Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Người Phiên Dịch

Chương 44

Tác giả: Kỷ Viện Viện

Trình Gia Dương

Tôi liên tục gọi cho Kiều Phi hết lần này tới lần khác, nhưng chẳng có ai bắt máy.

Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì rồi?

Cô ấy đã đồng ý tới đây gặp tôi rồi kia mà.

Tôi không biết sắc mặt mình lúc này thế nào nữa. Văn tiểu Hoa ngồi trước mặt tôi, nhìn tôi vừa hút thuốc vừa gọi điện như điên.

Không biết tình trạng đó kéo dài bao lâu. Tôi đứng dậy, tiến tới cửa sổ nhìn ra quảng trường Concorde. Mặc dù đã hoàng hôn rồi, nhưng lượng người đi lại vẫn rất đông.

Từ hoài nghi, thất vọng tôi chuyển sang lo lắng. Cho dù Kiều Phi có tới hay không, thì cô ấy cũng nên gọi điện cho tôi chứ. Cô ấy chỉ có một thân một mình, tôi sợ đã có chuyện xảy ra.

Tôi muốn kể hết sự thật cho Tiểu Hoa nghe, nên khi cô ấy bước vào, tôi liền nói: “Tiểu Hoa à, thực sự anh đang chờ một người bạn khác”.

Cô ấy nói: “Được thôi, chúng mình cùng chờ”. Rồi lại hỏi: “Gặp em ở đây anh có ngạc nhiên không?”.

Tôi gật đầu, lại liên tục gọi điện, cũng chẳng có thời gian nói chuyện với cô ấy nữa.

Có người gõ cửa, tôi chạy ra mở, hóa ra là thư ký đi cùng trong đoàn. Anh ta nói với tôi rằng lãnh đạo bất ngờ thay đổi kế hoạch, tối nay đoàn sẽ rời Paris tới Brussels.

Tôi đáp: “Được”.

Rồi từ từ ngồi xuống ghế, cảm thấy rất đau đầu.

Tiểu Hoa hỏi: “Thế nào? Anh đã liên lạc được với cô ấy chưa?”

“Chưa”. Tôi lắc đầu.

“Thế thì anh mau chóng gọi cho cô ấy đi, chúng ta đi rồi, cô ấy đến lại không gặp thì làm thế nào?”

Tôi nhìn Tiểu Hoa, đặt tay lên vai cô, tôi đã công khai trắng trợn như vậy, thế mà cô ấy vẫn nghĩ cho tôi. “Em nói rất đúng Tiểu Hoa à, cảm ơn em. Anh sẽ bảo cô ấy đừng đến nữa, anh phải đi rồi”.

“Anh mau gọi điện đi. Cố gắng tìm được cô ấy”. Tiểu Hoa đưa điện thoại cho tôi.

Đúng lúc này thì điện thoại của tôi đổ chuông. Tôi nhìn vào màn hình, là số của Kiều Phi. Lúc đó, tôi dẹp bỏ mọi ý nghĩ, trong lòng thầm nghĩ Kiều Phi đến rồi. Vậy tôi sẽ phải nghĩ cách để thoát khỏi đoàn đại biểu, tôi phải tìm cách để được ở lại đây chờ cô.

Tôi liền nghe máy: “A lô”.

“Gia Dương”.

Tôi đứng bật dậy hỏi: “Em đang ở đâu thế?”

“Montpellier. Anh nghe em nói này, em thật sự xin lỗi anh. Bất ngờ, em phải thi một môn rất quan trọng, em vừa thi xong. Em quên không nói cho anh”.

Không sao rồi. Tôi thầm nghĩ, không xảy ra chuyện gì với cô ấy là tốt rồi.

“Thế khi nào em có thể tới đây? Mà thôi, hay là để anh tới gặp em”.

“Không được, em không đi được, anh cũng đừng tới bởi gần đây em rất bận, em còn phải cùng thầy giáo đi thực tập ở chỗ khác, em…”

Tôi không hiểu cô ấy đang nói gì nữa, có phải cô ấy nói lần này chúng tôi không thể gặp được nhau? Tôi cảm thấy sống mũi cay cay, một hồi lâu sau tôi mới hỏi tiếp: “Phi à, tại sao mãi tới giờ em mới gọi cho anh? Anh đã rất lo lắng cho em”.

“Làm gì có chuyện gì chứ? Gia Dương, thôi nhé, chúng mình sẽ liên lạc sau”.

Cô ấy vội vàng tắt máy.

Trên màn hình hiển thị thời gian gọi: Ba mươi sáu giây.

Một lúc lâu sau, tôi vẫn đứng lặng câm.

Tiêu Hoa tò mò: “Là bạn của anh à? Cô ấy gọi điện cho anh à?”.

Tôi gật đầu rồi quay lại nhìn cô.

“Sao rồi?”

“Chẳng sao cả”. Tôi vuốt tóc cô ấy, người phụ nữ này thật đẹp và đáng yêu làm sao, “Cô ấy không tới được”.

“Tiểu Hoa”

“Gì cơ?”

“Chúng mình không còn nhiều thời gian nữa. Anh và em tới nhà hàng ăn cơm nhé, được không?”

“Được thôi”. Cô ấy ôm lấy tôi.

“E rằng lần này chúng ta không thể dạo chơi ở Paris được, nhưng có thể tới Brussels chúng ta sẽ có thời gian. Em có nghĩ vậy không?”

“Được ở cùng anh thì nơi nào cũng đẹp cả”.

Tôi xuống đại sảnh của khách sạn, quản lý nhìn thấy tôi liền bước tới chào.

Tôi nói đang đưa bạn gái đi ăn tối.

Ông ta nói: “Ở góc phố cách đây không xa có nhà hàng Hồng Hạc, món sườn bò ở đó rất ngon. Ngài tới đó thưởng thức xem sao”.

Tôi hỏi ông ta: “Cảm ơn. Xin hỏi chỗ ngài có báo buổi chiều không?”.

Ông ta liền mang cho tôi một tờ.

Tiêu đề trên báo thật khiến người ta phải quan tâm: Gần đây bạo động trong khu vực thành phố Paris tăng nhanh, chính quyền đang tăng cường lực lượng cảnh sát để bảo vệ an toàn cho người dân.

Tiểu Hoa liền giật lấy tờ báo trong tay tôi nhắc nhở: “Đi ăn cùng em còn đọc báo gì nữa, trong mắt anh có em không đấy?”

Tôi cười, để cho cô vứt tờ báo vào sọt rác: “Được, chúng mình sẽ chỉ tập trung vào việc ăn thôi”.

Kiều Phi

lúc gọi điện cho Trình Gia Dương, tôi đang ngồi ở ga Lyon chờ chuyến tàu tối về miền Nam.

Lời của bà lão ấy thật chẳng sai chút nào, nếu như tôi xuống tàu về ngay thì có lẽ đã không phải nhìn thấy thứ mình không muốn nhìn. Tới tận lúc này, tim tôi vẫn còn nhói đau.

Gia Dương chẳng có lỗi gì cả, đương nhiên tôi biết anh đang chờ tôi. Nhưng giờ đây anh đã có cuộc sống mới, đã có một cô gái tài sắc rất hợp với anh. Tôi biết rõ mình cũng không sai, tôi không muốn đem phiền phức đến cho anh, từ trước tới giờ luôn là vậy.

Tôi đau đớn nhận ra, khi trở về mình phải tìm nơi thực tập mới, còn phải hoàn thành luận văn. Tháng Bảy, tôi về nước. Về nước rồi, lại phải tìm việc. Đây đều là những việc rất phức tạp trong hiện thực, có điều nghĩ đến những thứ này cũng chẳng có tác dụng gì. Tôi thấy mình còn rất nhiều việc phải làm, những tình cảm phiền não, u sầu vào lúc này thật không phù hợp chút nào.

Đang ngồi ngẩn ra thì bỗng có người nói với tôi: “Cô à, ai cho phép cô chưa được sự đồng ý của hiến binh mà dám tự ý tới Paris vậy?”.

Tôi quay đầu lại, thì ra là ZuZu. Anh ấy mặc đồng phục, đang dắt chó nghiệp vụ đi tuần. Đúng rồi, ga tàu vốn là nơi anh làm việc mà.

Tôi cảm thấy khó thở, tôi nhìn anh, chầm chậm gọi tên anh: “ZuZU”.

Anh nhìn tôi: “Anh đang hỏi em mà, em không hiểu tiếng Pháp à? Sao trước khi tới không gọi điện báo cho đội hiến binh hả? Để anh còn chuẩn bị trải thảm đỏ đón tiếp chứ?”.

Tôi bật cười.

Anh đưa chó cho đồng nghiệp, rồi nói với họ mấy câu, sau đó tới ngồi bên cạnh tôi.

“Anh không làm nhiệm vụ à?”

“Thì nghỉ một chút mà, không sao đâu”.

“Anh có tin tốt đây”.

“Tin gì vậy?”

“Anh đã được phê chuẩn đi Châu Phi gìn giữ hòa bình rồi”.

Tôi biết đây là lý tưởng của anh, nhưng tôi không thể vui nổi. Nơi đó đang còn chiến loạn, dịch bệnh thì nhiều không kể xiết. “Thế anh đi bao lâu? Tới nước nào vậy?”

“Kenya. Một năm”.

“ZuZu, anh phải cẩn thận đấy”.

“Đương nhiên.” Anh nói, “Phi à, em làm sao vậy?”

“Làm sao là làm sao hả”.

“Anh đã quan sát em rất lâu rồi. Mặt em tối sầm, nhíu mày nhăn trán, trông em cứ như sắp tự sát ấy”.

“Có anh tự sát thì có”.

“Này, anh còn chưa hỏi em, tại sao lại tới Paris một mình? Mà cũng chẳng gọi điện cho anh nữa, em tới paris làm gì thế? Chắc chắn không phải là vì anh đúng không?”.

Tôi chợt nhớ tới lời của Audeux. Khuôn mặt của ZuZu trước mắt tôi, khuôn mặt tuấn tú trẻ trung không hằn chút sương gió của cuộc đời, ngây thơ như một đứa trẻ.

“ZuZu, đó là một câu chuyện rất dài”.

“Em có muốn chia sẻ không?”

“Em đến gặp một người bạn. Lúc ở TQ, em và anh ấy đã từng yêu nhau. Có điều vừa rồi em không gặp được anh ấy, do vậy em hơi buồn”.

“Bởi vì chúng em có quá nhiều điểm bất đồng nên không thể ờ bên nhau được”

“Thế nhưng em rất yêu anh ấy, tới giờ vẫn vậy”.

“Anh ấy đã lấy đi và cũng để lại một số thứ trong cuộc đời em”.

ZuZu không cười nữa, khuôn mặt lúc này vô cùng nghiêm túc.

Toi kể hết mọi chuyện đã giấu kín trong lòng bấy lâu, những chuyện mà trước đó tôi chưa từng kể cho ai. Lúc này đây, bỗng nhiên tôi có một mong muốn mãnh liệt là được tâm sự, được giãi bày với ai đó. Con người ta khi cất giấu những bí mật sẽ rất khổ sở, tôi không thể chịu được gánh nặng này lâu hơn nữa.

“Em và anh ấy đã từng có với nhau một đứa con, một đứa con còn chưa thành hình. Em không có khả năng để nuôi nó nên đành phải bỏ”.

Anh ấy nhìn tôi.

“Do vậy ZuZu à, thực ra em không như anh nghĩ đâu”.

“Còn nữa, em không phải là một người khỏe mạnh. Lúc phá thai đã xảy ra sự cố, sau này em sẽ không thể có con được nữa”.

“Em luôn cho rằng cả đời này em sẽ sống một mình, chỉ một mình mà thôi”.

Tôi cứ chậm rãi kể hết mọi chuyện, cảm giác lòng mình thanh thản hơn. Từ trước tới giờ cứ cố giữ gìn bí mật, lại phải tỏ ra kiên cường khiến tôi mệt mỏi vô cùng.

Thậm chí tôi còn chẳng còn nước mắt nữa.

ZuZu im lặng hồi lâu, anh lặng lẽ thở hắt ra, sau đó nhìn tôi hỏi: “Phi à, em có cần một cái ôm không?”.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể quên cái ôm của ZuZu. Khi trái tim tôi yếu mềm nhất, tôi được ở trong vòng tay ấm áp của anh, dường như có một cơn gió vừa nhẹ nhàng vừa ấm áp khẽ khàng vuốt ve vết thương đang rỉ máu của tôi.

Ngày Mười bảy tháng Tư, Paris, trong ga Lyon, một buổi chiều bình thường.

Trong giây lát.

Bỗng nhiên, tôi có cảm giác cánh tay của ZuZu cứng lại, phút chốc anh đứng bật dậy dùng sức đầy tôi về phía sau, ánh sáng mạnh cùng một tiếng nổ chói tai, tôi bịt mắt lại. Sau đó tôi mất hết cảm giác.

Bình luận