Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ma thổi đèn 4 – Thần cung Côn Luân

Chương 42 – Hoàn thành tâm nguyện

Tác giả: Thiên Hạ Bá Xướng
Chọn tập

Tôi thấy những người còn lại lúc này đều ngủ lịm đi, mọi người quả thật đã quá mệt, không nhất thiết phải kinh động đến họ vì trò khôn vặt này của Minh Thúc. Thế rồi không để lão kịp phân bua, tôi giằng lại ba lô, đặt xuống đất rồi nằm gối lên, bảo lão nếu muốn ra đi cũng được, nhưng cấm đem đi bất kỳ thứ gì, bởi chúng tôi cũng cần phải dùng, nếu không đi nữa thì mau chóng tìm lấy một chỗ mà nghỉ cho lại sức, đừng có đánh thức mọi người.

Lão bất lực, đành quay trở lại, ngồi bệt xuống đất rồi nhỏ giọng nói :” Chú Nhất này … cho anh nói thêm một câu nữa nhé! Không đổ cái đấu của vua Hami, thì thật tiếc cho ngón nghề Mô kim Hiệu úy! Anh em ta hợp tác đi, chắc chắn có thể làm lớn được. Chú chớ thấy anh có tuổi mà coi thường, xưa nay có nhiều lão tướng càng già càng dẻo dai chú ạ, nước Triệu có Liêm Pha thông binh pháp, nhà Hán có Mã Viện vỗ yên muôn nhà…”

Tôi bĩu môi, nhắm mắt ngủ, không để ý đến lão nữa. Lão tự cảm thấy vô duyên, muốn chuồn cũng không chuồn được, khó tránh khỏi ngượng ngùng, cũng đành nằm ra đất ngủ luôn.

Giấc ngủ lần này quả giống như câu thơ “một giấc mơ mòng trời đất rộng, con hồn phiêu lãng chốn quê xưa”, cũng chẳng biết đã ngủ bao lâu, chỉ biết cuối cùng bị Shirley Dương đánh thức. Sắc trời đã sáng, thời tiết trong núi biến đổi thất thường, nhân lúc trời cao mây nhạt, cần phải khởi hành rời khỏi sơn cốc này cho nhanh, dải núi lửa trong lòng đất sôi sục lạ thường, mùi khí lưu huỳnh trong sơn cốc đậm đặc hơn nhiều so với ban đêm, tuy khó có thể đoán liệu có nguy hiểm gì xảy ra không, nhưng nơi này hẳn không thể ở lại lâu.

Đồ đạc chúng tôi cũng không còn lại gì, chẳng cần phải thu xếp nhiều, Tuyền béo cõng A Hương lên, mọi người bắt đầu khởi hành.

Sau khi ra khỏi lòng đất, chiếc đồng hồ chịu nước Citizen đã hỏng, kim chỉ Nam trên mặt đồng hồ cũng mất tác dụng, loại đồng hồ đa chức năng này, tuy có thể thích ứng hoàn toàn với môi trường tự nhiên khốc liệt ở nơi hoang dã, nhưng lại có một nhược điểm, tức là chỉ có thể chống nước mà không chống được hơi. Đồng hồ cơ tinh xảo sợ nhất là hơi nước, hơi nước bốc lên do nhiệt độ cao rất dễ thâm nhập vào trong đồng hồ bịt kín, áp suất bên trong đồng hồ chỉ biến đối một chút, sẽ khiến các linh kiện chi tiết lỏng ra và rời rạc. Thiết bị định vị không thể hoạt động, nhưng may mà hướng đi của Tàng cốt câu hết sức rõ rệt, chỉ có điều sau khi rời khỏi đó đến vùng núi cao, lại cần phải dựa vào kinh nghiệm sinh tồn ở nơi hoang dã để lần tìm phương hướng.

Đoàn người đi về hướng Tây, ra khỏi sơn cốc, còn phải đi vòng qua sông băng Long đỉnh mới có thể đến được rãnh tuẫn táng thứ hai, đàn bò Yak có lẽ đã ở đó đợi chúng tôi. Chúng tôi tuy đã cố gắng chọn đi vào những nơi thấp trũng, nhưng chỗ này so với mặt nước biển vẫn rất cao, nhiệt độ cũng mỗi lúc một thấp, trong khu rừng cổ rậm rạp bị hai mặt sông băng kẹp giữa, khắp nơi đâu đâu cũng là đá vụn, đi bên trong cứ như đi trong dòng sông toàn đá và cây.

Giữa những tảng đá lởm chởm trên cao, thỉnh thoảng lại thấy những bông tuyết liên nở rộ, tươi đẹp trắng ngần, tỏa hương thơm ngát. Thực ra hoa tuyết liên không quý hiếm như trong lời đồn đại ở thế gian, có bán đầy ở các chợ gần sông băng, các nhà sư kiêm thầy thuốc bản địa toàn dùng làm dược thảo, chỉ có băng tâm tuyết liên mới là thứ siêu phàm, nhưng cực kỳ hiếm thấy.

Đi được nửa ngày đường, những đám mây trên bầu không mỏng dần, ngọn núi tuyết thần bí, trong lúc vô ý, đã vén tấm mạng che mặt thần bí lên. Chúng tôi ngẩng đầu nhìn lên cao, mấy ngọn núi tuyết lớn vây quanh sông băng Long đỉnh giống như chiếc mũ miện bạc đội trên đầu thần nữ, tỏa ra ánh sáng chói mắt. Những ngọn núi sừng sững hiên ngang, ngạo nghễ nhìn bầu trời xanh ngắt, dáng dấp uy nghi trác tuyệt. Một rừng tháp băng lung linh ở sườn núi giống như những viên kim cương khảm quanh ngân miện, đó là thế giới của những áng lưu ly, nếu mây không thưa mỏng, chắc chắn không thể nào nhìn thấy cảnh sắc mê ly huyền ảo này. Dưới sông băng là rừng đá hình thành bởi vô số tảng đá hình thù kỳ lạ chi chít, kéo dài và nối liền với khu rừng rậm cổ xưa ở nơi đất trũng.

Dòng nước tan ra từ sông băng chảy ngầm xuống bên dưới khu rừng, phát ra những tiếng róc rách có nhịp điệu, tựa như ngón tay ngọc ngà của tiên nữ đang khẽ gảy dây đàn, tuôn chảy những chuỗi âm thanh dìu dặt, vang động lòng người. Tuy chúng tôi vừa lạnh vừa đói, hít thở cũng khó khăn, nhưng khi chiêm ngưỡng cảnh sắc đẹp như cõi tiên này, cũng không thể không cảm thán rằng, có thể sống sót mà đến được nơi đây, quả thực là quá hạnh phúc.

Đến bìa rừng, mọi người đã cảm thấy gần kiệt sức, Tuyền béo thở hồng hộc, mặt đỏ bừng, đành phải đặt A Hương xuống, không nghỉ một lúc e là không nhấc nổi chân nữa. A Hương lại càng mệt hơn, thở hổn hển. Tôi biết đây không phải mệt, mà là phản ứng thiếu oxy xảy ra do vận động quá độ khi ở trên cao nguyên, nếu dọc đường đi, độ cao so với mực nước biển không ngừng tăng lên, thì hơi thở khong bao giờ đều đặn được, thôi thì đành nghỉ tại chỗ cho đến khi phản ứng cao nguyên giảm bớt đi vậy, song nếu không có bình dưỡng khí thì e là A Hương không thể chịu đựng hơn nữa.

Tôi cũng thấy tức ngực, khó chịu, nhìn rừng núi mênh mông rợn ngợp trải dài ra phía xa, thật chẳng biết phải cuốc bộ bao lâu nữa, trong lòng đang thấp thỏm, đột nhiên phát hiện ra ở dốc núi phía xa có mấy bóng người. Tôi tưởng ánh sáng bạc hắt ra từ ngọn núi tuyết khiến mình hoa mắt, liền dụi mắt liên hồi để nhìn cho kỹ, đúng rồi, tôi không hề nhìn nhầm, đích thực là có người, những người khác cũng đều đã nhìn thấy, nom vóc dáng và cách ăn vận của họ, chắc chắn là mấy tay cửu vạn người bản địa đã cùng chúng tôi tới đây.

Bốn người họ không hề phát hiện ra chúng tôi, hình như đang lễ bái, cả bốn liên tục dập đầu trước ngọn núi thần đã tan hết mây khói. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đàn bò Yak, ai nấy bất giác phấn chấn hẳn lên, cùng dìu dắt nhau, vừa vẫy tay tri hô vừa đi về phía mấy anh cửu vạn. Sau khi tới gần, họ cũng phát hiện ra chúng tôi, đều mừng rơn khôn tả, rồi chỉ trỏ về phía núi tuyết, bảo chúng tôi cũng quay lại nhìn xem.

Tôi nhìn theo hướng tay của họ, ở một chỗ rất cao, có hơn mười con bò Yak hoang to lớn chắc nịch, giống như những tảng đá đen khổng lồ, đang từ từ chuyển động, bước đến ven trời. Chúng to gấp đôi bò Yak thông thường, là loài động vật hàn đới điển hình, chịu lạnh rất giỏi, số lượng cực kỳ ít ỏi, chỉ lai vãng ở những vùng núi cao hiếm người đặt chân tới, sức sống cực kỳ mãnh liệt, được người bản địa coi là thần linh, là tượng trưng của sức mạnh cát tường vô lượng. Ngày thường một con còn khó gặp, lần này lại nhìn thấy cả đàn, có được điềm báo tốt lành này, chẳng trách họ lại phấn khởi đến thế.

Đàn bò Yak này, con lớn phải dài tới gần bốn mét, trông hùng dũng uy nghi, cặp sừng to chắc đầy khí thế, trên mình phủ một lớp lông đen vừa dày vừa dài, đám lông ở bụng còn dài chấm đất. Chiếc lưỡi mọc đầy gai cùng với sừng và móng là ba thứ vũ khí đặc hữu của chúng, ngay cả gấu ngựa Tây Tạng và bầy sói cũng đều không dám chọc đến. Dường như đàn bò Yak hoang này đang giẫm lên băng tuyết đi về phía thung lũng bên kia núi.

Nhìn đoàn bò Yak chậm rãi bước đi ở ven trời, người ta bất giác nảy sinh lòng kính sợ trước thiên nhiên và sự sống. Cùng tận mắt nhìn thấy từng con bò Yak to lớn mà trầm mặc dần dần biến mất sau sườn núi tuyết, những đám mây ven núi lại một lần nữa khép lại, gói ngọn núi bạc vào trong, chúng tôi bỗng thấy hụt hẫng trong lòng, cứ ngây ra nhìn những áng mây, mãi một lúc lâu sau mới định thần lại.

Do nhiệt độ lòng đất cao vọt lên, tầng mây bao quanh đỉnh núi tuyết bị đẩy ra, ngọn núi mới hiện nguyên hình, có được cơ duyên ngàn năm khó gặp này cần phải rập đầu lễ bái, mấy tay cửu vạn trông coi lều đều tới cầu xin núi thần phù hộ, không ngờ lại gặp được thêm đàn bò Yak cát tường, ai nấy đều sung sướng vô cùng. Mấy ngày hôm trước ở sông băng xuất hiện đợt rét ẩm, sau đó tuyết lở, bọn họ hết sức lo ngại, lúc này thấy chúng tôi bình an trở về, ai nấy đều không ngừng lắc ống kinh, mở miệng ra là ca tụng ơn đức nhân từ của đức Phật. Còn về cái chết của anh Xư-chê, bọn họ tuy tiếc thương, nhưng quan niệm về sự sống và cái chết của dân du mục bản địa hoàn toàn khác chúng tôi, cho rằng có thể chết dưới núi tuyết thần thánh, như vậy công đức sẽ được viên mãn, huống hồ anh ta lại giết được vua sói trắng, hóa thân của yêu ma núi Côn Luân, kiếp sau chắc chắn anh Xư-chê sẽ trở thành hộ pháp Chang-chu của đức Phật ( Chang-chu: tức là con chim ưng, có tiếng kêu như tiếng rồng), mong linh hồn anh luôn phù hộ cho vùng Kelamer vĩnh viễn không phải chịu sự uy *********** của bầy sói.

Trong lều có đầy đủ trang bị và dược phẩm, tình trạng trầm trọng của A Hương giờ đã ổn, cô bé nằm sấp trên lưng bò Yak thở bình oxy hai ngày, tạm thời có thể coi như không còn nguy hiểm. Shirley Dương bảo sẽ đưa cả A Hương sang Mỹ, để sau này Minh Thúc khỏi bán cô bé đi, ở Mỹ có thể phẫu thuật mắt, để cô bé về sau có thể sống cuộc sống của người bình thường.

Chúng tôi dỡ lều, cưỡi bò Yak lên đường, cuối cùng cũng ra khỏi dải núi lởm chởm cao ngút của dãy Kelamer, trở về đồng cỏ hoang lạnh. Người dân du mục thấy đoàn chúng tôi trở về, liền làm bánh nếp, đun trà bơ, lát sau đã lục tục dọn cơm cho mọi người dùng bữa. Tuy không thịnh soạn như bữa cơm lúc chưa vào núi, nhưng cũng đầy đủ và ngon miệng. Chúng tôi ăn thịt dê xé phay trước, sau đó là món bánh bao vỏ mỏng thịt nhiều kiểu Tây Tạng, món cơm trộn đường trắng và nho khô, sau cùng mỗi người uống một bát sữa chua lớn.

Đã bao ngày nay chúng tôi chưa được ăn bữa cơm nào ra hồn, nên ai nấy đều phồng mang trợn mắt ăn ngấu ăn nghiến, cuối cùng no kềnh bụng ngồi xuống cũng khó, vậy mà vẫn luyến tiếc nhìn dân du mục dọn cơm thừa canh cặn, xong xuôi còn hỏi người ta :” Sáng mai mấy giờ dùng bữa ạ?”. Đương nhiên, kẻ mở mồm ra hỏi những câu ấy chủ yếu là tôi, Tuyền béo và cả Minh Thúc, Shirley Dương nào có thô tục như thế, A Hương cũng chẳng ăn nhiều, chỉ uống hai bát sữa chua.

Đến tối, tôi kể cho Thiết bổng Lạt ma những gì kinh qua trong chuyến đi vào núi lần này. Lạt ma nghe xong cảm khái nói :” Cát tường đây mà! Các cuộc kỳ ngộ nhiều không đếm xuể, quả thực là thành công rực rỡ. Đây không chỉ là số phận của các con, mà cũng là sự phù hộ của đức Phật, thân này là thứ chứa đựng bể khổ, nó giống như kẻ thù địch của ta, nếu có duyên, dùng thân này vào việc thiện, thời có thể tạo thành căn cơ cát tường …”

Thiết bổng Lạt ma không hiểu gì về Mộc trần châu, thế là tôi lại kể qua loa cho thầy nghe. Thực ra ngọc Mộc trần châu chính là Mật phượng hoàng, Mật tông Tây Tạng cũng có thuyết phong thủy, giống như lý thuyết phong thủy ở Trung Nguyên, song cách dùng từ thì khác xa, cũng giống như vùng núi Kelamer, Mật tông gọi nơi đó là thần cung Phượng hoàng, là đất của chim Phượng hoàng; phong thủy Thanh Ô thì gọi là Long đỉnh, xương sống của trời đất, là nơi âm dương hội tụ.

Sau khi Ma quốc diệt vong, mật Phượng hoàng được đưa vào vùng Trung Nguyên, các vương công quý tộc biết thuật bói toán thời nhà Chu đốt mai rùa xem bói, đoán được rằng đây là một món thần khí tượng trưng cho sự trường sinh luân hồi, lại nói nó có nguồn gốc từ vùng đất Phượng hoàng, song làm thế nào để sử dụng được một cách chính xác thì không thể nào bói được ra manh mối, chỉ có một số ít người nắm được mười sáu chữ quẻ Thiên mới thấy được sự kỳ bí ảo diệu bên trong. Đồ hình Thập lục tự đã thất truyền từ lâu, chúng tôi cũng chỉ có thể dựa vào một số dự đoán để tưởng tượng ra nội dung trong đó. Từ sau thời Tần Hán, một số người thuộc giai cấp có đặc quyền đã lưu giữ long cốt dị văn chứa Phượng minh Kỳ Sơn, điều này có thể xuất phát từ sự hướng vọng trường sinh bất tử và mong đến một ngày có thể phá giải được bí mật trong đó.

Song mật Phượng hoàng kỳ thực là món đồ tế của Ma quốc dùng để cúng Quỷ động, vị trí địa lý của Phượng hoàng thần cung rất đặc biệt, bên trong có hai ao nước, nếu giải thích theo thuật âm dương phong thủy thì chính là hai chấm tròn nhỏ màu đen – trắng trong hình tròn Thái Cực, giữa hình tròn Thái Cực có một đường phân chia hai nửa đen trắng, âm dương; hai bên đen trắng tượng trưng cho thể âm dương thống nhất, trong bên trắng có một chấm tròn đen, và ngược lại, trong bên đen có một chấm tròn trắng. Ao nước trong thần cung Phượng hoàng chính là tượng trưng cho hai chấm tròn này, nếu dùng màu sắc tương phản che lên hai điểm này, khi ấy âm và dương không còn dung hòa trong nhau nữa, mà bị chia tách ra rõ rệt.

Tôi cho lạt ma xem ký hiệu con mắt sau lưng, nó đã chuyển từ màu đỏ sang màu đen, chứng tỏ thông đạo giữa không gian hiện thực và không gian số ảo đã bị cắt đứt hoàn toàn, coi như đã thoát được sự ràng buộc gây chết người của Quỷ động. Song khi chúng tôi rời khỏi đàn tế, lại đúng lúc đuổi theo A Hương, quá vội vã cho nên quên lấy lại mật Phượng hoàng, giờ quay lại đã là điều không thể, đây cũng là một điều vô cùng đáng tiếc.

Thiết bổng Lạt ma nói, hóa ra mật Phượng hoàng chính là viên Luân Hồi châu mà áng thơ Chế địch Bảo châu Đại vương nhắc đến. Chế địch Bảo châu chính là viên Luân Hồi châu của vị vua anh hùng, giống như bảo châu Ma ni có Phật pháp vô biên, có thể khắc chế được Ma quốc. Trời vô biên vô tận, đất vô phép vô tắc, dư độc của Ma quốc đến nay còn chưa tẩy sạch, chư pháp biến ảo, nhân thế vô thường, những gì các con đã làm có thể coi là một thiện quả vô lượng vậy.

Lạt ma nói sau này ông còn phải đi vòng quanh hồ để hoàn thành tâm nguyện, rồi lại hỏi tôi xem có dự định gì. Tôi nói tôi đang tính có khi xuất ngoại, nói đến đây, lại nghĩ tới việc lạt ma tuổi đã cao, tâm nguyện của ông là được chết trên đường đi vòng quanh hồ chầu bái, đường lên Tây Tạng vạn dặm xa xôi, đời này e rằng chẳng còn cơ hội gặp lại nhau nữa, nghĩ vậy tôi lại thấy hơi cay mắt.

Sáng sớm hôm sau, Shirley Dương bàn với Thiết bổng Lạt ma, cô muốn quyên góp một ít tiền cho ngôi chùa gần Kelamer để xây tượng Phật kim thân, cầu phúc cho những người đã khuất. Tôi biết Shirley Dương tin Chúa chứ không tin Phật, cô làm vậy phần lớn là nghĩ cho chúng tôi, bởi khi đổ đấu tôi và Tuyền béo đều đã phá hoại rất nhiều môn quy, nếu không phải vì mệnh lớn, chắc đã chết ngỏm từ lâu rồi, vậy nên lấy làm cảm kích vô cùng.

Thiết bổng Lạt ma đưa chúng tôi vào trong một ngôi chùa gần đó. Chùa này rất nhỏ, chỉ một lối vào ra, xung quanh chất một số đống đá khắc kinh, tên là Bạch La Mạn Già, cũng có liên quan đến truyền thuyết của bản địa. Tiền điện thờ tượng Kim cang Bất động của đức Phật hồi tám tuổi, hậu điện có những bức bích họa có từ thời Đường, trước kia nơi đây cũng từng một thời vàng son. Trong bích họa có vẽ cung điện của Long vương, tẩm cung của ma nữ La Sát, mật đạo của rồng ma, sơn cốc nơi quỷ dữ náu mình … Tất cả đều là yêu ma quỷ quái bị Kim cang Bất động trấn phục, hai bên điện đều có tượng thần tầm hương, phụ trách việc dùng âm nhạc kỳ diệu phát ra từ đàn tỳ bà để cúng dường thần thánh.

Theo những gì người bản địa kể lại thì vì nơi đây hẻo lánh, thưa người, cho nên hương hỏa trong chùa này mới nguội lạnh, trăm ngàn năm trôi qua trong chớp mắt, quy mô hiện giờ chỉ còn lại một phần ba so với thời xưa, mà cũng đã cũ nát hết rồi. Rất lâu về trước, vốn dĩ nơi đây có ba gian Phật điện, còn thờ cúng cả Kim cang Thời luân và Kim cang Thắng lạc nữa.

Shirley Dương xem xét xong lập tức quyết định quyên góp một khoản tiền để dựng lại ngôi chùa Kim cang trên Kelamer trở về dáng mạo năm xưa. Thiết bổng Lạt ma bảo Shirley Dương chắc chắn là Lamo ( tiên nữ) trên cao nguyên tuyết hạ phàm, công đức xây dựng chùa chiền, sau này ắt có phúc báo. Trong kinh Phật nói người có phúc đẳng đệ nhất trên thế gian, thảy có bốn loại phúc báo, loại thứ nhất là đại phú, vàng bạc châu báu, của cải điền sản nhiều vô kể; loại thứ hai dáng mạo trang nghiêm đoan chính, thảy có ba mươi hai tướng …

Tôi nghĩ bụng thôi chẳng cần cái phúc báo ba mươi hai tướng làm gì, nếu mọc ra ba mươi hai khuôn mặt thật, cho dù một ngày thay đổi một bộ mặt, hơn cả tháng cũng chẳng mặt nào trùng lặp, đến người quen còn chẳng nhận ra ấy chứ. Nhưng e rằng đây chỉ là một sự ví von, Phật đường là chốn trang nghiêm, tuy tôi không coi trọng bất kỳ thứ gì, nhưng cũng không dám tùy tiện hỏi thất lễ như vậy.

Trước khi ra về, Minh Thúc lại đòi ở lại chùa làm lạt ma, tôi và Tuyền béo không cho lão phân bua, cứ xách nách lôi về. Tôi đột nhiên có một dự cảm không mấy tốt lành, bèn hỏi lão :” Các món đồ cổ trong căn nhà ở Bắc Kinh của bác, chắc không phải toàn là đồ rởm chứ? Bằng không sao bác cứ định chạy làng thế nhỉ? Tôi nói cho bác biết Hồng Kông sớm muộn gì cũng sáp nhập về với Tổ quốc, bác quên cái mùa xuân ấy đi, coi như bác ôm quả bom nổ chậm rồi, chạy đi đâu cũng không thoát đâu!”.

Lão nói :” Có lẫn không thế hả chú, anh đây làm ăn buôn bán xưa nay đều thật thà thẳng thắn, không bao giờ có cái chuyện chơi hàng lởm đâu, bằng không sao ai cũng gọi anh một cách kính cẩn là Minh Thúc cơ chứ? Minh tức là minh bạch rõ ràng, làm gì có chuyện khuất tất, không dám nhìn mặt ai? Vừa nãy là anh đột nhiên nhìn thấu cõi hồng trần, nên mới muốn xuất gia, quyết không phải muốn chạy làng tránh nợ đâu!”.

Tôi và Tuyền béo lập tức nói cho lão biết, nhìn thấu cõi hồng trần thì quá tốt, vụ làm ăn này bác lỗ chổng vó lên rồi, vốn dĩ chúng tôi cũng không nỡ tịch thu hết đồ của bác, song nếu bác đã nhìn thấu cõi hồng trần, quyết tâm nhảy ra ngoài tam giới, không dính gót trong cõi ngũ hành, thì những món đồ ngoài thân kia, đương nhiên cũng chẳng dính dáng gì đến bác nữa, chúng tôi không cần phải đắn đo, dằn lòng làm gì nữa, vừa khép giúp bác xử lý sạch sẽ, giúp bác sớm thành chính quả. Nói đoạn mặc kệ nét mặt khổ sở không nói được lời nào của lão, cứ thế vừa xách vừa xốc, lôi lão quay về.

Chọn tập
Bình luận