Khi ông đội mũ – lúc đi ngoài phố hay khi đứng trong tàu điện ngầm – khi mái tóc hung đỏ ngắn lởm chởm, lốm đốm bạc của ông không lộ ra ngoài, qua vẻ tươi tắn của khuôn mặt gầy cạo nhẵn, qua dáng đi ngay ngắn và vóc người dong dỏng trong chiếc áo palto dài bằng vải không ngấm nước, người ta cứ ngỡ ông chưa quá bốn mươi. Thế nhưng đôi mắt ông lại chứa đựng một nỗi buồn khô khan, và ông thường chuyện trò, cư xử như một người đã nếm trải trong đời mình nhiều điều cay đắng. Có thời, ông đã thuê một trang trại ở Prôvanxơ và nghe nhàm tai vô số chuyện tiếu lâm của vùng này, nên đôi khi, trong những câu chuyện thường là ngắn gọn của mình, ông thích chêm vào đôi mẩu chuyện đùa Prôvanxơ với giọng mai mỉa. Nhiều người biết chuyện ông bị vợ bỏ từ khi còn ở Kônxtantinôpôn, và từ hồi ấy đến nay, ông vẫn sống với vết thương lòng đeo đẳng. Chưa bao giờ ông thổ lộ bí mật về vết thương lòng này với ai, nhưng đôi khi lại vô tình nhắc tới nó, – khi câu chuyện có liên quan với phụ nữ, ông thường nói với giọng khó chịu:
– Rien n’ést plus diffcile que de recon naitre un bon melon et une femme de bien. (Tiếng Pháp: Không có gì khó bằng việc chọn một quả dưa hấu ngon và đoán lòng dạ của một ả đàn bà. – N.D.)
Một lần, cuối mùa thu, vào một chiều Pari ẩm ướt, ông ghé vào một quán ăn Nga trong đoạn ngõ tăm tối gần phố Paxxi. Trong quán này có một ngăn nhỏ bán thực phẩm – ông đã vô tình dừng chân trước khung cửa kính rộng rãi của nó, sau lớp kính có thể thấy rõ mặt bệ cửa sổ có bày những chiếc chai hình nón đựng rượu thanh lương trà, mấy chai khác hình khối đựng rượu Zubrovka, một chiếc đĩa đựng mấy cái bánh nướng đã se vỏ, một đĩa khác bày mấy viên thịt băm rán đã xám màu, hộp cá trích và hộp bánh khanva, xa hơn nữa là chiếc quầy bày các món ăn, đứng sau quầy là bà chủ với khuôn mặt kiểu Nga rất khó có cảm tình. Bên trong quán khá sáng sủa, và chính làn ánh sáng ấy đã rủ rê ông dời chân khỏi cái ngõ tăm tối, lạnh lẽo và trơn như đổ mỡ. Bước vào quán, ông cúi chào bà chủ và đi tới gian phòng sáng lờ mờ, nối với quầy bán thực phẩm, nơi có những chiếc bàn phủ khăn trắng còn vắng khách. Tại đó, ông chậm rãi treo chiếc mũ xám và chiếc áo palto lên móc của chiếc giá treo áo rồi ngồi vào chiếc bàn kê ở góc cuối phòng, lơ đãng xoa xoa hai bàn tay có những sợi lông hung đỏ nơi cườm tay, rồi thong thả đọc bản thực đơn dài lê thê ghi các món ăn, đoạn đánh máy, đoạn viết tay bằng mực tím trên nền giấy đầy vết mỡ. Bất chợt, góc phòng ông ngồi đột ngột sáng bừng lên, rồi một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi, với khuôn mặt hờ hững nhưng lịch thiệp, mắt huyền, có mái tóc đen rẽ ngôi thẳng, mặc bộ váy áo màu đen, bên ngoài đeo tạp dề trắng thêu hoa, bước lại gần:
– Bonsoir, monsier, – (Tiếng Pháp: Xin chào ông. ND) Nàng nói với giọng rất dễ thương.
Ông nhận thấy nàng quá đẹp, đến nỗi ông bỗng trở nên lúng túng và bối rối trả lời:
– Bonsoir… Nhưng cô là người Nga, có đúng không?
– Vâng, người Nga. Ông thứ lỗi cho, tự nhiên thành ra cái thói quen nói với khách hàng bằng tiếng Pháp.
– Chẳng nhẽ ở đây cũng có khách Pháp đến ăn ư?
– Vâng, cũng tương đối nhiều đấy ạ. Mà người nào cũng nhất định phải gọi rượu zuprovka, bánh bột tráng blin, thậm chí cả món xúp củ cải đỏ. Ông đã chọn được món gì chưa ạ?
– Chưa, nhiều món quá…Hay là nhờ cô khuyên hộ nên chọn món gì?
Nàng bắt đầu xướng tên các món ăn bằng giọng đọc thuộc lòng:
– Hôm nay nhà hàng có món canh chua kiểu lính thuỷ, thịt băm viên kiểu Kôzak, có thể đặt món thịt bê băm rán, hoặc nếu ông muốn thì có thể lấy món thịt nướng kiểu Kaxki.
– Hay lắm, cô làm ơn cho xin món canh chua và thịt băm viên.
Nàng lấy quyển sổ cài ở thắt lưng và viết vào đó bằng một mẩu bút chì. Tay nàng trắng trẻo và dáng đẹp, chiếc áo nàng mặc không còn mới nữa nhưng rõ ràng là được cắt may ở một tiệm đắt tiền.
– Ông có dùng vôtca không ạ?
– Rất vui lòng. Ngoài phố ẩm ướt kinh khủng.
– Ông định lấy món nhắm nào ạ? Có cá trích vùng Đanuýp ngon lắm, dưa chuột Korkunov muối rất nhạt và trứng cá vừa mới nhập về.
Ông đưa mắt ngắm nàng lượt nữa: chiếc tạp dề trắng thêu hoa khiến khuôn ngực của người thiếu phụ trẻ nổi rõ…, đôi môi đầy đặn không tô son mà vẫn tươi, đầu nàng chỉ buộc hờ chiếc khăn màu đen, nhưng làn da tay lại được chăm sóc kĩ lưỡng, những chiếc móng tay hồng nhạt óng ánh – rõ ràng được thợ tô màu.
– Tôi định nhắm món gì ư? – Ông nói và mỉm cười: – Nếu cô cho phép thì chỉ cá trích và khoai tây nóng mà thôi.
– Ông thích dùng loại rượu vang nào?
– Vang đỏ cô ạ. Loại thường mà người ta hay dọn tiệc ấy mà.
Nàng ghi vào cuốn sổ rồi chuyển chiếc bình đựng nước lã từ bàn bên cạnh sang bàn ông ngồi. Ông lắc đầu:
– Ồ không, tôi không bao giờ uống rượu nho pha nước lã. L’eau gate le vin comme la charette le chemin et la femme l’ame.(Tiếng Pháp: Nước lã làm hỏng rượu nho, khác nào xe thổ mộ làm hỏng đường đi và đàn bà huỷ hoại tâm hồn. ND)
– Ông đánh giá phụ nữ chúng em cũng không được tốt đẹp cho lắm nhỉ. – Nàng thản nhiên trả lời rồi đi lấy món cá trích và vôtca. Ông nhìn theo bóng nàng – dáng nàng ngay ngắn và chiếc váy đen rung rinh theo mỗi bước nàng đi… Phải, lịch thiệp mà hờ hững, đó là tất cả cử chỉ và thói quen của một người phục vụ khiêm nhường và đứng đắn. Nhưng đôi giày kia thì lại rất đẹp và đắt tiền. Ở đâu ra? Chắc là có một ông ami đứng tuổi, nhiều tiền… Lâu lắm rồi, ông không thấy phấn chấn như tối hôm nay, ấy là nhờ có nàng. Ý nghĩ ấy khiến ông không thể không cảm thấy hơi buồn. Phải, năm này qua năm khác, ngày này qua ngày khác, ta chỉ thầm mong đợi mỗi điều ấy – một cuộc gặp gỡ may mắn và hạnh phúc – và tất cả chỉ là vô vọng mà thôi…
Ngày hôm sau, ông lại đến và lại ngồi vào chiếc bàn của mình. Thoạt đầu, nàng đang bận ghi các món ăn mà hai khách hàng người Pháp đặt, nàng vừa nhắc lại vừa ghi vào cuốn sổ tay:
– Caviar rouge, salade russ…Đeux chachlyks…. (Tiếng Pháp: Trứng cá đỏ, nộm kiểu Nga…hai suất chả nướng…ND)
Nàng bỏ đi rồi quay ra và bước tới bàn ông với nụ cười thoáng hiện trên môi, như gặp một người quen biết:
– Xin chào ông. Rất hân hạnh là nhà hàng đã làm ông vui lòng.
Ông vui vẻ đứng dậy:
– Chào cô. Vâng, tôi thích nhà hàng này lắm. Cô tên là gì nhỉ?
– Olga Alekxanđrovna, thưa ông. Còn ông thì tên là gì ạ?
– Nikolai Ptatonik.
Họ bắt tay nhau, rồi nàng giở sổ ra:
– Hôm nay nhà hàng có món raxonik hay lắm. Đầu bếp ở đây rất giỏi, đã từng phục vụ Đại công tước Alekxanđr Mikhaikovich ở trên tàu thuỷ đấy ông ạ.
– Hay lắm, raxonik thì raxonik chứ sao. Mà cô làm đây đã lâu chưa?
– Tháng thứ ba, thưa ông.
– Thế trước đây cô làm ở đâu?
– Trước đây em bán hàng ở Printemps.
– Chắc là dư người cho nên phải thôi việc?
– Thưa vâng, chứ không thì đời nào em lại bỏ một chỗ làm như thế.
Ông hài lòng nghĩ rằng, hoá ra mọi việc chẳng liên quan đến một ông ami nào cả – và ông hỏi nàng:
– Chắc là cô đã có gia đình?
– Vâng, thưa ông.
– Chồng cô làm gì?
– Anh ấy đi làm ở Nam Tư. Trước đây cũng có tham gia Bạch quân. Còn ông, chắc cũng thế, phải không ạ?
– Vâng, tôi có tham gia cả Đại chiến lẫn Nội chiến.
– Điều đó thì nhìn qua cũng đoán được. Và, có lẽ ông là một vị tướng? – Nàng nói và mỉm cười.
– Tướng về hưu cô ạ. Bây giờ tôi viết sách về hai cuộc chiến đó, theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản ngoại quốc khác nhau… Vậy là, thành ra bây giờ cô sống có một mình thôi nhỉ?
– Thành ra có mỗi một mình thôi, ông ạ…
Đến buổi tối thứ ba ông nói:
– Cô có thích đi xem xinê không?
– Thỉnh thoảng đi xem một lần cũng hay.
– Hiện ở rạp Etoile đang chiếu một phim gì đó hay lắm, thấy người ta bảo thế. Nếu cô muốn, chúng ta cùng đi xem nhé? Cô có hôm nào được nghỉ không?
– Merci. Thứ hai em được rỗi.
– Thế thì thứ hai ta đi xem nhé. Hôm nay là thứ mấy nhỉ? Thứ bảy phải không? Nghĩa là ngày kia chứ gì? Được chứ?
– Được ạ. Còn ngày mai, chắc là ông không đến?
– Không, mai tôi ra ngoại ô, đến chỗ mấy người quen. Mà sao cô lại hỏi như vậy?
– Em cũng chẳng biết nữa… Kể cũng lạ, nhưng mà hình như em cảm thấy đã quen thuộc với ông rồi hay sao ấy.
Ông nhìn nàng biết ơn và đỏ mặt:
– Tôi cũng thế. Cô biết không, trong cuộc đời này, những cuộc gặp gỡ may mắn thường hiếm lắm…
Và ông vội nói lảng sang chuyện khác:
– Như vậy là ngày kia nhé. Chúng ta gặp nhau ở đâu được? Cô ở khu nào?
– Gần ga tàu điện ngầm Motte -Qicquet.
– Cô thấy chưa, như thế thì tiện đường quá, đi thẳng là đến rạp Etoile. Tôi sẽ đợi cô ở đấy, chỗ cửa tàu điện ngầm, đúng tám giờ rưỡi nhé.
– Merci.
Ông giả bộ nghiêng người chào:
– C’est moi qui vous remercie. (Tiếng Pháp: Tôi phải cảm ơn cô thì mới đúng chứ. ND.). Cô cứ dỗ con ngủ rồi tới rạp nhé. – Ông cười và nói vậy để thử xem nàng có con không.
– Ơn Chúa, em không có của báu ấy. – Nàng đáp và nhẹ nhàng dọn hết cốc chén mang đi.
Trên đường về nhà, ông cảm thấy xúc động và hơi ngượng ngùng thế nào ấy. “Em đã quen với ông rồi…” Phải, rất có thể đây chính là cuộc gặp gỡ hạnh phúc mà ông vẫn hằng mong đợi. Chỉ có điều là muộn quá, muộn quá rồi. Le bon Dieu envoie toujours des cullotes a ceux qui u out pas de dirrere…(Tiếng Pháp: Chúa nhân từ thường ban phát quần cho những kẻ chẳng có mông…ND)
Tối thứ hai trời mưa, bầu trời ảm đạm phía trên đầu Pari đỏ mờ mờ. Hy vọng là sẽ ăn tối với nàng ở Monpornase, ông không ăn bữa trưa, chỉ tạt vào tiệm cà phê ở đường Chaussée de Muette, ăn một chiếc xăng uých, uống một vại bia, hút điếu thuốc rồi gọi tắc xi. Đến toa tàu điện ngầm Etoile, ông bảo tài xế dừng xe rồi bước ra vỉa hè dưới làn mưa, – người tài xế to béo, má đỏ ửng, tin tưởng ngồi chờ ông. Gió từ dưới tàu điện ngầm hun hút thổi ra, đoàn người đông nghịt và đen ngòm theo bậc thang tràn lên, ra đến cửa là bắt đầu dương ô. Cạnh chỗ ông đứng, một người bán báo rong cất giọng vịt đực khàn khàn rao tên các báo buổi chiều. Bỗng thấy bóng nàng xuất hiện giữa đám người đang đi ra. Ông mừng rỡ tiến đến đón nàng:
– Olga Alekxanđrovna…
Nàng ăn mặc rất đẹp và hợp mốt, dáng điệu thoải mái, khác hẳn với những lúc ở nhà hàng. Nàng ngước cặp mắt huyền nhìn ông rồi chìa tay có móc chiếc ô ở khuỷu cho ông hôn, còn tay kia của nàng bận nâng chiếc váy dạ hội. Ông càng thấy vui hơn: “Nàng mặc áo dài dạ hội, có nghĩa là đã tính đến chuyện sau buổi xinê sẽ còn đi chơi nữa.” – Ông nghĩ thầm như vậy, khi vén mép găng để hôn vào cổ tay trắng muốt của nàng.
– Tội nghiệp, ông chờ em đã lâu chưa?
– Không, tôi cũng vừa mới đến thôi. Ta rảo chân lên một chút, tắc xi đang chờ.
Và với một nỗi hồi hộp mà đã từ lâu ông không hề cảm thấy, ông cùng nàng ngồi vào chiếc xe sực mùi da ẩm ướt. Đến chỗ rẽ, chiếc xe xóc nẩy lên, đèn đường chợt soi rõ lòng xe, – ông vô tình đưa tay đỡ lấy eo lưng nàng, cảm thấy mùi phấn thơm từ má nàng toả ra, nhìn rõ đôi đầu gối rắn chắc nổi lên qua lần váy, ánh mắt long lanh và cặp môi đầy đặn tô son đỏ của nàng: ngồi cạnh ông là một người đàn bà hoàn toàn khác hẳn.
Trong bóng tối của rạp, họ vừa nhìn lên màn ảnh trắng loang loáng có những chiếc phi cơ đang lao xuyên qua những đám mây và gào rú điên cuồng, vừa thì thầm trò chuyện:
– Cô ở một mình hay sống cùng bạn gái?
– Một mình thôi ông ạ. Thực ra thì cũng sợ lắm. Ôten thì nhỏ, sạch sẽ và ấm áp, ông cũng biết đấy, loại ôten mimi mà người ta thường dẫn bạn vào ngủ qua đêm hoặc ở vài ba tiếng đồng hồ. Tầng sáu, dĩ nhiên là không có thang máy, tấm thảm đỏ trải cầu thang chỉ đến tầng bốn là hết… Đêm đến, trời mà mưa thì buồn vô cùng. Mở cửa ra – khắp nơi không một bóng người, y như một thành phố đã chết, chỉ có Chúa là mới biết được ở đâu đó ở dưới kia còn một ngọn đèn đường sáng trong mưa… Còn ông, chắc cũng độc thân và cũng sống ở ôten chứ?
– Tôi có một căn hộ nho nhỏ ở phố Passi. Tôi cũng sống một mình. Thành dân Pari lâu rồi cô ạ. Có một thời gian tôi sống ở Prôvanxơ, thuê một trang trại ở đó, định xa lánh loài người và sống bằng sức lao động của bản thân, nhưng rồi không kham nổi công việc cực nhọc ấy. Tôi thuê một người kôdắc để giúp việc, nhưng hoá ra hắn là một con sâu rượu, lúc say thì lầm lì dữ tợn. Tôi nuôi gà nuôi thỏ thì chúng toi sạch, có lần tôi còn suýt bị một con la xéo chết – thật là một con vật thông minh và hung dữ… Nhưng cái chính là tôi hoàn toàn cô đơn. Vợ tôi đã bỏ tôi từ hồi còn ở Konxtatinropol.
– Chắc là ông nói đùa?
– Chẳng đùa tí nào. Chuyện cũng thường tình thôi. Qui se marie par amour a bonnes naits et mauvais jours. (Tiếng Pháp: Kẻ nào cưới vợ vì tình thì sẽ có những đêm tuyệt vời và những ngày tồi tệ.ND). Còn tôi thì cả thứ nọ lẫn thứ kia đều quá ít. Cô ta bỏ tôi vào năm thứ hai sau khi cưới.
– Bây giờ chị ấy ở đâu rồi?
– Tôi không biết…
Nàng im lặng hồi lâu. Trên màn ảnh có một người nào đó bắt chước vua hề Sáclơ, đi đôi giày rách to tướng và đang xoạc cẳng chạy một cách kì dị và ngớ ngẩn.
– Thế thì chắc ông cô đơn lắm…- Nàng nói.
– Vâng. Nhưng biết làm thế nào được, đành phải chịu đựng thôi. Patience – médecine des pauvres. (Tiếng Pháp: Chịu đựng là phương thuốc của người nghèo.ND)
– Cái médecine ấy thật đáng buồn.
– Vâng, đúng là chẳng vui vẻ gì cho lắm. Trước đây tôi cũng có đôi lần đọc “Hình ảnh nước Nga” – ông nói và bật cười, – trong đó có mục thông báo về hôn nhân và tình yêu, đại loại như “Thiếu nữ Litva buồn chán và mong được trao đổi thư từ với một người Nga sống ở Pari, tính tình tế nhị, xin kèm theo ảnh…”, “Một bà đứng đắn, không môđéc nhưng dễ thương, goá chồng, có con trai lên chín, muốn nhận thư của một quý ngài không trẻ hơn bốn mươi tuổi, có nghề nghiệp chắc chắn như nghề lái xe hoặc nghề khác, không nhất thiết đòi hỏi phải thuộc tầng lớp trí thức…” Tôi rất cám cảnh cho bà này: không nhất thiết phải là trí thức nữa…
– Thế chẳng nhẽ ông không có bạn bè và người quen gì cả ư?
– Bạn bè thì không có. Còn quen biết thì ăn thua gì.
– Thế ai lo giúp việc nội trợ cho ông?
– Cũng có phải lo gì nhiều lắm đâu hở cô? Tôi tự pha lấy cà phê, bữa sáng cũng tự làm lấy. Gần tối thì có la femme de ménage đến. (Tiếng Pháp: bà giúp việc.ND)
– Tội nghiệp! – Nàng nói và xiết chặt tay ông.
Và họ ngồi như thế rất lâu, tay cầm tay, kề bên nhau, bóng tối gắn bó họ, trong khi đó cả hai đều làm ra vẻ đang chăm chú nhìn lên màn ảnh, nơi có luồng ánh sáng trắng xanh từ bức tường sau lưng dọi nghiêng qua đầu họ chiếu vào. Người bắt chước hề Sáclơ đâm thẳng xe vào cột đèn, tóc dựng đứng lên vì hoảng sợ, làm cho chiếc mũ ống văng ra khỏi đầu. Loa phóng thanh phát nhạc to hết cỡ, từ phía dưới – họ ngồi trên ban công – qua làn khói thuốc lá, từng loạt cười sảng khoái rộ lên hoà với những tràng vỗ tay. Ông cúi xuống bên nàng:
– Cô biết không, hay là ta đi đâu đấy, đến Monparnax chẳng hạn, ở đây chán kinh khủng và ngạt thở quá chừng…
Nàng gật đầu và xỏ găng vào tay.
Họ lại ngồi vào chiếc xe bên trong tranh tối tranh sáng, nhìn cảnh vật bên ngoài qua làn kính lóng lánh những giọt mưa và như đang cháy lên bởi phản quang của ánh đèn đường muôn màu như sắc kim cương, bởi những tấm bảng quảng cáo đang nhấp nháy ở phía màn trời đen ngòm trên cao, lúc đỏ như màu máu, lúc nhấp nháy như thuỷ ngân. Ông lại vén mép chiếc găng và hôn rất lâu vào cổ tay nàng. Nàng cũng nhìn ông một cách khác lạ bằng cặp mắt huyền với hai nét mày đậm, sẫm như than và ngoảnh khuôn mặt với làn môi đầy đặn, ngọt ngào mùi son phấn về phía ông, vừa yêu thương, vừa lại buồn rầu.
Trong tiệm cà phê “Coupole”, thoạt đầu, họ gọi sò huyết và rượu ăngzu, sau đó đặt thêm chim đa đa và rượu Boocđô. Uống cà phê xong, cả hai đều đã hơi chuyếnh choáng. Họ hút rất nhiều, cái gạt tàn đầy ắp những mẩu thuốc lá in dấu son đỏ của nàng. Giữa chừng câu chuyện, ông ngắm khuôn mặt ửng hồng của nàng và nghĩ thầm rằng: nàng quả là một giai nhân.
– Ông nói thật đi, mấy năm vừa rồi chắc là cũng có những cuộc gặp gỡ, hẹn hò nào đó chứ?
– Quả là cũng có thật. Nhưng chắc cô cũng đoán được những loại hẹn hò ấy rồi. Một vài khách sạn ban đêm… Thế còn cô?
– Em cũng có một chuyện nặng nề lắm… Nhưng mà thôi, em không muốn nhắc lại chuyện đó nữa. Có một cậu bé, về thực chất chỉ là một gã ma cô… Thế ông và vợ chia tay nhau như thế nào?
– Nói ra thì xấu hổ lắm. Cũng là do một cậu bé, điển trai, người Hy Lạp, giàu có vô cùng. Thế rồi, chỉ vài tháng sau là chẳng còn bóng dáng cô bé đa sầu đa cảm, đã từng cầu nguyện cho Bạch quân, cho tất cả chúng ta. Cô ấy bắt đầu đi ăn với cậu bé kia trong những nhà hàng đất tiền nhất Pêra, nhận những lẵng hoa khổng lồ do cậu ta gửi tặng… “Em không thể nào hiều được, chẳng nhẽ anh lại đi ghen với cậu ta hay sao? Đối với em, cậu ấy chỉ là một chú bé dễ thương, ngoài ra không có gì hết…” Chú bé dễ thương! Bản thân cô ấy cũng chỉ mới có hai mươi tuổi đầu. Thật khó quên cô ấy thưở trước, hồi chúng tôi còn ở Ekaterinođar…
Khi tính tiền, nàng chăm chú nhìn ông và bảo ông không được thưởng quá mười phần trăm cho bồi bàn. Sau đó, cả hai đều cảm thấy thật lạ lùng vì chỉ nửa giờ nữa thôi là họ đã phải chia tay nhau mỗi người một ngả.
– Đến chỗ tôi chơi nhé, – ông buồn bã nói: – Ta ngồi chơi, nói chuyện thêm lát nữa…
– Vâng, vâng, – Nàng đáp và kéo tay ông đứng dậy, khoác tay ông và kéo ông sát lại gần mình.
Người lái tắc xi đêm, cũng là người Nga, đưa họ về tới con ngõ cô đơn, đến tận cửa một ngôi nhà cao tầng, cạnh đấy, dưới ánh sáng màu thép của một ngọn đèn thắp bằng khí ga, mưa đang lắc rắc rơi trên cái thùng đựng rác làm bằng sắt tây. Họ bước vào gian tiền sảnh sáng đèn, ôm nhau và lặng lẽ hôn. Vừa kịp tra chìa vào ổ khoá trước khi điện hàng lang vụt tắt, ông mở cửa và dẫn nàng qua phòng ngoài vào gian bếp nhỏ, nơi trên ngọn đèn chùm chỉ có một bóng điện buồn rầu toả sáng. Mặt họ đã có vẻ mệt mỏi. Ông mời nàng uống thêm một chút rượu nho.
– Thôi, anh yêu quý ạ, – nàng nói: – em không uống thêm nữa đâu.
Ông cố nài:
– Chỉ một ly thôi, vang trắng mà, tôi có một chai pui tuyệt lắm đang để ngoài cửa sổ.
– Anh cứ uống đi, anh thân yêu ạ, còn em thì sẽ đi thay áo và rửa ráy một chút. Và đi ngủ, đi ngủ thôi. Chúng ta chẳng còn trẻ trung gì nữa, và chắc anh đã hiểu rằng, nếu em đồng ý đến nhà anh thì có nghĩa là… Và nói chung, việc gì ta phải chia tay nhau cơ chứ?
Xúc động quá không nói nên lời, ông lặng yên dẫn nàng đi qua phòng ngủ vào buồng tắm và bật đèn cho nàng. Tại đấy, các bóng đèn toả sáng rực rỡ, hơi ấm từ lò sưởi lan khắp phòng, trong khi đó, bên ngoài, mưa vẫn loáng thoáng rơi đều. Nàng lập tức lột khỏi đầu chiếc váy dài dạ hội.
Ông ra ngoài, uống liền một lúc hai ly rượu vang chát và lạnh như băng, rồi không kìm được, lại quay vào. Trong phòng ngủ, tấm gương lớn ở bức tường đối diện phản chiếu buồng tắm rực rỡ ánh đèn. Nàng đứng quay lưng lại phía ông, hoàn toàn khoả thân, trắng ngần, đang cúi người trên bồn rửa mặt lau ngực và cổ.
– Đừng vào đây! – Nàng nói và khoác chiếc áo choàng lên người, rồi không hề che khuôn ngực đầy như đúc, làn bụng trắng trẻo khỏe mạnh và cặp đùi ngà ngọc rắn chắc, nàng bước lại gần và ôm lấy ông, như một người vợ. Ông cũng ôm chặt nàng như ôm vợ và hôn nàng, hôn lên khắp tấm thân mát rượi, lên bầu ngực chưa khô nước còn thoang thoảng mùi xà phòng hương, lên đôi mắt và cặp môi mà nàng đã lau hết dấu son…
Hai ngày sau, nàng xin thôi việc và dọn đến ở hẳn với ông.
Một lần, vào mùa đông, ông thuyết phục nàng đứng tên thuê một két sắt ở ngân hàng tín dụng Liông rồi gửi vào đó tất cả vốn liếng mà ông có được.
– Cẩn thận chẳng bao giờ thừa, – ông nói, – L’amour fait dauser les anes, (Tiếng Pháp: tình yêu khiến cho đến con lừa cũng phải nhảy múa) anh cảm thấy mình như mới hai mươi tuổi. Nhưng thiếu gì điều có thể xảy ra…
Ngày thứ ba sau lễ Phục sinh, ông mất trong tàu điện ngầm, – đang ngồi đọc báo, ông bỗng đột ngột ngả đầu trên thành ghế và nhắm mắt…
Khi nàng mặc áo tang đen từ nghĩa trang trở về, khắp nơi là một ngày xuân đáng yêu, những đám mây mùa xuân đang trôi đâu đó trên nền trời Pari mềm mại, và tất cả những điều đó đều lên tiếng về một cuộc sống trẻ trung, vĩnh hằng, – và về cuộc đời nàng, từ nay đã hết rồi…
Về nhà, nàng bắt tay thu dọn căn phòng. Ngoài hành lang, trên mắc áo, nàng trông thấy chiếc áo khoác màu xám có lần lót đỏ mà ông đã mặc vào dạo mùa hè xa xưa ấy. Nàng lấy áo từ trên mắc xuống, áp vào mặt, ôm chặt nó vào lòng rồi đổ khuỵu xuống sàn, toàn thân rung lên trong những tiếng nức nở và nghẹn ngào cầu xin ai đó tha thứ.