Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ma thổi đèn 3 – Trùng cốc Vân Nam

Chương 12 – Máu đỏ

Tác giả: Thiên Hạ Bá Xướng
Chọn tập

Chúng tôi lúc này chẳng khác gì những pho tượng người ở trong sơn động, bị dây bảo hiểm treo lửng lơ trên cành cây đa, nắng sớm mai chiếu lóa cả mắt, chỉ thấy trong bụng cây toác ra lộ một vật màu đỏ sẫm, hình khối hộp chữ nhật, hai cạnh phía trên được mài lượn tròn.

Ánh mặt trời xuyên qua cành lá chiếu vào, phát ra một vầng sáng màu tím nhạt, đây là cái gì vậy? Tôi vùng vẫy ngoặc cái cuốc chim lên cành cây, trèo trở lại lên tán cây, sau đó kéo Shirley Dương cùng lên. Tuyền béo vốn mắc chứng sợ độ cao, nên không dám quẫy đạp gì, sợ đến nỗi toàn thân cứng đơ, tôi định dùng dây bảo hiểm thả cậu ta xuống đất nhưng cu cậu cứ khăng khăng không chịu :” Kéo tôi lên đấy đi, tôi phải nhìn kỹ cái vật ấy mới được, tôi thấy có đến tám phần là đáng một món tiền lớn đấy”.

Tôi đành cùng với Shirley Dương vận hết sức lực kéo dây bảo hiểm, giúp Tuyền béo leo trở lại lên tán cây. Lúc này trời đã sáng rõ, đứng trên ngọn cây cao hơn hai chục mét nhìn xuống, hơi có cảm giác như đứng bên vực sâu, như đi trên băng mỏng.

Lần này chúng tôi đã biết điều, tự đứng giãn ra, vây quanh quan sát vật thể xuất hiện trong thân cây, Tuyền béo hỏi tôi :” Cái này là quan tài à? Bằng ngọc hay bằng pha lê? Sao lại có màu sắc kỳ dị như thế? Tôi thấy nó hơi giống mấy mảnh kê huyết thạch mà ta lượm được ở Phan Gia Viên”.

Tôi không trả lời cậu ta mà chỉ chăm chú quan sát, ở giữa thân cây đa lộ ra già nửa cỗ quan tài trong suốt trông nửa như ngọc nửa như pha lê, sáng bóng khác thường, gần như trong suốt, bên ngoài có một lớp trắng mờ mỏng tang như cánh ve sầu, phía trong đỏ dần, càng vào sâu càng sẫm, trông giống như chứa đầy máu tươi đỏ thắm. Phần lớn quan tài bị các loài thực vật ký sinh bao bọc, khó mà nhìn được toàn diện.

Chúng tôi chưa từng nhìn thấy thứ chất liệu như thế này, quan sát kỹ hơn, phát hiện nó chế từ một khối ngọc thạch gần trong suốt, bên trong lại có một tầng pha lê, trong nữa có lượng lớn chất lỏng màu đỏ sẫm, trông như máu tươi. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, đây là một cỗ quan tài ngọc hiếm thấy.

Shirley Dương thấy cỗ quan tài ngọc kỳ quái bèn lấy làm lạ :” Đây rõ ràng là quan quách dùng cho người chết, vật liệu này là Thiên ngọc Tây Tạng chứ không phải ngọc vùng Vân Nam giáp với Mianma. Có điều … sao trong thân cây lại có cỗ quan tài lớn bằng ngọc thế này? À … phía sau núi Già Long đã là phạm vi của mộ Hiến vương, bộ quan quách này rất có khả năng là bồi lăng của ngôi mộ chính, nhưng tại sao quan tài lại nằm trong lòng cây đa?”

Tuyền béo nói :” Thế thì cô phải hỏi cậu Nhất này này, tay này vẫn bốc phét mình thông tỏ mọi kiểu quan tài mồ mả ở Trung Quốc đấy thôi! Để hắn giải thích đi”.

Tôi lắc đầu :” Thế này là làm khó tôi rồi, từ thời cổ xưa, xây cất mồ mả đều rất coi trọng phải có gò có cây. Cây là để đánh dấu phần mộ, trồng ở trước gò, để cho kết cấu lăng mộ có được hình thế tạo phúc ấm cho tử tôn, nhưng chưa từng thấy ai đặt quan tài vào trong thân cây, vậy thì còn ra thể thống gì nữa”.

Từ đời Thương, Chu, Trung Quốc đã có lý luận phong thủy, an táng người chết xưa nay rất lưu ý đến thế “cõng dương bọc âm, kề sông dựa núi”, chứ đâu có lý gì lại treo trên cây! Cây đa cổ thụ này lại nằm trong cánh rừng sau núi Già Long, đỉnh núi mây mù bao bọc, không nhìn rõ thế núi nhưng xem bản đồ thì biết đây chỉ là một ngọn núi đơn lẻ, là một con độc long. Sách ” Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật”, mục “quyết chú tầm long” đã nói rõ: Long huyệt tối kiêng cảnh vắng tanh, bốn bề lạnh lẽo khí không lành, rồng trơ núi lẻ không yên ổn, dẫu có trấn an cực chẳng đành.

Mặc dầu địa thế ở đây thấp dần theo hướng Đông Tây, nhưng quá cô quạnh, là một vùng trũng sâu không thấy đáy, cho nên chắc chắn không phải nơi tốt nhất để đặt lăng tẩm.

Hơn nữa, cây cổ thụ là thứ đứng đầu trong năm điều hại cho mồ mả. Nơi chôn cất mà bên trái có cây cổ thụ, núi đơn lẻ, sống đứt gãy, đỉnh non trơ trụi, đá lởm chởm, hình thế đều rất xấu, quyết không nên mai táng. Nếu có cây cổ thụ sẽ tranh mất phong khí; núi đơn lẻ sẽ ít được che chở, thi thể không tan không kết, âm dương tất xung khắc; có sông đứt gãy thì đất khô mạch nghẽn, mà mạch nghẽn thì sinh khí cũng bị tắc; nơi đá lởm chởm, vách dốc chênh vênh, hung khí tràn lan, ắt sẽ bị tai họa vì khí xấu của đất, có núi trọc thì đó là nơi không có sinh khí.

Tuy nhiên những nơi ấy không hẳn là nơi đất hung đất dữ, có lẽ nếu xây chùa miếu hoặc nhà thờ thì thích hợp hơn, sẽ có tác dụng điều hòa hình thế, nhưng dùng để xây mộ chôn người thì không hợp.

Cho nên, càng không thể dùng cây để làm nhà mồ, việc này hoàn toàn trái với lý luận về hình thế phong thủy, vì hoàn toàn không có chút khí mạch, minh đường, thủy khẩu, hoặc long, huyệt, sa, thủy, hướng … gì hết. Tuy nhiên, chiếc quan tài ngọc trong suốt kia quả là hiếm thấy, chất lỏng bên trong là thứ gì? Lẽ nào là máu thật? Nếu thế thì đó là máu của ai?

Tôi đến gần, giơ ngón tay chạm vào quan tài, đầu ngón tay thấy mát lạnh trơn bóng, đúng là ngọc quý hiếm gặp, càng hiếm hơn nữa là toàn thân nó không một gợn tì vết, lại đồ sộ như vậy, dẫu trong hoàng cung đại nội cũng khó mà tìm được một khối ngọc đẹp nhường này. Cỗ quan tài ngọc được đặt nằm ngang trong thân cây đa, thân cây phát triển, chèn ép, đứt gãy một số thớ gỗ tì đỡ, nên bây giờ nó hơi nghiêng.

Ở đầu bị nghiêng xuống, chỗ nắp và thân quan tài tiếp giáp có vài vết rạn rất nhỏ, có lẽ bởi trải qua bao năm tháng, nhiều yếu tố tác động gây ra, chất lỏng trông như máu bên trong quan tài cũng dần dần thẩm thấu ra ngoài, rớt xuống loang lổ trên phiến đá ngọc kê phía dưới.

Đến lúc này chúng tôi mới chợt hiểu ra, Tuyền béo leo lên cây lần thứ nhất, làm cho quan tài trong thân cây bị nghiêng, chất lỏng màu đỏ sẫm thấm ra theo mấy vết rạn rồi rớt xuống phiến đá kê bên dưới, cộng với thân cây vốn bưng kín mít, giọt nước tí tách lúc mau lúc thưa, âm thanh trầm đục, đã bị chúng tôi nghe thành một chuỗi tín hiệu điện tín.

Sau khi mực chất lỏng trong quan tài đã xuống thấp hơn vết nứt, thì các tín hiệu cũng tự ngừng lại, lần thứ hai, thân cây bị vỡ toác, xác máy bay vận tải rơi xuống đất, xung lực mạnh, lại làm cho quan tài nghiêng thêm, chất lỏng trong quan tài lại tiếp tục rò rỉ. Chúng tôi đang sẵn ý nghĩ chủ quan, từ đầu vẫn cứ coi các âm thanh ấy là tín hiệu, đúng là sợ bóng sợ gió, đa nghi quá.

Nhưng tôi lại lập tức thấy chột dạ, liệu có đúng là trùng hợp ngẫu nhiên không? Sao lại tổ hợp thành một chuỗi mã tử vong được? Nếu chỉ là ngẫu nhiên, thì nó cũng chẳng phải điềm tốt lành gì. Mong sao chuyến đi này của chúng tôi sẽ không xảy ra chuyện gì bất trắc.

Trong khi tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì Shirley Dương cầm con dao lính dù cạo bỏ các dây nhợ thực vật bám trên nóc quan tài, rồi đi găng tay xoa sạch bề mặt. Nắp quan tài hiện rõ những hoa văn chạm khắc hết sức tinh xảo, toàn bộ bề mặt được chạm các hình chim uyên ương, hồng nhạn, cáo, thỏ, hoẵng, hươu, voi … là các loài chim thú quý hiếm, tượng trưng cho sự tốt lành và khôn ngoan, ở bốn góc còn trang trí hoa văn đối xứng nhau là các loại hoa thảo muôn hình muôn vẻ.

Bốn mặt xung quanh quan tài ngọc khắc chìm rất nhiều cánh hoa sen, phù điêu hình củ ấu, ở giữa mỗi mặt lại khắc hình một con vẹt thần thái giống y như thật, mỏ con vẹt còn ngậm một đóa linh chi.

Shirley Dương ngẩng đầu lên, nói với tôi :” Các bức phù điêu trên quan tài ngọc này được tạo hình hiền hòa êm dịu, tuy hơi kém sinh động nhưng cách thể hiện các đường nét vẫn mộc mạc tươi sáng, hoa mỹ mà không mất đi vẻ thâm trầm. Hình thức thể hiện hàm chứa tính nghệ thuật cao này rất gần với phong cách thuần phác cổ kính của thời Tần – Hán. Chắc chắn đây là bồi lăng của lăng mộ Hiến vương, không thể nhầm được!”

Tuyền béo đứng bên rất sốt ruột, nắn nắn các ngón tay, nói :” Mặc xác hắn là vương là bá gì, chúng ta bắt gặp cỗ quan tài này rồi, thì nó là của ta. Cứ bật nắp ra xem xem bên trong có minh khí gì không, bây giờ trời cũng đã sáng, chẳng sợ cóc gì thi biến”.

Tôi vội can ngăn cậu ta lại :” Chớ nôn nóng! Chúng ta đâu có đi tìm cỗ quan tài này? Không phải vô cơ mà nó được đặt trong thân cây. Chất lỏng đỏ thắm đổ đầy trong này chẳng khác gì máu tươi, ai dám bảo đảm mở nó ra sẽ không xảy ra chuyện?”

Shirley Dương dùng mũi dao lính dù chấm vào chất lỏng màu đỏ sẫm rỉ ra từ quan tài, đưa lên mũi ngửi, rồi nói với tôi và Tuyền béo :” Không tanh, nhưng mùi rất nồng … giống như mùi thuốc bắc, tôi thấy bản thân cỗ quan tài này không có gì đặc biệt, chất lỏng màu đỏ có thể là để chống phân hủy. Điều lạ lùng là quan tài lại đặt trong thân cây…”

Tuyền béo nói :” Có gì đáng ngạc nhiên đâu? Có thể là hạt giống nảy mầm từ bên dưới mộ, dần dần nó phát triển thành cây, cuối cùng nó húc thủng đất dưới mộ, đội cái quan tài lên, thế là quan tài nằm trong thân cây! Đầu óc hai người làm sao thế? Chuyện bé bằng cái mông thế mà nghĩ không ra, lại còn mặt dày lặn lội từ xa đến đây để đổ đấu nữa chứ!”

Tôi lắc đầu nói :” Khả năng như Tuyền béo nói không lớn. Tôi chợt nghĩ thế này, quan tài ngọc này không phải thứ tầm thường, có lẽ dùng để chôn cất người tu đạo nào đó. Những thuật sĩ thoát tục thường tự cho rằng mình đã ở ngoài ngũ hành, không cần làm theo cách chọn nơi đặt mộ của thế nhân, quan tài phải có lối ra lối vào, nếu đậy kín như bưng thì “khí” sẽ tụ hết ở bên trong. Có lẽ người ấy đã cố ý bố trí như thế này, hai cây đa phu thê là bộ quách bọc ngoài quan tài ngọc, bên trong là một vị thầy mo hoặc một người tu tiên cầu đạo. Theo tôi, cái hốc nho nhỏ mà chúng ta phát hiện ra trên thân cây, là cái giếng trời để hấp thu tinh khí của thiên địa. Tương truyền mộ Hiến vương là ‘thủy long huân’ độc nhất vô nhị trên thế gian, kiểu như động phủ của các thần tiên mà chúng ta chưa tận mắt nhìn thấy, nếu đúng như truyền thuyết, thì bồi lăng này phải nằm tại một trong vài vị trí của các tinh tú ở xung quanh huyệt chính, cho nên ta không thể chỉ căn cứ vào địa thế quanh cây đa này để kết luận được”.

Shirley Dương thấy tôi nói tương đối có lý bèn nói :” Hiến vương rất sùng bái vu thuật, chỉ một lòng muốn tu tiên, cho nên cận thần xung quanh ông ta phần lớn là các thuật sĩ, từ đó suy ra thì đây là một cỗ tiên quan trong số các bồi lăng, chỉ không rõ người nằm trong đó đã đắc đạo thành tiên chưa, nếu thế gian này có tiên thật, thì cỗ quan tài này sẽ là quan tài rỗng, thi thể trong đó đã hóa thành tiên rồi mới phải”

Tuyền béo nói :” Cậu Nhất nhanh xuống đất lấy các dụng cụ lên đây, tôi sẽ hạ nửa cái cây còn lại đang che khuất quan tài, chúng ta xem xem trong đó có thứ gì, hắn là tiên hay là yêu quái cũng không sao, điều quan trọng nhất là phải có minh khí đáng tiền để chúng ta mở hàng lấy may. Tôi sớm đã biết lão Hiến vương này chẳng phải hạng tử tế gì, nói theo cách của lão mù, đây gọi là thấy của bất nghĩa, lý gì ta lại không lấy”

Shirley Dương cũng gật đầu :” Không chừng sẽ phát hiện được một số bí mật liên quan đến mộ Hiến vương, những thông tin đầu mối ấy sẽ giúp chúng ta không ít đâu”.

Thấy hai người đều có ý mở cỗ áo quan, tôi bèn nhảy xuống, lấy ra các dụng cụ mà Mô kim Hiệu úy vẫn dùng để mở quan tài, như thám âm trảo, kính âm dương, và vài thứ khác. Quy định của phái Mô Kim là trời tối ra tay, gà gáy dừng tay. Lúc này trời đã sáng hẳn, theo quy định thì không được đụng đến các đồ tùy táng trong mộ, nhưng nếu mở ra điều tra xem xét thì được, cho nên phải dùng đến kính âm dương.

Kính âm dương là cổ vật truyền từ thời Đường, là một cái gương đồng đã bị mài vẹt hẳn đi, vốn không phải hình tròn mà đúc thành hình tam giác, tượng trưng cho tam tài là thiên, địa, nhân, mặt trước là dương, mặt sau là âm, mặt sau còn đúc bốn chữ triện “thăng quan ( mở nắp quan tài) phát tài”. Khi sử dụng, phải buộc sợi chỉ đỏ treo gương lơ lửng, mặt trước hướng về ánh nắng mặt trời, bốn chữ triện phía sau quay đúng vào đầu hồi quan tài.

Tương truyền rằng kính âm dương này chuyên dùng để mở những cỗ quan tài đã bị hở ra ngoài nấm mồ. Vào thời Đường, nghề đào trộm mộ rất thịnh. Câu thơ ” Hài cốt lộ nửa vời, Xương trắng phơi ngang dọc” là để miêu tả thảm cảnh ở các vùng có mồ hoang sau khi bọn đào trộm mộ tràn qua tàn phá. Vào thời ấy, bọn đào trộm mộ chuyên nghiệp rất sẵn, thủ đoạn cũng rất đa dạng, thịnh hành nhất là cách đổ đấu kiểu không đào địa đạo để vào địa cung, mà là trực tiếp dùng cuốc xẻng phá mộ đào đất ngay giữa thanh thiên bạch nhật, buộc thừng kéo quan quách lên khỏi huyệt, rồi bật nắp quan tài, lấy sạch các đồ tùy táng của người chết, xong xuôi rồi bỏ mặc hài cốt nằm phơi giữa đồng không mông quạnh. Kính âm dương là thứ công cụ mà bọn trộm mộ thời đó nhất thiết phải dùng chứ không phải dụng cụ truyền thống độc môn của Mô kim Hiệu úy.

Chiếc kính âm dương này là di vật của Liễu Trần trưởng lão, chúng tôi chỉ biết rằng trong tình huống vạn bất đắc dĩ phải mở nắp quan tài vào ban ngày, thì có thể dùng nó chiếu vào đầu hồi quan tài để chế ngự âm khí ô trọc xộc thẳng vào lửa tam muội trong tâm con người, kẻo trở về sẽ gặp xúi quẩy.

Hôm nay chúng tôi hành động vào ban ngày nên lấy nó ra dùng, dù có hiệu quả hay không cũng phải thử một phen đã. Nhưng treo gương xong, chuẩn bị dùng thám âm trảo nhổ đinh bật nắp, chúng tôi mới nhận ra rằng cỗ quan tài ngọc này không dùng đinh, mà làm theo kiểu khớp mộng, hai bên phiến ngọc làm nắp có gờ rãnh rất khít.

Chúng tôi bèn đứng ra phía đầu quan tài, chuẩn bị kéo nắp quan tài ra. Tôi và Tuyền béo vừa định ra tay thì phát hiện ra ánh mặt trời đang chiếu vào cỗ quan tài lấp lánh, bên trong hiện ra một cái bóng đen cao to. Bóng người này đồ sộ đen sì, có đầu và hai vai, phần bóng bên dưới vai rất to rộng, hình như bên trong quan tài còn có nhiều thứ khác nữa, nhưng chỉ nhìn hình dáng thì rất khó đoán là gì, có lẽ là các thứ đồ bồi táng đặt trong quan tài ngọc chôn theo người chết.

Tôi thầm nghĩ, bên trong đã có xác, xem ra người chết trong này chưa thể thành tiên, dù sao cũng đang giữa ban ngày ban mặt, chẳng sợ nó biến thành cương thi. Không ngờ lúc này trời bỗng có đám mây đen nặng nề kéo đến, che khuất cả mặt trời, bốn bề lập tức tối sầm, không trung sấm nổ rền vang. Tiếng sấm bất chợt khiến chúng tôi ngẩng đầu nhìn lên, tôi nguyền rủa :” Cái chốn ma quỷ này, chỉ có sấm mà không đổ mưa”. Tôi thầm nghĩ sét mà đánh vào cây đa chắc chắn chúng tôi sẽ chết theo. Không ổn! Phải tìm chỗ ẩn nấp, chờ hết sấm đã rồi sẽ tiếp tục hành sự.

Bỗng nghe thấy Shirley Dương đứng phía bên kia quan tài nói :” Hai anh lại mà xem, quan tài đang đè lên một cánh tay người chết, có lẽ tín hiệu phát ra từ đây chứ không phải là tiếng chất lỏng bên trong quan tài rỉ ra đâu”.

Tôi vừa định ngoảnh lại, bỗng thấy trời lúc này tối đến nỗi không nhìn thấy người nữa. Ba chúng tôi đều không ngờ thời tiết ở đây biến đổi nhanh đến thế, chỉ trong nháy mắt đã tối đen như mực, sấm thi nhau nổ đùng đoàng..

Chọn tập
Bình luận