Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

Chương 10 – Những Tạo Tác Từ Thực Nghiệm

Tác giả: Tina Seelig
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý

Tôi phải thú nhận rằng thực ra mình có thể dễ dàng đặt tên cho tất cả các chương trước là “Hãy cho phép chính bạn.” Ý tôi là bạn hãy cho phép mình thách thức với các giả định, nhìn thế giới bằng đôi mắt mới mẻ, thử nghiệm, thất bại, vạch ra con đường đi của riêng bạn, và thử thách các giới hạn khả năng của bạn. Trong thực tế, đó chính là những gì tôi muốn mình biết được khi hai mươi, ba mươi, và bốn mươi tuổi – và cũng là những gì tôi cần phải liên tục nhắc nhở bản thân mình ở tuổi năm mươi.

 

Bạn rất dễ dàng bị khóa vào những cách tư duy truyền thống và chặn hết những lựa chọn thay thế khả thi. Đối với hầu hết chúng ta, có rất nhiều những đám đông đứng bên lề, khuyến khích mỗi người chúng ta ở lại trên con đường quy định, chỉ tô màu bên trong các đường ranh giới, và đi trên cùng những con đường họ đã đi theo. Điều này làm cho cả những người đó và bạn cảm thấy dễ chịu. Nó củng cố thêm những điều họ đã lựa chọn và cung cấp cho bạn một công thức dễ đi theo. Nhưng nó cũng có thể cực kỳ hạn hẹp.

 

Ở châu Mỹ Latinh thật ra có một cụm từ được dịch thành “kẻ níu áo” (jacket puller) để chỉ những kẻ cố gắng kéo người khác xuống – có lẽ bằng đuôi áo của họ – để ngăn cản họ vươn lên cao hơn vị trí hiện tại. Người dân ở nhiều nơi khác trên thế giới gọi đây là hội chứng “ghen ăn tức ở”, trong đó những người dám đứng lên cao hơn những người xung quanh sẽ bị cắt giảm kích thước cho vừa với mọi người. Ở lại với số đông là chuẩn mực, thành ra những người vượt lên trước có nguy cơ bị kéo lùi lại bởi cộng đồng của họ. Tệ hơn nữa, cũng có một số khu vực trên thế giới mà ở đó ai làm những điều khác với số đông đều bị xem là tội phạm, theo nghĩa đen. Ví dụ, tại Brazil từ truyền thống dành cho các doanh nhân (entrepreneur) là empresario, dịch trại ra là “kẻ trộm”. Trong lịch sử, không có nhiều hình mẫu doanh nhân thành công ở khu vực này, và những người khác vẫn cho rằng bạn hẳn phải làm điều gì đó bất hợp pháp thì mới thành công trong việc phá vỡ khuôn mẫu ở nơi đây. Đây là một vấn đề quan trọng với Endeavor, tổ chức có mục tiêu là tăng cường khả năng kinh doanh ở các nước đang phát triển. Khi hoạt động ở Mỹ Latinh, Endeavor nói với mọi người rằng họ muốn kích thích tinh thần kinh doanh, và họ đã gặp phải sự chống đối quyết liệt. Để đáp lại, họ đã đặt ra một từ hoàn toàn mới, emprendedor, để nắm bắt được bản chất thật sự của sự đổi mới và tinh thần doanh nhân. Họ đã phải mất nhiều năm, nhưng cuối cùng emprendedor đã được đưa vào từ điển. Và hiện tại Endeavor lại đối mặt với một thách thức tương tự ở Ai Cập, nơi họ dự định một lần nữa tạo ra và quảng bá một từ mới cho doanh nhân.

 

 

 

Ở trường d.school phần lớn công tác của chúng tôi tập trung vào việc cho phép sinh viên thách thức các giả định và mở rộng trí tưởng tượng của họ bằng việc thoát ra khỏi những lối tư duy truyền thống. Mỗi bài tập đòi hỏi họ phải rời khỏi những vùng an toàn và tham gia vào thế giới xung quanh họ. Trường đưa ra những thách thức, nhưng chúng tôi không có câu trả lời. Ngoài ra, không gian lớp học d.school được thiết kế để khuyến khích các thử nghiệm. Tất cả các đồ nội thất đều được gắn bánh xe và di chuyển một cách dễ dàng để tạo ra những không gian làm việc khác nhau. Mỗi lần các sinh viên đến thì không gian lớp học được sắp xếp khác nhau. Các thùng giấy, gỗ, nhựa, kẹp giấy, các vòng tay cao su, bút màu, dụng cụ thông ống điếu, và băng keo đều mời gọi các sinh viên xây dựng những hình mẫu đầu tiên nhằm đưa ý tưởng của mình vào cuộc sống. Các phòng đều chứa đầy những tấm bảng màu trắng di chuyển được, bao phủ bằng những miếng giấy dán nhiều màu sắc tạo điều kiện cho việc tìm ý tưởng. Các bức tường được dán đầy những hình ảnh và tác phẩm của các dự án trong quá khứ, có vai trò khơi nguồn cảm hứng cho tư duy sáng tạo.

 

Sinh viên của chúng tôi được trao cho những thách thức mở và đời thực. Ví dụ, họ có thể yêu cầu tìm ra cách để cải thiện sự an toàn khi di chuyển bằng xe đạp trong trường, hoặc tìm một cách để “dụ dỗ” trẻ em ăn thức ăn lành mạnh. Ngoài những dự án cục bộ đó, sinh viên ở d.school trong lớp học Design for Extreme Affordability, do Jim Patell và Dave Beach giảng dạy, còn làm việc với các đối tác ở các nước đang phát triển để xác định các khó khăn và quyết định làm thế nào để giải quyết chúng một cách sinh lãi. Dự án này đã hình thành một số sản phẩm thú vị đang được hoàn thiện để đưa vào thị trường. Ví dụ, một nhóm đã thiết kế một lồng nuôi em bé sinh non hoàn toàn mới có tên là Embrace, sau khi họ đi thăm các bệnh viện ở Nepal và thấy rằng các lồng ấp truyền thống ở phương Tây, với giá gốc là 20.000 đôla, không thích hợp lắm cho môi trường địa phương. Nhiều chiếc lồng đã bị hỏng hoặc cần các bộ phận không có sẵn. Những hướng dẫn hoạt động và các nhãn cảnh báo được ghi bằng tiếng nước ngoài xa lạ với các nhân viên điều dưỡng. Quan trọng nhất là đa số phụ nữ sinh nở ở các làng quê xa các bệnh viện thành phố nơi có lồng ấp. Do đó, những trẻ sinh non cần được giữ ấm trong lồng ấp thì hiếm khi được tiếp cận với sự hỗ trợ cần thiết.

 

Nhóm nghiên cứu xác định sự cần thiết của một lồng ấp có chi phí thấp và công nghệ thấp. Trong vài tháng họ đã thiết kế một túi ngủ nhỏ với một túi chèn bên trong có chứa một loại sáp đặc biệt. Nhiệt độ nóng chảy của sáp là 37 độ C, là nhiệt độ cần thiết để giữ ấm cho một em bé sơ sinh.[42] Với chỉ 20 đôla, thay vì 20.000 đôla, các bậc cha mẹ hoặc các phòng khám địa phương giờ đã có thể chăm sóc một em bé sinh non ngay tại chỗ hoặc trong khi di chuyển. Họ lấy túi sáp ra và đặt nó trong nước nóng để làm tan sáp. Sau đó túi sáp được đưa vào chiếc túi ngủ và giữ ấm trong nhiều giờ. Khi nó nguội đi, sáp có thể được làm ấm lên trở lại một cách dễ dàng. Không cần thiết phải có sự tập huấn kỹ thuật nào, không cần có điện, và thiết kế này cũng không tốn kém nhiều nên dễ dàng được triển khai trong các cộng đồng nơi người dân rất khó tiếp cận được với các bệnh viện đô thị.

 

Các sinh viên hoàn thành khóa học này đã thay đổi mãi mãi. Họ bắt đầu đánh giá cao sức mạnh của việc chú ý đến các vấn đề trong thế giới xung quanh họ, và biết rằng họ được trao quyền để giải quyết chúng. David Kelley, giám đốc sáng lập của d.school từng nói: “Họ đang bước đi với sự tự tin sáng tạo.”[43] Họ biết rằng mình có quyền – cả ngụ ý và rõ ràng – để được thử nghiệm, thất bại, và thử lại lần nữa. Tất cả những gì chúng ta phải công nhận là mỗi người trong chúng ta đều có quyền đó – chúng ta chỉ cần nhận ra rằng chính chúng ta là người được phép trao quyền đó cho mình chứ không chờ đợi một tác nhân từ bên ngoài.

 

Trong một hoàn cảnh khá bất ngờ, tôi đã hiểu được thông điệp rằng mỗi chúng ta là người quyết định cách chúng ta nhìn vào thế giới. Một vài năm trước, tôi đến một lớp học viết sáng tạo, ở đó giáo sư đã yêu cầu chúng tôi mô tả cùng một cảnh hai lần, đầu tiên là từ quan điểm của một người mới yêu, và thứ hai là từ góc nhìn của một người vừa bị mất một đứa con trong chiến tranh. Bài tập đơn giản này cho thấy việc nhìn vào thế giới như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc của bạn. Khi tôi tưởng tượng mình đang đi bộ qua một thành phố đông đúc trong trạng thái hạnh phúc, tâm trí của tôi tập trung vào cả màu sắc lẫn âm thanh, và lăng kính quan sát thế giới của tôi rộng mở. Nhưng khi đi dạo qua một cảnh tương tự trong trạng thái chán nản, mọi thứ đều trông xám xịt và tất cả các khiếm khuyết hiện ra, chẳng hạn như những vết nứt trên vỉa hè cũng đập vào mắt tôi. Tôi không thể nhìn xa hơn bước chân mình, và thành phố dường như cũng chán nản chứ không hề hào hứng. Tôi tìm thấy những gì mình đã viết cho bài tập đó gần một chục năm trước.

 

Linda nghiêng người ra sau để chiêm ngưỡng những bó hoa màu hồng đào cô vừa mới mua. Tâm trí cô hứng khởi tung bay từ những bông hoa đến mùi thơm tuyệt vời của bánh mì tươi phía cửa hàng bánh bên cạnh. Đứng bên hông lối vào là một nghệ sĩ xiếc nghiệp dư. Trong bộ trang phục màu sắc sặc sỡ của mình, anh đã làm cho những khán giả trẻ em cười khúc khích mỗi lần anh tạo ra một trò vui. Linda đứng xem một vài phút và cũng thấy mình khúc khích cười như các em nhỏ. Anh kết thúc màn biểu diễn của mình với một cái cúi đầu chào Linda. Cô cúi đầu chào lại, và tặng cho anh một bông hồng.

 

Joe cúi đầu bước đi, co mình dưới sương mù băng giá, trông như những tờ báo bị gió tung vật vờ trong không khí, đập vào các tòa nhà trước khi cất cánh bay lên một lần nữa. “Bước lên một vết nứt, vừa đi vừa rưng rức. Bước lên một sợi dây, vừa đi vừa lắt lay.” Những lời này tiếp tục chạy qua tâm trí của Joe khi anh băng qua mỗi vết nứt phá vỡ các hàng gạch lát trên vỉa hè.

 

Bài hát trêu chọc thời tuổi thơ đã trở thành một giọng lải nhải đều đều sau đầu anh, cũng như bản thân anh đang phải tập trung vào con đường không bằng phẳng trải dài phía trước.

 

Đây là một bài tập có giá trị không chỉ cho việc thực hành kỹ năng viết của tôi mà còn đối với cuộc sống nói chung. Nó là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng chính ta là người chọn cách chúng ta nhìn thế giới xung quanh. Môi trường quanh ta đều có những bông hoa đẹp cũng như các khiếm khuyết, và mỗi chúng ta là người quyết định nên chọn lấy điều gì.

 

Tôi đã chia sẻ một số câu chuyện từ cuốn sách này với cha tôi, và sau đó cha quyết định dành thời gian để nói về những hiểu biết quan trọng nhất của mình, khi nhìn lại tám mươi ba năm cuộc đời. Mặc dù vị trí hiện tại của ông rất thoải mái, nhưng con đường ông đi không phải là con đường được dọn sẵn từ trước. Cha chuyển đến Hoa Kỳ khi ông được tám tuổi. Gia đình ông bà nội trốn khỏi Đức vào những năm 1930, và họ đến Hoa Kỳ với những bàn tay trắng. Cha tôi không thể nói được tiếng Anh và ông bà nội đã không có đủ tiền để nuôi hai đứa con của họ. Do đó, cha phải sống với những người bà con, nhưng ông không thể giao tiếp được với họ. Mãi cho đến khi ông bà có đủ khả năng nuôi con, cha mới được đưa về nhà. Từ những khởi đầu khiêm tốn, cha tôi đã xây dựng một cuộc sống và sự nghiệp đầy ấn tượng, và đã nghỉ hưu với vai trò phó chủ tịch và giám đốc điều hành tại một công ty đa quốc gia lớn.

 

Nói về cuộc sống, cha tôi xác định rằng nhận định quan trọng nhất của ông là không nên quá nghiêm trọng với chính mình cũng như không nên phán xét người khác quá gay gắt. Ông ước gì trước đây ông khoan dung nhiều hơn với những sai lầm của mình và của những người khác, và ông cũng muốn lúc đó ông đã hiểu thất bại là một phần bình thường của quá trình học tập. Bây giờ ông nhận ra rằng hầu hết các lỗi lầm của chúng ta đều chẳng thể làm rung chuyển trái đất, và chia sẻ câu chuyện đã giúp ông có được gia đình này. Khởi đầu sự nghiệp của mình tại RCA, ông và nhóm của ông đã có một dự án tiến triển rất tệ. Cha tôi và các đồng nghiệp của ông đã phải thức nhiều đêm để cố gắng sửa chữa các vấn đề, và trong nhiều tuần họ phải dành toàn bộ sự tập trung để cố tìm ra một giải pháp. Có điều ngay sau khi dự án hoàn tất thì toàn bộ chương trình bị hủy bỏ. Mặc dù dự án đã là trung tâm cuộc sống của họ, nhưng đối với những người khác thì nó lại chẳng đáng gì. Ông đã học được nhiều lần rằng hầu hết những điều trong cuộc sống, đặc biệt là những thất bại của chúng ta, chẳng quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ ngay vào thời điểm chúng xảy ra đâu.

 

Cha tôi cũng nhắc nhở tôi rằng thành công thật ngọt ngào nhưng nó cũng chỉ thoáng qua. Khi bạn đang ở một vị trí có ảnh hưởng, có chức vụ và quyền lực thì các bổng lộc thật tuyệt vời. Nhưng một khi vị thế đó biến mất, các đặc quyền sẽ bay hơi. “Quyền lực” của bạn xuất phát từ vị thế bạn đnag đứng. Khi bạn không còn ở vị thế đó, tất cả những gì đi theo nó phai nhạt một cách nhanh chóng. Vì vậy, bạn không nên xác định mình bằng vị thế hiện tại, cũng như không nên tin vào tất cả những gì người ta nói về bạn. Hãy thưởng thức hương thơm của việc được mọi người chú ý khi bạn có nó, nhưng hãy sẵn sàng rời khỏi vị thế trung tâm nếu đến lúc phải ra đi. Khi bạn rời khỏi một công việc, tổ chức vẫn sẽ tiếp tục hoạt động mà không có bạn, như thể bạn chưa bao giờ là một nhân vật không thể thiếu được của nó vậy. Tất nhiên, bạn sẽ để lại một di sản về tất cả những gì bạn đã đạt được, nhưng điều đó cũng sẽ mờ nhạt đi theo năm tháng mà thôi.

 

Hôm nay, cha tôi cũng nhận thức sâu sắc về niềm vui còn được sống. Vài năm trước đây ông đã phải trải qua một cơn đau tim, và chiếc máy khử rung được cấy vào người ông là một lời nhắc nhở liên tục rằng cuộc sống của ông rất mỏng manh. Về mặt lý trí chúng ta đều biết mỗi ngày rất đáng trân trọng, nhưng khi chúng ta già đi hoặc đối phó với một căn bệnh đe dọa cuộc sống, nhận thức này mới ngày càng phát triển mãnh liệt và rõ ràng. Cha tôi làm việc chăm chỉ để tận dụng tối đa từng cơ hội, để trân trọng từng thời điểm, và để khỏi hoang phí dù chỉ một ngày.

 

Trong khi tìm kiếm cảm hứng cho cuốn sách này, tôi dã mở từng ngăn kéo và nhìn vào từng hộc tủ của cuộc đời tôi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong quá trình đó, tôi tìm thấy một chiếc túi vải bạt tôi đã mang đi khắp nơi trong khoảng ba mươi năm. Chiếc túi dài nửa mét đầy những “báu vật” dường như khá quan trọng với tôi suốt một quãng đời, từ khi nó mới chỉ là một tài sản nhỏ bé lúc tôi hai mươi đến tận lúc tôi học cao học, và theo tôi đến khắp mọi nơi tôi đã sống. Mặc dù hiếm khi mở nó ra, tôi vẫn luôn luôn biết được nơi để tìm thấy nó. Các ngăn túi và những gi fbene trong nó là một liên kết hữu hình với quá khứ của tôi.

 

Khi mở túi xách, tôi thấy một bộ sưu tập nhỏ các loại đá và vỏ sò rất đẹp từ những bãi biển xa xôi, những hình thẻ đã phai đi suốt những năm tôi ở trung học và đại học, một chồng thư cũ, và một số những “sáng chế” đầu tay của tôi, trong đó có mẫu đồ trang sức với đèn LED mà tôi thiết kế từ sét nặn hình và pin đồng hồ. Tôi cũng tìm thấy một tập thơ nhỏ, có tiêu đề “Những tạo tác từ thực nghiệm.”

 

Khi tôi làm những bài thơ trong cuốn tập này, chúng tượng trưng cho mặt trái của các thí nghiệm khoa học mà tôi đã thực hiện trong phòng thí nghiệm khoa thần kinh thời tôi đang học cao học. Một bài thơ có tên là “Entropy” đập vào mắt tôi. Bài htow này nói về quá trình liên tục tái khám phá chính mình, luôn luôn thay đổi kế hoạch của trò chơi cuộc đời, và chấp nhận những rủi ro mà không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã viết bài thơ đó vào tháng 9 năm 1983. Vào thời điểm đó, tương lai của tôi rất u ám và đầy những bất ổn lớn, bởi vì thế tôi chẳng thể nhìn thấy gì nhiều ở phía trước. Hơn hai mươi lăm năm sau, tôi nhìn nó với một cặp mắt khác. Tình trạng bất ổn là bản chất của cuộc sống, và nó tiếp nhiên liệu cho cơ hội. Phải thừa nhận sẽ vẫn có những ngày tôi không biết nên chọn con đường nào và bị choáng ngợp bởi những lựa chọn đang mở ra trước mắt tôi. Nhưng giờ tôi đã biết rằng sự bất ổn sẽ là tia lửa thắp lên những sáng tạo và khởi động cỗ máy thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước.

 

Tôi hy vọng những câu chuyện trong cuốn sách này đã nhấn mạnh được ý tưởng rằng để mở khóa cho những khả năng vô hạn của bản thân, bạn phải thoát ra khỏi chiếc vỏ an toàn, sẵn sàng chấp nhận thất bại, học cách xem nhẹ những khó khăn, và nắm bắt mọi cơ hội để trở nên xuất sắc. Đúng là những hành động này sẽ khiến cuộc sống của bạn sóng gió hơn nhiều. Nhưng chúng cũng đưa bạn đến những nơi có thể bạn thậm chí chưa từng tưởng tượng nổi, và cung cấp một lăng kính để qua đó bạn có khả năng nhìn khó khăn và rắc rối như những cơ hội. Trên hết, chúng mang đến cho bạn sự tự tin ngày càng tăng rằng vấn đề nào cũng có thể giải quyết xong.

 

Bài thơ tôi đã viết hơn hai mươi lăm năm trước đây là một lời nhắc nhở sâu sắc về những lo lắng tôi gặp phải ở tuổi hai mươi khi nhìn về phía trước, hoàn toàn mù mờ về những gì đang chực chờ ở ngã rẽ tiếp theo. Tôi ước phải chi có ai đó đã nói với tôi rằng hãy biết nắm lấy những điều bất ổn. Như các câu chuyện trong cuốn sách này  đã chứng minh, những điều thú vị nhất sẽ hiện ra khi bạn bước khỏi con đường được dự đoán trước, khi bạn thách thức những giả định, và khi bạn cho phép mình nhìn thế giới như là những cơ hội tràn đầy tiềm năng.

 

 

Bình luận