Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

Chương 5: Tác Dụng Của Việc Dọn Dẹp: Khiến Cuộc Sống Biến Chuyển Diệu Kì

Tác giả: Marle Kondo

Dọn dẹp nhà cửa và phát hiện ra những điều bạn thực sự muốn làm

Ở Nhật Bản, hình ảnh của người đại diện cho lớp học là một người nổi tiếng, có những phẩm chất lãnh đạo và thích nổi bật, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “tuýp người kiểu mẫu” cho bất kì ai có được những phẩm chất này. Trái lại, tôi là “tuýp người tổ chức”, một kiểu người kì cục, hoạt động thầm lặng và kín đáo trong góc lớp, chỉ biết sắp xếp những chiếc giá sách. Tôi đang nói về chuyện này theo nghĩa đen của nó và hoàn toàn nghiêm túc đấy.

Nhiệm vụ chính thức đầu tiên mà tôi được giao ở trường phổ thông chính là “công việc dọn dẹp”. Tôi vẫn nhớ như in ngày đó. Ai nấy đều ganh đua nhau để giành lấy những việc như cho thú nuôi ở trường ăn hoặc tưới cây, nhưng khi giáo viên nói: “Ai muốn nhận công việc sắp xếp lại và dọn dẹp phòng học?” thì trừ tôi ra chẳng có ai giơ tay cả và tôi vô cùng hồ hởi làm công việc này. Khi hồi tưởng lại, tôi nhận ra những tố chất dọn dẹp của mình thậm chí đã xuất hiện từ khi còn nhỏ. Ở các chương trước, chắc bạn đã biết tôi dành thời gian ở trường vui vẻ và tự tin ra sao để sắp xếp lại phòng học, các tủ đựng đồ và giá sách.

Khi tôi kể lại chuyện này, mọi người thường nói: “Bạn quá may mắn vì bạn đã biết điều bạn thích ngay từ khi còn trẻ như thế. Tôi ghen tị với bạn đấy. Tôi chẳng có ý tưởng gì về điều tôi muốn làm cả…” Nhưng thực sự là chỉ gần đây tôi mới nhận ra là mình thích công việc sắp xếp, thu dọn đến mức nào. Mặc dù bây giờ tôi dành hầu hết thời gian cho việc dọn dẹp, cũng như hướng dẫn khách hàng tại nhà của họ hoặc giảng dạy, thế nhưng khi còn trẻ, giấc mơ của tôi chỉ là lấy chồng. Việc dọn dẹp chưa trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi cho đến khi tôi bắt đầu kinh doanh, và lúc đó tôi nhận ra nó có thể là nghề nghiệp của mình. Trước đây khi người ta hỏi tôi thích làm gì, tôi sẽ do dự và rốt cục trả lời trong tuyệt vọng: “Đọc sách”, và lúc nào cũng băn khoăn: “Tôi muốn làm gì?” Tôi hoàn toàn quên mất việc được phân công vai trò là người tổ chức trong lớp học ở trường phổ thông. Trong tâm trí mình, tôi có thể thấy thầy giáo đang viết tên tôi trên bảng đen và tôi ngạc nhiên nhận ra là mình vốn đã thích thú với lĩnh vực này ngay từ khi còn rất nhỏ.

Bạn hãy nhớ lại những năm tháng ở trường phổ thông và những điều mà bạn thích làm. Có thể bạn đã nhận nhiệm vụ cho thú nuôi ăn hoặc có lẽ bạn thích vẽ tranh. Dù là gì đi nữa, những dịp đó thực sự có mối liên hệ nào đó với những gì mà bạn đang làm bây giờ, giống như phần bản chất của cuộc đời bạn, thậm chí nếu bạn không làm nó theo cùng một cách. Vì nhìn vào cốt lõi thì những điều chúng ta thực sự thích sẽ không thay đổi theo thời gian. Dọn dẹp nhà cửa chính là cách tuyệt vời nhất để phát hiện ra sở thích của bạn.

Một trong những khách hàng cũng là người bạn tốt của tôi từ thời đại học. Dù ban đầu làm việc cho một công ty công nghệ tin học lớn sau khi ra trường nhưng trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, cô ấy đã phát hiện ra điều mà mình thực sự thích làm. Khi chúng tôi kết thúc việc dọn dẹp nhà của cô ấy, cô ấy nhìn vào giá sách giờ đây chỉ còn những cuốn sách khiến cô phải say mê và nhận ra rằng tất cả những tựa sách đều liên quan tới phúc lợi xã hội. Nhiều cuốn sách mà cô ấy mua để học tiếng Anh hoặc giúp cô ấy cải thiện các kĩ năng thư kí của mình khi đi làm giờ đây đã không còn, trong khi những cuốn sách về phúc lợi xã hội mà cô ấy mua khi còn là học sinh phổ thông thì vẫn còn trên giá sách. Khi nhìn chúng, cô nhớ lại công việc tình nguyện mà mình đã làm, đó là trông trẻ suốt nhiều năm trước khi vào làm tại công ty tin học. Bỗng nhiên cô ấy nhận ra mình muốn đóng góp vào việc xây dựng một xã hội trong đó các bà mẹ có thể làm việc mà không cần lo lắng về việc cho con ăn. Lần đầu tiên ý thức về niềm đam mê của mình, sau khóa học của tôi, cô ấy đã dành cả năm trời để nghiên cứu và chuẩn bị, sau đó cô ấy nghỉ việc và lập một công ty trông trẻ. Giờ đây cô ấy có nhiều khách hàng trông cậy vào dịch vụ của cô ấy và ngày nào cũng vui vẻ khám phá những cách thức để phát triển hơn nữa doanh nghiệp của mình.

“Khi tôi dọn dẹp nhà cửa, tôi đã phát hiện ra điều mà tôi thực sự muốn làm.” Đó là những câu mà các khách hàng thường nói với tôi. Đối với nhiều người trong số họ, trải nghiệm với công việc dọn dẹp khiến họ gắn bó hơn với công việc của mình. Một vài người thành lập công ty riêng, một số khác thay đổi công việc và vẫn có những người càng thêm yêu thích nghề nghiệp hiện tại. Họ cũng trở nên say mê hơn với những sở thích khác, việc nhà và cuộc sống gia đình. Về bản chất, họ hiểu rõ hơn những điều thực sự thích và, kết quả là, cuộc sống hàng ngày trở nên thú vị hơn.

Mặc dù chúng ta có thể biết rõ hơn về bản thân mình bằng cách ngồi xuống và phân tích các tính cách bản thân hoặc lắng nghe những nhận xét của người khác về chúng ta, nhưng tôi tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa là cách làm tốt nhất. Cuối cùng, những vật sở hữu của chúng ta có mối liên hệ chính xác với mọi quyết định mà chúng ta thực hiện trong suốt cuộc đời. Việc dọn dẹp là cách kiểm kê lại những thứ cho chúng ta thấy điều mà chúng ta thực sự thích là gì.

“Cho đến nay, tôi tin vào tầm quan trọng của việc thêm vào cuộc đời mình những điều mới mẻ, vì thế tôi tham dự các buổi hội thảo và nghiên cứu để gia tăng kiến thức cho bản thân. Nhưng thông qua khóa học của bạn về cách dọn dẹp không gian sống của mình, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng việc bỏ đi thậm chí còn quan trọng hơn cả việc thêm vào.”

Đây là nhận xét của một khách hàng nữ ở độ tuổi 30 yêu thích việc nghiên cứu và đã xây dựng được cho mình một mạng lưới quan hệ rộng rãi. Cuộc sống của cô thay đổi mạnh mẽ kể từ sau khi tham dự khóa học của tôi. Thứ chủ yếu mà cô ấy không muốn từ bỏ chính là bộ sưu tập đồ sộ tài liệu và những bản ghi chép các buổi hội thảo, nhưng rốt cuộc cũng phải từ bỏ chúng, cô ấy cảm thấy như mình trút đi được gánh nặng khổng lồ. Sau khi bỏ đi gần 500 cuốn sách mà cô dự định một ngày nào đó sẽ đọc, cô nhận thấy mình tiếp nhận được thông tin mới mỗi ngày. Và khi cô quẳng đi một đống danh thiếp, thì những người mà cô mong muốn được gặp bắt đầu gọi điện thoại cho cô và cô đã có thể gặp gỡ họ khá dễ dàng. Trái với tinh thần duy linh trước đó, giờ đây khi khóa học kết thúc, cô quả quyết nói rằng “Việc dọn dẹp hiệu quả hơn nhiều so với phong thủy hoặc những hòn đá năng lượng và những vật phẩm duy linh khác.” Kể từ đó, cô đã có sự thay đổi nhanh chóng sang một cuộc sống mới, từ bỏ công việc cũ và tìm được nhà xuất bản cho cuốn sách của mình.

Việc dọn dẹp khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi nhanh chóng. Điều này đúng với tất cả mọi người. Tác động của nó, mà tôi gọi là “sự kì diệu của việc dọn dẹp”, thật phi thường. Thỉnh thoảng tôi có hỏi các khách hàng của mình về cuộc sống của họ đã thay đổi như thế nào sau khóa học. Mặc dù bây giờ đã quen với những câu trả lời của họ, nhưng ban đầu tôi rất ngạc nhiên. Cuộc sống của những người dọn dẹp kĩ lưỡng và triệt để, trong một lần duy nhất, đã biến chuyển mạnh mẽ và không có trường hợp ngoại lệ nào.

Người khách hàng ở trên vốn có cuộc sống rất bừa bộn. Khi mẹ cô ấy thấy phòng con gái không còn lộn xộn nữa, bà đã ấn tượng đến mức cũng đăng kí tham gia khóa học của tôi. Mặc dù bà tự tin mình là người gọn gàng, ngăn nắp nhưng sau khi xem phòng con gái, bà thấy mình vẫn chưa phải là người như vậy. Bà thích thú với việc loại bỏ tới mức bỏ bộ trà có giá 250 đô la mà không hề nuối tiếc.

“Trước đây tôi không tự tin. Tôi cứ suy nghĩ mãi về việc tôi cần thay đổi, tôi nên sống khác đi, nhưng giờ đây tôi có thể tin là mình đang sống tốt theo cách hiện tại. Nhờ việc đạt được một tiêu chuẩn rõ ràng mà thông qua đó tôi có thể đánh giá được mọi thứ, tôi đã trở nên tự tin hơn rất nhiều.” Từ lời xác nhận của bà ấy, có thể thấy một trong những tác dụng kì diệu của việc dọn dẹp là khiến bạn trở nên tự tin trong việc ra quyết định. Dọn dẹp nghĩa là nắm mọi thứ trong tay, tự hỏi bản thân rằng nó có mang lại niềm vui không và quyết định dựa trên cơ sở của việc nên hay không nên giữ nó lại. Bằng cách lặp lại quá trình này hàng trăm hàng nghìn lần, về bản chất là chúng ta đang mài giũa kĩ năng ra quyết định của mình. Những người thiếu tự tin trong việc đánh giá thì cũng thiếu tự tin vào bản thân. Tôi cũng từng thiếu tự tin. Điều đã cứu rỗi tôi chính là việc dọn dẹp.

Tôi đã đi đến kết luận rằng niềm đam mê dọn dẹp của tôi đã được khích lệ bởi mong muốn được bố mẹ công nhận và một phức cảm liên quan tới mẹ của tôi. Là con thứ trong một gia đình có ba người con, tôi không còn được bố mẹ chú ý nhiều đến nữa kể từ sau khi lên 3 tuổi. Tất nhiên, đây không phải là chủ ý của bố mẹ tôi, mà là do tôi không chịu được tình trạng bị kẹt giữa người anh trai và cô em gái nhỏ nên đã sinh ra cảm giác này.

Tôi bắt đầu quan tâm tới việc nhà và việc dọn dẹp khi lên 5 tuổi và tôi tin là mình đang cố gắng theo cách riêng để không gây phiền hà cho bố mẹ vốn đã rất bận bịu với việc chăm sóc anh trai và em gái của tôi. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã ý thức được việc cần tránh bị phụ thuộc vào người khác. Và, tất nhiên, tôi muốn được bố mẹ khen ngợi và chú ý đến mình.

Từ thời còn học phổ thông, tôi đã dùng đồng hồ báo thức để có thể thức dậy trước mọi người. Tôi không thích ỷ lại vào người khác, thấy khó có thể tin tưởng họ và rất khó diễn tả được những cảm xúc của mình. Cho nên trong những giờ giải lao ở trường tôi thường ở một mình, thu dọn mọi thứ, và bạn có thể đoán ra tôi không phải là một đứa trẻ cởi mở cho lắm. Tôi thực sự thích dạo chơi một mình quanh trường học, và cho đến giờ tôi vẫn thích làm mọi thứ một mình, gồm cả việc đi du lịch và mua sắm. Đây là tính cách của tôi.

Vì không giỏi phát triển những mối quan hệ tin cậy với mọi người nên khi đó tôi không mấy khi có được sự gắn bó mật thiết với bất kì ai. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy lí do chính xác là vì tôi đã không cảm thấy thoải mái trong việc bộc lộ những nhược điểm của mình hoặc bày tỏ cảm xúc thực của mình với người khác, thế nên căn phòng của tôi và mọi thứ trong đó trở thành rất quý giá với tôi. Tôi chẳng cần giả vờ hoặc giấu giếm điều gì khi đối diện với chúng. Đó là những điều hệ trọng và ngôi nhà của tôi đã dạy cho tôi biết rằng trước hết phải đề cao tình yêu vô điều kiện, chứ không phải bố mẹ hay bạn bè. Nói thật, cho đến giờ tôi vẫn chưa tự tin lắm. Có những lúc tôi cảm thấy buồn chán vì sự thiếu tự tin của mình.

Tuy nhiên, tôi lại rất tự tin trong môi trường của mình. Đối với những thứ mà tôi sở hữu, quần áo tôi mặc, ngôi nhà tôi ở và những người trong cuộc đời tôi, tất thảy những gì làm nên môi trường sống của tôi, tuy nó cũng không đặc biệt hơn so với bất kì ai. Tôi luôn tự tin và cực kì thoải mái vì được bao quanh bởi những điều mà tôi yêu mến, cả con người và đồ vật, từng thứ một và tất cả, đều đặc biệt, quý giá và vô cùng mến yêu. Những đồ vật và con người đó mang lại cho tôi niềm vui, sự trợ giúp mỗi ngày, trao cho tôi sự tự tin là mọi chuyện với tôi đều sẽ tốt đẹp. Tôi muốn giúp đỡ những người cũng từng có cảm giác như tôi, những người thiếu tự tin và thấy khó mở lòng trước người khác, để thấy họ nhận được sự hỗ trợ nhiều thế nào từ chính không gian sống của mình và từ những thứ xung quanh. Do đó, tôi dành thời gian tới thăm nhà của mọi người và hướng dẫn họ cách dọn dẹp nhà cửa.

“Hãy từ bỏ bất cứ thứ gì không mang lại niềm vui.” Nếu cố gắng thực hành phương pháp này dù chỉ một chút thôi, thì bạn sẽ nhận ra rằng xác định được thứ mang lại cho bạn niềm vui không hề khó. Thời điểm bạn chạm vào nó, bạn sẽ biết ngay câu trả lời. Việc quyết định bỏ đi thứ gì sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng ta đã khám phá ra tất cả những lí do để không từ bỏ, chẳng hạn “Cả năm nay tôi đã không dùng đến chiếc bình này, nhưng ai biết được chứ, có thể lúc nào đó tôi lại cần đến nó…” hoặc “Đó là chiếc vòng cổ mà bạn trai tặng cho tôi, khi ấy tôi đã thực sự thích nó…” Nhưng khi chúng ta thực sự tìm hiểu sâu về những lí do khiến chúng ta không thể từ bỏ thứ gì đó, thì chỉ có hai lí do: sự gắn kết với quá khứ hoặc nỗi lo sợ về tương lai.

Trong quá trình lựa chọn, nếu bạn xét thấy thứ gì đó không mang lại niềm vui nhưng bạn lại không thể tự mình vứt nó đi, hãy dừng lại một chốc và tự hỏi: “Có phải tôi đang gặp vấn đề với việc từ bỏ thứ này là do gắn kết với quá khứ hay vì lo sợ cho tương lai?” Hãy tự hỏi như vậy với mỗi vật mà bạn thấy khó từ bỏ. Khi làm thế, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy một mô thức trong sự sở hữu của bạn với mọi thứ. Mô thức này có thể chia thành ba loại: gắn kết với quá khứ, mong muốn có được ổn định trong tương lai hoặc kết hợp của cả hai loại trên. Hiểu được mô thức sở hữu của bạn là điều có ý nghĩa quan trọng vì nó thể hiện những giá trị đang dẫn dắt cuộc sống của bạn. Câu hỏi về thứ mà bạn muốn sở hữu thực sự chính là câu hỏi về việc bạn muốn sống như thế nào. Sự gắn kết với quá khứ và những nỗi lo sợ liên quan tới tương lai chi phối không chỉ cách mà bạn lựa chọn vật sở hữu mà còn thể hiện những tiêu chí mà bạn dựa vào để đưa ra những lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả những mối quan hệ với người khác và công việc của bạn.

Ví dụ, khi một người phụ nữ rất lo lắng về tương lai lựa chọn người đàn ông cho mình, cô ấy ít có khả năng lựa chọn mà chỉ thuần túy dựa trên việc cô ấy thích và muốn được ở bên anh ta. Cô ấy có thể lựa chọn ai đó đơn giản chỉ vì mối quan hệ này dường như có lợi cho cô hoặc vì cô ấy sợ rằng nếu không chọn anh ta, cô ấy có thể chẳng tìm được người đàn ông nào khác. Trước những lựa chọn về nghề nghiệp, kiểu người tương tự sẽ có nhiều khả năng lựa chọn công việc ở một công ty lớn bởi vì nó mang lại cho ấy nhiều lựa chọn hơn trong tương lai hoặc công việc đó sẽ đảm bảo có được những phẩm chất chuyên môn chắc chắn hơn là bởi vì cô ấy thực sự thích và muốn làm công việc đó. Mặt khác, một người có sự gắn bó mạnh mẽ với quá khứ sẽ gặp khó khăn trong việc tiến triển một mối quan hệ mới vì cô ấy không thể quên được người bạn trai đã chia tay từ hai năm trước. Cô ấy cũng thấy khó có thể thử những phương pháp mới thậm chí cho dù phương pháp hiện tại không còn hữu hiệu nữa.

Khi mô thức suy nghĩ này hay mô thức suy nghĩ khác khiến việc từ bỏ thứ gì đó trở nên khó khăn, chúng ta sẽ không thể nhận ra được điều mà chúng ta cần ngay lúc này là gì. Chúng ta không dám chắc rằng nó có khiến cho chúng ta thỏa mãn hay không hoặc không chắc chắn về điều mà chúng ta đang tìm kiếm. Kết quả là, chúng ta gia tăng số lượng những vật sở hữu không cần thiết, khiến bản thân đắm chìm cả thể chất lẫn tinh thần vào những thứ vô dụng. Cách tốt nhất để tìm ra thứ mà chúng ta thực sự cần đó là từ bỏ những thứ mà chúng ta không cần. Việc tìm kiếm ở những nơi xa xôi hoặc những cuộc mua sắm tưng bừng không còn cần thiết nữa. Tất cả những gì bạn phải làm là loại bỏ những thứ bạn không cần bằng cách đối mặt với từng vật mà bạn sở hữu.

Quá trình đối mặt và lựa chọn giữ hay bỏ những vật mà chúng ta sở hữu có thể diễn ra khá khổ sở. Nó buộc chúng ta phải đương đầu với những điều chưa hoàn hảo cũng như những nhược điểm và cả những lựa chọn ngốc nghếch của chúng ta trong quá khứ. Nhiều lần phải đối diện với quá khứ trong quá trình quá trình dọn dẹp, tôi đã cảm thấy rất hổ thẹn. Bộ sưu tập tẩy có mùi thơm của tôi từ thời tiểu học; những món đồ liên quan đến phim hoạt hình mà tôi sưu tầm khi học phổ thông, những trang phục tôi đã mua thời trung học khi tôi cố thể hiện mình đã trưởng thành nhưng không phù hợp với tôi một chút nào, những chiếc túi xách tôi đã mua dẫu cho không cần đến chúng mà chỉ bởi tôi thích vẻ ngoài của chúng ở trong cửa hiệu. Những thứ chúng ta sở hữu là có thực. Chúng tồn tại ở đây và lúc này như là kết quả của những lựa chọn trong quá khứ của không ai khác ngoài chúng ta. Chúng ta sẽ sai lầm nếu phớt lờ chúng hoặc loại bỏ chúng một cách cẩu thả như thể để phủ nhận những lựa chọn trước đây của chính mình. Do đó tôi phản đối việc tích trữ hàng đống lẫn việc vứt bỏ vật dụng mà không cân nhắc kĩ càng. Chỉ khi đối mặt với từng vật dụng mà chúng ta sở hữu và trải nghiệm những cảm xúc mà chúng gợi ra, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác mối quan hệ của chúng ta với chúng.

Chúng ta có thể áp dụng ba phương pháp đối với những vật sở hữu của mình. Đó là hãy đối mặt với chúng ngay bây giờ hoặc tránh né chúng cho đến ngày chúng ta qua đời. Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng cá nhân tôi tin rằng cách tốt nhất là đối mặt với chúng ngay bây giờ. Nếu chúng ta thành thật thừa nhận sự gắn kết với quá khứ và những nỗi lo sợ cho tương lai mỗi khi nhìn vào những thứ mà mình sở hữu thì chúng ta sẽ có thể nhận ra điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Đến lượt mình, quá trình này sẽ giúp chúng ta xác định được những giá trị của bản thân và giảm bớt những hoài nghi và bối rối khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Nếu chúng ta có thể tự tin ra quyết định và hào hứng hành động không một chút hoài nghi thì chúng ta có thể đạt được nhiều thành quả hơn. Nói cách khác, chúng ta càng sớm đối mặt với những vật sở hữu của mình bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nếu bạn quyết định dọn dẹp nhà cửa thì hãy làm ngay từ bây giờ.

Ngay khi người ta thực sự bắt tay vào việc dọn dẹp, họ sản sinh ra hết túi rác này đến túi rác khác. Tôi đã nghe nhiều người trong số các học viên tham gia các khóa học của tôi nói về việc họ đã quẳng đi bao nhiêu túi rác hoặc những điều gì đã xảy ra trong nhà của họ. Số lượng túi rác kỉ lục thuộc về một cặp vợ chồng: họ đã quẳng đi 200 túi rác cộng với 10 đồ vật quá lớn, không cho vừa vào túi. Phần lớn mọi người đều cười khi nghe chuyện này và hình dung ra việc cặp vợ chồng đó có lẽ phải sở hữu một căn nhà rất lớn với nhiều phòng chứa đồ, nhưng họ đều sai. Cặp vợ chồng đó sống trong một căn nhà hai tầng có 4 phòng. Diện tích mặt sàn của căn nhà chỉ nhỉnh hơn một chút so với các căn nhà Nhật Bản phổ biến khác vì nó còn có một phòng gác mái, nhưng sự khác biệt về không gian không phải là quá lớn. Mặc dù có vẻ nhà của họ không có nhiều vật dụng, nhưng nhìn kĩ sẽ thấy có nhiều thứ đồ không cần thiết. Nói cách khác, bất cứ ngôi nhà nào cũng có tiềm năng sản sinh khối lượng túi rác lớn tương tự.

Khi giúp các khách hàng sắp xếp và loại bỏ vật dụng, tôi không làm kiểu nửa vời. Trung bình một người sẽ bỏ đi từ 20 cho đến 30 túi rác dung tích 45 lít và đối với một gia đình có ba người thì con số này là gần 70 túi. Tổng số vật dụng mà các khách hàng của tôi đã bỏ đi vượt quá 28.000 túi và số lượng đồ dùng cá nhân đã bị loại bỏ chắc phải lên đến hơn 1 triệu. Cho dù đã giảm triệt để những vật sở hữu nhưng không ai từng phàn nàn với tôi là họ gặp rắc rối vì tôi đã bảo họ vứt bớt đồ đi. Lí do thật rõ ràng: việc loại bỏ những thứ không mang lại niềm vui không hề gây ra bất kì tác hại nào. Khi kết thúc việc dọn dẹp, tất cả các khách hàng của tôi đều ngạc nhiên về việc không thấy phát sinh bất tiện nào trong cuộc sống hàng ngày. Đây là sự nhắc nhở mạnh mẽ vì trước đây họ đã sống với đầy những thứ không cần thiết xung quanh. Không có ngoại lệ nào hết. Thậm chí những khách hàng chỉ còn chưa đến 15 vật sở hữu sau khi dọn dẹp xong cũng cảm thấy như vậy.

Tất nhiên, không phải là tôi đang nói rằng các khách hàng của mình không hề cảm thấy nuối tiếc khi phải từ bỏ thứ gì đó. Còn lâu mới được như thế. Vì vậy, bạn nên mong đợi là điều này sẽ xảy ra ít nhất ba lần trong quá trình dọn dẹp, nhưng cũng không cần lo lắng làm gì. Thậm chí cho dù các khách hàng của tôi có nuối tiếc khi phải từ bỏ thứ gì đó nhưng họ chưa hề cất tiếng phàn nàn. Họ đã học được bằng kinh nghiệm rằng bất kì vấn đề nào xảy ra do thiếu hụt thứ gì đó đều có thể giải quyết bằng hành động. Khi các khách hàng của tôi kể về kinh nghiệm vứt bỏ những thứ mà họ không nên có, tất cả đều hết sức vui vẻ. Hầu hết họ đều cười và nói: “Có lúc tôi nghĩ mình gặp rắc rối rồi đây, thế rồi tôi nhận ra là nó chẳng hề ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả.” Thái độ này không bắt nguồn từ một cá tính lạc quan, cũng không có nghĩa là họ đã trở nên cẩu thả trước việc để mất một thứ gì đó. Thay vào đó, nó cho thấy là bằng việc chọn ra thứ gì đó để bỏ đi, họ đã thay đổi được quan niệm cũ của mình.

Ví dụ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ cần dùng đến nội dung trong một tài liệu mà họ đã vứt đi trước đó? Trước hết, vì họ đã giảm bớt số lượng tài liệu của mình nên họ có thể nhanh chóng khẳng định rằng họ không còn tài liệu đó mà không phải mất công tìm kiếm. Việc họ không cần phải tìm kiếm thực sự là một liều thuốc giảm căng thẳng vô giá. Một trong những lí do khiến sự lộn xộn giày vò chúng ta là vì chúng ta phải tìm kiếm thứ gì đó và rồi phát hiện ra là nó vẫn ở đó, và đã có nhiều lần dù trong ta cố công đến cỡ nào thì cũng không thể tìm thấy thứ mà chúng ta đang tìm kiếm. Khi giảm bớt số lượng tài liệu mà chúng ta sở hữu và cất giữ chúng ở cùng một chỗ, chỉ nhìn thoáng qua là chúng ta có thể nói mình có tài liệu đó hay không. Nếu nó không còn, chúng ta có thể ngay lập tức chuyển sang phương hướng khác và bắt đầu suy nghĩ về việc cần làm gì. Chúng ta có thể hỏi ai đó mà chúng ta biết họ có tài liệu đó, gọi điện thoại đến công ty hoặc tự tìm kiếm thông tin. Ngay khi đã có giải pháp, chúng ta không lựa chọn nữa mà hành động. Và khi hành động, chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng vấn đề thường được giải quyết dễ dàng.

Thay vì căng thẳng do tìm kiếm mà không ra, chúng ta cần hành động và những hành động như thế thường dẫn tới những lợi ích ngoài trông đợi. Khi chúng ta tìm kiếm nội dung mong muốn ở chỗ khác, chúng ta có thể phát hiện ra những thông tin mới. Khi liên hệ với một người bạn, chúng ta có thể thắt chặt thêm mối quan hệ với họ hoặc họ có thể giới thiệu chúng ta với người thông thạo trong lĩnh vực đó. Những trải nghiệm lặp đi lặp lại như thế sẽ dạy cho chúng ta biết rằng nếu ta hành động, chúng ta sẽ có thể có được những thông tin cần thiết mỗi khi cần tới chúng. Cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu bạn biết rằng mọi thứ vẫn hoạt động tốt ngay cả khi bạn đang thiếu thứ gì đó.

Còn một lí do nữa khiến các khách hàng của tôi không bao giờ phàn nàn về việc phải vứt bỏ vật dụng đi và đây chính là lí do quan trọng nhất. Vì phải xác định và từ bỏ những thứ mà họ không cần nên họ không còn thoái thác trách nhiệm ra quyết định cho những người khác. Khi xuất hiện vấn đề nào đó, họ không tìm kiếm nguyên nhân bên ngoài hay người nào đó để đổ lỗi. Giờ đây họ tự ra quyết định và ý thức được rằng việc cân nhắc những hành động phù hợp để xử lí bất kì tình huống nào là điều thực sự quan trọng. Lựa chọn và từ bỏ những vật sở hữu là một quá trình ra quyết định liên tục dựa trên những giá trị của cá nhân. Việc từ bỏ giúp cải thiện những kĩ năng ra quyết định. Không phải là lãng phí khi bỏ lỡ cơ hội phát triển năng lực này nếu như vẫn tiếp tục tích trữ vật dụng hay sao? Khi tới thăm nhà của các khách hàng, tôi không bao giờ vứt bất kì thứ gì đi. Tôi luôn để cho họ ra quyết định cuối cùng. Nếu tôi thay họ lựa chọn những thứ cần bỏ đi, vậy thì việc dọn dẹp sẽ chẳng còn ý nghĩa với họ nữa. Chính việc làm cho nhà của mình trở nên gọn gàng, ngăn nắp sẽ làm thay đổi quan niệm trước kia.

Điều đầu tiên tôi làm khi tới thăm nhà của khách hàng sẽ là chào hỏi ngôi nhà của họ. Tôi quỳ gối trên sàn chính giữa ngôi nhà và nói chuyện với nó bằng tâm trí. Sau khi giới thiệu ngắn gọn về bản thân, bao gồm họ tên, địa chỉ và nghề nghiệp, tôi đề nghị ngôi nhà giúp đỡ để tạo ra một không gian sống hạnh phúc hơn cho gia đình của gia chủ. Sau đó tôi cúi đầu chào. Đó là một nghi lễ thầm lặng chỉ mất khoảng 2 phút nhưng khiến vài khách hàng nhìn tôi bằng ánh mắt lạ kì.

Tôi bắt đầu thực hiện thói quen này khá tự nhiên dựa trên nghi thức thờ cúng trong các ngôi đền của đạo Shinto.(5) Tôi không nhớ chính xác mình làm việc này từ khi nào nhưng tôi tin rằng tôi đã được truyền cảm hứng để làm như vậy, vì nỗi mong chờ bồn chồn hiện hữu trong không gian khi một người khách hàng mở cửa đón tôi cũng giống như bầu không khí khi người ta bước qua cánh cổng của ngôi đền và tiến vào những khu vực thờ phụng bên trong. Bạn có thể nghĩ rằng nghi lễ này chỉ có tác dụng trấn an nhưng tôi nhận thấy có sự khác biệt thực sự trong việc thúc đẩy việc dọn dẹp diễn ra nhanh chóng khi tôi thực hiện nghi lễ này.

Nhân đây cũng phải nói rằng tôi không mặc quần áo dài tay hoặc trang phục lao động khi dọn dẹp. Thay vào đó, tôi thường mặc váy và áo cộc tay. Mặc dù thỉnh thoảng có đeo tạp dề nhưng tôi vẫn ưu tiên những trang phục thiết thực hơn. Một vài khách hàng ngạc nhiên và lo lắng rằng tôi có thể làm hỏng quần áo của mình, nhưng tôi không hề gặp rắc rối nào khi phải dịch chuyển đồ đạc, leo lên quầy bếp và làm các công việc dọn dẹp khác trong khi ăn mặc như thế. Đây là cách mà tôi thể hiện sự tôn trọng ngôi nhà và những thứ bên trong. Tôi tin rằng việc dọn dẹp là một nghi lễ, một lễ tiễn đưa đặc biệt dành cho những đồ vật sẽ rời khỏi ngôi nhà, và do đó tôi cần mặc trang phục phù hợp. Tôi tự tin là khi tôi thể hiện sự tôn trọng bằng cách chọn trang phục để mặc và bắt đầu công việc dọn dẹp bằng việc chào hỏi ngôi nhà, đến lượt mình, ngôi nhà sẽ vui vẻ nói với tôi về những thứ mà gia đình sống trong nó không còn cần đến nữa và chỗ phù hợp để cất giữ những thứ còn lại, nhờ đó gia đình này có thể cảm thấy thoải mái và hạnh phúc trong không gian này. Thái độ này sẽ giúp rút ngắn thời gian dọn dẹp và cất giữ, đồng thời xóa bỏ sự hoài nghi trong toàn bộ quá trình dọn dẹp, khiến mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn nhiều.

Có lẽ bạn không tin là mình có thể làm được điều này. Có lẽ bạn nghĩ phải là người chuyên nghiệp như tôi mới có thể lắng nghe được điều mà ngôi nhà muốn nói. Tuy nhiên, gia chủ là người hiểu rõ nhất về các vật sở hữu và ngôi nhà của họ. Khi tiến bộ dần thông qua những bài học, các khách hàng của tôi bắt đầu nhận thấy rõ họ cần bỏ thứ gì và chỗ cất giữ hợp lí nhất cho các vật dụng, và công việc dọn dẹp sẽ tiến triển suôn sẻ và nhanh chóng. Chiến lược đúng đắn có thể giúp bạn nhanh chóng cải thiện được cảm nhận về thứ bạn cần và chỗ cất giữ phù hợp đó là: chào hỏi ngôi nhà mỗi khi bạn về đến nhà. Trong những bài học của tôi, đây là bài làm về nhà đầu tiên mà tôi giao cho khách hàng. Như thể bạn chào hỏi gia đình hoặc thú cưng của mình, hãy nói: “Xin chào! Tôi về nhà rồi” với ngôi nhà khi bạn trở về. Nếu bạn quên chào hỏi khi đã bước qua cửa thì sau đó, lúc nhớ ra, bạn hãy nói: “Cảm ơn bạn vì đã cho tôi chỗ ở.” Nếu bạn cảm thấy xấu hổ hoặc bối rối không thể nói to những điều như thế thì nói thầm cũng được.

Nếu lặp đi lặp lại việc này, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ngôi nhà của mình đáp lại khi bạn trở về nhà. Bạn sẽ cảm nhận được sự hài lòng của nó. Và rồi bạn dần dần cảm nhận được là nó muốn bạn dọn dẹp ở đâu và cất giữ vật dụng ở đâu. Hãy trò chuyện với ngôi nhà trong lúc dọn dẹp. Tôi biết điều này nghe có vẻ phi thực tế nhưng nếu bạn phớt lờ bước này, bạn sẽ thấy việc dọn dẹp sẽ ít suôn sẻ hơn.

Về cơ bản, việc dọn dẹp là hành động khôi phục sự cân bằng giữa con người, các vật sở hữu và ngôi nhà của họ. Tuy nhiên, những phương pháp dọn dẹp thông thường có xu hướng chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa con người và các vật mà họ sở hữu mà không chú ý tới nơi trú ngụ của họ. Song, tôi ý thức sâu sắc về vai trò quan trọng của ngôi nhà vì bất cứ khi nào tới thăm nhà của khách hàng, tôi đều có thể cảm nhận được nó yêu quý những người sống trong nó đến mức nào. Nó luôn ở đó, đợi chờ khách hàng của tôi trở về và luôn sẵn sàng che chở, bảo vệ họ. Cho dù mệt mỏi đến thế nào sau cả ngày dài làm việc, nó vẫn ở đó để hồi phục sinh lực cho khách hàng của tôi. Khi họ không còn thích làm việc và dạo quanh trong nhà với trang phục “lúc mới lọt lòng”, ngôi nhà vẫn chấp nhận họ giống như mọi khi. Bạn sẽ không thể tìm đâu ra một người hào phóng hoặc dễ mến như thế. Việc dọn dẹp là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự cảm kích đối với ngôi nhà của mình vì tất cả những gì mà nó đã làm cho chúng ta.

Để kiểm tra lí thuyết của tôi, bạn hãy bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa với quan điểm là việc làm này sẽ khiến ngôi nhà hạnh phúc. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy quá trình ra quyết định sẽ diễn ra suôn sẻ như thế nào.

Tôi đã dành hơn nửa đời mình để suy nghĩ về việc dọn dẹp. Tôi tới thăm nhà mọi người hàng ngày và dành thời gian để đối diện với những vật sở hữu của họ. Tôi không cho là có nghề nghiệp nào khác có thể giúp tôi thấy mọi thứ mà người khác sở hữu hoặc cho phép tôi có thể kiểm tra tủ đồ và ngăn kéo của người khác. Tuy đã đến thăm nhiều ngôi nhà nhưng tôi thấy là về bản chất, không có những vật sở hữu hoặc cách sắp xếp nhà cửa nào lại giống hệt nhau. Nhưng tất cả những vật sở hữu đều có một đặc điểm chung. Hãy suy nghĩ về lí do tại sao bạn lại có những vật sở hữu đó. Nếu bạn trả lời “vì tôi chọn chúng” hoặc “vì tôi cần chúng” hoặc “vì có những sự trùng hợp ngẫu nhiên”, tất cả các câu trả lời trên đều đúng. Nhưng trong mọi trường hợp, tất cả các vật mà bạn sở hữu đều có chung niềm khao khát là chúng sẽ hữu dụng cho bạn. Tôi có thể dám chắc điều này vì trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã kiểm nghiệm kĩ càng hàng trăm nghìn vật sở hữu.

Khi kiểm tra kĩ càng, số phận sẽ gắn chúng ta với những vật sở hữu đến mức đáng kinh ngạc. Hãy lấy một chiếc áo sơ mi làm ví dụ. Thậm chí cho dù là sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong nhà máy thì chiếc áo sơ mi mà bạn đã mua và mang về nhà vào một ngày cụ thể vẫn sẽ là chiếc áo độc nhất đối với bạn. Định mệnh dẫn dắt chúng ta đến với mỗi vật mà ta sở hữu là điều quý giá và thiêng liêng giống như định mệnh đã kết nối chúng ta với những người trong cuộc sống của mình. Đó là lí do giải thích cho cách từng vật sở hữu đến với chúng ta. Khi tôi chia sẻ quan điểm này, vài người nói: “Từ lâu tôi đã xao lãng trang phục này đến mức nó nhàu hết cả rồi. Hẳn là nó thấy hơi phẫn nộ với tôi đấy,” hoặc “nếu tôi không dùng nó, nó sẽ nguyền rủa tôi.” Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi chưa bao giờ thấy bất kì vật sở hữu nào chỉ trích người chủ của nó. Những suy nghĩ kiểu đó chỉ bắt nguồn từ cảm giác có lỗi của chính chủ nhân, chứ không phải từ những vật sở hữu. Vậy thì những vật dụng trong nhà thực sự cảm thấy thế nào khi chúng không mang lại niềm vui cho bạn? Tôi nghĩ rằng đơn giản là chúng muốn bỏ đi. Nằm yên trong quên lãng trong tủ đồ của bạn, chúng biết rõ hơn bất kì ai khác là giờ đây chúng không còn mang lại niềm vui cho bạn nữa.

Mọi thứ mà bạn sở hữu đều mong muốn sẽ hữu dụng cho bạn. Thậm chí nếu bạn vứt bỏ hoặc đốt chúng thì điều còn lại vẫn là năng lượng của sự mong muốn được phục vụ của chúng. Được giải phóng khỏi hình thức vật chất của mình, chúng sẽ bước vào thế giới của bạn như một thứ năng lượng, để cho những vật dụng khác biết rằng bạn là một người đặc biệt, và sẽ trở lại với bạn như một trong những thứ hữu dụng nhất cho con người bạn lúc này, như là thứ sẽ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc nhất. Một trang phục nào đó có thể quay trở về dưới hình thức một trang phục mới và đẹp đẽ, hoặc nó có thể tái hiện dưới dạng những thông tin hoặc một mối liên hệ mới. Tôi cam kết với bạn: bất cứ thứ gì bạn cho đi sẽ quay trở về với đúng số lượng như trước, nhưng chỉ khi nó cảm thấy nỗi khao khát muốn trở về với bạn. Vì lí do này, khi bạn từ bỏ thứ gì đó, đừng ra hiệu và bảo “Ồ, tôi không bao giờ sử dụng thứ này” hoặc “Tiếc là tao chưa bao giờ có dịp dùng đến mày.” Thay vào đó, hãy vui vẻ bỏ nó đi với những lời lẽ như “Cảm ơn bạn đã tìm đến tôi” hoặc “Lên đường vui vẻ nhé. Hẹn sớm gặp lại!”

Hãy từ bỏ những thứ không còn mang lại niềm vui. Hãy biến công việc loại bỏ của bạn trở thành một nghi lễ để đưa tiễn chúng vào một hành trình mới. Hãy cùng chúng kỉ niệm dịp này. Tôi tin tưởng rằng nếu bạn làm như thế thì vào lúc bạn để chúng đi, những vật sở hữu của bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và xúc động hơn cả khi lần đầu tiên bạn có chúng.

Trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, nhiều khách hàng của tôi nhận xét là họ đã giảm cân. Đây là hiện tượng rất kì lạ nhưng khi chúng ta loại bỏ bớt những thứ mà chúng ta sở hữu và “khử độc” cơ bản cho ngôi nhà của mình, thì nó cũng có tác dụng khử độc cho cơ thể chúng ta.

Khi chúng ta từ bỏ mọi thứ chỉ trong một lần duy nhất, thỉnh thoảng điều này có nghĩa là sẽ vứt đi 40 túi rác trong một ngày, lúc đó cơ thể của chúng ta sẽ đáp lại với tốc độ nhanh tương ứng. Chúng ta có thể bị tiêu chảy hoặc nổi mụn ở một số chỗ. Không có vấn đề gì với chuyện này cả. Chẳng qua là cơ thể của chúng ta chỉ đang thải ra những chất độc đã tích tụ bao năm qua và chúng ta sẽ trở lại bình thường, hoặc thực tế là thậm chí với tình hình còn tốt hơn chỉ trong vòng từ một đến hai ngày. Một trong số các khách hàng của tôi đã dọn sạch một chiếc tủ đồ và bỏ đi những thứ mà cô ấy đã bỏ mặc suốt 10 năm qua. Ngay sau đó, cô ấy bị một đợt tiêu chảy nặng, thế nhưng cô ấy cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhõm đi nhiều. Tôi biết điều này nghe có vẻ là một cách quảng cáo sai lầm khi khẳng định rằng bạn có thể giảm cân bằng việc dọn dẹp hoặc việc dọn dẹp sẽ khiến da dẻ của bạn sáng đẹp hơn, nhưng không phải là không đúng sự thực. Không may là, tôi không thể cho bạn xem ảnh các khách hàng của tôi trước và sau khi dọn dẹp, nhưng tôi đã chứng kiến tận mắt vẻ ngoài của họ thay đổi như thế nào khi các căn phòng trở nên ngăn nắp. Thân thể họ thon gọn hơn, da dẻ họ tươi sáng hơn và đôi mắt họ rạng ngời hơn.

Khi lần đầu tiên bắt gặp chuyện này, tôi thấy khá thích thú. Nhưng khi suy nghĩ thật kĩ, tôi nhận ra nó chẳng có gì là kì lạ cả. Tôi nghĩ thế này: khi chúng ta dọn dẹp nhà cửa, không khí trong nhà trở nên tươi mới và sạch sẽ. Giảm số lượng vật dụng trong không gian của chúng ta đồng nghĩa với việc giảm số lượng bụi bặm, và chúng ta thường xuyên được sạch sẽ hơn. Lúc đó, khi nhìn xuống sàn, chúng ta có thể thấy rác bẩn bám lại và chúng ta muốn lau dọn chúng đi. Vì tình trạng bừa bộn không còn nữa nên việc lau dọn sẽ dễ dàng hơn nhiều, và do đó chúng ta sẽ lau dọn được kĩ càng hơn. Không khí trong phòng tươi mới hơn chắc chắn có lợi cho da. Việc dọn vệ sinh có liên quan tới sự lưu chuyển năng lượng, và một cách tự nhiên sẽ góp phần vào việc giảm cân và giữ gìn dáng vóc. Và khi không gian hoàn toàn sạch sẽ, chúng ta không phải lo lắng về việc dọn dẹp nữa, nhờ đó được rảnh rang để tập trung vào vấn đề tiếp theo có ý nghĩa quan trọng với đời sống của chúng ta. Nhiều người muốn được mảnh mai và cân đối, và điều này trở thành vấn đề trọng tâm tiếp theo của họ. Họ bắt đầu đi bộ trên quãng đường dài hơn và ăn ít đi, và các hành động này góp phần vào việc giảm cân mà không cần phải chú ý tới việc ăn kiêng.

Nhưng tôi nghĩ lí do chính khiến việc dọn dẹp có được tác dụng này là vì thông qua quá trình dọn dẹp, người ta đã đạt tới trạng thái biết thế nào là đủ. Sau khi dọn dẹp, nhiều khách hàng nói với tôi rằng những ham muốn trần tục của họ đã giảm đi. Trong khi đó trước đây dù đã có bao nhiêu quần áo, họ cũng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn và luôn muốn mặc những bộ quần áo mới. Thế nhưng khi phải lựa chọn và chỉ giữ lại những gì mà họ thực sự yêu thích, họ cảm thấy rằng chúng là tất cả những gì mà họ cần.

Chúng ta tích lũy mọi thứ vật chất với cùng một lí do như khi chúng ta ăn – nhằm thỏa mãn cơn đói. Mua sắm quá mức và ăn uống quá nhiều đều là những nỗ lực để làm dịu căng thẳng. Thông qua việc quan sát các khách hàng, tôi nhận thấy rằng khi họ từ bỏ những trang phục dư thừa, bụng của họ có xu hướng nhỏ lại; khi họ bỏ bớt sách và tài liệu, trí óc của họ có xu hướng trở nên thông thoáng hơn; khi họ giảm bớt số lượng mỹ phẩm và dọn dẹp khu vực quanh bồn rửa bát và bồn tắm, làn da của họ có xu hướng trở nên sáng hơn và da dẻ mịn màng. Mặc dù tôi không có cơ sở khoa học nào để chứng minh cho lí thuyết này nhưng thật là thú vị khi thấy một bộ phận của cơ thể đáp lại tương ứng với khu vực được dọn dẹp. Không phải là kì diệu hay sao khi việc dọn dẹp nhà cửa cũng có thể tôn thêm nhan sắc của bạn và góp phần làm cho cơ thể trở nên mạnh khỏe, thon thả hơn?

Do sự phổ biến của phong thủy, người ta thường hỏi tôi là liệu việc dọn dẹp có mang lại cho họ vận may hay không. Phong thủy là phương pháp nhằm gia tăng vận may cho ai đó bằng cách sắp xếp môi trường sống của họ. 15 năm trước nó bắt đầu phổ biến ở Nhật và bây giờ đã khá nổi tiếng. Đối với nhiều người, phong thủy là điều đầu tiên mà họ quan tâm khi sắp xếp và dọn dẹp nhà cửa. Tôi không phải là chuyên gia phong thủy nhưng tôi đã tìm hiểu những nguyên tắc căn bản của nó như là một phần trong nghiên cứu của mình về công việc dọn dẹp. Dù bạn có tin là nó có thể cải thiện vận mệnh tương lai của mình hay không thì từ thời cổ đại cho tới nay, người dân Nhật Bản vẫn đang áp dụng những kiến thức về phong thủy và các nguyên tắc về phương hướng của nó vào đời sống hàng ngày. Ví dụ khi tôi gập và xếp quần áo vào mép ngăn kéo, tôi sắp xếp chúng theo màu sắc chuyển từ sẫm màu sang sáng màu. Trật tự chính xác sẽ là xếp quần áo có màu sáng hơn ở phía đầu ngăn kéo và quần áo sẫm màu dần về phía cuối ngăn. Tôi không biết là điều này có làm tăng thêm vận may hay không nhưng nếu quần áo được sắp xếp chuyển dần theo gam màu thì lúc mở ngăn kéo, bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt khi nhìn thấy chúng. Vì nguyên nhân nào đó, việc xếp quần áo sáng màu hơn ở đầu ngăn kéo dường như mang lại một hiệu ứng êm dịu. Nếu bạn sắp xếp môi trường sống của mình sao cho thật thoải mái và nhờ thế hàng ngày bạn đều cảm thấy tràn đầy năng lượng và niềm vui, vậy thì vận may có gia tăng hay không?

Những khái niệm nền tảng của phong thủy chính là âm – dương và ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Niềm tin căn bản là ở chỗ cho rằng mọi vật đều có năng lượng và mỗi vật nên được sắp đặt theo cách phù hợp với đặc tính của nó. Với tôi, điều này dường như hết sức tự nhiên. Triết lí của phong thủy thực sự là về việc sống hài hòa với những qui luật của tự nhiên. Mục đích của phương pháp dọn dẹp của tôi hoàn toàn tương đồng. Tôi tin tưởng rằng mục đích thực sự của việc dọn dẹp là sống trong hoàn cảnh tự nhiên nhất có thể được. Bạn có nghĩ là sẽ trái tự nhiên nếu sở hữu những thứ không mang lại cho chúng ta niềm vui hoặc sở hữu những thứ mà chúng ta thực sự không cần đến chúng? Tôi tin rằng việc sở hữu chỉ những thứ mà chúng ta yêu thích và cần dùng là điều kiện tự nhiên nhất.

Bằng cách dọn dẹp nhà cửa, chúng ta có thể sống trong hoàn cảnh tự nhiên của mình. Chúng ta chọn những thứ mang lại niềm vui và coi trọng những thứ thực sự quý giá đối với cuộc sống của chúng ta. Không điều gì mang lại hạnh phúc lớn hơn là việc có thể làm điều gì đó một cách đơn giản và tự nhiên nhất. Nếu đây chính là vận may, thì tôi tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa chính là cách tốt nhất để có được nó.

Sau khi một khách hàng kết thúc quá trình lựa chọn giữ lại cái gì và vứt bỏ cái gì, có những lúc tôi sẽ lấy ra vài thứ trong đống đồ “giữ lại” và hỏi họ một lần nữa: “Cái áo phông này, và cả cái áo len này nữa, chúng có thực sự khiến bạn vui thích hay không?”

Ngạc nhiên nhìn tôi, người khách hàng đó nói: “Sao chị lại biết? Đó chính là những thứ mà tôi không thể quyết định được là mình nên giữ lại hay bỏ đi.”

Tôi không phải là chuyên gia thời trang, do đó tôi không lấy những thứ quần áo đó ra dựa trên việc chúng có lỗi mốt hay không. Tôi có thể nói như vậy là vì dựa trên biểu hiện của người khách hàng khi họ lựa chọn – cách họ cầm một vật, tia sáng trong mắt họ khi họ chạm vào nó và tốc độ ra quyết định của họ. Phản ứng của họ rõ ràng là khác nhau đối với những thứ họ thích và những thứ họ không chắc có thích hay không. Khi đối diện với những thứ mang lại niềm vui, họ thường quyết định ngay lập tức, họ chạm vào chúng dịu dàng và mắt họ sáng lên. Khi đối diện với những thứ không mang lại niềm vui, tay họ ngập ngừng, họ gõ vào trán và cau mày. Sau khi suy nghĩ chốc lát, họ có thể ném thứ đó vào đống đồ “giữ lại”. Vào giây phút ấy, lông mày họ căng ra và môi mím lại. Niềm vui tự biểu hiện nó trên cơ thể và tôi không để lọt mất những dấu hiệu đó.

Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi thực sự có thể biết được những thứ không mang lại niềm vui cho khách hàng mà không cần quan sát họ trong quá trình lựa chọn vật dụng. Trước khi tới nhà họ, tôi giảng cho họ một bài học cá nhân về “Phương pháp dọn dẹp KonMari”. Chỉ cần bài giảng này thôi cũng đã tạo ra tác động đặc biệt và thường là khi tôi tới thăm nhà họ lần đầu tiên thì họ cũng đang bắt tay vào dọn dẹp rồi.

Một trong những học viên ưu tú của tôi, một phụ nữ tuổi 30, đã bỏ đi 50 túi rác đúng vào lúc tôi đến nhà cô ấy. Cô ấy tự hào mở các ngăn kéo và tủ đồ rồi nói: “Ở đây chẳng còn thứ gì cần bỏ đi thêm nữa!” Phòng của cô ấy chắc chắn đã khác nhiều so với những bức ảnh chụp nó trước đó mà cô ấy đã cho tôi xem. Chiếc áo len dài tay từng bị vứt cẩu thả vào tủ quần áo thì giờ đây được cất gọn gàng, và những chiếc váy được treo lèn chặt trên giá áo thì nay đã có khoảng trống giữa chúng. Dù vậy, tôi vẫn lấy ra một chiếc áo vét nữ màu xám và một chiếc áo choàng màu be. Trông chúng không khác gì với những bộ quần áo mà cô ấy đã quyết định giữ lại. Cả hai chiếc áo vẫn còn tốt và trông chúng như đã được mặc rồi.

Tôi hỏi: “Những chiếc áo này có thực sự khiến bạn vui không?”

Sắc mặt cô ấy thay đổi nhanh chóng. “Chiếc áo vét ấy, cô biết không, tôi thích kiểu dáng của nó, nhưng tôi thực sự muốn có một chiếc màu đen. Họ không có chiếc nào màu đen có cỡ của tôi… Vì không có chiếc áo vét xám nào nên tôi nghĩ là mình sẽ mua nó, nhưng cuối cùng dường như nó lại không phù hợp với tôi và tôi chỉ mặc nó vài lần.”

“Còn về chiếc áo khoác, tôi thực sự bị kiểu dáng và chất liệu của nó hấp dẫn, vì thế cuối cùng tôi đã mua hai chiếc. Tôi mặc chiếc đầu tiên cho tới khi không thể mặc được nữa, nhưng rồi vì lí do nào đó khiến tôi dường như không muốn mặc nó nữa.”

Tôi chưa bao giờ chứng kiến cô ấy đối xử với những chiếc áo đó như thế nào, tôi cũng không biết chút gì về hoàn cảnh khi cô ấy mua chúng. Tất cả những gì tôi làm chỉ là quan sát cẩn thận những trang phục được treo trong tủ quần áo. Khi kiểm tra kĩ, bạn có thể bắt đầu nhận thức được những thứ đó có mang lại niềm vui cho chủ nhân của chúng hay không. Khi một phụ nữ đang yêu, sự thay đổi của cô ấy lộ ra bên ngoài trước mắt những người xung quanh. Tình yêu mà cô nhận được từ người đàn ông của mình, sự tự tin mà tình yêu mang lại cho cô ấy và sự khao khát của cô ấy để cố gắng trông xinh đẹp trong mắt anh ta, tất cả những điều đó mang đến năng lượng cho cô. Làn da tươi sáng, ánh mắt rạng rỡ và cô ấy trở nên xinh đẹp hơn. Tương tự, những vật dụng được chủ nhân yêu thích và chăm sóc sẽ rung động và tỏa ra sự mong muốn được phục vụ nhiều hơn cho người chủ của mình. Chúng phát ra ánh sáng yêu thương. Cho nên tôi có thể nhìn thoáng qua là biết thứ gì thực sự mang đến niềm vui. Cảm xúc vui vẻ đích thực cư ngụ trong cơ thể và trong những vật sở hữu của chủ nhân, do đó nó không thể che giấu được.

Mọi người ai cũng có những thứ mà họ yêu thích, những thứ mà họ không thể hình dung ra việc phải từ bỏ chúng, thậm chí cho dù những người khác có lắc đầu ngán ngẩm khi trông thấy chúng. Hàng ngày tôi được nhìn thấy những thứ mà người khác coi là quý giá và bạn sẽ kinh ngạc khi thấy những thứ khó hiểu và kì lạ đã chiếm trọn trái tim của họ – một bộ 10 con rối ngón tay, mỗi con chỉ có một mắt và các mắt đều khác nhau, một chiếc đồng hồ báo thức hình nhân vật hoạt hình đã hỏng, một bộ sưu tập gỗ lũa trông chẳng khác nào một đống gỗ vụn. Nhưng trước sự do dự của tôi: “Thứ này… ừm… có thực sự mang lại niềm vui không?”, thì câu trả lời ngay lập tức của họ sẽ là nhấn mạnh rằng “Có chứ!” Không thể tranh luận trước ánh mắt sáng ngời đầy tự tin của họ bởi vì chính tôi cũng có một thứ như vậy: chiếc áo phông có in hình nhân vật Kiccoro.

Kiccoro (Đứa bé rừng xanh) là một trong hai nhân vật biểu trưng chính thức cho Hội chợ thương mại quốc tế (EXPO) diễn ra tại Aichi, Nhật Bản vào năm 2005, có ý nghĩa thúc đẩy tình yêu đối với trái đất và công nghệ sinh học, tái chế thân thiện với môi trường. Trong hai nhân vật biểu trưng, Morizo lớn hơn nên có lẽ trở nên nổi tiếng hơn. Kiccoro – bạn tri kỉ của Morizo – là nhân vật nhỏ bé, mũm mĩm màu xanh nhạt và trên chiếc áo phông của tôi chỉ in hình khuôn mặt của Kiccoro. Tôi thề là chiếc áo này lúc nào cũng quanh quẩn đâu đó trong nhà. Đó là thứ duy nhất tôi không thể tự mình bỏ đi, thậm chí nếu ai đó có chế nhạo tôi và nói: “Sao bạn có thể giữ chiếc áo này được chứ? Bạn không thấy ngượng ư? Nó chẳng nữ tính chút nào cả. Làm sao bạn có thể mặc nó cơ chứ? Bạn nên vứt nó đi thôi.”

Tôi muốn giải thích rõ thêm. Nhìn chung quần áo mà tôi mặc ở nhà đều đẹp. Tôi luôn mặc những bộ quần áo nữ tính như chiếc áo coóc-xê ngoài bằng vải in hoa với những nếp viền xếp nếp màu hồng. Ngoại lệ duy nhất là chiếc áo phông in hình Kiccoro. Nó là thứ khá kì quặc, có màu xanh gây sốc, trên áo chỉ in cặp mắt và chiếc miệng há ra một nửa của Kiccoro, và mác áo rõ ràng cho thấy nó là cỡ áo dành cho trẻ em. Kể từ khi EXPO diễn ra vào năm 2005, tôi đã mặc nó cho đến nay là 8 năm thậm chí cho dù tôi không hề nhớ là mình có tình cảm gì đặc biệt với sự kiện đó. Chỉ cần đọc những gì tôi đang viết ở đây có lẽ cũng đủ để khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng để có thể tiếp tục mặc một thứ như vậy, nhưng thực tế là bất kì khi nào nhìn thấy nó, tôi lại không thể vứt nó đi được. Trái tim bắt đầu đập nhanh hơn ngay khi tôi thấy cặp mắt tròn xoe đáng yêu của Kiccoro.

Những bộ đồ trong các ngăn kéo đựng quần áo của tôi được sắp xếp sao cho chỉ cần liếc qua là tôi có thể biết trong đó có gì. Chiếc áo phông này hiện ra lạc lõng giữa tất cả những bộ quần áo nữ tính, yêu kiều của tôi, thế nhưng lại càng khiến tôi cảm thấy thích thú. Bây giờ nó đã quá cũ, và bạn sẽ nghĩ là nó đã bị giãn hoặc bạc màu, nhưng không phải vì thế mà tôi có thể tìm ra bất cứ lí do nào để từ bỏ nó. Nhãn mác trên áo cho biết nó được sản xuất ở một nước nào đó chứ không phải là một sản phẩm của EXPO Nhật Bản, điều này có thể khiến nó không còn hấp dẫn với tôi, nhưng cho dù như vậy thì tôi vẫn không thể vứt nó đi.

Đối với những loại vật dụng như thế, bạn nên hết sức cân nhắc. Nếu bạn có thể nói không một chút hồ nghi rằng “Tôi thích nó!” cho dù bất kì ai có nói gì đi nữa, và bạn muốn mình phải có nó, vậy thì không cần quan tâm xem người khác nghĩ gì. Nói thực lòng, tôi không muốn bất kì ai trông thấy tôi mặc chiếc áo phông Kiccoro. Nhưng tôi giữ nó vì nó đem lại niềm vui nho nhỏ cho tôi, khiến tôi cười khúc khích mỗi khi mặc nó và thấy nó hoàn toàn là của riêng mình, là sự mãn nguyện khi Kiccoro và tôi cùng toát mồ hôi mỗi lúc chúng tôi dọn dẹp và cùng tự hỏi cần xử lí việc gì tiếp theo.

Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống không có hạnh phúc nào bằng khi bao bọc xung quanh là những thứ mình yêu mến. Còn bạn thì sao? Tất cả những gì bạn cần là từ bỏ bất kì thứ gì không làm rung động trái tim mình. Không có cách nào đơn giản hơn để làm mãn nguyện bản thân. Liệu có từ ngữ nào khác có thể gọi điều này ngoài cụm từ “sự kì diệu của việc dọn dẹp”?

Mặc dù tôi dành cả cuốn sách này để nói về việc dọn dẹp, nhưng không nhất thiết là phải dọn dẹp. Bạn sẽ không chết nếu nhà cửa không được dọn dẹp và có nhiều người trên thế giới này không thực sự quan tâm tới việc khiến nhà mình được gọn gàng, ngăn nắp. Tuy nhiên, những người như thế sẽ không bao giờ cầm cuốn sách này lên. Mặt khác, số phận đã dẫn dắt bạn đọc cuốn sách này thì điều đó có nghĩa là bạn chắc chắn có nỗi mong muốn mãnh liệt để thay đổi hoàn cảnh hiện thời, tổ chức lại cuộc sống, cải thiện lối sống, giành lấy hạnh phúc và tỏa sáng. Chính vì vậy, tôi có thể đảm bảo rằng bạn sẽ có thể khiến ngôi nhà của mình trở nên gọn gàng, ngăn nắp. Giây phút bạn cầm cuốn sách này lên với ý định dọn dẹp nhà cửa, thì lúc đó bạn đã thực hiện bước đầu tiên. Nếu bạn tiếp tục đọc, bạn sẽ biết mình cần làm điều gì tiếp theo.

Con người chỉ có thể thực sự yêu thích một số lượng đồ vật nhất định trong cùng một lúc. Khi vừa lười vừa hay quên thì tôi không thể quan tâm thực sự đến quá nhiều thứ được. Do đó tôi lại muốn dành tình cảm cho chính xác những thứ mà tôi yêu thích và đó cũng là lí do khiến tôi theo đuổi công việc dọn dẹp trong phần lớn đời mình. Tuy nhiên, tôi tin rằng tốt nhất là hãy dọn dẹp và hoàn thành công việc này thật nhanh chóng. Tại sao ư? Vì dọn dẹp không phải là mục đích của cuộc sống.

Nếu bạn nghĩ dọn dẹp là một thứ gì đó phải được làm hàng ngày, nếu bạn nghĩ nó là thứ gì đó mà bạn cần làm suốt đời, vậy thì đã đến lúc bạn cần tỉnh ngộ. Tôi hứa với bạn là việc dọn dẹp có thể hoàn thành triệt để và nhanh chóng chỉ trong một lần. Duy chỉ có những nhiệm vụ mà bạn cần tiếp tục làm trong phần đời còn lại đó là lựa chọn giữ lại thứ gì và bỏ đi thứ gì, và quan tâm chăm sóc những thứ mà bạn quyết định giữ lại. Bạn có thể khiến nhà cửa trở nên ngăn nắp ngay bây giờ, một lần và mãi mãi. Những người duy nhất cần dành cuộc đời mình, năm này qua năm khác, nghĩ về việc dọn dẹp là những người như tôi, tìm thấy niềm vui trong việc dọn dẹp và đam mê với việc sử dụng công việc dọn dẹp để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Về phía bạn, hãy dành thời gian và sự ham thích cho những gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ nhất; nhiệm vụ của đời bạn chỉ cần như vậy thôi. Tôi tin tưởng rằng việc dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp sẽ giúp bạn nhận ra nhiệm vụ này đang thay cho tiếng nói trong tim bạn. Cuộc sống đích thực sẽ bắt đầu sau khi bạn khiến nhà mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng.

Bình luận
× sticky