Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Quả Trứng Định Mệnh

Chương 2

Tác giả: Mikhail Bulgakov

Vậy là giáo sư bật ngọn đèn trần và nhìn quanh. Rồi ông bật chiếc kính phản xạ trên mặt bàn thí nghiệm dài, khoác áo choàng trắng, sấp xếp lại một vài dụng cụ trên bàn…

Có không ít trong số ba chục ngàn cỗ xe cơ giới năm một nghìn chín trăm hai tám chạy ngang dọc khắp Moskva hàng ngày lao ầm ầm trên mặt đường nhựa phẳng qua phố Gersen, và cứ cách một phút lại có chuyến xe điện số Mười sáu, Hai hai, Bốn tám hoặc Năm ba nghiến ken két, kêu loảng xoảng từ phố Gersen chạy xuôi xuống phố Mokhovaia, hắt những đốm sáng nhiều màu lên mặt kính cửa sổ phòng làm việc của giáo sư. Và trên cao xa tít, mặt trăng lưỡi liềm nhợt nhạt treo cạnh ngọn tháp đen thẫm, hùng vĩ của nhà thờ Đấng Cứu Thế.

Nhưng giáo sư Persicov không hề để ý đến cả mảnh tráng mờ ảo lẫn tiếng ồn ào náo động của Moskva vào xuân. Ông ngồi trên một chiếc ghế quay ba chân và đưa những ngón tay vàng khè vì thuốc lá vặn núm điều chỉnh của chiếc kính hiển vi tuyệt hảo hãng Zeiss(*) đang soi những tiêu bản không nhuộm bình thường những con amip sống.

Đúng vào lúc giáo sư Persicov vừa thay độ phóng đại từ năm lên mười ngàn lần, thì cánh cửa ra vào nhẹ nhàng mở, một chòm râu nhọn thò vào, tiếp đó là tấm tạp dề che ngực bằng da, và viên trợ lí lên tiếg gọi:

– Bác Vlađimir Ipatievich, cháu đã cố định xong màng treo ruột, bác có muốn xem qua một tí không?

Persicov lập tức tụt xuống ghế, bỏ mặc núm điều chỉnh kính hiển vi ở giữa chừng, rồi xoay xoay điếu thuốc lá trong tay, bước sang phòng làm việc của viên trợ lí. ở đó, trên mặt bàn bằng kính, một con ếch chỉ còn thoi thóp, gần như chết ngất đi vì sợ hãi và đau đớn, bị mổ bụng và căng tứ chi trên mặt giá đỡ bằng li-e, còn bộ lòng ruột trong suốt như mica của nó thì bị kéo ra khỏi khoang bụng đẫm máu và đặt lên giá kính hiển vi.

– Rất tốt! – Persicov nói và dán mắt vào ống thị kính của kính hiển vi.

Có lẽ vì nhìn thấy một cái gì đó hết sức thú vị trên màng treo ruột của con ếch, nơi những hạt hồng huyết cầu sống động hối hả nhạy trên các dòng sông mạch máu, Persicov quên phứt ngay những con amip của mình và trong khoảng nửa tiếng đồng hồ cùng với Ivanov thay phiên nhau dán mắt vào ống kính hiển vi.

Đồng thời hai nhà bác học sôi nổi trao đổi với nhau những lời khó hiểu đối với những loại người trần mắt thịt.

Cuối cùng, Persicov rời mất khỏi ống thị kính, tuyên bố:

– Máu bị đông lại, chẳng làm sao được cả, bố khỉ!

Con ếch nặng nề ngọ nguậy đầu, và trong cặp mất tắt lịm dần của nó như hiện ra rõ ràng những từ “Các người đúng là quân chó má…” Duỗi cặp chân bị tê cứng ra, Persicov đứng dậy, đi về phòng làm việc của mình, ngửa mặt lên ngáp, lấy máy ngón tay xoa xoa cặp mí mắt suốt đời bị sưng mọng, rồi ngồi xuống chiếc ghế xoay, ghé mắt nhìn vào ống kính hiển vi. Ngón tay ông đã túm lấy núm điều chỉnh định xoay, nhưng rồi lại không xoay. Bằng con mắt phải Persicov nhìn thấy một đĩa tròn trắng đục, trên đĩa là những con amip màu xanh thẫm, còn ở chính giữa đĩa tròn đó có một luồng sáng màu xoắn lại như búp tóc phụ nữ. Luồng sáng này bản thân Persicov và hàng trăm học trò của ông cũng đã nhìn thấy rất nhiều lần nhưng không một ai quan tâm đến nó cả, mà thực ra cũng chẳng có lí do gì để quan tâm. Chùm tia sáng màu này chỉ gây cản trở cho việc quan sát và chứng tỏ rằng vật mẫu tiêu bản chưa nằm đúng tiêu điểm. Vì vậy nó sẽ bị xóa đi không thương tiếc bằng vòng xoay của núm điều chỉnh, khiến cho trên mặt kính hiện ra một chùm ánh sáng trắng đều đặn. Những ngón tay dài của nhà động vật học đã nắm chắc lấy núm điều chỉnh, nhưng đột nhiên chúng giật nảy lên và rơi trượt xuống. Nguyên nhân của việc đó là con mắt phải của Persieov. Ông chợt trở nên cảnh giác, sửng sốt, thậm chí lo lắng. Ngồi bên ống kính hiển vi này đâu phải là một kẻ bất tài vô tướng nào đó chỉ ăn tàn phá hại nhà nước cộng hòa. Không, ngồi bên ống kính là giáo sư Persicov? Suốt đời, toàn bộ tâm trí của ông tập trung vào con mất phải. Chừng năm phút trong sự im lặng như hóa đá, một sinh vật bậc cao chăm chú quan sát các sinh vật bậc thấp, khổ sở căng mắt trên mẫu tiêu bản nằm ngoài tiêu điểm của ống kính. Xung quanh im ắng – Pankrat đã thiếp đi trong gian buồng của mình ở ngoài tiền sảnh, và chỉ một lần từ xa vẳng lại tiếng thủy tinh trong suốt và khẽ khàng va chạm nhau trong các tủ – đó là phó giáo sư Ivanov đang thu dọn phòng làm việc của mình để ra về. Tiếng cánh cửa lớn rền rĩ sập lại sau lưng anh. Rồi tiếp đó vang lên giọng nói của giáo sư. Ông nói với ai – không biết.

– Cái gì thế này? Chằng hiểu cái gì cả…

Một chiếc ô tô vận tải muộn màng lăn bánh dọc phố Gersen làm cho các bức tường già cỗi của Viện run rẩy. Chiếc đĩa thủy tinh đựng cặp nhíp trên bàn nhảy lên kêu lanh canh. Giáo sư hốt hoảng đưa tay ra phía trên chiếc kính hiển vi, giống như một bà mẹ định che chở cho đứa con của mình đang bị hiểm nguy đe dọa.

Giờ đây thì không thể nói đến chuyện giáo sư Persicov sẽ vặn các núm điều chỉnh nữa, ồ không, giờ đây ông lại sợ có một lực lạ nào đó đẩy gạt ra ngoài tầm nhìn của mình cái mà ông vừa trông thấy.

Khi giáo sư Persicov rời chiếc kính hiển vi và khập khiễng trên đôi chân tê cứng bước đến bên ô cửa sổ, thì ngoài trời là một buổi bình minh trắng nhạt với dải sáng vàng óng ánh cất ngang bậc tam cáp của Viện. Đưa những ngón tay run rẩy, ông ấn nút trên tường kéo tấm màn đen dày che kín cửa sổ và trong phòng làm việc lại là đêm tối đầy thông tuệ của nhà bác học. Giáo sư Persicov vàng vọt và hưng phấn đứng xoạc hai chân ra, cắm cặp mắt đẫm lệ xuống sàn nhà, lẩm bẩm:

– Nhưng tại sao lại như vậy kia chứ? Thế này thì thật kinh khủng!… Thế này thì thật kinh khủng, thưa các ngài! – ông lặp lại, hướng về phía những con cóc trong chuồng nuôi thí nghiệm, nhưng chúng đang ngủ say sưa và không đáp lại lời bộc bạch của nhà bác học.

Ông im lặng một lát, rồi bước đến bên cửa sổ, kéo màn che lên, tắt hết đèn trong phòng và nhìn vào ống kính hiển vi. Khuôn mặt ông trở nên căng thẳng, hai hàng lông mày rậm rì của ông nhướn lên.

– Hừ-hừm, – ông hầm hừ, – biến mất rồi. Ta đã hiểu ra. Ta đã hi-ê-ểu ra, – ông kéo dài giọng, mắt nhìn đầy kích động và man dại lên ngọn đèn trần trên đầu, – điều đó thật đơn giản.

Ông lại hạ các tấm màn sột soạt xuống và bật ngọn đèn trần lên, rồi nhìn vào ống kính hiển vi, nhe răng ra sung sướng và hung bạo:

– Ta sẽ tóm được nó, – ông trang trọng và đắc thắng tuyên bố, chĩa một ngón tay lên trời,- ta sẽ tóm được nó. Có thể là do cả mặt trời.

Những tấm màn lại được kéo lên. Mặt trời đã mọc. ánh nắng tưới đẫm những bức tường của Viện và trải dài trên mặt phố Gersen. Giáo sư nhìn qua cửa sổ, đoán xem đến trưa tia mặt trời sẽ dọi vào đâu. Lúc lùi, lúc tiến, ông như đang nhảy một vũ điệu nào đó, và cuối cùng nằm vắt ngang người trên bệ cửa sổ, bắt đầu một công việc bí ẩn và quan trọng. Ông lấy một cái lồng kính chụp lên cỗ kính hiển vi. Dùng ngọn lửa đèn xì màu xanh biếc đốt cháy một mẩu xi và gắn mép của lồng chuông đó xuống bàn, ấn ngón tay cái của mình lên các vết xi. Tắt đèn, ra khỏi phòng làm việc và khóa cửa lại bằng chiếc khóa Anh.

Hành lang của Viện tối mờ mờ. Giáo sư lần bước đến phòng của Pankrat và gõ cửa rất lâu. Cuối cùng, từ bên trong cánh cửa nghe vắng ra tiếng gầm gừ như tiếng chó bị xích, tiếng khạc nhổ và lẩm bẩm, rồi Pankrat hiện ra trong khung cửa, mặc quần đùi kẻ sọc, với những dải băng buộc ở mắt cá. Đôi mắt anh ngơ ngác nhìn nhà bác học, miệng vẫn gầm gừ chưa tỉnh ngủ hẳn.

– Pankrat, – giáo sư nhìn anh qua phía trên cặp kính, – xin lỗi vì đã đánh thức anh dậy. Thế này anh bạn ạ, sáng mai không vào phòng của tôi nhé. Tôi còn làm dở công việc ở đó, không được xê dịch gì cả. Hiểu chưa?

– Hừ-ừ-ừ hiểu hiểu rồi ạ, – Pankrat đáp, vẫn chưa hiểu gì cả.

Anh lảo đảo và gầm gừ.

– Này, cậu tỉnh hẳn lại đi, Pankrat, – nhà Sinh vật học nài nỉ và khẽ thúc vào sườn Pankrat, khiến cho trên mặt anh thoáng hiện vẻ sợ hãi và một bóng tư duy lướt qua cặp mắt. – Phòng làm việc tôi đã khóa lại rồi, – Persicov nói tiếp, – cho nên không cần thu dọn gì ở đấy cả cho đến khi tôi tới. Hiểu chưa?

– Vâng ạ, – Pankrat đáp khàn khàn.

– Tốt. Vào ngủ tiếp đi.

Pankrat quay lưng, biến vào sau cánh cửa và lập tức quăng mình xuống giường, còn giáo sư thì bắt đầu sửa soạn ra về ở ngoài tiền sảnh. Ông khoác vào người tấm áo khoác mùa hè màu xám và đội lên đầu chiếc mũ mềm; rồi sực nhớ đến bức tranh vừa trông thấy trong ống kính hiển vi, ông nhìn chằm chằm lên đôi ủng cao su của mình mất mấy giày hệt như lần dầu tiên trông thấy chúng.

Sau đó, ông xỏ chân trái vào ủng trái, rồi định xỏ tiếp cả ủng phải lên chân trái, nhưng không vào.

– Một sự tình cờ khủng khiếp là cậu ta gọi mình đi, – nhà bác học nói, – nếu không mình đã chẳng nhận thấy nó. Nhưng điều này sẽ hứa hẹn cái gì? Nó sẽ hứa hẹn một điều chỉ có trời mới biết!…

Giáo sư cười khẩy, nheo mắt nhìn đôi ủng cao su, cởi chiếc trái ra và đi chiếc phải vào.

– Lạy chúa tôi. Thậm chí không thể hình dung nổi tất cả những hậu quả nó sẽ mang lại… – Giáo sư khinh bỉ đá văng chiếc ủng trái ương bướng không chịu đi vừa vào chân phải, rồi cứ thế khập khiễng trong một bên ủng bước ra cửa. Đến đây, ông đánh rơi chiếc khăn mùi xoa và đóng sầm cánh cửa ra vào nặng nề lại.

Đứng trên bậc tam cấp, ông tìm rất lâu bao diêm trong các túi, tay vỗ mãi vào hai bên sườn, cuối cùng cũng tìm thấy và cất bước dọc theo đường phố với điếu thuốc không châm lửa trên môi.

Cho tới tận nhà thờ nhà bác học không gặp một người nào.

Đến đó, ông dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn đỉnh nóc mạ vàng của nhà thờ được ánh nắng rực rữ chiếu sáng một bên.

– Làm sao mà trước đây mình không nhìn thấy nó, thật là ngẫu nhiên?… Hừ, đúng là ngớ ngẩn, giáo sư cúi nghiêng đầu ngẫm nghĩ, mắt chằm chằm nhìn đôi chân đi lộn ủng. – Hừm… làm sao bây giờ? Quay lại nhờ Pankrat? Không, Chẳng thể nào đánh thức cậu ta dậy nổi đâu. Vứt nó đi thì tiếc, cái đồ thổ tả này. Đành phải xách nó vậy. Ông cởi chiếc ủng cao su ra và cầm nó trên tay với một vẻ ghê tởm.

Có ba người từ ngõ Pretristenea rẽ ra trên một chiếc xe hơi cà tàng. Hai gã đàn ông say rượu, và ngồi trên đầu gối của họ là một ả đàn bà phấn son lòe loẹt mặc chiếc quần lụa ống rộng mốt năm một nghìn chín trăm hai tám.

– Ê bố già! – ả ta hét lên bằng giọng khàn khàn. – Bố uống rượu chiếc ủng kia đi rồi à?

– Đúng là ông lão xả láng ở quán Alkazar rồi, – gã say ở bên trái ré lên, còn gã bên phải thò đầu ra khỏi xe và hét:

– Này, bố, tiệm đêm ở Volkhonka còn mở không? Bọn này đi đến đó đây!

Giáo sư nghiêm khắc nhìn bọn họ qua phía trên cặp kính, đánh rơi điếu thuốc lá đang ngậm trong miệng, rồi ngay tức khắc quên đi sự tồn tại của đám người kia.

Một dải nắng nhạy dọc theo đại lộ Pretristenca, còn chóp tròn trên đánh nhà thờ bắt đầu cháy chói chang. Mặt trời đã lên cao.

Bình luận