Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những cú siêu lừa của Arséne Lupin

Chương IX – Quân bài sắt “Bảy cơ” (Hết)

Tác giả: Maurice Leblanc

Thật ngạc nhiên khi tôi đã quen biết với Arséne Lupin, một tuýp người mà từ trước đến nay tôi không bao giờ muốn giao du. Nhưng tôi thực sự đã quen Lupin, kể ra thì cũng chỉ là một sự tình cờ mà tôi gặp phải rồi bước vào thế giới bí ẩn của ông ý, và đóng một vai trong chuỗi những vở kịch ly kỳ do ông ta đạo diễn. Vở kịch này vô cùng phức tạp, tôi sẽ kể từ đầu cho mọi người nghe.

Đó là vào đêm 22 tháng 6, tôi cùng vài người bạn tụ tập ăn tối ở khách sạn “Thác nước” tới khuya mới ra về cùng người bạn tên là Das. Anh này rất yêu đời, ai ai cũng yêu quý. Nhưng không ngờ, nửa năm sau anh mất trong một tai nạn. Lúc ấy tôi vừa chuyển tới phố Nenilly ở ngoại ô Pari. Tới căn nhà nhỏ của tôi, anh ấy hỏi:

– Anh đã thấy sợ chưa?

– Anh hỏi gì lạ vậy?

– Ở đây cô quạnh quá, chả có hàng xóm ma nào… Xung quanh chỉ toàn là cánh đồng hoang… Nói thật chứ, tôi chẳng phải là đồ nhát gan, nhưng tôi…

– Ôi, chắc là anh say khướt rồi!

– Ồ, tôi say thế nào được. Trong đầu tôi vẫn còn nguyên câu chuyện về tên cướp mà vừa nãy mọi người kể cho nghe đây.

Hai chúng tôi chia tay nhau. Tôi lấy chìa khóa ra mở cửa. Ôi, Antoine quên mua nến rồi!- Tôi tự lẩm bẩm. Nhưng đột nhiên tôi nhớ ra: Antoine đã xin nghỉ và về rồi, tối nay không ở đây. Tự nhiên, ngôi nhà tối tăm im ắng thật lạ. Tôi hốt hoảng lần lên tầng hai, sau khi vào phòng ngủ thì liền khóa cửa lại, cài then sắt sau đó mới thắp nến.

Ngọn nến khiến tôi trấn tĩnh lại, nhưng để cho chắc chắn tôi vẫn phòng thủ thêm bằng một khẩu súng ngắn bắn xa đặt ở mép giường. Sau khi đã phòng bị cẩn thận, tôi thở phào, nằm xuống chuẩn bị ngủ. Như bình thường tôi với tay lấy quyển sách trên chiếc bàn cạnh đầu giường, cuốn sách từ trước tới nay vẫn ở đó, hôm nào tôi cũng đọc mấy trang rồi mới ngủ.

Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là trên thanh nhớ trang tối qua tôi đánh dấu lại có kẹp một bức thư… Thật kỳ lạ là trên đó ghi rõ họ tên tôi, và một chữ “Gấp”.

Một bức thư gửi cho tôi! Là ai đã để nó vào đây vậy? Tôi lo lắng xé thư ra đọc:

“Từ lúc ngài mở bức thư này ra, bất kể xung quanh có xảy ra chuyện gì, bất luận ngài nghe thấy âm thanh gì, ngài cũng đừng loan tin ra, đừng có bất kỳ hành động nào và cũng đừng hé răng nửa lời. Nếu không, ngài sẽ gặp xui xẻo.”

Tôi cũng chẳng phải loại nhát gan, nhưng tối hôm đó thật sự tôi rất sợ, vô cùng nhạy cảm. Vả lại sự việc quá đột ngột, thế là trong lòng tôi cứ nơm nớp lo sợ.

Tôi cầm chặt lá thứ, xem đi xem lại những lời đe dọa: không được hành động gì… không được nói ra… Nếu không sẽ gặp xui xẻo… “Hừm!”- Tôi nghĩ- “Hay có người đùa mình, một trò đùa ác ý?”

Nghĩ vậy tôi như muốn cười, thậm chí cười thật to lên. Nhưng không biết tại sao lại không thể cười nổi. Như có một ma lực vô hình chặn cứng cổ họng tôi lại.

Hay là thổi tắt nến đi. Nhưng tôi không làm vậy. “Đừng có bất kỳ hành động nào. Nếu không sẽ gặp xui xẻo”- Trong lá thư đã viết rõ ràng như vậy. Tôi nhắm mắt lại.

Đúng lúc ấy, trong không gian tĩnh lặng xuất hiện một âm thanh yếu ớt. Sau đó là tiếng “loạt xoạt, loạt xoạt”. Tôi cảm thấy như nó phát ra từ bên phòng khách kiêm thư phòng, chỉ cách phòng ngủ một bức tường.

Nguy hiểm cận kề khiến tôi toàn thân run rẩy. Tôi chỉ cảm thấy mình nên quay sang lấy khẩu súng, xông thẳng ra phòng khách. Nhưng tôi không dám dậy: trước mặt tôi, lúc này bên trái ở trong rèm cửa như có gì đang động đậy.

Thực ra là có gì đó! Tôi liếc nhìn- Ồ! Nhìn rất rõ ràng. Giữa cửa sổ và rèm cửa như có người đứng đó khiến cho rèm cửa phồng ra. Rèm cửa làm bằng loại vải có mắt lưới cũng to, gã ở trong đó chắc nhìn thấy tôi rất rõ. Lúc này, tôi mới hiểu ra: Trong khi bọn cướp lấy đồ, thì gã này ở đây canh chừng tôi.

Một tiếng động lớn làm rung chuyển ngôi nhà, sau đó là tiếng gõ nhỏ hơn, dường như có người đang dùng búa đóng đinh vào tường. Ít ra thì tôi cũng cảm thấy thế. Song nói thật, thì lúc ấy đầu tôi hơi choáng váng. Tiếp theo, chỉ nghe thấy toàn âm thanh hỗn tạp khiến người ta thấy chúng làm việc rất tự nhiên, không hề có chút lén lút gì cả.

Bọn chúng đã có kế hoạch: cuối cùng tôi không dám nói gì. Đây có phải là hèn nhát không? Cũng chẳng phải, tôi chỉ cảm thấy toàn thân rã rời, chân tay cứng đờ. Thật ra có thể coi đó là điều dễ hiểu, rốt cuộc sao phải đấu với chúng chứ? Chỉ cần lên tiếng là sẽ có khoảng chục tên xông vào. Lấy tính mạng để đổi lấy đồ vật, như thảm treo tường chẳng hạn thì có đáng không?

Cả buổi tối tôi bị giày vò, sợ run như cầy sấy! Sau đó thì những âm thanh ấy im bặt. Nhưng tôi vẫn chờ nó sẽ vang lên. Còn gã kia nữa, cái gã tay cầm khẩu súng và nhìn chằm chằm vào tôi! Đôi mắt sợ hãi của tôi không rời khỏi bóng hắn; tim đập thình thịch, những giọt mồ hôi to như hạt đậu chảy từ trán xuống!

Bỗng nhiên tôi cảm thấy tia hi vọng lóe lên: một chiếc xe đưa sữa đang chạy chậm chạp đi qua, âm thanh rầm rầm quen thuộc vang lên. Cùng lúc ấy tôi thấy ánh ban mai yếu ớt đầu tiên đã chiếu qua cửa sổ, căn phòng u ám xuất hiện những vệt sáng lờ mờ.

Một lúc sau, những chiếc xe khác cũng lần lượt đi qua. Những âm hồn trong đêm đã biến mất. Lúc này tôi nhẹ nhàng đưa tay ra chiếc bàn nhưng mắt thì vẫn dính chặt vào cái rèm cửa sổ, hắn ta chắc vẫn ở đó để theo dõi tôi. Tôi định bụng tiến hành kế hoạch bất ngờ rồi nhanh chóng cầm lấy súng, bắn về phía cửa sổ.

Tôi thét lên một tiếng, nhảy xuống giường, xông về phía rèm cửa. Rèm cửa bị thủng và kính cửa sổ đã bị vỡ. Nhưng tôi không bắt được hắn… Nguyên nhân thật đơn giản: trong rèm cửa hóa ra chẳng có một bóng người nào cả!

Trước sau đều không có ai cả! Nếu như vậy thì tức là cả đêm qua tôi bị nếp cuộn của rèm cửa giữ chân! Còn bọn cướp thì nhân cơ hội… Tôi vô cùng điên tiết, người bốc hỏa, nhảy tới cửa mở khóa đi ra phòng khách.

Nhưng cảnh lúc đó nhìn thấy còn làm tôi ngạc nhiên hơn chuyện cái thằng mà tôi tưởng tượng tối qua. Dường như tôi bị đóng đinh ở cửa, mặt thần ra, thở dốc: căn nhà vẫn nguyên vẹn, không thiếu một cái gì. Những đồ vật trong nhà, các bức tranh sơn dầu, tất cả đều ở nguyên chỗ cũ.

Thật là khó hiểu! Tôi thật không dám tin vào mắt mình nữa! Những âm thanh loạt xoạt chuyển đồ đêm qua phải giải thích ra sao đây? Tôi đi quanh nhà một vòng, đếm từng bức tranh sơn dầu và những vật dụng quen thuộc. Không thiếu bất cứ một thứ nào! Điều làm tôi khó hiểu nhất là, bọn trộm đêm ấy ra vào sao không để lại chút dấu vết nào? Không có chiếc ghế nào bị xê dịch, không có dấu chân nào in trên thảm…

Trời đất! Tôi ôm đầu suy nghĩ… Tôi không bị mất trí đấy chứ! Sự thật là đêm qua tôi đã nghe rất rõ ràng mà!…

Tôi kiểm tra rất cẩn thận, kết quả cũng chẳng có manh mối gì cả. Chỉ… Đây có thể coi là một chứng cứ không? Ở dưới tấm thảm Ba Tư có một lá bài. Đó là cây “bảy cơ”. Trông nó cũng giống như bất kỳ cây bảy cơ trong bộ bài. Chỉ một chỗ lạ khiến tôi chú ý. Ở đỉnh của cả bảy trái tim đều có một lỗ tròn ngay ngắn như được ai đó khoan vào.

Chỉ có thế mà thôi. Ngoài lá bài ra, còn có bức thư được kẹp ở trong quyển sách. Với hai chứng cứ này, có thể coi đây không phải là ác mộng không?

Suốt cả ngày, tôi tiếp tục tìm kiếm. Phòng khách lớn tới mức có vẻ như không tương xứng với ngôi nhà nhỏ này. Cách bố trí đồ đạc cũng như chính các đồ đạc trong phòng thật là cổ quái và hiếm thấy: Tấm thảm được ghép từ nhiều miếng màu nhỏ, chắp ghép thành bức tranh lớn, mang phong cách Ý và Roman. Một vị thần dang dùng đĩa chọc vào thùng rượu; còn vị hoàng đế râu trắng đội vương miện, tay phải cầm một cây kiếm dài.

Cả căn phòng chỉ có mỗi một cửa sổ ở trên cao. Cánh cửa sổ này luôn được mở, nên tên trộm có thể trèo từ đó vào. Song điều này cũng khó xác định. Nếu bắc thang trèo lên thì trong vườn phải để lại dấu chân chứ?

Nhưng không hề có vết tích gì. Ngay cả khoảng đất trống quanh nhà cũng không hề lưu lại dù chỉ một vết chân mới nào.

Thật ra thì tôi không định báo cảnh sát, vì hầu như không có cách nào để báo án; nói ra không khéo lại thành trò cười. Nhưng hai ngày sau tôi phải có bài đăng trên báo. Chuyện này cứ ám ảnh mãi trong đầu, nên tôi liền đưa nguyên si câu chuyện lên chuyên đề văn chương.

Mọi người đều đọc rồi, nhưng tôi nhận thấy ai cũng cho rằng câu chuyện này không có thật, chỉ là hư cấu thôi. Chỉ có Das Sprit cho là nghiêm túc. Lúc tới thăm tôi, anh đã tìm hiểu nhiều chuyện, đặt ra một vài giả thiết. Anh ấy có vẻ rất có kinh nghiệm và giỏi giang trong lĩnh vực này… Song rốt cuộc, cũng không giải thích được vấn đề.

Một hôm, vào buổi sáng, có tiếng chuông cửa kêu khá to. Antoine vào báo cho tôi rằng có người muốn gặp mà không chịu xưng tên. Tôi hơi lưỡng lự nhưng rồi cho ông ấy vào. Đó là một người tầm bốn mươi tuổi, mặt đen, vẻ mặt nghiêm nghị, trang phục rất gọn gàng nhưng đã bạc màu thời gian. Lời nói đầu tiên ông ấy dùng âm khá chuẩn nói với tôi:

– Thưa ngài, tôi vô tình đọc báo có chuyên mục văn chương mà ngài viết. Tôi rất thích tác phẩm đó của ngài.

– Cảm ơn!- Tôi hơi dè dặt.

– Cho nên, tôi đến xin được thỉnh giáo.

– Ồ…

– Đúng vậy, tôi muốn đàm đạo cùng ngài. Những chuyện mà ngài viết là có thật sao?

– Hoàn toàn như vậy.

– Không có bất kỳ chỗ nào hư cấu?

– Tuyệt đối không.

– Nếu như vậy, tôi nghĩ có thể cung cấp cho ngài một vài chi tiết.

– Xin ngài hãy nói!

– Xong trước tiên, tôi phải xác minh lại những gì ngài nói.

– Xác minh thế nào đây?

– Hãy để tôi ở lại một mình trong căn phòng này một lát.

Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta thầm nhủ: “Mình không hiểu lắm, ông ta muốn gì nhỉ?”

– Khi đọc tác phẩm của ngài, tôi đã nảy ra ý định này. Một vài chi tiết mà ngài nói, thật tình cờ nó rất giống với việc tôi đã trải qua. Song, có thể tôi nhầm… Đương nhiên, không nói ra sẽ tốt hơn. Muốn biết có nhầm hay không, chỉ có một cách là hãy để tôi ở lại đây một mình…

Câu nói này của ông ta có ẩn ý gì khác không? Sau này nghĩ lại, tôi thấy lúc ấy ông ta có vẻ căng thẳng, hốt hoảng. Có điều, lúc đó tôi cũng rất ngạc nhiên. Còn yêu cầu của ông ta thì không có gì đặc biệt hay quá đáng. Vả lại, lòng hiếu kì trong tôi cũng trỗi dậy

Tôi đồng ý với đề nghị lạ lùng đó của ông ta:

– Được thôi. Thế ông cần bao nhiêu?

– Ồ, ba phút là đủ. Bắt đầu từ bây giờ, sau ba phút xin ngài hãy quay lại.

Tôi đi xuống lầu, rồi rút đồng hồ ra xem giờ. Một phút, hai phút trôi qua… Tại sao tôi có cảm giác khó thở? Tại sao tôi cảm thấy hai phút trôi qua lại chậm như vậy?

Hai phút rưỡi… hai phút bốn mươi lắm giây… Bỗng có một tiếng súng vang lên chói tai.

Tôi vội chạy bổ lên lầu, xộc vào trong, bất thình lình thét lên.

Người đàn ông đó nằm trên sàn nhà, đầu bị bắn thủng, máu chảy lênh láng. Bên cạnh bàn tay nắm chặt của ông ấy là một khẩu súng, mũi súng vẫn còn vương khói. Tôi chỉ kịp nhìn thấy ông ta co giật mấy cái rồi chết.

Nhưng ngoài cảnh tượng sợ hãi này, còn có một vật khiến tôi kinh ngạc hết mức: Cách cái xác còn nóng hổi của ông ấy hai bước, có một quân “bảy cơ” ở trên sàn! Tôi nhặt nó lên: Đầu nhọn của bảy hình trái tim cũng đều có lỗ…

Sau đó nửa tiếng, cảnh sát trưởng Nenilly đã tới; tiếp đó pháp y cũng đến, theo sau là đội trưởng đội bảo vệ Disduwa. Hiện trường được bảo vệ rất cẩn thận, vì tôi chưa hề đụng vào cái xác của người đàn ông.

Khám xét hiện trường không cho kết quả nào bởi không hề phát hiện ra bất cứ manh mối gì có thể xác nhận thân phận của ông ta. Tất cả mọi thứ trong phòng đều bình thường, đồ đạc đều ở nguyên chỗ cũ, không hề bị xê dịch. Người này chắc không phải vì thấy ở đây thích hợp hơn những chỗ khác nên đến tự sát đấy chứ! Ông ấy dùng cách tuyệt vọng này, ắt phải có động cơ. Động cơ đó chỉ có thể là xuất phát từ đồ vật nào đó mà ông ấy phát hiện ra khi đang ở một mình trong phòng.

Đó là cái gì? Rốt cuộc ông ấy đã nhìn thấy gì? Đồ vật gì đã làm ông ấy sợ hãi như vậy? Ông ấy đã biết được điều bí mật nào? Tất cả những câu hỏi này quá rối rém khiến không ai có thể giải đáp được.

Song, cuối cùng cũng có thể coi phát hiện ra một manh mối. Hai cảnh sát đang muốn thi thể đi thì thấy tay của ông ta nắm một tờ giấy dày. Khi mở ra, lộ rõ một tấm danh thiếp bị vò nát.

Trên đó viết: “Gerges Andermatt số 37, phố Fredriler”.

Điều đó có nghĩa gì? Gerges là một tên người hiện là giám đốc, và sáng lập của một ngân hàng nổi tiếng.

Ông ta sống giàu sang, có xe riêng; trong chuồng ngựa có mấy con ngựa đua giống tốt. Khi ông ấy mở tiệc ở nhà thì khách đến rất đông. Tình nhân của ông cũng là người đẹp nổi tiếng và yêu kiều.

– Lẽ nào người chết kia là ông ta?- Tôi khẽ hỏi. Đ

ội trưởng đội bảo vệ đích thân tới ngó:

– Không phải, ngài Andermatt là người da trắng, tóc đã điểm bạc.

– Thế tại sao lại có tấm danh thiếp đó?

– Thưa ngài, ngài có điện thoại không?

– Có, ở phòng khách. Hãy đi theo tôi!

Ông ta tra danh bạ rất nhanh rồi gọi:

– Alô, ngài Andermatt có nhà không? Làm phiền ông nói với ông ấy là có ngài Disduwa mời ông ấy đến ngay số 102 phố Major có việc gấp.

Hai mươi phút sau, ngài Andermatt vội vã đáp xe tới. Đội trưởng đội bảo vệ kể lại chi tiết mọi chuyện cho ông ấy nghe, sau đó đưa đến chỗ tử thi. Ông ấy tỏ ra bị kích động, không kìm nổi gọi khẽ:

– Etlenne Valon – Ngài quen ông ấy ư?

– Không… Không coi là quen…; chỉ là đã gặp nhau. Anh của ông ấy…

– Ông ấy có anh trai?

– Đúng, tên là Alfred… Anh của ông ấy có đến cầu xin tôi một lần… Tôi không nhớ rõ là chuyện gì nữa…

– Ông ấy sống ở đâu?

– Hai anh em ông ấy sống chung… Có lẽ là ở phố Pravince.

– Tại sao ông ấy lại tự sát, ngài có thể nghĩ tới nguyên nhân gì không?

– Không. Tôi không biết tại sao cả.

– Sao trong tay ông ấy lại có tấm danh thiếp này? Đúng là danh thiếp của ngài, trên đó còn có địa chỉ…

– Tôi cũng không hiểu có chuyện gì. Có lẽ phải chờ kết quả điều tra mới rõ.

Tôi nghĩ, bất luận nói thế nào chuyện này vẫn hơi kỳ lạ. Những người có mặt tại hiện trường chắc cũng có cảm giác như thế. Nhưng ông Andermatt không cung cấp được manh mối nào khác. Tôi đã nói hết những gì tôi biết, còn ông ấy chỉ nói đi nói lại câu:

– Tôi cũng giống như mọi người, đợi xem chuyện gì đã xảy ra.

Kết quả điều tra ngài Andermatt cho thấy, anh em Valon có gốc quốc tịch Thụy Sĩ; đã từng dùng rất nhiều danh tính khác và thường xuyên lui tới các sòng bạc lớn. Họ có liên quan tới một nhóm người ngoại quốc phạm tội, đang bị cảnh sát theo dõi. Các thành viên trong nhóm này, sau khi hành động đều lẩn trốn sang nhiều ngả. Đã điều tra được anh em Valon cũng từng hoạt động trong nhóm này. Sáu năm trước, hai anh em nhà này có trú ngụ tại số 24 phố Province thật. Nhưng sau đó, hàng xóm không biết họ đã đi đâu.

Thực ra, tôi cảm thấy vụ án này đan xen phức tạp, e rằng khó mà phá án được. Nhưng Das thì có vẻ rất hứng thú, trong thời gian này ông ấy đặc biệt qua lại nhiều với tôi.

Có hôm, ông ấy cho tôi xem một tin tức thời sự. Tin này là lấy từ nước ngoài, người biên tập còn bình luận thêm:

“Ở Anh quốc, nghiên cứu tàu ngầm đang được tiến hành, địa điểm được bảo vệ rất kỹ càng. Một khi thí nghiệm thành công, thì chiến tranh trên biển sẽ có bước tiến mới. Theo người trong cuộc tiết lộ, chiếc tàu này được đặt tên là “Bảy cơ””

Bảy cơ? Lẽ nào đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Rốt cuộc thì tên chiếc tàu ngầm này và những vụ việc kể trên có quan hệ gì không? Đó là sự liên quan như thế nào? Sự việc xảy ra ở đâu; thí nghiệm xảy ra ở tận bên đó có liên quan với nhau được không?

– Vậy ai đã nói đúng?- Das trầm ngâm một lúc rồi nói với tôi- Có một số việc nhìn bên ngoài thì có vẻ hoàn toàn khác nhau, nhưng bên trong chúng lại có mối liên hệ mật thiết.

Hai ngày sau, trên báo đăng tải một tin khác.

“Được biết những phương án chế tạo thử nghiệm tàu ngầm “Bảy cơ” là của một kiến trúc sư người Pháp. Ông ta xin chính phủ nước này cấp ngân sách nhưng bị từ chối. Sau đó, ông ta liên hệ với bộ Hải quân Anh, vẫn chưa có kết quả. Nguồn tin này chưa thể chứng thực, chỉ dùng tham kháo.”

Sau đó, trên một tờ báo lớn có đăng một bài thu hút được sự chú ý của dư luận. Nó đã cung cấp một vài manh mối về vụ án “Quân bài bảy cơ”, nhưng cũng chỉ là manh mối không rõ ràng. Toàn văn như sau:

“Manh mối đầu tiên của “Vụ án quân bài bảy cơ”

Nói ngắn gọn: mười năm trước, một vị kiến trúc sư khai mỏ trẻ tuổi Luis Luicen vì quá đam mê công trình nghiên cứu tại số 102 phố Major và thuê hai anh em Valon quốc tịch Thụy Sĩ trợ giúp, trong đó một người làm trợ lý thí nghiệm, người kia lo tìm đối tác thích hợp. Qua giới thiệu của hai anh em họ, ông ta đã quen với ông Gergeo – người mới sáng lập ra ngân hàng vàng nổi tiếng.

Luis Luicen đã nói tốt cho Valon nhiều lần, sau khi ngân hàng khảng khái chấp nhận phương án chế tạo tầu ngầm, thì tranh thủ ảnh hưởng của nó xin nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu.

Trong vòng hai năm, Luis thường xuyên lui tới lâu đài của Andermatt mang theo bản thảo nghiên cứu cho ông ta xem. Rồi một ngày nọ, ông đưa ra công thức then chốt cuối cùng, cảm thấy cả dự án đã hoàn tất, xin ngài Andermatt nghĩ cách cho khởi công trình.

Hôm đó Luis ở lâu đài của Andermatt ăn tối, mười một rưỡi ra về. Từ đó về sau, không ai biết tung tích của ông ta nữa.

Tác giả rà soát lại báo chí năm đó, thấy rằng gia tộc Lucien đã từng khởi tố vụ này. Nhưng không có kết quả gì. Mọi người đều nghĩ rằng ông Luis tính hướng nội, nên đã mắc chứng hoang tưởng; vì vậy, rất có thể đã đi du lịch mà không báo cho ai biết.

Về chi tiết này, tạm ngừng tại đây. Nhưng sự việc này còn liên quan tới lợi ích quốc gia: tung tích phương án chế tạo tầu ngầm ra sao? Ông Luis đã mang hết chúng đi, hay đã đốt sạch rồi? Tác giả đã điều tra vấn đề này rất kỹ, kết quả cho thấy phương án chế tạo đến nay vẫn còn. Nó đã rơi vào tay anh em Valon. Họ đã làm cách nào, hiện giờ vẫn chưa thể xác định. Nhưng có một điều đã rõ ràng là: phương án nghiên cứu của Luis đang nằm trong tay một thế lực ngoại quốc nào đó. Trong tay tác giả đang có bức thư liên lạc giữa anh em Valon và thế lực ngoại quốc đó; lúc cần thiết có thể công bố. Hiện nay, phương án chế tạo tàu ngầm “Bảy cơ” mà Lucien đặt giả thiết đang trở thành hiện thực ở ngay nước láng giềng của chúng ta.”

Đằng sau bài viết còn có một đoạn nữa:

“Tin mới nhất. Qua nguồn tin đáng tin cậy, thì thí nghiệm ấy vẫn chưa thành công. Nguyên nhân có thể là phương án mà anh em Valon đưa ra chưa trọn vẹn, thiếu mất chính phần đêm hôm Lucien đưa cho Andermatt rồi mất tích. Phần tài liệu này có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện phương án và tính toán số liệu; nó bổ trợ cho tài liệu đề án, và cả hai đều không thể thiếu.

Vậy thì, thái độ của ngài Andermatt có quan hệ mật thiết với việc có thể phá án hay không? Ngài Andermatt có nghĩa vụ giải thích về hành động này. Chúng ta có quyền được biết tại sao Etlenne không nói ra sự thật mà lại tự sát, và tại sao lại che dấu tung tích của văn kiện? Ông ta phải nói rõ, tại sao lại phải thuê mật thám theo dõi anh em Valon trong suốt sau năm liền.

Hy vọng ngài Andermatt sớm giải thích rõ việc này. Nếu không sẽ không thể nói trước được điều gì.

Giọng điệu đe dọa thể hiện thật rõ. Nhưng mục đích là gì? Rốt cuộc ông Salvator sẽ dùng kế sách gì để đối phó với Andermatt đây?”

Hôm bài báo được ấn hàn, Das ngồi ăn tối ở nhà tôi. Ăn cơm xong, trong khi hai chúng tôi đang bàn luận về vụ án này bỗng cánh cửa bị mở tung ra. Người giúp việc chưa kịp vào báo thì có một người phụ nữ che mặt xông vào.

Bà ta nhìn thấy tôi đứng lên trước liền hỏi:

– Thưa ông, đây là căn nhà của ông sao?

– Đúng vậy, phu nhân. Nhưng tôi vẫn chưa biết…

– Cửa sắt ở mặt đường vẫn chưa khóa- Bà ta giải thích.

– Thế còn cửa ở tiền sảnh?

Bà ta không trả lời. Tôi nghĩ, bà ta đã đi vào bằng cầu thang nhỏ của người giúp việc. Nếu như vậy thì bà ta chắc chắn rất thông thuộc căn phòng này?

Một bầu không khí tĩnh lặng đến khó xử bao trùm. Bà ta đưa mắt liếc nhìn Das dò hỏi. Tôi thấy phải giới thiệu đôi chút hai người với nhau, coi đây như là một cuộc họp mặt. Sau đó, tôi mời bà ta ngồi xuống và hỏi có nguyên cớ gì khiến bà ta tới đây.

Bà ta vén tấm mạng che để lộ khuôn mặt đoan trang; cho dù không phải là tuyệt sắc giai nhân nhưng cũng đủ để làm say lòng người. Đặc biệt là đôi mắt, tuy có vẻ buồn rầu nhưng vẫn làm sao xuyến tâm hồn.

Bà ta nói:

– Tôi là phu nhân Andermatt

– Phu nhân Andermatt!- Tôi bất giác nhắc lại một lần nữa, trong lòng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Khi bầu không khí tĩnh lặng bao trùm qua đi, bà ấy nói với giọng rất khoan thai:

– Tôi đến đây là vì… vụ án này. Tôi nghĩ sẽ tìm hiểu thêm được điều gì đó từ phía các ông.

– Nhưng thưa phu nhân, tôi chỉ biết những gì trên báo chí đăng mà thôi. Hãy nói cho tôi biết, tôi có thể giúp gì cho bà?

– Tôi… không biết… tôi… không biết…

Trong khoảng khắc ấy, bằng trực giác tôi có thể nhận ra giọng điệu khoan thai lúc nãy của bà ta chỉ là giả vờ mà thôi; bên trong cái vỏ ngoài bình thản kia là một tâm hồn bồn chồn, bất an. Lúc ấy, cả tôi và phu nhân đều cùng bối rối…

Das ở bên cạnh, nhìn chằm chằm hai chúng tôi, lúc này ông bước lên trước nói với phu nhân:

– Thưa bà, xin hãy cho phép tôi được hỏi bà vài câu, được chứ?

– Ồ! Ông cứ tự nhiên!- Bà ấy nói mạnh mẽ hơn.- Có lẽ như thế, tôi sẽ dễ nói hơn.

– Cho dù tôi hỏi câu gì… bà cũng sẽ trả lời?

– Được… thôi- Bà ta hơi ngập ngừng nhưng rồi cũng đồng ý.

– Bà có quen biết Luis không?

– Có, thông qua chồng tôi.

– Lần cuối cùng bà gặp ông ấy là khi nào?

– Khi ông ấy dùng bữa tối ở nhà tôi, tối hôm đó.

– Tối hôm đó, bà có nghĩ rằng đó là lần gặp cuối cùng không?

– Không hề. Ông ấy nói sẽ đi du lịch nước Nga. Nhưng chỉ nói vậy thôi.

– Nếu thế, hẳn bà cho rằng sẽ gặp lại ông ta?

– Ông ấy hẹn vài hôm nữa sẽ tới nhà tôi ăn cơm.

– Vậy bà có thể giải thích việc mất tích của ông ấy không?

– Tôi không thể.

– Còn ngài Andermatt

– Tôi không biết.

– Nhưng bài đăng trên báo “Nước Pháp” dường như nói rằng…

– Anh em nhà Valon là người biết rõ sự tình.

– Bà có đồng ý với nhận định này không?

– Đúng thế.

– Bà có căn cứ nào không?

– Khi tạm biệt chúng tôi, trên người ông Luis có mang theo một cặp công văn đựng toàn bộ giấy tờ về phương án nghiên cứu. Hai ngày sau, một trong hai anh em Valon, chính là người bây giờ còn sống tới tìm chồng tôi, nói rằng những tài liệu kia đã nằm trong tay bọn họ rồi.

– Chồng bà có đi tố cáo họ không?

– Không.

– Tại sao vậy?

– Bởi bên trong cái cặp đó ngoài phương án chế tạo của Luis ra, còn có thứ khác.

– Là cái gì vậy?

Bà ấy ngừng lại, không nói gì cả. Das hỏi tiếp:

– Chồng bà, chính là vì lý do đó mà không báo cảnh sát, chỉ thuê người theo dõi họ? Ông ấy muốn đồng thời lấy được cả “phần” phương án và “phần” có liên quan đến danh dự của ông ấy. Anh em họ đã lấy chúng để uy hiếp ông nhà.

– Không chỉ ông ấy, mà… cả tôi nữa.

– Ồ! Vậy sao?

– Chủ yếu là uy hiếp tôi- Giọng bà nghẹn ngào.

Das nhìn phu nhân, bước lên vài bước rồi hỏi:

– Bà đã viết thư cho Luis chưa?

– Đương nhiên rồi… Vì công việc của chồng tôi có liên quan tới ông ta…

– Ngoài việc bà thay chồng viết công văn ra, bà có từng viết… lá thư nào khác cho Luis không? Xin hãy thứ lỗi, vì tôi cứ khăng khăng muốn hỏi rõ điểm này. Nhưng tôi nhất định phải tìm hiểu toàn bộ chân tướng sự việc. Bà đã từng viết bức thư nào khác chưa?

Mặt bà đỏ ửng lên, nói khe khẽ:

– Rồi.

– Vậy thứ nằm trong tay anh em Valon chính là bức thư đó?

– Đúng vậy.

– Ông nhà có biết chuyện này không?

– Ông ấy chưa từng nhìn thấy nó, nhưng Alfred đã nói với chồng tôi rồi, còn uy hiếp rằng nếu không hợp tác với bọn họ thì họ sẽ công bố nội dung bức thư. Chồng tôi rất hoảng sợ… Cứ nghĩ đến chuyện đó xảy ra sẽ làm đảo lộn tất cả thì ông ấy lại buộc phải nhượng bộ.

– Nhưng đồng thời, ông ấy cũng tìm đủ mọi cách giành được bức thư này từ tay bọn họ.

– Tìm đủ mọi cách… ít nhất thì tôi cũng nghĩ vậy. Từ sau gặp Alfred, ông ấy đã nhiều phen nặng lời với tôi, rằng giữa tôi và ông ấy không còn tình nghĩa hay sự tin tưởng nào nữa. Bây giờ tuy sống cùng nhau, nhưng chúng tôi không khác gì hai người xa lạ, không hề quen biết.

– Nếu như vậy, liệu bà sẽ vì thế mà mất đi cái gì đó, tức là có gì khiến bà lo sợ không?

– Mặc dù bây giờ ông ấy đối xử rất lạnh nhạt với tôi, nhưng ông ấy đã từng yêu tôi, sau này vẫn có thể sẽ lại yêu tôi. Ôi! Tôi vẫn tin vào điều đó- Bà ta có vẻ rất kích động- Ông ấy sẽ lại yêu tôi, chỉ cần ông ấy không nhìn thấy bức thư đáng ghét kia…

– Điều này thì khó nói… Hai anh em nhà họ có phải vẫn đề phòng ông ấy?

– Đúng vậy. Bọn họ hình như nói rằng đã giấu bức thư ở một nơi tuyệt đối bí mật và an toàn.

– Vậy sao?

– Nhưng tôi tin rằng, chồng tôi đã tìm ra chỗ đó!

– Ở đâu?

– Chính là ở đây.

Tôi giật thót mình:

– Ở đây ư?

– Đúng vậy, tôi đã luôn nghi vậy. Luis là người rất khéo tay, ông ta rất thích tự thiết kế loại khóa bí mật. Chắc chắn là anh em Valon đã lợi dụng để giấu bức thư vào một cái hộp an toàn bí mật nào đó…

– Nhưng bọn họ không sống ở đây- Tôi lớn giọng nói.

– Trước khi ngài chuyển đến đây, căn nhà này bị bỏ không suốt bốn tháng. Nên rất có thể họ đã đến đây, và biết rõ rằng cho dù ngài ở đây cũng không thể ngăn họ đến lấy đồ lúc cần. Nhưng họ chưa hiểu hết chồng tôi. Vào đêm 22 tháng 6, ông ấy đã mở khóa hộp, lấy đi… lấy đi… món đò mà ông ấy cần tìm. Hơn thế nữa, còn cố ý để lại tấm danh thiếp, khiến anh em nhà kia biết rằng tình thế đã thay đổi; ông ấy không cần phải sợ họ nữa. Sau đó hai ngài, Etlenne đã đọc được bài đăng trên báo “Gilles” nên vội vàng đến chỗ ngài. Nhân lúc một mình trong phòng liền mở hộp an toàn, vừa nhìn thấy món đồ cất trong đó đã mất nên vội nổ súng tự sát.

Một lúc sau Das hỏi:

– Nhưng đây chỉ là giả thiết mà thôi, đúng không? Ông Andermatt không hề nói gì với bà?

– Không hề.

– Thái độ của ông ấy có thay đổi không? Có trở nên càng lạnh nhạt hơn không?

– Không.

– Bà nghĩ xem, nếu ông ấy đã tìm thấy bức thư đó, thì sao tình hình lại như thế này? Theo tôi thấy, ông ấy vẫn chưa lấy được bức thư đó; người đến đây hôm đó không phải là ông ta.

– Vậy có thể là ai?

– Đó là một nhân vật thần bí khống chế vụ án này đi theo một mục tiêu đã định sẵn. Rốt cuộc thì đó là mục tiêu gì, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có cách nào biết được. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã cảm nhận được sự tồn tại của hắn, cảm thấy cứ như hắn có mặt ở mọi nơi, và làm bất kỳ việc gì hắn muốn. Chính là hắn đã mang theo đồng bọn đến đây vào đêm 22 tháng 6. hắn đã tìm thấy cái hộp bí mật, và để lại tấm danh thiếp của ngài Andermatt. Cũng chính là hắn nắm trong tay chứng cứ phạm tội của anh em nhà Valon.

– Người đó là ai?- Tôi không kìm giữ được nữa, nói chen vào.

– Còn có thể là ai chứ? Là Salwator của tờ báo France! Sự việc không phải đã rõ sao? Những chi tiết mà ông ta viết trên báo, nếu không biết rõ như trong lòng bàn tay thì sao có thể viết ra được.?

– Nói như vậy thì…- Phu nhân Andermatt tỏ ra vô cùng sợ hãi, lẩm bẩm- Những bức thư của tôi cũng nằm trong tay hắn, như thế hắn sẽ uy hiếp chồng tôi! Ôi, vậy phải làm thế nào đây?

– Viết thư cho ông ấy- Das nói rất dứt khoát. Hãy nói cả ra tất cả! Hãy thuật lại nguyên vẹn những gì bà nghe được và đã biết cho ông ta!

– Ông nói gì vậy!

– Lợi ích của hai người là giống nhau. Không còn nghi ngờ nữa, mục tiêu của ông ta là Alfred chứ không phải là chồng bà. Bà nên giúp đỡ ông ta một tay.

– Giúp như thế nào?

– Có phải trong tay chồng bà có một tài liệu quan trọng về phương án chế tạo…?

– Đúng vậy.

– Hãy nói cho Salva Valtuo điều này! Nếu cần thiết hãy nghĩ cách giúp ông ta lấy được nó. Tóm lại bà có thể liên lạc với ông ta trước. Bà có gì lo lắng không?

Đề nghị này quả là táo bạo; mới nghe thì có vẻ hoang tưởng, nhưng phu nhân Andermatt đã không còn sự lựa chọn nào khác. Huống hồ, bà ấy có gì phải lo lắng chứ? Cho dù Salva có là kẻ thù, thì làm như thế cũng chưa chắc tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Còn nếu như ông ta là người nước ngoài, có âm mưu nào khác thì ông ta cũng không có hứng thú lắm về những bức thư…

Bất luận thế nào có thể đây là phương án khả thi.

Phu nhân Andermatt thôi kinh hãi, liền chấp nhận ngay lời đề nghị ấy. Bà ấy chân thành cảm ơn hai chúng tôi, lúc ra về còn đồng ý khi nào có tin tức sẽ báo lại.

Quả nhiên không đầy hai ngày sau, phu nhân đã gửi tới bức thư mà bà vừa nhận được:

“Những bức thư ấy chưa được tìm thấy ở đó. Nhưng hãy yên tâm, khi có cách sẽ lấy được. S.”

Tôi nhận ra nét chữ trong thư này giống hệt với chữ ở bức thư kẹp trong quyển sách của tôi vào đêm 22 tháng 6.

Có thể Das nói không sai, vụ án này đúng là do Salva một tay vạch ra và khống chế.

Vụ án đã có tiến triển, một vài manh mối đã dần được hé lộ. Nhưng có vài chỗ vẫn còn mù mờ, ví dụ như hai quân bài bảy cơ có nghĩa gì? Chúng có tác dụng gì trong vụ án này chứ? Tên chiếc tàu ngầm đó chế tạo cũng là “Bảy cơ”, rốt cuộc thì nó mang ẩn ý gì?

Das có vẻ như không để ý tới hai quân bài này. Ông ấy dồn hết tâm huyết vào việc mà ông cho là quan trọng hơn cả: tìm cái hộp an toàn. Ông ấy nói rằng:

– Salva không thể nào tìm ra. Không chừng, tôi lại tìm được. Anh em Valon đã biết những bức thư ấy là món béo bở và cho rằng chúng vẫn còn nguyên vẹn ở đấy, vậy chưa chắc sẽ tùy tiện mang chúng đi.

Vài ngày liền ông ấy luôn kiểm tra kỹ càng căn nhà, cả bên trong lẫn bên ngoài đều không bỏ sót một chỗ nào. Một hôm ông ấy vác cái cuốc chim và cái xẻng, rồi đưa cho tôi cái xẻng chỉ vào phần ruộng hoang ở ngoài căn nhà và nói:

– Chúng ta ra đó!

Tôi không đồng tính lắm khi làm việc này. Ông ta chọn một đống đất mọc đầy cỏ dại, bụi gai và bắt đầu đào; tôi cũng dùng xẻng đào giúp một tay. Gần một tiếng sau, Das đào lên một bộ xương người chết, quần áo mặc đã phân hủy hết. Nhìn ngó một lúc, tôi thấy lẫn trong đất một miếng sắt hình chữ nhật, trên đó còn có nhiều chấm màu đỏ. Cúi xuống nhìn, bất ngờ tôi sợ rợn cả tóc gáy. Miếng sắt ấy to bằng với một lá bài, bảy vết chấm đỏ trên đó giống hệt như bảy hình cơ, ở đầu nhọn mỗi hình tim ấy đều có lỗ thủng.

Đêm hôm đó, tôi bắt đầu bị sốt. Trong cơn mê man, tôi thấy những đầu lâu người chết đang nhảy nhót vây quanh, ném những quả tim đầy máu lại phía mình.

Das hôm nào cũng đến với tôi. Đương nhiên, cũng phải dạo vài vòng quanh căn phòng.

– Những bức thư ấy ở đây, chính là ở căn phòng này!- Ông ấy luôn nói như thế, tôi thề đấy.

– Hãy để tôi trấn tĩnh lại đã!- Tôi nói như sắp hết hơi, người vẫn còn run lên vì sợ hãi.

Buổi sáng ngày thứ ba, tôi đã gượng dậy được; tuy còn rất yếu nhưng đã hết sốt. Sau khi ăn sáng, tôi thấy tinh thần khá hơn nhiều. Tôi cầm lấy bức thư chuyển phát nhanh màu xanh, bóc ra đọc:

“Thưa ngài.

Vở kịch mở màn vào đêm 22 tháng 6 sắp đến hồi kết thúc rồi. Nhân đây, tại hạ quyết định đưa hai nhân vật quan trọng của vở kịch đến quý phủ tối nay để đối chất. Nếu có gì mạo phạm mong ngài bỏ qua. Trong thời gian đó, ngài hãy dặn dò gia nô tạm thời rời quý phủ từ lúc 9 giờ đến 11 giờ. Các hạ cũng mong ngài tạm thời lánh đi. Tại hạ sẽ đảm bảo an toàn cho đồ đạc trong quý phủ, điều này đã được chứng minh ngay trong đêm 22 tháng 6 rồi. Đây là việc cơ mật, mong ngài không tiết lộ cho ai.

Hẹn gặp lại.”

Trong bức thư này sử dụng nhiều tiếng lóng. Còn người viết thì dường như biết tôi sẽ không từ chối. Đối với nhã ý như vậy, tôi không thể để ông ta mất hứng được.

Thế là tôi liền cho tất cả người giúp việc đi xem kịch vào buổi tối. Tám giờ, khi mọi người vừa đi thì Das tới. Tôi đưa bức thư ấy cho ông ta xem.

– Ngài có dự định gì chưa?- Ông ta hỏi.

– Ừm, tôi đã bảo người giúp việc đừng khóa cổng, để tiện cho ông ta vào.

– Ngài phải tránh đi một lát chứ?

– Nhìn ngài kìa!

– Nhưng trong thư nói ngài phải…

– Ông ta không muốn tôi loan tin ra, tôi sẽ im như thóc. Nhưng tôi phải xem xem, rốt cuộc vở kịch là như thế nào.

Das cười phá lên:

– Nói thật, tôi và ông suy nghĩ giống nhau. Được tôi cũng ở lại, có lẽ chúng ta không đến nỗi làm khó người ta.

Lúc này, chuông cửa reo lên.

– Đến rồi ư?- Ông ấy hỏi khẽ,- Sớm hơn hai mươi phút! Không thể như thế được.

Tôi chạy đến mở cửa. Bóng dáng một người phụ nữ bước qua sân: đó là phu nhân Andermatt. Bà ta rất hốt hoảng, nói gấp:

– Chồng tôi… ông ấy… có người hẹn ông ấy đến… giao lại bức thư.

– Sao bà biết?- Tôi hỏi.

– Tôi chỉ tình cờ biết mà thôi. Lúc ăn tối, ông ấy nhận được một bức thư.

– Một bức chuyển phát nhanh màu xanh ư?

– Một bức thư màu xanh. Người hầu không để ý nên đưa nó cho tôi. Chồng tôi đã giật nó lại, nhưng mà tôi… đã kịp đọc rồi.

– Bà đọc thấy…

– Đại thể là: 9h tối nay mời ngài mang theo tài liệu có liên quan tới phố Major để trao đổi! Sau khi ăn tối xong, tôi chỉ nói muốn lên phòng nghỉ ngơi rồi bí mật tới đây ngay.

– Bà không để ông Andermatt biết chứ?

– Đúng vậy.

Das nhìn tôi thăm dò:

– Ông nghĩ thế nào?

– Giống ông. Ngài Andermatt sẽ là bên được mời đến trước.

– Còn bên kia?

– Đây là những sự việc mà chúng ta cần là rõ.

Tôi dẫn hai người vào phòng khách. Chỗ lò sưởi có một tấm màn to rộng, ba người chúng tôi nấp sau đó, phu nhân Andermatt ngồi ở giữa tôi và Das. Từ đây, chúng tôi có thể quan sát được hết cả căn phòng.

Đồng hồ đã điểm chín giờ. Sau đó vài phút, từ ngoài vườn truyền vào tiếng cót két mở cửa sắt. Tôi thực sự bị kích động, dường như không thể kìm nén được. Bí ẩn cuối cùng cũng sắp có lời giải đáp!

Das nắm chặt tay phu nhân Andermatt, nói khẽ:

– Không được gây ra tiếng động! Cho dù bà nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ thứ gì, cũng phải yên lặng.

Có người bước vào. Người đó rất giống với Etlenne, tôi ngay lập tức nhận ra ông ta là Alfred. Vẫn dáng đi ấy, vẫn bộ râu ấy, vẫn bộ mặt đen xạm ấy…

Ông ta bước vào phòng với tâm lý không thoải mái, dường như ông ta luôn nghi ngờ xung quanh là cạm bẫy sắp đặt trước, vô cùng cảnh giác, rất sợ sập bẫy. Ánh mắt ông ta đảo nhanh một lượt quanh căn phòng, tôi thấy có vẻ ông ta không để ý chút gì tới tấm màn cạnh lò sưởi. Ông ta bước gần tới phía chúng tôi nhưng dường như bỗng nghĩ ra điều gì đó liền quay người bước về phía bức tường, ngắm nghía một hồi vị hoàng đế râu bạc tay cầm bảo kiếm. Sau đó ông ta kéo một chiếc ghế ra và đứng lên, rồi dùng ngón tay vê vê lên khuôn mặt và vai vị hoàng đế, có lúc lại gõ nhẹ vài lần.

Đột nhiên ông ta nhảy xuống ghế, đứng ra xa bức tường. Ông Andermatt đang dần xuất hiện cùng với tiếng bước chân đang tiến gần.

Nhà ngân hàng kêu thất thanh:

– Là ông! Là ông gọi tôi đến ư?

– Tôi á? Đâu có?- Alfred trả lời với giọng khàn khàn, giọng nói này khiến tôi nhớ đến em ông ta- là người viết thư mời tôi đến mà.

– Tôi viết thư?

– Trong thư có chữ ký của ông, ông muốn đưa cho tôi…

– Tôi thật sự không viết thư cho ông

– Ông không viết thư cho tôi?

Valon biết rằng nguy hiểm không phải đến từ nhà ngân hàng, mà là kẻ thù vô danh đã bày ra cạm bẫy này. Ánh mắt ông ấy một lần nữa nhìn về phía chúng tôi nhưng rồi ông ta lập tức đi ra.

– Ông muốn làm gì vậy?

– Cách bài trí căn phòng này khiến tôi có cảm giác bất an. Tôi đi đây. Tạm biệt!

– Khoan đã!

– Thôi đi, ông Andermatt, ông đừng níu kéo tôi nữa, chúng ta chẳng còn chuyện gì để nói cả.

– Chúng ta có rất nhiều chuyện, cơ hội thật hiếm có…

– Hãy để tôi đi…

– Không, không được, ông không thể đi được.

Valon đành bước lùi lại. Thái độ dứt khoát của nhà ngân hàng khiến ông ta trấn tĩnh lại, ông ta lẩm nhẩm:

– Được thôi, có gì hãy nói mau!

Có một việc mà tôi rất ngạc nhiên, tôi nghĩ hai người ngồi cạnh nhau cũng cảm thấy thất vọng như vậy. Tại sao Salva lại không tới? Lẽ nào ông ta cho rằng chỉ cần Andermatt và Valon đối chất với nhau là đủ? Tôi thật không hiểu.

Andermatt bước lại gần Valon, nhìn thẳng vào mắt đối phương một cách thách thức mà nói rằng:

– Bao năm đã trôi qua, ngài đã không còn phải sợ gì nữa, nên ngài hãy thành thật trả lời câu hỏi của tôi. Valon, rốt cuộc thì ngài đã làm gì Lucien?

– Ông hỏi gì vậy? Chuyện đó làm sao tôi biết được.

– Ông phải biết chứ! Ông không thể không biết. Hai anh em ông suốt ngày theo ông ta, còn ở chung với nhau chính ở căn phòng này. Buổi tối cuối cùng, khi tôi tiễn Lucien ra cửa, có hai bóng người vụt qua. Tôi thề rằng đó là hai anh em ông.

– Bằng chứng đâu?

– Chứng cứ có sức thuyết phục nhất là hai ngày sau, các ông đã mang phương án chế tạo trong cặp tài liệu của Lucien tới cho tôi xem, muốn tôi mua nó. Tại sao phương án này lại rơi vào tay các người chứ?

– Chẳng phải tôi đã nói cho ông rồi sao, ông Andermatt. Đó là buổi sáng thứ hai sau khi Lucien mất tích, chúng tôi đã chúng ở trên bàn cảu ông ta.

– Giả dối- Andermatt đanh giọng lại nói như quát.

– Ông dựa vào đâu mà dám nói vậy?- Valon cũng không vừa.

– Quan tòa sẽ nói cho ông biết là dựa vào đâu.

– Vậy sao ông không tố cáo tôi?

– Để làm gì? Làm gì…- Ông ấy bỗng dừng lại, sắc mặt đột nhiên trở nên vô cùng đau đơn.

Valon nói một cách thách thức:

– Hãy xem lại mình đi! Nếu trong tay ông có chút chứng cứ thật sự nào thì sự đe dọa không mấy uy lực kia của chúng tôi không đến nỗi khiến ông…

– Đe dọa? Những bức thư ấy à? Lẽ nào ông cho rằng chúng làm tôi phải băn khoăn sao?…

– Nếu không, sao ông phải dùng một số tiền khổng lồ để chuộc lại bức thư ấy? Và lại còn cho người theo dõi chúng tôi nữa?

– Là để lấy lại phương án quí báu đó.

– Được thôi! Về những bức thư ấy, ông chỉ cần lấy lại được là sẽ đi tố cáo chúng tôi. Tôi sẽ không đời nào giao nó!- Ông ấy cười lớn, nhưng đột ngột dừng lại.- Thôi đủ rồi, cứ vẫn mãi mãi những lời lẽ ấy thì thật vô nghĩa. Kết quả thì cũng chỉ có thế mà thôi.

– Không phải vậy,- Nhà ngân hàng không khoan nhượng- Ngài đã nói đến những bức thư ấy, nếu ngài không giao nó cho tôi thì đừng nghĩ đến điều đó…

– Tôi phải đi.

– Không được, không thể được!

– Ông nghe đây, ông Andermatt, tôi khuyên ông…

– Ông đừng nghĩ là có thể ra khỏi đây.

– Chúng ta thử đi xem- Valon tức giận thét len.

Bộ dạng đầy sát khí ấy khiến phu nhân Andermatt sợ hãi, bất giác ho vài tiếng.

Ông ấy chắc hẳn nghe thấy tiếng ho này vì ông ấy đang rảo bước vội ra cửa. Andermatt kéo mạnh ông ta lại. Lúc này, tôi nhìn thấy ông ta đã thò tay vào túi áo khoác.

– Tôi cảnh cáo ông lần cuối!

– Hãy giao bức thư ra, rồi nói chuyện sau.

Valon rút ra khẩu súng chĩa vào người Andermatt:

– Ông có để cho tôi đi không?

Bỗng nhà ngân hàng bất giác cúi người xuống.

Một tiếng súng vang lên. Khẩu súng của Valon rơi xuống sàn.

Dường như tôi cứng đờ người ra. Phát súng này được bắn từ phía chúng tôi! Là Das bắn, ông ấy bắn một phát liền làm rơi khẩu súng trong tay Alfred!

Trong nháy mắt, ông ấy đã vọt ra chặn giữa hai đối thủ, cười nhạt với Valon:

– Coi như anh may mắn, anh bạn. Tôi nhằm vào anh nhưng lại bắn trúng khẩu súng.

Hai người kia đều trợn mắt nhìn Das. Ông ta nói với nhà ngân hàng đang sợ hãi không nói được câu nào:

– Thưa ngài, xin hãy tha cho tôi tội… lắm chuyện. Có điều, ngài chơi thật tồi. Hãy cho tôi mượn bộ bài này chơi một chốc!

Nói xong, ông quay lại nói với Valon:

– Hai chúng ta cùng chơi nhé, anh bạn! Quân át chủ bài là cơ, tôi đánh quân bảy này.

Lúc đó, ông ấy giơ ra miếng sắt có bảy hình cơ ra trước mặt Valon. Mặt hắn ta tái mét, hai mắt trợn ngược, dường như bị đồ vật trước mắt đóng đinh tại chỗ.

– Ông là ai?- Ông ta lắp ba lắp bắp.

– Vừa nãy tôi đã nói rồi, tôi là người thích can thiệp vào chuyện của người khác… Tôi còn có đức tính nữa là đã can thiệp thì can thiệp đến cùng.

– Ông muốn gì?

– Tôi muốn đồ vật ông mang theo trên người

– Tôi chả mang theo thứ gì hết.

– Không đúng, nếu không ông sẽ không đến. Sáng hôm nay ông đã nhận được một bức thư, nói rằng 9 giờ tối nay đến đây và còn dặn ông phải mang hết tài liệu đi. Vậy rốt cuộc, tài liệu đâu?

Thái độ và giọng nói của Das đầy uy lực. Người bạn, bình thường luôn điềm đạm, hiền hòa của tôi lúc này như biến thành một người khác. Valon hoàn toàn bị khống chế, ông ta chỉ vào túi áo như một cái máy:

– Tài liệu ở đây.

– Là toàn bộ chứ?

– Đúng.

– Bản gốc hay bản sao?

– Bản gốc.

– Ông ra giá đi!

– 100 ngàn.

Das cười lớn:

– Ông điên à, họ chỉ trả cho ngài 20 ngàn mà 20 ngàn ấy cũng mất trắng vì thí nghiệm bị thất bại.

– Bọn họ không hiểu được tầm quan trọng của đề án- Valon vớt vát biện bạch.

– Vì nó không hoàn chỉnh?

– Vậy sao ông còn phải hỏi tôi cầm theo hay không?

– Tôi tự có cách. Trả cho ông năm nghìn franc, không thêm một đồng xu.

– Mười ngàn, không bớt một xu.

– Quyết thế nhé!

Das bước đến trước mặt Andermatt thương lượng:

– Xin ngài hãy ký một tấm séc, được không?

– Nhưng… tôi không có…

– Quyển… séc ư? Nó ở đây.

Ông Andermatt trợn mắt khi nhận lấy cuốn séc từ tay Das:

– Có thật là… của tôi…? Chuyện gì đang xảy ra vậy?

– Thưa ngài, chúng ta đừng nhiều lời vô ích. Xin hãy ký đi!

Nhà ngân hàng lưỡng lự một thoáng rồi cũng lấy bút máy ra ký. Valon chực thò tay ra cầm tờ séc quý giá đó.

– Đừng vội, sự việc chưa kết thúc đâu.

Das quay lại nói với Andermatt:

– Ngài có muốn lấy lại các bức thư đó không?

– Đúng, những bức thư ấy…

– Nó ở đâu, ông Valon?

– Nó không ở chỗ tôi.

– Nó ở đâu, ông Valon?- Das vẫn không buông tha.

– Tôi không biết. Em tôi đã giữ nó.

– Bức thư được giấu ở đây, trong căn phòng này. Hãy mở hộp bí mật ra!- Das vừa nói vừa giơ miếng sắt lên.

Valon sợ hãi lùi về sau:

– Không… không… tôi không muốn…

– Ông sao thế?…- Das nói xong liền bước tới bức tượng treo tranh vị hoàng đế râu bạc, đứng lên ghế, đặt nó lên hình chiếc bao kiếm, đường viên xung quanh miếng sắt vừa khít vào lưỡi kiếm. Sau đó dùng một chiếc búa đục lỗ ở đầu mỗi hình trái tim đỏ, lấy bẩy miếng đá nhỏ trên tường áp vào đó. Khi miếng đá cuối cùng vừa được ghép vào thì một cái khóa xuất hiện. Phần ngực của hoàng đế xoay chuyển, để lộ ra một cái hốc rộng, trông nó giống như hòm an toàn, bốn mặt là thép.

– Ông nhìn rõ rồi chứ, Valon? Hòm an toàn trống không.

– Vậy… chắc chắn người anh em của tôi đã lấy nó đi.

Das đứng trước mặt ông ta quát:

– Đừng giở trò với tôi nữa. Còn có một cái hòm bảo hiểm khác. Nó ở đâu?

– Làm gì có.

– Ông cần tiền ư? Bao nhiêu?

– Mười ngàn.

– Ông Andermatt, những bức thư có đáng giá mười ngàn franc không?

– Đúng thế- Nhà ngân hàng đồng ý.

Valon đóng cửa hòm lại, chần chừ một chút, rồi cầm lấy tấm sắt hình bảy cơ đặt lên hình bảo kiếm, giống như cách Das vừa làm. Sau đó, đục vào lỗ ở đầu bảy hình tim. Lúc này, trên tường lại xuất hiện một cái hốc nhưng ngạc nhiên ở chỗ, chỉ có một phần của hòm an toàn chuyển động, lộ ra một hòm an toàn khác rất nhỏ.

Bọc thư ở trong đó, Valon đưa nó cho Das. Das quay sang Andermatt hỏi:

– Chi phiếu đã xong rồi chứ, ngài Andermatt?

– Đúng vậy.

– Trong tay ông vẫn còn một phần tài liệu của Lucien, sau khi thêm phần này vào thì phương án chế tạo tàu ngầm sẽ hoàn chỉnh, đúng không?

– Đúng.

Hai bên tiến hành trao đổi. Das nhận lấy phần tài liệu và chi phiếu; đưa thư cho ông Andermatt.

– Thưa ngài, đây là thứ ngài cần.

Nhà ngân hàng do dự một lúc, những bức thư mà ông ta mất bao công sức đi tìm thì giờ đây đối mặt với nó ông lại thấy lo sợ. Chần chừ giây lát rồi ông ta cũng giật lấy chúng.

Lúc này, tôi chỉ nghe thấy tiếng rên khẽ ở bên cạnh. Tôi vội cầm tay phu nhân Andermatt, tay bà ấy lạnh như băng.

– Thưa ông, tôi nghĩ cuộc nói chuyện của chúng ta đã kết thúc. Ồ! Không cần phải cảm ơn. Đây là sự thường tình, tôi có thể giúp được ông.

Ông Andermatt vội vã bước đi. Và mang theo bức thư của vợ gửi cho Lucien.

– Thật tốt quá- Das vui vẻ nói to- Sự việc được giải quyết rất thỏa đáng. Chỉ còn lại món nợ của chúng ta, anh bạn. Phần phương án của anh đâu?

– Tất cả đều đã ở đây rồi. Das lật xem vài trang, sau đó nhét chúng vào túi áo.

– Rất tốt, ông đã giữ đúng lời hứa.

– Nhưng…

– Nhưng sao?

– Hai tấm chi phiếu?… Món tiền đó?…

– Ồ, anh còn nói gì nữa ư, anh bạn. Sao anh còn dám đòi tiền à?

– Tôi muốn thứ vốn thuộc về tôi.

– Anh lấy trộm, còn dám nói người ta nợ mình ư?

Valon tức giận đến mức toàn thân run bắn, mắt đầy những tia máu.

– Tiền của tôi… hai mươi ngàn…- Ông ta gằn giọng.

– Làm gì có! Tôi còn phải sắp xếp được khoản chi đã chứ…

– Tiền của tôi!- Valon như con hổ dữ lao vào Das.

– Thôi đi, đừng có hồ đồ, hãy để con dao găm xuống!- Nói rồi ông đập mạnh lên cánh tay đối phương.

Valon đau đớn kêu rú lên.

Lúc này Das mới nói:

– Đi thôi anh bạn, đi hít chút không khi trong lành sẽ rất tốt cho anh! Có cần tôi đi cùng không? Chúng ta ra cánh đồng hoang kia nhé, tôi có thể chỉ cho anh xem một đống đá, ở dưới đó…

– Không phải là thật! Không phải là thật!

– Không là thật! Tấm sắt nhỏ “bảy cơ” này là lấy từ đó ra. Đây là vật mà Lucien luôn mang theo người, chắc ông còn nhớ chứ? Hai anh em ông đã chôn nó cùng người chết… bên cạnh còn có một số thứ, cảnh sát sẽ rất hứng thú với chúng đấy.

Valon nắm tay lại và ghì chặt lên mặt, một lúc sau mới nói:

– Thôi được. Tôi đầu hàng. Đừng nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng có một việc… Chỉ có một việc, tôi muốn được biết…

– Hãy nói đi!

– Trong hộp an toàn vốn có cất đồ, đúng không?

– Đúng.

– Hôm 22 tháng 6, lúc ông đến đây vẫn còn?

– Đúng

– Đó là đồ gì vậy?

– Đó là các đồ anh em nhà ông đã cất giấu: bảo vật, đồ trang sức, châu báu, kim cương mà các ông đã cướp được.

– Kết quả ông đã lấy đi?

– Đúng thế! Nếu không, ông sẽ là gì nào?

– Nếu như vậy thì… em tôi vì phát hiện ra đồ không còn nữa nên đã tự sát ư?

– Có lẽ như vậy. Chỉ là thông tin giữa các anh và Felibe không còn, không thì có lẽ không đến nỗi ông ta tìm đến cái chết. Nhưng châu báu cũng không còn… Đây là điều ông muốn dò hỏi sao?

– Còn nữa: Tên của ông là gì?

– Nghe giọng ông kìa, như thể muốn báo thù ấy.

– Ông hãy đợi đấy! Hôm nay tôi bị bắt, ngày mai…

– Là tôi?!

– Tôi cũng nghĩ thế. Tên ông à gì?

– Arséne Lupin.

– Lupin!- Valon quị xuống, như bị ai đó dùng gậy đập mạnh vào đầu. Das cười lớn:

– Anh cho rằng chó mèo cũng thông minh thư vậy sao? Thôi đi, ít ra cũng phải là cỡ như Lupin chứ! Bây giờ ông đã biết tên tôi rồi, nào ông bạn, hãy chuẩn bị báo thù đi! Lupin đợi đó…

Nói rồi, ông ấy dìu Valon lúc này đứng không vững ra cửa.

– Das, Das!- Tôi hét lên. Cho dù tôi đã biết ông ta là ai, nhưng vẫn bất giác gọi to cái tên vốn quen thuộc với tôi.

Tôi vén tấm màn ra.

Ông ta chạy lại:

– Sao vậy? Có chuyện gì?

– Phu nhân Andermatt ngất xỉu rồi!

Ông ta vội nâng phu nhân dậy, đưa bình muối amoniac lên mũi bà ấy, đồng thời hỏi tôi:

– Rốt cuộc là chuyện gì vậy?

– Là vì những bức thư đó- Tôi nói- Những bức thư ông đưa cho chồng bà ấy. Ông ấy vỗ tay vào trán:

– Bà ta cho rằng tôi làm như vậy thật sao?- Cũng khó mà trách được bà ấy. Tôi thật ngốc!

Phu nhân đã tỉnh lại, lo lắng nghe ông ta nói. Ông ấy rút từ trong túi ra một phong bì trông rất giống với bao thư ông ấy đưa cho Andermatt.

– Đây mới là thư của bà, phu nhân; đây là bản gốc đấy.

– Nhưng… những bức thư kia?

– Trông chúng có vẻ rất giống nhau, nhưng đều là do tôi viết lại tối qua. Chồng bà không thể nào biết, vì ông ấy đã tận mắt nhìn thấy tất cả rồi.

– Còn nét bút?

– Bất kỳ nét chữ nào cũng có thể bắt chước được!

Bà ấy vô cùng cảm ơn Das. Tôi nhận ra rằng, cuối cùng Valon và Lupin nói với nhau bà ta không nghe thấy.

Nhưng tôi có chút ngại ngùng với người bạn cũ này, không biết nói gì… Lupin! Người bạn cũ thường xuyên cùng tôi ra vào tòa soạn lại là Lupin! Thật là ly kỳ. Lúc này, ông ấy rất nhẹ nhàng nói:

– Anh hãy nói lời tạm biệt với Das được rồi.

– Hả?

– Đúng vậy. Ông ta đã đi du lịch rồi. Tôi đã đưa ông ấy đi Mônacô rồi. Rất có thể ông ấy sẽ có một căn nhà tốt. Tôi muốn nói kỳ thực đây chính là ý của ông ấy.

– Vậy Lupin ở lại đây ư?

– Ồ! Cuộc sống của Lupin mới bắt đầu, ông ấy còn phải…

Bất ngờ, tôi bước đến kéo ông ấy ra một chỗ, cách xa phu nhận Andermatt

– Đêm 22 tháng 6 ấy, là ông đã đến đây ư?

– Đúng vậy. Tối hôm ấy, sau khi chia tay với anh, tôi lại quay lại đây ngay. Theo tin báo, tôi biết ở đây có chiếc hộp an toàn dùng khóa chìm, chìa khóa chính là quân bài bảy cơ. Nên chỉ cần tìm một chỗ đặt quân bảy cơ đứng lên là được. Tôi quan sát rất kỹ suốt một tiếng, kết quả đã tìm thấy.

– Một tiếng cơ á?

– Vâng, chỉ quan sát kỹ ông già ở trên tường.

– Vị hoàng đế ư?

– Vị hoàng đế này được vẽ y hệt theo quân K cơ, trong bộ bài tú lơ khơ.

– Đúng vậy… Nhưng tại sao vẫn là quân bảy cơ, lúc thì mở ra hộp an toàn to, lúc lại mở hộp nhỏ?

– Chỉ là lộn ngược nó lại, để đầu nhọn của hình cơ hướng lên trên thì sẽ mở được hòm nhỏ.

– Còn nữa, trước khi gặp phu nhân Andermatt, ông còn chưa hề biết những bức thư ấy…

– Đúng. Lúc đầu tôi không thể mở được hộp an toàn nhỏ ra, mà trong hộp to, ngoài châu báu ra tôi chỉ tìm được những thư từ đủ để chứng minh hai anh em họ phản quốc.

– Tóm lại, ông chỉ ngẫu nhiên bắt thóp hai anh em họ; sau đó mới đi truy tìm phương án chế tạo tàu ngầm?

– Là như vậy đấy.

– Nhưng, mục đích của ông là gì?

Das cười vang và ngắt lời tôi:

– Hà hà! Xem ra ông rất có hứng với chuyện này.

– Không chỉ có hứng thôi đâu.

– Vậy lát nữa, sau khi tôi tiễn phu nhân Andermatt và nhờ gửi tin cho báo Nước Pháp xong tôi sẽ nói rõ ràng mọi chuyện cho ông nghe.

Nói xong, ông ấy ngồi xuống, viết đoạn tin ngắn:

“Vấn đề đưa ra đã được Lupin giải quyết ổn thỏa. Ông đã đưa cho bộ Hải quan phương án chế tạo tàu ngầm hoàn chỉnh. Cũng nhân cơ hội này, ông ấy phát động quỹ ủng hộ việc chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của nước ta, và là người ủng hộ thứ nhất với hai mươi ngàn franc.”

– Chính là hai tờ chi phiếu của ông Andermatt- Tôi xem xong mẩu tin liền hỏi.

– Không sai. Cứ cho như là để Valon chuộc lỗi đi.

Tôi đã quen với Lupin như thế, và biết được rằng người bạn cũ của tôi Das chính là tên trộm nổi tiếng nước Pháp- Arséne Lupin.

The End

Bình luận