Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 9: Ngón tay đang chỉ của người ngư phủ

Tác giả: Salman Rushdie

Liệu người ta có thể ghen với những dòng chữ? Có thể căm ghét trò viết lách ban đêm như thể đó là một kẻ tình địch bằng xương bằng thịt? Tôi không thể nghĩ ra lý do gì khác cho phản ứng kỳ cục của Padma, và cách giải thích này ít nhất có ưu điểm là nó cũng kỳ lạ ngang với cơn phẫn nộ mà cô đã rơi vào khi, tối nay, tôi phạm phải sai lầm là viết (và đọc to) một từ đáng lẽ không được nói ra

…Bắt đầu từ cuộc viếng thăm của lão lang băm, tôi đã đánh hơi thấy một sự bất mãn lạ lùng nơi Padma, tỏa ra thứ mùi bí hiểm từ tuyến eccrine (hay apocrine[1]). Ức chế, có lẽ vậy, vì sự vô vọng của những nỗ lực cô thực hiện về đêm nhằm hồi sinh “cây bút chì kia” của tôi, quả dưa chuột vô dụng trốn trong quần tôi, cô ngày càng cáu bẳn. (Rồi phản ứng bực tức của cô, đêm qua, khi tôi tiết lộ bí mật về sự ra đời của mình, rồi sự khó chịu khi thấy tôi coi thường món tiền một trăm rupee.)

Tôi tự trách mình: đắm chìm vào công trình tự truyện này, tôi đã không để tâm đến cảm xúc của cô, và khởi đầu đêm nay bằng những nốt nhạc sai lầm tai hại nhất.

[1] Tuyến eccrine là tuyến mồ hôi thường trên cơ thể con người, có chức năng điều hòa thân nhiệt. Còn tuyến apocrine là tuyến sản sinh ra mùi con người (còn gọi là tuyến rụng đầu), tập trung ở vùng nách và cơ quan sinh đục. Tuyến apocrine thường hoạt động khi sự kích thích tình dục.

“Bị tấm ga giường khoét lỗ kết án sống cuộc đời của những mảnh vụn,” tôi viết rồi đọc to, “tôi dù vậy đã thành công hơn ông tôi; bởi trong khi Aadam Aziz vẫn là nạn nhân của tấm ga, tôi đã thành chủ nhân của nó – và Padma mới là người giờ đã mắc bùa phép của nó. Ngồi trong bóng tối được yểm bùa, tôi ban phát những hình ảnh liếc qua mỗi ngày của bản thân – trong khi cô, người liếc nhìn ngồi xổm của tôi, bị mê hoặc, bất lực như con chồn bị đóng băng bất động bởi cặp mắt lắc lư không chớp của con rắn hổ mang, bị tê liệt – phải! – trước tình yêu.”

Từ ấy đấy: tình yêu. Được viết-ra-rồi-đọc-lên, nó đẩy giọng cô lên một độ cao chói tai khác thường; nó giải phóng từ môi cô một sự hung bạo hẳn đã làm tổn thương tôi, nếu như tôi còn có thể bị lời lẽ làm thương tổn.

“Yêu anh?” Padma của chúng ta ré lên đầy khinh bỉ, “Vì cái gì, lạy Chúa? Anh thì được tích sự gì, hả tiểu vương tử,” và giờ là cú đòn kết liễu của cô – “với tư cách một người yêu?”

Cánh tay vươn dài, lông tay lung linh dưới ánh đèn, cô chọc một ngón trỏ đầy khinh miệt về phía cái dương căn phải thừa nhận là không hoạt động của tôi; một ngón tay dài, to, cứng ngắc vì ghen tuông, đáng tiếc thay lại chỉ làm cho tôi nhớ tới một ngón tay khác, đã mất từ lâu… thế nên cô, thấy mũi tên của mình chệch đích, rít lên, “Đồ điên ở đâu ấy! Lão bác sĩ ấy nói đúng!” rồi điên cuồng lao ra khỏi phòng.

Tôi nghe tiếng bước chân loẹt quẹt xuống cầu thang sắt dẫn xuống sàn nhà máy; tiếng bàn chân hối hả giữa những vại rau quả dầm phủ vải đen; rồi tiếng một cánh cửa, mở ra rồi đóng sầm lại.

Bị bỏ rơi như thế, tôi bèn, không có lựa chọn nào khác, trở lại với công việc.

Ngón tay đang chỉ của người ngươi phủ: tâm điểm không thể lãng quên của bức tranh treo trên bức tường màu thiên thanh ở Biệt thự Buckingham, thẳng ngay trên cái cũi màu xanh da trời, nơi, hồi là Bé Saleem, đứa trẻ của nửa đêm, tôi đã sống những ngày đầu đời. Cậu bé Raleigh – và ai nữa? – ngồi, đóng khung trong gỗ tếch, dưới chân người thủy thủ già, sần sùi, đang vá lưới – phải chăng ông ta có bộ ria hải mã? – với cánh tay phải, duỗi dài hết cỡ, vươn về phía một chân trời mênh mông nước, trong khi những chuyện nước non của ông dập dờn quanh đôi tai háo hức của Raleigh – và ai nữa?

Bởi vì hiển nhiên là có một cậu bé khác trong tranh, ngồi xếp bằng trong cổ diềm xếp nếp và áo dài cài khuy… và giờ một hồi ức trở lại với tôi: về bữa tiệc sinh nhật khi một bà mẹ hãnh diện và một ayah cũng hãnh diện không kém đã mặc cho một đứa trẻ có cái mũi Gargantua đúng cái cổ diềm ấy, đúng cái áo dài ấy. Một người thợ may ngồi trong cán phòng màu thiên thanh, dưới ngón tay đang chỉ, mà sao chép y phục của các quý tộc Anh…

“Kìa, dễ sương chưa!” Lila Sabarmati thốt lên trong nỗi hổ thẹn vĩnh viễn của tôi, “Cứ như thằng bé vừa bước từ trong tranh ra ấy?”

Trong một bức tranh treo trên tường phòng ngủ, tôi ngồi cạnh Walter Raleigh, dõi mắt theo một ngón tay đang chỉ của người ngư phủ; mắt căng ra ở chân trời, mà phía sau là – cái gì? – tương lai của tôi, có thể; số kiếp đặc biệt của tôi, mà tôi đã biết từ đầu, qua một sư hiện diện sáng mờ sắc xám tại căn phòng màu thiên thanh ấy, lúc đầu còn mơ hồ, nhưng không thể bỏ qua… bởi ngón tay kia còn chỉ xa hơn chân trời sáng mờ ấy, nó chỉ ra ngoài khung gỗ tếch, qua một mảng tường ngắn màu thiên thanh, lái ánh mắt tôi tới một cái khung khác, trong đó treo số mệnh không thể trốn thoát của tôi, bị cố định vĩnh viễn dưới tấm kính: đây là một bức-hình-em-bé cỡ-đại với dòng chú thích tiên tri, còn đây, bên cạnh nó, một lá thư trên thứ giấy da bê hảo hạng, dập nổi dấu quốc huy – bốn con sư tử Sarnath đứng trên pháp luân ở trên bút tích của Thủ tướng, đến nơi, qua Vishwanath cậu bé đưa thư, một tuần sau khi ảnh tôi xuất hiện trên trang nhất tờ Thời báo Ấn Độ.

Báo chí tôn vinh tôi; chính trị gia khẳng định vị thế của tôi. Jawaharlal Nehru đã viết: “Bé Saleem thân mến, lời chúc muộn màng của tôi nhân sự kiện đáng mừng của thời khắc cháu ra đời! Cháu là người mới nhất mang gương mặt xa xưa nhưng cũng vĩnh viễn trẻ trung ấy của Ấn Độ. Chúng ta sẽ dõi theo cuộc đời của cháu với sự quan tâm sát sao nhất; nó sẽ là, theo một nghĩa nào đó, tấm gương của bản thân chúng ta.”

Và Mary Pereira, kinh hoảng, “Chính phủ ư, thưa Bà? Họ sẽ để mắt đến thằng bé? Nhưng vì sao, thưa Bà? Nó có làm sao đâu?”

Và Amina, không nhìn ra âm sắc sợ hãi trong giọng nói của người ayah: “Đó chỉ là một cách nói thôi Mary, nó không có nghĩa như họ nói đâu.”

Nhưng Mary không yên tâm, và bao giờ cũng vậy, mỗi khi bước vào phòng đứa bé, mắt cô lại chớp dáo dác về bức thư trong khung kính. Mắt cô đảo quanh, xem Chính phủ có đang theo dõi không; đôi mắt ngờ vực: họ biết gì? Có ai trông thấy không?

… Về phần mình, khi lớn lên, tôi cũng không thực sự chấp nhận lời giải thích của mẹ tôi; nhưng nó ru tôi vào một cảm giác an toàn giả tạo; thế nên, mặc dù đôi chút nghi ngờ của Mary đã rỉ sang tôi, tôi vẫn bị bất ngờ khi…

Có lẽ ngón tay của người ngư phủ không chỉ vào bức thư đóng khung, bởi nếu ta theo nó đi xa hơn nữa, nó sẽ dẫn ta qua cửa sổ ra ngoài, xuống ngọn đồi hai tầng, qua đường Warden, vượt bể bơi Breach Candy, và ra tới một mặt biển khác, không phải mặt biển trong tranh; một mặt biển nơi cánh buồm của những chiếc dhow Koli rực đỏ trong ánh mặt trời sắp lặn… một ngón tay kết tội, khi ấy, buộc chúng ta phải nhìn vào những con người bị tước đoạt của thành phố.

Hoặc giả – và ý tưởng này làm tôi hơi rùng minh bất chấp cái nóng – đó là một ngón tay cảnh cáo, mục đích là thu hút sự chú ý vào chính nó; phải, có thể nó là, sao lại không, lời tiên tri về một ngón tay khác, một ngón tay không khác biệt với chính nó, mà sự xuất hiện trong câu chuyện của tôi sẽ tiết lộ thứ logic đáng sợ của Alpha và Omega… lạy Chúa, gớm thay ý tưởng ấy!

Bao nhiêu tương lai từng treo trên cái cũi của tôi, chỉ chờ tôi hiểu được? Bao nhiêu lời cảnh báo đã được gửi đến cho tôi – bao nhiêu đã bị tôi bỏ qua?… Nhưng không. Tôi sẽ không làm “đồ điên ở đâu ấy”, nói theo cách diễn đạt sinh động của Padma. Tôi sẽ không bị cuốn theo những lạc đề gàn dở[2]; chừng nào tôi còn sức kháng cự lại những rạn nứt.

[2] Ở đây Rushdie um chơi chữ. Nguyên tác: “cracked digressions”. Cracked vừa có nghĩa là gàn dở, vừa có nghĩa là bị rạn nứt.

Khi Amina Sinai và Bé Saleem về nhà trên chiếc Studebaker đi mượn, Ahmed Sinai mang theo lên xe một bịch giấy manila. Trong bịch giấy: một hũ rau quả dầm, đã đổ hết kasaundy chanh, đã rửa, luộc, tiệt trùng – và giờ, đổ đầy lại. Một cái bình đậy kín, với một lớp màng cao su phủ kín cái nắp thiếc và cố định bằng một sợi chun buộc xoắn. Cái gì được bịt kín dưới cao su, bảo quản trong thủy tinh, giấu trong giấy manila? Đây: quay về nhà cùng bố, mẹ và em bé là một lượng nước muối trong đó chứa một cái dây rốn nổi lững lờ. (Nhưng nó là của tôi hay của Đứa bé kia? Đó là điều tôi không thể nói được.)

Trong khi cô ayah mới tuyển, Mary Pereira, đến Điền trang Methwold bằng xe buýt, một cái dây rốn du hành trong hộc để găng tay trên chiếc Studey của một đại gia điện ảnh. Trong khi Bé Saleem lớn lên thành người lớn, đoạn dây rốn lửng lơ không thay đổi trong nước muối đóng chai, đằng sau một cái tủ gỗ tếch. Và, nhiều năm sau, khi gia đình tôi bước vào cuộc lưu đày ở Xứ Sở của những kẻ Thuần Khiết, khi tôi đấu tranh hướng tới sự thuần khiết, những sợi dây rốn sẽ gặp thời trong chốc lát.

Không có gì bị vứt đi; cả đứa bé lẫn nhau thai đều được giữ lại; cả hai đều về đến Điền trang Methwold; cả hai đều đợi đến thời của mình.

Tôi không phải là một đứa trẻ đẹp đẽ. Những bức-hình-em-bé cho thấy gương mặt trăng tròn của tôi quá to; quá tròn vành vạnh. Vùng cằm bị thiếu một cái gì đó. Làn da trắng trẻo ôm lấy đường nét khuôn mặt tôi – nhưng những vết bớt làm nó biến dạng; một vệt ố sẫm chảy xuống chân tóc bờ Tây, một mảng khác nhuộm sẫm cái tai bên Đông.

Và thái dương tôi: quá nổi bật: hai mái vòm Byzantine hình củ hành. (Sonny Ibrahim và tôi sinh ra để làm bạn của nhau – khi bọn tôi cụng trán, hai hõm forcep của Sonny cho phép hai thái dương củ hành của tôi nằm lọt ở trong, khít khao như mộng mộc.) Amina Sinai, nhẹ nhõm khôn tả khi thấy tôi chỉ có một cái đầu, ngắm nó với sự trìu mến của người mẹ nhân lên gấp bốn, nhìn nó qua một màn sương đẹp đẽ hóa, phớt lờ vẻ kỳ dị băng giá của đôi mắt màu thiên thanh, hai thái dương như cặp sừng còi, và cả cái mũi dưa chuột ngoại cỡ của tôi.

Cái mũi của Bé Saleem: nó to khủng bố; và chảy nước.

Đặc điểm thú vị của giai đoạn đầu đời của tôi: to và kém xinh đẹp như vậy, có vẻ như tôi không được vừa ý. Ngay từ những ngày đầu, tôi đã triển khai một chương trình tự tăng trưởng đầy anh dũng. (Như thể tôi biết rằng, để gánh vác những gánh nặng của cuộc sống tương lai, tôi cần phải khá đô con.) Đến giữa tháng Chín, tôi đã vắt kiệt bầu sữa không hề ít ỏi của mẹ tôi. Một bà vú được thuê tạm nhưng bà ta bỏ chạy, cạn khô như sa mạc chỉ sau hai tuần, cáo buộc Bé Saleem định cắn đứt nụ hoa mình bằng hai hàng lợi không răng.

Tôi chuyển qua bú bình và nốc cạn từng lượng lớn hợp chất: những núm vú trên bình sữa cũng lãnh đủ, minh oan cho bà vú tố cáo tôi. Những ghi chép trong cuốn sổ-tay-em-bé rất tỉ mỉ; chúng cho thấy tôi nở ra gần như trông thấy, tăng kích cỡ từng ngày; nhưng đáng tiếc là không có phép đo phần mũi nào được thực hiện nên tôi không thế kết luận liệu cơ quan hô hấp của mình có phát triển với tốc độ tương đương, hay nhanh hơn những phần còn lại. Tôi phải nói rằng mình có hệ trao đổi chất khỏe mạnh. Chất thải được bài tiết dào dạt từ các cửa ngõ thích hợp; từ mũi tôi đổ ra một dòng thác chất nhờn lóng lánh. Từng binh đoàn mùi soa, từng trung đoàn tã lót tìm đường chui vào cái tủ giặc lớn trong phòng tắm cửa mẹ tôi… trút rác thải qua đủ mọi cửa, tôi vẫn giữ đôi mắt ráo hoảnh.

“Thằng bé ngoan thế cơ chứ, Bà nhỉ,” Mary Pereira nói, “Cấm có khóc bao giờ.”

Bé Saleem ngoan ngoãn là một đứa trẻ lặng lẽ; tôi hay cười, song không thành tiếng. (Như con trai tôi, tôi bắt đầu bằng cách đánh giá tình hình, nghe ngóng trước khi nhảy sang ê a và, sau đó, nói chuyện.) Có một thời gian Amina và Mary sợ rằng thằng bé bị câm; nhưng, đúng lúc họ sắp nói với ông bố (mà họ đã giữ bí mật nỗi lo lắng của mình – không ông bố nào muốn một đứa con khuyết tật), thằng bé lại bật thốt ra tiếng, và trở nên, ở mọi tình huống trên phương diện ấy, hoàn toàn bình thường.

“Cứ như thể,” Amina thì thầm với Mary, “nó đã quyết định cho chúng ta được yên lòng.”

Còn một vấn đề nghiêm trọng hơn. Amina và Mary mất vài ngày mới nhận ra điều này. Bận rộn với những quy trình đồ sộ và phức tạp để hóa thân chành một bà mẹ hai đầu, tầm nhìn bị che phủ bởi một màn sương đồ lót hôi thối, họ không nhận ra sự bất động của mí mắt tôi. Amina, nhớ lại, trong thời kỳ bà mang bầu, sức nặng của đứa con chưa ra đời đã giữ thời gian lắng đọng như một mặt hồ xanh lặng ngắt ra sao, bắt đầu tự hỏi phải chăng điều ngược lại đang xảy ra – phải chăng đứa bé sở hữu một thứ ma lực nào đó với toàn bộ thời gian trong phạm vi kề cận quanh mình và đang tăng tốc nó, thế nên mẹ-và-ayah không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi thứ cần làm, thế nên đứa trẻ mới có thể phát triển với một tốc độ dường như không tưởng; lạc lối trong những huyễn tưởng về trật tự thời gian ấy, bà không nhận thấy vấn đề của tôi. Chỉ khi bà đã rũ bỏ ý tưởng ấy và tự nhủ tôi chẳng qua là một thằng bé phổng phao phàm ăn, một đứa trẻ phát triển sớm, tấm màn của tình mẫu tử mới hé ra đủ để bà và Mary rú lên, đồng thanh: “Kìa, baap-re-baap! Kìa, Bà! Này, Mary! Thằng bé không hề chớp mắt!”

Cặp mắt quá xanh: xanh-Kashmir, xanh-đứa-trẻ-bị-tráo, với sức nặng của dòng nước mắt không trào, quá xanh không thể chớp. Lúc được cho ăn, mắt tôi không hề hấp háy; lúc nàng Mary đồng trinh bế tôi qua vai và kêu lớn, “Uii, nặng thế, lạy Chúa tôi!” tôi ợ hơi mà không chớp mắt. Lúc Ahmed Sinai lết bàn chân bó ngón tới bên cũi tôi nằm, tôi nhượng bộ cặp môi trề bằng cái nhìn chăm chú và bất động…

“Khéo ta nhầm, Bà ạ,” Mary nêu ý kiến.

“Khéo sahib nhỏ đang bắt chước chúng ta – thấy ta chớp thì chớp theo.”

Và Amina: “Ta thay nhau chớp thử xem sao.” Mí mắt luân phiên mở-ra-đóng-lại, họ quan sát màu xanh băng giá nơi tôi; nhưng không có một rung động dù là nhỏ nhất; cho đến khi Amina tự mình giải quyết vấn đề và thò tay vào nôi để vuốt mí mắt tôi xuống. Chúng khép lại: hơi thở tôi biến đổi, ngay tức thì, sang nhịp thở thỏa mãn của giấc ngủ. Sau đó, suốt mấy tháng, mẹ và ayah thay phiên nhau mở và khép mí mắt cho tôi.

“Nó sẽ học được, Bà ạ,” Mary vỗ về Amina.

“Nó là một đứa bé ngoan, nhất định nó sẽ biết cách thôi.” Tôi học được thật: bài học đầu tiên của đời tôi: không ai mở mắt mà đối mặt với đời mãi được.

Giờ đây, nhìn lại qua đôi mắt ấu thơ, tôi có thể thấy tất cả một cách hoàn hảo – kinh ngạc thay những gì ta nhớ được khi ta cố. Điều tôi thấy: thành phố, phơi mình như một con thằn lằn hút máu dưới cái nóng mùa hè. Bombay của chúng ta: trông nó như một bàn tay nhưng kỳ thực nó là một cái miệng, luôn mở to, luôn đói khát, nuốt lương thực và nhân tài từ khắp nơi trên đất Ấn. Một con đỉa lộng lẫy, không sản xuất gì ngoài phim ảnh bush-shirt[3] cá biển… giữa cơn dư chấn hậu Chia cắt, tôi thấy Vishwanath cậu bé đưa thư đạp xe về phía quả đồi hai tầng nhà tôi, phong bì da bê trong xắc cốt, cưỡi chiếc Arjuna Indiabike cũ kỹ phóng qua một chiếc xe buýt đang gỉ nát – bị bỏ không dù chưa tới mùa mưa, vì tay tài xế bỗng nhiên quyết định chạy sang Pakistan, tắt máy rồi bỏ đi, để lại cỗ xe đầy hành khách mắc kẹt, bấu vào cửa sổ, bám lấy nóc xe, phòi ra ở cửa lên xuống… tôi có thể nghe tiếng họ chửi rủa, đồ-lợn-đẻ, quân-đốn-mạt; nhưng họ sẽ bíu chặt cái chỗ ngồi phải giành giật mới có được ấy suốt hai giờ trước khi phó mặc cỗ xe cho số phận.

Và, và: đây là người Ấn Độ đầu tiên bơi vượt Eo biển Anh quốc, Ngài Pushpa Roy, xuất hiện trước cổng bể bơi Breach Candy. Đầu đội mũ tắm màu nghệ, quần bơi xanh quấn khăn tắm ngả màu cờ, ngài Pushpa đây đã tuyên chiến với chính sách chỉ-da-trắng của bể tắm. Ông ta cầm bánh xà phòng Mysore mùi đàn hương; ưỡn thằng người; sải bước qua cổng… nơi đám Pathan làm thuê túm lấy ông ta, người Ấn bảo vệ người Âu khỏi cuộc binh biến của người Ấn như thường lệ; rồi ông ta trở ra, anh dũng kháng cự, bị quặt tay điệu ra đường Warden và lẳng xuống đất. Người bơi vượt biển nhào ra giữa đường, tránh khỏi lạc đà taxi xe đạp trong gang tấc (Vishwanath đánh tay lái để tránh bánh xà phòng của ông ta)… nhưng ông ta không nhụt chí; lụi hụi đứng lên; lúi húi phủi quần áo; và thề hôm sau sẽ trở lại.

Suốt những năm tuổi thơ của tôi, điểm nhấn của ngày là cảnh Pushpa người vận động viên bơi, mũ màu nghệ và khăn tắm ngả màu cờ, lao mình trái với ý muốn ra đường Warden. Và rốt cuộc cuộc vận động bất khuất của ông đã thắng lợi, bởi ngày nay Bể bơi cho phép một số người Ấn – “tầng lớp ưu tú” – bước xuống làn nước hình bản đồ của mình. Nhưng Pushpa không thuộc tầng lớp ưu tú; đã già và bị lãng quên, ông đứng nhìn Bể bơi từ xa… và giờ quần chúng đang ùa vào tôi mỗi lúc một nhiều – chẳng hạn như Bano Devi, người nữ đô vật nổi tiếng thời ấy, người chỉ đấu với đàn ông và dọa sẽ lấy bất kỳ ai thắng mình, hệ quả của lời thề ấy là cô ta chưa thua một keo nào; và (giờ ở gần nhà hơn), vị sadhu dưới vòi nước trong vườn nhà tôi, tên là Purushottam, người mà tụi tôi (Sonny, Mắt Chẻ, Tóc Dầu, Cyrus và tôi) luôn gọi là Puru-ông-guru – tin rằng tôi là Mubarak, Kẻ được Ban phước, ông hiến dâng đời mình để dõi theo tôi, và dành trọn thời gian cho việc dạy cha tôi xem chỉ tay và phù phép xua mụn cóc khỏi mẹ tôi.

Rồi đến sự kình địch giữa lão người ở cũ Musa và cô ayah mới Mary, điều sẽ tích tụ cho tới khi bùng nổ; tóm lại, cuối năm 1947, cuộc sống ở Bombay đang đầy ắp, phong phú, vô định hình một cách đa dạng chưa từng thấy… trừ một việc là tôi đã đến; tôi đã bắt đầu chiếm lĩnh vị trí trung tâm vũ trụ; và khi xong việc, tôi sẽ đem ý nghĩa đến cho tất cả. Quý vị không tin tôi? Nghe kìa: bên nôi tôi, Mary Pereira đang hát một bài hát ngắn:

Bất cứ gì con muốn thành, con sẽ được:

Con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn.

[3] Bush-shirt là loại áo sơ mi may theo kiểu áo jacket đi rừng (safari jacket). Đây là một sản phẩm đặc trưng ra đời trong quá trình khai phá Ấn Độ của thực dân Anh.

Cho tới trước lễ cắt bao quy đầu của tôi do một ông thợ cạo hở hàm ếch tại Hiệu Thợ cạo Hoàng gia trên đường Gowalia Tank thực hiện (tôi mới được hơn hai tháng), tôi đã rất đắt khách tại Điền trang Methwold. (Nhân tiện, về chuyện cắt bao quy đầu: tôi thề là tôi vẫn nhớ lão thợ cạo cười nhăn nhở, lão túm lấy tôi nơi da quy đầu, trong khi thằng nhỏ của tôi ngoe nguẩy điên cuồng như một con rắn trơn tuột; và lưỡi dao cạo đi xuống, và cơn đau; nhưng tôi được kể rằng, lúc đó, tôi thậm chí cũng không chớp mắt.)

Phải, tôi là một thằng bé rất được ưa thích: hai bà mẹ của tôi, Amina và Mary, trông thấy tôi bao nhiêu cũng không đủ. Trong mọi vấn đề thực tiễn, họ là những đồng minh thân cận nhất. Sau khi tôi được cắt bao quy đầu, họ cùng tắm cho tôi; và cùng khúc khích khi cái bộ phận mới tổn thương của tôi ngoe nguẩy giận dữ trong nước tắm.

“Ta phải coi chừng thằng nhóc này, Bà ạ,” Mary láu lỉnh nói, “Cái ấy của nó có sự sống riêng đấy!”

Và Amina, “Chậc, chậc, Mary, cô gớm quá, thật đấy…”

Nhưng rồi trong tiếng nấc nghẹn của cơn cười không nhịn nổi, “Bà xem kìa, quả ớt bé bỏng tội nghiệp của cu cậu!”

Vì nó lại đang ve vẩy, giãy giụa như một con gà bị cắt tiết… Cùng nhau, họ chăm chút cho tôi cực kỳ chu đáo; nhưng về vấn đề tình cảm, họ lại là tử địch. Có lần, khi đẩy tôi đi rong qua Vườn treo trên Đồi Malabar, Amina nghe lỏm thấy Mary nói với mấy cô ayah khác, “Này: đây là thằng con mập mạp của tôi” – và cảm thấy một sự uy hiếp kỳ lạ. Bé Saleem trở thành, kể từ đó, chiến trường của tình yêu của họ; họ nỗ lực vượt mặt đối phương trong việc biểu lộ tình yêu thương.

Trong khi thằng bé, đã biết nháy mắt, ợ hơi thật to, hấp thụ tình cảm của họ, lấy nó để tăng tốc độ phát triển, phình ra và nuốt chửng vô số cái ôm ấp hôn hít bẹo-cằm-nựng-nịu, tích nạp cho thời khắc khi nó có được đặc tính cốt lõi của nhân loại: mỗi ngày, và chỉ vào những giờ phút hiếm hoi tôi bị bỏ lại một mình với ngón tay đang chỉ của người ngư phủ, tôi cố rướn mình đứng lên trong cũi.

(Và trong khi tôi nỗ lực vô ích để đứng dậy bằng hai chân, Amina cũng bị bóp nghẹt trong một quyết tâm vô vọng – bà cố sức trục xuất khỏi đầu mình giấc mơ về người chồng không thể gọi tên, vốn đã thay thế giấc mơ về giấy bẫy ruồi từ cái đêm sau khi tôi ra đời; một giấc mơ với tính chân thực mãnh liệt đến mức nó ở lại với bà suốt những giờ bà tỉnh ngủ. Trong đó, Nadir Khan đến bên giường bà và làm bà có thai; một sự phi lý quái hiểm đến nỗi làm Amina lẫn lộn về nguồn gốc của đứa trẻ, và đem đến cho tôi, đứa trẻ của nửa đêm, một người cha thứ tư để đặt cạnh Winkie và Methwold và Ahmed Sinai. Lo lắng nhưng bất lực trong vòng kiềm tỏa của giấc mơ, từ đó mẹ tôi Amina bắt đầu hình thành một màn sương mù tội lỗi rồi sẽ, nhiều năm sau, bao quanh đầu bà như một vòng hoa đen tăm tối.)

Tôi chưa bao giờ được nghe Wee Willie Winkie thời đỉnh cao. Sau nỗi mất mát mù lòa kia, thị lực của ông dần hồi phục; nhưng có gì đó gay gắt và cay đắng đã len vào giọng hát của ông. Ông bảo đó là bệnh suyễn, và tiếp tục đến Điền trang Methwold mỗi tuần một lần để hát những bài hát vốn, cũng như ông, là tàn tích của thời đại Methwold.

“Chúc Ngủ Ngon, Quý Bà,” ông hát, và, để cập nhật, bổ sung “Mây Rồi Sẽ Sớm Tan” vào vốn biểu diễn của minh, và, sau đó ít lâu, “Cún Con Trên Cửa Sổ Giá Nhiêu Tiền?”

Đặt một đứa bé khá bự với cặp đầu gối gõ nhau đầy khiếp hãi trên tấm thảm nhỏ cạnh ông trong vòng xuyến, ông ca những bài ca đầy niềm hoài cổ, và không ai nỡ đuổi ông đi. Winkie và ngón tay người ngư phủ là hai trong số ít những thứ thời William Methwold còn sót lại, vì sau khi người Anh biến mất, những người kế tục ông ta đã tống khứ khỏi các cung điện những đồ đạc họ ruồng bỏ.

Lila Sabarmati bảo lưu chiếc pianola, Ahmed Sinai giữ lại tủ whisky, ông lão Ibrahim chấp nhận những chiếc quạt trần, nhưng lũ cá vàng chết, vài con vì đói, những con khác vì bị nhồi nhét khủng khiếp đến mức chúng nổ tung thành những đám mây nhỏ vảy và thức ăn cá chưa tiêu hóa. Đàn chó chạy rông, và sau cùng thôi không quanh quẩn ở Điền trang nữa. Và chỗ quần áo bạc màu trong những chiếc tủ cũ được phân phát cho các bà quét dọn và những người hầu khác ở Điền trang, thế nên suốt nhiều năm về sau những người thừa kế William Methwold được phục vụ bởi những người đàn ông và đàn bà mặc áo sơ mi và váy vải hoa ngày một rách nát của chủ nhân đời trước của họ.

Nhưng Winkie và bức tranh trên tường của tôi sống sót; ca sĩ và ngư phủ trở thành thông lệ trong đời sống của chúng tôi, giống như giờ cocktail, nay đã thành một thói quen quá mạnh mẽ không thể dứt bỏ.

“Mỗi giọt lệ và niềm đau nhỏ bé,” Winkie hát, “càng kéo em lại gần anh…” Còn giọng ông càng lúc càng kém đi, tới khi nghe như một cây đàn sitar mà bầu cộng hưởng, làm bằng vỏ bí ngô sơn mài, đã bị chuột gặm từ lâu.

“Vì bệnh suyễn,” ông bướng bỉnh bào chữa.

Trước khi chết, ông mất giọng hoàn toàn; bác sĩ sửa đổi kết quả chẩn đoán thành ung thư vòm họng; nhưng họ lại sai, bởi Winkie không chết vì bệnh mà vì nỗi cay đắng mất đi người vợ mà sự bất trinh ông chưa từng hoài nghi. Con trai ông, được đặt tên là Shiva theo vị thần sáng tạo và hủy diệt, ngồi dưới chân ông trong những ngày đầu ấy, lặng lẽ chịu đựng gánh nặng là căn nguyên (hoặc giả nó nghĩ vậy) sự suy sụp từ từ của cha mình. Và dần dà, theo năm tháng, chúng tôi chứng kiến đôi mắt nó ngập một nỗi căm giận không thể nói thành lời; chúng tôi chứng kiến nắm tay nó siết lại quanh từng viên sỏi rồi ném đi (ban đầu vô hại, nhưng ngày một nguy hiểm hơn khi nó lớn) ra khoảng trống xung quanh.

Khi thằng lớn của Lila Sabarmati lên tám, nó tự ý chọc ghẹo Shiva về tính khó gần, cái quần cộc không hồ, cặp đầu gối củ lạc; thế là thằng bé đã bị tội ác của Mary đày đọa trong kiếp nghèo với đàn phong cầm liền ném một hòn đá bẹt và sắc, cạnh bén như dao cạo, làm kẻ chòng ghẹo nó mù mắt phải. Sau tai nạn của Mắt Chẻ, Wee Willie Winkie đến Điền trang Methwold một mình, bỏ lại đứa con trai bước vào những mê cung u tối mà về sau chỉ một cuộc chiến tranh mới giải thoát được nó.

Vì sao Điền trang Methwold tiếp tục chịu đựng Wee Willie Winkie bất chấp sự hư hoại trong giọng hát của ông và hành vi bạo lực của con ông: ông từng, một lần, cho họ một gợi ý quan trọng về cuộc sống.

“Đứa trẻ đầu tiên chào đời,” ông nói, “sẽ biến quý vị thành thật.”

Là hệ quả trực tiếp từ gợi ý của Winkie, tôi, trong những ngày đầu, cực kỳ đắt khách. Amina và Mary giành giật sự chú ý của tôi; nhưng ở mọi nhà tại Điền trang đều có người muốn biết tôi. Và sau cùng Amina, cho phép niềm tự hào về tiếng tăm của tôi lấn át tâm lý miễn cưỡng để tôi ra khỏi tầm mắt, đồng ý cho mượn tôi, dưới hình thức xoay tua, cho các gia đình trên đồi. Được Mary Pereira đẩy đi trong cỗ xe nôi màu thiên thanh, tôi bắt đầu cuộc diễu hành chiến thắng quanh các cung điện lợp ngói đỏ, ban vinh dự cho lần lượt từng nhà với sự hiện diện của mình, và khiến chúng trở nên thật với chủ nhân.

Và giờ, nhìn lại bằng đôi mắt của Bé Saleem, tôi có thể vén màn hầu hết mọi bí mật của hàng xóm, bởi những người lớn đã sống cuộc đời họ trước mặt tôi mà không hề e dè bị quan sát, không biết rằng, nhiều năm sau, ai đó sẽ nhìn lại qua đôi mắt trẻ thơ và quyết định bật mí điều bí mật.

Thế nên đây là ông lão Ibrahim, đang chết mòn trong lo âu vì, ở châu Phi, các chính phủ đang quốc hữu hóa các đồn điền sisal của ông. Đây là con cả của ông Ishaq đang buồn bực về việc kinh doanh khách sạn lâm vào cảnh nợ nần, khiến ông ta buộc phải vay tiền đám anh chị trong vùng. Đây là cặp mắt của Ishaq, đang thèm khát cô em dâu, mặc dù vì sao Nussie vịt bầu có thể khơi dậy ham muốn tình dục ở ai đó vẫn là điều bí ẩn đối với tôi.

Và đây là chồng Nussie, Ismail tay luật sư, người đã thu được một bài học quan trọng từ ca đẻ forcep của đứa con trai: “Ở đời chẳng có gì chui ra trót lọt cả,” ông ta bảo cô vợ vịt bầu, “trừ phi nó được ép ra.”

Áp dụng triết lý ấy vào sự nghiệp luật gia của mình, ông ta đeo đuổi một sự nghiệp hối lộ quan tòa và dàn xếp bồi thẩm; mọi đứa trẻ đều có quyền năng thay đổi cha mẹ và Sonny đã biến cha mình thành một gã lừa đảo hết sức thành công.

Và, chuyển sang Biệt thự Versailles, đây là Bà Dubash với bàn thờ thần Ganesh của bà ta, được nhét vào góc một căn hộ với sự bừa bộn siêu nhiên đến mức, ở nhà tôi, chữ “dubash” trở thành một động từ nghĩa là “bày bừa”

… “Ôi, Saleem, con lại dubash phòng con rồi, cái thằng da đen này!” Mary sẽ kêu ca. Và giờ căn nguyên của sự bừa bộn, nghiêng người qua mái chiếc xe nôi để bẹo cằm tôi: Adi Dubash, nhà vật lý, thiên tài của hạt nhân nguyên tử và rác rưởi. Bà vợ, đã có thai Cyrus-đại-đế, lùi lại sau, nuôi lớn đứa con, có một điều gì đó cuồng tín lóe lên trong khóe mắt, đang lặng lẽ chờ thời; nó sẽ không trỗi dậy cho đến khi Ông Dubash, người ngày ngày phải làm việc với những vật chất nguy hiểm nhất trên đời, chết vì nghẹn một quả cam mà bà vợ quên không tách hột.

Tôi không bao giờ được mời tới căn hộ của Bác sĩ Narlikar, viên bác sĩ phụ khoa ghét trẻ con; nhưng tại nhà Lila Sabarmati và Homi Catrack tôi trở thành một tên nhòm trộm, một kẻ đồng lõa tí hon với một ngàn lẻ một sự bất trinh của Lila, và cuối cùng là nhân chứng cho sự khởi đầu của cuộc tư thông giữa cô vợ viên sĩ quan hải quân với tay trùm-phim-và-chủ-ngựa-đua; điều rồi sẽ đến lúc phục vụ đắc lực cho tôi khi tôi toan tính một hành động trả thù nào đó.

Ngay cả một đứa trẻ cũng phải đối diện với vấn đề định nghĩa bản thân; và tôi buộc phải nói rằng sự nổi tiếng sớm của tôi có những mặt khó khăn riêng của nó, vì tôi bị tấn công tới tấp bởi một sự đa dạng hỗn loạn về cách nhìn nhận vấn đề, là Kẻ được Ban phước với vị guru dưới vòi nước, kẻ nhòm trộm với Lila Sabarmati; trong mắt Nussie-vịt-bầu tôi là một địch thủ, và một địch thủ thành công hơn, của thằng Sonny nhà cô ta (mặc dù, rất đáng khen, cô ta không bao giờ thể hiện sự cay cú, và cũng hỏi mượn tôi như tất cả mọi người); với bà mẹ hai đầu của tôi, tôi là đủ thứ bé bỏng trên đời – họ gọi tôi là joonoo-moonoo, và putch-putch, và mảnh trăng nhỏ bé.

Nhưng, nói cho cùng, một đứa bé có thể làm được gì ngoài việc nuốt hết tất cả và hy vọng sau này sẽ hiểu ra? Kiên nhẫn, mắt ráo hoảnh, tôi hấp thụ thư-Nehru và lời tiên tri của Winkie; nhưng ấn tượng sâu sắc hơn tất thảy lại đến vào ngày cô con gái ngớ ngẩn của Homi Catrack gửi suy nghĩ của cô ta qua vòng xuyến vào cái đầu trẻ thơ của tôi.

Toxy Catrack, với cái đầu ngoại cỡ và cái miệng nhỏ dãi; Toxy, người đứng ở ô cửa sổ có song sắt trên gác thượng, trần truồng, thủ dâm với những động tác của sự ghê tởm bản thân tột độ; người nhổ bọt rất mạnh và thường là qua song sắt, đôi khi trúng đầu bọn tôi… có hai mươi mốt tuổi, một cô gái điên dở ngô ngọng, sản phẩm của nhiều năm giao phối cận huyết. Nhưng trong đầu tôi cô rất đẹp, vì cô đã không đánh mất những thiên khiếu mọi đứa trẻ sinh ra đều có nhưng sẽ bị cuộc đời từng bước bào mòn đi. Tôi không nhớ được bất kỳ điều gì Toxy nói khi cô gửi ý nghĩ của mình đến thì thầm với tôi; có lẽ chẳng có gì ngoài tiếng ú ớ và nhổ bọt; nhưng cô đã cho cánh cửa trong trí óc tôi một cú huých khẽ, thế nên khi một biến cố xảy ra trong một cái tủ giặt thì có lẽ chính Toxy đã khiến nó thành có thể.

Tạm thời như thế là đủ rồi, về những ngày đầu đời của Bé Saleem – chưa gì sự hiện diện của tôi đã tác động đến lịch sử; chưa gì Bé Saleem đã thay đổi mọi người xung quanh; và, ở trường hợp cha tôi, tôi cho rằng chính tôi đã đẩy ông vào những sự quá đà đã dẫn đến, có lẽ là tất yếu, giai đoạn hãi hùng của sự đóng băng.

Ahmed Sinai không bao giờ tha thứ cho con trai vì đã làm giập ngón chân ông. Ngay cả khi đã tháo nẹp, ông vẫn hơi tập tễnh.

Cha tôi cúi xuống cũi của tôi và nói, “Chà, con trai: con định thế nào là khởi đầu thế ấy. Chưa gì con đã bắt đầu cho bố già tội nghiệp của con ăn đòn rồi!”

Theo quan điểm của tôi, câu này chỉ phân nửa là đùa. Bởi vì, với sự ra đời của tôi, tất cả đã thay đổi với Ahmed Sinai. Vị thế của ông trong gia đình bị lung lay khi tôi xuất hiện. Đột nhiên sự ân cần của Amina đã tìm thấy những mục tiêu khác; bà không bao giờ phỉnh tiền của ông nữa, và tấm khăn trên lòng ông ở bàn ăn sáng đôi khi lại nhói lên nỗi buồn hoài niệm về những ngày tháng cũ.

Bây giờ là “Con mình cần cái này cái nọ,” hay “Janum, mình phải đưa tôi tiền cho cái nọ cái kia.” Quá tệ, Ahmed Sinai nghĩ. Cha tôi luôn tự cho mình là quan trọng.

Và thế là chính thành tích của tôi đã khiến cho Ahmed Sinai, trong những ngày đầu tôi ra đời, rơi vào hai ảo tưởng sinh đôi mà rồi sẽ trở thành sự sụp đổ của ông, vào thế giới không có thực của yêu tinh và vùng đất trong lòng biển.

Một hồi ức về cha tôi trong một tối mùa lạnh, ngồi trên giường tôi (dạo ấy tôi lên bảy) mà kể cho tôi, với chất giọng hơi quánh lại, chuyện người đánh cá tìm thấy yêu tinh trong một cái chai bị dạt lên bãi biển…

“Đừng bao giờ tin lời hứa của yêu tinh, con trai! Thả chúng ra là chúng sẽ nuốt tươi con!”

Và tôi, rụt rè – vì tôi có thể ngửi thấy mùi hiểm nguy trong hơi thở cha tôi: “Nhưng, Abba, yêu tinh sống được trong chai thật à?”

Và thế là cha tôi, trong một cơn thay đổi tâm trạng chóng mặt, cười rầm lên và rời khỏi phòng, trở lại với một cái chai màu xanh sẫm có nhãn trắng.

“Nào,” ông trầm giọng hỏi, “con có muốn xem yêu tinh trong này không?”

“Không!” tôi sợ hãi ré lên.

Nhưng “Có!” con Khỉ Đồng em tôi reo to từ giường bên cạnh… và co rúm lại trong nỗi khiếp sợ háo hức, chúng tôi xem ông vặn nút rồi lấy bàn tay bịt cổ chai lại đầy vẻ kịch tính; và giờ, trên tay kia, một chiếc bật lửa xuất hiện.

“Thế là tiêu đời lũ yêu tinh gian ác!” cha tôi kêu lên, rồi, nhấc tay ra, gí ngọn lửa vào cổ chai. Kinh hãi, con Khỉ và tôi quan sát một ngọn lửa ma quái, lam-lục-vàng, chầm chậm di chuyền xuống theo vòng tròn ở mặt trong chai; tới khi, xuống đến đáy, nó bùng lên giây lát rồi tắt ngấm.

Hôm sau tôi khơi mào hàng tràng cười khi bảo Sonny, Mắt Chẻ và Tóc Dầu, “Bố tao chiến đấu với yêu tinh; ông đánh bại chúng; thật đấy!…” Và có thế thật. Không bao lâu sau khi tôi ra đời, Ahmed Sinai, bị tước bỏ những sự phỉnh nịnh và quan tâm, bắt đầu cuộc đấu tranh trọn đời với những chai đựng yêu tinh. Nhưng tôi đã nhầm một điều: ông không thắng.

Tủ cocktail đã kích thích khẩu vị ông; nhưng sự xuất hiện của tôi mới là điều đẩy ông đến với nó… Hồi ấy, Bombay mới được tuyên bố là bang cấm rượu. Cách duy nhất kiếm rượu là lấy được chứng nhận nghiện rượu; và thế là một giống bác sĩ mới sinh sôi, bác sĩ-tửu tinh, một trong số này, Bác sĩ Sharabi, được giới thiệu với cha tôi qua ông Homi Catrack hàng xóm.

Sau đó, cứ vào ngày đầu tháng cha tôi và Ngài Catrack và nhiều nhân vật khả kính nhất của thành phố lại xếp hàng ngoài cánh cửa kính sần tại phòng mổ của Bác sĩ Sharabi, đi vào, rồi quay ra với những tờ tem phiếu rượu màu hồng be bé. Nhưng khẩu phần cho phép quá ít so với nhu cầu của cha tôi; thế là ông bắt đầu sai cả người hầu đi; và thợ làm vườn, người bưng bê, tài xế (giờ chúng tôi đã có ô tô, một chiếc 1946 Rover có gờ lên xuống, giống của William Methwold), thậm chí cả lão Musa và Mary Pereira, đem về cho cha tôi càng lúc càng nhiều tem hồng, ông mang tem hồng tới Bách hóa Vijay đối diện hiệu thợ cạo cắt bao quy đầu ở Đường Gowalia Tank để đổi lấy những túi giấy nâu đựng rượu, bên trong là những chai màu xanh kêu lanh canh, chứa đầy tửu tinh.

Và cả whisky nữa: Ahmed Sinai xóa nhòa đường nét của bản thân bằng cách uống những chai xanh và nhãn đỏ của người hầu. Người nghèo, chẳng có gì khác để kiếm tiền, bán danh tính họ trên những mẩu giấy hồng; còn cha tôi biến chúng thành chất lỏng và nốc cạn.

Vào sáu giờ mỗi tối, Ahmed Sinai bước vào thế giới của tửu tinh; và mỗi sáng, mắt đỏ ngầu, đẫu nhức nhối vì kiệt lực sau trận chiến suốt đêm, ông không cạo râu ngồi vào bàn ăn sáng; và theo dòng chảy của năm tháng, tâm trạng phấn khởi trước khi cạo râu của ông bị thay thế bởi sự kiệt quệ cáu bẳn của cuộc chiến giữa ông với những linh thần trong chai.

Sau khi ăn sáng, ông xuống nhà. Ông dành riêng hai phòng ở tầng trệt để làm văn phòng, vì khả năng định hướng của ông vẫn kém như thường lệ, và ông không thích thú gì cái ý tưởng bị lạc giữa Bombay trên đường đi làm; nhớ đường đi xuống một lượt cầu thang thì cả ông cũng làm được. Đường nét nhạt nhòa, cha tôi thực hiện những giao dịch bất động sản; và cơn giận tăng dần của ông trước việc mẹ tôi chuyên chú vào đứa con tìm được một lối xả mới sau cánh cửa văn phòng – Ahmed Sinai bắt đầu ve vãn các cô thư ký.

Sau nhiều đêm mà trận cãi vã với những chai rượu đôi khi bùng phát với những lời lẽ cay nghiệt – “Vợ với chả con! Thế này thì tôi mua quách một thằng con rồi thuê một mụ vú nuôi – có khác gì đâu?”

Và rồi nước mắt, và Amina, “Ôi, ja-num – đừng dằn vặt em!”

Và thế là khơi lên, “Dằn vặt cái chân tôi! Cô nghĩ chồng đòi hỏi vợ quan tâm là dằn vặt à? Chúa cứu con khỏi lũ đàn bà ngu độn!” – cha tôi tập tễnh xuống cầu thang để lồi mắt ra nhìn các cô gái Colaba. Và sau một thời gian Amina bắt đầu để ý thấy thư ký của ông không ai ở được lâu, họ đột ngột bỏ đi, hầm hầm lao ra khỏi cửa nhà tôi không hề báo trước; và quý vị phải tự đánh giá đấy là bà giả mù, hay bà chấp nhận điều đó như một sự trừng phạt, nhưng tóm lại bà không có phản ứng gì, tiếp tục dồn hết thời gian cho tôi; hành động duy nhất của bà để ghi nhận sự việc là đặt cho các cô gái một cái tên chung.

“Mấy ả lai Anh ấy,” bà bảo Mary, để lộ một chút hợm hĩnh, “tên thì kỳ cục, Fernand với Alonso này kia, họ thì, trời ạ! Sulaca với Colaco cái gì không biết. Việc gì ta phải bận tâm về các ả? Loại đàn bà rẻ tiền. Ta gọi tất là đám gái Coca-Cola của ông ta – tên mấy ả nghe đều rưa rứa cả.”

Trong khi Ahmed véo: những cặp mông, Amina trở nên cam chịu; nhưng có lẽ nếu bà tỏ ra quan tâm thì ông hẳn đã thấy vui.

Mary Pereira nói, “Những cái tên đấy không hề kỳ cục, thưa Bà; nói Bà bỏ quá, nhưng đấy là những từ Thiên Chúa tốt đẹp.” Amina liền nhớ lại vụ cô em họ Zohra của Ahmed đem da đen ra làm trò cười – và, cuống lên để xin lỗi, bà phạm vào sai lầm của Zohra: “Ôi, không phải nói em đâu, Mary, sao em có thể nghĩ rằng chị đang giễu em?”

Đầu sừng, mũi dưa chuột, tôi nằm trong cũi lắng nghe; và mọi chuyện xảy ra, đều vì tôi mà xảy ra… Một ngày tháng Một năm 1948, lúc năm giờ chiều, cha tôi được Bác sĩ Narlikar đến thăm. Những cái ôm hôn như thường lệ, rồi những cái vỗ lưng.

“Làm tí cờ nhé?” bố tôi hỏi, theo nghi thức, vì các cuộc viếng thăm này đang trở thành thông lệ.

Họ sẽ chơi cờ theo lối Ấn Độ xưa, trò chơi shatranj, và, được giải phóng khỏi những phức tạp trong cuộc sống bởi sự giản đơn của bàn cờ, Ahmed sẽ mơ tưởng trong một giờ đồng hồ về chuyện sắp xếp lại kinh Quran; thế rồi đến sáu giờ, giờ cocktail, giờ của tửu tinh…

Song tối nay Narlikar nói, “Không.”

Và Ahmed, “Không? Không là sao? Nào, ngồi, chơi, buôn chuyện…”

Narlikar ngắt lời: “Tối nay, người anh em Sinai ạ, có thứ này tôi phải cho anh xem.”

Giờ họ đang ngồi trên chiếc 1946 Rover, Narlikar quay cần khởi động rồi nhảy lên; và họ đang chạy về phía Bắc theo đường Warden, qua đền Mahalaxmi bên trái và sân golf Willingdon Club bên phải, bỏ trường đua ngựa lại sau, lăn bánh dọc Hornby Vellard cạnh con đê biển; sân vận động Vallabhbhai Patel đã nằm trong tầm mắt, với những hình nộm đô vật khổng lồ bằng bìa, Bano Devi Người đàn bà Bất khả Chiến bại và Dara Singh, dũng sĩ đệ nhất… những người bán channa và dắt chó đi dạo tản bộ bên bờ biển.

“Dừng lại,” Narlikar ra lệnh, và họ xuống xe. Họ đứng nhìn ra biển; gió biển thổi mát mặt họ; ngoài xa, ở cuối con đường hẹp lát xi măng giữa những con sóng, là hòn đảo đặt lăng tẩm của vị thánh Haji Ali. Khách hành hương đang sải bước giữa Vellard và lăng mộ.

“Đó,” Narlikar chỉ, “Anh thấy gì?”

Và Ahmed, hoang mang, “Chả thấy gì sất. Lăng. Người. Thế này là sao, ông bạn già?”

Và Narlikar, “Không phải cái đấy. Kia kìa!”

Và giờ Ahmed thấy ngón tay đang chỉ của Narlikar trỏ vào lối đi lát xi măng…

“Con đường bờ biển ?” ông hỏi, “Cái đó thì sao? Vài phút nữa thủy triều sẽ lên và phủ kín nó; ai chả biết…”

Narlikar, làn da tỏa sáng như một ngọn hải đăng, trở nên triết lý.

“Chính thế, người anh em Ahmed; chính thế. Đất và biển; biển và đất; cuộc tranh đấu muôn đời, phải không?” Ahmed, không hiểu gì, im lặng.

“Một thời nơi đây từng có bảy hòn đảo,”

Narlikar nhắc ông, “Worli, Mahim, Salsette, Matunga, Colaba, Mazagaon, Bombay. Người Anh hợp chúng lại. Biển, người anh em Ahmed, trở thành đất. Đất nổi lên, và không chìm xuống dưới thủy triều!”

Ahmed thấy thèm whisky; môi ông bắt đầu trề ra trong khi khách hành hương rảo bước trên con đường hẹp. “Ý tưởng,” ông chất vấn.

Và Narlikar, rực rỡ ánh quang huy: “Ý tưởng, Ahmed bhai, là đây!”

Nó chui ra từ túi ông: một mô hình thạch cao nhỏ cao hai tấc: cái tetrapod! Như một cái logo ba chiều của Mercedes-Benz, ba chân đứng trên tay ông, chân thứ tư vươn lên theo kiểu linga giữa trời đêm, nó làm cha tôi chết lặng.

“Cái gì thế?” ông hỏi.

Và Narlikar liền bảo ông: “Đây là cục cưng sẽ làm chúng ta giàu hơn cả Hyderabad, bhai! Món đồ chơi nhỏ bé sẽ biến anh, anh và tôi, thành chủ nhân của nó! Ông chỉ về nơi biển đang ào đến trên lối đi lát xi măng không người… Vùng đất dưới mặt biển, bạn ơi! Chúng ta phải sản xuất thứ này hàng nghìn chiếc – hàng chục nghìn! Chúng ta phải bỏ thầu những hợp đồng lấn biển: cả một gia tài đang đợi; đừng bỏ lỡ, người anh em, đây là cơ hội cả đời người đấy!”

Vì sao cha tôi bằng lòng mơ giấc mơ kinh doanh của một bác sĩ phụ khoa? Vì sao, từng chút một, viễn cảnh về những khối tetrapod bê tông kích thước thật hành quân trên con đường ven biển, những kẻ chinh phục bốn chân giành chiến thắng trước biển cả, lại hớp hồn ông hoàn toàn như với vị bác sĩ phát sáng? Vì sao, những năm sau này Ahmed lại dâng hiến bản thân cho cái ảo tưởng của mọi cư dân vùng đảo – cái huyền thoại chinh phục những con sóng? Có thể vì ông sợ bỏ lỡ một ngã rẽ nữa; có thể vì tình bằng hữu của những ván shatranj; hoặc có lẽ vì sự đáng tin cậy của Narlikar –

“Vốn của anh và quan hệ của tôi, Ahmed bhai, còn có khó khăn gì được? Mọi nhân vật tiếng tăm ở thành phố này đều có một đứa con trai do tay tôi đón ra đời; sẽ không cửa nào đóng. Anh sản xuất; tôi sẽ kiếm hợp đồng! Năm mươi – năm mươi; ăn đồng chia đủ!”

Nhưng, theo quan điểm của tôi, có một cách giải thích đơn giản hơn. Cha tôi, bị tước đoạt sự quan tâm của vợ, bị thay thế bởi con trai, bị nhòa đi vì whisky và tửu tinh, đang cố gắng khôi phục vị thế của mình trong thế giới này; và giấc mơ tetrapod cho ông cơ hội ấy. Toàn tâm toàn ý, ông lao vào trò dại dột đồ sộ ấy; thư được viết; cửa được gõ, tiền hối lộ được trao tay; tất cả góp phần biến Ahmed Sinai thành một cái tên quen thuộc ở những hành lang của Sachivalaya – trên các lối đi của Văn phòng Bang người ta đánh hơi thấy một tay người Hồi đang vãi tiền như nước. Và Ahmed Sinai, uống đến ngủ mê mệt, không hay biết về mối hiểm nguy ông đang dấn thân vào.

Cuộc sống của chúng tôi, ở giai đoạn này, được định hình bằng thư tín. Thủ tướng viết cho tôi khi tôi mới bảy ngày tuổi – trước khi biết tự chùi mũi tôi đã nhận được thư hâm mộ từ độc giả của Thời báo Ấn Độ; và một sáng tháng Một, cả Ahmed Sinai cũng nhận được một bức thư mà ông sẽ chẳng bao giờ quên được.

Đôi mắt đỏ ngầu ở bữa sáng được tiếp nối bằng cái cằm cạo nhẵn của ngày làm việc; tiếng chân xuống tầng; tiếng giật mình khúc khích của cô gái Coca-Cola. Tiếng cót két của cái ghế bị kéo lại gần chiếc bàn phủ vải giả da màu lục. Tiếng kim khí của lưỡi dao rọc bằng kim loại được nhấc lên, va chạm vào máy điện thoại trong giây lát. Tiếng xoẹt ngắn của kim loại xén vào lớp phong bì; và một phút sau, Ahmed chạy ngược lên cầu thang, la gọi mẹ tôi, hét lớn:

“Amina! Lại đây, mình! Bọn con hoang nhét hai hòn của tôi vào xô đá rồi!”

Những ngày sau khi Ahmed nhận được thư chính thức thông báo việc đóng băng toàn bộ tài sản của ông, cả thế giới nhất tề lên tiếng…

“Ơ kìa, janum, mình ăn nói thế à!” Amina đang nói – và có phải tôi tưởng tượng ra, hay một đứa bé vừa đỏ mặt trong cái cũi màu thiên thanh?

Và Narlikar, xuất hiện trong cơn hốt hoảng dầm dề, “Lỗi tại tôi mọi đàng; bọn ta đã quá phô trương. Bây giờ đang buổi rối ren, Sinai bhai – đóng băng tài sản của một gã người Hồi, họ bảo, rồi ép gã chạy sang Pakistan, bỏ lại tất cả của cải. Tóm đuôi thằn lằn rồi thì nó sẽ tự đứt đuôi! Cái gọi là chính quyền thế tục này có những ý tưởng ranh mãnh thật.”

“Tất cả,” Ahmed Sinai nói, “tài khoản ngân hàng, trái phiếu tiết kiệm; tiền thuê nhà từ bất động sản ở Kurla – phong tỏa, đóng băng hết. Theo lệnh, thư viết. Theo lệnh chúng sẽ không để cho tôi có lấy bốn anna, mình ạ – không có lấy một chavanni để xem hộp vạn hoa!”

“Tại mấy bức hình đăng báo,” Amina quả quyết.

“Không thì làm sao quân khốn nạn ma lanh tinh tướng ấy biết ai mà khởi tố? Trời ơi, janum, lỗi tại em…”

“Không có lấy mười xu để mua một xiên channa,” Ahmed Sinai thêm, “không có lấy một anna để bố thí cho ăn mày. Đóng băng – như trong tủ lạnh!”

“Lỗi tại tôi,” Ismail Ibrahim nói, “Lẽ ra tôi phải cảnh báo anh, Sinai bhai, tôi đã nghe nói tới mấy vụ đóng băng này – chỉ những người Hồi giàu có mới bị chọn, tất nhiên rồi. Anh phải chiến đấu…”

“…máu lửa vào!” Homi Catrack hối thúc, “Như một con mãnh sư! Như Aurangzeb – tổ tiên của anh, phải không nhỉ? – như Quận chúa xứ Jhansi! Để xem chúng ta rơi vào cái đất nước kiểu gì!”

“Ở đất nước này hãy còn tòa án đấy,” Ismail Ibrahim thêm; Nussie-vịt-bầu cười một nụ cười đần đụt trong khi cho Sonny bú; ngón tay cô ta chuyển động, vô thức vuốt ve hai hốc lõm của nó, đi lên đi xuống, quay qua quay lại, theo một nhịp điệu đều đặn, bất biến… “Anh phải tiếp nhận sự hỗ trợ pháp lý của tôi,” Ismail bảo Ahmed.

“Hoàn toàn miễn phí. Không, không, đừng nhắc đến chuyện đấy. Có nhẽ đâu thế? Mình là hàng xóm cơ mà.”

“Phá sản,” Ahmed nói, “Đóng băng, như nước ấy.”

“Mình lại đây,” Amina ngắt lời ông; sự dâng hiến trỗi dậy ở tầm cao mới, bà dẫn ông về phòng…

“Janum, mình cần nằm xuống một lát.”

Và Ahmed: “Thế này là sao, mình? Giữa lúc như thế này – trắng tay; mạt vận; nát vụn như đá – vậy mà mình lại nghĩ đến…”

Nhưng bà đã đóng cửa; dép đã được đá tung ra, cánh tay bà vươn về phía ông; và không bao lâu sau bàn tay bà lần xuống xuống xuống, và rồi, “Ôi trời ơi, janum, em tưởng mình chỉ nói bậy nhưng đúng thật! Lạnh quá, Allah, lạnh quáááá, như hai cục đá tròn ấy!”

Những chuyện như vậy vẫn xảy ra; sau khi Chính quyền đóng băng tài sản của cha tôi, mẹ tôi bắt đầu thấy chúng càng lúc càng lạnh hơn. Vào ngày đầu tiên, con Khỉ Đồng được thụ thai – vừa kịp lúc, vì sau đó, mặc dù Amina nằm bên chồng hằng đêm để sưởi ấm cho ông, mặc dù bà cuộn mình ôm chặt ông khi thấy ông run bần bật lúc những ngón tay băng giá của thịnh nộ và bất lực từ dương căn của ông vươn lên, bà không chịu nổi việc sờ tay vào đó nữa bởi hai hòn đả nhỏ của ông đã trở nên buốt lạnh tới mức không thể cầm được.

Họ – chúng tôi – đáng lẽ phải đoán được chuyện tồi tệ sẽ xảy ra. Tháng Một năm đó, Bãi biển Chowpatty, cả Juhu và Trombay nữa, ngổn ngang xác cá chim báo điềm gở, những cái xác trôi, không bóng dáng một lời giải thích, ngửa bụng, như những ngón tay đầy vảy dạt vào bờ.

Bình luận