Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Nữ Thám Tử Nancy Drew – Chạy Đua Với Thời Gian

Chương 8: Đạp thắng

Tác giả: Carolyn Keene

TÔI ĐẠP XE THẲNG THEO CON ĐƯỜNG DỐC VỀ THỊ TRẤN, cắt ngang qua các bãi cỏ và các lối đi giữa những hàng cây. Chạy theo kiểu đó thì chỉ vài dặm là tới. Tôi nhắm xuống phố và vạch xuất phát, ngay ngã tư đại lộ Highland và đường Main.

Tôi thoáng nghĩ đến việc ghé qua nhà để thay đồ vì không muốn thu hút sự chú ý của mọi người. Cả đời tôi đã sống ở River Heights này, và có không ít người ở đây biết đến tôi, vì lẽ này hay lẽ khác. Thậm chí những ai không biết tôi tự nhiên cũng sẽ để ý khi thấy một đứa nhong nhong đạp xe quanh thị trấn trong trang phục đua vào ngày đua xe. Tôi không muốn để ai biết mình đã rời khỏi cuộc đua – chủ yếu là không muốn họ biết lý do tại sao.

Ngay lúc đó tôi chợt nhớ Bess đã bỏ áo thun và quần jeans của tôi vào giỏ xe – thế là tôi quyết định đến văn phòng của bố dưới phố, thay vì chạy cả quãng đường về nhà chỉ để tắm rửa thay quần áo.

Tôi đạp xe từ rìa thị trấn đến đại lộ Highland. Văn phòng của bố nằm trên đường này. Thỉnh thoảng nó cũng mở cửa vào thứ bảy, nhưng hôm nay thì không, vì có cuộc đua, và vì bố không có mặt ở thị trấn.

Dĩ nhiên là tôi có chìa khóa riêng. Tôi mở cửa sau, dẫn xe vào trong. Mất thêm vài phút tắm rửa. Tôi vẫn mặc đồ đua, nhưng tròng thêm cái áo thun và quần jeans bên ngoài. Kể cũng hơi nóng thật, nhưng một chút mồ hôi cũng chẳng chết ai.

Chộp lấy ba lô, tôi khóa cửa văn phòng và ra ngoài. Tôi đi bộ lên góc đường Main. Chỗ này không những là vạch xuất phát và đích đến của giải đua xe mà còn là nơi ông Holman đã cho mọi người xem số tiền ủng hộ để trong két sắt.

Trước tiên, tôi đi loanh quanh gần công viên nhỏ, giả vờ đọc các mẩu tin trên bảng tin, nhưng thật ra là quan sát các hoạt động ở trước cửa ngân hàng phía bên kia đường. Có vài người đi bộ quanh đó, nhưng không nhiều. Hầu hết các cửa hiệu đều đóng cửa. Với tình hình đường xá bị phong tỏa thế này thì mở cửa buôn bán chẳng phải là ý hay.

Tôi muốn kiểm tra khu vực quanh vạch xuất phát và đích đến, nhưng không thể tới gần được. Hai cảnh sát mặc thường phục và tôi có thể nhận diện được ít nhất là ba thám tử vẫn đang tìm kiếm manh mối quanh sân khấu, cũng như quanh khán đài dựng tạm. Rõ ràng họ vẫn chưa tìm ra cả số tiền bị mất lẫn tên trộm.

Tôi băng qua đường, đi bộ ngang qua ngân hàng. Nó đã đóng cửa, cũng không có gì phải ngạc nhiên. Nếu không có vụ trộm thì giờ này ngân hàng cũng đóng cửa rồi, vì nó luôn đóng cửa vào giữa trưa thứ bảy mà bây giờ thì đã ba giờ chiều rồi còn gì.

Dường như không một ai nhận ra hay để ý gì đến tôi. Tôi dạo qua ngân hàng và nhìn vào cửa sổ. Bên trong có nhiều hoạt động đang diễn ra. Nhân viên thu ngân đang ngồi đếm tiền trong ngăn kéo, cảnh sát đang thẩm vấn các nhân viên bảo vệ, những người khác chỉ ngồi kiểm tra giấy tờ, tôi đoán có thể là danh sách số tiền ủng hộ – số tiền đã bốc hơi.

Trong góc phòng, ông Holman và sĩ quan Rainey đứng hai bên cái két sắt kiểu cổ. Cửa két cũng để mở như lúc sáng – trước cuộc đua. Ngoại trừ lần này bên trong đó trống không.

Tôi đi bộ trở lại phía bên kia đường Main, vào công viên nhỏ. Công viên nằm ngay đối diện ngân hàng. Hai chú ong nghệ béo tròn lười biếng châm vòi trên những cánh hoa dã yên thảo, và một chú chim chóp đỏ cũng tròn xoe đang đậu giữa một bể nước cho chim tắm. Nó thậm chí còn không thèm đập cánh để tỏ ra mình đang tắm thực sự mà chỉ lười biếng ngoi đầu lên, còn để cái đuôi ngập trong nước.

Một băng ghế đã bạc màu tạo nên một khung cảnh hoàn hảo cho mặt tiền của ngân hàng. Tôi rất muốn hỏi chuyện sĩ quan Rainey, vì anh ta là người đã trực tiếp canh giữ số tiền ấy. Nhưng làm sao gặp được anh ta đây?

Tôi ngồi yên lặng trong giây lát, nhìn con chim chóp đỏ như một hòn đá to lọt thỏm trong bể tắm. Đầu óc tôi bận rộn với hình ảnh cái két sắt, ông Holman, sĩ quan Rainey, và tên mặc quần đỏ.

Trong phút chốc tôi nghĩ đến việc mình nên tới sở cảnh sát. Nguồn tin chính của tôi ở đó là cảnh sát trưởng McGinnis. Ông ấy không hẳn là một người bạn, nhưng trên mức một người quen. Một từ chính xác có thể dùng để nói về ông ấy là đồng nghiệp. Chúng tôi thường điều tra cùng một vụ án, dù theo những phương pháp hoàn toàn khác nhau – và kết quả cũng thường khác nhau.

Tôi còn đang cân nhắc về việc có nên vào gặp cảnh sát trưởng McGinnis hay không thì có một người bạn đến ghế đá, ngồi xuống cạnh tôi.

“Chú Luther!” tôi chào. “Cho cháu mượn một ít khôn ngoan của chú với.”

Tôi luôn cảm thấy vui khi được ngồi với chú Luther vài phút, vì những lần như vậy tôi luôn học được điều gì đó từ chú. Và cũng có khi phải mất một thời gian lâu sau khi gặp chú, tôi mới nhận ra mình đã học hỏi được gì.

“Chào cháu, Nancy,” chú Luther mỉm cười. “Sao chú chẳng thấy ngạc nhiên khi gặp cháu ở đây chứ không phải đang đạp xe trên đường đua thế nhỉ?”

“Vì chú hiểu cháu quá rõ chăng?” tôi đoán, và mỉm cười. Dù chú Luther phải già bằng bố tôi rồi ấy, nhưng chúng tôi vẫn luôn cư xử với nhau như những người bạn tốt.

“Chú nói cháu biết đi, sao chú lại không ngạc nhiên?”

“Vì đã có một vụ phạm pháp nghiêm trọng diễn ra cùng ngày với cuộc đua,” chú Luther đáp, đôi mắt xanh của chú sáng lên.

“Chú đã nghe nói về số tiền bị mất ạ,” tôi nói và gật đầu.

“Chú đã nghe, và chú nghĩ là sẽ gặp được cháu ở đây, nơi vụ trộm xảy ra. Hơn nữa, hôm nay đúng là một ngày đẹp trời để dạo chơi trong công viên đấy chứ.”

“À, có vẻ cháu đến đây là phải rồi, dù cũng không chắc lắm. Cháu muốn nói chuyện với ông Ralph Holman hoặc nhân viên an ninh hồi sáng nay đã trông chừng số tiền đóng góp. Nhưng hình như cảnh sát đã trói chặt họ trong ngân hàng mất rồi.”

“Không phải theo nghĩa đen đấy chứ, chú hy vọng không phải thế!” chú Luther lại cười.

Tôi không thể không cười lại. “Biết đâu cũng phải làm như vậy, chú nhỉ. Họ đã trông chừng một cái két rỗng mà.”

“Cháu biết đó…” chú Luther bắt đầu.

Tôi rất thích mỗi khi chú mở đầu bằng câu “Cháu biết đó,” bởi vì ngay sau câu này thường là điều tôi chẳng hề biết tí ti gì.

“Cháu biết đó,” chú lặp lại, “toàn bộ vụ trộm này làm chú nhớ đến vụ ở River Heights hồi trước.”

Dĩ nhiên là tôi có biết đến huyền thoại đó. Ai sống ở đây cũng từng được nghe kể đến cả triệu lần rồi. Nhưng chú Luther là chuyên gia ở thị trấn này, và chú biết tất cả các thông tin bên lề, dù là nhỏ nhất, mà người ta không lưu vào sổ sách lịch sử.

“Tất nhiên là cháu có biết về băng đảng Rackham chứ gì,” chú nói.

“Trước khi những người định cư kịp ổn định…” tôi đọc lại vanh vách thông tin in trên tờ chào mừng ở bến tàu River Heights, “một chiếc tàu hơi nước đã đến, mang theo một số tiền lớn để trao đổi với công ty Đe Búa Mahoney. Nhưng thông tin bị lộ ra ngoài, và băng Rackham đã lấy trộm số tiền đó.”

“Cháu được điểm A cộng cho kiển thức tổng quát,” chú Luther nói. “Bây giờ hãy cho chú nghe một số thông tin-không-phổ-biến đi nào.”

“Dạ được, để xem nào. Cháu nhớ là chú có chỉ cho cháu biết nơi chính xác đã xảy ra vụ trộm bất hủ kia,” tôi nói. Thật ra, lúc đó tôi rất hào hứng. Tôi gần như có thể cảm nhận được lịch sử nơi đó sống lại khi chú Luther mô tả vụ trộm huyền thoại đó. Như thể vùng River Heights cũng có hẳn một huyền thoại cướp biển của riêng nó vậy.

“Còn nữa,” tôi nói. “À, phải rồi – khi cô Lucia Gonsalvo tìm thấy một đồng tiền vàng hồi năm ngoái và nghĩ rằng nó xuất phát từ một con tàu chở kho báu đã bị chìm, chú đã nhận ra nó là một phần trong số của cải mà băng Rackham đã ăn cướp.”

“Rất tốt,” chú Luther nói.

“Cháu bỏ sót chi tiết nào hả chú?” tôi hỏi. “Cháu vẫn không hiểu sao lại nhắc đến băng Rackham?”

“À, ban nãy đã nói rồi đấy, theo chú thì vụ trộm xảy ra hồi sáng nay ở bên kia đường cũng giống vụ trộm của băng Rackham cách đây một thế kỷ.”

“Giống thế nào ạ?”

“Băng Rackham như thể đã biến mất vào không khí vậy. Người ta nhìn thấy chúng trước khi vụ trộm xảy ra, nhưng sau đó chẳng ai còn thấy nữa.”

“Chú nói là chúng đã tẩu thoát trên sông Muskoka, và có một chiếc thuyền đợi sẵn dưới sông.”

“Đúng thế,” chú Luther nói. “Cảnh sát đã khoanh vùng con sông, nhưng trừ phi có người canh chừng từng dặm một chứ chẳng có cách nào kiểm soát hết các địa điểm khả dĩ neo thuyền được cả – đặc biệt là vào ban đêm. Băng Rackham đã núp kỹ đợi đến khi trời tối. Rồi chúng tẩu thoát trên sông Muskoka với số tiền trộm được.”

“Có phải chú định nói là tên trộm hôm nay cũng sẽ tẩu thoát y như vậy không?”

“Chú biết chắc cháu sẽ suy luận ra mà,” chú Luther nói, vỗ vai tôi và đứng dậy. “Cháu là một người khôn ngoan.”

Trong khi tôi nhìn chú Luther đi bộ dọc xuống lối mòn, con chim chóp đỏ rũ bộ lông sũng nước rồi bay đi. Tôi nhìn theo con chim cho tới khi nó mất hút trong ánh nắng chiều, và tôi nghĩ về cuộc đối thoại với chú Luther.

Bất chợt tôi quay lại hiện trường là vạch xuất phát hồi sáng nay, khi mà kẻ lạ mặt mặc quần soóc cùng màu với bộ lông con chim chóp đỏ như đã biến mất vào hư vô.

“Mình cần phải nói chuyện với nhân viên an ninh đó,” tôi tự nhủ. “Anh ta cũng thấy Quần Đỏ – thật ra, chính anh ta đã cảnh cáo hắn phải tránh xa cái két sắt ra. Hẳn anh ta đã cho hắn vào danh sách đối tượng tình nghi.”

Tôi quay lại, băng qua đường đến ngân hàng, và lại liếc trộm qua cửa sổ. Các hoạt động bên trong đã lắng xuống, và cái két sắt rỗng đứng đó mà không có ai canh chừng. Hầu hết mọi người đã rời đi. Tôi không thấy cả ông Ralph Holman lẫn sĩ quan Rainey đâu.

Tôi ngẫu nhiên bước vòng về phía đại lộ Highland và đi dọc xuống con hẻm phía sau ngân hàng. Có vài xe cảnh sát chặn ở cuối con hẻm. Một chiếc xe màu đen không rõ của ai đậu ở lưng chừng hẻm, gần cửa sau ngân hàng.

Không thấy bóng người nào hết, nhưng tôi mong là có ai đó đang trông chừng cửa sau. Hy vọng là một trong số những viên cảnh sát vùng River Heights mà tôi quen biết – ai đó sẽ trả lời những thắc mắc của tôi liên quan đến vụ trộm. Tôi đã từng làm việc với vài cảnh sát của thị trấn trong một số vụ án trước đây – dĩ nhiên là hoàn toàn không chính thức. Tôi thật sự hy vọng được gặp cảnh sát trưởng McGinnis.

Tôi rón rén bước ngang qua chiếc xe chặn lối vào hẻm. Bây giờ là bốn giờ rưỡi, và tòa nhà ngân hàng đã chặn ánh mặt trời chiếu trực tiếp xuống đây, tạo nên những gợn sóng chắp nối ánh nắng phản chiếu và những bóng râm nhếch nhác trong con hẻm nhỏ.

Khi rời khỏi sự ấm áp của mặt trời, bất chợt một cơn rùng mình gợn lên qua vai tôi. Chẳng có ai đứng ở cửa sau ngân hàng cả. Tôi áp tai lên cánh cửa kim loại, nhưng chẳng nghe được gì ở phía bên kia hết.

Cánh cửa không có núm cũng chẳng có thanh bẩy. Trên bức tường ngay cạnh đó có một rãnh để quét thẻ. Điều đó có nghĩa là chỉ những nhân viên được cấp tấm thẻ từ mới được phép ra vào.

Tôi đến gần, dùng ngón tay đẩy nhẹ cửa. Hơi thở tôi nghẹn lại trong cổ khi cánh cửa chầm chậm dịch chuyển về phía trước – và một giọng nói vang lên sau lưng tôi.

“Nancy Drew!”

Bình luận