, cũng có loại giống như xác ướp Ai Cập cổ, được xử lý bằng kỹ thuật chống rữa đặc biệt.

Còn xác khô ở Tân Cương thì được hình thành một cách tự nhiên do hoàn toàn ở trong mộ trường đặc biệt có nhiệt độ cao, khô nóng, không có nấm mốc, loại xác khô này, niên đại lâu đời một chút thì rất đáng tiền, một số bảo tàng, triễn lãm, và các nhà sưu tầm hải ngoài đều tranh nhau mua với giá cao.

Gíao sư Trần thấy ngôi mộ bị trộm hết xác, lại còn bị phá bừa loạn xị ngậu lên, cứ than thở mãi không thôi, đành bảo mấy học trò dọn dẹp những đồ vật còn sót lại trong mộ, xem xem có thể cứu vãn được gì không.

Tôi lo giáo sư quá kích động cơ thể lại không chịu đựng nổi, bèn khuyên ông đi nghỉ sớm, giáo sư Trần dặn dò Hách Ái Quốc mấy câu, bảo anh ta dẫn người vào ghi chép tỉ mỉ tình hình ngôi mộ, rồi Tuyền béo đưa ông về trại nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau gió vẫn không ngưng, cứ thổi không khoan không gấp như vậy, lúc đoàn khảo cổ xuất phát, giáo sư Trần tìm tôi, ông bảo ngôi mộ thấy đêm qua, thời gian bị trộm cách không quá đến năm ngày, có thể có một nhóm trộm mộ đã vào sa mạc đen sớm hơn chúng ta, không thể trễ nải, tốt nhất là đuổi theo bắt được chúng.

Tôi tùy tiện đáp bừa vài câu,nghĩ bụng mặc bu chúng nó, tốt nhất là chớ có đụng phải nhau, đồng nghiệp là oan gia, huống hồ đám người trộm ngôi mộ đá kia có cả thuốc nổ quân dụng,nói không chừng còn có cả vũ khí lợi hại nữa, đụng phải bọn này, không tránh khỏi đánh nhau một trận sứt đầu mẻ trán. Tôi thì chẳng vấn đề gì, vấn đề là ở đoàn khảo cổ, ngộ nhỡ có người tử thương, trách nhiệm này lớn quá.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sa mạc mênh mông hai đoàn người muốn gặp nhau cũng đâu có dễ gì,nếu không phải tối qua chúng tôi thấy đồi cát này là chỗ cao nhất quanh đây, thì đã chẳng tới cắm trại,càng chẳng thể nào tìm thấy mộ đá bị trộm, đâu có lần thứ hai tình cờ như vậy nữa, có thể mấy thằng cha ấy trộm xác xong thì trở về luôn cũng nên…

Mười mấy ngày sau đó,đoàn khảo cổ càng vào sâu trong sa mạc, cuối cùng cũng đã để mất dấu sông Từ Độc, liên tục mấy ngày đều đi vòng quanh chỗ cũ. “Từ Độc” trong tiếng bản địa cổ nghĩa là cái bóng, chẳng thể đuổi bắt được. Đôi mắt lão Anliman trợn lên đỏ au, cuối cùng lão run tay, bảo không còn cách nào nữa, xem chừng Hutai chỉ cho chúng ta đi tới đây thôi.

Cả đoàn người và lạc đà đều mệt lử, chẳng ai bước nổi nữa. Mấy hôm nay sa mạc không có một chút gió nào, thời gian mặt trời treo trên không trung dài hơn bao giờ hết, để tiết kiệm nước uống, các thành viên trong đoàn ban ngày đào hố trên cát, bên trên dựng bạt chống mưa, hít lấy hơi nước mát ở mặt đất, để giữ lượng nước trong người, chỉ đến đêm và sáng sớm mới khởi hành, nửa đường cưỡi lạc đà, nửa đường lái xe số 11.

Đi tiếp về phía trước, lương thực và nước đều không đủ nữa, nếu trong một hai ngày tới mà không quay trở về đường cũ, thì lúc trở lại sẽ phải giết lạc đà mà ăn mất.

Tôi nhìn đoàn người đã mệt nhoài, môi khô nứt nẻ, biết rằng đã sắp đến cực hạn rồi, thấy mặt trời nhô lên, nhiệt độ ngày một cao, bèn để mọi người đào hố nghỉ ngơi.

Sắp xếp xong xuôi, Shirley Dương tìm tôi và lão Anliman, bàn bạc lộ trình sắp tới.

Shirley Dương nói: “Anh Nhất, ông Anliman, trong cuốn sổ tay của nhà thám hiểm người Anh tôi cầm, có ghi chép thế này, nhà thám hiểm người Anh đó cũng để mất dấu dòng sông ngầm Từ Độc khi ở sâu trong sa mạc đen này, ở vùng biển cát chết chóc không một tấc cỏ đơm mọc này, hai dãy núi từ màu đen khổng lồ đứng song song đón lấy ánh tà dương, tựa như hai võ sĩ áo giáp đen thời viễn cổ, lẳng lặng gìn giữ bí mật cổ xưa, đi xuyên qua hẻm núi tựa như cánh cửa lớn, tòa thành trong truyền thuyết liền hiện ra trước mắt.”

Bình luận