Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nỗi Buồn Chiến Tranh

Chương 5

Tác giả: Bảo Ninh
Thể loại: Văn Học Việt Nam

PHẢI VIẾT THÔI? KIÊN THƯỜNG TỰ NHỦ MỘT cách nghiêm trang và quả quyết, một cách thôi thúc và nôn nóng như thế, như thể thầm hô lên một khẩu hiệu để giục lòng mình, những khi anh một mình đi trên đường phố ban đêm. Những đêm âm u buồn thảm đầu óc tối sầm tuyệt vọng, như đêm nay, như nhiều đêm.

Phải viết thôi. Đời anh từ bấy lâu nay còn gì hơn là viết, mặc dù là viết khổ viết sở, như đập đầu vào đá, như là tự tay tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái con người mình ra. Nhưng ấy thực là tồn duy nhất, là phần còn lại của tâm hồn đã bao lâu rồi ngợp đi trong buồn thương và tủi nhục. Viết cho đến khi không còn được nữa. Cho tới khi ngay cả phần còn lại cũng bị nhận chìm đi thì xin thề là sẽ biết đường mà tự xử. Còn bây giờ, những lúc lờ mờ cảm thấy sự vô nghĩa lý của những giờ dằng dặc triền miên cặm cụi bên bàn viết thì Kiên ra đường, ra với thành phố đêm khuya của anh. Nhất là những đêm không điện, từng mảng rộng của Hà Nội bị nuốt đi trong đêm. Đêm tối đen, hoang vu như đêm đồng nội. Và thêm nữa mưa gió rét mướt. Trong cái buồn của đêm đen thành phố anh như thấy được cảm thông, nỗi buồn riêng dường như dịu đi.

Đôi khi lò mò đi trong những ngõ hẻm câm lặng như hang sâu, lòng anh lại chợt bừng lên cảm giác ngọt ngào nao nức như thể đang đứng trước một khoảng trời rộng mở. Một ý tưởng lơ vơ có thể được làn gió lùa dọc phố bốc mạnh lên như một cánh buồm.

Phải viết thôi. Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống. Cần phải viết về những người thân yêu cũng như về những con người xa lạ hàng ngày nườm nượp qua đường vô tình trở thành những chứng nhân của cuộc đời nhau. Viết về những khoảng trời khác nhau, tương phản nhau trong đời sống và trong tâm hồn, về những mái nhà, những tổ ấm, về thành phố mẹ đẻ… có biết bao số phận, biết bao nhiêu nông nỗi đời người thấp thoáng trong bóng tối đêm mưa, dưới những mái hiên, lướt ngang những cột đèn góc phố.

Tiếng chân người bước trong vắng tối phố dài nghe như âm vang của im ắng, như tiếng bước chân của suy nghĩ. Một chiếc xích lô phủ bạt bóng loáng nước mưa đạp qua không tiếng động. Một cặp ôm nhau trong cái bốt của cảnh sát điều khiển giao thông. Tiếng gà gáy mơ hồ trong góc phố. Một quãng đường tối câm đột nhiên có điện trở lại, đèn bật sáng, bừng lên từng đợt như bị gió thổi bạt đi. Lá bàng rụng xuống một tiếng khô giòn. Còn lá sấu mặc dù ướt át vẫn đuổi nhau vùn vụt trên vỉa hè. Kiên cảm thấy mình đang đi trong quãng lặng của bản nhạc lớn lao và trong đêm tối phố phường anh cảm thấy rõ mình đang sống. Sống một cánh thôi thúc, một cách đầy giục giã, bất chấp cuộc đời tham lam không trí nhớ, bất chấp sự trì trệ của đời sống thị dân không ký ức, không ước mơ. Phải viết thôi, phải viết thôi.

Ở góc phố nọ, Kiên dừng lại trước một cửa hiệu bày bán một mình giữa canh khuya. Vừa mải mê vừa lơ đễnh, anh ngắm những mặt hàng lụa bày trong tủ kính. Rất nhiều màu sắc và tất thảy đều dịu nhẹ gợi cảm giác êm ái, tinh khiết và trang nhã lạ thường.

– Chọn mua đi chú ơi? Một giọng trẻ măng tinh nghịch mời chào, và Kiên nom thấy sau quầy gương mặt thanh tú phơn phớt phấn hồng của cô bé chủ tiệm – phụ nữ bọn cháu ấy mà, ở mọi lứa tuổi chẳng ai là không thích mê khi được làm quà bằng thứ hàng này.

Kiên mỉm cười, nhưng mà anh hơi thẹn vì đã nhận ra đây là quầy bán toàn đồ của phụ nữ. Thật không ngờ lại đẹp đến thế, tinh xảo đến như vậy. Hẳn là vẻ mặt anh lúc này, nom phải đặc biệt tỉnh lẻ. Cô bé khúc khích cười tán:

– Tuyệt, đúng không chú? Có thể ví như những lượt da trời buổi sớm ý…

Trên vỉa hè, trong bóng tối đẫm hơi mưa, Kiên rảo bước, và hồi lâu trước mắt anh thú thực cứ phấp phới dập dờn những món đồ lụa mặc bên trong đẹp không thể nào ngờ được ấy của người phụ nữ thời đại mới. Tự nhiên anh nhớ tới mấy cô giao liên người Miên ở vùng Tây đắc-rệt, họ xài coóc-xê như đồ trang sức: mặc ra bên ngoài áo cánh. Mà nói gì tận xứ đó, ở Quảng Bình hồi bọn anh hành quân qua, trong ba lô tay nào có trữ loại phụ tùng ấy của phái đẹp thì hầu như muốn gì được nấy, các cô thanh niên xung phong chiều hết. Phải, các cô gái thời bọn anh quả là thua kém thời nay. Và, ôi chao như hồi năm 73, thật tức cười, tiểu đoàn anh nhận lầm phải một đợt quân trang nữ, áo ngắn cũn, quần lại xẻ bên hông, song kỳ khôi nhất là mỗi bộ thế đều có kèm cả “xích líp phụ tùng”. Lính tráng gọi đùa là đồ gia giảm. Cứng ngang mo cau, thật sự là giáp che ngực, và lục thẫm, lục nhạt hệt như những con cánh cam. Đấy là chuyện hài song cũng có những chuyện kinh khủng. Bao giờ cũng thế, từ sự nhỏ nhặt nhất trong đời sống con người thời đó cũng có những chuyện đau đớn kèm theo. Những chuyện không thể quên, nhưng không dám nhớ tới…

Kiên bước qua đường. Dưới cột đèn trước cửa một hiệu ăn, anh thấy một người ăn mày đang đứng co ro, tay giấu trong nách, rạp xuống ngẩng lên vái người qua đường và cất giọng ống bơ rỉ kêu van một cách tự tin:

– Xin hãy để mắt quan tâm đến tình cảnh người khác một phút đồng chí ơi! Xin hãy nhớ tới những miền đang lụt lội, đồng chí.

– Ăn mày mà lập trường gang thép gớm chưa? Mẹ kiếp, cái dân An Nam nhà mình chỉ giỏi chống ngoại xâm chứ đến ăn xin cũng chẳng biết đường – một ông bệ vệ diện bành tô quắp một ả áo lông đi từ trong quán ra, lên giọng – Ê, hạ lập trường xuống, thì cho.

Ả áo lông cười rú lên như bị cù. Kể cũng buồn cười thật. Một lúc nào đó mình sẽ dùng đến cảnh này, tự nhiên Kiên nghĩ thế. Có thể sẽ viết rằng thằng cha bệ vệ kia và người ăn xin là bạn cũ của nhau. Thậm chí là đồng đội. Mà cũng có thể… Nhưng, vớ vẩn chưa kìa.

Kiên nghĩ sao lại lạc sang nghĩ đến chuyện này? Mọi ý bị xáo trộn lên, không còn mạch lạc gì, mọi tình cảm và suy tư như cố hòa vào nhau để làm mờ nhòa cái điều chủ yếu đang ám ảnh, giày vò tâm trạng. Tuy nhiên, anh cũng biết, chính những ý nghĩ đứt đoạn, thiếu ăn nhập không đầu, không đuôi, thấy gì nghĩ nấy này đã luôn giúp anh sao lãng khỏi những đau đớn quá sức tưởng tượng của tâm hồn.

Trong đêm, những cảnh tượng của mê cung thành phố lướt loáng thoáng qua tâm trí Kiên như những con tính nhẩm rời rạc, chẳng mấy ý nghĩa nhưng chắp nối tình cờ với nhau thành chuỗi số vô tận. Nhiều hôm những con tính nhẩm nhặt nhặt trên đường đã dẫn dụ anh đi lang thang cả đêm. Dần dần cũng thành ra như một nhu cầu, nó tạo cho anh cảm giác tò mò êm ái đối với đời sống thường nhật tối tăm, bơ phờ và chán ngấy. Anh có thể kiên nhẫn uể oải đi theo một bộ hành nhìn thấy tình cờ phía trước, lòng vòng qua hết phố này đến phố khác hàng giờ cho đến khi y khuất vào sau khung cửa một ngôi nhà. Anh cố hình dung tướng mạo và sắc diện cuộc đời một con người chỉ qua tấm lưng, anh hình dung mình nhập thân vào cuộc đời của họ, những con người sống quay lưng lại với tất cả.

Ngày trước, trai đất thánh gặp nhau trong rừng, mắc võng nằm cạnh nhau, nhiều khi suốt đêm sa đà vào toàn những chuyện phố xá. Phố này ở đâu, phố kia ở đâu, phố nào chỉ độc một số nhà, phố nào có nhiều số nhà nhất, phố nào dài nhất, ngắn nhất, cổ nhất, vì sao lại gọi là chợ Đuổi, dân nào ở Hà Nội chuyên làm chả nhái, quán cà phê nào đáng vào nhất… Năm 72, Kiên, cùng A trinh sát với Thắng “đầu bò” – ba đời đạp xích lô kiếm cơm ở Hàng Cỏ – Vậy mà “đầu bò phải chịu Kiên là thông thạo Hà Nội hơn hắn”. Không một tên lính Thăng Long nào rành rẽ những chi tiết thị thành lặt vặt nhất bằng Kiên. Anh có thể miêu tả không sai một nhánh nhỏ nào trong khối chằng chịt các phố Hàng. Ai có thể biết được bằng Kiên rằng Hà Nội có bao nhiêu hồ to hồ nhỏ, đường Khâm Thiên có bao nhiêu ngõ, con gái phố nào đẹp nhất, rạp Thái Bình Dương thường chiếu phim cấm vào những tối nào, bằng cách nào sắm được vé. Chẳng ai ngờ rằng những tri thức phố xá ấy của Kiên là do nhặt nhạnh được trong chiến tranh, do anh trải qua nhiều đơn vị, gặp nhiều lính gốc Hà Nội, chứ bản thân anh trước khi đi bộ đội chỉ là một thằng bé học trò, ít chơi bời bát phố. Cuộc đời quân ngũ và những năm tháng mịt mù nơi rừng sâu núi đỏ đã làm cho anh yêu tha thiết thành phố mẹ đẻ của mình.

Thế nhưng giờ đây niềm đam mê quang cảnh thị thành đã phai lạt đi nhiều. Có lẽ, quả thật, càng ngày anh càng khó nhận ra Hà Nội của mình, không phải vì thành phố đã thay đổi gì nhiều mà vì trong lòng anh, phía sau đôi mắt, đã có quá nhiều biến động. Anh gắn bó với đường phố chủ yếu là nhờ những kỷ niệm. Dường như cuộc sống ngày hôm nay anh thấy đang diễn ra xung quanh chỉ có tác dụng duy trì trong anh một thế năng không mất đi đối với quá khứ.

Cái cảm giác hòa nhập, cảm giác đồng điệu ngày mới quân ngũ trở về anh thường cảm thấy khi đi trong phố xá giữa mọi người giờ đây không còn nữa. Ám ảnh cô đơn luôn bám gót Kiên, nỗi cô đơn không của riêng anh mà của cả đám đông. Nỗi cô đơn của cả một dòng người. Sự cô đơn của nghèo nàn và đơn lẻ lồ lộ phơi bày trong các số phận đồng loạt, lầm lũi đi bên nhau nối nhau thành dòng nước quẩn. Niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ đều cùn mòn, nhạt nhẽo và vô ích, lập lòe tối sáng như những chùm đèn xanh đỏ nhấp nháy trước các cửa hiệu. Cho nên, đi trên đường phố như để tìm một nguồn quên lãng mà rốt cuộc lại rơi vào với nỗi buồn. Luôn luôn Kiên nhận thấy rằng, tất cả, cả anh, cả mọi người đang để trôi đi uổng phí những giây phút bồi hồi, những khoảnh khắc xao xuyến tình người nhất trong một đêm và trong một cuộc đời. Luôn luôn, khi đi trên đường phố, trong đầu anh thường bất chợt lóe lên một ý nghĩ. “Phải đi khỏi đấy thôi”. Bóng tối đen kịt. Gió hú trên cao… “Đi thôi”.

Bất giác anh hình dung thấy Đồi Mơ trong cái vắng lặng của buổi chiều tà tháng năm, cái tươi mát mới lạ, cái xưa cũ xa vời và trong cảm giác êm đềm tuyệt diệu của làn gió từ bìa rừng và mặt sông, của vườn cây đằng sau nhà mẹ Lành. Sao Hôm lấp lánh trên nền trời ngả tím. Nỗi khát khao được về náu thân ở xó rừng buồn thảm, tươi đẹp ấy của đất Nhã Nam làm trái tim Kiên tan nát đi vì tuyệt vọng và vì hạnh phúc. Khi đời anh đã hết thì vẫn còn một nơi, vẫn còn một người chờ anh tại chính chốn mà từ đó anh ra đi lập nghiệp…

Rồi anh lại nhớ tới những ngày xuân, khi toàn quân B3 từ vùng duyên hải Phan Rang hành quân ngược lên đèo Ngoạn Mục, qua thủy điện Đa Nhim, qua Đơn Dương, Đức Trọng, xuống Di Linh để ra đường 14 đi xuống Lộc Ninh, quặt trở lại để đánh vào Tây Sài Gòn kết thúc chiến tranh. Cuộc hành quân muôn một trong đời lính bộ binh, vùn vụt tiến quân bằng xe cơ giới xuyên qua đất trời vô tận của thảo nguyên… Khi bình minh đến trên đồng cỏ, quân lính tỉnh dậy trên xe, mặt bạc đi vì gió và vì sương, hỏi nhau đêm qua đã vượt qua được những vùng đất nào, bây giờ đang ở đâu đây…

Sung sướng tự hào vì tốc độ của chiến thắng. Hạnh phúc. Ngỡ ngàng. Ngây ngất.

Phải đi thôi? Phải đi thôi… Tới một góc tối ở xế Bờ Hồ, Kiên tạt vào “Caffé de la Hiên”, một quán đêm bí ẩn nép mình rất kín đáo ở đầu một ngõ hẻm. Đã đi phất phơ ban đêm thì bao giờ anh cũng ghé vào đây. Ở đây anh có những kỷ niệm. Và nếu cần có thể dễ dàng thu lượm thêm nhiều những kỷ niệm nữa. Với lại ở đây người ta không nhạc nhọt làm ầm ĩ lên, cũng không màu mè chuyện văn chương thơ phú như ở các quán quanh hồ Thuyền Quang đầy rẫy các ông bà thi sĩ. “Hê lô, bộ binh?” – Tay chủ quán mập ú mũi cà chua hằn rõ ba múi toét cười chào Kiên. Y bưng đến bàn Kiên một tách cà phê, đĩa hạt hướng dương Tàu và nửa chai…

– Người lính có thích bạn cùng bàn không? – Y trịnh trọng.

– Không. Nhưng thế nào, dạo này thêm cả món ấy nữa à?

– Hì, hì… tư duy mới.

Trong không khí chật chội đầy hơi ẩm và khói thuốc, Kiên ngồi nhâm nhi tách cà phê và lười nhác ngẫm nghĩ. Ở các bàn khác người ta thầm lặng chơi “ba cây”, rầm rĩ chuyện mánh mung và hút thứ gì đó lờ mờ mùi vị cần sa. Xa xa, trên mặt hồ hiện lên một ngôi sao xanh mờ có vẻ huyền ảo. Chắc là một ngọn đèn ở đầu cầu Thê Húc.

Hồi đầu hòa bình, tay chủ tiệm không béo mà gầy như cái xe điếu. Y cũng là lính giải ngũ, mò đâu từ bên Lào về với cái mặt sốt rét cơn thâm xịt. Y mở quán. Và dạo đó người ta gọi đây là câu lạc bộ Cựu chiến binh. Khách khứa toàn là quân sĩ về “hoàn kiếm”, phần lớn chưa công ăn việc làm, chưa định hình cuộc sống mới, và như người ta nói, là còn chưa lại hồn. Người này mách người kia, dần dần tụ lại với nhau ở đây, cùng nhau nướng sạch vào túi trung sĩ chủ tiệm những đồng bạc “cửa rừng”.

Ở đây, bên cốc rượu, họ lớn tiếng kể về những bước đi chập chững vào đời dân sự. Những chuyện bây giờ thì đã nhàm tai nhưng hồi đó thì thật không sao tin nổi, lại được kể bằng giọng lính, làm cho ai nghe cũng phải cay đắng cười đến rũ rượi và điên cuồng nốc rượu. Ở đây cũng có thể nhận được những chỉ dẫn và mách bảo tận tình về nơi có thể kiếm việc làm, về cách lo lót bọn nha lại để xin nhập tịch, xin trợ cấp thương tật, xin vào học lại ở trường đại học, xin trở về xí nghiệp cũ…

Nhưng nói chung đây là nơi tụ tập giải sầu, gặp gỡ hàn huyên, nói chung là những sự cố kết ủy mị. Tại chỗ Kiên đang ngồi dạo trước là “chốt” cố định của Vượng tồ, một cựu binh thiết giáp, nhà ở sau ga, “đã từng bốn năm trời lái T54 hoành hành ở Miền Đông!” Có lẽ Vượng là nhân vật đầu tiên thuộc loại người mà về sau Kiên gặp rất nhiều, loại người không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố chiến tranh, loại người bị những ức ký quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn. Hồi mới theo bạn bè tới quán này, Vượng uống không nhiều, lành và rụt rè lại to con quá khổ nên trông quá tồ.

– Em đang nhờ anh em chạy lo cho một chân lái xe – Anh chàng khoe với Kiên – Xe tải, xe con, xe khách đều được, Tàu lu cũng được. Cốt là em được nắm tay lái, được chuyển động trên mặt đường thôi. Em chẳng uống. Ngồi vui với các anh thôi.

Bẵng đi một thời gian, lính tráng kinh hoàng thấy Vượng lù lù xuất hiện ở cửa quán, râu ria lồm xồm, mắt đỏ ké, bước khật khưỡng, môi nở nụ cười ngơ ngác, “tôi bỏ lái rồi các chiến hữu ạ. Bây giờ là rượu lái tôi”. Và bắt đầu từ đó, Vượng như ngồi lì ở đờ la Hiên một góc riêng, luôn luôn một chai với ba thứ đồ nhắm.

Thỉnh thoảng hứng chí, Vượng lại gào lên một khúc quân ca hoặc một bài hát tục tĩu nào đấy của đời lính.

– Cạn với tớ một li, chàng bộ binh – Hắn ồm ồm gọi – Không thích tớ à? Hay sợ tớ hết xèng? – Đừng lo, cạn đi? Không có chúng tớ làm đếch gì mà các cậu trở thành “bộ binh giỏi nhất thế giới” như các vị tướng tá nhà ta khoe? Hãy uống mừng đòn đột phá của chiến xa đi!

Thật không ngờ một tráng sĩ hùng dũng như thế thuở nào lại trở chứng, biến mình thành mớ giẻ rách như vậy. Người ta bảo hắn mắc chứng “ngợp mặt đường” nhưng đúng ra thì còn tồi tệ hơn: Vượng không chịu nổi xóc?

Xóc mạnh ổ gà, ổ trâu, chồm nẩy lên thì còn chịu được – Vượng kể – chứ mà những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là tớ ọe liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết. Thế là tửu. Mà tửu vào thì còn lái chó gì được nữa. Mà tớ còn bị cái thói căm ghét kẻ bộ hành và xe đạp… Cứ thấy người láng cháng trước đầu xe là hết kiên nhẫn. Phải cố sức kìm mới khỏi dận ga thúc ba đờ xốc vào họ. Các cậu hẳn thấy cảnh tăng cán người rồi chứ? Nặng thế mà thân xe vẫn bị xương thịt con người mềm mại đội kích lên một chút. Ngồi trong xe, ở tay lái thì càng nhạy cảm hơn với cái sự hơi rướn lên ấy. Biết rất rõ xe đang lướt trên những thân người chứ không phải mô đất, gộc cây hay là cục gạch. Như cái túi đẫy nước thẳng người vỡ đánh bép một cái và đẩy nhẹ băng xích lên. Ối giời ơi? – Vượng rên lên, mặt méo đi – Những cảnh như thế cán cả vào tôi khi ngủ. Các cậu không hiểu như thế là thế nào đâu… Hồi bọn tớ tràn qua Xuân Lộc đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18, ở các rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. Xe chạy tới đâu ruồi bâu tới đấy… cái chủ yếu là… thoát khỏi ngủ mê…

Vượng đã uống cho tới ngày đổ bệnh, quỵ hẳn. Những người khác có lẽ cũng chẳng hơn gì. Câu lạc bộ rã đám dần. Các thân phận tơi tả tan tác. Trong số những nhân vật bộ tịch mờ ám ngồi trong quán lúc này khối tay là thành viên hội cựu chiến binh thuở ấy nhưng làm sao mà nhận ra nổi họ nữa. Cũng như Kiên thôi, anh còn gì giống với bản thân mình. Và tay chủ quán kia nữa. Kiên rót rượu. Một ả tóc xù, bận áo Na-tô cồm cộm những túi với phecmơtuya, sặc mùi nước hoa Tàu, lướt sát qua bàn. Gặp mắt Kiên, ả lượn vòng lại, ngồi thả người xuống bên cạnh anh.

– Đừng ám lâu nhé! – Kiên giao hẹn.

– Không thích em à?

– Sao không kiếm một chỗ khác?

– Còn một chỗ khác à?

Ả “bớp” bật cười. Răng sứt, lợi đen sì. Không cười nom còn tạm. Của này tuổi làm gì đã được hai mươi.

– Rét quá, – Ả than – Anh uống một mình à? Mà giời ơi, định mời em thứ độc dược này à? Ê, anh béo đúp Ma-xim?

– Rượu chè không tốt cho các cô bé đâu.

– Có anh là bé con ấy!

Ả đưa tay xuống gầm bàn lần đùi Kiên. Ờ? – Ả thốt lên rụt tay lại, khẽ cười. Kiên nhếch mép.

– Ôi, chán phè ông anh? Em không phải là một con ngốc. Em là một con bớp có bằng cấp đấy thưa anh. Xin ông anh biết cho là đang đối tửu với nữ sinh viên đấy ạ. Anh đừng lỡm em. Em chả say đâu… ối giời, chán phè anh giai. Thôi, uống đi?

Cả đời Kiên uống nhiều nhưng chỉ vài lần say đáng sợ. Một lần trong cái bar của Air France trong Tân Sơn Nhất đêm ba mươi tháng Tư. Một lần chính ở cái tiệm này đây. Cách đây gần chục năm rồi. Một ngày đen tối. Tay chủ tiệm chắc vẫn còn nhớ. Hồi đó hắn chưa béo ú ra như thế này. Cô nhóc này dạo đó có lẽ còn ở tuổi đứng mút kem ở tiệm Hồng Vân. Một ngày đen tối. Anh đã đánh thành thương tật một con người.

Không, thực ra hôm đó Kiên không hề say. Hồi đó anh đâu có uống nhiều. Anh chỉ đến đây để uống cà phê, rồi vài ba ly cùng anh em đồng ngũ. Uống gọi là thôi. Anh là người lính giải ngũ có nhiều may mắn. Có nhà cửa. Thi đỗ vào đại học. Là một sinh viên. Anh sắp tốt nghiệp. Và sẽ lấy vợ, một người đàn bà tuyệt đẹp đã chờ anh qua suốt cuộc chiến tranh và bây giờ vẫn chờ đợi. Anh không cải chính những điều người ta nói về anh như thế. Anh chưa đưa Phương tới đây bao giờ, nhưng nhiều người lính khách quen ở quán này đã đến thăm anh và đã được anh giới thiệu với Phương. Thật là một ngày đen tối, cái ngày không may ấy. Tay cảnh sát đã giữ anh sau vụ xô xát cho rằng bọn lính tráng các người ngứa tay ngứa chân, nhưng quả tình là anh không ngứa ngáy một cái gì. Và tuy có vẻ là tình cờ nhưng là tình cờ tất yếu của thời mạt vận. Thời kỳ mà từ đấy bắt đầu địa ngục đời thường, địa ngục của thời thái bình an lạc. Và địa ngục tình yêu nữa. Một mối tình dị tính, một mối tình quái ác, đầy tổn thương, làm khô cong trái tim anh, làm anh ngấm đau từng ngày. Thực chất anh là kẻ nốc ao chứ không phải là hắn. Hôm đó anh ngồi khá khuya, nhâm nhi cốc cà phê thứ hai. Các bạn ngồi cùng bàn đã về hết. Chỉ còn Vượng tồ say khướt đang ngồi rền rĩ hát. Trung sĩ chủ quán đang ngồi trong quầy tính toán sổ sách. Kiên ngồi ở chiếc bàn gần quầy để tránh dây dưa chuyện trò với Vượng. Bọn họ đi cúp tới. Dựng xe, không khóa, có lẽ cũng chỉ định tạt vào uống cà phê thôi. Ba bốn người gì đó. Anh không nhìn kỹ. Họ ăn mặc diện, trông không có gì dữ tợn, thậm chí thoáng tưởng như là các ca sĩ của băng nhạc nhẹ, nhưng là loại người mà ta chẳng nên dây. Đó là những tên ác ôn kín đáo, trác táng và nguy hiểm, đặc biệt là khi chúng ở vào cùng cỡ tuổi ba mươi như Kiên khi ấy. Những tên như thế thường có vũ khí, không súng thì dao, và dẫu không vũ khí, chúng cũng là những con thú. Kiên biết. Tuy nhiên bọn họ vào đây để uống cà phê, nói chuyện rì rầm gì đó với nhau.

Nhưng tiếng hát ầm ĩ của Vượng làm họ khó chịu. Họ có quyền phản đối với chủ quán, họ có quyền quát bảo kẻ say hãy im miệng. Song tên ngồi gần Kiên nhất, một tên mặt bẹt, đầu bé hình củ cải bận áo da đen lại đưa ra một nhận xét:

– Đồ rác rưởi, một thằng cha đầy lòng tự hào chiến thắng đấy. Thật đúng là thắng lợi của bọn dã man, bọn ăn lông ở lỗ, bọn nhà quê An Nam mít đối với văn minh và tiến hóa. Đồ rác rưởi?

– Tôi cho rằng: Anh mới là đồ rác rưởi khi nói như vậy – Kiên bảo hắn thế một cách từ tốn. Tên áo đen đứng bật dậy. Kiên nhìn hắn. Một vẻ ngạc nhiên lướt rất nhanh trên khuôn mặt hắn. Môi nhếch lên như suýt bật cười. Hắn huýt một tiếng sáo và nheo mắt lại. Chủ quán bước vội ra lên tiếng can. Và đám bạn tên áo đen kéo hắn ngồi xuống. Họ không có ý định đến đây để đánh nhau. Nhưng ngồi xuống một lát tên áo da đen nhổm dậy, bước tới, kéo chiếc ghế ở bàn Kiên, và ngồi xuống đối diện với anh.

Hắn nói:

– Anh bảo tôi là đồ rác rưởi? Cứ cho là như thế. Còn anh. Rất có thể anh là một nhân vật đáng kính. Hôm thứ bảy tôi được vinh hạnh nom thấy anh ở rạp Tháng Tám. Anh bạn nhớ lại mà xem, có lúc nào người đẹp của anh bối rối khi vào rạp? Đấy là vì nàng thấy tôi nhìn anh chị. Anh có thể không là đồ rác rưởi, nhưng cô tiên sánh đôi với anh hôm đó thì cho phép được nói thật: Đó là…

Kiên nhấp một ngụm cà phê, anh để điếu thuốc hút dở xuống gạt tàn. Anh nghĩ rằng mình nên kìm chế. Nhưng anh thấy rõ là tim mình đã đập gấp và miệng khô đắng.

– Nếu anh cho tôi là thằng bịp bợm, ngày mai đúng tám giờ tối tôi sẽ đưa thằng đã ngủ hầu nàng lượt sau cùng trước khi nàng đến với anh để trình anh mọi chi tiết. Tôi nghĩ là tôi tử tế và thân tình mặc dù vô cớ bị anh làm nhục. Xin nói để anh biết rằng tôi chẳng những là lính mà còn từng là cán bộ chỉ huy cơ đấy. Cái thằng Vượng kia tôi còn lạ gì. Thế nào, tám giờ sáng mai nhé? Còn nó, xin nói để anh biết: Những con đàn bà mắt hơi hiếng hiếng lại đong đưa tất tật đều là phường trụy lạc nhất đời, dù cũng chẳng có cái giống gì đáng yêu hơn chúng… Nhưng đến cỡ như con Phương thì…

Kiên hất cốc cà phê nóng vào mặt hắn. Thằng cha không cựa quậy. Cả tiệm, trừ Vượng đang ngáy, đều sững sờ lặng phức.

– Tao đợi mày ở chỗ vòi phun! – Kiên bảo – Chẳng cần tới mai đâu, đồ súc vật hôi hám?

– Được được. Tên áo đen lau cà phê trên mặt, đứng dậy – Tao là Hưng. Mày cứ về hỏi con Phương về tao. Nó biết đấy. Tao đã dạy nó thanh nhạc hiện đại và dạy nó bùm chung…

Thành ra Kiên không đợi hắn ở chỗ vòi phun nữa mà nện ngay ở cửa tiệm. Không ai dám can thiệp cả, kể cả mấy tên trong hội. Hết đấm lại đá rồi ghế phang vào đầu, như điên, như cuồng. Kiên kéo thân hình tả tơi bê bết máu của ca sĩ Hưng ra vỉa hè, giúi cái mặt bị đánh vỡ của hắn xuống cống. Lúc cảnh sát tới, Kiên định đấm lại họ. Anh hoàn toàn mất trí… Sáng hôm sau anh được thả ra. Công an không muốn làm dữ. Về nhà, Phương sang với anh ngay. Nàng đã biết mọi chuyện. Kiên im lặng một lúc rồi nói rằng, thật khó hiểu vì sao Phương lại biết tin mau như vậy. Phương thản nhiên một cách cố ý, trả lời:

– Vì bạn của Hưng tạt qua nhà báo cho em hay.

Phải đến vài ba năm Kiên mới trở lại tiệm này. Tay chủ tiệm nhận ra anh ngay, tỏ ra rất vui. Hắn nói đã đọc truyện ngắn của anh đăng trên báo và mừng rằng trong đám bạn cựu binh ngày xưa có một người nổi tiếng như anh, thành đạt như anh…

Ngọn đèn xanh mờ ở đầu cầu Thê Húc đã lặn mất. Mưa dày hơn. Cô bạn cùng bàn đã ngủ gục xuống. Kiên đứng dậy, trả tiền rồi đi ra cửa. Anh nhìn đồng hồ. Đồng hồ chết. Có lẽ gần sáng rồi vì có tiếng leng keng tàu điện.

Ở mé đường vòng Hàng Gai – Hàng Đào, một cái tàu điện chạy nhô ra, bánh nghiến kèn kẹt, ầm ầm rung rít, va đập loảng xoảng như một cái bao chứa đầy sắt vụn, đổ chuông trước khi vào bến đỗ ở ven hồ. Lửa tóe rèn rét trên dây. Ngọn đèn màu vàng ủng như gắn ở ngay bụng người lái tàu già vận áo bông. Chiếc tàu thảm hại, hôi nồng, sặc mùi rỉ sắt. Ông Huynh, chủ căn hộ ở ngay bên trên buồng Kiên làm nghề lái tàu điện. Giờ làm việc của ông thất thường. Có hôm ông đi rất sớm, lúc trời chưa sáng. Có hôm ông bước xuống cầu thang vào sau bữa cơm trưa, xách trên tay chiếc cặp lồng đựng bữa tối. Ông không cao gì lắm nhưng vì quá gầy nên trông lênh khênh. Cổ lộ hầu, vai hẹp, lưng lòng khòng, luôn nhìn xuống như sợ giẫm phải bóng của mình. Ba người con của ông đều nằm lại trong chiến tranh. Anh con thứ là Toàn. Hy sinh gần như trước mắt Kiên. Ông Huynh không biết chuyện đó. Vợ ông bị liệt khi báo tử đến người con cuối cùng. Vợ chồng ông sống nghèo khổ, câm nín, trống rỗng suốt bao năm trời. Ông Huynh vẫn ngày ngày đi lái tàu điện. Đôi khi ông trò chuyện với Kiên. Có lần ông bảo với Kiên rằng, giả tỷ như con ông, thằng Toàn còn sống thì Phương đã là con dâu của vợ chồng ông. Từ lúc chúng mày còn nhỏ, bác gái mẹ thằng Toàn đã nhắm sẵn thế, con bé thật đáng yêu, ông Huynh bảo vậy.

Hồi xưa, bọn trẻ con trong chung cư thỉnh thoảng vẫn được ông Huynh cho đi rong một tua tàu điện. Tàu toa dạo đó còn tươm chứ chưa quá tã như bây giờ. Cả lũ thường xúm ở đầu toa xem ông lái tàu. Lắm khi ông cho chúng quay tay phanh và đạp chuông. Tàu dong qua bao nhiêu phố rồi rời khỏi nội thành. Đường ray ngập dần trong cỏ và rác, chầm chậm trôi qua những vùng tẻ ngắt và bụi bặm của ngoại ô.

Năm ấy, Kiên cùng Phương, Toàn và Sinh học cùng một lớp, một tổ, thân nhau lắm. Bến Cầu Giấy tối om, yên ắng. Tiếng ve sầu râm ran và tiếng ếch nhái như sôi lên trong tối hè oi ả. Ông Huynh và mấy anh – “xơ vơ” ngồi uống nước ở quán ven đường đợi khách. Trên khúc đường ray phụ có một toa tàu hỏng bị bỏ chơ vơ trong bóng tối. Tụi nhỏ tranh thủ chơi trò ú tim. Phương nắm tay Kiên kéo chạy xéo sang toa tàu bỏ không đó. Cả hai đứa đều run, không dám biết rằng điều gì sẽ đến. Phương nhảy thoắt lên bậc, co mạnh Kiên nhảy theo, rồi lập tức lách vào giữa toa tối đen. Kiên lạnh toát người, thở, tim loạn xạ đập. Hai cánh tay trần của cô bé quàng lên cổ thằng bạn trai cùng tuổi mười ba, và tới tấp cô hôn lên má, lên môi, lên mắt bạn trong nỗi cuồng khấu trẻ thơ nhưng ngây ngất tột cùng.

– Chúng mày đi đâu vừa nãy? – Toàn chặn hai đứa lại ở cửa toa.

– Đi trốn chứ đi đâu? – Phương leo lẻo.

– Nói dối! – Mắt trợn trừng, giọng Toàn vỡ ra, ngụt ngạt – Chúng mày làm gì, tao thấy, tao biết, tao…

– Đừng làm ầm lên Toàn? – Phương thì thào vội vã – từ rày sẽ chơi vợ chồng, mày muốn chơi thì không được mách.

– Làm gì có vợ chồng ba người?

– Đồ ngốc, thế mà cũng đòi. Hai táo ông với một táo bà thì sao? Tao cấm mày hớt lẻo đấy.

Lúc quay về phố, Phương kéo Kiên lảng vào ngồi trong toa. Toàn vẫn đứng gần chỗ bố. Chợt Kiên nghe ông Huynh hỏi gắt:

– Sao thế? Chúng mày vừa đánh nhau hả?

– Không ạ – Toàn đáp lí nhí.

– Thế thì sao mày lại khóc?

Kiên sợ, nhìn sang Phương. Cô bé nhìn tránh đi, mặt hơi tái, nói nhỏ: “Kệ, đừng sợ?”, và như người lớn, cô buông một tiếng thở dài. Kiên rùng mình. Gợn hồi ức tí hon và xa vời không đâu ấy cứa vào lòng làm anh đau đớn nhăn mặt. Đờ đẫn, anh cúi đầu và day mạnh hai bên thái dương, như thể muốn dùng tay cắt ngang dòng ký ức, không để cho nó cuốn mình trượt xa thêm nữa. Nếu không kịp ngưng thì chỉ lát giây nữa là anh đã phải nhớ lại cái chết của Toàn vào buổi sáng đẫm máu ấy, trước cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Hai đứa tình cờ nom thấy nhau ở gần Lăng Cha Cả. Toàn là xạ thủ 12 ly 7 trên chiếc K63 chạy sau. Còn Kiên trinh sát bộ binh, bám trên chiếc T54 đầu đàn. Song chỉ mười lăm phút sau khi nhác thấy nhau, gọi tên nhau… phát ĐK của bọn dù trượt khỏi tăng đầu đàn, trúng bụng chiếc thiết giáp chạy chếch phía sau…

Nhưng, đúng là không thể quên được gì hết, bởi vì đau buồn là một thể nguyên khối suốt cuộc đời, liền một mạch từ thuở thơ ấu, qua chiến tranh đến bây giờ. Và có lẽ để nhận lấy đau khổ, mà người ta được sinh ra ở trên đời này, cũng vì đau khổ mà người ta phải sống, phải mưu cầu hạnh phúc, phải đến với tình yêu, với nghệ thuật, phải tận hưởng phải chịu đựng đến cùng cuộc sống…

Gần sáng, Kiên lần về được tới nhà, ngôi nhà cũ kỹ trên góc đường Nguyễn Du đầy mưa gió. Anh ngước nhìn ô cửa sổ hồng hồng trong màn mưa và buông kín rèm mà ở sau đó là căn phòng không người, không còn nàng nữa. Nàng đã bỏ đi vội vã. Vội vã như thế đấy. Đơn giản như thế đấy.

– Phương, anh yêu em… Em có biết rằng anh yêu em tới độ nào không?

Vịn tay vào bờ tường, anh âm thầm thốt lên như bao lần đã thốt lên như thế, mắt mờ lệ và bất ngờ cảm thấy nghẹt thở nỗi lòng tái tê rạn vỡ. Khóc được thì sẽ dịu lòng người, người ta bảo thế. Song cũng từng khóc rồi. Dấm dứt, ngốc nghếch. Có ích gì? Nhiều buổi tối, đứng bên cửa sổ nghe tiếng ồn ào của cuộc vui bên buồng nàng, lòng dạ bị trí tưởng tượng ghen tuông hành hạ, Kiên tự hỏi có nên lần sang đấm gục, đấm bất kỳ ai trong dám khách khứa rồi thì đập tan cái đàn của nàng ra. Nhưng cả uống say mèm, cả dẫu có đánh lộn cũng sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Nỗi đau ngày xưa làm sao mà nhổ nổi. Cái miệng vết thương lòng kinh tởm ấy lúc nào cũng định banh miệng. Những cay đắng tủi hổ, những hồi ức trần trụi đè bẹp ý chí của anh. Đè bẹp mãi mãi… Giờ đây dù có ra đi mỗi người mỗi rìa thế giới thì trong tâm tưởng anh, Phương vẫn là toàn bộ cuộc sống tinh thần. Và nào chỉ là tinh thần. Hằng đêm, anh miệt mài mê mẩn, chìm trong cái vuốt ve vô tận của mộng mị. Ngay cả khi bên cạnh có một cô gái đang trở mình áp sát vào anh trong giấc ngủ thì nhắm mắt lại anh vẫn khắc khoải nhớ tới Phương, nhớ tới tấm thân đẹp đẽ trắng ngần, nhớ hương thơm ngây ngất quyến rũ của làn da, nhớ cặp môi mọng ngọt như trái chín, nhớ quầng thâm mệt mỏi quanh đôi mắt nâu những đêm nàng âm thầm bải hoải. Mọi cuộc dan díu đều không thể làm vơi nàng. Mùi da thịt phụ nữ chín rũ chỉ làm anh khao khát một mình nàng. Tình dục vốn đã ngủ say và những nồng cháy của xác thịt tưởng đã bị dập tắt hẳn từ lâu lại như bắt lửa bừng rực lên với hình bóng nàng nhập vào anh hằng đêm giữa những giấc mơ. Tất cả những nhân vật nữ mà anh mê say trong sáng tác của mình rút cuộc vẫn chỉ là những giấc mơ về Phương.

Trong mơ, trí nhớ khuấy đảo, lật tung lên tất cả, lần tìm trong đổ nát niềm đam mê đau buốt, vô hạn độ, vô bờ bến của anh đối với nàng từ tận những thuở hồng hoang xa tít mù tắp thời trai trẻ. Những hồi ức đê mê choáng ngợp nhục cảm ấy làm xiêu đảo hồn phách những giấc mơ của anh. Và mặc dù chỉ là trong mơ thôi, nhưng chính ái lực của lòng đắm say không đổi đối với nàng đã duy trì cho anh ngọn lửa của tình yêu cuộc sống. Ký ức tình yêu và ký ức chiến tranh kết thành sinh lực và thành thi hứng, giúp anh thoát khỏi cái tầm thường bi đát của số phận anh sau chiến tranh.

Nhưng đúng là chỉ hoàn toàn trong mơ chỉ trong mơ mà thôi. Khi đã một bước rời khỏi cõi chiêm bao thì thế là thôi hết tất cả, lập tức lại nỗi cô đơn rã rời tan tác, tất cả lại trôi trượt ra xa; và con người anh lại phải trở về với hình hài một gã đàn ông tật nguyền dị mọ, đã luống tuổi và đã hết thời, trống rỗng và đại bại.

Quả thực là giá mà ngay sau chiến tranh số phận chịu cho trước một lời mách bảo.

“Giá mà chúng mình xa được nhau!” – Đấy hầu như là câu cửa miệng của duyên nợ hai người những năm gần đây. Và: “Giá mà chúng mình mãi mãi chỉ là bạn.”

Tất nhiên, đã muộn rồi. Mối tình đã trở thành một cái gì vô phương cứu vãn trong đời. Cho nên nếu đã ước như thế thì phải nói là giá mà không lớn lên ở bên nhau, giá mà không có tình cảm mến thương âu yếm của tuổi học trò, không cùng nhau một thời thơ ấu, một lứa bạn bè. Có biết bao nhiêu cánh cửa như thế mà lẽ ra nếu kịp khép lại thì những bước đi vu vơ của tuổi trẻ đã không thể đưa số phận mối tình trôi xa, cuốn nó tới vực thẳm này. Chẳng hạn nếu mà hồi ấy, khi nhập ngũ rồi anh không gặp lại Phương nữa. Anh cứ một mạch tuốt vào Nam, còn Phương thì đằng thẳng vào đại học…

Hồi ấy, sau ba tháng luyện quân ở Nhã Nam, tiểu đoàn 36 tân binh nhận lệnh lên đường vào B ngay mà không theo thông lệ mười ngày phép cho bộ đội, không có cả thời gian an dưỡng. Để bù lại lính tráng sẽ ngồi tàu hỏa vào tận Vinh. Bấy giờ, Giôn-xơn tạm ngừng ném bom để rền dừ, quân ta thừa cơ tiến binh. Từ Yên Thế tiểu đoàn hành quân như gió cuốn, khi về tới ga Văn Điển thì hóa ra còn dôi ra ba giờ đồng hồ để chờ tàu quân sự. Cả D có mỗi chục thằng lính Hà Nội mặt đứa nào đứa nấy… Lưỡng lự mãi rồi tiểu đoàn trưởng cũng cho mấy thằng ở nội thành và Thanh Trì được hưởng hồng phúc. Lúc bấy giờ là bốn giờ chiều hạn tới sáu rưỡi phải có mặt để lên tàu. Chậm một phút coi như đào ngũ. Có thằng rú lên vì sướng quá. Kiên chạy lao ra đường cùng mấy đứa bạn bám đuôi ô tô tải. Qua ga, ô tô chưa kịp giảm tốc, nhảy đại xuống, ngã trẹo chân. Thế là phải khập khà khập khiễng. Thật đúng là chẳng có bút lực nào tả nổi tâm trạng của Kiên trên đường phi về phố nhà, song cũng chẳng bút nào tả xiết cảm giác thất vọng, đất sụt dưới chân, khi anh vào tới trong sân. Đi sơ tán cả rồi. Với những cửa sổ đóng chặt lại bằng gỗ ván, ngôi nhà mù lòa nhìn anh. Khoảnh sân trước nhà chiều nào cũng đầy trẻ con và góc sân nơi máy nước thì các bà các chị, giờ đây trống rỗng, vắng ngắt, và lạnh lùng biết bao. Trên dây phơi và trên cặp xà lệch lòng thòng những mảnh giẻ rách như cố ý chào đón anh bằng sự thảm thương.

Chỉ có vài gia đình có người ở lại Hà Nội. Hầu hết các phòng đều khóa trái. Những hàng chữ viết trên cửa. Vợ chồng, con cái, mỗi người mỗi phương dặn dò nhau, nhắn nhe nhau trên hòm thư ngỏ ấy. Ba tháng trời anh không được một lá thư nào của Phương, giờ đây, trên cánh cửa sơn xanh, im ỉm khóa bằng một khóa đồng to tướng anh cũng chẳng thấy một dòng nào để lại. Phòng anh thì Phương giữ chìa. Anh đi lên gác ba. Không một bóng người. Hành lang tối om. Bụi bặm. Mạng nhện. Sự tàn phá âm thầm của cô tịch. Anh muốn viết lại cho Phương mấy dòng. Nhưng không giấy bút. Cầu thang kêu răng rắc. Anh xuống tầng trệt. Ánh hoàng hôn huy hoàng màu hồng nhạt đã tắt rồi.

– Trông ai về kia! – Một giọng đàn ông đĩnh đạc vang lên – Chào người chiến sĩ?

Đó là Huấn, anh trai của Sinh, thợ điện ở Yên Phụ. Họ bắt tay nhau. Kiên nói thì giờ gấp quá không vào thăm anh chị được. Huấn nói Sinh đã vào đại học. Kiên hỏi thăm các gia đình khác. An toàn cả, nhưng bắt đầu gian truân rồi, các gia đình chia năm xẻ bảy.

– Không hiểu nó có dám ném bom Hà Nội không?

Huấn hỏi Kiên. Không nghe ra Huấn hỏi gì. Anh im lặng. Anh chợt hiểu, lòng mình đã hoàn toàn thờ ơ với tất cả những gì không thuộc về nàng, không thuộc về tình yêu mênh mang choáng ngợp cuộc đời anh. Anh chào, chia tay với Huấn một cách lãnh đạm và không nhắn một lời nào với ai. Không nói với Huấn rằng mình đi B. Anh đi, không ngoái nhìn ngôi nhà. Chợt anh nghe tiếng chân Huấn đằng xa.

– Này, – Huấn đuổi theo, đặt tay lên vai Kiên, nói – Sao lừ đừ thế, chú em? Suýt thì anh quên là mày với cái Phương gắn nhau. Mày buồn vì không gặp nó hả?

– Vâng, cũng buồn thật, thôi thì nhờ anh…

– Ôi dào không phải nhờ, mày ra ngoài ga ấy. Nó nhận giấy gọi vào đại học trước thằng Sinh em tao nhưng vì bà Đức, mẹ nó mất… ô, mày không biết gì à? Bà ấy xuất huyết não, – Huấn dài dòng – Tao vừa thấy nó ba lô rời khỏi nhà một giờ trước với một thằng bạn nom lạ hoắc…

– Ra ga à anh?

– Thì chắc thế. Mày bảo còn đi đâu với cái ba lô. Nó chỉ bảo: anh nom nhà hộ nhé, em lên trường đi học đây.

– Trường nào hả anh? Mà đi tàu nào? Ngộ nhỡ đi xe hàng?

– Ờ tao cũng chả biết, chả hỏi. Hỏi ai bây giờ. Thằng Toàn, thằng Sinh đều lên trường chúng nó rồi. Nếu nó đi ô tô thì chịu. Nhưng mà đi tàu hỏa thì… cứ liều ra ga Hàng Cỏ mà tìm Kiên ạ. May ra, để anh đèo mày.

– Thôi. Cảm ơn anh! – Kiên kêu to – Tạm biệt! Tạm biệt mọi người hộ em…

Kiên xồng xộc đâm bổ ra ga. Hùng hục lấn chen để vào được trong sân ke. Tàu đến, tàu đi. Mà đã 5 giờ hơn rồi. Thật là cả một cuộc rối loạn tơi bời như vỡ chợ, như động đất. Các toa tàu muốn bể vì sức lèn của khối người. Mỗi cửa toa dường như có tới một trăm cái mặt người dính sát vào nhau. Người ta bám kín trên nóc toa. Ngồi cả trên tăm ông. Cửa lên xuống thì không thể nào lên xuống được nữa rồi, thiên hạ tranh nhau lao lên và lao xuống ở cửa sổ. Sân ke cũng đầy ặc người, hàng hóa. Nào biết Phương có ra ga không? Mà ra ga thì tàu nào: Thái Nguyên, Lào Cai hay tàu đường 5? Và dù biết rõ cả tàu, thậm chí cả toa, liệu có nhìn thấy nổi một ngón tay của Phương không trong sóng trào chen lấn này?

Tìm tìm, ngó ngó, gọi bừa tên Phương lên. Chẳng ích gì Kiên cũng chẳng buồn nhìn nữa. Chán nản tột độ, anh cảm thấy như bị bỏ rơi giữa dòng thác lũ này. Đoàn tàu Thái Nguyên đậu ở ray số 1 sắp chuyển bánh. Kiên đi dọc theo nó về phía cuối. Đoàn tàu như con trăn bị đàn kiến rừng chôn vùi. Biển người như muốn níu giữ không cho tàu chuyển bánh. Tiếng ầm a của khối người át cả tiếng còi. Một người nào đó huých vào Kiên. Một bà chạy vượt qua, đòn gánh suýt quệt vào mặt anh. Kiên đi sát vào thành toa.

– Mau, Mau lên! Tàu chạy rồi, mau lên. Liệng ba lô lên, kìa! – Một gã trai chồm lên thành cửa sổ, hé qua đầu Kiên – Dào ôi! Mất chỗ tốt bây giờ, Phương? Còn nhìn ai nữa thế, hả Phương?

Kiên hững hờ đưa mắt nhìn sang trái rồi sang phải và “Phương”, anh bật thốt lên, đau nhói trong lồng ngực. Sân ga điên đảo đột nhiên chỉ còn lại một người đang đứng cách Kiên mấy bước, mắt mở to nhìn anh – “Phương!” – Kiên thì thầm lặp lại.

Đoàn tàu giật mình, bị thúc lùi lại rồi rướn lên, từ từ miễn cưỡng chuyển bánh. Phương vẫn đứng yên, ba lô trễ một bên vai, tay buông thõng, những sợi tóc mai rủ xuống má bay bay nhè nhẹ. Từ cửa sổ một người bổ nhào xuống chộp lấy cổ tay Phương “- Điên à?”. Anh ta hét. Phương giằng ra, bước lùi lại, lắc nhẹ vai, tái mặt đi, nhưng mỉm cười, nói nhanh:

– Em ở lại mấy hôm. Anh lên trước đi! Nhớ lấy hộ em cái xe đạp? Thôi…?

Chàng trẻ tuổi chết sững mấy giây. Thình lình anh ta ngoắt lại, miệng méo xệch, mắt loáng ánh điên khùng. Tưởng rằng sẽ nhảy bổ vào Kiên, song chàng sinh viên vươn tay chụp lấy tay vịn ở cửa toa khách cuối cùng chạy chạy theo rồi đu vọt người lên.

Dường như để chờ cho đoàn tàu chạy khuất rồi Phương mới bước tới, nhẹ nhàng đặt tay lên vai Kiên, nói khẽ:

– Chúng mình ra ngoài đi. May thật. Chỉ chút nữa là không gặp được nhau.

Lạ lùng là trái tim Kiên trấn tĩnh được rất nhanh. Nỗi xúc động đột ngột như là vội vã lắng ngay xuống, Phương đã mất một chuyến tàu: lỡ một người bạn có lẽ là rất tận tình, còn anh thì sắp sửa bỏ mặc nàng một mình ở sân ga. Kiên hoang mang cười, nụ cười nhợt nhạt. Phương lại hỏi gì đấy nhưng anh không nghe ra. Anh đỡ lấy chiếc ba lô của Phương và hai đứa dắt nhau lách qua đám đông.

– Về nhà mau. Ăn cơm mau. Đi chơi nhá. Tối nay không mất điện với không báo động đâu, – Phương liến thoắng – Nom anh mặc đồ bộ đội hay thật. Hiền hẳn, nhưng hơi quê… Cơ mà sao thế?

– Số là, nghĩa là, Phương ạ… – Kiên giải thích một hồi. Lúng túng muốn tìm lời nhưng lưỡi va vấp. Và giọng anh lạc đi.

Cho đến lúc này ý nghĩa thật sự của sự chia lìa, của cả việc vượt hàng trăm cây số, có lẽ hàng ngàn nữa, để vào Nam mới thực sự cắt cho anh một nhát vào lòng. Sự bất lực và nhỏ bé của thân phận, của nỗi niềm riêng tư của một hai con người giữa biển đời này, có lẽ cũng là lần đầu tiên anh nhận thấu được vào tận tim. Kiên nói đứt đoạn. Nói không ra hơi. Song, Phương cũng hiểu.

– Đành vậy. Giá mà về thắp được nén hương trước bàn thờ cha. Và bàn thờ mẹ em nữa… Mà đừng lo, Kiên. Kệ. Sáu rưỡi thì chả kịp rồi nhưng bảy giờ tàu mới chạy. Ta đi xích lô.

– Thôi. Mình chạy maratông còn hơn. Ai lại đi ngồi xích lô.

– Thế còn em? Anh cũng bắt em chạy à?

– Không… Nhưng.

Phương gọi xích lô. Mặc cả rất nhanh. Hai mươi phút. Sớm được phút nào thêm hai hào cho phút ấy.

– Lên anh! Ngượng gì. Sĩ quan em thấy họ còn ngồi nóc toa nữa là.

Nhưng qua Vọng thì báo động. Kiên nóng ruột như cào. Anh có thể chạy bộ. Nhưng không đời nào. Nóng ruột và lo sợ vô cùng, song một phút bên Phương lúc này đáng để đổi cả thế giới. Trong khi người đạp xích lô hớt hải chạy biến đi tìm hầm, anh giữ Phương ngồi lại trên xe. Phố xá tối câm. Thời gian nhích từng phút quá chậm nhưng cũng quá nhanh.

– Hay tối nay về nhà đã, Kiên… – Phương thì thầm – Đằng nào cũng lỡ rồi. Kiểu này còn chán mới báo yên.

– Về đi? Nhá?

Kiên im lặng lắc đầu. Thở dài. Phương ngồi thẳng lên, gỡ mình khỏi vòng tay Kiên, nói khẽ:

– Nếu anh quyết thế thì chẳng chờ được đâu. Phải mượn tạm cái xe này mà đi ngay thôi.

– Nhưng…

– Anh cứ đạp biến đi cho em, xá gì. Mà cũng nên cho cái anh chàng xích lô nhát như cáy này một bài học quân sự. Với lại, như các áp phích vẫn viết: tất cả cho tiền tuyến kia mà!

Kiên bật cười. Ừ, phải. Len lén, anh nhảy lên yên, lẳng lặng đạp đi. Vừa khỏi Đuôi Cá thì trong thành phố báo yên. Chắc là hình dung ra vẻ mặt lúc này của tay chủ xe, Phương cười rũ. Bây giờ nhớ lại cái cuốc xích lô ấy kể cũng vui vui: mặc dù kỳ thực nó cũng buồn như mọi kỷ niệm khác giữa hai đứa thôi.

Tối ấy, rốt cuộc, đến Văn Điển trễ mất mấy phút. Đoàn tàu đã chuyển bánh. Tiểu đoàn đã xuất phát. Sân ga tối om, vắng ngắt. Bàng hoàng Kiên sững người đứng lặng. Nhân viên nhà ga bảo rằng: Chuyến tàu có thể sẽ dừng chốc lát ở Đồng Văn hoặc Phủ Lý gì đó. Hành trình thì không biết, có biết cũng không được tiết lộ. Tàu quân sự. Họ bảo thế.

– Một đều – Phương đùa, nhưng thấy vẻ thất thần của Kiên, nàng khẽ khàng an ủi:

– Đừng vội thất vọng, anh. Ta vẫy xe đi nhờ các ga sau, đón đầu đoàn tàu vậy. Thời chiến mà, thiếu gì cách xử trí mà lo, Kiên. Bây giờ hẵng đi kiếm cái gì lót dạ đã. Em đói lắm, mà anh nom cũng mệt lả ra rồi.

Tiểu đoàn 36 tân binh, tiểu đoàn mà Kiên đã bị tụt lại hôm ấy ở ga Văn Điển hành quân bằng tàu hỏa đến ga Văn Trai thì bị bom. Thương vong nặng nề. Tiểu đoàn trưởng cũng bị giết trong trận không tập ấy. Chuyển sang hành quân đường bộ. Vào đến Cự Nầm lại bị B52 chần. Ca-nô chìm, chết vãn cả đội hình. Đáng lẽ đi B dài: vào sâu trong B tiểu đoàn đã cạn sức chiến đấu – phải phân tán ra làm quân bổ sung cho mặt trận đường 9. Mấy chục con người tung vào con lộ lửa ấy thật là như gió lùa nhà trống… Mãi đến hòa bình trên chuyến tàu Thống nhất trở ra Bắc, Kiên mới biết về số phận của tiểu đoàn nhờ tình cờ cùng toa với Huy, tiểu đội phó của anh hồi tân binh. Huy bị mù, mặt đầy vết sẹo bỏng nhưng chẳng hiểu sao Kiên nhận ra ngay và nhớ cả tên nữa. Huy thì tất nhiên đã quên Kiên. Đã mười năm rồi. Mười năm dằng dặc còn dài hơn cả một đời người.

– Trong cái rủi có cái may Kiên ạ, – Sau một hồi hàn huyên, Huy bảo – Nếu không bị tụt lại tối ấy ở Văn Điển, không chừng cậu chết rồi cũng nên. Cậu biết không, cả tiểu đội đều chết ở Văn Trai, ngay loạt bom đầu. Riêng tớ còn sống là do tình cờ đang ở một toa khác. Tàu chạy suốt đêm. Đến sáng vẫn gắng chạy. Người ta tưởng bọn Mỹ còn hai ngày nữa mới đánh trở lại. Ai ngờ… Hồi ấy cậu có đào ngũ thì rồi cũng chẳng ai biết. Mà không chừng người ta báo tử cậu rồi cũng nên, Kiên ạ. Thế, còn cậu bị tụt lại, rồi sao nữa?

Còn Kiên…

Tối hôm ấy, khi hai đứa ngồi với nhau trong quán ăn ven đường. Kiên đã nghĩ hay là: thôi tối nay hai đứa về nhà. Về với nhau. Chứ đi nhờ ô tô tải tới một ga nào đó để đón đầu tàu hú họa thế để làm gì? Nhưng cũng chỉ là thoáng nghĩ vậy. Phương rủ thì anh lại lắc đầu. Vẫy mãi ô tô mà chẳng được. Không xe nào buồn ngó tới Kiên. Vẫy chán tay chỉ hứng được bụi và khói xả.

– Để em phanh lại cho, – Phương nãy giờ ngồi lặng im trong một cái lều quán ở vệ đường, bước ra, tới bên Kiên bảo – Em vẫy chắc được, luật giao thông thời chiến ưu tiên phụ nữ lắm… Nhưng thế này nhé: Cả xe ra xe vào em đều vẫy. Chiếc đầu tiên dừng lại, bất kể vào hay ra gì mình cũng lên, đồng ý không?

– Nhưng…

– Lúc nào cũng nhưng. Anh sợ phải trở về Hà Nội với em đến thế à? Thật là… Xét cho cùng, anh ngại gì. Có phải lỗi anh đâu. Tại đế quốc Mỹ đấy chứ và… tại em em mà. Thôi được?

Từ xa ánh đèn pha hình nón như khoan vào bóng tối đặc sệt bụi mở lối cho cỗ xe tải đen ngòm xầm xầm tới. Một chiếc I-pha cao lênh khênh. Đang ấm chân ga phóng, tưởng rằng sẽ không dừng. Vậy mà nó phanh gật đầu lết bánh khét lẹt trên mặt đường.

– Xe xuôi về Nam?

Một giọng oang oang từ buồng lái không đèn tối om quát xuống:

– Đi đâu? Đi hóng mát à, hả!

– Vào tuyến lửa, chứ mát mẻ gì! – Phương hét lên như quát giả, rồi lại lập tức dịu giọng – Cho bọn em đi nhờ vào Phủ Lý với anh!

– Xe tớ không vào tới Phủ Lý. Chỉ Đồng Văn thôi, đi không?

– Cũng được!

– Vòng qua cửa bên kia. Mau lên?

Phương nắm tay Kiên kéo anh nhảy vòng qua đầu xe sang bên phải buồng lái. Tài xế mở cửa xe và nhoài người ra, đưa tay xuống nhiệt tình:

– Xe cao đấy. Bậc hỏng rồi. Để anh kéo lên, nào.

Kiên sửng sốt, sừng sờ, không kịp hiểu gì hết thì Phương đã ở trên buồng lái.

– Nhưng… kìa Phương!

– Lên đi, anh. Lại nhưng… lên đi?

Huýt khẽ một tiếng sáo, anh tài kéo cần số. Xe chuyển bánh. Kiên đập mạnh cửa ca bin. Anh ngồi ngây và cứ lặng đi như thế, anh ngồi im.

– Cám ơn anh, anh tốt quá – Phương lên tiếng.

– Ồ, lại khách khí tiểu tư sản rồi.

– Thì đúng là như vậy mà.

– Ra thế… Này, em vào tuyến lửa thật đấy à?

– Em nghĩ là thế.

– Hoài của?

– Anh nói sao?

– À, thì nói thế. Nếu quả thật là em vào đó thì rồi em sẽ hiểu. Nhưng sao lại chỉ đến Đồng Văn? Đồng Văn và cả Phủ Lý nữa, còn xơi mới đến tuyến lửa cô tư sản ạ?

– À không, đấy là bọn em đuổi theo tàu đấy. Lên được tàu rồi mới thực sự thẳng tiến… Nhưng liệu xe anh có vượt trước được đoàn tàu không? Tàu rời Văn Điển lúc bảy giờ.

– Được. Sẽ tới Đồng Văn trước bọn lái tàu của em.

– Liệu tàu có đỗ ga ấy không anh nhỉ?

– Có chứ, em chờ mà nó dám lướt à? Cái phanh nón của em đáng giá đấy.

– Cái anh này trò chuyện vui nhỉ! Đường chiến tranh mà cứ phơi phới.

– À, thì họ nhà xế mà. Lại xế quốc doanh. Bảo đảm mọi thứ chứ không chỉ ăn nói đều ăn đứt các chàng tiểu tư sản của em. Rồi em sẽ được thấy thôi. Chiến tranh này, tuyến lửa này vui lắm. Sung sướng lắm, lãng mạn lắm!

Ca bin tối om, rực nóng nơi đầu máy. Động cơ rú rít vật vã. Người lái xe tắt đèn pha chuyển sang đi đèn gầm nhưng vẫn cho xe lao rất nhanh. Bóng đêm cuồn cuộn rẽ dạt ra. Kiên không còn hiểu nổi ý nghĩ của mình nữa. Anh ngạc nhiên thấy mình dường như đang vui sướng: đang âm ỉ mừng rỡ, không phải vì sắp theo kịp đơn vị mà đơn giản bởi vẫn còn Phương bên cạnh. Và ra sao thì ra. Tuy nhiên lòng anh thắt lại. Một nỗi lo sợ chưa định hướng được day dứt tâm trạng. Đường đêm tăm tối, tốc độ cao của xe buộc người lái phải căng thẳng thu mình vào vô lăng. Anh ta không huýt sáo, không trò chuyện, chỉ thỉnh thoảng rít lên văng tục, chửi rủa một cái gì đó. Và trong lòng Kiên nỗi lo lớn lên, giằn nặng. Hình như vì anh mà Phương đang dấn thân vào một tình thế bất trắc khôn lường. Song, Phương có vẻ khá bình thản. Dưới ánh xanh mờ của đồng hồ vận tốc, gương mặt nàng như của người đang mơ ngủ hoặc là đang nghĩ ngợi đâu đâu. Trong những cái xóc chồm chồm, Phương ngồi không vững, xiêu ngả giữa hai người đàn ông. Đôi khi nàng như vội vã áp đầu vào vai Kiên, rồi vào vai người lái xe, một cách mệt mỏi và hờ hững. Màn đêm đột nhiên như được cơi rộng ra. Trăng ló khỏi mây, vạch một vệt sáng lóng lánh lên khung kính chắn gió.

– Thế là kịp rồi nhé, – Người lái xe chợt nói – Đoàn tàu của các bạn kia kìa! Cũng may ta sẽ đến ga Đồng Văn trước nó mấy phút!

Theo cái hất hàm của người lái, Kiên nhìn sang bên trái. Theo nền đường sắt nổi cao lên như một con đê giữa đồng trống mờ mờ ánh trăng nhấp nhô rùng rùng đoàn tàu đang rồng rắn uốn mình. Nhưng đám tàn lửa từ đầu tàu như đàn đom đóm đỏ bay tỏa vào đêm tối.

– Mẹ kiếp, nom lộ liễu ghê cả người! – Gã tài bình luận – Chả cần pháo sáng thằng phi công có mù nó cũng thấy. Thật là một chuyến tàu liều mạng. Nói chung lên đường đi đánh Mỹ mà đi tàu hỏa thì không chết trước cũng chết sau?

Phương phì cười. Và nhẹ nhàng nàng luồn tay vào dưới cánh tay Kiên nắm lấy bàn tay anh. Họ đan ngón tay vào nhau. Ô tô hãm dần tốc độ rồi đỗ tạt vào mép đường, nổ máy tại chỗ. Người lái bảo:

– Hết tiền rồi đấy, xuống đi? Cứ dọc theo ray mà vào ga chứ đừng vào lối cổng… Mà này, phanh nón của em không phanh được bọn lái tàu, thì hai tiếng nữa ra chỗ này đợi anh, anh sẽ đưa về Hà Nội nhá! Bây giờ thì chào.

Kiên cảm ơn, rồi bắt tay anh ta và xách ba lô nhảy xuống. Anh đợi để đỡ Phương. Phải gần một phút nàng mới rời đệm xe.

– Hai tiếng nữa nhớ nhé, nhớ nhé – Gã tài gào lên át tiếng máy, nghe khá tuyệt vọng – ôi trời ơi, em thơm thịt và co quắp quá! Đừng đâm đầu vào đất trời điên đảo trong ấy em nhé? Hoài của lắm? Hai tiếng nữa, em nhớ đấy nhé. Trời ơi.

Một cách tiếc nuối, chiếc xe tải ư ứ sang số, rời chỗ. Xa xa còi tàu ngân dài vọng tới. Nền đường sắt rung lên đều đều. Phương dắt tay Kiên chạy lẩn vào trong sân ga. Những bóng người thấp thoáng. Vừng trăng bị mây nuốt. Kiên bước đi lệt xệt như bị tụt mất gót. Tràn ngập lòng một khối mịt mù bấn loạn. Anh hoang mang và rối bời. Nghĩa là rốt cuộc, vẫn từ biệt, vẫn từ biệt, vẫn chia ly. Nghĩa là…

Nặng nề, anh ôm ghì lấy Phương, hôn lên má, lên môi, lên vai. Cay đắng tuyệt vọng và nóng rực nước mắt ứa trào. Một tiếng sấm kéo dài âm vang. Bóng tối của đoàn tàu đổ ập lên, choán hết bóng tối trên ga. Đầu máy thở phì phì, ầm ầm hãm lại trong đám hơi mù tỏa ra nóng hổi.

– Ôi hay là em… hay là em… – Phương nức nở.

Tiếng nàng bị át đi, Kiên dứt mình khỏi nàng. Đoàn tàu đã đỗ hẳn lại. Nhưng trong những tiếng xì xì ken két của sắt thép và hơi nước không nghe tiếng ồn ào ầm ĩ của những giọng người. Kiên và Phương đi lần lần dọc tàu. Một toa sàn, lại một toa sàn nữa. Những kiện hàng chất cao phủ bạt. Toa nữa, vẫn toa sàn với mấy cỗ pháo. Toa sau là toa đen có mui nhưng cửa khóa. Ghé nhìn qua kẽ hở thành toa. Chắc chắn là không có người ở trong.

– Tàu hàng? – Cả hai cùng thốt lên.

Một nhân viên hỏa xa tay xách đèn bão đi ngang qua: Kiên quáng quàng bước tới nắm lấy khuỷu tay người ấy, lập bà lập bập hỏi:

– Anh… anh ơi… tàu quân sự… Đây không phải tàu chở quân hả anh… từ Hà Nội… tàu…

Người kia giơ cao chiếc đèn soi vào mặt Kiên rồi hạ xuống, xẵng giọng nói:

– Anh điên à? Muốn vào tù hay muốn ăn đạn. Hả. Xéo đi? Xéo ngay, không tôi báo công an đấy!

Anh ta bỏ đi. Phương giữ lấy khuỷu tay Kiên nói nhỏ: “Để yên, em hỏi cho”, và rảo nhanh. Nàng đuổi theo người xách đèn. Lát sau Phương quay lại.

– Không may rồi Kiên ạ. Anh ta bảo đoàn tàu chở quân đã qua đây cách 20 phút rồi… Còn tàu này là tàu hàng. Cũng vào Vinh, nhưng vậy đấy, đơn vị anh đã bứt lên trên rồi…

Kiên buột một tiếng rên từ lồng ngực, như chóng mặt anh bám lấy cánh tay Phương. Phía xa còi tàu rúc lên. Các toa dồn nhau rầm rầm. Người ta tăng cường thêm một đầu máy nữa cho đoàn tàu.

– Hay cứ lên tàu này? – Phương nói – Cũng vào Vinh. Mà sau tàu kia có hai mươi phút. Đúng đấy. Đi xem có toa nào hé cửa thì lên không thì bám vào toa sàn cũng được, Kiên ạ. Đi được thôi. Đừng lo. Đến Vinh, anh sẽ gặp được đồng đội thôi mà.

Lần đến giữa đoàn tàu, hai đứa tìm được một toa đen cửa mở hé.

– Lên toa này? – Phương thì thầm và đẩy mạnh cánh cửa. Đường rãnh kẹt đầy đất. Cánh cửa nặng nề rít lên.

– Cậu nào đấy. Lách lên chứ sao lại đẩy rộng cửa thế – một giọng khàn khàn từ ngưỡng cửa quát xuống – Họ đuổi mẹ cả lũ xuống bây giờ. Lên thì lên đi, đưa tay đây!

– Không cần, anh tránh ra – Phương đáp, đẩy rộng cánh cửa ra rồi leo phắt lên.

– Ái già? Một cô nàng? – Người có giọng khàn khàn như thể nấc lên.

– Phải, anh tránh ra cho người khác lên với chứ? – Phương gắt.

Hai đầu tàu cùng rúc lên những hồi còi dài, nóng nảy giận dữ. Các phanh hơi nhả xì xì. Kiên ngớ ngẩn cả người bàng hoàng, lẩy bẩy nhảy lên sàn toa.

– Tàu sắp chạy rồi, xuống đi em! – Anh nói quờ quạng trong bóng tối.

– Anh muốn bỏ em ở lại một mình đây hay sao – Phương nắm nhẹ cổ tay Kiên, những ngón tay lạnh và run – Em đi với anh một chặng nữa?

– Không, không được? – Kiên giật mình – Đùa gì vậy, Phương!

Phương bóp mạnh tay anh, lắc lắc:

– Đừng ầm, anh. Em có đùa gì đâu.

Tàu chuyển bánh, giật mạnh, Phương ngã áp vào Kiên. Cửa toa kèn kẹt đóng lại. Tối đen, nghẹt thở. Kiên mụ mị chẳng biết nói gì, làm gì bây giờ. Các đầu dập nối toa rền rền va đập. Tiếng nồi hơi ở đầu máy phì phò thở. Đoàn tàu đang nâng dần tốc độ.

– Vào trong góc ấy còn chỗ đấy? – Cái giọng khàn ban nãy lại cất lên – Yên tâm. Cứ ôm nhau mà ngủ cho đã cuộc đời. Giôn-xơn còn đang nghỉ phép, không quấy đảo gì đêm nay đâu?

Men theo khoảng trống hẹp giữa thành toa và những hòm, những bó chất cao tới sát nóc, hai đứa lần mò vào trong góc. Những cái cẳng chân, cẳng tay nghều ngào thu lại. Tiếng ngáy; tiếng càu nhàu. “Dịch vào, dịch vào!” – Một ai đấy lè nhè nói – nhường chỗ cho một chị em, các tướng?

Kiên đỡ Phương ngồi xuống. Phương ôm lấy anh hôn lên má, ra ý vỗ về. Tóm lại, nghĩa là sao: Tàu đang chạy và Phương vẫn bên anh, vào Vinh? Trong giây lát, Kiên nghi ngờ sự tỉnh táo của mình. Toa tàu cũ kỹ, nóc cao, chạy trên ba đôi bánh xe. Cửa và thành toa rung lên, kêu răng rắc, sàn nảy lên ở những chỗ nối ray. Gió lùa qua các kẽ ván làm nhạt bóng tối trong toa. Gương mặt Phương hiện lên trắng trắng. Bờ vai, mái tóc. Cái cổ cao, mảnh dẻ. Anh đặt môi lên vai nàng. Hôn qua lần vải mỏng. Phương lùa ngón tay vào tóc Kiên, thì thào:

– Sao anh, sao anh… anh không muốn em đi cùng với anh sao?

Kiên trào nước mắt. Toàn thân anh trĩu xuống bởi tình yêu, lòng biết ơn, bởi nỗi lo âu và bởi một hạnh phúc lớn quá sức chịu đựng của tâm hồn. Ngay sát dưới chân anh sàn toa vỡ rộng, một mình nhìn xuống có thể thoáng thoáng trông thấy trục bánh, đường ray, tà vẹt. Thành toa cũng hở huếch. Gió tràn ngang đoàn tàu mát rượi hắc nồng hơi nóng. Mùi đất. Mùi các đầm nước. Mùi khói và bụi than khô khét. Chuyện xảy ra như tự nó đến, ngoài ý muốn ngoài lý trí.

– Chúng mình ở bên nhau như thế này đêm nay kể cũng lạ lùng thật nhưng không thể nào khác được phải không, Kiên?

Tiếng bánh sắt lăn trên đường ray dồn dập. Những cột đèn hiệu. Các nhà ga xép. Những đám cây cối trôi qua lươn lướt. Và thỉnh thoảng là tiếng rền vang như sấm của một đoạn cầu ngắn ngủn. Đêm tối chiến tranh mênh mông bao phủ miền châu thổ. Những ý nghĩ và tình cảm rồ dại bật dậy trong lòng Kiên: Thôi thì vứt bỏ tất, không có đại đội, không có tiểu đoàn, không có chiến tranh nào hết, cứ mãi mãi bên nhau thế này, mãi mãi không rời xa nhau?

Bình luận