Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nietzsche – Cuộc Đời Và Triết Lý

Mặc Khải Của Nietzsche

Tác giả: Felicien challaye
Thể loại: Triết Học

Công trình phê bình của Nietzsche đã phá hủy tất cả các giá trị luân lý cũng như tri thức của loài người, và từ đây lý tưởng nào sẽ chỉ đạo cho con người? Con người còn có hy vọng gì?

Niềm tin nơi Thượng đế đã mang đến cho đời người một ý nghĩa sâu xa. Nhưng ngày nay chúng ta biết Thượng đế đã chết rồi, chúng ta không nhận ra Thượng đế mới nào quấn tã nằm trong nôi cả, giờ đây ý nghĩa cuộc sống là gì?

Bi kịch của mọi bi kịch: con người thi sĩ ở hồi thứ tư đã giết chết hết cả Thượng đế bằng đức lý, việc gì phải xảy ra ở hồi thứ năm đây?

Nietzsche trao ta câu trả lời cho vấn đề qua trung gian nhân vật Zarathoustra của ông. Người tiên tri nọ nói: “Ta muốn dạy cho con người ý nghĩa của cuộc đời họ”.

Trước khi nghe chính bậc thầy, ta hãy xem Charles Andler trỏ hình ảnh nhà tiên tri ở cuốn cuối cùng trong bộ sách rất hay của ông viết về Nietzsche:

Phải tưởng tượng Zarathoustra dưới đường nét của Léonard de Vinci, do chính họa sĩ vẽ và còn giữ ở viện bảo tàng Turin. Trán hói, được bao bọc bằng những lọn tóc dài phủ xuống trên vai, lẫn với chòm râu. Đôi chân mày của thánh Moise che cho cặp mắt nghiêm trang và sâu thẳm. Môi trên đưa ra hằn giữa hai nét đau đớn dưới chiếc mũi quặm. Một nét gấp suy tư và cương nghị vẽ cong trên cái miệng thanh tú nhưng khắc khổ. Không có khuôn mặt nào rạng rỡ vẻ thông thái con người, hằn sâu đau khổ và mang những nét trang trọng thánh thiện hơn. Một chiếc áo chùng phủ dài u tối, như chiếc áo các xạ liễn thành Juse ; tay chống trượng dài đầu bọc vàng ; đã góp phần trang trọng, trong tư tưởng của Nietzsche, cho sự xuất hiện huy hoàng kia.

Zarathoustra mang đến cho ta một lý tưởng mới, một lý tưởng rất con người, nhưng siêu nhân và có lẽ cũng phi nhân.

Mặc khải của Nietzsche được nhà tiên tri trình bày thành bốn lý tưởng: Ý chí hùng tráng, Đảo ngược mọi giá trị, Siêu nhân và Trở Về Vĩnh Cửu.

Chúng ta tự cảm thấy trong ta và kiểm chứng được ngoài ta khuynh hướng đẩy con người đến chỗ biểu dương ý chí của mình, đặt nó lên sự vật và hữu thể khác để thông tri: đó là ý chí hùng tráng (Will zur Macht).

Trong một trang ở cuốn Bên kia cái Thiện và cái Ác, Nietzsche phỏng theo từ ngữ siêu hình mà ông phê phán ở các triết gia khác để tự hỏi có phải “Vũ trụ được nhìn ở bề trong, vũ trụ được xác định và ấn định bởi đặc tính trí tuệ của nó không gì khác hơn là ý chí hùng cường”. Và câu hỏi này được ông trả lời rõ ràng trong những trang di cảo đẹp lạ lùng của tác phẩm còn dang dở, Ý chí hùng tráng.

Thuyết viễn cận cho phép tìm thấy ý chí đó ở tận thế giới vô cơ. Thế giới được kết hợp bằng những trung tâm lực lượng, trong mỗi trung tâm có thực tại duy nhất là khát vọng được biến đổi mạnh hơn, thích nghi hơn, tăng tưởng thống trị hơn.

Người ta đã thấy mọi cơ biệt loại đều khao khát làm chủ khắp không gian, đánh lùi nhưng gì kháng cự lại sức bành trướng của nó. Nhưng nó cũng gặp phải các cơ khác có cùng khát vọng như vậy, chúng bèn tự sắp đặt, hòa hợp với nhau vì cùng loại, và từ đấy chúng cùng nhau mưu đồ chiếm đoạt cho được sức mạnh hùng cường.

Thuyết vũ trụ cơ giới tỏ ra đối nghịch với quan niệm này. Nhưng người ta đã thấy nó chẳng mang lại cho ta một giải thích đích thực nào về thế giới, nó chỉ là sự sao chép của thực tại trong ngôn ngữ con người.

Ý chí hùng tráng chứng tỏ đặc biệt nơi các vật sống. Zarathoustra nói: ”Nơi nào ta tìm thấy vật sống, nơi đó ta thấy ý chí hùng tráng”. Cái khoái lạc là cái đau đớn luôn luôn đi theo ý chí hùng tráng nhưng chúng không phải là mục đích, chúng chỉ là hậu quả đơn giản, là hiện tượng phụ. Điều mà thành phần vật chất sống nhỏ nhất mong muốn là sự gia tăng sức hùng cường chứ không phải khoái lạc. Khoải lạc đi kèm với chiến thắng (một khoái lạc duy nhất không được sắp trong loại này là khoái lạc ta cảm thấy trong kiệt lực, tức khoái lạc an nghỉ).

Ý chí hùng tráng đòi hỏi đau đớn cũng như khoái lạc bởi hữu thể cần thiết vật gì đối nghịch với mình, nó đi tìm sức đối kháng. Đau đớn là một chướng ngại, nhưng chính chướng ngại là chất kích thích cho ý chí hùng tráng. Mọi chiến thắng, mọi tình cảm khoái lạc đều bao hàm một sức đối kháng phải vượt qua. Như vậy đau đớn là thành phần bình thường của hiện tượng hữu cơ. (Đừng lần lẫn đau đớn này, chất xung động cần thiết với một loại đau đớn riêng biệt, là loại đau đớn đi kèm với kiệt lực đánh dấu sự mất sức và suy giảm ý chí hùng cường).

Hãy lấy trường hợp giản dị nhất là trường hợp sự dinh dưỡng trong hình thái sơ đẳng. Chất nguyên sinh vươn các giả túc của mình đi tìm một vật thể chống lại nó không phải vì nó đói, mà vì nó phải tiêu thụ sức lực, phải vượt quá vật gì để tự thích nghi, tự xác nhận. Sự dinh dưỡng chỉ là một kết quả sơ khai của ý chí hùng tráng đang trên đường biến đổi mạnh hơn.

Ta không nên xem quan trọng sự đối nghịch giữa khoái lạc và đau đớn. Có những trường hợp sự đau đớn hoạt động như là thành phần của khoái lạc, lúc khoái lạc được đặt điều kiện bởi một chuỗi kế tục nhịp nhàng những co quắp nhỏ của đau đớn, thí dụ sự kích động dục tình.

Khoái lạc và đau đớn giả định rằng hữu thể minh chứng ích lợi hay nguy nan. Sự quyết định chủ đề phải gây nên khoái lạc hay đau đớn tuỳ thuộc vào thứ bậc của sức mạnh hùng cường: cùng một vật thể, bởi tương quan đến một số lượng nhỏ của sức hùng cường, sẽ xuất hiện trong hình thức nguy hiểm hay bất ưng, ở một hữu thể hùng mạnh hơn sẽ đưa đến một kích động khai trí, một cảm giác khoái lạc.

Rõ ràng không thực khi cho rằng bản năng sinh tồn là bản năng cơ bản vì vật sống không tìm cách tự tồn tại hơn là tìm cách tiêu thụ sức sống của mình. Khuynh hướng sống còn chỉ là hậu quả gián tiếp của ý chí hùng cường cũng như mọi bản năng khác.

Rõ ràng không thực khi cho rằng vật sống khao khát tìm hạnh phúc: nó chỉ khao khát sức mạnh. Cây cối ở rừng trinh nguyên không chiến đấu để được hạnh phúc, nhưng để lớn mạnh. Thú vật cũng thế.

Về phần “cuộc cạnh tranh phi thường cho cuộc sống” Darwin chỉ khẳng định hơn là minh chứng. Nó có hiện hữu, nhưng là một trường hợp đặc thù thì đúng hơn. Cuộc sống không tự trình bày nghèo nàn như quan niệm này giả thiết, ngược lại nó xuất hiện dưới hình thức phong phú, dồi dào, còn phung phí nữa là khác. Rồi, chấp nhận cuộc cạnh tranh sinh tồn kia có thực, nó kết thúc một cách “khốn khổ” mà Darwin cũng không ngờ được: nó thường đưa đến thất bại và tiêu hủy các kẻ mạnh, kẻ ưu tiên. Bọn yếu hèn cướp được cuộc sống trên tay họ bằng mưu gian, vì chúng còn có tinh thần nữa. (“Darwin đã quên mất tinh thần: đó cũng là điều rất Ăng-lê”). Hay hơn nữa bọn yếu hèn lúc nhúc tràn đầy và là số đông, kết hợp lại để thống trị những người hùng, những kẻ đặc biệt, độc đáo.

Không có một tăng trưởng liên tiếp trong việc hoàn thiện các nòi giống vật sống. Thế giới thực vật và động vật, trong toàn bộ của mình, không tự phát triển thiết yếu từ duới lên trên. Con người với tư cách là một chủng loại, không thực hiện được một tiến bộ vượt xa động vật. Tất cả các loại giống hoạt động đồng thời, lăn lên nhau và càn lấn nhau rất quàng xiên xiêu vẹo để chẳng có một mục đích nào khác hơn là phát triển sức mạnh hùng cường của mình.

Công tác phê bình của Nietzsche về những gì có liên hệ đến con người nảy sinh từ lý thuyết giải thích hiện tượng suy đồi kia.

°

Ta không nên tách rời con người ra khỏi các động vật khác hay ra khỏi thiên nhiên. Ta đã thấy trong toàn bộ đời sống hữu cơ thế giới của ý thức chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ. Ý thức chỉ là một phương tiện hơn hết của phát triển và tăng trưởng của sức mạnh hùng cường sinh động.

Thực vô lý khi thấy trong ý thức, nhất là trong ý thức của con người, mục đích, lý lẽ của đời sống tổng quát, như các lý thuyết đã coi như những giá trị cao đẳng khoái lạc, luận lý hay có khi là tâm lý. Nếu chúng ta muốn tạo một chủ đích cho đời sống thì chủ đích này không thể đồng nhất với chỉ duy một khía cạnh của đời sống ý thức mà nó phải giải thích mọi hình thái cuộc sống.

Trong ý thức con người, phương tiện đơn giản phục vụ cho chủ đích này là đời sống, chúng ta lại tìm thấy nhưng với một rõ rệt đặc biệt, ý chí hùng cường.

Trước tiên chúng ta áp dụng cho con người mọi điều trên về khoái lạc và về đau đớn ở vật sống. Chính đặc biệt nơi con người mà ta có thể kiểm chứng sự khác biệt giữa đau đớn bình thường, kích động sự gia tăng ý chí hùng cường; và sự đau đớn đặc biệt kết quả của tình trạng lột bỏ sức hùng cường; giữa khoái lạc chiến thắng của kẻ mạnh tức người mang sức sống tràn trề và khoái lạc của yên nghỉ, của trầm lặng, thanh bình tức của kẻ kiệt lực.

Và con người, hơn mọi động vật khác, ước vọng, không phải hạnh phúc, nhưng là phát triển sức hùng cường. ”Con người trở thành chủ nhân của lực lượng thiên nhiên, chủ nhân của sự man rợ riêng tư và các bản năng buông thả của mình. Con người được so sánh với người đặt trước mình, kẻ tiêu biểu cho một khối lượng vĩ đại của ý chí hùng cường, chứ không phải của tăng gia hạnh phúc”.

Con người phát biểu ý chí hùng cường theo nhiều cách khác nhau. Mỗi kẻ điểm xuyết cho cuộc đời của mình theo cách thế riêng của mình, họ lựa chọn một tăng trưởng sức hùng cường nhanh hay chậm, chắc chắn hay nguy nan, rõ ràng hay bí mật. Nhưng dù dưới hình thức này hay hình thức khác, mọi sự kiện của đời sống nhân loại đều khai mở cho ý chí hùng tráng. Tỷ như sự ganh đua, ta hãy nghĩ đến sự sung sướng chiến thắng bày tỏ ở các cuộc tranh tài vận hội thể thao hay âm nhạc như sung sướng mà người Hy lạp đã có kỳ tham gia vận động kia.

Tỷ như ái tình thân xác, đó là một loại thể thao mà hôn nhân vừa là chướng ngại vừa là vật lôi cuốn. Đôi kẻ yêu đương trước hết muốn sở hữu người mình yêu, muốn có quyền tuyệt đối trên thân xác và tâm hồn họ để thống trị và loại bỏ mọi người khác. Đôi kẻ khác, cần yếu hơn, đòi hỏi các thử thách tế nhị, mong muốn một từ bỏ hoàn toàn. Đôi kẻ khác, khinh bỉ từ bỏ như vậy là dựa vào hình ảnh nhân vật tưởng tượng và lý tưởng, muốn nạn nhân của họ không lầm lẫn về dự tính của đời mình và hướng người được yêu về cho chủ nghĩa vô độ và tính yêu ma của họ cũng như những kẻ khác hướng cho lòng tốt hay tinh thần của họ. Trong mọi trường hợp, chỉ có thứ tâm lý hoàn toàn nông cạn mới thấy ở tình yêu hình thức chủ nghĩa vị tha, quên mình.

Lòng tốt và ác nghiệt. Trong hai trường hợp đại nghịch nhau bởi ta điểm xuyết cuộc đời theo cách khác nhau – đều là cách tác động một hành vi vào kẻ khác. Lòng tốt dưới mọi hình thức là ân huệ, quà tặng, cử chỉ thương hại (thương hại là tình cảm dễ chịu nhất ở những kẻ ít kiêu căng, không ước vọng một chinh phục lớn lao. Thương hại chính là tình cảm của gái điếm). Ác nghiệt dưới mọi hình thức, kể từ sự châm chọc, chế giễu đến sự hung ác phá hủy nhất, mục đích không phải là gây đau khổ cho kẻ khác nhưng là tạo niềm vui riêng tư khi hành động đến kẻ khác. Khi con người không còn đối tượng hành hạ, họ quay sang hành hạ chính mình: như ta đã thấy ở phần trên Nietzsche đã giảng giải nguồn gốc của ý thức xấu xa.

Khổ hạnh và thánh thiện. Người khổ hạnh cảm thấy một khoái cảm thật sự trong việc gây đau đớn cho một phần nào đó của con người mình; họ vừa là nạn nhân vừa là đao phủ ; họ mang củi đến để thiêu mình. Những kẻ theo Ki tô vĩ đại là những kẻ chơi trò chơi thể thao của lòng thánh thiện”, ta đang nghĩ đến Saint-Paul, đến Calvin, đến Pascal, ”kẻ vĩ đại nhất trong những kẻ theo Ki tô!” Và đến sự hiền đức. Người hiền đức Zarathoustra nói về các nhà hiền đức chung chung:

“Mọi cái chi bạn muốn thống trị đều gập người dưới ý chí của bạn, nó trở nên lễ độ và bị đặt dưới tinh thần, như tấm gương như hình ảnh của tinh thần. Đó chính là ý chí của bạn, hỡi người hiền đức giữa các người hiền đức, đó chính là ý chí hùng cường. Như vậy bạn nói về cái thiện, cái ác, định lại các giá trị.

“Với các giá trị và lời nói của bạn về cái thiện và cái ác, bạn tác động sức mạnh của mình, bạn, những người đánh giá các giá trị: đó chính là tình yêu còn che giấu ở bạn, làm bùng nổ, xúc động, và lai láng ngập bờ của tâm hồn bạn”.

Đức hy sinh. Khi người ta đặt vào cuộc sức khỏe, cuộc đời của chính họ là bởi theo một ý chí kiêu hãnh, hoang phí tràn ngập. Kẻ tuẫn tiết cho bất cứ lý tưởng nào là kẻ hy sinh cho chính mình, cho ý chí hùng tráng của riêng mình.

Không phải chỉ cảm tính của con người mà cả óc thông minh của họ nữa được ý chí kích động, làm khởi sắc. Trong khi nghiên cứu thuyết viễn cận của Nietzsche ta đã thấy các cảm quan, tri giác, lý trí của con người tự giải thích bằng các cần thiết của hành động ra sao, và tư tưởng sáng tạo ra sao một vũ trụ riêng nơi con người có thể tồn tại và phát triển.

Cũng như đời sống cá nhân, đời sống xã hội khai mở ý chí hùng tráng. Ta tìm tháy ý chí đó ở tâm hồn các ông hoàng, các kẻ cai trị. Những kẻ thật tình khát vọng, để đạt đến mục đích hùng tráng đã hy sinh dễ dàng hạnh phúc và tiện nghi của họ. Khát vọng của dân chúng muốn được thống trị chủng tộc khác có thể dẫn đến ý chí tiêu diệt các chủng tộc khác, điều này giải tích sự tiêu hủy các văn minh cao đẳng như văn minh của dân tộc địa phương ở Mexico, ở Pérou. Ta cũng tìm thấy khuynh hướng đó trong quần chúng, vì đôi khi toàn thể một dân tộc hy sinh tài sản và gia đình mình để hiến cho niềm sung sướng tột độ khi nghĩ họ sẽ thống trị trên một dân tộc khác, đó là việc cho phép các nhà lãnh đạo ngụy trang các thèm khát chinh phục dưới mọi nguyên cớ đạo đức.

Quần chúng còn phát hiện ý chí hùng tráng của mình khi họ chiến đấu cho tự do và cho điều họ gọi là công lý, lực quyền bình đẳng. Một khi thu được quyền bình đẳng này, các cá nhân sẽ tổ chức thành nhóm, và các nhóm đó vẫn còn tranh đấu để đạt đến cái tối thượng, cái ưu tiên. Người ta muốn tự do khi chưa có sức hùng cường, lúc bắt đầu có nó, người ta muốn sự ưu thắng.

Còn với người bất lực không sử dụng được sức mạnh mà họ mong muốn, họ dùng tới mưu gian và đạo đức giả. Họ hóa lý tưởng kẻ truyền lệnh họ, bởi đó là một thứ bù trừ, hay có thể họ biến hình bất lực của mình bằng khinh bỉ, họ chuộng sự trong sạch xa rời cuộc sống, họ tuyên bố thích đời cô đơn…

Trong các liên hệ giữa chủ nhân và thợ thuyền cũng như trong các xung đột giữa đảng phái, vấn đề sức mạnh đóng một vai trò quan trọng. Nếu con người ngày nay tranh đấu cật lực cho sự giàu sang vì hiện giờ họ tìm thấy đồng tiền là tình cảm sống thực nhất của sức mạnh. Ở đây để thỏa mãn yêu cầu vật chất thì ít, mà chỉ để biểu dương hành động lấn lướt lên kẻ khác, khuynh hướng làm chóa mắt kẻ khác bằng cái rực rỡ, giàu sang, khoe khoang.

Những sáng tạo vĩ đại của tập thể nhân loại cũng phát sinh bởi ý chí hùng cường. Người ta cũng thấy ý chí đó ra sao ở các tăng lữ tạo dựng Nhà Thờ và cũng như ở những cần thiết của hành động thuộc về nguồn gốc khoa học. Mặc cho mọi vẻ bên ngoài, tinh thần tự do tự nó thiết yếu là một tinh thần chinh phục, vui sướng vì chiến thắng của mình.

Nghệ thuật cũng phát xuất từ ý chí hùng cường. Cái đẹp có một giá trị học vật sống, đó chính là làm đời sống tăng gia. Luôn luôn có những hữu thể hay sự vật, chẳng vội nghĩ đến điều thuận lợi, làm bừng bừng tình tự hùng tráng nơi ta. Kẻ xấu xí chính là kẻ bị tước bỏ sức mạnh, nghèo nàn, bị đè nén ; hắn biểu lộ một suy nhược. Sự ngây ngất là điều kiện của thưởng ngoạn và tác động thẩm mỹ, nó là một tình cảm hùng tráng tuyệt vời (có một say sưa Apollon cũng như có một say sưa Dionysos). Dưới ảnh hưởng của tình cảm này, con người làm giàu sang vũ trụ bằng cái sung mãn riêng tư của mình, họ biến hình sự vật phản ảnh cái hùng tráng, cái hoàn thiện. Sự biến hình đó, hoàn thiện đó, chính là nghệ thuật.

Nghệ sĩ thiết yếu là nhà sáng tạo: sáng tác âm nhạc chính là một cách sinh con. Hội họa, điêu khắc, thơ ca anh hùng là nghệ thuật Apollon ; âm nhạc, thơ ca trữ tình, khiêu vũ, kịch câm là nghệ thuật Dionysos. Nhà kiến trúc không tiêu biểu cho trạng thái Dionysos hay trạng thái Apollon xuyên qua tạo phẩm của nghệ thuật này ta thấy hiển hiện ý chí, một ý chí lay chuyển núi non. Tự nơi đền đài ta thấy biểu lộ một sự chiến thắng trên cái nặng nề của trời đất. Có sự “hùng biện của uy quyền” hiện diện ở nghệ thuật kiến trúc. Một sức hùng tráng được đưa cao đến tột độ, sinh sống trong các chướng ngại mà nó gặp phải, tự tin nơi mình, khinh bỉ cái thỏa mãn: đó chính là kiểu kiến trúc ta phải gọi tên là kiểu vĩ đại.

Mọi nghệ thuật đều có tác dụng bồi bổ, khiêu động các hoài niệm say sưa tinh tế, cùng gia tăng sức mạnh và thắp sáng niềm vui. Nghệ thuật là khẳng định, giáng phúc, là hóa thánh cuộc đời, một xây đắp cao ngút cho tình cảm đời sống, một kích thích đối với cuộc đời.

Phân tích này giúp ta hiểu sâu sắc hơn lời phê phán Nietzsche nhắm đến nghệ thuật khổ hạnh, dân chủ và sự suy đồi hiện tại…

Sau hết, cũng như mọi sáng tạo to lớn của con người, đạo đức thuộc về ý chí hùng tráng. Nó ấn định các giá trị: những giá trị đó là kết quả của cái nhìn do con người thiết lập lên trong lợi ích của mình, nhưng lại là giá trị dự trù sai lầm trong sự vật.

Trên đây ta đã thấy ý chí hùng tráng, trong lúc cổ súy khi thì các chủ ông, những người quý phái, khi kẻ nô lệ, những hạng người nhỏ bé, đã sáng tạo hai nền luân lý mà Nietzsche đã khám phá ra sự xung đột và vì sao luân lý của chủ ông là luân lý hùng tráng trong lúc luân lý của bọn nô lệ là luân lý suy đồi. Thế nên “chẳng có gì ở đời sống có giá trị nếu không có mức độ hùng tráng”.

Khi phê phán nền luân lý của bọn nô lệ, thứ luân lý còn thống trị trên quan niệm chúng ta ngày nay, Nietzsche dẫn ta đến nền luân lý của ông ; đó chính là nhiệm vụ ông gọi tên là duyệt lại, hay biến đổi, hay chuyển hóa, hay đảo ngược mọi giá trị (Umwerthung aller Werthe).

°

Công trình phê phán của Nietzsche đã phá hủy mọi định kiến cũ, mọi quan niệm siêu hình và luân lý xưa. Người ta có thể rút ra từ những trang cuối cùng của cuốn Ecce Homo một tóm tắt mãnh liệt các kết luận mà ở đó đạt đến tận cùng nỗ lực phủ định này:

 

Nietzsche không nghĩ rằng phải từ chối tất cả mọi thứ luận lý. Có một nền luận lý mới mà ông đề nghị với chúng ta, ông viết trong một trang di cảo: “Tôi có niềm hạnh phúc là sau hàng ngàn năm đi qua sai lạc và mù mờ đã tìm ra được con đường dẫn đến cái chấp nhận và cái từ chối.”

“Kẻ đáng được gọi là kẻ sáng tạo trong cái thiện và cái ác, thực ra, là kẻ phải bắt đầu phá hủy và đập nát các giá trị “.

“Kẻ lương thiện ưa thích vật cũ kỹ, mà vật cũ kỹ là vật được bảo tồn. Người quý phái thì muốn sáng tạo vật chi mới lạ, một đức hạnh mới”.

Zarathoustra kể một ngụ ngôn như vầy: tinh thần con người lần lượt là con lạc đà, là con sư tử và là đứa trẻ con.

Tinh thần bị cái khắc nghiệt thống trị, đó chính là con lạc đà. “Có gì nặng nề hơn nữa không! Tinh thần tráng kiện hỏi như vậy và nó quỳ xuống như con lạc đà, nó muốn tải nặng.

“Nó muốn chinh phục tự do, làm chủ sa mạc riêng tư của mình…

“Con rồng to lớn nào mà tinh thần không còn muốn gọi là thần linh hay chủ ông? Con rồng to lớn có tên là: mày phải. Nhưng tinh thần sư tử bảo: ta muốn….

“Công cuộc sáng tạo các giá trị mới – ngay con sư tử cũng chưa thể làm được, nhưng nó mang đến tự do cho cuộc sáng tạo mới – chính là điều sức mạnh sư tử có thể làm.

Sau cùng tinh thần biến thành đứa trẻ.

“Đứa trẻ thì trong trắng và hay quên, một hồi sinh, một trò chơi, một bánh xe tự quay, một chuyển động đầu tiên, một chấp nhận muôn thuở.

Đứa trẻ tượng trưng cho tinh thần con người đã tìm lại được cái trong trắng, vô tội và có khả năng sáng tạo một đức hạnh mới.

Đức hạnh mới này khác biệt với đức hạnh cũ ở điều nó khẳng quyết hơn là phủ định: nó nói tiếng ừ với trần gian, với cuộc đời.

Đây chính là một cứu chuộc mới: thực tại được cứu rỗi, chuộc khỏi lời nguyền mà lý tưởng xưa đã đè nặng lên nó.

 

“ Hãy mang đức hạnh lầm lạc đó về trần gian như tôi đi – Vâng, hãy mang nó về thân xác, về cuộc đời để nó đem đến cho trần gian một ý nghĩa, ý nghĩa con người “.

Chúng ta không được hướng tư cách mình đến một vật giới siêu nhiên nào. Lời nguyền rủa lớn lao nhất con người có thể nói với cuộc đời là hiện hữu của Thượng đế. Ngày nay chúng ta đã giải thoát khỏi ảo ảnh kia, ý tưởng đó làm chúng ta thấy hiện trong mình một luồng ánh sáng mới, một thứ hạnh phúc mới. Một bình minh mới ra đời.

Nguyên lý của đức hạnh mới là tình yêu đối với cuộc đời. Tất cả các giá trị đều phát xuất từ cuộc đời. Cuộc đời là một kinh nghiệm diệu kỳ, một phương tiện tri thức, mà tri thức này chính nó cũng là “một thế giới đầy nguy hiểm và đầy vinh quang”. Từ khi Nietzsche thu nhận được tư tưởng giải phóng kia – ông nói với chúng ta trong cuốn Hiểu Biết Hài Hòa – ông tìm thấy cuộc đời – “từ năm này qua năm khác phong phú thêm, lôi cuốn thêm và huyền bí thêm”.

Từ tình yêu cuộc đời phát sinh mọi giá trị. Mọi thứ luận lý lành mạnh đều chịu sự thống trị của bản năng đời sống: đó là những trật tự và phòng vệ của nó ; sự chấp nhận đóng vai trò lớn lao hơn chê bai, khẳng định giữ vai trò lớn lao hơn phủ định.

Nền luân lý của đời sống này khoác lại cái áo chủ nghĩa ích kỷ. Phải trở nên một con người hoàn toàn và trong mọi hành động của mình, phải tự đề nghị cho lợi ích lớn lao nhất của mình (chỉ có những kẻ thô bỉ mới hiểu lời khuyên này theo nghĩa thô bỉ thôi).

“ Bạn yêu chính mình chưa đủ “ Zarathoustra nói với con người. Và tiếp:

“Phải luôn luôn yêu người đồng loại như mình, nhưng trước tiên hãy là những kẻ yêu chính mình đã “

“ Kẻ tự yêu chính mình với tình yêu lớn nhất và khinh bỉ lớn nhất!”.

Song chủ nghĩa ích kỷ có giá trị khi cá nhân có giá trị. Nếu con người tiêu biểu cho một tiến hóa hướng thượng thì giá trị của nó thật tuyệt vời: với nó cuộc đời đã thực hiện một bước đi lên. Nếu con người tiêu biểu cho một “ tiến hóa “ giật lùi, cho hủy hoại, cho bệnh hoạn, giá trị nó thật vô cùng yếu kém, sự thăng bằng đơn giản đòi hỏi nó phải lấn lướt tối thiểu lên kẻ mạnh mà nó là tên ký sinh. Do đó “ chủ nghĩa ích kỷ tốt đẹp và thánh thiện” mà Zarathoustra ca ngợi chính là chủ nghĩa của “ tâm hồn hùng cường kết hợp với thân thể tráng kiện và đẹp đẽ… Niềm vui ích kỷ của một cơ thể như vậy, của một tâm hồn như vậy được gọi là đức hạnh”.

Thế nên đừng đặt tất cả vào chung một luân lý. Đừng đi tìm những nguyên tắc phổ quát, những mệnh lệnh đồng nhất tuyệt đối: bởi các hành động không thể giống nhau. Mỗi một hành động là hành động duy nhất, không so sánh được. Mỗi con người cũng là con người duy nhất, với tài năng riêng tư: Phải “ trở thành cái mà ta là” – “ý thức của bạn bảo gì? Bạn phải trở nên cái mà bạn là”. Phải biết khác biệt với kẻ khác, xa lánh đám đông nhu nhược vì giữa chúng ta cảm thấy ngay mình là nô lệ để có thể sống một mình, cho dự tính riêng của mình “ Cô đơn là tổ quốc ta “ Zarathoustra nói thế ; phải ấn định cho mình các giá trị riêng biệt, là chủ ông của đức hạnh mình. “ Mỗi một người phải sáng tạo ra đức hạnh cho riêng mình, phải sáng tạo mệnh lệnh tuyệt đối của mình “. Đừng bao giờ hạ thấp bổn phận của ta ngang với bổn phận của thiên hạ.

Một luân lý dữ dội cho cuộc đời, một luân lý nồng chảy lửa nhiệt đới phải chấp nhận những con người đặc biệt, ngay cả những tội nhân, những César Borgia, những Napoléon. Nhưng những gì cho phép các người hùng làm nên cuộc đời khả dĩ của họ – không tín ngưỡng, phiêu lưu và cả trụy lạc – sẽ giết chết các con người trung bình. Với những kẻ này phải dành cho họ niềm tin, lề luật, đức hạnh của bầy đàn súc vật.

Họ phải giữ cho kẻ tầm thường cái can đảm và cái hăng say. Chẳng hạn người ta phải công nhận những ân huệ mà đạo Phật và đạo Ki tô đã mang đến cho các con người tầm thường, tức dân chúng đông đảo nhất: chúng biện minh và làm tươi đẹp cuộc đời vô vị bình nhật, phát triển sự bận tâm và tình yêu với kẻ khác, mang đến hạnh phúc và thanh bình của tâm hồn, tô điểm sự nô lệ hèn yếu. giữ vững địa vị xã hội, khắc nghiệt như thế nhưng không làm sao thay đổi được…

Chỉ duy với người hùng cuộc đảo giả trị mới dựng lên ; và chỉ với người quý phái, trong nghĩa đúng thực của danh từ, kẻ thanh cao thôi.

Phải thay đổi giá trị luận lý cựu truyền đa gắn vào thân xác và linh hồn. Cứu rỗi linh hồn không quan trọng, quan trọng là sức khỏe của cơ thể. Điều người ta gọi là sức khỏe của linh hồn tùy thuộc trên một dung lượng lớn, vào sức khỏe của cơ thể: Khi người ta không thắng được một đau khổ tâm thần, thì lỗi ở linh hồn ít hơn ở cái bụng: người khỏe mạnh tiêu hóa cái bực dọc của đời sống cũng như họ tiêu hóa thức ăn. Các ý tưởng đen tối đến với chúng ta vào những ngày đói khát năm xưa, còn khi mồm đầy thức ăn ngon lành ta thường nhìn cuộc đời với bao hy vọng.

Thế ra vấn đề quan trọng không phải là các vấn đề siêu hình, nhưng là các đòi hỏi liên quan đến thức ăn, chỗ ở, quần áo, các liên lạc xã hội.

“Điều tốt lành là tất cả cái chi kích thích nơi con người tình tự hùng tráng. Điều xấu xa là tất cả cái chi cỏ gốc rễ nơi lòng yếu hèn”.

Một thân thể nhảy múa, một khuôn mặt cười rạng rỡ ; đó là lý tưởng con người của Zarathoustra. Một ngày kia gặp các thiếu nữ đang khiêu vũ bỗng dừng lại vì thấy ông đi đến gần: Zarathoustra trấn an họ bằng một cử chỉ đầy thiện cảm và nói với họ:

“Cứ tiếp tục vũ đi, hỡi các cô gái xinh đẹp! Đây không phải là kẻ phá đám đến liếc xéo các cô đâu, đây không phải là kẻ thù các thiếu nữ!

“Ta là trạng sư của thần linh trước Ngạ Quỷ: Ngạ Quỷ chính là tinh thần của nặng nề thô kệch. Làm sao ta thù địch với dáng kiều thơm nhẹ nhàng của các cô được? Kẻ thù của dáng kiều thánh thiện, của bước chân thon gót hồng kia?“

Tới đây, ông tuyên bố “phong thánh nụ cười”:

“Hỡi người cao đẳng hãy học cười đi! “

Và tiếp:

“Một ngày không nhảy múa với chúng ta là một ngày bỏ đi. Mọi chân lý sẽ biến thành sai lầm với ta ngay nếu nó chẳng làm chúng ta cười!”

Điều nhà triết học mong mỏi vào bậc nhất cho mình, Nietzsche viết, đó chính là trở nên người nhảy múa tài tình. Bởi vũ là lý tưởng, là nghệ thuật tuyệt vời của họ, là lòng sùng đạo độc nhất, là tôn thờ thực sự của họ.

Với một thân thể lành mạnh và nhẹ nhàng, Nietzsche khuyến cáo một trái tim kiêu bạc mà không khoe khoang, yêu mến cái cao quý đích thực, nhất là một ý chí cứng rắn và can trường. Can trường là đức tính ông ca tụng thường xuyên nhất và được ông đặt vào hàng cao nhất. Trong cuốn Bình Minh ông tán tụng bốn đức tính: sự dũng cảm với kẻ thù, quảng đại với người chiến bại, chính trực với mình và cả mọi người. Ngoài ra bốn đức tính được khuyên bảo trong cuốn Bên kia cái Thiện và cái Ác: sự hiểu biết thấu đáo, thiện cảm, cô đơn, nhưng được ông đặt vào hàng đầu vẫn là đức tính can trường.

Còn cuốn Hiểu Biết Hài Hòa ông tuyên bố đức dũng cảm mà không màng đến vinh dự là dấu hiệu của sự cao quý thực sự. Ông chào đón một thời đại phấn đấu và kiên cường gần kề, thời đại đặt đức can trường lên trên tất cả. Thời đại đó sửa soạn cho một thời đại khác, cao hơn, nơi ta đưa chủ nghĩa và anh hùng vào nhận thức và nơi ta chiến đấu cho các lý tưởng. “Hãy tin tôi, cái bí mật gieo cho cuộc sống phì nhiêu hơn và tận hưởng cật lực cuộc đời đó là sống nguy hiểm”.

Zarathoustra cũng kích động lòng dũng cảm:

“ Ta van anh em bằng tình yêu và hi vọng của ta: đừng vứt bỏ người anh hùng đang nằm trong anh em! Hãy tôn thánh hy vọng cao nhất của anh em đi!

Và tiếp:

“ Lao động của anh em là chiến đấu, hòa bình của anh em là chiến thắng!”

Tình yêu thực sự đòi hỏi một can trường đưa đến chấp nhận cả cái chết:

“ Yêu và chết: hai điều đó đã hòa hợp với nhau từ ngàn năm nay. Muốn yêu chính là sẵn sàng để chết. Tôi nói với bạn như vậy đó, hỡi người khiếp nhược! “.

Cái can trường thực sự, không phải là cái can trường trước người chứng mà là cái can trường của kẻ cô đơn, kẻ một mình, cái can trường của con phượng hoàng không có thần linh nào chứng giám: “ Kẻ can đảm là người biết sợ hãi nhưng chống lại sợ hãi “.

Để đạt đến kết quả này phải có một ý chí cương nghị, chai đá. Đây chính là ý nghĩa lời khuyên bất hủ kết thúc ngụ ngôn cục than chê trách cái cứng rắn của kim cương:

“ Anh em ơi! ta đặt lên trên anh em bảng giá trị mới này: hãy cứng rắn đi!

Cuộc tranh đấu, cái làm chai cứng, tự nó đã tốt đẹp dù cho đối tượng nó ra sao. Giá trị của một tài sản đôi khi ít chứa đựng ở điều người ta đạt được khi có nó hơn là điều người ta phải trả giá khi chiếm nó. Tỉ như sự thiết lập tự do sẽ không còn tự do ngay khi nó đã đạt được: chủ nghĩa tự do là dấu hiệu ngu ngốc bởi ảnh hưởng của bầy đàn súc vật! Nhưng những thiết lập này, bao lâu, còn phải chiến đấu để chiếm lấy chúng đã có một giá trị rất lớn rồi: một cuộc chiến như vậy hết sức thuận tiện cho việc phát triển tự do.

Vì tranh đấu tự nó đã tốt đẹp, nó rất có lợi khi gặp nhiều kẻ thù, những kẻ thù đáng ghét chớ không đáng khinh.

Không những nó tranh đấu chống với kẻ khác nó còn chống ngay với chính mình. Phải biết tự cưỡng chế. Phải hiểu sức mạnh và yếu đuối của mình, thêm vào ở đây, loại bỏ ở đó, thích nghi thế khác. Như thế người ta sẽ tạo cuộc đời mình thành một tác phẩm nghệ thuật. “Chỉ có một việc cần thiết, là đem phong thái lại cho cá tính mình”. Ở chúng ta vẫn còn thiếu “một con người tổng hợp vĩ đại, thứ người có ở những kẻ hùng tráng, khác biệt nhau, cùng chung chịu dưới một cái ách để cùng hướng về một mục tiêu duy nhất”.

Nietzsche vẫn thường trêu chọc những nhà luân lý mang vỏ nhím bên ngoài, bằng cái cớ tự làm chủ mình, kết án mọi sức tiếp thiên nhiên không chịu được kẻ khác cũng như chính họ. Và không từ bỏ những phê phán kia, nhưng ông vẫn, trong những trang di cảo ở cuốn Ý chí Hùng tráng, khuyến báo ta phải có một kỷ luật chặt chẽ cho chính mình. Ông kết án sức tiếp và tính bất thường: “ Những kẻ tình cờ ” và những kẻ thay đổi “ là những kẻ yếu hèn. “Ta làm sao để hùng tráng hơn? Tự quyết định dần dần và trì chí với tất cả cái đã quyết định“. Ngay cả hành động anh hùng không thể thành tựu nhờ sự kích thích bên ngoài, mà nhờ chúng ta lạnh lùng, hành động hợp lý; vả lại cũng như mọi hành động trắc ẩn, lòng thương hại phải lọt qua cái sàn của lý trí. “Sự cao thượng của lý trí không phải nằm ở chỗ không có đam mê, nhưng ở chỗ phải có đam mê cao ngút nhất, nhưng giữ chừng nó đi.” Thế nên một “trò chơi thể thao ý chí” rất cần thiết, và trò chơi thể thao này bắt đầu sớm chừng nào lợi chừng đó. “Một kỷ luật nghiêm khắc là kỷ luật đúng lúc nhất, là lúc được đòi hỏi nhất nghĩa là vào tuổi con người hãnh diện vì thấy mình đòi hỏi nhiều cho mình. Kỷ luật này cần thiết cho người thông thái cũng như người chiến binh. Phải học truyền lệnh và vâng lời một cách kiêu hãnh, phải thích nguy hiểm hơn an nhàn.

Ngày xưa Nietzsche đã kịch liệt lên án chủ trương khắc kỷ, coi nó như biểu hiện sự thù ghét đời sống. Bây giờ, bởi giá trị của ý chí người hùng, ông lại khuyến báo một khắc kỷ nào đó. Trong một trang của cuốn Ý chí Hùng tráng ông bảo: ” Tôi muốn biến chủ nghĩa khắc kỷ thành tự nhiên hơn: thay vì khuynh hướng phủ định, ta lấy khuynh hướng làm vững chãi mạnh bạo thêm “. Tỉ như việc biết ái tình sớm mà ta thấy ở thanh niên Pháp, nhất là thanh niên Paris, là một “tai họa ” nhưng người ta không thể từ bỏ ” ý hướng đáng tởm “ này, đó là một triệu chứng của suy đồi. Ngay vào tuổi trưởng thành, cũng phải có một sự trong trắng tương đối, một vừa phải trong hành động và ngay cả trong tư tưởng về những gì có liên quan đến dục tình, nó thuộc về cách thế cao cả dẫn đường cho cuộc sống chúng ta, nhất là ở người nghệ sĩ, những kẻ không được phép phung phí sức lực của mình. Nhưng ở đây một lòng trinh bạch phải biết cười vào sự trinh bạch: Kiêng cữ cũng rất đáng được khuyên bảo, khi nó như một tập luyện cho ý chí, khi nó như cách tận hưởng tế nhị các của quý trần gian mà con người tạm chối bỏ. Một hàng rào ngăn cách đáng được dựng lên, nghĩa là một tách biệt tạm thời tiến đến việc dứt bỏ mọi liên lạc với bên ngoài: đó là một địp để suy tư sâu xa, để trở về với mình, tránh xa các ảnh hưởng bên ngoài.

Các quan điểm trên giúp ta hiểu đầy đủ nhất địa vị mà Nietzsche dành cho đau khổ. Hiển nhiên ông không đặt nó lên trên khoái lạc và niềm vui như các nhà khắc kỷ. Bởi trước tiên ông cho người ta đã đánh giá nó quá đáng. Có nhiều cách để chống lại đau khổ: chất ma túy, sự bình lặng thích ứng với tư tưởng, những kỷ niệm đẹp, và những hy vọng kiêu hãnh, tất cả có thể tác dụng như ảnh hưởng của thuốc mê. Khi đau đớn đã trở nên kinh hồn, tự nhiên tình trạng hôn mê sẽ xảy ra. Đau đớn có những hiệu quả rất tốt đẹp ở con người: “ Kỷ luật đau đớn vô hạn” dạy cho con người khi thì cái khôn khéo, khi thì sự căng thẳng của tâm hồn, nghị lực. Các “thông điệp lớn nhất của khổ đau con người” không bao giờ có dáng dấp kiêu bạc hơn, sung sướng hơn khi nó gây giông tố kinh hồn nơi họ. Đau thương sâu sắc làm quý phái, tách biệt. Cho nên khoái lạc và đau khổ, niềm vui và cực nhọc đến cùng thời. Ta đã thấy ý chí hùng tráng đòi hỏi sự bất bình hơn khoái lạc. Bất bình là một trở ngại, nhưng trở ngại là cổ động ý chí hùng tráng. Mọi chiến thắng, mọi tình cảm khoái lạc đều bao hành một đối kháng phải vượt lên trên, vậy một đau khổ là đau khổ phải vượt qua. Trong một trang di cảo, Nietzsche viết: “Đối với những người thân yêu nhất tôi cầu chúc cho họ đau khổ bị bỏ rơi, bệnh hoạn, đối xử tệ bạc và nhục nhã“ ; bởi từ đó ” tôi cầu chúc cho họ một điều duy nhất, điều ngày nay chứng tỏ con người có giả trị hay không, đó là giữ lòng tốt đẹp“.

Ở đây khẳng định rõ rệt chỗ đứng đặc biệt mà Nietzsche chấp nhận cho vấn đề hạnh phúc. Hẳn nhiên ông luôn luôn ca tụng niềm vui sống, cái vui tươi Dionysos, cái hiểu biết vui vẻ, cái thú vị ” hạnh phúc của khu vườn trần gian, nơi chỉ nguy hiểm cho những kẻ tầm thường (bởi nếu ” với những kẻ thuần khiết “, thì “ với bọn heo lợn tất cả đều heo lợn“. Zarathoustra nói thế, và ông thêm rằng chung quanh khu vườn tư tưởng và ẩn dụ tráng lệ của ông, ” phải dựng lên nhũng hàng rào để bọn heo và bọn đàn bà kích động không tràn ngập được “). “ Một hành động bị thôi thúc bởi bản năng sống. – Nietzsche viết trong cuốn Đảo ngược mọi Giá trị “cảm thấy giá trị của mình bởi niềm vui đi kèm “ và Zarathoustra tuyên bố:

“ Từ khi có loài người con người đã liên hoan quá ít. Anh em ơi đó là tội tổ tông duy nhất của chúng ta “.

Và xa hơn:

” Điên vì hạnh phúc còn hơn là điên vì bạc phước.”

Nhưng hạnh phúc Zarathoustra ám chỉ ở đây không nằm ở sự vắng bóng và giảm đến tối thiểu đau thương của bọn duy thực nghĩ. Nietzsche ghê tởm “ hạnh phúc dày đặc của ý thức bình thản”, hạnh phúc được coi như thức ăn của linh hồn, được coi như tiện nghi, như hương liệu của chất Anglo – thần thánh theo kiểu Spencer, tức hạnh phúc nhỏ bé của con người nhỏ bé.

“Tinh thần tự do dẫm chân lên hạnh phúc mà bọn hương nguyện, bọn theo Ky tô, trâu bò, đàn bà và bọn Ăng-lê mơ tưởng“.

Ở đây, hạnh phúc của phong thái vĩ đại đạt đến “chính là tình cảm mà sức hùng cường làm lớn mạnh“, do đó, “có một đối kháng phải vượt qua“. Thế nên yếu tố của hạnh phúc này là đau đớn. Hạnh phúc và đau đớn là anh em sinh đôi cùng lớn lên với nhau.

Bạn có chấp thuận một niềm vui không – Zarathoustra hỏi – Hỡi anh em thế thì anh em cũng chấp thuận tất cả các đau khổ. Mọi sự vật đều ràng buộc, vướng bận và đầy tình yêu.

Lý thuyết của Nietzsche không phải là lý thuyết của hạnh phúc, tuy nhiên nó “mang đến hạnh phúc“.

Trong cuộc sống sướng vui cao quý này, có một chỗ đứng cho cõi chết. Nietzsche vui thích khi thấy rằng người tầm thường từ chối chấp nhận ý tưởng chết chóc, từ chối “làm anh em với cái chết“. Bởi người ta đã tạo cho mối bận tâm này một nguyên do lo sợ, một liều thuốc độc. Ngược hẳn thế, sự chắc chắn của cái chết đã du nhập vào cuộc đời một giọt nước quý giá và ngát hương lo âu. Người hùng chấp nhận cái chết mà không mong một đời sau. “Sự viên mãn của hùng tráng muốn sáng tạo, đau đớn và biến ra tro bụi“. (Người ta sẽ thấy sau đây sự dự trù nào dành để điều hòa khẳng định tối hậu trên).

Nietzsche bận tâm đến những tương quan phải có giữa người hùng, người cao quý và kẻ khác. Zarathoustra ấn định bằng từ ngữ chính xác rằng hôn nhân hướng đến sinh con. “Ta muốn rằng chiến thắng và tự do của anh em khao khát được truyền nối mãi mãi bởi đứa trẻ…

“Bạn phải xây dựng công-trình cao hơn bạn…

“Hôn nhân: chính như thế tôi gọi ý chí hùng tráng nơi hai kẻ để cùng sáng tạo một duy nhất cao hơn những kẻ sáng tạo ra nó.

Từ cuộc đời của người quý phái, Nietzche có đưa ra một vài hình thức chủ nghĩa vị tha, như đã đưa đôi lối sống khắc kỷ. Bởi người hùng là người nhiều sức lực có thể truyền cho kẻ khác, nhiều niềm vui và niềm vui của (họ?) ngập bờ. Họ có thể hy-sinh năng lực của mình để bảo vệ kẻ yếu, người bị áp bức, và ngay cả thú vật, và họ hành động với lòng tử-tế, nhã nhặn, quảng đại mà kẻ tầm thường chỉ đối xử trong cơn rồ dại.

Ở đây Zarathoustra có thể là mẫu mực. Ông “nhân hậu và công chính”. “Tình yêu không cuỡng nổi” nơi ông đã thúc đẩy ông làm việc tốt lành cho kẻ khác. Zarathoustra nói gì với ta?

“Vậy hãy tạo cho tôi tình yêu không những mang đầy trừng phạt mà còn mang tất cả lỗi lầm.

“Hãy tạo cho tôi cái công chính làm tròn nghĩa vụ với mỗi người, trừ người phán xử “.

Người tiên tri đó mong trong khi chết được hiến mình cho tất cả mọi người như mặt trời đang lặn, “giãi trên mặt biển ánh vàng giàu sang vô tận, giống như người đánh cá nghèo nàn căng lên tấm lưới lóng lánh ánh triêu dương”…

Sau hết cuộc đời quý phái nọ được trang sức bằng khoa-học, nghệ thuật và triết lý.

Bằng khoa học: đi tìm chân lý là một trận chiến đấu, sai lầm là một hèn nhát, khám phá sự thực là một chiến thắng.

Bằng nghệ thuật: đối tượng thực sự của nghệ thuật cũng như tất nhiên của tri thức và đạo đức là “làm cho cuộc đời biến thành dữ dội nhất”.

Bằng triết lý: một chủ nghĩa lạc quan mới đã được triết lý Nietzsche mang đến cho thế gian”.

Ở đây đừng tuyên bố thế gian nầy là “thế gian khả dĩ tốt đẹp nhất.” Zarathoustra bảo ai nói điều đó thì “ta không ưa họ, ta gọi họ là kẻ thỏa mãn”.

Mà, trước hết, phải tuyên dương cái “vô tội của biến dịch trong cuộc đời”.

Hẳn nhiên, càn khôn không có mục đích nào cả. Không có lý lẽ, không có tốt lành trong “khối đẹp hỗn mang của hiện sinh”. Tất cả con người là cái hẳn phải là, một mảnh của định mệnh, một phần của cái tất cả ; con người là con người ở trong cái tất cả. Chẳng có gì cho phép hắn được phán đoán, đo lường, so sánh, kết án cuộc hiện sinh ; vì hắn sẽ phán đoán, đo lường, so sánh, kết án cái tất cả ; thế nên không có gì hết ngoài cái tất cả.

Giờ đây ta biết rằng đau khổ tự nó sáng tạo cho ý chí hùng tráng một cơ hội phát triển, và như vậy là một cơ hội hạnh phúc. Mọi biến cố của cuộc đời có thể xoay chiều hạnh phúc của ta: thời tiết xấu đẹp, một cái nhìn ném vào hiệu buôn, một cuốn sách lật hờ, một bàn chân bị dẫm, một cái thư không đến, một trận đau, một điều vu khống, ngay một cái chết của người bạn. Mỗi phút giây trong cuộc đời bình nhật đối với ta có thể mang đầy ý nghĩa, mang một giá trị rất cao.

Con người chỉ còn cần cái ác được “biện minh” (như Leibnitz đã cố làm trong tác phẩm Biện Thần Luận của ông) như khi phải lên án sự dung thứ cái ác, cũng phải vui thích với cái ác là cái ác thuần khiết. Đau khổ trở nên cơ hội để chấp nhận cuộc đời, để yêu thương cuộc đời. Lý thuyết Nietzsche là một biện minh cho vũ trụ, một biện minh cho đời sống ; một Biện vũ trụ luận, một Biện vật sống luận.

Từ đấy con người có thể ném một cái nhìn về thế giới theo Gœthe, đầy tình thương và đầy ý chí tốt lành. Chủ nghĩa bi quan hùng tráng trở thành một trong những chủ nghĩa lạc quan vững chãi nhất ; “một định mệnh hạnh phúc và đầy niềm tin”, “phương thức của tôi cho con người vĩ đại – Nietzsche viết trong tác phẩm cuối cùng Ecce Homo: đó là amo fati (tình yêu định mệnh).

Hans Vaihiger, một trong những nhà bình giải Nietzsche, đã rất có lý khi gọi ông, như chữ đã trích dẫn trên, “kẻ chống bi quan mãnh liệt nhất”. Vài nhà bình giải khác cũng lưu ý, rất chính đáng về tính chất tôn giáo sâu đậm trong triết lý nảy, nhưng là một tôn giáo loại trừ mọi siêu việt: đó chính là “ một tôn giáo mang tất cả càn khôn, một đạo đa vũ trụ”, như Pannwitz viết trong cuốn Đưa vào nghiên cứu Nietszche (Einführung in Nietzsche).

Và Charles Andler chứng minh, bằng một khúc quanh đặc biệt, chủ nghĩa Nietzsche gặp lại chủ nghĩa duy linh cổ xưa, cùng đồng nhất, để chứng tỏ thực tại Thượng Đế, sự hoàn thiện và cuộc hiện sinh. “Ở Nietzsche, tương quan chặt chẽ giữa cuộc đời và giá trị thay chỗ chứng lý hữu thể học cổ xưa về Thượng Đế… Cái có giá trị nhất, được thực hiện chắc chắn… Cuộc sống, cái khao khát hùng tráng thuần túy, là hữu thể kia, hữu thể gắn liền với giá trị và chuyển hoá nó trong thực tiễn. Ở hữu thể học cổ xưa, hữu thể là tự nội ở tư tưởng viên mãn. Ở Nietzsche giá trị là tự nội ở cuộc sống. Cái thiện gắn giá trị vào cuộc đời là một trí tuệ đầy xúc cảm, một Lý Trí, một tình yêu (Éros), như ở Platon. Lý trí và tình yêu theo nghĩa Platon đó dẫn ta đến Linh Tượng là vật hiện hữu duy nhất. Ở Nietzsche thì chúng dẫn đến mọi vật sống, đến cái cao hơn đời sống, chúng dẫn con người đến siêu nhân “.

Giờ đây phải nhìn cuộc đảo giá trị, vừa giúp con người tự giải phóng và thêm sức sống, đã đưa đến sự xuất hiện của siêu nhân (Uebermensch) ra sao. Nietzsche tìm thấy chữ Uebermensch (Siêu nhân) trong lịch Faust của Gœthe, và chính Gœthe cũng mượn chữ đó của Herder. Nó chỉ định một con người siêu đẳng ở trên con người hiện tại, nhưng là người đã có vài người ngày nay báo hiệu và sửa soạn.

Trong những tác phẩm trước cuốn Zarathoustra, ta có thể khám phá ra những chuẩn bị cho quan niệm vĩ đại kia.

Ta đã trích dẫn trang sách của phần Intempestive thứ ba dành cho Schopenhauer, nơi Nietzsche ca tụng những con người vĩ đại và cũng là nơi ông đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải cố gắng phát triển phẩm tính của mình lên mức độ cao ngút nhất “để sau cùng một ngày kia có thể khai sinh con người tự cảm thấy viên mãn, mang một hiểu biết và một tình yêu vô hạn, hùng tráng trong ngưỡng nhìn và trong hành động sáng tạo, con người, giữa thực thể tròn đầy của mình, sẽ sống trong lòng vũ trụ như kẻ phán xét và đo lường mọi vật…“.

Trong một trang của cuốn Bình Minh, ông ca ngợi sự có thai, ca ngợi trạng thái thiêng liêng đó: “Ở đây có một cái gì đang lớn lên, một cái gì vĩ đại hơn chúng ta. Đó là hy vọng huyền bí nhất của chúng ta: chúng ta sửa soạn chào đón sự khai sinh và phát triển sung mãn của nó “… Và trong những trang cuối cùng ông viết: “Những con chim khác sẽ vung cánh vượt bay xa hơn chúng ta”.

Người ta cũng tìm thấy một chuẩn bị tương tự ở rất nhiều trang của cuốn Hiểu Biết Hài Hòa. Tỉ như ở một trang rất đẹp ông chứng minh con người hiện đại mang nơi mình tất cả loài người, nhưng, là con người báo hiệu một bình minh sắp đến, một hạnh phúc gần kề trong tương lai: con người đó là “người đầu tiên của một giống người quý phái mới, mà tuyệt đối không thời đại nào đã thấy hay mơ tưởng đến như vậy; họ cảm thấy nơi mình “một Thượng Đế đầy sức mạnh và đầy tình yêu, đầy nước mắt và đầy nụ cười”. Bao nhiêu thế kỷ qua người ta đã gieo hạt giống như vậy; và hẳn sẽ mọc lên một loài cây ngào ngạt hương thơm, biến trần gian cũ kỹ của chúng ta thành nơi trú ngụ ưa thích hơn cả…

Chính Zarathoustra là người đầu tiên rõ ràng báo hiệu cho Siêu nhân. Ông nói với dân chúng đang tụ tập:

“Cho đến nay tất cả con người đã sáng tạo nên con người nào đó ở trên họ ; còn anh em, anh em muốn làm giòng thủy triều hạ của con nước lớn kia sao, và muốn quay về con vật hơn là vượt lên con người sao?

“Là con khỉ cho con người ư? Một vật chế nhạo, xấu hổ đau đớn. Đó chính là điều con người phải làm để tiến đến Siêu Nhân: một vật chế nhạo, một xấu hổ đau đớn.

“Siêu Nhân là người mang ý nghĩa trần gian. Ý chí của anh em nói rằng: Siêu Nhân là ý nghĩa trần gian!

“Nơi đây ta dạy anh em Siêu Nhân: Siêu Nhân là một đại dương.

“Con người là một dây thừng giăng qua con vật và Siêu Nhân, một dây thừng giăng ngang qua vực thẳm…

“Con người là một cây cầu chứ không phải là một mục đích: đó là điều vĩ đại nằm trong con người. Con người là một bước qua, một nghiêng đổ: đó là điều đáng yêu nằm trong con người.

“Ta yêu thích những con người không tìm kiếm, đằng sau các tinh tú, lý lẽ của sự chết hay của dâng hiến, mà ta yêu những người hy sinh cho trần gian, để ngày kia trần gian thuộc về Siêu Nhân”.

Con người phải là “ đường dẫn đến nhũng bình minh mới mẻ”. Phải phán xét tất cả chính trên quan điểm này.

Những kẻ ưu tư nhất ngày nay hỏi: Con người tự tồn tại ra sao? Nhưng Zarathoustra là kẻ độc nhất hỏi: Con người tự vượt qua ra sao?

“Siêu Nhân ở canh cánh bên lòng ta ; là bận tâm duy nhất của ta, chứ không phải con người ; cũng không phải người đồng loại, người nghèo nhất hay người tốt đẹp nhất.

“Anh em ơi, điều ta có thể yêu thương con người chính vì nó là một chuyển tiếp một nghiêng đổ. Nhưng ở anh em thì có nhiều nguyên do hy vọng yêu thương”.

Hy vọng tràn đến, hẳn nhiên không đến với những người bé nhỏ, mà đến với những người cao đẳng, kẻ thực hành các đức lý đã ấn định trên.

Nếu Zarathoustra chê trách “những kẻ khinh miệt thân xác“, chính vì chúng không phải là “cầu đưa đến Siêu Nhân”. Nếu ông khuyến báo sự dũng cảm anh hùng chính là vì ta phải “tôn thờ niềm hy vọng cao ngút nhất“ để có thể đón nhận một con người. Nếu ông khuyên bảo cô đơn, chính vì một ngày kia những kẻ cô đơn kết hợp lại thành một dân tộc và “Siêu Nhân ra đời“. Ngay đến hôn nhân, được hiểu theo nghĩa cao thượng phải có của nó, ông cũng khám phá ra cái “ao ước Siêu Nhân “ cái “yêu cầu sáng tạo Siêu Nhân”. “Bạn phải đắp xây điều cao hơn bạn”. Và người bạn thực sự vừa là “cuộc hội trần gian vừa là linh cảm Siêu Nhân”.

Cho nên hy vọng sáng tạo Siêu Nhân giải thích và biện minh những truyền phán của nền luân lý mới, cũng như (ý?) tưởng Thượng Đế hóa hợp thức những bổn phận cũ xưa. Con Người không thể sáng tạo Thượng Đế, nhưng nó có thể sáng tạo Siêu Nhân hay ít ra cũng có thể trở nên tổ tiên của những người sẽ sáng tạo ngày mai.

“Buổi Đại Ngọ là khi con người ở giữa con đường bắt từ con vật đến Siêu Nhân ; khi hắn sẽ liên hoan trên đường dẫn đến một ban mai mới, như hy vọng ngút ngàn của hắn.

“Tất cả thần linh đều đã chết, giờ đây ta muốn vạn tuế Siêu Nhân! Và một ngày nào đó, đúng đại ngọ, cũng vạn tuế ý chí của chúng ta… “.

Thực sự ta nghe gì từ con người siêu đẳng đó?

Đây không phải là người thuộc chủng loại mới nhưng là một con người đã hoàn toàn giải phóng khỏi mọi định kiến cũ xưa, là người sống bên kia cái thiện và cái ác, phát triển ý chí hùng tráng của mình trong mọi khía cạnh và chiếm đoạt những quyền lực chưa ai nghi ngờ.

Siêu Nhân sẽ sử dụng sức mạnh siêu nhiên tương tự sức mạnh mà truyền thống tôn giáo Đông Phương gán cho Đức Phật. (Nietzsche đọc rất chăm chú cuốn Đức Phật của Oldenberg). Tỉ như Siêu Nhân sẽ thoát khỏi trọng lực, sẽ có khả năng làm thần thuật nâng đồ nặng như không.

Nhất là “con người vũ trụ đó sẽ mang ở mình — nhưng phát triển đến vô hạn – những đức hạnh của nền luân lý mới, sức khỏe, can trường, sức mạnh, thông minh chiếm ngự và một hạnh phúc cao cả.

Ta sẽ không lầm lẫn khi kết hợp ở linh hồn Siêu Nhân những phẩm tính tuyệt vời của thần linh và của những con người vĩ đại, cái tinh khiết dung hòa của Apollon, niềm vui sáng tạo và say sưa của Dionysos, cái thông thái và tử tế của Zarathoustra, tinh thần của Voltaire, nghị lực của Napoléon, cái thông thái bao quát của Gœthe, và có thể thêm vào thiên tài triết học và chủ nghĩa trữ tình của Nietzsche.

Một con người như vậy mới có thể gánh được – và một hy vọng về con người như thế đã giúp ta gánh được – một mặc khải kinh hồn của Nietzsche: Mặc khải Trở Về Vĩnh Cửu.

°

Trong khi nghiên cứu cuộc đời của Nietzsche ta đã thấy triết gia tìm hiểu quan niệm của đạo thờ lửa, của đạo Phật, của các nhà triết học trước Socrate về ý niệm Trở Về Vĩnh Cửu: Thế gian diễn qua diễn lại cùng một khung cảnh, và mỗi lần như vậy con người bắt đầu sống lại cuộc đời của mình. Trong phần Intempestive dành cho lịch sử, ông đã ám chỉ đến quan niệm này, quan niệm ông gán cho những kẻ theo Pythagore, và sau đã từ chối. Nhưng thình lình, một ngày tháng tám năm 1881, ở Engadine, gần Surlej ông đã trực giác được rằng quan niệm đó đã bày tỏ được chân lý sâu thẳm che giấu sau những biểu hiện của đời sống vũ trụ. Và một niềm vui xuất thần nảy sinh trong ông từ mặc khải đó. Nietzsche biểu lộ một cách tượng trưng quan niệm kia trong một trang sách rất hay, nơi ông trỏ cho ta thấy Zarathoustra đập gãy một tên lùn, kẻ thù không đội trời chung của ông, tượng trưng cho tinh thần nặng nề thô kệch.

Đây là hành lang có trụ cột nơi nối liền hai con đường mà chẳng ai đi đến cuối, vì chúng chạy dài mất hút vào vĩnh cửu ; tên của hành lang đỏ, ghi trên mi hành lang, là khoảnh khắc:

“Hãy xem khoảnh khắc này, từ hành lang giây phút đó, một con đường dài bất tận, vĩnh viễn chạy ngược ra sau: đằng sau chúng ta là vĩnh cửu.

“Tất cả cái chi biết chạy theo đã không đi hết được con đường kia? Tất cả cái chi có thể đến, đã phải không đến nơi, hoàn tất đi qua?

“Và tất cả sự vật khòng vướng bận như thể khoảnh khắc kia rút ra từ sau nó mọi giây phút của tương lai? Và… cũng chính nó?

“Bởi tất cả cái chi biết chạy theo không phải đi theo lần thứ nhì con đường dài hướng lên đó?

“Và cái ổ nhện chậm chạp giăng dưới ánh trăng, cả ánh trăng kia và cả ta nữa, tụ tập dưới hành lang, nói khẽ với nhau về vĩnh cửu, chẳng phải tất cả chúng ta ở đây sao?

“Chúng ta không phải trở lại và chạy theo lần nữa, trong con đường khác dẫn lên trước mặt ta trong con đường u ám kia?không phải rằng chúng ta trở lại vĩnh viễn sao?“.

Mỗi con người sẽ sống lại trong cùng một cuộc đời:

“Một ngày nào đó mạng lưới nhân quả sẽ trở về nơi ta bị bao bọc ; nó tái tạo ta! Ta là thành phần ở nguyên nhân trở về vĩnh cửu của mọi vật.

“Ta sẽ trở về với mặt trời này, với trần gian này, với con phượng hoàng này, với con rắn này, – không phải cho một cuộc đời mới, một cuộc sống tốt đẹp hay tốt đẹp nhất ;

“Ta sẽ, vĩnh cửu, trở lại cho cùng cuộc hiện sinh này, đồng nhất như vậy, trong sự vật lớn nhất cũng như nhỏ nhất. Ta sẽ trở lại một lần nữa để truyền giảng cuộc trở về Vĩnh Cửu;

“Để tuyên dương một lần nữa Đại Ngọ của trần gian và của con người ; để còn tuyên giảng cho con người ngày đến của Siêu Nhân!”.

Chắc hẳn không biết bao nhiêu ngàn thế kỷ sẽ chia cách từng cảnh khác nhau của cuộc trở về Vĩnh Cửu nọ. Nhưng – Charles Andler lưu tâm – “khi ký ức phai mờ, các thế kỷ trôi qua như lằn chớp. Cuộc phục sinh dành cho ngày mai”.

Nietzsche nóng lòng mở rộng kiến thức khoa học của mình để biện minh chắc chắn cho quan niệm này. Trong những ghi chú tập hợp ở tác phẩm di cảo Ý Chí Hùng Tráng, ông khẳng định rằng cuộc trở về Vĩnh Cửu là “giả thiết khoa học nhất trong những giả thiết“ vì nó bao hàm trong thuyết bất biến về năng lượng. Và ông thử chứng minh điều đó.

Không thể nào thế giới được sáng tạo, tư tưởng sáng tạo là tư tưởng không suy nghĩ được. Không thể nào thế giới là lực lượng vô hạn: Vũ trụ là một tổng số lực lượng bất biến và tất định theo số lượng.

Bao bọc quanh Hư Vô như vùng biên giới, vũ trụ không thể tự tăng trưởng: nó sẽ rút từ đâu được các yếu tố của sự tăng trưởng này? Nó chỉ sống tự mình, tự nuôi bằng thân xác của mình. Nó không thể giảm thiểu: nếu không, trong cái vô hạn của thời qúa khứ, nó đã tan biến mất rồi. Cái biến dịch luôn luôn đồng đều với chính nó, trong cái toàn thể của mình. Thế giới không thể đạt đến tình trạng quân bình, vì, trong cái vô hạn của thời quá khứ ; nếu đạt đến tinh trạng đó, nó đã bất động rồi. Nó không phải là thế ; cái biến dịch không đạt đến được thực thể – Vũ trụ đang trở nên, nó đi qua ; nó không bao giờ ngưng, nó sẽ không bao giờ ngưng đi qua, biến dịch.

Những trung tâm lực lượng xây dựng nên thế giới lả số hạn định, cái kết hợp khả hữu của nó cũng là số giới hạn. Và như vậy, thực khốc liệt trong cái vô hạn của thời gian, mỗi một kết hợp khả hữu sẽ phải tự thực hiện lại và cũng tự thực hiện trong vô hạn lần lượt. Mỗi một lần thực hiện nó thiết yếu kéo theo tất cả kế tục những kết hợp về sau của cùng một loại mà nó đã định điều kiện (Nietzsche không chấp nhận trong thiên nhiên một thuyết tất định bị thống trị bởi luận lý của chúng ta, song ở đây ông lại trở về một thứ thuyết tất định khác) như vậy một số giới hạn của các kết hợp giữa những yếu tố trong số giới hạn sẽ phát sinh lại theo một trật tự chắc chắn, vô hạn và vĩnh cửu. Thế giới là một chuyển động vòng tròn, tự lặp lại và sẽ lặp lại vô hạn ; nó là một đại dương lực lượng chuyển động, là giống(?) bão riêng tư. là ngọn sóng thường trực các hình thái, khi thì đi từ cái đơn giản đến phức tạp, khi thì từ phức tạp đến đơn giản ; một biến dịch vĩnh cửu không biết chán ngấy, mệt mỏi. Đó là “thế giới Dionysos của sự sáng tạo muôn năm và tự hủy hoại muôn năm“, tự lăn vòng để không có mục đích nào khác hơn là làm một vòng tròn, “vòng khâu của những vòng khâu“ – “bên kia cái thiện và cái ác”.

Quan niệm này, với ngày nay, không phải là không khoa học. Trong một tác phẩm gần đây dành cho vấn đề đó, ông Abel Rey, giáo sư Sorbonne, chứng minh trực giác này “là của một trong những thiên tài triết học lớn nhất trong lịch sử con người”; ông phủ nhận “cái không có thể của mọi cái có thể của cuộc Trở Về Vĩnh Cửu“ ; ông cũng tin thuyết khí động phải trợ giúp cho “Sự trở về cuộc trở về Vĩnh Cửu “…

Quan niệm này, trong mọi trường hợp, theo Nietzsche, cung cấp một giải thích sâu sắc cho đôi sự kiện của đời sống con người, của tình yêu và của nghệ thuật. Những bí mật của dục tình, của sinh nở, mang thai đã đánh thức ở người Hy Lạp những tình cảm cao thượng và nghiêm trang vì chúng gợi ra tư tưởng về cuộc sống vĩnh cửu, và vĩnh cửu trở về cuộc sống: “Cho nên biểu tượng của dục tình đối với người Hy Lạp là biểu tượng hết sức đáng kính”.

Phần khác lý thuyết trở về vĩnh cửu, “đỉnh cao của suy nghiệm“, xây dựng nên “cái đối chiếu hết mực sâu thẳm giữa thế giới biến dịch và thế giới thực thể“. Vậy nên nghệ thuật quy định các khía cạnh của thế giới đổi thay này, nó “ hoá vĩnh cửu, ý chí vượt quá cái biến dịch ): nó lặp lại khuynh hướng của vũ trụ trong toàn bộ theo cách thu nhỏ.

Và nhất là tư tưởng trở về vĩnh cửu đóng, hay có thể đóng, một vai trò bao quát trong đời sống đạo đức của con người. Nó làm nên một kinh nghiệm kỳ diệu. Nietzsche đặt vấn đề một cách lôi cuốn trong một trang ở cuốn Hiểu Biết Hài Hòa:

“Việc gì sẽ xảy ra nếu một đêm nào đó, một con quỷ ghé dạt vào bờ của nỗi cô đơn nhất trong các nỗi cô đơn của anh, và bảo: “Cuộc đời này, cuộc đời mà mày đã sống, và hiện đang sống, mày phải sống lại cuộc đời đó một lần nữa, và vô hạn lần nữa đi ; chẳng có gì mới mẻ ở nó, ngược lại: mỗi một niềm vui, mỗi đau xót, mỗi một tư tưởng, mỗi tiếng thở dài, tất cả cái vô cùng lớn và tất cả cái vô cùng nhỏ của cuộc đời mày trong trật tự đó, trong cùng chuỗi tiếp nối đó ; ừ, cũng màng nhện kia, cũng ánh trăng trong kẽ lá, cũng khoảnh khắc kia và cũng chính ta nữa. Cái đồng hồ của cuộc hiện sinh sẽ thêm một lần quay ngược lại đó nghe em, – và mày cùng với nó, cát bụi của cát bụi ơi!”. Anh sẽ không nghiến răng xông vào cắn xé trần gian và nguyền rủa con quỷ đã nói lên điều nọ? Hay là anh đã sống được trong một khoảnh khắc khá diệu kỳ để thốt lên câu trả lời: “Mày là Thượng Đế, ta chẳng bao giờ còn nghe lời Thánh Thần nữa”. Nếu tư tưởng này vững chắc trong anh, như anh phải là anh, nó sẽ biến dạng anh và có thể sẽ tiêu hủy luôn anh, với câu hỏi: Mày còn muốn điều đó một lần nữa, vô hạn lần nữa không”, câu hỏi đó trong tất cả, đè nặng lên tất cả hành động của anh với sức nặng kinh hồn! Hay là anh phải yêu thương cuộc đời yêu thương chính anh, để không còn ao ước gì hơn là lời khẳng định tối thượng muôn năm đó!“.

Tư tưởng trở về vĩnh cửu đè nặng nề lên tâm hồn bọn hèn yếu, những kẻ sống không trọn cuộc đời họ, trong niềm tin tội lỗi, trong buồn bã thảm não. Họ như kẻ chăn cừu Zarathoustra, chết nghẹn vì con rắn đen khổng lồ trong cổ họng. Chính Zarathoustra cũng chán ngấy mênh mông với tư tưởng bọn người nhỏ bé, mà suốt cuộc đời ông ghê tởm, sẽ trở về vĩnh viễn luôn luôn, đồng nhất với nhau “kẻ này giống hệt người kia, cũng rất người, ngay cả kẻ vĩ đại nhất”.

Nhưng phải hiểu rằng tất cả đều nằm trong vũ trụ, “không có gì cô lập tách biệt nhau trong ta cũng như trong sự vật ; nếu tâm hồn chúng ta lẩy bẩy run vì hạnh phúc, rung lên như sợi dây đàn huyền ly, thì chỉ không phải một lần thôi, mọi điều vĩnh cửu cần thiết phát sinh ra biến cố đó ; trong giây phút khẳng định duy nhất đó, chính là lúc mọi vĩnh cửu được khẳng quyết, ưng thuận, giải thoát, biện minh?”

Tất cả đều là sự tình cờ khốc liệt, cho đến lúc sáng tạo tuyên dương: “Chính thế nên ta đã muốn điều đó, nên ta hiện muốn, và sẽ muốn điều đó nữa”. Thế gian là cảnh tượng đáng được gào lên: Một lần nữa, một lần nữa đi. Chúng ta được dẫn đến điều khẳng định Dionysos về trần gian, dẫn đến chấp nhận yêu thương nó như nó là nó, không thay đổi chẳng bôi xóa, chúng ta trở về phương thức: Amo fati (tình yêu định mệnh).

Được tiếp xúc với Zarathoustra, đang ngây ngất vì cái êm ả của cuộc đời, thì “kẻ thô kệch nhất trong loài người” cũng bắt đầu yêu cuộc sống. Và hắn làm chứng:

“Trần gian rất đáng để sống đời đời, dù khốn khổ đi chăng nữa. Một bữa, một ngày lễ lạc, đi cạnh Zarathoustra cũng đã dạy cho tôi yêu thương trần thế

“Cuộc đời là đấy ư? tôi sẽ nói với tử thần: thì thêm một lần nữa đi!

“Các bạn ơi, các bạn không muốn nói như tôi với thần chết sao: Cuộc đời là đấy ư? thế thì vì tình yêu của Zarathoustra, hãy một lần nữa đi!“.

Phần ba của cuốn Zarathoustra kết thúc bằng bài ca an-pha và ô-mê-ga hay là bài ca bảy dấu ấn, nơi, như một chủ đề, trang sách huy hoàng này lại đến:

“Hỡi ơi, làm sao ta không si mê điên cuồng vĩnh cửu như điên cuồng thèm khát nhẫn tân hôn, nhẫn vàng của biến dịch, của trở về?

Không bao giờ ta tìm thấy được người đàn bà có thể làm vợ mình để sinh con đẻ cái, nếu không phải là người ta yêu thắm thiết muôn đời ; bởi vì ta yêu em, Vĩnh Cửu ơi!”

“Bởi vì ta yêu em Vĩnh Cửu ơi!”

Lý thuyết trở về Vĩnh Cửu choàng vương miện cho mặc khải của Nietzsche. Bằng những sợi dây tinh tế nó gắn chặt nhiều yếu tố vào mặc khải ấy, nên ta phải khám phá chúng trước khi đi đến kết luận.

Trước hết dường như có một đối nghịch giữa lý tưởng trở về Vĩnh Cửu và lý tưởng người Hùng: cố gắng phi thường để sáng tạo Siêu Nhân làm gì nếu để cùng vĩnh viễn trở về theo bọn người nhỏ bé? Nhưng đó là tư tưởng của người thấp bé muốn biện minh cho yếu ớt hèn nhát của mình. Thực ra, đây là nguồn hy vọng cho sự xuất hiện của Siêu Nhân, của con người Vũ trụ, kẻ có thể hoàn toàn giúp họ vui tươi chấp thuận cuộc trở về Vĩnh Cửu. Và ngược lại, để có thể chịu đựng cái nặng nề của tư tưởng đó, phải cần đến cái can trường của Siêu Nhân, hay của người góp phần vào việc sáng tạo Siêu Nhân.

Lý thuyết trở về Vĩnh Cửu cũng kết hợp chặt chẽ với việc đảo các giá trị bằng sợi dây liên hệ đã được chính Nietzsche chỉ rõ trong mấy trang di cảo của cuốn Ý Chí Hùng Tráng. Để chống cự với những khủng khiếp nơi mặc khải trở về Vĩnh Cửu, ta phải giải thoát mình khỏi các định kiến luân lý cựu truyền, phải tìm thấy ý chí hùng tráng, phải tìm thấy những phương tiện tranh đấu mới để chống lại khổ đau và từ đó phải đau khổ như niềm vui sống mãi. Phải có cái can trường này mà nền luân lý mới đánh giá như đức lý cao ngút nhất. Bởi vì, như ông viết trong một trang ở cuốn Zarathoustra, “can trường là kẻ giết người tuyệt vời nhất: nó kết- thúc bằng việc giết tử thần ; vì nó nói: Thế nào? đó là cuộc đời ư? Hay lắm, thì hãy bắt đầu lại một lần nữa đi!”

Sau hết lý thuyết trở về Vĩnh Cửu liên hệ mật thiết đến khuynh hướng sâu sắc nhất của triết lý Nietzsche: khuynh hướng khao khát niềm vui, niềm vui cao cả chấp nhận khổ đau chua xót một cách anh hùng.

“Mọi niềm vui đều tự mong ước với nhau, nên muốn có khó nhọc đau đớn! Hỡi hạnh phúc,hỡi đau thương! Trái tim ơi, hãy tự đập nát mình đi! Vậy hỡi người cao đẳng, hãy học điều này: niềm vui đòi hỏi cái Vĩnh Cửu!”

Niềm vui đòi hỏi cái Vĩnh Cửu của mọi vật, đòi hỏi cái Vĩnh Cửu sâu khôn lường

Những lời đẹp tuyệt kia ta gặp trong những trang cuối cùng của phần bốn cuốn Zarathoustra. Nó bình chú bài ca của cái chuông, được đặt ngay trước bài ca an-pha và ô-mê-ga, vào cuối cuốn thứ ba – Ta có thể trích ra đây bài thơ rất đẹp kia, làm kết luận cho phần trình bày triết lý anh hùng và trữ tình của Nietzsche.

Vào nửa đêm, hồng chung lớn đổ lên mười hai tiếng:

” MỘT!

Hỡi con người, hãy giữ chừng!

HAI!

Nửa đêm sâu thẳm nói gì?

BA!

Ta ngủ rồi, ngủ rồi…

BỐN!

Giờ ta thức dậy từ mộng mị sâu thẳm.

NĂM!

Thế giới là vực sâu thăm thẳm.

SÁU!

Sâu hơn ban ngày ta nghĩ được.

BẢY!

Sâu thăm thẳm là đau khổ của hắn.

TÁM!

Nhưng niềm vui còn sâu thẳm hơn cả đau khổ của con người.

CHÍN!

Đau khổ nói rằng: Chết!

MƯỜI!

Nhưng tất cả niềm vui muốn Vĩnh Cửu!

MƯỜI MỘT!

Muốn thăm thẳm, thăm thẳm Vĩnh Cửu!

Bình luận