Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người nam châm – Bí mật của luật hấp dẫn

Phần 3: Bạn Là Ai?

Tác giả: Jack Canfield

Suy nghĩ là vật chất 

Suy nghĩ của bạn không mỏng manh như những đám mây lững lờ trôi trên đầu bạn. Suy nghĩ của bạn cũng là vật chất. Thực ra, chúng là một đơn vị năng lượng có thể đo đếm được. Suy nghĩ là sự thôi thúc điện sinh hóa học. Như chúng tôi biết, nó là sóng năng lượng có thể xuyên qua không gian và thời gian.

Suy nghĩ là sự diễn tập của hành động. 

Sigmund Freud (1) 

Suy nghĩ của bạn rất quyền năng. 

Chúng có thật, chúng có thể đo đếm được, chúng là năng lượng. 

Mỗi một suy nghĩ của bạn đều là một lời tuyên bố của bạn trước vũ trụ về điều bạn khao khát. Mỗi một suy nghĩ bạn tạo ra đều là một sự thay đổi sinh lý trong con người bạn. Bạn là sản phẩm được tạo nên từ tất cả những suy nghĩ mà bạn từng nghĩ, tất cả những cảm xúc mà bạn từng cảm nhận được, và tất cả những hành động bạn từng thực hiện cho tới giờ phút này. Và… suy nghĩ bạn nghĩ ngày hôm nay, cảm xúc bạn cảm nhận ngày hôm nay, và hành động bạn thực hiện ngày hôm nay sẽ quyết định những trải nghiệm ngày mai của bạn. Vì vậy, bạn cần phải học cách suy nghĩ và cư xử tích cực, phù hợp với điều bạn muốn trở thành, thực hiện hay trải nghiệm trong đời.

Cuộc sống là một trò chơi boomerang 2. Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ trở lại với chúng ta, chính xác đến độ đáng ngạc nhiên. 

Florence Shinn (3) 

Suy nghĩ ảnh hưởng tới cơ thể bạn 

Thông qua máy đo nhịp tim, máy phát hiện nói dối, chúng tôi biết được rằng cơ thể con người có phản ứng với suy nghĩ. Cơ thể thay đổi nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, sự căng cơ, thậm chí cả mức độ đổ mồ hôi tay của chúng ta nữa. Nếu bạn được đưa tới trước một chiếc máy phát hiện nói dối và được hỏi câu: “Bạn có lấy tiền không?”. Nếu đúng là bạn có lấy tiền và bạn nói dối thì tay bạn sẽ đổ mồ hôi, hoặc trở nên lạnh hơn, tim bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp của bạn sẽ tăng, hơi thở của bạn sẽ dồn dập hơn, và các cơ của bạn cũng sẽ căng cứng lên. Những biểu hiện sinh lý này không chỉ xuất hiện khi bạn nói dối, mà còn là sự phản ứng cơ thể bạn tạo ra mỗi khi bạn có bất kì một suy nghĩ nào. Mỗi suy nghĩ của bạn đều có tác động lên từng tế bào trong cơ thể bạn!

Tôi thừa nhận suy nghĩ có ảnh hưởng tới cơ thể. 

Albert Einstein (4) 

Vậy là bạn đã biết được tầm quan trọng của việc cần phải học cách suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tiêu cực là những độc tố, chúng có thể tác động tới cơ thể bạn theo cách tiêu cực. Chúng làm cho bạn yếu đi, khiến bạn đổ mồ hôi, làm cho các cơ của bạn căng lên và thậm chí còn có thể tạo ra môi trường acid trong cơ thể bạn. Điều đó làm gia tăng khả năng bị ung thư (tế bào ung thư phát triển mạnh trong môi trường acid) và mắc các căn bệnh khác. Ngoài ra, chúng sẽ gửi đi những năng lượng rung cảm tiêu cực và hấp dẫn thêm nhiều những trải nghiệm có rung cảm tương tự.

Ngược lại, suy nghĩ tích cực sẽ tác động tới cơ thể bạn theo cách tích cực. Chúng khiến bạn cảm thấy thư thái, tập trung và cảnh giác hơn. Chúng giúp giải phóng lượng endorphin 5 trong não bạn, giảm đau và khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, suy nghĩ tích cực sẽ gửi đi những năng lượng rung cảm tích cực có tác dụng hấp dẫn thêm nhiều những trải nghiệm tích cực cho cuộc sống của bạn.

Khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng suy nghĩ tích cực có sức mạnh gấp hàng trăm lần suy nghĩ tiêu cực. 

Michael Bernard Beckwith (6) 

Ý thức và tiềm thức của bạn

Hầu hết chúng ta đều đã nhận thức khá rõ về những suy nghĩ thuộc ý thức, nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức được về những suy nghĩ thuộc tiềm thức của bản thân nữa. Tiềm thức của chúng ta thường trình chiếu một vở diễn, và vì hầu hết chúng ta đều có một cuốn băng tiêu cực được bật sẵn trong đầu nên chúng ta cứ liên tục phát đi những thông điệp tiêu cực. Bạn cần phải học cách cài đặt lại chương trình cho tiềm thức của mình và biến những suy nghĩ tiêu cực bên trong bạn thành những suy nghĩ tích cực, lành mạnh hơn. Bằng cách tập trung vào niềm tin và hình ảnh bản thân, bạn có thể tìm cách loại bỏ những ý nghĩ hạn chế và tiêu cực. Kiểu độc thoại tiêu cực này là một loại tĩnh học hay sự nhiễu sóng khi gọi điện thoại. Nó sẽ can thiệp, bóp méo thậm chí là chặn tần số sóng của những ý nghĩ tích cực trong bạn. Nếu không được loại bỏ, nó sẽ làm giảm khả năng sáng tạo và biểu thị tương lai bạn vẫn mong ước.

Đôi lúc, bạn cũng cần để mọi thứ ra đi để thanh lọc bản thân. Nếu bạn không vui vì bất cứ điều gì, hãy từ bỏ nó. Và rồi bạn sẽ nhận thấy khi bạn được tự do, sự sáng tạo và cái tôi thật sự của bạn mới xuất hiện. 

Tina Turner (7) 

Nhưng thật không may là nhiều người trong chúng ta lại khá cứng đầu, cứ muốn giữ lại những suy nghĩ và hình ảnh tiêu cực về bản thân. Đó chính là khoảng trời bình yên của chúng ta – chúng ta đã quá quen thuộc với những khái niệm cũ rích đó, chúng ta thường mắc kẹt trong những niềm tin của tiềm thức về nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ hay sự không thỏa đáng. Hầu hết những suy nghĩ và cảm nhận hạn chế này đều bắt nguồn từ những tai nạn, những Nhưng thật không may là nhiều người trong chúng ta lại khá cứng đầu, cứ muốn giữ lại những suy nghĩ và hình ảnh tiêu cực về bản thân. Đó chính là khoảng trời bình yên của chúng ta – chúng ta đã quá quen thuộc với những khái niệm cũ rích đó, chúng ta thường mắc kẹt trong những niềm tin của tiềm thức về nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ hay sự không thỏa đáng. Hầu hết những suy nghĩ và cảm nhận hạn chế này đều bắt nguồn từ những tai nạn, những niềm tin và những trải nghiệm chúng ta tiếp thu trong quá khứ, những điều mà chúng ta đã biến nó thành “chân lý” của riêng mình. Những khái niệm tiêu cực này có thể hủy hoại chúng ta, khiến chúng ta không thể nhận ra tiềm năng và sự phát triển đầy đủ của mình nếu chúng ta không đưa ra được quyết định đúng đắn để đối phó với chúng (giải phóng và đẩy chúng ra khỏi đầu chúng ta).

Hãy tưởng tượng bạn đang lái một chiếc ô tô bị nhấn phanh. Dù bạn có cố gắng như thế nào để tăng tốc thì bạn cũng vẫn bị chiếc phanh đó kìm lại, nhưng ngay khi bạn nhả phanh ra, tự nhiên bạn sẽ đi nhanh hơn mà chẳng cần tốn chút sức lực nào. Những suy nghĩ, cảm xúc và hành động tiêu cực của bạn cũng giống như một kiểu phanh tâm lý. Chúng sẽ kéo bạn lại, kìm hãm bạn, trừ khi bạn nỗ lực để tống chúng đi và thay thế chúng bằng những suy nghĩ và niềm tin tích cực.

Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tống khứ những suy nghĩ tiêu cực trong tinh thần và bước ra khỏi “khoảng trời bình yên” của riêng bạn để dành chỗ cho những suy nghĩ, hình ảnh cá nhân và niềm tin tích cực. Chúng sẽ thay đổi năng lượng rung cảm của bạn, tạo điều kiện để bạn hấp dẫn dễ dàng và hiệu quả hơn những nguồn năng lượng và kinh nghiệm tích cực bạn vẫn khao khát có được trong cuộc sống của mình.

Niềm tin là những suy nghĩ đã trở thành thói quen của bạn nhưng bạn vẫn có thể thay đổi chúng thông qua những lời khẳng định, những cuộc độc thoại mang tính tích cực, những thay đổi trong hành vi cư xử và những kỹ xảo tưởng tượng. Đây đều là những công cụ vô cùng hữu hiệu giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực cũ kỹ. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn về mỗi một kỹ xảo có sức mạnh lớn lao này trong những chương tiếp theo.

Nếu bạn thấy những suy nghĩ tiêu cực đã ăn sâu bám rễ trong bạn khiến bạn thấy vô cùng khó khăn trong việc tống khứ chúng đi thì có thể bạn cần một cách tiếp cận khác. Tôi đã phát hiện ra ba phương pháp rất hữu hiệu để loại bỏ những kiểu suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc tiêu cực kiểu này. Đó là:

Phương pháp Sedona của Hale Dwoskin (www.sedonamethod.com) 

Phương pháp làm việc của Byron Katie (www.TheWork.com) 

Tiểu xảo để được tự do về mặt tình cảm (www.emofree.com) 

Các trang web trên đều chứa thông tin về những cuốn sách, tài liệu nghe và những buổi hội thảo giúp bạn học được cách loại bỏ nhanh chóng và hiệu quả suy nghĩ tiêu cực trong tinh thần và quay về trạng thái nhận thức thuần tuý.

Bạn sẽ đạt được bất kì điều gì não bạn tiếp nhận và tin tưởng. 

Napoleon Hill (8) 

Ý thức của bạn

Ý thức là phần biết suy nghĩ và lập luận của bạn, là một phần trong tâm trí bạn được dùng để đưa ra quyết định hàng ngày. Ý chí tự do của bạn nằm ở đây và với ý thức, bạn có thể quyết định điều bạn muốn tạo ra trong cuộc sống của bản thân mình. Với ý thức, bạn có thể chấp nhận hoặc phản kháng lại bất kì ý tưởng nào. Không một người hay một tình huống nào có thể bắt bạn suy nghĩ một cách nghiêm túc về những suy nghĩ và ý tưởng mà bạn không lựa chọn. Và tất nhiên, những suy nghĩ bạn lựa chọn cuối cùng sẽ quyết định cả cuộc đời bạn. Nhờ quá trình luyện tập cùng với sự nỗ lực, bạn có thể học cách điều chỉnh những suy nghĩ của bạn hướng tới những suy nghĩ có lợi cho sự hiện hữu của những giấc mơ và mục tiêu bạn đã chọn. Ý thức của bạn có sức mạnh rất lớn, nhưng lại là phần hạn chế hơn trong tâm trí bạn.

Ý thức có:

Khả năng xử lý hạn chế

Trí nhớ ngắn hạn (khoảng 20 giây)

Khả năng xử lý một đến ba sự việc cùng một lúc

Sự thôi thúc có khả năng di chuyển với vận tốc 200 đến 240 km/h

Khả năng xử lý trung bình 2.000 mẩu thông tin mỗi giây

Tiềm thức của bạn

Thực ra tiềm thức của bạn đặc biệt hơn nhiều. Nó thường được nhắc đến như phần tâm trí tinh thần hay phổ quát, và nó không biết đến giới hạn nào, ngoại trừ những giới hạn mà bạn chủ ý chọn. Hình ảnh về bản thân bạn và những thói quen của bạn đều “sinh sống” trong tiềm thức. Nó hoạt động trong từng tế bào của cơ thể bạn. Phần tâm trí này có liên hệ với Con người siêu phàm (Higher self) ở mức độ cao hơn so với phần ý thức. Đó là sợi dây gắn kết bạn với Chúa, với Khởi nguồn và Sự thông thái vô hạn của vũ trụ.

Tiềm thức là thường xuyên, là vô tận, và nó chỉ hoạt động trong thời hiện tại mà thôi. Nó lưu trữ những kinh nghiệm và kí ức của bạn, nó giám sát tất cả những hoạt động, những chức năng vận động, nhịp tim, tiêu hoá… của cơ thể bạn. Tiềm thức nghĩ theo đúng nghĩa đen, và nó sẽ chấp nhận tất cả những suy nghĩ mà ý thức của bạn đã chọn nghĩ. Nó không có khả năng bác bỏ khái niệm hay ý tưởng. Như vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải chọn cách sử dụng ý thức để cài đặt lại những niềm tin thuộc về tiềm thức, và tiềm thức phải chấp nhận những ý tưởng và niềm tin mới; không được “cự tuyệt” chúng.

Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định có ý thức để thay đổi nội dung tiềm thức của mình.

Tiềm thức có:

Khả năng xử lý mở rộng

Trí nhớ dài hạn (những kinh nghiệm, thái độ, giá trị và niềm tin trong quá khứ)

Khả năng xử lý hàng nghìn sự việc cùng một lúc

Sự thôi thúc có khả năng di chuyển với vận tốc 160.000 km/h

Khả năng xử lý trung bình 4 tỉ mẩu thông tin mỗi giây

Như bạn đã thấy, tiềm thức quyền năng hơn ý thức rất nhiều. Hãy thử tưởng tượng tâm trí bạn như một núi băng trôi. Phần núi băng mà bạn nhìn thấy, phần nổi trên mặt nước, chính là ý thức của bạn. Nó chỉ thể hiện được khoảng 1/6 khả năng trí tuệ thực sự của bạn mà thôi, còn phần ở dưới nước (chiếm khoảng 5/6) chính là tiềm thức của bạn. Khi chúng ta hoạt động, chủ yếu là nhờ ý thức (mà thường chúng ta vẫn vậy), chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ tiềm năng thực sự của chúng ta mà thôi. Ý thức là loại phương tiện chậm chạp và cồng kềnh hơn nhiều so với tiềm thức.

Vì vậy, mục tiêu của chúng ta là phải làm sao học được cách rút được phần lớn nguồn sức mạnh trong tiềm thức, sử dụng nó để phục vụ lợi ích của bản thân. Mỗi ngày, chúng ta phải tạo ra được một khoảng trống để “đăng ký” với tiềm thức tinh thần của mình. Một khoảng thời gian yên tĩnh thường nhật không để những yếu tố bên ngoài làm sao lãng sẽ củng cố sự gắn kết của chúng ta với con người thực sự của mình. Chúng ta có thể kết nối với tiềm thức bằng cách sử dụng một vài thủ thuật như khẳng định, hình dung, cầu nguyện, suy nghĩ và thiền định, biết ơn, biết đánh giá và tập trung vào những suy nghĩ tích cực.

Tiềm thức có thể đưa chúng ta tới nơi chúng ta muốn đến, giúp chúng ta đạt được mục tiêu trong cuộc sống của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn so với ý thức. Vì vậy, bằng cách kết nối và sử dụng vận tốc, sức mạnh, sự lanh lợi đáng kinh ngạc của tiềm thức, chúng ta có thể bắt đầu sử dụng Luật Hấp dẫn một cách có chủ ý để hấp dẫn và tạo ra những kết quả mà chúng ta hằng mong đợi một cách hiệu quả hơn.

Trong bạn lúc này là sức mạnh để làm những việc mà bạn không bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Bạn sẽ có được nguồn sức mạnh này ngay khi bạn thay đổi niềm tin của mình. 

Tiến sĩ Maxwell Maltz (9) 

1. Nhà tâm lý học người Áo nổi tiếng với học thuyết về ý thức. 

2. Trò chơi của thổ dân người Úc, khi ném tới đích vật được ném lại quay về chỗ người ném. 

3. Một hoạ sĩ, một người chuyên vẽ tranh minh hoạ cho các cuốn sách, nổi tiếng với tác phẩm The game of life and how to play it. 

4. Nhà vật lý học người Mỹ gốc Đức — Do Thái, ông nổi tiếng với tư cách là cha đẻ của thuyết tương đối, ngoài ra, ông cũng có nhiều đóng góp lớn trong việc xây dựng cơ học lượng tử và cơ học thống kê. 

5. endorphin: chất “ma túy nội sinh”, là phân tử giống thuốc phiện liên quan trong nhiều hoạt động sinh học như học tập, chịu đựng cơn đau, tập tính gắn kết xã hội và thậm chí cả linh tính. 

6. Một mục sư người Mỹ gốc Phi trong phong trào Tư tưởng mới (New Thought) phát triển cực thịnh cuối thế kỉ XIX tại Mỹ. 

7. Một ca sĩ, nhạc sĩ và diễn viên người Mỹ đã từng giành 8 giải Grammy. Với những đóng góp cho nhạc Rock trông suốt hơn 50 năm ca hát, bà đã được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Rock”. 

8. Napoleon Hill: sinh 25.10.1883, mất 08.11.1970, là tác giả cuốn Think and Grow Rich 

9. Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Mỹ, đồng thời là người phát triển học thuyết điều khiển tinh thần (Psycho-Cybernetics). Thuyết này khẳng định, con người có thể cải thiện hình ảnh bản thân để có được cuộc sống thành công, thỏa mãn hơn. 

Bình luận